Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Thứ Năm, 26-12-2013 - Cán bộ sai phạm được thăng chức để… có cơ hội sửa sai! (Phải "Bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo, có cái nhìn “khoa học và biện chứng” nhá)

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
KINH TẾ
VĂN HÓA-THỂ THAO
GIÁO DỤC-KHOA HỌC
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
QUỐC TẾ 

Cán bộ sai phạm được thăng chức để… có cơ hội sửa sai

 
Dù mắc hàng loạt sai phạm song Chủ tịch UBND xã Châu Thái (Quỳ Hợp, Nghệ An) chỉ bị cảnh cáo. Oái oăm hơn, ông này còn được “cơ cấu” giữ chức Bí thư Đảng ủy xã với lý giải là… để khắc phục hậu quả đã gây ra trước đó.

Nhiều sai phạm trong quản lý

Năm 2004, chính quyền xã Châu Thái có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm liệt sỹ. Để thực hiện, xã huy động đóng góp trong dân với mức thu 100.000 đồng/hộ. Tại thời điểm đó, toàn xã Châu Thái có 1.301 hộ tuy nhiên, khi mới thu được 26,3 triệu đồng/26 hộ thì dừng lại. Số tiền thu được lãnh đạo xã đã dùng để chi trả cho việc xây dựng cơ bản. Từ đó tới nay, xã không thu thêm hộ dân nào nữa, số tiền đã thu cũng chưa trả lại cho các hộ dân. Trong khi đó tượng đài liệt sỹ vẫn chưa được xây dựng khiến người dân bất bình.
Từ năm 2001 đến năm 2005, thực hiện chủ trương xây dựng các công trình cơ bản, lãnh đạo xã Châu Thái đã kí kết vay xi măng của Nhà máy Xi măng Cầu Đước và Xi măng 12/9 Anh Sơn 1.382 tấn.Trong đó, các xóm đăng ký nhận 667,1 tấn, trường học đăng ký vay 714,9 tấn. Ba công trình nhà sàn làm việc khối dân, Trường Tiểu học Tam Thành và cầu đi bản Lòng được thực hiện theo phương thức lấy xi măng đổi ngang công trình cho bên B thi công. Cả 3 công trình này đều không có hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầy đủ theo quy định; không ký nhận số lượng xi măng.

https://nr-027.appspot.com/ttxva.org/wp-content/uploads/2013/12/CHAUTHAI-UBND.jpg
Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền “vay tạm” của dân

Thậm chí, sau khi nhận xi măng, UBND xã Châu Thái đã bán một phần với giá thấp hơn giá của nhà máy từ 80.000 – 130.000 đồng/tấn. Ngoài ra, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳ Hợp, tại Châu Thái đã bị thất thoát 35 tấn xi măng, không chứng minh được giấy tờ sổ sách. Theo thông báo giải quyết khiếu nại của UBND huyện ủy Quỳ Hợp thì trách nhiệm này thuộc về ông Lô Văn Thước (tại thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Châu Thái).
Không những thế, năm 2004, Lâm trường Quỳ Hợp giao trả cho chính quyền địa phương quản lý 64,96 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Châu Thái, phần đất này chủ yếu giao khoán cho các hộ dân trong vùng. Thường vụ Đảng ủy xã thống nhất giao cho UBND xã lập kế hoạch quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, thay vì giao đất rừng cho người dân quản lý, sử dụng và khai thác thì UBND xã đã Châu Thái hợp thức hóa cho hai anh em ông Lô Văn Thước (Chủ tịch UBND xã) và Lô Văn Trung (cán bộ địa chính) đứng tên 5 bìa đất, với diện tích trên 64 ha.
Năm 2004, xã Châu Thái lập quy hoạch khu đất ở tại Na Mon và bản Tiện với diện tích quy hoạch hơn 13.000 m2, trong đó quy hoạch đất ở chiếm gần 7.900 m2, được chia thành 34 lô. Quy hoạch này được UBND huyện Quỳ Hợp phê duyệt tại Quyết định số 210 ngày 29/3/2005.

Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền vay tạm của dân
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Quỳ Hợp cho thấy lãnh đạo xã Châu Thái có nhiều sai phạm trong quản lý

Có 45 hộ dân xin cấp đất tại khu vực này, nhưng chỉ có 33 hộ đủ điều kiện. Trong đó, có 26 hộ đã nộp tiền và được cấp bìa. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong tổng số 26 hộ này thì chỉ có 8 hộ là đủ điều kiện được cấp đất và phiếu thu tiền hợp lệ do xã lập nên. Còn lại 18 hộ là không khớp, bìa đỏ mang tên người đứng đơn xin cấp đất nhưng phiếu thu tiền lại ký tên người khác.
Sau khi danh sách gửi lên huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường thông báo 18 trường hợp này không đủ tiêu chuẩn cấp đất theo quy định. Cán bộ xã đã lập lại danh sách, nhờ 18 hộ dân khác đứng tên để được cấp bìa. Tổng số tiền mà xã thu của các hộ dân là 708 triệu đồng, trong khi theo sổ theo dõi nội bộ là 655 triệu đồng. Sau khi có tiền, thay vì nộp vào Kho bạc Nhà nước, xã Châu Thái tạm vay số tiền hơn 585 triệu đồng để trả nợ cho bên B xây dựng thi công công trình nhà làm việc 2 tầng của xã.
“Cơ cấu” thăng chức để… khắc phục hậu quả (?)
Những sai phạm tại UBND xã Châu Thái đã được Đoàn kiểm tra của Huyện Quỳ Hợp làm rõ. Điều trái khoáy là với những sai phạm trong quản lý, lãnh đạo, thay vì bị kỷ luật thì Chủ tịch Lô Văn Thước lại được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã.
Ông Thân Quang Vinh – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp – cho biết, những sai phạm của ông Thước trong thời kỳ ông này giữ chức Chủ tịch UBND xã là có thật. Huyện đã chỉ đạo thu hồi 5 sổ đỏ mang tên ông Thước và em trai là Lô Văn Trung. Tuy nhiên, hậu quả của những sai phạm còn lại đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trụ sở UBND xã Châu Thái được xây dựng một phần từ tiền vay tạm của dân
Quyết định thu hồi 2 lô đất lâm nghiệp được giao sai cho ông Chủ tịch UBND xã Châu Thái Lô Văn Thước

Sau khi phát hiện những sai phạm trên, Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã có nhiều cuộc họp, năm 2010 quyết dịnh hình thức kỷ luật cho thôi huyện ủy viên đối với ông Thước. Sau khi thôi giữ huyện ủy viên, ông Thước lại được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái. Lý giải cho việc “trái khoáy” này, theo ông Thân Quang Vinh là do công tác cán bộ, cần có người hiểu rõ đồng bào trong khi chưa đào tạo được cán bộ tại chỗ. Bên cạnh đó, việc để ông Thước đương chức là tạo điều kiện cho bản thân cũng như chính quyền xã tiếp tục có cơ hội khắc phục những hậu quả đang tồn đọng. Việc cơ cấu ông Lô Văn Thước giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Châu Thái là để tạo điều kiện cho ông này khắc phục hậu quả những sai phạm ông này đã gây ra trước đó.
Nhưng thực tế cho đến nay, việc khắc phục hậu quả của ông Thước vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”.
THEO DÂN TRÍ

Tham nhũng: Lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty chỉ là ‘hổ con’

 

“Trước đây chúng ta dàn binh, bố trận nhiều, ra quân rầm rộ nhưng “giặc nội xâm” chưa bị sát thương là bao. Những “siêu vụ án” làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng phải xét xử nghiêm mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân”, ĐBQH Lê Như Tiến, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định.
Phải “chỉ mặt gọi tên”…
Thưa ông, 10 “đại án” tham nhũng đã được điểm mặt, chỉ tên, 3 vụ án đã được xét xử nghiêm minh với mức án tử hình hay 30 năm tù giam…Ông nói gì về điều này?
Tôi cho rằng việc xét xử đã diễn ra nghiêm túc. Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mà tham ô, tham nhũng với số tiền lớn (nếu) phải chịu mức án cao nhất là thoả đáng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới liệu còn có những cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý Nhà nước nào nữa không, tiếp tay cho lãnh đạo của tập đoàn này. Không thể chỉ mình lãnh đạo Vinalines làm được việc này mà còn khâu phê duyệt đầu tư, cung cấp nguồn tài chính, bảo lãnh tài chính. Vậy liệu có còn bỏ sót những cá nhân trong các cơ quan quản lý Nhà nước hay không? Đó là câu hỏi xác đáng mà dư luận và ĐBQH đặt ra.
Nghĩa là khi “vào hang bắt hổ” thì các bị cáo là lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty cũng mới chỉ là “hổ con”?
ĐBQH còn băn khoăn về việc xử lý dường như mới dừng lại ở những người đứng đầu các Tập đoàn, Tổng công ty. Bởi họ không thể tự mình gây thất thoát tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng, nhiều triệu đô la nếu không có sự buông lỏng quản lý, sự tiếp tay, tiếp sức, tiếp mưu, đồng hành, đồng lõa, đồng phạm của một số cán bộ công chức các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó và hệ lụy là tiền thuế của nhân dân, ngân khố quốc gia ngày ngày bị bòn rút, đục khoét, sói mòn, thâm hụt. Nhưng dường như những người này đang đứng ngoài cuộc, vô can. Những người tiếp tay ấy cũng phải chỉ rõ mặt, rõ tên thì pháp luật mới nghiêm minh được.
Việc đưa các “đại án” tham nhũng ra xét xử được coi là “đòn chí mạng” đánh vào “giặc nội xâm” nhưng trước đó, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận: Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng chưa thực sự bị ngăn chặn và đẩy lùi. Ông bình luận gì thực tế này?
Nói một cách hình ảnh là chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong “giặc nội xâm” chưa bị sát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là “nợ xấu” lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng. Dư luận xã hội cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng mới dừng lại ở việc “bắt sâu nhỏ ở lá cành, chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ”, đó mới là nguyên nhân chính làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội. Có một nghịch lý là các cơ quan phòng, chống tham nhũng của chúng ta có từ Trung ương đến địa phương, song phần lớn các vụ án tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.
Cần có cơ quan được trao “thượng phương bảo kiếm”
Không chỉ chưa bắt được “sâu đục thân” mà thậm chí “sâu lá cành” vẫn tồn tại ở nhiều nơi, khiến người dân bức xúc gọi tên là tệ “tham nhũng vặt”. Ông nghĩ gì về điều này?
Những vụ tham nhũng lớn hàng nghìn tỷ, nhiều triệu đô-la đã được xét xử nhưng với “tham nhũng vặt” vẫn còn nhiều bức xúc. Đến các cơ quan công quyền của Nhà nước cũng phải có phong bao, phong bì để “bôi trơn bộ máy” thì mới được xử lý công việc. Người dân gặp rất nhiều hiện tượng này trong cuộc sống như xin giấy tờ, chứng nhận quyền sở hữu, xin cấp phép xây dựng… Tôi cho rằng những vụ lớn ta làm nghiêm nhưng với những “tham nhũng vặt” làm cho người dân bức xúc cũng phải chấn chỉnh, xử lý. Bởi vì khi người dân tiếp xúc nhiều cán bộ cấp cơ sở bị nhũng nhiễu họ sẽ hao vơi niềm tin với Nhà nước.
Ông nói tham nhũng lớn hay nhỏ đa phần đều do người dân và báo chí phát giác. Ông suy nghĩ thế nào khi gần đây người dân có vẻ thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng?
Có trường hợp người dân phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý cũng không phản hồi, im lặng đáng sợ. Bên cạnh đó, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng. Nhiều người đứng ra tố cáo tham nhũng trở thành những người đơn thương độc mã đã tạo ra tâm lý xã hội người ngay sợ kẻ gian.
Vậy để tấn công mạnh hơn nữa “giặc nội xâm”, bắt cả “hổ, mèo, chuột…” có người nói cần “thượng phương bảo kiếm”, còn ông có quan điểm như thế nào?
Tôi cho rằng bên cạnh các cơ quan điều tra hiện có cần thành lập Cục điều tra tội phạm tham nhũng trực thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cơ quan này có cơ chế đặc biệt được trao “thượng phương bảo kiếm” có quyền điều tra độc lập chỉ như vậy mới tấn công mạnh, hạn chế được tham nhũng.
Xin cảm ơn ông.
MINH KHÁNH – CAO TUÂN/THEO NGƯỜI ĐƯA TIN

Quỹ bảo trì vượt nghìn tỉ, Bộ Giao thông thừa thắng thu thêm



Mới đây, Bộ GTVT đã có đề xuất xin ý kiến về việc xây dựng trạm thu phí trên dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, hoàn vốn cho dự án để chủ đầu tư có căn cứ triển khai.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT phải tính toán, cân nhắc kỹ việc lập trạm thu phí trên Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, đồng thời phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo quy mô đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án sẽ xây dựng 1 trạm thu phí “mở” 10 làn, 1 dừng và 2 làn không dừng tại Km38 + 600. Kinh phí thực hiện hạng mục này là 111,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo văn bản số 2250/TTg – KTN của Thủ tướng Chính phủ, các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước sẽ phải dừng thu từ ngày 1/1/2013 khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động.
Trong khi đó, dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn Ngân sách Nhà nước, về lý thuyết cũng không được thu phí.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa xong đã đòi thu phí
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai chưa xong đã đòi thu phí

Chuyện rậm rịch thu phí cũng được Bộ GTVT nhiều lần nhắc tới trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, khi Quỹ bảo trì đường bộ được thông báo đã thu vượt kế hoạch hàng nghìn tỷ.
Thông tin cụ thể từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngày 27/12 sẽ thông xe 26 km đầu tiên của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đoạn tuyến Nội Bài – Tam Dương (Vĩnh Phúc) này sẽ được thu phí 1.500 đồng một km.
Theo thiết kế, tuyến đường có 4 làn xe với vận tốc cho phép là 100km/giờ. Trong thời gian tới, VEC sẽ tiến hành thông xe đoạn tuyến thứ hai Yên Bái – Lào Cai.
Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý về nguyên tắc việc tổ chức thông xe khai thác trước và thu phí 2 đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo đề nghị của Bộ GTVT.
Trong khi đó, theo Cục Đăng kiểm, cả nước đã thu được hơn 5.200 tỷ đồng tiền phí bảo trì đường bộ đối với các phương tiện ô tô và xe cơ giới.
Ước tính cả năm 2013, phí bảo trì đường bộ với ô tô trên phạm vi cả nước dự kiến sẽ đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ đã thực hiện vượt con số 1.400 tỷ đồng.
Việc triển khai thu phí đường bộ được Bộ GTVT thống nhất thu tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó mức thu với xe ô tô cá nhân từ 1,8 triệu đồng/năm trở lên. Các phương tiện xe tải thu theo tải trọng từng phương tiện.
Dù thu vượt hàng nghìn tỉ đồng từ phí bảo trì nhưng mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Theo đó, mức phí sẽ tăng từ 1/1/2014. Lộ trình mức thu tối đa áp dụng từ năm 2014 không quá 2,5 lần. Năm 2015 áp dụng mức thu tối đa không quá 3 lần.
Mức phí đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 15.000 – 52.000 đồng; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn từ 20.000 – 70.000 đồng; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng Container 20 fit là 40.000 – 140.000; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng Container 40 fit từ 80.000 – 200.000 đồng.
Giải thích lý do phải tăng phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói rằng việc tăng này để bắt kịp trượt giá và phù hợp với mức thu nhập của người dân
Ông nói rõ: “Việt Nam từ một nước nghèo, trở thành một nước thu nhập trung bình thấp, đó chính là minh chứng cho sự tăng trưởng của người dân, chứ còn đòi hỏi cơ sở nào. Tỷ giá thế giới với tỷ giá Việt Nam đều tăng và thống nhất, chúng ta cũng có thể thấy mệnh giá tờ 10.000 đồng năm 2002, đến bây giờ vẫn là 10.000 đồng, tại sao lại nói thu nhập của người dân không tăng”.
THEO ĐẤT VIỆT

Nhà mạng âm thầm thu hàng trăm tỷ đồng của thuê bao

Lại một chiêu làm ăn gian dối ! 
Bằng việc tích hợp ứng dụng trên sim mà không thông báo cho người dùng, các doanh nghiệp viễn thông đã thu về gần 200 tỷ đồng mà thuê bao không hay biết.
Theo báo cáo tổng kết thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 24/12, các doanh nghiệp viễn thông lớn đều có sai phạm về việc quản lý dịch vụ nội dung trên sim di động, thu tiền của người dùng mà không thông báo rõ ràng.
Cụ thể, bộ 3 thống lĩnh thị trường Viettel, Mobifone, Vinaphone cùng mắc lỗi tích hợp sẵn ứng dụng trên sim để bán cho người dùng (ứng dụng cho phép tải thông tin và có tính phí) nhưng không niêm yết rõ ràng về giá cước, không có thông tin cảnh báo và cũng không để người dùng xác nhận đồng ý hay không sử dụng dịch vụ. Hành vi này đã mang cho cho các đại gia ngành viễn thông hàng trăm tỷ đồng chỉ trong một năm.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013, dịch vụ có tên IOD tích hợp trên SIM đã đem lại doanh thu gần 20,7 tỷ đồng cho VinaPhone. Cùng khoảng thời gian trên, MobiFone đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) để cung cấp 2 ứng dụng SuperSIM và LiveInfo, đạt doanh thu gần 150,6 tỷ đồng. Viettel cũng tích hợp trên SIM phần mềm Viettel Plus với những bất cập tương tự nhưng báo cáo không ghi doanh thu của nhà mạng từ hoạt động này.
Theo một chuyên gia viễn thông, xét về quy mô thuê bao của bộ ba thì Vinaphone có ít nhất nên về lý thuyết, số sim tích hợp sẵn ứng dụng sẽ không nhiều. “Các mạng càng lắm sim thì số tiền thu về càng nhiều”, ông nói. Vị này cũng nhận định doanh nghiệp viễn thông không trông chờ nhiều vào những khoản như trên bởi nếu so với doanh thu thì con số này vẫn là quá nhỏ.
Trong khi các doanh nghiệp không ngừng kêu lỗ dịch vụ 3G với khách hàng cũng như cơ quan quản lý, thì họ đang dồn về túi những khoản tiền không nhỏ từ các dịch vụ lẳng lặng hoạt động trong những chiếc sim bán ra hàng ngày. Nhiều khách hàng từng thắc mắc tiền trong tài khoản trả trước của mình “biến mất” nhưng không có được lý giải hợp lý, nhân viên tổng đài thường chỉ loanh quanh đổ lỗi cho việc khách hàng sử dụng smartphone nên có thể bị trừ tiền từ các ứng dụng độc hại mà không biết.
Không những kín tiếng trong việc thu tiền người tiêu dùng, nhóm doanh nghiệp viễn thông đang nắm trong tay hơn 90% thị phần di động hiện nay còn thu tiền tin nhắn lỗi, sai cú pháp… của thuê bao. Cụ thể, theo báo cáo tổng kết của Thanh tra Bộ, Viettel thu cước của người sử dụng đối với tin nhắn lỗi, sai cú pháp, tin không được cung cấp dịch vụ. Nhà mạng này còn tiếp tục gửi quảng cáo cho người sử dụng mặc dù chủ thuê bao đã nhắn tin từ chối nhận.
Mobifone mắc lỗi như trên khi thu tiền người dùng cho các tin nhắn không thực hiện được. Tuy doanh nghiệp đã phải hoàn lại gần 820 triệu đồng cho khách hàng, số tiền không thể hoàn trả lại là gần 230 triệu đồng do chủ thuê bao đã rời mạng. Vinaphone cũng phải trả 700 triệu đồng cho khách, còn lại hơn 78,8 triệu đồng không bồi hoàn vì thuê bao ngừng sử dụng.
Đại diện Chánh Thanh tra Bộ cho biết trước mắt chưa chấm dứt cung cấp dịch vụ đối với các phần mềm, ứng dụng tích hợp sẵn trên sim. Tuy nhiên đơn vị phải có trách nhiệm khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện, nếu không sẽ phải dừng dịch vụ theo quy định tại Nghị định 77.
Đại diện Vinaphone không đưa ra bình luận nào về kết luận của Thanh tra Bộ, trong khi đó cả Viettel lẫn Mobifone đều không phản hồi. Nguồn tin từ một nhà mạng cho biết số sim tích hợp ứng dụng đã được tung ra thị trường từ trước, việc thu hồi sẽ gặp khó khăn vì số lượng lớn.
Cựu lãnh đạo một nhà mạng nhận định chuyện cài thêm ứng dụng tính phí mà không thông báo cho người dùng là điều rất bất thường. “Khi cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, doanh nghiệp phải minh bạch, báo cho người dùng biết”, ông nói. Trường hợp miễn phí có thời gian cố định thì sau khi quá hạn cần phải thông báo để khách hàng lựa chọn. “Để khách hàng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng thì không phải là con số nhỏ”, ông chia sẻ.
Hai mạng nhỏ đang hoạt động là Vietnamobile và Gmobile cũng thuộc diện thanh tra và có chung một số sai phạm trong việc nạp sẵn tiền vào tài khoản sim chưa đăng ký thông tin hoặc không hủy sim chưa kích hoạt sau 72 giờ đăng ký… Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát các điểm giao dịch được ủy quyền của nhà mạng chỉ mang tính hình thức.
THEO VNEXPRESS

Nợ đang bủa vây khắp nơi

 Do bối cảnh kinh tế khó khăn, việc các doanh nghiệp vay mượn vốn lẫn nhau diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có nhiều tranh chấp mà một bên lợi dụng tiền vốn của bên kia để kinh doanh. Do thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, nên một khi vướng vào tranh chấp, bên bị chiếm dụng vốn rất khó để nhanh chóng lấy lại tài sản. Ở các doanh nghiệp niêm yết, tình trạng vay nợ lẫn nhau tuy chưa dẫn đến những hệ lụy pháp lý nhưng cũng đáng chú ý, đặc biệt là ở những công ty đang ở trong tình trạng thua lỗ.


Lĩnh vực bất động sản: nợ lớn nhất
Nói tới chiếm dụng vốn người ta nghĩ ngay tới trường hợp điển hình là việc các công ty xây dựng, bất động sản huy động vốn của nhà đầu tư hoặc tiền trả trước của người mua nhà cho các công trình. Đối với lĩnh vực nhà đất, đây là một kênh huy động vốn phổ biến giúp chủ dự án sớm có tiền giải ngân cho các công trình. Tuy nhiên, khi sức khỏe của thị trường bất động sản không tốt thì tiến độ các dự án bị chậm hoặc thậm chí bị đình chỉ vô thời hạn. Trong trường hợp này, người bị thiệt thòi luôn là nhà đầu tư khi tiền đầu tư của mình không được hiện thực hóa hoặc bị đầu tư sai mục đích.
Tính đến hết quí 3-2013, nợ người mua trả tiền trước chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nợ của một số công ty trong lĩnh vực bất động sản như Công ty cổ phần (CTCP) Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL), tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC), CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (HOSE: CCL).  Nợ người mua trả tiền trước của NTL là gần 320 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp. Con số này ở Vingroup là trên 13.185 tỉ đồng, chiếm gần 30% tổng nợ phải trả của tập đoàn. Bất động sản Nam Long (HOSE: NLG), Địa ốc Sài Gòn – Thương Tín (HNX: SCR), Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) cũng đều có tỷ trọng nợ do người mua trả tiền trước chiếm tới một phần tư tổng nợ phải trả. Điều này cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang dựa quá sâu vào nguồn tạm ứng của người mua nhà. Theo thực tế dư thừa nguồn cung bất động sản hiện nay, cùng với việc người mua nhà ngày càng thận trọng hơn trong các giao dịch bất động sản, kênh vốn này đang ngày càng trở nên không an toàn với các doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài khoản nợ người mua đã trả tiền trước, tại nhóm ngành bất động sản, khoản mục nợ nhà cung cấp cũng chiếm một tỷ trọng không nhỏ ở nhiều doanh nghiệp. Tồn kho bất động sản cao, hoạt động thu hồi nợ của khách hàng gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp lúng túng trong khả năng trang trải nợ nần với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Tại Công ty Bất động sản Hoàng Huy (HOSE: HHS), khoản nợ nhà cung cấp tăng 65% từ đầu năm 2013. Hết quí 3, công ty đang nợ nhà cung cấp 128 tỉ đồng, tương đương 50% tổng nợ phải trả của công ty. Ở các công ty xây dựng như CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (HOSE: BCE), CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon (HOSE: FCN), CTCP Hồng Hà dầu khí (HNX: PHH), CTCP Xây dựng Cotec (HSX: CTD), tỷ trọng nợ nhà cung cấp chiếm từ 40-45% tổng nợ phải trả của các công ty này.
Tại các công ty xây dựng, ngoài vấn đề vay nợ, khả năng thu hồi nợ cũng rất đáng bàn. Tổng công ty Vinaconex (HNX: VCG) có tới gần 5.000 tỉ đồng phải thu khách hàng tính đến hết quí 3. CTCP Xây dựng Cotec cũng còn gần 2.000 tỉ đồng chưa thu hồi được từ phía khách hàng. Điều này tạo ra một cái vòng luẩn quẩn giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp và khách hàng của mình.

Các lĩnh vực khác cũng đau đầu vì nợ
Ngoài nhóm ngành bất động sản và xây dựng, tình trạng nợ nần lẫn nhau cũng diễn ra tại cả các ngành công nghiệp như khoáng sản, than đá. Từ đầu năm đến nay, khoản nợ nhà cung cấp của các công ty khoáng sản, than đá tăng từ 10% tới 25%. Một số trường hợp cá biệt như Than Vàng Danh (HNX: TVD) khoản nợ nhà cung cấp tăng 150% lên đến gần 160 tỉ đồng; Than Cao Sơn (HNX:TCS) nợ nhà cung cấp trên 510 tỉ đồng, tăng 82% so với đầu năm; Khoáng sản Bắc Giang (HOSE: BGM) nợ nhà cung cấp gần 8 tỉ đồng chiếm trên 50% tổng nợ phải trả, tăng hơn 70% so với đầu năm.
Một số công ty trong số này còn vướng thêm cả khó khăn trong thu hồi nợ như Than Hà Lầm (HNX: HLC) với khoản phải thu khách hàng tăng từ 15 tỉ đồng đầu năm 2013 lên tới trên 100 tỉ đồng sau chín tháng đầu năm (tăng gần 600%). Khoản phải thu khách hàng của Than Mông Dương (HNX: MDC) cũng tăng 220% lên tới gần 160 tỉ đồng. Điều này có thể được lý giải phần nào qua bối cảnh khó khăn các công ty than, khoáng sản đang phải đối mặt trong năm nay. Lượng than tiêu thụ không được như kỳ vọng, công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thanh toán nợ với nhà cung cấp.
Nhiều doanh nghiệp ngành y, dược cũng có tỷ trọng nợ nhà cung cấp tương đối cao, lên tới 75% tổng nợ phải trả. Đáng chú có CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) với khoản nợ nhà cung cấp lên tới trên 3.600 tỉ đồng, chiếm 75% tổng nợ phải trả của công ty. Khoản nợ nhà cung cấp của Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) tăng đột biến 250% từ đầu năm lên mức 258 tỉ đồng, chiếm 28% tổng nợ phải trả. Khoản phải trả người bán cũng chiếm trên 75% tổng nợ phải trả của Dược Lâm Đồng (HNX: LDP). Tỷ lệ này ở Dược Bến Tre (HNX: DBT) và Traphaco (HOSE: TRA) lần lượt là trên 30%.
Trong số các nhóm ngành được nghiên cứu, tỷ trọng nợ nhà cung cấp trên tổng nợ phải trả tại những công ty niêm yết ngành vận tải chiếm 10-30%. Nhóm có tỷ trọng nợ nhà cung cấp thấp nhất là các công ty cao su, chiếm chưa tới 10%.
Trong quan hệ làm ăn giữa các đối tác kinh doanh, việc tạm ứng trước, chậm thanh toán là lẽ thường tình giúp việc lưu chuyển hàng hóa và dòng tiền của các doanh nghiệp thuận tiện, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp bị hạn chế, quan hệ nợ nần phức tạp sẽ tạo ra một hiệu ứng đô mi nô tiêu cực mà không biết đâu là điểm bắt đầu, đâu là điểm kết thúc.
Ở thời điểm này, doanh nghiệp cần kịp thời nhận biết được tình hình để từ đó có chiến lược cơ cấu các khoản nợ một cách hợp lý. Hơn nữa, mối quan hệ tín dụng là mối quan hệ dựa trên yếu tố cơ bản là niềm tin. Việc doanh nghiệp chủ động thương lượng với nhà cung cấp hoặc chủ nợ để cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn sẽ giữ được niềm tin nơi nhà đầu tư hoặc nhà cung cấp về khả năng thanh toán của mình, giúp tránh được nguy cơ mất thanh khoản hoặc tệ hơn là những rủi ro pháp lý không đáng có.
Theo Báo Đất Việt