Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Ngày 13/1/2014 - Công nhân 4 năm không được trả lương

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Huyền Như chiếm đoạt tiền cá nhân hay của ngân hàng ?

Những diễn biến sau một tuần xét xử sơ thẩm vụ án Huyền Như cho thấy ngoài số tiền bị chiếm đoạt vào loại “khủng” nhất từ trước đến nay thì phát ngôn của đại diện Vietinbank còn khiến nhiều người nghi ngại về tính an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng…


6 cách đoạt tiền
Theo bản cáo trạng đã công bố và lời khai của bị cáo, người liên quan, bị hại ở tòa… có thể hệ thống, phân loại thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Huyền Như thành 6 cách.
Thứ nhất, làm hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả (sử dụng chữ ký giả và thật, sử dụng con dấu giả và thật) giữa Vietinbank với khách hàng; soạn thảo giấy xác nhận thật “đã nhận tiền” của Vietinbank; chỉ định chuyển tiền gửi tiết kiệm vào tài khoản của một doanh nghiệp khác không phải vào Vietinbank. Sau khi khách hàng chuyển khoản, Như chỉ đạo nhóm giúp việc rút tiền, chiếm đoạt (có 2 nạn nhân).
Thứ hai, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank với khách hàng. Đánh tráo hồ sơ, mạo danh khách hàng để mở tài khoản ở Vietinbank. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản này tại Vietinbank, Như dễ dàng có chữ ký trùng khớp, mẫu dấu trùng khớp để thực hiện chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản rồi chiếm đoạt (4 nạn nhân).
Thứ ba, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank với khách hàng. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản thật của mình mở tại Vietinbank, Như làm giả lệnh chi, giả chữ ký khách hàng chiếm đoạt (4 nạn nhân).
Thứ tư, làm giả hợp đồng tiền gửi, sử dụng hợp đồng giả này đem thế chấp vay vốn ngân hàng khác (có 1 ngân hàng).
Thứ năm, Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng tiền gửi thật với khách hàng. Sau đó, tự ý trích chuyển tiền của khách hàng này đi trả nợ (4 nạn nhân là người đứng tên giùm Navibank gửi tiền vào Vietinbank).
Thứ sáu, Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng tiền gửi thật với khách hàng. Sau đó, Như dùng nghiệp vụ ngân hàng tự ý trích tiền trên tài khoản hợp pháp của khách hàng lập sổ tiết kiệm mang tên khách hàng, rồi nhờ người đứng tên hồ sơ vay giả, giả chữ ký khách hàng, sử dụng trái phép tiền gửi này cầm cố vay vốn tại chính Vietinbank. Khi phát hiện bị Như chiếm đoạt, Vietinbank tự ý trích tiền gửi của khách hàng để thu nợ đã cho Như vay bị thất thoát (có 17 nạn nhân là người đứng tên giùm trên hồ sơ gửi tiền của ACB vào Vietinbank).
Né tội tham ô ?
Trong các thủ đoạn trên, có những hợp đồng giả từ đầu, tiền không chuyển vào Vietinbank. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp hồ sơ vay giả bị Như chiếm đoạt tiền trên chính tài khoản của khách tại Vietinbank. Cá biệt có 22 trường hợp đứng tên giùm cho ngân hàng ACB và Navibank, hồ sơ thật, tài khoản thật bị Như “rút” tiền trong tài khoản. Tổng số tiền Như chiếm đoạt đến nay chưa thu hồi được trên tài khoản của khách hàng ở Vietinbank lên đến hơn 3.400 tỉ đồng, trong tổng số tiền hiện chưa thu được là hơn 3.900 tỉ đồng. Tổng số lệnh chi giả do Như lập tại Vietinbank đã lên hơn 300 lệnh. Số hồ sơ tín dụng giả vay tại Vietinbank hơn 100 hồ sơ.
Trong quá trình thẩm vấn tại tòa, các luật sư muốn làm rõ trách nhiệm của Vietinbank trong việc giữ “chìa khóa” tài khoản của khách hàng để thất thoát. Có luật sư còn chỉ ra hệ thống quản lý của Vietinbank sơ hở, từ giao dịch đến cho vay. Các quy định pháp luật, các quy trình thủ tục để kiểm soát, đảm bảo sự an toàn đã bị nhiều cán bộ, nhiều khâu tại Vietinbank bỏ qua một cách bất thường. Đồng thời, tại tòa, nhiều cán bộ của Vietinbank trong vai trò bị cáo, như: Trần Thanh Thanh, Đoàn Lê Du, Huỳnh Trung Chí, Bùi Ngọc Quyên, Hoàng Hương Giang, Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Nguyễn Thị Phúc Ngân… thừa nhận các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm đã không trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục; thậm chí, nhiều hồ sơ khi giải ngân không có chữ ký của khách hàng nhưng vì nể nang, tin tưởng thực hiện theo chỉ đạo của Như hoặc của lãnh đạo Vietinbank làm sai quy trình để Như có thể chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng.
Từ đó, có thể hình dung: tiền của khách hàng gửi trong tài khoản của Vietinbank như bỏ trong một cái túi. Khách hàng giao túi này cho Vietinbank giữ và chính  những người được giao trọng trách giữ túi tiền ở Vietinbank đã không làm hết trách nhiệm gây thất thoát tiền của khách hàng.
Cho đến thời điểm này, khi phiên tòa vẫn đang diễn ra, vẫn chưa có thay đổi nào về tư cách người tham gia tố tụng. Vietinbank chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong khi các bên được xác định là bị hại lên tiếng phản đối kịch liệt, cho rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank. Ngược lại, cả Huyền Như và Vietinbank lại cho rằng Huyền Như huy động vốn với danh nghĩa cá nhân, gian dối để lừa đảo và tài sản của ai thì người đó tự quản lý, còn Vietinbank vô can.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, cách khai của Huyền Như và đại diện Vietinbank giúp “có lợi cho cả hai”. Nếu Vietinbank nhận trách nhiệm, sẽ phải bồi thường cho khách hàng hàng ngàn tỉ đồng. Còn dưới góc độ pháp lý, Huyền Như “né” nhiều câu hỏi, nhanh nhảu nhận mình lừa đảo, có thể, để tránh không bị truy tố thêm tội khác. Cụ thể, nếu Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank thì có thể phải “gánh” thêm tội tham ô (Vietinbank là ngân hàng có vốn nhà nước) với khung hình phạt cao nhất là tử hình bên cạnh hai tội danh “lừa đảo”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đang bị truy tố.
Hôm nay (13.1), phiên tòa bước sang phần tranh luận.
Theo Thanh Niên

Vinaconex 15: Công nhân 4 năm không được trả lương

Giải thích với công nhân, Giám đốc Trương Hải Triều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trả lương là vì Cty đang phải gánh khoản nợ xấu hơn 100 tỉ đồng.


Báo Lao Động nhận được đơn của 9 công nhân là tổ trưởng các tổ thợ thuộc CTCP xây dựng số 15 – Vinaconex (Vinaconex 15) đề nghị được giúp đỡ về việc Vinaconex 15 nợ lương của người lao động (NLĐ) kéo dài. Các tổ  công nhân này đang bị Công ty nợ trên 3,7 tỉ đồng tiền lương suốt hơn 4 năm qua.
NLĐ hết kiên nhẫn
Sáng 10.1, trong buổi làm việc do lãnh đạo Vinaconex 15 hẹn với nhóm  công nhân đang bị Cty nợ lương, Giám đốc Vinaconex 15 Trương Hải Triều đã giải thích loanh quanh khiến những  công nhân có mặt nổi giận. Họ yêu cầu Cty phải có cam kết cụ thể về thời điểm thanh toán tiề
n công, tiền lương cho NLĐ. Hết giờ làm việc buổi sáng, từ giám đốc đến phó giám đốc
Cty, giám đốc chi nhánh đều không đưa ra được lời hứa khi nào sẽ thanh toán, mức thanh toán là bao nhiêu.
Đặng chẳng đừng,  công nhân đã khóa cửa phòng, không cho lãnh đạo Cty ra ngoài và đến 14h, biên bản cuộc họp với  công nhân mới được thông qua. Tại biên bản, cả giám đốc, phó giám đốc Cty và giám đốc chi nhánh Hà Nội đều cam kết sẽ thanh toán tiền lương cho  công nhân theo lộ trình, trước mắt từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ tạm trả cho các nhóm thợ khoảng 1,5 tỉ đồng.
Anh Thạch Văn Thành – tổ trưởng tổ  công nhân điện nước, người hiện bị Cty nợ tới 967 triệu đồng – cho rằng, số tiền đó không thấm vào đâu bởi chỉ tính riêng công trình Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo VN, Cty còn nợ  công nhân khoảng hơn 3,7 tỉ đồng.
Còn anh Nguyễn Văn Hùng – tổ trưởng tổ thợ nề hiện “chỉ” bị Cty nợ hơn 534 triệu đồng – bức xúc: “Chúng tôi tham gia làm công trình Hội Nhà báo từ năm 2012 đến nay, hoàn thành toàn bộ khối lượng công trình được giao, vậy mà từ đó đến nay không được lĩnh một đồng tiền công nào”. Tổ trưởng tổ CNLĐ phổ thông Hoàng Văn Giang đã không kìm được sự tức giận đối với lãnh đạo Cty về việc không chịu thanh toán những khoản tiền nhân công, khiến cuộc sống của anh chị em hết sức khó khăn.
Tổ của anh Giang đã hoàn tất mọi chứng từ, Giám đốc chi nhánh Hà Nội Nguyễn Văn Cường đã ký xác nhận số tiền phải thanh toán là hơn 696 triệu đồng – khoản nợ khổng lồ với thu nhập chỉ mỗi tháng vài triệu của  công nhân.
Khó khăn hay cố tình dây dưa?
Giải thích với  công nhân, Giám đốc Trương Hải Triều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trả lương là vì Cty đang phải gánh khoản nợ xấu hơn 100 tỉ đồng. Chính vị giám đốc này khẳng định, đã phải bán nhà riêng để lấy tiền cứu Cty và cá nhân giám đốc cũng đang rất khó khăn về kinh tế….
Ông Lê Chí Thanh – tổ trưởng tổ cốp pha – tâm sự: “Số tiền 570 triệu đồng Cty nợ chúng tôi là lương của anh em làm hơn 1 năm không được thanh toán khiến cho họ vô cùng khốn đốn. Nhiều người trong chúng tôi gia đình thường xuyên lục đục là bởi đi làm quanh năm suốt tháng mà không có đồng nào đóng góp nuôi con, lại còn phải lấy tiền nhà đi tiêu pha”.
Theo một CB của Cty, toàn bộ số tiền hơn 4 tỉ đồng từ công trình của Hội Nhà báo VN là phần việc do Vinaconex 15 tham gia thi công đã được chủ đầu tư chuyển trả đầy đủ cho Cty.
Ông Hà Minh Huệ – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN – cũng khẳng định, đã thực hiện đầy đủ mọi thủ tục chấm dứt hợp đồng thi công của Vinaconex 15. Nhưng đến nay, sau gần 2 tháng ngừng toàn bộ công việc ở đó, NLĐ vẫn không có lương. Những tổ thợ nề tham gia ngay từ đầu thì đã có tới 3 – 4 năm làm không công, còn những tổ điện nước, cốp pha, trần thạch cao… thì ít nhất cũng phải chịu cảnh tương tự trong hơn 1 năm.
Cũng trong ngày 10.1, khi nói về việc thanh toán lương cho  công nhân, Giám đốc Cty Trương Hải Triều còn yêu cầu họ và phòng chức năng trong quý II và quý III/2014 phải hoàn tất các chứng từ mới có thể làm thủ tục thanh toán.
Vậy tại sao từ trước tới nay, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng, NLĐ vẫn không được trả lương, nay bị thúc ép mới vẽ thêm các thủ tục. Nếu Cty cố tình kéo dài thời gian như vậy, sẽ càng đẩy NLĐ đến chỗ cùng quẫn.
Theo VNEconomy 

Ông lớn’ cũng lao đao, doanh nghiệp kiệt sức

Nhiều doanh nghiệp từng dẫn đầu trong một số ngành sản xuất rơi vào tình trạng lâm nguy do khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Sản xuất tại Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành – từ một trong những thương hiệu gỗ lớn nhất tại VN nay đang gặp rất nhiều khó khan
Nợ bủa vây
Chỉ cách đây vài năm, Trường Thành (Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành – TTF) là một trong những thương hiệu gỗ lớn nhất tại VN. Năm 2011, tập đoàn này dẫn đầu thị trường nội địa về gỗ chế biến xuất khẩu với kim ngạch trên 3.000 tỉ đồng. Ít ai có thể ngờ được, vài tháng trước TTF đã rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn khi bị hàng loạt ngân hàng (NH) chủ nợ thu hồi vốn cũ, từ chối khoản vay mới. Và đỉnh điểm là TTF có cuộc gặp với 13 NH để xin gia hạn thời gian trả nợ qua năm sau khi tổng nợ vay đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Trước đó, TTF phải xin phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá để thu về 98 tỉ đồng bổ sung vốn kinh doanh… Giải pháp bất đắc dĩ này cũng đang được TTF lên kế hoạch tiếp tục thực hiện với hy vọng có thêm 700 tỉ đồng để xoay xở. Thế nhưng, số phận thương hiệu gỗ hàng đầu VN đến lúc này cũng chưa biết thế nào khi những khó khăn chung được dự báo sẽ còn tiếp tục.
Được xem là 1 trong 4 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê hàng đầu VN và là DN duy nhất hoạt động theo mô hình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến, dịch vụ đến xuất khẩu cà phê, nhưng lúc này Tập đoàn cà phê Thái Hòa (THV) cũng đang lâm nguy. Tính đến giữa năm 2013, con số lỗ lũy kế của THV đã lên hơn 622,5 tỉ, cao hơn cả vốn điều lệ 577,5 tỉ đồng. Đặc biệt, tổng số nợ phải trả lên hơn 2.000 tỉ đồng và trong đó hơn 1.900 tỉ đồng là nợ ngắn hạn. Hủy niêm yết, xin các NH gia hạn nợ, thậm chí, ông chủ của THV cũng từng thẳng thắn xin “cơ hội để trả nợ”… Thế nhưng, câu hỏi liệu “ông lớn” trong ngành cà phê này có vượt qua được cơn “bĩ cực” hay không chưa thể trả lời.
Tương tự là thương hiệu Xi măng Hà Tiên 1 của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1). Đây là thương hiệu lớn nhất trong ngành này xét về quy mô, doanh số và công suất. Nhưng cũng như các ông lớn trên, HT1 đang phải đối mặt số nợ hàng ngàn tỉ đồng và kết quả kinh doanh bấp bênh, thua lỗ và giá cổ phiếu liên tục rớt chỉ còn một nửa so với mệnh giá…
Gánh nặng lãi vay
Nguyên nhân dẫn đến kết cục của các DN nói trên cũng như hàng ngàn DN đã phá sản hay đang “chết lâm sàng” cũng tương tự nhau. Đầu tư bằng vốn vay, lãi suất tăng chóng mặt trong khi đầu ra bị “tắc” khiến họ rơi vào tình trạng nan giải. Nếu trước năm 2008, lãi vay ở mức dưới 10%/năm thì từ 2009 – 2011, có thời điểm lãi suất cho vay lên trên 20%/năm khiến những công ty vay lớn khủng hoảng. Đơn cử như HT1, năm 2010 chi phí lãi vay của công ty là 311 tỉ đồng thì một năm sau đã tăng lên hơn gấp đôi. Tổng cộng qua 3 năm từ 2010 – 2012, HT1 phải trả lãi vay lên đến 1.927 tỉ đồng. Cũng trong vòng 3 năm từ 2010 – 2012, TTF cũng phải trả hơn 600 tỉ đồng lãi, còn số lãi mà THV phải trả trong giai đoạn này là 667 tỉ đồng.
Trong khi lãi vay tăng chóng mặt thì đầu ra bị nghẽn lại. Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trong nước và thế giới đều thắt chặt chi tiêu khiến tiêu thụ của TTF giảm mạnh, dù công suất được gia tăng gấp đôi. Trong khi đó tồn kho tăng mạnh. Cuối năm 2011, trị giá hàng tồn kho của TTF là 1.668 tỉ đồng thì đến cuối năm 2012 tăng lên 1.962 tỉ đồng… Thiếu đơn hàng phù hợp, tồn kho cao dẫn đến cạn kiệt vốn lưu động là bài học đắng cay của TTF. Hay như THV, trị giá hàng tồn kho đến cuối năm 2012 vẫn hơn 600 tỉ đồng… Đặc biệt, các nhà máy mới xây dựng xong phải nằm không vì thiếu nguyên liệu. Chẳng hạn THV có hai nhà máy với công suất hơn 110.000 tấn/năm ở Quảng Trị, nhưng theo Cục Trồng trọt, vào năm 2012 diện tích trồng cà phê tại địa phương này chỉ có 5.000 ha, đáp ứng khoảng 40% công suất cho các nhà máy tại đây. Hay tại Điện Biên, Sơn La, sản lượng cà phê ở mức 10.000 tấn trong khi riêng nhà máy của THV đã có công suất lớn gấp 3 lần. Đại diện THV từng trao đổi với báo chí rằng, khi xây dựng nhà máy chế biến cà phê, chè ở Sơn La đã tính toán nguồn nguyên liệu tại chỗ và những tỉnh lân cận. Nhưng do người dân trồng cà phê quen với cách tự chế biến rồi đem bán, thay vì bán cà phê tươi, nên nhà máy đã không thể hoạt động đúng như mong muốn ban đầu.
Tương tự, từ năm 2010, kinh tế càng khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng thì mức tiêu thụ của ngành xi măng luôn trong tình trạng cung vượt cầu. Tổng mức tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 54 triệu tấn, thấp xa so với tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng trên cả nước đã đưa vào hoạt động là 68,5 triệu tấn. Do sức ép cung lớn hơn cầu, chi phí sản xuất liên tục gia tăng nhưng giá bán khó tăng kịp, lại phải giảm công suất nên chuyện các DN ngành xi măng thua lỗ cũng không gây ngạc nhiên.
Doanh nghiệp kiệt sức Nhìn nhận về nguyên nhân khiến DN rơi vào tình trạng lâm nguy, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTF, thẳng thắn: “Năm 2010, nhiều người cho rằng khủng hoảng đang đi qua sau 3 năm nhưng đến nay tác động của nó vẫn còn rất nặng nề. Cuộc khủng hoảng kéo dài đến 5 – 6 năm là khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử kinh tế mà tôi từng biết. Điều này khiến các DN kiệt sức. Cùng với việc không quyết đoán để đưa ra quyết sách đúng ngay từ sớm nên càng khiến chúng tôi gặp khó khăn”. Còn theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc THV, do sử dụng vốn ngắn hạn vào đầu tư dài hạn mà chủ yếu là trồng cà phê và cao su nên THV đã gặp khó khăn về hoạt động và thua lỗ nặng nề trong những năm qua.
Theo Thanh Niên

Chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ - Hà Nội hình thành liên minh chặn Bắc Kinh ở Biển Đông?

Ban nội chính Trung Ương: Sẽ điều tra lời khai của Dương Chí Dũng

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính trung ương, khẳng định như vậy khi nói về việc điều tra lời khai chấn động của Dương Chí Dũng tại phiên xét xử vụ “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” mới đây đối với Dương Tự Trọng và đồng phạm


* Phóng viên: Trong phiên xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm can tội tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, HĐXX quyết định khởi tố vụ án ngay tại tòa về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” từ lời khai chấn động của Dương Chí Dũng. Xin ông cho biết cơ quan nào sẽ điều tra lời khai này?
 
- Ông Phạm Anh Tuấn: Hiện tại, TAND TP Hà Nội giao cho VKSND TP Hà Nội vì VKSND TP Hà Nội là cơ quan duy trì thực hành công tố tại tòa theo quy định của pháp luật.
Đương nhiên, sau khi được giao thì VKSND TP Hà Nội phải báo cáo VKSND Tối cao. Mà việc này lại do Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an đang điều tra cho nên chắc rằng tới đây sẽ phải thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp tham gia điều tra. 

Việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp nhằm tránh trường hợp “chuyện trong nhà”. Mà đúng là cũng phải tránh thật,  xã hội cũng dị nghị nên cần thiết phải có tổ liên ngành tham gia. Nếu vụ án bình thường thì CQĐT dư sức, thừa quyền làm được.

Nhưng thôi! Đúng là để đảm bảo khách quan thì cần có sự chỉ đạo của liên ngành. Tuy nhiên, cụ thể thế nào trong vài ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng.

* Vậy vai trò của Ban Nội chính trung ương trong tổ công tác liên ngành như thế nào? Tiến độ xử lý các đại án khác ra sao?

- Việc tham gia chắc chắn là có, còn giữ vai trò nào thì như tôi nói là phải chờ ít hôm nữa.

Lập tổ liên ngành là đúng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương, cho rằng việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp điều tra lời khai của Dương Chí Dũng là cần thiết vì việc này không chỉ liên quan đến lãnh đạo ngành Công an mà là cả hệ thống chính trị. Không chỉ là vấn đề uy tín của ngành Công an mà cả uy tín của Đảng và nhà nước. Do vậy cần đảm bảo chính xác, khách quan để nếu lời khai của Dương Chí Dũng đúng sự thật thì phải xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Nếu lời khai không chính xác thì càng cần phải điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu.

Hiện Ban Nội chính trung ương đã trình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho quyết định cuối cùng về việc bổ sung những vụ án, vụ việc nào và dự kiến sẽ có danh sách trong thời gian tới đây.
Tinh thần các vụ án, vụ việc bổ sung tiếp tục tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tín dụng, ngân hàng.

* Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2014 vừa qua, Trưởng Ban Nội chính trung ương - ông Nguyễn Bá Thanh - khẳng định sẽ khảo sát tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến hoạt động của một số tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng?

- Đúng. Năm 2014 có 4 nhiệm vụ lớn thì có việc Ban Nội chính trung ương tiếp tục tổ chức 4-5 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, xét xử.

Đồng thời, bổ sung một số vụ án lớn vào diện Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính trung ương theo dõi, đôn đốc. Ban Nội chính trung ương sẽ phối hợp cùng Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua cơ quan thanh tra, giám sát để nắm một số hoạt động nhằm thắt chặt những lĩnh vực có thể phát sinh tiêu cực, sai phạm.

* Việc Ban Nội chính trung ương giám sát lĩnh vực ngân hàng là do thời gian qua bộc lộ quá nhiều kẽ hở, sai phạm?

- Không hoàn toàn như vậy nhưng thực tế qua kiểm tra, giám sát của 7 đoàn công tác trong năm 2013 và kết hợp với các vụ án mà Ban Chỉ đạo theo dõi có nhiều việc liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
Có nghĩa là trong lĩnh vực này đã có những vấn đề cần phải rà soát, chấn chỉnh, ngăn chặn để không phát sinh thêm tiêu cực, sai phạm. Đụng đến sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực ngân hàng thì thiệt hại là rất lớn. Hệ quả này ngoài nguyên nhân do lỏng lẻo trong quản lý, cơ chế thì còn do sự hư hỏng của cán bộ, cộng thêm khó khăn của nền kinh tế tác động.
Phá vỡ vùng cấm

Để biến quyết tâm chống tham nhũng thành hiện thực, trước hết phải động viên sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Phải làm sao để phòng chống tham nhũng trở thành một trào lưu xã hội, một sức mạnh đối lập với các thế lực tham nhũng thì mới có điều kiện đẩy lùi, xô ngã hoặc vô hiệu hóa các thế lực này.
Không chỉ các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng và các cơ quan tư pháp mà tất cả thành viên xã hội, nghĩa là mỗi người dân, đều phải xác định tiễu trừ tham nhũng là việc của mình, gắn với lợi ích thiết thân của mình. Sự trong sạch của bộ máy nhà nước là điều kiện để phát huy hiệu lực hoạt động của nó và hiệu quả đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: dịch vụ công được cung ứng nhanh gọn với chi phí rẻ; đầu tư công có hiệu quả với những công trình, tiện ích công cộng chất lượng cao...
Từ nhiều năm, cam kết phòng chống tham nhũng được liên tục được đưa ra trong những thông điệp chính thức nhân danh chính quyền nhưng rồi quốc nạn này vẫn hoành hành khiến lòng tin của người dân giảm sút. Để người dân hăng hái, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng thì việc chỉ rõ lợi ích mà hoạt động phòng chống tham nhũng mang lại cho dân là chưa đủ. Cần phải làm cho dân tin tưởng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của nhà chức trách, từ đó tự nguyện vào vai người tiếp sức, hỗ trợ. Đây thậm chí là điều kiện quan trọng nhất.
Những vụ tham nhũng lớn bị phanh phui trong thời gian gần đây cho thấy các nỗ lực phòng chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tham nhũng luôn diễn ra ở những góc khuất, kín đáo; việc phát hiện không đơn giản.  Đặc biệt, tham nhũng ở những vị trí cao thường có giá lớn, được thực hiện rất tinh vi và được che chắn, bảo hộ chặt chẽ bằng thế lực, tránh sự phát hiện. Việc một số quan chức cấp cao, đại gia phải ra đứng trước vành móng ngựa để nghe cáo buộc các tội danh tham nhũng cho phép chúng ta ghi nhận thành quả đáng khích lệ của công tác bảo đảm thực thi pháp luật trong khu vực công quyền - một công tác đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có những vụ xử lý tham nhũng mang tính răn đe cao.
Vụ Vinalines và những lời khai chấn động của nhân chứng Dương Chí Dũng tại phiên xử Dương Tự Trọng đã phát đi dấu hiệu đáng chú ý. Ít nhất điều đó cũng cho thấy khả năng tấn công tham nhũng ở những vị trí cao. Điều này đúng là không dễ chút nào. Ai cũng hiểu rằng một mặt, chức quyền càng cao thì tham nhũng dựa vào quyền chức càng có giá trị lớn. Mặt khác, những quan tham nắm nhiều quyền lực trong tay luôn có điều kiện trấn áp bằng sức mạnh của công quyền đối với những nỗ lực bóc trần trước công luận hành vi phạm pháp của mình. Bởi vậy mới có khái niệm “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng. Gọi là “cấm” không phải vì luật pháp không cho phép động tới vùng đó, đúng hơn là động tới những con người trong vùng đó, mà trước hết do khả năng tự bảo hộ, tự đề kháng của nó trước sự công kích từ bên ngoài. Sự tồn tại và phát triển của vùng cấm tỉ lệ nghịch với sự hoàn thiện nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật. Luật pháp càng được thực thi nghiêm chỉnh thì vùng cấm càng bị thu hẹp và giảm sút uy lực; ngược lại, luật pháp bị coi thường, đặc biệt là bởi quan chức, thì vùng cấm có điều kiện bành trướng và trở nên kiên cố.
Đó cũng là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của công cuộc cải cách tư pháp. Cần tiếp tục lộ trình cải cách. Việc xét xử nghiêm minh một vụ án tham nhũng ở cấp cao chắc chắn sẽ có tính răn đe cao. Hình phạt nghiêm khắc dành cho bị cáo là lời cảnh báo đối với những người nắm quyền lực. Một khi nhận thấy nguy cơ đứng trước vành móng ngựa, quan chức sẽ tự cố gằng kềm chế bản thân trước cám dỗ. Nhờ đó, tham nhũng bị đẩy lùi.
PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
(An Quý ghi)
Theo Thế Dũng (NLDO)

Bản án của Dương Chí Dũng có thay đổi sau lời khai chấn động?

Nếu lời khai về "ông anh" đã mật báo cho Dương Chí Dũng chạy trốn là có thật thì cựu Cục trưởng Hàng hải  sẽ được giảm án vì có công phát hiện tội phạm; ngược lại sẽ bị buộc thêm tội Vu khống người khác.
Cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng trước khi đưa ra lời khai chấn động đã nói:
Cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng trước khi đưa ra lời khai chấn động đã nói: "Tôi đã bị tuyên án tử hình nên ra đây tôi chỉ khai sự thật". Ảnh: TTXVN
(VnExpress)

Chiếc phong bì không còn chứa đủ tiền hối lộ

TT - Có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng những lời khai tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng mới đây cho thấy có những cuộc giao dịch mà tiền USD được chất đầy trong những vali, giỏ xách.

Và chuyện đưa và nhận tiền với hàng trăm ngàn USD ấy diễn ra hết sức bình thường, đơn giản...
TS Phạm Duy Nghĩa (trưởng khoa luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: “Giả định rằng những lời khai tại tòa là sự thật thì nửa triệu USD mà ông Dương Chí Dũng mang đi hối lộ phải đựng trong túi kéo. Còn 1 triệu USD mà trước đó một bị cáo khác khai đã đưa cho ông Dũng thì phải bỏ trong vali kéo...
Chẳng còn là chuyện lạ

* Có phải ông muốn dùng hình ảnh cái vali, túi kéo thay thế chiếc phong bì để khái quát tình hình tham nhũng?

- Cái việc hối lộ, nhiễu nhương trong xã hội Việt Nam không còn là chuyện lạ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) là “bây giờ làm gì cũng phải có tiền, không có tiền là không trôi... tham nhũng nhiều như gãi ghẻ, rất khó chịu”.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri ở TP.HCM cũng nói trong bộ máy của chúng ta không chỉ có một con sâu mà cả một bầy sâu.

Rồi các phiên họp của Quốc hội, HĐND bị chất vấn nhiều nhất là vấn đề có hiện tượng chạy chức chạy quyền, thậm chí ở HĐND TP Hà Nội đã có cuộc tranh luận chạy chức này chức kia là bao nhiêu tiền...

Như vậy, đây không phải là chuyện lạ, giật đùng, ngã ngửa gì cả. Từ 20 năm trước ở vỉa hè Hà Nội tôi đã nghe chuyện chạy chức này chức kia, chạy việc này việc kia giá bao nhiêu... Nhưng nay hiện tượng chạy chức chạy quyền ấy không còn nằm ở quán chè nước nữa mà đã lan đến nghị trường.

Và lời khai của Dương Chí Dũng chỉ lượng hóa được một điều cụ thể là cái phong bì không chứa nổi tiền hối lộ nữa mà nó phải là một cái giỏ xách, một vali.

Đồng thời cảnh báo xã hội về việc các quan chức khi dính vào tội hình sự thì dùng tiềm lực kinh tế để tránh sự trừng phạt của công lý.

* Nhưng đây là lần hiếm hoi người ta nghe chính thức một người trong cuộc kể lại hành trình đi đưa hối lộ với số tiền kếch xù, số tiền bao nhiêu, ngày nào, đưa cho ai, rất đơn giản...

- Chuyện này cũng không mới. Vụ tham nhũng ở dự án đại lộ Đông Tây của ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM), bên đưa hối lộ là Công ty PCI của Nhật cũng đã khai hết quá trình, dân ta cũng đã biết hết.

Có điều người ta không đưa hối lộ, chuyển tiền thô thiển kiểu kéo - một - chiếc - vali như ở nước mình. Ở nước ngoài, muốn chuyển một khoản tiền cũng phải có những động tác giả, giả vờ có những hợp đồng, chuyển qua công ty trung gian.

Vì họ biết sẽ bị kiểm toán chặt chẽ, không tránh được ánh mắt của luật pháp. Cái phong bì trước đây hay vali, túi xách bây giờ không chỉ phản ánh một sự thật chua chát về tham nhũng mà còn cảnh báo một sự cẩu thả trong quản lý dòng tiền của Việt Nam cũng như chủ nghĩa tiền mặt và sự giám sát đáng ra phải có của Nhà nước.

Tất cả những điều này mọi người đều biết hết, có điều qua vụ này nó mới lộ ra chi tiết.

* Dương Chí Dũng nhận và đưa những khoản tiền lớn đến cả triệu USD một cách rất gọn nhẹ. Ông có bình luận gì về sự “đơn giản” này không?

- Sự khốn đốn do kinh tế suy thoái đang tác động rất lớn đến người dân, người ta quan tâm đến chuyện con cái học hành, khám bệnh, tết này ra sao...

Cuộc mưu sinh đang làm cho người ta thờ ơ. Nhưng cái lớn hơn là người ta thấy tham nhũng đó nhưng không chống lại được.

Biệt thự quan chức ở đâu dân cũng biết. Nhà thờ họ quan chức ở đâu dân cũng biết. Con công chức đi học nước ngoài người ta cũng biết. Quan chức ốm chữa bệnh ở đâu người ta cũng biết luôn.

Thế nên họ chẳng “sốc” mà cũng chẳng kinh ngạc. Đó là dấu hiệu rất đáng lo ngại. Vì thế vụ việc này nhìn chung dân chúng bình thường thì có một sự tò mò nhưng theo tôi dự cảm là không gây ra hiệu ứng “sốc”.

Phiên tòa như một tiếng thét

* Ông có nói đến hai chữ “phúc lợi”. Nếu hiểu đó là một miếng bánh thì những chiếc vali hay túi tiền các bị cáo khai tại hai phiên tòa đang minh chứng có hiện tượng“kẻ ăn không hết, người lần không ra”?

-  Ở Việt Nam đang thiếu một tầng lớp trung lưu nhưng lại rất nhanh chóng có một tầng lớp thượng lưu giàu có. Còn phần đông công chúng còn lại là những tầng lớp vừa đủ sống có thể dư một chút chứ không phải là trung lưu. Xã hội Việt Nam đang bước vào tình trạng mất cân xứng, xuất hiện một lớp váng những người giàu có.

Và sự bí ẩn cần giải thích là nguồn gốc đã tạo nên sự thịnh vượng của những người này. Đó là gần 30 năm đổi mới, có một số doanh nghiệp hoạt động tốt nhưng cũng có những doanh nghiệp hoạt động không tốt lại được giao rất nhiều tài nguyên, đất đai.

Và do quản lý không tốt, số tài nguyên này cứ “róc rách” chảy về túi của các cá nhân. Và vụ tham nhũng tại Vinalines do Dương Chí Dũng cầm đầu là một ví dụ cụ thể.

* Ông nhận xét chiếc vali kéo và túi xách đầy tiền là một hình ảnh thô thiển. Hình như nó còn hàm ý gì khác?

- Thô thiển là vì như tôi đã nói, chiếc phong bì không còn chứa nổi tiền nữa. Đó cũng là điều chẳng mới, cái đáng buồn cho dân tộc Việt Nam là rất nhiều nguồn tài nguyên đã làm giàu cho ngoại quốc.

Ví dụ mua cái ụ nổi thì phần lớn số tiền đâu phải quan chức Việt Nam được hưởng mà là vào tay chủ cái ụ rác đó ở nước ngoài.

Chúng ta đang phát triển bằng cả cách bán sức lao động trong độ tuổi dân số vàng, bán tài nguyên của tổ tiên để lại. Có một chút phúc lợi thì được san sẻ bởi những người có thế lực, còn số còn lại thì được khai thác bởi tư bản nước ngoài.

Tham nhũng có tội không chỉ ở chỗ ăn đi phần nhiều miếng bánh phúc lợi mà còn tước đi cơ hội của hàng triệu người, chuyển nguồn tài nguyên tích cóp của tổ tiên sang tay cho các ông chủ trong nước và nước ngoài. Điều chua xót nó nằm ở chỗ đó!

Phiên tòa xét xử những vụ việc liên quan đến Dương Chí Dũng như một tiếng thét, một hồi còi. Cần phải làm ra những sức ép mới để cho những người có quyền hiện hành phải đối mặt với thách thức và sự đòi hỏi của dân chúng.
Dòng chảy của nguồn tiền kếch xù
* Ở phiên tòa xét xử vụ tham nhũng tại Vinalines, một bị cáo khai đã kéo một vali đầy tiền đến đưa cho Dương Chí Dũng. Còn ở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, Dương Chí Dũng lại khai ông xách một giỏ tiền đến đưa cho một cán bộ cao cấp ngành công an. Dường như chiếc vali và chiếc túi xách đầy tiền có chung một “dòng chảy”?
- Cái vali chạy đến nhà Dương Chí Dũng không thể dừng lại mà nó phải chạy chỗ khác để làm cho hệ thống đó “hài hòa”. Và quy luật ấy có sự khắc nghiệt của nó. Nó tự tái sinh và thù địch với những ai ngăn cản. Ai tấn công thì sẽ trở thành đối thủ, hoặc sẽ bị tiêu diệt hoặc sẽ được kết nạp vào... Chúng ta không đủ thông tin để hiểu. Cho nên không có gì lạ khi những người này bị pháp luật hạch tội thì họ lại dùng nguồn tiền nhận được để chạy tội.
Giả định rằng có thật việc nửa triệu đô mà Dương Chí Dũng đưa cho một cán bộ ngành công an thì bởi nguồn phúc lợi kếch xù họ nhận được quá dễ dàng và trong một thời gian ngắn. Và số tiền mà họ nhận được từ vali hay túi kéo dĩ nhiên không thể dừng lại mà nó phải được lưu chuyển “hài hòa”.
NGUYỄN VIỄN SỰ thực hiện
(Tuổi trẻ)

Hiệu trưởng ĐH Tài chính - Marketing bị tố vào khách sạn với vợ học trò…

"Tôi viết đơn tố cáo trong tâm trạng hết sức tuyệt vọng, đau đớn, xấu hổ và tủi nhục bởi ông Hậu vừa  là người thầy, cấp trên của tôi mà tôi đã từng rất kính trọng, tin tưởng và thương yêu nhất, vậy mà…" 
Ông P.K.B, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Viện nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng Trường ĐH Tài chính – Marketing vừa gửi đơn tố cáo Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, PGS.TS.NGƯT Hoàng Trần Hậu vào khách sạn với vợ của ông.
Ông B., bức xúc: “Ông Hậu, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing hiện đã có vợ và hai con tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông này vẫn cùng vợ tôi, đang công tác tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế, ĐH Tài chính - Marketing dẫn nhau vô khách sạn sau giờ làm”.
Theo người tố cáo, ngày 26.11.2013, ông Hoàng Trần Hậu vào khách sạn Movenpick Sài Gòn (251 Nguyễn Văn Trỗi, P.10, quận Phú Nhuận) đặt phòng 440 lúc 17h 30 phút.
Sau đó, theo ông P.K.B, lúc 18h 24 phút, đích thân ông Hậu xuống đón bà D lên phòng. Tại hành lang khách sạn, ông Hậu và bà D có hành động khoác vai nhau khá thân mật. Đến khoảng 23h 7phút, bà D ra khỏi phòng 440 và rời khách sạn. Đến 23h 50 phút, ông Hậu mới ra khỏi phòng 440.
 
 Tình từ vào phòng...
 
Theo ông B, sau 1 khoảng thời gian 2 người vào phòng 440 sau đó vợ ông ra trước... 
 
 Sau khi vợ ông B rời phòng 440, người đàn ông này được ông B cho là sếp mình cũng là Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Maketing rời khách sạn sau đó ít phút...
Ông B cho biết hiện đang giữ 2 clip ghi hình tại khách sạn Movenpick ghi lại toàn bộ hình ảnh mà ông cho rằng đó là vợ ông và hiệu trưởng Hậu vào khách sạn nói trên bằng những cử chỉ khá thân mật.
Ông B cũng cung cấp cho báo chí những đoạn clip này.
“Tôi viết đơn tố cáo trong tâm trạng hết sức tuyệt vọng, đau đớn, xấu hổ và tủi nhục bởi ông Hậu vừa là người thầy, cấp trên của tôi mà tôi đã từng rất kính trọng, tin tưởng và thương yêu nhất, vậy mà… Tôi đã có buổi gặp gỡ hai người này nhưng cả hai im lặng và thách thức tôi tố cáo” - ông B chua chát.
Chúng tôi đã liên lạc với ông Hậu nhưng ông Hậu từ chối trả lời. Motthegioi tiếp tục theo dõi sự việc thông tin đến bạn đọc
Quốc Việt
Ảnh: ông PKB cung cấp cho PV Motthegioi.vn đoạn clip mà ông cho là Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính Marketing đã cùng vợ mình vào khách sạn sau giờ làm việc.
ảnh chụp lại từ clip.
(Một thế giới)

Hà Nội hình thành liên minh chặn Bắc Kinh ở Biển Đông?

Việc Trung Quốc theo đuổi ngày càng quyết đoán các yêu sách biển của họ, điều đã dẫn đến những đụng độ với Nhật Bản ở biển Hoa Đông Trung và Philippines ở Biển Đông, cũng đang ảnh hưởng đến quan hệ của nước này với Việt Nam.


Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh tập trung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông ở một khu vực có thể có trữ lượng lớn hydrocarbon. Bằng trận hải chiến năm 1974, Trung Quốc đã chiếm bất hợp pháp quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, trong khi hai bên cũng xung đột trên một rạn san hô ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988, mà Trung Quốc một lần nữa lại thành công.
Tháng 7/2012, Bắc Kinh tuyên bố thành lập thành phố cấp quận Tam Sa thuộc tỉnh đảo Hải Nam để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).

Hà Nội phản ứng kịp thời bằng cách thông qua một luật một lần nữa khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam đã phát triển một liên minh vững chắc và tăng cường quan hệ quân sự, ngoại giao và kinh tế với Ấn Độ, nước dang có các dự án hợp tác thăm dò dầu khí chung ngoài khơi bờ biển Việt Nam. New Delhi cũng cảm thấy mối đe dọa xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực và quan tâm đến việc đảm bảo cán cân sức mạnh không thay đổi quá nhiều có lợi cho Bắc Kinh.

Có lẽ thú vị hơn là việc tất cả những tiến triển này đã đưa cựu thù Mỹ và Việt Nam lại với nhau, với quan hệ ngoại giao và tiềm năng là cả hợp tác quân sự ngày càng tăng. Tàu chiến Mỹ đã thường xuyên ghé vào các cảng Việt Nam trong 10 năm qua, và vào năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Leon Panetta đã đến thăm Việt Nam tìm kiếm khả năng tiếp cận lớn hơn cho tàu chiến Mỹ.

Tháng trước, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến thăm Việt Nam để thảo luận về các mối quan hệ thương mại và an ninh ngày càng gia tăng. Ông cũng thực hiện cái mà các phương tiện truyền thông gọi là một chuyến đi mang tính biểu tượng đến đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông từng tuần tra chống lại du kích Việt Cộng trên một chiếc tàu cao tốc trong chiến tranh Việt Nam.

Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam trong tháng 11/2013 cho biết rằng, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ được dự báo sẽ tăng 16,7% trong năm nay đến 23,7 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ tăng 8,7% lên đến 5 tỷ USD.

Việt Nam cũng là một trong 12 nước đàm phán để tham gia thỏa thuận thương mại tự do Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP do Mỹ dẫn đầu. Tất cả những điều này phù hợp với kế hoạch địa-chính trị của Hà Nội nhằm tạo lập các liên minh ở bất cứ nơi nào họ có thể, bất cứ nơi nào phải có. Tiến sĩ Zha Daojiong, một giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh gần đây nói răng, Việt Nam đang củng cố vị trí của mình trên thế giới bằng cách hình thành các liên minh với Mỹ, Nga và “bất cứ ai khác được xem là đấu thủ quan trọng trong trò chơi địa-chính trị này”.

Tuần trước, báo chí đưa tin tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của Việt Nam do Nga đóng mới đây đã được đưa tới cảng phía Nam vịnh Cam Ranh và có thể được sử dụng để đối đầu với tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đến nay, đây đã là thành tố tốt của sự thành công trong vận động địa-chính trị của Việt Nam. Với lịch sử của chiến tranh, bị chinh phục và khó khăn, Việt Nam có ít sự lựa chọn ngoài việc đi theo con đường này.

Theo VIETNAMDEFENCE.COM / WANT CHINA TIMES