Ngày 19 tháng 4 năm 2011
William Broyles Jr. – Tại sao người ta lại thích chiến tranh (kỳ 2)
Sau khi tất cả đã mờ phai thì cái còn lại vĩnh viễn sau chiến tranh chính là tình đồng đội. Đồng đội là người mà ta có thể giao phó mọi việc vì ta đã giao phó cuộc đời cho anh ta. “Đấy là”, như Philip Caputo viết trong A Rumor of War “khác với hôn nhân, tình đồng đội là sự gắn bó không thể dùng lời nói, nỗi buồn chán hay li dị hoặc bất cứ thứ gì khác mà phá bỏ được, chỉ có cái chết mới phá bỏ được nó”. Mặc cho hình ảnh quá hữu khuynh của nó, chiến tranh là trải nghiệm mang tính không tưởng duy nhất mà đa số chúng ta từng trải nghiệm. Tài sản hay địa vị cá nhân đều chẳng có ý nghĩa gì: nhóm mới là tất cả. Tất cả những cái mà ta có đều được chia sẻ với bạn bè. Đấy không phải là một quá trình chọn lọc đặc biệt, tình yêu không cần lí do, tình yêu không cần biết đến chủng tộc, cá tính và học vấn – đấy là những thứ tạo ra khác biệt trong thời bình. Đấy đơn giản là tình anh em.
Cái làm cho mối tình này trở thành mạnh mẽ đến như thế vì nó không có giới hạn, không bao giờ chết. John Wheeler trong Touched with Fire dẫn lại lời vinh danh Hector Santiago-Colon khi anh được trao Huân chương Danh dự như sau: “Vì hoả lực và lựu đạn nổ ầm ỹ xung quanh cho nên quân Bắc Việt có thể bò đến gần chốt mà quân ta không biết. Bất ngờ một quả lựu đạn của địch quân rơi trúng hầm trú ẩn của đơn vị Sp4C của Santiago-Colon. Không còn thời gian để tung quả lựu đạn ra ngoài, Santiago-Colon liền ôm vào bụng và quay người đi, để tránh thương vong cho đồng đội, anh đã phải chịu toàn bộ sức ép của vụ nổ”. Đấy chính là chủ nghĩa anh hùng truyền thống, là bằng chứng rõ ràng về tình đồng đội. Santiago- Colon đã nghĩ gì trong một phần giây đồng hồ, khi anh có thể chạy trốn? Chỉ có thể là: đồng đội của ta còn quan trọng hơn cả đời ta – tài sản quí giá nhất mà ta có.
Trong chiến tranh sợ nhất là bị lạc hay mất liên lạc với đơn vị. S.L.A. Marshall, nhà sử học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực quân sự, đã tiến hành nghiên cứu các tình huống chiến đấu đột xuất trong Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như chiến tranh Triều Tiên và phát hiện ra rằng trong hầu hết các trường hợp, chỉ có 25% binh sĩ nằm dưới tầm hoả lực là có bắn trả mà thôi. Số còn lại tìm chổ ẩn nấp, hoảng loạn và bất lực. Bao giờ cũng thế, những người này cảm thấy đơn độc, mà cảm thấy đơn độc trong chiến đấu nghĩa là không còn hoạt động được nữa; đấy là khúc mở đầu đầy kinh hoàng trước khi cái chết thực sự xảy ra. Chỉ những người còn giữ được bình tĩnh mới cảm nhận được là họ còn có mối liên hệ với những người khác, còn cảm thấy là một phần của cái sức sống tập thể có tên là tình đồng đội, đủ sức đối mặt với chết chóc và còn tỉnh táo mà thôi. Nhưng khi trở về từ chiến tranh, nhiều người vẫn còn cảm thấy sợ tình cảnh cô đơn, đấy là một hạt cải nhỏ tí đã được gieo trên mảnh đất màu mỡ.
Sau khi trở về từ Việt Nam, tôi cố gắng giữ liên hệ với những người bạn thân. Chúng tôi viết thư cho nhau, chúng tôi tổ chức gặp mặt, nhưng bao giờ cũng có một cái gì đó xảy ra và dường như chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau vậy. Mấy năm đầu chúng tôi còn gửi cho nhau thiệp chúc mừng nhân dịp Giáng sinh, nhưng sau đó thì mọi sự chấm dứt. Cái thế giới đặc biệt từng giữ tình đồng đội nồng ấm của chúng tôi đã vĩnh viễn biến mất rồi. Cuộc sống hàng ngày – công việc, gia đình, bạn bè – đã cải hoá chúng tôi và chúng tôi lớn lên.
Nhưng không phải mọi sự đều như thế. Thí dụ ở Việt Nam tôi đã gần gũi với Hiers hơn bất kì ai khác trước đó và sau đó. Chúng tôi gắn bó với nhau bằng cái máy vô tuyến, cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào nhau và phụ thuộc vào nó. Chúng tôi ăn, ngủ, cười nói và sợ hãi cùng nhau. Khi mới đến Việt Nam, tôi bắt Hiers phải chào tôi theo đúng điều lệnh, nhưng anh ta không làm, thường thì anh ta chỉ nói: “Xin chào ông trung uý” mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Mỗi lần không chào là tôi lại bảo anh ta đổ đầy một trăm bao tải cát.
Sau khi đã đổ đầy mấy ngàn bao tải cát, Hiers kéo tôi sang một bên và bảo: “Này ông trung uý, tôi sẽ rất vui khi chào ông theo đúng điều lệnh. Nhưng nếu tôi quen như thế ở đây thì tôi có thể sẽ chào ông lúc chúng ta nằm trong bụi rậm ngoài tiền duyên. Và mấy tay da vàng đang đợi chúng ta chào nhau, chẳng khác gì bảo cho chúng biết ai là trung uý. Ông sẽ là người tan xác trước tiên”. Chúng tôi không còn nhắc đến bao tải cát và chuyện chào hỏi nữa. Mấy tháng sau, trước khi rời đơn vị để về nhà, Hiers quay sang phía tôi đúng lúc tôi đang đứng trên vị trí giữa đỉnh đồi và giơ tay lên chào một cách điệu nghệ chưa từng thấy. Tôi đưa ngón tay chỉ vào người anh, và phải mười lăm năm sau tôi mới gặp lại anh ta. Chúng tôi vô tình gặp nhau bên cạnh bức tường tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở Việt Nam, giống như một biểu tượng; bao nhiêu năm đã trôi qua – chúng tôi đã đủ trưởng thành để nói lời vĩnh biệt với những người mà chúng tôi đã từng là và trở thành bạn như những người mà chúng tôi hiện đang là.
Đối với hai chúng tôi và đối với hàng ngàn cựu chiến binh khác, bức tường là vùng đất đặc biệt. Chiến tranh là một vở kịch, Việt Nam đã được diễn mà không có hồi kết. Sân khấu không được dọn dẹp, các nhân vật chính bị lạc ở đấy, không có đường ra và cũng chẳng còn gì để mà nói nữa. Cho nên khi đến bức tường tưởng niệm chúng tôi tự viết lấy hồi kết khi nhìn vào tên những người được ghi trên trên đó, chạm tay vào từng cái tên một và lấy nước mắt ra lau, rồi nói lời vĩnh biệt. Bây giờ chúng tôi đã già dặn hơn, có người đã thành ông nội ông ngoại rồi, một số người khá thành đạt, nhưng bức tường đã chạm đến cái phần mà chúng tôi vẫn để lại ở đó, vẫn để lại dưới làn đạn, một mình. Khi chúng tôi đến bức tường đó, gặp lại hồi ức về bè bạn và trả món nợ tưởng nhớ, kéo họ ra khỏi những nấm mồ và để tình yêu thương ngơi nghỉ, chúng tôi tìm được sự bình an.
Người ta thích chiến tranh vì tất cả những lí do như thế. Nhưng đấy là những lí do dễ hiểu, là những lí do có thể nói mà không sợ bị phản đối, không cần phải đi quá sâu vào sự thật hoặc bản thể của chúng ta. Nhưng người ta thích chiến tranh còn vì những lí do khác, rắc rối hơn nhiều. Tình yêu chiến tranh xuất phát từ sự hợp nhất giữa sinh thành và phá hoại, giữa cái đẹp và sự gớm ghiếc, giữa tình yêu và cái chết nằm sâu trong bản thể của chúng ta. Chiến tranh có thể là cách duy nhất mà hầu hết đàn ông có thể chạm được vào khu vực bí ẩn nhất trong tâm hồn chúng ta. Đối với đàn ông, chiến tranh là cái gì đó rất gần gũi với sự sinh nở của đàn bà: khai tâm về sức mạnh của sống và chết. Tương tự như việc mở ra một góc của vũ trụ và nhìn thấy những thứ ở bên dưới. Chứng kiến chiến tranh là chứng kiến phần cốt lõi đen tối của sự vật, chứng kiến vùng đất không người nằm giữa sống và chết, thậm chí còn xa hơn nữa.
Và điều đó giải thích cho ta biết sự kiện quan trọng nhất của những câu chuyện mà người ta kể về chiến tranh. Mọi câu chuyện hay về chiến tranh, chí ít là một số chi tiết chính yếu nhất của nó, đều là giả. Chuyện càng hay thì lại càng không thật. Robert Graves viết rằng điều quan trọng nhất ông thu nhận được từ Chiến tranh thế giới thứ nhất là “khó nói lên sự thật”. Tôi chưa bao giờ nghe thấy người lính nào nói với phóng viên câu chuyện về chiến tranh mà lại không phải là chuyện bịa, rằng một số chuyện tôi nói về chiến tranh là chuyện bịa. Không phải những chuyện bịa là không thật, ở mức độ nào đó. Chúng chứa đựng sự thật, theo nghĩa đạo đức thậm chí huyền thoại chứ không phải theo nghĩa đen. Chúng nhắc nhở người kể và người nghe về vị trí của họ trong thế giới này. Đấy là những câu chuyện có từ thời tiền sử được kể bên bếp lửa trong những túp lều đầy khói trong lúc trà dư tửu hậu. Về bản chất, tất cả những câu chuyện đó đều giống nhau như đúc.
Trong tập Dispatches của Michael Heir có những câu chuyện hay nhất về cuộc chiến Việt Nam. Một trong những câu chuyện được trích dẫn nhiều nhất viết như sau:
“Nhưng câu chuyện mà anh ta kể cho tôi nghe, rõ ràng và xúc động như bất kì câu chuyện về chiến tranh nào khác mà tôi từng được nghe. Phải một năm sau tôi mới hiểu: ‘Đơn vị tuần tra đi lên đồi. Một người quay lại. Anh ta chết trước khi có thể nói Chuyện gì vậy.’
Tôi đợi nghe tiếp, nhưng dường như đây không phải là chuyện kiểu đó; khi tôi hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì thì anh nhìn tôi như thể lấy làm tiếc cho tôi, chán nản như thể đã phí thì giờ mà nói với những chuyện như thế với những người ngu như tôi”.
Đấy là một câu chuyện cực kì hay, một bài thơ haiku về chiến tranh, tất cả không gian tiêu cực và sự tăm tối đều báo cho Hier điềm gở. Rất hay và đặc trưng cho Việt Nam. Nhưng xin hãy nghe:
“Tất cả chúng tôi đều tiến về Gettysburg, đấy là mùa hè năm 63: và một số người trong chúng tôi đã trở về từ đấy: và đấy là tất cả, ngoại trừ một số chi tiết”. Đấy là câu chuyện về Gettysburg do Praxiteles Swan, có thời từng là đại uý quân đội Liên bang, viết. Ngôn ngữ có khác, nhưng câu chuyện thì vẫn thế. Và tôi ngờ rằng đây là câu chuyện được kể từ ngày con người bắt đầu đi ra mặt trận. Mục đích của nó không phải là khai minh mà là ngăn chặn; thông điệp của nó làm rối loạn nội dung, nhưng nó đặt người nghe vào đúng vị trí của anh ta. Tôi đã chịu đau khổ, tôi đã ở đấy. Còn bạn thì không. Chỉ có những sự kiện đó là có ý nghĩa mà thôi. Mọi thứ khác đều không thể diễn đạt bằng lời. Như người ta nói sau những thảm kịch khủng khiếp nhất ở Việt Nam: “Chẳng có ý nghĩa gì”. Nhưng lại là: “Đấy là tất cả”. Ngôn từ không đủ sức.
Chuyện về chiến tranh diễn ra trong vương quốc của huyền thoại vì chuyện nào cũng nói về chết chóc cả. Và một trong những lí do để người ta thích chiến tranh là vì người ta thích phá hoại, thích giết chóc. Trong tác phẩm The Warriors, một tác phẩm tuyệt vời nhất của J. Glenn Gray viết về Chiến tranh thế giới thứ hai, có đoạn: “Trong quân ngũ, hàng ngàn thanh niên, những người chưa bao giờ ngờ rằng trong con người họ lại có những xung động như thế, đã cảm thấy được niềm phấn khích điên rồ của sự phá hoại”. Đấy cũng là điều Hemingway ám chỉ khi ông viết: “Công nhận rằng bạn cũng thích sát sinh như tất cả những người lính đôi khi đã khoái làm chuyện đó dù họ có nói về nó hay không”.
Trung đội của chúng tôi đã đi khắp Việt Nam, vừa đi vừa đốt “rơm” (hãy xem ngôn từ đã giải phóng nước Mĩ như thế nào – chúng tôi không đốt nhà và bắn người: chúng tôi đốt “rơm” và bắn “da vàng”), giết chó, lợn và gà, và phá hoại, vì như anh bạn Hiers của tôi nói: “Lúc đó chúng tôi nghĩ là vui”. Bất cứ người nào đã từng bắn súng bazooka hay súng liên thanh M-60 đều biết rằng có một cái gì đó bí ẩn liên quan đến cú đụng chạm nhẹ nhàng, duyên dáng lên cái cò súng. Giống như thanh gươm đầy ma thuật của vua Arthur: chỉ cần kéo thật nhẹ ngón tay, giống như một tia chớp ở trong đầu và trong tiếng nổ, trong năng lượng và ánh sáng của nó, một chiếc ô tô tải, ngôi nhà hay thậm chí mấy người lập tức biến mất, tất cả đều tung lên, đều biến thành tro bụi hết.
Có mối liên kết giữa cảm giác kinh hoàng này với những trò chơi mà chúng ta thường chơi khi còn nhỏ, những trò chơi bất tận giữa Cao-bồi và dân da đỏ, những trò chơi chiến tranh, những trò chơi thường kết thúc với câu: “Đoàng, mày chết rồi”, và tất cả những người “chết rồi” đó đều đứng lên và chơi tiếp. Đấy là cuộc chiến tưởng tượng, ta cũng gặp tình cảm như thế khi xem phim hay đọc sách, ở đấy chết chóc không để lại hậu quả gì, không phải là sự kết cục kinh hoàng: máu từ cái thân xác hữu sinh hữu tử của chúng ta tuôn xối xả xuống vũng bùn. Trẻ con không phải là những người duy nhất thích tưởng tượng, trí tưởng tượng còn ám ảnh cả người lớn, những người chưa từng ra trận và những người chịu trách nhiệm chôn cất chúng tôi cũng rớt nước mắt hệt như khi họ nhìn thấy người lính chết trên màn ảnh vậy – đấy là những giọt nước mắt của trí tưởng tượng, những giọt nước mắt rẻ tiền. Việc thích phá phách và giết chóc trong chiến tranh có xuất xứ từ trí tưởng tượng coi chiến tranh chỉ là trò chơi, nhưng nó hấp dẫn hơn vì được có mặt ở những chỗ rủi ro nhất. Đấy là trò chơi mà những người thoát chết chơi, sau khi họ nhìn thấy cái chết gần đến như thế và đã nhập tâm rằng chết là chuyện bình thường, không thể nào tránh được, ai cũng phải chết.
Tôi không biết mình đã giết được người nào ở Việt Nam hay chưa, nhưng hồi ấy tôi đã tìm mọi cách để làm việc đó. Tôi bắn khi nhìn thấy lửa đầu nòng trong đêm tối, tôi ném lựu đạn khi đi phục kích, tôi gọi pháo binh và không quân ném bom vào nơi mà tôi cho rằng địch quân đang ẩn náu. Tôi cảm thấy bất mãn khi đơn vị bạn thu được nhiều xác chết hơn: chẳng khác gì đã mặc quần áo cầu thủ bóng đá mà cuối cùng không được ra sân vậy. Sau một trận phục kích đơn vị tôi lôi về xác một chiến binh Bắc Việt. Một lúc sau tôi thấy xác người lính được đặt ngồi, lưng dựa vào mấy thùng đựng thuốc vitamin C, mắt đeo kính, cuốn tạp chí Playboy nằm dưới chân, điếu thuốc lá lủng lẳng trên miệng, còn đầu thì đội một miếng vải áo to, được xếp một cách rất cẩn thận.
Tôi giả vờ tức giận vì việc báng bổ xác chết như thế thật không phải là Mĩ và chẳng có lợi gì. Nhưng thực ra tôi không giận. Tôi làm mặt nghiêm, nhưng trong bụng tôi lại cười thầm. Tôi cười – bây giờ tôi tin là như thế – một phần là vì trong trong đáy sâu tâm hồn tôi bỗng có liên tưởng giữa tình dục, cứt đái và chết chóc; và một phần là vì tôi vui mừng khi biết rằng anh ta – là ai thì cũng thế thôi – đã chết, còn tôi – một người đặc biệt, có một không hai – vẫn còn sống. Anh ta là anh em với tôi, nhưng tôi không biết anh ta. Biên giới giữa sống và chết mỏng như một sợi tơ; thật là vui, đúng là rất vui khi ta còn sống nhưng biết bao người xung quanh đã chết. Và thật đáng tiếc là từ niềm vui khi biết rằng mình vẫn sống giữa cảnh chết chóc đến niềm vui giết người chỉ là một bước nhỏ.
Tôi biết một viên trung tá, một người trí thức thực sự, được giao làm việc dân sự, tức là giúp nông dân Việt Nam trồng lúa cũng như những việc khác nhằm cải thiện đời sống cho họ. Anh là một người nhạy cảm, thường ghi nhật kí và là người phù hợp với công việc tranh thủ trái tim và khối óc hơn là chỉ huy đánh nhau. Nhưng anh đã quay lại vị trí chỉ huy và tôi nhớ đã lao đến căn cứ của anh sau khi nó bị lực lượng công binh Bắc Việt tấn công. Đa số người trong đơn vị lúc đó đều ra trận rồi cho nên viên trung tá tập hợp tất cả nhân viên và đầu bếp lại và đã đuổi được lính đặc công Bắc Việt ra khỏi vị trí, truy kích qua cánh đồng lúa và giết được hơn một chục tên lính thiện chiến của kẻ thù. Sáng hôm đó, khi họ xem lại kết quả và đưa xác lính Bắc Việt lên xe – tất cả đều cởi trần và trát đầy dầu mỡ và bùn để có thể chui qua hàng rào kẽm gai – giống như đưa rác lên vậy, trên mặt viên trung tá bỗng hiện lên vẻ mãn nguyện mà tôi chỉ gặp trong những buổi cầu nguyện đầy thành kính mà thôi. Đấy là nét mặt của một người đang ở trong trạng thái thăng hoa.
Còn tôi – tôi đã làm gì trước khung cảnh kinh tởm này? Tôi cũng mỉm cười, hân hoan như anh ta vậy. Tôi đã đứng bên miệng vực của tình người, tôi nhìn vào đáy vực và tỏ ra thích thú với những điều đã nhìn thấy ở đấy. Tôi đã đánh mất lòng từ bi, tức là đánh mất cái phẩm chất giúp ta cảm được sự đau khổ của người khác. Thay vì thế, tôi lại nhìn thấy cảnh đẹp kinh hoàng ở đây. Chiến tranh không chỉ đơn giản là lòng hận thù, mặc dù chắc chắn đầy là công việc của quỉ sứ. Nhưng công bằng mà nói, đấy còn là một công việc tuyệt đẹp và đầy quyến rũ nữa.
(còn tiếp)
Nguồn: “Why Men Love War”, Esquire, November 1984.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét