Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Tin thứ Tư, 08-08-2012

Nguyễn Văn Linh
Nguyễn Văn LinhNTT: Còn nhớ 25 năm trước, sáng nào người dân cũng chờ mua báo Nhân Dân để được đọc bài của N.V.L. N.V.L lúc đó được cho là bút danh của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, chuyên chỉ ra những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong lãnh đạo để phê phán, bài trừ. Loạt bài của N.V.L đã làm thay đổi tư duy cả hệ thống lãnh đạo cũng như dân chúng, mở ra giai đoạn mới dám nhìn thẳng vào sự thật. Cái bút danh viết tắt ấy được dân chúng dịch là “Nói Và Làm”, rồi về sau cũng có người dịch xấu đi “Nói Và Lờ”. Nhưng cứ nhớ lại những bài báo ngắn hừng hực tinh thần Sự Thật ấy, lại nghĩ thời nay, có nhà lãnh đạo nào dám viết như thế, như TBT Nguyễn Văn Linh đã viết nữa không? Mời bạn xem lại một bài ngắn của ông đăng trên báo Nhân Dân ngày 10.1.1987:

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

Sau vài bài đầu cũng “Những việc cần làm ngay” có đồng chí khuyên tôi nên thôi, vì lo: Những bài tôi viết sẽ không được hưởng ứng, lúc đó mới thôi viết, thế là đánh trống bỏ dùi, đã vô ích lại mất tín nhiệm.
Sợ tôi làm sao biết hết, biết thật đúng mọi việc, sẽ có sự đôi co phản tác dụng. Hoặc viết ít bài rồi hết đề tài, sẽ cùng là một thứ đánh trống bỏ dùi. Mới nói những việc nhỏ, ắt có sự không bằng lòng, cho rằng chỉ nhằm từ vai xuống, còn đầu thì chưa, hay không dám.
- Cũng có người có trách nhiệm đã chỉ trích biết bao nhiêu việc cần làm, sao lại phải hăng hái chống tiêu cực?
Vài trărn tấn tỏi mấy vị mang hộ chiếu ngoại giao đi buôn… có gì là ghê gớm. Phê và tự phê công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của lãnh đạo… (có lẽ cũng nên xem xét kỹ động cơ và thái độ của cách đặt vấn đề theo kiểu này).
Đành trái lời khuyên, tôi vẫn viết tiếp vì thấy cần quá. May thay: chỉ vài ngày sau, dư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, đáng khâm phục:
- Nhiều Bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc nói về ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo, với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công luận cao.
- Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp ủy cũng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù lớn che chở. Cấp ủy, ủy ban và các đoàn thể đã xử lý nghiêm cả về mặt Đảng và đem truy tố trước pháp luật.
Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực. Mong rằng chúng ta sẽ làm theo đúng tinh thần của nghị quyết, và cũng là tinh thần câu châm ngôn cổ truyền của dân tộc: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
N.V.L sẽ vẫn tiếp tục viết, và mong muốn cán bộ từ Trung ương xuống đến cơ sở, mong đồng bào trong và ngoài Đảng tới đây sẽ tham gia ngày càng đông đảo cùng viết cùng phanh phui những việc mà N.V.L tôi không tài nào biết hết và biết chi tiết được. Việc thôi không đủ, các cấp lãnh đạo phải xử lý nghiêm minh và công bằng mới được. Ai xấu quá thì phải trừng trị. Ai có lỡ lầm nhỏ nhưng thực lòng cải hối thì giáo dục lại thành người tốt. Khuyên nhau làm việc tốt, tôn trọng kỷ luật, pháp luật.
Những việc này phải chung tay mà làm một cách kiên trì mới thành công được. Phải vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Dạy bảo, phê bình nhau với động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao.
Báo chí từ Trung ương đến địa phương, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình tiếp tục là diễn đàn chung của Đảng và của nhân dân, là công cụ để thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là phương tiện thông tin tới mọi người dân thường, chẳng những thành thị mà phải đưa sâu vào nông thôn, những nơi xa xôi hẻo lánh, trong đồng bào Kinh cũng như đồng bào các dân tộc. Ánh sáng trong lành phải được lan rộng, đẩy lùi và xua tan bóng tối.
N.V.L
(Báo Nhân Dân ngày 10 tháng 1 năm 1987)

Lại "xẻ thịt" công viên

Mấy ngày qua tại cổng vào  Công viên Nghĩa Đô (thuộc Quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang diễn ra cảnh vô cùng phản cảm khi  2 chiếc máy ủi kiêm máy xúc cỡ lớn và gần 100 công nhân phá nát toàn bộ góc bên trái cổng chính vào công viên vốn đã được quy hoạch hợp lý đang xanh tươi, sạch đẹp. Một tường bao được dựng lên  quanh khu đất hơn 3000mét vuông "đắc địa" nhất của công viên này. Chỉ trong hai ngày đầu, người ta đã kịp phá nát toàn bộ các bồn hoa cây cảnh, chặt nhiều cây to,  tháo bỏ hơn 20 cột đèn chiếu sáng đúc bằng gang còn rất tốt, vứt bỏ mấy chục ghế đá và các trang thiết bị khác, đồng thời tập kết tại đây rất nhiều xi măng, gạch cùng hàng đống đất phế thải bẩn thiểu đưa từ nơi khác đến. 




việc đầu tiên là xây tương bao chiếm đất










Đây hẳn phải là một công trình xây dựng mới hoàn toàn chứ không phải “cải tạo” như có người nói. Những người dân thường ngày dạo bộ, tập thể dục dưỡng sinh hoặc nghĩ ngơi trong công viên thấy cảnh tượng này không khỏi xót xa. Nghe nói “đang xây khu vui chơi giải trí cho trẻ em”... nhưng mọi người đều  bất bình trước việc tàn phá lãng phí như vậy. Nhiều người suy đoán đây là “ý đồ kinh doanh” là chính. Nếu vì trẻ em thì tại sao không xây tại các khu dân cư? Hay vì xây nhà để bán hết đất rồi, giờ lại chiếm đất công viên để kinh doanh dịch vụ?  Còn lạ gì cái trò "mèo trắng mèo đen miễn là kiếm được tiền" của các nhóm lợi ich câu kết với nhau. Xung quanh công viên này đã có ít nhất hai khu đất rộng bị lạm dụng cho thuê làm quán nhậu; bên trong công viên đang có 2 ki-ốt và 1 sạp trò chơi có bán vé rồi, chưa đủ sao?
Cột đèn bị đào lên trước khi san bằng bãi cỏ
Một cây tobị đốn hạ

Nhiều cây bị chặt



Được biết Công viên Nghĩa Đô là một trong số ít ỏi công viên cây xanh đúng nghĩa của nó còn sót lại tại Thủ đô Hà Nội (trong khi các công viên khác đều bị “dịch vụ hóa” và “thương mại hóa “). Phải chăng giờ đây người ta lại đang “xẻ thịt” nốt công viên Nghĩa Đô?  Thiết nghĩ  các nhà chức trách thừa biết rằng đã là công viên cây xanh thì không thể chứa đựng bên trong nó những khu dịch vụ kinh doanh. Và công viên cũng là một công trình kiến trúc công cộng không thể muốn thay đổi thế nào cũng được (?). Hơn nữa trong lúc kinh tế đang suy thoái mọi công trình xây dựng đều phải tính đến yếu tố tiết kiệm giảm chi phí không cần thiết. Vậy tại sao không tập trung kinh phí để sửa chữa  các lối  đi và hạng mục khác đang xuống cấp của công viên , lại đi phá bỏ những hạng mục đang xanh  tốt như vậy? 
Là một cư dân đã từng tham gia “lao động XHCN” đào hồ và xây dựng công viên trong những ngày đầu của nó, tôi thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng kêu cứu cho số phận của công viên Nghĩa Đô bằng cách nêu một số ý kiến trên. Để làm bằng chứng xin cung cấp một số hình ảnh tôi mới chụp tại hiện trường . Xin khẩn thiết đề nghị các nhà chức trách hữu quan hãy kịp thời ngăn chặn việc làm sai trái nói trên./.     

Ghi chú: Nội dung trên đây cũng đã được đủa tại Báo Nông nghiệp VN: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/48/48/99040/Ha%CC%83y-cu%CC%81u-la%CC%81y-cong-vien-Nghi%CC%83a-Do.aspx