Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Bài viết đáng chú ý

Đào Tuấn - Chỉ “cay mắt” thôi thì chưa đủ

doila
Bạn đã bao giờ chìa bàn tay của mình ra cho những đồng bào đang cần sự cứu giúp?!

Cả đêm qua, cộng động mạng đã “lên cơn” trước một bức ảnh ghi lại hình ảnh một người bảo vệ với làn da sạm nắng ngồi ăn bữa cơm đạm bạc dưới đất, phía sau một bức tường dày của quán, phía bên kia có nhiều bạn trẻ mặc áo trắng đồng phục đang ngồi uống cafe ở “ghế cao” sang trọng.

Một sinh viên trường ĐH Luật TPHCM đã tình cờ chụp bức hình và đưa lên mạng với những lời bình luận rất xúc động: “Tôi chợt nhìn thấy một bác bảo vệ già tóc đã bạc… Lấy trong túi ra một ít cơm một ít rau muống luộc và ít nước mắm, bữa cơm đạm bạc của bác bảo vệ khiến tôi khựng người lại…Giá như bức tường to cả mét kia không tồn tại thì bác cũng ngồi ghế cao như những nhân viên công sở hay du khách nước ngoài, cũng ăn những món ăn “ít đạm nhiều dollar” kia. (Giá như) ngay lúc đó tôi có đủ tiền để mời bác một ly café, để bác được ngồi song song như những người kia và cảm nhận được “vị ngọt” trong ly cafe đắng.

Trong hàng ngàn lượt like, hàng trăm chia sẻ, có thể thấy điển hình là 2 chữ “cay mắt”.

Cuộc sống đôi khi đầy những cảnh đời tương phản, khi những người này thì dùng bừa  phứa một bữa ăn “ít đạm nhiều dollar”, người khác thử thách sức chịu đựng của cơ thể và lòng kiên nhẫn với rau muống luộc.  Bức tường ngăn cách những cảnh đời đúng là “dày đến cả mét”, nhưng còn có một bức tường khác, dày hơn, đó là bức tường khoảng cách giàu nghèo.

Cũng ngày hôm qua, báo chí ngập tràn hình ảnh những đứa trẻ ở Ba Tơ- Quảng Ngãi, với nước ngập ngang bụng, sách vở đội trên đầu, lội qua quãng sông rộng đến 300m để đến trường. Nguyên nhân ư? Bởi chúng không có 2 ngàn đồng trả “phí cầu tre”. Bởi “kinh phí xây cầu quá lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng nên chưa thực hiện được”. (Không hiểu sao, khi nói đến chuyện những cây cầu, người viết lại nhớ đến ông Lê Tất Dũng với cây cầu tự xây bằng toàn bộ tài sản vượt dòng Vu Gia, chứ không phải là Bộ trưởng Bộ GTVT).

Tuongday

Tháng 4 năm ngoái, ngay tại Hà Nội, ngay trên Cầu Thanh Trì, một cụ ông 52 tuổi bị bệnh thần kinh đã chết sau nhiều ngày “đói lả”. Ngày 7.4.2012, mạng xã hội xuất hiện clip “đói lả trên cầu Thanh Trì” ghi lại hình ảnh ông cụ, mặt mũi nhem nhuốc, đói lả, mất khả năng đi lại, chỉ còn đủ sức để “ú ớ”. Người đăng tải clip, một sinh viên, kể: Đi học về qua cầu Thanh Trì, tôi lao vụt qua 1 cái bóng đen. Ngoảnh lại thì ra là một ông lão hành khất hoặc cầu thực gì cũng được. Tuy có chạy quá nhưng tôi vẫn dừng lại và đứng cạnh ông để hỏi thăm. Ông chẳng nói được câu nào. Chắc mệt lả vì đói khát. Tôi chỉ biết gọi điện cho 115 và 113 để cầu cứu. Sau 1 tiếng đồng hồ đứng chờ thì cả 115 và 113 đều k có mặt. Tôi đành bỏ về. Người đi đường chẳng ai dừng lại để xem ông lão ra sao. Họ vô tâm. Từ bộ đội đến công an, xe cứu thương và thậm chí là cả mấy thằng mồm lúc nào cũng từ bi mà đi SH qua cũng không thèm dừng lại…

Không một ai giúp ông cụ co quắp và đói lả khi những người qua đường, phóng với tốc độ 80km/h vụt qua người ông với khoảng cách chỉ 10cm. 8h tối hôm đó, ông lão vẫn đói lả trên cầu. Và 9 ngày sau, 16.4, Công an xác nhận ông lão đã mất. Nguyên nhân: Do quá yếu.

Bạn đã bao giờ gặp những ông lão đói lả hoặc những người đang quằn quại trong một vụ tai nạn?! Bạn đã bao giờ chìa bàn tay của mình ra cho những đồng bào đang cần sự cứu giúp?!

Để xóa đi những “bức tường dày”, chỉ “cay mắt” thôi thì chưa đủ. Bởi ngoài “bức tường dày cả mét” giữa bác bảo vệ ăn bữa cơm trưa đạm bạc với cái dáng ngồi như tù binh và những người thưởng thức bữa ăn “ít đạm nhiều dollar”, ngoài bức tường ngăn cách giàu nghèo, thưa các bạn, còn có một bức tường khác: Bức tường ngăn cách giữa những cơn “cay mắt” của lương tâm, nhưng trên mạng xã hội và hành động cứu giúp ngoài cuộc sống.

Theo Đào Tuấn

“Bọn giặc già, hãy xéo về đi!”

Bùi Hoàng Tám
12-03-2013
Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Nếu người này, thế hệ này “sân siu” 1 năm là “ăn gian”, là “đánh cắp” của thế hệ sau 1 năm, “sân siu” 10 năm là “ăn gian”, “đánh cắp” 10 năm.

Vì vậy, đừng lấy cớ “sân siu”, “ngoại lệ” để ăn cắp thời gian của thế hệ sau. Đừng để bọn trẻ chửi thầm chúng ta trong bụng: “Bọn giặc già, hãy xéo về đi”.
Bức thư này không phải những người trẻ không viết được. Thậm chí là “nạn nhân”, họ viết còn hay hơn cái “lão già” Bùi Hoàng Tám này nhiều. Họ không dám viết bởi sợ bị qui chụp là hỗn láo, vô lễ với bậc cao niên… Thôi thì đành chấp bút giúp họ vậy.
Thưa các bác!
Trong tất cả các văn bản, chúng ta đều nhấn mạnh đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Xin hỏi có hay không sự nói một đằng, làm một nẻo? Bởi nếu làm đúng như những gì đã nói, chúng ta không đến mức thiếu trầm trọng cán bộ trẻ như hiện nay.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ hàng đầu thế giới nhưng nhìn vào bộ máy lãnh đạo các cấp, ta thấy rõ sự già nua đến mức nào?
Ở hàm Bộ trưởng, có lẽ người trẻ nhất là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tròn 50 tuổi. Số bộ trưởng dưới 55 tuổi đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng tương tự. Thậm chí, trưởng phó phòng cấp sở ngoài 40 tuổi vẫn được coi là cán bộ… trẻ.
Ngay tại Hà Nội, cơ cấu bầu vào HĐND vừa qua không đủ số lượng đại biểu trẻ là một ví dụ điển hình. Một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thủ đô của đất nước mà thiếu cán bộ trẻ thì thật đáng báo động.
Trong lịch sử, ngay từ ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm hàng loạt các bộ trưởng ở độ tuổi ba mươi mà tên tuổi của họ rạng danh đến ngày nay. Đó là các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Rồi các bậc các mạng tiền bối như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… Họ đều rất trẻ.
Nếu nhìn vào lịch sử, chúng ta còn thấy những bậc hào kiệt như Quang Trung Nguyễn Huệ 35 tuổi xưng vương, 36 tuổi đại phá quân Thanh với trận Đống Đa – Ngọc Hồi lưu danh thiên sử.
Thưa các bác!
Nếu quả thật thiếu cán bộ trẻ, nguyên nhân do đâu nếu không phải do chính những người già chúng ta bởi trong các khâu phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc đều nằm trong tay chúng ta.
Những người lớn tuổi chúng ta thường có cái nhìn kẻ cả, không tin và cũng không dám tin thế hệ trẻ. Đó là sự nhầm lẫn tai hại. Nhất là trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hôm nay, diện mạo thế giới thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ thì việc lỗi thời của một thế hệ như chúng ta là điều khó tránh khỏi.
Và giả sử họ không đáng tin thật thì chả lẽ chúng ta sống mãi, khỏe mãi để ôm đồm?
Có một cái cớ mà chúng ta hay vin vào mỗi khi đề bạt, cất nhắc là bởi thế hệ trẻ chưa từng trải, ít vốn sống, thiếu kinh nghiệm. Đó là lý do… hài hước bởi trẻ thì làm sao đã có “từng trải”, làm sao nhiều “vốn sống” và “kinh nghiệm”?
Vả lại về sự “từng trải”, xin thưa hầu hết mọi công việc ở cơ quan lớn nhỏ chúng ta đều ôm đồm bằng hết, có cho họ được tham gia đâu mà đòi hỏi họ “từng trải”? Còn cái gọi là “vốn sống và kinh nghiệm”, xin nói thẳng tư duy bây giờ là tư duy sáng tạo chứ không phải tư duy “kinh nghiệm” kiểu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.
Khi khoa học càng phát triển thì chủ nghĩa kinh nghiệm càng bị thu hẹp. Yếu tố quyết định làm nên thành công của thế giới hôm nay là tư duy sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới thay đổi được thế giới. Mà sáng tạo thì thưa các bác, nó thuộc về thế hệ trẻ như nó đã từng thuộc về chúng ta những ngày còn trẻ.
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận kinh nghiệm song nó chỉ là một yếu tố khiêm tốn. Tiếc thay giờ đây, nhiều khi nó được dùng như tấm bùa cho tư tưởng “sống lâu lên lão làng”.
Điều đáng lo ngại nhất là khi những lý do trên chỉ là cái cớ của sự tham quyền cố vị. Cái thói “đó rách ngáng chỗ” đã kìm hãm phát triển và đây chính là bi kịch của đất nước.
Vì vậy, trong khi chúng ta chưa có một cơ chế sàng lọc hữu hiệu thì cách ít tệ hại nhất hiện nay là về hưu đúng độ tuổi. Nếu có chăng, chỉ trừ một số rất ít những nhà khoa học thuần túy, thực tài và không dính vào công tác quản lý.
Còn lại, đến tuổi nghỉ là nghỉ, tuyệt đối không có bất cứ ngoại lệ dù là ai, ở bất cứ cương vị gì. Kiên quyết xóa bỏ tư duy “sân siu” tuổi tác để nấn ná, bấu víu. Có như thế, luật pháp mới nghiêm minh, đất nước mới mong có kỉ cương.
Thưa các bác!
Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Nếu người này, thế hệ này “sân siu” 1 năm là “ăn gian”, là “đánh cắp” của thế hệ sau 1 năm, “sân siu” 10 năm là “ăn gian”, “đánh cắp” 10 năm.
Tôi chấp bút cho họ bởi tôi cũng ít nhất là không còn trẻ nữa. Nói với người mà cũng là nói với chính mình, để răn mình vậy…
Kính!
Nguồn: Trần Nhương

Nguyễn Quang Duy - Tại Sao Đảng Cộng Sản Buộc Phải Giữ Quân Đội?

 
(Viết Nhân Ngày Gạc Ma Trường Sa 14-3-1988)
Ngày 14-3-1988, Trung cộng đã nổ súng tấn công và chiếm đóng bãi đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa. Sau đó Trung cộng đơn phương tuyên bố bãi đá Gạc Ma nằm trong đường lưỡi bò thuộc lãnh hải Trung Hoa.
Năm 2008, Trung cộng cho phổ biến một đọan phim về trận tấn công và tàn sát Gạc Ma. Từ tàu chiến các lọat đạn bắn về phía Tàu và quân nhân Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma, khiến 64 quân nhân vừa tử trận, vừa mất tích và 9 người bị bắt. Phía Việt Nam vì muốn giữ tình “hữu hảo” Việt Trung, nên mấy ai biết sự thật và sự việc đã xảy ra trên bãi đá Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Gần đây đảng Cộng sản muốn sửa hiến pháp, buộc quân đội phải “trung” với “Đảng”. Nhân ngày 14-3, ngày Việt Nam mất bãi đá Gạc Ma và sau đó mất nhiều bãi đá khác trên quần đảo Trường sa, bài viết này mong trả lời câu hỏi tại sao đảng Cộng sản buộc phải giữ quân đội?
Với đảng Cộng sản, hiến pháp chỉ là công cụ để thể chế hóa đường lối sách lược do Bộ Chính Trị đề ra. Vì thế, trong chiến tranh Việt Trung, Lời Mở Đầu Hiến Pháp 1980 đã ghi rõ “Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam”.
Cuộc chiến Việt Trung kéo dài hằng chục năm, hằng trăm ngàn quân nhân tử trận hay bị thương tật. Mấy chục năm qua các chiến công của họ gần như bị bỏ quên, họ đã bị bỏ rơi với thương tích cả tinh thần lẫn thể xác. Điều mỉa mai là bản chất của cuộc chiến chỉ nhằm để giải quyết những bất đồng về đường lối giữa hai đảng Cộng sản Việt Trung. Ngày nay các bất đồng giữa hai đảng đã được giải quyết, để tồn tại tầng lớp lãnh đạo hai đảng cộng sản buộc phải gắn bó với nhau, tuy hai lại chỉ là một.
Video: Tưởng niệm 25 năm hải chiến Trường Sa 14-3-1988
Trong khi ấy những người lãnh đạo quân đội đều đã trải qua và trưởng thành cuộc chiến Việt Trung. Họ nhận rõ dã tâm của tầng lớp lãnh đạo Trung cộng muốn xâm chiếm Biển Đông, xâm chiếm Việt Nam bằng bạo lực quân sự. Từ đó họ có cách nhìn và suy nghĩ rất khác với thiểu số cầm quyền cộng sản. Họ muốn sự thật lịch sử: họ phục vụ Tổ Quốc Dân Tộc, không phải phục vụ quyền lợi của đảng Cộng sản. Họ muốn họ và đồng đội được đối xử công bằng và xứng đáng với công lao giữ gìn biên cương tổ quốc.
Chính vì sự khác biệt tư tưởng giữa “Đảng” và quân đội, Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khóa IX) tiến đến việc thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội theo đúng khuôn mẫu đảng Cộng sản Trung Hoa đã đề ra. Nghị Quyết nhằm kiểm sóat và định hướng tư tưởng của quân nhân trong Quân đội Việt Nam, buộc Quân Đội phải “trung” với “Đảng”.
Việc thể chế hóa Quân Đội phục vụ “Đảng” từ lâu đã được báo Quân Đội Nhân Dân thường xuyên nhắc đến, qua loạt bài “Làm thất bại chiến lược Diễn biến hòa bình”. Bài viết rõ nhất là bài “Thực chất quan điểm cổ xúy xây dựng quân đội chuyên nghiệp” số ra ngày 15/11/2009, của Đại tá Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Tổng kết Lý luận thuộc Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự.
Đại Tá Nguyễn Văn Quang đưa ra một số lý do từ phía đòi hỏi xây dựng quân đội chuyên nghiệp như: (1) trình độ lạc hậu của quân đội không thể bảo vệ được lãnh thổ, biển đảo; (2) đảng Cộng sản không chăm lo xây dựng quân đội chuyên nghiệp; (3) để có một quân đội hiện đại cần luật hóa quân đội để quân đội đứng ngoài chính trị các đảng phái; và (4) quân đội chỉ là của nhà nước và phục tùng nhà nước mà thôi.
Trở lại với trận Gạc Ma, nếu bạn đã xem đọan phim Trung cộng tấn công tàu chiến và tàn sát quân nhân Việt Nam, bạn sẽ hiểu rõ tình trạng yếu kém và lạc hậu của Quân đội Việt Nam.
Trung cộng vừa loan báo gia tăng ngân sách quốc phòng. Bắc Hàn vừa tuyên bố chấm dứt mọi thỏa thuận hòa bình với Nam Hàn và đánh Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân, thêm lý do chiến tranh sẽ xẩy ra tại Biển Đông. Một quân đội thiếu huấn luyện, thiếu trang bị, thiếu chiến thuật, thiếu chiến lược, thiếu sự hổ trợ của người dân và thiếu tinh thần chiến đấu khó có thể bảo vệ được lãnh thổ, được biển đảo, được nhân dân khi chiến tranh thực sự xẩy ra.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Quang nếu chỉ chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp mà không nâng cao bản chất chính trị giai cấp của quân đội thì quân đội sẽ không còn thực sự là quân đội của giai cấp công nhân. Một quan điểm lỗi thời vì đảng Cộng sản không còn hay chưa bao giờ đại diện cho giai cấp công nhân hay nhân dân lao động.
Người cộng sản ước mơ biên giới các quốc gia sẽ được xoá bỏ để tiến đến một thế giới đại đồng. Chính vì ước mơ này một phần không nhỏ lãnh thổ Việt Nam đã bị quốc gia đàn anh Trung cộng chiếm đóng. Càng ngày Trung cộng lại càng lộ rõ dã tâm xâm chiếm các quốc gia trong vùng bằng quân sự. Để giữ gìn bờ cõi ông cha để lại, quân đội cần phải hiện đại hoá và chuyên môn hoá.
Trong hoà bình việc xây dựng quân đội tình nguyện và chuyên môn hoá quân đội thường được đem ra áp dụng. Việc cưỡng bách quân dịch vốn không hợp với lòng dân, tạo tham nhũng và lãng phí nhân lực quốc gia. Việt Nam đang phải đối đầu với suy thoái kinh tế, lạm phát phi mã, các quân nhân thường gặp phải nhiều khó khăn về vật chất, các quân nhân thi hành nghĩa vụ không tham gia sản xuất và lại thường lệ thuộc vào sự giúp đỡ của gia đình. Quân đội cưỡng bách trở thành gánh nặng cho xã hội.
Khi chiến tranh và theo nhu cầu chiến cuộc luật tổng động viên có thể được ban hành. Lịch sử cho thấy nếu quân đội thực sự phục vụ tổ quốc, phục vụ dân tộc khi có chiến tranh toàn dân sẽ một lòng phục vụ quân đội chống ngoại xâm.
Đại Tá Nguyễn Văn Quang cũng cho biết đảng Cộng sản không tin vào cơ cấu nhà nước. Thực vậy, tại Việt Nam hiện đang xẩy ra một cuộc khủng hỏang chính trị, với những tranh chấp quyền lực trong đó có việc nắm quân đội và công an.
Nhà nước hiện đang nắm quân đội, đang chịu trách nhiệm chi tiêu cho quân sự, nhưng lại không chịu phục tùng “Đảng”, phục tùng Tổng Bí Thư Đảng. Vì thế Nguyễn Phú Trọng muốn sửa đổi hiến pháp để tước bớt quyền hành nhà nước. Quyền hành của thủ tướng đã bị giảm bớt rất nhiều, ngược lại quyền hành của chủ tịch nhà nước được gia tăng đáng kể nhất là các quyền về quân đội và công an.
Trong bài lược ghi cuộc nói chuyện của Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang tại Câu Lạc Bộ Thăng Long ngày 19/2/2013, ông Sang nhận xét “Về vai trò của Đảng với quân đội. Tôi cho rằng Đảng ta lập ra quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân chứ không phải là lập ra là bảo vệ, trung thành với Đảng, vì vậy quân đội phải trung thành, bảo vệ Tổ Quốc, nhân dân rồi mới đến Đảng, có như vậy mới đúng chứ. Nay vì theo tập quán, nhận thức vẫn chưa thực hiện được.”
Nếu đọan lược ghi trên là thật thì sự bất đồng chính kiến trong nội bộ Bộ Chính Trị đã bắt đầu công khai bùng nổ. Rút bài học Miến Điện, Nguyễn Phú Trọng cũng không tin vào sự trung thành của chủ tịch nhà nước nên phải buộc quân đội “trung” với “Đảng”.
Chỉ cách đây ít hôm giới chức Thành Phố Hà Nội tuyên bố hoàn tất góp ý sửa đổi Hiến pháp trước 7-3-2013. Ngày 6-3-2013, lại có Thông báo từ Quốc Hội cho biết thời hạn góp ý đã thay đổi từ 31-3-2013 sang hạn mới là 30-9-2013. Thành phố Hà Nội là tiền đồn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thế lực nào và lý do gì đã khiến Quốc Hội đưa ra quyết định nói trên.
Nguyễn Phú Trọng như đang cố gắng thắng chiếc xe đang lao xuống dốc, xem chừng chiếc xe đã đứt thắng, càng cố thắng xe càng lao nhanh. Có phải các thế lực nhà nước do Nguyễn Tấn Dũng đại diện vì bị thế lực “Đảng” do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu dùng hiến pháp tước quyền, nay cánh nhà nước công khai nổi dậy đảo chánh tước quyền của “Đảng”?
Nói chung việc đảng Cộng sản muốn thể chế hóa Quân Đội phải “trung” với “Đảng”, chỉ nhằm duy trì vai trò độc quyền chính trị của đảng Cộng sản. Chẳng may việc làm lại tạo ra một dư luận trái chiều.
Khởi đầu là Kiến Nghị 72, kế đến là Tuyên Bố của các Công Dân Tự do, kế đến là Kiến Nghị sinh viên và cựu sinh viên khoa Luật Hà Nội, rồi Tuyên Bố của các Công Dân Tự do dựa trên bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, Lá Thư Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, Lời Tuyên bố của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Lời kêu gọi của Cụ Lê Quang Liêm và gần nhất là Lời Kêu Gọi của Khối 8406, đều đòi hỏi một thể chế đa nguyên, đa đảng, một chính thể với tam quyền phân lập, một quân đội bảo vệ người dân, bảo vệ đất nước.
Tất cả đang tạo ra một phong trào dân sự đòi đảng Cộng sản phải trao trả quyền lập hiến và quyền phúc quyết (trưng cầu dân ý) lại cho tòan dân. Các tôn giáo khác, các tổ chức chính trị và nhiều cá nhân khác đã và đang sửa sọan nhập cuộc tạo ra một cuộc cách mạng mang đặc thù Việt Nam, Cách mạng Trưng cầu dân ý với sự giám sát của Quốc Tế, Trưng cầu một Hiến Pháp Tự do cho Việt Nam.
Lúng túng trước cao trào cách mạng, đảng Cộng sản một mặt răn đe những ai góp ý trái ngược với đường lối của đảng, một mặt cho người của mình tuyên truyền dối trá ngụy biện trên các phương tiện truyền thông, mặt khác nữa đang bày trò in phiếu ép buộc nhân dân ký đồng ý với bản Dự thảo sửa đổi HP 1992 của họ. Khối 8406 đã nhanh chóng phổ biến một kháng thư vạch trần và phản đối trò “trưng cầu dân ý” kiểu công sản này.
Đấu tranh chính trị là cuộc đấu tranh nhiều mặt với nhiều phương cách đấu tranh khác nhau nhưng tựu trung là để giải thể chế độ độc tài cộng sản mang lại tự do cho dân tộc. Vì thế có ý kiến cho rằng phong trào đấu tranh chính trị cần chủ động hơn và tránh bị cuốn vào cuộc chiến “góp ý hình thức xin cho” mà quên đi những sự kiện nóng hổi khác như việc gia tăng đàn áp bắt bớ người đấu tranh hay tình trạng kinh tế càng ngày càng suy thóai.
Trở lại với câu hỏi “Tại sao đảng Cộng sản buộc phải giữ quân đội?”, Đại tá Nguyễn Văn Quang cho biết: “Ở các nước đông Âu khi nhân dân nổi dậy quân đội đứng ngoài chính trị, chỉ tuân theo pháp luật, bảo vệ Tổ quốc nên đảng thua.”
Tại Việt Nam cũng thế quân đội là của dân, do dân, vì dân và quân đội sẽ đứng về phía người dân để bảo vệ công cuộc đấu tranh giành lại tự do cho tòan dân tộc. Đây là nỗi lo sợ hàng đầu của giới lãnh đạo cộng sản và vì thế họ phải tìm mọi cách trói buộc tư tưởng quân nhân và bắt quân đội phải “trung” với “Đảng”.
Tại Melbourne và nhiều thành phố khác thuộc Úc, Mỹ và Âu châu, mặc dù chính thể Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, hằng năm cứ đến ngày 19-1, cộng đồng đều tổ chức lễ tri ân các chiến sĩ hải quân đã hi sinh trong trận hải chiến Hòang Sa và nhắc nhở nhau về một phần đất quê hương đang bị giặc Tầu chiếm đóng.
Ngược lại, khi đảng Cộng sản còn kiểm sóat quân đội thì hương hồn các chiến sĩ Gạc Ma, các chiến sĩ bỏ mình trên biên giới phía Bắc, lại một lần nữa phải hy sinh cho tình hữu hảo của hai đảng Cộng sản Việt Trung. Một thể chế tự do sẽ đưa ra sự thật và phục hồi danh dự những chiến sĩ đã bỏ mình gìn giữ biên cương biển đảo Việt Nam, họ không chiến đấu vì “Đảng”, mà chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ Nhân Dân.
Khi viết xong bài, người viết có nhận được một youtube về trận Gạc Ma do các bạn trẻ từ Việt Nam gởi ra, xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:
http://www.youtube.com/embed/taPWLsxjteA

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
12/3/2013
* Bài do tác giả gửi tới TTHN

Tổ quốc cao hơn Nhà nước và Chế độ

Tổ quốc, có thể hiểu là đất nước do tổ tiên để lại, chỉ nơi sinh thành tổ tiên dân tộc ta; sinh thành tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mỗi con người.

Tổ quốc Việt nam là cội nguồn chung của mọi người Việt nam từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, dĩ nhiên Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả.

Tên Tổ quốc chỉ giản dị cho biết đó là Tổ quốc của dân tộc nào, ai có nguồn cội từ đâu. Trong quá trình Toàn cầu hóa, Nhà nước có thể mất đi, nhưng Tổ quốc sẽ vẫn luôn tồn tại.

Cộng đồng công dân

Mỗi một dân tộc đều cố gắng giữ gìn Tổ quốc như một đặc điểm nhận dạng trong cộng đồng công dân của Thế giới tương lai.

Theo một cách sử dụng khác, tổ quốc còn được dùng để chỉ nơi xuất phát, xuất hiện, là cội nguồn của một cái gì đó. Chẳng hạn, Liên Xô trước đây có thể được gọi là tổ quốc của chủ nghĩa xã hội Xô Viết.

Chủ nghĩa xã hội - cả về lý thuyết lẫn thực tế - vốn không hình thành trên đất nước Việt nam.

Vì vậy nước ta cũng không thể được vinh dự mang tên tổ quốc Việt nam Xã hội Chủ nghĩa.


"Việt nam có nghĩa vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền; đó cũng chính là cam kết của Việt nam để được kết nạp vào WTO"
Trước đây, vẫn có quan niệm trái ngược và vì vậy cũng khác biệt kiến thức về Nhà nước giữa một bên là các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũ và các nước có Nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, kể từ khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, Việt nam có nghĩa vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền; đó cũng chính là cam kết của VN để được kết nạp vào WTO.

Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, về mặt lý luận, trước hết dựa vào lý thuyết ba thành tố. Theo đó, Nhà nước là một hình thái tổ chức xã hội gồm ba thành tố là lãnh thổ, dân tộc và quyền lực tối cao.

Ba thành tố này là những điều kiện cần và đủ làm nên một Nhà nước. Bản chất Nhà nước vì thế không thể mang tính giai cấp, không mang ý thức hệ tư tưởng. Nó là trung tính.

Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi thành viên của Nhà nước (cá nhân, tổ chức, các cơ quan công quyền và Nhà nước) đều bình đẳng trước pháp luật.

Nguyên tắc cơ bản nhất này sẽ hoàn toàn mất giá trị khi Nhà nước được xác định là Nhà nước của (hay ưu tiên) một ý thức hệ nào đó, hoặc là Nhà nước không phải của mọi người mà là của (hay ưu đãi) một thành phần, một nhóm nào đó trong xã hội.

Pháp luật là một khái niệm tổng quát chung và trừu tượng. Người ta khó mà bình đẳng theo những tiêu chí trừu tượng.

Không nên nhầm lẫn

Hiến pháp chính là tập hợp một cách hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực căn bản nhất, khái quát nhất để xác định cụ thể Pháp luật mà tất cả thành viên trong một Nhà nước đều thượng tôn phải được hiểu như thế nào. Hiến pháp, vì thế, phải phân biệt rõ ràng Tổ quốc, Nhà nước, Chế độ.

Nhà nước phải là một thực thể chung của tất cả thành viên sống trong một lãnh thổ xác định.

Trong chúng ta, có người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa, có người theo đạo Hồi, người khác theo đạo Hòa hảo, người này theo chủ nghĩa Cộng sản, người kia theo chủ nghĩa Tự do...

Một Nhà nước là của chung vì vậy cũng không thể là Nhà nước của một ý thức hệ hay là sự ưu đãi của một nhóm người, một giai cấp.


Đức có Tòa án Hiến pháp độc lập với chính quyền

Phù hợp với lý luận về Nhà nước và ý nghĩa thực tế của nó, theo truyền thống, tên Nhà nước của đa số quốc gia là thành viên WTO (nghĩa là các nước đã hoặc đang xây dựng Nhà nước pháp quyền theo chuẩn mực của WTO) đều chỉ gồm tên gọi quốc gia và các bổ ngữ (nếu có) làm rõ hơn:

- Về ai là người sử dụng quyền lực Nhà nước, chẳng hạn: Cộng hòa (Republic. vốn từ tiếng La tinh cổ "res publica" nghĩa là việc của chung) như nước Cộng hòa Pháp, hay đối lập với nó là Vương quốc (việc nước là của vua), như Vương quốc Anh.

Cũng có thể nói thêm về nguyên tắc căn bản sử dụng quyền lực là nguyên tắc dân chủ như "Cộng hòa dân chủ“ và:

- Về hình thức tổ chức một Nhà nước như một đơn vị hành chính tập quyền duy nhất hay liên bang, chẳng hạn nước Cộng hòa Liên bang Đức.

Người ta cũng thường nhầm lẫn Nhà nước với Chế độ và đồng hóa chúng thành một.

Chế độ là toàn bộ cấu trúc, hệ thống tổ chức (trong Nhà nước) để thực hiện quyền lực Nhà nước theo những hình thức và phương pháp cụ thể của người cầm quyền nhằm đạt mục tiêu xác định của người mình.

Chế độ, vì vậy, có thể mang bản chất giai cấp, mang tính ý thức hệ tư tưởng.

Tổ quốc Việt nam có từ hàng ngàn năm nay.

Nhà nước Việt nam xuất hiện kể từ khi vua Hùng dựng nước.

Chế độ xã hội chủ nghĩa có từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Như vậy, để phù hợp với lý luận, với ý nghĩa thực tế và với truyền thống dân tộc và quốc tế, cần sửa Hiến pháp 1992, lấy lại tên nước là nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, Đại học Humboldt, CH LB Đức, người hiện hành nghề luật ở Sài Gòn.

Tiến sỹ Nguyễn Vân Nam
Gửi tới (BBC) từ Sài Gòn

Góp ý sửa đổi Hiến pháp: một “quả lừa” mới

“…Đừng để bị lừa nữa và cũng đừng trông chờ người đã trói mình sẽ cởi trói cho mình. Hãy tự cởi trói cho mình. Gió đã nổi lên và càng ngày càng mạnh để biến thành bão nếu tất cả chúng ta đều ý thức là chúng ta cần phải tự cởi trói cho chính mình…”
Đối chiếu những tuyên bố của đảng cộng sản Việt nam từ ngày thành lập tới nay với thực tế cụ thể đã xảy ra, cho chúng ta thấy những người dân Việt nam chúng ta đã bị nhiều “quả lừa” của đảng cộng sản Việt nam. Nguồn gốc của các “quả lừa” này đều xuất phát từ việc Đảng cộng sản Việt nam chọn chủ nghĩa cộng sản. Về mặt lí luận chủ nghĩa cộng sản lấy phép biện chứng làm cơ sở lí luận để giải thích sự phát triển của xã hội và đi đến khẳng định là giai đoạn cộng sản là giai đoạn cuối cùng của sự phát triển xã hội. Khẳng định này đã phản lại phép biện chứng và vì vậy không thể phác hoạ ra giai đoạn xã hội chủ nghĩa có hình thái như thế nào và kéo dài bao lâu. Đồng thời buộc nó phải mô tả xã hội cộng sản như một thiên đường mang nhiều tính hoang tưởng. Để đạt tới xã hội thiên đường này chủ nghĩa cộng sản lại sử dụng biện pháp bạo lực chuyên chính. Giữa biện pháp và mục đích chứa đầy tính mâu thuẫn. Biện pháp bạo lực chuyên chính không thể đưa đến kết quả là có một xã hội nhân văn đầy tình người, không còn cảnh người bóc lột người và làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Thực tế cho thấy xã hội do bạo lực chuyên chính xây dựng mà chúng ta đang sống hiện nay chỉ là một xã hội không ai dám nói thật và kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu để chiếm đoạt của nhau. Chính vì chủ nghĩa này sai từ cơ sở lí luận và biện pháp thực hiện cho nên đã không thể xảy ra trong thực tế như lí thuyết đã đề ra vì vậy phải tạo ra các “quả lừa”. Ở đây chúng ta có thể nêu ra một số “quả lừa” chính mà đảng cộng sản đã làm để lường gạt chúng ta.
“Quả lừa” đầu tiên: Độc lập, Tự do, Dân chủ
Chủ nghĩa cộng sản thực chất là một chủ nghĩa thực dân trá hình kiểu mới mang nhiều màu sắc nhân văn và liên đới mà Liên xô đã dùng để tìm cách thống trị các dân tộc nhược tiểu. Chủ nghĩa này chủ trương xoá bỏ biên giới quốc gia. Vì độc lập quốc gia là trở ngại để tiến tới chủ nghĩa cộng sản và thế giới đại đồng. Chủ nghĩa ấy chủ trương và cổ suý bạo lực chuyên chính để cướp chính quyền và bảo vệ chính quyền. Nó thoả mãn tham vọng quyền lực và bạo lực của những người đi theo nó. Nó coi quyền lực và nắm quyền lực là mục đích cuối cùng tối quan trọng. Những chủ trương và đường lối như vậy làm sao đồng hành được với những giấc mơ như độc lập, dân chủ, tự do mà nó đưa ra để lôi kéo những người bị đàn áp thống trị? Đặc biệt là nó đi ngược với lòng yêu nước và tinh thần quốc gia. Nhưng đối với những người cộng sản thì điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là nắm quyền lực và bảo vệ quyền lực. Nhưng để có được quyền lực thì phải có sự ủng hộ của dân chúng. Mà tinh thần quốc gia lại là động lực để lôi kéo người dân. Vì vậy Đảng phải đưa ra những “quả lừa” phù hợp với tinh thần quốc gia và độc lập dân tộc. Cho nên chúng ta đã thấy là Đảng luôn hô hào giải phóng dân tộc và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và độc lập quốc gia. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy là Đảng không muốn bảo vệ sự vẹn toàn và độc lập quốc gia. Đảng đã hiến Hoàng sa cho Trung quốc và đang biến đất nước chúng ta thành một tỉnh của Trung quốc. Đảng bắt bớ và làm khó dễ những người muốn bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước khi họ phản đối Trung quốc xâm lược Việt nam. Với Đảng thì yếu tố quốc gia và vẹn toàn lãnh thổ không quan trọng bằng yếu tố nắm quyền lực và giữ được quyền lực. Và Trung quốc là điểm tựa để Đảng giữ được quyền lực cho nên dù có mất đất, có phải thần phục Trung quốc cũng không quan trọng miễn là Đảng vẫn giữ được quyền lực. Những sự kiện đang xảy ra hiện nay đang xác minh những hành động lừa gạt và phản bội của Đảng đối với sự độc lập, tự do dân chủ và vẹn toàn lãnh thổ. Hãy nghe Lê Duẩn nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả nhân loại”(*). Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lí thì dân còn làm chủ được thế nào? Với việc sử dụng bạo lực chuyên chính để khống chế thì tự do làm sao có chỗ để nảy nở và phát triển?
“Quả lừa” thứ hai: một xã hội công bằng với những con người mới xã hội chủ nghĩa, không còn cách biệt giàu nghèo, không còn người bóc lột người
Đảng đã kêu gọi toàn dân cùng Đảng chiến đấu để kiến tạo một xã hội công bằng với những con người mới xã hội chủ nghĩa, không còn cảnh giàu nghèo cách biệt và không cón cảnh người bóc lột người. Đảng cũng kêu gọi toàn dân hi sinh chiến đấu để giải phóng miền Nam thoát khỏi nghèo đói và bị bóc lột. Nhưng thực tế cho thấy là sau gần 38 năm giải phóng thì khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng cách biệt và cảnh người bóc lột người càng ngày càng tồi tệ hơn. Và chúng ta chỉ thấy con người mới xã hội chủ nghĩa sống lừa đảo, sống giả dối, chuyên môn nói láo và không ai dám tin ai. Đảng kêu gọi chống lại những gì chính quyền Sài gòn đã làm để bây giờ Đảng lại bắt chước làm theo nhưng lại làm dở hơn. Bởi vậy xã hội Việt nam hiện nay đang trở thành một xã hội suy thoái đạo đức với đủ loại tệ nạn càng ngày càng trầm trọng. Những diễn tiến trong xã hội hiện nay cho thấy là Đảng đã và đang lừa chúng ta. Đảng hô hào hết khẩu hiệu này tới khẩu hiệu khác nhưng càng hô khẩu hiệu càng suy thoái. Dần dần hô khẩu hiệu trở thành quán tính của mọi người để biến xã hội thành xã hội dối trá. Sự lường gạt này Đảng đừng tìm cách tự biện minh. Mọi sự việc đều đã rõ nét. Thử nhìn công nhân là thành phần Đảng đề cao là nền tảng của Đảng nhưng đảng đã bảo vệ họ như thế nào? Và Đảng đã lừa họ ra sao?
“Quả lừa” thứ ba: bầu cử
 Bầu cử là một quả lừa mà mọi người phải chịu nhưng không ai dám nói ra. Bầu cử tự do ở chỗ nào khi Đảng lựa chọn người ứng cử để dân chỉ việc bỏ phiếu hợp thức hoá ra có vẻ dân chủ? Trong ngày bầu cử thì ở vùng quê tôi, loa phát thanh liên tục kêu tên những người chưa đi bầu đến bầu cử. Nếu những người này vẫn không đi bầu thì nhân viên tới tận nhà yêu cầu kí tên uỷ quyền cho họ bầu thay. Như vậy mà gọi là bầu cử tự do sao? Và những người được bầu ấy chỉ là những đại biểu gật để hợp thức hoá những gì Đảng muốn. Như vậy mà nói là có dân chủ? Những trò hề này luôn được Đảng lập đi lập lại mà không thấy ngượng vì tính lừa gạt của nó. Trên đới này có lẽ chỉ có Đảng là không còn dây thần kinh xấu hổ cho nên không có ai mặt dầy hơn Đảng. Với một Đảng cầm quyền như vậy thì phải sản sinh ra những công dân mặt dầy, trấng tráo và nói láo thành thần. Vì vậy dù cố gắng cải tổ giáo dục thế nào đi nữa cũng không thể đào tạo được con người tử tế trong xã hội này trừ khi Đảng không còn nắm quyền lực nữa.
“Quả lừa” tiếp theo: góp ỳ sửa đổi Đảng
Mỗi lần có Đại hội Đảng là có kêu gọi lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để sửa đổi Đảng. Nhưng "lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân" chỉ là một khẩu hiệu thông lệ để làm ra vẻ Đảng là của nhân dân. Nhưng thực tế thì họ không cần và cũng không quan tâm tới ý kiến của nhân dân. Đó chỉ là một “quả lừa” mà họ đưa ra để lừa gạt những người ngây thơ nhẹ dạ không biết bản chất thực sự của Đảng. Lenin, thần tượng và người thày của ĐCSVN và ông Hồ Chí Minh, từng nói rằng chính quyền cộng sản không thể bị trói buộc bởi bất cứ luật pháp nào. Cũng có nghĩa là không bị trói buộc bởi bất kì ý kiến nào. Đối với các đảng cộng sản thì một nhu cầu nào đó của Đảng hay chế độ chứ không phải vì lợi ích dân tộc buộc họ thay đổi. Cho nên việc họ kêu gọi góp ý chẳng qua là để hợp thức hoá những sửa đổi mà họ muốn cho phù hợp với tình hình hoặc chỉ để giải quyết một vấn đề nào đó đang đặt ra cho Đảng hoặc chế độ. Những thực tế xảy ra trong quá khứ về việc góp ý sửa đổi Đảng đã xác minh điều này: Đảng không cần nghe ý kiến của ai và trò góp ý chỉ là một “quả lừa” mà Đảng bày ra.
“Quả lừa” mới nhất: góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992
Có nhiều bạn bè kêu tôi kí tên ủng hộ Bản Kiến Nghị 72. Tôi đã trả lời các bạn tôi là tôi tôn trọng và ủng hộ các vị đã làm ra bản kiến nghị và các vị đã kí tên ủng hộ. Tôi nghĩ có nhiều vị biết rằng đảng cộng sản sẽ chẳng lắng nghe ý kiến của bản kiến nghị nhưng các vị vẫn kí tên ủng hộ với mục đích để cho đảng cộng sản tự lột trần mình giúp mọi người thấy đảng là ai, có thực sự yêu nước hay chỉ vì quyền lợi đảng. Tuy nhiên cũng có những vị, vì quá khứ gắn liền với lí tưởng cao đẹp mà họ đã theo khi theo đảng, vẫn còn tin tưởng vào đảng là đảng sẽ lắng nghe và đảng là đảng yêu nước thì việc kí tên ủng hộ sẽ giúp các vị đó mở to con mắt để thấy mình quả là ngu ngơ khờ khạo khi vẫn còn tin vào đảng và lí tưởng mà đảng đã tuyên truyền. Nhưng dù tôn trọng và ủng hộ tôi vẫn không thể kí tên ủng hộ bản kiến nghị vì tôi không thích kiểu kiến nghị theo cách xin cho và vì tôi không muốn mình lại bị dằn vặt vì đã ngu ngơ và khờ khạo để cho mình lại bị lừa thêm một lần nữa. Theo tôi thì việc cho góp ý sửa đổi hiến pháp 1992 lần này vẫn chỉ là một “quả lừa” mới mà đảng cộng sản bày ra để đánh lừa những người ngây thơ và cả tin.
Để thấy việc lừa này như thế nào, trước tiên phải xem đảng khoác cho từ “nhân dân” hoặc “toàn dân” ý nghĩa như thế nào. Theo những gì đã diễn ra từ trước đến nay thì “nhân dân” hoặc “toàn dân” với đảng cộng sản Việt nam chỉ mang ý nghĩa là “những đảng viên và những người theo đảng, ủng hộ đảng và chấp nhận mọi ý kiến đảng đưa ra không có phản biện”. Còn tất cả những người khác đều thuộc thành phần thế lực thù địch và không phải là “nhân dân” hoặc “toàn dân”. Do đó việc góp ý có tính phản biện và không phù hợp với chủ trương của đảng thì chỉ là của thế lực thù địch, đảng không thể nghe và còn phải tìm cách tiêu diệt. Bởi vậy với đảng không thể có góp ý mà chỉ là tung hô ủng hộ. Mọi lệch lạc khác biệt đều là suy thoái và phản động cần lưu ý. Những điều nhận xét này đã và đang được thực tế chứng minh trong những ngày vừa qua. Bởi vậy cố gắng góp ý thì chỉ là tiếp tục để bị lừa thêm thôi. Với đảng này không thể xin cho hoặc mong chờ đảng sẽ thay đổi. Không ai lại cởi trói cho người mà mình đã trói được để phục vụ mình. Vì vậy con đường duy nhất để có thể cởi trói cho mình là tự mình phải đoàn kết với nhau để tự cới trói cho mình.
Tất cả chúng ta hãy tỉnh trí lại. Chúng ta đã bị lừa quá nhiều lần rồi. Đừng để bị lừa nữa và cũng đừng trông chờ người đã trói mình sẽ cởi trói cho mình. Hãy tự cởi trói cho mình. Gió đã nổi lên và càng ngày càng mạnh để biến thành bão nếu tất cả chúng ta đều ý thức là chúng ta cần phải tự cởi trói cho chính mình.
Phan Thanh Bình
CHLBĐ ngày phụ nữ 8/3/2013)
(*) RFA.org/vietnamese

Trung quốc cần bao nhiêu năm để đánh chiếm trọn Việt Nam?

Có một số người chỉ chống cộng sản đến biên giới Việt-Trung rồi dừng lại. Họ không muốn và không thèm tìm hiểu kẻ mà chính quyền Việt Nam quỳ lạy, mạnh yếu về mặt gì. Họ không nhìn xa hơn những mối nguy thấy bằng mắt, nghe bằng tai như Trường Sa, mỏ quặng bị đào xới, đồ ăn bị ngộ độc, sách vở bị in cờ Trung Cộng... Họ hô hào rằng Trung Quốc xâm lăng Việt Nam nhưng không biết xâm lăng kiểu nào?

Nếu ai tìm hiểu văn hóa quân sự của Trung Quốc thì phải đọc cho bằng được Tôn Tử Binh Pháp. Và từ đó họ sẽ hiểu ra rằng Trung Quốc chỉ cần vài ba năm nữa là có thể chiếm trọn Việt Nam, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau bằng quân sự!!!

Với cách nào?

Bằng cách giúp đỡ kinh tế lẫn quân sự cho Lào và Miên, thần phục hai nước này rồi từ đó mượn đường đánh úp qua ngã biên giới, mô hình chiến tranh Việt Trung năm 1979 nhưng trên với hơn phân nửa biên giới của Việt Nam.

Những chiến tuyến không những chỉ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, mà cũng sẽ là Điện Biên Phủ, Khánh Thành, Lao Bảo, Kon Tum, Pleiku, Ban Mê Thuột, Tây Ninh, Châu Đốc, Hà Tiên!

Khi Việt Nam mất thì tự nhiên Campuchia và Lào cũng sẽ thuộc về Trung Quốc.

Với những vụ giằng co Trường Sa, Hoàng Sa, Ải Nam Quan... những người yêu nước lẫn chế độ cộng sản bị kế sách Minh tu sạn đạo, ám lộ Trần Thương, (làm đối phương chú ý mặt này nhưng lại đánh mặt khác).

Việt Nam xây dựng lực lượng biển, mua sắm tàu chiến lẫn tàu ngầm, Trung Quốc chỉ phản đối cho có lệ dù có khả năng gây áp lực để cấm đoán Việt Nam. Đó cũng là ý đồ của Trung Quốc. Họ dư thừa biết là với tàu bay, máy bay, tàu ngầm mua của Nga, họ chẳng có thể đi đâu xa.

Nếu Trung Quốc muốn xây dựng một cường quốc về hải quân thì phải cần 15, 20 năm nữa mới khống chế được Việt Nam. Mà nếu lúc đó Trung Quốc muốn đánh thì phải dè chừng liên minh Nhật, Philippines, Mỹ...

Với cách đánh trong đất liền đánh ra, ngoại trừ gởi quân lính tham chiến trực tiếp, các nước khác chỉ biết ngồi ngó!

Sở trường của quân đội Trung Quốc lối đánh thí quân. Và Trung Quốc sẽ cấp tốc giải quyết chiến trường, khi những quốc gia khác mới vừa kịp mở miệng ra phản đối, Việt Nam đã đầu hàng!

Chiếm lược Việt Nam sẽ có lợi gì cho Trung Quốc?

Trước hết là giải quyết được vấn đề nhân mãn, trai thiếu gái thừa của Trung Quốc. Đàn ông thanh niên Trung Quốc khỏi cần qua nước khác mua vợ đem về nước. Cứ vào Việt Nam, tỉnh lỵ mới của Trung Quốc mà tìm!

Thứ hai nữa là bỏ được những vùng đất bị sa mạc hóa ở miền Bắc mà di dân xuống miền Nam trù phú hơn.

Thứ ba nữa là chiến thắng này sẽ cho làm dân chúng Trung Quốc làm dịu đi tinh thần chống đối chính quyền, quên đi những bất công, tham nhũng. Chế độ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc có thêm luồng sinh lực mới!!!

Xâm chiếm Việt nam là một vấn đề sống chết của chính quyền Trung Quốc.

Vậy Trung Quốc cần những điều kiện nào để thực hiện kế hoạnh này?

1. Cần hai nước Campuchia và Lào thần phục.

2. Xây dựng hệ thống đường sá, hậu cần như xa lộ, đường rày từ Trung Quốc xuống tới Campuchia với danh nghĩa kinh tế, giao thương từ Vân Nam- Vạn Tượng- Nông Pênh.

3. Xúi dục hai nước này gây hấn với Việt Nam rồi từ đó hổ trợ quân sự và tìm cách ém quân một cách danh chính ngôn thuận khắp biên giới.

Để khi đủ điều kiện, bất ngờ xua quân chiếm trọn Việt Nam trong vòng 7 đến 10 ngày!!!

Điều 1 kể như là xong, Việt Nam là kẻ thù muôn đời của hai nước này. Trong dân gian của Campuchia vẫn truyền tụng lại câu chuyện của lính Việt Nam chặt đầu dân Miên để làm gạch kê nồi nấu cơm. Dù có hay không nhưng cũng nên hiểu rằng những lỗi lầm của ông cha ta, chúng ta sẽ phải trả. Cộng thêm mười mấy năm chiếm đóng của cộng sản Việt Nam cũng chẳng làm tốt đẹp được quan hệ của hai nước này đối với Việt Nam. Hai quốc gia này sẽ reo vui khi thấy Việt Nam bị hạ. Còn việc gì kế tiếp xảy ra với họ thì vẫn còn xa.

Điều 2 thì chỉ cần hai, ba năm nữa là xong.

Điều 3 thì cần 3, 5 năm nữa thì cũng xong tốt.

Vận mạng quốc gia Việt Nam như là cá trên thớt, chỉ mành treo chuông.

Nếu Trung Quốc đánh vào Việt Nam thì quân đội Việt Nam sẽ thua.

Thua toàn diện.

Chúng ta thua vì quân số ít hơn, vũ khí thô sơ hơn đã đành. Nhưng chúng ta sẽ thua vì những lý do sâu xa hơn.

Mượn một khúc truyện Tàu để hiểu cái gì là mưu mô của Trung Quốc. Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ, hồi 108, nhân vật Hướng Vấn Thiên của Nhật Nguyệt Thần Giáo biết rõ những nhân vật những nhân vật thành danh trong võ lâm mà còn hiểu cả đến hàng đệ tử bình thường như Lao Đức Nặc, Thi Đới Tử… Lão cũng kể rành mạch lai lịch và cá tính của từng người, lai lịch cường nhược ra sao. (Nhật Nguyệt Thần Giáo được Kim Dung ám chỉ là đảng cộng sản Trung Quốc. Những ẩn số chính trị trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, Nguyễn Ngọc Huy).

Chúng ta bị nội gián.

Không thua sao được khi tình báo của Trung Quốc biết rõ ai làm tham mưu trưởng, sư đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng, bao nhiêu quân, đóng đâu, sẽ phản ứng như thế nào …

Không thua sao được khi quân đội Việt Nam được chỉ huy bởi những vị tướng nổ banh trời rằng đã đánh giặc từ 10, 15 tuổi, bắn rớt không biết bao nhiêu chiếc máy bay, và nhiều vị tướng đó đã được tạo điều kiện để lên lon nắm quyền bởi... Trung Quốc!!!

Sự chiến thắng hết còn nhờ cậy vào những tướng lãnh, mà phải nhờ cậy vào hàng hạ sĩ quan, sĩ quan cấp thấp và binh sĩ.

Việt Nam phải làm gì để đối phó?

Phải dân chủ, càng sớm càng tốt.

Nếu dân chủ thì chính quyền tương lai mới mời được những người dày dặn chiến trường bên VNCH hay những người về hưu của Quân đội Việt Nam ra làm cố vấn cho lực lượng quân đội Việt Nam hiện tại. Sư đoàn trưởng sẽ được kèm bởi những cựu sư đoàn trưởng, đại đội trưởng sẽ được cố vấn bởi những cựu đại đội trưởng. Những tổ pháo binh sẽ học hỏi từ những cựu pháo thủ.

Nhân dân ủng hộ quân đội, tinh thần ái quốc sẽ trở lại.

Trung Quốc sẽ bỏ đi ý tưởng xâm lăng.

(Dân đọc báo)

Khi phản biện xã hội được sử dụng như một "chiêu bài"!

"nhân sĩ, trí thức hàng đầu"
Ðể thực hành phản biện xã hội với các ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích,... Nếu không phản biện xã hội sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, thậm chí là cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển xã hội mà còn cản trở tiến trình đó. Từ việc quan sát, đánh giá hoạt động "phản biện xã hội" của một số cá nhân trên in-tơ-nét trong thời gian qua, tác giả Huỳnh Tấn gửi tới Báo Nhân Dân bài Khi phản biện xã hội được sử dụng như một "chiêu bài"!. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
"Ngày nay, có thể nói mạng internet đã tạo cơ hội để con người có nhiều hơn một khuôn mặt. Chưa có thời kỳ nào khuôn mặt con người lại đa dạng đến thế... Ở đó, họ dễ dàng hành xử như một người vô danh, hoặc bỗng nhiên nhờ vào thế giới ảo mà trở thành nổi tiếng" - đó là nhận xét của tác giả Nguyên Anh trong bài Thế giới mạng và sinh mạng thứ hai. Căn cứ vào diễn biến của hiện tượng, có thể nói nhận xét này khá phù hợp với một số người nhân danh "phản biện xã hội", "tinh thần dân chủ" và "lòng yêu nước" vẫn hằng ngày xuất hiện trên internet. Vì vài năm sau ngày Việt Nam hòa mạng toàn cầu, đã xuất hiện một số website, blog, facebook cá nhân,... là nơi công bố ý kiến "phản biện xã hội" của một số người, trong đó có người thường được BBC, VOA, RFA,... giới thiệu là "nhân sĩ, trí thức hàng đầu". Về các "phản biện xã hội" đó, trong một bài viết đăng trên sachhiem.net, GS Trần Chung Ngọc - tác giả là người Mỹ, gốc Việt, nhận xét: "Tôi có cảm tưởng là đối với họ, phản biện có nghĩa là phải chống đảng, cãi đảng, bất kể đó là vấn đề gì của đảng, đúng hay sai". Nhận xét của GS Trần Chung Ngọc xác đáng như thế nào, hãy để bạn đọc đánh giá. Nhưng dù vậy, liệu có thể coi là bình thường nếu đọc các bài vở, ý kiến, xem các bức ảnh, video-clip của những người này trên mạng?
Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một "thư ngỏ", "kiến nghị",... chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi! Ðứng đầu danh sách ký tên vào "thư ngỏ", "kiến nghị",... thường là một nhóm người nếu tên tuổi không gắn với một chức danh, học vị thì cũng đi liền với một hai chức vụ thời quá khứ và hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!? Không bàn tới các entry, comment chửi bới, vu cáo, xúc phạm bất kỳ người nào có ý kiến khác mình, chỉ đề cập tới hiện tượng liên quan tới các cá nhân đang hăng hái "phản biện" trên internet đã thấy nhiều chuyện bi hài. Như ông "phó giáo sư" nọ lại tự giới thiệu là "giáo sư", rồi ông "chủ tịch hội đồng khoa học" một viện nghiên cứu - chức vụ mang tính lâm thời, về hưu từ lâu mà vẫn xăm xắn với chữ "chủ tịch". Thật sửng sốt khi thấy một vị tiến sĩ hùng hổ quát tháo, mày tao chi tớ với nhân viên bảo vệ tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Có ông chưa biết phân biệt Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng khác nhau như thế nào, không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân..." mà vẫn say sưa "phản biện". Có ông năm trước vừa "vinh danh" một người, ngay năm sau người mới được "vinh danh" đã lên facebook kể ông nọ gọi mình là "kẻ vô ơn", và hứa hẹn "sẽ chứng minh ngược lại họ chính là kẻ vô ơn và láo xược"! Bình luận về tình trạng hỷ nộ ái ố trên, một blogger viết: "Ðứng trên góc độ một người được giáo dục thì phải biết tôn ti trật tự, biết tôn trọng các quy định chung của xã hội, của cộng đồng. Ðó là cái lễ. Các vị mang danh là "trí thức" thì chắc chắn đã được giáo dục rồi, thậm chí họ còn đi giáo dục người khác nữa chứ! Nhưng mà sao xem clip các vị ấy tự biên, tự diễn thì tôi không thấy thế? Xem nó tôi có cảm giác giống như xem mấy clip của cái tụi choai choai rỗi hơi gọi điện chọc phá các điện thoại viên rồi đăng lên Youtube để hỷ hả với nhau"! Blogger khác bình luận: "Hầu hết những người đồng đơn với ông, khi ký tên vào bản kiến nghị, đều treo lủng lẳng bên cạnh mình một loạt chức danh có được trong chế độ độc đảng mà cái chế độ đó nay họ đòi loại bỏ. Không ai tự phủ nhận mình khi ghi các chức danh đó... vì nếu phủ nhận mình thì tiếng nói của mình cũng thành vô giá trị"!
Năm 2012, trong lời giới thiệu bài Trí thức và phản biện của GS Trần Chung Ngọc, tòa soạn sachhiem.net viết: "Nói rằng một người có cặp mắt sáng có thể lái xe ban đêm giỏi, nhưng không thể căn cứ vào tài lái xe ban đêm để đo lường độ sáng của cặp mắt. Cũng vậy, phản biện có thể là một trong những hành vi mà một trí thức có thể làm, nhưng không thể là một định nghĩa cho trí thức. Nhất là, gặp gì cũng phản biện, phản biện số 2 thành số 7, phản biện cho mầu đỏ thành mầu đen,... thì nhất định không phải là phản biện. Ðành rằng, một khi có được các phản biện có giá trị, điều đó sẽ làm cho xã hội tiến bộ hơn; nhưng nếu cho đó là nhiệm vụ của "trí thức", sẽ trở thành hàm hồ. Thái độ "gom về mình" để được mặc áo trí thức mỗi khi phản biện, thì lại càng không nên là hành vi của một trí thức". Trong bài viết, GS Trần Chung Ngọc khẳng định: "chức năng của trí thức thì đa dạng, và với sự hiểu biết của họ, với kiến thức chuyên nghiệp, họ có thể giúp ích cho xã hội nhiều hơn là lao mình vào lĩnh vực phản biện, nhất là khi họ không có đủ thông tin, không có sự hiểu biết sâu rộng và chính xác về vấn đề, thì đó chỉ là một quan niệm cá nhân... Ðiều hiển nhiên là không có một trí thức nào có thể bao quát được mọi vấn đề trong xã hội, họ chỉ có thể đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của họ, đi ra ngoài lĩnh vực mà họ không nắm vững thì họ trở thành một anh thợ giày mà lại cứ muốn đi lên trên nơi giày dép... Phản biện là dùng lý lẽ, biện luận với thông tin, tài liệu, bằng chứng, để phản bác, chứng minh một vấn đề nào đó, có thể là một luận cứ văn học, một quan điểm về khoa học, một nhận định xã hội, một luận cứ trong Tòa án, v.v. là không đúng, là sai lầm cho nên cần phải bác bỏ... Ðây không phải là điều trí thức nào cũng làm được, nhất là về lĩnh vực chính trị, đối ngoại hay đường hướng quốc gia, các lĩnh vực mà Nhà nước tất nhiên có cái nhìn bao quát, tổng hợp và đầy đủ thông tin hơn cá nhân. Nước Mỹ là nước được cho là dân chủ nhất thế giới, dù chính sách đối ngoại của Mỹ không có gì là dân chủ. Trong chế độ dân chủ của Mỹ, người dân có quyền bỏ phiếu để chọn lựa nguyên thủ quốc gia, tuy nhiều khi phiếu của người dân (popular vote), dù là đa số, cũng không có giá trị bằng phiếu của các vị đại diện cho họ (electoral vote). Năm 2000, trong cuộc bầu cử Tổng thống, Al Gore được nhiều phiếu của dân chúng hơn, nhưng Bush vẫn thắng vì được nhiều phiếu của các dân cử. Ðây không hẳn là dân chủ theo nghĩa "thiểu số phục tùng đa số". Nhiều trí thức Mỹ đã lên tiếng phê bình vấn nạn này. Chính quyền Bush tạo ra những thông tin ngụy tạo về Iraq để có cớ xâm lăng Iraq, người dân cũng chỉ có thể phản đối hay biểu tình chống chiến tranh, nhưng không thể phản biện. Và chiến tranh Iraq đã tốn mấy nghìn nhân mạng lính Mỹ, vài trăm tỷ đô-la, vài trăm nghìn người Iraq, cuối cùng thì Mỹ cũng rút quân để lại không biết bao nhiêu là hệ lụy cho Iraq".
Là lẽ thông thường nhưng cần thiết, phản biện xã hội là hoạt động phải được khuyến khích trong sinh hoạt xã hội. Nếu một mặt phản biện có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, thì mặt khác, phản biện là biểu thị cho tính dân chủ của xã hội. Vấn đề là ở chỗ, phản biện phải hướng tới ổn định và phát triển xã hội - con người, không thể chấp nhận phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, tiến công vào nguyên tắc tổ chức và hệ thống chính trị của xã hội. Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, mọi tổ chức từ Trung ương tới địa phương, mọi cá nhân có trách nhiệm ở các cấp chính quyền cần tiếp nhận ý kiến phản biện một cách khách quan để tổng kết, rút ra tham vấn hữu ích nhằm điều chỉnh. Hiện tại, việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Ðây là thời điểm quan trọng để mọi công dân thể hiện tinh thần trách nhiệm với quá trình hoàn thiện, phát triển đất nước. Ðã có nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới cơ quan có trách nhiệm, đó là biểu hiện cụ thể về sự trưởng thành của ý thức công dân. Và đó cũng là để khẳng định sự lạc lõng của một số người đang sử dụng phản biện xã hội làm "chiêu bài" phục vụ cho các tham vọng thiếu cầu thị.

Huỳnh Tấn

(Nhân dân) 

Phóng viên không Biên giới (RSF) gọi VN là 'kẻ thù của internet'

Phóng viên không Biên giới
Phóng viên không Biên giới ra phúc trình nhân ngày chống kiểm duyệt mạng
Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) nói Việt Nam nằm trong 5 quốc gia theo dõi internet một cách nghiêm ngặt nhất.
Bốn nước kia là Syria, Trung Quốc, Iran và Bahrain.
RSF cũng kêu gọi ngừng bán các công cụ theo dõi mạng cho các nước đang đàn áp bất đồng chính kiến.
Phúc trình mới mang tên " Bấm Kẻ thù của internet", chuyên đề theo dõi (surveillance), được RSF đưa ra đúng ngày 12/3 - ngày Thế giới chống kiểm duyệt mạng.
RSF cũng nêu danh 5 công ty: Gamma, Trovicor, Hacking Team, Amesys và Blue Coat là đã giúp các chính phủ kiểm soát mạng internet.
Bấm Việt Nam đứng thứ năm về theo dõi và kiểm duyệt mạng, với nhận xét: hệ thống mạng ở Việt Nam tuy chất lượng còn yếu nhưng vẫn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ.
Phúc trình của RSF viết: "31 người sử dụng internet hiện đang bị cầm tù và các cà phê internet bị kiểm soát chặt chẽ, người dùng (theo quy định) phải xuất trình giấy tờ trước khi vào mạng".
Theo dõi chặt
RSF nhận xét rằng tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và theo dõi người sử dụng mạng.
Các nhà cung cấp chặn các website mà chính phủ không hài lòng.
Theo RSF, các nhà cung cấp dịch vụ có thể tự quyết định chặn các website nào mà không phải thống nhất với hãng khác. Thí dụ VNPT chặn Facebook, nhưng một số nhà cung cấp khác thì lại không.
Tổ chức nghiên cứu OpenNet Initiative năm 2012 đưa ra một danh sách các website bị chặn ở Việt Nam, bao gồm nhiều báo, blog cả trong nước lẫn nước ngoài, cùng các website mang thông tin nhân quyền và đối lập.
Kiểm duyệt và theo dõi gắt gao hơn Việt Nam có Syria, Trung Quốc, Iran và Bahrain.
Tại Syria, nơi có 5 triệu người sử dụng internet, 22 nhà báo và 18 người sử dụng internet bị bỏ tù.
Trung Quốc trong khi đó có mạng lưới kiểm duyệt internet rộng lớn nhất.
RSF nhắc tới hệ thống tường lửa đồ sộ và tinh vi, vốn được gọi là "Trường thành" của Bắc Kinh.
Phúc trình nói: "Trung Quốc bỏ tù con số người làm thông tin và báo chí nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác".
"Ngày nay, 30 nhà báo và 69 công dân mạng đang ngồi tù."
RSF kêu gọi cấm bán các thiết bị theo dõi mạng cho các nước vi phạm bị liệt kê trong danh sách 'Kẻ thù của internet'.
Tổ chức này cho rằng không thể trông đợi các công ty tự nguyện làm công việc này mà các chính phủ phải can thiệp và có chế tài.
(BBC)

Ôn Gia Bảo - một thập niên hoài phí

Ôn Gia Bảo đã lặng lẽ lui về sau tấm màn nhung của sân khấu chính trị Trung Hoa đại lục, song trùng một biệt danh không êm ái: “Diễn viên tài năng nhất Trung Quốc”. Biệt danh này cũng là tựa đề của cuốn sách do một người hoạt động ly khai có tên là Hồ Giai xuất bản tại Hồng Kông vào năm 2010.
Theo tác giả Hồ, đằng sau những hình ảnh mà Ôn Gia Bảo muốn trưng ra, bản thân vị thủ tướng này lại phản đối tất cả những cải cách chính trị thực sự, trong khi âm thầm hoan nghênh sự cứng rắn về mặt an ninh.
Nhưng cũng có những ý kiến của giới quan chức và cả một số nhà trí thức trong xã hội Trung Quốc cho rằng Ôn Gia Bảo chính là gương mặt chính khách được yêu mến nhất trong thập niên điều hành vừa qua.
Nhìn sơ phác, khuôn mặt hiền từ và đậm nét phúc hậu của người đàn ông họ Ôn như được tôn tạo trong một thế giới kinh kịch, mà trên một phương diện nào đó còn có nét tương đồng với những giọt lệ của vị thủ trưởng cũ của ông – tổng bí thư Triệu Tử Dương – khi ông Triệu đến quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989 để thuyết phục những sinh viên áo trắng không nên đối đầu với xích xe tăng.
Không sẵn lòng trút lệ như Triệu Tử Dương, nhưng Ôn Gia Bảo đã cố gắng tránh làm người dân hình dung về mình như một nhà lãnh đạo quan liêu. Xuất hiện tại những địa điểm vừa xảy ra động đất và lũ lụt, xoa dịu những công nhân Quảng Đông bất bình, tiếp xúc với nông dân một số vùng bị nạn trưng thu đất đai đe dọa…, ông đã làm nên một phong cách khá khác biệt với giai tầng quan chức vốn đã quá quen cách biệt sâu thẳm với dân chúng.
Dĩ nhiên trong một xã hội đang phát lộ ngọn lửa thù hằn của đại đa số người nghèo đối với một thiểu số người giàu có, cách biểu hiện có tính chọn lọc của Ôn Gia Bảo đã khiến ông trở thành một trong những nhân vật chính trị chỉ phải chịu chỉ trích ít nhất từ phía người dân.
Trong nhiều trường hợp và vụ việc bất công xã hội có liên quan đến phạm vi điều hành của chính phủ, những người dân ủy mị thường tự an ủi rằng vị thủ tướng nhân hậu này đã rất muốn làm một cử chỉ có ích, chỉ là do lực bất tòng tâm mà thôi.

Với không ít người, Thủ tướng Ôn Gia Bảo là gương mặt chính khách được yêu mến nhất
Người tốt im lặng
Một cử chỉ có ích khá ấn tượng của Ôn Gia Bảo là lời cảnh báo của ông vào năm 2011 về tâm trạng “Dân đang oán giận chế độ” - đã có ý nghĩa như việc lần đầu tiên tấm màn nhung trên sân khấu kinh kịch được vén lộ, hé ra một chút hiện thực về một loại sân khấu khác – đương đại, trình diễn, giả tạo và tàn bạo.
Cũng là lần đầu tiên một người chịu trách nhiệm cao nhất của chính phủ Trung Quốc thừa nhận về hiện tồn quá bức bối liên quan đến nhiều chiến dịch trưng thu đất đai. Lời tự thuật có tính phản tỉnh của Ôn Gia Bảo cũng khiến nhiều cơ quan nhà nước phải nhìn nhận một sự thật là hàng năm luôn sôi sục đến hàng chục ngàn cuộc biểu tình của nông dân về đòi hỏi công bằng trong việc bồi thường, giải tỏa đất đai và tái định cư.
Nhưng không lâu sau lời cảnh báo của Ôn Gia Bảo, lại đã xảy ra một vụ tự thiêu ở Hà Bắc. Chủ thể của vụ tuẫn tiết này là ba anh em ruột, cũng là nạn nhân của một cuộc trưng thu không bồi thường do chính quyền địa phương hành xử đến mức bất chấp đạo lý.
Liên quan đến vụ việc gây chấn động tâm can trên, dư luận đã chờ đợi. Nhưng cuối cùng, người ta không nhận ra một phản hồi rõ nét nào từ con người thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Chỉ đến khi vụ việc Ô Khảm xảy ra vào khoảng thời gian cuối của năm 2011, toàn bộ chính phủ và có lẽ cả bộ chính trị Trung Quốc mới giật mình.
Lần đầu tiên kể từ thời cách mạng văn hóa, tầng lớp nông dân tại một làng nhỏ dám biểu hiện đối đầu với chính quyền thông qua việc rào làng, tự phế truất cương vị chủ tịch chính quyền trong làng và cả chi bộ đảng địa phương để phản đối việc trưng thu trái pháp luật, phản kháng về hành vi bắt giữ cũng hoàn toàn chẳng liên quan gì đến luật pháp và còn dẫn đến cái chết của một người lãnh đạo nhóm biểu tình.
Cuộc biểu tình đã nhanh chóng biến thành một phong trào sâu rộng với 13.000 con người tham gia, sẵn sàng đi bộ đến tận Bắc Kinh để đòi công lý. Chỉ đến khi chính quyền trung ương bắt buộc phải thỏa mãn phần nào yêu sách của những người nông dân, cuộc biểu tình mới tự nguyện chấm dứt.
Cũng liên quan đến vụ việc Ô Khảm, dư luận lại một lần nữa kiên nhẫn mong chờ sự xuất hiện của gương mặt phúc hậu Ôn Gia Bảo. Nhưng thời gian qua đi, thay cho sự im lặng của thủ tướng Ôn, người ta lại phát hiện một gương mặt khác: Uông Dương – bí thư Quảng Đông.
"Một gương mặt dù nhân từ đến đâu cũng sẽ trở nên nhàm chán nếu người dân không thể bóc tách nó dưới lớp son huyễn hoặc."
“Chúng ta phải vứt bỏ ý tưởng sai lầm cho rằng hạnh phúc của nhân dân là do đảng và chính phủ mang lại” - vào tháng 5/2012, trong một hội nghị của đảng bộ tỉnh Quảng Đông, phát ngôn mang tính chỉ đạo như thế của Uông Dương đã thực sự làm cho những người quan tâm đến chính trường Trung Quốc phải giật mình. Bởi con người đó đã phát ra những lời lẽ còn ấn tượng hơn cả những kiến nghị về cải cách chính trị của thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Cho tới giờ, vẫn không ít người đặt câu hỏi là vào thời gian xảy ra sự kiện Ô Khảm, nếu không có Uông Dương thì không biết Ôn Gia Bảo sẽ làm gì và như thế nào để giải quyết êm thắm làn sóng bất bình chỉ chực chờ biến thành bạo động của nông dân.
Thập niên hoài phí
Là một nhà lãnh đạo có tần suất đề cập đến từ “dân chủ” nhiều nhất, cũng là người dường như nối gót Triệu Tử Dương về chủ trương cải cách chính trị trên phương diện phát ngôn, Ôn Gia Bảo đã từng được kỳ vọng không chỉ từ người dân trong nước mà cả trên chính trường quốc tế.
Tuy nhiên, hệ quả của quá khứ đã làm góp phần làm nên hệ lụy trong hiện tại. Một gương mặt dù nhân từ đến đâu cũng sẽ trở nên nhàm chán nếu người dân không thể bóc tách nó dưới lớp son huyễn hoặc.
Một hệ lụy mà chắc hẳn cá nhân thủ tướng Ôn Gia Bảo không hề mong đợi là chỉ ít tháng trước khi ông mãn nhiệm, tờ New York Times của Mỹ đã tạo nên một chấn động quốc tế khi đăng tải loạt bài về giá trị tài sản của gia đình Ôn Gia Bảo lên đến 2,7 tỷ USD.

Trung Quốc chưa giải quyết được hố sâu phân cách xã hội
Mặc dù ngay sau đó, gia đình ông Ôn đã chuẩn bị thủ tục kiện cáo New York Times, nhưng một hiện tượng lạ lùng là từ tháng 10/2012 đến nay, tờ báo bị coi là “xuyên tạc” kia vẫn không bị hề hấn gì. Và cũng chẳng thấy một vụ kiện tụng nào…
Không những thế, khuôn mặt nhân từ của Ôn Gia Bảo còn bị một số chuyên gia tổng kết bằng hình ảnh “thập niên hoài phí” vào sát thời điểm mãn nhiệm thủ tướng của ông.
Ở Trung Quốc cũng như một số quốc gia Á Đông khác, người ta thường ăn nói thẳng thắn hơn về bản thân họ, hoặc về những ai đó vào thời điểm sát tuổi hưu trí. Có thể với Ôn Gia Bảo cũng không phải là một ngoại lệ.
Từ sau lời tự thuật “dân oán giận chế độ” gây nổi sóng dư luận nhưng lại không được tiếp nối bằng một hành động quyết liệt nào nhằm dẹp phong trào trưng thu đất đai vô lối, hình như Ôn Gia Bảo đã lặng lẽ hơn nhiều.
Thay vào đó, ngày càng có nhiều người tỏ ra công khai trong việc cho rằng trong suốt một thập kỷ điều hành đất nước ở cương vị rất cao, Ôn Gia Bảo đã không để lại một dấu ấn nào đáng kể. Nói cách khác, điều được gọi là gia tài chính trị để lại của ông thực ra chỉ có ý nghĩa như một tặng vật với giá trị quá thấp.
Thế hệ mất mát
Có một nét gì đó khá tương đồng giữa thập niên hoài phí của Ôn Gia Bảo với một dĩ vãng chua chát ở phương Tây sau Thế chiến thứ hai – Thế hệ mất mát.
Từ hàng chục năm qua ở Trung Quốc, khủng hoảng lý tưởng là một đặc trưng của rất nhiều thanh thiếu niên. Một trong những nguồn cơn gây ra sự khủng hoảng đó, và cả khủng hoảng về ý thức hệ, là hố sâu phân cách giàu nghèo.
Vào năm 2011, một tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới là Credit Suisse đã khẳng định một sự thật rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất.
Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010).
Vô tình hay hữu ý, thập niên hoài phí của thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thật gắn bó với cái hố sâu phân cách xã hội được xem là rất khó bề hàn gắn trên.
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
* Tác giả, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, đang sống ở Sài Gòn. Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.

(BBC) 

Gián điệp tin học, Washington phản công Bắc Kinh

Tổng thống Barack Obama và Tom Donilon (phải), cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, Washington, 01/05/2011.
Tổng thống Barack Obama và Tom Donilon (phải), cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, Washington, 01/05/2011. (AFP / Pete Souza)

Khẩu chiến về các vụ tấn công tin học giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn. Hôm qua, 11/03/2013, Washington đã phản công, kêu gọi Bắc Kinh cần có biện pháp ngăn chặn các vụ tấn công tin tặc, hoạt động gián điệp tin học. Hoa Kỳ cũng nhắc nhở cộng đồng quốc tế không nên dung thứ cho những loại hoạt động này.

Khi đề cập đến vấn đề tin tặc và hoạt động gián điệp tin học, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, ông Tom Donilon khẳng định : « Đây không chỉ là mối lo lắng liên quan đến an ninh quốc gia hoặc mối quan ngại của chính phủ Mỹ ». Theo ông, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ nói một cách công khai mối lo lắng của họ về các vụ đánh cắp tinh vi những bí mật công nghiệp trên một quy mô lớn, thông qua các vụ thâm nhập tin học xuất phát từ Trung Quốc.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh : « Bắc Kinh cần đưa ra những biện pháp nghiêm túc để điều tra và xóa bỏ các hoạt động này ». Đồng thời, Hoa Kỳ cũng mong muốn là Trung Quốc tiến hành đối thoại một cách xây dựng để thiết lập các quy định về hành xử có thể chấp nhận được trong không gian internet và tin học.

Ông Donilon kêu gọi cộng đồng quốc tế không thể dung thứ những hành động này, đến từ bất kỳ quốc gia nào.

Ngày 20/02 vừa qua, Nhà Trắng đã công bố một tài liệu, khẳng định sẽ có phản ứng mạnh và nghiêm khắc đối với các vụ đánh cắp bí mật công nghiệp mạng và tin học. Tài liệu cũng nêu ra nhiều ví dụ tình báo công nghiệp có dính dáng đến các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch trên quy mô lớn các vụ đánh cắp bí mật công nghiệp, cho dù công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ xác định là các vụ thâm nhập tin học xuất phát từ một khu nhà ở ngoại ô Thượng Hải.

Đức Tâm (RFI)

Báo Đảng nói về phản biện xã hội

Hiện đang có câu hỏi về 'định hướng xã hội chủ nghĩa' ở Việt Nam

Báo Nhân Dân vừa có bài đả phá các ý kiến phản biện trên mạng mà báo này gọi là "chống Đảng" và "thiếu cầu thị".

Bài viết tựa đề "Khi phản biện xã hội được sử dụng như một 'chiêu bài'!" của tác giả Huỳnh Tấn dường như nhằm vào nhóm các nhân sỹ, trí thức thời gian gần đây đã lên tiếng về nhiều vấn đề, từ các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên tới việc sửa đổi Hiến pháp 92.

Lời giới thiệu của tờ báo, cơ quan ngôn luận của Đảng CSVN, viết: "Ðể thực hành phản biện xã hội với các ý nghĩa tích cực, trước hết có một nguyên tắc cần tuân thủ là phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích".

Bài viết của Huỳnh Tấn cho rằng: "Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một "thư ngỏ", "kiến nghị",... chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi!"

Tác giả nói cáo buộc tác giả của các thư ngỏ và kiến nghị trên rằng "hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!?".

Theo ông Huỳnh Tấn, "nếu cho đó [phản biện] là nhiệm vụ của trí thức, sẽ trở thành hàm hồ".

Đóng góp Hiến pháp

Mới đây nhất, một nhóm nhân sỹ trí thức ở trong nước đã viết kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, gửi lên Quốc hội Việt Nam nhân cuộc đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp ở trong dân.

Văn bản được gọi là Kiến nghị 72, từ con số 72 người chủ xướng, có những cái tên như Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, TS Nguyễn Quang A, TS Lê Đăng Doanh, GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà báo Tống Văn Công...

Những người kiến nghị cho rằng dự thảo hiến pháp hiện đang được trưng cầu ý kiến "chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực".

"Không thể coi là bình thường vì cứ dăm bữa, nửa tháng lại thấy xuất hiện một "thư ngỏ", "kiến nghị",... chủ yếu được công bố trên internet trước khi tới nơi cần gửi!"
Huỳnh Tấn

Họ đề nghị 7 điểm bổ sung sửa đổi cho Hiến pháp 92.

Cho tới nay, bản kiến nghị đã nhận được hàng nghìn chữ ký ủng hộ.
Thế nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị này cũng bị chỉ trích.

Tiêu biểu, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong một phát biểu được các kênh chính thống loan tải, nói: "Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…"

"Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?”

Bài viết trên Nhân Dân hôm 12/3 cũng kêu gọi trí thức phải cân nhắc trước khi cất tiếng nói, "... nhất là về lĩnh vực chính trị, đối ngoại hay đường hướng quốc gia, các lĩnh vực mà Nhà nước tất nhiên có cái nhìn bao quát, tổng hợp và đầy đủ thông tin hơn cá nhân."

Bài viết khẳng định quan điểm "không thể chấp nhận phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, tiến công vào nguyên tắc tổ chức và hệ thống chính trị của xã hội".

Dường như gần đây đang có chiến dịch "đánh" vào Kiến nghị 72 trên báo chí nhà nước.

Tuần trước, báo Đại Đoàn Kết cũng có bài cáo buộc nhiều chữ ký ủng hộ bản kiến nghị là "giả mạo".

(BBC)

Nguyễn Hưng Quốc - Hiến pháp: Con dao hai lưỡi

Các quốc gia trên thế giới có rất nhiều điểm khác nhau. Khác về địa lý. Về diện tích. Về dân số. Về kinh tế. Về văn hoá. Về chế độ chính trị. Về sức mạnh quân sự. Về chỉ số dân chủ, minh bạch cũng như hạnh phúc. Rất nhiều. Hầu như chỉ có một điểm chung dễ thấy nhất: Nước nào cũng có hiến pháp. Không có hiến pháp thành văn thì có hiến pháp bất thành văn (như trường hợp Anh, Israel và New Zealand). Không những phổ biến, hiến pháp còn là một điều khẩn cấp và thiết yếu: Trong thời hiện đại, bất cứ quốc gia mới nào được ra đời - từ nội chiến hoặc từ sự tan rã của chế độ thực dân hay, gần đây, chế độ Cộng sản - cũng đều xem việc viết hiến pháp là một trong những công việc được ưu tiên hàng đầu.

Tính chất phổ biến, khẩn cấp và có vẻ như thiết yếu ấy cho thấy hai mặt tích cực và tiêu cực của hiến pháp.

Tích cực: Hầu như ở đâu người ta cũng nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của hiến pháp.

Tầm quan trọng ấy thể hiện ở mấy điểm chính:

Thứ nhất, hiến pháp là khung pháp lý căn bản nhất để xây dựng cấu trúc của các thiết chế chính quyền với những cơ quan và những chức danh lớn nhất - những nơi có nhiều quyền hành nhất trong một quốc gia.

Thứ hai, hiến pháp là cơ sở tạo nên tính chính đáng của nhà cầm quyền. Nó giống như lễ rửa tội cho một chế độ. Được hiến pháp công nhận, trên nguyên tắc, là được nhân dân trong nước và được quốc tế công nhận. Có thể nói, hiến pháp và việc thực thi theo hiến pháp, làm cho giới lãnh đạo vừa có thẩm quyền (authority) vừa có quyền lực (power).

Thứ ba, hiến pháp là nền tảng và là tiêu chí để dựa theo đó nhà cầm quyền soạn thảo các bộ luật khác nhằm điều hành đất nước cả trong quan hệ đối nội cũng như đối ngoại. Không có nền tảng và tiêu chí chung ấy, không thể có sự nhất quán trong các chính sách; không có sự nhất quán, chế độ không thể có một bản sắc riêng được.

Thứ tư, hiến pháp nêu lên một số lý tưởng và giá trị mà cả dân tộc đồng thuận và theo đuổi không những trong hiện tại mà còn cả trong tương lai. Những lý tưởng và giá trị ấy vừa có chức năng tạo nên bản sắc cho quốc gia vừa có chức năng nối kết các công dân lại với nhau thành một cộng đồng. Chính ý niệm về bản sắc và sự nối kết ấy là những thành tố quan trọng trong việc tạo nên sức mạnh của đất nước.
Thứ năm, hiến pháp là khế ước giữa những người cai trị và những người bị trị.

Trong khế ước ấy, những người cai trị biết được giới hạn quyền lực của mình và những người bị trị chấp nhận vị thế bị trị của mình: Một mặt, họ thừa nhận quyền lực của giới lãnh đạo; mặt khác, họ tự nguyện tuân thủ các quy định trong hiến pháp.

Một hiến pháp lý tưởng, trong một quốc gia dân chủ thực sự, thường bao gồm các yếu tố chính:

Một, nhắm đến mục tiêu chính là giới hạn quyền lực của giới lãnh đạo. Quyền lực bao giờ cũng có khuynh hướng trở thành độc tôn và sẵn sàng chà đạp lên người khác. Hiến pháp được đặt ra, trước hết, là để ngăn chận tình trạng lạm quyền và lộng quyền ấy. Nó ngăn chận bằng cách đặt ra những quy trình đi đến quyền lực, sự phân bố quyền lực, những giới hạn của quyền lực và những sự kiểm soát nghiêm nhặt mà những người có quyền lực phải chấp nhận.

Hai, nhắm đến mục tiêu bảo vệ những người bị trị. Xin lưu ý: Hiến pháp, tự bản chất, được viết là để nhằm bảo vệ những người bị trị chứ không phải bảo vệ những người cai trị. Giới cai trị không cần được bảo vệ: Họ đã có sẵn mọi quyền lực để tự bảo vệ họ. Chỉ có những người bị trị, những người dân thường, những người có quyền (right) và đã ủy thác thẩm quyền (authority) cho những kẻ có quyền lực (power), mới cần được bảo vệ, trước hết và quan trọng hơn hết, bảo vệ quyền sống như một con người, quyền tự do như một cá nhân và quyền ủy thác như một công dân (thể hiện qua việc bầu cử một cách tự do, minh bạch và bình đẳng).

Ba, những giá trị được đề ra trong hiến pháp phải có tính chất phổ quát, nghĩa là đặt trên nền tảng tôn trọng nhân quyền với ba nội dung chính là: tôn trọng sự bình đẳng của con người, tôn trọng quyền tự do của cá nhân và tôn trọng quyền tham gia của mọi công dân trong quá trình điều hành đất nước.

Bốn, nó là một sự chỉ dẫn và cũng là một sự bảo đảm cho một hệ thống pháp quyền (rule of law) thực sự. Quan hệ giữa hiến pháp và pháp quyền là một quan hệ hai chiều: Hiến pháp tăng cường sức mạnh cho pháp quyền và pháp quyền, ngược lại, làm cho hiến pháp có hiệu lực và giá trị. Không có hiến pháp (thành văn hoặc bất thành văn), pháp quyền sẽ không có nội dung cụ thể, từ đó, không có ý nghĩa. Không có pháp quyền, hiến pháp chỉ là những sự tuyên truyền suông.

Ở trên là những ý nghĩa tích cực của hiến pháp. Nhận ra ý nghĩa ấy, trong thời hiện đại, hầu như mọi chính trị gia, một cách thực lòng hay chỉ giả vờ, đều bày tỏ sự quan tâm đến hiến pháp. Đó là lý do chính giải thích tính chất phổ thông, khẩn cấp và có vẻ thiết yếu của hiến pháp ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, chính sự kiện nước nào cũng có hiến pháp, dân chủ có hiến pháp, đã đành; độc tài cũng có hiến pháp, và hiến pháp của họ có khi cũng rất hay, cho thấy là hiến pháp không nhất thiết gắn liền với dân chủ, tự do, nhân quyền và pháp quyền. Bản hiến pháp Mỹ năm 1789 đã trở thành nền tảng để xây dựng chế độ dân chủ ở Mỹ, và từ đó, ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng cũng với các bản hiến pháp dày cộm và đẹp đẽ trên tay, Stalin, Hitler và Mao Trạch Đông đã giết chết cả hàng chục triệu người, không thua kém bất cứ tên bạo chúa khát máu nào trong lịch sử nhân loại, kể cả ở các thời chưa từng có ý niệm hiến pháp. Trong ba người vừa kể, hầu hết các nạn nhân của Stalin và Mao Trạch Đông đều là chính dân chúng nước họ, những kẻ, trên nguyên tắc, được xem là đồng-tác giả của hiến pháp nước họ.

Điều đó cho thấy, một, tuy trên lý thuyết, hiến pháp ra đời cùng với ý niệm dân chủ, nhưng trên thực tế, tự bản thân nó, hiến pháp không là gì cả; và hai, hiến pháp có những mặt tiêu cực: được/bị sử dụng như một công cụ để trấn áp nhân dân.
Hiến pháp được/bị sử dụng cho những mục tiêu xấu như thế nào?

Thứ nhất, nó chỉ nhắm đến mục đích trao quyền nhưng lại làm ngơ trước vấn đề phân quyền và hạn chế quyền lực. Bằng cách ấy, nó chỉ có tác dụng củng cố chế độ độc tài và toàn trị.

Thứ hai, với dân chúng, nó chỉ đặt ra vấn đề bổn phận và trách nhiệm nhưng lại không nhấn mạnh vào các quyền chính trị, xã hội và pháp lý của họ. Bằng cách ấy, nó tước đoạt các quyền căn bản của người dân, biến dân chúng thành những tên nô lệ hiện đại nhằm phục vụ cho giới cầm quyền tham lam và tàn bạo.

Thứ ba, ngay cả khi được viết bằng một thứ ngôn ngữ rất tiến bộ, phù hợp với các yêu cầu chung trên thế giới, nhưng nếu không được thi hành, một bản hiến pháp cũng không có giá trị gì trừ việc trở thành cái cớ pháp lý để chính quyền đàn áp nhân dân.

Trong ba mục tiêu trên, hai mục tiêu đầu có thể được nhìn thấy ngay trên văn bản; mục tiêu thứ ba chỉ có thể được nhìn thấy bằng cách phân tích chu cảnh chính trị (political context) của quốc gia. Ở khía cạnh này, Việt Nam cũng giống hầu hết các quốc gia độc tài khác, thường sử dụng hiến pháp như một cách để biện chính cho quyền lực của mình và để tạo thế chính đáng cho chế độ của mình. Khi họ biết dân chúng đánh mất niềm tin ở họ, khi trong nước càng ngày càng có nhiều người phản đối họ, họ bèn bày vẽ ra chuyện viết lại hoặc sửa đổi hiến pháp, sau đó, thông qua hiến pháp để có thể lu loa với mọi người, trong cũng như ngoài nước, là họ đã được nhân dân ủy thác cả thẩm quyền và quyền lực. Tệ hơn nữa, sau đó, họ có thể sử dụng hiến pháp ấy như một công cụ để trấn áp dân chúng và duy trì sự độc tài của mình.

Nói hiến pháp là một con dao hai lưỡi là vì thế.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 

Lượm tin tức

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
Gạc Ma bất tử (LĐ).
- Phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Khi hàng tiêu dùng Trung Quốc “nhiễm độc” tư tưởng bá quyền (Infonet). “Thông qua hàng loạt việc làm phi lý, không cần thiết, Trung Quốc muốn chứng minh không chỉ bằng tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò phi lý trên Biển Đông mà còn tìm mọi cách, thậm chí mọi thủ đoạn để khẳng định năng lực kiểm soát thực tế không gian của đường lưỡi bò phi lý này”.
- “Giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế” cho Tạ Phong Tần: Bộ Ngoại giao Mỹ không nên làm vậy (VOV).
- Nguyễn Xuân Diên, Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội: Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng – cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước (ĐBND). “Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân che chở, xây dựng. Nhân dân Việt Nam trìu mến gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng ta”, “Đảng là mẹ hiền”…”.
Khi hàng tiêu dùng Trung Quốc “nhiễm độc” tư tưởng bá quyền -Infonet - Dư luận phản đối, đề phòng hàng tiêu dùng Trung Quốc “nhiễm độc” tư tưởng bá quyền vẫn đang trong hồi “sốt nóng”. Đâu đó, ở Việt Nam vẫn có những hành động phản đối,…
Trung Quốc bành trướng vì quá khát tài nguyên - Phunutoday.vn   —-Mỹ muốn hợp tác với Brunei tại Biển Đông - Songmoi.vn
Vì sao Trung Quốc hợp nhất cơ quan hải giám?  (Dân trí)  —Gặp mặt các anh hùng hải chiến bảo vệ Trường Sa 14/3/1988 (Infonet)
Cùng nhau thức tỉnh để giữ nước   (Dân trí) – Ngày 14.3.1988, 64 người lính Việt Nam đã bị quân xâm lược nã súng khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma (Trường Sa). Đã 25 năm qua đi, nhưng nỗi đau này vẫn chưa nguôi, bởi vì từ ngày ấy, một phần xương thịt của Tổ quốc đã rơi vào tay Trung Quốc.
“Thức” gì được- Trong khi số Anh Chị Em chống Trung cộng  xâm lược còn ở trong tù??- Thức mau ở tù hơn ngủ?- Đừng xúi- Tinh thần Bảo vệ Tổ quốc phải nuôi dưỡng khuyến khích…- Cái này như là một cục than đã bị tưới nước cho tắt,chỉ còn một đóm nhỏ,thổi làm sao cho nó hứng đỏ lại!? Cái “tổ quốc XHCN” thì Dân Việt khó mà biết-Chỉ biết Tổ Quốc VN- Đây nè :   Vụ “quảng bá cho Trung Quốc”: Chỉ… kiểm điểm  (DV)

Phát hiện sách dành cho trẻ em in “đường lưỡi bò” 1  <<<===Phát hiện sách dành cho trẻ em in “đường lưỡi bò” (TN)- Thấy chưa? Nó nhất định “huấn luyện” con nít quen dần với Trung cộng là tổ quốc!!!! mất nước rồi!!!! Giáo với dục!!! Não trạng bán nước và làm tôi mọi cho trung cộng đã ăn sâu bám rễ vào dầu của bọn này rồi?? Còn bao nhiêu sách vở giáo dục nữa c như thế này???
Quảng bá thương hiệu bằng bản đồ quên Hoàng Sa, Trường Sa
Quảng bá thương hiệu bằng bản đồ “quên” Hoàng Sa, Trường Sa  (Dân trí) – Trong khi Trung Quốc không nề hà gửi thông điệp chủ quyền phi pháp tại Hoàng Sa, Trường Sa từ các chi tiết nhỏ trong hàng hóa như quả địa cầu, đèn lồng thì một doanh nghiệp khi in logo hình bản đồ Việt Nam lại bỏ quên chủ quyền hợp pháp của tổ quốc.===>>>
Chuyện chưa kể về người nhà giàn giữ biển (Dân Việt) – Ăn trên sóng biển, ngủ gối đầu lên sóng, đối đầu với sóng dữ và bão tố giữa trùng khơi là công việc thường nhật của những người lính nhà giàn DK1 giữ biển cho Tổ quốc.
VN có 5 trong 9 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất Biển Đông - Tiền Phong   —Thủ tướng hội kiến lãnh đạo Lào và Campuchia - (Chinhphu.vn)
iOne.net  -Cuộc sống trong căn nhà vỏn vẹn 2 m2 giữa Sài Gòn    –Cơ cực nghề mò cua bắt ốc (NV)
Tả hữu loạn đao (Nguyễn xuân Nghĩa -Nguoiviet) -  …Nhìn từ bên ngoài, trận đánh giữa hai phe tả hữu trong chính trường Hoa Kỳ cho thấy những rắc rối bất ngờ khi người ta cứ nói đến sự can thiệp của Mỹ vào nội tình xứ khác. Với cánh tả rất đắc lực, nguy cơ đế quốc của nước Mỹ là điều xa vời. Và hy vọng dân chủ cho xứ khác nhờ tác động của Mỹ là chuyện hão huyền!..
Lằn ranh pháp lý của một viên đạn (LĐ)  —Cho phép bắn kẻ chống người thi hành công vụ: Không nên điều chỉnh bằng nghị định (LĐ)
Thông điệp bất ngờ với phạt xe, phạt mũ và thông tư “rùa”  (Dantri)
Lại một phát ngôn “ấn tượng” gây sốc    (Dân trí) – “Chém gió” và kể cả “chém bão” về những chuyện vô thưởng vô phạt có thể làm không ít người khó chịu, nhưng dù sao cũng chẳng hại tới ai. Nhưng khi mang trên mình trọng trách, lại phát biểu trước hội nghị thì phương châm “lựa lời mà nói” rất không thừa! >>  Phó Cục trưởng Cảnh sát: “Một số phóng viên bị thiểu năng” (!)
Bỏ rơi nông dân trong quy hoạch đất đai (DV) -Hà Nội: Bức xúc vì dự án nhà ở thiếu đủ thứ (Infonet)

Nguyên PCN Uỷ ban KTTƯ: Vị Cục phó của Bộ Công an nên xin lỗi báo chí (GDVN)
Nguyên GĐ Ban điều hành công trình thủy điện Sông Tranh 2 lĩnh án tù (GDVN)
Tuần tra bằng… xe đạp (NLĐ) -Để bám địa bàn sâu sát, gần gũi dân hơn, các chiến sĩ cảnh sát khu vực ở TP Đà Nẵng đã tuần tra bằng xe đạp. Hình ảnh mới mẻ này tạo được nhiều thiện cảm trong lòng dân
Đi không được, ở không yên (NLĐ) –  Liên quan dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm, người dân bức xúc vì giá đền bù không thống nhất; nhiều người sau khi được tái định cư, thiếu sinh kế đã phải quay về nơi ở cũ
Tổ quốc cao hơn Nhà nước và Chế độ  -Tiến sỹ Nguyễn Vân Nam -Gửi tới BBC từ Sài Gòn -…Tên Tổ quốc chỉ giản dị cho biết đó là Tổ quốc của dân tộc nào, ai có nguồn cội từ đâu. Trong quá trình Toàn cầu hóa, Nhà nước có thể mất đi, nhưng Tổ quốc sẽ vẫn luôn tồn tại…
RSF gọi VN là ‘kẻ thù của internet’ (BBC) – Tổ chức Phóng viên không Biên giới nói Việt Nam nằm trong 5 quốc gia theo dõi internet một cách nghiêm ngặt nhất.
‘Thiếu cầ̀u thị’ (BBC) -Tờ Nhân Dân nói có phản biện ‘chống Đảng’ và ‘thiếu cầu thị’.
Ông Thăng thôi phạt xe không chính chủ? (BBC) – Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói sẽ rút Thông tư 11 về phạt xe không chính chủ vì ‘tính khả thi không cao’.
Hoa Kỳ : Hội thảo về nguy cơ Biển Đông biến thành bom nổ chậm (RFI)   —RSF xếp Việt Nam vào nhóm 5 Nhà nước kẻ thù của internet (RFI)
Việt Nam bị xếp vào danh sách “kẻ thù của Internet” (RFA) –VN bị chỉ trích tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (RFA)
Động cơ cá nhân hay nhiệt tình cách mạng? (RFA) -Bài viết mang tên “Sự ngụy tạo có chủ đích” trên báo Đại Đoàn Kết hôm 9 tháng 3 vừa qua đã quy chụp nhóm Kiến nghị 72 là ngụy tạo chữ ký của người ghi danh đang khiến dư luận mạnh mẽ phê phán.

Ðề nghị chế tài Việt Nam vì nạn buôn lậu sừng tê giác (VOA)   —Bệnh da liễu lạ gây tử vong 1 người ở miền trung Việt Nam (VOA)


KINH TẾ
VĂN HÓA-THỂ THAO
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
- Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh PGS.TS, NGƯT Đinh Xuân Khoa: Nên giữ nguyên phương án xác định điểm sàn như hiện nay(GDTĐ).
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
QUỐC TẾ
Triều Tiên đòi xóa sổ đảo Baengnyeong của Hàn Quốc
Mỹ – Hàn rầm rộ tập trận ‘trảm’ lãnh đạo Triều Tiên? - TPO  —AK có hộp tiếp đạn khủng của Triều Tiên (ĐV)  -Từ 70 đến 100 viên đạn ( Băng AK 47 hay 74 chỉ có 30 viên )
Triều Tiên đòi “xóa sổ” đảo Baengnyeong của Hàn Quốc (Infonet) – ===>>>
Kim Jong-Un đòi “cắt đứt” khí quản kẻ thù (NLĐ)   —-Trung Quốc hay Mỹ muốn 2 miền Triều Tiên thống nhất? (ĐV)  —Nhật bản “thất vọng” vì Trung Quốc không dự lễ tưởng niệm sóng thần (Dantri)

Tàu ngầm Mỹ trang bị vũ khí hạt nhân sẽ bảo vệ Hàn Quốc (GDVN)   —-Chosun: Kim Jong-un có khoảng 4-5 tỉ USD trong tài khoản (GDVN)
Hoa Kỳ tăng cấm vận đối với Bắc Hàn (BBC) –  Chính phủ Mỹ vừa áp dụng cấm vận lên ngân hàng ngoại tệ chính của Bắc Hàn và trừng phạt bốn quan chức của Bình Nhưỡng.
Ôn Gia Bảo – một thập niên hoài phí (BBC) -Ông Phạm Chí Dũng (Saigon) bình về thủ tướng – diễn viên họ Ôn của Trung Quốc.

Ngải Vị Vị ra đĩa nhạc rock (BBC) -Nghệ sỹ Ngải Vị Vị cho biết sắp ra một đĩa nhạc đầu tay mang hơi hướng heavy metal

Chiến hạm USS Freedom (LCS 1) của Mỹ đã đến châu Á – TBD (GDVN)   —Mỹ yêu cầu Trung Quốc “dẹp loạn” tin tặc (NLĐ)
99,8% cư dân quần đảo Falklands chọn thuộc về Anh (TT)   —Châu Âu cứng người trong băng tuyết phủ trắng (TT)
Nhà ngoại giao bị tóm cùng 37 kg vàng (VnEx) -Một nhà ngoại giao cấp cao của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất vừa bị bắt tại sân bay quốc tế ở New Delhi, Ấn Độ vì cáo buộc buôn lậu 37 kg vàng trang sức.
Các hồng y sắp bầu tân Giáo hoàng (BBC) –   —-Vatican – thần quyền ở thế kỷ 21 (BBC)
Thế là đa đảng (BBC) -Indonesia đi qua các thời kỳ từ độc lập, độc tài tới đa đảng.
Gián điệp tin học, Washington phản công Bắc Kinh (RFI)
Ủy ban điều tra Miến Điện lên án việc dùng phốt pho chống biểu tình(RFI)   —Miến Điện đề nghị xúc tiến dự án mỏ đồng gây tranh cãi VOA)
Lãnh đạo BTT nêu đích danh một hòn đảo của Hàn Quốc để tấn công(RFI)   —Mỹ trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương Bắc Triều Tiên (RFI)

Nam Triều Tiên: Ðe dọa của lãnh tụ miền Bắc là ‘tâm lý chiến’ (VOA)

Singapore chuẩn bị mua một loạt chiến đấu cơ F-35(RFI)   —Căng thẳng Nhật-Trung sẽ đi đến đâu ?(RFI)