Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Áp lực xã hội buộc điều tra kẻ mật báo cho Dương Chí Dũng

Áp lực xã hội buộc điều tra kẻ mật báo cho Dương Chí Dũng

Áp lực xã hội quá lớn đang thúc đẩy chế độ Hà Nội phải lập một thứ ban chuyên án gồm nhiều cơ quan khác nhau để điều tra lời khai “mật báo” và hối lộ của Dương Chí Dũng.
Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ đối diện với cuộc điều tra tiết lộ bí mật để ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, chạy trốn trước khi bị bắt giam. (Hình: Soha.com)

“Hiện tại, tòa án thành phố Hà Nội giao cho Viện kiểm sát (VKS) thành phố vì VKSND  thành phố Hà Nội là cơ quan duy trì thực hành công tố tại tòa theo quy định của pháp luật. Đương nhiên, sau khi được giao thì VKSND TP Hà Nội phải báo cáo VKSND Tối cao. Mà việc này lại do Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đang điều tra cho nên chắc rằng tới đây sẽ phải thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp tham gia điều tra.”

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó An Nội Chính Trung Ương của đảng CSVN, nói như thế trong cuộc phỏng vấn của báo Người Lao Động về việc quyết định khởi tố vụ án ngay ở tòa về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” tại phiên tòa xử nhóm ông Dương Tự Trọng và tay chân tổ chức cho ông Dương Chí Dũng đi trốn.

Trong phiên tòa ngày 8/1/2014, ông Dương Chí Dũng khai trong tư cách nhân chứng là ông đã được thượng tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công An, mật báo cho biết sắp bị bắt giam và khuyên “chú nên lánh mặt một thời gian”. Đồng thời, ông cũng khai rằng đã tới nhà tướng Ngọ một số lần, hai lần đưa tổng cộng 510,000 USD để “chạy án” cho mình và trước đó, đưa một triệu đô la chuyển dùm bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Tân Thịnh Phát, hối lộ để đừng cản trở việc bà xí phần “chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn”.

Một số luật sư đã nêu khía cạnh pháp lý và các khó khăn điều tra về lời khai của ông Dương Chí Dũng. Ông Nguyễn Đình Hương cựu Phó ban Tổ chức trung ương đảng CSVN là người đầu tiên nêu ý kiến cần phải lập một ban điều tra liên ngành để tránh cuộc điều tra theo kiểu “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” của Bộ Công An. Cũng vì vậy, không ít người nghi ngờ vụ điều tra sẽ không được làm đến nơi đến chốn vì sẽ đụng đến những cấm kỵ và “ở trên” sẽ chỉ đạo xuống, phải làm như thế nào, được điều tra ai, làm tới đâu.

Trước các áp lực, ông Phạm Anh Tuấn phải thanh minh trước rằng “Việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp nhằm tránh trường hợp “chuyện trong nhà”. Mà đúng là cũng phải tránh thật,  xã hội cũng dị nghị nên cần thiết phải có tổ liên ngành tham gia. Nếu vụ án bình thường thì CQĐT dư sức, thừa quyền làm được. Nhưng thôi! Đúng là để đảm bảo khách quan thì cần có sự chỉ đạo của liên ngành.”

Dù vậy, ông vẫn rào đón rằng “Tuy nhiên, cụ thể thế nào trong vài ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng.” Ít nhất, sẽ có sự tham dự của “Ban Nội Chính Trung Ương” của đảng CSVN và vai trò sẽ như thế nào thì cũng “phải chờ ít hôm nữa”.

Trên báo VietnamNet, ông Trần Quốc Thuận hiện hành nghề luật sư ở Sài Gòn, trước đây là Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội CSVN, nhắc đến “chỉ đạo” của những cấp cao từ kinh nghiệm của những vụ án tham nhũng lớn trước đây, cho rằng cơ quan điều tra mà không được độc lập và có thẩm quyền thật sự thì khó lòng bắt được “đầu sỏ”.

“Tôi biết gần đây muốn khởi tố một vị đương chức đương quyền, ít nhất là đảng viên cũng phải xin ý kiến cấp này cấp kia, nếu không cũng không dễ gì đụng đến người đó. Những cấp này cấp kia cấu kết với người tham nhũng lắc đầu thì sao? Đáng lẽ những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần có thẩm quyền độc lập, nếu khi cần bắt giam họ có thể quyết ngay không cần phải xin ý kiến”, lời ông Trần Quốc Thuận.

Điều tra mà không có thẩm quyền độc lập thì sẽ không khách quan và sẽ không thể đi đến tận cùng của vụ án tức “cái gốc của tham nhũng” thì “sẽ không làm dân thỏa mãn được”, theo ông Thuận.

Báo VietnamNet hôm chủ nhật cho hàng hàng trăm độc giả của báo này đã cùng nêu ý kiến và muốn thấy vụ điều tra lời khai của ông Dương Chí Dũng “được điều tra tới nơi tới chốn, công khai kết quả”. Nếu chỉ làm theo kiểu qua quýt bịp bợm dư luận quần chúng thì “nên chấm dứt phong trào chống tham nhũng đi thôi”.

Hôm Thứ Bảy, báo Dân Việt tiết lộ khi khai ở phiên tòa ngày 8/1/2014, ông Dương Chí Dũng đã khai là dùng “sim rác” có số “tứ quý” là “0975.00.888” để liên lạc với tướng Phạm Quý Ngọ. Ông tướng Ngọ khuyên ông Dũng dùng sim điện thoại trả tiền trước cho một số thời lượng ở Việt Nam gọi là “sim rác” dùng hết số phút đã trả tiền thì vất đi. Nhờ vậy, che đậy được cho cả người gọi và người nghe.

Với tiết lộ rõ ràng như thế, cơ quan điều tra đã có đầu mối cụ thể để đi tìm hiểu ai là người đã mật báo, và có thể cả những chuyện liên quan đến các số tiền hối lộ khổng lồ.

Ngày 8/1/2014 đại tá Công an Dương Tự Trọng, em ruột ông Dương Chí Dũng, bị kết án 18 năm tù vì đã tổ chức cho anh mình đi trốn nhờ có người mật báo mật báo một ngày trước khi bị bắt. Ông Dương Chí Dũng bị tòa án sơ thẩm ở Hà Nội kết án tử hình ngày 16/12/2013 vì ăn chia hối lộ 1.66 triệu đô la tiền “lại quả” mua “Ụ Nổi 83M” vốn là đống sắt phế thải biến hóa thành “Ụ Nổi” khi ông còn là chủ tịch Hội đồng Quản Trị tổng công ty quốc doanh vận tải biển Vinalines.
 
Chi một số tiền khổng lồ mà vẫn bị kết án tử hình, ông Dương Chí Dũng đã khai ra người ăn tiền "chạy án" của mình như một cách trả thù. Nếu cuộc điều tra dẫn đến việc kết án ông tướng Phạm Quý Ngọ và có thể có cả những người liên quan, dư luận cho rằng hy vọng ông được giảm án từ tử hình xuống còn chung thân hoặc nhẹ hơn.
(Người Việt) 

Vì sao “con voi” lại lọt “lỗ kim” trong vụ Huyền Như?

Nhiều báo, nhiều người quan tâm đến vụ án vẫn hỏi: vì sao một người phụ nữ bé nhỏ lại có thể lừa đảo và chiếm đoạt tới gần 4.000 tỷ đồng, qua mặt một loạt ngân hàng và tổ chức gửi tiền?


Một loạt tổ chức, cá nhân dính bẫy Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Tp.HCM. Vụ án gây rúng động thời gian qua, việc xét xử đã đi được một chặng đường, song một câu hỏi vẫn cứ đặt ra…

Nhiều báo, nhiều người quan tâm đến vụ án vẫn hỏi: vì sao một người phụ nữ bé nhỏ lại có thể lừa đảo và chiếm đoạt tới gần 4.000 tỷ đồng, qua mặt một loạt ngân hàng và tổ chức gửi tiền?

Huyền Như trả lời tại phiên tòa, cũng như những thông tin phản ánh về quá trình xét xử, rằng nhiều người đưa tiền vì Như đưa ra lãi suất cao. Thời điểm đó, trần lãi suất huy động Ngân hàng Nhà nước quy định 14%/năm, nhưng Như chào cũng như trả thêm phần chênh lệch 3,5% - 7%/năm; cá biệt có trường hợp chênh lệch hơn 16% - 18%/năm (lãi suất tổng cộng 32% - 36%/năm).

Đến nay, lãi suất và chênh lệch lãi suất như vậy vẫn là câu trả lời chính cho câu hỏi trên.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, giám đốc một chi nhánh ngân hàng chia sẻ với VnEconomy tình huống: “Ngạn ngữ có câu “con voi chui lọt lỗ kim”, nghĩa là lỗ kim phải to hơn con voi. Cá nhân một người, một phòng giao dịch bé tẹo không thể lọt cả ngàn tỷ đồng. Lỗ hổng là ngày xưa cứ lập mấy công ty ủy thác nhận và gửi tiền. Bản thân khách hàng cũng tham lam muốn hưởng chênh lệch lãi suất. Bây giờ bên nào há miệng cũng mắc quai”.

“Nếu xem lại có bao nhiêu khách hàng bị thiệt hại, số tiền bị thiệt hại, người ta dễ dàng nhận thấy những khách hàng không hề “nhỏ lẻ”, toàn khách hàng cỡ bự, thậm chí công ty lớn, ngân hàng lớn. Tại sao họ dễ dàng để một cô nàng tay yếu chân mềm “lừa đảo”? Chắc chắn có uẩn khúc! Chỉ có điều, không ai muốn nói uẩn khúc của mình”, vị giám đốc chi nhánh ngân hàng trên đặt vấn đề.

Ông cũng nhìn nhận rằng, vấn đề ở đây không chỉ đơn giản làm giả con dấu và rút tiền: “Tôi chỉ muốn phân tích điều kiện cần là do đầu tư thua lỗ, vay nợ “xã hội đen” nên dẫn đến bị cáo làm liều. Tuy nhiên, phải có điều kiện đủ là sự nhập nhoạng tình trạng, chủ trương, chính sách và hình thức gửi tiền tại các ngân hàng từ 2008 - 2011 là điều kiện đủ để bị cáo ra tay. Tất yếu, ngân hàng cũng có phần trách nhiệm”.

Nhìn nhận trên đề cập đến một khía cạnh đáng chú ý: sự nhập nhoạng của thị trường, chính sách lãi suất và quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng giai đoạn đó là điều kiện đủ, là môi trường nảy sinh “lỗ kim” để “con voi” nặng hàng nghìn tỷ đồng của Huyền Như chui qua.

Vài tháng sau thời điểm Huyền Như bị bắt (tháng 9/2011), người ta vẫn thấy đâu đó trước cửa một số ngân hàng, xe ngân hàng bạn làm con thoi liên tục qua lại để… đòi nợ. Và chuyện là, những người ngồi trên xe là các khách hàng cá nhân đã từng gửi tiền nhưng đến hạn không rút ra được.

Đúng hơn, ngân hàng ủy thác vốn cho cán bộ nhân viên, đến gửi tiền tại ngân hàng khác, mặc cả để lấy chênh lệch lãi suất; hoặc ủy thác cho các công ty sân sau làm tương tự. Đó là một thời kỳ hoạt động “vô lối” trong hệ thống (từ mà ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từng dùng để miêu tả).

Vô lối ở tình trạng vượt trần lãi suất phổ biến trên thị trường; sự hỗn loạn của các dòng vốn trong hệ thống, thay vì đi vào sản xuất kinh doanh; tình trạng mặc cả lãi suất và lừa dối trong hoạt động ngân hàng thể hiện rõ, khi sổ sách vẫn sạch sẽ với trần lãi suất được tuân thủ (!). Chỉ riêng trường hợp của Huyền Như cũng đã cho thấy mức độ vượt trần rất lớn, chênh lệch lãi suất rất lớn, quy mô rất lớn và đặc biệt là có sự tham gia của nhiều cán bộ ngân hàng.

Sự tham gia của họ gợi lên một thực tế: tình trạng vượt trần lãi suất đã có giai đoạn trở nên quen thuộc, trở thành một cách kinh doanh vốn trên thị trường. Vậy nên, khi trả lời cho câu hỏi đầu bài, cần xét đến yếu tố “đồng phạm” là bối cảnh thị trường - bối cảnh mà chính sách, cơ chế quản lý góp phần tạo ra nó hoặc không kiểm soát nổi nó.

Thứ nữa, một loạt nạn nhân là các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn bị lừa, một mặt họ đã quen với cách kinh doanh vốn trên; mặt khác, như ý kiến của vị giám đốc chi nhánh ngân hàng trên, có một phần tham lam muốn hưởng lãi suất lớn.

Bên lề câu chuyện này, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn chia sẻ, tại một cuộc họp nội bộ, có ý kiến từ hội đồng quản trị đặt tình huống: tại sao ngân hàng mình không làm như những ngân hàng bạn đang “say vốn”, dùng vốn huy động dân cư ủy thác cho cán bộ nhân viên đến mặc cả, gửi lãi suất với chênh lệch 3% - 4%/năm ở ngân hàng khác, nhàn hạ mà lãi cao?

Vị lãnh đạo trên nói với VnEconomy, ông thà nghỉ việc còn hơn bị đặt vào tình huống rủi ro pháp lý, việc điều hành của mình đặt ngân hàng vào rủi ro pháp lý.

“Lúc đó, tôi cũng nghĩ sự nhập nhoạng này rồi cũng sẽ chấm dứt, bởi nếu tiếp tục kéo dài cả hệ thống chứ không chỉ những ngân hàng tham gia sẽ không thể chịu nổi. Lãi suất quá cao, sổ sách bị biến dạng về lâu về dài sẽ lộ ra hậu quả. Cần giữ mình để chờ trật tự được lập lại”, ông chia sẻ.

Và hơn một năm sau, từ nửa cuối 2012 đến nay, kỷ cương hệ thống ngân hàng được củng cố; thanh khoản khá tốt; lãi suất được bình ổn… “Lỗ kim” mà “con voi” hàng nghìn tỷ chui qua được cũng đã nhỏ lại. Nói là nhỏ, bởi thời gian qua đâu đó vẫn còn tình trạng vượt trần lãi suất, mà môi trường dễ nảy sinh ở tiền gửi USD…
Quốc Việt
Theo VnEconomy

Những tiết lộ chấn động của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vừa ra hồi ký mang tên "Duty: Memoirs of a Secretary at War" dài 600 trang, cung cấp một cái nhìn của người trong cuộc về Washington, Quốc hội và các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.
Coi khinh Quốc hội

Robert Gates bày tỏ sự khinh bỉ công khai đối với Quốc hội Mỹ và cách thức các nhà lập pháp đối xử với ông khi ông trả lời chất vấn.

"Tôi thấy phần lớn Quốc hội thô lỗ và bất tài khi thực hiện các trách nhiệm hiến pháp cơ bản của họ, thiển cận, đạo đức giả, ích kỷ, hay tự ái và thiên vị khi đặt mình trước đất nước".

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, ông Gates đã nghĩ đến chuyện bỏ ra ngoài cuộc chất vấn và từ nhiệm. "Chẳng có kẻ đáng ghét nào trên thế giới này có thể nói với tôi kiểu như thế", ông viết.

Khinh Phó Tổng thống 

Ông Gates đặc biệt thể hiện sự không hài lòng với Joe Biden. Ông miêu tả Phó Tổng thống Mỹ là con người "lầm lẫn về gần như tất cả các chính sách ngoại giao chính và vấn đề an ninh quốc gia trong 4 thập niên qua".

Đặc biệt, Gates nói ông phản đối chiến lược giới hạn mà ông Biden đề xuất về Afghanistan để tập trung chống khủng bố.

Nghi ngờ sự kiểm soát của Nhà Trắng

Gates miêu tả Nhà Trắng và đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama là kiểm soát quá mức. Ông cũng tự cảm thấy mình xung đột với bộ phận nòng cốt của Obama.

Tại một cuộc họp ở Phòng Bầu dục năm 2011, Gates cho biết ông đã xem xét việc từ chức bởi chiến lược và sự quản lý yếu kém của Nhà Trắng.

"Tôi chưa từng đối đầu trực tiếp với Obama về những gì tôi (và cả Ngoại trưởng Hillary, Giám đốc CIA Leon Panetta khi đó và nhiều người khác) coi là quyết tâm của ông ấy rằng Nhà Trắng phải kiểm soát chặt chẽ mọi mặt của chính sách an ninh quốc gia, thậm chí cả các chiến dịch", Gates viết. "Nhà Trắng của ông ấy đến nay là tập trung nhất và kiểm soát nhất về an ninh quốc gia mà tôi thấy kể từ thời Richard Nixon và Henry Kissinger" những năm 1970.

Xung đột với nhóm tham mưu an ninh quốc gia (NSS)

Gates thừa nhận ông rất tức giận về các thành viên NSS và bản chất kiểm soát của họ. "Hầu hết các xung đột của tôi với chính quyền Obama trong 2 năm đầu tiên không phải về các sáng kiến chính sách từ Nhà Trắng mà là về sự quản lý yếu kém và sự can thiệp hoạt động của họ", Gates viết.

Nhà Trắng đối chọi Lầu Năm Góc

"Bản chất kiểm soát của Nhà Trắng của Obama và quyết tâm của họ nhằm giành uy tín từ mọi điều tốt đẹp đã xảy ra mà không để dành chút nào cho những người chuyên nghiệp ở những chiến hào đã thực sự hoàn thành công việc, xúc phạm Ngoại trưởng Clinton nhiều như xúc phạm tôi", ông Gates viết.

Gates là nhà kiến tạo hòa bình

Cựu Bộ trưởng Mỹ viết rằng "những tổng thống phải đối mặt với các vấn đề chính sách khó khăn ở nước ngoài thường vơ vội lấy súng. Chính sách đối ngoại của chúng ta đã trở nên bị quân sự hóa quá mức, việc sử dụng vũ lực quá dễ đối với các Tổng thống", ông viết và nhấn mạnh thêm rằng, với rất nhiều người, "chiến tranh đã trở thành một trò chơi video hoặc một bộ phim hành động: không đổ máu, không đau đớn và vô vị".

Cuộc chiến ở Iraq

Ở Iraq, Gates cho biết ông từng hy vọng "bình ổn đất nước này để khi quân Mỹ rút đi thì cuộc chiến sẽ không bị xem là thất bại chiến lược với Mỹ hoặc một thất bại với những hậu quả để lại mang tính toàn cầu... May thay, tôi tin các mục tiêu nhỏ nhất của mình đã hoàn tất ở Iraq".

Cuộc chiến ở Afghanistan

Gates viết rằng Tổng thống Obama ban đầu nghi ngờ quyết định của ông vào cuối năm 2009 về việc tăng viện 30.000 quân Mỹ tới Afghanistan. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng, ông Obama đã nhượng bộ bởi một yêu cầu năm 2009 từ Tướng Stanley McChrystal, khi đó là tư lệnh các lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan, về một sự tăng viện quân sự lớn.

Chính trị nội địa của Obama

Gates cho rằng các yếu tố chính trị trong nước đã len vào "gần như tất cả các vấn đề an ninh quốc gia" mà Nhà Trắng của Obama phải đối mặt. Ông cho biết mình từng chứng kiến một cuộc hội thoại giữa ông Obama và bà Clinton, trong đó Tổng thống "gần như thừa nhận rằng" sự phản đối của ông về đợt tăng viện quân năm 2007 tới Iraq là một tính toán chính trị.

Ghét D.C 
Cựu Bộ trưởng Gates tiết lộ, việc ông được biết đến là người điềm tĩnh đã khiến ông thường che giấu sự giận dữ và khinh khi của mình. "Tôi không muốn là Bộ trưởng Quốc phòng", ông tuyên bố.
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet/Theo WSJ
 

Hà Nội: Học viên Pháp Luân Công 'tử chiến' trước lăng Ba Đình



CTV Danlambao - Lúc 09h30 sáng ngày 14/01/2014, một nhóm 5 thanh niên trong bộ đồng phục vàng của Pháp Luân Công đã bất ngờ kéo đến căng biểu ngữ ngay trước khu vực quảng trường Ba Đình. Hình ảnh gửi đến Danlambao cho thấy một tấm biểu ngữ khổ lớn có nội dung: "Chân tướng Pháp Luân Công là tử huyệt của ma giáo cộng sản" được giăng ngang ngay phía chính diện cổng lăng Hồ Chí Minh, đằng sau là dòng chữ có nội dung tương phản "Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm".

Lăng Ba Đình được xem là một biểu tượng quyền lực độc tôn và được sùng bái bởi đảng cộng sản. Bên trong, lăng được dùng để thờ cúng và bảo quản thi hài lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong bức email đến Danlambao xác nhận vụ việc, nhóm các học viên Pháp Luân Công viết: "5 đệ tử Đại Pháp trong "Pháp Luân Đại Pháp - Thập Tam Chân Truyền Đệ Tử" tử chiến trước lăng Hồ Chí Minh.

Gồm:

1. Nguyễn Tăng Lượng
2. Nguyễn Văn Kiệm
3. Vũ Hồng Tố
4. Nguyễn Doãn Kiên
5. Nguyễn Xuân Trường".

Các video tiếp theo cho thấy hình ảnh lực lượng bảo vệ lăng sau đó đã xuất hiện giựt băng-rôn và xô xát với nhóm các học viên Pháp Luân Công. Có nhiều tiếng la lối, quát tháo không nghe rõ nội dung xen lẫn tiếng còi xe của nhiều người dân qua đường.

https://www.youtube.com/watch?v=aVRW6AGPmnk
 
Bị lấy mất băng-rôn, nhóm thanh niên trên đã ngồi thiền tại chỗ để bày tỏ sự phản đối.

Theo tin từ Facebook Duong Doi Soi Da, lực lượng công an sau đó đã cho xe ô tô bắt 4 học viên Pháp Luân Công lên xe, áp giải về trụ sở công an phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội.

Có tin nói rằng công an đã hành hung thô bạo những người bị bắt, sau khi một người trong nhóm lên tiếng tố cáo tội ác đảng cộng sản, nêu đích danh ông Hồ Chí Minh là người gốc Tàu, và đồng thời kêu gọi đảng viên cộng sản thoái đảng.

Trong số 5 học viên Pháp Luân Công tham gia căng biểu ngữ trước lăng Ba Đình, một người tên Nguyễn Doãn Kiên là tác giải của các bài viết đã được đăng trên Danlambao như:

Sao lại sợ nói sự thật?

Sợ điều gì mà không nhận bản góp ý của dân?

Khu vực quảng trường Ba Đình có đội ngũ nhân lực bảo vệ vô cùng hùng hậu, được quản lý bởi Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Chi phí để duy trì và bảo vệ lăng không được đảng cộng sản tiết lộ.

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
Biểu ngữ được mang đến trước lăng Ba Đình có nội dung: "Tà đảng Việt Cộng và đại ma đầu Hồ Chí Minh là tội đồ của dân tộc"

Để chuyển đổi thể chế một cách ôn hòa - Kiệt quệ niềm tin, kiệt quệ vốn xã hội - Tồn kho thể chế - Những tư duy cản lực phát triển

Để chuyển đổi thể chế một cách ôn hòa


Vì nhiều lý do, báo Tuổi Trẻ tường thuật buổi tọa đàm ngày 4/1 về Thông điệp của Thủ tướng quá ngắn gọn không nói được những điều cần chuyển tải như ý kiến rất thẳng thắn của của GS Hoàng Tụy và ông Trần Đức Nguyên (cựu Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải). Được sự đồng ý của hai ông, BVN xin công bố những ý kiến tâm huyết này. Tựa đề của BVN.

Hoàng Tụy:

1) Trong tình hình hiện  nay, dù sao bản thông điệp này cũng là một tiến bộ. Nhưng do kinh nghiệm thời gian qua, nhiều người chưa tin ở tính khả thi của thông điệp, thậm chí chưa tin ở sự thành thật, thực tâm của tác giả thông điệp. Vậy Thủ Tướng cần có  hành động cụ thể đi kèm để chứng tỏ thực tâm của ông, và chứng tỏ ông có đủ năng lực và dũng khí thực hiện thông điệp này.

2) Xã hội VN hiện nay đang trong tình trạng trì trệ kẹt cứng kéo dài, muốn thoát ra khỏi thế đó cần một xung lực mạnh, một cú hích mạnh vào một điểm cốt tử. Trong hệ thống này nhìn vào đâu cũng thối nát, cú hích  tốt nhất để  gây được niềm tin là từ bỏ độc tài, từ bỏ đàn áp, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, thả ngay một số người đang bị giam giữ chỉ vì chính kiến khác. Làm được điều này thì không khí chính trị sẽ khác hẳn, từ đó mọi việc cải cách khác sẽ dần dần bớt lực cản, người dân sẽ có cơ sở để tin các vị bắt đầu muốn thay đổi thật sự hay nói đúng hơn, xu hướng cấp tiến trong lãnh đạo bắt đầu thắng thế. Còn không thì mọi lực cản vẫn còn nguyên, người dân một lần nữa sẽ càng mất lòng tin hơn.

Hình như trong bài tường thuật của Tuổi Trẻ về buổi họp ý kiến của tôi ít được chú ý. Nhưng tôi vẫn tin đó là cách duy nhất  để ra khỏi bế tắc một cách ôn hòa.

Trần Đức Nguyên:

Chúng ta đều mong muốn chuyển đổi thể chế chính trị, dân chủ hóa đất nước một cách ôn hòa; đó cũng là nguyện vọng chung của nhân dân. Theo con đường đó, có mấy yếu tố quan trọng :

1/ Các nhân tố tích cực trong giới cầm quyền. Nhân tố ấy gồm con người và quan điểm, ý kiến. Không vội vàng đánh giá con người vì đó là điều khó nhất trong mọi sự đánh giá. Chưa thể kết luận về con người nhưng quan điểm, ý kiến lợi cho dân, cho nước thì ủng hộ quan điểm, ý kiến ấy. Vì thế tôi rất muốn biết Thông điệp đầu năm là của riêng Thủ tướng hay có sự đồng thuận ở mức nào của những nhà lãnh đạo chủ chốt?

2/ Các hoạt động thúc đẩy quá trình dân chủ hóa phải dựa vào Hiến pháp và luật pháp, kể cả ý kiến của những người lãnh đạo, như những điều Thủ tướng nêu trong thông điệp.

3/ Một giải pháp quan trọng theo tinh thần này, là kịp thời lên tiếng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử QH khóa tới có được nhiều đại biểu thực sự của dân và một Quốc hội chuyên trách.

4/ Sự chuyển đổi ôn hòa không thể diễn ra tức khắc mà phải đi từng bước.

Có một khâu đột phá mà anh Hoàng Tụy đã nhấn mạnh: trả tự do cho những người phát biểu chính kiến một cách ôn hòa nhưng bị bắt giữ; đó là biện pháp quan trọng và cấp bách để tạo lòng tin trong dân. Tôi đồng tình. Đây là một biện pháp không tốn kém. Tôi nghĩ biện pháp này có ý nghĩa lớn, nhưng nếu thực hiện cũng mới là một bước của quá trình chuyển đổi thể chế.
H.T - T.Đ.N.
Các tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Kiệt quệ niềm tin, kiệt quệ vốn xã hội

Hy vọng những đốm lửa nhỏ, cần mẫn

Cả một thành phố bảy, tám triệu dân, hơn cả một nước người ta, vậy mà nhàm chán một cách không thể tưởng tượng được. Cuộc sống trở nên tầm thường và vụn vặt không thể tả.
Cạn kiệt niềm tin 

Cũng khoảng giờ này năm ngoái, khi mới chân ướt chân ráo trở về, sau khi có trải nghiệm thực tế, tôi có viết một bài báo nhỏ có tiêu đề: Câu chuyện của niềm tin.

Đại thể, tôi kể lại những va chạm thực tế để thấy rằng, mất niềm tin đang là cái đáng lo ngại nhất trong xã hội Việt Nam dưới con mắt cua người mới nhập cuộc. Vì thiếu niềm tin nên mọi việc bỗng trở nên khó khăn và tốn kém gấp bội. Cuộc sống bỗng trở nên toàn màu xám. Con người căng thẳng, hiệu năng làm việc thấp vì hợp tác kém, mà lý do chính là không tin nhau, nên dành thời gian kiểm soát nhau vì phối hợp làm việc chung.

Ngay lúc đó, tôi đã nhận ra rằng: Một trong những vấn đề lớn nhất mà xã hội này phải đương đầu là sự mất niềm tin trầm trọng. Niềm tin giữa người dân và chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau, tóm lại giữa người và người, và đặc biệt là niềm tin vào bản thân mình.

Sau đó, mỗi khi gặp mặt, ngay cả với giới tinh hoa, giữa những than thở, hay đằng sau ánh mắt xa xăm, là một sự chán nản và khắc khoải. Rất ít hy vọng và lòng tin trong các câu chuyện. Sau những lần như thế, tôi thấy rất mệt mỏi. Sinh lực dường như đã bị rút hết đi, đến mức nhiều khi sợ gặp gỡ, vì sợ phải nghe những lời than như vậy.

Trong số những người tôi quen biết mỗi người chọn một cách phản ứng khác nhau. Nhiều người chọn sự cam chịu. Nhiều người lảng tránh, lảng tránh thực tại, lảng tránh nhìn vào mắt đối diện.

Nhiều người giết thời gian trên bàn nhậu. Có tiền thì nhậu sang, ít tiền thì bình dân. Thanh niên ít tiền hơn thì giết thời gian trong các quán trà đá vỉa hè.

Người không thích nhậu, hoặc không đủ sức để nhậu hoặc không có tiền để nhậu thì vùi mình vào các trang lá cải, mỗi ngày ngốn hàng chục bài tin tức, na ná như nhau vô thưởng vô phạt. Sau đó bức xúc một hồi, càm ràm hoặc nặng hơn là chửi đổng vài câu rồi lại vùi đầu đọc tiếp.

Nhiều người bức xúc quá có phản ứng mạnh. Nhưng như con cá nằm trên lưới, càng giẫy giụa càng đau đớn. Nên sau mỗi hồi mệt mỏi cũng đến lúc nằm im "makeno".

Kinh tế khó khăn, tinh thần bức bối, đặc biệt phát ngôn của các quan chức, các nhà làm chính sách bỗng trở nên đáng ngờ. Các mạng lưới hoạt động trong xã hội giờ chỉ còn quan hệ huyết thống đáng tin cẩn.Vì thế, vun vén cho gia tộc xây dựng nhà thờ họ, đã trở thành một trong lối sống của những người có địa vị trong xã hội.

Xã hội như vận hành bởi bộ tiêu chuẩn kép. Ai cũng biết vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vẫn là như vậy. Nên ở cơ quan sống theo một chuẩn khác, về nhà lại một chuẩn khác nữa. Mỗi người phải đóng quá nhiều vai diễn, đến mức mệt mỏi kiệt quệ, mà không biết để làm gì.

Chưa bao giờ các hoạt động tâm linh cúng bái lại phát triển như hiện giờ, bất chấp khoa học đã phát triển nhiều hơn so với hàng chục năm về trước, thông tin cũng phong phú hơn nhiều.Vì sao vậy? Vì người ta không tin ở con người, nên đành tìm đến nơi thánh thần, dù biết rằng cũng nhiều kẻ lợi dụng việc này để trục lợi.

Nhiều lần đi qua các quán nhậu ven đường, tôi đã tần ngần tự hỏi: sao trong giờ làm việc lại đông người lang thang quán xá đến như vậy?

Những nơi tôi đi qua không ở đâu thấy đông thanh niên trai tráng ngồi lê la vỉa hè, cắn hạt bí, hạt hướng dương, uống nước chè, tập tạnh hút thuốc lào, nói bậy và chửi đổng...nhiều như trên vỉa hè Hà Nội, đặc biệt là các nơi cổng trường đại học.

Không ai nói chuyện khoa học, văn chương. Không ai quan tâm đến bảo tàng triển lãm. Không ai bàn tán về các thành tựu, khoa học, nhân văn mới. Không ai đả động đến ước mơ hay khát vọng.

Những buổi nói chuyện dành cho đại chúng về các chủ đề rất mới, do các học giả nổi tiếng thuyết trình, cũng không có nổi đến vài chục người tham dự. Mà nếu có thì vẫn những khuôn mặt ấy. Rất cũ!

Cả một thành phố bảy, tám triệu dân, hơn cả một nước người ta, vậy mà nhàm chán một cách không thể tưởng tượng được. Cuộc sống trở nên tầm thường và vụn vặt không thể tả.

Trên mặt bằng truyền thông thì còn những tệ hại hơn nhiều. Nếu rút tất cả những tin liên quan đến chuyện hở hang, chém giết, sốc, sex, giật gân thì bỗng thấy nhiều tờ báo sụp cái rầm vì trống trơn bài vở.

Một năm trôi qua, câu chuyện lại có phần thêm u ám. Một xã hội thiếu hụt niềm tin mỗi ngày thêm hiển hiện rõ nét qua từng việc cụ thể chứ không chỉ là cảm giác như ngày nào.

Mỗi khi cầm một xấp giấy tờ với chồng chất dấu mộc đỏ choét tôi không khỏi ngần ngại. Chưa ở đâu tôi thấy những văn bản giấy tờ cần nhiều dấu đỏ như vậy, qua nhiều cửa ải xét duyệt như vậy. Nhưng cũng chưa ở đâu sự giả mạo trở nên phổ biến, được rao bán công khai như ở đây.
Cái nguy hiểm của sự mất niềm tin này là sự bào mòn sinh khí. Nếu như sự sợ hãi làm cho con người ta co cụm, đến một lúc nào đó có thể tạo ra một sự phản ứng đủ mạnh để vượt qua, thì mất niềm tin không gây ra một cảm xúc mạnh như vậy. Nó chỉ là đơn giản là làm mất hết sinh khí, vì người dân không còn tin vào công lý, không tin vào chính quyền, không tin ai, và không tin ngay cả chính bản thân mình.
"Những nơi tôi đi qua không ở đâu thấy đông thanh niên trai tráng ngồi lê la vỉa hè, cắn hạt bí, hạt hướng dương, uống nước chè, tập tạnh hút thuốc lào, nói bậy và chửi đổng... nhiều như trên vỉa hè Hà Nội". Ảnh HD Vietnam
Kiệt quệ vốn xã hội
Còn nhớ mỗi khi bàn về vốn xã hội, tuy có nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau, nhưng chúng tôi đều thống nhất ở một điểm: Niềm tin nằm ở trái tim của vốn xã hội. Đó là niềm tin giữa người với người, người với thể chế, người với chính bản thân mình.

Vậy là niềm tin, một khái niệm xa lạ với môn kinh tế học phát triển, đã có được chỗ đứng đàng hoàng trong lòng nhiều nhà kinh tế học.

Niềm tin đã trở thành một thứ vốn của xã hội. Mà đã là vốn thì có thể dùng để sinh lợi. Trong trường hợp này, niềm tin đã trở thành một thứ tài sản giúp cho xã hội hoạt động trơn tru hiệu quả hơn, chi phí giao dịch vì thế mà ít đi.

Khi có niềm tin thì việc gì cũng suôn sẻ dễ dàng. Điều này đúng quy mô cá nhân, đúng cả quy mô quốc gia.

Các chính trị gia lão luyện Đông Tây kim cổ đều đặt vấn đề xây dựng lòng tin với với dân mình lên hàng đầu. Ngay ở Việt Nam cũng có những ví dụ này từ xa xưa trong lịch sử. Tương truyền, để dân tin vào cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, trong lúc binh yếu lực mỏng, Nguyễn Trãi đã cho dùng mật mỡ viết lên tám chữ: Lê Lợi vì quân, Nguyễn Trãi vi thần lên lá đa. Kiến thấy vậy bu vào đục thành chữ. Người dân đọc được thì tin rằng đây đúng là mệnh trời. Bài học vỡ lòng dành cho các chính trị gia xem ra vẫn còn điều xa lạ.

Tất nhiên, bên cạnh niềm tin, thì vốn xã hội còn thêm các yếu tố khác nữa. Có thể kể hai trong các số đó: thói quen tập tục, truyền thông văn hóa ứng xử; và sự phong phú lành mạnh của các hội đoàn, tức của mạng lưới xã hội dân sự.

Tiếc rằng, cả hai yếu tố này cũng rất yếu. Đút lót hối lộ dường như đã trở thành văn hóa, gọi là văn hóa phong bì. Sự giả dối đã tràn vào cả trường học, nên bị gọi là "nỗi buồn lớn ngành giáo dục"

Cuộc khủng khoảng kinh tế kéo dài suốt mấy năm nay lại càng làm cho vốn xã hội thêm kiệt quệ. Lẽ ra nếu có một vốn xã hội thắt lưng đủ đầy, người dân sẽ dễ vượt qua những thời khắc khó khăn hơn. Vì tin nhau, tin vào quan chức và chính sách chung. Đằng này quan chức nói gì, dân chúng lại bảo nhau làm ngược lại.

Kinh tế rối loạn, lòng người hoang mang. Khó khăn càng thêm chồng chất không biết đến bao giờ mới gỡ được.

"Mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, nhưng mất lòng tin là mất tất cả". Người xưa đã tổng kết như vậy, nên thấy thực trạng này, không ai tránh khỏi sự buồn rầu.

Nhiều lúc nhìn xã hội như mớ bòng bong, không biết lần ra đằng nào. Mà lần ra được rồi thì cũng không gỡ ra được vì nó xoắn xuýt chặt chẽ vì lợi ích, vì bè phái, vì u mê.

Nguyên nhân vì đâu? Tất nhiên là vì cơ chế. Ai chả nói thế. Dễ nhất và trúng nhất. Nhưng cơ chế do ai làm ra? Tất nhiên là do con người, trong đó có tôi và bạn.

Nhưng cụ thể hơn, đó là cái gì của tôi và bạn? Sức khỏe, văn hóa, tri thức, học vấn, kỹ năng, tinh thần sáng tạo, ước mơ khát vọng, lòng quả cảm, sự dấn thân ...hay còn gì khác nữa?

Câu trả lời là tất cả.

Đến đây lại thêm giật mình. Thì ra mọi thứ chưa tốt như mong đợi cũng có phần ta đóng góp. Vậy nên, thay vì trông chờ vào một sự thay đổi lớn hãy chủ động tạo ra những sự thay đổi nhỏ trước đã.

Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn.

Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Xưa nay vẫn thế, có cách nào khác được.
TS Giáp Văn Dương 
(Thời báo Kinh tế Sài gòn)

Những tư duy cản lực phát triển

Hồ Chí Minh - công bộc trung thành của nhân dân

Thế giới đổi thay từng ngày. Cuộc sống thay đổi từng giờ. Đổi mới ngày càng sâu rộng. Nhận thức của người dân thay đổi nhiều. Tư duy bị cầm tù, đất nước không thể phát triển.
I.Đổi mới tư duy là đặc tính của cách mạng, xu thế tất yếu của thời đại
Đổi mới và đổi mới tư duy không có gì mới. Điều này đã được các bậc thầy về cách mạng đề cập từ sớm. V.I Lênin nói: “Người cộng sản phải có dũng khí nhìn vào sự thật, phải có gan vứt bỏ những nhận thức của ngày hôm qua không phù hợp với tình hình diễn biến của ngày hôm nay, phải biết “thay đổi sách lược, chọn một con đường khác để đi tới đích của chúng ta, nếu con đường cũ, trong một thời gian nhất định nào đó, xem ra không thích hợp nữa, không đi theo được nữa” (Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. CTQG, H, 2003, tr.474-475). Và sau đây là những lời nói, lời dạy vàng ngọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình hình, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước... Không chịu tự phê bình, không chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.4, tr.26).
“Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.35).
“Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến... Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản... Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.280-281).
“Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội’ (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.227).
“Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t.7, tr.259).
Đảng ta, cách đây gần 30 năm, với Đại hội VI, đã đánh dấu sự đổi mới của Đảng về tư duy. Đảng ta nhấn mạnh rằng “đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước. Đó cũng là đặc tính của cách mạng, nhất là cách mạng xã hội chủ nghĩa, là bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác-Lênin, là xu thế tất yếu của thời đại”. Nhận rõ đổi mới tư duy là quy luật nhất định, tất yếu của cách mạng, của công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định rằng chỉ có đổi mới tư duy thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy hết những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa. Muốn thế, “phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.8).
II. Những tư duy trở lực phát triển
1.Chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, không chịu trách nhiệm trước dân
Gần đây, trên một số diễn đàn lớn, chúng ta thường nghe một số quan chức nói rằng họ giữ chức vụ là do Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu.Vì vậy, họ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng và không thể từ chức. Điều này nghe qua thì đúng vì đảng viên thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng và muốn từ chức thì phải được Đảng đồng ý và Quốc hội phê chuẩn. Nhưng xét kỹ thì đó làm trái tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trước hết phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với vai trò của nhân dân. Cách mạng trước hết phải có Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Bác Hồ dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Khi bàn về những điều kinh nghiệm trong lãnh đạo - vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?, Hồ Chí Minh nói rõ: “Có người nói rằng mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.294).
Tư duy chỉ phụ trách trước Đảng mà không phụ trách trước nhân dân tức là chỉ thấy Đảng mà không thấy nhân dân, những người làm nên thắng lợi của cách mạng. Chỉ thị 03 nói phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, trong đó có nội dung phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tư duy nói trên đi ngược lại tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4: “... Thế mà cứ hô khẩu hiệu là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Tạp chí Cộng sản số 834, tháng 4-2012). Phê phán tư duy chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, không phụ trách trước nhân dân cũng có nghĩa là phải bảo đảm quyền tham gia và dự phần của mọi người dân, thực hiện chế độ trưng cầu dân ý theo Hiến pháp và lời dạy của Bác Hồ là “xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”.
2.Chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng nên không có tư duy từ chức
Liên quan đến tư duy chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng nên một số quan chức cho rằng “không nên nghĩ rằng cứ mỗi một vụ việc cụ thể thì một Bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức”.
Đúng rằng việc từ chức không phải anh muốn là được. Phải được Quốc hội bãi nhiệm. Nhưng tư duy về việc từ chức thì Đảng và Quốc hội không cấm. Nhân dân càng không cấm. Mà không nghĩ đến việc từ chức là làm trái lời Bác. Bác nói việc Người phải gánh chức Chủ tịch là do đồng bào ủy thác. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Đồng bào cho lui tức là đồng bào không tín nhiệm anh nữa. Anh phải biết điều đó. Phải biết xấu hổ. Phải biết tự trọng. Phải có trách nhiệm với dân. Không nên ỷ vào Đảng để không nói được trước đồng bào mấy chữ “tôi xin từ chức”.
Mặt khác, nếu nói rằng “không nên nghĩ cứ có một việc cụ thể thì một bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức” thì sẽ không bao giờ có việc từ chức xảy ra. Và như vậy sẽ “hòa cả làng”. Vì cái gì mà chẳng là việc cụ thể. Nhưng xin thưa, vấn đề là ở chỗ không phải là một việc cụ thể mà là cả một chuỗi vụ việc liên hoàn, ngay cả khi vụ việc trước đang nóng thì vụ việc sau lại đến, liên tục, liên tục, không dứt, không ngớt. Những vụ tham nhũng đâu có phải một việc? Những sai phạm trong ngành y đâu có phải một việc? Những thủy điện, phá rừng đâu có phải một việc? Những tai nạn giao thông đâu có phải một việc? V.v.. Với cách tư duy này thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả, ngoại trừ kẻ gây ra tội. Và nếu nói rằng người phải chịu trách nhiệm lớn nhất, duy nhất là kẻ phạm tội thì mọi việc coi như đã an bài, chẳng còn gì để nói nữa.
Tư duy này cũng trái với với tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời Bác Hồ cũng có những vụ việc cụ thể như vụ án Trần Dụ Châu, sai lầm trong cải cách ruộng đất. Sau khi y án tử hình kẻ tham nhũng và kiểm điểm những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ cũng nhận trách nhiệm về mình. Tại Hôi nghị Trung ương 10 mở rộng, ngày 25-8-1956 bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Hồ Chí Minh nói: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta” (Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr.333). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tỏ thái độ nghiêm khắc đối với những đồng chí phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất. Sau việc thi hành kỷ luật một số cán bộ cao cấp của Đảng[1] liên quan đến trách nhiệm trong sai lầm cải cách ruộng đất, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) khóa II, ngày 15-9-1956, Người nói: “Vấn đề kỷ luật của Đảng là chung cho Đảng từ trên xuống dưới. Việc thi hành kỷ luật đối với các đồng chí Trung ương nói trên chứng tỏ với nhân dân là kỷ luật của Đảng nghiêm minh, điều đó giáo dục cho cán bộ, đảng viên ta biết tôn trọng kỷ luật” (Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr.341). Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh cho thấy Đảng, Chính phủ và cá nhân những vị đại diện phải bảo đảm pháp quyền, bảo đảm trách nhiệm giải trình, bảo đảm minh bạch thể hiện ở chỗ không những không giấu giếm khuyết điểm, mà có khuyết điểm thì phải xử lý nghiêm minh, bất kể người mắc khuyết điểm giữ chức vụ gì. Công cuộc đổi mới hiện nay không thể chấp nhân tư duy mà Hồ Chí Minh đã phê phán: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.73).
3.Khó nói chữ “tôi” trách nhiệm trước dân
Thời bao cấp, phê phán tư duy không dám chịu trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho khách quan, có ca dao:
“Mất mùa là do thiên tai
Được mùa là do thiên tài Đảng ta”.
Phê phán tư duy dựa dẫm, ỷ lại, rập khuôn, bảo thủ, có thơ rằng: “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”.
Các kỳ họp Quốc hội truyền hình trực tiếp những năm qua đem lại cho người dân nhiều cảm nhận, cảm xúc, trong đó có một cảm nhận rõ nét là các vị đại diện của dân, do dân cử ra mới nói được nhiều đến hai chữ “chúng tôi” mà không thấy nói đến chữ “tôi” trách nhiệm trước dân. Hầu hết trả lời chất vấn của các chính khách về các sai lầm, khuyết điểm đều dẫn nguyên nhân khách quan, liên quan bộ này bộ kia, ngành này ngành nọ mà không nói đến trách nhiệm quản lý của bộ mình, ngành mình, cá nhân mình. Trong lý thuyết và thực tiễn quản trị quốc gia, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm giải trình. Anh giải trình quanh co, lạc đề, đổ lỗi khách quan, cơ chế, thể chế (cơ chế, thể chế do con người xây dựng), hết thời gian chưa giải trình hết để Chủ tịch phiên họp nhắc nhở nhiều lần... (có người gọi là “cháy giáo án”) mà không thấy nguyên nhân chủ quan là tư duy cũ kỹ của 30 năm trước. Tư duy hư hỏng, lạc hậu đó hiện vẫn đang ngự trị trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước, là một cản lực trên con đường phát triển của đất nước. Mà đổi mới là phải “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” (Di chúc của Bác)
4.Lầm lẫn sự ủy quyền của nhân dân với quyền lực cá nhân
Một trong những khía cạnh chủ yếu của nhà nước pháp quyền là nhà nước của dân mà điều căn cốt là quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này đã được Hiến pháp quy định và nhiều lần Hồ Chí Minh nói đến. Khi giữ chức Chủ tịch, Bác Hồ nói đó là do đồng bào ủy thác mà tôi phải gắng sức làm cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Quyền lực của dân thể hiện ở hình thức dân chủ trực tiếp mà rõ nhất là trưng cầu ý dân và dân chủ gián tiếp. Bảo đảm pháp quyền có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.591). “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.60). Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.323). Vì sự nhầm lẫn nhân dân ủy quyền với quyền lực cá nhân nên: “Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.293). Sự nhầm lẫn nêu trên mà căn nguyên sâu xa là cơn khát quyền lực đã đẻ ra biết bao nhiêu chuyện đau đớn mà Bác Hồ từng phê phán, nay vẫn đang diễn ra: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.57). Trong chế độ dân chủ “dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.375). Tất nhiên, “khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.60).
5.Tư duy về lợi ích nhóm
Phải ghi công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông nói nhiều đến một quốc nạn là lợi ích nhóm. Điều này không có gì mới. Cái mới là dám nói ra để nhân dân phanh phui, nhận diện. Có vị đại diện còn nói rằng không nên nói lợi ích nhóm mà chỉ nên nói lợi ích cục bộ. Ông ta không hiểu gì hay cố tình không hiểu. Hai loại lợi ích này có mối quan hệ nhưng lợi ích nhóm nguy hiểm hơn nhiều. Ở đây có sự móc ngoặc giữa chính trị với kinh tế, thậm chí cả xã hội đen và các nhóm lợi ích. Đằng sau và ẩn chưa bên trong các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng vừa qua người dân có thể nhận diện bóng dáng của lợi ích nhóm. Bởi vì, một cơ sở kinh doanh trái phép, không phép ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý mà báo chí gọi là “con voi chui lọt lỗ kim” thì phải khẳng định có sự bảo kê, nghĩa là lợi ích nhóm. Một vụ tham nhũng, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng không thể là câu chuyện của một cá nhân, thậm chí một nhóm người (theo nghĩa lợi ích cục bộ) mà đây là có sự móc ngoặc, liên minh ma quỷ. Tư duy và hành động về lợi ích nhóm đang đục khoét nền kinh tế nước nhà, làm băng hoại đạo đức xã hội, trở lực của phát triển.
Châu Phong
----------------------
[1]Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 (mở rộng) khóa II, ngày 15-9-1956, đồng chí Trường Chinh không giữ nhiệm vụ Tổng Bí thư nữa vì trách nhiệm trong sai lầm cải cách ruộng đất, các đồng chí Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, đồng chí Hồ Việt Thắng ra khỏi Trung ương Đảng.
(Văn hóa Nghệ an)
 

Tồn kho thể chế

Nguyễn chính Tâm – Motthegioi

Trong những “tồn kho” năm cũ 2013 từ hàng hóa, tín dụng đến các dự án treo, thì một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất là tồn kho thể chế. Thể chế được hiểu một cách đơn giản là quy tắc trong một xã hội hay một cộng đồng, tồn tại theo hai dạng là chính thức (luật pháp, văn bản thành văn, quy định mang tính pháp lý) và không chính thức (bao gồm cách ứng xử, những trường hợp ưu tiên hoặc “truyền thống” được số đông trong xã hội chấp nhận, tuân theo).
Trong một nền kinh tế, thể chế ví như luật chơi trong một trận túc cầu. Luật tốt, công bằng, sát với thực tế sẽ giúp cho cuộc chơi diễn ra hào hứng, các cầu thủ thi thố hết khả năng, và khán giả được mản nhãn bởi những pha bóng đẹp. Ngược lại, một luật chơi méo mó, bị lũng đoạn bởi các nhóm phi thể thao bên ngoài sân cỏ hay xa rời thực tiễn, sẽ tạo ra những lực cản hữu hình và vô hình, khiến trận cầu bị tác động tiêu cực, không xuôn sẽ theo những cách khác nhau.
Chẳng hạn như vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước được xem là chủ đạo trong nền kinh tế. Trong tất cả cuộc tranh luận về tái cấu trúc và cải cách nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà Nước luôn nằm trong tầm ngắm với những vấn đề nan giải. Từ kỷ luật thị trường, thiếu tính công khai minh bạch, quy trình bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo lỏng lẻo đến nhập nhằng vấn đề sỡ hữu và trách nhiệm giải trình.
Khi chương trình tái cấu trúc nền kinh tế được triển khai từ 2010, thì việc giảm, cổ phần hóa và thay đổi cơ chế quản trị trong từng tập đoàn được đưa ra mổ xẻ. Trái với các kỳ vọng mang tính đột phá, quá trình này vẫn đang diễn ra chậm chạp. Chứng tỏ sức ý từ cơ chế cũ và các nhóm hưởng lợi từ cơ chế đó vẫn còn quá lớn.
Hay như các ý tưởng tái cơ cấu cấu trúc thương mại để giảm nhập siêu. Nhu cầu này được đặt ra từ nhiều năm nay, khi cán cân nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc cứ tăng không giảm.
Những đề xuất lần lược đưa ra đòi hỏi một giải pháp toàn diện từ việc nâng cao năng lực sản xuất nội địa, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài ở trong lãnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam có khả năng sản xuất được, chuyển hướng thị trường nhập khẩu (đặc biệt là máy móc, công nghệ).
Nhưng vấn đề chính dường như lại nằm vượt qua các yếu tố kỷ thuật kinh tế. Đằng sau đó là điều mà giới học giả ví von như một “lời nguyền địa lý”, ám chỉ sức ép của việc sống dưới bóng của một nước lớn, về cả địa lý, dân số, văn hóa và cả các “sức ồ ạt” về sản xuất số đông.
Thay đổi một tập quán, một thói quen, hay một lối sống hoặc là cần một thế hệ, hoặc cần một chính sách đột phá mang tính tập trung cao độ. Mà trên hết là từ bỏ “sự dể dải” trong sản xuất, lẫn tiêu dùng.
Một thí dụ khác xoay quanh vai trò của Nhà nước. Song song với quá trình chuyển đổi nền kinh tế, những vấn đề phát triển từ một phương thức quản lý xã hội còn mang tính truyền thống sang hiện đại là hai nhân tố quan trọng. Sau một thời gian dài trong cơ chế quan liêu bao cấp, sinh hoạt thị trường với quy luật cung cầu đặt lại nhiều vấn đề về quản lý.
Một trong số đó là phân chia quyền và nghĩa vụ. Nếu Nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch nắm vai trò chủ đạo về mọi mặt, với nghĩa vụ cuối cùng đảm bảo thịnh vượng và an ninh cho cả cộng đồng, thì Nhà nước trong nền kinh tế thị trường có xu hướng chia sẻ vai trò này với những tác nhân khác.
Trước sự hình thành những “tập đoàn lợi ích” khác nhau, thậm chí nhiều khi đối lập thì việc mở rộng quyền tham gia-chịu trách nhiệm trong các thành phần kinh tế, các lực lượng xã hội khác nhau chính là một cách để “dung hòa lợi ích”, gắn kết các nhóm lợi ích lại với nhau bằng những định chế mang tính chế tài của luật pháp và sự giám sát của công luận.
Vì thế, mô hình Nhà nước mạnh, trên ý nghĩa đủ khả năng đối phó trước những rủi ro, đảm bảo an ninh chung cho cả cộng đồng đang là con đường cần tiến. Nói như thông điệp của Thủ Tướng đầu năm 2014, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, tập trung vào xây dựng những nền tảng cho các đột phá chiến lược. Những đột phá này cần vốn, cơ sở hạ tầng, con người, nhưng đặc biệt một trong những yếu tố cần thiết tiên yếu nhất là một thế chế-chính sách tốt đóng vai trò đòn bẫy, kích hoạt những nhân tố xung quanh.
Rõ ràng, nếu những tồn kho này còn tồn tại, nó sẽ là những trì níu cho phát triển, làm méo mó thị trường, biến trận cầu đầy hứa hẹn thành nhàm chán, cũng như triệt tiêu động lực của những cầu thủ tài năng với tinh thần xả thân.
Nguy hiểm hơn, sự tồn tại của những thể chế đã lỗi thời song hành với nó những con người lỗi thời, với tư duy bảo thủ, chăm chăm vào lợi ích trước mắt, và bị xâu xé bởi những nhóm đặc lợi-đặc quyền.
Vì vậy, trọng tâm 2014 phải là giải quyết rốt ráo các vấn đề này, dẫu có là những quyết sách vĩ mô, hay chỉ là các rào cản thuế má, giấy tờ mang tính chất “hành là chính” ở cấp cơ sở. Không ai có thể giữ lại một thứ đã lỗi thời nếu tự bản thân mình không muốn. Dù cho đó có là thể chế, hay con người.
Nguyễn Chính Tâm
Nguyễn Chính Tâm, sinh năm 1984, hoàn thành chương trình sau đại học tại Đức chuyên ngành Kinh tế – Chính trị quốc tế; hiện đang giảng dạy đại học tại TP.HCM

-Từ Versailles đến Rạch Gầm

Nguyệt Quỳnh gởi RFA

Tôi đi dọc giòng sông Seine trong thời tiết giá rét của mùa đông Paris. Những tiệm cà phê dọc theo hè phố và cơn mưa nhẹ làm tôi nhớ đến câu chuyện tình trong một nhạc phẩm kinh điển của ban nhạc Abba “Mùa hè cuối cùng của chúng ta” (Our last summer). Đôi trai gái trong bài hát là bóng dáng thanh xuân của bất cứ ai trong cuộc đời này. Tay trong tay, họ cười đùa trong mưa, họ dạo bước ở Elysée, họ dừng chân trên mỗi quán cà phê. Chàng trai nói với thiếu nữ về triết lý cuộc sống, về chính kiến, lý tưởng của anh… Có lẽ họ đã dừng chân trên cầu Pont des Arts, cây cầu với hàng ngàn những ổ khóa, người ta viết tên nhau trên những ổ khoá đó, vất chiếc chìa khoá chìm sâu xuống dưới lòng sông, để lại một hình tượng tình yêu bền chặt trên chiếc cầu.
Rồi tất cả chỉ là giấc mơ, khi họ thực sự bước vào cuộc đời. Chàng thanh niên kia sống cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác, anh làm việc trong nhà băng, mê bóng đá, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Không có gì đáng tiếc cho cuộc sống của anh, nhưng người thiếu nữ thì tiếc nhớ cái hình ảnh lý tưởng của người bạn trai của cô vào mùa hè cuối cùng của họ ở Paris. Đi trên đại lộ Champs-Elysées, tôi tưởng như còn nhìn thấy hình ảnh họ qua những đôi trai gái đang thả bước trên đường và chạnh lòng nghĩ đến lý tưởng thời trẻ của mình, của các bạn tôi.
Tôi đến từ một quốc gia bị xâu xé bởi chiến tranh, tuổi của họ, các bạn tôi đang phải thi hành nghĩa vụ quân sự ở Campuchia thời 1979. Tôi lại nhớ đến hai câu thơ trong một bài thơ viết về cơn mưa rừng ở Phnom penh: “tuổi trẻ chúng tôi lớn lên khẩu súng lại cầm tay / đâu đã biết bờ môi, vòng eo thon con gái”. Ngày ấy, tất cả những bài thơ đều phải viết theo một chiều, phải mang tính chiến đấu. Hai câu thơ như lời thở dài, là hai câu cuối trong một bài thơ mà tác giả kể lại những gian nan cùng cảnh tượng anh phải chứng kiến bạn mình bị cơn lũ rừng cuốn đi mất. Chẳng biết anh có còn sống sót để trở về sau mùa mưa lũ, sau những biến động chính trị và tình hình phức tạp tại Campuchia? Tuy nhiên, bài thơ anh viết thì tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Paris là đất nước của thành quách và lâu đài. Đi trong thành Versailles tôi như nghe thấy tiếng vọng của quá khứ, tiếng vó ngựa lẫn trong tiếng kèn rộn ràng. Nhiều bức tranh ghi lại các trận đánh lịch sử của Napoleon, những bức tượng sống động của các vị tướng qua nhiều thời đại. Tôi đi giữa cái hùng vĩ của cung điện Versailles mà nghe như cái hồn, cái uy linh của các vị tướng ngày xưa còn lẩn quất đâu đây. Chẳng biết khi nào quê hương tôi lấy lại niềm tự hào để những bức tranh hoành tráng về những trận đánh lịch sử như Đống Đa, Rạch Gầm, Xoài Mút được treo trong các viện bảo tàng. Để du khách có thể cảm nhận được cái hồn của tổ quốc tôi trong mỗi bước chân qua; mà không phải là những đồi cù, những siêu thị, những vũ trường, nơi chốn mà người ta chỉ cần vung tiền ra là có thể dễ dàng mua được những cái thật đắt giá như nhân phẩm, văn hoá, lịch sử, … của một con người.
 
Thế giới có thể đang nhìn đất nước tôi với một con mắt khác. Làm sao người ta có thể giải thích được cũng chính đất nước này, chính những con người đã từng đánh Tây, đuổi Mỹ, sau chiến thắng được mệnh danh là vĩ đại, là thần thánh, bỗng trở nên nhu nhược một cách lạ lùng! Hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung cùng những hổ tướng thời Tây Sơn cứ lởn vởn trong đầu khi tôi ngắm nhìn những trận đánh lịch sử của nước Pháp. Chỉ có dân tôi mới biết rõ, chỉ có dân tôi mới nhìn rõ những chiến tích cùng những gian nan của tiền nhân còn nguyên vẹn trên từng tấc núi, gang sông. Tại Rạch Gầm, Xoài Mút, hiện nay vẫn còn dấu vết đá hàn ngang qua sông Tiền, nơi ngày xưa người dân ở đây đã cùng với quân Tây Sơn hàn sông để ngăn đường rút binh của chiến thuyền quân Xiêm La. Nơi đây còn ghi dấu niềm kiêu hãnh của người xưa qua câu hò đêm đêm trên sông nước: “Chẻ tre bện sáo cho dày/Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”. Phải là đất nước của những con người lẫm liệt lắm người ta mới gặp nhau ở nơi chốn đó. Nơi người ta quên chính thân mình, cùng đổ mồ hôi để ngăn sông, cùng đổ máu xương để gìn giữ bờ cõi.
Để có những Rạch Gầm, Xoài Mút phải có những người chẻ tre, bện sáo, phải có những người vác đá ngăn sông. Để có một chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, phải có tám ngàn người sẵn sàng ngã xuống giữa khói lửa của đồn Ngọc Hồi. Nhìn đỉnh cao của ngọn sóng trắng chúng ta nhớ đến những con sóng nhỏ mà nó tựa vào. Tôi tin vào dân tôi, tôi tin vào những con sóng ngầm nằm bên dưới của ngọn sóng.
Cuối năm, cùng với thế giới, nước Pháp ngậm ngùi đưa tiễn Nelson Mandela, người được mệnh danh là người hùng bất bạo động của đất nước Nam Phi. Một dòng chữ chạy ngang trên tháp Eiffel ghi ngày sinh và ngày qua đời của ông. Nhớ đến câu nói của Nelson Mandela, lòng tôi chùng xuống, một cảm giác vừa thương cảm vừa hãnh diện khi chợt nghĩ đến những Vi Đức Hồi, Điếu Cày, Lê Quốc Quân… “Một xã hội mới không thể được tạo ra bởi những người khoanh tay đứng nhìn từ xa mà phải bởi những người đứng giữa chiến trường, chiến bào tả tơi vì bão tố và cơ thể thì bầm dập vì trận mạc
Lý tưởng, hoài bảo của Vi Đức Hồi, Điếu Cày đã phải trải nghiệm bằng máu xương của đồng đội, của cả một thế hệ thì nó không thể một ngày bỗng bốc hơi, bỗng biến mất. Các anh đã can đảm đem chính thân mình bước vào một cuộc chiến mới, chính sự hy sinh đó đang dẫn lối cho những người trẻ men theo. Những vết bầm, vết máu trên mặt của Lê Quốc Quyết, Angust Anh là câu trả lời cho sự góp mặt của những con sóng nhỏ. Lời nhắn gởi của Nguyễn Đặng Minh Mẫn hay của Trần Minh Nhật trước toà là lời khẳng quyết cho sự góp mặt của cả một thế hệ Việt Nam. Tôi tin vào họ, những con người ngày nào hàn đá ngang sông Tiền, đang cùng nhau bước ra từ lịch sử.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Kỳ lạ những nghề làm thuê chỉ có ở Việt Nam

Bất cứ việc gì không làm được giờ đều có thể thuê. Ăn cưới thuê, cho thuê cô dâu, chú rể, thuê người yêu đến khấn thuê,... những dịch vụ lạ lùng này đã xuất hiện tại Việt Nam.
Thuê người đóng thế đám cướiDịch vụ cho thuê bố mẹ trong ngày cưới ra đời để đáp ứng nhu cầu của những đôi trẻ bị phụ huynh phản đối nhưng muốn làm đám cưới có đủ mặt cả song thân phụ mẫu. Dịch vụ này được các cửa hàng cưới hỏi trọn gói cung cấp với giá dao động từ 2-5 triệu đồng/người/lượt.

Cũng có những đôi bạn trẻ vì muốn đám cưới bài bản, sang trọng cũng tìm đến dịch vụ này. "Diễn viên đóng thế" sẽ phát biểu, ứng xử giúp bố mẹ ruột của họ vốn quê mùa, chân chất, ít khi giao tiếp chỗ đông người. Nhiều trường hợp chính bố mẹ cô dâu, chú rể do già yếu, không có điều kiện dự đám cưới con cũng "nhờ" công ty chuẩn bị cho con một đám cưới đông vui.
Nghề... ăn cưới thuê
Người thuê phần lớn là những "người bận rộn", có nhiều mối quan hệ và kinh tế khá giả. Theo họ, gửi phong bì mừng chỉ là "hạ sách" bởi sự chu đáo chưa được hết nhẽ. Mà việc cử thư ký, trợ lý... thay mặt mình đi dự đám cưới mãi cũng không xuể, nhiều khi lại "lộ".
Ăn cưới thuê - nghề siêu lạ mùa cưới (Ảnh minh họa)
Chi phí cho người ăn thuê phụ thuộc vào quãng đường di chuyển đến chỗ tổ chức đám cưới xa hay gần nên dao động từ 100.000-200.000 đồng/đám. Tuy nhiên, người ăn thuê không chỉ có việc ăn mà còn phải diễn xuất như những diễn viên thực sự.
Dịch vụ cho thuê... cô dâu, chú rể

Hiện nay, rất nhiều cửa hàng chuyên phục vụ đồ cưới hỏi sẽ kiêm luôn dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể giả.
Một trang web quảng cáo dịch vụ thuê cô dâu chú rể
Theo nhân viên một cửa hàng phục vụ đồ cưới hỏi trên đường Trường Chinh (Hà Nội), để có một kịch bản hoàn hảo, khách hàng phải nghe theo toàn bộ sự sắp đặt của "ban tổ chức". Không chỉ kịch bản được dàn dựng hoàn hảo mà các "diễn viên" cũng phải được tuyển chọn kỹ càng. Nếu cửa hàng lo toàn bộ từ A đến Z, tức là cả chụp ảnh cưới, tiệc cưới và xe cộ thì giá khoảng 120 triệu đồng. Song giá đó còn phụ thuộc vào kịch bản, tức là tổ chức đám cưới xa hay gần, cỗ bàn bao nhiêu mâm...

Nghề khóc mướn đám ma

Theo anh Đoàn Công Chất (Thuận Thành, Bắc Ninh), một người gạo cội trong nghề, nếu trước kia, đây chỉ là nghề phụ của một số người có "năng khiếu" trong những đoàn nhạc hiếu thì nay nghề khóc thuê cũng cần phải chuyên môn hóa, phải được đào tạo, luyện tập. Bởi người ta bỏ tiền ra đều mong thuê được những người khóc giỏi, khóc giống như thật và phải làm người khác xiêu lòng.
Ảnh minh họa
Hiện khóc mướn đã trở thành một nghề "thời thượng". Hầu hết đám hiếu nào cũng cần đến đội ngũ khóc thuê, bởi không phải ai cũng có thể thể hiện sự thương tiếc, cảm xúc thành lời. Do đó, nghề khóc thuê cũng đem lại những khoản thu nhập kha khá.

Học thuê, thi thuê


Dịch vụ học thuê ngày nay được công khai quảng cáo trên các trang web, các trang mạng xã hội, thậm chí được dán ở các điểm công cộng hay nơi tập trung đông sinh viên. Thông thường, người thuê sẽ liên lạc trực tiếp với người đăng quảng cáo thỏa thuận giá cả, thông báo địa điểm, môn học, thông tin cá nhân. Sau đó, người học thuê chỉ cần đến lớp đúng giờ, điểm danh, kiên trì ngồi hết buổi học, thỉnh thoảng làm thêm một số bài kiểm tra mang tính chất điểm danh là chính... thế là tròn vai.
Quảng cáo học hộ, học thuê nhan nhản trên mạng và nơi công cộng. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra còn có dịch vụ thi thuê với giá 1-1,5 triệu đồng/môn. Nhưng, những đối tượng đáp ứng dịch vụ thi thuê phải là những sinh viên có kiến thức về môn học đó và phải đảm bảo bài thi đạt điểm cao.

Cho thuê người yêu

Chỉ cần gõ cụm từ "cho thuê người yêu" khi tìm kiếm sẽ nhận ngay được hàng trăm kết quả với lời giới thiệu nghe rất ngọt ngào. Hiện có khá nhiều tổ chức, công ty kinh doanh thêm dịch vụ cho thuê người đi chơi, đóng thế làm người yêu, thư ký...
Giá của loại dịch vụ này không hề rẻ, khoảng 500.000 -1 triệu đồng/4 tiếng nhưng nhu cầu vẫn tăng cao vào những ngày cận Tết Nguyên đán.

Cho thuê người động thổ

Tìm người hợp tuổi, hợp mệnh để làm lễ động thổ nhà ở, công trình hiện nay đã trở thành dịch vụ, thay vì nhờ người quen, thân như trước đây. Hoạt động này lại được nhiều người dân, đặc biệt là giới kinh doanh săn lùng.
Dịch vụ động thổ thuê đang được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn.
Chỉ cần một cú nhấp chuột, trên các trang mạng xuất hiện nhan nhản thông tin đăng tải về các dịch vụ tổ chức lễ động thổ nhà ở,  tổ chức lễ khởi công nhà máy, cầu đường, khu dân cư, khu chế xuất,  khu công nghiệp... Mức giá dao động cho dịch vụ này từ 200.000-400.000 đồng.
Dịch vụ thuê người xông đất

Cho thuê người xông đất đầu năm hiện đã trở thành dịch vụ hốt bạc vào dịp Tết do nhiều người tin rằng việc người hợp tuổi đến nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tài lộc của cả gia đình trong năm đó.
Dù mới xuất hiện nhưng dịch vụ xông đất thuê phát triển khá nhanh với hình thức ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, giá dịch vụ này khá cao. Có công ty đã đưa ra chương trình xông đất khá hoành tráng (tặng lì xì, câu đối kèm lời chúc tết trọn gói 30 phút) nhưng với giá gần 2 triệu đồng.
Dịch vụ khấn thuê

Đầu năm, nhiều người đi lễ nhưng không biết khấn nên ngay tại những đền, phủ, chùa được cho là linh thiêng, đội ngũ những người khấn thuê rất đông đúc.

Việc trả công cho người khấn thuê là tùy tâm, thường là 10.000 đồng, 20.000 đồng hoặc 50.000 đồng. Có người hào phóng có thể cho nhiều hơn.

Dịch vụ thuê nóng bộ phận
Đầu tiên phải kể đến nghề cho thuê... da mặt - tên gọi của nghề trang điểm (make up) khuôn mặt trong thế giới người mẫu, đang thu hút nhiều bạn trẻ có khuôn mặt ưa nhìn.
Các người mẫu cho thuê bộ phận cơ thể như cánh tay, vai, lưng, đùi... để quảng cáo
Đặc điểm của nghề này là không yêu cầu về ngoại hình, chỉ cần có làn da sáng, đẹp, mái tóc mượt mà. Mức lương cho công việc này là 40.000 đồng/2h. Nếu làm người mẫu mặt và tóc thì mức lương có thể cao hơn, dao động 50.000-60.000 đồng/2h.

Ngoài ra, các bạn trẻ hay giới sinh viên thường cho thuê nóng các bộ phận cơ thể để quảng cáo, chẳng hạn như tóc, mặt, tay, lưng.... Dịch vụ này đã và đang mang lại mức thu nhập hàng triệu đồng một ngày cho các bạn trẻ, hầu hết trong số đó là các bạn gái có ngoại hình đẹp, có sức thu hút với khách hàng.
Nghề bế lợn thuê
Chợ heo (lợn) Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) được xem là khu chợ buôn bán heo lớn nhất Việt Nam. Ở đây, có những phụ nữ ấy làm công việc độc nhất vô nhị, đó là bế lợn thuê. Mỗi lần bế một chú lợn, họ được trả 500 - 1.000 đồng tiền công.
Ảnh minh họa
Lúc nghề bồng heo thuê này chưa ra đời, mỗi lần cân heo giống là một lần khó khăn vì nhốt heo vào rọ hay trói để cân sẽ làm heo bị trầy xước, mất giá. Đồng thời, bán xong mà còn khiêng heo cho khách thì rất mất thời gian. Chính vì thế, cái nghề bồng heo thuê tại đây đã dần hình thành và phổ biến rộng rãi.

 

Phải dạy thêm vì “học sinh quá dốt”

TT - Đó là phát biểu của bà hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng (Huế) trước phóng viên, nhằm lý giải cho việc tổ chức dạy thêm ngay trong thời khóa biểu chính khóa với quy mô đại trà, chi tiền dạy thêm vô tội vạ... và số tiền thu vào gần cả tỉ đồng.
Bà Hoàng Thị Mai (bìa trái), hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, khẳng định “có sai sót” trong việc tổ chức học thêm trong buổi làm việc với báo chí tối 13-1 tại trường này. Bà Mai còn khẳng định trường tổ chức dạy thêm xuất phát từ “cái tâm” đối với học sinh, và do trường “tuyển đầu vào quá thấp, học sinh quá ngu dốt”. - Ảnh: Nguyên Linh

Rất nhiều đơn khiếu tố của phụ huynh gửi về cho Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, nhưng sở vẫn chưa tổ chức thanh tra trường này.

Đóng tiền nhiều: do phụ huynh kiến thức hạn chế

Ngày 22-9-2013, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu Trường THPT Cao Thắng đã phát cho phụ huynh bản “xin ý kiến” về việc tổ chức dạy thêm, học thêm của trường. Trong đó đưa ra ba “nguyện vọng” để phụ huynh quyết định, bao gồm: 4 tiết/môn/tuần, 3 tiết/môn/tuần và 2 tiết/môn/tuần. Mỗi “nguyện vọng” có ba môn, tương ứng với số tiền 8.000 đồng, 10.000 đồng và 12.000 đồng/tiết. Đến ngày 12-1-2014, tại cuộc họp phụ huynh kết thúc học kỳ I, ban giám hiệu tiếp tục phát cho mỗi phụ huynh một bản “xin ý kiến” với nội dung tương tự trên. Thấy con số nói trên nhỏ nên hầu hết phụ huynh đã đánh dấu đăng ký.

Tuy nhiên đến khi nhận phiếu thu tiền, nhiều phụ huynh tá hỏa vì số tiền học thêm này quá cao. Phụ huynh nào đánh vào ô 8.000 đồng/tiết được tính thành 288.000 đồng/tháng (8.000 đồng x 3 tiết x 3 môn x 4 tuần). Nếu ô 10.000 đồng thì được tính 360.000 đồng/tháng (10.000 đồng x 3 tiết x 3 môn x 4 tuần). Còn ô 12.000 đồng mỗi tháng là 432.000 đồng (12.000 đồng  x 3 tiết x 3 môn x 4 tuần). Trong thư gửi Tuổi Trẻ, một phụ huynh lớp 11 cho biết: “Nói là bản xin ý kiến nhưng thực chất là giấy buộc đăng ký học thêm, vì ghi rõ tên phụ huynh và học sinh, có ai dám từ chối. Trong văn bản phát cho phụ huynh, nhà trường lại không ghi rõ tổng số tiền, tui đành chọn ô 10.000 đồng. Nào ngờ khi nhận lại phiếu do trường gửi về, mới biết phải nộp 360.000 đồng/tháng, trong suốt chín tháng, tổng cộng tiền học thêm lên đến 3.240.000 đồng/năm học, quá khủng khiếp!”.

Theo ông Đặng Đức Thắng, hội trưởng Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Cao Thắng, khi nhận bản xin ý kiến, nhiều phụ huynh kiến thức hạn chế nên không hiểu hoặc không để ý; mặt khác, do trong bản xin ý kiến không ghi rõ tổng số tiền. Vì vậy, khi nhận phiếu thu tiền, nhiều phụ huynh bất ngờ về tổng số tiền phải đóng quá lớn.

Dạy thêm trong giờ chính khóa

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi đưa vào giảng dạy, mỗi tuần ban giám hiệu đã xếp sáu tiết học thêm vào ba buổi ngoại khóa, ba tiết còn lại xếp vào thời khóa biểu chính khóa. Một điều lạ lùng khiến nhiều phụ huynh thắc mắc chính là trường đưa ra ba mức tiền đóng, nhưng khi dạy thì gộp học sinh nhiều lớp vào học chung tại nhà đa năng của trường. Theo thời khóa biểu học kỳ I, phần lớn các buổi học thêm từ 2-3 lớp trở lên. Đặc biệt, ở buổi học thêm môn toán khối 11 tập trung đến sáu lớp với hơn 200 học sinh.

Theo văn bản chi tiêu nội bộ, nhà trường đã buộc giáo viên chủ nhiệm đến điểm danh học sinh dự các lớp học thêm. Sau đó, giáo viên này được nhận tiền bốn lần điểm danh là 74.000 đồng (1 tiết dạy)...

Chi tiền vô tội vạ

Số liệu từ các văn bản liên quan đến việc dạy thêm của trường này cho thấy trong học kỳ I, số tiết dạy thêm là 3.329 tiết. Tính đến đầu tháng 1-2014, nhà trường đã thu được hơn 972 triệu đồng từ việc này. Ngày 2-1, hội đồng nhà trường đã đưa ra phương án “chi tiêu nội bộ” để chia tiền dạy thêm. Theo quy định hiện nay, tiền thu từ dạy thêm chỉ được chi cho: giáo viên dạy thêm, cơ sở vật chất và phí quản lý. Tuy nhiên, trường này đã chi hơn 160 triệu đồng (16,5%) cho bộ phận quản lý, trong đó hiệu trưởng gần 30 triệu đồng, mỗi hiệu phó gần 25 triệu đồng và giáo vụ, thu ngân mỗi người khoảng 10 triệu đồng. Chi 264 triệu đồng (25%) cho các giáo viên đứng lớp dạy thêm. Trường chi 97 triệu đồng trong khoản tiền này để trả tiền điện, nước và khấu hao cơ sở vật chất.

Gần 470 triệu đồng còn lại trường chi cho các khoản như: 27 triệu đồng hỗ trợ kiểm tra, 21 triệu đồng tiền dự họp liên tịch, gần 5 triệu đồng tiền dự họp đột xuất, 53 triệu đồng tiền dự hội thảo phục vụ dạy thêm, gần 14 triệu đồng công in, nhân bản đề thi, văn phòng phẩm, hơn 19 triệu đồng tiền công cắt phách nhập điểm mỗi môn, 31,2 triệu đồng hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm theo dõi học sinh học thêm và người phục vụ, 47,5 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể đợt 20-11, gần 23,8 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể đợt 20-10, gần 23,8 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể đợt 8-3, hơn 47,5 triệu đồng tiền phúc lợi tập thể dịp Tết Nguyên đán, 58 triệu tiền giữ xe, vệ sinh...

Cho nhân viên văn phòng chấm thi trắc nghiệm

Ngày 13-1, trả lời Tuổi Trẻ về việc này, bà Hoàng Thị Mai, hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng, cho biết trường tổ chức dạy thêm xuất phát từ “cái tâm” đối với học sinh, do trường “tuyển đầu vào quá thấp, học sinh quá ngu dốt”. Bà Mai cho hay Sở GD-ĐT đã có văn bản cho phép trường dạy thêm. Thế nhưng, bà Mai thừa nhận trường chỉ sai quy định của sở: mỗi lớp học thêm không quá 45 học sinh. Về ba mức đóng và số tiền học thêm quá lớn, bà Mai cho rằng: “Dạy thêm mà quy định một mức là vô lý” và “đây là tiền phụ huynh hỗ trợ”. Bà Mai khẳng định không có sự ép buộc học sinh học thêm. Tuy nhiên, bà thừa nhận có sai sót khi đưa giờ học thêm vào thời khóa biểu chính khóa mỗi tuần ba tiết.

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 14-1, ông Đặng Phước Mỹ, phó giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết hiện nay sở chưa chính thức thanh tra Trường THPT Cao Thắng. Song trước rất nhiều đơn thư tố cáo, sở cũng đã hai lần về tìm hiểu tại trường này và đã có kết luận. Chúng tôi đề nghị được cung cấp kết luận việc “tìm hiểu” này, ông Mỹ nói “vì đang hoàn thiện văn bản nên sở chưa cung cấp kết luận được!”. Song ông Mỹ cũng khẳng định trường này có hai việc sai, đó là tổ chức lớp học thêm quá đông và cho một nhân viên văn phòng chấm thi trắc nghiệm. Về việc chi tiền học thêm, ông Mỹ nói “sở chưa biết”. Cũng theo ông Mỹ, sở sẽ tiếp tục làm việc với Trường Cao Thắng, nếu phát hiện sai trái thì sẽ có hướng xử lý.

THÁI LỘC
Nghỉ học vì đóng tiền quá nhiều
Bà Hoàng Thị Đài Trang, phụ huynh em Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, nguyên học sinh lớp 11B4, cho biết đến nay còn bức xúc chuyện tiền “học thêm” ở Trường Cao Thắng. Bà Trang cho biết năm Hùng học lớp 10, tổng số tiền nộp thêm tiết của con bà là 750.000 đồng, dù biết là nhiều nhưng bà cũng đóng cho con theo học. Đến đầu năm nay, khi đi họp phụ huynh, bà đã đăng ký vào ô thấp nhất là mức 8.000 đồng/tiết. Nào ngờ con trai bà đưa giấy nộp tiền học thêm 288.000 đồng/tháng. Vì đã nộp quá nhiều tiền học cho con, bà đến gặp một vị hiệu phó xin cho con không học thêm tiết mà chỉ học chính khóa. Vì không thống nhất được việc này dẫn đến cự cãi, bà Trang đã rút học bạ cho con trai nghỉ học ở trường này.
(Tuổi trẻ) 

Buôn bán 32.000 bánh Heroin: Đề nghị tử hình 34 bị cáo

Vụ án này được TAND tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử sơ thẩm ngay tại trại tạm giam của công an tỉnh

Sau 10 ngày tiến hành thẩm vấn 89 bị cáo trong đường dây mua bán, vận chuyển 32.000 bánh heroin xuyên quốc gia, ngày 13-1, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh đã luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Liên minh ma quỷ

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Bích Ngọc (SN 1960, ngụ huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) là mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy này. Ngọc từng 2 lần ngồi tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” (năm 1991) và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” (năm 1999). Sau khi ra tù, Ngọc ra Móng Cái buôn vải khô, chè khô xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian này, Ngọc quen một số trùm ma túy người Trung Quốc và bắt đầu dấn thân vào con đường buôn bán “cái chết trắng”.

Tính từ tháng 11-2007 đến tháng 1-2012, Ngọc đã mua từ các đối tượng Sa Văn Cầu (bị truy nã tại nước CHDCND Lào), Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Hạnh (SN 1965, ngụ Hà Nội, đại lý cấp 1 của Sa Văn Cầu), Hoàng Văn Thực, Lương Minh Tuấn (SN 1974, ngụ Bắc Giang) 148 bánh heroin.

Số “hàng trắng” trên được các đối tượng chuyển từ Mộc Châu (Sơn La) giao cho Ngọc, sau đó đưa lên Móng Cái bán cho Vương Luân Nghiệp, Vương Vũ (SN 1950, ngụ Đông Hưng - Trung Quốc), Trần Hoa Khách (SN 1964, ngụ Quảng Đông - Trung Quốc)…

Từ đường dây của Sa Văn Cầu, cuối năm 2011 đã hình thành liên minh Nguyễn Hùng Dũng (tức Dũng “ộp”, SN 1979) và Sồng A Lâu (SN 1977, đều trú tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Tính đến tháng 7-2012, liên minh A Lâu - Dũng “ộp” đã vận chuyển, tiêu thụ trót lọt hơn 50 chuyến với số lượng lên tới hơn 3.400 bánh heroin, hơn 260.000 viên thuốc lắc và hơn 16 kg ma túy đá.

Các bị cáo nghe VKSND tỉnh Quảng Ninh luận tội và đề nghị mức án
Các bị cáo nghe VKSND tỉnh Quảng Ninh luận tội và đề nghị mức án

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Huệ điều hành một đường dây ma túy thao túng gần hết toàn bộ khu vực biên giới Lạng Sơn. Để thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy qua biên giới, nhóm của Huệ thành lập nhiều công ty xuất khẩu để giấu ma túy vào trong hàng hóa. Huệ có hành vi mua bán tổng cộng 196 bánh heroin…

Nghiêm trị những kẻ cầm đầu

Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh khẳng định các bị cáo đã tham gia mua bán số lượng ma túy đặc biệt lớn; thủ đoạn tinh vi; tính chất, hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm khi sử dụng nhiều loại vũ khí quân dụng và sẵn sàng chống trả nếu bị phát hiện, tội phạm thực hiện có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, mua bán nhiều chủng loại ma túy khác nhau từ Lào qua Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nghiêm trị các đối tượng giữ vai trò cầm đầu đường dây, đại diện VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình đối với 34 bị cáo.

Trong 34 bị cáo bị đề nghị tử hình, nhóm do Nguyễn Thị Bích Ngọc và Sa Văn Cầu cầm đầu có 12 bị cáo, nhóm do Nguyễn Hùng Dũng cầm đầu có 11 bị cáo, nhóm do vợ chồng Nguyễn Văn Tuân - Vũ Thị Thanh Hiền cầm đầu có 9 bị cáo và nhóm do Nguyễn Thị Hoàn cầm đầu có 2 bị cáo.

Có 9 bị cáo bị đề nghị mức án chung thân, 9 bị cáo bị đề nghị mức án 20 năm, 1 bị cáo bị đề nghị mức án từ 18-20 năm. 32 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 3-16 năm. Ngoài ra, VKSND đề nghị cho 4 bị cáo phạm tội “Kinh doanh trái phép”, “Che giấu tội phạm” được hưởng án treo.
Tổ chức tinh vi theo nhiều cấp độ
Theo đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh, đây là đường dây mua bán, vận chuyển ma túy có quy mô cực lớn. Qua 2 giai đoạn điều tra, mở rộng từ đường dây buôn 5.000 bánh heroin, Công an tỉnh Quảng Ninh xác định 89 bị cáo đã mua bán, vận chuyển tổng cộng 32.000 bánh heroin (tương đương 12 tấn)...
Đường dây này tổ chức tinh vi theo nhiều cấp độ, phân thành từng bộ phận an ninh, vận chuyển, tiêu thụ… Thậm chí, bọn chúng còn lôi kéo, mua chuộc nhiều cán bộ cơ quan nhà nước.
Bài và ảnh: Trọng Đức
(Người lao động)
 

Ngày 15/1/2014 - Phản ứng người dân đối với chính sách sở hữu toàn dân năm 2013 - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - "Tôi quá hiểu cơ chế này"

  • VN thắt chặt quan hệ với Campuchia (BBC) - Thủ tướng Việt Nam bỏ qua chỉ trích của đối lập Campuchia, và hy vọng kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.
  • Philippines phản ứng tin Trung Quốc mưu chiếm đảo Thị Tứ (BaoMoi) - Ngày 14.1, tờ The Philippine Star dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho hay bộ này sẽ xác minh thông tin Trung Quốc lên kế hoạch tấn công đảo Thị Tứ, vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Manila kiểm soát.
  • Đài Loan tập trận chống ngầm tại cửa ngõ Biển Đông (BaoMoi) - Hải quân Đài Loan ngày 14/1 đã triển khai cuộc tập trận chống ngầm trên vùng biển phía nam đảo này, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang ráo riết tăng cường sức mạnh, trong đó có mua sắm tàu ngầm trước các thách thức an ninh khu vực.
  • Mãnh liệt Sinh Tồn (BaoMoi) - Cuộc sống trên đảo Sinh Tồn, nơi xa nhất nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, càng gian khổ thì quân và dân nơi đây càng gắn bó, đoàn kết một lòng vượt qua mọi thách thức, khó khăn.
  • Trung Quốc thay đổi chính sách đối ngoại (BaoMoi) - Trung Quốc (TQ) cảnh báo sẽ đối phó với mọi hành động khiêu khích và leo thang của Nhật liên quan đến vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và lúc đó Nhật sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả.
  • Tòa án Cam Bốt không kết tội hai lãnh đạo đối lập (RFI) - Hôm nay, lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc bị tư pháp Phnom Penh thẩm vấn sau các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Hun Sen. Cuối cùng, tòa án đã để chủ tịch Sam Rainsy và người phụ tá Kem Sokha ra về mà không cáo buộc tội danh nào.
  • Loài người sẽ ăn con gì vào năm 2050 ? (RFI) - Vào năm 2050, hành tinh chúng ta sẽ có 9 tỷ người. Làm thế nào nuôi sống được số lượng người khổng lồ này trong lúc nguồn thức ăn lại không tăng tương ứng. Từ ngày 13/11/2013 vừa qua, các chuyên gia của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã họp trù bị cho Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng với trọng tâm là tìm kiếm giải pháp cung cấp đủ thực phẩm cho tất cả mọi người và phát triển phổ cập các giải pháp này.
  • Tập Cận Bình kiểm soát quân đội Trung Quốc thế nào? (BaoMoi) - (Tin tức 24h) - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng Chủ tịch hiện nay của Trung Quốc Tập Cận Bình kiểm soát quân đội tốt hơn so với người tiền nhiệm của ông và vì vậy mà Nhà Trăng cần phải tăng cường quan hệ với ông Tập. Tuy nhiên theo ông Gates, sự kiểm soát chặt chẽ của Chủ tịch Tập đối với quân đội “vừa là một tin tốt lại vừa là tin xấu".
  • Vai trò - vị trí chiến lược của Hoàng Sa (BaoMoi) - (PetroTimes) - Hiện nay, Biển Đông có vai trò quan trọng về phương diện kinh tế và quân sự đối với Trung Quốc, các nước Bắc Á và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.
  • Giáo sư Úc: Lệnh cấm đánh cá ở biển Đông là hành động cướp biển (BaoMoi) - (TNO) Tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế và bất kỳ âm mưu ngăn chặn những tàu thuyền này của Trung Quốc đều có thể bị xem như hành động của “hải tặc nhà nước”, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 13.1 dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc.
  • Vũ lực không đem lại chủ quyền (BaoMoi) - Ngay khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974, chính quyền Sài Gòn lập tức họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra hành động xâm lược và chiếm đóng của Bắc Kinh. Nhân dân Việt Nam ở miền Nam rầm rộ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.
  • 4 hoạt động lớn ghi dấu 'Trung Quốc cướp Hoàng Sa' (BaoMoi) - Trong hai ngày 18 – 19/01, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra 4 hoạt động lớn trong chương trình “Hướng về Hoàng Sa” nhằm ghi dấu 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
  • Trung Quốc 'nổi đóa' vì Nhật tập trận chiếm đảo (BaoMoi) - Các nhà ngoại giao, nhà phân tích cấp cao Trung Quốc đã cảnh báo về những nỗ lực không ngừng của Nhật Bản trong việc "lật đổ trật tự quốc tế thời hậu chiến", tập trung vào chiến dịch toàn cầu nhằm củng cố chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư.
  • “Không lên tiếng cho thế giới biết thì sẽ không ai giúp ta đòi lại Hoàng Sa” (BaoMoi) - Ngày 11.1, các học giả của Quỹ nghiên cứu biển Đông và nhóm Biển Đông tại Pháp đã soạn thảo “Thư gửi Liên Hiệp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa” nhằm nhắc với thế giới về hành vi cưỡng đoạt của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam và tìm mọi cách yêu cầu Trung Quốc đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế. Ngày 14.1, báo điện tử Một Thế Giới đã đã trao đổi về sự kiện này với Thạc sĩ Công pháp quốc tế Nguyễn Thái Linh hiện đang sống tại Ba Lan.
  • H7N9 : Trung Quốc thông báo hai ca tử vong mới (RFI) - Hôm nay, 14/01/2014, AFP dẫn nguồn tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết có thêm hai trường hợp tử vong mới do bệnh cúm gia cầm H7N9. Tiếp theo hai trường hợp tử vong tại Quảng Đông và Hồng Kông đầu năm nay, hai trường hợp mới đây cho thấy dịch cúm H7N9 có chiều hướng trở lại sau thời gian tạm lắng kể từ tháng 6/2013.
  • Hollande - Gayet : Ranh giới công – tư bị lu mờ hay âm mưu chính trị ? (RFI) - Mối quan hệ 'bí mật' Hollande - Gayet và buổi họp báo quan trọng thứ ba của tổng thống Pháp là mối bận tâm chính trên các tờ báo lớn của Pháp hôm nay 14/01/2014. Vào cuối giờ chiều nay, giờ địa phương, tại điện Elysée, ông François Hollande có buổi họp báo trước 600 phóng viên, để làm sáng tỏ đường lối chính sách kinh tế- chính trị-xã hội trong năm 2014, sau một năm đầy biến động.
  • Tổng thống Pháp lo việc nước trước chuyện nhà (RFI) - Chiều nay 14/01/2014, Tổng thống François Hollande sẽ trực diện với 600 nhà báo Pháp và ngoại quốc trong cuộc họp báo thường kỳ mỗi sáu tháng. Sau năm 2013 đầy khó khăn, chủ nhân điện Elysée sẽ phải trả lời chất vấn trên hai mặt trận nhạy cảm : sóng gió kinh tế, chính trị và bão tố trong gia đình. Tình thế có vẻ gay go nhưng không chắc là tệ hại.
  • Manila bán đấu giá nữ trang của Imelda Marcos để giúp dân nghèo (RFI) - Theo phán quyết của Tòa án chống tham nhũng ở Manila : một bộ nữ trang của bà Imelda Marcos có nguồn gốc << bất chính >>. Phán quyết này mở đường cho chính phủ Philippines bán đấu giá một trong ba bộ sưu tập nữ trang của gia đình nhà độc tài Marcos, thu về nhiều triệu đôla cho Quỹ giúp dân nghèo.
  • Tunisia kỷ niệm ba năm Cách mạng Hoa Lài (RFI) - Hôm nay, 14/01/2014, Tunisia mừng ba năm ngày Cách mạng thành công, lật đổ chế độ độc tài Ben Ali, mở đầu làn sóng dân chủ hóa Mùa Xuân Ả Rập. Tuy nhiên, Hiến pháp đầu tiên của nước Tunisia dân chủ chưa thông qua được vào thời điểm mang tính biểu tượng này như dự kiến.
  • Nga trục xuất nhà báo Mỹ đã đưa tin về biểu tình Ukraina (RFI) - Hôm nay, 14/01/2014, theo AFP một phóng viên Mỹ cho biết bị chính quyền Nga trục xuất, sau khi tác nghiệp về các cuộc biểu tình thân Châu Âu tại Ukraina từ ngày 21/11/2013. Đây là một trong những nhà báo đầu tiên bị trục xuất khỏi Nga, kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Quyết định của Matxcơva có nguy cơ làm cho quan hệ giữa Nga và Mỹ thêm căng thẳng.
  • Người biểu tình dọa "bắt sống" Thủ tướng Thái (RFI) - Bước sang ngày thứ hai của chiến dịch làm << tê liệt >> thủ đô Bangkok, hôm nay 14/01/2014, lãnh đạo biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban đe dọa << bắt sống >> Thủ tướng và các thành viên chính phủ nếu bà không chịu từ chức trong nhưng ngày tới.
  • 2014, bài toán trắc nghiệm thuyết Abenomics (RFI) - Chính sách kinh tế Abenomics bắt đầu đem lại những thành quả mong đợi. 2014 mở ra nhiều hứa hẹn với kinh tế Nhật Bản. Nhưng thách thức vẫn còn đó. RFI Việt ngữ phỏng vấn chuyên gia kinh tế Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng và Thông tin quốc tế CEPII, Evelyne Dourille Feer.
  • Latvia gia nhập khối euro : Sự hồi sinh thần kỳ (RFI) - Năm 2009, có hai nước trong khối Đông Âu (cũ) phải cầu viện tới tín dụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Hungary và Latvia. Ở cả hai nước, những biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt đã được thực hiện, và tại Latvia, người đứng đầu nội các còn bị thay thế.
  • Obama can ngăn Quốc hội không nên trừng phạt thêm Iran (RFI) - Hôm qua 13/01/2014, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội Mỹ hãy dành cho ngoại giao một cơ hội trong hồ sơ hạt nhân, trong lúc mà các nghị sĩ Mỹ đang chuẩn bị thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Teheran.
  • Syria : Vatican kêu gọi ngừng bắn (RFI) - Tối ngày 13/01/2014 qua sáng nay, Tòa thánh Vatican kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện tại Syria và << tất cả các đối tác khu vực >> đóng góp vào thành công của hội nghị Genève 2. Thông điệp kể trên được đưa ra một vài giờ trước chuyến công du Vatican của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay 14/01/2014.
  • Cristiano Ronaldo giành Quả bóng vàng FIFA 2013 (RFI) - Danh thủ người Bồ Đào Nha đang chơi cho câu lạc bộ Real Madrid đã vượt lên trên Lionel Messi để dành Quả bóng vàng FIFA 2013, giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Cầu thủ Franck Ribéry xếp hang thứ 3 trước sự tiếc nuối của làng bóng đá Pháp và người hâm mộ.
  • Nhật Bản mua 42 chiếc F-35 để bảo vệ Senkaku (BaoMoi) - Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định mua 42 chiến đấu cơ F-35 từ Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ nhằm tăng khả năng bảo vệ quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc – Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
  • Giới ngoại giao Trung Quốc tấn công Nhật Bản (BaoMoi) - TTO - Ngày 13-1, các nhà ngoại giao và chuyên gia kỳ cựu của Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản đang phá hoại trật tự thế giới thời hậu chiến, khi Tokyo đang ra sức vận động hành lang nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế chống lại Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phản ứng người dân đối với chính sách sở hữu toàn dân năm 2013

Dân oan Hà Nội mỏi mòn chờ gặp chủ tịch tỉnh
Dân oan Hà Nội mỏi mòn chờ gặp chủ tịch tỉnh
Nguồn AnhBasam
Nghe bài này

Tình trạng khiếu kiện đất đai của người dân bị thu hồi một cách phi pháp vẫn kéo dài mãi đến nay. Trong năm qua, hiện trạng đó lại diễn ra một cách sôi động.

Khi sự nhẫn nhịn bị dồn đến đường cùng

Những tiếng trống, tiếng còng, tiếng chiên của nông dân ở Dương Nội vang lên trong những ngày đầu năm 2013 không phải để đón chào 1 năm mới an lành với hy vọng bội thu trong những vụ mùa mà đó là những âm thanh vang vọng tiếng lòng của người dân lâm cảnh khốn cùng mất nhà, mất đất, mất ruộng, mất vườn ở Dương Nội nói riêng và ở khắp mọi miền dãy đất hình chữ “S” nói chung.

Tháng Giêng năm 2013 mở ra với hình ảnh bà con Dương Nội dựng lều trên tinh thần sẵn sàng tự thiêu để giữ từng tấc đất của mình. Họ đồng lòng dùng đuốc hỏa công đuổi lực lượng cưỡng chế để giữ đất đến cùng. Vì sao họ phải chọn con đường quyết tử? Phải chăng những người nông dân tay lắm chân bùn này không hiểu biết pháp luật? Câu trả lời rằng “không”. Có thể đa phần trong số họ không có điều kiện học cao hiểu rộng, quanh năm chăm bẳm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng họ tôn trọng và tuân thủ luật pháp một cách tuyệt đối. Họ mất nhiều thời gian gõ cửa từ các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cho đến Trung ương với niềm tin những khuất tất của họ sẽ được giải quyết. Và một khi sự nhẫn nhịn cùng niềm hy vọng bị dồn đến đường cùng thì họ phải liều mạng để tự cứu mình. Cùng một tinh thần như nông dân ở Dương Nội, nông dân Văn Giang cũng ra tuyên bố quyết cảm tử giữ đất trong năm qua, sau gần 1 thập kỷ đi khiếu kiện.

Không đưa ra lời tuyên bố nào, anh Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình nổ súng khiến 5 cán bộ của Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Thái Bình bị thương và thiệt mạng hôm 11/9. Trong cùng ngày, anh Viết dùng chính cây súng gây án kết liễu mạng sống của mình. Các báo đài trong nước loan tin vụ việc xảy ra do căn nhà của anh Viết không được bồi thường thỏa đáng. Người anh họ và mẹ của người vợ đã li dị của anh Viết cho đài RFA biết về nhân cách của anh ngay sau đám tang:

Dân oan Dương Nội dùng hỏa công quyết giữ từng tấc đất của cha ông, tháng 1/2013 (files photos)
Dân oan Dương Nội dùng hỏa công quyết giữ từng tấc đất của cha ông, tháng 1/2013 (files photos)
“Nói chung ảnh hiền lành thôi. Chẳng có vấn đề gì cả.

“Nói chung cháu Viết rất là hiền lành, rất là ngoan. Sống rất được lòng của mọi người.”

Trong dư luận có người cho việc làm của anh Đặng Ngọc Viết là sai trái nhưng cũng có người cho anh Viết là nạn nhân, vì là người hiền lành trong hoàn cảnh bế tắt nên anh không còn cách lựa chọn nào khác hơn. Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích về hiện trạng phản kháng của người dân mà đỉnh điểm là cái chết của anh Đặng Ngọc Viết:

Bản thân chung quanh việc đó không chỉ là việc của 1 người dân, không phải là một trường hợp cá biệt mà thể hiện sức nhín nhịn của người nông dân không còn hơn được nữa. Đây không phải là ruộng đất ở nông thôn mà là câu chuyện đất đai cư trú ở thành thị. Và như vậy liên quan đến khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát.

Trong phần lớn các trường hợp xảy ra thì đấy là những người có trí thức, có hiểu biết, thậm chí có cả hiểu biết về pháp luật, không hề mù mờ. Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. Và cuộc chiến đấu có thể xem như cuộc chiến đấu cuối cùng của họ theo ý nghĩa ‘bày trận nhưng mà lưng quay ra sông’, nhất thiết phải tiến tới để hoặc là được hoặc là mất”.

Người dân xác định tranh đấu đến cùng

Cuối tháng 7/2013, những người nông dân của gia đình họ Đoàn ở Tiên Lãng, Hải Phòng bị tuyên các bản án tù vì phản kháng chống lại lực lượng cưỡng chế quy mô của chính quyền địa phương dù Thủ tướng chính phủ đã kết luận việc ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn không đúng quy định của pháp luật khiến cho những người cùng cảnh ngộ càng phẫn uất. Anh Đặng Ngọc Viết có thể bị coi là “tội phạm” theo quy định của pháp luật nhưng hình ảnh của anh Viết khích lệ cho hàng ngàn dân oan trong cả nước. Có phải tất cả họ đều bị đẩy đến chân tường? 1 nông dân ở Văn Giang chia sẻ:

Anh Đoàn Văn Vươn và anh Đoàn Văn Quý
Anh Đoàn Văn Vươn và anh Đoàn Văn Quý dân oan Tiên Lãng. RFA file/Source phapluat.vn
“Bây giờ tình hình bà con rất căm thù rồi, lên đến mức cao độ là 9 năm nay chúng tôi đến các cơ quan pháp luật Nhà nước để kêu cứu, đề nghị giải quyết nhưng đến lúc này không có gì hồi âm lại cho bà con. Cho nên bà con cũng xác định rồi cương quyết quyết tử bằng đổ máu. Phải chấp nhận hy sinh chứ làm sao được nữa! Nông dân bị đẩy vào ngõ cụt rồi. Phía bên họ dựa vào chính quyền để đàn áp, dân thì ‘tức nước vỡ bờ’, thì phải quyết chiến. Đó là con đường cùng chẳng thể nào khác được, phải chấp nhận cuộc này thôi”.

Năm 2013 khép lại với Bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua vẫn duy trì Luật Đất đai quy định “sở hữu toàn dân” cùng với nhận định của Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình:

“Ở nông thôn chúng tôi gọi là vấn đề dân cày cách nay hàng mấy chục năm đã được xới lên và vẫn chưa kết thúc. Còn ở thành thị, không phải là ruộng cày nhưng miếng đất để cư trú, đồng thời cũng là tài sản lớn nhất và liên quan đến quyền sở hữu của người dân thì chính là khâu tôi nghĩ rằng là 1 bài toán đang rất bức xúc, đòi hỏi phải có lời giải”.

Năm mới 2014 mở ra mang đến niềm hy vọng cho dân oan ở 63 tỉnh thành trong cả nước, nhất là hàng ngàn dân oan đang lâm cảnh “sống lang thang, chết âm thầm” ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng và Lý Tự Trọng, nơi người ta gọi là “trại dân oan” khi Hiệp hội Dân oan Việt Nam tuyên bố ra đời với mục đích nhằm hỗ trợ Nhà nước nhanh chóng tìm ra giải pháp cho bài toán nan giải về đất đai. Ông Nguyễn Xuân Ngữ, người đại diện trong ban vận động Hiệp hội Dân oan VN cho biết:

“Chúng tôi muốn Nhà nước biết đến oan ức của dân oan. Chúng tôi làm việc theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi làm việc công khai, có tổ chức, có cương lĩnh hẳn hoi. Chúng tôi gửi thông báo trực tiếp đến 4 vị nguyên thủ quốc gia, có đề nghị xin gặp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước để chúng tôi thành lập hiệp hội. Và tôi tin Nhà nước sẽ chấp nhận việc làm của chúng tôi”.

Năm mới đến với mọi sự mới, với niềm lạc quan tin tưởng vào một tương lai ấm no, vào sự gắn kết máu thịt nơi mảnh đất của mình, người dân đã bày tỏ thiện chí với chính phủ. Thế nhưng, để người dân chọn lựa giữa hợp tác hay đối đầu thì còn tùy thuộc vào quyết định của Nhà nước VN.
Hoà Ái, phóng viên RFA
2014-01-14

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - "Tôi quá hiểu cơ chế này"

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Đó là nhận định của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư tại hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) diễn ra tại Hà Nội vào sáng 13-1.
Trả lời câu hỏi về việc kiểm soát đầu tư công, bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Một trong những nguyên nhân góp phần vào việc lạm phát là chúng ta chi tiền đầu tư công quá mức.
 
Hiệu quả đầu tư công thấp, ai chịu trách nhiệm? Chúng ta đã có nhiều cơ chế chưa chặt chẽ. Tôi làm rất lâu trong lĩnh vực kinh tế, rất lâu ở địa phương. Tôi quá hiểu cơ chế này. Trung ương phân bổ thế nào, chạy chọt thế nào tôi biết hết. Bây giờ tôi lên làm bộ trưởng, tôi thấy lạ nhiều địa phương không biết gì cả nhưng chúng ta phân cấp quá mạnh cho các địa phương. Cơ chế chúng ta là cho tiền cho những người không biết gì mà quyết định”.
Theo bộ trưởng Vinh, tiền ngân sách của chúng ta không đủ để chi thường xuyên, không có một đồng nào để tích lũy đầu tư phát triển. Tất cả đầu tư phát triển đều là vốn vay. Ngân sách của chúng ta chỉ để lo lương, an sinh xã hội chứ không có đồng nào để đầu tư. 
Ông Vinh nói: “Tôi lên Bộ trưởng đã lập tức xây dựng chỉ thị thay đổi toàn diện vấn đề đầu tư, không để tình trạng này xảy ra. Tôi nghĩ đã đến lúc ngăn ngay việc này lại, mặc dù địa phương và các bộ ngành còn rất khó chịu. Chỉ thị bây giờ không cho phép bộ trưởng, chủ tịch tỉnh ký một công trình nào nếu anh không biết anh có bao nhiêu tiền và đảm bảo đủ tiền”.
Nói về thách thức, Bộ trưởng Vinh nhận định: “Đến một ngày nào đó chúng ta không còn dầu khí, không còn than nữa thì phải nhập khẩu toàn bộ. Sắt thép chúng ta không đáng kể, nhiều mỏ sắt không có chất lượng cao. Khai thác dầu khí giảm dần từ 20 triệu tấn/năm đến nay chỉ còn 16 triệu tấn/ năm, dần dần sẽ cạn nguồn tài nguyên này. Trên thế giới có một điều rất hay. Các nước có khoáng sản lại là các nước đang phát triển, lạc hậu. Ngược lại, tất cả những nước không có tài nguyên gì lại các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tài nguyên duy nhất của họ là tài nguyên con người, chính sách và cơ chế”. 
Theo ông Vinh, tài nguyên quan trọng nhất của VN là con người. Con người VN cần cù, chịu khó, thông minh, ham học… vì vậy cần dồn toàn tâm toàn lực nhân sĩ, trí thức để xây dựng được chiến lược của VN trong 5-10 năm tới, cần đổi mới thể chế, không phân biệt nhà nước với tư nhân, không phân biệt tôn giáo, người dân phải được tiếp cận với nguồn lực kinh tế của đất nước một cách công bằng, phải được tự do sáng tạo để phục vụ đất nước.
  (Tuổi trẻ)

Danlambao 15/1/2014

Thế hệ sai lầm – trong đó có tôi!


Tin Ba – Tôi xin mượn bác Trung Úy Phạm Ngọc Roa và bác Thượng sỹ Nhất Trần Dục thay mặt cho những người dù còn, hay đã hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 làm hình mẫu. Họ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, tự do đúng nghĩa. Họ hy sinh không một nấm mồ, họ thà để xương, thây ngâm đáy Hoàng Sa còn hơn là làm nô lệ cho TC và cho một ngày hòa bình, tự do vãn hồi trên quê hương đau khổ VN. Các Anh, các Bác đã ra đi cho một giấc mơ tuyệt đẹp về tương lai của đất nước, của con cháu Vua Hùng tràn ngập tình yêu thương. Tôi và những người trẻ, dù sinh ra ở bất cứ đâu, mang sắc tộc nào trên quê hương Việt Nam đều cảm thấy ngưỡng mộ và hãnh diện về công lao của các anh…

Về chuyện VNCH hủy bỏ kế họach phái phi cơ đánh trả đũa quân Trung Cộng sau Hải chiến Hoàng Sa


Phạm Trần (Danlambao)Các bạn trong thôn Dân Làm Báo thân mến,
Tôi thấy chuyện VNCH hủy bỏ kế họach phái phi cơ đánh trả đũa quân Trung Cộng sau ngày Hoàng Sa bị TC đánh chiếm ngày 19/01/1974 đã “biến thành tranh cãi” sau tuyên bố (không bằng chứng) của Nguyên Trung Úy Phi công “của Việt Cộng nằm vùng trong Không quân VNCH” Nguyễn Thành Trung: “Một kế hoạch phản công được chuẩn bị công phu với khả năng chiến thắng là 100%, nhưng rốt cuộc đã không thể diễn ra do Mỹ cảnh báo tổng thống Thiệu không được hành động.”
Sự thật theo 2 người “có thẩm quyền” lúc bấy giờ là Tư lệnh Hải quân Vùng I Chiến thuật, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và Nguyên Bí Thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã đã xác nhận với tôi như sau:

No-U Sài Gòn: Chương trình viếng thăm và tặng quà các gia đình quân nhân VNCH trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19.01.1974


 
Cập nhật 13.1.2014 – Chặng 1 của chuyến viếng thăm và cập nhật hỗ trợ tài chánh
10h đêm ngày 10.1.2014, đại diện nhóm No-U Sài Gòn gồm có Fb Miu Mạnh Mẽ, Fb Bé Mập Lai, Fb Tin Ba, Fb Lê Doãn Cường, Đinh Nhật Uy và Nguyễn Hoàng Vi đã bắt đầu hành trình viếng thăm và tặng quà tri ân đến các gia đình quân nhân VNCH đã tham chiến trận hải chiến Hoàng Sa (19.01.1974).
Hơn 4h sáng ngày 11.01.2014, nhóm dừng chân ở bến xe Liên Nghĩa – Đức Trọng – Lâm Đồng. Khoảng 8h, sau khi ăn sáng, uống café, mọi người bắt đầu đón xe từ Liên Nghĩa đi Tân Thành, Đức Trọng, Lâm Đồng thăm gia đình Trung úy Phạm Ngọc Roa (HQ-4). Khoảng 12h trưa, nhóm chào tạm biệt gia đình bác Roa, lên đường thăm gia đình Trung úy Nguyễn Đình Long (HQ-4) ở Đà Lạt nhưng không gặp bác ở nhà.

Tiếc nhớ anh Trầm Kha – Nguyễn Văn Đồng


Trung úy Hải Quân Nguyễn Văn Đồng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974
HT Nguyễn (Danlambao) – Ngày 28 tết, tôi năm ấy 13 tuổi không còn nhỏ, nhưng cũng chưa lớn để hiểu mọi chuyện. Tôi kể lại những gì tôi còn nhớ về ngày ấy, khi anh trai tôi là trung úy hải quân Nguyễn Văn Đồng hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa.

Bài thơ của Hải Quân Trầm Kha – Nguyễn Văn Đồng: KHI THANH BÌNH TRỞ LẠI


Trầm KhaTôi sẽ nhận người làm anh em. Đi xây những cây cầu đã sập. Những ngôi nhà đổ nát. Những thành quách điêu tàn. Tôi sẽ mời anh tắm lại dòng sông. Không còn máu, không còn biên thùy ngăn cách. Trước khi cùng anh đi thăm những người đã chết. Thắp cho nhau nén hương lòng muôn đời không tắt. Tưởng nhớ bạn bè xấu số vội ra đi…

Hà Nội: Học viên Pháp Luân Công ‘tử chiến’ trước lăng Ba Đình


CTV Danlambao – Lúc 09h30 sáng ngày 14/01/2014, một nhóm 5 thanh niên trong bộ đồng phục vàng của Pháp Luân Công đã bất ngờ kéo đến căng biểu ngữ ngay trước khu vực quảng trường Ba Đình. Hình ảnh gửi đến Danlambao cho thấy một tấm biểu ngữ khổ lớn có nội dung: “Chân tướng Pháp Luân Công là tử huyệt của ma giáo cộng sản” được giăng ngang ngay phía chính diện cổng lăng Hồ Chí Minh. Bên cạnh là một biểu ngữ nhỏ hơn có nội dung: “Tà đảng Việt Cộng và đại ma đầu Hồ Chí Minh là tội đồ của dân tộc”.
Lăng Ba Đình được xem là một biểu tượng quyền lực độc tôn và được sùng bái bởi đảng cộng sản. Bên trong, lăng được dùng để thờ cúng và bảo quản thi hài lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh.

Trao giải thưởng văn học cho các tác phẩm dở là một tội ác


Trần Mạnh Hảo (Danlambao) – Chúng tôi (TMH) xin mượn ý của nhà văn Nguyên Ngọc làm đầu đề cho bài viết phê phán việc Hội nhà văn Việt Nam hơn chục năm nay, năm nào cũng chọn những tập thơ dở nhất, những tập văn xuôi làng nhàng, nhạt nhẽo để tôn vinh, để tặng giải thưởng văn học. Trên trang 10, báo “Tuổi Trẻ” ra ngày thứ ba 14-1-2014, trong bài “VĂN CHƯƠNG CẦN ĐẸP” của nhà văn Nguyên Ngọc, nhân kỷ niệm 81 ngày sinh của ông, tác giả “Đất nước đứng lên” viết: “Đã là văn chương thì phải đẹp. Nói lý luận một chút: đẹp là chức năng hàng đầu, là đạo đức của văn chương. Văn chương dở thì phi đạo đức… Truyền bá văn chương dở là tội ác. Cái dở trong nghệ thuật tạo môi trường cho cái ác…”

Hoàng Sa – Nỗi đau còn đó


Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) – Trên đời này có ba thứ không thể che giấu mãi được, đó là mặt trời, mặt trăng và sự thật. Trong một lúc, mây đen có thể che lấp được mặt trời hay trăng, nhưng mãi mãi là điều không thể.
Giống như vậy, suốt 40 năm chế độ nhà nước CSVN có thể che mắt bịt tai để lạnh lùng im lặng như quên lãng vong linh 74 chiến sĩ trận vong QL/VNCH, đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974 – Nhưng không thể lãng quên mãi mãi.

14/1: Tin tức, bình luận trong ngày

Tổng hợp những tin tức đáng chú ý nhất và những status hay trên facebook ngày 14/01/2014

Hồi âm bài viết của nhà báo Bùi Tín

Thành phố Westminster, CA, ngày 14 tháng 1 năm 2014

Thưa nhà báo Bùi Tín,

Thứ nhất, tôi xin cảm ơn ông – một nhà báo lão thành – đã “để mắt” tới bài viết của tôi – một người viết tài tử (nghĩa là không sống bằng lợi nhuận của nghề cầm bút) – mà ông “hoài nghi tâm huyết và trí tuệ của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu. Ông (Bằng Phong) là siêu nhân, mang một sứ mạng thiêng liêng, thần bí hay một con người không bình thường?”. Đối tượng trong bài viết “Hãy Quyết Tử Để Dân Tộc Quyết Sinh” mà tôi nhắm tới là các vị “cách mạng lão thành” và những nhà trí thức trong nước. Ông Bùi Tín đang ở hải ngoại, dùng danh xưng “Chúng Tôi” để bào chữa “Chúng Tôi Không Hèn, Cũng Không Nhát” làm cho độc giả hiểu rằng hoặc ông đang ở trong nước, hoặc ông được những “cách mạng lão thành” và những nhà trí thức trong nước bảo ông lên tiếng giùm họ.

Năm ngựa nói chuyện Ngọ


Xuân nay hơn hẳn mấy xuân qua* 
Bá Ngọ tràn lan khắp diễn đàn 
Cả nước thi đua khui “giặc”(hũ) Mắm 
Tiến lên! 
Vô Sản giàu quá ta! 
Phát huy tinh thần Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Ba Ếch về nhu cầu “đổi mới thể chế”, hắn thề với vợ phen này quyết đổi mới tư duy, bỏ đi cái truyền thống cực kỳ cố cựu có từ khi Mười hai Con Giáp chào đời, bẻ một bước ngoặt hoành tráng để vươn lên tầm cao mới: thay vì Năm Ngọ nói chuyện Ngựa, hắn Năm Ngựa nói chuyện Ngọ.

Ngọ hay Ngọc


Hồ Ngọc (Bạn đọc Danlambao) – Tác giả bài viết này có tên là Hồ Ngọc. Nhân vật được đồng bào trong ngoài nước chiếu cố nhiều nhất trong vụ án Dương Chí Dũng (DCD) và Dương Tự Trọng (DTT) là Trung Tướng Phạm Quý Ngọ. (PQN) không họ hàng thân thích hay ân oán giang hồ chi cả với kẻ viết bài mang tên… Ngọc này.

CA tiếp tục sách nhiễu gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển


Nguyễn Bắc Truyển – Sáng nay, công an xã Long Hưng B (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đến nhà tôi để đưa giấy mời.
Nội dung giấy mời (xin xem ảnh đình kèm), qua giấy mời thấy cần có đôi điều về cách làm việc quan liêu của công an xã Long Hưng B.

Một số thông tin về video tàu hải giám TQ đe dọa các giàn khoan dầu khí VN


Châu Văn Thi (Danlambao) – Video thứ nhất được phát trên website V.ifeng.com của Trung Quốc cho thấy tháng 3/2012 tàu Hải giám Trung cộng số hiệu 83 và 75 xâm phạm vùng biển Việt Nam bằng việc áp sát các giàn khai thác dầu khí Đại Hùng 01, và Đại Hùng 02 thuộc xí nghiệp liên doanh dầu khí VietsovPetro. Tàu hải giám số hiệu 83 đã đi ngang vùng biển giữa tàu chứa dầu FSO Kamari nơi có chứa rất nhiều ống dẫn dầu. Sau đó tàu dịch vụ bảo vệ PTSC Hải Phòng đã liên lạc với tàu hải giám Trung cộng bằng các kênh liên lạc VHF nhưng không nhận được câu trả lời. Buộc tàu PTSC Hải Phòng hú còi đẩy đuổi tàu Trung cộng ra khỏi vùng nguy hiểm về khai thác dầu khí.

Video Tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa

Dân Làm Phim – Trận hải chiến để giữ quần đảo Hoàng Sa trước sự tấn công xâm lược của Trung Quốc đã xảy ra 40 năm qua. Có 74 sĩ quan và binh sĩ hải quân Việt nam Cộng hòa đã bỏ mình trong trận hải chiến đó. (RFA)
Chúng ta hãy tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, tưởng niệm 40 năm ngày quần đảo thân yêu của đất mẹ mất vào tay quân thù, tưởng niệm linh hồn 74 người lính đã chết, bằng cách của chúng ta. (DLB)

Vì sao Nguyễn Thế Thảo chơi ngông?


Nguyên Anh (Danlambao) – Thông tin cho hay nhân dịp thủ tướng Ba Ếch viếng thăm vương quốc Campuchia, ngoài đạt được một số thành tích nhất định cho giới doanh nghiệp quốc doanh VN phái đoàn đi theo cũng lại quả một số vấn đề như bệnh viện Chợ Rẫy 2 và ngông hơn Nguyễn Thế Thảo chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký viện trợ cho TP PhnomPenh 2 triệu đô la để xây trường học! (1) 2 triệu đô là là bao nhiêu? Tương đương 42 tỷ đồng VN trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, các tỉnh thành làm công văn xin TƯ viện trợ gạo cứu đói để đồng bào ăn Tết mà Nguyễn thế Thảo quăng một phát quá tay, cái đó chắc phải gọi là Nghèo còn làm giọng Mạt mà.

Lời cuối

Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao)
Tôi sẽ chết lý tưởng còn đâu
Ngày khép lại thân không động nữa
Nợ dương trần tôi đã trả chưa
Hay quịt nợ nước nhà đau đáu
(trích Lời Cuối, NTTB)
Thêm một vài ý nghĩ rời về một khuôn mặt mà có lẽ khi anh ấy vừa ngậm cười (chín suối), thì mỗi người trong chúng ta đã phải tốn không biết giấy bút mực và cả nước mắt thương tiếc khôn nguôi. Thật đáng tiếc khi trước mặt, sau lưng “vưỡn” còn có không ít những vị đáng bị chúng ta nguyền rủa cho tới chết, nhưng cứ vẫn nhăn răng nhăn vuốt thấy mà ghê. Chính những tay đồ tể khét tiếng này cũng vừa lấy mất của chúng ta và gia đình thân yêu một tù nhân chính trị bất khuất, không thỏa hiệp khoan hồng là cố trung úy phi công Bùi Đăng Thùy ở trại giam Xuân Lộc, một người đã phải hy sinh đọa đày trong thứ đòn thù của 17 năm đằng đẳng lao phổi.

Có bao giờ bạn hỏi: Quê hương mình ở đâu?


Hưng Lê (Danlambao) - Công an nhân dân (CAND)(*) là cơ quan đầy quyền lực, là thanh gươm, lá chắn bảo vệ đảng cướp sạch (CSVN). Là một trong những cơ quan có nợ máu nhiều nhất đối với nhân dân Việt Nam bên cạnh ĐCSVN. Từ việc bắt bớ giam hãm những nhà bất đồng chính kiến theo lệnh của tập đoàn CS man rợ, đến việc đàn áp những người biểu tình yêu nước chống bọn xâm lược Trung cộng, tấn công, hành hung các nhà hoạt động Dân Chủ và Nhân Quyền, đập phá chùa chiền, nhà thờ, sách nhiễu uy hiếp, trù dập các tín đồ tôn giáo, hà hiếp đánh đập Dân Oan, tấn công nông dân mất đất, giết hại đồng bào trong đồn bót CA không gớm tay mà đâu đâu cũng thấy bàn tay tàn bạo, vô nhân của CAND đều đã vấy máu đồng bào.

Thượng tướng so với Thủ tướng ai to hơn ai?


Nhạc sỹ Tô Hải – Câu hỏi này được đặt ra cho tớ vào chiều hôm 9/1/2014 khi hai cháu hâm mộ tớ (cả hai cỏn rất trẻ chưa quá tuổi “băm” nghĩa là thua cháu đích tôn của tớ mấy tuổi) đến thăm tớ để chất vấn tớ về cái máu… còn dễ yếu lòng, hy vọng hão ở những gì mà chú ba Dũng đã tung ra trong bản thông điệp đầu năm!

Trả lại tên cho Sài Gòn


Minh Dân (Danlambao) – Ba mươi tháng tư bảy lăm, người dân Sài Gòn và cả miền Nam không bàng hoàng vì cái tên Sài Gòn bị thay bằng cái tên lạ hoắc: “thành phố hồ chí minh, thành phố mang tên bác” mà ngơ ngác thất thần vì mất Sài Gòn thật sự. Người ta hiểu ra  ”Đất nước còn, còn tất cả. Đất nước mất, mất tất cả” bấy giờ thực sự hoàn toàn là một chân lý.

Press Release: Vietnamese Delegation of Human Rights Activists and Bloggers Visits the United States, Europe, and Australia to Advocates for Human Rights in Vietnam


12/1/2014 – Invited by the UN Office of the High Commissioner for Human Rights (OHCHR) and other INGOs, a delegation advocating for human rights in Vietnam will visit the United States, Europe, and Australia starting from 12 January 2014. The delegation consists of representatives from VOICE, Vietnamese Bloggers Network, Dan Lam Bao, The Vietnam Path Movement, Hoa Hao Buddhist Church, No-U Vietnam, The Association of Political and Religious Prisoners, and relatives of current political prisoners in Vietnam.

Thông cáo báo chí về cuộc vận động nhân quyền tại Mỹ và Thụy Sĩ


12/1/2014 – Nhận lời mời của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) và một số tổ chức quốc tế khác, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014. Thành phần phái đoàn gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam và thân nhân một số tù nhân chính trị.

“Không đâu chăm lo mầm non tốt như nước ta!”


Ông Lê Văn Hòa (đứng), Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, phát biểu tại buổi làm việc.
Ph.Anh (NLĐO) – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM Nguyễn Tiến Đạt nhận xét như vậy tại buổi làm việc với huyện Bình Chánh về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non vào sáng 13-1.

Đã không còn chịu nổi


Dân đã rớt mồng tơi từ lâu lắm
Nợ đùm đìa, cơm có chẳng gì ăn
Xăng lên giá và điện không chịu xuống
Nước thì dơ, đảng không bớt bạo tàn
Cứ vay mượn, giấy chứng sinh là giấy nợ
Mới chui ra chưa kịp tiếng chào đời
Cha mẹ trả và tiếp theo là con cháu
Mà đảng thì vét mãi chẳng hề ngơi

Dũng Xà Mâu phá đảng?


Nguyễn Nhơn (Danlambao) – Ngày 7 tháng giêng, 2014, đứng trước pháp đình Hà Nội, Dương Chí Dũng tử tội trong vụ Vinalines, thình lình ném ra quả bom mắm tôm đáng giá một triệu rưởi đô la xanh Mỹ nhằm vào mặt thứ trưởng côn an thượng tướng Phạm Quý Ngọ. Lại còn khai tiếp văng miểng vào trùm sò tối cao côn an, Đại tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng côn an.

Tìm hiểu, phân tích hòa hợp, hòa giải


Ông Bút (Danlambao) – Theo cách nghĩ của riêng tôi, người dấn thân tranh đấu, là người hào hoa, khoáng đạt, không xét nét hẹp hòi, không cố chấp quá khứ. Từ cách nghĩ này, tôi thân thiện với vô số bạn bè, bất phân chiến tuyến, đơn cử một ví dụ nhỏ:
Mười năm trước, làm công nhân hãng nhựa ở Marietta, nhiệm vụ hằng ngày dùng xe forklift, chở hàng ra cho công nhân phân loại, đưa vào máy ép thành “bale”, hôm nọ supervisor giao cho tôi một chú lính mới, bảo: Mầy huấn luyện nó chở hàng phụ, cho kịp ra hàng, mỗi ngày tối thiểu phải 40 “bale”. Supervisor quay lưng bỏ đi, chúng tôi tự giới thiệu tên tuổi, và làm thân với nhau, chú ấy tên Khảm, kém tôi tám tuổi, người Hải Dương, bộ đội Campuchia xuất ngũ, vượt biên lưu trú Hồng Kông, tới Mỹ diện “Ro”. Khảm đẹp trai, lanh lẹ, vui vẻ, tính cũng hài hài…

Thông điệp về một thông điệp!


Nguyễn Dư (Danlambao) – Mấy ngày qua, RFI phỏng vấn một ông giáo sư về thông điệp đầu năm của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo tôi biết, thì ông giáo sư này đã “già” mà lại còn dại, dễ tin (chữ già mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Tại sao tôi lại phải nói ông như thế? Bởi vì chính ông là một thành viên của viện nghiên cứu phát triển bất vụ lợi ở Việt Nam, bị chính ông Dũng bất chấp luật pháp quốc gia, có hành vi bịt mồm, chơi khâm, ép, nên viện của nhóm ông buộc phải giải thể. Thôi, bỏ, chuyện cũ cũng đã qua lâu rồi! Nhưng hiện tại, chúng ta hãy nhìn về “Tương Lai” trước mắt của chúng ta đây.
  • Guangdong outlines big FTZ plans (Washington Post) - The Guangdong provincial government has vowed to realize liberalization of trade in services in the South China province and its neighboring Hong Kong and Macao.
  • Doing business the Chinese way (Washington Post) - Ambitious Chinese youngsters have long sought to learn from Western economic theories and best practice, so why don't they tap into wisdom closer to home?
  • Belgian brews no small beer in China (Washington Post) - Beer lovers from China and other emerging markets are frothing up sales for Belgian brewers, with shipments from Antwerp to Chinese ports witnessing a steady growth.
  • Chinese airlines in it for the long haul (Washington Post) - Chinese air carriers are chasing new horizons as an increasingly competitive domestic market drives them to seek new opportunities abroad.
  • Ready for take-off? (Washington Post) - As demand for long-haul flights between China and the rest of the world continues to rise, intl air carriers are grappling with how they can increase destinations beyond the country's major transportation hubs.
  • Fosun buys Portuguese insurer for $1.4b (Washington Post) - Fosun International Ltd, China's biggest private conglomerate, has bought a controlling stake in Portugal's largest insurance group for 1 billioneuros ($1.36 billion), in a bid to build an investment group focused on the insurance sector.
  • New-energy vehicles 'turning the corner' (Washington Post) - The domestic alternative-fuel vehicle industry has reached a turning point and is on track for rapid development in the next two or three years, said experts.
  • Lenovo challenges Apple, Samsung (Washington Post) - After taking the top position in the global personal computer industry, the Chinese PC giant can't wait to challenge other big players in the industry.
  • View from the very top (Washington Post) - As a crane operator, Wei Gensheng has taken advantage of being at the highest point of construction sites to capture the beauty of Shanghai.
  • History etched in stone (Washington Post) - An enthusiastic amateur believes ancient Chinese script he's found among Native American pictographs prove that Asians crossed the Pacific centuries ago.
  • Cooking - as easy as ABC (Washington Post) - Grab your apron for a culinary class that will keep the home fires burning while teaching top techniques of the kitchen.
  • Foo fighters (Washington Post) - Shenzhen is holding its own in the culinary stakes, with bright young chefs contributing to raising this southern city's epicurean standards
  • Flights of fancy (Washington Post) - The bird bomb detonates. Its payload - millions of yuan worth of pigeons - explodes out of the truck's door like shrapnel with wings. Win or lose the war they seemingly don't realize is before their beaks, they're instinctively flying home.
  • Tilling a field of dreams (Washington Post) - Xing Jianxin worked as a full-time photographer in Qiqihar, Heilongjiang province, and he often accompanied journalists when they covered agriculture-related issues.
  • The tickle of Tango (Washington Post) - The "queen of tango" lifts a leg and slowly rubs down the leg of her male partner, a signature move that's guaranteed to quicken heartbeats in the audience. Then the clicking couple will show off their rapport as they swirl and sway across the stage. The dazzling footwork makes the black-haired woman in a sparkling sequined dress shine like a diamond. Mora Godoy, a contemporary star of Argentine tango, is proof of the dance's growing popularity in China. Her company's just-ending tour to nine cities here aims to present the authentic, sexy partner dance and stimulate the sprouting tango culture in China.
  • Instead of making planes, he creates indie music (Washington Post) - Cui Renyu studied aircraft manufacturing at Northwestern Polytechnic University in Xi'an, Shaanxi province-but instead of constructing planes, he started creating indie music after graduation.
  • China builds army 'with peace in mind' (Washington Post) - The Chinese military made great strides last year in improving its combat capabilities, enabling it to better defend the nation against threats to its sovereignty.
  • Beijing and Sofia vow new initiatives (Washington Post) - As President Xi Jinping played host to a foreign counterpart for the first time this year, China and Bulgaria pledged on Monday to enhance cooperation in infrastructure and energy projects.
  • Thousands of officials punished (Washington Post) - Disciplinary supervision authorities punished 182,038 corrupt officials last year, an increase of 13.3 percent from 2012, the country's top anti-graft agency said on Friday.
  • Japan must show respect: France (Washington Post) - French Foreign Minister Laurent Fabius urged Tokyo to draw lessons from France and Germany to resolve sensitive historical issues, Phoenix TV reported on Friday.
  • Israel's ex-PM Sharon dies at 85 (Washington Post) - Ariel Sharon, the hard-charging Israeli general and prime minister who was admired and hated for his battlefield exploits and ambitions to reshape the Middle East, died on Saturday, eight years after a stroke left him in a coma from which he never awoke. He was 85.
  • Japan's hysteric desire for global sympathy (Washington Post) - Just because both invoked the fictional evil wizard of the Harry Potter series, Lord Voldemort, the bickering between Chinese ambassador to the United Kingdom Liu Xiaoming and his Japanese counterpart Keiichi Hayashi in the Daily Telegraph has been a huge media sensation.
  • Auditors tighten grip on govt spending (Washington Post) - From July to the end of October, auditors saved nearly 40 billion yuan ($6.6 billion) in public funds that were prone to waste or embezzlement, the National Audit Office said on Friday.