Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Đã Đến Lúc Hoa Kỳ Phải Cứng Rắn với Việt Nam

Dương Thu Hương - Sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân

Vốn thích nhạc không lời nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ về một câu hát cũ, “Anh ở đầu sông, em cuối sông. Chung nhau dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Lãng mạn sao, những cặp tình nhân cùng uống chung một dòng nước. Và hạnh phúc thay những kẻ có thể sống cả đời bên một con sông êm đềm, qua những mùa lúa chín không tiếng súng, những trưa hè có thể nép mình dưới bóng các rặng cây. Nhưng đó là chuyện cổ tích.

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới… Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg3YHCz4WwsO1XIWMtbOBmbMVScO6WujaHybVsP8vapMMbYqSpNuEz3XXbMMLowhyAMd_08AYQQAGmmjJonhZ1-OGRgjkEhetUadSI1yrAx9lCBTJNoS5xcz3UebI-qrk17deQw4ok93AC5/s1600/DTH.jpg
NV. Dương Thu Hương
Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”

Đây là kinh nghiệm của chính tôi.

Năm 1994, tôi sang Pháp lần đầu, được một nhóm “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Có lẽ tên ấy được đặt ra khi nhóm này tham gia vào phong trào chống chiến tranh và người cầm đầu nhóm ấy đã từng là phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ trong các hội nghị đàm phán hưu chiến ở Paris. Khoảng năm 1990, cũng nhóm này đứng lên lấy chữ ký của Việt kiều trí thức ở Mỹ, Đức, Úc và Pháp trong bản kiến nghị yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ. Sau bản kiến nghị ấy, họ bị cấm về nước một thời gian khá dài, thậm chí còn bị gọi là “các phần tử phản động”.

Như thế, phải hiểu là giữa nhóm Việt kiều này với tôi có chung mục đích tranh đấu cho quyền sống của người dân Việt Nam. Có lẽ cũng vì lý do ấy, họ đón tôi, ít nhất đấy là điều tôi nghĩ. Cuộc đón tiếp diễn ra nồng nhiệt, dường như mang mầu sắc bạn hữu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận thấy giữa họ với tôi có rất nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Tôi tự nhủ,
“Người ta sống trên đời, thường tụ thành bè, còn bạn là thứ quý hiếm, nó còn quý hiếm hơn tình yêu vì không có bệ đỡ tình dục. Tình bạn đòi hỏi một sự cảm thông sâu sắc, những phẩm chất tương đồng, và cơ duyên để có thể cùng nhìn về một hướng, cùng đi theo một ngả. Vì lẽ đó, tình bạn không thể có được một cách dễ dãi. Không có thứ tình cảm nào không cần thử thách, cho dù là tình yêu, tình bạn hay tình đồng đội, tất thảy đều cần phải nung qua lửa mới biết vàng thau”.

Nghĩ thế, tôi chọn thái độ im lặng, lảng tránh các cuộc tranh cãi, vì nếu không là bạn, hà tất phí nước bọt để đôi co?

Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ở phía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh. Trong suốt một thập kỷ, nước Việt Nam đã thực sự biến thành cái cối xay thịt khổng lồ nhất trong lịch sử của toàn thể loài người. Vì lẽ ấy, theo tôi, cả người thắng lẫn người thua phải biết sám hối, và nếu muốn lật trang cho lịch sử đất nước, trước hết kẻ thắng phải biết câm mồm lại đừng huyênh hoang nữa; còn kẻ thua cũng phải biết câm mồm lại, thôi chửi rủa, cả hai phía không nên tiếp tục đào bới cái thây ma lên mà ngửi. Nếu không đủ can đảm nhìn nhận vấn đề như nó vốn thế, họ chỉ còn là đám thú rừng bị lọt xuống một cái bẫy của lịch sử và không bao giờ có thể nhẩy lên khỏi hố sâu.

Năm 2005, tôi trở lại Pháp.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” chủ động mời tôi đến ăn cơm tối với họ để trao đổi tình hình. Tôi nhận lời. Bữa cơm ấy diễn ra ở một quán ăn thuộc quận 13. Trước khi đến Paris, tôi đã ở Turin (Ý) một tuần. Trong tuần lễ đó, khá nhiều báo Ý đã phỏng vấn tôi và đã đăng bài tức khắc. Một trong số các bài báo ấy, có đề tựa “Mười triệu người chết trong cuộc chiến Việt Nam”.

Trong các cuộc phỏng vấn tại Turin, tôi đã kể lại hai điều:

- Thứ nhất, khi làm người viết thuê cho các ông tướng, tôi được nghe họ nói với nhau: Chúng ta chỉ công bố con số thật sự khi người Mỹ bồi thường chiến tranh. Như thế, con số phía Mỹ đưa ra (khoảng 5 triệu tử vong) lẫn con số chính quyền Việt Nam đưa ra (hai triệu rưỡi) đều là số sai sự thật.

- Thứ hai, chỉ khi đến Turin tôi mới biết lính các nước chết ra sao và nhờ có sự so sánh ấy, tôi mới biết thân phận người lính và người dân Việt Nam đau khổ đến mức nào. Năm 2005, cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Iraq. Báo mỗi ngày đều đăng tin bao nhiêu lính Mỹ, bao nhiêu lính Iraq tử vong. Nếu con số đó chạm tới năm chục đã khiến các nhà báo làm rộn lên, chất vấn tổng thống. Khi số tử vong chạm đến số 100 thì sự căng thẳng trong chính trường đã khiến Nhà Trắng điên đầu. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người nhưng không có một dòng trên báo, không một câu trên đài phát thanh. Không ai hay biết, kể cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Tôi nói với các nhà báo Ý:

“Tới tận năm nay, gần sáu mươi tuổi tôi mới thấm thía sự khác biệt giữa kiếp người. Nhờ đọc báo phương Tây, tôi mới biết là người Mỹ và người Iraq chết như người, chết theo kiểu người. Chúng tôi, những người Việt Nam, chúng tôi chết như kiến, chúng tôi chết như ruồi, chúng tôi chết như lá khô rụng, cái chết của chúng tôi hoà lẫn bùn đen, và tan trong câm lặng.”

Vì ở Turin có những Việt kiều liên hệ chặt chẽ với nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris và gửi báo cho họ nên trong bữa cơm tối hôm ấy, tôi bắt buộc phải bàn cãi với họ về chủ đề chiến tranh Việt-Mỹ. Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công. May mắn là còn có những vị tướng biết thương dân, thương lính, khóc đỏ mắt, quyết định rút quân và làm báo cáo giả để gỡ tội.

Hồi ấy, tổng tư lệnh của cuộc chiến là Lê Duẩn, đã đưa ra khẩu hiệu:
“Dân tộc chúng ta là dân tộc anh hùng, chỉ có thắng không có thua.
Quân đội chúng ta là quân đội anh hùng, chỉ có tiến không có lùi.”
Điều đó có nghĩa: Chỉ tiến công, không phòng thủ!

Xưa nay, trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc, bao giờ chúng ta cũng lùi về rừng núi để chờ thời gian mài mòn lòng kiêu ngạo lẫn ý chí quân địch, cũng là để khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt quật ngã chúng, cũng là để củng cố quân đội rồi chờ thời cơ thuận lợi mới huy động binh lính và dân chúng tổng tấn công. Khẩu hiệu của ông Lê Duẩn đưa ra là một sự sáng tạo thuần tuý, một ý thơ bay bổng, xuất phát từ tham vọng và lòng kiêu mạn cộng sản. Nhưng thơ phú là thứ chỉ để ngâm ngợi khi gió mát trăng thanh, thơ mà trà trộn với chiến tranh nó biến thành núi xương sông máu.

Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris nghe tôi nói xong thì hai nhân vật chủ chốt phản ứng dữ dội. Ông X bảo:

- Mục tiêu biện minh cho phương pháp. Muốn thắng cuộc trong chiến tranh thì phải chấp nhận tất cả.

Ông Y phản ứng với con số Mười triệu:
- Con số đó không thật. Ở nước Pháp chúng tôi có các biện pháp khoa học về dân số để chứng mình là con số ấy sai. Làm sao chị có thể nghe theo mấy thằng tướng ngu ấy được?

Tôi im lặng không đáp. Nhưng hôm sau, tôi có nhờ ông Phan Huy Đường, lúc đó còn dịch sách của tôi, nói lại với ông Y:

- Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.

Đấy là phản ứng duy nhất của tôi. Trong thâm tâm, tôi quyết định chia tay.

Tôi nghĩ, đám người này cần cuộc chiến tranh chống Mỹ như người đàn bà cần son phấn. Giữa họ với ta chẳng còn điều gì đáng nói. Một cuộc chia tay vĩnh viễn là điều hợp lý hơn cả. Không cần kiệt xuất thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ngay rằng cộng đồng người Việt ở nước Pháp là một cộng đồng không bản sắc, sống co cụm, một bầy thỏ ngoan ngoãn đối với chính quyền. Họ không gây ra các vụ lộn xộn như người da đen và người Arab theo đạo Hồi, nhưng họ cũng chẳng có tiếng nói, chẳng có một gương mặt nào trên các diễn đàn quyền lực. Vì bản chất nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó nên họ thành công ở mức trung bình, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên đã là giấc mơ tột đỉnh. Hội nhập vào xã hội Pháp chưa lâu, sự tự tin vào bản thân chưa đủ, họ lại bị ám ảnh bởi thân phận lớp người Việt Nam nhập cư trước họ, những người lính thợ bị thực dân cưỡng bức rời quê hương sang Pháp phục vụ tại một số nhà máy làm thuốc súng để thay thế cho các công nhân Pháp ra chiến trường.

Năm 1937, để dự phòng chiến tranh, bộ trưởng Bộ Thuộc Địa và Quân Đội (ministre de la Colonie et de la Défense) Georges Mandel dự tính tuyển 80.000 người Đông Dương. Tháng 6 năm 1940 đám thanh niên Việt Nam được dẫn đến hải cảng Pháp gồm: 10.750 người trung kỳ, 7.000 người miền Bắc, 2.000 người miền nam. Đám lính thợ này đã bị đối xử như những con vật, bị dồn vào sống trong những khu nhà tồi tàn, không điện và thiếu nước, không nơi vệ sinh, không lò sưởi và thức ăn không đủ nửa khẩu phần. Mùa đông, những kẻ khốn khổ ngủ trên sàn, đại tiểu tiện ngay bên ngoài cửa, người nọ dẫm vào phân người kia. Đói khát, họ phải đào rễ củ và hái rau dại về ăn. Cái sự thật tàn nhẫn này bị vùi trong câm lặng. Cho đến đầu thế kỷ XXI, mới có vài nhà báo Pháp lên tiếng. Sau đó, Bernard Kouchner, vốn là một ngôi sao cánh tả nhưng sau thất bại của Ségolen Royal trong cuộc tranh cử 2007, đã nhận lời làm bộ trưởng bộ ngoại giao cho chính phủ Sarkozy mới chính thức lên tiếng xin lỗi vì: “Nước Pháp đã đối xử với những người lính thợ Việt Nam như đối với súc vật.”

Trong thực tiễn, nước Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam còn tệ hơn súc vật bởi khi cưỡng chế thanh niên Việt Nam sang Pháp, họ dồn đám người này xuống hầm tầu còn tầng trên, thoáng mát hơn thì để dành cho… những con bò. Cái kinh nghiệm tồi tệ ấy được cấy trong tim như một quá khứ sầu thảm, cộng đồng người Việt không thể tránh khỏi mặc cảm của những kẻ vừa là dân nhập cư, vừa mang nhãn hiệu “Được lôi ra từ vùng đất thuộc địa”. Thế nên, cuộc sống tinh thần của họ dường như đột ngột khởi sắc, bừng bừng ánh sáng khi cuộc chiến tranh Việt-Mỹ xẩy ra. Tại sao?

Dễ hiểu thôi, tinh thần „Bài Mỹ“ là chất xi-măng gắn kết một số đông quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa nhưng ngay cả các nước phương Tây. Hành vi của nước Mỹ không chỉ gợi lên lòng căm thù nhưng kèm theo đó cả sự sợ hãi. Nếu có tiền lệ một nước nhược tiểu bị Mỹ chà nát thì sẽ đến lượt các nước khác theo thành ngữ, “Không bao giờ có lần thứ nhất, lần thứ hai mà lại không có lần thứ ba”.

Vả chăng, về mặt lý, cuộc chiến này không thể biện minh, “Không một người Việt Nam nào mang bom sang giết người Mỹ.”

Dù cộng sản hay không cộng sản thì sự thực là không có một người Việt Nam nào cầm dao hoặc cầm súng sang tận nước Mỹ để giết một người Mỹ, hoặc ngay đến một con bò trong trang trại Mỹ cũng không.

Vì thế, lương tâm nước Mỹ phải thức tỉnh. Các vụ biểu tình phản đối chiến tranh trước toà Nhà Trắng của Mỹ điệp với các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại các nước khác. Tiếng hát và ngọn lửa tự thiêu của trí thức Mỹ đốt nóng cả châu Mỹ La-tinh và châu Âu.

Vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhập cư chống chiến tranh được hưởng một sự ưu đãi vô tiền khoáng hậu. Đi đến đâu họ cũng được thăm hỏi, giúp đỡ, được coi là người của “một dân tộc anh hùng”. Và, trên các diễn đàn chống chiến tranh, đại diện của “tổ chức Việt kiều yêu nước” được xuất hiện bên cạnh những nhân vật quan trọng bản xứ mà nếu không nhờ ân sủng của cuộc chiến này, không bao giờ họ có cơ hội và có tư thế tiếp xúc. Để ví von, có thể nói rằng: Những con chim vốn nép mình trong bóng tối nhờ ánh đạn lửa mà được nhô đầu ra và há mỏ cất tiếng kêu.

Thế nên, họ cần cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Lòng ích kỷ, cái kiêu ngã của con người quả là vô giới hạn. Những kẻ sống ở một phương trời, cần máu đồng bào phải đổ ở một phương trời khác để tô điểm cho cuộc sống tinh thần của chính mình.

Chiến tranh thật đẹp khi nó được tạo bằng máu xương kẻ khác!

Từ đây, tôi nghi ngờ hai từ “yêu nước”. Phía sau danh từ này có vô vàn tâm trạng, có vô số động cơ, hoặc xác thực, hoặc ngầm ẩn, hoặc có ý thức, hoặc vô thức.

Danh từ nào cũng lập lờ và cũng có khả năng phản lại nghĩa chính thống.

Như thế, giữa người Việt với người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông vô hình. Chắc chắn cũng còn khá lâu mới bắc được cầu qua những con sông ấy.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp. Sự đời vốn đổi thay như các lớp tuồng. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là dường như họ chỉ được biết đến trong các tình huống đau khổ. Kể từ khi làn sóng “Thuyền nhân” dịu đi, Việt Nam gần như chẳng còn gì để nhớ. Cứ nghe đài phương Tây thì biết, người ta chỉ nhắc tới hai từ Việt Nam khi nhắc tới cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, bởi rất nhiều trí thức phương Tây, đặc biệt là các văn nghệ sĩ đã tham gia vào phong trào chống chiến tranh và tuổi trẻ của họ gắn bó với những kỷ niệm của một thời sôi động. Tuy nhiên, ngay cả những người kiên nhẫn nhất và hiểu biết Việt Nam nhiều nhất cũng chưa dám quả quyết rằng họ nắm được sự thực về cuộc chiến tranh này. Điều đó, quá khó khăn.

Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi:
- Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?
Tôi đáp:
- Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.
Anh bạn chưng hửng:
- Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.
Tôi cười:
- Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.
Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.

Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết. Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho…

Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm.

Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… Tóm lại, Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.

Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.

Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.

Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”.
© Dương Thu Hương
(Đàn Chim Việt)

'Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót'

(TNO) Tại cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 3.7, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…”.


Công trình thi công cảng Vĩnh tân (Bình Thuận) do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm - Ảnh: Quế Hà
Ông cũng cho rằng, với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Theo chuyên gia này, việc để lợi ích nhóm chi phối trong các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng có “quá nhiều sơ hở không đáng có dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”, do đó, cần công khai minh bạch hơn nữa và làm rõ trách nhiệm cá nhân. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu và các luật có liên quan (như về cho thuê rừng và đất rừng).


Với các dự án có nhà đầu tư Trung Quốc tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc, đút lót

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh


Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng xác nhận tình trạng này. “Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam không có thị trường, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc”, ông Thụ nói. Theo ông này, từ năm 2003-2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC của 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu.

“Nhưng các dự án do Trung Quốc làm thường chậm tiến độ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Nhà thầu Trung Quốc thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp do đó, giá hợp đồng bị đội lên”, ông Thụ cảnh báo.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lo lắng: “Có thể nói, ngành cơ khí Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu phần lớn các dự án công nghiệp, không dành phần việc nào cho cơ khí trong nước”. Ông cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do luật Đấu thầu của Việt Nam hiện vẫn ưu tiên cho các nhà thầu bỏ giá thấp mà chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ về chất lượng thiết bị. Trong khi đó, các dự án chỉ định thầu EPC do nhà thầu Trung Quốc thu xếp được tài chính từ nguồn vay tại Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản.

Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cũng cho biết, hiện nay ngành dệt may lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu), đặc biệt là Trung Quốc (46%). “Tình trạng nút thắt cổ chai tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam”, đại diện Vinatex nói.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cảnh báo về nhập siêu từ Trung Quốc quá lớn. “Nhập siêu từ Trung Quốc luôn lớn hơn tổng nhập siêu của Việt Nam, thực sự là vấn đề lớn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói. Ngoài những nguyên nhân khách quan về sự gần gũi về địa lý, sự phụ thuộc của nhiều ngành kinh tế Việt Nam vào những nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc mà Việt Nam chưa sản xuất được; giá hàng hóa từ Trung Quốc quá rẻ và cạnh tranh hơn… theo chuyên gia này, một nguyên nhân chính là do các nhà thầu Trung Quốc thắng thầu quá nhiều công trình ở Việt Nam, nhiều cuộc thắng thầu không minh bạch.

Theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều ngành sản xuất tại hội thảo, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày nay, sự phụ thuộc của các nền kinh tế là không tránh khỏi, nhất là Việt Nam lại quá gần với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Trung Quốc đạt được nhiều lợi ích trong quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng đạt được nhiều lợi ích trong quan hệ thương mại, nhất là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để nhiều ngành kinh tế lệ thuộc quá lớn, để nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc thao túng nhiều ngành sản xuất, đặc biệt cơ khí ở Việt Nam… là điều rất rủi ro cho nền kinh tế một khi quan hệ giữa 2 nước đi theo chiều hướng xấu. Do đó, các chuyên gia đề nghị phải cẩn trọng, xem xét lại tất cả các mặt, cần thiết có những điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro.
Mạnh Quân
(Thanh niên)

Quang Nguyễn - Thoát Trung là tìm một mô hình khác

Sức mạnh của Trung Quốc lan tỏa ra quốc tế và lấn án Việt Nam

Với sự kiện HD 981, những tiếng nói yêu cầu ‘thoát Trung’, dù đã vang lên từ lâu nhưng ít nhận được sự quan tâm đầy đủ, giờ đây trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Những phê phán về ảo tưởng ‘đồng minh Ý thức hệ’ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã được nhiều người cảnh báo.
Tuy nhiên, sâu xa hơn, hệ lụy trực tiếp của “Đồng minh ý thức hệ’ không chỉ là những lơ là trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, điều đáng lo ngại là Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào đối thủ nguy hiểm nhất của mình về Mô hình Phát triển, thứ tạo nên nền tảng quyết định tương lai lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Những người Việt Nam quan tâm đến Trung Quốc, dù bị chi phối đến đâu bởi lòng tự tôn dân tộc, cũng không thể không nhận thấy những tương đồng căn bản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cả cấu trúc và tổ chức hệ thống chính trị, xã hội lẫn đường lối và chính sách phát triển kinh tế hay nói rộng ra là Mô hình Phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua.
Hướng về Bắc Kinh

Có thể giới lãnh đạo Việt Nam không ngây thơ tin tưởng quá mức vào những người ‘đồng chí’, nhưng không thể phủ nhận, Hà Nội vẫn đang nhìn về Bắc Kinh như nơi cung cấp chủ yếu những kinh nghiệm về phát triển đất nước.
Mục đích đến hai bên không mấy khác nhau: tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá nhằm bảo vệ tính chính danh và duy trì vị thế độc tôn chính trị của Đảng cầm quyền.

Hậu quả trước mắt đã rõ ràng, chủ quyền lãnh thổ đã và đang bị xâm hại và đe dọa; hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam và Hà Nội đang lo lắng chuyện bị Bắc Kinh trả đũa về kinh tế.

Và nhìn về tương lai lâu dài hơn, ít người dám lạc quan về việc Mô hình Phát triển hiện nay sẽ đưa Việt Nam đến đâu.

Những quan sát bước đầu có thể chỉ ra rất nhiều tương đồng ở những đặc trưng cốt lõi.

Thứ nhất, về tổ chức hệ thống chính trị, đó là mô hình một chính Đảng độc quyền lãnh đạo và kiểm soát tuyệt đối về mặt chính trị.

Cả hai Đảng Cộng Sản đều đang thực hiện chế độ dân chủ mang tính trình diễn: bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu; có hệ thống quyền lực nhà nước được tổ chức theo ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp mà họ gọi là ‘tam quyền’ không ‘phân lập’.

Chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo từ phía Đảng, các cơ quan tư pháp này hiếm khi giữ được vị thế độc lập đúng nghĩa để thực hiện chức năng tố tụng và giải thích pháp luật của mình.

Những quyền căn bản của công dân và quyền con người nói chung, do đó khó có điều kiện được bảo vệ trong hệ thống tư pháp này.

Việt Nam theo Trung Quốc về mô hình một chính Đảng độc quyền lãnh đạo

Khuôn mặt của khối tạm gọi là 'xã hội dân sự' tại hai nước cũng không có sự khác biệt đáng kể.

Các hội đoàn chính thức trong hệ thống chính trị- cánh tay nối dài của Đảng Cộng Sản là các tổ chức chính trị xã hội, được gọi là tổ chức quần chúng, hoạt động với ngân sách được cung cấp từ nhà nước.

Các tổ chức xã hội dân sự khác chưa có được vị trí pháp lý chính thức và vẫn là đối tượng nghi kỵ của chính quyền.

Hệ quả của mô hình chính trị và tổ chức nhà nước đó, như Đảng Cộng Sản hai nước đều thừa nhận là tính minh bạch thấp, tham nhũng tràn lan, và sự yếu kém của chính phủ cả ở cấp Trung ương và địa phương.

Hệ thống Chính trị Trung Quốc, như phân tích của nhà nghiên cứu Lý Thành (Cheng Li), lộ rõ những vấn đề nan giải: đó là nạn bè phái và chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao; Chính quyền với năng lực yếu kém trong lúc các nhóm lợi ích càng lúc càng lớn mạnh...

Dù mang những nét đặc trưng cơ bản giống nhau, Trung Quốc, xét một cách khách quan, đang thành công hơn Việt Nam rất nhiều trong việc theo đuổi Mô hình Phát triển kể trên.

Việc xây dựng mô hình Trung Quốc, như Đặng Tiểu Bình thừa nhận là là cách làm ‘dò đá qua sông’;

Việt Nam cũng tự nhận đang xây dựng một thứ “Chủ nghĩa Xã hội chưa có tiền lệ’; tuy nhiên đáng tiếc là dù đi sau, Việt Nam đã không thể làm tốt được như Trung Quốc, cả trong tầm nhìn, hoạch định lẫn thực thi chính sách phát triển.
Việt Nam đi sau xa

Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… hiện đại và phát triển (xét về quy hoạch và năng lực quản lý) không thua kém các thành phố hàng đầu thế giới.

Trung Quốc cũng có những công ty, gồm cả tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc cũng như tư nhân đã vươn lên trở thành những tập đoàn cạnh tranh toàn cầu.

Vị trí của họ trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đương nhiên cao hơn hẳn Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, khả năng cạnh tranh cao nhờ năng lực công nghệ vượt trội Việt Nam.

Về Giáo dục, Trung Quốc có được những đại học nằm trong luôn nằm nhóm 100 đại học hàng đầu thế giới, như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các học giả và giới nghiên cứu Trung Quốc lên những người làm chính sách là khá đáng kể.

Điều đó cho thấy, dù cùng ở vị thế có quyền lực tuyệt đối trong hoạch định chính sách, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn biết tôn trọng và tiếp thu có chọn lọc những đóng góp của các học giả và chuyên gia.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu và phân tích cũng bày tỏ nhiều hoài nghi sâu sắc về tính bền vững của Mô hình Phát triển Trung Quốc.

Sau gần bốn thập kỷ cải cách, Trung Quốc đang đối mặt với những thử thách gay gắt.

Sự phân hóa thu nhập và chất lượng sống giữa các nhóm xã hội, vùng miền (Vành đai Duyên hải phía Đông và khu vực phía Tây) đang ngày càng sâu sắc; thu nhập của nông dân chậm cải thiện và chính quyền tùy tiện thu hồi đất nông nghiệp phục vụ đô thị hóa.

Những hạn chế của chế độ hộ khẩu và thách thức trong việc đưa hàng trăm triệu công nhân trở thành tầng lớp trung lưu mới; tình trạng ô nhiễm môi trường tồi tệ; xung đột dân tộc leo thang gay gắt ở các khu tự trị.

Nhìn vào mô hình Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không thể thành công như các nước công nghiệp mới ở Đông Á để đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển.

Để giải quyết những thách thức đó, Trung Quốc, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới của Tập Cận Bình đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để đổi mới mô hình tăng trưởng của mình.

Nhưng cần chú ý rằng, những đổi mới đó, trước hết và chủ yếu tập trung vào vấn đề tăng trưởng kinh tế.

Không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ đổi mới Mô hình Phát triển của họ, theo nghĩa bao gồm việc tiến hành những cải cách căn bản về chính trị và xã hội.

Nói cách khác, Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn sẽ tìm mọi cách để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, né tránh những cải cách hướng tới dân chủ hóa đời sống xã hội.
Cuộc đua phát triển

Dù mang nặng tâm lý “bài Hoa’ đến đâu đi nữa, ít người dám phủ nhận được Việt Nam về đại thể gần như bản sao của mô hình Trung Quốc.

Và dù là người đi sau, Việt Nam lại hầu như không tránh được những vết xe đổ và sai lầm mà Trung Quốc gặp phải.

Nói cách khác, ‘phiên bản phát triển Việt Nam’ còn nhiều lỗi hơn ‘phiên bản gốc’ vốn dĩ đã rất nhiều vấn đề.

Các đô thị lớn của Trung Quốc đều hơn hẳn đô thị Việt Nam

Do đó, nếu hiện trạng này tiếp tục được duy trì, khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng rộng hơn.

Khi đó, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với gã khổng lồ Phương Bắc, những thua thiệt của Việt Nam sẽ càng thể hiện rõ nét hơn.

Từ những quan sát và phân tích ở trên, có thể nói Việt Nam, một cách tỉnh táo và thực dụng hơn, thay vì nhìn Trung Quốc như ‘kẻ thù’, hãy nhìn họ như những đối thủ cạnh tranh trên con đường phát triển.

Bản chất bá quyền và bành trướng của họ đã lộ rõ, nhưng những ngôn ngữ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa và kích động như ‘Trung Cộng’ hay ‘Bè lũ xâm lược Trung Nam Hải’ không phải là vũ khí hiệu quả giúp chúng ta tự vệ thành công.

Muốn vượt lên trên Trung Quốc, Việt Nam cần một mô hình phát triển vượt trội hơn.

Khó khăn rất nhiều, nhưng cơ hội vẫn còn đó, vì với quy mô dân số ít hơn nhiều và mức độ đồng nhất xã hội cao hơn, việc khởi động và chèo lái một cỗ máy phát triển như Việt Nam sẽ đi nhanh hơn là cỗ xe khổng lồ, phân mảnh và phức tạp như Trung Quốc.

Hơn thế nữa, việc một Trung Quốc đang bị cả thế giới soi xét với con mắt dè chừng đầy nghi kỵ cũng là lợi thế không nhỏ cho Việt Nam.

Trong giới hạn bài viết ngắn này, tác giả chưa tham vọng tham gia góp tiếng nói vào việc đề xuất những gợi ý cho một mô thức phát triển mới.

Tuy nhiên, tác giả hoàn toàn đồng ý với đề xuất của nhiều tiếng nói nghiên cứu độc lập (như Huỳnh Thế Du, Jonathan London, Lê Quang Bình, Lê Xuân Khoa … ), đây là thời điểm không thể tốt hơn để Việt Nam có thể đổi mới Mô hình Phát triển và thoát khỏi hoàn toàn quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một cuộc đổi mới toàn diện, tất nhiên sẽ không né tránh những đổi mới về chính trị, bởi hệ thống chính trị là cấu thành quan trọng nhất của mọi mô hình phát triển, quyết định sự thành bại của mô hình đó.

Nhưng đổi mới và dân chủ hóa hoàn toàn không nhất thiết đe dọa vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhất là khi Đảng Cộng Sản lĩnh xướng và làm chủ quá trình đó.


Đây là thời điểm tốt để Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo TQ

Có thể nói, với Đảng Cộng Sản Việt Nam, đây cũng là thời điểm thích hợp và là cơ hội lớn để tái khẳng định tính chính danh và năng lực lãnh đạo của mình.

Nhìn vào tương quan các lực lượng chính trị hiện nay, vị thế cầm quyền của Đảng Cộng Sản vẫn là vững chắc.

Dù đánh mất đáng kể cảm tình của một bộ phận không nhỏ người dân, tại thời điểm này, không một lực lượng chính trị nào đủ điều kiện và có vị thế tốt hơn Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc lĩnh xướng ngọn cờ canh tân đất nước.

Vì vậy, không cần chờ đến Đại hội Đảng gần nhất vào năm 2016, ngay lúc này Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn có thể khởi xướng một cuộc thảo luận rộng rãi trong nội bộ Đảng và các nhóm xã hội về một MÔ THỨC PHÁT TRIỂN mới cho đất nước.

Một ‘hội nghị Diên Hồng’ lúc này, không phải để bàn về ‘Sát Thát’ mà bàn cách xây dựng một con đường, một Mô hình Phát triển vượt trội so với người láng giềng phương Bắc.

Cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, điều Việt Nam cần không phải là một cuộc chiến tranh, đích đến của chúng ta nên là một quốc gia thịnh vượng về kinh tế và bền vững về xã hội và môi trường.

Nên nhớ, Trung Quốc không thể ‘bắt nạt’, cũng không dám gây chiến với Hàn Quốc hay Nhật Bản bởi những nước này tiến bộ hơn hẳn họ về mức độ phát triển.

Và với Đảng Cộng Sản Việt Nam, vị thế và tính chính danh của họ sẽ được duy trì, không phải bằng trấn áp các tiếng nói độc lập và đối lập mà là đưa Đất nước thành công trong cuộc canh tân.

Vì vậy, HD 981 không đơn thuần là mối họa, nó là đưa đến cơ hội lớn lao để khởi xướng một DIÊN HỒNG về con đường và Mô hình Phát triển mới cho Việt Nam, mở ra tương lai phát triển lâu dài cho đất nước.

Quang Nguyễn
Bài tham gia Diễn đàn BBC
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Quang Nguyễn từ Việt Nam.
(BBC)
 

Tình huống xấu nhất trong xung đột với TQ là gì?

nguyen-phu-trong-305.jpg
TBT Nguyễn Phú Trọng gặp Ủy Viên Quốc Vụ TQ Dương Khiết Trì tại Hà Nội chiều 18/6/2014.
AFP

Những tình huống xấu nhất cho tình hình xung đột hiện nay với Trung Quốc được các vị lãnh đạo Việt Nam lường trước và có phương cách ứng phó.

Những tình huống xấu nhất đó là gì và người dân nhận định về dự báo của các lãnh đạo và hành động của họ ra sao?
Lãnh đạo dự báo

Ngay sau kỳ họp quốc hội mà không có nghị quyết riêng về tình hình căng thẳng tại Biển Đông, các vị lãnh đạo Đảng và chính phủ đến các tỉnh, thành để gặp gỡ cử tri của họ.

Vấn đề Biển Đông suốt hơn hai tháng qua là chủ đề được cử tri nêu ra và các vị đại biểu quốc hội là lãnh đạo cao cấp của Đảng đã trả lời. Tại Hà Nội, ông tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sau khi được cử tri quận Tây Hồ - Hà Nội hỏi, ông này cũng lặp lại là kịch liệt lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, nhất định không nhân nhượng. Ông này nói rằng Việt Nam không mong chiến tranh, nhưng nếu có chiến tranh, Việt Nam luôn sẵn sàng chuẩn bị mọi phản ứng.

Tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi nhắc lại những điều mà ông cũng như các vị khác nói đến lâu nay, ông nói Việt Nam kiên quyết nhất định không chấp nhận, không khuất phục một sự đe dọa, một sự áp đặt, hay một sự lệ thuộc nào.
Lời phát biểu của ông tổng bí thư như vậy tôi hơi ngạc nhiên; bởi vì từ trước tới nay, đối với Trung Quốc ông thường giữ một thái độ ủy mị.  - Nguyễn Anh Dũng
Trưởng ban Nội chính Trung ương, Nguyễn Bá Thanh, cũng nói với cử tri tại thành phố Đà Nẵng là nhất định sẽ lấy lại tất cả những gì đã mất và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Vào ngày 1 tháng 7, tại cuộc họp báo chính phủ, ông chủ nhiệm văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Nên còn cho rằng tình huống xấu nhất là có thể chấm dứt quan hệ giữa hai nước.
Nhận định của người dân

Trước những phát biểu mới đó của các vị lãnh đạo Đảng và chính phủ Hà Nội, người dân có nhận định ra sao?

Ông Nguyễn Anh Dũng, một cựu chiến binh thời kỳ chiến tranh Việt Nam, hiện ở Hà Nội bày tỏ ngạc nhiên khi nghe các vị lãnh đạo đề cập đến tình huống xấu nhất là xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc:

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội hôm 18/6/2014. AFP
Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hà Nội hôm 18/6/2014. AFP
“Lời phát biểu của ông tổng bí thư như vậy tôi hơi ngạc nhiên; bởi vì từ trước tới nay, đối với Trung Quốc ông thường giữ một thái độ ủy mị và gần như là một người cam chịu sự lấn chiếm của Trung Quốc.

Cái tình huống xấu có thể xảy ra hay không thì chưa biết được, vì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề lắm: vấn đề trong nước, vấn đề quốc tế. Đặc biệt là vấn đề trong nước vì dù muốn hay không đây là tình huống của Việt Nam, Việt Nam phải giải quyết. Thế thì khả năng xảy ra hay không chưa thể biết; nhưng nếu có xảy ra thì tôi e rằng đó là vấn đề khó cho Nhà nước Cộng sản này vì thực tế bây giờ người dân mất lòng tin vào đảng Cộng sản rồi , người ta không tin vào  đảng Cộng sản nữa.”

Một người từ Bình Dương, blogger Nguyễn Thiện Nhân, thì cho rằng có thể xảy ra khả năng bùng nổ chiến tranh, còn về mặt kinh tế thì không thể có chấm dứt quan hệ giữa hai phía:

“Về kinh tế hiện nay quan hệ  mậu dịch giữa hai nước đạt con số rất cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 40 tỷ đô la/một năm nên rất khó cho việc dừng giao dịch giữa hai nước. Tuy nhiên theo tôi khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông có thể xảy ra vì hai nước không có tiếng nói chung; nước nào cũng bảo chủ quyền là của mình; như vậy tất yếu sẽ xảy ra chiến tranh thôi.”
Hành động của họ

Hẳn nhiên khi có biến không chỉ quân đội và các lực lượng bán vũ trang được huy động để chiến đấu, mà những thành phần nam giới cũng được động viên tham gia.

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng thẳng thừng nói rõ lần này ông sẽ không cầm súng chiến đấu như trước đây nữa vì lúc đó ông bị lừa, và nay không thể chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cho riêng Đảng:

“Tôi từng tham chiến ở miền nam, nhưng việc tham chiến đó không phải chúng tôi tự nguyện, mà vì chúng tôi bị lừa bịp: họ nói rằng chúng tôi đi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đánh cho Mỹ cút- đánh cho Ngụy nhào. Thời đó chúng tôi là những thanh niên nghe tuyên truyền một đàng, còn bây giờ chúng tôi tham chiến để làm gì?  Chúng tôi bảo vệ tổ quốc chứ không bảo vệ Nhà nước này.”

Blogger Nguyễn Thiện Nhân thì tham gia theo lệnh chung, nhưng anh thấy việc cầm súng hiện nay trong tương quan lực lượng với Trung Quốc là không hiệu quả:

“Tổng động viên thì tôi đi thôi; nhưng việc cầm súng đối với tôi là một người chưa được đào tạo chiến đấu, chưa qua đào tạo tác chiến trên biển, việc tôi cầm súng ra Hoàng Sa hay Trường Sa, tác động không lớn. Chiến tranh hiện nay đâu phải là sức người đâu!”
Đường hướng cần có
000_Hkg9950036-250.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp Ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì tại nhà khách chính phủ ở Hà Nội ngày 18 tháng 6 năm 2014. AFP PHOTO / POOL / LƯƠNG THÁI LINH.
Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng nêu ra một thực tế là vừa qua, một số người dân đi biểu tình để chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam và đã bị cơ quan chức năng bắt bớ, trấn dẹp với lý do đã có Đảng và Nhà Nước lo; nên lần này họ cũng để cho Nhà Nước lo. Theo ông này Đảng và Nhà Nước nay không thể lo được nữa mà phải có thay đổi thì mới mong bảo vệ được chủ quyền đất nước. Ông phát biểu:

“Những điều mà các vị gọi là lãnh đạo Nhà nước nói hay, rất là hay; nhưng từ lời nói đến việc làm có một khoảng cách quá xa. Người ta vẫn nói một câu mà ông Nguyễn Văn Thiệu nói, theo tôi, rất đúng ‘ Chớ nghe Cộng sản nói, hãy xem Cộng sản làm’.”

Blogger Nguyễn Thiện Nhân thì nêu rõ trở ngại trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế quá lớn vào Trung Quốc lâu nay:

“Việt Nam hiện nay theo chủ nghĩa xã hội về mặt chính trị, chủ nghĩa này bế tắc về mặt lý luận và cả trên thực tiễn; tức chủ nghĩa không khả thi về mặt thực tế cho nên bộ máy chính trị Việt Nam phải nhân nhượng Trung Quốc để tồn tại trong một ý thức hệ chung, do đó Việt Nam sẽ nhường nhịn Trung Quốc; nhưng nhường nhịn trên những nguyên tắc, chứ không thể nhường nhịn chủ quyền cho họ.

Khó là khó trong tư tưởng của người lãnh đạo, vì quyền lợi của họ, vì lợi ích chính trị, vì tư tưởng giữ quyền lực nên họ không có sự quyết liệt trong việc thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Myanmar đã từng làm được, Myan mar từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Quốc. Từ một nước nghèo như vậy mà người ta vẫn thoát khoải được ảnh hưởng của Trung Quốc, tại sao Việt Nam không làm được? Việt Nam có những điều kiện còn hơn Myanmar nữa; do vậy Việt Nam chỉ cần quyết tâm là làm được; vấn đề khó là ở chỗ tư tưởng của mấy ông lãnh đạo, còn nếu quyết tâm sẽ làm được thôi.

Tôi nghĩ sắp đến chính phủ cũng phải có những bước đi phù hợp để mà thoát khỏi bàn tay của Trung Quốc mà thôi!”

Blogger Trần Kinh Nghị có bài viết ‘Vài suy nghĩ nhân phát biểu của Tổng bí thư’, kết luận rằng “Muộn còn hơn không, xin chân thành khuyên Tổng bí thư cùng Bộ Chính trị hãy nhìn vấn đề một cách thực tế linh hoạt trên cơ sở cầu thị lắng nghe lòng dân và ý kiến của bạn bè quốc tế để kịp thời thay đổi chính mình may ra vẫn còn cơ hội để cứu nước.
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2014-07-03

Cơ hội cho Dân tộc Việt Nam và Diển biến hòa bình Việt Nam Trung quốc

Trước việc Trung Quốc lấy cớ từng giúp Việt Nam trong quá khứ để gây hấn ở biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam mang ơn thì có cách trả ơn, chứ Trung Quốc không được áp đặt...Xin thưa rằng về vấn đề này thực ra chỉ là việc gói gọn trong mối quan hệ giửa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung quốc mà thôi dân tộc Việt Nam hoàn toàn không có sự liên quan.

Cái khó của Việt Nam là nếu đánh với Trung quốc trên Biển thì quá dể rồi... ngoài Biển Đông thực tế đó chỉ là liệu pháp tạo cớ, một kiểu câu nhử của Trung quốc về mặt sách lược... song song còn mặt trận trên đất liền...đây mới là vấn đề chính..chúng ta ai dại gì mời Giặc vào phá nhà và gây tang tóc đau thương cho Dân tộc mình...Việt Nam chần chừ và trân mình chịu đựng là như vậy...đấu tranh Chính trị lúc này là hoàn toàn hợp lý vì Việt Nam chúng ta đang ở vào thế yếu rất nhiều mặt...bình tỉnh cái khó sẽ ló cái khôn vì đây là vấn đề Đại cục...Iraq và Taliban là minh chứng cụ thể nhất trong thời gian qua...thách thức mời Mỹ gây chiến và cả 2 đều bị Mỹ đánh cho tan tác...Trong tình huống này chúng ta chỉ giải được Bài toán Trung quốc trong trường hợp Việt Nam có nhiều Đồng minh hoặc giã là có vũ khí Hạt nhân mà thôi…

Việt Nam trong thực tế cho đến thời điểm này vẩn chưa tham gia vào bất kỳ Hiệp ước Liên minh Quân sự với một quốc gia nào, để có được sức mạnh tổng hợp nhằm răn đe chiến tranh xâm lược của Trung quốc và Việt Nam hiện nay chưa đủ sức làm cho Trung quốc phải trả giá đắt,thời gian qua Việt Nam chỉ phản ứng Trung quốc ở mức độ thụ động và thuần Chính trị...Kế hoạch thiết lập các mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản-Ấn Độ, Nhật Bản-Úc, Nhật Bản-Philipines,Indonesia, Philipines–Việt Nam, Philippin–Hoa kỳ … là cốt lỏi để Việt Nam tạo ra được một nền hòa bình chủ động trước Trung Quốc .Thực tế Philippin–Hoa kỳ đã và chứng minh được tính hiệu quà ở mối quan hệ đó…Vị trí địa lý Việt Nam có lợi thế về nhiều mặt trên trường Quốc tế ở trên bộ, trên không và trên biển, Việt Nam là tiền đồn án ngữ,là tâm điểm giao thương với Quốc tế tại sao chúng ta không tận dụng khai thác lấy thế mạnh này mà cứ mãi theo kiểu song phương với Trung quốc và luôn ở vào thế bị Trung quốc chèn ép từ năm 1949 đến giờ, Việt Nam là tuyến đầu ngăn chặn hiệu quả bước đường Trung quốc xâm lược về phương Nam...trãi qua hơn 4000 năm Lịch sử,Việt Nam đã minh chứng điều đó và đồng thời các quốc gia lân bang cũng được hưởng lợi hòa bình,phát triển từ Việt Nam…Còn hiểu ngược lại về phương Bắc thì Việt Nam hết sức quan trong về mặt chiến lược cho Trung quốc, Việt Nam là thành trì vững chắc bảo vệ cho Trung hoa đại lục trước các thế lực thù địch với Trung quốc từ bên trong lẩn bên ngoài,thấy rỏ được điều này kể từ năm 1949 với tầm nhìn của nhà đương cục Trung quốc, thấy được Việt Nam vừa là tuyến đầu phòng thủ vừa là lá chắn vững chắc cho sự ổn định và phát triển của Trung quốc các thế lực gọi là thù địch với Trung quốc không bao giờ bén mảng đến gần được Trung quốc chính là nhờ vị trí Địa lý chiến lược của Việt Nam...qua các thời kỳ Trung quốc mới có điều kiện yên ổn, thuận lợi trong cách giải quyết thù trong lẩn giặc ngoài và phát triển được đất nước Trung quốc như hiện nay...Trung quốc từ lâu đã thấy quá rỏ ưu thế và tầm quan trọng của Việt Nam đối với Trung quốc là như vậy…tại sao Việt Nam chúng ta bao nhiêu thập niên qua không phát huy thế thượng phong về mặt Chiến lược của mình để làm đối trọng không riêng gì với Trung quốc mà luôn cả với Thế giới….để rồi Trung quốc hôm nay ra mặt bành trướng xâm lược Việt Nam...mưu đồ trước tiên là độc chiếm Biển Đông làm cho Việt Nam chúng ta phải cuống cuồng lên trước sự trổi dậy của Trung quốc, bài toán Trung quốc xâm lược Việt Nam thực ra ở vào thời khắc này không có gì gọi là quá khó nếu lảnh đạo Việt Nam chúng ta có tầm nhìn sách lược...đánh giặc thì có nhiều cách để mà đánh…không hẳn là nước lớn nước bé, nước giàu nước nghèo… mà phải tự tin và nhận thức được rằng chúng ta đang ở đâu và chúng ta phải làm gì…Trung quốc giở trò xâm lược Việt Nam, Việt Nam phải tự đắc nhìn nhận rằng đây là cơ may và cũng là cơ hội tốt cho cả Quốc gia và Dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự kềm chế và áp đặt và toan tính về nhiều mặt từ phía nhà cầm quyền Trung quốc…Lảnh đạo Việt Nam phải nhìn thấy được phần ưu và khuyết của Việt Nam để mà xây dựng cho bằng được một hướng đi mới, giải pháp mở rộng ngoại giao và thiết lập được nhiều mối quan hệ Đồng minh, cần thiết đối kháng luôn cả về ý thức hệ trước âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung quốc.

Một minh chứng giả định rất hùng hồn nếu Mỹ,Pháp,Đức,Ấn độ muốn đánh Trung quốc thì họ chỉ lảng vảng được ở khu vực gần Việt Nam thuộc Hải phận quốc tế...nếu Việt Nam mở cửa, đổi mới thiết lập được mối quan hệ tốt thậm chí có được Hiệp ước gọi là Đồng minh với các quốc gia này...tức khắc nhà đương cục Trung quốc sẽ không còn dám cao giọng nửa, cục diện khu vực Đông dương thậm chí Châu Á sẽ có thay đổi lớn bởi hành động sáng suốt của Việt Nam...vô hình chung một tiềm lực quân sự rất hùng mạnh sẽ ở ngay sát nách Trung Quốc từ phiá Bắc và phía Đông...một cánh cửa thông thương với Thế giới được mở ra theo kiểu bất chiến tự nhiên thành…làm được điều này trước tiên là Việt Nam sẽ đưa Trung quốc ở vào vị thế ngẩn ngơ ...Việt Nam tự khắc sẽ được cả thế giới hoan nghênh và ủng hộ và Quốc tế sẽ có những hành động thiết thực và tích cực hơn giúp đở Việt Nam trong công cuộc xây dựng ,bảo vệ cũng như phát triển đất nước…Lảnh đạo Việt Nam hảy cố gắng tận dụng lấy cơ hộị này,Cách mạng thoát Trung giải pháp về mặt lý thuyết không thuần túy cho Quốc gia và Dân tộc Việt Nam mà cho luôn cả 1,4 tỉ người dân Trung quốc thoát khỏi ách Cộng sản,một cánh cửa mới được mở ra từ phương Nam giúp nhân dân Trung quốc có cơ hội đấu tranh vì một thể chế mới và nội tình Trung quốc sẽ có nhiều biến chuyển theo hiệu ứng dây chuyền từ cách mạng Dân tộc và Dân chủ ở Việt Nam. Trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc tình hình ngày càng trở nên căng thẳng hơn khi những lời kêu gọi gây chiến không chỉ đến từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, mà còn bởi một bộ phận người Trung Quốc thiếu hiểu biết, mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc "Đại Hán" cực đoan, luôn cổ vũ cho những hành động mang tính chất ngang ngược vô đạo đức đối với các nước láng giềng,đây là một sai lầm rất lớn từ phía nhà cầm quyền Trung quốc,thời khắc này chính là cơ hội ngàn vàng cho Việt Nam,cho đất nước và cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự kềm chế bởi Trung quốc, Việt Namthật sự hòa nhập được với Thế giới kể từ sau năm 1945 ,với quy mô dân số ít hơn nhiều so với Trung quốc, tính đồng nhất về mặt xã hội của Việt Nam cao hơn,khởi động và chèo lái cuộc cách mạng độc lập dân tộc,dân chủ với cỗ máy phát triển theo kiểu như Việt Nam chúng ta sẽ được rất nhiều lợi thế, an toàn và đi nhanh hơn là cỗ xe phân mảnh và phức tạp như Trung Quốc.Hiện tại Trung Quốc đang bị cả thế giới soi xét với ánh mắt dè chừng đầy nghi kỵ lợi thế cho Việt Nam là ở điểm này.

Về mặt sách lược với Trung quốc,Việt Nam đang ở vào vị thế cực kỳ mong manh và hoàn toàn bị động, đầu tiên là sự tồn vong của Chế độ,tiếp theo sự lệ thuộc quá nhiều về Kinh tế từ Trung quốc cùng sự vươn ra các nước khác trong khu vực như Thái Lan,Campuchia và Lào và ngay lúc này là ở Biển Đông có thể nói ở nhà đương cục Trung quốc đã có sự toan tính rất hoàn hảo trong sách lược và chiến lược đối với Việt Nam và họ không bao giờ bỏ qua cơ hội này…

Hàng ngàn người Việt Nam trong lẫn ngoài nước đã lần lượt xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Biển Đảo Việt Nam.Chính quyền đã một bước cố gắng bày tỏ thái độ trước Nhân dân rằng họ không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và khuyến khích Nhân dân biểu tình ôn hòa nhằm xoa dịu sự bất mãn và lòng tin của nhân dân.Thoát khỏi quĩ đạo Trung ,phát triển được tốt mối quan hệ Đồng minh tức là chúng ta chủ động kiến tạo được nền hòa bình vững chắc trong tình hình Trung Quốc đang ngày càng trắng trợn, hung hăng thôn tính Biển Đông như hiện nay.

Việt Nam chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới đã phải hứng chịu nhiều thập niên chiến tranh,từ cuộc chiến tranh chống Pháp, Nhật,Trung Quốc và Mỹ,với tinh thần dũng cảm và ý chí quật cường Việt Nam đã thắng tất cả kẻ thù xâm lược..Thay vì tiếp tục lo sợ... gây mất lòng tin với nhân dân Việt Nam hay thiệt hại giữa mối quan hệ hai nước Việt–Trung, lãnh đạo Việt Nam cần suy nghĩ nhiều hơn cho danh dự của Quốc gia và cho dân tộc,chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi tình huống bởi một khi đã không còn nữa cái gọi là tình Đồng đội, Đồng chí trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc ngày càng khó kiểm soát...Giải pháp cáo chung với Chủ thuyết Cộng sản là cứu nguy cho Quốc gia và Dân tộc,là cứu cánh cho Việt Nam ở vào thời khắc này…Lảnh đạo Việt Nam phải hành xử một cách quyết liệt hơn vì rõ ràng đây là hành vi xâm lược trắng trợn từ phía nhà cầm quyền Trung quốc… Cáo chung với Chủ thuyết Cộng sản là một giải pháp tuyệt vời,tự thân Việt Nam là nhân tố quyết định thay đổi bộ mặt của Châu Á chứ không phải là Trung quốc theo như giới cầm quyền Trung quốc lầm tưởng...

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Trung từ TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Lê Trung
TP Hồ Chí Minh

Đã Đến Lúc Hoa Kỳ Phải Cứng Rắn với Việt Nam

Bắt tay cũng đủ rồi, giờ là lúc hành động.

Tối Hậu Thư Cho Những Thay Đổi Cần Thiết
Quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam nhìn chung là một thất bại. Hà Nội tiếp tục lợi dụng mối quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng lại không làm gì để đáp lại. Đây là lúc Hoa Kỳ cần làm rõ xem Hà Nội muốn quan hệ kiểu nào với Washington.
Trước hết cần nói rõ là bài này nhằm vào chính quyền cộng sản hiện nay ở Hà Nội chứ không phải là đất nước Việt Nam. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu đánh đồng hai khái niệm này.
Tuy nhiên, đi vào cụ thể thì không hề đơn giản. Nói gì thì nói, chính quyền cộng sản vẫn nắm quyền lực ở Việt Nam, và nếu Hoa Kỳ muốn thiết lập bất kỳ hình thức quan hệ đối tác chiến lược nào với Việt Nam, trước tiên Washington phải nói chuyện với Hà Nội. Thật không may cho Hoa Kỳ, Hà Nội là một chính quyền tham nhũng và thường xuyên vi phạm nhân quyền.
Thực ra thì Hoa Kỳ cũng đã từng phải quan hệ với nhiều chính phủ tham nhũng và độc tài trước đây, ví dụ như chế độ Shah ở Iran, chế độ Saddam Hussein trong cuộc chiến Iran-Iraq, hay chính phủ Pinochet của Chile. Nhưng ít nhất là các chính phủ đó còn có lợi cho Hoa Kỳ. Những người cộng sản ở Việt Nam hiện chẳng mang lại lợi ích gì cho Hoa Kỳ cả.
Khuyến nghị này không nhằm kêu gọi sự thay thế cái chính thể tham nhũng, độc tài hiện nay ở Việt Nam bằng một chính quyền khác thích hợp hơn với quyền lợi của Hoa Kỳ . Thay vào đó, dựa trên những hiểu biết và sự tôn trọng những nguyện vọng của người dân Việt Nam, khuyến nghị này kêu gọi Washington hãy ngừng chơi ván cờ của Hà Nội, và phải đòi hỏi mạnh mẽ hơn, không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn cho chính lợi ích của Washington.
Hà Nội không phải là một đối tác của Bắc Kinh và không có nhiều ảnh hưởng với Trung Quốc. Tuy nhiên, với mong muốn quay trở lại vùng châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Washington đã bắt đầu xem Hà Nội không chỉ là một đối tác kinh tế mà còn là một đối tác chiến lược trong khu vực.
Sự làm mới và cải thiện trong quan hệ giữa hai nước đã được khẳng định qua việc công bố mối quan hệ đối tác toàn diện của tổng thống Barack Obama và chủ tịch Trương Tấn Sang vào 07/2013. Sự hợp tác toàn diện này được mong đợi sẽ làm gia tăng đầu tư của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ hàng hải, kinh tế, môi trường, giáo dục và nhân quyền. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng được mong đợi là sẽ giúp mở đường cho Việt Nam gia nhập một hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tức quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặc cho những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam, Washington đã có được những gì từ Việt Nam? Nhiều người đã hy vọng rằng qua việc giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Hà Nội sẽ tôn trọng các yêu cầu của Washington trong việc nới lỏng quyền tự do ngôn luận. Còn lâu, Hà Nội vẫn tiếp tục đàn áp một cách có hệ thống các nhà bất đồng chính kiến ​​và những người hoạt động cho nhân quyền.
Hoặc Phải Thay Đổi, hoặc Không Có Gì Hết
Washington đang nắm trong tay các quân bài, chứ không phải Hà Nội. Sẽ là cường điệu về khả năng của Hà Nội khi nói rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam có thể chơi ngang hàng và bình đẳng với Bắc Kinh. Washington cần hiểu rằng chế độ hiện hành tại Hà Nội là một trở ngại không cần thiết cho các mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương. Đi cùng một con đường với chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ mang lại ít hiệu quả thực tế nhất.
Mặc cho sự đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam và việc ủng hộ nước này gia nhập WTO, chưa nói đến sự hỗ trợ đang được mong đợi của Hoa Kỳ để Việt Nam gia nhập TPP, Việt Nam đã cho thấy họ thờ ơ với các mối quan tâm của Hoa Kỳ. Hà Nội đã được hưởng lợi từ mối quan hệ gần gũi hơn với Washington, nhưng lại không cho lại bất cứ điều gì. Một mối quan hệ như vậy cần phải được chấm dứt.
Hoa Kỳ cần phải yêu cầu Việt Nam làm rõ một lần ý định của mình. Tất nhiên, một quyết định như vậy không phải là điều dễ dàng cho Việt Nam. Theo đúng nghĩa đen, Trung Quốc luôn phủ bóng trong các quyết định như vậy ở Việt Nam.
Mặc dù Hoa Kỳ và Việt Nam thống nhất quan điểm trong mối quan ngại với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Hà Nội dường như thoả mãn trong mối quan hệ như hiện nay với hai tay chơi lớn. Không muốn ngả hẳn về Hoa Kỳ hay Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chọn cách đi dây trong hai mối quan hệ này. Hà Nội đã luôn cẩn thận trong việc chọn các mặt trận, và cũng không vội vã gì để chọn theo bên nào.
Tuy nhiên, bây giờ là lúc mà chính quyền Việt Nam phải chọn một bên. Chứ không phải cứ đứng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và làm cho cả hai đều khó chịu, Hà Nội phải quyết định nhanh chóng là sẽ ngả theo phe nào. Tất nhiên, Hà Nội có thể chọn đi một mình, nhưng ngay cả trong trường hợp đó Hoa Kỳ sẽ không có lý do gì để tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam, điều có thể ảnh hưởng đến việc gia nhập TPP của nước này.
Cũng có những lo lắng là một tối hậu thư như vậy sẽ làm các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam lo sợ và ngả hẳn về phe của Trung Quốc. Tuy nhiên, cần nhớ là nếu Hà Nội tìm cách làm vừa lòng Bắc Kinh như vậy, họ sẽ lộ ra trong con mắt của người dân Việt Nam như những kẻ phản bội bán nước. Một chế độ như vậy sẽ không tồn tại lâu ở Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ mất rất ít khi đưa ra một tối hậu thư như vậy. Những thiệt hại về kinh tế hay chiến lược nếu có trong trường hợp Hà Nội quay lưng lại với Hoa Kỳ có thể được thay thế bằng Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines và/hoặc Thái Lan. Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ sẽ mất một đối tác nằm ngay sát Trung Quốc, nhưng duy trì nguyên trạng mối qua hệ như hiện nay với một chính quyền Việt Nam không dám ngả theo Hoa Kỳ thì cũng chẳng có lợi gì cho Hoa Kỳ cả.
Nếu Việt Nam về phe Hoa Kỳ thì các điều khoản với Hà Nội phải được đặt ra một cách rõ ràng: Việt Nam phải trải qua cải cách chính trị và dân chủ, và Washington sẽ chỉ tiếp tục mối quan hệ khi Hà Nội cho thấy các nỗ lực mạnh mẽ để cải cách thể chế. Đây có thể chỉ là một giả định cực đoan, nhưng giờ là lúc Washington nên chấm dứt sự nhầm lẫn là Hà Nội đang nắm trong tay tất cả các quân bài.
Khanh Vu Duc
Liêm Nguyễn lược dịch theo Asia Sentinel 
  (Blog Liem Nguyen ) 

Tin thứ Sáu, 04-07-2014 - BÁO CHÍ VÀ TỰ DO

6 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa (DT). “Vào lúc 8h00 ngày 3/7 trong lúc hai tàu đang khai thác hải sản, bất ngờ xuất hiện nhiều tàu của Trung Quốc ập đến, vây bắt tàu cá QNg 94912-TS cùng 6 ngư dân đưa về Trung Quốc“. – Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ (TN). – Trung Quốc bắt tàu cá, 6 ngư dân Việt (NV).
Trung Quốc bắt giữ tàu cá và 6 ngư dân (TT). Danh sách các ngư dân bị Tàu Cộng bắt giữ: 1. Võ Tấn Tèo (sinh năm 1992, con trai ông Đạt làm thuyền trưởng) 2. Lê Văn Thun (sinh năm 1994) 3. Võ Lành (sinh năm 1969) 4. Nguyễn Thành Chương (sinh năm 1969) 5. Ngô Văn Trạng (sinh năm 1990) 6. Võ Minh Hoàng (sinh năm 1981)  Và hai ngư dân đang điều khiển tàu cá QNg – 94913 TS chạy về đất liền, là:  1. Trần Xi (sinh năm 1975, làm thuyền trưởng) 2. Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1988).  Những ngư dân trên đều ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
H8- Tin tức Biển Đông: Mỹ cho máy bay trinh sát gần khu vực giàn khoan TQ (PN Today).  – Tình hình biển Đông ngày 3/7: Tiếp tục phát hiện máy bay Mỹ tại khu vực giàn khoan (Sea Times).  – HOÀNG SA 3/7: Máy bay Mỹ ‘thoắt ẩn thoắt hiện’, TQ dè chừng (TG). – Đang xác minh máy bay Mỹ bay trên giàn khoan TQ (VNN). - Xác minh thông tin máy bay Mỹ ở khu vực Hoàng Sa (PT).  – Mỹ điều chiến đấu cơ tàng hình đến Đông Nam Á thị uy (RFI).
- Trung Quốc tăng tàu quân sự ra giàn khoan Hải Dương-981 (DT).  – Trung Quốc tăng tàu quân sự quanh giàn khoan 981 (NLĐ). – Tàu quân sự Trung Quốc nhiều hơn quanh giàn khoan 981 (TT).  – 7 tàu quân sự Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou – 981 (HNM).   – Tàu quét mìn TQ tìm cách uy hiếp tàu VN (VNN). “Tàu quét mìn 842 đi với tốc độ 17 hải lý/ giờ theo hướng Đông Nam, hoạt động của tàu này được phía ta nhận định là đi tuần tra với mục đích uy hiếp, răn đe và nắm bắt tình hình“. – Trung Quốc tăng cường quân sự khó hiểu tại Biển Đông (NĐT).

- Tăng cường tàu cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển (GDVN).   – Chủ tịch nước: Ngư dân đều mong có thêm phương tiện bám biển (DT). – Chi 11.500 tỷ đồng đóng 32 tàu cho cảnh sát biển, kiểm ngư (DT). – Chi 11.500 tỷ đồng đóng 32 tàu cảnh sát biển, kiểm ngư (VNN). – Chi 11.500 tỷ đồng đóng mới 32 tàu cảnh sát biển và kiểm ngư (VNE).  – “Đại gia” Sài Gòn sắm 2 trực thăng, 100 tàu “khủng” ra Hoàng Sa (PT). – Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: “Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng” (LĐ).
- Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: Tàu ta nhỏ nhưng lòng dũng cảm là không thể đo được (LĐ). Có lẽ người dân cũng đang chờ xem lòng dũng cảm của Chủ Tịch nước và các ông trong BCT tới đâu trong vấn đề đối phó với Trung Quốc, ngoài những lời chém gió mấy ngày qua. – Bộ Chính trị cứ nhân nhượng, nhưng “Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ngư dân không nhân nhượng bất cứ kẻ thù nào” (DT).
- Cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về luật biển (CL). – Bộ Ngoại giao họp báo thường kỳ: ‘Sẽ kiện Trung Quốc vào thời điểm mang lại lợi ích cao nhất cho Việt Nam’ (MTG). - Chọn thời điểm kiện Trung Quốc (NLĐ). - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trả lời họp báo: Ký với Tòa Trọng tài: Bước đi thực hiện chủ trương lớn (DT). – Việt Nam đang chọn thời điểm thuận lợi nhất để kiện Trung Quốc (GDVN). – Việt Nam kiện Trung Quốc vào thời điểm mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất (LĐ). Thời điểm nào mang lại lợi ích cao nhất cho Việt Nam, nếu không phải là thời điểm này? Hay là chờ VN sáp nhập với TQ rồi kiện sau?
- Tình huống xấu nhất trong xung đột với TQ là gì? (RFA). “Những điều mà các vị gọi là lãnh đạo Nhà nước nói hay, rất là hay; nhưng từ lời nói đến việc làm có một khoảng cách quá xa. Người ta vẫn nói một câu mà ông Nguyễn Văn Thiệu nói, theo tôi, rất đúng ‘ Chớ nghe Cộng sản nói, hãy xem Cộng sản làm’“.
H9- Hoàn Cầu xuyên tạc, bóp méo phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (GDVN). Yêu cầu các lực lượng an ninh bắt ngay “thằng Hoàn Cầu” này, truy tố hắn theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự  nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tội tuyên truyền chống đảng và nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam!
- Đảng là trên hết (RFA). “Tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam từ trước đến nay rất mật thiết, họ giúp đỡ nhau trong việc xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ“.
- Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm VN (VNN). – Vai trò của Việt Nam trong chiến lược Đông Nam Á của Nhật Bản (Diplomat/ FB Tin Việt). – Việt Nam ‘quan tâm’ tới thông tin Nhật thay đổi chính sách an ninh (VOA).  - Nhật muốn Đông Nam Á thoát tay Trung Quốc? (RFA).  – Nhật Bản điều chỉnh chính sách quốc phòng, Trung Quốc bất an nhất (DT). – Báo TQ: “Nhật Bản đã mở chiếc hộp chết chóc của nhân loại” (Soha).
- Biển Đông : Hà Nội và Manila muốn sớm có Bộ Quy tắc Ứng xử (RFI).  – Việt-Phi ‘cùng đấu tranh’ vì chủ quyền (BBC). – Trung Quốc đẩy Việt Nam, Philippines xích lại gần nhau hơn? (VOA).
- Cựu Tổng thống Đông Timor hiến kế “ép” Trung Quốc trên Biển Đông (KT).
- Việt Nam đối diện trách nhiệm lịch sử to lớn (TVN).
- Trung Quốc không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu! (FB Mạnh Kim). “Họ không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu! Họ không cần cam kết quan hệ bền vững mà chỉ muốn có sự qui phục lâu dài! Thật chua xót đối với bất kỳ nước nhỏ nào vẫn còn ngây thơ tin rằng mình đang được Trung Quốc đối xử ngang bằng và tôn trọng như một quốc gia với một quốc gia!
- Trung Quốc và thế giới (Trọng Bảo). “Trong tư tưởng của người Trung Quốc chẳng bao giờ phai nhạt ý chí bành trướng, quyết tâm bá chủ hoàn cầu, ‘Hán hóa’ toàn bộ thế giới, muốn biến tất cả nhân loại thành con số 0. Đó là điều mà thế giới nên hiểu, nên cảnh giác“. – Vì sao Trung Quốc sẽ đè bẹp cả thế giới (BVN).
- Thoát Trung là tìm một mô hình khác (BBC). “… hệ lụy trực tiếp của ‘Đồng minh ý thức hệ’ không chỉ là những lơ là trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, điều đáng lo ngại là Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào đối thủ nguy hiểm nhất của mình về Mô hình Phát triển, thứ tạo nên nền tảng quyết định tương lai lâu dài của dân tộc Việt Nam“. – THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (7): Đổi tên Đảng, trước hết, để thoát Trung (Văn Việt). “Tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam thoát khỏi cái danh xưng ‘cộng sản’, cho khỏi trùng hợp với cái tên của ‘Đảng Cộng sản Trung Quốc bành trướng xâm lược’.
- Lê Diễn Đức: Bán anh em xa mua láng giềng gần? (Blog RFA). ” ‘Bán anh em xa mua láng giềng gần’ đúng trong bối cảnh xã hội con người với nhau, nhưng đưa lên tầm quốc gia với quốc gia đã không còn chính xác. Trong trường hợp Việt Nam và Trung Quốc thì người láng giềng phương Bắc đã mua đứt tập đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam chứ không phải là ngược lại!” – Bối cảnh vì sao VN thần phục TQ (Chính Luận).  – MÍT CỘNG TẦU CỘNG (Hoàng Hải Thủy). – Video: Đại Họa Mất Nước do Giáo sư Phạm Cao Dương trình bày (Bebeliem).
- Song Chi: Thù trong giặc ngoài từ đâu ra? (Blog RFA). “Cho đến bây giờ, có lẽ nhà cầm quyền VN mới thấm thía nhận ra họ cô đơn như thế nào giữa lòng dân tộc và giữa thế giới văn minh, dân chủ, tự do, trước sức ép đòi hỏi phải thay đổi từ người dân và sức ép từ âm mưu xâm lược của Trung Cộng cùng lúc tăng lên“.
H7
<- Dân Hải Phòng bất ngờ được chiêm ngưỡng dàn xe quân sự (Zing).  – Khoe “đồ chơi”, khi nào thì “so găng”? Trong kho vũ khí: Tàu tên lửa Việt Nam “so găng” tàu tàng hình Trung Quốc (GDTĐ).  – Báo Trung Quốc: 4 lý do không thể thắng Việt Nam bằng chiến tranh (Infonet). Chớ có tin bọn Tàu, chúng nó bốc lên tới tận mây xanh, rồi chúng rút thang cho lơ lửng trên đó, không có đường xuống!
- Loạt bài về nhà thầu TQ đăng trên báo ĐSPL: Bài 1: Nghi ngại các dự án nhiệt điện của nhà thầu Trung Quốc    –   Bài 2: Bất thường những dự án TQ bao thầu “từ đầu đến chân”  --   Bài 3: Nhà thầu TQ và những dự án nhiệt điện “tiền nào… của ấy”  –  Bài 4: Ham giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc, bỏ qua… chất lượng?!  –  Bài 5: Doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu, cơ khí nội “ra rìa”  –  Bài 6: Hệ lụy khó lường từ dự án nhiệt điện của nhà thầu TQ  –  Bài 7: Việt Nam thành “sân tập” để nhà thầu TQ lấy chứng chỉ EPC?  —   Bài 8: Dự án do nhà thầu TQ thực hiện và lời cảnh báo về mưa axit  –  Bài 9: “Nốt nhạc” bị bỏ quên trong “bài ca thiếu điện” của EVN   –  Bài 10: Cuộc “thoái lui” khi nhà thầu Trung Quốc… “chiếm sân”   –  Bài 11: Quy hoạch điện có nguy cơ “vỡ” vì năng lực nhà thầu TQ?  –  Bài 12: Vì sao dự án nhiệt điện ẩn họa được cảnh báo bị phớt lờ?   –  Bài 13: Khi nhà thầu Trung Quốc “phớt lờ” pháp luật Việt Nam   –   Bài 14: Ồ ạt làm nhà máy điện nhưng bỏ ngỏ hàng rào kỹ thuật? —   Bài 15: Những mánh giăng “bẫy” bỏ thầu giá rẻ của nhà thầu TQ   –  Bài 16: Nhà thầu TQ chậm tiến độ, sử dụng thiết bị kém chất lượng  —   Bài 17: Lao động “chui” Trung Quốc… lộng hành   —   Bài 18: Nhà thầu TQ tuồn hàng quá đát và “phụ tùng thay thế đắt”
- Cả thế giới phải thua Trung Quốc về bỏ giá thầu (TP). –  Trung Quốc nhận thầu và “quả đắng” của ngành cơ khí (VnEconomy). Mời xem lại: Nhà thầu Trung Quốc lại trúng thầu: Tất cả đều minh bạch (ĐV). – Làm ăn với Trung Quốc tạo thói quen cẩu thả cho kinh tế Việt Nam (VNE). – Nhận diện đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam – Bài 1 (báo ĐT). – Nhận diện đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam – Bài 2 (báo ĐT).  – Nhận diện biểu hiện “Lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ và giải pháp khắc phục (TCCS).
- Chủ tịch nước: ‘Xây dựng cảng biển không nên phụ thuộc vào vốn ODA’ (VNE). “Vay ODA thì cuối cùng cũng phải trả. Phải thay đổi tư duy, khi cần thì gõ cửa ngân hàng, Sở tài chính. Tất nhiên, ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ một phần nhưng cũng cần huy động nguồn vốn từ bên ngoài“.
- Formosa: Không được lập đặc khu thì xin xây… miếu thờ (MTG). “Trong công văn số 598/KKT-QHXD của ban quản lý khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh Hà Tĩnh gửi UBND Hà Tĩnh cho rằng: ‘Đây là công trình văn hóa’, ‘là công trình quy mô nhỏ, đơn giản, có tính nhân văn cao, để thờ tự cho các vong linh trong khu vực dự án có mộ phần đã thất lạc, góp phần an ủi các vong linh. Việc xây dựng miếu thờ không ảnh hưởng đến quy hoạch khu hành chính và quy hoạch khu liên hợp gang thép’.” – Hà Tĩnh đồng ý cho Formosa xây miếu thờ trong Vũng Áng (TT).
H3- Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (BS). “Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước. Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí. Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước… Lên tiếng và có hành động cần thiết để bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí như Điều 258, 88…“.
- Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt (RFA). TS Phạm Chí Dũng: “Chúng tôi sẽ cố gắng làm thế nào để Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam hoạt động một cách có thực chất và đại diện cho tiếng nói độc lập của báo giới Việt Nam, không chỉ trong nước mà còn quốc tế“. – Đỗ Trung Quân – Nhân sự kiện Hội Nhà Báo Độc Lập ra đời (Dân Luận).
- Dương Thu Hương: Sức Mạnh Của Chủ Nghĩa Ngu Dân (Việt Báo). “Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông“.
- BÁO CHÍ VÀ TỰ DO (viet-studies). “Tuy nhiên trên thực tế, giai cấp thống trị và một số nhà độc tài vẫn thường tìm cách hạn chế báo chí cách này cách khác với đủ mọi lý do. Bất cứ nhà độc tài nào cũng cho rằng chỉ có mình hoặc phe đảng mình mới thực sự nắm vững nguyện vọng của dân chúng và có sứ mạng thực hiện các nguyện vọng ấy theo kiểu riêng của họ; sự bền vững của chế độ là trọng, còn tự do của cá nhân thì không đáng kể“.
- Nhà đấu tranh Lư Văn Bảy vừa mãn hạn tù (RFA). “Khi tôi ra tù, tôi nói với mấy anh công an như thế này: Trước đây khi Trung Quốc lấn lướt chúng ta mà chính phủ có những hành động như bây giờ thì tôi không ở tù. Và bây giờ tôi hy vọng rằng tất cả những lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng, của chủ tịch nước Trương Tấn Sang và của tất cả những nhà lãnh đạo Việt Nam là đúng sự thật“.
H10<= TNLT Huỳnh Anh Trí (Phải). – Video: Tiết lộ chấn động: Tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV trong tù cộng sản (Phần 3) – Xác định của giới chuyên môn (DLB). Mời xem lại Phần 2 có phụ đề Anh ngữ (Hung Nguyen).  – Huỳnh Anh Trí Bị Nhiễm HIV (Việt Báo).   – Nguyễn Trung Tôn – Những bài học trong chốn lao tù (7) (Dân Luận).
- CHUYẾN THĂM TÙ NHÂN VỤ ÁN HỘI ĐỒNG CÔNG LUẬT CÔNG ÁN BIA SƠN (PNNQ). – Từ Tân Phú qua Di Linh đến Đà Lạt (tiếp theo) (Huỳnh Ngọc Chênh).
- Các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo trong Quý II/2014 (DCCT).
- Sự khác nhau giữa Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản (Asian History/ TCPT).
- Dương Hoài Linh – Nếu tôi là tổng thống? (Dân Luận). “Những việc cần làm ngay:  – Ra sắc lệnh trả tự do ngay cho các tù chính trị trên phạm vi toàn quốc.  – Ra công hàm phủ nhận tất cả các văn bản ngoại giao đã ký giữa VNDCCH, CHXHCNVN với CHND Trung Hoa.  – Ra tuyên bố về biên giới và lãnh hải Việt Nam, tất nhiên trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.  – Bổ nhiệm các nhà chính trị có tư tưởng dân chủ vào các vị trí trọng yếu trong bộ máy quyền lực quốc gia.  – Kiện toàn lại tổ chức quân đội và công an theo đúng hiến pháp“.
- Nguyễn Ngọc Già: Thư gửi con trai út của ông Thủ tướng (DLB). “Đất nước này, một ngày nào đó nếu mất đi, ngay cả những người như anh sẽ không yên thân, dù có bó tay quy hàng. Tôi tin anh hiểu rõ điều này. Cần luôn giành thế chủ động, không bao giờ chạy theo đuôi tập đoàn Tập Cận Bình hay dính bẫy ‘tương kế tựu kế’.
- Khảo sát GCI mà xếp hàng Việt Nam gần chót đóng góp gì cho nhân loại? (Và một số vấn đề liên quan) (Jonathan London).  Đất nước có dân “hạnh phúc thứ nhì thế giới”, nên được ưu tiên, không cần phải đóng góp nhiều cho nhân loại. – Trà Giang – Đất nước hạnh phúc (Dân Luận).
H2- Cảnh sát Giao thông trấn lột trước khẩu hiệu thiêng liêng (NCT). “Tình trạng Cảnh sát Giao thông (CSGT) ‘trấn’ tiền của tài xế công khai, trắng trợn trên mọi ngả đường là khá phổ biến, thói xấu đến tồi tệ. Hơn thế có người CSGT đứng trước khẩu hiệu ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’ để trổ tài nghề ’2 ngón’ thì còn tồi tệ đến thế nào?” Thì họ đang “học tập và làm theo” ông cụ đó mà! =>
- Viện kiểm sát đề nghị mức án khá nhẹ với các “cát tặc” (TT). “Phần lớn các bị cáo đều tỏ ra thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi vi phạm của mình nên đây cũng là tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt“. Bị dân tố chứ “thành khẩn khai báo” hồi nào? Mời xem lại loạt bài đăng trên báo Cần Thơ: Bát nháo khai thác cát xây dựng tại ĐBSCL – Kỳ 1: “Săn” cát xây dựng, bất chấp hệ lụy…   –   Bát nháo khai thác cát xây dựng tại ĐBSCL – Kỳ 2: Thủ đoạn phổ biến, ngoài tầm kiểm soát…   –   Bát nháo khai thác cát xây dựng tại ĐBSCL – Kỳ cuối: Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh.
- Thủ tục văn bản rườm rà, Bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi doanh nghiệp (LĐ). – Bộ trưởng Đinh La Thăng xin lỗi doanh nghiệp vận tải (TT). – Bộ trưởng Thăng xin lỗi các doanh nghiệp vận tải (VNE). “Siết chặt tải trọng để quản lý tốt hơn chứ không phải bóp chết doanh nghiệp. Vì vậy, phải siết từ khi ban hành thể chế chính sách“. – Bộ trưởng Thăng: Siết chặt vận tải không có nghĩa “bóp chết” DN (VNN). - Sự “dằn vặt” của hai Bộ trưởng! (DT).
- Nhiều người dân khi nhắc nhở mới biết đội mũ bảo hiểm “rởm” (LĐ). – Mũ bảo hiểm, làm sao biết chất lượng? (RFA). “Mấy anh nói mũ giả thì cũng phải chịu thôi vì tôi mua theo đầy đủ tiêu chuẩn báo đài thông tin nghị định đưa ra, tôi căn cứ vào đó để mua. Còn mấy anh nói mũ giả thì mấy anh truy lại nhà sản xuất, nhà cung cấp“.
- Vụ “Bị đánh chết sau khi đo nồng độ cồn” Vụ “Bị đánh chết sau khi đo nồng độ cồn”: Nạn nhân để lại bút tích (NLĐ).
- Đà Nẵng: Bị cưỡng chế, Mẹ Việt Nam anh hùng quyết ở Trung tâm y tế chờ toà phán xử (LĐ).
- Bài 57: Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo làm giả hồ sơ cưỡng chế trái pháp luật như thế nào? (DT).
- Xây nhà trái phép trên đất công, chính quyền xã cho qua? (LĐ).
- Hà Nội: Xới vỉa hè tuyến đường “đắt nhất hành tinh” lên làm lại (DT).
- Mỹ Phát Lệnh Truy Nã Năm Tin Tặc Trung Cộng (Việt Báo).  – Mỹ sẽ nêu bật với Trung Quốc vấn đề tin tặc và tranh chấp Biển Đông (RFI). – Mỹ bắt vợ tỉ phú Trung Quốc vì ăn cắp hạt giống (NLĐ). – Ông Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ “không nên tạo gai” trong mối quan hệ (VOV).
- Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp: Hoa Kỳ đối xử với Trung Quốc như thế nào (Phan Ba).
- Chủ tịch Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát lên quân đội (RFI).
- “Hồng Kông có thể tái diễn thảm kịch Ukraine, Thái Lan” (GDVN).
H11- Ông Tập Cận Bình đến Hàn Quốc, “phá lệ” với Triều Tiên (DT). – Hàn Quốc- Trung Quốc hội đàm cấp cao (VOV). – Chủ tịch Trung Quốc viếng thăm Hàn Quốc để bàn về hạt nhân Bắc Triều Tiên (RFI). – Trung Quốc, Nam Triều Tiên mở rộng quan hệ kinh tế (VOA). – Chủ tịch Trung Quốc thăm Hàn Quốc (BBC). – Trung Quốc tăng cường liên minh với Hàn Quốc (RFI). – Trung, Hàn thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên (VNE). – Hàn Quốc không để Trung Quốc ve vãn (PLTP).
- Trung Quốc “bêu riếu” Nhật, công bố lời thú nhận tội ác chiến tranh (DT).
- Nhật Bản dỡ bỏ một phần cấm vận Bắc Triều Tiên (RFI).  – Nhật Bản sắp bỏ một số chế tài đối với Bắc Triều Tiên (VOA). – Quan hệ Nhật Bản – CHDCND Triều Tiên tan băng (SKĐS).

- Đang xác minh tọa độ nơi tàu cá và 6 ngư dân VN bị TQ bắt giữ (ĐSPL). Khuyến khích ngư dân ra khơi trong tình hình căng thẳng với Trung Cộng ngoài biển Đông mà không có kế hoạch gì để bảo vệ họ, đó là đẩy ngư dân vào chỗ chết. Những người đứng đầu đã lường trước sự cố này chưa khi khuyến khích ngư dân ra khơi? Họ đã có kế hoạch gì để đối phó với giặc khi ngư dân bị bắt? Thương lượng với cướp biển? Bỏ tiền chuộc ngư dân về? Làm như thế chẳng khác nào thừa nhận vùng biển đó là của chúng. Bỏ mặc ngư dân sống chết trong tay bọn giặc?
- Xác định vùng biển Trung Quốc bắt giữ tàu cá và 6 ngư dân Việt Nam là ở Vịnh Bắc Bộ (DV). “Theo thông tin sơ bộ chính quyền huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) vừa xác minh, vùng biển mà tàu cá cùng 6 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ hôm qua (3.7) là tại Vịnh Bắc Bộ chứ không phải là tại Hoàng Sa như lời người thân của ngư dân trên chiếc tàu này trình báo lúc ban đầu“.
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Người Việt Nam không bao giờ lùi bước (CATP). – Ngư dân còn bám biển là Tổ quốc còn chủ quyền (NNVN). Không thể đặt trách nhiệm nặng nề này lên vai ngư dân! Bảo vệ Tổ Quốc, trước hết là trách nhiệm của những người đứng đầu, cụ thể là của những người lính nói riêng và của toàn dân nói chung. Nhưng trong lúc này, khi phải đương đầu với những nguy hiểm ngoài biển Đông, những người lính hải quân, cảnh sát biển phải đi tiên phong, do họ được trang bị tàu lớn và có khả năng trang bị vũ khí trên tàu. Khuyến khích ngư dân ra khơi để bảo vệ Tổ Quốc, khi không có kế hoạch gì để bảo vệ ngư dân, để họ một mình đương đầu với giặc cướp ngoài biển khơi, là tàn nhẫn, thể hiện thái độ vô trách nhiệm của những người đứng đầu!
- Cha – con và tư tưởng thực dân (TBKTSG). “Chỉ có những kẻ mang tư tưởng bá đạo và tư duy thực dân mới cố tình gán ghép phỏng chiếu mối quan hệ cha – con, lớn – bé vào quan hệ quốc tế để tự tôn vinh quyền lực quốc gia. Đây chắc chắn không phải là tư tưởng có ích cho loài người vào thế kỷ 21 này“.
- Trung Quốc không dễ cắt đứt quan hệ kinh tế với Việt Nam (KTĐT). – Giải “bài toán biển Đông” để vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế (ĐTCK). – Thương mại Việt – Trung: “Xuất khẩu giùm, tiêu thụ hộ” (VnEconomy). - Ta đang “ghè đá vào chân mình” (TT).  - Trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc (TN).  – Ưu đãi cho nhà thầu và hàng hóa trong nước (TBKTSG).  – Ưu tiên nhà thầu chọn nhiều lao động địa phương (TT).  – Chủ động chuẩn bị nguồn lực Dự trữ Quốc gia hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới (TCTC).  – “Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng” (LĐ). – Thách thức cũng là cơ hội cho Việt Nam (LĐ).
PTT Vũ Đức Đam: khi DN đồng hành với Chính phủ sẽ tạo ra cơ hội  (TBKTSG).  - Chuyên gia: Phải tự cường để đối phó với Trung Quốc (TBKTSG).  – Khi tiểu ngạch Việt – Trung bị siết chặt (RFA). TS Phạm Chí Dũng: “Đối với vấn đề tiểu ngạch thì các cơ quan quản lý của VN gần như không quản lý được từ trước tới nay. Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi quá khó với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan“.
- Quan giàu nước mạnh? (GDVN). Quan giàu thì nước MẠT! Xã hội tan tành, dân chửi lưu manh…
KINH TẾ
- Thủ tướng cho phép mở rộng đối tượng vay gói 30.000 tỷ đồng (VNE).
- Cuộc tháo chạy của đại gia ngân hàng? (VEF).
- Ngân hàng đồng loạt hạ giá USD (DT).
- Amortized bond: Trái phiếu khấu trừ dần (VietFin).
- Tổng quan chuyển động BĐS ngày 3-7-2014 (VietFin). – EVN thoái vốn xong bất động sản (TT).
- Giá cà phê tăng mạnh lên gần 42 ngàn/tấn (LĐ).
- Dự kiến giảm thuế xuất khẩu cao su xuống 0% (TT).
- Hà Nội tăng đưa vải thiều vào siêu thị (VNE). “Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết mặt hàng vải thiều hiện chưa được các siêu thị phân phối nhiều trên địa bàn Thủ đô“. Tại sao lãnh đạo phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” lại quên món hàng rất bình thường này từ bao năm qua? – Hồi chuông cảnh tỉnh (HNM).
- Nông dân bị ép giá vì thiếu… cầu (TT).
- Việt Nam cấp phép cho dự án 1 tỷ đôla của Samsung (VOA). – Samsung được VN cấp phép dự án 1 tỷ đô (BBC).
- Kinh tế Thái Lan có dấu hiệu phục hồi sau khi quân đội nắm quyền (VOA).
- Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm (VOA).

VĂN HÓA-THỂ THAO
- NGƯỜI KÉO MÀN: Tiểu thuyết kịch NHẬT TIẾN (KỲ11) (Nhật Tuấn).
- Núi Đoạn Sông Lìa – phần 52 (Da Màu). – Sinh nhật
- Vũ Thư Hiên – Cái Chết Của Người Tù Già (Dân Luận).
- Bùi Minh Quốc: Hai bài cảm tác (Văn Việt). “Mấy thi sĩ thế kỷ này nhồm nhoàm nhai bánh vẽ/  Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng*/  Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ/  Tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung“.
- THÙ CHỒNG (Tương Tri).
- ĐĂK NÔNG GIỮA 2 LẦN… (Văn Công Hùng).
- Phê bình văn học Việt Nam trước 1945: lãng quên và tàn dư (Nhị Linh).
- Báo chí theo mô hình Wal-Mart hay Amazon? Và vì sao các tờ báo dành cho số đông thất bại? (Văn Việt).
- THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (9): Tiếng Vọng (tài liệu tham khảo) (Văn Việt).
- HÙNG BIỆN TRONG NGHỀ LUẬT (Nguyễn Minh Tuấn).
H1<- Quy chế xét tặng nghệ nhân: Chậm mà vẫn chưa “chắc” (TTVH/ DT).
- Biết sống đúng tư cách con người (NLĐ).
- Lệ Rơi (Nguyễn Quang Vinh). – Lệ Rơi ngồi Lexus, làm minishow, Hoa hậu Thu Thủy: Lệ Rơi cứ cẩn thận! (GDVN). “Mấy bạn bầu show giả dạng vì cái lợi vài đồng bạc lẻ, bán vài chai rượu mà lôi nông dân ra làm hề, tát vào mặt những ca sĩ đã từng đứng trên ‘sân khấu‘.” – Trấn Thành: Lệ Rơi tự tin hơn cả Phi Thanh Vân, Kenny Sang! (Soha).
- Hâm Mộ Người Khác, Không Bằng Mình Sống Cho Tốt Hơn (ĐKN).
- Hindi hay tiếng Anh: Ấn Độ lại đối mặt với vấn đề ngôn ngữ (VOA).
- Liệu pháp tâm lý khẩn cấp cho đội Brazil (RFI). – Obama chúc mừng các cầu thủ Mỹ (BBC). – Năm kỷ lục bị phá vỡ ở World Cup Brazil (BBC). – Ai là bá chủ bóng đá thế giới? (BBC). – Trực tiếp: Vòng tứ kết đầy kịch tính (BBC).

GIÁO DỤC-KHOA HỌC
- Trận đánh lớn của ngành Giáo dục: Phương pháp Dạy-Học, Triết lý Giáo dục và Người Thầy (Văn Việt).
- Nhờ công an kiểm tra nữ sinh đeo máy trợ thính vào phòng thi (DT).
- Nhiều nhầm lẫn tai hại trong hồ sơ dự thi (TT).  – Ngày làm thủ tục thi ĐH đợt 1 tại TPHCM: Rối vì sửa khu vực ưu tiên (DT).
- “Thấy vui khi giúp đỡ được thí sinh” (DT).  – Cụ ông đạp xe hơn 150km tiếp sức cho các cháu nội ngoại đi thi (GDVN). – “Tí hon” đi thi đại học (MTG).
- Chương trình tiếng Anh tích hợp: Bất chấp thể diện quốc gia! (NLĐ). “Họ đã coi các em học sinh như một phương tiện trục lợi và coi việc lừa đảo, nói dối công chúng như chuyện thường, bất chấp cả thể diện của quốc gia”.
- Tâm sự của tác giả bài toán “đầu cừu, đuôi thuyền trưởng” (DT).
- TP.HCM cần 150.000 lao động nhưng ít cơ hội cho 162.000 cử nhân đang thất nghiệp (MTG).
- Một lớp học kỳ lạ trong khu nhập cư (RFA). “Tôi thì nào giờ quen cách giáo dục của ngày xưa là Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng. Áp dụng cái đó thì tôi thấy các bé tiến bộ hết sức rõ rệt. Thậm chí có bé giờ biết về giăng mùng cho ba mẹ, biết gìn giữ vệ sinh chung, biết giữ điều tốt cho xã hội. Tôi biết tôi phải thực hiện giấc mơ mà ngày xưa mình bỏ dỡ và tôi lập ra lớp học tình thương để giúp cho trẻ em“.
- Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai đẩy mạnh phát triển CNTT (DT). “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) – vừa ra thông báo số 249 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển CNTT“.  Người tài không được trọng dụng, bao nhiêu nhân tài bỏ nước ra đi, lấy gì để phát triển CNTT mà Thủ tướng “quyết” với “liệt”?
- Nguyễn Hưng Quốc: Tự do học thuật (Blog VOA). “Khi học thuật không có tự do, khoa học, cả khoa học xã hội và nhân văn, không thể nào phát triển; khi khoa học không phát triển, người ta không thể có một sự thông thái đích thực, hơn nữa, thậm chí, không thể nâng cao được trình độ dân trí, không phát huy được sức mạnh văn hóa trong việc phát triển kinh tế. Khi cả trình độ dân trí lẫn kinh tế thấp, cả dân tộc, may lắm, chỉ có thể làm những công việc lặt vặt như gia công và lắp ráp cho thế giới“.
- Thủ tướng Anh: “Thế giới có thể chìm trong kỷ nguyên đen tối của y học” (DT).

XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
- Vụ thang máy trục trặc khiến bảo vệ chết thảm: 40 triệu một mạng người (GDVN). Bèo!
- Bé sơ sinh cơ thể đầy kiến nằm khóc trong bụi tre (DT). – Cứu sống bé gái bị bỏ rơi, trên người đầy dòi, kiến (VNN). “Sau 20 giờ điều trị, nhờ được cấp cứu kịp thời bé đã linh hoạt hơn, da môi hồng hào, không còn phải thở ôxy, đã có thể bú được, các vết chấn thương cũng như phù nề đã giảm dần“.
- Mỹ bắt giam một cặp vợ chồng Việt nhốt con trong chuồng (RFI).
- Tình cảnh khốn khó của người đàn ông liệt tứ chi vì tai nạn ngã xe máy (DT).
- Ly kỳ hành trình truy bắt osin “dỏm” chôm 800 triệu đồng của chủ (DT).
- Chính quyền đủng đỉnh, người dân “tự xử” (NLĐ).
- Vụ đột tử để lại 1.000 tỷ: Liệu có đòi được tiền? (VNN/ DT).
- Vui buồn bên người mẹ cô đơn suốt đời cưu mang chó mèo hoang (MTG).
- Quảng Bình: Nhóm cán bộ bảo vệ rừng “vòi tiền” lâm tặc lãnh án (DT).
- Đường sắt VN cần cải tiến từ hệ thống xếp hàng mua vé (DT).
- Đan Mạch bỏ tù băng cần sa người Việt (BBC).
- Một kiểu chơi ngông của trọc phú TQ: Mua hết vé tại các rạp chiếu phim để chứng minh sự giàu có (DT).
- Choáng cảnh khán giả ra về, “cánh đồng rác” ở lại (DT).
- Trung Quốc lập tòa án đặc biệt xử các vụ gây ô nhiễm (RFI).

QUỐC TẾ
- Tổng thống Ukraine bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng (VOA). – Bốn nước Ukraina, Nga, Pháp, Đức cùng kêu gọi đối thoại ngưng bắn (RFI).
- Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công khủng bố ở phi trường Uganda (VOA). – Anh tăng cường an ninh sân bay trước cảnh báo khủng bố (VNE).
- Cựu Tổng thống Sarkozy phản công sau khi bị tư pháp khởi tố (RFI). – Do đâu cựu Tổng thống Pháp Sarkozy sa lưới Tư pháp (RFI). – Bị đặt dưới sự điều tra, cựu tổng thống Pháp phản công (VOA).
- 2 người chết vì bạo động tôn giáo ở Myanmar (VOA). – MIẾN ĐIỆN: Bạo động đẫm máu lại nổ ra giữa người Hồi giáo và Phật giáo tại Miến Điện (RFI). – Miến Điện ban hành lệnh giới nghiêm sau vụ xung đột tôn giáo (VOA). – Quốc hội Myanmar tìm cách hủy bỏ quyền phủ quyết của quân đội (VOA).
- Các thị trấn biên giới Texas giúp di dân (VOA).
- Hải Quân Hoa Kỳ tiến cử phụ nữ đầu tiên làm Đô Đốc (VOA).
- Iran và 6 cường quốc bắt đầu đàm phán hạt nhân ở Vienna (VOA).  – Thương lượng về hồ sơ nguyên tử Iran : Còn ba tuần để hoàn tất (RFI).
- Vì sao Mỹ đang mất dần sự thống trị quân sự? (DT).

* RFA: + Sáng 03-07-2014; + Tối 03-07-2014
* RFI: 03-07-2014
* Video RFA: + Bản tin video sáng 03-07-2014; + Bản tin video tối 03-07-2014; + Liệu Nhật có can thiệp vào Biển Đông?

2410. Trung Quốc không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu!

FB Mạnh Kim
03-07-2014
Lịch sử ngoại giao thế giới đang chứng kiến một “ca” rất lạ: thay vì xây dựng đồng minh và lôi kéo đồng minh kẻ địch về phe mình, Trung Quốc lại đẩy ra tất cả để đứng riêng một góc! Bắc Kinh đã đánh mất rất nhiều cơ hội để biến họ thành một cường quốc châu Á thật sự, thay vào đó, họ đã tự dâng khu vực cho Mỹ.
VỚI NHẬT
Năm 2009, cử tri Nhật đẩy đảng Dân chủ Tự do (LDP) ra khỏi cuộc chơi, lần đầu tiên trong 50 năm, và đưa đảng Dân chủ (DPJ) lên nắm quyền. Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama công khai nói về ý tưởng thành lập một liên minh Đông Á mới và bày tỏ sự gần gũi với Bắc Kinh. Đầu năm 2010, chính trị gia Ichiro Ozawa dẫn một phái đoàn hùng hậu 143 nghị sĩ Nhật sang Bắc Kinh. Ozawa là một chính khách sừng sỏ của Nhật, được mệnh danh “tướng quân trong bóng tối” bởi ảnh hưởng hậu trường của ông lên sân khấu chính trị nước này.
Chỉ vài tháng sau, tháng 8-2010, quan hệ Nhật-Trung trở nên căng thẳng, bắt đầu từ vụ tuần duyên Nhật bắt một thuyền trưởng Trung Quốc khi đoàn tàu cá Trung Quốc thâm nhập Senkaku. Phản ứng Bắc Kinh là rất hung hăng. Họ yêu cầu Nhật thả thuyền trưởng Trung Quốc ngay lập tức, và bật đèn xanh cho loạt cuộc biểu tình dữ dội chống Nhật. Cùng lúc, Trung Quốc ngăn một số mặt hàng xuất khẩu đến Nhật trong đó có đất hiếm. Đây là một trong những lần đầu tiên Bắc Kinh áp dụng đòn trừng phạt kinh tế trong một xung đột lẽ ra không đáng làm to chuyện. Yoichi Funabashi, tổng biên tập tờ Asahi Shimbun, gọi phản ứng Trung Quốc là một “chiến dịch gây sốc và kinh ngạc”. Funabashi chính là người từng hoạt động tích cực việc khuyến khích trao đổi du học sinh hai nước và là một trong những người mạnh mẽ kêu gọi Nhật hàn gắn vết thương chiến tranh với Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau vụ trên, Funabashi buộc phải thốt lên: “Nhật và Trung Quốc đang ở hiện trường một vụ đổ nát toàn diện và quanh cảnh trông ảm đạm trơ trọi trống vắng”. Trong cuộc phỏng vấn sau đó, Funabashi cảnh báo rằng châu Á đang đối mặt với một thứ luật rừng! Cuối cùng, chính thái độ của Trung Quốc đã trở thành nguyên nhân một phần khiến chính trường Nhật thay đổi: cánh chính trị thân Trung, DPJ, bị hất cẳng; và đảng LDP, thân Mỹ, trở lại, vào cuối năm 2012.
VỚI ÚC
Là một trong những nước đầu tiên nhận ra sự trỗi dậy Trung Quốc, Úc bắt đầu thắt chặt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh từ thập niên 1980. Mùa xuân mới trong cuộc tình Canberra-Bắc Kinh đã bắt đầu bằng sự kiện “xông đất” của Hồ Diệu Bang năm 1985. Thủ tướng Úc Bob Hawke háo hức đến mức phá vỡ nguyên tắc thông thường trong ngoại giao tiếp đón nguyên thủ quốc gia và xem Hồ Diệu Bang như một người bạn khi đưa họ Hồ đến vùng đất giàu khoáng sản Pilbara xa xôi ở phía Tây nước Úc cách Canberra hơn 3.000 km.
Bức ảnh chụp hai người, đều vận sơmi trắng và không mang cà vạt, đứng trên một ngọn núi hướng mắt về nơi xa xa, nơi có một trong những quặng sắt lớn nhất thế giới, đã trở nên nổi tiếng như một dấu ấn lịch sử quan hệ hai nước. Năm 2007, Kevin Rudd, người mà báo chí Trung Quốc gọi thân mật bằng cái tên tiếng Hoa là Lục Khắc Văn (Lu Kewen), đã trở thành lãnh đạo một nước phương Tây đầu tiên biết nói thông thạo tiếng Hoa. Tương tự Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Á, Úc hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển kinh tế Trung Quốc. Quan hệ kinh tế song phương đến nay vẫn tăng đều. Hiện tại, ¼ xuất khẩu Úc đang đổ vào thị trường Trung Quốc. Trong chuyến công du Trung Quốc tháng 4-2014, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã dẫn theo phái đoàn đông chưa từng có (hai nước dự kiến ký Hiệp định Tự do thương mại vào cuối năm 2014).
Từng có một thời điểm rộ lên nguồn tin cho biết, một số viên chức cấp cao Trung Quốc đã thẳng thắn đề nghị Canberra “chơi” theo “kiểu Pháp”: vẫn là một phần của liên minh phương Tây nhưng tách khỏi Mỹ để đi theo con đường riêng. Khuynh hướng “bỏ Mỹ-thân Trung” còn được ủng hộ từ một số nhân vật tên tuổi của Úc. Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser nói rằng cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc là một phiên bản thời Chiến tranh lạnh. Chỉ trích của cựu cố vấn chính phủ Hugh White thậm chí còn gay gắt hơn. Trong bài bình luận “Power Shift”, Hugh White viết: “Nếu không rút khỏi châu Á và không chịu chia sẻ quyền lực với Trung Quốc, Mỹ phải chấp nhận đấu với thách thức Trung Quốc về khả năng ai mới là kẻ xứng đáng lãnh đạo”. Greg Sheridan, biên tập viên đối ngoại tờ The Australian, gọi bài bình luận của White là “tài liệu chiến lược độc nhất và ngu xuẩn nhất từng được soạn cho lịch sử Úc”!
Thế nhưng Bắc Kinh lại làm vuột mất bàn tay người tình Canberra. Một lần nữa, cũng chỉ bắt nguồn từ một sự kiện không mấy nghiêm trọng. Năm 2009, Hồ Sĩ Thái (Stern Hu), công dân Úc gốc Hoa làm việc cho tập đoàn khai thác khoáng sản Rio Tinto tại Thượng Hải, bị Trung Quốc bắt với cáo buộc đánh cắp bí mật quốc gia. Lúc đó, Rio Tinto đang dính vào cuộc tranh cãi căng thẳng với Bắc Kinh quanh vấn đề giá sắt. Cáo buộc dành cho Hồ Sĩ Thái sau đó được làm nhẹ bớt, với tội đánh cắp bí mật thương mại. Hồ Sĩ Thái bị kết án 10 năm tù. Báo chí Úc tin rằng chính vụ tranh cãi với Bắc Kinh mới là nguyên nhân khiến Rio Tinto bị “xử” và Hồ Sĩ Thái chỉ là một nạn nhân vạ lây. Dù vậy, chính sự hung hăng trong chính sách đối ngoại khu vực của Trung Quốc mới là nguyên nhân khiến Úc nhìn Bắc Kinh bằng cặp mắt lo ngại.
Cuối năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Úc, tuyên bố đưa 2.500 thủy quân lục chiến đến nước này. “Lợi ích lâu dài của chúng tôi trong khu vực đòi hỏi sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực. Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương, và chúng tôi đến đây để ở lại” – Obama phát biểu tại Quốc hội Úc. Sự hiện diện của 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ đã thể hiện một “chính sách bảo hiểm” cho một tương lai không chắc chắn trước sự đe dọa an ninh từ Trung Quốc mà Úc bắt đầu nhận ra. Và trong chuyến công du Hoa Kỳ vào giữa tháng 6-2014, Thủ tướng Tony Abbott đã đứng tên chung với Tổng thống Obama trong bài xã luận đăng trên Los Angeles Times. Bài có đoạn: “Cả Úc và Hoa Kỳ đều quan ngại rằng hành vi gây hấn tăng dần trong các cuộc tranh chấp biển đảo tại châu Á đang tạo ra một nguy cơ ngày càng tăng của tính toán sai lầm và, trong trường hợp xấu nhất, dẫn đến xung đột… Cả hai nước chúng tôi đều phản đối việc sử dụng hăm dọa, ép buộc hoặc xâm lược trong vấn đề tranh chấp của bất kỳ quốc gia nào”.
VỚI PHILIPPINES
Có lúc tưởng chừng Trung Quốc đã “mua” được Philippines. Dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, Trung Quốc từng dứ ra đĩa mồi thơm phức: 2,8 tỉ USD (chưa kể 330 triệu USD cung cấp hệ thống băng thông rộng kết nối 25.000 văn phòng chính quyền). Năm 2005 là thời điểm quan hệ Manila-Bắc Kinh ở đỉnh cao. Đó là lúc “Joint Marine Seismic Undertaking” (JMSU; ký năm 2004) bắt đầu có hiệu lực. JMSU là thỏa ước giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc về việc thăm dò một khu vực 142.886 km2 phía Tây Palawan nằm hoàn toàn trong chủ quyền Philippines. Dư luận Philippines phản ứng gay gắt, cho rằng Arroyo bán đứng đất nước. Quốc hội Phi tin rằng đây là một điều kiện mà Bắc Kinh đặt ra để đổi lấy khoản vay 2,8 tỉ USD… Quan điểm đối ngoại của Arroyo rất rõ: anh em xa không bằng láng giềng gần. Tuy nhiên, tay láng giềng này, với một quan hệ mà Arroyo từng nói rằng “bắt đầu bước sang thời hoàng kim” khi tiếp Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Manila tháng 4-2005, đã gây ra liên tiếp va chạm căng thẳng từ các vụ xâm nhập đánh cá. Cuối cùng, thái độ ngang ngược của Trung Quốc khiến thay đổi diện mạo chính trị Philippines, với cuộc thắng cử của Benigno Aquino III vào tháng 5-2010, đưa Manila chuyển hẳn sang trục Mỹ.
***
Kết quả chính sách đối ngoại đưa mình lên vị trí trung tâm khu vực của Bắc Kinh: Càng cố đẩy Mỹ ra xa, Trung Quốc càng khiến Mỹ gắn chặt quyền lợi hơn với châu Á. Càng cố lôi kéo các nước châu Á, Trung Quốc càng khiến họ nhảy về phía Mỹ. Bắc Kinh không thể không nhận ra điều này nhưng họ tin rằng đây là thời khắc chín mùi để thể hiện sức mạnh. Một vài phép thử rải rác từ năm 2009 cho thấy phản ứng yếu ớt của khu vực trong khi Mỹ vẫn chưa thực hiện xong kế hoạch “cắm cọc” đã khiến Bắc Kinh tự tin đẩy cực nhanh tốc độ “xử lý dứt điểm” vấn đề biển Đông. Ở đây có lẽ không cần thiết nói về cái được cái mất trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, vì nó quá rõ – như lời chính Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), học giả có sức ảnh hưởng mạnh tại Trung Quốc, rằng: “Chúng tôi đã giành được những điều hoàn toàn trái ngược với những gì mà chúng tôi hy vọng muốn có” – mà cần nhấn mạnh vấn đề ở một khía cạnh khác:
Trung Quốc, bất chấp hậu quả nhãn tiền, vẫn đang đi theo một chủ trương đối ngoại, vượt ngoài chuẩn tắc bang giao chính trị hiện đại, trong đó không có khái niệm của sự tử tế, thành thật và tôn trọng. Họ không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu! Họ không cần cam kết quan hệ bền vững mà chỉ muốn có sự qui phục lâu dài! Thật chua xót đối với bất kỳ nước nhỏ nào vẫn còn ngây thơ tin rằng mình đang được Trung Quốc đối xử ngang bằng và tôn trọng như một quốc gia với một quốc gia!

2411. Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

H5Sài Gòn ngày 4 tháng 7 năm 2014

Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang quá cận kề?
H3
Đã đến lúc báo chí và các nhà báo Việt Nam cần có tư cách độc lập để trả lời những câu hỏi trên. Tuân theo kinh nghiệm của mọi xã hội dân sự tiến bộ nhất trên thế giới, một trong những giải pháp cần phải có là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
1* Quan điểm thành lập:
- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (tiếng Anh: Independent Journalists Association of Vietnam – IJAVN) là tổ chức xã hội dân sự nằm trong xã hội dân sự Việt Nam, vì một Việt Nam tiến bộ xã hội, dân chủ và đa nguyên, văn minh và giàu mạnh.
- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hoạt động trên cơ sở:
+ Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên có nghĩa vụ tuân thủ.
+ Các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội được minh định trong Hiến pháp Việt Nam.
- Thông qua hoạt động báo chí, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc ôn hòa, bất bạo động; tôn trọng đa nguyên chính trị; phi lợi nhuận; hướng đến mục tiêu cổ súy cho tự do của người dân và dân chủ cho toàn xã hội, đóng góp ý kiến phản biện dưới dạng các tác phẩm báo chí và diễn đàn ngôn luận cho xã hội và đất nước.
- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sinh hoạt trí tuệ và lành mạnh cho các hội viên và những người yêu thích nghề báo, đặc biệt là những người trẻ, nhằm thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí.
- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam gồm những người có quá trình hoạt động báo chí không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, giới tính, độ tuổi; không phân biệt người trong nước và ngoài nước; tự nguyện dấn thân vì tự do báo chí, vì một nền dân chủ thật sự, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc người dân.
- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam độc lập về quan điểm, nhân sự, tài chính…
2* Mục đích thành lập:
- Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước.
- Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí.
- Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước.
- Hỗ trợ về tinh thần và vật chất, hoạt động tương thân tương ái giữa các hội viên.
- Lên tiếng và có hành động cần thiết để bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí như Điều 258, 88…
- Thu hút và đào tạo cây viết trẻ nhằm đóng góp cho nền báo chí chuyên nghiệp Việt Nam trong tương lai.
- Thu hút và tạo môi trường sinh hoạt cho các nhà báo và cộng tác viên báo chí, không phân biệt báo nhà nước hay truyền thông xã hội.
3* Những nội dung hoạt động chính:
- Sinh hoạt định kỳ và đột xuất về thông tin thời sự. Trao đổi về phương hướng và chủ đề viết.
- Tổ chức tọa đàm, hội thảo về một số chủ đề quan trọng của xã hội và đất nước.
- Xây dựng lực lượng làm báo trẻ để tạo lớp kế thừa cho lớp nhà báo lớn tuổi.
- Lên tiếng kịp thời về những trường hợp người dân và nhà báo bị xâm hại.
- Chuyển tải những vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của đất nước, xã hội ra hệ thống truyền thông quốc tế.
- Liên kết và hợp tác với những tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế về báo chí.
- Vận hành một trang báo mạng dành cho các nhà báo và cộng tác viên.
4* Cơ cấu tổ chức:
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có Ban lãnh đạo gồm chủ tịch và một số phó chủ tịch, ủy viên. Ban lãnh đạo được phân công điều hành theo các công việc và theo khu vực.
H4 
Ban lãnh đạo:
- Chủ tịch: Nhà báo Phạm Chí Dũng.
Phụ trách chung các hoạt động của Hội. Email: phamchidungsg@gmail.com
- Phó chủ tịch thường trực: Nhà báo, linh mục Anton Lê Ngọc Thanh.
Phụ trách khu vực miền Nam và trang báo của Hội. Email: naygum@gmail.com
- Phó chủ tịch: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy.
Phụ trách khu vực miền Bắc. Email: tuongthuy52@gmail.com
- Phó chủ tịch: Nhà báo Bùi Minh Quốc.
Phụ trách khu vực miền Trung. Email: bmquoc40@gmail.com
- Ủy viên: Nhà báo Ngô Nhật Đăng.
Trị sự hai trang báo: Việt Nam Thời Báo và Vietnam Times Email: dangngonhat@gmail.com hoặc vietnamtimes00@gmail.com
Cơ cấu ban:
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có một số ban chuyên môn và trang báo là cơ quan ngôn luận của Hội.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mời gọi những người làm báo có tâm nguyện với dân tộc tham gia vào Hội, chung sức làm mọi việc có ích cho quê hương.
Mọi liên hệ, ghi tên tham gia và ủng hộ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam xin gửi về các địa chỉ email: hoinhabaodoclapvietnam@gmail.com
Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
- Phạm Chí Dũng
- Anton Lê Ngọc Thanh
- Nguyễn Tường Thụy
- Bùi Minh Quốc
- Ngô Nhật Đăng.

Điều lệ hoạt động của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
1* Quan điểm:
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (tiếng Anh: The Independent Journalists Association of Vietnam – IJAVN) là tổ chức xã hội dân sự nằm trong xã hội dân sự Việt Nam, vì một Việt Nam tiến bộ xã hội, dân chủ và đa nguyên, văn minh và giàu mạnh.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sinh hoạt trí tuệ và lành mạnh cho các hội viên, đặc biệt là những người viết trẻ, nhằm thể hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, giới tính, độ tuổi; không phân biệt người trong nước và ngoài nước; tự nguyện dấn thân vì tự do báo chí, vì một nền dân chủ thật sự, vì hạnh phúc của nhân dân.
2* Những nội dung hoạt động chính:
- Sinh hoạt định kỳ và đột xuất về thông tin thời sự. Trao đổi về phương hướng và chủ đề viết.
- Tổ chức tọa đàm, hội thảo về một số chủ đề quan trọng của xã hội và đất nước.
- Xây dựng lực lượng viết báo trẻ để tạo lớp kế thừa cho lớp nhà báo lớn tuổi.
- Lên tiếng kịp thời về những trường hợp người dân và nhà báo bị xâm hại.
- Chuyển tải những vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của đất nước, xã hội ra hệ thống truyền thông quốc tế.
- Liên kết và hợp tác với những tổ chức phi chính phủ quốc tế về báo chí.
- Vận hành một trang báo mạng dành cho các nhà báo và cộng tác viên độc lập.
3* Nguyên tắc sinh hoạt:
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được tổ chức dựa trên hiệu quả và tinh thần đồng đội, phát huy tối đa trách nhiệm của từng cá nhân để Hội thực sự đóng góp có hiệu quả cho xã hội mà không bị lệ thuộc vào tính hình thức.
Hội được tổ chức theo tinh thần dân chủ:
- Thông tin đầy đủ; thảo luận và biểu quyết tự do; ủy nhiệm công tác; kiểm soát và báo cáo công việc.
- Quyết định bằng đồng thuận hoặc qua biểu quyết của đa số.
Hội được tổ chức trong tinh thần tự nguyện chấp hành kỷ luật:
- Tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do của mỗi thành viên.
- Tôn trọng quyết định của tập thể.
- Tôn trọng những thành viên được ủy nhiệm công tác.
- Thực hiện và báo cáo những công việc được giao.
Các quyết định được biểu quyết theo đa số thành viên hợp lệ.
4* Hội viên:
Hội viên phải là người có ít nhất 5 tác phẩm báo chí đã công bố phù hợp với tiêu chí của Hội.
Hội viên được bảo đảm quyền tự do phát biểu đối với mọi vấn đề của Hội.
Hội viên có thể tự quyết định ra khỏi Hội.
Hội viên có thể bị khai trừ vì vi phạm kỷ luật hay có hành động ngược lại tiêu chí của Hội.
5* Cơ cấu tổ chức:
Cơ quan điều hành cao nhất của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là Ban lãnh đạo, gồm chủ tịch và một số phó chủ tịch, ủy viên.
Ban lãnh đạo được phân công điều hành theo các công việc và theo khu vực.
Ban lãnh đạo thay mặt toàn thể thành viên ban hành quyết định và đôn đốc, giám sát việc thi hành.
Ban lãnh đạo biểu quyết mỗi khi thấy cần những qui định về cách thức sinh hoạt.
Nhiệm kỳ đầu của Ban lãnh đạo là 2 năm. Hết nhiệm kỳ đầu, các hội viên sẽ cùng quyết định cụ thể về các nhiệm kỳ kế tiếp.
Nhân sự và nhiệm vụ Ban lãnh đạo Hội và các ban chuyên môn, trang báo có thể được bố trí, điều chỉnh tùy yêu cầu tình hình và do Chủ tịch Hội quyết định.
Trong trường hợp vì lý do biến cố hoặc bất khả kháng mà Chủ tịch Hội không thể điều hành, Phó chủ tịch thường trực Hội sẽ đảm nhiệm công tác điều hành Hội. Nếu Phó chủ tịch thường trực Hội cũng không thể điều hành bởi lý do biến cố hoặc bất khả kháng, một Phó chủ tịch Hội sẽ được ủy nhiệm để điều hành công tác của Hội.
6* Các chi hội:
Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có 4 chi hội:
- Miền Bắc
- Miền Trung
- Miền Nam
- Hải Ngoại
Văn phòng của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được đặt tại Sài Gòn.
7* Ban chuyên môn:
Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hội có các ban chuyên môn:
- Văn phòng Hội
Người phụ trách: Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, Chuyên viên
- Ban Sự kiện và Đào tạo
Người phụ trách: Một Phó chủ tịch và Chuyên viên
- Ban Quan hệ quốc tế
Người phụ trách: Một Phó chủ tịch hoặc Một Ủy viên và Chuyên viên
- Trang báo
Người phụ trách: Do chủ tịch bổ nhiệm sau khi tham khảo với toàn Ban lãnh đạo
Các ban chuyên môn có thể đón nhận sự hợp tác của mọi thành viên và thân hữu.
Nhân sự và nhiệm vụ các ban chuyên môn, trang báo có thể được bố trí, điều chỉnh tùy yêu cầu tình hình và do Chủ tịch Hội quyết định.
8* Tài chính:
Hội viên tự nguyện đóng góp.
Hội tiếp nhận đóng góp tài chính của các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước để sử dụng cho mục tiêu chung và các chương trình xã hội.
Danh sách hội viên ban đầu của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
(xếp theo a – b – c…)
1.   Tường An (Pháp)
2.   Vũ Thị Phương Anh (Sài Gòn)
3. Nguyễn Đình Ấm (Hà Nội)
4.   Nguyễn Vũ Bình (Hà Nội)
5.   Huỳnh Ngọc Chênh   (Sài Gòn)    
6.   Tiêu Dao Bảo Cự (Đà Lạt)
7.   Phạm Chí Dũng (Sài Gòn)
8.   Ngô Nhật Đăng (Sài Gòn)
9. Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)  
10.   Trương Minh Đức (Bình Dương)    
11.   Nguyễn Thanh Giang (Hà Nội)
12. Chu Vĩnh Hải (Sài Gòn)      
13. Phạm Bá Hải (Sài Gòn)        
14. Phan Thanh Hải (Sài Gòn)          
15. Lê Hải (Đà Nẵng)
16. Vũ Sỹ Hoàng (Sài Gòn)        
17. Huỳnh Trọng Hiếu (Quảng Nam)
18. Vi Đức Hồi (Lạng Sơn)        
19. Lê Phú Khải (Sài Gòn)          
20. Mai Thái Lĩnh (Đà Lạt)
21. Hạ Đình Nguyên (Sài Gòn)
22. Kha Lương Ngãi (Sài Gòn)  
23. Hồ Ngọc Nhuận (Sài Gòn)  
24. Vũ Quốc Ngữ (Hà Nội)        
25. Hà Sĩ Phu (Đà Lạt)
26. Đỗ Trung Quân (Sài Gòn)
27. Bùi Minh Quốc (Đà Lạt)      
28. Nguyễn Quốc Thái (Sài Gòn)      
29. Lê Ngọc Thanh (Sài Gòn)    
30. Phạm Đình Trọng (Sài Gòn)
31. Phạm Thành (Hà Nội)  
32. Trần Quang Thành (Séc)
33. Nguyễn Văn Thạnh (Đà Nẵng)    
34. Châu Văn Thi         (Sài Gòn)      
35. Huỳnh Công Thuận (Sài Gòn)
36. Nguyễn Tường Thụy (Hà Nội)  
37. Nguyễn Trung Tôn (Thanh Hóa)
38. Nguyễn Khắc Toàn (Hà Nội)
39. Nguyễn Thị Huyền Trang (Sài Gòn)            
40. JB. Nguyễn Hữu Vinh (Hà Nội)
41. Huỳnh Thục Vy (Đắc Lắc)
42. Dương Thị Xuân (Hà Nội)          

Declaration to establish an Independent Journalists Association of Vietnam (IJAVN)

How would the Press and journalists raise their voices according to the true sense of the word “freedom”? How would the Press – once established – carry out its true God given role, critics and build a sustainable social justice for everyone, not bow or tremble before the danger of imminent foreign invasion?
It is therefore high time for the Vietnamese Press and its citizens-journalists to exercise their independent free will and answer these questions. Then to follow the experiment of the most progressive civil society in the world, thus one of the solutions commands us to establish an Independent Vietnam Journalists Association.

* The views regarding the Establishment:
- The Independent Journalists Association of Vietnam (IJAVN) should be one of the many civil society organizations in a socially progressive, democratic and pluralistic, civilized and prosperous Vietnam.
- The Independent Journalists Association of Vietnam will operate upon these premises:
+ The Universal Declaration of Human Rights and the International Covenant on Civil and Political Rights of the United Nations of which Vietnam is a member, therefore must comply with its obligations.
+ To follow the freedom of the press, freedom of speech, freedom of association – instituted in Vietnam constitution.
- Through the operation of the Press, the Vietnam Independent Press would operate as an initial non-profit organization, under the principle of peaceful non-violence; with respect for political pluralism, advocating freedom and democracy for all the people in society, and contribute critical rebukes, comments and articles in the national forum.
- The Independent Journalist Association of Vietnam aims to create an intellectual and healthy living environment for our members, especially young writers, in order to promote the freedom of expression and freedom of the press.
- The Independent Journalist Association of Vietnam is composed of those people have worked in journalism regardless of political views, religion, gender, age; irrespective of nationalities, regions, domestic or overseas; they voluntarily commit themselves to true democracy, people’s progress and happiness.
- The Independent Journalists Association of Vietnam operates independently on opinion, personnel, and financial concern.

* The Purposes for the Founding:
- To reflect honest, profound and burning societal and the national issues.
- To rebuke the irrational policies of the state concerning social management and freedom of the press.
- To host exchanges and dialogues with the authorities on press freedom and social management whenever possible. In some cases, we may agree with the State on a number of policies and measures deemed to be popular and beneficial for the people and the country.
- Support for physical, spiritual and active mutual assistance and solidarity between its members.
- Speak up and take action necessary to protect those writing for social progress, but have been harassed, arrested, imprisoned, terrorized… To fight and demands the government of Vietnam to rescind vague and unjust laws in the Criminal Code, used to oppress freedom of the press such as articles 258, 88.
- To attract and train young writers to contribute to Vietnam professional journalism in the future.
- Attract and create an environment for journalists and media contributors, irrespective of state-run newspapers or social media.

* The contents of the main activities:
- Periodic and unscheduled news information and current affairs sessions. Discuss directions and writing topics.
- Organize seminars and workshops on topics of social and national importance.
- Developing a young journalist force to succeed the older journalists.
- Speak up promptly on the cases of people and journalists being abused.
- To transfer hot button issues of the country’s urgent affairs to the international media system.
- To link and cooperate with non-governmental organizations in the international press.
- Operate an online media site for journalists and independent collaborators.

* Organization Structure:
The leadership of the Independent Journalists Association of Vietnam includes the president and a number of vice president, organizing member. The leadership committee is assigned to take their responsible tasks and by region.

Board of Directors:
The President is journalist Pham Chi Dung in charge of general tasks. Email: phamchidungsg@gmail.com
Vice President of the Journalists Standing Committee is Father Le Ngoc Thanh in charge of South and website. Email: naygum@gmail.com
Vice President: Journalist Nguyen Tuong Thuy in charge of North. Email: tuongthuy52@gmail.com
Vice President: The journalist Bui Minh Quoc in charge of Central. Email: bmquoc40@gmail.com
Member: Journalist Ngo Nhat Dang in charge of two websites Viet Nam Thoi Bao and Vietnam Times. Email: dangngonhat@gmail.com

Committee Structure:
The Independent Journalists’ Association of Vietnam has several professional boards and web pages (http://www.hoinhabaodoclap.org, http://ijavn.org) – the official organs of the Association.

The Independent Journalists Association of Vietnam invites journalists who care for the nation to participate in the Association along with supporters who’d like to join force with the Association and aspiring to be at least of minimal help for the homeland.
All contacts, enrollment and support for The Independent Journalists Association of Vietnam please email:
         hoinhabaodoclapvietnam@gmail.com

The Board of Directors of The Independent Journalists Association of Vietnam

- Phạm Chí Dũng
- Lê Ngọc Thanh
- Nguyễn Tường Thụy
- Bùi Minh Quốc
- Ngô Nhật Đăng

Sài Gòn, July 4, 2014

By-laws of The Independent Journalists Association of Vietnam

* Viewpoints:
The Independent Journalists Association of Vietnam (IJAVN) should be one of the many civil society organizations in a socially progressive, democratic and pluralistic, civilized and prosperous Vietnam.
The Independent Journalists Association of Vietnam aims to create an intellectual and healthy living environment for our members, especially young writers, in order to promote the freedom of expression and freedom of the press.
The Independent Journalist Association of Vietnam does not discriminate about political views, religion, gender, age; and irrespective of nationalities, regions, domestic or overseas; these folks would voluntarily commit themselves to a true spirit of democracy, people’s happiness and press freedom.

* Principal activities of the Association:
- Periodic and unscheduled news information and current affairs sessions. Share and discuss directions and writing topics.
- Organize seminars and workshops on topics of social and national importance.
- Developing a young journalist force to succeed the older-generation journalists.
- Speak up promptly on the cases of people and journalists being abused.
- To transfer hot-button issues of the country’s urgent affairs to the international media system.
- To link and cooperate with non-governmental organizations in the international press.
- Operate an online media site for journalists and independent collaborators.

* Activities’ guiding principle:
The Independent Journalists Association of Vietnam is based on effective organization and teamwork, maximizing individual responsibility so that the Association can contribute to societal effectiveness without being dependent on formality.
Association is founded on democratic principles:
- Free flow of information; discuss and vote freely; delegate tasks; monitor and report on tasks.
- Decision by consensus or by majority votes.
Association is organized on the spirit of voluntarism and discipline:
- Respect for individual dignity and freedom of each member.
- Respect collective decisions.
- Respect members whose work are delegated.
- Execute and report on assigned work.
The decisions that are achieved through one-person-one-vote have the highest value. The majority is made up of more than half of the valid votes.

* Membership:
Members must have at least 5 published works appropriate with IJAVN’s criteria.
Members are guaranteed the rights to freedom of expression in all matters concerning the Association.
Any member can decide to withdraw from the Association amicably.
A member may be expelled for disciplinary action for going against the Association’s stated purposes.

* Organizational Structure:
The highest executive organ of the Independent Journalists Association of Vietnam is the leadership committee, which includes the president and several vice presidents.
The leadership committee is delineated by task and by region.
On behalf of the membership, the leadership committee makes decisions, supervises and monitors program implementation.
The leadership will vote to set up rules and regulations for activities as needed.
The initial term the leadership committee is 2 years. The end of the initial term, members will make decision on next term.
Issues and matters regarding personnel, leadership and professional committees, and web pages can be arranged, adjusted depending on the situation and as requested by the President of the Association.
In the events of force majeure or reasons beyond his control, the president of the Association cannot perform his/her duties, the Standing Vice President will assume the administration of the Association. If the Standing Vice President also cannot run by reason outside his/her control or force majeure event, the Vice president shall be authorized to manage the work of the Association.

* The chapters:
In the first stage of operation, the Independent Journalists Association of Vietnam has 3 chapters:
- North
- Central
- South
- Overseas
The headquarters of the Independent Journalists Association of Vietnam is in Saigon.

* Professional Committees:
In the first phase of operation, the Association initial will have these professional committees:
- The Association Office
Persons in charge: President, Permanent Vice President, expert.
- Events and Training Department:
Persons in charge: Vice President and expert.
- International Relations Department
Person in charge: Vice Persident, organizing member, expert.
- Web Department:
Persons in charge: Appointed by President after reference with the board of directors.
The professional committee can enlist the cooperation of all members and friends.
Human Relations department and the duties of professional departments, web pages can be arranged and adjusted depending on the situation and as requested by the President of the decision.

* Finance:
Members voluntarily contribute.
The Association welcomes financial contributions from philanthropists in the country and abroad for use in its common goals and charitable programs.

2412. BÁO CHÍ VÀ TỰ DO

Viet-studies
Trần Văn Chánh
H6
Bản chất của báo chí là phải được tự do. Suy cho cùng, nếu không được tự do, báo chí sẽ trở nên kém hữu ích, có hại, hoặc thậm chí mị dân. Trong trường hợp này, báo chí không giúp nâng cao trình độ dân trí đủ để người dân nhận thức sáng suốt những vấn đề cơ bản liên quan quyền lợi thiết thân cùng nghĩa vụ của họ, trong bất kỳ xã hội nào đặt nền tảng trên nguyên tắc người dân được quyền làm chủ.
Thomas Jefferson (1743-1826), tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, người được chọn để dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, đã từng phát biểu một câu rất nổi tiếng liên quan vai trò của báo chí trong đời sống quốc gia: “Nếu bắt tôi phải chọn lựa chúng ta nên có một nền chính quyền không báo chí hay có một nền báo chí không chính quyền thì tôi không hề do dự chọn lựa ngay cái thứ hai.
Từ rất lâu, ở nhiều nước trên thế giới, báo chí thường được ví như “cơ quan quyền lực thứ tư” (đệ tứ quyền), nhân tố quyết định để có được một xã hội công bằng, giàu mạnh, và điều xác tín này hầu như không ai có thể nói khác được.
Hơn nửa thế kỷ trước, trong bài báo 10 chính sách Việt Minh viết theo lối diễn ca, cựu chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã từng nói:
     Hội hè, tín ngưỡng, báo chương,
     Họp hành, đi lại có quyền tự do.
     Như vậy, quyền tự do báo chí hẳn phải là mục tiêu của mọi cuộc vận động cách mạng để đạt được xã hội dân chủ. Cũng vì vậy mà Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua nhiều lần sửa đổi (với lần sau cùng thông qua ngày 28.11.2013, có hiệu lực từ 1.1.2014) trước sau vẫn khẳng định quyền tự do báo chí, ghi rõ tại điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
     Tính đến khi Luật báo chí sửa đổi, bổ sung của Việt Nam ra đời năm 1999 thì ở Điều 2, vấn đề quyền tự do ngôn luận/ báo chí lại một lần nữa được xác nhận rõ thêm: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”.
     Xét lịch sử báo chí trên toàn thế giới, người ta thấy hai chữ “tự do” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thể hiện trong hầu hết nếu không muốn nói tất cả các bộ luật báo chí khắp nơi và từ xưa đến giờ. Mác cũng nói đạo đức của báo chí là tự do, và quan niệm báo chí chính là sự thể hiện cái tinh thần, con mắt và trái tim của nhân dân.
Luật báo chí năm 1881 của Pháp (áp dụng chung cho cả những nước thuộc Pháp, gồm cả Việt Nam) chỉ là một đạo luật quy định quyền tự do ngôn luận. Theo đúng truyền thống Cách mạng Pháp, các nhà lập pháp năm 1881 cho rằng: “Con người trung bình đủ lương tri để tự mình phân biệt chân ngụy giữa những mớ tin tức và bình luận trái ngược…”.
Tuy nhiên trên thực tế, giai cấp thống trị và một số nhà độc tài vẫn thường tìm cách hạn chế báo chí cách này cách khác với đủ mọi lý do. Bất cứ nhà độc tài nào cũng cho rằng chỉ có mình hoặc phe đảng mình mới thực sự nắm vững nguyện vọng của dân chúng và có sứ mạng thực hiện các nguyện vọng ấy theo kiểu riêng của họ; sự bền vững của chế độ là trọng, còn tự do của cá nhân thì không đáng kể. Nhà độc tài Mussolini (người Ý, 1883-1945) đã từng tuyên bố: “Báo chí là một bộ phận của chế độ và một sức mạnh để phục vụ chế độ” (la presse est un élément du régime et une force à son service).
Kinh nghiệm thực tế ở mọi nước đều cho thấy báo chí luôn được tự do và cũng luôn bị hạn chế. Chẳng hạn một nước đang tuyên chiến với nước khác thì dù đang theo chính sách tự do cũng không thể để cho nhà báo trong nước tự do sách động dân chúng đi theo đối phương được. Đó là chính trị, cũng là đời thường, như một lẽ tự nhiên không có gì phải tranh cãi. Điều đáng nói là đôi khi trong thời bình, một số nhà chính trị độc tài cũng tìm cách hạn chế báo chí bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, mặc dù ngoài miệng họ vẫn luôn nói đến tự do và quyền lợi của công chúng. Thường khi đây lại là vấn đề có liên quan đến tầng lớp thống trị đặc quyền như Mác đã từng viết: “Vấn đề không phải là cần biết có quyền tự do báo chí hay không vì quyền này vẫn có. Vấn đề chính là cần biết quyền tự do báo chí là đặc quyền của một thiểu số cá nhân hay đặc quyền của con người”.
Trên cơ sở của quyền tự do ngôn luận, báo chí phải đồng thời giải quyết ổn thỏa hai mối quan hệ vừa đối với công chúng vừa đối với các nhà đương cuộc. Trong quan hệ thứ nhất, tự do báo chí còn là tự do của độc giả có quyền được biết tin tức đầy đủ và chính xác, do vậy nhà báo luôn bị một mối ràng buộc thuộc bản chất nghề nghiệp là không phải muốn dùng tờ báo của mình để loan tin gì cũng được, hoặc muốn nói gì thì nói. Trong quan hệ thứ hai (với chính quyền), vì bản chất nghề nghiệp là phải luôn bênh vực quyền lợi của công chúng, nhất là đối với tầng lớp lao động nghèo khổ bị áp bức, nhà báo luôn coi quyền lợi của nhân dân là luật pháp tối thượng hơn cả mọi luật pháp, và đôi khi còn phải có can đảm phê phán những luật lệ đương thời, hoặc chủ trương, chính sách, hành động sai trái của các nhà chức trách. Ở khắp mọi nơi và từ xưa đến giờ, chưa hề có một nhà báo nào được gọi tiến bộ và được công chúng tin cậy mà lại chỉ chuyên xu phụ tô điểm cho chính sách sai lầm của các nhà cầm quyền. Những nhà báo như vậy đâu đâu cũng bị đặt cho cái tên chung quen thuộc là “bồi bút”, bị thiên hạ xem thường.
Cũng có hạng nhà báo vì cuộc sống cá nhân hay vì nhiều loại lý do khác nữa sẵn sàng phục vụ cho các chính quyền mị dân bằng cách viết những bài báo mà mới xem qua thì có vẻ phê phán kịch liệt những sai trái của các nhà đương cuộc nhưng thực tế lại chỉ đụng đến những phần râu ria không thuộc bản chất của những vấn đề cần nghiên cứu giải quyết tận gốc rễ. Điều tai hại này khiến cho một bộ phận dân chúng ngây thơ hồn nhiên tưởng rằng tình trạng tiêu cực của các nhà chức trách sắp bị triệt tiêu rồi mà không dè làm như vậy chỉ là một cách thông hơi để giúp duy trì lâu hơn cho tình trạng bê bối tiêu cực. Nếu những nhà cách mạng cũng là nhà báo tiền phong tiền bối như Mác, Lênin, Hồ Chí Minh, Nguyễn An Ninh, Cù Thu Bạch, Lỗ Tấn… mà cũng làm báo kiểu đó thì các tầng lớp thống trị đương thời họ chắc chắn sẽ hoan nghênh họ hết sức, và họ cũng không thể góp phần tạo ra những tình huống cách mạng thuận lợi để đấu tranh cho những người cùng khổ.   
Ngược lại, mọi chính quyền sáng suốt và vì dân luôn biết lợi dụng báo chí theo một chiều khác để phát hiện và sửa chữa những sai lầm của mình trên căn bản lý thuyết và đường lối, nhờ vậy vừa duy trì được lý tưởng của chế độ vừa tranh thủ được sự ủng hộ và tình cảm chân thực của mọi tầng lớp nhân dân. Lênin thường biết chú ý lắng nghe ý kiến của những người đối lập, thậm chí đọc cả các sách báo của kẻ thù viết về cuộc cách mạng ở tháng 10 Nga (năm 1917), và tự nhủ: “Những người này đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và hành động ngốc nghếch mà chúng ta đã mắc phải. Chúng ta phải cám ơn họ” (Lênin, Về văn học nghệ thuật, NXB Văn Hóa Nghệ Thuật, Hà Nội, 1963, tr. 114).
 Đã hẳn quyền tự do báo chí là không thể chối cãi, nhưng cái cách thể hiện tự do thì trên thực tế còn tùy thuộc vào truyền thống dân chủ và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước. Ở nhiều nơi, quyền tự do báo chí đương nhiên được công nhận trên Hiến pháp, nhưng các viên chức có trách nhiệm thực thi trực tiếp thường không chỉ ra được chỗ giới hạn rõ rệt khiến các nhà báo dù có nghĩa khí đến đâu cũng không biết hành động viết lách ra sao cho phải, để vừa không bị chụp mũ (“phản động”, “diễn biến hòa bình”…), vừa không có mặc cảm tội lỗi với công chúng mà vẫn phụ lực được cho các nhà chức trách trong công cuộc hợp tác xây dựng xứ sở. Để khắc phục tình trạng này, các điều khoản ghi trong luật báo chí cần phải rõ ràng minh bạch hơn nữa, tuyệt đối tránh những câu chữ mù mờ lưỡng nghĩa mà ai muốn giải thích và bắt chẹt ra sao cũng được. Có luật rõ ràng rồi, nếu ai làm trái luật thì cứ đem ra tòa xét xử.
Tuy nhiên, liên hệ với tình trạng thực tế Việt Nam, cho mãi tới hiện nay, điều khó khăn nhất đối với một nhà báo vẫn là phải luôn suy lường, cảnh giác để xác định đâu là cái lằn ranh  hay “vùng cấm” vô hình buộc mình phải tự hạn chế, tự biên tập lấy bài trước khi bị ông tổng biên tập cắt xén vào những chỗ tâm đắc nhất, vì việc này ngoài kinh nghiệm thực tế ra, không có một quy chuẩn hay sách vở, luật lệ nào chỉ rõ. Riêng cái gọi “vùng cấm”, hay thứ tương tự là những “vấn đề nhạy cảm”, trước sau vẫn mờ mờ ảo ảo, như chuyện tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trước đây không ai bảo ai bị coi là vấn đề nhạy cảm, thậm chí vùng cấm, nay các nhà báo lại đồng loạt nói huỵch toẹt ra, bình luận đủ thứ. Giả định cứ để cho được tự do hơn, vấn đề có lẽ đã biến chuyển theo những hướng khác, thuận lợi cho phía Việt Nam hơn, vì dân phải “biết” thì mới “bàn” được, từ đó phát huy quyền làm chủ và tinh thần trách nhiệm, cùng nhau tính kế bảo vệ Tổ quốc.
Một số người vì không muốn vướng vào những sự phức tạp tế nhị như thế đã tự động bỏ nghề, hoặc chuyển qua chỉ viết cho các báo mạng, để cố nói lên các sự thật. Đơn giản bởi vì nhà báo chân chính vốn không chỉ yêu sự thật mà còn phải ra sức bảo vệ sự thật nữa. Đây vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của người cầm bút, thể hiện một cách cụ thể trong quá trình viết lách, hoặc biên tập và quyết định bài vở của người khác, trên cơ sở lấy lợi ích của nhân dân làm cốt mà không hề khuất phục bất kỳ một thế lực nào. Nếu tính trung thực luôn gắn liền với lòng can đảm thì lương tâm và trách nhiệm cũng thế, không thể tách rời nhau được. Vì vậy, lời phát biểu sau đây của nhà báo Pháp nổi tiếng Jean Lacouture được trích dẫn từ bản tiếng Việt của tạp chí Người đưa tin UNESCO (tháng 9.1990, tr. 13) thật đáng để cho mọi nhà báo suy gẫm, nhân Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 năm nay: “Nhà báo là một sinh vật có một lương tâm mà không một ông trùm báo chí nào, không một hệ tư tưởng thống trị nào, không một sự đồng lõa với phe đảng nào khuất phục được hoàn toàn”.
21.6.2014
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, số 204 (1.7.2014)