Trên Truyền hình Việt Nam tiết mục bất cứ ai cũng phải xem hàng ngày là "Dự báo thời tiết". Vì nó liên quan đến công việc, kế hoạch cá nhân, cơ quan, đơn vị, lo lắng lũ lụt, mùa màng… Nếu bạn chú ý (có điều kiện ghi lại) sẽ thấy, chỉ 1,2 phút mà nhan nhản những sai sót, chuẩn mực ngôn từ.
Một vài cái sai thường thấy sau đây: “Khối không khí lạnh đang mấp mé biên giới nước ta”. Đúng ra chỉ có chất lỏng mới dùng từ “mấp mé”: Nước dâng mấp mé mặt đê; sữa mấp mé miệng cốc. “Nhiệt độ quanh quẩn ở 18 độ C đến 21 độ C” - Nhiệt độ được nhân cách hóa như con trâu quanh quẩn ở bãi cỏ, như con chó quanh quẩn trong sân… thật kỳ cục phải không? “Những thiệt hại do lũ lụt mang lại” - Trong tiếng Việt động từ “mang lại” có nghĩa tốt đẹp, điều may mắn, lợi ích như: "Đảng mang lại tự do, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân…".
Cái xấu, cái tệ hại, cái không mong muốn phải dùng từ “gây ra” mới đúng: "gây ra chiến tranh, gây ra sự lộn xộn, gây ra cái chết, gây ra thiệt hại…". Lạ lùng hơn: “Cơn mưa đi từ dưới Mũi Cà Mau đi ngược lên các tỉnh Nam bộ”. Té ra cơn mưa không từ trên trời rơi xuống mà lại từ dưới đất chui lên? Tôi hiểu ý người nói muốn nói từ  Mũi Cà Mau lan về phía đồng bằng Nam bộ nhưng không biết diễn đạt, hoặc muốn nhân cách hóa cơn mưa nên dẫn đến sai sót rất căn bản về ý nghĩa của câu nói.
Chương trình dự báo thời tiết trên VTV1 (ảnh có tính chất minh họa).
“Sau đây là dự báo thời tiết trên biển”. Thế còn thời tiết dưới biển thế nào, có trên phải có dưới chứ? Tại sao không nói “Thời tiết biển” là chuẩn, là đủ còn thêm từ trên làm gì, vừa thừa không cần thiết? Khủng khiếp hơn là: “Tầm nhìn xa giảm xuống thấp là dưới 10km”. Chao ôi! Đang dùng phép đo chiều dài, đột ngột chuyển sang phép đo chiều cao thấp, nông sâu – thật tài tình làm sao? Đến thánh thần cũng không hiểu nổi.
Dự báo thời tiết nhà nông thì: “Không khí ẩm thấp ít nắng sẽ làm cho các đối tượng sâu bọ phát triển”. Từ thuở bé đến giờ tôi mới nghe gọi sâu bọ là đối tượng. Tại sao không nói cho chuẩn là các loài sâu bọ? Giờ từ đối tượng quá lạm phát và sai be bét. Đối tượng thương binh liệt sỹ, đối tượng chính sách, đối tượng đói nghèo… Tất cả gom vào một rọ cứ như là đối tượng hình sự, tội phạm, đối tượng phản cách mạng… Thật là phản cảm, thiếu trân trọng.
Chỉ đôi phút mà nhặt ra hàng lố sai sót. Ngoài ra các biên tập viên dự báo thời tiết còn uốn éo, dùng ngôn ngữ hình thể để minh họa cho nội dung rất phản cảm. Trong khi đó, chương trình dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Hà Nội, đưa bản đồ vùng lên nói ngắn gọn, chính xác đỡ mất thời gian. Người nghe chỉ cần thông tin mưa nắng bão bùng ra sao. Đâu cần miêu tả ẩm ương dài dòng văn tự. Mỗi phút quảng cáo phải tốn hàng chục triệu đồng, kéo dài tiết mục dự báo thời tiết là lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Lại còn chua thêm vào dặn dò mai nắng nóng nhớ mang theo áo chống nắng, thời tiết thuận lợi cho việc Picnic, vui chơi giải trí ngoài trời, đi du lịch…
Nếu không dặn hẳn người ta không biết lo cho thân mình chắc? Bao nhiêu người cần lao đang chật vật làm việc để kiếm miếng cơm manh áo, có khi cả đời cũng không biết tới du lịch, giải trí, du hí? Cứ làm như ai cũng giàu có cả?
Ngỡ chỉ chương trình dự báo thời tiết, ai dè các chương trình khác, khán giả cũng gặp không ít... sạn. Suốt 24 giờ trên tất cả các kênh Đài truyền hình trung ương, các chương trình truyền hình của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội đều mắc “hội chứng” à, ờ. Dạ thưa, vâng, à vâng, phải không ạ…
Những từ đệm vô nghĩa, vô duyên này thường bắt đầu ngay câu đầu tiên: À thưa quý khán giả, À vâng, thưa ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn chương trình của chúng tôi, Ờ, bây giờ chúng ta cùng nhau ờ… xem diễn biến trận đấu bóng đá… Nào có ai sai bảo gì đâu mà dạ với vâng? Các câu nói cứ liên tục đưa vào vô tư những hư từ vô nghĩa, từ đệm vô duyên làm câu nói rườm rà, nghe tức anh ách. Các từ thì, là, mà, nhiều nhan nhản trong mọi câu nói. Đặc biệt là từ “cái” có ở khắp nơi, trong mọi văn cảnh, trường hợp, mọi lúc. Các hư từ thì, là, mà, cái này ở văn viết đã khó chịu lắm rồi, vào văn nói lại càng phản cảm hơn
Khủng khiếp hơn, đàn ông rõ rành trong giây phút thành giới mặc váy trong một chương trình phỏng vấn lãnh đạo ngành giáo dục: “Cái thầy giáo…”. Chương trình cà phê sáng phát 22-10 trên VTV3 người đối thoại là biên tập viên truyền hình nói: “Cái chàng trai...” với đầu bếp giỏi ở Mỹ về Việt Nam lập nghiệp.
Cái là giới nữ đi liền với chàng trai là giới nam? Có tài thánh cũng không hiểu nổi biên tập viên muốn diễn đạt cái gì. Chương trình Kinh tế 22h00 tối 16-10- 2015, người dẫn chương trình trong phỏng vấn đối tác về TPP thật tự nhiên đến mức vô lý: “Vậy thưa ông chúng ta có những thách thức gì khi tham gia vào TPP ý ạ”. Thật kỳ cục cái cụm từ "ý ạ" đặt trong văn cảnh này.
Những người thuộc thế hệ truyền hình đầu tiên được đào tạo bài bản, có ý thức rèn giũa khi nói trên truyền hình nên rất hiếm mắc những sai sót ngớ ngẩn như trên. Người ta còn có ấn tượng sâu sắc với thế hệ phát thanh viên Kim Tiến, Mạnh Tường, Minh Chí, Hồng Trang… nói vừa tròn vành rõ chữ, vừa chuẩn mực. Sau thế hệ đó bắt đầu sự dễ dãi, đưa bừa ngôn ngữ đời sống vào truyền hình. “Tật” vâng, à vâng… bạn tôi bảo đó là “hội chứng LVS” - người được nêu danh là “gạo cội”, nổi tiếng trong dẫn các chương trình truyền hình. Lớp sau tưởng thế là hay nên bắt chước làm theo.
Ông còn kể rằng đứa cháu ngoại ông một lần đến thăm ông thấy có chiếc bánh trên bàn nó nói: “À vâng thưa ông, cháu có được ăn chiếc bánh này không?”. Thay vì nói đơn giản và chính xác là: “Ông ơi! Cháu có được phép ăn chiếc bánh này không?”. Khi tôi uốn nắn lại cho nó, nó vênh mặt lên cãi rằng nói như nó mới đúng, và giải thích cho ông rằng trên truyền hình các cô, các chú ấy nói như vậy? Hóa ra ai cũng cho rằng đã nói trên truyền hình là nói cho cả nước nghe, ắt phải chuẩn mực rồi, lẽ nào sai? Mà có thấy ai phản ứng gì đâu?
Không biết những thế hệ sau sẽ sử dụng tiếng Việt ra sao nếu cứ tồn tại cái sai, thiếu sự chuẩn mực ra rả hàng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng với nhịp độ ngày càng tăng đang gặm nhấm, xói mòn và méo mó ngôn ngữ Việt vốn phong phú và đa sắc, đủ biểu hiện mọi sắc thái tình cảm, hành động của con người.
Rõ ràng chuyện thêm thắt các từ đệm “vâng, dạ, hả, ồ, ờ… làm cho câu nói nghe hết sức khó chịu. Tiếng Việt đang bị xâm hại, một cách vô hình mà ít ai chú ý đến. Một vấn đề nữa là dùng từ Hán Việt. Người nói không hiểu cặn kẽ nghĩa của từ nên sử dụng không hợp lý. Ví dụ: Sự hiện diện (nghĩa là có mặt) của các đại biểu hôm nay… nghe còn có thể chấp nhận. Nhưng sự hiện diện của tàu sân bay, của khối không khí lạnh, cơn mưa… thì nghe thật chối tai.
Tại sao không nói: Sự xuất hiện thay vì hiện diện? Nói chung là không nên dùng từ Hán Việt khi từ thuần Việt đủ khả năng biểu hiện. Đặc biệt là từ “cái” liên tục xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi chương trình. Tất cả các từ loại: Động từ, tính từ, trạng từ… đều được “danh từ hóa” một cách vô lý không thể chấp nhận được. “Cái màu xanh, cái tình trạng khô nóng, cái tác động, cái ảnh hưởng”… Thậm chí bản thân các danh từ đã đủ nghĩa, vẫn thêm từ “cái” vào: “Cái chính sách”, “cái chủ trương”, “cái chế độ”… khủng khiếp hơn là “cái dân tộc” từ miệng một chính khách cỡ “bự”.
Các hư từ vô nghĩa như:  thì, là, mà… hoặc những liên từ, giới từ, thán từ… đặt không đúng chỗ không thiếu trong các câu nói. Lại còn cái tật liến láu nói hết phần người được phỏng vấn, người đối thoại, buộc người đối thoại phải thừa nhận ý của mình bằng cách liên tục hỏi “Có phải không ạ”. Người dẫn chương trình có ý khoe hiểu biết (chưa đi đến đâu) của mình, thật khập khiễng, vô duyên.
Có lẽ việc thống kê nên để cho bạn xem truyền hình. Mình tôi không đủ thời gian theo dõi 24 giờ hàng ngày. Mong các bạn cùng chia sẻ, lên tiếng bằng mọi cách để góp phần làm trong sáng tiếng Việt trong ngôn ngữ nói.
Đinh Đức Cần