Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nước ta không cần chữ "Đấu", mà cần chữ "Hòa": HÒA BÌNH, HÒA HỢP, HÒA THUẬN, HÒA GIẢI & Một vài suy nghĩ về học thuyết Mác-Lênin

Trần Quốc Vượng - Nước ta không cần chữ "Đấu", mà cần chữ "Hòa": HÒA BÌNH, HÒA HỢP, HÒA THUẬN, HÒA GIẢI

Trần Quốc Vượng
Theo blog Nguyễn Hồng Kiên

Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ XX.
Tạm bỏ qua một bên mọi sự "giải thích", nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân, bành trướng, thiên tai, địch họa, chiến tranh, cách mạng; nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắm vận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v... tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này...
Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế...
Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa, nào Bắc / Nam, nào Cộng sản / không Cộng sản...
Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.
Với biết bao hệ lụy của một cuộc chiến kéo dài, buộc ràng tới 3 thế hệ người Việt Nam (và rất nhiều quốc gia liên đới), lạ một điều (mà sao lại là lạ nhỉ?), là từ "người thua" đến "kẻ thắng", giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustration), nói nôm na mà MẤT MÁT.
Trước hết là NGƯỜI DÂN THƯỜNG.
Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa... bị kẻ hải tặc khốn kiếp dày vò làm nhục!
Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương!
Người ở lại, hàng chục triệu nông dân bỗng dưng cảm thấy mất đất, không có quyền tự do hành xử trên "mảnh đất ông bà", trong khuôn viên do chính tay mình tạo dựng; hàng triệu công nhân mất việc, thất nghiệp hay bị kém sử dụng (sous-emploi), sống ngất ngư, lây lất qua ngày...
Trí thức, thì tản mác, bị lãng phí thảm hại, trừ một số rất ít kẻ xu thời (đời nào chẳng có?), người nào cũng cảm thấy mất tự do tư tưởng và sáng tạo.
Một tình trạng như thế, chỉ có lợi cho lũ gian manh. Một cuộc "đổi đời" kỳ cục như thế, mà nếu cứ nhất định muốn gọi nó, muốn gọi đó, là "cách mạng", thì là một cuộc cách mạng đã mất phương hướng. Phương hướng là cái tiêu ngữ trên mỗi đầu trang giấy, từ sau Tháng Tám 1945: ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.
Cho nên phải nghĩ lại, phải bình tâm mà nghĩ lại, nói theo thời thượng từ giữa thập kỷ 80, là phải ĐỔI MỚI TƯ DUY.
Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được / phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình...) và phải / được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.
Tôi rất thân và rất quí Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là "Tôi đã sống như một con thú". Con thú làm sao mà biết viết, biết in "Tướng về hưu", "Phẩm tiết"...?
Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái "ý tại ngôn ngoại" của anh: Cái mặt bằng kinh tế xã hội của một Việt Nam hiện nay trên đó "anh phải sống", sự ràng buộc của "cơ chế"? v.v...
Tôi nhớ lại, ngày 12/01/1983, trong buổi họp kỷ niệm 40 năm ra đời "Đề cương Văn hoá Việt Nam", ông Trường Chinh (tác giả chính của cái "Đề cương" đó) đã nói với các "nhà khoa học xã hội" Việt Nam: "Nếu không có một điều kiện tối thiểu về vật chất để sinh sống thì con người có thể trở thành con thú! "
Điều đó chẳng có gì mới lạ, vì bằng kinh nghiệm nghiệm sinh, nhiều nhà trí thức chúng tôi đã nghĩ và nói thế từ lâu. Điều mới và lạ, là cho đến tận lúc ấy, một vị lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam mới nói ra như thế!
Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo? Đói tự do tư tưởng cũng có thể trở thành con thú!
Vì con thú, như con trâu, con bò, dù có no cỏ thì cũng chỉ biết theo đuôi! Theo đuôi con đầu đàn!
Bao năm qua, có biết bao con người Việt Nam chỉ biết theo đuổi kẻ cầm quyền, hoặc khốn khổ thay, là chỉ được theo đuôi người lãnh đạo và lại được "khen" là "có ý thức tổ chức, kỷ luật" và vì vậy được vào Đảng, được "đề bạt" làm kẻ "cầm quyền" bậc sơ trung cấp, để, nói cho cùng, cũng chỉ thành kẻ "chấp hành", "thừa hành", nhưng có được chút "quyền": Dối trên và nịnh trên, lừa dưới và nạt dưới!
Tôi nhớ lại, khoảng mười năm trước đây, một người học trò và là bạn trẻ của tôi, trước khi đi Nga làm luận án Phó tiến sĩ sử học, trong buổi "tiệc bia" tiễn biệt thầy trò, bè bạn, đã ngỏ với tôi lời "khuyên" tâm sự: - Nếu như thày mà cũng "đầu hàng cơ chế" nữa là bọn em mất nhờ đấy!
Anh ấy ở Nga 4 năm, về nước với bằng xanh phó tiến sĩ, thẻ đỏ đảng viên và, gia nhập "cơ chế", trở thành "người lãnh đạo" của tôi hôm nay! Tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chọn lựa cho mình một hướng đi: Gia nhập "Câu lạc bộ những người thích đùa". Tôi thường nói đùa như người Hà Nội vẫn thường đùa, anh ấy: - Cậu là đảng viên nhưng mà tốt!,
Câu nói đùa, mà "nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào" và hơn nữa, với câu nói ấy, có thể bị "quy chụp" là "phản động".
Tôi có một anh bạn, phải nói là rất thân, học với nhau từ thuở "hàn vi", lại cũng làm việc dưới một mái trường Đại học trên ba chục năm trường, cùng "leo thang" rất chậm, từ "tập sự trợ lý" đến full professor, chair-department. Anh là con "quan lớn", em của "nguỵ lớn" nhưng "có đức có tài", được chọn làm "hàng mẫu không bán - kiểu như ông Bùi Tín vừa làm ồn ào giới truyền thông một dạo, nhưng khác ông ta là cho đến nay anh không gửi "kiến nghị" kiến nghiếc gì, nói năng với TRÊN, với DUỚI bao giờ cũng "chừng mực", chẳng "theo đuôi" mà cũng chẳng là "dissident" của chế độ.
Anh thường bảo tôi: Thì về cơ bản cũng nghĩ như cậu thôi. Nhưng cậu thông cảm, mỗi người một tính một nết, một hoàn cảnh. Cậu "thành phần tốt", ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta chỉ bảo cậu là "bất mãn cá nhân" thôi. Tớ "thành phần xấu", ăn nói bằng 1/10 cậu thôi cũng đủ bị "quy" là "phản ứng giai cấp" rồi!
O.K.! Anh cứ sống kiểu anh, tôi cứ sống kiểu tôi. Chỉ có mỗi một điều thôi, là vì vậy và vì nhiều lý do sâu xa khác nữa, nên nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuals) chứ không có giới trí thức (intelligentsia).
Vậy thua thiệt thì Dân ráng chịu!
Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở đó...
* * *
Báo Đoàn Kết của một cộng đồng người Việt Nam bên Pháp đưa tin: Vào cuối năm ngoái (1990), có một ông uỷ viên Bộ chính trị kiêm bí thư thường trực Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, nhân sang Paris dự Đại hội đảng Cộng sản Pháp, có tập hợp Việt kiều lại để nói chuyện. Trong khoảng 2 tiếng, ông chỉ "nói" mà không "nghe", lại còn bảo: "Sống ở nước ngoài, biết gì chuyện trong nước, tuổi 40-50 trở xuống (nghĩa là vào hạng tuổi con cháu ông) biết gì mà góp ý kiến!"
Xem chừng bà con Việt kiều, nhất là anh chị em "trí thức", bực mình với ông lắm.
Tôi là "trí thức" ở trong nước, ở Hà Nội nữa, nghe những lời lẽ ấy "quen tai" rồi. Cũng ông ấy, lúc còn làm "Bí thư thành uỷ" Hà Nội, khi thấy báo "Quân Đội Nhân Dân" 1987 công bố "Bức thư ngỏ gửi ông chủ tịch thành phố Hà Nội" của tôi, nói về việc "Phá hoại các di tích lịch sử của Thủ đô" đã cho triệu tôi lên trụ sở Thành uỷ và "thân mật" bảo ban 2 điều:
- Nếu anh là công nhân, anh nói (nôm na, tục tằn) kiểu đó tôi còn hiểu được, đằng này anh là giáo sư, là trí thức, sao lại nói (nôm na, "toạc móng heo, treo móng giò") kiểu đó?
- Nếu anh nói thế, "tôi" thì "tôi" nghe được, nhưng những "người khác", họ không nghe được! Từ nay anh nên "thay đổi" cái "giọng nói" của anh đi!
Tôi cũng "trả lại ông" 2 điều:
- Đảng bảo: "Trí thức là của Công Nông và cũng là Công Nông", vậy nếu công nhân - theo ông - nói được như vậy thì trí thức cũng nói được như vậy. Có gì (theo ông) là khác nhau giữa giọng "trí thức" và giọng "công nhân"?
- Ông không khác gì người khác. Nếu theo ông, ông "nghe được" vậy thì người khác cũng phải nghe được. Vậy tôi chả việc gì phải "đổi giọng" cả!
Thực ra, tôi biết thừa cái "giọng tôi" chính ông nghe không được nên ông mới "góp ý" cho tôi, nhưng ông lại cố tình đổ cho là người khác nghe không được. Hơn nữa ông lại cố tách "tôi" ra khỏi công nhân, "đề cao" tôi là "trí thức", để chỉ cốt răn dạy tôi: Với vị thế của anh, anh không được ăn nói với chúng tôi (những nhà lãnh đạo) bằng cái giọng như vậy!
Bà xã tôi lúc ấy còn sống và là giáo viên trường Trung học Trưng Vương nổi danh ở Hà Nội - nghe tin tôi được / bị phải gọi lên thành uỷ, lấy làm lo lắng lắm, bảo tôi ("giọng" bà ấy bao giờ cũng vậy, con gái nhà "tư sản Hà Nội" mà): - Anh lên đấy, liệu mà ăn mà nói! Anh có sao, chỉ khổ vợ con! Chùa Một Cột có bị phá để làm Bảo tàng Lăng Bác, nếu có hại thì hại cả nước, đâu dính gì đến riêng anh mà anh cứ "la làng" lên, một con én chẳng làm nổi mùa xuân, "ăn cái giải gì" mà cứ nói, chỉ khổ vào thân; có cái giấy Úc mời sang kỷ niệm 200 năm nước "nó" đấy, khéo các "bố" ấy lại không cho đi, vợ con lại mất nhờ.
Ôi, làm "thằng người Việt Nam", làm "trí thức Việt Nam" biết bao là "hệ luỵ".
Tôi đưa chuyện HỌC TRÒ, BÈ BẠN, VỢ CON dàn trải trên mặt giấy đâu phải để "nói xấu" họ, nhất là nói về vợ tôi (nay đã mất, cầu cho linh hồn bà ấy tiêu diêu miền cực lạc) mà trong tâm khảm tôi, bao giờ tôi cũng cảm thấy mình xấu tính hơn bè bạn - vợ con - học trò. Tôi chỉ muốn nói về thân phận trí thức ở cái nước Việt Nam mang cái nhãn hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa mà thực ra là còn đang rất kém phát triển này: Ông uỷ viên Bộ chính trị ấy, kiêm bí thư Trung ương này, kiêm bí thư thành phố này... ai chả nghĩ là ông ấy cộng sản hơn ai hết nhưng thực ra thì ứng xử của ông ấy từ Hà Nội đến Paris lại "gia trưởng", "nho giáo cuối mùa" hơn ai hết!
Khổ vậy đó, Cho nên giáo sư Alexander Woodside, từ góc trời tây bắc của xứ tuyết Canada mới hạ một câu về cách mạng Việt Nam: "The spiritual and cultural milieu from which the vietnamese revolution sprang was both confucian and comunist" (Cái môi trường tâm linh và văn hoá mà từ đấy cách mạng Việt Nam phóng tới là cả Khổng Nho và Cộng sản).
* * *
Ông giáo sư Từ Chi một trong những bạn bè thân thiết của tôi từ một "cậu Tú" ở Huế đi Nam tiến ngay sau ngày 23/9/1945 và trở thành cộng sản, rồi năm 1954 trở về học đại học để trở thành một nhà dân tộc học.
Ông đi làm chuyên gia ở Tây Phi, thương một người con gái Hà Nội nhà nghèo vì chiến tranh mà lưu lạc mãi sang tận bờ sông Niger. Ông quyết đưa người phụ nữ bất hạnh đó trở về Tổ quốc chỉ bằng cách kết hôn với nhau, dù ông biết trước rằng hành động dấn thân ấy ông sẽ phải về nước trước thời hạn.
Và cho đến 25 năm sau, ông không bao giờ được ra nước ngoài, dù ông, không có bất cứ một hành vi gì phạm pháp. Cái án được phán quyết không theo "Luật hôn nhân và gia đình" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành năm 1960, mà là theo đạo lý hủ Nho.
Về nước năm 1965, qua ngã Moscow, ông dừng chân ở đó 5 ngày, về Hà Nội gặp tôi ở quán cà phê Sính, ông rỉ tai tôi: "Chế độ Xô Viết không thể nào viable" (nguyên văn có nghĩa: không thể "thọ" được).
Đấy là lời tiên tri đúng trước 1/4 thế kỷ!
Vì sao NƯỚC và ĐẢNG có những người trí thức giỏi đến thế mà bây giờ cả NƯỚC, cả ĐẢNG đều lâm vào tình huống "khủng hoảng toàn diện"?
Từ năm 1965, cứ mỗi lần nghe thấy lời khuyến dụ tôi vào Đảng, ông lại bảo tôi: - Tùy ông đấy, nhưng... nếu ông có vào thì đừng để người ta đuổi ông ra! Ông biết kỷ luật của Đảng ông là "kỷ luật sắt" mà tôi thì ông cũng biết quá rõ tôi là người "tự do", tính ưa phóng khoáng, là người "bất cơ" (không chịu ràng buộc) theo chữ dùng để đánh giá mình của nhà sử gia họ Tư Mã bên Tàu!
Tôi hỏi ý kiến ông về tính chất Cách mạng Việt Nam. Ông trả lời: Cụ Hồ bảo nước mình là một nước nông nghiệp, dân tộc mình là một dân tộc nông dân. Cứ đấy mà suy, thì cuộc "Cách mạng" bây giờ hẳn vẫn là một cuộc khởi nghĩa nông dân.
Khác chăng là trước, khởi nghĩa nông dân do một số nhà nho xuất thân nông dân như Quận He, như Cao Bá Quát cầm đầu, bây giờ là do những người cộng sản cũng xuất thân ở nông thôn và có căn tính nhà nho, như cụ Hồ, như ông Trường Chinh... lãnh đạo. Ông đọc bài ông Nguyễn Khắc Viện rồi chứ, "Confucianisme et Marxisme" (La Pensée, No 105, Octobre 1962). Ông Viện là cộng sản và là con cụ nghè Nguyễn Khắc Niệm đấy!
Đầu thế kỷ XX, trong xã hội yêu nước vẫn âm ỉ một chủ nghĩa yêu nước xóm làng (village patriotism, chữ của Alexander Woodside). Yêu nước chống Pháp kiểu Nho của cụ Phan Bội Châu thất bại ở 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Và dòng trí thức Nho gia tàn lụi.
Một số con cháu nhà Nho, một số con cháu nông dân, một số con cháu nhà công thương mới trở thành lớp trí thức Tây học. Một số ấy chấp nhận le fait colonial và trở thành công chức cho Tây, như ông cụ ông là kỹ sư canh nông, như ông cụ tôi là bác sĩ...
Một số khác, yêu nước hơn, mong áp dụng ở Việt Nam những lý tưởng Mác-Lê thế kỷ XIX. Cái chủ nghĩa quốc gia của kiểu tư sản mà ông Nguyễn Thái Học, ông Xứ Nhu, kể cả cậu ruột ông đã khởi xướng ở Việt Nam Quốc dân đảng thì đã bị thực dân vùi dập khủng bố tan hoang từ thập kỷ 30. Còn lại cái chủ nghĩa quốc tế của Mác-Lê mà Nguyễn Ái Quốc và những nhà cộng sản mang về áp dụng vào một xã hội nông dân châu Á nghèo khổ, khác hẳn cơ địa xã hội tư sản Tây Âu, nơi hình thành chủ nghĩa Marxisme. Người cộng sản Việt Nam có căn tính nông dân - Nho giáo đã gần Dân hơn người tiểu tư sản Tây học ở thành thị. Họ đã vận động và tổ chức được phong trào nông dân và toàn dân đánh Pháp, đuổi Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công. Kháng chiến là sự nối dài của Cách mạng tháng Tám.
Kháng chiến đã thắng lợi. Chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bị hóa giải.
* * *
Dưới thời Quân chủ - Nông dân - Nho giáo, ở Viễn Đông, có một ước mơ ĐẠI ĐỒNG. "Thế giới ĐẠI ĐỒNG, thiên hạ vi CÔNG".
Ở đầu thập kỷ 20, trong một bài viết, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cái chủ nghĩa ĐẠI ĐỒNG của Khổng Nho ấy rất gần với chủ nghĩa Cộng sản.
Alexander Woodside nhận xét: Ông Mao phê phán rất dữ dằn Khổng Nho còn ông Hồ rất nhẹ nhàng với Nho Khổng.
Xây "đời sống mới" năm 1946, ông Hồ nêu khẩu hiệu của Nho Khổng: CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH CHÍ CÔNG VÔ TƯ. Dạy đạo đức cho cán bộ, ông Hồ lấy câu Nho Tống: "Tiên ưu hậu lạc". Về giáo dục xã hội, ông cũng dùng câu có sẵn của Khổng Mạnh, đại loại như "Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân..." (Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng...) hay là "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", v.v... và v.v...
Đến di chúc, ông cũng đưa vào một câu trích dẫn của Đỗ Phủ đời Đường: "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Thơ chữ Hán của ông, có nhiều câu, ý phỏng theo Đường thi...
Nhưng cái mô hình xã hội chủ nghĩa kiểu Stalin hay kiểu Mao (Staline Mao hoá) dù đã ít nhiều Hồ hoá, Việt Nam hoá cũng tỏ ra không thành công trước thực tiễn "bướng bỉnh" của một nước Việt Nam nhỏ bé - tiểu nông.
Người Cộng sản Việt Nam đã lầm khi tưởng rằng dù với cơ cấu kỹ thuật cũ, ít thay đổi, cứ làm đại việc công hữu hoá (quốc hữu hoá, tập thể hoá, hợp tác hoá...) thì vẫn xoá bỏ được áp bức bóc lột, cải tạo xã hổi chủ nghĩa thành công. Hoá ra là một công thức đơn giản hơn:
CÔNG HỮU HOÁ + CHUYÊN CHÍNH (VÔ SẢN) = (QUÁ ĐỘ sang) CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Tôi và ông Từ Chi bàn mãi về chuyện này. Sau thời công xã nguyên thuỷ, chế độ áp bức bóc lột đầu tiên nảy sinh ở đất Việt với chế độ "thủ lĩnh địa phương", lang đạo, phìa tạo (tiếng Anh tạm dịch là local chieftains) khi ruộng đất còn gần như y nguyên là "của công", nhưng "dân đen" là tiểu nông tản mạn, còn thủ lĩnh giữ quyền "thế tập" theo dòng máu.
Dân gian nói giản dị:
Trống làng ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng!
Thì giờ đây, ruộng hợp tác, của kho hợp tác, bọn bí thư, chủ nhiệm, kiểm soát đều ở trong một cơ sở Đảng chuyên chính, chúng sẽ "vẫy vùng" thành riêng thôi!
Ba năm liền từ 1976 đến 1979, tôi đi Định Công (Thanh Hoá), ngày- khảo cổ, đêm- khảo kim. Và 3 ngày liền cuối năm 79, tôi thuyết trình trước Tỉnh ủy Thanh Hóa về sự phá sản của mô hình làng Định Công (người ta tuyên bố "Định Công hóa" toàn tỉnh Thanh Hóa, với bài báo tràng giang "Bài học Định Công" của Bí thư Trung ương Tố Hữu). Thính giả cứ bỏ dần trước sự "vắng mặt" của Bí thư, Phó bí thư Tỉnh uỷ (người ta phải "nhìn Trên" để định thế ứng xử). Còn một ông thường vụ phụ trách tuyên huấn kiên trì nghe 3 ngày, để sau này khi Định Công phá sản hoàn toàn, đã khoa trương tuyên bố, chứng tỏ ta đây sáng suốt hơn các nhà lãnh đạo khác:
- "Lúc bấy giờ (79), ai dám nghe Trần Quốc Vượng nói, ngoài tôi?" (ông ấy bây giờ là Bí thư Đảng uỷ Bộ Văn hoá - Thông tin).
Năm 1982 tôi đi Liên Xô thuyết trình khoa học. Bài viết của tôi bằng tiếng Việt, Dương Tường dịch sang tiếng Anh, Từ Chi dịch sang tiếng Pháp, bà Nona Nguyễn Tài Cẩn dịch sang tiếng Nga. Bà Nona bảo: Bài của anh hay lắm, nhưng thuyết trình ở Paris thì hợp hơn, nói với trí thức nước tôi (Liên Xô), họ không hoan nghênh đâu! Mà quả nhiên!
Về nước, tôi briefing cho bạn bè nghe về Liên Xô và nói lén qua hơi men: "Dứt khoát hỏng!" Và đấy là lần duy nhất tôi "được" đi Liên Xô. Đầu năm 1983, giáo sư Phạm Huy Thông cho đăng bài của tôi lên trang đầu Tập san Khảo cổ học. Đảng uỷ Uỷ ban Khoa học Xã hội viết bản báo cáo dài lên ban Tuyên huấn Trung ương quy kết tôi 4 tội:
- Chống chủ nghĩa Mác-Lê: vì tôi bảo: Công hữu hoá có thể đẻ ra bóc lột.
- Chống công nghiệp hoá: vì tôi bảo: Nông nghiệp phải / còn là mặt trận sản xuất hàng đầu.
- Chống đấu tranh giai cấp: vì tôi bảo: Nông dân khởi nghĩa (ngay cả ăn cướp) cũng không đánh vào người làng, mà chủ yếu đi cướp nơi khác và đánh vào Quan.
- Chống chuyên chính vô sản: vì tôi bảo: Chuyên quyền đẻ ra tham nhũng.
Vụ án "văn tự" này kéo dài 3 năm, không có kết luận. Ba năm tôi được "ngồi nhà", khỏi đi Tây và nói tiếng Tây! Cuối năm 1986, khi Đại hội VI đảng Cộng sản Việt Nam kết luận lại trong nghị quyết là Nông nghiệp là "mặt trận hàng đầu", giáo sư Phạm mỉa mai ở trụ sở Uỷ ban Khoa học Xã hội: Thế bây giờ Đảng uỷ đúng hay Trần Quốc Vượng đúng?
Nhưng "nỗi ám ảnh của quá khứ" vẫn không tha người làm Sử như tôi (mà nói theo nhà Phật thì kiếp này còn là "quả" của kiếp trước kia mà). Năm 1985, nhân năm "quốc tế người già", ông Nguyễn Hữu Thọ nhờ người nói tôi viết bài "Truyền thống người già Việt Nam". Báo Đại Đoàn Kết của ông không "đoàn kết" nổi bài của tôi, tôi nhờ báo Tổ Quốc của ông Nguyễn Xiển đăng dùm. Rồi năm 1986 có hội Khoẻ Phù Đổng của đoàn Thanh Niên, ông Bí thư Thanh Niên nhờ tôi viết bài "Phù Đổng khoẻ". Mùa hè nóng bỏng 86, trước Đại hội VI 5 tháng, ông Bí thư Trung ương Đảng phụ trách tư tưởng H.T. đem hai bài của tôi ra "chửi bới" giữa Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, đề bạt Nguyễn Khắc Viện, Trần Quốc Vượng, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng là 4 trí thức chống đối.
Ông Giàu, thầy học cũ của tôi, đâm thư kiện. Ông H.T. biên thư trả lời (tôi còn giữ làm "chứng từ thanh toán") bảo: Tôi không động đến anh, tôi chỉ động đến Trần Quốc Vượng, vì anh ta viết "Các vua Trần nhường ngôi" ám chỉ đòi chúng tôi rút lui, và viết "Thánh Gióng bay lên trời" ám thị chúng tôi đánh giặc xong còn cứ ngồi lại giành quyền vị...!
Khốn khổ, vì sao các ông ấy cứ "mỗi lời là một vận vào khó nghe" như vậy? Hay là tại dân gian "nói cạnh" các cụ: Có tật giật mình?
* * *
Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, "trở thành chính mình". Nhưng xã hội quân chủ - nông dân - nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều "khuyết tật trong cấu trúc" - nói theo các nhà khoa học hôm nay:
Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm "con hơn cha là nhà có phúc" mà vẫn không thích "ngựa non háu đá", "trứng khôn hơn vịt".
Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, "miếng giữa làng hơn sàng xó bếp".
Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích "nghênh ngang một cõi", gặp dịp là sẵn sàng "rạch đôi sơn hà".
Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng "chờ được vạ má đã sưng", nên chỉ cứng đầu thì dại, "không ngoan" nhất là "luồn cúi". Và trí thức "lớn" thì cũng tự an ủi "gặp thời thế thế thời phải thế".
Vì ngoài thì "bế môn toả cảng", trong thì "chuyên quyền độc đoán", cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược.
Thế giới giờ đây thay đổi đã nhiều. Song, trong nước mình thì chưa đổi được bao nhiêu. "Nỗi ám ảnh của Quá khứ" vẫn còn đè nặng.
Chỉ còn một cách để "đổi đời" cho DÂN, cho NƯỚC: Đó là xây dựng một chế độ dân chủ, một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế công - nông - nghiệp với thị trường tự do, một tư tưởng cởi mở, rộng dung, khoáng đạt, tự do, một nền văn hoá đa dạng, giữ cho được bản sắc tốt đẹp của dân tộc nhưng biết hoà nhập với thế giới, với nhân gian...
Tóm một chữ thì không phải là chữ "ĐẤU" mà là chữ "HÒA": HÒA BÌNH, HÒA HỢP, HÒA THUẬN, HÒA GIẢI...
Chẳng những NHÂN HÒA mà cả NHIÊN HÒA (hoà hợp với thiên nhiên, tự nhiên)
"Hoà nhi bất đồng"... mong lắm thay!
Cornell 01/5/1991
Trích: NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ (Trong Cõi - Bài số 17, nxb Trăm Hoa, New York 1993, trang 272-282)

Hiến Pháp 2013, một văn bản vô giá trị (Việt Hoàng)

“…Tuy nhiên, qua sự kiện này, tôi cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã thành thật hơn với bản thân mình. Họ ít nhất cũng đã dám chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng đến người dân Việt Nam và đặc biệt là với trí thức Việt Nam rằng: “Chúng tao là thế đó, chúng mày làm gì được chúng tao”!...”
 
Đúng như dư luận Việt Nam dự đoán, Hiến Pháp 1992 (sửa đổi) đã được tuyệt đại đa số các đại biểu quốc hội bấm nút nhất trí thông qua trong một ngày “lịch sử” với 97,59% số đại biểu tán thành, ngày 28/11/2013. Có ý kiến cho rằng chưa chắc bản Hiến Pháp 2013 sẽ được thông qua vì rằng: Nếu quyền lực từ nay trở đi chỉ thuộc về một người duy nhất là “chủ tịch nước” thì cán cân cân bằng giữa các nhóm lợi ích tại Việt Nam, mà bốn nhóm lợi ích lớn nhất do “tứ trụ triều đình” đang nắm giữ sẽ bị phá vỡ. Thứ hai, nếu không như thế thì có nghĩa là người giữ chức vụ “chủ tịch nước” trong tương lai sẽ là người do Bắc Kinh lựa chọn. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã mất chủ quyền hoàn toàn về tay Trung Quốc.
Thật lòng mà nói, tôi tin rằng bản Hiến Pháp 2013 sẽ được thông qua một cách dễ dàng. Vì nhìn thấy nguy cơ xâu xé bạo loạn có thể xảy ra sau này, con người có chút lương tri không nghĩ rằng đảng cộng sản Việt nam có thể làm những điều tệ hại đến như vậy. Với tôi và những người đã sống dưới chế độ này thì tất cả đều hiểu rằng không có gì mà đảng cộng sản không dám làm, miễn là duy trì được sự cầm quyền vô thời hạn cho họ.
Tuy nhiên, qua sự kiện này, tôi cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã thành thật hơn với bản thân mình. Họ ít nhất cũng đã dám chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng đến người dân Việt Nam và đặc biệt là với trí thức Việt Nam rằng: “Chúng tao là thế đó, chúng mày làm gì được chúng tao”! Nếu tôi là ông Nguyễn Phú Trọng thì trong bản sửa đổi Hiến Pháp lần này tôi sẽ công nhận tất cả những gì mà giới bất đồng chính kiến Việt Nam yêu cầu, ví dụ: Đa Đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do bầu cử, tự do cho xã hội dân sự.v.v. Chỉ cần thêm một câu “theo qui định của pháp luật” là đủ.
Nhiều người Việt Nam cho rằng bản Hiến Pháp năm 1946 là “chuẩn nhất”  và các lần sửa đổi Hiến Pháp sau này ( 5 lần) là không theo kịp “tinh thần” của bản Hiến Pháp năm 1946? Theo tôi thì đây là “những người thích đùa”. Bản Hiến Pháp 1946 ra đời khi Việt Nam vừa mới giành được độc lập và chính phủ khi đó là một chính phủ đa đảng với sự góp mặt của các đảng đối lập như Việt Quốc (Việt Nam Quốc Dân Đảng) và Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội). Trong “chính phủ Liên hiệp” này thì hai đảng đối lập lớn nhất là Việt Quốc và Việt Cách đã dành được 70 ghế trong Quốc hội và bốn bộ là: Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội và Canh nông. Tuy nhiên sau vụ án do Việt Minh tạo dựng là vụ Ôn Như Hầu thì Việt Minh (tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam) đã xóa sổ và tiêu diệt hoàn toàn hai đảng đối lập này. Hiến Pháp 1946, với tất cả những lời lẽ tốt đẹp cũng đã mất hết tác dụng từ đó.
Không chỉ với hiến pháp 1946 mà với tất cả những Công Ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết sau này cũng chỉ là trò ma giáo. Ký cho vui vậy thôi chứ có bao giờ họ thực thi theo những gì đã cam kết đâu? Ví dụ như bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Đây là một văn bản quan trọng, là “tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người” được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp với 30 điều. Trong điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoạibất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này". Đảng cộng sản Việt Nam luôn đưa ra chiêu bài là “không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền” để tránh né thực thi các điều khoản đã ký kết trong Công ước quốc tế này.
Hiến Pháp 1946 cũng vậy, nó có đầy đủ các tiêu chuẩn của một nhà nước dân chủ và pháp quyền như điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật…” Thế nhưng đã 68 năm trôi qua các quyền cơ bản của người dân Việt Nam như quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình…” vẫn chưa được thực thi vì “quy định của pháp luật” vẫn chưa có.
Giả sử bây giờ quốc hội Việt Nam có sửa đổi Hiến pháp 2013 thành Hiếp pháp 1946 thì kết quả cũng không có gì thay đổi. Mọi chuyện vẫn cứ “vũ như cẩn”. Ông Nguyễn Gia Kiểng, vốn là một người rất ôn hòa cũng đã đau đớn thốt lên rằng “Đảng cộng sản tuyên chiến với dân tộc và nhục mạ trí thức”. Thực tình thì 68 năm nay đảng vẫn thế, vẫn cứ nhục mạ trí thức và tuyên chiến với cả dân tộc Việt Nam mà có ai làm được gì họ đâu?
Có lẽ đã đến lúc, giới trí thức Việt Nam cần làm một cái gì đó thiết thực hơn là chuyện viết kiến nghị để khỏi tủi hổ là giới trí thức. Đảng cộng sản Việt Nam đã quá coi thường người dân và giới trí thức tinh hoa Việt Nam qua việc khẳng định một cách ngạo mạn rằng họ sẽ là người cai trị vĩnh viễn đất nước này, bất chấp người dân Việt Nam khổ cực ra sao.
Nói “không” với bản bản Hiếp Pháp này là điều đương nhiên, tuy thế vẫn chưa đủ. Giới trí thức tinh hoa Việt Nam cần có một thái độ dứt khoát với bản hiến pháp hoàn toàn vô giá trị này.
Việt Hoàng

Nắm bắt trúng hay lại bỏ qua?

Một nhà nước dân chủ tiến bộ, là quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng hệ thống luật pháp ‘thượng tôn pháp luật’. Các cường quốc về kinh tế, quân sự, văn hóa cũng đều là cường quốc của nền dân chủ.  
Trong ngôn ngữ diễn đạt, bổn phận là điều mà mỗi cá nhân hoặc một tập thể phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, là quyết định cuối cùng trong lựa chọn và hành động. Bổn phận cũng thường được dùng trong các tình huống mà công việc phải làm theo tính chất đạo lí.
Bổn phận và nhân – quả
Bổn phận cũng là một khía cạnh đặc trưng của đạo đức, quá trình nhận thức của con người về nghĩa vụ phải làm, nhằm bảo vệ những giá trị cuộc sống của bản thân, gia đình, tình bạn, hoặc rộng hơn là các giá trị truyền thống của dân tộc, như lãnh thổ, văn hóa, tâm linh.... Là kết quả giáo dục về nhân cách, đạo đức, từ gia đình, nhà trường và xã hội.
bổn phận, trách nhiệm. lịch sử

Ngày nay sự hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế, văn hóa và các hệ tư tưởng, luôn là thách thức với sự bảo tồn các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc, cho thấy việc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, là yếu tố quyết định tới nhận thức, về bổn phận của mỗi con người.
Đối với mỗi cá nhân, khi đã qua tuổi vị thành niên thì bổn phận đã được diễn đạt bằng một từ khác, đó là ‘trách nhiệm’. Trách nhiệm là thể hiện của lòng tự trọng (-liêm sỉ) của một con người. Như vậy trách nhiệm là một ‘từ ngữ’ nặng nề nhất, mà con người chúng ta, ai cũng phải gánh vác trên người. Nói một người có trách nhiệm, là ý nói rằng; đó là người có ‘liêm sỉ’, có lòng tự trọng, không tranh công, không đổ lỗi.
Trách nhiệm còn là truyền thống, là đạo lý làm người, là niềm vinh quang. Nhưng ngược lại, nó cũng luôn khiến nhiều người sợ hãi, trốn tránh. Bởi vậy nó cũng được khởi đầu bằng tự giác/ tự nhận đến thiết chế/ qui định.
“Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, là tinh thần tự giác xả thân vì nghĩa lớn, vì quốc gia, dân tộc, là khí phách của các thế hệ con dân nhất là các ‘nhân sĩ, trí thức’ đất Việt. Trong sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, là sự hưng thịnh suy vong của các  của các triều đại phong kiến, vượt qua sự ấm- lạnh của ‘quan trường’, rất nhiều người đã đi vào sử xanh, bởi nhân dân luôn công bằng, luôn biết tôn vinh những người làm tròn trách nhiệm với hậu thế, với non sông đất nước.
Rất nhiều con dân Đất Việt từ những ‘sĩ phu’ đến người lính áo vải đã chiến đấu, và đã ngã xuống nơi biên giới, nơi hải đảo xa xôi bảo vệ ‘từng tấc đất của ông cha’, và họ mãi mãi đi vào đời sống tâm linh của dân tộc, được nhân dân kính trọng lập đền thờ, được lịch sử ‘lưu danh’ trở thành tấm gương sáng cho hậu thế học tập và noi theo.
Ngược lại những kẻ quyền cao chức trọng, đắc ý một thời nhưng làm nhiều việc ác, xuất phát từ những tâm địa đen tối, lịch sử cũng ghi nhận bằng luật đời; luật nhân – quả, mà nói theo cách dân gian “ đời có vay có trả” “ đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Những người này thường bị dân chúng trừng phạt và sỉ nhục. Có rất nhiều kẻ gian ác từ trong dân gian, đến những việc hại dân, hại nước, khi bị dân chúng nổi giận, giết chết, thân xác bị bêu rếu để làm gương. Sự trừng phạt của dân chúng còn kéo dài, tới đời con, cháu, của kẻ gian ác, tất cả đều được người dân ghi nhớ, truyền miệng và nguyền rủa cho tới tận bây giờ.
...Trách nhiệm trong thiết chế
Ngay trong chế độ quân chủ, trách nhiệm cũng đã được thiết chế - luật vua, phép nước. Quan án sát ở địa phương, đã được nhà vua ‘ban’ cho gươm ‘tiền trảm, hậu tấu’. Nhưng nếu lạm sát người vô tội thì đó cũng lại là lưỡi gươm ‘tự xử’. Đại tướng cầm quân ra trận có thể bất tuân lệnh vua; nhưng ‘quân thua, chém tướng’, cùng với ‘đại ân’ của vua là trách nhiệm đối với sinh mạng của binh sĩ, với sự hưng vong của đất nước.
Tiến bộ của một thể chế dân chủ, là quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng hệ thống luật pháp. Bắt đầu là việc xây dựng bản hiến pháp, đó là bộ luật gốc, từ đó các bộ luật khác cũng được xây dựng trên cở của hiến pháp (cành – nhánh). Trong đó về cơ bản, mọi thành viên trong một xã hội kết nối với nhau bằng những mối quan hệ, đó chính là trách nhiệm.
Tuy nhiên trách nhiệm cũng được hiểu khác nhau ở các nền văn minh, nhưng một điều chắc chắn: Trách nhiệm là một từ không thể thiếu vắng trong bất kỳ bộ luật nào của các nhà nước dân chủ.
Một hệ thống luật- pháp khoa học là khi nhìn vào nó mỗi một cá nhân trong hệ thống chính quyền, luôn thấy rõ quyền hạn và trách nhiệm (nghĩa vụ-công-tội) của mỗi cá nhân, nhất là trong điều hành quản lý xã hội.
Những tháng ngày cuối năm nay, với bầu không khí như thường niên là ngành ngành, nhà nhà “ nô nức” vinh danh, ghi nhận công lao, thành tích cho các cá nhân, tập thể, bằng các danh hiệu, giải thưởng ‘tiên tiến’, ‘xuất sắc’, ‘ưu tú’, ‘trong sạch, vững mạnh’... Nhưng, sau vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường ‘ mang tính cá biệt, bất ngờ, bất thường’, lại cho thấy rõ hơn một thực tiễn rất chua chát của nền hành chính nước ta.
bổn phận, trách nhiệm. lịch sử
Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường khiến dư luận bàng hoàng
Bởi sau tất cả các cuộc họp của các cấp chính quyền, không có quan chức nào tự nhận trách nhiệm (tội) về mình trong quản lý, cũng không qui (xác định) được cá nhân nào là người phải chịu trách nhiệm trong quản lý. Nó hoàn toàn trái ngược với việc xác định trách nhiệm (công) sẽ rất nhiều người tự nhận.
Có những vấn nạn được xác định là quốc nạn, đe dọa tới sự tồn vong của chế độ như tham nhũng, không hề mang tính cá biệt, bất ngờ, bất thường, và đã có cả một bộ luật riêng biệt phòng chống quốc nạn này. Việc giám sát thực hiện pháp luật nói chung, tham nhũng nói riêng có trong rất nhiều luật, thậm chí quy định này cũng có trong cả điều lệ, của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Nhưng trong thực tiễn, công tác chống tham nhũng được đánh giá là không hiệu quả. Tham nhũng vẫn được nhận định là phát triển ngày càng tinh vi hơn.
Ngược lại chỉ có “cá biệt, bất ngờ, bất thường”, khi xét xử án tham nhũng gần đây. Nếu không kể tới vụ Vina khủng, ‘có tỉnh hai năm xử chín bị cáo thì tám bị cáo là án treo’. (http://m.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/150357/xu-9-nguoi-toi-tham-nhung-thi-8-huong-an-treo.html). Thậm chí cá biệt, bất ngờ, bất thường hơn như vụ án tham nhũng tại Viện Nội tiết Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên còn ký văn bản gửi cơ quan công an ‘xin tội’ cho các bị can (http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bo-Y-te-xin-toi-cho-cac-bi-can-nhu-the-nao/313074.gd).
Vụ việc ‘khuất tất về tài chính ở Bệnh viện đa khoa thành phố Bắc Giang - dùng hơn 1,5 tỉ đồng tiền của nhà nước chi bù đắp cho sai phạm của một số cá nhân? Và câu nói của ông Nguyễn Văn Chiến – Chánh Thanh tra Sở Y tế Bắc Giang khi trả lời phóng viên: “Bây giờ nó là như thế! Hỏi tôi tôi biết hỏi ai?” có thể xếp vào hàng “danh ngôn vô trách nhiệm” hay không(?!). Chưa rõ vụ việc này có bị “chìm xuồng” hay không? Nhưng Sở Y tế Bắc Giang đã điều đề bạt, bổ nhiệm giám đốc của bệnh viện này lên vị trí khác.
Chỉ có số phận của những người đã dấn thân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, là không còn cá biệt, bất ngờ, bất thường. Nó (số phận của họ) đã được đúc kết trong câu thành ngữ mới ‘đấu tranh- tránh đâu’, lan truyền trong dân gian, trở thành “tôn chỉ” cho cuộc sống nhiều người ‘dĩ hòa, vi quý’.
Bởi giờ đây, tham nhũng đã có tên gọi khác cũng khá “hợp pháp” đó là ‘lợi ích nhóm’ nhưng thực chất là các ‘băng nhóm’ tội phạm tham nhũng. Nhiều người dấn thân chống tham nhũng, cũng đã phải hứng chịu ‘đòn thù’ của các băng nhóm này. Như mới đây là vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh - ‘sau vinh danh là đổi việc'.
Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn dân, nhưng không phòng chống được tham nhũng, để quốc nạn này vẫn tồn tại, phát triển thì không thể tìm được ai là người phải chịu trách nhiệm, và phải phải chịu trách nhiệm như thế nào còn ... chưa rõ qui định.
Luật pháp (kỷ cương, phép nước) với những qui định thiếu ‘nghiêm – minh’, chính là điều lý giải cho việc phòng, chống tham nhũng, ở nước ta chưa thành công.
Vụ án oan 10 năm về trước của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), và những hé lộ nhiều vụ án oan sai khác trên khắp cả nước, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh ‘cửa tan, nhà nát’ như các báo chí đưa tin gần đây, đã mở ra nghi án ‘nhục hình, ép cung’ của các cơ quan điều tra. Trong xét xử, tòa án các cấp cũng đã bỏ qua những chứng cứ vô tội của người dân, cũng mở ra nghi vấn “án bỏ túi”. Cho thấy những qui định về quyền công dân, đã không được các cơ quan bảo vệ pháp luật tôn trọng và bảo vệ đúng mức, trong suốt quá trình điều tra xét xử.
Chính vì vậy, vấn đề quyền và trách nhiệm của công dân nói chung, đặc biệt là trách nhiệm của các cá nhân đang giữ trọng trách trong hệ thống hành pháp và tư pháp, đột ngột/bất ngờ trở nên ‘nóng bỏng’ trong đời sống chính trị nước ta; từ các kỳ họp quốc hội (nghị trường ) đến các phương tiện truyền thông.
Một nhà nước dân chủ tiến bộ, là quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng hệ thống luật pháp ‘thượng tôn pháp luật’. Các cường quốc về kinh tế, quân sự, văn hóa cũng đều là cường quốc của nền dân chủ.
Thông qua Hiến pháp lần này cũng sẽ là cơ hội để mở ra những thay đổi mới.
Nắm bắt trúng, hay lại bỏ qua? Nguyễn Văn Soạn

CÁC ÔNG TIÊU TIỀN CỦA DÂN THÌ PHẢI CÔNG KHAI CHO DÂN BIẾT

Mỗi kỳ họp Quốc hội, tiêu tốn bao nhiều tiền là điều người dân không hề biết dù đó là tiền của người dân đóng góp.

Kỳ họp mới nhất vừa rồi, trước tin đồn là mỗi ngày chi hết 1 tỉ đồng, chủ nhiệm văn phòng đã đứng ra bác bỏ và nói rằng chi hết 1 tỷ đồng cho mỗi ngày là không có cơ sở. Tuy nhiên, ông ta vẫn không cho biết con số chính thức là bao nhiêu với lý do là chưa quyết toán. Nhưng chi phí cho kỳ họp lần trước cũng không thấy công bố. Và hầu như tất cả các kỳ họp trước đó trong vòng 20 năm trở lại đây cũng chưa hề được công khai chi phí. Người dân hoàn toàn mờ mịt.

Xin thưa, các ông đang tiêu vào từng đồng thuế của dân nên mọi chi tiêu của từng ông trong 500 ông đại biểu phải được báo cáo ra cho dân biết.
Các ông ở xa đi máy bay đến Hà Nội theo hạng vé nào, hạng VIP hay hạng thường?
Các ông ở khách sạn loại nào, giá phòng ra sao?
Các ông ăn uống theo tiêu chuẩn gì?
Chi phí phòng họp bao nhiêu?
Chi phí bảo vệ và phục vụ thế nào?
Tóm lại là tất cả mọi chi tiêu do ngân sách chi trả cho từng ông phải được công khai cụ thể.
Ông chủ nhiệm văn phòng Quốc hội giải thích rằng: Kỳ họp vừa rồi mỗi ngày chưa hết 1 tỉ đồng là do hội trường của bộ Quốc Phòng cho mượn không tính tiền và việc bảo vệ có lực lượng công an phụ trách nên không tốn kém bao nhiêu. Xin thưa với ông, hội trường bộ Quốc Phòng hoạt động cũng từ tiền thuế của dân, lực lượng công an bảo vệ, không kể tiền bồi dưỡng trong những ngày Quốc hội họp thì cũng sống từ lương của ngân sách...Chẳng có thứ tiền gì các ông tiêu tốn cho những ngày họp hành lại không từ tiền thuế của dân. Do vậy việc cho "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" theo khẩu hiệu mà các ông đang hô là điều bắt buộc.
Nói đến xã hội dân sự, nhiều người, đặc biệt về phía chính quyền cứ tưởng như là cái gì ghê gướm lắm. Thực ra đó là sự hiểu biết và thực hiện những quyền hạn mà người dân có, theo quy định của pháp luật. Một chính quyền thực sự của dân, vì dân thì phải biết phát huy những quyền hạn đó của người dân chứ không phải làm ngược lại để dễ bưng bít, dễ cai trị...tất nhiên sẽ dễ dẫn đến vô vàn tiêu cực.
Biết về chi phí cho từng đại biểu quộc hội trong thời gian họp là quyền hạn của tất cả người dân.
HNC

Dân 90 triệu ai người lớn ?

                                              * Ts. TÔ VĂN TRƯỜNG
Trước hết,  tôi phải xin lỗi cụ Tản Đà khi  chọn tiêu đề bài viết này để tưởng nhớ đến một tâm hồn, một tài thơ Việt Nam núi Tản sông Đà, ngập tràn lãng mạn, ngập tràn thơ, nhiều khi hóm hỉnh sâu xa đầy gợi mở, thấm đượm yêu nước và tình người, biết bao thương xót.
“Dân hai nhăm triệu ai người lớn 
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con “
Thời cụ Tản Đà, nước ta còn dưới ách nô lệ thực dân Pháp không có công dân mà chỉ có “dân đen” như Nguyễn Trãi nói, lại lo không biết “bức dư đồ rách ai bồi”  nên Tản Đà mới mong mỏi trong số 25 triệu đồng bào, ai là người có chí lớn, đủ tài lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập cho đất nước. Cụ xót thương nước có bốn ngàn năm lịch sử mà dân vẫn còn trong vòng phong kiến tối tăm,  chưa được khai trí về kiến thức văn minh của nền tự do dân chủ, nên so với trình độ dân trí ở các nước thì vẫn như là đứa trẻ nít.
Trên mạng xã hội, nhiều bài viết phản ánh Nghị trường Quốc hội mới diễn ra nhiều câu nói ấn tượng nổi tiếng và  kết quả bấm nút cuối cùng về Hiến pháp và Luật đất đai sửa đổi như dấu chấm than về vận nước! Chẳng cần chờ đến hậu thế mà ngay thế hệ ngày nay cũng đủ trí tuệ, để soi xét, đánh giá. Những người tỉnh táo không thất vọng vì có kỳ vọng đâu mà thất vọng!
Người ta nhận xét, Quốc hội Việt Nam như sân khấu, nhiều diễn viên không vượt qua được chính mình. Lúc này, lại nhớ đến mấy câu thơ từ thời sinh viên (thập niên 60) khi đi tham gia biểu diễn văn nghệ ở khoa:
“Đóng kịch phải hóa trang
Tô đỏ đôi môi tô đen đôi mắt
Bắt đêm đen thức dạy làm ngày
Cười lúc đau nước mắt nước vui
Sân khấu và cuộc đời
Cánh gà là khoảng cách”
Nhà viết kịch nổi tiếng đi trước thời đại từ  thập niên 80, Lưu Quang Vũ để lại nhiều dấu ấn cũng một phần nhờ dàn diễn viên giỏi tay nghề và đầy bản lĩnh “thổi hồn” hàng chục vở diễn đi vào lòng người như : Tôi và chúng ta; Hồn Trương Ba da hàng thit; Ông không phải là bố tôi; Mùa hạ cuối cùng vv… Trong vở kịch “Lời thề thứ  9” tác giả Lưu Quang Vũ để cho nhân vật anh lính Đôn sứt tiến đến đứng trước mặt khán giả dõng dạc, khảng khái tuyên bố trong tiếng vỗ tay vang dội của người xem “Nhân dân ta rất anh hùng nhưng thật ra hèn lắm”.
Câu nói của người lính trên kịch trường Việt Nam đã 30 năm, lại làm chúng ta nhớ đến Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay  ”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”.  
Nhìn lại sự phát triển của đất nước, ta hãy lấy Đại Hàn Dân Quốc làm so sánh. Sau chiến tranh thế giới,  Hàn Quốc nghèo nàn, lệ thuộc và độc tài, không được tôn trọng cho lắm nên gọi là Nam Triều Tiên – như chế độ Sài gòn cùng thời, thậm chí nghèo hơn Hòn Ngọc Viễn Đông. Người độc tài khét tiếng bị ghét bỏ và bị ám sát lần lượt cả vợ trước, chồng sau là Tổng thống Pak Chung-hee (tại vị 1963-1979). Ông ta từng ra lịnh đàn áp, bắn chết hơn 3.000 sinh viên biểu tình ở Quang Du và bắt kết án tử hình lãnh tụ đối lập Kim Dae-jung (sau này làm Tổng thống  do dân bầu)..
Tội ác của Pak Chung-hee là độc tài, thảm sát sinh viên  nhưng  có công  lớn đưa kinh tế đất nước hóa Rồng nhờ động lực là các Chebol và xác lập nền pháp trị làm nền tảng cho dân chủ đa nguyên đa đảng – một chỉ dấu của chế độ chính  trị văn minh bền vững. Một đất nước còn tệ hơn Nam Việt Nam cùng thời, vậy mà nay kinh tế Hàn Quốc đứng hạng 11 trên thế giới, cạnh tranh qua mặt Nhật Bản về thị trường, thị phần ô tô, điện tử và một phần công nghệ đóng tàu thật đáng khâm phục.
Hay hơn nữa là con gái nhà độc tài Pak Chung-hee, nay  là Tổng thống Pak Geum-hye (2/2013) lại thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu dân chủ cạnh tranh giữa các đảng phái. Ánh hào quang hiện tại soi sáng lịch sử nghèo nàn, độc tài, đen tối để lộ ra một Đại Hàn Dân Quốc như ta thấy làm thế giới phải ngả mũ thán phục. 
Còn Việt Nam ta lịch sử oai hùng trước chiến tranh thế giới, sau 1975 là” trái tim và lương tâm thời đại”. Vậy mà ta, nay lại hạng trên dưới 100 trong số hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xin vay, bám bầu vú viện trợ ODA sử dụng không hiệu quả, chỉ số ICOR cao ngất ngưởng nhất khu vực, để lại khoản nợ khổng lồ cho con cháu, trong khi giáo dục xuống cấp, tham nhũng tràn lan, lòng người ly tán, có đau và nhục không chứ ?!. Vậy thì không ai lớn và trẻ con mãi (chứ không phải trẻ mãi – thanh xuân – không già) là đúng quá rồi!
Bây giờ dân 90 triệu rồi, so ra dân trí cao hơn thời xưa nhưng chí khí lại thụt lùi, quan trí tụt hậu so với thế hệ vàng Hồ Chí Minh, không chịu làm theo lời dạy của Người: “Dân chủ là  để  cho người dân được mở miệng”.
Chỉ riêng chuyện đất đai, nhiều người đã nói mãi, nói rất đúng về khái niệm mơ hồ sở hữu toàn dân chỉ là kẽ hở cho nhóm lợi ích, là nguyên nhân chủ yếu khiếu kiện gây bất ổn xã hội bấy lâu nay nhưng rồi đa số đại biểu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước vẫn phải bấm nút theo hướng đã được “chỉ tay”! Trong phạm trù sở hữu được nêu ra, nên chăng ta cứ nôm na hóa vấn đề như câu cửa miệng, dân giã thường đặt ra để cân nhắc, đắn đo, suy xét : “Ai nắm đằng chuôi “.  Và, thế là rõ ngay cái thế : Ai sẽ “đứt tay” khi cái “chuôi” ngọ nguậy?!
Trong lịch sử, chế độ quân chủ coi đất là của Thiên tử. Chế độ ấy gần như không lúc nào yên được vì người nông dân (nông nô) không ngày nào được ổn định trên mảnh đất mà mình canh tác (vì chủ đất thu hồi – lấy lại lúc nào không biết). Và chế độ quân chủ độc tài vĩnh viễn bị xóa bỏ. Chế độ tư bản, khởi đầu từ Hoàng đế Napoleon: Nông dân có quyền làm chủ đất. Ngày nay, nhân dân Pháp vẫn còn thỉnh thoảng hô: “Hoàng đế muôn năm!”. Vậy là sao? Chế độ công hữu đất đai dưới các chế độ gọi là Xã hội Chủ nghĩa chưa thấy ở đâu mà yên. Hơn chục nước XHCN  đã không tồn tại, chỉ duy nhất còn vài nước “lai lai” kinh tế thị trường mà sở hữu đất đai thì là của Nhà nước (còn công là của cá nhân) như Trung Quốc và Việt Nam ta. 
Người ta thường nói đất nước suy thoái cần phải chấn hưng. Từ chấn hưng phong phú, giàu ý nghĩa. Trong “chấn hưng”, có cải cách, có đổi mới, có khôi phục, có bảo tồn, có phát triển. Chấn hưng đấ́t nước là chấn hưng những gì? Thế giới thường nói: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Nước ta đã bổ sung: Mở mang văn hoá, chấn hưng giáo dục, và phát triển con người.
Tiếc thay, cũng như cảm thán của cụ Tản Đà năm xưa, ngày nay 90 triệu dân muốn chấn hưng đất nước nhưng  lĩnh vực quan trọng quyết định là chế độ xã hội, thể chế  chính trị, và chống tham nhũng thì ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng chưa được nói, được viết và được làm có hiệu quả như cần có.
Lâu rồi, đã có lần người viết bài này đưa ra nhận xét, nhìn ra thế giới, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm thành công của các con Rồng Châu Á là nhờ :
Thứ nhất, có một người đứng đầu là bậc hiền tài giầu tài năng đức độ, không bị lực cản kìm hãm hoặc hạn chế, mà có tổ chức và cơ chế thuận lợi để phát huy hết tài năng,  đức độ làm giầu, làm đẹp, giữ vững và mở mang đất nước.
Thứ hai, cần có nguồn nhân lực gồm những cán bộ hành chính biết quản lý Nhà nước pháp quyền hiện đại có hiệu lực và hiệu quả cao. Những doanh nhân biết kinh doanh tại các doanh nghiệp công và tư đạt hiệu quả kinh tế xã hội cao cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho đất nước. Các nhà khoa học, ban đầu biết lựa chọn, tiếp thu, vận dụng tốt các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiếp đó biết tiến lên sáng tạo thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của chính nước nhà.
Thứ ba, có một dân tộc với một sự thông minh và tài năng được đào tạo, bồi dưỡng bởi một nền giáo dục quốc dân hiện đại có chất lượng cao.
Ngày nay, ngẫm suy bài hockinh nghiệm hóa Rồng của các nước và 2 câu thơ nói trên của cụ Tản Đà chỉ biết cảm thán: ... "Không may thay cho nước ta”! 
TVT
(Tác giả gửi bài đến BVB)

Dưới chế độ độc tài

Hoàng Ngọc Tuấn gửi RFA từ Sydney
2013-12-02
000_Hkg9235693-305.jpg
Quốc huy Việt Nam trên mặt tiền Văn phòng Thủ tướng tại Hà Nội. Ảnh chụp hôm 21/11/2013.
AFP photo
Eduardo Galeano, nhà văn Uruguay, là một trong những nhà văn phản kháng mà tôi yêu thích nhất. Ông đã quan sát và mô tả bản chất của chế độ độc tài bằng một ngòi bút rất sắc bén và thâm thúy. Tôi xin trích dịch và giới thiệu đến độc giả một số đoản văn của Eduardo Galeano mà tôi tin rằng, khi đọc, đa số người Việt Nam hôm nay đều lập tức có cảm tưởng rằng đây là những gì đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Xin mời mọi người cùng đọc.
Trước hết là một đoản văn về thân phận của người dân bị đè bẹp dưới chế độ độc tài:
NHỮNG KẺ-KHÔNG-LÀ-AI-CẢ
Những con rận mơ sẽ mua được một con chó để sở hữu, và những kẻ-không-là-ai-cả mơ sẽ thoát khỏi sự nghèo khổ: vào cái ngày kỳ diệu ấy, vận may sẽ bất ngờ đổ mưa xuống cuộc sống của họ — mưa như trút những thùng nước lớn. Nhưng vận may chẳng hề đổ mưa hôm qua, hôm nay, ngày mai, hay bao giờ cả. Thậm chí nó chẳng hề ban phát một cơn mưa phùn nhè nhẹ, bất kể những kẻ-không-là-ai-cả đã nỗ lực nhọc nhằn đến chừng nào để triệu thỉnh nó. Ngay cả khi họ cảm thấy bàn tay trái của họ nhột nhạt, hay họ tỉnh giấc vào buổi sáng vì cảm thấy bàn chân bên phải được ai đánh thức, hay họ thay những cái chổi để bắt đầu một năm mới.
Những kẻ-không-là-ai-cả: không là con cháu của ai cả, không là sở hữu chủ của cái gì cả. Những kẻ-không-là-ai-cả: những kẻ không nhân thân, những kẻ không tiểu sử, chạy như những con thỏ, chết giữa dòng đời, bị bạc đãi bằng mọi cách:
Họ không là gì cả, chỉ có thể là.
Họ không nói ngôn ngữ nào cả, chỉ nói tiếng lóng.
Họ không có tôn giáo nào cả, chỉ có sự mê tín.
Họ không sáng tạo nghệ thuật, chỉ làm những đồ thủ công.
Họ không có văn hoá, chỉ có tập quán.
Họ không phải là những con người, chỉ là sức người. Họ không có mặt, chỉ có tay.
Họ không có tên gọi, chỉ có những con số.
Họ không xuất hiện trong sử ký của thế giới, chỉ được liệt kê trong bản tin hình sự trên những tờ báo địa phương.
Những kẻ-không-là-ai-cả, họ còn rẻ hơn viên đạn giết chết họ.
***
Tiếp theo là những đoản văn về tình trạng chính trị và xã hội của một đất nước dưới chế độ độc tài:
HỆ THỐNG / 1
Các nhà chức trách không thi hành chức trách.
Các nhà chính trị phát ngôn nhưng không nói bất kỳ điều gì.
Cử tri chỉ bỏ phiếu nhưng không chọn lựa.
Giới truyền thông đưa tin bịa đặt.
Các nhà trường dạy sự ngu dốt.
Các quan toà trừng phạt những nạn nhân.
Quân đội tuyên chiến với nhân dân của chính mình.
Công an không chống tội ác vì chính họ quá bận bịu gây tội ác.
Những sự phá sản thì được công hữu hoá, nhưng những lợi tức thì được tư hữu hoá.
Tiền bạc thì tự do hơn nhân dân.
Nhân dân làm đầy tớ cho mọi sự.
HỆ THỐNG / 2
Đây là thời của loài kỳ nhông: không ai dạy bảo chúng ta về lòng nhân đạo nhiều bằng những con thú ấy.
Những kẻ chuyên che đậy thì được sùng bái, văn hoá của chiếc mặt nạ thì được tôn vinh. Người ta nói thứ ngôn ngữ hai mặt của những nghệ sĩ giả trang. Ngôn ngữ hai mặt, phán đoán hai mặt, đạo đức hai mặt: một thứ đạo đức cho lời nói, một thứ đạo đức cho hành động. Thứ đạo đức cho hành động thì được gọi là chủ nghĩa hiện thực.
Quy luật của hiện thực là quy luật của quyền lực. Để cho hiện thực không có vẻ phi hiện thực, nhà cầm quyền bảo chúng ta rằng đạo đức phải là vô đạo đức.
HỆ THỐNG / 3
Nếu anh không lanh lẹ, anh sẽ chết. Anh bị bắt buộc phải làm một kẻ lừa đảo hay một kẻ bị lừa đảo, một kẻ láo khoét hay nạn nhân của sự láo khoét. Đây là thời của những ý nghĩ: "việc gì tôi phải lưu tâm đến điều đó, tôi làm được gì cho điều đó, đừng dính vào, hãy tìm cơ hội tốt nhất." Đây là thời của những kẻ lường gạt: sản phẩm thì vô dụng, óc sáng tạo thì vô ích, lao động thì vô giá trị...
NHỮNG TỘI LỖI
Guồng máy ấy sách nhiễu những người trẻ tuổi; nó cầm tù, nó tra tấn, nó giết chóc. Họ là bằng chứng của sự quan trọng của nó. Nó vất họ ra ngoài: nó bán họ như bán thịt người, nó bán sức lao động của họ với giá rẻ mạt ra ngoại quốc.
Guồng máy vô sinh thù ghét bất cứ thứ gì vươn lên và chuyển động. Nó chỉ có thể làm nhân lên những ngục tù và nghĩa địa. Nó chỉ có thể tạo ra những tù nhân và những xác chết, những tên tình báo và những viên công an, những kẻ ăn mày và những người lưu vong.
Trẻ là một tội ác. Hiện thực khởi động mỗi ngày vào lúc rạng đông; lịch sử cũng vậy, nó tái sinh vào mỗi buổi sáng. Đó là lý do tại sao hiện thực và lịch sử bị cấm đoán.
NHỮNG CÁI CHUỒNG
Mỗi tháng lại có thêm một nhà tù. Đó là cái mà các kinh tế gia gọi là Kế Hoạch Phát Triển.
Thế còn những cái chuồng vô hình? Những bản tường trình chính thức nào hay những văn kiện đối kháng nào ghi nhận những tù nhân của sự sợ hãi? Sợ mất việc làm, sợ không kiếm được việc làm; sợ nói, sợ nghe, sợ đọc. Trong đất nước câm nín, một tia sáng từ ánh mắt có thể khiến người ta vào trại tập trung.
Chế độ kiểm duyệt giành thắng lợi khi mỗi công dân răm rắp tự kiểm duyệt ngôn từ và hành động của mình.
Nhà nước độc tài sử dụng những đồn lính, những đồn công an, những toa xe lửa cũ, những con tàu hoang phế để nhốt những người tù. Thế còn căn nhà của mỗi người? Chứ không phải mỗi căn nhà là một nơi giam giữ hay sao?
NHỮNG ĐIỀU ÁC
Bảng liệt kê những vụ tra tấn, giết và thủ tiêu không thể kể hết những điều ác của một chế độ độc tài. Guồng máy huấn luyện cho bạn quen với thói ích kỷ và dối trá. Đoàn kết là một tội lỗi. Guồng máy khải thắng: người ta sợ nói, sợ nhìn nhau. Không ai muốn gặp ai nữa. Khi có một người nào đó bắt gặp đôi mắt của bạn và không nhìn đi chỗ khác, bạn nghĩ: “Gã này sẽ bắt ta.” Thủ trưởng nói với nhân viên, cũng là bạn của hắn: “Tôi phải báo cáo bạn. Họ đòi những danh sách. Tôi phải giao cho họ một cái tên người. Tha lỗi cho tôi, nếu được.”
Tại sao việc đánh thuốc độc để sát hại tâm hồn không được ghi vào biên niên ký của sự bạo động?
NHỮNG KỸ THUẬT
Một người bị tử hình có thể gây xôn xao dư luận thế giới, nhưng hàng ngàn người mất tích thì chỉ gây nên sự hoang mang. Gia đình và thân nhân phải trải qua những hiểm nguy để tìm kiếm vô vọng từ nhà giam này đến nhà giam khác, từ đồn lính này đến đồn lính khác, trong khi đó thì những tử thi bị rữa nát trong rừng và trong những bãi đổ rác. Kỹ thuật của sự thủ tiêu không tạo ra những thánh tử đạo và những tù nhân. Những xác người bị mặt đất nuốt chửng, còn chính quyền thì rửa tay sạch sẽ: không có tội ác nào để tường thuật, và không có gì để mất công giải thích. Mỗi người chết thì phải chịu chết nhiều lần, và cuối cùng chỉ để lại một đám sương mù của nỗi kinh hoàng và một sự hoang mang trong tâm hồn.
LƯU VONG
I
Những chiếc thuyền ra đi chở đầy những người trẻ tuổi thoát khỏi ngục tù, sự chết và cái đói. Sống là nguy hiểm; trốn thoát là một tội lỗi; ăn là một phép lạ.
Nhưng còn có bao nhiêu người lưu vong ngay trong đường biên giới của tổ quốc mình? Có bản thống kê nào đếm những người bị đuổi việc và bị bắt buộc phải câm nín? Sự hy vọng là tội ác lớn hơn những hành động khác, chứ không phải sao?
Chế độ độc tài là một sự ô nhục biến thành tập quán, một guồng máy làm cho bạn điếc và câm, không còn biết nghe, không còn biết nói, và mù loà trước những gì bị cấm nhìn thấy.
Cái chết đầu tiên vì sự tra tấn đã gây nên dư luận xôn xao trong cả nước. Cái chết thứ mười vì bị tra tấn chỉ được báo chí tường thuật sơ sài. Cái chết thứ năm mươi được xem là “bình thường”.
Guồng máy dạy cho nhân dân chấp nhận sự kinh khủng cũng giống như cách người ta làm quen với độ lạnh của mùa đông.
II
Guồng máy dạy rằng bất cứ ai chống lại nó thì đều là kẻ thù của tổ quốc. Chống lại sự bất công là một tội ác đối với tổ quốc.
Ta là tổ quốc, guồng máy nói. Trại tập trung này là tổ quốc: đống rác thối tha này, miền đất hoang phế này.
Bất cứ ai tin rằng đất nước của mình là ngôi nhà của mọi người thì bị ném ra khỏi ngôi nhà đó.
Tôi đặc biệt lưu ý đến đoản văn LƯU VONG II của Eduardo Galeano. Qua đoản văn này, ông lật tẩy một trò điêu trá của chế độ độc tài: nó luôn luôn tự đồng hoá chính nó với "tổ quốc". Bất cứ ai phê phán chế độ, hay chống lại những sự sai lầm và tội ác của chế độ, thì đều bị kết án là "chống lại tổ quốc"!
Suốt mấy mươi năm qua, chế độ Cộng Sản ở Việt Nam luôn sử dụng trò điêu trá này và luôn ra sức tẩy não thế hệ trẻ và nhồi nhét vào đầu óc họ cái ý tưởng rằng "chế độ Cộng Sản" là "tổ quốc". Thế nhưng, chỉ cần giở bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei, 1848) ra xem "Phần II: Những người vô sản và những người cộng sản" (II. Proletarier und Kommunisten), thì ai cũng có thể thấy rằng Marx và Engels đã khẳng định: "bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị" (daß der erste Schritt in der Arbeiterrevolution die Erhebung des Proletariats zur herrschenden Klasse), và nhấn mạnh: "Công nhân không có tổ quốc" (Die Arbeiter haben kein Vaterland).
Khi những kẻ thống trị của một chế độ lại chính là những kẻ "không có tổ quốc", thì cái trò đồng hoá chế độ với "tổ quốc" là một trò điêu trá lố bịch nhất dưới ánh mặt trời, và trò điêu trá này chỉ có thể đánh lừa được những con cừu đã bị tẩy não.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
 

Hiến pháp Ba Đình

Babui

Hiến pháp Ba Đình. Tranh Babui.
Hiến pháp Ba Đình. Tranh Babui.

  • quang dinh
    ẤN NÚT HIẾP PHÁP
    Tay đen ấn nút đảng hồng đầu
    xanh trẻ hỏi bạch mông nơi nào
    Ái ân bà nhỏ tào lao của NGA trả MỸ chồng TẦU vợ TÂY
    Năm trăm đại bảo mặt dày phe vua phủ chúa khó dây dưa vào
    Dưới cờ huyết đẫm vàng sao nghĩa tình đồng chí đứa nào an
    tâm
    Dù cho lớn bé cái nhầm bà
    con bá tánh ó đâm cả đoàn
    Xung phong du kích lang thang quốc gia hội kín sói lang một
    bầy
    Đúng rồi nó “hạ cờ tây” hai thằng nhựa mận chưa tày hán gian
    Lòng dồi đợi nướng trơ gan nồi canh sâu bọ chứa chan lẩu cầy
    Bó giò thịt luộc men cay
    phong bì đút túi đắng cay củ giềng
    Chả chìa cóc hại không kiêng xào lăn dư luận viên xiêng phê
    bình
    Brazil Trọng lú còn khinh “Bom Bay” tưởng thú lập trình đam

    Cũng là một cõi đi về nhắn anh chủ tịch dân lề để đâu
    Tình tang đàn gẫy tai trâu
    chuông chùa vang tiếng qua cầu gió bay
    Tin nghe tức bực hàng ngày nhiều tên sát thủ cầu may án đường
    Vài cô ngoại cảm dễ thương tìm trong bánh đúc cục xương bạn

    Ba Đình thí chốt bắt xe nhà tâm linh cũng chia phe kiếm tiền
    TÂM THANH

    ĐẢNG THẮNG – DÂN THUA?.

    Lúc 9:53:09 sáng ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới 2013 với 486 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không có phiếu chống trong tổng số 488 đại biểu có mặt đã bỏ phiếu tại Hội trường Quốc hội.
    Chín bẩy phẩy bẩy phần trăm
    “ Lòng dân ý đảng”- Ai ngăn được nào?
    72 Nhân sĩ anh hào
    Đòi sửa Hiến pháp nghĩ sao bây giờ?
    Nhân dân mỏi mắt trông chờ
    Được đảng cởi ách nào ngờ… còn lâu!
    Búa liềm treo ở trên đầu
    Sổ hưu trước mặt, thêm “mầu” nay mai…
    Các nghị sáng mắt, dỏng tai
    Anh minh bậc nhất thiên tài đảng ta!
    Đồng thanh cùng hát đảng ca:
    “ Bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”!
    Nghị trường đồng loạt rung rinh
    Tiếng hô dậy đất: Đảng mình thắng to!
    Nhân dân lại thắt ruột lo:
    Ruộng đất lại bị cướp cho lũ giầu!
    Điều 4 trễm trệ trên đầu
    Nhân quyền ơi hỡi còn lâu mới về…
    Quân đội từ nay xin thề
    Trung thành với đảng, bùa mê uống rồi?
    Chín mươi triệu Nhân dân ơi!
    Lại thành cừu để cho người dắt, chăn?
    .
    Ngày 1/12/2013
    Thanh Sơn
    Tác giả gửi cho NTT blog

    Cử tri Hoàn Kiếm thông báo tới ông Trọng và ban bí thư

    CỬ TRI HOÀN KIẾM THÔNG BÁO TỚI TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG
    VÀ BAN BÍ THƯ
    Tình trạng LỢI ÍCH NHÓM không chỉ hoành hành trong kinh tế mà cả trong hệ thống chính trị từ cấp cơ sở, làm vô hiệu hóa luật pháp, chống lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây phẫn nộ trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực phản động bôi đen ĐCSVN.
    Điển hình là NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ PHƯỜNG TRÀNG TIỀN, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Qua vụ bê bối liên quan nhiều ngành rất điển hình:
    - Nguyễn Minh Thanh [sinh năm 1968, ở số 11A Tông Đản, phường Tràng Tiền, HK, HN] - một người làm nghề xào phở, chỉ dự tại chức 2 năm ở trụ sở đảng ủy quận Hai Bà Trưng nhưng mua bảng điểm 4 năm rồi kiếm được bằng tại chức của khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội. Qua việc này thấy rõ việc bán điểm và bán bằng tại khoa Luật ĐHQGHN - ai chỉ đạo? ai bảo kê đường dây bán bằng này? Câu hỏi này dành cho Bộ và Sở GDĐT.  http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=9663
    - Được bảo kê của nhóm lợi ích, đứng đầu là Đặng Đình Bằng - Chủ tịch Hội đồng bầu cử kiêm Phó bí thư đảng ủy, Nguyễn Minh Thanh dễ dàng sử dụng lý lịch khai man, che dấu vết nhơ bị kỷ luật đảng ghi lý lịch vào tháng 12/2008, khai man chức vụ trong thời gian đi nghĩa vụ [tự phong mình làm Trung đội phó], khai man loanh quanh về việc học ĐH tại chức khoa Luật… Minh Thanh chui vào hàng ngũ các đại biểu HĐND phường Tràng Tiền để tiếp tục tiến thân. http://www.phapluatvn.vn/nhipcaucongly/201207/TPHa-Noi-can-lam-ro-viec-Pho-Chu-tich-phuong-Trang-Tien-bi-to-cao-khong-trung-thuc-2069482/
    - Dùng tiền mua chuộc các cán bộ địa phương, tạo thành vỏ bọc, Thanh được Tô Xuân Lửng chủ tịch MTTQ phường Tràng Tiền bao che trong việc ứng cử vào HĐND phường.
    - Đảng bộ ở đây bị vô hiệu hóa bởi Bí thư đảng ủy Nguyễn Anh Tuấn cũng là thành viên tích cực của NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ này.Việc gian dối này bị vạch trần từ khi cử tri Nguyễn Văn Long ở 17 Bà Triệu gửi đơn tố cáo trước cuộc bầu cử 22/5/2011 nhưng bị NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ nhấn chìm và khủng bố Nguyễn Văn Long  http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=7&ID=9845
    - Cuối năm 2011 cử tri Lê Êlêna ở 11A Tông Đản gửi đơn tố cáo vị đại biểu HĐND phường man trá vi phạm pháp luật kéo dài và vạch mặt NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ này thì vụ việc loang tiếng toàn quốc, hàng loạt báo đăng bài điều tra. Đã 2 lần Thủ tướng Chính phủ ra văn bản chỉ đạo xử lý, nhưng tới nay, Nguyễn Minh Thanh vẫn ung dung với lý lịch khai man, chỉ đạo của TTCP bị vô hiệu hóa bởi NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ TRÀNG TIỀN http://dantri.com.vn/ban-doc/quan-hoan-kiem-bo-quen-chi-dao-giai-quyet-cua-van-phong-chinh-phu-725163.htm
    - Vai trò ông trùm NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ của Bí thư quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm là Hoàng Công Khôi đã lộ rõ khi cấp quận lờ đơn, ỉm đơn của các cử tri từ 2011 tới nay không thụ lý mặc dù đơn tố cáo đã gửi tới lần thứ 8.http://dantri.com.vn/ban-doc/van-phong-chinh-phu-thuc-xu-ly-vu-to-cao-tai-so-11a-tong-dan-741359.htm
    - Trên Hoàng Công Khôi, Thành ủy và HĐND TPNH đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng, tiếp tay, bao che cho NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ TRÀNG TIỀN chống lại chỉ đạo của Chính phủ, tạo luật lệ và vùng cát cứ riêng.Câu hỏi này xin gửi tới ngài TBT Nguyễn Phú Trọng, Ban Nội chính và 7 đoàn thanh tra của đảng.
    QUẬN HOÀN KIẾM HÀ NỘI “NHÀ DỘT TỪ NÓC?” 
    Văn phòng Chính phủ "thúc" xử lý vụ tố cáo tại số 11A Tông Đản
    Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 lần chỉ đạo xử lí sai phạm của lãnh đạo phường Tràng Tiền, Hà Nội nhưng bị phớt lờ
    Quận Hoàn Kiếm “bỏ quên” chỉ đạo giải quyết của Văn phòng Chính phủ
    “Cây quan chức ở quận Hoàn Kiếm xanh hay héo?
    Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, Nguyễn Minh Thanh, trúng cử đại biểu HĐND
    nhờ lí lịch khai man
    Thành phố Hà Nội: Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm báo cáo sai sự thật
    có hệ thống, “bao che” cho tham nhũng
    TP.Hà Nội cần làm rõ việc Phó Chủ tịch phường Tràng Tiền bị tố cáo không trung thực
    "Năm kỉ cương hành chính - 2013" ở Hà Nội:
    Bức xúc cử tri ở phường Tràng Tiền trung tâm Thủ đô...
    Thành ủy Hà Nội yêu cầu báo cáo sự việc PCT phường Tràng Tiền
    Cán bộ chính quyền thủ đô nhờ tổ dân phố kiện báo lề đảng
    Không có quyền lợi và nghĩa vụ phản ảnh, khiếu nại thay người khác
    Cần xử lí dứt điểm các điểm nóng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (công văn số 134/CV-BNCT)
    Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, Hà Nội
    Đảng viên quận Ba Đình đề nghị Bí thư Phạm Quang Nghị về vụ khai man lý lịch của Nguyễn Minh Thanh…
    Yêu cầu làm rõ đơn tố cáo của công dân tại số 11A phố Tông Đản
    Đề nghị xử lý dấu hiệu sai phạm của Phó Chủ tịch phường Tràng Tiền
    Kiểm tra dấu hiệu sai phạm của Phó Chủ tịch phường Tràng Tiền
    Yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo của Văn Phòng Chính phủ
    Cổng thông tin điện tử chính phủ từ ngày 01/11/2011 có công văn gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội  http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Yeu-cau-Quan-Hoan-Kiem-giai-quyet-dut-diem-kien-nghi-ve-biet-thu-11A-Tong-Dan/20123/131521.vgp yêu cầu quận Hoàn Kiếm giải quyết dứt điểm kiến nghị về biệt thự 11A Tông Đản. Nhưng tới nay đã 2 năm, Nguyễn Thế Thảo chưa trả lời CP để bao che cho các vi phạm đập phá biệt thự, vi phạm nghiêm trọng TT-38/2009 về quản lý biệt thự. Thanh tra TP HN đã gửi Kết luận báo cáo UBND TPHN từ ngày 01/11/2013, Nguyễn Thế Thảo bao che việc phá biệt thự Pháp xây dựng trước 1954 thuộc diện cần bảo tồn thu hồi, mặc dầu Việt Nam là thành viên UB bảo vệ di sản.
    Đơn tố cáo NHÓM LỢI ÍCH CHÍNH TRỊ của nhiều cử tri gửi tới ông
    Nguyễn Quang Huy - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội không được trả lời.
    UBND TP Hà Nội không trả lời các cơ quan báo.
    __________________________

    “Lỗ tò vò” và trụ sở lâu đài

    TT - Không rõ vì sao phần lớn các cơ quan từ Nam ra Bắc, từ tỉnh đến huyện, xã, trụ sở to đùng nhưng nhiều nơi chỗ tiếp dân lại chật hẹp, phải chen chúc, chịu nóng nực... Nhiều nơi cán bộ làm việc sau vách kính, máy lạnh rù rì (chẳng khác như ngân hàng đã làm vì họ đề phòng bất trắc, cướp giật), chỉ chừa một lỗ nhỏ cho người dân nhét đơn từ, hồ sơ vào... Từ việc lấy hồ sơ cho đến nhận, trả hồ sơ, cán bộ ngồi bên trong, người dân đứng bên ngoài, cúi xuống lắng nghe lời “đầy tớ” qua “lỗ tò vò”.

    Với cung cách như vậy, không hiểu “đầy tớ” sẽ tiếp dân là những người đi xe lăn, chống nạng, người khiếm thị, khuyết tật... như thế nào.
    Phần lớn nơi tiếp dân được ép một bên cổng hoặc che chắn một góc cơ quan, trụ sở. Cán bộ đi một lối vào phòng vách kính, người dân đến liên hệ đi ngả khác, cấu trúc không gian đã được ngăn cách ngay từ trong suy nghĩ đến thiết kế, hiện thực và hành xử.
    Một công việc đơn giản là quan hệ dân sự, người có quyền sử dụng đất, có tài sản là ngôi nhà trên đất đó muốn xây dựng, cải tạo hay chuyển nhượng, họ phải đi từ phường lên quận, có trường hợp phải trình với sở tài nguyên - môi trường, sở xây dựng, sở quy hoạch - kiến trúc, rồi họ phải đến chi cục thuế để làm không biết bao nhiêu giấy tờ, thủ tục. Từ nhà nhỏ đến nhà lớn, từ sửa hàng rào đến trổ cánh cổng đều phải chạy qua chạy lại những cơ quan đó. Và đương nhiên người dân phải đứng cúi xuống “lỗ tò vò“ nghe cán bộ thụ lý nói sai chỗ này, thiếu chỗ nọ... Một công việc dân sự được Quốc hội bảo hộ năm quyền cực kỳ quan trọng nhưng tất cả vẫn phải xin và xin.
    Từ tư duy ban phát, sinh ra tư duy quan cách và tạo ra những trụ sở bề thế. Nền hành chính quá phức tạp sinh ra các công trình hành chính to lớn bề thế để đủ chỗ cho cán bộ hành chính làm việc. Giấy tờ, mộc dấu cho đến văn thư đi đến, hồ sơ photo ngày mỗi nhiều, mỗi cơ quan cần vài bộ phân phát cho các phòng ban lưu trữ, đòi hỏi nhà kho phải rộng, không gian phải lớn? Rồi phải có phòng thư giãn cho cán bộ, có “sân quần”, phòng bida, bóng bàn, có nhà ăn, cà phê để cán bộ tiếp khách, ăn trưa, ăn sáng. Bởi thế, không ngạc nhiên tại sao cơ quan nào cũng cần to rộng, hoành tráng cho xứng với địa phương mình, công việc của mình!
    Một nền hành chính nặng xin cho, sản sinh ra tư duy ban phát, thủ tục nhiêu khê, giấy tờ, mộc dấu, photo bản chính, sao y. Với hàng trăm thông tư, nghị định của bộ, sở ban ngành dẫn đến bộ máy phình ra với hội họp triền miên, với đủ loại hình cần thống nhất tập thể, mặc cho Chính phủ nỗ lực với đề án cải cách hành chính, tinh gọn biên chế hàng chục năm qua.
    Với “lỗ tò vò”, từ hàng chục năm nay, người dân đã chấp nhận và phục tùng nó. Thật sự, người dân không cần những trụ sở như lâu đài, cung điện bởi họ biết rằng những thứ đó không dành cho họ và dù có to đẹp cỡ nào họ vẫn phải đứng bên “lỗ tò vò” để nghe cán bộ phán xét hồ sơ, công việc, giấy tờ của họ...
    Mong sao tương lai không xa, những “lỗ tò vò” sẽ biến mất. Thay vào đó là những đại sảnh tiếp dân rộng thoáng, “ông chủ” được ngồi trên ghế rộng rãi, và các “đầy tớ” đứng xung quanh giải thích thủ tục, đơn từ và từ đó các lâu đài, dinh thự, cao ốc kia chuyển công năng là bệnh viện, trường học, văn hóa, thể dục thể thao để phục vụ dân, là những người chủ thật sự của những công trình đó.
    KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG

    Điều nhục nhã lớn nhất trong vụ này là chiến công thuộc về anh Đài

    Trả lời báo chí về vụ 229 kg heroin bị bắt ở Đài Loan, ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết chủ lô hàng trên là Công ty trách nhiệm hữu hạn và giao nhận vận tải Long Vân. Khai hải quan điện tử vào ngày 15-11, doanh nghiệp này báo đây là hàng loa thùng bình thường. Long Vân cũng là đơn vị uy tín nên hệ thống máy tính tự động xếp lô hàng này sang luồng xanh (Theo quy định, nếu hàng hóa của doanh nghiệp được xếp vào luồng xanh sẽ miễn kiểm tra hồ sơ giấy và thực tế hàng hóa. Luồng vàng sẽ kiểm tra hồ sơ hải quan. Riêng luồng đỏ, doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ giấy và hàng hóa). Hải quan không có bất cứ kiểm tra nào đối với lô hàng kể cả sử dụng máy soi và chó nghiệp vụ. Vì vậy mà hàng vô tư "lướt ván". 

    Ngộ nhỡ đó là 229 trái lựu đạn của bọn khủng bố thì điều gì sẽ xảy ra, ông có còn ngồi trên bàn giấy múa mép khua môi "đá bóng" trách nhiệm như thế không? Điều nhục nhã lớn nhất trong vụ này là chiến công thuộc về anh Đài. Hic
    Nguồn: FB Lọ Lem
    P/s: .... do >>> "rối loạn cảm xúc" đấy thôi!

    Ở Fukushima không còn có đậu mọc lên trời nữa

    Về việc tự khử nhiễm phóng xạ của ngôi nhà đậu khổng lồ và kết cuộc của ngôi nhà trẻ Waldorf trong thành phố Fukushima
    Soramame no iie – nhà đậu khổng lổ – Sadako Monma đã gọi ngôi nhà trẻ của cô trong thành phố Fukushima như thế. Đó là, chẳng bao lâu nữa thì người ta phải nói đó đã là, một nhà trẻ đặc biệt: “Các em cần phải có cảm giác được che chở, như trong bụng mẹ. Chúng cần phải nhận được sự ấm áp, có được sự thích thú, thưởng thức mùi vị của các vật.” Đó là một nhà trẻ Waldorf, theo lý thuyết của nhà nhân trí học người Áo Rudolf Steiner, nhà trẻ mà bà Monma đã thành lập ở đây năm 1997.
    Đứa bé nào ở Nhật cũng đều biết câu chuyện của soramame. Ai trồng cây đậu khổng lồ đều có thể nhìn thấy chúng mọc lên trời. Sora là bầu trời, và mame là đậu. Nước Nhật không chỉ là một nền văn hóa lúa nước, nước Nhật cũng là một nền văn hóa đậu. Quyển từ điển Nhật–Đức dịch soramame thành “đậu lợn”, nhưng không có soramame nào sẽ cảm thấy dễ chịu khi là “đậu lợn”. Những cây đậu mọc lên trời không chỉ rất ngon mà còn rất thích chạy chơi khắp nơi như là trẻ em đậu. Ít nhất là trên các hình vẽ.
    Sadako Monma
    Sadako Monma
    Câu chuyện của những đứa bé xin lỗi đất vì sự ô nhiễm đã mang tôi tới đây, tới soramame no iie và tới với Sadako Monma. Câu chuyện ngắn của những đứa bé buồn rầu mà đối với chúng không khí và nước và đất và côn trùng và bông hoa là tất cả, nhưng không còn được phép đi ra ngoài trời. Câu chuyện của những người trưởng thành, tự cầm lấy xẻng để dọn và chôn “bụi vô hình”, như câu chuyện kể. “Bụi vô hình”, đó là đất bị nhiễm phóng xạ, cái mà những gì rơi xuống từ nhà máy điện nguyên tử đã để lại.
    Đó là một quyển sách hình, nói về “ánh sáng của hy vọng” và là quyển sách mà các cụ từ “thông điệp của những người công dân đang lo lắng” ở Kasumigaseki đã trân trọng đưa cho tôi.
    Và bây giờ thì những đứa bé đậu khổng lồ đang nhảy múa xung quanh tôi. Chúng nắm tay nhau và tạo thành một hàng đôi dài. Chúng có những gương mặt vui tươi và tất cả đều mang nón hay mũ lưỡi trai. Chúng được treo trên một bức tường trong nhà trẻ, được cắt ra từ giấy nhiều màu.
    Đó là một ngôi nhà gỗ cao, đơn sơ, gồm một gian phòng lớn. Ở ngoài là cái sân chơi lớn, trên cùng mảnh đất đó là nhà ở của bà Monma và nhà của cha mẹ bà. Trong vườn của bà, bên cạnh những cây thông được cắt xén, là một cây hồng với trái màu cam rực rỡ của nó.
    Một ngày trước khi tôi lên đường bà đã lo lắng gọi điện cho tôi, bà nói chung là không nói được tiếng nước ngoài nào cả, và ngoài ra thì rất đáng tiếc là bà phải báo cho tôi biết, rằng đúng vào ngày chủ nhật mà tôi đến thăm thì người ta lại tổ chức nướng thịt cho láng giềng ở sân trước nhà bà, điều này có thể gây phiền hà cho tôi. Bà nói “barbecue”, nhưng đó là một picnic đặc trưng của Nhật, một vài người lớn tuổi vui vẻ ngồi xuống một tấm bạt trải trên mặt đất và ăn và uống và nói và cười.
    Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà trẻ trống vắng, gian phòng lạnh đi liên tục kể từ khi cái lò dầu đã bị tắt đi, cạnh một cái bàn thấp và nhỏ, cả hai chúng tôi trên những cái ghế đẩu nhỏ, vì, bà Monma tin như vậy, dù thế nào đi chăng nữa thì đối với một người từ Phương Tây, như thế vẫn còn dễ chịu hơn là ngồi xuống đất. Nằm ở trước mặt tôi là danh thiếp của Sadako Monam, hoàn toàn không đơn giản và kín đáo nhưng thường lệ ở tại các danh thiếp của người Nhật. Tấm danh thiếp này sặc sỡ, với nhiều màu xanh chói lọi và một soramame đã mọc vượt qua nhà lên trời, và những đứa bé đậu vui tươi nhảy nhót quanh những cái lá khổng lồ.
    Sadako Monma nói về những con hào trong xã hội, những cái mà cơn thảm họa này đã giật toạc ra. Về việc, rằng trong thành phố này bây giờ tất cả đều xoay quanh câu hỏi: ai đi, ai ở. Rằng qua đó bà có những tình bạn thân thiết đã tan vỡ. Những vết nứt chạy xuyên qua nhiều gia đình. Cộng đồng tan rã ra. Và việc đó gây đau đớn cho tới đâu. Còn khó có thể chịu đựng hơn là nỗi sợ hãi bị nhiễm phóng xạ.
    Sadako Monma và các nữ nhân viên của bà đã có thể  đối phó được với cơn sốc của các cháu bé sau trận động đất. Họ đã làm tất cả để các cháu không còn sợ nữa, Sadako Monma nói. Nhưng vào ngày 15 tháng Ba, mây mưa kéo tới từ nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn Fukushima, cái nằm cách nhà trẻ sáu mươi hai kilômét, đi vào nội địa, hướng Bắc. Mây mang những phần tử phóng xạ đi theo chúng và cũng rơi xuống quận Watari, nơi có ngôi nhà đậu khổng lồ. Còn có. Ở lại đó là một vùng đất bị ô nhiễm phóng xạ, một vùng đất không còn cho phép trẻ em chơi đùa ở ngoài trời, đi đến sông hay đến núi với các em. Chính phủ và Tepco đã cố làm cho họ tin, rằng bụi phóng xạ, cách xa trung tâm của vụ nổ, phân bố đều đặn. Mãi nhiều tuần sau đó, họ, những con người không chuyên, mới biết được từ những nguồn khác, rằng sự lan truyền phóng xạ phụ thuộc vào hướng gió và bụi phóng xạ rơi xuống tập trung đặc biệt ở một vài nơi. Như ở Watari, cái tạo nên một thung lũng, giữa núi Bentenyama và sông Abukuma. Trong tháng Tám 2011, có những trị tới 5,4 microsievert cho mỗi một giờ đã được đo ở đây. (Mức nhiễm phóng xạ tối đa cho phép nằm ở một ngàn microsiever hay một milisievert một năm.) Đặc biệt Caesium bám lại rất lâu.
    Đến nhà trẻ bây giờ chỉ còn chín em. Trước đây là hai mươi ba. Phần còn lại đã chạy tỵ nạn với gia đình. Ở những nơi an toàn, ngoài tỉnh, thế nào đi nữa thì cũng ngoài thành phố Fukushima. Làn sóng di cư đã bắt đầu trong toàn tỉnh Fukushima thật là lớn. Cho tới cuối tháng Mười Một đã có sáu mươi ngàn người rời tỉnh.
    Nhiều cha mẹ gửi con tới nhà trẻ Waldorf đã hoạt động tích cực trong phong trào chống nguyên tử ngay từ trước tai nạn lò phản ứng và đã biết tính nguy hiểm của các nhà máy điện nguyên tử, Sadako Monma thuật lại. Chính các cha mẹ này đã cố tình chọn một nơi như soramame noo iie cho con cái của họ, vì một cách sống tự nhiên được quảng bá ở đây. Cha mẹ như các cha mẹ này thuộc trong số những người rời thành phố Fukushima đầu tiên.
    Sadako Monma và ngôi nhà trẻ bị nhiễm phóng xạ. Hình: Greenpeace
    Sadako Monma và ngôi nhà trẻ bị nhiễm phóng xạ. Hình: Greenpeace
    Makoto Ishiyama cũng thuộc trong số những người chạy tỵ nạn, nghệ sĩ, thiết kế đồ họa, thầy giáo và chuyên gia về giáo dục trẻ em, người đã vẽ và viết quyển sách nhỏ đó. Ông là người mà thật ra tôi muốn gặp, để trao đổi với ông về quyển sách. Nhưng hiện nay thì ông sống ở tỉnh Hokkaido cực Bắc của Nhật. Ishiyama đã rời bỏ chúng, soramame no iie và Fukushima nơi sinh của ông, bà Monma thuật lại, vì ông muốn có con trong tương lai. Rủi ro hư hỏng gen là quá lớn đối với ông. Ishiyama sinh năm 1979.
    Trong tháng Năm 2011, khi vẫn còn chưa nhìn thấy được sự giúp đỡ nào từ các cơ quan nhà nước và thông tin ngày một ít đi, Sadako Monma, một vài cha mẹ, bạn bè, thầy giáo và người tình nguyện đã tự giúp mình và đã khử nhiễm phóng xạ hàng trăm mét vuông của sân chơi, được giúp đỡ tận tình bởi Greenpeace và nhóm “Mạng lưới Fukushima bảo vệ trẻ em trước phóng xạ”. Makato Ishiyama đã làm quyển sách nhỏ “Chúng ta hãy bắt đầu – Ánh sáng của hy vọng”.
    Trợ giúp và đoàn kết đến với ngôi nhà trẻ nhỏ, cả từ nước ngoài nữa. Các truyền thông như New York Times, Times, và đài truyền hình CBS đã lo lắng hỏi thăm tình hình, Sadako Monma kể. Cô giáo và thầy giáo từ những trường Waldorf Nhật khác đã đến đây, để hát cùng với những đứa bé và kể chuyện cho các cháu nghe. Những người khác gửi hàng viện trợ, origami, hình vẽ.
    “Ánh sáng của hy vọng” là một ánh sáng tạm thời. Chỉ làm sạch “bụi vô hình” cho sân chơi thôi thì không đủ. Cả những nơi khác ở ngoài trời cũng vẫn còn không thể được sử dụng cho trẻ em, Sadako Monma nói. Không có những cuộc đi dạo vào rừng. Không có những chuyến đi thám hiểm cạnh sông. Và trước sau thì cũng không có hoa quả hay rau cải từ tỉnh Fukushima.
    Trong tháng Bảy và tháng Tám 2011, thành phố Fukushima khử nhiễm phóng xạ quận Watari và một quận nữa, quận mà người ta đã ghi nhận được những trị phóng xạ cao tới mức gây lo ngại. Nhưng lúc đo lại sau khi công việc chấm dứt thì tại một vài điểm, ô nhiễm phóng xạ lại còn cao hơn cả trước đó. Chính quyền thành phố phải thừa nhận, rằng độ phóng xạ ở gần núi và ở những nơi nước và đất của những ngọn đồi bị rửa xuống, đã cao lên thay vì giảm đi. Đặc biệt nghiêm trọng là các khu rừng. Mỗi một trận mưa mang theo nó một làn sóng lá cây và đất bị ô nhiễm phóng xạ. “Khử phóng xạ”, điều đó ở Nhật Bản ngày nay có nghĩa cụ thể là: rửa, mang đất và những vật liệu đã bị ô nhiễm đi, quấn trong những tấm bạt và tạm thời chôn xuống đất, cho tới khi tìm được một nơi lưu trữ cuối.
    Làm một lần công việc rửa sạch như thế chưa phải là xong, điều đó thì các cơ quan ở địa phương cũng biết và cũng ra quân vì lợi ích riêng của họ – để cuối cùng đừng đứng đó với một thành phố không người. Trong vòng hai mươi năm tới đây, chính quyền thành phố muốn khử nhiễm phóng xạ cho tất cả các cánh rừng trong vùng họ có thẩm quyền. Và cho tới 2013, chính phủ Nhật Bản cũng muốn khử nhiễm phóng xạ cho cả những vùng trong tỉnh Fukushima cũng như tại những khu vực bị nhiễm phóng xạ trong vùng Tohoku và vùng quanh Tokyo mà trong đó mức ô nhiễm nằm dưới hai mươi milisievert hay hai mươi ngàn microsievert một năm, trị giới hạn của chính phủ Nhật để di tản một vùng có người ở.
    Không phải tất cả mọi người trong Fukushima đều muốn chịu đựng lâu đến như vậy. Hàng ngàn người đã dọn đi, và còn nhiều người sẽ làm việc đó, bà Monma tin chắc như vậy, và nhiều người cho là bà nói đúng.
    Đó là cái xé nát trái tim ra. Mất người. Và tự mình rời bỏ những con người đáng yêu, Sadako Monma. Vì cả bà cũng đã quyết định ra đi,
    “Tôi luôn phải nói với những đứa bé: Đừng cầm lấy cái đó! Không, các em không được phép chơi ở ngoài vườn! Các em không được phép làm điều này và điều kia! Còn như thế bao lâu nữa?” Đến một lúc nào đó, Sadako Monma nói, bà cũng phải chấp nhận, rằng tình trạng này là không tốt cho sự phát triển cả về thân thể lẫn tinh thần của các em. Và vì vậy. “Nếu như tôi có thể đưa ra cuộc sống của chính tôi, để làm cho nơi chốn này trở nên an toàn cho các em … Nhưng tôi không thể. Và vì vậy mà không còn nơi chốn ở lại cho tôi, với soramame no iie.
    Và rồi bà kể về núi Azuma-Kofuji ở tỉnh Fukushima, cách đây tròn hai mươi kilômét. Một ngọn núi lửa, trông rất giống như ngọn núi thiên Fuji, vì vậy mà nó cũng còn được gọi là “Fuji nhỏ”. Hàng năm vào mùa Xuân có một con thỏ trắng xuất hiện ở trên núi Azuma. Rồi những người nông dân biết là đã đến lúc gieo hạt. Người ta kể lại như vậy. Băng tuyết đang tan chảy, trượt xuống từ sườn núi, giống như một con thỏ trắng.
    Họ sẽ dời ngôi nhà đậu khổng lồ của họ đến đó, ở chân của “Fuji nhỏ” này, Sadako Monma kể. Ở đó, mức ô nhiễm phóng xạ chỉ nằm ở 0,12 microsievert một giờ, không so sánh được với ở đây.
    Bà sẽ cảm thấy đau đớn vì lần chuyển đi này, cả về mặt tài chính nữa. Bà dự tính hai mươi ngàn euro chỉ riêng cho việc tháo dỡ và lắp mới lại soramame no iie. Ngôi nhà cũ thật đẹp mà bà đang sống ở trong đó, với ngôi vườn Nhật, sẽ ở lại đây. Cả bạn bè, láng giềng và cộng đồng cũng sẽ ở lại đây. Có lẽ một vài đứa bé ở lại đây cũng sẽ tiếp tục đến với ngôi nhà đậu khổng lồ của các em, ngay khi đường đi tới là một đoạn đường dài, có ai biết chính xác điều đó được đâu, thế nào đi nữa thì rủi ro tài chính vẫn ở phía bà, Bà phải chấp nhận điều đó, bà tự nguyện ra đi kia mà. Các cơ quan nhà nước đã tìm được một diễn đạt đẹp cho việc đó: “chạy tỵ nạn tự chịu trách nhiệm”.
    Judith Brandner
    Phan Ba dịch
    Sách đã được xuất bản trên Amazon: www.amazon.com/dp/B00G3436CG

    Một vài suy nghĩ về học thuyết Mác-Lênin

    Phan Thành Đạt
    Le marxisme n'est pas mort, il continuera à exister (…) ce n'est pas une science mais une croyance .
    (Chủ nghĩa Mác không chết, học thuyết này tiếp tục tồn tại, đó không phải là một môn khoa học mà là đức tin.)
    Verdès-Leroux, Đức tin của những người thất bại, La foi des vaincus
    Hiến pháp mới sửa đổi khẳng định Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng cho chế độ chính trị hiện nay, phải chăng đây là lựa chọn đúng đắn? Lựa chọn này của riêng đảng hay của nhân dân Việt Nam? Hiến pháp năm 1992 đánh dấu thời kì đổi mới vì hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không còn tồn tại. Chỉ còn lại 4 nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, mỗi nước áp dụng mô hình này theo hoàn cảnh riêng. Tuy nhiên một số nguyên tắc chung dễ nhận thấy ở tất cả các nước này là: Lấy hệ tư tưởng Mác-LêNin làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của một chính đảng duy nhất (Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác-LêNin và tư tưởng Mao cùng thuyết ba đại diện của Đặng Tiểu Bình, Cuba theo chủ nghĩa Mác-LêNin và tư tưởng José Martín, riêng Bắc Triều Tiên trong đợt sửa đổi Hiến pháp năm 2010, đã bỏ tư tưởng Mác-LêNin lấy thuyết Juche của Kim Nhật Thành làm nền tảng, nhưng vẫn công nhận trong Hiến pháp là Nhà nước xã hội chủ nghĩa). Điều kì lạ là các đảng cộng sản đều có quan điểm vô thần, nhưng hệ tư tưởng ở các nước này khiến người ta liên hệ đến một thứ tôn giáo chính trị có 3 ngôi, được khẳng định trong Hiến pháp.
    Khi nghiên cứu các bản Hiến pháp tiến bộ của phương Tây, mỗi người đều dễ nhận thấy các nhà lập hiến không đưa ra bất cứ một hệ tư tưởng nào làm nền tảng cho các chính sách chính trị, xã hội. Các bản Hiến pháp dân chủ chỉ nêu ra một số nguyên tắc mà Nhà nước cũng như công dân phải tuân theo. Đó là bảo vệ quyền con người, bảo vệ nền cộng hòa, khẳng định chủ quyền dân tộc, duy trì tính độc lập của ngành tư pháp...
    Hệ tư tưởng có thể phù hợp cho một giai đoạn nhất định, cho một nhóm người nhất định nhưng không phải là suy nghĩ chung hay quan điểm của nhiều lớp người trong xã hội vì xã hội luôn thể hiện sự đa dạng và ẩn chứa nhiều mâu thuẫn cần được giải quyết trên cơ sở thương lượng để có thỏa thuận chung. Chủ nghĩa Mác-Lênin liệu có phải là lựa chọn đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay? (I). Những kết quả của học thuyết này ra sao đối với con người hôm qua và hôm nay? (II).
    I. Chủ nghĩa Mác-Lênin có phải là lựa chọn sáng suốt?
    Tuyên ngôn đảng Cộng sản năm 1848 trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của các đảng phái cực tả ở Châu Âu nửa sau thế kỉ XIX. Karl Marx và Friedrich Engels là hai tác giả chính. Mở đầu bản Tuyên ngôn đảng Cộng sản, hai ông viết: "Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu: bóng ma ấy là chủ nghĩa cộng sản. Tất cả các cường quốc của lục địa Châu Âu già cỗi đã tập hợp thành một liên minh thần thánh để tầm nã bóng ma ấy: Từ đức Giáo hoàng đến Sa hoàng, Mettemich và Guizot, những người cấp tiến ở Pháp và những viên cảnh sát ở Đức". Trong phần đầu có tiêu đề "Tư sản và vô sản", các tác giả nhấn mạnh "Lịch sử của mọi xã hội từ xưa cho đến thời đại chúng ta là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp". Trước hết khái niệm đấu tranh giai cấp là từ của nhà sử học người Pháp François Guizot, ông nhắc đến từ này đầu tiên trong giáo trình Lịch sử văn minh Châu Âu từ khi đế chế La Mã sụp đổ đến cách mạng Pháp năm 1789, được giảng dạy tại đại học Sorbonne năm 1828. Các nhà trí thức và các nhà chính trị như Augustin Thierry, Adolphe Thiers, François-Auguste Mignet và sau này là Karl Marx và Friedrich Engels đều dùng lại khái niệm này.
    clip_image001
    Marx và Engels, hai tác giả của Bản tuyên ngôn đảng Cộng sản, 1848
    Liệu lịch sử của mọi xã hội chỉ là đấu tranh giai cấp? Karl Marx suy luận theo nghĩa hẹp. Ông cho rằng nhân loại đã biết đến một loạt phương thức sản xuất, mỗi phương thức sản xuất dẫn đến một hình thức phân công lao động, phương pháp này sẽ dẫn đến sự đối lập giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, nhưng theo đà tiến hóa của lịch sử, các phương thức sản xuất mới xuất hiện, sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa phân công lao động kiểu cũ và kiểu mới. Lực lượng sản xuất mới sẽ thế chỗ cho lực lượng sản xuất cũ trong các mối quan hệ sản xuất, sẽ dẫn đến sự xung đột giữa các lực lượng sản xuất. Đấu tranh giai cấp sẽ dẫn đến một hình thức sản xuất mới ra đời. Sẽ có phân công lao động mới và lịch sử lại bắt đầu.
    Quan điểm này mang nghĩa hẹp và khá hài hước. Marx đã bỏ qua tất cả các sự kiện lịch sử khác và chỉ quan tâm đến đấu tranh giai cấp. Lịch sử phát triển của xã hội loài người còn được tạo lập nhờ các luồng tư tưởng, các ngành khoa học xã hội và tự nhiên như triết học, luật học, toán học, y học, các sáng tạo vĩ đại của con người làm thay đổi xã hội, lịch sử phát triển của xã hội còn nhờ các cuộc cách mạng về tư tưởng và đổi mới mà không hề qua đấu tranh giai cấp, lịch sử tiến triển của xã hội cũng nhờ các phát kiến địa lí và cả các cuộc chiến tranh... Quan điểm nhận thức của Karl Marx và Friedrich Engels không hề chú ý đến thiện chí của con người, ngược lại con người được xác định trong các điều kiện của các phương thức sản xuất, kinh tế quy định lịch sử.
    Tuyên ngôn đảng Cộng sản sau này trở thành tài liệu quan trọng của tất cả các đảng phái cực tả trên khắp thế giới. Chương trình 10 điểm được nêu ra trong bản Tuyên ngôn, được tất cả các đảng Cộng sản tuân thủ, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đảng Cộng sản ở khắp nơi, phương thức hành động đều giống nhau và phù hợp với nội dung văn bản. Điều này này góp phần tạo ra những sự kiện đầy biến động trong thế kỉ XX. Chủ nghĩa Mác-Lênin hướng đến hành động, hệ tư tưởng này được chuyển từ lí thuyết sang hành động trong thực tế.
    Karl Marx chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Saint-Simon, kết hợp với triết học biện chứng của Hégel. Năm 1859, Charles Darwin xuất bản cuốn sách, Nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, lí thuyết tiến hóa trong tự nhiên đã được Karl Marx áp dụng cho quá trình phát triển của các hình thái xã hội. Marx sinh ra vào thời kì đầu của kỉ nguyên công nghiệp, ông quan sát các cuộc di dân từ nông thôn ra thành thị và chứng kiến đời sống cùng khổ của giai cấp công nhân. Marx mất năm 1883. Về chính trị, Marx không được chứng kiến quá trình xây dựng nền dân chủ đa đảng và hình thức bỏ phiếu phổ thông, Marx cũng không có dịp chứng kiến những tiến bộ đầu tiên về chính trị xã hội và giáo dục phổ thông bắt buộc. Marx sống ở Anh và đã biết đến các đạo luật đầu tiên tạo điều kiện cho người nghèo, poor laws. Nền đệ tam cộng hòa bắt đầu hình thành ở Pháp từ năm 1870, mở đầu thời kì vàng son về dân chủ và tự do. Các quyền cơ bản của con người về chính trị và xã hội được bảo vệ. Các tổ chức công đoàn được thành lập để bảo vệ người lao động. Các đạo luật đầu tiên quy định về thời gian làm việc và cấm trẻ em không được lao động ở các nhà máy vào ban đêm. Luật bảo hiểm xã hội đã được thông qua năm 1880 dưới thời Bismarck ở Đức... Marx đã không suy nghĩ những tiến triển tích cực đó.
    Jacques Ellul, trong tác phẩm Tư tưởng Marxiste, 1992 cho rằng chính Karl Marx đã phủ nhận Tuyên ngôn đảng Cộng sản 1848, vì Karl Marx quan sát diễn biến của công xã Paris, và suy luận đây sẽ là Nhà nước đầu tiên của giai cấp vô sản áp dụng lí thuyết của mình. Sau khi công xã thất bại năm 1871, Karl Marx ghi mấy dòng vào sổ: "Tôi xin bổ sung một số điểm quan trọng, điều này có thể làm thay đổi căn bản Tuyên ngôn đảng Cộng sản, từ nay văn bản này không còn áp dụng được nữa".
    Tây Âu sau chiến tranh thế giới thứ 2 đều nhận thức được những nguy cơ của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng không dám lớn tiếng. Có nhiều lí do để giải thích cho sự im lặng này: Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Châu Âu kiệt quệ, mục tiêu hàng đầu của các nước là khôi phục kinh tế và ổn định cuộc sống. Các nước Tây Âu không muốn đối đầu trực tiếp với Liên bang Xô viết, các nước này cũng bỏ rơi các nước Đông Âu, sau hiệp ước Yanta kí kết giữa Stalin, Roosevelt và Winston Churchill. Hơn 1 triệu quân của Liên bang Xô viết đóng tại các nước Đông Âu và Đông Đức, đây là nguy cơ đe dọa thường trực với phương Tây. Những vi phạm về nhân quyền, các biện pháp bóp nghẹt các quyền tự do, hay tin đồn về sự tồn tại của hơn 400 goulag ở Sibéri, nơi giam giữ hàng triệu người bị coi là chống đối Nhà nước Liên bang Xô viết. Các tù nhân phải làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt, nhiều người trong số họ nằm lại vĩnh viễn tại các nghĩa trang ở các trại lao động cưỡng bức rải rác khắp nơi. Phương Tây đều biết nhưng nhắm mắt làm ngơ vì các nhà lãnh đạo lo sợ về một cuộc chiến khác với phe Cộng sản, phương Tây muốn hòa bình.
    Các đảng Cộng sản ở Tây Âu sau chiến tranh có ảnh hưởng rất mạnh trong đời sống chính trị và đều ra sức bênh vực Liên bang Xô viết và mô hình xã hội chủ nghĩa. Các lãnh tụ Cộng sản cho rằng Liên bang Xô viết đã có công cứu Châu Âu và thế giới nhờ chiến thắng Đức Quốc xã. Đảng Cộng sản Pháp sau chiến tranh nhận được 14 % số phiếu ủng hộ và chiếm được nhiều ghế trong Nghị viện. Đảng này cũng nhận được 2 triệu đôla tiền viện trợ từ Mascơva để xây dựng phong trào Cộng sản ở Pháp, các nhà trí thức lớn như Jean-Paul Sartre, Paul Eluard, Louis Aragon đều có cảm tình với Chủ nghĩa cộng sản. Louis Aragon tham dự đại hội tại thánh đường Mascơva và ủng hộ việc xây dựng các goulag, nhà văn Marxime Gorki đi thăm và động viên những người đang làm việc ở các goulag vì mục đích giáo dục con người trong xã hội chủ nghĩa.
    Sẽ có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác có cơ sở nhân đạo và có mục đích giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột. Tư tưởng cộng sản hướng đến một thế giới tốt đẹp, mọi người đều bình đẳng làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Sẽ không còn giai cấp, sẽ không còn Nhà nước và luật pháp. Con người sẽ phát triển hoàn thiện... Những ý tưởng này luôn có sức hấp dẫn đối với các nước thuộc địa và đặc biệt đối với tầng lớp công nhân và nông dân có nhận thức một chiều và có hạn chế về trình độ. Vì vậy các nhà lãnh đạo luôn vội vã xây dựng chủ nghĩa xã hội và đào tạo con người xã hội chủ nghĩa. Quyết tâm của họ dẫn đến những hệ lụy lâu dài vì địa ngục được lát nền từ những ý tưởng tốt đẹp (l’enfer est pavé de bonnes intentions).
    Các nhà lãnh đạo trước đây chưa nhận thức được đầy đủ về chủ nghĩa Mác-Lênin do điều kiện hoàn cảnh lịch sử và mức độ tri thức có hạn. Các nhà lãnh đạo hiện nay, đa số đều ý thức được mô hình chính trị này không còn phù hợp nhưng rất khó thay đổi vì một khi thể chế chính trị được xây dựng và củng cố trong nhiều năm, nó sẽ tiếp tục vận hành theo một chiều hướng định sẵn. Cũng cần nhấn mạnh ở đây, các nhà cầm quyền hiện nay là những người kế thừa những gì đã được xây dựng từ trước, họ không phải là những người sáng lập. Để có sự thay đổi rất cần lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước thương dân ở họ, cần có sự thỏa thuận giữa những nhà trí thức tiến bộ và các nhà lãnh đạo để bảo vệ đầy đủ quyền lợi cho họ và gia đình.
    Cũng sẽ có ý kiến cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin luôn đúng nhưng con người áp dụng sai. Điều này không thuyết phục, vì học thuyết này đã được áp dụng và thất bại ở nhiều giai đoạn khác nhau của lịch sử: Thời kỳ Convention năm 1793 ở Pháp, nhóm cực tả gồm Robespierre, Saint-Just, Danton, Babeuf đã biến các ý tưởng của Jean-Jacques Rousseau, (một trong những người thầy đầu tiên về chủ nghĩa cộng sản), thành hiện thực. Kết quả đã dẫn đến những rối loạn trong xã hội và rất nhiều người oan uổng bị đưa lên máy chém. Công xã Paris năm 1871, nơi thử nghiệm đầu tiên cho tư tưởng của Marx, chỉ tồn tại được hơn 2 tháng. Nhà nước Liên bang Xô viết (1917-1991) cũng như tất cả các nước Đông Âu và Trung Âu đã sụp đổ. Các nước vệ tinh ở Châu Á và Châu Phi như Bắc Triều Tiên, Angola, Cuba đều bế tắc về kinh tế và chính trị, cho dù học thuyết Mác-Lênin được tuân thủ đến mức giáo điều, được vận dụng sáng tạo theo hoàn cảnh của mỗi nước và được Liên bang Xô viết giúp đỡ nhiệt tình. Chủ nghĩa xã hội đã để lại những vết thương lòng cho nhiều dân tộc vì những hậu quả xuất phát từ tính không tưởng của nó.
    II. Những hậu quả của chủ nghĩa Mác-Lênin
    Viện sĩ hàn lâm Pháp Jean-François Revel trong tác phẩm Cuộc thao diễn vĩ đại, la grande parade, (trang 163, 164) nhà xuất bản Plon năm 2000 đã thuật lại câu chuyện của Max Weber và Joseph Schumpeter bàn về chủ nghĩa xã hội, dựa theo tài liệu nghiên cứu của Karl Jasper về Weber. Weber là nhà xã hội học có ảnh hưởng lớn nhất thế kỉ XX, người sáng lập ra ngành xã hội học biện giải. Ông chịu ảnh hưởng của Marx, nhưng cũng là người phê phán những sai lầm của Marx. Schumpeter là nhà kinh tế lớn của thế kỉ, ông từng là học trò của Weber, sau này trở thành giáo sư kinh tế tại Đại học Havard, cả hai người đều có chung văn hóa Đức như Marx.
    Hai người gặp nhau ở một quán café ở Vienne, hai người quen khác là Ludo Moritz Hartmann và Felix Somary cũng có mặt ở đó. Schumpeter khẳng định ông rất vui mừng về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga. Lí tưởng xã hội chủ nghĩa từ nay không còn trên giấy nữa mà đang trở thành hiện thực, nhìn thấy được. Weber tỏ ra khó chịu và đáp lại: "Chủ nghĩa cộng sản đang phát triển ở Nga và sẽ gây ra nhiều tội lỗi, lí thuyết này sẽ dẫn đến sự đói nghèo và những thảm họa khủng khiếp.» Schumpeter cự lại vẻ mỉa mai: "Nếu mọi việc diễn ra như thế, đó có thể là thí nghiệm tuyệt vời làm sao". Weber đáp lại với giọng rất bực mình:"Thí nghiệm được thực hiện với hàng núi xác người". Schumpeter đáp trả vẻ khó chịu: "Chúng ta có thể ví như công việc của bất kì phòng giải phẫu nào". Hai người tiếp tục tranh luận gay gắt, mọi cố gắng hướng sang chuyện khác đều thất bại. Weber càng ngày càng nói to và tỏ ra giận dữ. Schumpeter im lặng, thỉnh thoảng lại chọc thêm mấy câu khiêu khích. Những người khác lắng nghe với vẻ tò mò đến khi Weber đứng lên và nói: "Tôi không muốn nghe gì thêm nữa", ông bỏ đi và quên cả mũ. Hartmann theo sau và cầm mũ cho Weber. Schumpeter ở lại quán café vừa cười vừa nói: "Làm sao ông ấy có thể to tiếng như thế". Là nhà kinh tế, Shumpeter nghĩ rằng sự phá sản một mô hình kinh tế thể hiện sự sai sót của lí thuyết. Với quan điểm của một nhà xã hội học, Weber cho rằng một lí thuyết không tưởng không bị bác bỏ, ngay cả khi việc thực hiện nó dẫn đến thất bại. Weber mất năm 1920, ông không có dịp chứng kiến những diễn biến của lịch sử. Schumpeter sang Mỹ, ông mất năm 1950, nên cũng không kiểm nghiệm được những suy nghĩ của mình, tuy nhiên sau này suy nghĩ của ông khác đi, ông bác bỏ hoàn toàn quan điểm của Rosa Luxembourg và Lênin về chủ nghĩa đế quốc.
    Hermann Rauschning một cựu quan chức cao cấp của Đức quốc xã đã thuật lại những cuộc thảo luận của ông với Hitler trong tác phẩm Hitler đã nói với tôi, Hitler m’a dit, xuất bản tại Pháp năm 1939, sau khi Rauschning trốn sang Pháp và sau đó sang Anh định cư. Hitler tuyên bố với Rauschning: "Tôi không chỉ là người chiến thắng chủ nghĩa Mác, tôi còn là người thực hiện nó. Tôi đã học được ở chủ nghĩa Mác rất nhiều, tôi không che giấu điều đó. Không phải học các chương chán ngắt về lí thuyết đấu tranh giai cấp hay về chủ nghĩa duy vật lịch sử, cũng không phải học điều vô lí mà ông ấy gọi là giới hạn lợi tức hay những thứ nhảm nhí khác. Điều mà tôi quan tâm và học được ở những người Marxist là phương pháp của họ. Tôi rất coi trọng vai trò của những nhân viên bán hàng vặt vãnh, những thư kí đánh máy chữ. Toàn bộ chế độ Đức quốc xã ẩn chứa nơi họ. Ông hãy nhìn kĩ: Các hiệp hội thợ thuyền, các chi bộ ở các xí nghiệp, các đoàn người diễu hành đông đảo, những tờ truyền đơn được viết ra theo cách đặc biệt để giác ngộ quần chúng. Tất cả những phương thức đấu tranh chính trị mới này gần như đều do những người Cộng sản nghĩ ra. Tôi chỉ cần nắm lấy những phương pháp đó, phát triển lên một bước và như thế là tôi có được công cụ mà chúng ta cần", (trang 96).
    clip_image002
    Tranh cổ động vẽ hình các lãnh tụ cộng sản thời Liên bang Xô viết
    Nhiều sự kiện đau thương đã diễn ra trong thế kỉ XX, như chiến tranh, nạn đói...Trong các năm 1932-1933, 6 triệu người Ucraina chết đói, do một nghị quyết của Bộ Chính trị, đứng đầu là Stalin. Quyết định này cấm người nông dân Ucraina không được rời bỏ làng quê, đồng thời Nhà nước tiến hành trưng thu lương thực của người dân. Tin về nạn đói đang hoành hành ở Ucraina đến tai một số nhà lãnh đạo Châu Âu. Edouard Herriot, nghị sĩ đảng cực tả được Stalin mời sang Liên bang Xô viết và đến Ucraina giám sát tình hình. Con tàu đưa viên nghị sĩ đầu đất (cách gọi của viện sĩ hàn lâm Jean-François Revel) đi đến một số nơi, gặp gỡ người dân và nhận thấy không hề có nạn đói. Edouard Herriot nhận xét với báo chí: "Tôi chỉ nhìn thấy những vườn rau ở các nông trang được trồng trọt và chăm sóc cẩn thận, với hệ thống tưới tiêu đáng khâm phục, nếu ai đó bảo tôi có nạn đói ở Ucraina, hãy cho phép tôi nhún vai từ chối". Viên nghị sĩ đầu đất không hề biết, trước khi đoàn đến các nơi đã có chuẩn bị sẵn, bánh mì đã được phân phát từ ngày hôm trước, mọi thứ đã được dọn dẹp ngăn nắp. Với chính sách tuyên truyền của Stalin, Edouard Herriot không hề biết những gì xảy ra.
    Mao áp dụng chính sách đại công nghiệp thực hiện bước nhảy vọt về kinh tế, đã dẫn đến nạn đói kinh hoàng trong những năm 1958 đến 1961. Khoảng 15 triệu người Trung Quốc chết đói, theo thống kê của Nhà nước, trong thực tế con số này có thể lớn hơn. Với kế hoạch sản xuất gang thép phục vụ cho phát triển công nghiệp, hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ đồng ruộng để phục vụ cho các ngành công nghiệp nặng. Sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong các hợp tác xã, khiến sản lượng rất thấp. Do quản lí điều hành yếu kém cộng với tình hình mất mùa do thiên tai, đã dẫn đến nạn đói. Người dân ở nhiều nơi tập trung ở các kho lương thực của Nhà nước và khẩn khoản: "Đảng Cộng sản và chủ tịch Mao, hãy cứu lấy chúng tôi". Ở hai vùng, kho lương thực đã được mở ra cứu đói cho dân, ở đó không có người chết. Tại những nơi khác, cán bộ chỉ nghĩ đến cách tự cứu mình, bằng cách giao đủ sản lượng cho Nhà nước, ở những nơi đó, có nhiều người chết đói. Mao nói với những người thân cận: "Không có báo chí đưa tin, không có nạn đói". Đã xảy ra hiện tượng ăn thịt đồng loại để sống sót ở Trung Quốc. Năm 1980, Trung Quốc đã tiến hành kiểm điểm và đưa ra kết luận. Nguyên nhân nạn đói 70 % là do yếu tố con người, 30 % do thiên tai mất mùa.
    Bắc Triều Tiên, dưới thời Kim Nhật Thành cũng phải hứng chịu nạn đói khốc liệt năm 1990, do thiên tai và do chính sách tự cấp tự túc được nhà lãnh đạo này để xướng. Không có con số chính xác về số lượng người chết đói, nhưng rất nhiều người Bắc Triều Tiên mất đi người thân trong nạn đói này. Một số người đã thành công đào thoát được sang Nam Triều Tiên.
    Một sự kiện đau thương khác diễn ra năm 1933 trên đảo Nazino. Chính quyền Liên bang Xô viết đưa một đoàn 6000 người, (4000 người sau đó đã chết), chủ yếu là những người được đánh giá là phần tử phản cách mạng và bất phục tùng chế độ, tới đảo Nazino, trên sông ở Sibéri, cách Tomsk khoảng 600 km về phía bắc. Với một số nông cụ, một lượng bột mì để làm bánh, do không có lò làm bánh mì tại chỗ, họ lấy nước sông, trộn với bột mì để ăn. Kết quả là bệnh kiết lị xuất hiện. Sau một vài tuần, bạo lực đã diễn ra để tranh giành lương thực, một số vụ ăn thịt người đã xảy ra. Đảo Nazino, được người dân địa phương mệnh danh là đảo ăn thịt người. Các nhà lãnh đạo đã tiến hành kiểm điểm những người chịu trách nhiệm. Vụ việc này được giấu kín trong nhiều năm. Năm 2000, các tổ chức xã hội ở Nga đã có các hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân trên đảo Nazino.
    Nạn đói chỉ tồn tại ở các nước xã hội chủ nghĩa, không có ở các nước dân chủ.
    clip_image003
    Hình bìa cuốn sách, Đảo của những kẻ ăn thịt người của Nicolas Werth
    Kết luận
    Chủ nghĩa Mác-LêNin đem lại những bi kịch cho nhiều dân tộc trên thế giới. Việc công nhận học thuyết này là nền tảng cho chế độ chính trị ở Việt Nam, là không hề phù hợp với văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Vì sao các nhà lãnh đạo lại chọn học thuyết Mác-LêNin và trang trọng ghi vào bản Hiến pháp mới sửa đổi? Vì sao lời mở đầu bản Hiến pháp chỉ dành ba dòng như khúc nhạc dạo đầu để nói về lịch sử và truyền thống của Việt Nam trong suốt gần 3000 năm, còn những ý tứ quan trọng và mục đích của Hiến pháp được các nhà lập hiến dành hẳn 13 dòng khác trong lời mở đầu để nói về lịch sử của 68 năm thời hiện đại và về chủ nghĩa xã hội. Bản Hiến pháp sửa đổi lặp lại từ "nhân dân" đến 166 lần, giống như Hiến pháp của các nền dân chủ nhân dân hay dân chủ hình thức ở Liên bang Xô viết và Đông Âu trước đây. Nhưng suy nghĩ kĩ, văn bản này in đậm dấu ấn của đảng Cộng sản.
    Dù Karl Marx và LêNin không được công nhận là những danh nhân văn hóa thế giới và không phải là người Việt Nam nhưng vẫn được nhắc đến trong Hiến pháp. Các nhân vật lịch sử xuất sắc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, những nhà văn hóa lớn của dân tộc được l’UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, lại không được nhắc đến. Nền văn hóa Việt Nam đã tồn tại suốt mấy nghìn năm. Những truyền thống tốt đẹp của cha ông đã được giữ gìn qua bao nhiêu thử thách và biến cố lịch sử, phải trở thành nền tảng cho Hiến pháp, kết hợp với những giá trị dân chủ tự do của nhân loại tiến bộ.
    P.T.Đ.
    Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
    Tài liệu tham khảo

    1. La grande parade, Jean-François Revel, de l’Académie française, Plon 2000.
    2. Pensées et idées politiques, Nathanie Blanche-Noël, Faculté de droit et
      science politique de l’Université de Bordeaux.
    3. La pensée marxiste, Jacques Ellul, IEP de Bordeaux, 1992.

    ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 4

      
     ·        TRỊNH ÁNH HỒNG
    Lê Quỳnh dịch
    (tiếp theoKỳ 4)
    … Những kêu gọi tương tự cũng được nghe ở các nước Đông Âu khác vào cuối mùa Xuân 1957, khi chiến dịch “chỉnh huấn” đạt cao trào ở Trung Quốc. Đáp lại lời kêu gọi này, một tạp chí của Hungary cảnh báo ngày 26-5: 
    “Trong số các phong trào Trung Quốc lan toả trong địa hạt văn chương, nghệ thuật, khoa học… thì ‘Trăm hoa Đua nở’ lan toả mạnh nhất ở Hungary… Trong giai đoạn đầu tiên nó bị công kích vì đưa tới sự giải phóng đời sống trí thức và giảm sự hà khắc của chủ nghĩa Marx… Đồng chí Mao Trạch Đông, người quen thuộc với trí thức Trung Quốc và biết đa số họ trung thành với chủ nghĩa xã hội, đã bảo vệ khẩu hiệu ‘Trăm hoa”… sau kinh nghiệm buồn của quá khứ có lẽ chúng ta cần thận trọng trước ý tưởng thực thi các biện pháp của Trung Quốc ở Hungary.” [23] .
    Ngay từ khi Trung Quốc mới bắt đầu dung dưỡng cho nhiều loại “hoa”, Moskva đã quan sát với sự nghi ngại, không đồng tình và thậm chí lo lắng, đặc biệt sau cuộc nổi dậy Hungary. Theo các nguồn Trung Quốc gần đây mới công bố, khi Trung Quốc quyết định loan báo Chính sách Trăm hoa, họ gửi Lục Định Nhất, người đầu tiên nói về chính sách, đến thông báo cho Pavel Yudin, đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh. Việc này là cách hành xử thông thường, tức là Moskva và Bắc Kinh cần thông báo cho nhau trước về các thay đổi chính sách quan trọng – mặc dù Moskva đã không làm thế trong trường hợp “Báo cáo mật” của Khrushchev, làm Bắc Kinh giận dữ. Sau khi Lục Định Nhất giải thích cho Yudin, đại sứ Liên Xô đưa cho ông Lục một bài báo của Lenin liên quan đến chủ đề này nhưng chống lại sự dung thứ. Trên đường từ sứ quán về nhà, Lục thở dài với Yu Guangyuan, thư ký riêng, rằng “Sự giáo điều của người Nga thật quá sâu!” [24] .
    Sau khủng hoảng Ba Lan – Hungary, việc Trung Quốc vẫn đi theo xu hướng mở rộng tự do làm Moskva càng thêm bất an. Vào tháng Tư 1957, Yefremovich Voroshilov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô, thăm Trung Quốc. Theo Li Yueran, người phiên dịch tiếng Nga cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1949 đến 1964, Voroshilov bày tỏ lo ngại về Chính sách Trăm hoa với Mao ít nhất hai lần. Voroshilov nói ông không hiểu vì sao các ý kiến chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội lại được phép đăng lên báo. Ông cảnh báo Mao về nguy cơ của sự nới rộng, và lấy Hungary làm ví dụ. Mao trấn an rằng Trung Quốc không phải là Hungary và người cộng sản Trung Quốc không muốn “hoa và cỏ mọc chung trong nhà”. Ông nói, ông tự tin là nếu kẻ thù muốn lợi dụng để lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng sẽ chỉ “để lộ mình mà thôi”. [25] 
    Thái độ điển hình của Liên Xô trước các chính sách cởi trói của Trung Quốc, và đặc biệt trước sự rùm beng trên báo chí Trung Quốc về chính sách Trăm hoa, được thể hiện qua lời nói của Khrushchev. Khrushchev rất khó chịu trước việc người Trung Quốc “giỏi tìm ra những cụm từ hấp dẫn” và rằng họ “biết cách đưa ra khẩu hiệu thích hợp vào lúc thích hợp”. [26] Nhớ lại sự bối rối gây nên bởi khẩu hiệu của Trung Quốc ở Liên Xô, ông nói: 
    “Các vị tuyên huấn của chúng tôi hỏi tôi cách thức phản ứng. ‘Nhân dân ta đọc báo về chiến dịch mới này ở Trung Quốc’, họ bảo. ‘Cái trò Trăm hoa này đang len lỏi vào xã hội Liên Xô’. Chúng tôi hướng dẫn cho các tổng biên tập bỏ đi chủ đề Trăm hoa, không đụng đến nữa. Quan điểm của chúng tôi là Trăm hoa là khẩu hiệu để tiêu thụ trong Trung Quốc thôi, và nó không áp dụng ở Liên Xô. Chúng tôi tránh phê phán trực diện chiến dịch nhưng cũng không cổ vũ... Bất kì người nông dân nào cũng biết có những khóm hoa có thể hái, nhưng có những cái phải bỏ. Một số cây ra quả đắng chát, có hại cho sức khoẻ, và có những cây mọc loạn lên và bóp nghẹt đời sống các hạt mầm quanh chúng.” [27] 
    Khrushchev đã từng gặp rắc rối vì chiến dịch chống Stalin, vì thế ông không thể cho phép có thêm chiến dịch cởi trói, mặc dù ông hiểu là Mao “muốn kích thích nhân dân bày tỏ tư tưởng” để phát hiện những người ông xem là “có hại”. 
    Khrushchev cũng bác bỏ luận điểm của Mao về mâu thuẫn trong nhân dân ở các nước xã hội chủ nghĩa, một luận điểm được tán thưởng ở Đông Âu. Ngày 2-6-1957, trong cao trào chiến dịch chỉnh huấn và ngay trước chiến dịch chống phái hữu, Khrushchev trả lời phỏng vấn của đài Mỹ CBS tại Moskva. Khi được hỏi về thái độ đối với tuyên ngôn gần đây của Bắc Kinh rằng tại các nước xã hội chủ nghĩa “có thể tồn tại mâu thuẫn giữa quần chúng và lãnh đạo”, Khrushchev trả lời nhát gừng: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi không có thứ mâu thuẫn như thế.” [28] 
    Toàn bộ các chương hồi này chứng tỏ một ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc ở Đông Âu và ngay cả ở Liên Xô trong năm 1957. Sự bất đồng và cảnh báo của Moskva và nỗ lực ngăn trở sự cởi trói ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy hai lo lắng lớn. Thứ nhất là sự lo ngại về ổn định chính trị ở các nước vệ tinh của Liên Xô; thứ hai là sự cảnh giác của Liên Xô trước thách thức của Trung Quốc đối với vai trò lãnh đạo trong khối cộng sản, đặc biệt khi mà vị trí của Moskva đã bị suy yếu sau quá trình giải ảo Stalin và khủng hoảng Ba Lan – Hungary. 
    Cuối cùng và cũng trớ trêu, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng được phản ánh từ phía ngược lại. Khi Mao ra dấu về chiến dịch chống phái hữu đầu tháng Sáu 1957, những người bảo thủ ở Đông Âu cảm thấy nhẹ nhõm. Một số người có phản ứng nhanh chóng, thậm chí có hành động tương tự. Ví dụ, ở Đông Âu phóng viên báo Đảng Neues Deutschland tường thuật từ Bắc Kinh ngày 12-7: “Trọng tâm chính hiện nay là nhắm vào ‘phái hữu’… Nay những người cổ vũ cho ‘phái hữu’ đang bị lột trần”. [29]Vài tháng sau, đầu năm 1958, Ulbricht mở chiến dịch chống “xét lại” trong Đảng với việc loại bỏ Karl Schirdewan (thành viên Bộ Chính trị), Fred Oelßner (thành viên Bộ Chính trị và nhà tư tưởng lâu năm của Đảng), Ernst Wollweber (Thứ trưởng An ninh), và Paul Wandel (một kinh tế gia Marxist có ảnh hưởng). Họ đều từng có thiện cảm và muốn áp dụng các chính sách của Trung Quốc, đặc biệt là Chính sách Trăm hoa. Chiến dịch ở Đông Đức cũng trừng phạt nhiều trí thức đọc nhầm thông điệp từ Trung Quốc và đã để lộ mình, giống như những nhân vật phái hữu ở Trung Quốc bị sập bẫy của Mao. ..
    ---------------
    ·        Chú thích -1:
    [23]Như trên, trang 104
    [24]Chen Qingquan, "Làm sao Lục Định Nhất lại cổ vũ chính sách ‘Trăm hoa’?”, Yenhuang chunqiu, tháng Chín 2000, trang 6
    [25]Li Yueran, The Leaders of the New China on the Stage of Foreign Affairs (Beijing: People's Liberation Army Press, 1990), trang 127–128
    [26]Nikita Khrushchev, Khrushchev Remembers (Boston: Little, Brown, 1974), trang 275
    [27]Như trên, trang 271
    [28]Hudson, "China and the Communist 'Thaw,'" trang 307
    [29]Griffith, Communism in Europe, 1: 78–79, 105
    Nguồn: Yinghong Cheng, "Beyond Moskva-Centric Interpretation: An Examination of the China Connection in Eastern Europe and North Vietnam during the Era of De-Stalinization", Journal of World History
    --------------
    Trường hợp Việt Nam 
    Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam cần được xem xét theo một ánh sáng hoàn toàn khác. Nếu ảnh hưởng Trung Quốc ở Đông Âu đến muộn (sau khi Stalin chết) và chỉ ở mức hạn chế so với ảnh hưởng của Liên Xô tại khu vực, thì mối quan hệ thân cận – được thúc đẩy nhờ liên hệ truyền thống và văn hoá giữa hai nước – giữa những người cộng sản Việt–Trung sâu sắc hơn và có từ thập niên 1920. Nhiều người cộng sản Việt Nam, gồm cả Hồ Chí Minh, từng tham gia phong trào cộng sản Trung Quốc và ẩn náu ở Trung Quốc trong thập niên 1930 và đầu 1940. Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949 không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ bằng hình thức cố vấn và vật chất cho cách mạng Việt Nam, mà còn cung cấp một mô hình cạnh tranh. Tháng Ba 1951, tại Đại hội Hai của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Mao được đặt chung với chủ nghĩa Marx–Lenin làm kim chỉ nam cho cương lĩnh mới của Đảng. Hình của Mao được treo ngang hàng với hình của Marx, Engels, Lenin và Stalin. [1] 
    Trong khung cảnh lịch sử này, những phát triển ở Việt Nam trong giai đoạn hậu Stalin có nhiều liên hệ với Trung Quốc hơn là với Liên Xô. Với các nước Đông Âu, các vấn đề lớn nhất của họ lúc này xuất phát từ việc thực thi mô hình Stalin như quá nhấn vào công nghiệp nặng, thiếu các vật phẩm căn bản hàng ngày, sự phẫn uất vì các đợt thanh trừng, sự tàn nhẫn của công an, và lại thêm cả kiểm soát chính trị từ Moskva. Khác với Đông Âu, những vấn đề khó khăn nhất của Bắc Việt là do bắt chước mô hình Trung Quốc. Trong số các hành động mượn của Trung Quốc, có ba cái đặc biệt gây bức bối. Thứ nhất là cải cách ruộng đất: bất kì một nông dân giàu có nào cũng có thể bị gán là “địa chủ”, bị đưa ra “toà án nhân dân” và bị hành quyết mà không cần tiến trình pháp lý nào, và những ai thông cảm thì có thể bị phạt nặng. Thứ hai là cải tạo tư tưởng: các trí thức, ngay cả những vị đã đồng lòng tham gia cách mạng, bị bắt tham dự các trường, lớp học đặc biệt để cải tạo và bị buộc thú tội. Thứ ba là kiểm soát trí thức bằng một chính thể quân sự. Điều này là vì cho đến tháng Hai 1955, Bắc Việt không có Bộ Văn hoá, và đa số trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp – đặc biệt là văn nghệ sĩ – đều nhập ngũ và chịu kiểm soát của Tổng cục Chính trị, một cơ quan hình thành theo mẫu của Liên Xô, và trực tiếp hơn, của Trung Quốc. Nhiều chính trị viên đã học ở Trung Quốc và chỉnh huấn hoạt động của trí thức thông qua kỷ luật quân đội: ví dụ, khi họ muốn ra khỏi doanh trại thì cũng phải có thẻ, giống như những người lính. 
    Sau cái chết của Stalin, giống như các nước khác trong thế giới cộng sản, các tiếng nói chống đối cũng xuất hiện trong giới trí thức Bắc Việt ngay từ năm 1955. Vào tháng Hai, khoảng 30 nhà văn, hoạ sĩ trong quân đội viết “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá”, bao gồm ba đòi hỏi: 1) trao lại sự lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ; 2) thành lập một hội văn nghệ bên trong cơ cấu quân đội; 3) bãi bỏ cơ chế quân sự kiểm soát văn nghệ sĩ phục vụ trong quân đội. [2] Nhân vật hàng đầu trong nhóm phản kháng này là Trần Dần. Cùng tháng ấy, Trần Dần dẫn đầu khoảng 20 nhà văn, hoạ sĩ đến nói chuyện với tướng Nguyễn Chí Thanh, người đứng đầu Tổng cục Chính trị. Họ đề đạt ba yêu cầu tập trung vào tự do sáng tạo cho nhà văn và nghệ sĩ. Thỉnh cầu chính trị này bị viên tướng từ chối và ông lên án các trí thức bộ đội, rằng hành động của họ “chứng tỏ ý thức hệ tư bản đã bắt đầu tấn công các đồng chí”. [3] Thất bại của thỉnh nguyện này làm các trí thức bực bội, những người ngây thơ tin rằng sự đóng góp của họ cho cách mạng đã chiếm được niềm tin của Đảng, và điều này chuẩn bị cơ sở cho thách thức quyết liệt hơn của giới trí thức vào năm sau. 
    Đặt trong bối cảnh rộng lớn hơn, Trần Dần và nhóm của ông góp một phần vào phong trào “Tan băng” trong thế giới cộng sản hồi giữa thập niên 1950, do các nhà văn, nghệ sĩ thúc đẩy và nhắm vào học thuyết “hiện thực xã hội chủ nghĩa” của Stalin và sự kiểm soát của Đảng đối với trí thức. [4] Nhưng trường hợp Trần Dần cũng thể hiện một liên hệ với Trung Quốc. Ông có mặt ở Trung Quốc năm 1954, khi vụ Hồ Phong xảy ra. Hồ Phong, một nhà phê bình văn học và là đảng viên lâu năm, gửi một lá thư dài cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng Bảy 1954, chỉ trích sự thống trị của các cai tổng văn nghệ, rằng việc ép buộc xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa đã không để cho sáng tạo có tự do, và thái độ quan cách của các lãnh đạo văn nghệ càng làm cho nhà văn và trí thức bực bội. Mặc dù ông không có ý định thách thức quyền uy của Đảng, nhưng hành động của Hồ Phong phản ánh sự bực bội trong nhiều trí thức, nghệ sĩ và được xem là bằng chứng sớm nhất của sự phân rẽ giữa Đảng và trí thức sau ngày thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhưng đến cuối năm 1954, cánh văn nghệ của Đảng mở cuộc phản kích và buộc Hồ Phong làm tự kiểm, và đến tháng Năm 1955, chiến dịch chống Hồ Phong đã trở thành rầm rộ. Ông bị bắt tháng Sáu 1955 và bị giam cho đến cuối kỳ Cách mạng Văn hoá …
    (còn tiếp)
    --------------
    ** Chú thích – 2:
    [1]Hoàng Văn Hoan, My Memoir (Beijing: People's Liberation Army Press, 1987), trang 277
    [2]Như Phong, "Intellectuals, Writers and Artists", trong North Vietnam Today, P. J. Honey chủ biên (New York: Praeger, 1962), trang 81
    [3]Kim N. B. Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam 1945–1965 (Ann Arbor: University of Michigan Press, 2002), trang 130–131
    [4]Để đọc một mô tả chi tiết về một trong các ví dụ “tan băng” ở Đông Âu, xem bài "Poland's Literary 'Thaw': Dialectical Phase or Genuine Freedom?" của Magnus J. Krynske, in trong The Polish Review, mùa Thu 1956, trang 8–21.
     

    Du học sinh "ngã ngửa" với nhà vệ sinh tiền tỷ HN

    (Tin tức thời sự)- Sau khi lãnh đạo Tổng cục du lịch lên tiếng cho rằng so với các nước phát triển, đề án nhà vệ sinh tiền tỷ của Hà Nội chưa là gì, vì ở các nước Anh, Pháp nhà vệ sinh (NVS) đầu tư hàng mấy chục ngàn euro, các thiết bị rất cao cấp, những du học sinh Việt ở nước ngoài đã chia sẻ những trải nghiệm của mình.
    NVS nước Mỹ chỉ hơn miếng lót bồn cầu 
     
    Nhắc đến việc lãnh đạo nước ta lên tiếng khen hệ thống NVS công cộng bên trời Tây rất hiện đại, chị Lê Mai Hương Trà, du học sinh Mỹ cho biết: "Nhà vệ sinh bên này có hình dáng cũng bình thường, về hình thức thì cũng giống NVS ở một số siêu thị bên nước mình".
     
    Theo chia sẻ của chị Trà thì trong NVS có giấy lót quanh miệng bồn cầu, mỗi lần đi thì sẽ được thay một miếng lót khác nhau, giấy này cong theo miệng bồn cầu. Còn giấy vệ sinh là loại giấy tan được trong nước, giá một miếng lót bồn cầu bằng bông thì giá chỉ tầm 1 USD, cuộn giấy tan trong nước giá khoảng 6 USD, nước rửa tay tầm 10 USD. 
     
    Miếng lót bồn cầu được sử dụng trong NVS công cộng nước Mỹ
    Miếng lót bồn cầu được sử dụng trong NVS công cộng nước Mỹ
    "Còn nói đến các thiết bị như máy sấy tay, bồn cầu vệ sinh ở bên này cũng hiện đại hơn ở Việt Nam nhưng cũng không đến mức mấy ngàn Euro", chị Trà khẳng định. 
     
    Là du học sinh Nhật, anh Trần Bảo ngạc nhiên khi nghe thấy NVS công cộng có giá trị lên đến hàng tỷ đồng: "Ở bên này, tôi thấy NVS bình thường thì cũng chỉ như NVS công cộng ở sân bay Nội Bài thôi, chỉ có điều họ giữ vệ sinh tốt hơn". 
     
    Bên cạnh đó, anh cho biết nếu họ có đầu tư thì đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực vệ sinh công cộng tức là chi nhiều tiền cho nhân công quét dọn, 1 ngày 10 lần hay cứ 3 tiếng 1 lần, chứ cũng không làm gì hoành tráng.
     
    Miếng lót bồn cầu được sử dụng trong NVS công cộng nước Nhật
    Miếng lót bồn cầu tự tiêu được sử dụng trong NVS công cộng nước Nhật
    "Chỉ có một số NVS cao cấp bên Nhật thì khi vào NVS là có nhạc để nghe, được xem vô tuyến, cũng có tấm lót bồn cầu, dưới dạng nilon và có nút bấm để điều chỉnh giấy lót trên bồn cầu , chỉ cần ấn nút là đoạn nilon cũ sẽ mất đi, đoạn nilon mới sẽ được đưa ra, rất tiện lợi, nhưng đây chỉ là một số", anh Bảo cho biết. 
     
     NVS diệc tích nhỏ và không hiện đại 
     
    Là người đã sống và làm việc bên Anh một thời gian khá dài, anh Vũ Huy - nhân viên một tập đoàn công nghệ thông tin cho biêt: "NVS công cộng bên đó cũng bình thường thôi, trang thiết bị thì trông sạch sẽ, chức năng thì tốt, nóng lạnh đàng hoàng, nhưng không rộng rãi". 
     
    Anh Huy cho biết thêm: "Hình dáng NVS bên này trông nhỏ nhỏ xinh xinh, bên trong các khu tàu điện ngầm thì rộng rãi và trần cao hơn, bình thường ở công viên thì trần rất thấp tầm 2,2-2,4m, bồn cầu thì cũng bằng sứ như nước ta, nên giá tiền không đắt lắm cũng dao động 300 - 400 USD". 
     
    Theo lời chia sẻ của anh Vũ thì trong NVS nước Anh còn có máy sấy tay, bồn rửa, công suất cực cao nhưng giá thành cũng chỉ ở mức 100 - 200 USD. Nói chung, NVS công cộng bên Anh cũng gần bằng NVS trong mấy tòa hiện đại của nước ta như Vincom, Megastar.

    NVS công cộng nước Anh
    NVS công cộng nước Anh
    Không giấu nổi sự bất bình trước thông tin, ở phương Tây các nhà vệ sinh đầu tư hàng mấy chục ngàn Euro, với các thiết bị rất cao cấp, chị Quỳnh Chi - du học sinh tại Singapore nơi được mệnh danh là thiên đường trong sạch, miêu tả các NVS công cộng bên Singapore: "Ở các trung tâm mua  sắm thì rất sạch, bồn cầu tự xả, vòi nước cảm ứng và có hộc giấy ở từng vòi, đặc biệt không thu phí. Thế nhưng, ở một số gia đình họ cũng đầu tư hệ thống vệ sinh như vậy, giá thành tôi không nắm rõ nhưng cũng chỉ 10000 USD, tính ra cũng mấy trăm triệu là cùng".
     
    Theo quan điểm của chị Chi thì vấn đề ở đây là khu vực kinh doanh, nhà hàng 1 năm thu về hàng triệu đến hàng chục triệu đô từ khách du lịch nên họ đầu tư như thế là đúng. Nên họ chi tiêu đầu tư rất thiết thực và đồng bộ. Bởi vì, thứ nhất, ở đây đều tư nhân hoá, kêu gọi đầu tư nên nguồn vốn dồi dào. Thứ 2 về vấn đề bảo trì thiết bị cũng do tư nhân đảm nhận nên thiết bị dùng được lâu không bị xuống cấp nhanh. 
     
    Nói về đề án chi 15 tỷ đồng để đầu tư cho 14 nhà vệ sinh bằng thép, mỗi nhà diện tích có vài mét vuông để khắc phục tình trạng "đái đường" đồng thời cũng vì mục đích làm Hà Nội đẹp hơn trong mắt người nước ngoài, chị Chi cho rằng: "Quá lãng phí vì ý thức người dân chưa cao mà đã đầu tư xây dựng cao cấp như vậy, chỉ một thời gian sẽ hỏng hết, trong khi đầu tư thiết bị cao cấp, chi phí sửa chữa, trùng tu cũng lớn". 
     
    Thanh Huyền
     
    50 năm sau vụ ám sát hai tổng thống Kennedy và Ngô Đình Diệm:

    John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 2)

    (PetroTimes) - Thái độ của cố vấn Nhu ngày càng khó đoán. Ngày 2/9/1963, Ngô Đình Nhu bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức nhưng đột ngột chuyển hướng và bác bỏ tất cả ý định của Đại sứ Ý cùng đại diện Vatican trong việc dàn xếp giúp Nhu ra nước ngoài.
    Năng lượng Mới số 278
    Kỳ 2: Vai trò của Charles De Gaulle
    Ngô Đình Nhu cũng không tin Mỹ sẽ cúp viện trợ như cảnh báo của hai nhân vật trên. Cuối cùng, Nhu nói mình không hề thương lượng với Bắc Việt. Có vài lý do để tin lời cố vấn Nhu: gia đình Nhu thù cộng sản đến xương tủy và lý tưởng chủ nghĩa xã hội chắc chắn không nằm trong cẩm nang chính trị của cố vấn Nhu. Tuy nhiên, cũng có lý do để không tin lời Nhu: sự tồn tại của chế độ Diệm bấy giờ chỉ còn dựa vào một trong hai điều kiện: dàn xếp với Bắc Việt hoặc khủng bố tinh thần Washington để Mỹ tiếp tục che chở anh em họ. Dù thế nào, ít nhất có một sự thật nhiều người đều biết: cố vấn Nhu luôn tìm cách mở rộng quyền lực bằng cách giảm thiểu “bàn tay đưa nôi” của Mỹ.
    Tin đồn Mỹ giật dây đảo chính Tổng thống Diệm đồn khắp Sài Gòn. Trên trang nhất một tờ báo Sài Gòn phát hành ngày 2/9/1963, bà Nhu huỵch toẹt rằng, các tùy viên quân sự Anh, Philippines và Úc đã thúc Cabot Lodge cùng CIA xúi bẩy tướng tá Sài Gòn hạ bệ anh em Diệm - Nhu. Trong thực tế, suốt tháng 8 và 9/1963, gần như không ngày nào nhóm Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ không họp bàn việc lật đổ Tổng thống Diệm. Kennedy ra lệnh CIA gửi điện cho Cabot Lodge nói rằng, dù không muốn gây ra đảo chính nhưng Washington cũng không muốn tạo ấn tượng rằng người Mỹ sẽ ngăn một sự thay đổi chính thể (Nam Việt Nam) cũng như cản trở sự ủng hộ quân sự và kinh tế đối với chính phủ mới”. Nói cách khác, thông điệp Kennedy như sau: Đảo chính thì không ủng hộ nhưng ai muốn đảo chính thì Mỹ cũng không cản. Nhiệm vụ Cabot Lodge là gián tiếp bật đèn xanh tướng tá Sài Gòn đảo chính đồng thời tránh không để lại dấu tay người Mỹ trong kịch bản thay đổi chính thể Nam Việt Nam.
    Ngô Đình Diệm và đại sứ Cabot Lodge
    Như vợ, cố vấn Nhu cũng chỉ trích khả năng người Mỹ dính vào âm mưu lật đổ Tổng thống Diệm. Trong cuộc phỏng vấn tuần báo Ý Expresso, Nhu nói rằng quân đội Mỹ, kể cả lực lượng đặc nhiệm, chẳng biết gì về chiến tranh du kích. Việc sử dụng chiến thuật tấn công Việt Cộng bằng trực thăng là “sáng kiến của tôi” và đáng lý trực thăng chiến đấu phải được giao cho phi công Việt Nam từng được đào tạo đặc biệt. Nếu Mỹ “hất tôi khỏi quyền lực”, chương trình Ấp chiến lược sụp đổ trong nháy mắt. Lính Mỹ không làm được tích sự gì hơn là đi bắt gà và can dự nhiều hành vi ngu ngốc. Mỹ đáng lý nên xem VNCH như Nam Tư, tức tài trợ mà không cần gây ảnh hưởng. Về bố vợ Trần Văn Chương (nguyên Đại sứ VNCH tại Mỹ), cố vấn Nhu nói, nếu ông ấy mò về Sài Gòn, “tôi sẽ cắt cổ ổng, treo ổng ở trung tâm quảng trường. Chính vợ tôi sẽ thắt dây thòng lọng bởi bà ấy rất tự hào là người Việt Nam và luôn mang tinh thần ái quốc”.
    Trong cùng thời gian, tình báo Mỹ rộ lên nguồn tin cố vấn Nhu dự tính ám sát Cabot Lodge như một nước cờ “tranh tiên”. CIA nghe từ một nguồn rằng, ông Nhu sẽ dựng cuộc biểu tình sinh viên trước trụ sở Tòa Đại sứ Mỹ nhằm nghi binh và phái một nhóm điệp viên lẻn vào giết Lodge cùng các viên chức cấp cao Mỹ khác. Việc Ngô Đình Nhu mưu toan khử Cabot Lodge rất có thể không là tin nhảm. Ông Nhu từng giận sôi gan khi Cabot Lodge “khuyên” ông đi lưu vong và còn mắng ông về tội dính vào các thương vụ thuốc phiện. Từng rủa cố vấn Nhu là “thằng đần không thể tưởng tượng nổi”, Cabot Lodge bắt đầu lo sợ, ra lệnh đóng tất cả cửa Tòa đại sứ khi có đám đông bên ngoài.
    (Trái sang): Đại sứ Henry Cabot Lodge, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng VNCH Nguyễn Đình Thuần và tướng Maxwell D. Taylor
    Cảnh vệ thủy quân lục chiến được đặt trong tình trạng báo động. Cabot Lodge cũng yêu cầu chánh văn phòng CIA tạm quyền (thay John Richardson) nhắc nhở chính quyền Sài Gòn rằng, phản ứng của thủy quân lục chiến trước bất kỳ cuộc đánh chiếm nào vào Tòa đại sứ sẽ không khác gì thời Thế chiến II, với chiến thuật tiêu diệt đối phương cực nhanh và “kinh hoàng vượt ngoài mọi miêu tả”. Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông W. Averell Harriman bác bỏ khả năng ông Nhu ám sát Cabot Lodge và cho rằng, phản ứng Cabot Lodge “hơi loạn óc”. CIA tiếp tục bán tín bán nghi, tin rằng có thể anh em Diệm - Nhu tung nguồn tin trên khiến Mỹ đoán già đoán non chiến lược gì thật sự trong Dinh Gia Long. Và cũng có thể đó là đòn giương đông kích tây để thừa cơ ông Nhu bí mật tiến hành đề xuất của Pháp.
    De Gaulle nói với Kennedy rằng, việc trung lập Việt Nam là cách hữu hiệu giúp tránh cộng sản chiếm trọn Nam Việt Nam. Thật ra kịch bản De Gaulle còn có vài chi tiết ẩn chìm. Bằng sự hiện diện trên bàn cờ chính trị Đông Dương, De Gaulle không những có thể đưa Pháp lên võ đài chính trị với tư cách một trong những “tay chơi” đẳng cấp lãnh đạo thế giới thời Chiến tranh lạnh mà còn giảm thiểu ảnh hưởng Mỹ tại châu Á cũng như châu Âu.
    (Xem tiếp kỳ sau)
    Cao Minh
     

    Một gói viện trợ gây bội thực

     Nhận diện
    Lịch sử thường được coi đáng tin cậy nhất là khi ghi nhận vào lúc, và thời nó xảy ra. Mức độ nhận định thì tuỳ thuộc vào kiến thức thời đại chuyển tiếp vào người ghi chép. Thế mà không phải ai cũng đủ khả năng đi vào những ngóc ngách chuyên biệt của các diễn tiến. Bởi vậy cho nên cách giải mã lịch sử vẫn phải luôn luôn xảy ra theo với đà tiến bộ của con người, riêng biệt là theo với kiến thức về bản thân, xác thân con người cụ thể. Về phương diện này thì nền y khoa mới của phương Tây có ưu thế khi muốn xét lại các sự việc xảy ra trong lịch sử Việt Nam liên quan đến nó, không những vì sự tiến bộ chung mà còn vì các phương thức, kĩ thuật tiếp cận xác thân con người đã tách biệt với truyền thống phương Ðông nên cách giải thích sự việc có đà đem lại mới mẻ trong nhận định. Sự tự tín của tác giả và những lời giới thiệu nồng nhiệt dành cho quyển sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa (Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh 2012) của bác sĩ Bùi Minh Ðức (BMÐ) dễ tiếp tay cho những người chờ đợi những khám phá như thế.
    BMÐ là một bác sĩ, không phải chung chung mà là bác sĩ chuyên khoa, không những từng được học tập và giảng dạy trong nước mà còn ở ngoại quốc, từ Ðông sang Tây, như ta thấy liệt kê thành tích học tập, tác nghiệp đầy cả trang bìa 4 quyển sách, với bức hình tươi tắn mà không để lẫn lộn nghiệp vụ. Và cũng giống như các bậc thức giả ngày xưa, tác giả không dừng lại ở chuyên ngành của mình mà còn đem dàn trải kiến thức qua các lãnh vực văn hoá, ngôn ngữ như được thấy nơi mục “Sách cùng một tác giả”, ở đó, quyển Từ điển tiếng Huế viết “dâng mẹ” năm 2001 mới có 500 trang được khai triển thành 1000 trang (2004) rồi 2000 trang chia hai tập Thượng, Hạ (2009). Cũng không nên tưởng đó là những thú vui ngoài ngành, tác giả đã coi mình là chuyên gia thật sự ở các lãnh vực đó, vì như ở công trình này, trong lúc thường hay tự xác nhận “là bác sĩ y khoa…”, hay nhấn mạnh hơn: “là bác sĩ y khoa ngày nay…” thì ông cũng thêm: “Là một nhà nghiên cứu lịch sử…” Cho nên, Giáo sư sử học Phan Huy Lê khen ông “là một nhà y học uyên bác… có cả một tấm lòng đối với quê hương đất nước, có vốn trí thức liên ngành rộng lớn… vận dụng vào lịch sử, giải thích một số hiện tượng lịch sử Việt Nam liên quan đến y học”. Còn Giáo sư Bác sĩ Tiến sĩ Nguyễn Ðình Hối thì đi xa hơn, gọi “Ông (BMÐ) là người đầu tiên phối hợp môn Y khoa với môn Lịch sử thành môn ‘Y học lịch sử’” – cái tên ghép gượng ép không đủ xác định một ngành học nhưng cũng cho thấy tâm tình thán phục đối với tác giả.
    Có thể nhìn lại quyển sách để xem tham vọng của tác giả đi đến đâu.
    Nghiên cứu bao gồm 20 đề tài, có từng nhóm/bài khác nhau khi “nhìn dưới góc độ y khoa” can thiệp vào sự kiện. Có đề tài để tác giả phô trương kiến thức của mình là nhóm bàn về sinh hoạt tình dục Lí Trần, của Minh Mạng, về cái chết của Quang Trung… Tuy nhiên ngay trong tập nhóm này chúng ta cũng thấy có bài chỉ là “cái cớ” để ông đem chuyên môn y khoa của ông vào, như nói chuyện Nguyễn Du chết vì dịch tả (mà ít ra lại không chịu nêu chứng dẫn), để bàn chuyện chữa bệnh dịch tả trong bệnh viện hay kể kinh nghiệm dịch tả ở xứ Huế của ông. Cũng như trong 33 trang về “Cái chết của Hoàng tử Cảnh với những hệ luỵ bi đát” chỉ có 2 trang nói về cái chết đó, mà lí do chính vì bệnh đậu mùa thì ai cũng biết rồi! Chuyện ông muốn “tìm cớ” để làm nhà nghiên cứu lịch sử ở đây thì sẽ bàn sau. Bài “Tam ban triều điển” dành độ mươi dòng cho ông Hoàng Diệu mà ông này thì tự-mình-thắt-cổ chớ không thấy vua ban đâu cả. Cũng theo chiều hướng đó mà càng “ít độ y khoa” hơn thì thấy trong bài bàn về nhân vật Trần Hữu Lượng, và để có thể xếp BMÐ vào hàng ngũ bàn sử, là nhận định về Trần Thủ Ðộ so sánh với Machiavelli, vốn chính danh mà nói thì đề tài thuộc lãnh vực chính trị học chứ không phải của sử học! Cho nên ngờ rằng vì ít “vốn liếng” nên phải kéo dài ra: Bảy bài về Lí Trần có thể gom vào hai/ba bài là nhiều nhất, nếu muốn cho ông Trâu Canh đứng riêng biệt.
    Tác giả trình bày phương pháp làm việc, cho thấy các bài viết của ông là theo cách các “bài khảo cứu khoa học (có chú thêm tiếng Anh: Scientific Papers) thường được báo cáo tại các hội nghị y khoa ngày nay”. Chi tiết công việc được viết ra rõ ràng, không ai dám bảo tác giả làm việc không khoa học nhưng đem điều đó vào chung một quyển sách, chuyển sang ngành sử thì phát sinh nhiều điều khó biện minh, và bất tiện. Không lẽ ngành sử không có được một phương thức làm việc khoa học “coi được” hay sao mà phải viện dẫn đến mẫu báo cáo y khoa? Tác giả cho rằng các chi tiết khoa học và những luận cứ đưa ra đều có “đầy đủ tính thuyết phục đối với các đồng nghiệp trong y giới” nhưng ta không thấy được một nhận định riêng biệt nào của giới y khoa cả. (Ðiều dễ hiểu là bài trình bày “theo dạng báo cáo tại các hội nghị y khoa” chứ không phải chính thức trình bày như một luận án lấy bằng y khoa để có giới chuyên môn lên tiếng). Ðã thế hình thức dàn bài theo mẫu mực “y khoa” của nhiều bản văn riêng rẽ, đem gộp in vào sách khiến có nhiều chỗ dư thừa, lặp lại, ví dụ phần tham khảo của từng bài dàn trải tổng cộng hơn 33 trang nếu góp lại cuối tập, chỉ cần độ mươi trang là quá đủ. Có thể là tác giả không thấy điều bất tiện này, nhưng đó lại cũng là một chứng cớ làm việc không khoa học, không cần phải đem chuyên môn sâu xa ra chận lối chê trách. Chuyện chuyên môn khó khăn cao cấp đôi khi cũng có thể bàn như chuyện thường ngày mà không sai lạc lắm. Cũng giống như đầu bếp chỉ nên đưa món ăn cho người ta thưởng thức, nói qua loa làm quà thì được chứ không cần phải giải thích dài dòng. Ðộc giả chỉ cần xem ông trình bày kết quả nghiên cứu có chấp nhận được hay không chứ không cần biết ông phải loay hoay khổ cực như thế nào qua các dòng về phương pháp, tham khảo, mở, kết lặp đi lặp lại trong các trang sách, dù có mang chữ Anh chữ u cũng vẫn có dáng như một luận văn ở nhà trường trung học.

    Ít bột mà ráng thì khó gột nên hồ
    Khi không bị loá mắt vì các tấm bằng chuyên môn y khoa phô bày ở đây thì dễ nói chuyện hơn. Ông BMÐ đã chọn vị trí làm việc ở một lãnh vực mà ông tưởng mình có thẩm quyền, như ông khoe đã từng đọc kĩ Ðại Việt sử kí toàn thư nên “hầu như thuộc nằm lòng các sự kiện lịch sử (Việt Nam)”. Thế mà sách ông đầy các lỗi sơ đẳng nhất của một người đọc sử bình thường, chưa nói đến của một sử gia. Và chính điều này lại làm khó cho người đọc muốn tìm ở sách ông một lời khen lấy lòng, chỉ vì hàng đống sai lầm từ thấp đến cao làm đổ cả mọi lập luận nấp sau các từ ngữ, kiến thức chuyên ngành của ông. Hãy từ bậc thấp nhất.
    Không biết ông học sử Việt theo cách “thuộc nằm lòng” ở đâu mà cho “Tiền quân Nguyễn Văn Thành” bị Gia Long giết chết còn “Trung quân Nguyễn Văn Thiềng” thì lại bị Minh Mạng giết (trang 243, 286). Ta có thể ngờ ông không biết đó là MỘT người tên Thành, gọi theo lối kị huý là Thiềng, được chuyển từ vị trí chỉ huy Tiền quân qua Trung quân (một dạng lên chức), tuy nhiên trong sách cũng thấy ông dẫn tên Nguyễn Văn Thiềng từ Trương Vĩnh Ký, nghĩa là ông đã viết và nhớ loạn xạ! Ảnh hưởng từ chứng cớ kị huý đối với các nhân vật Huế quan cách, vương giả được trình bày khiến cho người theo dõi sách ông, tưởng rằng phép kị huý chỉ mới có từ đời Nguyễn mà thôi! (trang 289: “Mỗi khi nghiên cứu về tiếng Huế, các học giả (?) thường gặp phải nhiều trường hợp tên huý của các vua chúa trong vương triều nhà Nguyễn…”) Lại có tên một sử quan là Phạm Phu Tiên, có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn in Ðại Việt sử kí tiền biên. Có nhớ lộn từ “nhập Tống” thành “nhập Trần”. Ðang nói chuyện Trần HỮU LƯỢNG thấy Việt sử tiêu án chép chuyện NGƯU LƯỢNG liền tương ngay vào sách (trang 196-197)! Ðọc (sử) kĩ mà không kĩ nên BMÐ cứ cho Lí Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh mười mấy năm không con để có cớ lôi y khoa giải thích về bệnh dậy thì sớm (nhảm), về ẩn ức tình dục của bà, của các nhân vật liên hệ… trong lúc thật ra bà này đã có con tên Trịnh chết ngay khi vừa mới sinh.
    Ðáng lẽ phải dừng ở đây để khỏi nói tiếp về quyển sách kinh hoàng này, nhưng lỡ rồi… Không biết trong các thèse/thesis y khoa của BMÐ trình ở các trường Ðại học danh tiếng Ðức, Mĩ có dẫn lời phán của ông/bà Thầy Nước Lạnh nào không chớ khi bàn về sử Việt ông lại dẫn sách loạn xà ngầu, từ chính sử tới “bên lề chính sử” (một tên sách của Ðinh Công Vĩ – thấy ở nơi khác là có bằng tiến sĩ), tới sách loại giải trí của Trung Quốc dịch khỏi cần xin bản quyền, rồi tiến đến Truyện Tàu “Di miêu hoán chúa”, truyện kiếm hiệp Kim Dung, văn chương sáng tác Người lữ hành lặng lẽ… Sách cơ quan nghiên cứu in cũng được, sách của hội đoàn tản lạc (Hội Ái hữu Tây Sơn Bình Ðịnh) cũng xong! Ðánh đồng tất cả vì ông không biết đến nguyên tắc lựa chọn độ tin cậy của tư liệu dẫn chứng. Và điều này thì gần như là của cả trong nước bây giờ, chỉ nhắc ở đây vì phải bàn đến ông mà thôi.
    Sử chính thức xưa gần như chỉ có quyển Ðại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) để người sau, cả đến bây giờ, cứ coi như là nơi chứa tài liệu căn bản trưng dẫn chứ không phải là thứ để bàn luận. Cho nên mỗi khi nhắc lại sự kiện xưa thì người ta chỉ chép lại Toàn thư, đôi khi xê xích vài chữ cho có vẻ “sáng tạo”, hay có nổi hứng thêm thì tán rộng tràn lan. Ông BMÐ không cần biết Toàn thư chép về Lí Chiêu Hoàng như sau: “con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối, lập làm hoàng thái tử để truyền ngôi [lúc mới 7/8 tuổi]… Chiêu Hoàng trêu chọc hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng… vốc nước té ướt (Trần) Cảnh, lấy khăn ném cho Cảnh…” Ông thích sách của Ngô Thì Sĩ hơn. Mối liên hệ “con nít” giữa Trần Cảnh và Chiêu Hoàng được Ngô Thì Sĩ chép lại trong sách Ðại Việt sử kí tiền biên của ông ta, tưởng tượng cảnh họ “cùng ở với nhau như vợ chồng”, rồi lại có thêm lời bàn cho là của Ngô Sĩ Liên (1479): “Chiêu Hoàng bảo Cảnh làm voi ngựa, mình cưỡi lên trên, Cảnh lấy hai tay đỡ lấy, sớm gió đêm trăng…” Ðoạn văn xứng đáng như của một loại sách porno còn làm dáng mắc cỡ ngày nay đó, thật ra là của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) mà người dịch 1997 (trang 314) không có chút suy nghĩ, vẫn giữ tên Ngô Sĩ Liên nhưng nội dung thêm thắt đó đủ cho BMÐ khai thác ép buộc cho lí thuyết dậy thì sớm của ông gán vào con người đoán là “xấu người, thấp bé, mặt mày đầy mụn…” có tên Chiêu Hoàng “mới 8 tuổi mà đã biết quan hệ tình dục (?) rất sớm… (có thể phải) mang thai (?) sớm”. Phải có dữ kiện hấp dẫn của Ngô Thì Sĩ đưa ra, ông mới có thể dàn trải hơn hai trang định bệnh, chữa bệnh với chi tiết sex sinh động trên khách hàng giả tưởng của mình. Với sự thiên ái không cần đến nguyên tắc chung về độ tin cậy của tư liệu như thế, ông BMÐ nhất quyết cho rằng giữa 3 quyển sử xưa, ông chỉ cần nêu quyển Tiền biên mỗi khi nêu tên sách tham khảo thôi. Ông đã theo đúng nguyên tắc tự đề ra đó trong tất cả những bài về các triều đại Ðinh, Lê, Lí, Trần, tuy đôi khi lơ đãng cũng nhét Toàn thư vào.
    Nhưng nói đúng ra cái lối vơ vào dẫn chứng lịch sử như thế cũng hợp với tính chất con người thường ngày của ông BMÐ. Trước mặt chúng ta là một ông già nhà quê lẩm cẩm, than vãn đạo đức suy đồi, tỏ lòng thông cảm với lỗi lầm của bà Dương hậu “về phương diện lễ giáo (lấy hai chồng)”, rồi thắc mắc tại sao vấn đề loạn hôn của họ Trần “đi ngược đạo lí luân thường của nước Việt Nam ngày xưa như thế mà lại có thể bành trướng qua nhiều đời như vậy, nhất là hiện tượng này lại xảy ra trong hoàng tộc mà đáng lẽ ra họ phải là tấm gương sáng cho thần dân noi theo…” May thay sự khờ khạo (?) tội nghiệp của ông cũng có người chia sẻ, như khi ông dẫn nhà Huế học Nguyễn Ðắc Xuân (trang 250-251). Cho nên chắc ông không ngờ rằng nhiều suy luận của ông, nếu đem bàn tán trong phòng mạch có thể ảnh hưởng đến sự phán xét của bệnh nhân muốn nhờ ông chữa trị. Biết được tỉ lệ tử vong của bệnh nhân đậu mùa là khoảng 20%, mà Hoàng tử Cảnh lại đã chết nên ông có kết luận là Cảnh “đã nằm trong tỉ lệ 20% tử vong này”! Về Minh Mạng: “Với một số nhiều bà vợ (và nhiều con) như vậy, vua… chắc chắn không thể là một người liệt dương (Impotent) hay là một người có tính đồng tình luyến ái (Homosexuel)…” Ðây là loại lí luận có dáng như câu quả quyết : “Trước khi chết thì anh ta còn sống”, loại vérité de la Pallice (?). Cũng như về trường hợp Tự Ðức, BMÐ có lập luận: “Nhà vua không phải là người ‘lãnh cảm’… không phải là người không có ‘hứng khởi tình dục’ vì nếu không, nhà vua đã ‘nạp phi’ đến 5 bà đưa vào Nội cung để làm gì?” Loại lí luận ngớ ngẩn này có rất nhiều trong sách, kể mãi không hết.

    Bột/hồ và liên ngành, sáng tạo
    Thật ra thì không phải chỉ vì bản thân ông BMÐ không đủ “bột”. Ông chỉ có quá nhiều tự tín để cho rằng mình đã thành công trong lãnh vực y khoa với bao nhiêu văn bằng trường trại quốc nội, quốc tế trưng dẫn, thì quay sang phía sử tất là… dễ ợt! Ông quên câu “Rừng nào cọp nấy”. Thế mà, “bột” thiếu lại ở chính ngay ngành sử, sử Việt.
    Ðã nói, sử xưa của ta có thể nói là chỉ gói trọn trong một quyển sách để người sau có thấy ngắn thì kéo dài nó ra – để rồi lại sẽ thành tư liệu lịch sử. Ở trên ta đã dẫn ra trường hợp Lí Chiêu Hoàng, ghi ở hai quyển sử có phần của Ngô Sĩ Liên (thế kỉ XV) và Ngô Thì Sĩ (thế kỉ XVIII). Cho nên đúng là may mắn cho ông BMÐ có thêm Tiền biên dài dòng hơn Toàn thư để ông có đà tán rộng hơn chuyện Dương hậu, cha con Lê Hoàn. Ông đỡ cực nhọc hơn với triều Nguyễn để có thể đem chuyện xứ Huế vào, cho đến khi có sách vở người Pháp thì có thể nói là ông được rảnh tay, chỉ lo chuyện chuyển dịch thôi (“Chân dung những người Pháp thuộc địa”).
    Thế mà khi tìm đề tài ở sử Việt để phục vụ chuyên môn của mình, ông BMÐ lại chỉ sa đà vào những trường hợp đã từng được gợi ý theo “phong trào”, thời thế như vấn đề của ông Quang Trung nói mãi không hết sự oai hùng, vấn đề của các nhân vật triều Nguyễn tuy đưa ra dưới khía cạnh bệnh tật lại rõ ràng không thoát khỏi sự ràng buộc với những đôi co nặng nề về triều đại xứ Huế này trong nền chính trị sử cận hiện đại. Như vấn đề sex (hình như có công của người viết những dòng chữ này) gợi từ sinh hoạt lạ lùng của họ Trần, từ “bài thuốc Minh Mạng”… Tất nhiên với căn bản kiến thức của ông về sử Việt như đã nói thì điều này cũng là dễ hiểu. Sự hấp dẫn của tình dục học khiến ông mê mải trong ba triều Lê Lí Trần mà quên không hỏi thăm đề tài thời thượng “phi vật thể” là câu chuyện Người đẻ (100) trứng Âu Cơ, nếu khéo khai thác thì từ chuyên ngành Phụ khoa cũng có thể nói đến tình dục, lan qua dân tộc học, folklore, tán rộng đôi co với mấy cái đầu bư trên bờ sông Seine nữa . Không thể trách ông quên lửng không khai thác vụ “thượng mã phong” của Lê Thái Tông để tranh cãi với các cuộc hội thảo quốc gia, từng đề quyết có âm mưu hãm hại công thần, bôi xấu danh tiết của bà vú già Nguyễn Thị Lộ… Lê Thánh Tông được sử ghi “bệnh nặng vì nhiều phi tần”, với chi tiết về “chứng phong thũng”, có bà vợ bôi thuốc độc “vào chỗ lở”, vậy mà không được BMÐ khai thác thêm trường hợp có thể là lậu, tim la hấp dẫn này. Giá như chịu khó một chút ông có thể thấy tiếp theo, chuyện lại-cái của ông hoàng tử con Lê Hiến Tông, để bàn về đề tài đồng tính thật thời thượng trên toàn thế giới mà Việt Nam cũng đang bị lôi cuốn theo cho khỏi mang tiếng lạc hậu. Sao không khai thác thêm trường hợp “lưỡng tính” mạnh mẽ của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, cho vang danh thêm tiếng Huế y khoa? Cũng có thể bàn về ông Lê Văn Duyệt với chứng cớ hơn người khác, vì có bản vẽ để lại trong Lăng Ông Gia Ðịnh, không lầm lẫn vào đâu được…
    “Bột gốc” không đủ nên ông phải tán rộng, phải đặt giả thiết về những “ẩn số tâm lí và tình cảm của Dương Thái hậu” với những nghi vấn “Phải chăng… phải chăng…”, để giải quyết những “bí ẩn… trong thâm tâm” bà hoàng… kéo dài tới chuyện so sánh lạc lõng, vô duyên với bà Kennedy của thế kỉ XX, chỉ với lí do đồng dạng là hai bà First Lady cùng có hai đời chồng! Rồi có đà, khi phân tích tâm lí của những người đàn bà họ Trần, lấn chuyện tình dục từ đàn bà qua đàn ông, BMÐ tuôn chảy chuyên môn về cơ thể học, tình dục học đủ gây thích thú cho những bậc trưởng thượng sống đời nghiêm túc, lần đầu tiên biết tinh trùng đực, tinh trùng cái chạy đua làm sao, lần đầu tiên nghe chuyện rách cổ tử cung… Ông BMÐ cũng đã đề phòng phản bác về sự phô trương chuyên môn của mình trong Lời nói đầu: “Thực chất những bài biên khảo của chúng tôi là những bài nghiên cứu khoa học và vì vậy đã được trình bày với khá nhiếu chi tiết y khoa nên có thể không được hấp dẫn cho lắm đối với các độc giả ngoài y giới”. Ông hơi lo xa nhưng người đọc tuy có thích thú vẫn nghĩ rằng ông đã quá dài dòng, nếu không làm việc thừa thải là khoe khoang thì cũng chỉ vì đã tìm được cách nói cho đầy những trang sách. Ðiều đó hiện rõ, đầy trong các trích văn sử của ông.
    Toàn thể chuyện thay đổi triều đại Ðinh Lê, chuyện cung đình của họ, vốn chỉ có một hai trang giấy trong sử cũ được BMÐ viết thành các mục “Theo dòng lịch sử”, “Thân thế bà Hoàng hậu”, “Bà hoàng họ Dương…”, “Vài con số về năm tháng liên hệ với Dương hậu”, “Vể bệnh tâm thần của Lê Ðại Hành”, tất cả được nhắc (phải nói là “chép”) chép đi chép lại trên 60 trang của ông BMÐ. Chưa đủ, ông Lê Ðại Hành còn được nói thêm kèm với chuyện ông con, cũng vẫn bấy nhiêu sự kiện chép không thừa một chữ của sử xưa. Chuyện họ Trần nằm trong 6 bài viết còn hành hạ độc giả hơn. Hết sách Việt qua sử Tàu. (Không biết có nên coi các loại như Mười đại hoàng đế Trung Quốc, Mười đại mưu lược gia Trung Quốc là “sử” hay không?) Trong 33 trang viết về Hoàng tử Cảnh chỉ có 2 trang dành cho chuyện bệnh hoạn như đã nói, còn lại là chép của sử quan Nguyễn, của sách Tây thực dân, của Trương Vĩnh Ký, lôi ra luôn hiệp ước Versailles, chỉ để kết tội Minh Mạng lúc còn là Hoàng tử Ðảm nhiều lần đứng hầu cha, “đã có ý núp sau màn nghe rõ” trong các tướng ai là người chống đối việc lên ngôi của mình. Chuyện Minh Mạng thẳng tay diệt trừ vợ con Hoàng tử Cảnh theo một âm mưu cho là có nguồn gốc từ thời Gia Long còn là Nguyễn Ánh, được BMÐ (và NÐX) diễn giải tội trạng một cách ngờ nghệch, không tưởng là của tác giả mới vừa bàn về những người đàn bà “dậy thì sớm” kiểu Lí Chiêu Hoàng, về hứng thú tình dục ở người đàn bà thay đổi phối ngẫu, được gán cho Lí Thuận Thiên. Rốt lại chỉ có thể nghĩ rằng BMÐ ưa viết tiểu thuyết lịch sử dựa trên mớ kiến thức y khoa của mình, cốt để quyển sách dày thêm. Nhưng điều “nghĩ xấu” này không thể được những người giới thiệu sách đồng ý.
    Từ ước vọng chuyên môn của mình, ông Phan Huy Lê nói đến một hướng giải quyết liên ngành của BMÐ cho các vấn đề sử học Việt Nam. Chuyện này thì đã được khai thác từ những năm 1960, có hồi rầm rộ cho rằng đã đem đến thành công khi dùng khảo cổ học để vẽ ra diện mạo ông Hùng Vương. Tất nhiên có những người không chịu “cho rằng…”, chỉ vì đã nghĩ khác về vấn đề liên ngành. Một điểm cần thiết khi ngành sử nhờ cậy những chuyên môn khác, nhất là các ngành khoa học thực nghiệm, là để cốt làm sáng tỏ, trong đó có việc chấn chỉnh sai đúng, những sự kiện mà sử quan, sử gia nhiều văn vẻ không đủ khả năng giải thích, chứ không phải lấy oai phong của các ngành kia để biện minh giúp cho các ông viết sử nọ. Không thể thấy kết quả C14 có các con số 4000, 2500 (bỏ qua các sai số) thì đủ xếp hiện vật vào thời Hùng Vương của Ngô Sĩ Liên hay của tác giả Ðại Việt sử lược rồi từ gán ghép đó, lại vẽ lên một “Thời đại Hùng Vương” rực rỡ, ví dụ với trống đồng có thể được ban phát cho các chư hầu Ðông Nam Á! Giá cứ như bây giờ đúc tượng Cha Rồng Mẹ Tiên để tiêu bớt những đồng tiền ngứa ngáy, cứ xin bằng cấp UNESCO về rước sách, tung bùa yểm, làm lễ hội buôn thần bán thánh dựa dẫm vào tinh thần truyền thống “Việt độc đáo / riêng biệt” đang thúc đẩy lên cao vút, thì cái vui may ra có thể thay thế được nỗi ấm ức phải nhận các ông, bà tổ trời ơi đất hỡi.
    Ông BMÐ không biết cái vấp váp quyền uy này nhưng có lẽ theo thói thường, cũng tưởng là đang làm chuyện liên ngành tương tự, với uy thế kiến thức khác. Kết quả là, không nhắc lại các vẽ vời đã nói, ông không biết đến các kiến giải mới ngay ở sử học về một số giai đoạn lịch sử Việt Nam, ví dụ ở đây là chuyện Lí Trần, nên cứ theo những lời kể lể, phê phán của Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ – nhất là của Ngô Thì Sĩ, cùng những ba hoa phụ hoạ tiếp nối để dồn cho độc giả những gì là Tâm thần học, Sinh lí học, Khoa học hành vi, Khoa học Thần kinh, máy fMRI, làm MRI, phép đo lường LH, FSH… có chú thêm chữ “Tây” khó đọc đến kinh khiếp. Ông có thể cãi lại rằng ông đã phân trần trước rồi nhưng nếu cho là ông không loè chữ, không tìm cách cho dày sách thì cũng là mắc lỗi đãng trí, lạc đề khi sa đà trong lãnh vực y học khi đang nói về sử (tiếp theo cái sa đà khắp nơi khắp chốn khác, mà ở một bài luận lớp dưới thì bị chê là “lạc đề”). Cũng vào khoảng 1960, có người đã dùng sinh vật học để giải thích các phát hiện hươu trắng hươu đen ghi nhiều trong thời Lí nhưng rõ ràng chúng ta không thấy họ sa đà nói chuyện phân loại của Carl Linnaeus, chuyện ngao du của Ch. Darwin, nếu bây giờ thì có thể bắt quàng sang chuyện DNA, lấy mitochondrial DNA đi tìm bà Êvà, bà Âu Cơ chứng minh cho lí thuyết Kim Ðịnh như có “học giả” Việt kiều đã làm…
    Mỗi ngành có cái trọng tâm của nó, và cả nguyên cớ, mục đích tạo dựng chuyên ngành đã khiến chúng không thể nào đứng chung lộn mà không “chỏi” nhau. Lập một ngành “y học lịch sử” (?!) riêng, đặt ông BMÐ làm kẻ khai sáng, như ý của ông Giáo sư Bác sĩ Tiến sĩ nọ nhớ loáng thoáng chuyện tách khỏi biologie và chimie để lập bio-chimie chẳng hạn, là chuyện quá phận. Cho nên còn ở liên ngành thì đó là “mượn”, là nhờ cậy chứ không thể để “lấn”, chủ khách phải rành rẽ phân định. Nếu không thể có chi tiết riêng biệt về trường hợp đậu mùa của bệnh nhân (Hoàng tử) Cảnh thì không thể lôi ông hoàng ra để chẩn mạch, tiêm ngừa hay đề nghị chữa trị trong một bài sử được. Còn muốn làm nhà nghiên cứu lịch sử để xét vấn đề truyền ngôi sau Gia Long, như “phát hiện” lớn lao dễ sợ của BMÐ thì tách riêng ra một bài khác, nhập chung trong một bài e rằng vi trùng bệnh đậu mùa có thể lây lan sang Minh Mạng không biết chừng.
    Ðối tượng có trách nhiệm của bác sĩ là người bệnh mang những y chứng tổng quát, hiểu theo nghĩa xuất hiện ở mọi thành phần nhân loại, không phân biệt chủng tộc, thời đại… để người thầy thuốc bất cứ từ đâu cũng chữa trị được miễn là có đúng khả năng. Trong khi đó những ông hoàng bà chúa, quan quyền mà ông BMÐ lôi ra khảo tra bệnh trạng lại là những con người cụ thể, sống có nơi chốn, ăn ở vào những thời đại riêng biệt, có vài lời khai bệnh ấm ớ lại được “vẽ” qua các ông bà nhân viên tha hồ phóng bút kiểu Ngô Thì Sĩ. Với những đối tượng như thế, ông bác sĩ tiến sĩ chuyên ngành BMÐ lại ném lên mình họ những bộ sách toàn thư y khoa, những khảo chứng chuyên biệt nhất, với lỉnh kỉnh những máy móc lớn nhỏ tối tân nhất… kèm theo những than vãn đạo đức ngờ nghệch, bệnh nhân chịu sao cho thấu? Cho nên phải có vài lời ngăn chặn vì chỉ sợ ông theo cái đà “thành công” của Từ điển tiếng Huế mà thừa thắng xông lên. Còn cấp thời, trong trường hợp sử Việt bị nhồi nhét đến bội thực này thì hình như có một cách chữa nhanh chóng, là cho mửa ra.
    Phải không, bác sĩ?

    17-4-2013
    Ghi Chú:
    * Bài đã đăng trên Xưa & Nay số 431, tháng 7 năm 2013, có chút lệch lạc không tránh khỏi vì tình thế trong, ngoài. Duy thấy có điều cần đính chính: “mấy cái đầu BƯ bên bờ sông Seine” được thêm dấu nặng thành: “… đầu BỰ…”. Sai, “đầu bự” là “đầu to”, “đầu bư” là “đầu ngốc” tuy to đầu cũng có thể là ngốc nghếch!