Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Cú đánh lừa không hoàn hảo & ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 5

Hiến pháp một lần nữa khẳng định tư tưởng bất diệt của dân tộc Việt Nam là đề cao quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh giá trị cao quý bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

08:42 | 03/12/2013
Phát biểu của CHỦ TỊCH QH NGUYỄN SINH HÙNG tại Lễ ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Các đồng chí thân mến!
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin được chào mừng các đồng chí đã có mặt đông đủ để chứng kiến Lễ ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thưa các đồng chí!
Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc, định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước. Phúc đáp yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Để việc xây dựng, ban hành Hiến pháp phù hợp ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, tại Kỳ họp thứ Tư, sau khi xem xét dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội đã quyết định công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến toàn dân. Việc lấy ý kiến nhân dân đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các vị đại biểu Quốc hội, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu.
Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, sau nhiều phiên thảo luận, vào hồi 9 giờ 50 phút, ngày 28.11.2013, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam với tuyệt đại đa số tán thành của các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời cũng xác định thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp bắt đầu từ ngày 1.1.2014. Hiến pháp mới là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện ý Đảng thuận với lòng dân. Quốc hội đã thay mặt nhân dân cả nước thực hiện sứ mệnh lịch sử là xây dựng, ban hành bản Hiến pháp mới – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
Hiến pháp một lần nữa đã khẳng định tư tưởng bất diệt của dân tộc Việt Nam là đề cao quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh giá trị cao quý bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới đã quy định rõ ràng, đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, về tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và việc sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp cũng đã khẳng định mạnh mẽ giá trị bất biến chủ quyền quốc gia của nhân dân Việt Nam, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sứ mệnh lịch sử của nó không chỉ phản ánh bước tiến mới của đất nước mà còn bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc hơn cho Nhà nước và nhân dân ta trước những thách thức của thời đại.
Với việc thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, đóng góp vào sứ mạng chung của dân tộc, tạo nền tảng cùng đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Các đồng chí thân mến,
Hôm nay, tôi thay mặt Quốc hội ký chứng thực bản Hiến pháp này như là sự xác nhận của nhân dân và đồng bào cả nước đối với bản Hiến pháp, đồng thời cũng thể hiện sự cam kết của nhân dân và cả hệ thống chính trị trong việc tuân thủ, thực thi, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp, trung thành với Hiến pháp.
Tại buổi lễ trọng thể này, một lần nữa thay mặt Quốc hội, tôi trân trọng cảm ơn các vị tiền bối, các bậc cao niên, lão thành cách mạng, đồng bào, đồng chí cả nước đã tham gia đóng góp xây dựng nên bản Hiến pháp. Cảm ơn các vị trong Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc rất trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khoa học, lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu và chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để xây dựng nên bản Hiến pháp này.
Xin cảm ơn các đồng chí, các vị khách quý đã tham dự và chứng kiến Lễ ký chứng thực Hiến pháp. Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.
Xin trân trọng cảm ơn!    

Cú đánh lừa không hoàn hảo

VOA Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ

Bùi Tín
1

Bản Hiến pháp 2013 đã được thông qua, với tuyệt đại đa số phiếu có mặt 486/488 = 97% phiếu bầu.
Lãnh đạo đảng và Quốc hội kiên định đi theo ý của mình, bất chấp lời yêu cầu hoãn bỏ phiếu để lấy thêm ý kiến của công dân, thảo luận thêm cho kỹ vì khá đông trí thức trong nước cho rằng bản dự thảo còn nhiều điều cũ kỹ, giáo điều, có một số điểm còn lùi lại so với Hiến pháp 1992, chưa đạt mức đổi mới cần thiết.
 
Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội vẫn tự tin mình là Vua tập thể, như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận định, tự cho ý mình là ý Trời, toàn dân phải cúi đầu vâng lệnh.
 
Như thế, Quốc hội đã thông qua với tỷ lệ gần tuyệt đối 100%, không có phiếu chống nào, chỉ có 2 phiếu trắng.
Một cuộc bỏ phiếu hoàn hảo, mỹ mãn, chỉ có dưới thời Xô Viết của Stalin, thời Mao, thời họ nhà Kim/Bắc Triều Tiên.
 
Các vị lãnh đạo đảng, nhà nước, Quốc hội vui vẻ, hài lòng, hân hoan ra mặt. Họ mở đại tiệc trưa 30/11.
Theo mạng của Đảng Cộng sản ngày 29/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cao hứng tuyên bố rằng: ”Đây là cuộc họp rất quan trọng. Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm nền tảng chính trị cho đất nưóc. Các đại biểu đã tận tụy hết mình, với tinh thần khoa học, đã lắng nghe, tìm hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sỹ, bà con ở nước ngoài, các cấp các ngành của hệ thống chính trị để hoàn thiện bản Hiến pháp này.“
 
Thay mặt Ban Thường vụ Quốc hội, ông Uông Chu Lưu mở ngay cuộc họp báo, tán tụng tiếp: ”Qua cuộc thông qua Hiến pháp mới, ý đảng là lòng dân, lòng dân khẳng định niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân đối với đảng lãnh đạo.”
 
Bà Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan huênh hoang: “Cuộc thông qua Hiến pháp hết sức dân chủ, cởi mở, việc dự thảo rất công phu, phản ánh trí tuệ của toàn dân. Việc thi hành Hiến pháp bắt đầu từ ngày 1/1/2014 sẽ đặt cơ sở cho bước phát triển mới của đất nước.”
 
Họ vui mừng, hớn hở ra mặt vì trong thâm tâm ngỡ rằng họ đã hoàn thành một cuộc đánh lừa hoàn hảo.
 
Thế nhưng thời thế đã khác, và cũng đã có những đánh giá khác hẳn. Nhiều trí thức đã không ngạch nhiên, tỏ ra thất vọng. Họ cho rằng với những người lãnh đạo hiện nay tất là phải như thế. Chỉ là một sự đánh tráo khái niệm, một cuộc lừa dối quy mô, đổi rất nhiều câu chữ thứ yếu để không thay đổi gì thực chất, nhằm kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê lỗi thời, kiên định chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa xã hội mơ hồ, kiên định chế độ toàn trị độc đảng, kiên trì kinh tế nhà nước là chủ đạo, kiên trì sở hữu toàn dân về đất đai. Chính 5 điều kiên định đó mới cần thay đổi, dứt khoát vứt bỏ. Một cuộc phản biện lập tức diễn ra quyết liệt trên các blog tự do, đặc biệt là trên Diễn đàn Xã hội Dân sự, một cuộc phản biện sâu sắc, mạnh mẽ, triệt để, thấu lý đạt tình hơn.
 
Phản biện dữ dội nhất là lần này là về thái độ sai lầm của lãnh đạo không còn úp mở, công khai đặt đảng đứng trên nhân dân, Hiến pháp tuân theo Cương lĩnh của đảng. Rõ ràng nhất là Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của đảng vừa duyệt bản Hiến pháp xong là đưa ngay ra buộc Quốc hội bỏ phiếu, như đóng kịch, vì 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, phải tuân theo kỷ luật của đảng. Đảng chủ đã tiêu diệt dân chủ. Quốc hội thực chất là “Đảng hội”. Đảng đã cưỡng ép Quốc hội, nên Hiến pháp thực chất là bản “hiếp pháp”. Theo mạng Dân làm báo ngày 30/11, Giáo sư Tương Lai nhận xét rằng Quốc hội khóa XIII đã phạm tội đối với đất nước, dân tộc do những hệ quả nguy hiểm nó mang lại. Công dân Nguyễn Lân Thắng đề nghị giải tán Quốc hội do sai lầm cao ngạo dám tự đặt mình cao hơn nhân dân.
 
Hiến pháp mới không mảy may mang chất nhân dân, do dân, vì dân, nên sau khi ông Uông Chu Lưu khẳng định đã tiếp thu, nghiên cứu, sàng lọc, rút ra tinh hoa trí tuệ của nhân dân để đưa vào Hiến pháp mới, một nhà báo hỏi ông đã tiếp thu những ý kiến nào hay nhất của nhân dân thì ông phó chủ tịch Quốc hội tịt mít, không nói nổi.
 
Công luận biết rõ một loạt ý kiến xác đáng nhất, tâm huyết, khoa học nhất trong kiến nghị của 72 trí thức được 14.785 công dân tán đồng đã bị vứt vào sọt rác, thậm chí còn bị chụp mũ là lạc hậu, trái đạo đức, phản động.
 
Trong cơn suy thoái của đảng CS về mọi mặt, về quản lý kinh tế tài chính cũng như về điều hành ngành y tế giáo dục, về tính cương trực cầm quyền cũng như về duy trì đạo đức xã hội, chưa bao giờ uy tín của đảng, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của chính phủ, Quốc hội lại xuống thấp như hiện nay, bị cả xã hội chê trách, coi thường. Cũng đúng vào lúc các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc yêu cầu VN phải tỏ ra biết phục thiện bằng việc làm trong tôn trọng nhân quyền khi vừa mới được vào Hội đồng Nhân quyền.
 
Bô Chính trị đã tính sai một nước cờ khi quyết định ép Quốc hội thông qua một dự thảo cực kỳ bảo thủ, lạc hậu đến ghê người. Ngay đoạn mở đầu đã ca tụng chủ nghĩa Mác – Lênin, cứ như hơn 20 năm về trước. Họ đã khinh thường nhân dân, miệt thị trí thức, lườm ngúyt thanh niên, thù ghét nông dân, bóp chết nhà kinh doanh vừa và nhỏ, đàn áp người dân chủ, yêu nước, vậy họ định sống hòa thuận yên ổn với ai?
 
Với thái độ bịt chặt tai, nhắm nghiền mắt không thèm nghe tiếng dân, đặt dân dưới chân của đảng, bắt dân phủ phục thi hành từ ngày 1/1/2014 bản hiến pháp được thảo tuân theo cương lĩnh của đảng, thực sự đảng đã bắt dân hàng phục mình. Đây là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, sau một cuộc phản bội tưởng như hoàn hảo, trót lọt.
 
Thật ra đây chỉ là một quả lừa vụng về, dại dột, không đúng lúc.
 
Và nhân dân đã và đang trả lời.
 
“Hội không đồng ý với Hiến pháp” lập tức xuất hiện. Chỉ trong vài giờ đã có vài trăm công dân ghi tên tham gia.
Hàng loạt công dân tuyên bố “bất tuân dân sự”. Một đảng khinh miệt dân, một nhà nước coi dân và trí thức dân tộc như cỏ rác còn xứng đáng cầm quyền, còn đáng được tôn trọng không? Một đảng rắp tâm phản bội nhân dân đến thế ắt nhân dân biết phải ứng xử lại ra sao cho phải lẽ. “Hội phụ nữ nhân quyền“ cũng đàng hoàng xuất hiện. Tổ chức thúc đẩy nhân quyền chuẩn bị xuất hiện. Người dân bật dậy, từ đất dấy lên, mời gọi, vẫy nhau.
 
Mọi người hãy nghĩ đến sức dân. Sức Ngu Công dời núi. Nguyễn Trãi, Chu Văn An đã bàn về sức dân. Chèo thuyền lật thuyền là sức dân. Thánh Gandhi đã chỉ rõ sức dân, tay không, ý chí vững bền là vô địch. Mandela gọi số đông thức tỉnh có tổ chức là phép nhiệm mầu, sức công phá mạng hơn vũ khí, bạo lực. Huống gì sức mạnh của dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại sẽ làm tăng thêm sức công phá cường quyền, tăng thêm phép nhiệm màu.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. 
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA 
nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Quốc hội đã tự kết tội trước dân tộc

Vương Trí Dũng
Ngày 28-11-2013 với 486/488 phiếu thuận, 2/488 phiếu trắng, Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi 2013. Ông Chủ tịch Quốc hội gọi đó là “Thời khắc lịch sử”. Ông Phó chủ tịch Quốc hội tán dương là “Ý đảng lòng dân”. Trên thực tế, đó là cú đánh thập tử nhất sinh lên vận mệnh dân tộc, mang lại những tổn thất nặng nề cho các thế hệ con cháu.
Nút bấm ngàn cân
Một thực tế là, nhiều vị đại biểu Quốc hội, trong đó có cả những người nắm quyền hàm bộ trưởng trở lên, đều biết rằng vấn đề là không chỉ sửa đổi mà phải xóa bỏ và viết lại Hiến pháp mới. Nhưng vì động chạm đến quyền lợi và vì cả số phận chính trị cá nhân, nên họ đành phải biểu quyết trái với suy nghĩ của mình. Họ đã không đủ dũng cảm để làm theo tiếng gọi của lương tâm và lẽ phải. Đối với nhiều người trong số họ, có thể nói đó là “Nút bấm ngàn cân”.
Nhưng bất chấp lương tâm họ bị cắn rứt như thế nào, việc chặc lưỡi phẩy tay bấm nút thông qua Hiến pháp hôm 28-11-2013 thể hiện sự vô trách nhiệm không thể tha thứ, và bằng hành động đó họ đã tự đặt mình trước vành móng ngựa tòa án Dân tộc. Dẫu có thông cảm bao nhiêu, thì hành động cản trở bước tiến của Dân tộc là không thể dung tha.
Có người sẽ tự bào chữa rằng, chúng tôi có làm điều gì đặc biệt đâu, chúng tôi cũng chỉ khẳng định lại Hiến pháp 1992 mà thôi, nếu kết tội sao không kết tội Quốc hội các khóa trước?
Cùng một việc làm nhưng ở thời điểm khác nhau hay vị trí khác nhau thì hệ quả cũng khác nhau. Nếu vào những năm thập niên 70-80 thế kỷ trước, người ta có thể vin vào ý thức hệ, vào sự đối đầu của cuộc chiến tranh lạnh, của sự hạn chế tiến bộ xã hội, của thiếu thông tin, để biện minh cho việc thông qua Hiến pháp 1980, 1992 của các vị đại biểu Quốc hội thời đó, thì ở một chừng mực nhất định, điều đó có thể thông cảm được. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi mà thế giới bước vào thời kỳ tích hợp toàn cầu với những tiến bộ của khoa học công nghệ và xã hội chưa từng có, thì việc thông qua Hiến pháp 2013 của Quốc hội khóa XIII là một tội lỗi không tha thứ. Sự sụp đổ của thể chế toàn trị ngay tại cứ địa sản sinh ra nó ở nước Nga và châu Âu là minh chứng hiển hiện cho sự phi thực tế của học thuyết Mác - Lê Nin cũng như tính không tưởng của Chủ nghĩa Xã hội. Vậy mà các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII, vẫn lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm nền tảng, vẫn định hướng Xã hội Chủ nghĩa, vẫn duy trì chế độ độc đảng. Quốc hội khóa XIII còn có tội lớn hơn Quốc hội các khóa trước khi đã không hủy bỏ điều 4 Hiến pháp 1980, 1992, mà lại còn lún sâu vào sự độc tài bằng cách ghi thêm sự trung thành của quân đội đối với đảng cộng sản vào Hiến pháp 2013. Hành động tiếp tay của họ cho sự độc trị toàn diện của đảng cộng sản đã làm Dân tộc bị tụt hậu so với các nước láng giềng, làm cháu con thiệt thua với năm châu đồng lứa.
“Nút bấm ngàn cân” được đề cập ở trên, không phải đơn thuần chỉ sự quyết định vận mệnh của cá nhân đại biểu Quốc hội. Hàm nghĩa chính của “Nút bấm ngàn cân” nằm ở cơ hội đổi thay vận mệnh Đất nước. Bỏ lỡ cơ hội đổi thay vận mệnh Đất nước ở giây ấn nút cuối cùng, Quốc hội khóa XIII đã tự kết tội mình trước Dân tộc tại “Thời khắc lịch sử”.
Thế lực thù địch
Nhiều người lên tiếng góp ý sửa đổi Hiến pháp trong thời gian vừa qua - đòi hủy bỏ sự độc trị của đảng cộng sản, đòi sở hữu tư nhân đất đai – lại chính là đảng viên đảng Cộng sản. Họ từng là bạn chăn trâu, từng là bạn học cùng lớp, từng là đồng chí với nhiều người trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao nhất hiện nay. Vì quyền lợi Dân tộc họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, hy sinh quyền lợi giai cấp, hy sinh quyền lợi của đảng. Làm sao lại có thể liệt họ vào hàng ngũ “Thế lực thù địch”?
Trên thực tế những đảng viên đòi bỏ chế độ toàn trị đang hành động để cứu đảng thoát khỏi những tội lỗi trước Dân tộc. Họ đang hành động để bảo vệ những hy sinh cao cả của lớp đảng viên thế hệ cha ông. Những đảng viên thế hệ cha ông đã hiến thân mình vì độc lập tự do dân tộc. Ý chí và cốt cách của lớp đảng viên thế hệ cha ông sáng ngời. Nhiều đảng viên trong hàng ngũ cầm quyền hiện nay đang từng ngày từng giờ hủy hoại thanh danh của lớp đảng viên thế hệ trước. Đảng Lao động Việt Nam trước năm 1975 và đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là hai đảng hoàn khác nhau. Những đảng viên Cộng sản hiện nay không được nhân danh xương máu và hào quang của cha ông để cho mình quyền đương nhiên độc tôn cai trị đất nước.
Mác và Lê Nin là những nhà bác học vĩ đại. Không chỉ thế, họ là những nhà chính trị lý luận đấu tranh trực diện. Trong suốt cả cuộc đời đầy biến động, Mác và Lê Nin luôn luôn sẵn sàng chấp nhận đối mặt với các phản bác chỉ trích của các đối thủ. Họ lên diễn đàn để tranh luận trực diện với đối thủ của mình trên báo chí và trước công chúng một cách công khai sòng phẳng.
Thế nhưng những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chẳng dám và chẳng bao giờ cho đối thủ một cơ hội công khai tranh luận trước công chúng. Dựa vào quyền lực toàn trị, họ tự độc diễn trên truyền hình và trong phòng họp. Còn trên báo chí thì họ được bảo vệ bởi một “ban tuyên giáo tư tưởng” cả vú lấp miệng em. Nhưng lợi hại và đáng sợ hơn, trong tay họ tập trung một đội ngũ mật vụ sẵn sàng dằn mặt đối thủ. Họ chưa bao giờ là những nhà chính trị lý luận đấu tranh trực diện, nhưng lại tự ngộ nhận là kế tục của Mác và Lê Nin.
Quốc hội tự thua
Đối thủ lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là chính bản thân mình. Vượt qua chính mình là điều khó khăn nhất. Không phải bởi kẻ thù nước ngoài, không phải bởi “Thế lực thù địch”, Quốc hội khóa XIII đã tự thua chính mình.
Bản thân sự tự thua chính mình cũng có nhiều thang bậc khác biệt. Có sự tự thua trong khâm phục, có sự tự thua trong đồng cảm, có sự tự thua trong chê trách, và có sự tự thua trong tội lỗi.
Cuộc bỏ phiếu ngày 28-11-2013 mà ông chủ tịch Quốc hội gọi là “Thời khắc lịch sử” ấy là cuộc tự thua trong tội lỗi. Chỉ có 2 đại biểu thoát khỏi hai từ “tội lỗi”, nhưng lại không thể thoát khỏi hai từ “đồng lõa”.
Chiến bại của Quốc hội khóa XIII đã kìm hãm sự phát triển của Đất nước so với các quốc gia khác một khoảng thời gian, không chỉ đơn thuần là số năm từ bây giờ cho đến khi có Hiến pháp mới, mà chính bằng khoảng thời gian giữa hai Hiến pháp nhân với hệ số của một cấp số nhân là tốc độ tiến bộ của khoa học và công nghệ.
Bởi vậy, hậu quả cuộc bỏ phiếu ngày 28-11-2013 và tội lỗi của Quốc hội khóa XIII thực chất sẽ lớn hơn nhiều so với mức đánh giá hiện thời của xã hội.
Hiến pháp mới và sự xóa bỏ toàn trị
Quốc hội các khóa tiếp theo sẽ không thoát khỏi sự phê phán của lịch sử chừng nào chưa thực hiện được hai điều dưới đây.
1. Xóa bỏ sự toàn trị.
2. Thông qua Hiến pháp của một chế độ dân chủ đa nguyên.
Không nghi ngờ gì nữa, trong thời gian tới sẽ có một Quốc hội xóa bỏ sự toàn trị của đảng cộng sản để bắt đầu một Hiến pháp mới của một thể chế dân chủ đa nguyên. Động lực xóa bỏ sự toàn trị của đảng Cộng sản lại xuất phát ngay từ trong lòng đảng Cộng sản chứ không phải từ một thế lực thù địch nào cả.
Ngày xóa bỏ chế độ toàn trị là thời khắc lịch sử đích thực của dân tộc. Trước đó sẽ có hàng trăm ngàn đảng viên đảng Cộng sản tự rời bỏ hàng ngũ để thành lập các chính đảng mới.
Vấn đề chỉ ở thời gian. Hiện giờ, không phải chủ nghĩa tư bản giãy chết như Lê Nin nói, mà là chế độ toàn trị đang giãy chết. Sự giãy chết càng ngắn bao nhiêu thì càng phúc đức bấy nhiêu cho con cháu.
V.T.D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Luận về sự thông minh

Nguyễn Mộng Hoài 
Ông anh họ tôi nay đã 84 tuổi, nhưng còn tương đối khỏe mạnh và minh mẫn. Nói chuyện với ông tôi hay được nghe những câu "triết lý" mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Vừa rồi, ông bảo:

- Hình như bây giờ có nhiều bọn "ngu trung" quá chú nhỉ? Đất nước thì rối tung như canh hẹ, sờ đến đâu là có tiêu cực đến đấy (như ông Tông Bí thư đã nói), mọi thứ đều xập xệ, kinh tế thì sụp đổ khó lòng gượng dạy trong một thời gian ngắn và khi còn những nhóm lợi ích và tham nhũng, xã hội thì năm bè bảy mối, dường như xuống dốc không phanh, quan liêu, tham nhũng, lãng phí thì như con thuồng luồng đa vòi, như ròi bọ, lòng tin thì đổ vỡ, thậm chí vợ chẳng tin chồng, anh em không tin nhau...mà họ vẫn ra rả "khởi sắc", "có nhiều tín hiệu vui", nhân dân vẫn...


Để ông anh "triết lý một hồi" tôi mới dám nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Thưa anh, họ không "ngu trung" như anh tưởng đâu. Họ thông minh lắm đấy chứ. Chỉ có những người đầu óc thông minh mới có thể làm được những việc to tát như vậy.
Ông anh tôi phát cáu:
- Cái chú này gàn bỏ mẹ. Chuyện tày trời liên quan đến sinh mạng một dân tộc, đến vận mệnh toàn dân đã và đang nắm trong tay thao túng của bọn họ mà nhiều cái họ quyết sách cứ như đùa. Cả nước đang "tiến lên chủ nghĩa xã hội khí thế hào hùng, sức mạnh dời non lấp biển" mà có người đứng đầu lại buông ra một tiếng thở dài thườn thượt: "Không biết thế kỷ này (tức là thế kỷ 21) ở nước ta đã có chủ nghĩa xã hội chưa. Ông ấy còn lo như vậy thì dân ta mong mỏi được cái gì. Hết thế kỷ này tức là còn ngót 90 năm nữa. Đúng rồi, những người đang có mặt sống trên đất nước ta hiện nay kể từ cháu bé vừa mới lọt lòng mẹ hôm qua, hôm kia, sau 90 năm nữa chắc cũng không còn có mặt trên đời mà có sống đến 90 đi chăng nữa thì cũng "mát mờ, chân chậm", đang thở hắt ra, còn biết gì đến "chủ nghĩa xã hội" nữa mà tận hưởng !!!
Tôi phá lên cười:
- Ông anh ơi, người ta nói thế là người ta rất thông minh đấy bác ạ, chứ không phải người ta ngu đâu. Bởi vì, theo em hiểu thì cái "chủ nghĩa xã hội" theo mô hình tưởng tượng của mấy cụ "mac-xít", "lêninnit", "mao-ít" gì gì đấy, nó vừa cao siêu, vừa không có thực trong đời sống nhân loại từ lâu rồi. Thế giới loài người đã cho cái "chủ nghĩa xã hội không tưởng" ấy vào sọt rác của quá khứ rồi. Vì sao ư ? Vì nó gây ra nhiều tội lỗi quá đến mức không còn một ai chịu nổi, đành phải chôn vùi nó đi để cùng nhau xây dựng một xã hội mới hòa bình, hòa hợp, dân chủ, công bằng, trong sạch và tiến bộ về mọi mặt. Con người không còn phải duy trì "đấu tranh giai cấp", không còn bị áp bức bóc lột lẫn nhau, đàn áp lẫn nhau nữa. Mọi người trên trái đất đều yên vui lao động sản xuất, xây dựng đời sống cho bản thân từng người và cho con cháu họ. Mọi dân tộc đều bình đẳng, đều coi nhau như anh em một nhà, bất kỳ chỗ nào cũng không còn đói nghèo, bom đạn. Nước ta cũng thế, trong lịch sử nhiều nghìn năm, chiến tranh, giặc dã liên miên, tổng số thời gian được hòa bình thịnh vượng không nhiều hơn thời gian bị đô hộ và chiến tranh. Lịch sử cận đại chứng kiến một cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta cũng đã kéo dài hơn một phần ba thế kỷ, mà ngày nay có hòa bình rồi, thống nhất nước nhà rồi, những còn rất nhiều sự đe dọa từ sự yếu kems bên trong, từ lòng tham và lợi ích nhóm bên trong đến các thế lực thù địch bên ngoài. Lại còn biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ hằng năm, động đất sóng thần nữa đe dọa cuộc sống mọi người dân...một trăm thứ khổ, phải nghiến răng chịu đựng và kiên gan vượt qua. Vậy mà có ai người ta thương dân đâu...Đất nước xem ra thì giầu đẹp thật, nhưng bọn họ đang sâu xé hoặc là "bán, chuyển nhượng" cho nước ngoài lập làng, lập phố, khai thác tài nguyên trên và dưới mặt đất, để vơ vét cho đầy túi tham một số người. Tưởng các tập đoàn Nhà nước sẽ là những "quả đấm thép" góp phần quyết đinh vực dậy nền kinh tế bị tàn phá sau ba mươi năm chiến tranh ai ngờ chính những tập đoàn Nhà nước lại làm thất thoát, theo con số người ta thú nhận, đến 1,350 triệu nghìn tỷ đồng. Tiền này ở đâu ra ? Có dựa vào ODA thì cũng là một món nợ đời này chưa trả hết thì đời sau, đời sau nữa cùng phải trả chứ có "ăn không" được của người ta đâu. Nhưng quả đấm theo xem ra cháy thành nước mất rồi !
Tầng lớp cán bộ Việt Nam giầu lên nhanh chóng không phải do họ làm ra, mà do họ "thông minh" quá, nghĩ ra nhiều cách quá bòn rút của cải của nhân dân, của Nhà nước, tham ô, tham nhũng, trộm cắp, láu cá, tính lộn...rồi tất cả đổ cho tại "yếu kém" để không "yếu kém trong việc vơ vét hàng loạt tiền và tài sản kếch sù vào trong tay họ và gia đình, phe cánh họ. Vì sao, có người đứng đầu tỉnh có tiền xây nhà trị giá 260 tỷ, 100 tỷ, 50 tỷ. 20 tỷ...Cái "ông toàn dân nào" đã cho một vị chủ tịch tỉnh 100 ha đất để làm vườn cao su, đang đến kỳ thu hoạch trị giá hơn 150 tỷ đồng...
Em cứ tạm sơ sơ tính với bác thế này, nước mình hiện có trên dưới 11.000 xã, phường, thị trấn, hơn 600 quận huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, liệu có bao nhiêu người trong số họ, những người thừa thông minh và trí tuệ ấy giầu không tưởng tượng nổi. Hj đã và đang trở thành các nhà "tư bản đỏ" với giá trị tài sản mà có khi "tư bản phương tây" cũng không bì kịp. Thậm chí có một số người còn đầu tư tiền của làm biệt thự, mua nhà ở nước ngoài để "tạo điều kiện" sau này nếu...Nếu là chủ doanh nghiệp làm ăn giỏi, họ giầu có một phần còn họ có "làm giầu cho đất nước một phần" thì cung phải thôi. Ngay ở xã mình đấy, hơn 1000 mẫu ruộng, hơn 10,000 dân, nhưng mà của cái ruộng đất cũng đi đâu mất hết cả rồi, để rồi tiền bạc đổ, đất cát đổ vào một lớp cán bộ từ thôn trở lên giầu lên trông thấy. Cán bộ lãnh đạo xã bây giờ hơn hẳn chánh tổng lý trưởng ngày xưa, họ đã và đang giầu lên, chắc chắn họ phải là những người thông minh lắm, thông minh hơn người, nghĩ ra được nhiều cách tham ô, tham nhũng, ăn chặn, moi móc đủ kiểu...để làm nhà cao tầng, mua sắm tiện nghi phương tiện đắt tiền, súng sính trong vợ đẹp, bồ xinh, sinh hoạt hằng ngày "xả láng". Đúng ra là họ có đầu óc thông minh hơn người, chứ cứ như anh em mình đầu óc toàn đất bùn và bã đậu thì có đến "Tết châu Phi" mới nghĩ được cách làm giầu mà không tốn công sức, vốn liếng như họ. Thế thì họ phải thông mính quá chứ có phải ngu trung như bác nghĩ đâu !
Thật ra, làm được kẻ cướp hoặc chí ít là kẻ cắp không dễ. Bác tưởng ai cũng làm được phải không. Kẻ cướp cũng có sự thông minh của kẻ cướp. Cướp ngày có cái thông minh của cướp ngày, cướp đếm có cái thông minh của cướp đêm, chứ cứ đần đần độn độn, mặt lúc nào cũng nghệt ra như "chúa tàu nghe kèn" thì có nhặt lá bánh ngoài chợ cũng không xong, nghèo kiết xác là phải !
Cái lớp người thông minh này có gen đấy bác ạ. Họ truyền kinh nghiệm cho thế hệ con cháu họ nhiều lắm. Bố tham nhũng, dung túng, đồng tình với con. Con tham nhũng nhiều hơn, bố khen "thằng này, con này làm ăn giỏi". Thế bác bảo ai chống được tham nhung bây giờ? Các ông đang có tên trong các "ban" chống tham nhung yên chí mình vô can, mình ngoài cuộc, mình kiên quyết chống tham nhũng...Than ôi, đến mùa quýt cúng không diệt hết bọn tham nhung đâu bác ạ. Vì bọn tham nhung lạ rất thông minh lại được bọn thông minh hơn che chở, bảo kê, làm sao mà chống được.
Bao nhiều người ngay thẳng, trong sạch, bao nhiêu trí thức có học hàm học vị cao, bao nhiêu người dân "vạn đại" khuyên bảo họ, họ có thèm nghe đâu, vì nếu nghe thì họ sẽ mất tất cả, đâu còn nhà lầu xe hơi xịn, đâu còn vợ đẹp bồ xinh...nữa. Chả ai lại dại để mất tất cả như vậy đâu. Thế mới khó khi bảo họ "khai tài sản" một cách trung thực đấy bác ạ, vì họ quá thông minh mà lại !
Ông anh tôi là một ông già biết nghe và chịu khó nghe. Tôi nói "tràng giang đại hải" như vậy mà ông vẫn chú ý nghe, thỉnh thoàng lại gật gật cái đầu bạc đồng tình. Được thể, tôi càng "bốc phét" thêm, làm cho ấm nước pha trà Thái Nguyên xong từ lúc nào để nguội mất rồi !
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Người Việt khôn vặt, láu cá hay sáng tạo?

Dân gian thường lưu lại những câu chuyện về sự khôn vặt, láu cá, ứng biến linh hoạt, mà đôi khi bị lầm tưởng là sáng tạo.
Đánh cắp bản quyền xấu xí
Ở mọi quốc gia, sách giáo khoa là hệ thống văn bản quan trọng nhất nhằm mang đến kiến thức và cả kỹ năng sống cho học sinh. Chính vì thế, nó khác với các loại sách tham khảo, và nó cần được biên soạn kỹ lưỡng ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên, nhiều hạt sạn vẫn thường xuyên xuất hiện.
Trong sách Tiếng Việt lớp 3 (tập 2) của Bộ GD&ĐT, tại trang 22-23 có câu chuyện “Ông tổ nghề thêu” Trần Quốc Khái.
Đại ý, Trần Quốc Khái là một cậu bé nhà nghèo ham học, sau này làm quan to trong triều. Trong dịp được cử đi sứ, vua Trung Quốc đã thử tài bằng cách giam ông tại lầu cao. Trần Quốc Khái đã tình cờ học cách thêu và làm lọng. Khi về nước, ông đã dạy cho dân nghề này và được suy tôn là ông tổ nghề thêu.
Có hai vấn đề ở đây.
Thứ nhất, cần làm rõ ông tổ nghề thêu của người Việt là ai? Trong cuốn sách “Đôi bàn tay khéo léo của cha ông”, ấn hành bởi NXB Kim Đồng thì ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành. Cuốn “Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam” cũng ghi tên này.
nghề thêu, sáng tạo, Hà nội

Có thể đây là 2 người khác nhau, hay thậm chí là một vì nội dung câu chuyện giống nhau hoàn toàn. Các văn bia, sắc phong cũng ghi nhận ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành.
Vấn đề lớn là, câu chuyện này được đưa vào chủ đề chính của bài học trong SKG mang tên “Sáng tạo”. Ngay cả cháu bé nhà tôi khi học cũng băn khoăn không hiểu sự sáng tạo ở đâu? Liệu sự sao chép công nghệ, sau đó truyền bá lại cho những người khác có nên được coi là sáng tạo trong khi đây chỉ  nên coi như một sự học hỏi.
Dân gian cũng thường lưu lại những câu chuyện về sự khôn vặt, láu cá, ứng biến linh hoạt, mà đôi khi bị lầm tưởng là sáng tạo. Tỷ dụ như chuyện Trạng Quỳnh  trong 3 tiếng trống đã vẽ 10 con vật  (giun).
Giai thoại này được lưu truyền và tôn vinh như một thắng lợi dân gian, trong đó sự linh hoạt chiến thắng những suy nghĩ và chiêu thức cổ điển hàn lâm. Tuy vậy, sự linh hoạt và láu cá này chỉ nên được phổ biến và giới hạn trong phạm vi của trò chơi hay truyện cười. Không nên áp vào đời sống.
Có những nhân vật cụ thể như Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên đời Trần, nổi tiếng với tài ứng đối siêu việt. Tôi yêu thích những giai thoại về ông, nhưng đặc biệt không thích câu chuyện vịnh chiếc quạt mà vua nhà Nguyên yêu cầu sứ thần Triều Tiên và sứ thần Đại Việt (Mạc Đĩnh Chi) cùng làm. Khi Mạc Đĩnh Chi liếc thấy sứ thần Triều Tiên đã viết hai câu thơ, dịch nghĩa:
Tiết trời oi ả, ngươi tựa Y, Chu/ Rét mướt căm căm, ngươi là Bá, Thúc”
Mạc Đĩnh Chi đã nhanh trí phát triển câu thơ trên thành bài thơ của mình:
“Tiết trời oi ả như lò lửa/ Ngươi tựa Y, Chu bậc cự nho/ Khi mùa đông đến trời băng giá/ Ngươi hệt Di, Tề rét co ro/ Ôi!/ Lúc dùng chuyên tay khi xếp xó/ Ta với ngươi đều như thế đó
Bài thơ hay hơn nên vua Nguyên phê cho ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Tuy nhiên, hành động của ông cũng có thể hiểu như sự đánh cắp bản quyền (đạo văn – plagiarism) trắng trợn và xấu xí.
Không đăng trong nước, mới đăng quốc tế
Thực tế, sự sáng tạo luôn luôn đòi hỏi tính mới. Muốn sáng tạo một điều gì mới lại cần có một nền tảng hiểu biết chắc chắn về những điều cũ. Những người làm khoa học nghiêm túc hẳn sẽ rất dị ứng với những cụm từ “đi tắt đón đầu”, “đứng trên vai những người khổng lồ” rất được một số lãnh đạo hay một số “nhà khoa học VN” ưa dùng khi vạch chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Những chiến lược mơ hồ theo định hướng lạc quan này khiến cho những người nghe hồ hởi, nhưng thực tế chẳng hề đem lại hiệu quả cụ thể nào đáng kể. GS Hoàng Tụy cho rằng: “Chúng ta đứng ở thứ hạng rất thấp trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu, báo động đỏ là đúng, không oan. Thực ra chẳng cần phải nghiên cứu kỹ, ai cũng thấy rõ điều này ít nhất từ 20 năm nay rồi”.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) từng thống kê, trong thời gian 1998-2008, VN chỉ công bố được 5070 bài báo khoa học trên các tập san KH quốc tế, bằng 2% của Úc (238,076), 10% so với Singapore (51762), 22% so với Thái lan, và 34% so với Malaysia (14731).
Ông cho biết “Trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 02 bằng sáng chế. Có năm chẳng có bằng nào.
Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần!
Những con số này thực sự chỉ ra sự hạn chế của sáng tạo Việt. Rất nhiều các nghiên cứu hiện tại trong nước, kể cả cấp độ Nhà nước, chỉ là các công trình nghiên cứu theo kiểu tổng kết, hay lặp lại (me too), chứ không có đóng góp cho khoa học.
Không thể cãi một cách rất thiếu nghiêm túc rằng chúng ta có nhiều sáng tạo, nhưng chẳng qua chưa phổ biến cho thế giới biết đấy thôi. Cách đây vài năm, khi GS Nguyễn Thiện Nhân còn là Bộ trưởng GD và ĐT đã kể câu chuyện như đùa về một giảng viên ĐH vui mừng khi bài báo của mình được đăng tạp chí quốc tế thì hiệu trưởng trường đó lại nói  “Trình độ cậu đó đâu có ra gì. Không đăng được tạp chí trong nước mới phải đăng ở nước ngoài đấy chứ”.
Giới hạn của sáng tạo
Cuối cùng, tôi muốn bàn về giới hạn của sáng tạo.
Chuyện bắt đầu ở  Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế Hà Nội, diễn ra năm ngoái tại Bệnh viện 103. Tại đây, phần được theo dõi nhiều nhất trong hội thao luôn là màn thao diễn những đề tài, kỹ thuật mới, và hầu hết là thao tác, phẫu thuật trên người bệnh thực sự.
Hầu như tất cả các màn trình diễn đều được thực hiện trên các phương tiện máy móc mới và hiện đại. Những máy móc kỹ thuật này không phải được phát minh bởi ngành y tế Việt Nam, mà đơn thuần chỉ là sự ứng dụng lại các phương pháp mà những người trình diễn đã được học ở trong nước, hay ngoài nước, trước những người đồng nghiệp khác, với một máy móc hiện đại hơn mà thôi (cũng là một cách làm kiểu me too).
Thường là những đơn vị lớn, có các máy móc hiện đại thì có lợi thế để giành giải.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn lại là việc thi trên hiện trường cụ thể, người thật, việc thật.
Theo quy định chung, không thể và không cho phép việc lấy bệnh nhân thật sự, với các kỹ thuật, phẫu thuật thật sự để tham gia thi thố. Việc làm này trái với các quy định y đức quốc tế. Hội đồng y học thế giới ra tuyên bố Helsinki năm 1964 về đạo đức nghiên cứu liên quan đến con người. Nếu quyền được thông tin và chấp thuận của bệnh nhân thực sự được tôn trọng, sẽ không có bệnh nhân nào sẵn sàng chấp nhận làm vật thí nghiệm.
Người thực hiện kỹ thuật, phẫu thuật trong một môi trường đầy sức ép, dưới con mắt của giám khảo, quay phim chụp ảnh, cũng như các đồng nghiệp sẽ không có gì đảm bảo rằng họ không phạm sai lầm. Thực tế cũng đã có nhiều kỹ thuật không thành công, hoặc những sai sót phải sửa chữa lại, và chỉ có bệnh nhân là người lãnh chịu những hậu quả này.
Sẽ có rất nhiều điều đáng bàn về tính sáng tạo, và giới hạn của cái gọi là sáng tạo trong các cuộc thi tương tự. Tôi cũng đã từng tham gia với tư cách thí sinh, cũng như người hướng dẫn thí sinh trong hội thao này diễn ra đã lâu, cũng đoạt giải, và sau này cũng đã lấy làm tiếc.
Ở các nước, những nghiên cứu của họ vẫn luôn tiến triển, các thử nghiệm vẫn luôn luôn được tiến hành, nhưng dưới một sự giám sát ngặt nghèo của Hội đồng đạo đức. Sau thử nghiệm thành công hay thất bại, kết quả được đem đi báo cáo tại các hội nghị khoa học, chứ không có thao tác biểu diễn trên người bệnh thật.
Đáng tiếc là không có một hội đồng nào như thế trong hội thi này. Người viết bài cũng đã từng lên tiếng xem xét về vấn đề y đức trong một cuộc họp chuẩn bị cho hội thao cách đây chừng 10 năm, nhưng không được quan tâm. ‎
Đã đến lúc, ta cũng cần nghiêm túc bàn lại về giới hạn của "sáng tạo" theo đúng nghĩa.
  • Nguyễn Công Nghĩa (TS, BS Bệnh viện Phụ sản Hà Nội- Trung tâm nghiên cứu y học Propel, Đại học Waterloo, Canada)

THỦ THUẬT NHÀ QUAN

Hình ảnh: NGHIẾN RĂNG...CẢM ĐỘNG

Cảm động nghiến răng là lời  khuyên quá ư ...huyên thuyên của quan chức Bộ công thương rằng, nếu giá ga tăng giảm bất thường thì nhân dân chúng ta- chứ chắc chắn không phải là ông ta: Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương- nên chuyển qua đun bằng củi, điện. Khà khà, làm quản lý nhà nước sướng nhẩy, giá ga tăng bất thường, chưa bao giờ có tăng (20%) đáng ra phải dò, phải xét, phải soi, phải kiểm, phải tìm, phải kiếm lý do có sự móc nối các hãng ga không, có vi phạm luật cạnh tranh không, có phải chúng nó " phối kết hợp" cùng làm giá không như người ta đã từng ngờ vực cú tăng giá 3G vừa qua, thì ông này lại đưa ra lời khuyên như thế. Ngộ nhỡ tới đây thằng điện tăng, thằng củi tăng ( vì hết củi) thì ông này chắc với trách nhiệm  của mình sẽ đưa tiếp lời khuyên người dân không nên nấu nướng, mà nên đi nhà hàng hoặc nhai gạo sống, nhỉ? Ha!

Cảm động nghiến răng nữa là đối với chị em phụ nữ, tin vui bất ngờ cho một nhóm mấy trăm bà từ cấp vụ trưởng và giám đốc sở nữ trở lên là có thể vươn tuổi nghỉ hưu đến 60, còn các phụ nữ công chức khác thuộc "đàn bà" nên vẫn giữ nguyên tuổi hưu như cũ, thế cũng là một chính sách lớn đó chứ, họ lo cho tuổi hưu lãnh đạo chứ không phải tuổi hưu nhân dân, nhỉ? Ha!

Cảm động tiếp là sự quan tâm hết mực của một địa phương ở Hà Tĩnh chăm sóc đến sức khỏe của các cháu bé bằng hành động thiết thực là phát Vitamin A nhé, ghê, may chưa cháu nào uống vì  hóa ra là hạt đậu bà con ạ.  Nhầm từ đậu sang viên vitamin A thì cũng là số 1 thế giới rồi gì nữa. Nhỉ? Ha!

Cuối cùng, tạm khép chuyện cảm động là khi sung sướng biết thông tin người Việt ta nghèo lắm, mà đổi điện thoại, thay mới điện thoại số 1 vùng Đông Nam Á. Ha?
-------
Hồi mình còn bé, nghe ai nói điên điên, khùng khùng, mạ mình hay chổng mông vỗ bôm  bốp rồi làu bàu: Ngá khu, ngá khu, ngá khu (giải thích: Khu là mông)
"Mổng chông" đúng quy trình ! Ảnh: Blog nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Quan bé: Thưa quan anh, nếu để ra sự cố nghiêm trọng thì phải đối phó với báo chí và dư luận  ra sao ạ ?
Quan lớn: Phải khẳng định là mọi thứ đều thực hiện ĐÚNG QUY TRÌNH!
Quan bé: Nhưng họ hỏi về trách nhiệm thì trả lời thế nào ạ ?
Quan lớn: Phải nói là chúng tôi đã làm HẾT TRÁCH NHIỆM !
Quan bé: Họ hỏi sao không kỉ luật ai thì trả lời ra sao ạ ?

Quan lớn: Bảo rằng "Vì chúng tôi đã thực hiện ĐÚNG QUY TRÌNH và làm HẾT TRÁCH NHIỆM nên KHÔNG KỈ LUẬT AI !"
Quan bé: Nhưng họ vẫn hỏi truy trách nhiệm thì phải làm sao ạ ?
Quan lớn: Nói là "ĐỪNG QUY TRÁCH NHIỆM CHO AI MÀ TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ CHÚNG TA, CHÚNG TA ĐANG NÓI VỀ CHÚNG TA!"
Quan bé: Nhưng thưa anh, nếu trách nhiệm đã quá rõ ràng, không chối được thì phải làm sao ạ ?
Quan lớn: Thì phải nói rằng " Về việc này, chúng tôi sẽ KIỂM ĐIỂM NGHIÊM TÚC và RÚT KINH NGHIỆM SÂU SẮC".
Quan bé: Nhưng họ vẫn truy tiếp thì phải làm sao ạ ?
Quan lớn: Nước cuối cùng thì XIN LỖI !
Quan bé: XIN LỖI xong thì TỪ CHỨC phải không ạ ?
Quan lớn: Từ là từ thế nào, phải KIÊN QUYẾT KHÔNG THOÁI THÁC NHIỆM VỤ chứ !
Quan bé: Vâng, KIÊN QUYẾT, KIÊN QUYẾT, KIÊN QUYẾT !

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 5

 ·        TRỊNH ÁNH HỒNG
Lê Quỳnh dịc
 (tiếp theo - Kỳ 5)
Chắc chắn Trần Dần có biết những tư liệu liên quan đến lá thư của Hồ Phong: ông đang ở Trung Quốc vào lúc lá thư tạo ra chấn động và thảo luận trong giới trí thức Trung Quốc. Cũng chắc chắn Trần Dần có cảm tình với Hồ Phong, vì bản thân ông gặp xung khắc với chính dạng lãnh đạo văn nghệ mà Hồ Phong chỉ trích. Trần Dần được cho đi Trung Quốc để hoàn tất kịch bản bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Theo thông lệ, đi cùng ông là một chính trị viên mà sau đó ông có mâu thuẫn vì người kia xen vào công việc sáng tạo của ông. Trần Dần cũng ghét sự áp dụng “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, giống như Hồ Phong. Cùng thời điểm ông mở tranh luận với tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần cũng đăngbài phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Tố Hữu có chân trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách hoạt động trí thức và văn nghệ, và tập thơ của ông được xem là ví dụ mẫu mực khi mô tả các anh hùng. Công kích thứ văn chương “hiện thực xã hội chủ nghĩa” kiểu Tố Hữu, Trần Dần nhấn mạnh: “Realism encourages a hundred schools to thrive both in substance and in form”. Điều này khiến Boudarel đặt giả thiết là “ngay từ tháng Hai 1955, một chiến dịch Trăm hoa Đua nở đã hình thành trong Ban Văn nghệ của quân đội Bắc Việt. Nó xảy ra một năm trước khi một phong trào có tên như thế bắt đầu ở Trung Quốc, và gần hai năm trước khi chính sách này có hiệu lực.” [5] Tuy nhiên, cụm từ “bách gia” thực sự đã có từ thời cổ sử Trung Hoa, chỉ không khí tranh đua triết lý và tư tưởng trong giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc (thế kỷ tám đến thế kỷ ba trước Công nguyên)….
Khi đã biết ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc ở Việt Nam, sẽ không phải vô lý khi giả định rằng Trần Dần đã dùng cụm từ này mà không nhận biết về nguồn gốc của nó. Ngoài ra, lần đầu tiên cụm từ “bách hoa tề phóng” có mặt trong đời sống văn hoá Trung Quốc là năm 1951, khi Mai Lan Phương, nam diễn viên nhạc kịch nổi danh nhất Trung Quốc, nhờ Mao ra chỉ thị cho Học viện Nhạc kịch Truyền thống Trung Quốc vừa mới thành lập. Mao bảo: “Hãy để trăm hoa đua nở, để thể loại mới thay thế cái cũ.” [6].
Còn về cụm từ “bách gia tranh minh”, thì đó là câu trả lời của Mao cho cuộc tranh luận giữa Quách Mạt Nhược và Phạm Văn Lan, hai sử gia có tiếng, về cách làm thế nào áp dụng lý thuyết của Marx vào việc nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc. Chính trong bối cảnh này Trần Bá Đạt, thư ký riêng và là trưởng ban nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, đã yêu cầu Mao đưa ra chỉ thị [7] . Như vậy, cả “trăm hoa” và “trăm nhà” đều đã được dùng ở Trung Quốc từ 1953 cho công tác học thuật và sân khấu, mặc dù chúng được đề đạt riêng rẽ, lan toả trong từng giới, và chưa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc cho đến giai đoạn hạ bệ Stalin mùa Xuân 1956. 
Theo Kim N. B. Ninh, sự bất mãn của trí thức Việt Nam với chính quyền không phải bắt đầu từ cuộc xung khắc giữa Trần Dần với Đảng mà đã có từ cuối thập niên 1940 [8] . Vì thế liên hệ Trung Quốc trong trường hợp Trần Dần có thể được xem là cảm hứng khiến ông bày tỏ (cùng nhiều người khác) những bức bối đã có từ trước. Sau này các bạn của Trần Dần thừa nhận liên hệ giữa Hồ Phong và Trần Dần trong bức tranh biếm hoạ đăng trên Nhân văn, tờ báo phản kháng có ảnh hưởng nhất, trongsố ra ngày 30-9. Đảng thậm chí nhận ra sự liên hệ này, và ta không ngạc nhiên là khi Trần Dần bị bắt tháng Hai 1956 – sáu tháng sau khi Hồ Phong bị giam – thì một số cán bộ nói lý do của việc bắt giữ là “Trung Quốc có Hồ Phong, có lẽ chúng ta cũng có một Hồ Phong.” [9] Như tác giả Kim N. B. Ninh chỉ ra, “Có vẻ chiến dịch chống Hồ Phong dữ dội ở Trung Quốc đã làm tăng sự cảnh giác ở Việt Nam” và kết quả là Trần Dần trở thành nạn nhân của sự cảnh giác đó [10] . 
Tuy nhiên, ngay sau khi Trần Dần bị bắt, bối cảnh quốc tế lại trở nên có lợi cho giới trí thức. Liên Xô tổ chức Đại hội 20 vào tháng Hai và Trung Quốc loan báo Chính sách Trăm hoa vào tháng Hai, cả hai sự kiện ngay lập tức có tác động tới quan hệ giữa trí thức Việt Nam và Đảng. Để giới thiệu đường lối mới của Liên Xô, Anastas Mikoyan, phó Thủ tướng thứ nhất của Liên Xô, đến Bắc Kinh và Hà Nội trong tháng Tư. Cùng tháng ấy, Trần Dần được thả, chủ yếu vì việc bắt giữ ông diễn ra mà không có sự chuẩn y của ban lãnh đạo cao cấp nhất trong Đảng, nhưng sự thay đổi trong không khí quốc tế rõ ràng đóng một phần vai trò trong việc thả Trần Dần. Diễn văn của Lục Định Nhất vào cuối tháng Năm cổ vũ Chính sách Trăm hoa nhanh chóng được các trí thức Việt Nam hăm hở đọc. Triết gia nổi tiếng Trần Đức Thảo, trưởng Khoa Sử của Đại học Sư phạm Hà Nội mới thành lập cùng năm ấy, nhanh chóng tìm người dịch nó trong tháng Bảy [11] . .
--------------
Thơ Tố Hữu sùng bái Stalin
Đời đời nhớ Ông 
Bữa trước mẹ cho con xem ảnh 
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng 
Áo ông trắng giữa mây hồng 
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười 
Stalin! Stalin! 
Yêu biết mấy, nghe con tập nói 
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! 
Hôm qua loa gọi ngoài đồng 
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao 
Làng trên xóm dưới xôn xao 
Làm sao, ông đã... làm sao, mất rồi! 
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi! 
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không? 
Thương cha, thương mẹ, thương chồng 
Thương mình thương một, thương Ông thương mười 
Yêu con yêu nước yêu nòi 
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu! 
Ngày xưa khô héo quạnh hiu 
Có người mới có ít nhiều vui tươi 
Ngày xưa đói rách tơi bời 
Có người mới có được nồi cơm no 
Ngày xưa cùm kẹp dày vò 
Có người mới có tự do tháng ngày 
Ngày mai dân có ruộng cày 
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai 
Ơn này nhớ để hai vai 
Một vai ơn Bác một vai ơn Người 
Con còn bé dại con ơi 
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông! Thương Ông mẹ nguyện trong lòng 
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con 
Ông dù đã khuất không còn 
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường 
Trên đường quê sáng tinh sương 
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng 
Ngàn tay trắng những băng tang 
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời
                                                    (Tố Hữu, 1950) .

-------------
Theo Bernard B. Fall, ban đầu Bắc Việt cố không chú ý tới sự cởi mở bất ngờ ở Trung Quốc, nhưng sự bỏ qua không thể tồn tại được lâu vì nhiều nhà văn có tiếng ở miền Bắc nắm bắt ngay khẩu hiệu của Trung Quốc. Với họ, khẩu hiệu Trung Quốc có cùng âm vọng như nền giáo dục cởi mở của Pháp mà họ từng thụ hưởng nhiều năm trước [12] . Hai cuộc họp quan trọng trong mùa Hè trở thành điểm tập hợp cho ý kiến phản kháng. Một là Hội nghị của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội từ cuối tháng Bảy đến đầu tháng Tám, và tại đó các đại biểu phê phán nặng nề nhiều chính sách của Đảng, từ việc thiếu thực phẩm đến thuế. Hai là hội nghị của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật miền Bắc (1-18 tháng Tám) với chừng ba trăm đại biểu, nhằm học tập Đại hội 20 của Liên Xô và chính sách văn hoá mới của Trung Quốc. Cuộc họp đưa ra năm đòi hỏi, trong đó có việc đòi dịch và công bố Chính sách Trăm hoa của Mao [13] .
Bị thúc ép trước các diễn biến này, và rộng lớn hơn là vì không khí hạ bệ Stalin và cởi mở trong thế giới cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chính sách mới với trí thức vào tháng Tám, nhấn mạnh đoàn kết, tin tưởng và hợp tác với trí thức chứ không nói đến cải tổ [14] . Vẫn theo thói tục học tập kinh nghiệm Trung Quốc, Việt Nam gửi đại diện sang Trung Quốc theo dõi phong trào Trăm hoa [15] . Vào tháng Mười, khi khủng hoảng Ba Lan – Hungary đang lên cao trào, sự xét lại chính sách của Bắc Việt chuyển sang giai đoạn mới mang tính chính trị hơn. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp từ đầu tháng Chín và kéo dài đến cuối tháng Mười, rõ ràng là vì sức nặng của các vấn đề được thảo luận và chia rẽ trong Đảng. Cuối cùng, hôm 29-10, Đảng ra tuyên bố công khai thừa nhận các sai lầm trong chiến dịch cải cách ruộng đất và một số lĩnh vực khác. Trường Chinh, người giữ chức Tổng Bí thư suốt từ 1941 và đứng số hai sau Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm và từ chức, cùng với Thứ trưởng Nông lâm (Hồ Viết Thắng). Một chiến dịch sửa sai sau đó được tiến hành nhằm giảm bớt các đau khổ của người nông dân trong cải cách ruộng đất [16] . Đài phát thanh Hà Nội hôm 30-10 tường thuật về Hội nghị 10, nói rằng dân chủ hoá và cải thiện đời sống nhân dân nay là hai trọng tâm đầu tiên của Đảng, trong khi việc thống nhất đất nước, vốn vẫn là ưu tiên số một, thì chuyển xuống số ba [17] . 
Những thay đổi lớn này tại Việt Nam và không khí chung ở Trung Quốc và Đông Âu cho phép các trí thức Việt Nam tận hưởng giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm, một thời đoạn độc đáo của quá trình giải phóng trí thức từ tháng Tám đến tháng Mười Một năm 1956. Sự giải phóng được thể hiện bằng sự xuất hiện đột ngột tại các quầy báo nhiều ấn phẩm của tư nhân tập hợp các trí thức phản kháng. Trong số đó có hai ấn phẩm nhiều ảnh hưởng nhất mà tên được đặt cho giai đoạn này. Thứ nhất là Giai phẩm mùa Xuân và Giai phẩm mùa Thu, giới thiệu các văn phẩm mang nội dung chính trị. Thứ hai là Nhân văn, một tuần báo công khai nói chuyện chính trị. Trong văn cảnh Việt Nam, hai chữ Nhân văn còn phản ánh ý niệm Nho giáo về việc trở thành một người văn minh nhờ vào việc học văn chương và triết lý. Các thảo luận chính trị mà các ấn phẩm này khơi dậy bao quát nhiều chủ đề, từ các chính sách trí thức và văn hoá của Đảng cho đến cải cách ruộng đất, tệ quan liêu, tham nhũng, bất tài, và sự chính danh của “chính thể đảng trị”, như cách gọi của sinh viên [18] . Các thảo luận không giới hạn trong các bài báo và thư độc giả, mà còn lan ra đại học, trường học và thậm chí các buổi họp của Hội đồng Nhân dân Hà Nội và Mặt trận Tổ Quốc [19] . 
Rõ ràng ta thấy có ảnh hưởng của Trung Quốc trong quá trình nới rộng tự do ở Việt Nam. Tất cả các ấn phẩm phản kháng đều hướng tới Trung Quốc như niềm cảm hứng. Như Kim Ninh chỉ ra, “Thực sự, Nhân văntheo sát các sự kiện ở Trung Quốc và Đông Âu, ủng hộ Chiến dịch Trăm hoa và xu hướng cởi mở ở Ba Lan và Hungary… Các cây bút của Nhân văn cảm thấy rõ rệt là họ đang tham gia một phong trào quốc tế rộng hơn…” [20] Ngoài ra, tên của một số tờ báo phản ánh sự liên hệ trực tiếp với Trung Quốc. Ví dụ ta có tạp chí Trăm hoa, trong khi cái tên Đất mới (một tạp chí của sinh viên đại học đã dùng từ “chính thể đảng trị” để chỉ chính phủ) ám chỉ vùng đất màu mỡ cho các loại hoa mới sinh sôi. 
-------------
·        Chú thích:
[5]Georges Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s: The Nhan-Van Giai-Pham Affair,” in trong The Vietnam Forum, do O. W. Wolters chủ biên (New Heaven, Conn.: Yale Southeast Asia Studies, 1990), 13: 158
[6]Gong Yuzhi, Mao Zedong’s Reading Life (Shanghai: Shanghai People’s Publisher, 1997), trang 493
[7]Lục Định Nhất, “Cái nhìn lịch sử về ‘Bách hoa tề phóng, Bách gia tranh minh,” Guangming Daily, 7-5-1986 
[8]Xem Ninh, A World Transformed, chương 4, trang 121–161, nói về sự phản kháng của trí thức.
[9]Như trên, trang 140
[10]Như trên. Bài về Nhân văn – Giai phẩm của Boudarel cũng có tư liệu về liên hệ giữa Hồ Phong và Trần Dần. 
[11]Shawn McHale, “Vietnamese Marxism, Dissent, and the Politics of Postcolonial Memory: Tran Duc Thao, 1946–1993”, Journal of Asian Studies 61.1 (2002): 14
[12]Bernard B. Fall, The Two Vietnams - A Political and Military Analysis(New York: Praeger, 1967), trang 188
[13]P. J. Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trong cuốn Vietnam: Anatomy of a Conflict, R. Fishel Wesley chủ biên (Itasca, Ill.: Peacock Publishers, 1968), trang 160
[14]Các chính sách mới này là: “1) Đoàn kết giới trí thức và động viên toàn bộ lực lượng trí thức cho nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; 2) Sử dụng trí thức theo khả năng và giao cho họ công tác phù hợp trên nguyên tắc chức vụ và quyền lực được phân phối theo khả năng và đạo đức; 3) Bảo đảm cho trí thức có phương tiện cần thiết để làm việc, tặng thưởng cống hiến theo khả năng của đất nước; 4) Giúp các thế hệ trí thức lớn tuổi học tập ý thức hệ cách mạng, đào tạo thế hệ trí thức mới, không ngừng nâng cao hiểu biết của trí thức và mở rộng hàng ngũ.” Robert F. Turner, Vietnamese Communism (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1975), trang 152.
[15]Edward Friedman, “The Revolution in Hungary and the Hundred Flowers Period in China”, Journal of Asian Studies, 35.1 (1965): 122
[16]Chiến dịch “sửa sai” cải cách ruộng đất cũng chứng tỏ có ảnh hưởng Trung Quốc. Theo Hoàng Văn Hoan (Hồi ký, bản dịch tiếng Anh, trang 285), Chu Ân Lai rất lo ngại về vai trò của cố vấn Trung Quốc trong cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Sau khi Hoan đi họp ở phiên Toàn thế thứ Mười và quay lại Bắc Kinh, Chu Ân Lai gọi ông ta đến và hỏi rằng cố vấn Trung Quốc chịu bao nhiêu phần trách nhiệm cho những sai lầm trong cải cách ruộng đất của Việt Nam. Hoan trả lời rằng kinh nghiệm Trung Quốc tốt lắm, và mọi biện pháp quá khích đều là do cán bộ Việt Nam quyết định cả - dĩ nhiên nhận xét này không được các sử gia cho là chính xác. 

[17]Ang Cheng Guan, Vietnamese Communists’ Relations with China and the Second Indo - Chinese Conflict (Jefferson, N.C.: McFarland & Company, 1997), trang 36
[18]Ninh, A World Transformed, trang 146
[19]Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trang 161
[20]Ninh, A World Transformed, trang 144.

Bạch Hổ Ngộ Phi Liêm

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131202
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Khi con trời đòi bay quá gần mặt trời 

* Hổ mọc cánh, ấn bản mới! *
Hai ngày sau khi Bắc Kinh đơn phương mở ra "Khu vực Nhận diện Phòng không" (Air Defense Identification Zone hay ADIZ) vào hôm 23 Tháng 11, Hoa Kỳ lập tức đưa hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay vào khu vực mà khỏi thông báo. Khi ấy, người lạc quan vội kết luận rằng Tổng thống Mỹ là cọp thật, chứ không phải cọp giấy. Hai ngày sau, hôm Thứ Tư 27, con cọp Mỹ bỗng nói như mèo khi Bộ Ngoại giao khuyến cáo các công ty hàng không Hoa Kỳ nên lấy biện pháp an toàn khi có máy bay đi qua vùng tranh chấp, bằng cách thông báo cho cơ quan hữu trách của Bắc Kinh để tránh rủi ro. Hai ngày sau, hôm Thứ Sáu 29, Không quân Bắc Kinh đưa nhiều phi cơ, kể cả Su-30, J-11 và máy bay vận tải nội hóa KJ-2000, vào vùng tranh chấp để bám sát cả chục phi vụ quân sự của Nhật và Mỹ. Phía Hoa Kỳ bèn đáp lễ với lời thông báo là, như dự trù từ trước, sẽ triển khai sáu chiến đấu cơ chống tầu ngầm loại P-8 Poseidon vào căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa. Chiếc đầu tiên đã hạ cánh hôm Chủ Nhật mùng một Tháng 12, một ngày trước khi Phó Tổng thống Joe Biden thăm viếng Nhật Bản, rồi Trung Quốc và Nam Hàn....
Chỉ theo dõi màn luân vũ nhịp ba trên trời xanh như vậy, ta đã hoa mắt, làm sao mà bình rồi luận khi cứ hai ngày lại có một đòn mới? Chúng ta phải trở lại từ đầu, về luật chơi của trận đấu trí....
***
Luật lệ và các hiệp ước quốc tế không có quy định gì về quyền thiết lập hay quản trị vùng phòng không ADIZ của các nước.
Nhiều quốc gia đã lập ra vùng định vị phòng không để theo dõi các phi cơ dân sự bay vào không phận của mình trên đất liền hay ngoài biển hầu bảo vệ an ninh lãnh thổ. Mọi phi cơ dân sự đi vào vùng ADIZ phải xác nhận căn cước và đối thoại với cơ quan phòng không. Khu vực này phải rộng hơn không phận của quốc gia để hệ thống phòng không có thời gian ứng phó với mối đe dọa khả dĩ xảy ra. Gặp trường hợp khả nghi, Không quân mới đưa chiến đấu cơ lên trực tiếp nhận diện máy bay lạ và có phản ứng đối phó theo phép dụng lễ rồi mời dụng binh.
Từ thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ có bốn vùng ADIZ để bảo vệ lãnh thổ liền lạc trong lục địa và tiểu bang Alaska, Hawaii, cùng căn cứ Guam ngoài khơi Thái bình dương. Ngoài Hoa Kỳ, gần hai chục xứ khác, kể cả Việt Nam, cũng có vùng bảo vệ như vậy. Là một nước quần đảo, Nhật có vùng ADIZ từ lằn ranh do Hoa Kỳ vạch ra ngay sau Thế chiến II, chủ yếu hướng vào việc bảo vệ không phận từ hướng Tây, tiếp cận với Đông Á. Trên đại thể, ADIZ do Nhật lập ra năm 1969 chỉ trùng với vùng đặc quyền kinh tế EEZ. Nhưng Tháng Sáu vừa qua, Nhật mở ADIZ thêm 22 cây số về hướng Tây, và bị Đài Loan than phiền là "đáng tiếc". Ly kỳ là lằn ranh xa nhất của Nhật nằm cách lãnh thổ Trung Quốc có 130 cây số.
Cho nên, Bắc Kinh không phát minh ra trò chơi này mà chỉ phản ứng.
Khốn nỗi, vì đi sau và có nhiều mặc cảm nên mới quá đà. Vùng ADIZ của họ đi tới mức xa nhất về hướng Đông, trùm lên đảo Jeju của Nam Hàn, vùng ADIZ của Đài Loan và nhất là vùng ADIZ mới của Nhật. Việc Bắc Kinh vẽ ra lằn ranh phòng vệ lên vùng phòng không của các lân bang mới bị cho là có thái độ khiêu khích, hoặc gây bất ổn vì làm thay đổi hiện trạng.
Nhưng vẽ rồi đã vậy, múa gậy làm sao?
***
Trên bậc thềm không gian trước khi bay vào lãnh thổ, các đấng con trời giao hẹn với bàn dân thiên hạ là từ nay ra vào thì phải xin phép. Nếu không, máy bay vi phạm sẽ chịu hậu quả. Các hãng hàng không đều tham khảo hệ thống bảo hiểm của họ để quyết định theo kiểu tránh voi chẳng xấu mặt nào, hầu không gây rủi ro cho khách hàng. Sau khi ngần ấy nước than phiền thì mọi hãng mày bay đành tuân thủ để khỏi lãnh họa. Thiên triều coi như thắng một keo!
Nhưng mối nguy không đến từ phi cơ dân sự - xin lỗi Al-Qaeda và đồng bọn! Nếu đe dọa lại đến từ một quốc gia thì Thiên triều tính sao?
Tính gì thì tính, sau khi vạch ra luật chơi mới thì phải có khả năng động thủ nếu quả thật là bị đối phương khiêu khích. Khả năng đó gồm có hai mặt. Trước hết là phải theo dõi được mọi chuyện trên không phận trùng lập với lằn phòng thủ của xứ khác.
Khả năng đó đòi hỏi hệ thống điều hợp giữa lục quân, hải quân với không quân và "Đệ nhị Pháo binh, là hỏa tiễn. Bắc Kinh chưa có khả năng phối hợp này nếu so với đối thủ thật, là Nhật Bản. Nước Nhật là một quần đảo có những hải đảo và cơ sở quân sự nằm sát Hoa lục, với trình độ kỹ thuật cao hơn. Hệ thống bảo vệ trên đất liền của Trung Quốc lại ở quá xa "hiện trường" là lằn ranh ADIZ nằm mãi ngoài khơi.
Thứ hai, khi hữu sự thì phải có khả năng ra đòn và đỡ đòn.
Cụ thể là muốn thật sự bảo vệ không phận thì còn phải xác định đối thủ, chứ không thể bắn hạ hay hăm dọa bắn hạ những vật lạ mình chưa biết là gì và bắn hạ bằng võ khí nào là thích ứng. Yêu cầu ấy đòi hỏi loại chiến đấu cơ có thể ngăn chặn và tiêu diệt đối thủ theo đúng lời hăm, và các chiến đấu cơ phải có căn cứ gần hiện trường. Vì nhoài mình quá xa ra ngoài, Bắc Kinh cũng chưa có khả năng đó.
Thiên triều mới chỉ dọa già trong khi ráo riết thi đua để tiến tới trình độ "lực tòng tâm".
Ngẫm lại thì sau khi đơn phương thiết lập chế độ kiểm soát tầu bè trong vùng tranh chấp với Nhật Bản bằng tầu biên phòng vào năm ngoái, năm nay, Bắc Kinh đòi bay lên trời để kiểm soát cả chuyện không lưu mà chưa có thực lực. Trong trò đấu trí, họ cân nhắc nỗi sợ hãi của xứ khác theo kiều mềm nắn rắn buông cố hữu, nhưng đối chủ chính của đòn phép dời cột mốc như vậy chính là Hoa Kỳ. Đệ nhất siêu cường này phải chấp nhận một tình trạng mới....
Từ việc lũng đoạn hối đoái đến tước đoạt sở hữu trí tuệ, từ việc hối lộ chế độ hung đồ đến chiếm đóng đặc khu kinh tế ngoài thềm lục địa, từ bao che độc tài đến hủy hoại môi sinh từ đầu nguồn các con sông lớn của châu Á là Hy Mạ Lạp Sơn và Cao nguyên Thanh Tạng, v.v... Trung Quốc liều lĩnh hơn Hoa Kỳ và cứ gieo họa cho các lân bang mà không bị cản trở.
Cứ theo phép làm liều thì Trung Quốc đang thắng Mỹ. Các đấng con trờ it sợ rủi ro nên có vẻ được nhiều hơn thua và nghĩ rằng Hoa Kỳ quá sướng nên sợ khổ!... Hơn 60 năm trước, Nhật Bản cũng liều như vậy với vụ tấn công Trân Châu Cảng năm 1941. Sau đó là chuyện lịch sử!
Nhưng lịch sử không tái diễn. Hậu quả bất lường là chủ nghĩa bành trướng dưới chiêu bài quốc gia dân tộc của Bắc Kinh đang tạo cơ hội chính đáng cho Nhật bình thường hóa khả năng quân sự, với một quân đội đích thực. Và khi Thiên triều thách đố hiệp ước phòng thủ Mỹ-Nhật, Mỹ càng tỏ vẻ ôn tồn thì Bắc Kinh càng lấn sâu hơn vào hệ thống phòng vệ của Nhật.
Đúng cách "bạch hổ ngộ phi liêm"! Đòi mọc cánh lên trời có khi lại bay quá sức mà rơi vào vòng tay Thái dương Thần nữ. Xin hãy chờ xem....
_________________
Chuyện chỉ có ở nước Mỹ
Hội Sinh viên Da màu của Đại học UCLA (University of California, Los Angeles) vừa kết án một giáo sư tội "kỳ thị chủng tộc", "có thái độ xâm lược tinh vi" và "gây không khí đầy ác cảm trong lớp". Lý do là vì giáo sư Val Rupert đã sửa văn phạm và cách chấm câu trong bài viết của các sinh viên thiểu số. Ông Rupert chẳng ngờ rằng đấy là chuyện không nên. Tin được chăng, sinh viên đòi quyền dốt là một hiện tượng rất Mỹ?

Cam Ranh và địa chính trị

Камрань и геополитика

Regina Vladimirova
đại diện DS Nga-ASEAN tại Việt Nam
ТPP-Inform

Kichbu theo politobzor.net

Trong thời gian tổng thống LB Nga thăm Việt Nam tháng Mười Một đã ký văn bản chuyển giao cho Hải quân Việt Nam một trong sáu tàu ngầm điện-diezel dự án 636 “Varshavyanka”. Vào tháng Mười Hai tàu ngầm sẽ được đưa về cảng Cam Ranh của Việt Nam, nơi sẽ xây dựng cơ sở dịch vụ và sửa chữa.

Việt Nam đã quyết định bàn giao cho Hải quân Nga căn cứ quân sự Cam Ranh. Nguyên nhân dễ hiểu: Việt Nam cần Nga như đối trọng với Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với một phần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Hoa Nam (Biển Đông-Việt Nam – Kichbu). Tại những vùng lãnh thổ này vào đầu những năm 1990s đã phát hiện những nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt và điều này đã trở thành căn nguyên tranh cãi quyền đối với các quần đảo bởi Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia, Brunei, Singapore và Indonesia. Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bùng phát xung đột và biến thành những cuộc đụng độ vũ trang. Việc xây dựng hạm đội tàu chiến Nga ở Ấn Độ Dương, theo tính toán của Việt Nam, sẽ trở thành sự bảo vệ tốt cho đất nước này.

Nga về phía mình muốn khôi phục các vị trí đã mất trong 25 năm qua. Sự trao lại căn cứ Cam Ranh có ý nghĩa nguyên tắc, bởi nó biểu trưng cho việc nối lại hợp tác chiến lược với các nước Đông Dương trước đây, mà trước hết với Indonesia và Việt Nam. Căn cứ Cam Ranh cần thiết để hỗ trợ các tàu chiến của Nga hiện đang thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh chống hải tặc.

Tuy nhiên việc khôi phục Cam Ranh chưa kết thúc ở điều này. Theo tuyên bố của chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, một phần của cảng Cam Ranh sẽ được sử dụng vào các mục đích kỹ thuật quân sự, phần khác – để thực hiện các dự án kinh doanh.

Nga đã bỏ lỡ phần lớn cơ hội trong lĩnh vực đầu tư. Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, và trong những năm gần đây các nhà đầu tư từ các nước khác nhau, đặc biệt Trung Quốc và Hoa Kỳ, đã tích cực tham gia vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế đất nước. Nhưng cũng không phải CHND Trung Hoa, cũng không phải Hoa Kỳ có thái độ với những người bạn Việt Nam như Nga. Ở những nước nhỏ trong khu vực Đông- Nam Á – Việt Nam, Hàn Quốc – tồn tại nỗi sợ hãi lịch sử trước Trung Quốc, bởi vậy họ luôn luôn tìm đồng minh lớn có thể trở thành đối trọng với Thiên triều. Trước đây Hoa Kỳ là một đồng minh như thế, nhưng bây giờ tương quan đã thay đổi, và Nga sẽ giữ vị trí của Mỹ. Sự không tin tưởng lẫn nhau hiện hành giữa CHND Trung Hoa, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể là cơ hội tuyệt vời cho dòng đầu tư của Nga vào đất nước này.

Cam Ranh và kinh doanh

Hiện tại Cam Ranh hoàn toàn không giống căn cứ quân sự chiến lược. Tại đây kinh doanh du lịch đang hưng thịch. Đó là một trong những khu vực đẹp nhất Việt Nam. Nga cũng có những nổ lực để tham gia phát triển công nghiệp du lịch. Theo báo Trung Quốc Sourth China Morning Post” đánh giá, tập đoàn “Miraks Group” của Deveoperskaya đã thắng  thầu vào tháng Tám năm 2008 để xây dựng tại Cam Ram khu du lịch nghỉ dưỡng trị giá 200 triệu dollars”.

Dự kiến xây dựng khách sạn 5 Sao và hàng trăm villa. Bây giờ “Miraks” bị phá sản, những công trình đôn đáo xây dựng khu nghỉ dưỡng sang trọng tạm ngưng, nhưng giấy phép khai thác Cam Ranh vẫn chưa được trao cho ai. Và tập đoàn MosCityGroup trước đây đã nói về những tham vọng của họ, nhưng sự vụ vẫn chưa vượt quá điều này.

Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng thuộc về một công ty Việt Nam đăng ký tại tỉnh Khánh Hòa. Khu đất đáp ứng các tiêu chuẩn và những yêu cầu triết lý “Fenshui”: dựa vào núi, tọa trên mặt dốc đi lên, hướng trực tiếp ra biển.

Vào năm 2008 đã nhận được giấy phép đầu tư có giá trị 40 năm. Thời hạn của nó có thể tăng lên đến 50 năm.

Thiết kế-dự án

Theo giấy phép, đất xây dựng là 25 800 m2. Cho phép xây dựng khách sạn với khu nghỉ dưỡng 4 Sao, khu villa, trung tâm thương mại và khu du lịch nghỉ ngơi. Chiều cao tối đa của tổ hợp  khách sạn – 25 tầng. Nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, xác định 4 năm, và 7 năm sử dụng tiếp theo sẽ không phải trả thuế đất. Trong giấy phép nêu ra tất cả ưu đãi về thuế lợi nhuận và không phải trả thuế nhập khẩu được quy định bởi pháp luật.

Việc khai trương terminal mới của sân bay Cam Ranh, mà với sự kết thúc xây dựng nó cảng hàng không đã nhận được danh hiệu quốc tế, đã tác động tích cực đến sự hấp dẫn của khu nghỉ dưỡng. Theo dự báo, đến năm 2015, cảng hàng không sẽ đón 16 chuyến bay mỗi giờ và phục vụ cho 1,5 triệu hành khách hang năm.
 


Tại khu vực Cam Ranh cũng có những vị trí có triển vọng khác để phát triển du lịch nghỉ dưỡng: bãi tắn Bai Dai, đảo Binh Ba, các nguồn suối khoáng. Mùa mưa ở tỉnh kéo dài chỉ 2-3 tháng, điều này bên cạnh những bãi tắm tuyệt đẹp làm cho khu vực trở nên rất hấp dẫn để nghỉ ngơi du lịch. Tại tỉnh ngành đánh bắt cá và chế biến hải sản rất phát triển. Lĩnh vực du lịch ở đây là một trong những nơi mạnh nhất Việt nam. Ngành nông nghiệp trồng lúa, trồng hoa quả. Xuất khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị, sản phẩm lương thực; nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu và các sản phẩm thủ công nghiệp.
 

Cải tổ Kinh tế tại Trung Quốc: Biết dễ làm khó

Ngô Nhân Dụng
Vào năm 2009, trong số 10 công ty giá cao nhất thế giới (tính theo tổng số giá các cổ phần), đứng đầu là PetroChina (lúc đó trị giá hơn 340 tỷ), thứ nhì là Exxon Mobil, một công ty Mỹ đã làm nghề khai thác dầu khí hơn 100 năm. Trong mười công ty lớn nhất này, Trung Quốc chiếm bốn chỗ; Ngân hàng Công thương (ICBC), đứng hạng ba, Ngân hàng Kiến thiết (CCB) đứng hạng 8 và Công ty viễn thông China Mobile đứng hạng 6. Công ty dầu khí Petrobas, của nước Brazil đứng hạng 9 cũng là một xí nghiệp quốc doanh. Sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, kinh tế các nước Âu Mỹ bị đình trệ, trong mấy năm liền Mô hình Kinh tế Trung Quốc được nhiều người khâm phục, muốn bắt chước. Trong thời gian đó, các công ty quốc doanh khắp thế giới đều lên giá. Trong đám mười công ty lớn nhất vào năm 2009, nước Mỹ chỉ góp mặt với ba công ty, Exxon, Walmart, và Microsoft.
PetroChina bắt đầu bán một số cổ phần trên thị trường Thượng Hải năm 2007, là một công ty lớn, chiếm độc quyền một thị trường tiêu thụ hàng trăm triệu người, họ lại được Chính phủ Bắc Kinh giúp đỡ. Đó là những điều kiện rất thuận lợi để kiếm ra tiền, nhiều nhà đầu tư muốn được chia một miếng trong cái nồi cơm có bảo đảm đó bảo nhau mua cổ phần; cho nên chỉ trong một thời gian ngắn, giá cổ phần của PetroChina tăng vọt lên. Có lúc, đem cộng các cổ phần của PetroChina thì giá trị lên tới một ngàn tỷ mỹ kim, lớn hơn tất cả các công ty quốc tế khác, từ Âu Mỹ qua Á châu vào lúc đó! Trong lịch sử chưa một công ty nào trên thế giới đạt tới giá trị 1000 tỷ đô la. Mà cho tới hôm nay cũng không có. Như trong năm 2013, công ty có giá trị cao nhất thế giới là Apple, chắc ai cũng biết cái tên này. Tổng số các cổ phần của Apple (vào đầu tháng Mười 2013) chỉ lên tới 450 tỷ đô la thôi; công ty đứng hạng nhì vẫn là Exxon Mobil, giá trị tổng cộng chỉ hơn 310 tỷ! Còn PetroChina bây giờ ra sao? Hiện đang họ đứng hàng thứ 10. Nếu đem cộng tất cả các cổ phần của PetroChina lại, tổng số giá trị chỉ còn là 230 tỷ đô la. Ngày 2 tháng Chín 2013 vừa qua, Chủ tịch công ty là Tưởng Khiết Mẫn (蒋洁敏,Jiang Jiemin) đã bị ngưng chức; ông ta bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng!” Đó là một cách nói khéo, vì không muốn nói tới chữ “tham nhũng”.
Trị giá của PetroChina đã lên cao rồi tụt xuống, cùng với uy tín của cái gọi là Mô hình kinh tế Trung Quốc. Trong những năm 2007, 08, kinh tế Mỹ và các nước Tây phương suy thoái, nhiều người nhìn về phía nước Trung Hoa. Họ thấy kinh tế Trung Quốc thoát được tai họa này, vì các quyết định quan trọng nhất nằm trong tay nhà nước, các ngân hàng lớn, các đại công ty đều do nhà nước kiểm soát. Mô hình này gọi là “tư bản nhà nước”, tức là cũng sử dụng cơ chế thị trường như lối tư bản nhưng mọi quyết định lớn đều do nhà nước nắm vai chủ động chứ không phải tư nhân.
Nhưng từ năm 2009 đến nay, số phận của các công ty và ngân hàng quốc doanh đã xuống, tại Trung Hoa cũng như ở Nga và Brazil. Những nhược điểm của kinh tế chỉ huy lại xuất hiện, ngày càng thấy rõ hơn. Kinh tế ở Mỹ đang hồi phục từ từ; trong khi đó thì Trung Quốc đang phải giảm bớt tốc độ phát triển để tránh cho thị trường địa ốc không nổ như bong bóng và các ngân hàng khỏi phá sản vì nợ xấu chồng chất. Nếu hai điều đó xảy ra thì địa vị của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ lung lay.
Đầu tháng 11 năm 2013 hội nghị Trung ương kỳ thứ ba (khoá 18) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố những quyết định cải tổ kinh tế sâu và rộng hơn, chính vì muốn tránh nguy cơ kề trên. Trước ngày họp, ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng, 俞正), nhân vật đứng hàng thứ tư trong Thường vụ Bộ Chính Trị đã báo rằng hội nghị sẽ đưa ra những quyết định mới “chưa bao giờ thấy”. Hoàn cầu thời báo, tiếng nói của đảng Cộng sản, đã so sánh các quyết định của hội nghị vừa rồi với hội nghị Trung ương thứ ba năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu thay đổi toàn thể cơ cấu nền kinh tế.
Một cái bẫy dễ sụt chân
Những chính sách mới được đưa ra để cứu nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi cảnh bế tắc vẫn được đặt tên là “cái bẫy của mức lợi tức bậc trung” (middle income trap). Giới lãnh đạo Trung Quốc được các chuyên gia kinh tế của họ cho biết về mối nguy này. Hai ông Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có vẻ quyết tâm dẫn nền kinh tế quay sang một ngã rẽ. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc có thực hiện được những cải tổ cần thiết đó hay không, và thực hiện với tốc độ nào, đó còn là một câu hỏi khó trả lời. Bởi vì biết thì dễ, làm thì khó. Cũng giống như ai cũng biết người bệnh mập phì phải bớt ăn và tập thể dục, nhưng vẫn không kiêng được, Vì mỗi cuộc thay đổi cơ chế đều khiến cho nhiều người mất những quyền lợi họ đang được hưởng. Họ sẽ cưỡng lại, trì hoãn, để giữ nguyên trạng càng lâu càng tốt.
Năm ngoái, 2012, ông Lý Khắc Cường đang làm Phó Thủ tướng, ông nói rất hoan nghênh một bản phúc trình, trong đó nói đến mối nguy của “cái bẫy lợi tức bậc trung”. Hai cơ quan cùng ký tên trên một bản phúc trình về kinh tế Trung Quốc, là Ngân hàng Thế giới (WB) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc (Development Research Centre, DRC, 国务院发展研究中心). Bản phúc trình này gọi là Trung Quốc năm 2030 (中国 2030) khuyến cáo phải cải tổ sâu rộng cơ chế kinh tế, nếu không sẽ dần dần bị tắc nghẽn, vì “cái bẫy lợi tức bậc trung”. Nhiều quốc gia đã bị rơi vào cái bẫy này. Tiêu biểu là những nước như Brazil, Mexico và một số quốc gia ở Trung Đông. Khi kinh tế các nước đó phát triển tới mức lợi tức theo đầu người khoảng 5.000 đô la một năm, rồi không tiến thêm được nữa. Có những nước đã vượt qua được cái bẫy này trong quá trình phát triển, như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore. Hiện nay Trung Quốc đang bước vào mức lợi tức bình quân 5.000 USD, và chưa thấy bắt đầu các bước cần thiết để thoát ra khỏi cái bẫy đó.
Quá trình phát triển bắt đầu thường dễ dàng, kinh tế cất cánh lên nhờ sử dụng được những tiềm năng trước đó vẫn bị bỏ quên. Ở một số quốc gia, đó là tiềm năng nằm dưới đất, như quặng mỏ, rừng, biển, vân vân, chỉ cần lấy từ đất lên mà khai thác sinh ra của cải. Ở một số nước khác tiềm năng nằm trong số lao động thặng dư chưa được sử dụng đúng mức; cũng có thể được khai thác; Trung Quốc và Ấn Độ có những khối người sẵn sàng làm việc, chỉ cần tạo cơ hội cho họ.
Trung Quốc đã phát triển nhanh trong hàng chục năm, với tỷ lệ tăng trưởng 10% một năm, nhờ khai thác sức lao động của số dân đông đúc chưa có đủ việc làm. Nền kinh tế dựa trên hàng xuất khẩu bán với giá rẻ vì tiền lương trả cho công nhân rất thấp so với thế giới. Số tiền thu vào được dùng để đầu tư trong các công trình xây dựng, tạo công việc làm cho số dân đông đúc này. Sức gia tăng của cả nền kinh tế là do hai nguồn đóng góp vào, lao động và vốn. Mỗi năm có nhiều người làm việc hơn, và thêm tiền vốn được đem sử dụng. Tất cả các nước Á Đông đã phát triển trong thập niên 1970 đều đi qua chặng đường này: Gia tăng hai yếu tố sản xuất là số vốn và số người làm việc, tự nhiên các hoạt động kinh tế gia tăng. Nhưng theo kinh nghiệm của các nước đã đi qua chặng đường này, sẽ tới lúc cả hai nguồn tiếp sức đó cạn dần. Hơn nữa, trong giai đoạn mới bắt đầu phát triển, các nước đang lên có ưu thế cạnh tranh là có thể sản xuất với giá thành rất hạ. Nhưng sẽ tới lúc các công nhân cũng muốn được tăng lương và giá sử dụng tài nguyên, đất đai, điện nước cũng tăng theo. Đó là lúc nền kinh tế phát triển tới mức “lợi tức bậc trung”. Vào thời điểm này, cần có những đột phá. Nếu không thì kinh tế sẽ rơi vào một cái bẫy trì trệ khó thoát được.
Bước đột phá chính yếu là làm sao gia tăng sản năng (productivity) của những người đang làm việc. Cùng một số lao động đang được sử dụng, làm cách nào cho mỗi người có thể sản xuất được những hàng hóa hay dịch vụ có giá trị cao hơn? Nói rõ hơn, công việc của người lao động xưa nay vẫn làm tăng giá trị của những thứ đi qua tay họ, nay phải làm sao cho cái “giá trị gia tăng” này lớn chứ không nhỏ như trước. Đối với một cá nhân, điều này dễ hiểu. Một người thợ mộc có thể tăng sản năng lao động nếu dùng máy móc tinh xảo thay vì dùng cưa, đục cũ kỹ. Những miếng gỗ, ván đi qua tay anh hay chị ta biến thành những đồ vật, mà phần đóng góp của anh chị ta trong một giờ làm việc giúp cho giá trị của mấy miếng gỗ tăng lên nhiều hơn; tức là “giá trị gia tăng” cao hơn.
Trong toàn thể nền kinh tế, để hiểu khái niệm “gia tăng sản năng lao động” chúng ta có thể nghĩ tới một thí dụ giản dị. Những nước đã tận dụng sức lao động rẻ tiền của người dân để kiếm lợi đều biết không thể nào để người dân mình tiếp tục ngồi bên cái máy khâu hay máy dập làm ra những món hàng rẻ tiền mãi được. Sẽ tới lúc phải có những công việc tạo ra các sản phẩm đắt tiền hơn. Từ việc may quần áo, giày dép tiến qua việc lắp ráp hàng điện tử, đó là dấu hiệu sản năng lao động đã tăng lên rồi. Người công nhân làm công việc mới này cần hiểu biết nhiều kỹ thuật khó hơn, họ được trả lương cao hơn. Những linh kiện đi qua tay người thợ, biến thành một cái laptop hay iPad, có giá trị hơn là những khúc vải qua tay người ngồi đạp cái máy khâu. Nói theo kinh tế học, các công nhân mới đã tạo ra “giá trị gia tăng” cao hơn. Nhưng sẽ tới lúc ngay cả việc lắp ráp hàng điện tử cũng vẫn bị coi là “việc rẻ tiền,” vì không làm gia tăng giá trị các sản phẩm bao nhiêu so với những công việc đòi hỏi tài chuyên môn. Thay vì chỉ lo việc lắp ráp, chỉ cần khéo tay; bây giờ tiến tới trình độ tự mình sản xuất những thứ linh kiện được lắp ráp, cần hiểu biết kỹ thuật và tổ chức công việc khó hơn. Khi người lao động làm những công việc có “giá trị gia tăng” cao hơn nữa; cả xã hội cùng thêm sung túc. Các nước thường bước vào mức “lợi tức bậc trung” sau khi quá trình công nghiệp hóa bước vào giai đoạn này.
Tuy nhiên, nếu không tiến xa hơn thì nền kinh tế sẽ rơi vào cái bẫy bế tắc. Bởi vì ngay trong tiến trình sản xuất lấy hàng hóa, người ta vẫn chỉ sử dụng những kỹ thuật đã có sẵn, được phát minh từ những nước tiên tiến. Các kỹ thuật được chuyển giao, hay được nhập cảng, nhưng vẫn là thứ kỹ thuật do người khác đã phát minh ra. Ngay cả cách tổ chức công việc, các kỹ thuật quản lý cũng đã được người nước ngoài đặt ra, chỉ cần bắt chước là đủ. Nhưng bắt chước mãi thì chỉ đi sau người ta mà thôi. Rồi sẽ tới lúc những lợi thế của mình cũng không còn là lợi thế nữa. Những lợi thế như lương công nhân rẻ, giá đất đai và chi phí về phúc lợi thấp, cũng không thể giữ ở mức thấp kém mãi.
Bước đột phá cần thiết là làm sao các xí nghiệp và những người lao động có khả năng tự họ cải thiện các kỹ thuật có sẵn, hoặc phát minh những kỹ thuật mới. Làm được điều này, người ta mới thoát được cảnh sa lầy sau khi đạt được mức lợi tức bậc trung. Nhật Bản, Đại Hàn Dân quốc và Đài Loan đã đi qua giai đoạn này, và họ đã thành công. Họ không chỉ sao chép những kỹ thuật của Âu Mỹ; chính họ đã cải thiện từ kỹ thuật sản xuất đến lề lối làm việc hoặc phát minh các kỹ thuật mới. Các xí nghiệp Nam Hàn đã tiến rất nhanh trong việc cải thiện kỹ thuật và phát minh cho nên đã vượt qua được cái bẫy “lợi tức bậc trung”. Kỹ nghệ xe hơi của Nhật Bản lúc đầu chỉ sao chép các kỹ thuật và tổ chức sản xuất được phát minh ở Mỹ hay ở Đức. Đến lúc Toyota nghĩ ra cách tổ chức việc tồn kho theo phương pháp mới thì sau đó chính các công ty xe hơi ở Detroit hay vùng Ruhr cũng phải bắt chước, và đi chậm hơn một bước. Singapore, Hương Cảng đã chuyển hướng nền kinh tế, từ việc chế hóa hàng rẻ bước sang việc khai thác các ngành kỹ thuật cao và dịch vụ, tự biến thành những trung tâm nghiên cứu, trung tâm tài chánh quốc tế, trung tâm chuyển tải thương mại quốc tế, nên không bị rơi vào cảnh sa lầy.
Hiện nay Trung Quốc đang đứng ngấp nghé trên bờ cái bẫy này. Số phát minh và sáng chế rất thấp, tính theo đầu người, so với Nam Hàn khi nước này bước vào mức “lợi tức bậc trung”. Giống như ở Mexico và Brazil trước đây, nền công nghiệp ở Trung Quốc vẫn chỉ sử dụng những kỹ thuật có sẵn, được các nước tiên tiến tạo ra chỉ cần đem về sử dụng. Đó là chưa kể những chướng ngại khác cản trở bước tiến, vì những thói quen do quá khứ chế độ chỉ huy kinh tế đã thành nếp không xóa bỏ được. Đó là nạn tập trung quyền hành, nạn tham nhũng và sử dụng người, thăng thưởng người dựa vào bè đảng chứ không theo khả năng.
Bản báo cáo “Trung Quốc 2030” đã khuyến cáo Chính phủ Trung Quốc phải thay đổi lề lối làm kinh tế; đã viết rõ ràng: “Nếu các quốc gia không gia tăng sản năng lao động qua các sáng kiến, phát minh, thì họ sẽ rơi vào cái bẫy. Trung Quốc không cần phải chịu số phận đó”. Một mối lo là cơ cấu dân số đang thay đổi, số người già ngày càng đông còn số người trong tuổi lao động thì xuống. “Trung Quốc đang đi tới một khúc quanh trên đường phát triển, khi cần phải có một ngả rẽ chiến lược mới từ nền tảng”, bản báo cáo nhấn mạnh. Những yếu tố giúp Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong các năm qua đang dần dần biến mất. Nhà nước đóng vai chủ động trong các ngành chủ yếu là một ưu thế trong thời kỳ sơ khai, trong tương lai sẽ là một chướng ngại cho sức sáng tạo. Vai trò của lãnh vực tư nhân sẽ có tính chất quyết định, vì vùng biên cương mới của phát minh, sáng chế có tính chất khác hẳn thời kỳ chỉ cần cóp nhặt các phát minh cũ cũng giúp kinh tế chạy theo kịp các nước tiến bộ. Công việc này không thể nhờ hoạch định tập trung được nữa.
Một trong những tác giả của báo cáo là ông Lưu Hạc (Liu He, 刘鹤), nhân vật thứ nhì trong Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (DRC). Lưu Hạc ngồi trong Ủy ban soạn kế hoạch ngũ niên mới đây; là một cố vấn cho Thường vụ Bộ Chính Trị, và được coi là rất thân cận với ông Tập Cận Bình. Ông là người soạn thảo nghị trình các phiên họp, quyết định những thông tin nào sẽ được đưa tới mắt những người lãnh đạo, đề nghị các giải pháp cho họ lựa chọn. Những viên chức Mỹ thường gặp ông cho biết ông vẫn nói với họ rằng các nước ngoài có thể tạo áp lực và nêu ý kiến để giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm thay đổi mạnh hơn. Những quyết định mới sau hội nghị Trung Ương thứ ba vừa qua phản ảnh mối quyết tâm này.
Biết dễ làm khó
Sau phiên họp bốn ngày của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc ngày 12 tháng 11 năm 2013, họ công bố từ này “Thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên”. Đó là một bước tiến mới, vì trước đó ngôn ngữ chính thức của Trung Cộng chỉ coi thị trường đóng “vai trò cốt yếu”. Đặc biệt, họ lại nhắc đến vai trò của thị trường trong việc “phân bố tài nguyên”, khiến người ta thấy sẽ có một cuộc cải tổ trong việc điều hành hệ thống ngân hàng, để cứu nguy cả hệ thống ngân hàng đang chứa đầy những món nợ khó đòi và các cấp chính quyền địa phương mắc nợ chồng chất.
Hệ thống ngân hàng nằm trong tay nhà nước, trả tiền lãi rất thấp cho dân chúng gửi vào, rồi đem cho các xí nghiệp nhà nước vay, đã gây ra cảnh khó khăn này. Tổng số nợ ở nước Trung Hoa từ năm 2006 đến 2012 đã tăng từ 125% lên tới 210% GDP. Nhưng các món tiền cho vay đó được dùng như thế nào? Rất nhiều “thị xã ma” đã xuất hiện, gồm những ngôi nhà và cao ốc mọc lên mà không có ai mua hoặc thuê. Nhiều thứ hàng hóa sản xuất ra được chất đống trong nhà kho, bến cảng, từ than đá, đồ chơi, cho tới các máy điện dùng trong nhà, không tới tay người tiêu thụ. Ai cũng thấy cứ mỗi lần nhà nước nới tay để các ngân hàng được cho vay thì lập tức có một phong trào xây dựng lên cao. Số thương xá và cao ốc đã xây dựng rồi mà hiện nay vẫn chưa ai thuê hoặc mua sẽ phải chờ chín năm nữa mới được sử dụng hết. Một nhà phân tích đã nhận xét: Kinh tế Trung Quốc đang “tự buộc thòng lọng” trên cổ mình vì bị lệ thuộc vào hành động cho vay không cần biết nợ có được hoàn lại hay không (Patrick Chovanec, Trưởng chiến lược đầu tư, Công ty Silvercrest Asset Management tại New York).
Các ngân hàng cũng bơm tiền cho chính quyền các địa phương, dùng vào các công trình xây dựng lớn. Đường lối này được các cán bộ hoan nghênh; vì họ có thể trưng ra các con số xây dựng lên cao chứng tỏ địa phương mình vẫn “phát triển tốt”. Mặt khác, mỗi công trình xây dựng lại là một dịp cho các “lỏa quan” lớn, nhỏ rút ruột. Số nợ trong các ngân hàng ở Trung Quốc đã gia tăng trong các năm qua tới tình trạng giống hệt như ở Nhật Bản, Nam Hàn và Thái Lan trước khi các nước này bị khủng hoảng tài chánh khiến kinh tế suy sụp. Nhà kinh tế Mao Vu Thức (Mao Yushi, 茅于轼) ở Quảng Đông chứng kiến cảnh chính quyền các tỉnh, huyện ngày càng mang nợ nhiều, đã nói thẳng: “Tôi cảm thấy sợ đến chết!”
Chủ trương cũ kỹ đó cần thay đổi. Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan, 周小), đứng đầu ngân hàng trung ương từ năm 2002, chủ trương gia tăng cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng, và tạo cơ hội cho các ngân hàng tư nhân nhỏ xuất hiện, cũng như nhận thêm vốn đầu tư của của người ngoại quốc. Một đề nghị của ông là cho các ngân hàng tự quyết định lãi suất trả cho người gửi tiền, kích thích họ cạnh tranh với nhau; thay vì để nhà nước quyết định lãi suất. Biện pháp đó sẽ giúp cho người dân bình thường có thêm tiền khi gửi vào ngân hàng, nhờ thế dân được tiêu thụ nhiều hơn; đúng chủ trương chuyển tài nguyên từ các vụ cho vay đầu tư phí phạm sang tay người tiêu thụ. Ông cũng đề nghị thành lập một Quỹ bảo hiểm cho Người gửi tiền (trương chủ), giống như cơ quan FDCI ở Mỹ. Cơ quan Federal Deposit Insurance Corporation bảo đảm nếu một ngân hàng khánh tận thì nhà nước Mỹ sẽ trả lại tiền cho người có trương mục, tới mức 100,000 đô la. Hiện nay các trương chủ ở Trung Quốc gửi tiền vào ngân hàng đều không có bảo hiểm. Nhưng tất cả hệ thống vẫn chạy, vì ai cũng tin rằng chính phủ đóng vai nhà bảo hiểm, sẽ bỏ tiền cứu các ngân hàng nếu bị khánh tận vì không đòi được nợ. Thành lập một Quỹ bảo hiểm cho trương chủ sẽ giúp cho các ngân hàng tư và nhỏ có thể mạnh hơn. Các ngân hàng tư này sẽ cho các xí nghiệp tư nhân nhỏ và trung vay tiền, thay vì bao nhiêu tiền dân để dành bị các ngân hàng của nhà nước chuyển cho các xí nghiệp quốc doanh. Đó là ý nghĩa của quyết định cho thị trường sẽ đóng “vai trò quyết định” trong việc phân bố tài nguyên, thay thế vai trò điều khiển vẫn dành cho bộ máy nhà nước.
Cũng trong mục đích tạo cơ hội cho thị trường đóng vai trò quyết định, một thứ tài nguyên khác sẽ dần dần được “giải phóng” là ruộng đất. Nông dân Trung Hoa được phép bán hoặc cho thuê dài hạn các ruộng đất mà họ được “quyền sử dụng.” Họ còn được dùng ruộng đất đó để cầm thế cho các ngân hàng khi vay tiền. Khi nói đến quyền sở hữu, người ta phân tách ra nhiều thứ quyền. Ngoài quyền sử dụng theo nhu cầu của mình còn có quyền sang nhượng, quyền cho người khác thuê để dùng, quyền đem cầm thế vật sở hữu để vay nợ. Nông dân Trung Hoa sẽ được hưởng cả ba thứ quyền, gần như trở thành chủ sở hữu của ruộng đất, chỉ chưa được chính thức đứng tên sở hữu mà thôi. Thông báo về hội nghị Trung ương Đảng kỳ ba còn quy định là trong thị trường ruộng, đất sẽ không được phân biệt giữa nông thôn và thành thị. Tất cả được mua bán như nhau trong cùng một “thị trường điều hợp thống nhất”. Bản thông báo đầu tiên sau hội nghị cũng nói: “Chúng ta phải ấn định những quy luật thị trường công bằng, cởi mở và công khai trong suốt”.
Với chính sách mới, giá trị ruộng và đất ở nông thôn sẽ tăng lên, nông dân có thêm tiền tiêu, kích thích kinh tế và chuyển hướng cả nền kinh tế qua việc gia tăng tiêu thụ thay vì chỉ đầu tư và xuất cảng. Nhưng đây cũng là những biện pháp chính trị, nhằm xoa dịu nỗi bất mãn của nông dân. Từ nay, ruộng đất ở Trung Quốc bắt đầu được thị trường hóa, theo chủ trương “thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bố tài nguyên”. Các nông dân sẽ hưởng lợi, nhưng một hệ quả quan trọng hơn là họ có thể nhân danh chính sách mới khi chống lại các hành động truất hữu quyền dùng đất, ruộng mà các chính quyền địa phương vẫn ép dân để lấy đất bán cho các nhà đầu tư.
Một biện pháp kinh tế có ảnh hưởng lớn khác trong việc phân bố “tài nguyên lao động” là quyết định thay đổi chế độ hộ khẩu. Hộ khẩu là thứ cùm vô hình khóa chân các nông dân, gây cảnh sống khó khăn cho gần 300 triệu người đã lên các thành phố kiếm việc làm và phải đổi chỗ ở. Vì không có hộ khẩu ở nơi cư trú mới, gia đình họ không được hưởng các dịch vụ như y tế, trường học cho trẻ em, không được hưởng chế độ hưu bổng của thành phố, vân vân. Họ trở thành những “công dân hạng nhì” ngay trong đất nước họ. Chính sách mới sẽ cho phép các di dân được hưởng một số quyền lợi kể trên, tăng thêm dần dần theo thời gian, bắt đầu áp dụng với các thành phố nhỏ. Các biện pháp này đã được thí nghiệm từ mấy năm qua, nay trở thành chính sách chung. Sau khi thí nghiệm trên toàn quốc, sẽ tiến tới việc bãi bỏ hệ thống hộ khẩu, đã được Mao Trạch Đông sử dụng với mục đích kiểm soát từ miếng ăn, áo mặc cho đến nơi làm việc, nơi đi học, giải trí, cho tới nơi chữa bệnh của dân Trung Hoa.
Việc thay đổi về hộ khẩu gây một hệ quả kinh tế ngay lập tức là khi biết con cái được đi học trường công, có bệnh được chữa trị miễn phí thì các di dân sẽ yên tâm tiêu thụ nhiều hơn. Hơn nữa, còn gia tăng số người làm việc. Nếu số lao động tăng lên thì tỷ lệ phát triển cũng tăng theo. Hiện nay lương công nhân ở Trung Quốc đã lên cao khiến nhiều xí nghiệp khó kiếm người làm. Một hệ quả khác là các thành phố phải chi tiêu nhiều hơn cho các di dân. Nhưng người ta đã tính chi phí cho mỗi di dân chỉ vào khoảng 2,500 đồng nguyên một năm (hơn 400 đô la Mỹ), có thể chịu được. Hơn nữa, Tập Cận Bình đã nhượng bộ các viên chức địa phương bằng cách cho các thành phố được tăng thuế.
Ngoài hai điều cụ thể liên can đến toàn dân trên đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường tài chánh rộng hơn cho tư nhân tham dự, khuyến khích các ngân hàng tư và giới kinh doanh tư nhân; trong khi buộc các doanh nghiệp nhà nước phải đóng góp thêm tiền cho chính phủ. Chương trình đổi mới của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được gọi tên là Kế hoạch Tam bát tam (383). Số ba thứ nhất là mục tiêu cải tổ giúp cân bằng ba ngành, gồm thị trường, chính quyền, và các doanh nghiệp nhà nước. Vai trò thị trường sẽ được nâng cao, tất nhiên nhà nước và doanh nghiệp nhà nước sẽ phải nhường. Tám lãnh vực sẽ được cải tổ gồm có ngân hàng, thuế khóa, tài sản công, phúc lợi xã hội, ruộng đất, đầu tư ngoại quốc, cải tiến phát minh, và quản trị có hiệu quả.
Chương trình đề ra đầy tham vọng. Nếu thực hiện được thì đúng là một cuộc “cải cách thứ nhì,” sau bước đầu do Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1978. Nó sẽ giúp kinh tế Trung Quốc không bị rơi vào cái bẫy “lợi tức bậc trung”. Nhưng liệu đảng Cộng sản Trung Quốc có thực hiện được điều mà họ biết là cần thiết hay không?
Việc thực hiện sẽ khó khăn, nếu ông Tập Cận Bình không đủ mạnh để bắt cả hệ thống phải thay đổi. Một con thuyền nhỏ có thể xoay hướng dễ dàng; một hàng không mẫu hạm khó hơn. Nhất là các chướng ngại lớn xuất phát từ ngay trong nội bộ. Chướng ngại lớn nhất là những “nhóm lợi ích” đã thành hình từ hai chục năm qua, do chính sách cải tổ từng bước không toàn diện và không thấu triệt.
Những người quản lý các cơ sở quốc doanh, cùng với giới lãnh đạo trung cấp ở các địa phương lâu nay vẫn làm giàu nhờ hệ thống kinh tế vẫn bảo vệ các đặc quyền của họ. Họ nắm những độc quyền về kinh tế và chính trị, trong lúc vận dụng được đường lối chuyển các tài nguyên quốc gia qua tay các ngân hàng của nhà nước, đưa cho đám quan chức này sử dụng và làm giàu. Nếu hệ thống kinh tế thay đổi, họ sẽ phải chịu theo những thứ “kỷ luật thị trường”, như các quản đốc doanh nghiệp tư; và mất nhiều quyền lợi. Lề lối làm ăn đó đã thành quen, giống như nghiện ma túy, rất khó bỏ. Hiện nay, Chính phủ Bắc Kinh đang nắm quyền quyết định trên 1.500 loại dự án đầu tư, các địa phương kiểm soát 17 ngàn loại khác, nếu họ không chấp thuận thì không ai được phép làm. Nếu các ngân hàng tư nhân và các xí nghiệp tư được phát triển, thì quyền kiểm soát và thao túng của các quan chức sẽ mất. Các chính quyền địa phương lâu nay vẫn kiếm ra tiền nhờ truất hữu đất của dân trao cho những nhà đầu tư sử dụng. Nếu ruộng đất được thị trường hóa thực sự, thì họ sẽ kiếm đâu ra tiền? Chủ trương mới cũng dự đoán nỗi khó khăn đó, cho nên sẽ cho phép các địa phương được quyền tăng các món thuế theo nhu cầu. Nhưng trong việc thu thuế thì số tiền bỏ vào túi các quan chức sẽ bị giảm xuống.
Các doanh nghiệp nhà nước trước đây hành xử giống như các cơ quan chính phủ. Những người đứng đầu các công ty lớn như PetroChina hay China Mobile được chính thức coi ngang hàng với chức thứ trưởng trong nội các. Chế độ này khiến cho các người quản trị doanh nghiệp nhà nước không hành động như các doanh nhân mà chỉ giữ thói quen của các viên chức tìm cách làm báo cáo cho đẹp để vừa lòng cấp trên. Các doanh nghiệp nhà nước khó tự cải biến thành những doanh nghiệp bình thường. Sau hội nghị Trung ương vừa qua, các chức hàm thứ trưởng của chủ tịch các công ty lớn đã bị bãi bỏ chính thức, trong chiều hướng tách các doanh nghiệp ra khỏi guồng máy chính quyền. Nhưng biện pháp đó chưa biết sẽ có hiệu quả, thay đổi được hành vi, tác phong của các nhà quản đốc lớn nhỏ hay không.
Các doanh nghiệp nhà nước đã đem tiền của xí nghiệp đầu tư vào những ngành không liên hệ gì đến công việc của chính xí nghiệp họ cai quản. Nhiều người đầu tư vào địa ốc, vì được vay tiền dễ dàng với lãi suất thấp trong khi hy vọng lợi nhuận cao; nhưng chính hành động này đã thúc đẩy giá nhà đất tăng lên, gây mối lo ngại cả thị trường địa ốc sẽ bùng nổ. Nhưng các doanh nghiệp và ngân hàng vẫn có quyền báo cáo những số doanh thu lớn, khiến người ta tưởng họ vẫn có lợi nhuận. Như trong nửa đầu năm 2013, các doanh nghiệp nhà nước đều có lời. Nhưng phân tích rạch ròi người ta sẽ thấy một nửa số tiền lời này là do các ngân hàng kiếm ra nhờ cho vay. Trong phần còn lại, những doanh nghiệp sản xuất thực thụ đóng góp rất ít, mà đa số là do các vụ đầu cơ địa ốc của các doanh nghiệp cùng với tiền lãi kiếm được trong hệ thống các quỹ tín thác do những ngân hàng lập ra để tránh không phải theo những hạn chế vì luật lệ và chính sách về ngân hàng.
Trung Quốc có thực hiện được các chính sách mới của ông Tập Cận Bình hay không, hoàn toàn tùy thuộc thái độ và hành động của các viên chức địa phương. Nếu họ không muốn mất các quyền lợi đang hưởng, họ sẽ có nhiều phương pháp để trì hoãn, lái sang hướng khác có lợi cho họ. Giáo sư Liêu Kim Chung (Liao Jinzhong,聊金), Đại học Hồ Nam, đã nhiều lần diễn thuyết cho các cán bộ trong Trường Đảng ở Hồ Nam. Ông đã khuyên họ bớt theo đuổi đến các công trình xây dựng lớn lao, trong khi “Chúng tôi chỉ mong được thấy có một hệ thống ống cống thoát chất phế thải chạy tốt hơn!” Thành phố Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam công bố tỷ lệ kinh tế gia tăng sẽ tới gần 13% trong năm 2013, nhờ đã đầu tư vào nhiều công trình giao thông lớn. Giáo sư Liêu kể rằng sau khi ngồi nghe xong, các cán bộ đều bắt tay khen ngợi ông đã can đảm, dám nói thẳng những sự thật mất lòng. Nhưng, ông kể: “Chính họ lại nói với tôi rằng họ không thể thay đổi lối làm việc đó được!” Tại sao họ biết mà lại không làm? Ông Liêu Kim Chung giải thích: “Tất cả guồng máy đang chạy nhờ các cán bộ chỉ lo thăng quan tiến chức mà thôi. Tôi không thấy triển vọng mọi sự sẽ sắp được thay đổi”.
Tình trạng khắp nơi ở Trung Quốc chắc cũng không khác gì thành phố Trường Sa. Cho nên hy vọng nền kinh tế thoát khỏi cái bẫy “lợi tức bậc trung” vẫn còn mong manh. Chương trình cải tổ đợt hai của ông Tập Cận Bình đã được nhiều người tán thưởng, nhưng có thể sẽ chỉ được “thi hành” trên giấy tờ, báo cáo mà thôi. Có đến 60 biện pháp được đưa ra, nhưng đến lúc ông về hưu sau hai nhiệm kỳ chưa chắc mỗi biện pháp đã thực hiện được một nửa. Kinh tế Trung Quốc sẽ đi vào một giai đoạn trì trệ, có thể kéo dài vài chục năm. Chúng ta có thể nhìn Nhật Bản như một tiền lệ. Kinh tế Nhật đã phát triển rất mạnh trong những năm từ 1970 đến 1990, ai cũng nghĩ nó chỉ có đường đi lên, không thể đi xuống được. Nhưng từ năm 1990, kinh tế đã bắt đầu trì trệ, cho tới bây giờ vẫn chưa thoát ra được. Lý do chính cũng vì có nhiều “nhóm lợi ích” kìm hãm không cho giới lãnh đạo thi hành một cuộc cải tổ toàn diện, mặc dù ai cũng đồng ý cải tổ là một điều cần thiết.
N.N.D.
Ngày 1 Tháng 12 năm 2013
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá:

“Biến đổi khí hậu phải là chuyện của mọi người”

(PetroTimes) - Lũ dữ, siêu bão… và những hiện tượng thời tiết cực đoan đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều người xem đó là thiên tai - chuyện vốn có từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ. Nhưng thiên tai gần đây hoàn toàn không phải “chuyện của ông Trời” mà chính những hoạt động sống của con người thông qua việc phát thải gây nên hiệu ứng nhà kính và làm biến đổi khí hậu đã góp phần tạo ra những cơn cuồng nộ ấy của thiên nhiên.
Năng lượng Mới số 179
Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - người có nhiều năm nguyên cứu và nhiều công trình khoa học về biến đổi khí hậu ở nước ta xung quanh vấn đề này.
Thực trạng và nguyên nhân
PV: Thưa giáo sư, nước ta bàn về vấn đề biến đổi khí hậu đã khá lâu rồi, song nhiều người vẫn còn hiểu mơ hồ, thậm chí còn có quan niệm rất sai lầm về nó. Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Thú thật tôi cũng khá buồn khi mà nhiều người, kể cả một số người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn cũng không hiểu rõ về vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Biến đổi khí hậu là biểu hiện thay đổi rất mạnh mẽ về các yếu tố cấu thành khí hậu như: nhiệt độ, mưa, gió, bão, độ ẩm… và thời tiết. Biến đổi thời tiết là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu, là giai đoạn đầu của biến đổi khí hậu chứ không phải là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tất yếu sẽ tạo ra những biến đổi thời tiết bất thường, dị thường; còn biến đổi thời tiết nhiều, liên tục nhiễu loạn có thể sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu.
Những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ dữ, siêu bão, hạn hán kéo dài, siêu lốc xoáy… là những thảm kịch của biến đổi khí hậu gây ra. Song, đó chỉ mới là những nốt nhạc dạo đầu của biến đổi khí hậu mà thôi chứ chưa phải là toàn bộ bản chất của biến đổi khí hậu. Tôi xin cảnh báo cho mọi người biết là nó chưa dừng lại ở đó, nó còn thay đổi nhiều nữa, mạnh nữa! Ví dụ như trước đây bão chỉ đến cấp 12 nhưng giờ có đến cấp 18, 19 và sau này là lên đến 20, 21... Tức cường độ của bão sẽ tăng lên rất nhanh. Kế đến là lốc xoáy, lúc trước có thể xoáy nhỏ thôi, cùng lắm là nhấc bổng một người lên mấy mét nhưng sau này có thể nhấc cả ôtô, đoàn tàu mà quăng đi xa mấy trăm mét.
Nhiệt độ cũng vậy, không có nóng, lạnh theo thời tiết bình thường mà có nhiều dị thường. Có thể nhiệt độ trung bình vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể nhưng nhiệt độ tối thấp và tối cao đã biến đổi rất mạnh. Khi không chịu được sự biến đổi đó thì rất dễ bị hủy hoại.
GS.TSKH Lê Huy Bá
Hiện tượng nước biển dâng cũng là một biểu hiện của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đã khá rõ rồi nhưng ở Việt Nam thì vẫn chưa rõ lắm, mới mấy milimét mà thôi nên tôi thấy người ta vẫn chưa có nhiều lo lắng. Và nước biển dâng sẽ tác động đến độ ngập của từng vùng. Nước ta có nhiều tỉnh ven biển, nếu bây giờ không lo ứng phó với nước biển dâng mà đợi “nước tới chân”, tôi e không kịp nhảy!
PV: Những nguyên nhân chủ yếu nào gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu, thưa giáo sư?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Có nhiều nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là “hiệu ứng nhà kính”, tức hiện tượng bức xạ làm tăng nhiệt độ trái đất. Mà tác nhân gây ra hiệu ứng nhà kính chính là sự phát thải khí CO2. Nhưng với CO2 thì có một điều khó thế này, bây giờ chúng ta có thể cam kết hạn chế phát thải thì cường độ của nó trong không khí cũng không phải vì thế sẽ giảm theo mà phải là 40 năm sau. Bởi vì tuổi thọ của CO2 trong không khí đến 40, 50 năm, thế nên bây giờ mọi người trên thế giới thực hiện giảm phát thải CO2 đi thì đến khoảng 40 năm sau mới biết hiệu quả thế nào!
Nhưng trong vấn đề hiệu ứng nhà kính thì không nên đổ tội riêng cho phát thải khí CO2 từ ống khói của công nghiệp, dẫu khí này đóng góp đến 50% gây hiệu ứng nhà kính. Một khí khác cũng góp phần quan trọng không kém, chiếm 15-25% là khí mêtan, khí này xuất hiện từ các kênh rạch ô nhiễm. Mọi người có thể nhận biết khí mêtan ở những kênh rạch này là các bong bóng nổi lên và vỡ ra, trong đó là khí mêtan. Ngoài ra những cánh đồng đất ướt cũng đóng góp phát thải khí mêtan rất nhiều. Mêtan gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn gấp 4 lần khí CO2 nhưng vì số lượng không nhiều bằng CO2.
PV: Trong một bài giảng về kỹ thuật môi trường giáo sư có nói chính những hoạt động cuộc sống hằng ngày của chúng ta đã gây ra những hiểm họa về môi trường chứ không phải điều gì khác. Về vấn đề biến đổi khí hậu, người ta thường nghĩ đến chuyện gì đó là vĩ mô, chuyện của thiên nhiên nhưng thật ra cũng chính là từ hoạt động của con người mà ra cả, phải không thưa giáo sư?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Qua quá trình hoạt động của con người, từng cá nhân cũng như những tập thể của một khu vực dân cư, đô thị, công nghiệp, nông thôn đều góp phần làm hiệu ứng nhà kính tăng lên và gây biến đổi khí hậu. Con người phát thải gây hiệu ứng nhà kính, từ hiệu ứng nhà kính gây nên biến đổi khí hậu, đó là một dây chuyền tất yếu. Không bất cứ một cá nhân nào có thể nói rằng tôi không tham gia phát thải gây hiệu ứng nhà kính cả, chỉ là nhiều hay ít tùy người mà thôi. Những thứ như rác thải, phân hầm cầu, nước thải, khí thải công nghiệp… đều gây biến đổi khí hậu vì thế trách nhiệm với vấn đề hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu là không của riêng ai.
Tác nhân mới: thủy điện liên hồi
PV: Những năm gần đây các nhà đầu tư ồ ạt làm thủy điện trên các dòng sông, họ bức bách dòng chảy, hủy hoại rừng già, dân cư vùng hạ lưu di tán. Điều này có tác hại như thế nào trong vấn đề gây biến đổi khí hậu, thưa giáo sư?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Tôi rất muốn nhà báo viết thật sâu về vấn đề của thủy điện sau bài viết này, tôi sẽ hỗ trợ, bởi nó thật sự nó đang là vấn đề rất bức bách! Bản thân tôi từ nhiều năm đã lên tiếng về thủy điện nước ta. Tình trạng hiện tại là nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện nhưng đó là một sai lầm lớn. Phần lớn người ta làm thủy điện là vì chạy theo lợi nhuận. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu, không nhận thức được rằng thủy điện của họ đã góp phần phá hoại tài nguyên môi trường như thế nào. Mặc dù công bằng mà nói thì thủy điện cung cấp năng lượng để hoạt động kinh tế nhưng thay vì làm thủy điện vừa đủ thì đang có tình trạng lạm dụng. Người ta làm thủy điện liên hồi trên một dòng sông thì nguy hiểm quá! Điều đó đưa đến những hậu quả tai hại là phá rừng, gây ngập, hệ sinh thái tiêu hoang…
Tôi nói riêng sông Đồng Nai, có 8 bậc, người ta chỉ cần đặt máy phát điện xuống đấy là thành thủy điện ngay, quá đơn giản! Nhưng nếu chúng ta dừng lại ở 2, 3 thủy điện thôi thì tốt quá còn dùng đến 8 bậc đấy làm ra hàng chục thủy điện thì quá nguy hiểm. Nên nhớ rằng, dẫu thủy điện là năng lượng sạch nhưng ở các nước phát triển trên thế giới người ta đã ngưng thủy điện đến hơn 10 năm qua vì tác hại lâu dài của nó nhiều hơn lợi ích. Nhất là vào mùa mưa thì thủy điện xả lũ. Lũ miền Trung tai hại vừa rồi có một phần rất quan trọng là thủy điện xả lũ gây ra. Ngày nay lũ ác, lũ dữ ngày càng nhiều thay vì ngày xưa chỉ là ngập lụt thôi. Và làm gì có vùng nào mà mực nước tăng lên đến 2 mét/giờ ở các con sông lớn!? Đó là tác hại của thủy điện.
Biến đổi khí hậu gây nên những dị thường trong mưa lũ và những đập thủy điện không an toàn ấy sẽ góp phần gây ra những trận ngập lụt, lũ ác cho vùng hạ lưu. Đặc biệt phá rừng trong thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu vì phá rừng làm mất đi nguồn tiêu thụ khí CO2, một khí gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, mất rừng là mất nguồn nước bởi có rừng mới giữ được nước dưới lòng đất mà không chảy tràn. Kế đến, mất rừng làm tăng dòng chảy bề mặt nên gây ra lũ dữ, lũ quét. Thực tế là bây giờ lũ quét càng tăng về số lượng, cường độ theo mỗi năm. Tôi vừa làm mấy nguyên cứu về lũ quét các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nên hiểu rõ điều này.
Bão, lũ dữ ở miền Trung ngày càng tăng về số lượng và cường độ
PV: Xin giáo sư cho biết, không chỉ có thủy điện liên tục phát triển mà vấn đề loạn khai thác titan làm tan hoang một dãy dọc bờ biển miền Trung cũng góp phần gây nên những trận thiên tai kinh hoàng gần đây tại miền Trung?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Titan là một nguồn lợi tương đối lớn, tập trung nhiều nhất từ cuối Ninh Thuận đến Bình Thuận với hàm lượng khá cao. Nhưng nếu khai thác titan sẽ phá hủy du lịch. Cách đây khoảng 5 năm tôi có làm đề tài về titan, khi đó nguyên cứu titan mới chớm thôi. Tôi có nêu trong một cuộc họp rằng, nếu chấp nhận làm titan thì bỏ du lịch đi, còn làm du lịch thì đừng làm titan bởi quá trình khai tác sẽ đào bới bờ biển, gây ô nhiễm môi trường… ai mà đi du lịch đến những nơi thế này!?
Công nghệ khai thác tiatan nếu chỉ thô thôi thì chưa ô nhiễm mấy nhưng khi chế biến titan thành những hợp chất thì phải có hóa chất thải ra môi trường. Hóa chất này sẽ góp phần phá hủy sinh thái vùng bờ biển.
PV: Có một quan niệm rằng, hậu quả của biến đổi khí hậu là chuyện trong tương lai của vài chục năm nữa chứ không phải là hiện tại, thưa giáo sư?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Quan niệm đó đúng nếu ở thời điểm… 20 năm trước, còn hiện tại đó là một quan niệm rất sai lầm bởi hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra đã là nhãn tiền rồi! Ngày xưa biến đổi khí hậu nhưng chưa gây thiệt hại nhiều về người và của, giờ thì đã thật nhiều. Nhưng như tôi đã nói, đó mới chỉ là nốt nhạc dạo đầu thôi.
PV: Về biến đổi khí hậu thì nước ta đã có khá nhiều dự án, nghiên cứu rồi nhưng dường như tất cả chỉ mới loanh quanh rồi bế tắc trên bàn hội nghị, trong các gói dự án chứ chưa có ứng dụng thực tế đáng kể. Hơn nữa, bất cứ dự án nào cũng cần có sự đồng thuận hưởng ứng của toàn dân, đối với biến đổi khí hậu lại càng như thế. Khi mà chưa làm được điều đó thì các dự án sẽ không mang lại kết quả gì, phải không thưa giáo sư?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Như tôi đã nói, biến đổi khí hậu là chuyện của mỗi người, vì thế nếu không có sự chung tay của tất cả thì chắc chắn không có kết quả! Tôi cũng xin nói thẳng là, gần đây có những hình thức không đẹp trong giới khoa học. Họ chạy theo công trình, lợi nhuận hơn là nghĩ đến cái chung của xã hội, nhất là những người có được dự án là nhờ vào… quen biết. Tôi đã bị trường hợp, mặc dù đề án là do mình đề xuất ra và mình là người viết công trình nhưng người khác lấy thực hiện. Họ làm theo kiểu chụp giựt, mánh khóe để lấy được tiền dự án còn sau đó trả lại sản phẩm là cái gì thì chỉ là một đống giấy tờ, ngoài ra không có gì hơn! Những báo cáo dự án ấy bao giờ cũng được đánh giá khá tốt nhưng toàn để trong tủ, ứng dụng thế nào cho thực tế thì hầu như tôi chưa thấy ứng dụng được gì! Còn mấy người tham gia vào dự án ấy thì kiếm được ít tiền rồi thôi… Đó thật sự là một vấn đề gây bức xúc, đau đầu trong giới khoa học.
Truyền thông cũng cần kịch bản đúng
PV: Thưa giáo sư, lại có một việc thế này, nếu như những tác hại của biến đổi khí hậu gây ra đang ngày càng khốc liệt thì truyền thông về biến đổi khí hậu cũng đang trong tình trạng báo động không kém. Đó là việc dự báo về bão, lũ, lốc xoáy chỉ thiên về duy nhất một hướng là thiên tai chứ không đả động gì đến tác nhân con người. Thêm nữa là biến đổi khí hậu đang bị nhiều người lợi dụng như là một tấm bình phong che chắn, bao biện cho những thất bại, sai lầm của họ trong công tác quy hoạch, quản lý… Chính những điều đó làm công tác tuyên truyền ứng phó với biến đổi khí hậu càng thêm gian nan. Giáo sư nghĩ gì về điều này?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Truyền thông về biến đổi khí hậu đang có vẻ lệch lạc, truyền thông chỉ mới nói ở phần ngọn thôi. Ví dụ họ chỉ đưa bão lụt dữ dội thế nào? Thiệt hại về người và của ra làm sao?… mà quên đi cái gốc để cảnh báo cho tất cả các giới, kể cả trí thức và người dân hiểu rõ bản chất của nó. Mà chỉ khi ta nắm được cái gốc của nó thì mới “trị” được! Truyền thông cứ loan tin là sau bão lũ thì được cứ trợ thế nào, cứu trợ là rất tốt nhưng đồng thời các cơ quan chức năng cũng phải nghĩ để ứng phó một cách thích hợp và hiệu quả nhất với biến đổi khí hậu.
Còn nói về những sai lầm trong quy hoạch, tôi cũng nói thêm về chi tiết “thú vị” này. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, theo kịch bản biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng thì trung bình 35% đất đai của TP HCM sẽ ngập trong thời gian tới, khoảng 10, 15 năm nữa. Thế nhưng, những người quy hoạch thành phố vẫn phát triển xây dựng thành phố về phía đông nam thành phố, tức về phía biển, cụ thể về phía Nhà Bè, Cần Giờ. Đó là một sai lầm tệ hại!
PV: Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả phức tạp như thế thì xin hỏi giáo sư về hướng ứng phó của nước ta sắp tới sẽ như thế nào? Nhất là ở những vùng đặc biệt nhạy cảm, dễ bị tác động nhất như miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
GS.TSKH Lê Huy Bá: Hiện chúng ta đang áp dụng kịch bản biến đổi khí hậu của năm 2011. Kịch bản mới này có 3 phân loại là kịch bản thấp, vừa và cao theo mực nước dâng. Dựa vào mực nước dâng thì người ta lập bản đồ về độ ngập của từng vùng, từng tỉnh. Đặc biệt là các tỉnh ven biển như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận, Kiên Giang… đã có những dự báo diễn biến của biến đổi khí hậu và những đề xuất kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với biến đổi khí hậu, chúng ta không nói là chống lại mà chỉ là né tránh tác hại thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên để phục vụ lợi ích con người và môi trường. Nói chung là con người phải thích ứng để rồi thích nghi, sống chung với nó nhưng phải biết cách để né tránh những tác hại của nó. Cụ thể, với nông nghiệp thì phải thay đổi thế nào cho phù hợp? Phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng ra sao? Có nên chuyển dần một phần đất nông nghiệp hay là chuyển dần sang nuôi thủy sản không? Bởi theo tính toán của các nhà khoa học thì sắp tới đây sẽ có những vùng nước ngọt sẽ trở thành nước lợ, còn những vùng nước lợ thành nước mặn vì sự dâng lên và xâm nhập mặn của nước biển. Về nhà ở thì sao? Phải chăng ở những vùng dễ ngập thì không nên làm nhà theo kiểu tầng trệt nữa mà làm theo dạng nhà nổi, nhà sàn. Giao thông thì không chỉ là giao thông đường bộ mà còn phải đầu tư, tăng cường phát triển giao thông thủy bởi nó vừa rẻ vừa thích ứng với biến đổi khí hậu…
Và điều không thể thiếu đó chính là sự quyết tâm vào cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu của cả cộng đồng, chứ nó hoàn toàn không phải là chuyện riêng của một hội đồng khoa học nào đó!
PV: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!
Lê Trúc (thực hiện)

Truyện cực ngắn. Sự thông thái (1)

570265437_85c2876f71Bà nội tôi ngừng giữa chừng câu chuyện cổ tích, âu yếm hỏi tôi:
-Theo cháu, chàng tiều phu đã chữa lành bệnh cho công chúa như thế nào?
Tôi nhanh nhảu hét toáng lên:
-Thần Núi tặng chàng phép màu!
Bà xoa đầu tôi, khen tôi giỏi. Năm đó tôi 6 tuổi. Chuyện cổ tích của bà chẳng có gì lạ, công chúa ốm nặng, các ngự y trong triều bó tay, chàng tiều phu nghèo xuất hiện. Nhưng công chúa của bà tôi thì cứ nằng nặc:  “Hãy mang đến cho ta một giỏ đựng đầy tiếng hót của chim sơn ca có ướp hương thơm của ngàn thông trên đỉnh Tiên Sơn lúc bình minh”.
20 năm sau, tôi tìm được câu trả lời khác:
-Bà ơi, chàng tiều phu nhặt được cuốn sách của một Thần Y. Chàng miệt mài khuya sớm, chế thuốc cho công chúa.
Bà mỉm cười nói rằng tôi đã lớn khôn rồi.
10 năm sau, tôi về nhà ôm bà:
-Bà ơi, chàng tiều phu vào cung vua với một cây sáo trúc.
Bà hớn hở:
-Trong tiếng sáo trúc, công chúa nghe tiếng chim sơn ca véo von. Nàng cảm thấy ngạt ngào mùi hương của ngàn thông và những tia nắng ban mai trên đỉnh Tiên Sơn lung linh trước mặt nàng.
Rồi bà ôm lấy tôi:
-Con vừa tìm ra vị thứ ba trong thang thuốc thần kì dành cho công chúa.
Tôi ấm ức:
-Bà ơi, con mất hơn 30 năm để tìm kiếm điều mà bà chỉ nói vài câu.
Bà trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
-Đó là cái giá phải trả, sự thông thái của cuộc đời không thể có được nhờ những lời nói suông đâu con ạ.