Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Học luật và làm chính trị

Trương Tự Minh (lược dịch) – Theo cách nghĩ thông thường, đích đến cuối cùng của người học luật là trở thành luật sư. Thế nhưng, những kỹ năng và phương pháp tư duy mà trường luật trang bị cho sinh viên cũng có thể được vận dụng rất tốt cho các nghề nghiệp thuộc lĩnh vực khác, trong đó có chính trị. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama học luật tại ĐH Harvard (Mỹ) từ 1988 đến 1991, và là tổng biên tập da đen đầu tiên của tạp chí luật Harvard Law Review danh tiếng ngay từ năm thứ nhất. Ảnh: npr.org
Tổng thống Mỹ Barack Obama học luật tại ĐH Harvard (Mỹ) từ 1988 đến 1991, và là tổng biên tập da đen đầu tiên của tạp chí luật Harvard Law Review danh tiếng ngay từ năm thứ nhất. Ảnh: npr.org
Không cần phải chứng minh thì đa số đều đồng ý rằng trong các ngành nghề, luật sư luôn có mặt ở tốp đầu những lựa chọn nghề nghiệp. Thực tế trên cũng là điều dễ hiểu khi thu nhập của những người hành nghề luật thường xếp trên mức bình quân của xã hội. Thêm vào đó, người luật sư thường được gắn với hình ảnh của sự thành công, học vấn uyên bác và tài ăn nói khéo léo, vì vậy từ trước đến nay các “thầy cãi” vẫn được xếp ở nhóm nghề có địa vị danh giá.
Dẫu vậy, nghề luật sư vẫn có những cái giá của nó. Đổi lại thu nhập hàng tháng đáng mơ ước là thời gian làm quá tải và áp lực rất cao từ công việc. Các luật sư thường không lạ gì với những tối phải đem việc về nhà làm, những cuối tuần không nghỉ hay các buổi gặp khách hàng vào những giờ “trái khoáy”. Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, một phần ba luật sư nước này làm việc trên 50 tiếng mỗi tuần. Thời gian dành cho công việc chiếm quá nhiều quỹ thời gian trong ngày, sức ép từ những vụ kiện tụng, môi trường cạnh tranh khắc nghiệt cùng nhiều yếu tố khác đã khiến luật sư là một trong những nghề có mức độ áp lực cao nhất. Tình trạng trầm cảm hay thậm chí xu hướng tự tử khá phổ biến ở những người làm nghề luật, và theo một khảo sát từ Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association), có 44 % luật sư trả lời sẽ không khuyến khích các bạn trẻ chọn theo nghiệp mình.
Đừng lo lắng nếu viễn cảnh ngán ngẩm trên làm bạn phải suy nghĩ lại dự tính theo học trường luật. Bởi ngoài con đường đi vào các hãng luật, vẫn có những lựa chọn nghề nghiệp khác dành cho các cử nhân luật. Những kỹ năng bạn có được trong những năm học luật có thể được vận dụng rất tốt cho một số công việc khác. Nhiều người theo học trường luật vì niềm tin vào sự công bằng và một trách nhiệm cộng đồng mạnh mẽ, và đó cũng là những giá trị thường thấy ở các chính trị gia.
Truyền thống song hành của luật và chính trị
Nhìn ra thế giới, rất dễ nhận thấy không ít chính khách các nước từng tốt nghiệp trường luật hay hành nghề luật sư. Ở Mỹ, trong số 44 vị tổng thống của nước này đã có đến 30 người xuất thân gốc luật học, trong đó nổi bật có thể kể đến Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Richard Nixon hay Gerald Ford. Nếu tổng thống thứ 42 của Mỹ, Bill Clinton, cùng vợ ông là cựu ngoại trưởng Hilary Clinton từng gặp và phải lòng nhau trong những ngày lui tới thư viện ở trường luật Đại học Yale đầu những năm 1970, thì năm 1990, tạp chí Harvard Law Review đánh dấu một cột mốc lịch sử khi Barack Obama – tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ – trở thành sinh viên da màu đầu tiên giữ chức tổng biên tập sau 104 năm.
Cả vợ chồng nhà Clinton lẫn cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đều xuất thân từ những trường luật hạng nhất. Ảnh: nbcwashington.com
Cả vợ chồng nhà Clinton lẫn cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đều xuất thân từ trường luật. Ảnh: nbcwashington.com
Ở Anh, cựu thủ tướng Tony Blair từng có 8 năm hành nghề luật sau khi ông tốt nghiệp Đại học Oxford. Số lượng các chính khách có xuất thân luật học ở nhánh lập pháp nước này cũng chiếm một tỷ lệ đáng chú ý. Theo số liệu do Quốc hội Anh công bố vào năm 2010, khoảng 14% thành viên Quốc hội trước khi tham gia nghị trường đã có nhiều năm đến tòa tranh tụng hay tư vấn tại các hãng luật.
Tư duy phản biện và tầm nhìn bao quát
Trên tờ The Guardian, Megan Carrick, một sinh viên luật đang theo học tại Đại học Kent (University of Kent)  ở Anh, cho biết: “Học luật giúp bạn biết cách hệ thống hóa các lập luận, có tư duy phản biện và biết cách đánh giá các chính sách – những kỹ năng đáng giá cho những ai theo nghiệp chính trị.”
Đứng trước một chính sách hay một đạo luật, Megan cho rằng tư duy của người học luật mang đến sự nhạy bén và linh hoạt trong cách hiểu và áp dụng luật vào hoàn cảnh xã hội cụ thể.  Theo cô, đó là yếu tố quan trọng để giúp nhìn ra khả năng cũng như những giới hạn trong chính trị.
Joe Chambers, một sinh viên luật cũng đến từ Đại học Kent, thuộc nhóm những người học luật nhằm chuẩn bị cho một sự nghiệp chính chính trị. Giải thích cho lựa chọn trên, Joe nói ngành mình đang theo học giúp anh có cái nhìn bao quát hơn về bối cảnh chính trị – xã hội đối với một đạo luật, thay vì chỉ chăm bẵm một cách chi li vào nội dung quy định pháp luật.
Đồng ý với quan điểm của Megan, Joe chia sẻ: “Trong quá trình phân tích luật, tôi đã hiểu cách luật được viết, diễn giải và áp dụng như thế nào”. Học luật không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của một quy định hay một đạo luật, mà đó còn là việc biết đặt ra những câu hỏi phản biện như vì sao chúng được làm ra và có thể làm gì để các quy định pháp luật được tốt hơn.
Bộ óc khách quan và tài tranh biện
Bên cạnh đó, với tư duy của một người học luật, bạn còn được rèn luyện kỹ năng tiếp cận vấn đề bằng lập luận từ cả hai phía. Để làm rõ hơn cho lợi ích trên, Sam Foulder-Hughes – du học sinh người Đức, hiện đang là sinh viên luật năm nhất Đại học Birmingham – nói: “Khi học luật, bạn cũng sẽ học cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan mà không để quan điểm cá nhân làm ảnh hưởng. Đó là một kỹ năng rất cần thiết, đặc biệt trong lúc này khi sự tức giận và sợ hãi dường như đang chi phối chính sách của những đảng chính trị lớn”.
lky-wife
Nhà sáng lập ra Singapore hiện đại, Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) và vợ ông, Kwa Geok Choo, đều tốt nghiệp từ trường luật Cambridge (Anh quốc) sau Thế chiến II. Ảnh: mothership.sg
Khi các cử nhân luật bước vào sân chơi chính trị, một lợi thế khác mà họ có được là việc nắm rõ cách thức tổ chức, cơ cấu, quyền hạn cũng như chức năng của quốc hội và chính phủ. Chưa kể những giờ tranh luận trên lớp ở trường luật còn trang bị cho bạn sự tự tin, khả năng trình bày trước công chúng cùng các thủ thuật sắp xếp lập luận sao cho thuyết phục người nghe một cách hiệu quả.
Nên bắt đầu từ đâu?
Làm việc cho các chính khách là một xuất phát điểm khôn ngoan nếu bạn đã xác định theo đuổi sự nghiệp chính trị lâu dài. Ở các nước như Mỹ, Anh, Úc, Nhật, nhiều cử nhân luật chọn làm việc trong bộ phận pháp lý tại văn phòng của các nghị sĩ. Công việc ở bộ phận này bao gồm việc nghiên cứu, tổng hợp luật – chính sách và tư vấn pháp lý hỗ trợ các nghị sĩ. Với những hoạt động trên, rõ ràng một ứng viên tốt nghiệp từ trường luật sẽ giành được lợi thế đáng kể.
Ở Việt Nam, bên cạnh hướng đi là các hãng luật, một số sinh viên sau khi tốt nghiệp trường luật chọn công tác trong lĩnh vực tư pháp thuộc cơ quan nhà nước. Đây cũng là một khởi điểm cho những ai dự tính con đường chính trị.
Từ trước đến nay luật sư luôn là một nghề danh giá. Tuy nhiên, niềm đam mê luật học vẫn mở ra nhiều hướng đi nghề nghiệp đa dạng. Nếu là người tin vào công lý và mong muốn thay đổi để đóng góp cho cộng đồng, xã hội, làm chính trị có thể là một lựa chọn dành cho bạn.
Lược dịch từ bài viết A Law Degree Could Launch Your Career in Politics (The Guardian)