1. Xách dép cho Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh 

Chủ nhật, ngày cuối cùng của tuần nên tự thấy trước hết phải điểm lại một tin mừng nhất trong tuần, cực kỳ mừng, “mừng… rơi nước mắt”. Đó là Hà Nội không có tiêu cực (Xem thêm tại đây) và TP.Hồ Chí Minh cũng thế, không có tham nhũng (Xem thêm tại đây).
Đất nước có hai thành phố lớn, một là Thủ đô, một là trung tâm kinh tế. Thế mà suốt 9 tháng qua, không phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong khi các lãnh đạo cao cấp, đại biểu Quốc hội và trong các báo cáo, đâu đâu cũng nói tham ô, tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng và thậm chí “tăng tốc”. 
Nên nếu hai thành phố lớn không có tiêu cực thì chắc chắn rằng tham nhũng, tiêu cực chỉ có ở các địa phương. Hà Giang ơi, Lào Cai, Yên Bái, Thái Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau… ơi, 61 tỉnh thành cả nước ơi, tiêu cực nhiều lắm nhé. Hãy nhìn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà học tập.
A, đây rồi! Không biết cái này có phải là “tiêu văn cực” không đây: (Xem thêm tại đây)
Nói thế thôi, cũng có thể nhầm, dễ nhầm lắm. Lại nói chuyện nhầm.
2. “Bắt từ trần, phải… từ trần!... Kiều”
Người không được chết là bà Nguyễn Thị Lê, thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Khi bà Lê mất, chính quyền địa phương không cho làm giấy chứng tử, không cho phát loa truyền thanh thông báo, cũng như hỏi mượn xe tang, kèn trống… Lý do là bà Lê còn nợ thuế đất nông nghiệp, tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân… với số tiền hơn 1,7 triệu đồng (Xem thêm tại đây)
Đúng rồi. Nợ, ai cho chết mà được chết!
Ngược lại với bà Lê, nhiều người ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa đã được UBND làm giấy… chứng tử khi đang còn sống, đó là các ông, bà Nguyễn Thị Sính (56 tuổi), ông Phạm Văn Sự (52 tuổi), bà Hoàng Thị Tằm (75 tuổi) và bà Phạm Thị Hoa (73 tuổi). Lý do là từ năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thọ Xuân có chủ trương xóa nợ cho những người vay vốn gặp rủi ro, hoạn nạn thuộc trường hợp đặc biệt khó khăn, chủ hộ hoặc người thừa kế trong gia đình đã qua đời.
Quyết định của UBND huyện Thọ Xuân về việc thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng tử đã được cấp cho bà Hoàng Thị Tằm. Ảnh: Nguyễn Dương. 
Song, “vui” nhất là câu trả lời đầy sự “sáng tạo” và rất “đúng quy trình” của ông Nguyễn Đình Tràn, Thường vụ Hội nông dân xã Xuân Lập: “Phía ngân hàng yêu cầu để được xóa nợ là cả vợ và chồng đã chết hoặc bị mất tích, điều kiện kinh tế khó khăn. Hội nông dân xã khi đó đã vận dụng nhằm hợp thức hóa, tạo điều kiện xóa nợ xấu cho các gia đình”.
Hơ! Người chết không cho chết vì… thiếu nợ. Người sống thì… cho chết để thoát nợ! Ở xứ ta, một người thì không được chết và 4 người phải chết chẳng qua là vì… nợ tiền. 
3. Không có tiền thì dứt khoát là… bất hạnh
Tiền có quan trọng không nhỉ? Đúng là một câu hỏi ngớ ngẩn. 
Nhà văn Nga vĩ đại Đostoevsky thì cho rằng “Đồng tiền, dù nhơ bẩn đến đâu thì nó cũng sẽ thống trị thế giới này cho đến ngày nhân loại diệt vong”. 
Còn ở ta, ai đó đã nói “Tiền không là gì nhưng không có tiền thì không làm được gì”. Và “Tiền thì không mua được hạnh phúc nhưng không có tiền thì dứt khoát là… bất hạnh”. Chẳng biết những “triết lý” kia đúng đến đâu, còn ở cuộc ly hôn 10.000 tỉ của gia đình đại gia cafe Đặng Lê Nguyên Vũ đang vào thời điểm “giao tranh khốc liệt”. (Xem thêm tại đây)
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Viettimes
Người không có tiền thì lo chết đói. Người nhiều tiền thì lo mất trộm và còn lo cả “nội đại chiến”. Xem ra chẳng phải vô lý khi các cụ cho hai chữ “tiền” và “bạc” đi liền với nhau thành cụm từ “tiền – bạc”.
Cộng đồng mạng xôn xao xung quanh việc Hoa hậu Phạm Hương “chạy nhanh giành vị trí tốt” tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
Người thì khen là thoát khỏi tính “tự ti”, đã dám “tự tin”, người thì nói “háo danh”, quen thói “chen ngang”… Ui giời, miệng lưỡi thế gian. Miễn là em đẹp và miễn là em đoạt giải, em nhỉ. (Xem thêm tại đây)
4-- Dân đói, cán bộ… no và Harvard gọi bằng… cụ!
“Giám đốc nhà hát ngày càng “phát triển”, còn nhà hát thì ngày càng đi xuống!”. Đó là nhận xét của Bí thư Nguyễn Xuân Anh. Ông Bí thư này trẻ mà chỉ được cái nói… đúng. 
Lại nhớ chuyện nói ngọng, có ông cán bộ phát biểu rằng không được để dân đói: “Dân càng đói, cán bộ càng… no (tức là LO, bác ý lói ngọng)”.
Ui, cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tại tư duy bao cấp, bám váy mẹ. Những đứa trẻ không rời bầu sữa mẹ thì làm sao lớn được: “Chương trình thì càng ngày càng bết, ca sĩ chẳng có ai mới, trang phục thì lôm côm… đến phát ngán. Nghe ổng hát đi hát lại cũng mấy bài đó đến nỗi thuộc lòng luôn. Trong khi mỗi năm TP phải bỏ ra 7,5 tỉ đồng cho ổng trả lương. Để doanh nghiệp vào đó thử xem? TP còn được người, được tiền nữa. Người ta trả cho TP 3 – 4 tỉ đồng/năm!” - ông Xuân Anh nói.
Cho nên “Hãy để cho nó chết đi!” như câu nói mà cố TS Alan Phan đã từng trích dẫn khi nói về việc đổ bể của một số ngân hàng. Vâng, và khi đó, nó không những không chết mà sống, sống khỏe, sống lành mạnh. (Xem thêm tại đây)
Theo TS Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định: “Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vào thời điểm này có 1.130 giảng viên cơ hữu, trong đó có 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và 550 thạc sỹ. Trong đó có hơn 100 cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và giám đốc các trường, các Tổng công ty Nhà nước… đang tham gia giảng dạy, quản lý ở trường”.
Chao ôi! Lắm giáo sư, nhiều chính khách thế này thì… Harvard gọi bằng cụ. Chỉ mong đừng “Lắm thầy, rối… học trò”, sinh viên ra trường không có việc làm, phải đào tạo lại. (Xem thêm tại đây)
 “Tôi tin rằng trường sẽ thực hiện thành công quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường được đào tạo Y đa khoa và Dược học ở trình độ Đại học chính quy”, TS Nguyễn Kim Sơn tâm sự.
Một tin “vui” với anh Nguyễn Đình Long, anh không cô độc vì có tới gần 14 triệu người Việt bị rối loạn tâm thần (Xem thêm tại đây) và cũng có 19 triệu gia đình văn hóa (Xem thêm tại đây).
Chúc bà con một ngày cuối tuần vui vẻ cho một ngày đầu tuần mới vui vẻ hơn bằng một:
5. Bài thơ tình không thể… không cười!
Lang thang trên đường Hà Nội 
Nhớ em, anh kể chuyện này 
Lan man, em đừng cười nhé 
Bắt đầu từ sáng hôm nay… 

Trên “con đường cong mềm mại” 
Gặp cơn mưa “đúng qui trình” 
Bỗng thấy mặt cầu “kênh kiệu” 
Trơn như đổ “vàng tâm” xanh 

Chợt nhớ về những bát canh 
“Sâu nhiều” mà “rau thì ít” 
Họ ăn cho kỳ bằng hết 
“Không từ thứ gì của dân” 

Anh thấy “nhiệm kỳ hoàng hôn” 
Rời ga trong “chuyến tàu vét” 
Trách nhiệm xin nhường lại hết 
Cho người kế tiếp nay mai…. 

Con tàu đi tới tương lai 
Trên con “đường cong mềm mại” 
Yêu nhau, anh chào ở lại 
Anh về trong ánh ban mai…
Nguồn: http://laodong.com.vn/kho-tin/tin-kho-tin-phai-mung-roi-nuoc-mat-405992.bld