Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Chấn động nghị trường: 20 tỉ USD hàng TQ lọt vào VN không qua kiểm soát

nguồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/chan-dong-nghi-truong-20-ty-usd-hang-tq-lot-vao-vn-khong-qua-kiem-soat-338617.bld

(LĐO) Anh Đào

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương sáng nay 8.6 đã có bài phát biểu chấn động nghị trường về “một con số khổng lồ” trong thâm hụt thương mại VN - TQ, về một nền kinh tế ngầm và về “chiếc áo bảo vệ” nền kinh tế đang rách.

63,7 tỉ USD hàng hóa, cao hơn đến 45% so với công bố
Công bố hàng loạt số liệu chính thức về thâm hụt thương mại VN - TQ theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), theo ông Tín, sự mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với TQ là việc chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều nhưng chưa có giải pháp hiệu quả.
Nhưng vấn đề lớn hơn, nguy hiểm hơn đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở con số thâm hụt thương mại đó mà là “chênh lệch XNK giữa số liệu thống kê giữa tổng cục thống kê 2 nước. Chênh lệch này cho thấy khuynh hướng ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khẳng định.
Bóc riêng số liệu 2014, theo TCTK Trung Quốc thì TQ nhập khẩu từ VN 19,4 tỉ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của TCTK VN. Về xuất khẩu, TQ xuất vào VN 63,7 tỉ USD cao hơn đến 45% so với con số TCTK VN công bố.
Có nghĩa là riêng 2014, thâm hụt thương mại VN với TQ là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 29,8 tỉ mà chúng ta công bố. Một khoản chênh lệch gần 15 tỉ USD. Cũng có nghĩa là nhập khẩu từ TQ chiếm tới 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của VN chứ không phải là 30% như con số chúng ta công bố.
Xuất lậu - đó là tài nguyên khoáng sản
Là một tiến sĩ kinh tế, ĐBQH Mai Hữu Tín nói sự khác biệt về thống kê giữa các nước là bình thường, do sự khác biệt về thống kê tỉ giá, về chi phí vận chuyển, bảo hiểm…
Nhưng dẫn số liệu từ TCTK VN, chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm 6,6% tổng kim ngạch XNK. Với 2 nước láng giềng có chung biên giới rất dài thì chi phí về vận chuyển và bảo hiểm không thể lớn hơn con số 6,6% này được. Do vậy, nếu VN ghi nhận 19,4 tỉ USD nhập khẩu từ TQ thì con số TQ ghi nhận nên vào khoảng 15,9 tỉ USD. Nhưng con số TQ ghi nhận lại là 19,9 tỉ USD, cao hơn 4 tỉ. Nếu 2 nước còn có các hoạt động tiểu ngạch ở biên giới chưa được ghi nhận đầy đủ và chắc chắn cũng chiếm một phần trong khác biệt 4 tỉ USD này.
Nhưng phần còn lại là gì? Chỉ có thể giải thích là phần lớn trong số hàng hóa VN xuất khẩu lậu sang TQ. Tại sao lại có xuất khẩu lậu trong khi chúng ta hết sức khuyến khích XK với hầu hết các mặt hàng XK có thuế suất bằng 0% và DN xuất khẩu được hoàn thuế GTGT? Lời giải thích hợp lý kế tiếp chỉ có thể là: Đó là loại mặt hàng VN cấm XK hoặc XK phải chịu thuế. Theo tôi, đó là tài nguyên khoáng sản của VN.
Kinh tế ngầm riêng 2014 đã trị giá 20 tỉ USD
Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu từ TQ mà VN ghi nhận lẽ ra phải cao hơn giá trị mà TQ ghi nhận, nhưng số liệu nhập khẩu VN ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía TQ vào khoảng 20 tỉ USD chỉ tính riêng trong năm 2014. Đó là một con số khổng lồ. Tức là riêng 2014, chúng ta có hơn 20 tỉ USD hàng hóa TQ lọt vào VN không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng. Đó là các loại hàng hóa quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, điện thoại di động…
Như vậy, nếu sử dụng số liệu XNK với TQ theo số liệu của Tổng cục TK TQ để tính lại cán cân thương mại với các nước thì chúng ta chưa từng xuất siêu kể từ năm 2012- 2014 như đã công bố, mà tiếp tục nhập siêu trong suốt 20 năm qua với con số nhập siêu 2014 lên đến 13 tỉ USD. Con số nhập siêu không chính thức này, theo chúng tôi biết, đang tăng rất nhanh trong những tháng đầu 2015.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, số lượng hàng hóa nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lên tỉ giá đồng tiền Việt Nam mà đang hết sức cố gắng giữ ổn định.
ĐBQH Mai Hữu Tín cho rằng chúng ta có thể không tin tưởng tuyệt đối vào các số liệu thống kê từ phía TQ, nhưng ở một giác độ nào đó, chính Trung Quốc đã tính giùm chúng ta giá trị của kinh tế ngầm với họ. Chúng ta không thể không tính đến phần kinh tế ngầm này khi thiết kế các chính sách.
Một nền kinh tế quốc gia dù mở hay hội nhập đến thế nào cũng cần có một tấm áo giáp bảo vệ hiệu quả và vững chắc để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các DN và bảo vệ người tiêu dùng. Có vẻ như với VN chúng ta, chiếc áo giáp này đang rách, nếu như không nói rách càng nhiều trong giao dịch với phía TQ - ông Mai Hữu Tín nói.