Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy... Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán...
Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.

Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.

Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.

Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ...

Sự thật những tấm HCV Olympic Toán quốc tế của Việt Nam qua lời kể nguyên Phó Chủ tịch FPT (1)
Thực ra là thế nào?

Tôi tham dự đội tuyển Việt Nam năm 1975. Đoàn nước ta có 8 học sinh (số lượng tối đa cho một đoàn) giành được một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và đứng thứ 10.

Mỹ cũng tham gia lần thứ hai, có 8 học sinh giành được 3 huy chương Vàng, một huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng và chỉ đứng sau Hungary và Đông Đức.

Tôi nhờ thầy Phan Đức Chính, Trưởng đoàn Việt Nam hồi đó, hỏi xem Mỹ chọn và dạy học sinh đi thi thế nào?

Mỹ làm thế này: Họ thông báo là thế giới tổ chức International Math Olympics. Mỗi nước được cử tối đa 8 học sinh phổ thông, tuổi dưới 19, cùng một Trưởng đoàn tham gia cung cấp bài thi (giới hạn trong kiến thức phổ thông) để hội đồng chọn ra 6 bài cho học sinh làm, và cùng chấm điểm tất cả các bài thi kể cả của đoàn mình. Chi phí đi lại nước dự thi chịu. Chi phí ăn ở trong quá trình thi nước đăng cai trả.

Mỹ sẽ cử đoàn đi, chọn các em dưới 19 tuổi, chưa học đại học. Nếu số lượng đăng ký trên 8 thì tổ chức thi loại, dưới 8 thì ai đăng ký đều được đi. Đoàn tự thu xếp kinh phí (gia đình cho tiền, xin tài trợ của tổ chức, cá nhân). Chính phủ Mỹ không cho tiền, cũng chẳng dạy dỗ gì cả. Mặc dù là trò chơi vớ vẩn nhưng Mỹ luôn đứng trong Top 3.

Việt Nam và các nước XHCN làm thế này: Từ cấp 2 (lớp 5-7) đã phải thi đấu vào lớp chuyên của trường, tỉnh/thành phố. Đến cấp 3 (lớp 8-10) lại thi đấu vào trường chuyên của Bộ Đại học, của tỉnh. Hình thành một loại "gà nòi" chỉ để thi đấu: Chuyên toán của Bộ Đại học có ĐH Tổng hợp, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Vinh. Chuyên toán của các tỉnh như Chu Văn An (Hà Nội), Lam Sơn (Thanh Hóa), Lê Hồng Phong (Nam Định)...

Rồi "bọn gà" này lại qua hàng chục vòng đấu để chọn ra 14 "con" vào đội tuyển toán quốc gia. Từ đó, sau 90 ngày khổ luyện qua 45 bài kiểm tra lấy ra 8 "con gà" để đi thi. Tiền tuy không nhiều nhưng do ngân sách Nhà nước chi trả cả.

Trước khi ra nước ngoài, Bộ Tài chính cho mỗi thành viên trong đoàn mượn một bộ comple, 2 áo sơ mi, một đôi giày, về thì phải trả, không có tất.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cả đoàn vào dinh đãi một bữa phở úy lạo trước khi lên đường và hỏi:
- Các cháu có nguyện vọng gì?

Đáng lẽ phải nói là quyết tâm mang vinh quang về cho tổ quốc Việt Nam anh hùng thì tôi lại bảo:
- Chúng cháu được cho mượn giày nhưng không có tất, đau chân lắm, cháu sẽ đi dép lê.
Dưới gầm bàn, thầy Chính đá tôi một phát khá đau.
Thủ tướng chảy nước mắt nói với ông Tạ Quang Bửu, khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học:

- Nước nhà vừa trải qua chiến tranh, còn nghèo lắm, nhưng một đôi tất sao không lo được cho các cháu?
Khi đó chỉ có đúng một loại tất của Trung Quốc bày bán ở cửa hàng Bách hóa Bờ Hồ giá 7 đồng một đôi.
Ngay lập tức, một núi công văn, điện thoại giữa Bộ Đại học, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được trao đổi và kết quả đến chiều có văn bản cấp cho mỗi cháu 3 đồng để mua tất. 4 đồng thiếu thì bảo bố mẹ cho, bố mẹ không có thì bác Bửu bù. Có lẽ đấy là vụ PPP đầu tiên của Việt Nam.
Mặc dù thuần túy chuyên môn nhưng ngay từ năm 1975 đã có vô số yếu tố phi chuyên môn len vào quá trình lựa chọn:
- Phải có đủ thành phần nam, nữ.
- Phải cân đối số lượng giữa các trung tâm "gà" (hồi đó là ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm).
- Các thầy từ lò Sư phạm rỉ tai cho "gà" của trung tâm mình đáp án trước các vòng kiểm tra.
- Thêm cả yếu tố đạo đức, lý lịch, thành phần giai cấp nữa. Trong đội tuyển năm 1975 có một bạn rất giỏi bị loại vì đã tố cáo các thầy Sư phạm "gà" bài cho học sinh trường mình. Lý do: "Thiếu ý thức kỷ luật, có vấn đề về đạo đức". Có lẽ cũng là vụ "Đồi Ngô" đầu tiên của ngành giáo dục Việt Nam.

Duy nhất cậu này trong số mấy ngàn "con gà" khóa 1975 cho đến bây giờ còn làm toán và sống bằng nghề giảng dạy toán cao cấp tại một trường đại học danh tiếng của Mỹ.

Theo tôi biết thì hàng chục ngàn "con gà" đó sau này không làm nên cơm cháo gì trừ Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học Pháp và đang cống hiến cho một trường đại học ở Mỹ.

Thế khác nhau chỗ nào?

Khác nhau ở chỗ Chính phủ Mỹ dứt khoát không dùng tiền ngân sách tài trợ cho Khoa học, Văn hóa, Thể thao.

Nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, diễn viên, cầu thủ tự sống bằng tiền nghiên cứu theo hợp đồng với cơ quan Chính phủ hay với các công ty, giảng dạy, bán sách, bán phim, thi đấu. Thích thì tự hội họp với nhau mà trao giải Field, Oscar... phong nhau làm Giáo sư, Viện sĩ...

Còn Việt Nam thì suốt ngày cãi nhau về chuyện Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và xin Nhà nước tài trợ từ hát xẩm đến cầu lông.
Lê Quang Tiến
(Chúng ta)

Đặng Huy Văn - Thư con gái gửi Ba nhân dịp lễ NÔ-EN


Đặng Huy Văn: Năm nào đến dịp lễ Giáng Sinh, Hà Nội trời cũng rét. Có năm nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm. Năm nay, tôi dự đoán đêm Nô-en Hà Nội sẽ lạnh hơn vì còn 9 ngày nữa mới đến lễ Giáng Sinh mà nhiệt độ đã xuống dưới 14 độ C rồi. Sáng nay, có việc phải đi qua trại giam Thanh Xuân ngay gần khu đô thị Xa La nơi tôi ở, tôi chợt nhớ ra, tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh vừa bị chuyển trại ra Bắc hôm đầu tháng 10/2013 đang bị giam tại đây. Trời ơi! Một cô gái trẻ Miền Nam chưa quen chịu lạnh lại đang bị bệnh mà nằm trong tù thiếu chăn, thiếu áo ấm thì khổ cực đến thế nào? Tôi vội về nhà lục các trang tài liệu về Minh Hạnh đọc một mạch và không cầm được nước mắt. Tại sao một cô gái trẻ đã giúp đỡ công nhân đòi giới chủ tăng lương lại bị bắt? Năm 1930, bố tôi đi rải truyền đơn kêu gọi công nhân nhà máy Trường Thi, Nghệ An đình công đòi giới chủ tăng lương đã bị Pháp bắt giam tù 5 năm tại Kon Tum thì đã đành.

Đằng này, một “đảng của giai cấp công nhân” lại đi bỏ tù một người bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân là sao? Một dân tộc đã phải hi sinh hơn 4 triệu người để đảng ấy thực hiện khẩu hiệu “chống ngoại xâm” lại đi bắt một người chống giặc Tàu, kẻ thù truyền kiếp đang xâm chiếm Hoàng Sa và gây rối tại nhiều vùng trên đất nước như Tây Nguyên, Trà Vinh, Bình Dương, Ninh Bình…dưới danh nghĩa “đầu tư” để phá hoại nước ta, phải đi tù là sao? Một cô gái trẻ chỉ muốn bảo vệ dân oan trước sự ăn cướp đất đai của bọn tham nhũng (kẻ thù của đồng chí TBT), mà cũng bị kết án tù là sao? Việc tày trời này, đồng chí TBT có biết không? Và rồi đây, sẽ còn bao nhiêu Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Đinh Nguyên Kha, Lê Quốc Quân…sẽ tiếp tục vào tù nữa, hỡi ngài tân thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ?

Hạnh ơi! Bác đứng một lúc ngoài cổng phân trại 3 trại giam Thanh Xuân nhòm vào để mong được nhìn thấy tấm thân gầy guộc của cháu mà bất lực! Bác chợt nghĩ, những người như bác mới là người phải vào đó để thế chỗ cho cháu, vì chính các bác mới là những người đã làm cho dân tộc ta đang ngày càng khốn khổ! Bác thành thật xin lỗi cháu và chúc cháu có một lễ Nô-en trong tù đầy niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc!

THƯ CON GÁI GỬI BA NHÂN DỊP LỄ NÔ-EN
(Thay lời tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh)

Nô-en đang về, Miền Bắc đêm lạnh lắm
Nằm trong tù giá buốt thấu xương da (*)
Từ Miền Nam con chưa quen chịu rét
Đêm đông dài con đau nhớ thương ba!

Tầm tuổi con, ba cũng đã vào tù
Mọi khuất oan chốn lao tù ba biết cả
Đêm Giáng Sinh nằm ôm cây Thánh Giá
Giấu trong chăn cầu nguyện Chúa Giê-su!

“Nhận tội mau, cô sẽ được ra tù!”
Lời quản giáo âm vang vào giấc ngủ
Nhưng ba ơi con vì thương quý thợ
Giúp đòi lương sao có tội, hả ba?

Xưa ông nội đi tham gia cách mạng
Cũng biểu tình đòi giới chủ tăng lương
Cũng vận động công nhân đoàn kết lại
Sao người ta lại tặng nội huân chương?

Xưa bà nội cũng vâng theo lời “bác”
Biểu tình đòi quyền sống của con người
Rồi ngã xuống trên nẻo đường kháng Pháp
Sao chính quyền phong liệt sĩ, ba ơi?

Mà nay con noi gương ông bà nội
Chống giặc Tàu đang tráo trở xâm lăng
Khai Bô-xít đưa người sang quấy rối
Vờ đầu tư để giày xéo bản làng!

Bọn Trung Quốc nơi chúng xây nhà máy
Bắt công nhân sống thậm tệ hơn xưa
Lương trả thấp chủ lại còn cưỡng bức
Chính quyền mình đã bảo vệ dân chưa?

Cũng mang danh “nhà nước của công nông”
Mà lại cho chủ Tàu làm công nhân đói rách
Lái buôn Trung Quốc hứa mua rồi trốn sạch
Để cánh đồng ngập quả thối, thương không?

Sao ông bà nội con xưa theo cách mạng
Lại đón giặc Tàu sang giày xéo dân ta?
Đêm trong tù trăn trở hoài năm tháng
Thương ông bà, lòng con cứ xót xa!

Con gái ba nay trong tù bệnh tật
Ngực trái đau ai chữa trị thuốc men?
Ngày mãn tù chắc gì còn mạng sống
Chồng, con ư? Ba ơi liệu còn duyên?

Bị đòn tù dã man, con đã chịu quen rồi
Xin đừng lo con bị hành hạ nhé, ba ơi!
Các quản giáo nhà tù đều là “thầy dạy võ”
Để mai sau con đủ dũng khí làm người!

Con chỉ ao ước ngày ra tù còn mạng sống
Để cùng toàn dân tiếp tục cuộc đấu tranh
Vì nhân quyền cho mỗi người lao đông
Giúp dân oan có cuộc sống yên lành!

Ba ơi! Đêm Nô-en con chắc ba buồn lắm
Bởi ba thương 74 đồng đội cũ tại Hoàng Sa
Bốn mươi năm trước đã quên thân vì Tổ Quốc
Chống giặc Tàu sang xâm chiếm nước ta!

Ba hãy cầu nguyện Chúa Giê-su cho các bác
Ngụy Văn Thà, Nguyễn Thành Trí…hộ con
Giáng Sinh trong tù con chỉ buồn và muốn
Đến Nhà Thờ cầu cho các Hải Chiến cô hồn!

Giáng Sinh vắng con, ba hãy an ủi má
Chỉ vài năm nữa thôi con sẽ được trở về
Con sẽ vẫn là cún con như ngày xưa của má
Và hát mừng Giáng Sinh cho ba má cùng nghe!

Hà Nội, 15/12/2013
Đặng Huy Văn

Bài do tác giả gởi. VAOL biên tập và minh hoạ.
(*) Đỗ Thị Minh Hạnh bị chuyển trại ra Bắc | Đàn Chim Việt