Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Giới dân chủ Trung Quốc tiếp tục phản kháng bất chấp đàn áp

Giới dân chủ Trung Quốc tiếp tục phản kháng bất chấp đàn áp
Ảnh minh họa cảnh sát  Trung Quốc ngăn chặn người biểu tình (Reuters)
Ảnh minh họa cảnh sát Trung Quốc ngăn chặn người biểu tình (Reuters)
Trọng Thành
« Giới dân chủ Trung Quốc nỗ lực đưa tiếng nói ra công luận bất chấp đàn áp » là tựa đề trang quốc tế của nhật báo Le Monde. Tờ báo dẫn lời nhà phân tích Hạ Vệ Phương (He Weifang), giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, người cổ vũ cho các thay đổi thể chế pháp luật tại Trung Quốc, theo ông, « Chế độ Trung Quốc hiện nay đang ở trong tình trạng rối loạn ».
Trong bối cảnh đàn áp gia tăng tại Trung Quốc nhắm vào giới dân chủ và những người bất đồng chính kiến, việc cất lên một tiếng nói phản kháng quả là một hành động mạo hiểm. Theo Le Monde, giáo sư luật học Hạ Vệ Phương hiểu điều này, khi ông tìm cách đưa ra một bài viết phản đối việc tư pháp thành phố Trùng Khánh đi quá giới hạn được phép.
Tại chính nơi đây, một « chiến dịch đỏ », nhằm cổ vũ cho lập trường cứng rắn từ phía chính quyền, đang diễn ra rầm rộ. Ba nhật báo cởi mở nhất của truyền thông Trung Quốc đã từ chối không nhận xuất bản bài viết của ông Hạ Vệ Phương. Chỉ có một nhật báo của Thượng Hải là dám làm điều này. Giáo sư luật Đại học Bắc Kinh cho Le Monde biết, lãnh đạo đảng Cộng sản của thành phố Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai dám mở miệng chỉ trích và tống giam họ với tội danh « làm tay chân cho Phương Tây ».
Tuy nhiên, giới dân chủ đã không khoanh tay. Ngoài phản ứng của ông Hạ Vệ Phương, ngày 28/4, xuất hiện trên tờ báo chính thống Nhân dân nhật báo, một bài xã luận cổ vũ cho quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Bài viết mở đầu với một trích dẫn được cho là của nhà triết học Voltaire : « Tôi không đồng ý với điều bạn nói, nhưng tôi sẵn sàng trả giá sinh mạng của mình cho quyền tự do phát biểu của bạn ». Bài viết, thể hiện cho quan điểm của giới trí thức và hoạt động xã hội có thiên hướng dân chủ, khẳng định : Trung Quốc đang ở « một bước ngoặt lịch sử », nơi « sự đa dạng là bí mật đối với sự phú cường của một xã hội ». Tác giả bài xã luận kịch liệt phản đối các thế lực muốn « dùng quyền lực để bịt miệng những người khác quan điểm ».
Bài viết ngợi ca sự khoan dung và quyền tự do ngôn luận kể trên là một đòn đánh công khai chống lại thái độ hoảng sợ của chính quyền, dùng các biện pháp an ninh đè bẹp các ý kiến đối lập trong những tuần gần đây.
Cũng ngày 28/4, trong cuộc trả lời họp báo với các phóng viên Trung Quốc tại Kuala Lampur (Malaysia), khi ông đang trong chuyến công du, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cổ vũ cho một cuộc cải cách chính trị. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc cổ súy tinh thần độc lập và ý thức sáng tạo. Lời phát biểu của thủ tướng Trung Quốc đã không được báo chí trong nước đăng tải. Theo nhà chính trị học Joseph Cheng, thuộc City University Hồng Kông, phát biểu của thủ tướng Ôn Gia Bảo cho thấy « sự thất vọng » của một lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, ngay cả với tư cách là người đứng đầu chính phủ cũng không thể tiến hành được các cải cách chính trị, bất chấp việc ông nhắc đi nhắc lại những yêu cầu này. Nhà chính trị học nhận xét, việc ông Ôn Gia Bảo tiếp tục nói nhiều về chuyện này là bởi vì ông sẽ không còn có cơ hội để nói sau khi về hưu vào năm 2012.
Trong hiện tại, nếu như trong giới lãnh đạo Trung Quốc không xảy ra các mâu thuẫn lớn, như vào thời điểm 1989, thì việc đưa tinh thần mao-ít trở lại và việc tiến hành các đàn áp khốc liệt đã nhận được sự ác cảm từ phía các bộ phận cấp tiến nhất trong xã hội và trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự đàn áp và thái độ cứng rắn không hợp thời này, theo giáo sư Hạ Vệ Phương, đã thể hiện cho sự hoảng hốt của chế độ hiện hành trước những khát vọng đạo đức, công lý và tinh thần của xã hội Trung Quốc.
Ông Hạ Vệ Phương được biết đến như một trí thức nỗ lực hoạt động và cổ vũ cho một nền pháp lý công bằng, điều mà chính quyền Trung Quốc hiện nay đang cưỡng lại. Là độc giả cần mẫn của nhà tư tưởng Pháp Alexis de Tocqueville, đặc biệt là hai cuốn « Chế độ cũ » và « Cách mạng », giáo sư Hạ Vệ Phương khuyên các lãnh đạo Trung Quốc nên đọc tác giả này. Ông nhấn mạnh một kinh nghiệm lịch sử, chế độ quân chủ Pháp cuối thế kỷ XVIII đã bỏ lỡ một sự thay đổi quan trọng, mà vương quyền Anh Quốc đã thực hiện được, cụ thể là đã dành nhiều không gian hơn cho các hoạt động của các luật sư và việc bảo vệ các quyền của dân chúng, với habeas corpus, tức là quyền không bị bắt khi chưa bị kết tội.
Chiến phí của Pháp tại Libya hiện lên đến 50 triệu euro
Về cuộc chiến tại Libya, phụ trương của nhật báo kinh tế Les Echos cho biết « Chiến tranh tại Libya đã khiến Pháp phải chi tới 50 triệu euro », kể từ khi bắt đầu chiến dịch Harmattan, 19/3, sau khi nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an được ban hành. Trong số tiền 50 triệu euro kể trên, khoảng 30 triệu là dành cho đạn dược mà không quân sử dụng. Số tiền còn lại chủ yếu được chi trả vào các khoản tiền thưởng cho những quân nhân tham chiến.
Các chí phí chiến tranh tại Libya là không được dự trù trước, một phần trong số đó sẽ được chi trả với ngân sách dành cho huấn luyện quân sự. Dự kiến nếu chiến tranh kéo dài ba tháng, chi phí sẽ là 100 triệu euro, nếu kéo dài một năm sẽ là 400 triệu euro.
Islamabad bị phương Tây ngờ vực, vì để Ben Laden sống an toàn tại Pakistan
Việc thủ lĩnh Al-Qaida bị Hoa Kỳ tiêu diệt ngay tại Pakistan khiến hình ảnh của Islamabad trong con mắt của các nước Phương Tây đổi khác. Le Monde chạy tựa « Pakistan đối diện với sự nghi ngờ quốc tế ». Ngày hôm qua, thủ tướng Pakistan đã có cuộc gặp với tổng thống và thủ tướng Pháp, nhằm hóa giải mối ngờ vực này nhằm không làm thay đổi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trước chuyến công du của thủ tướng Pakistan tới Pháp, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đã chỉ trích Pakistan đã có một lập trường không rõ ràng, bởi theo ông, không thể nào tin được một nhân vật như Ben Laden lại có thể sống ngay tại một thị trấn nhỏ bé, mà không bị chính quyền Pakistan phát hiện ra.
La Croix, với đặc phái viên tại Abbottabad, đã cho biết chi tiết về những ghi nhận và phản ứng của các cư dân tại khu vực này đối với cuộc tấn công tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaida và đời sống của những người trong ngôi nhà bí ẩn, nơi Oussama Ben Laden từng ẩn náu.
Theo Les Echos, thủ tướng Pakistan trong chuyến công du Pháp đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc liên quan đến Ben Laden. Thủ tướng Yousuf Raza Gilani nhấn mạnh, Pakistan đã hy sinh 30.000 người trong cuộc chiến chống khủng bố, và cuộc chiến này chiếm 4% tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan.
Cha đẻ của vi tín dụng thanh minh cho mô hình kinh tế vì lợi ích của người nghèo
Cũng liên quan đến khu vực Nam Á, nhật báo Libération hôm nay có cuộc phỏng vấn với giải Nobel Hòa bình năm 2006 người Bangladesh, ông Muhammad Yunus, được tôn vinh là cha đẻ của mô hình của vi tín dụng. Ngày 2/3, ông Yunus đã bị chính quyền Bangladesh loại ra khỏi ban giám đốc Ngân hàng Grammen Bank, ngân hàng của những người nghèo do ông sáng lập, với lý do ông đã đến tuổi về hưu. Tuy nhiên, theo những người ủng hộ ông Yunus, lý do chính khiến ông bị mất chức là vì đã dám thành lập một đảng chính trị độc lập vào năm 2007, và vì vậy ông trở thành đối thủ của thủ tướng Bangladesh.
Libération cũng cho biết giải Nobel Hòa bình cũng đã được trắng án với vụ kiện ông biển thủ tài chính. Ngân hàng Grammen Bank có đến 8 triệu khách hàng, trong đó 97% là phụ nữ, hàng tháng ngân hàng cho mượn đến hơn 100 triệu đô la.
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Yunus khẳng định việc phối hợp hai mục tiêu kinh doanh và xã hội là hoàn toàn có thể được, ví dụ như chuyện các công ty đa quốc gia như Danone tiến hành sản xuất sữa chua với giá rẻ để giúp vào việc khắc phục nạn suy dinh dưỡng. Một social business, tức là các hoạt động thương mại vì mục tiêu xã hội, theo diễn đạt của ông, có thể góp phần vào việc đẩy lùi nghèo đói. Mặc dù các hoạt động đó hiện nay không thấm gì, nhưng theo ông Yunus, nếu thay đổi cách suy nghĩ, chúng sẽ mang lại nhiều tác động lớn.
Paris quyết định tự xử lý rác thải để thay đổi quan hệ với khu vực ngoại ô
Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tin mới liên quan đến một hoạt động bảo vệ môi trường quan trọng tại Paris. Les Echos cho biết Lời hứa hẹn của Paris không xả rác ra ngoại ô bắt đầu biến thành hiện thực kể từ hôm qua.
Trung tâm Syctom, chuyên phụ trách xử lý rác thải cho 83 khu vực với 5,5 triệu cư dân Paris, đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm với 30 nhân viên này cho phép phân loại 15.000 tấn rác thải gia dụng hàng năm. Đây là bước đi đầu tiên hướng đến việc thành phố tự xử lý hoàn toàn rác thải gia dụng.
Bên cạnh hoạt động phân loại rác thải, mục tiêu của trung tâm này còn là mang lại cho cư dân Paris một bài học sống động về cách xử lý rác. Bởi vì, tính hiệu quả của việc xử lý rác phụ thuộc rất nhiều vào các cá nhân. Theo Les Echos, các hoạt động xử lý rác tại trung tâm của thành phố không cho phép sửa lại các sai lầm của các cá nhân, khi họ vứt rác sai chỗ, khiến cho một thùng chất thải tái chế có thể bị hỏng hoàn toàn. Như vậy, kể từ nay, các cư dân Paris có thể tới thăm quan trung tâm này để biết được tận mắt những khó khăn và đặc thù của hoạt động phân loại rác bảo vệ môi trường.
Quyết định của thành phố Paris tự xử lý rác thải ngay trong thành phố nằm trong chủ trương của thị trưởng Bertrand Delanoe nhằm thiết chặt quan hệ với các vùng ngoại ô.
Trang nhất các nhật báo Pháp
Trang nhất nhật báo Libération hôm nay chạy tựa « Chiến dịch tái chinh phục bắt đầu », với nhận định : cái chết của Oussama ben Laden tạo sức bật cho tổng thống Hoa Kỳ Obama trong cuộc tái tranh cử tổng thống 2012. « Afghanistan. Pháp dự định rút quân sớm » là hàng tựa chính của Le Figaro. La Croix thì hướng sự chú ý đến tình trạng bạo lực giữa các sắc tộc vẫn tiếp diễn tại Côte d’Ivoire với hàng tựa đề « Tại Bờ Biển Ngà, cướp bóc tiếp tục ».
Về thời sự Châu Âu, Les Echos chạy tựa « Bật đèn xanh cho việc kiểm soát trở lại những đường biên giới giữa các quốc gia Châu Âu ».
Về thời sự nước Pháp, « Bốn năm sau khi thắng cử, ông Sarkozy hiện đang xây dựng các cơ sở cho chiến dịch tái tranh cử 2012 » là tựa đề trên trang nhất Le Monde. Còn tờ l’Humanité thì hướng cái nhìn đến dự luật mới liên quan đến việc tăng cường cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát của Châu Âu đối với tài khóa và Bảo hiểm quốc gia, do chính phủ Pháp đệ trình để Quốc hội chuẩn y, với hàng tựa « Siêu thắt lưng buộc bụng. Một đòn đánh mạnh ». Le Figaro tiếp tục chú ý đến hiện tượng bê bối dây chuyền của biệt dược Mediator với hàng tít : « Mediator trị giá 1,2 tỷ đô la đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét