Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

“Ô dù” và chủ nghĩa de Gaulle - Đất đai, nông dân và nông thôn Việt Nam - Họ trở nên hung bạo từ khi nào? - Con cháu các cụ (4C) ở Việt Nam

Đọc truyện đêm khuya: Việt Nam – con rồng trỗi dậy

Cách đây ít lâu tôi tình cờ tìm được một cuốn sách có tựa đề “Vietnam - Rising Dragon” của tác giả Bill Hayton, một nhà báo Anh. Đọc xong thì thấy một cảm giác hết sức cay đắng, hay nói theo mốt đặt tít của báo mạng là “đắng lòng đọc sách Bill Hayton”.

Sở dĩ “đắng lòng”, không phải vì ông Bill Hayton đệm vào tác phẩm những câu nào kiểu như “hỡi những người có lương tri”, “chúng ta nhất định không để mất đi sự tin cậy của…”, “ai ơi xin đừng để người dân thất vọng” v.v. Trên thực tế, cuốn sách của ông Hayton không có lấy một lời kêu gọi. Còn tôi thấy “đắng lòng” là bởi vì, cố gắng nhìn thật thẳng vào sự thực mà nói, sẽ phải thừa nhận là 30.000 (?) nhà báo ở Việt Nam hiện nay, không ai viết được như nhà Bill ! Mà cay hơn nữa là, ông chỉ ở Việt Nam khoảng một năm, từ 2006 đến 2007.

Ở ta thường có câu: “Cái này đưa ra vào thời điểm này chưa có lợi”. Ví dụ đạo diễn Đặng Nhật Minh khi trình kịch bản phim Mùa Ổi lên Hội đồng duyệt, được trả lời là “Trong giai đoạn này, dựng phim chưa có lợi”. Về sau ông Minh trả lời phỏng vấn báo An Ninh Thế Giới, có kể: “Tôi chờ hai năm, làm sao biết lúc nào có lợi, tôi sốt ruột quá vì không thể chờ sang năm thứ ba”. Gần đây hơn, giáo sư Ngô Bảo Châu viết entry “Về sự sợ hãi”, tôi cho là đâu đó cũng đã/đang/sẽ có người bảo rằng giáo sư Châu “viết cái này vào thời điểm này chưa có lợi”. Rút kinh nghiệm, tôi sẽ chờ đến khi nào có lợi để viết một bài “nghiên cứu” lấy chủ đề là: Vì sao ở Việt Nam không có nhà báo lớn?

Tuy nhiên, riêng trong trường hợp “Rising Dragon” của Bill Hayton, sơ sơ thì cũng có thể giải thích là muốn viết được như ông Hayton, phải có quan hệ càng cao càng tốt, (từ đó có) thông tin tốt… Mà như thế thì đa số nhà báo Việt Nam đơn giản là không đủ lực. Nhiều người (chắc trong này có cả mình rồi, thôi, cứ nhận luôn cho mau tiến bộ) viết được cái entry tâm huyết vài trăm từ, ném đá phe này tí, xé áo phe kia tị, đã sướng lâng lâng cả ngày, mất ngủ gần hết đêm, còn bắt họ viết một cuốn sách mấy trăm trang phân tích tình hình đất nước nữa, e là đuối sức.

Vậy thiểu số những nhà báo giàu kinh nghiệm, quen biết ông thủ này ông tướng nọ, “có thế”, “có lực”, “có tầm”, thì sao? Với sự gần gũi những nhân sự cấp cao, được “ai đó” chống lưng, được cung cấp những thông tin “nóng và độc”, liệu họ viết nổi (như tay người Anh kia) không? Nếu phải trả lời câu này, tôi sẽ cười khùng khục mà rằng: “Gớm, thôi, có mà viếtttttt. Các bác đừng cố, hệ hệ hệ… Chúng cháu chả dám chắc lép, nhưng quả thật là ít vốn”.

Tóm lại, về căn bản thì vẫn phải nhìn nhận một nguyên nhân vừa sâu xa, vừa trực tiếp, vừa trừu tượng lại vừa cụ thể, vừa rất “đắng lòng”, đó là vì nhà báo ta kém. Còn vì sao kém, thì… thôi để đến thời điểm có lợi, ta sẽ cùng mổ xẻ vấn đề sau.

Xin được dừng mọi sự bình luận ở đây. Bây giờ mời bạn đọc một vài đoạn ngắn trong chương I cuốn sách “Vietnam - Rising Dragon” của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội. Lưu ý quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng với quan điểm của tác giả.

+++++++

… Đối với Đảng Cộng sản, điều quan trọng hơn cả các giáo điều kinh tế là sự tồn tại. Mọi cái khác: tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giữa các khu vực, tự do báo chí, bảo vệ môi trường – mọi thứ - đều nằm dưới cái bản năng gốc đó. Để tồn tại được, Đảng biết rằng họ phải đạt được một con số tuy đơn giản nhưng đáng sợ: 1 triệu việc làm một năm. Mỗi năm các trường học ở Việt Nam sản xuất ra 1 triệu nông dân và vô sản mới, sản phẩm của một thời kỳ bùng nổ dân số khổng lồ thời hậu chiến mà không có mảy may dấu hiệu chậm lại nào bất chấp chính sách “hai con” gắt gao. Tăng trưởng là sống còn, nhưng không phải với cái giá là tạo ra quá nhiều bất bình đẳng. Xóa đói giảm nghèo cũng thế, nhưng không phải với cái giá là ngăn cản tăng trưởng quá. Suốt 30 năm qua, chính sách cứ dao động qua lại, lúc thì ưu tiên tăng trưởng, lúc thì ưu tiên ổn định. Những người hưởng lợi là nông dân và vô sản. Thành tựu của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo là rất ấn tượng. Theo số liệu của chính phủ, năm 1993, gần 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Cho tới năm 2004, con số giảm xuống còn 20%. Đất nước đã sớm thực hiện được phần lớn các Mục tiêu Thiên niên kỷ, là những mục tiêu phát triển do LHQ đặt ra, và thoát khỏi hàng ngũ những quốc gia nghèo nhất để tham gia nhóm “các nước thu nhập trung bình”. Mức sống của người dân đang tăng, chân trời của họ rộng mở và tham vọng của họ tăng dần. Sự hợp hôn giữa kiểm soát của nhà nước và tự do hóa, giữa Đảng với lợi ích tư, đang bóp méo nền kinh tế theo hướng biến thành ham muốn của một số ít thay vì là nhu cầu của đa số. Và những mạng lưới “chủ nghĩa xã hội thân hữu” này đang trở thành mối đe dọa cho sự ổn định của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam có nguy cơ chung số phận với rất nhiều hình mẫu trước đây của Ngân hàng Thế giới: phát triển bùng nổ và sau đó tan vỡ.

(…)

Ở gần như mọi quốc gia nơi phần kiểm soát của nhà nước trong nền kinh tế tăng lên, hậu quả đều là đình đốn, khủng hoảng tài chính và siêu lạm phát. Việt Nam thì khác, bởi vì các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của họ hoạt động phần lớn là không có sự hỗ trợ của nhà nước; đến mức những “ông chủ” của DNNN – các bộ ngành trong chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan Đảng, v.v. – đối xử với DNNN, trên thực tế, như là đối xử với công ty tư nhân, mặc dù DNNN được hưởng ưu đãi khi tiếp cận các ngân hàng quốc doanh và được các cơ quan nhà nước bảo hộ. Adam Fforde, một nhà phân tích kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, gọi đó là “những công ty cổ phần ảo”. DNNN làm ra lợi nhuận, mở rộng và đa dạng hóa: xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 4 lần từ năm 1990 tới năm 1996. Các vị giám đốc có được hợp đồng, trả tiền cho những người đã bảo hộ họ, và thịnh vượng. Đối với những người quan hệ tốt thì thật dễ để họ ngăn chặn cạnh tranh từ phía các đối thủ, từ phía hàng nhập khẩu hay là những công ty nước ngoài vừa bước vào thị trường. Tham nhũng trở thành bệnh dịch, ngân hàng quốc doanh cho vay tiền một cách phóng túng và một số công ty cố trở thành những tiểu đế chế - đến mức độ mà, trong một số trường hợp, chúng thành lập nên các liên doanh phi chính thức với những nhà đầu tư bí mật, vượt ra khỏi sự kiểm soát của nhà nước – vốn dĩ là chủ sở hữu chúng. Trong trường hợp xấu nhất thì một số trong các công ty này trở thành những tên tội phạm công khai.

Đây không phải là điều mà các nhà tài trợ quốc tế thúc đẩy đạt tới. Suốt từ năm 1993, khi Mỹ chấm dứt cấm vận, khiến Ngân hàng Thế giới có thể nối lại việc cho Việt Nam vay tiền, thì Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nỗ lực thuyết phục chính phủ Việt Nam theo đuổi công thức tự do hóa kinh tế truyền thống. Năm 1996, Ngân hàng Thế giới, chính phủ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thậm chí còn thỏa thuận một bản Khuôn khổ Chính sách chung, định ra những bước sẽ phải tiến hành. Nhưng các bước ấy không bao giờ được thực thi cả. Rất nhiều người trong Đảng phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu vị trí của DNNN hay là mở cửa khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nước ngoài thái quá. Năm 1997, việc Việt Nam cố làm được điều này khi mẫu hình trước đó của Ngân hàng Thế giới là Indonesia bị rơi vào suy thoái kinh tế, chỉ càng làm tăng thêm các khó khăn. Ngân hàng Thế giới cung cấp 300 triệu USD Tín dụng Điều chỉnh Cơ cấu. Việt Nam thản nhiên bác bỏ. Đất nước chẳng có bao nhiêu nợ và cũng đã kiếm đủ tiền từ xuất khẩu và đầu tư thương mại của nước ngoài, nên chẳng cần tiền. Ngân hàng Thế giới, không quen với việc bị từ chối phắt như thế, lủi thủi cụp đuôi bỏ đi.

Cuối năm 1998, Ngân hàng Thế giới lại trở lại. Cùng với các nhà tài trợ khác, họ cấp cho Việt Nam 500 triệu USD viện trợ bổ sung (thêm vào khoảng 2,2 tỷ USD viện trợ không điều kiện) nếu Việt Nam đồng ý thực hiện kế hoạch bán bớt các DNNN hiện có, tái cấu trúc khu vực ngân hàng quốc doanh và đưa ra một chương trình cải cách thương mại. Chính phủ Việt Nam đồng ý với thỏa thuận này nhưng sau đó đã chẳng làm gì để thực hiện. Các đòi hỏi như vậy là quá nhiều khiến phe chủ đạo trong Đảng không thể nào chấp nhận được. Tháng 12 năm 1999, giới tài trợ cam kết nhiều hơn nữa – 700 triệu USD – nếu đất nước đi theo các đề xuất của họ. Phản ứng của phía Việt Nam là không nhân nhượng. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá nói với báo chí: “Không thể dùng tiền mua cải cách… không ai có thể bắt ép Việt Nam”. Những mối ưu tiên của Đảng được thể hiện một cách không thể rõ ràng hơn. Trong vòng ba năm trời họ từ chối tổng cộng 1,5 tỷ USD, bởi họ đã đặt ổn định chính trị lên trên những hứa hẹn tự do hóa kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Thế giới tiếp tục cho vay những khoản viện trợ truyền thống rất lớn mà không có ràng buộc gì đi kèm, nhưng họ đã không áp đặt thực thi các điều kiện của mình. Việt Nam đã tiến rất gần đến định chế hùng mạnh này của Washington và chiến thắng. Ngân hàng Thế giới đi tới kết luận rằng hợp tác với Đảng thì dễ hơn là chống Đảng.

Nhưng trong khi cuộc chiến với Ngân hàng Thế giới đang hồi gay cấn, Đảng bắt đầu nhận ra rằng, ngay cả khi có đầu tư nước ngoài, khu vực nhà nước cũng sẽ không thể tạo ra con số cần thiết 1 triệu công việc mỗi năm. Họ đã ra một quyết định lịch sử: để cho khối tư nhân phát triển. Tháng 5 năm 1999, một Luật Doanh nghiệp mới được thông qua, loại bỏ phần lớn thủ tục hành chính phiền hà ngăn cản các công ty tư nhân có thể tự đăng ký chính thức. Khi luật có hiệu lực vào ngày 1 tháng giêng năm 2000, ảnh hưởng gần như ngay tức thì: trong 5 năm sau đó, 160.000 doanh nghiệp được đăng ký mới. Phần lớn trong số này đã hoạt động từ trước đó mà không có giấy phép, và nay họ tận dụng luật mới để đăng ký. Tuy nhiên, luật cũng có nghĩa là khối tư nhân cuối cùng đã đến Việt Nam – 20 năm sau ngày bắt đầu cải cách kinh tế. Với sự nhận thức muộn màng này, có lẽ quá trình hình thành kéo dài đã cho những công ty “tiểu thương” nhỏ bé thời gian để tạo vốn và đúc rút kinh nghiệm trước khi cú sốc tàn nhẫn của các lực lượng thị trường không bị kiểm soát đè họ bẹp dí. Ở khía cạnh ấy, Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế “chuyển đổi” khác.

Sau khi khối tư nhân được giải phóng, xung đột lớn cuối cùng trong nội bộ Đảng là về việc nên mở cửa rộng tới mức nào để chào đón thương mại quốc tế. Mâu thuẫn kết lại trong vấn đề nên hay không nên ký Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) với Mỹ. Đàm phán bắt đầu từ năm 1995, chấm dứt tại Hà Nội năm 1997, nhưng sau đó lại được tiếp tục. Sau 9 vòng đàm phán dài – phiên cuối cùng vào tháng 7 năm 1999, kéo dài 17 tiếng đồng hồ - hai bên thống nhất về cái được coi là bản hiệp định thương mại phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ, dài tới 100 trang. Một nhân vật chủ chốt ở bên phía Việt Nam là Phó Thủ tướng lúc đó, ông Nguyễn Tấn Dũng. Liên tục, liên tục, mỗi khi đàm phán có vẻ đi vào ngõ cụt, người Mỹ lại nói chuyện trực tiếp với ông Dũng và thế bế tắc lại được gỡ bỏ. Nhưng thỏa thuận của ông Dũng không làm hài lòng những thành phần trong Đảng lúc đó vốn vẫn thù địch với thương mại nước ngoài và Mỹ. Một lễ ký kết chính thức được sắp xếp để diễn ra vào hội nghị thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương năm đó – nhưng đã bị hủy vào phút cuối cùng do các nhân vật chủ chốt đòi phải đưa bản text cho cơ quan ra chính sách của Đảng, tức là Ban Chấp hành Trung ương Đảng, duyệt trước. Mãi cho đến tháng 7 năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương mới đồng ý ký. Đó là một hội nghị đáng nhớ. Trung ương Đảng không chỉ đồng ý ký BTA, mà họ còn phê chuẩn việc mở một thị trường chứng khoán ở TP.HCM. Từ thời điểm ấy trở đi, tăng trưởng trong khu vực tư nhân bắt đầu vượt khu vực nhà nước và cứ duy trì như thế. Việt Nam đã được đặt vào một con đường hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế - sẽ lên tới cao trào (sau quá trình đàm phán kéo dài) khi họ chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 1 năm 2007. Khi đó Nguyễn Tấn Dũng, người đã giúp người Mỹ đàm phán BTA, là Thủ tướng của đất nước và là nhà cải cách hàng đầu, con gái ông là nhà kinh doanh ngân hàng.
Đoan Trang biên dịch

Đọc truyện đêm khuya: Sự tích VinaShin

Đây là phần tiếp theo trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội. Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết.

* * *
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một phần rất dễ nhìn thấy trong nền kinh tế. Huy động tới hàng triệu nhân công và đóng góp rất nhiều thuế, nhưng nó lại không chi phối nổi những đỉnh cao chỉ huy (*). Công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn bị nhà nước kiểm soát, ít nhất là trên lý thuyết. Năm 2005, 122 trong số 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Số liệu đã thay đổi chút ít kể từ đó, mặc dù một số ngân hàng tư nhân giờ đây đang sánh kịp bạn bè. Đối với Đảng, khu vực nhà nước mạnh là cách để họ duy trì sự tự chủ của quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa. Nghĩa là Đảng có thể vẫn đặt ra những mục tiêu lớn – như là quyết định phát triển “kinh tế biển” vào tháng 12 năm 2006 - một khái niệm rộng mênh mông bao trùm tất cả mọi thứ từ dầu đến cá và tàu. Đảng cũng quyết tâm duy trì mức độ kiểm soát cao của nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực quan trọng chiến lược như tài nguyên thiên nhiên, vận tải, tài chính, cơ sở hạ tầng, quốc phòng và truyền thông.

Đảng đã rút ra bài học từ những lỗi lầm trong quá khứ: cách ly doanh nghiệp quốc doanh khỏi thế giới bên ngoài chẳng mang lại lợi ích gì cho đất nước – để thịnh vượng, họ cần vốn đầu tư mới và những kỹ năng quản lý, kỹ thuật hiện đại. Họ đã sẵn sàng sử dụng tất cả các mẹo mực trong sách vở tư bản để kích thích phần xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế cất cánh. Doanh nghiệp được tự do lập các liên doanh với đối tác nước ngoài và bán cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại quốc, thậm chí là “cổ phần hóa” (từ “tư nhân hóa” vẫn bị nghi hoặc về mặt chính trị) – chỉ miễn là toàn bộ khâu quản lý phải tuân theo lệnh Đảng. Đổi lại, các DNNN nhận được sự hỗ trợ ưu đãi của chính phủ. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất, tuy không phải duy nhất, là tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam: VinaShin.

VinaShin có mục tiêu đầy tham vọng: đưa Việt Nam thành quốc gia đóng tàu đứng thứ tư thế giới vào năm 2018. Một trong những biện pháp để họ làm điều này là sử dụng hỗ trợ tài chính của nhà nước để đóng tàu rẻ hơn bất kỳ nơi nào khác. Một trong những kẻ hưởng lợi là công ty Anh, Graig. Nằm ở thủ phủ Cardiff của xứ Wales, Graig chuyên đặt mua những tàu vận tải cỡ lớn và sau đấy bán chúng đi, chẳng khác gì mua bán ngựa thồ trong mậu dịch biển quốc tế. Tàu “Diamond 53s” của họ, trọng tải toàn phần 53.000 tấn, đặc biệt thành công. Hầu hết tàu của Graig được đóng ở Trung Quốc, nhưng vào năm 2004, VinaShin trúng một hợp đồng đóng 15 chiếc tàu với tổng giá 322 triệu USD. Hợp đồng không bao giờ có thể được ký nếu không có sự hậu thuẫn của ngân hàng. Cơ sở vật chất và kỹ năng ban đầu của VinaShin kém đến mức Graig cần một sự bảo đảm rằng họ sẽ được nhận lại tiền nếu tàu không nổi trên mặt nước. Nhưng các ngân hàng tư nhân không cung cấp khoản bảo lãnh và lúc đầu thì các ngân hàng quốc doanh cũng từ chối. Chỉ đến khi đích thân Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo khối ngân hàng quốc doanh tiến hành bảo lãnh, một ngày trước khi hợp đồng phải ký theo kế hoạch, thì mọi sự mới được xúc tiến.

Cho đến tháng 4 năm 2006, con tàu đầu tiên đã sẵn sàng hạ thủy ở bãi tàu Hạ Long, thuộc tỉnh Quảng Ninh, cực đông bắc Việt Nam. Đó là một sự kiện trọng đại. Tàu Florence là con tàu lớn nhất từng được đóng ở Việt Nam. Vào ngày hạ thủy, thân tàu màu đỏ - đen, dài 190 mét, cao vượt hẳn lên trên đầu đám đông tới 30 mét. Công nhân đóng tàu im hơi lặng tiếng, còn những người ở cấp cao hơn họ được mời tới dự sự kiện trọng đại thì đều có mặt. Đấy là khoảnh khắc quyết định đối với nền công nghiệp hàng hải Việt Nam. Lệnh ban ra, tàu Florence bắt đầu xuống đường trượt. Mọi người đều vỗ tay kéo dài một lúc. Nhưng vài giờ sau đó, sự rầm rĩ bị thay bằng nỗi xấu hổ. Florence bị một vết nứt – hầm số 4 (trong số 5 hầm) ngập đầy nước. Đây không phải điều VinaShin muốn công bố trong ngày hôm ấy, ngày được coi là đánh dấu sự gia nhập của Việt Nam vào liên minh các nước đóng tàu lớn. Báo chí đưa ra vài lời giải thích: rằng thì là một khối dầm gỗ rơi vào tàu trong quá trình hạ thủy và xé một lỗ đường kính 1 mét trên thân tàu; đường trượt được xây quá ngắn và quá dốc nên thân tàu bị nứt khi tiếp nước. Mặc dù (đã tiếp nhận) những khóa đào tạo và lời tư vấn từ Graig, VinaShin rõ ràng cần học hỏi thêm về ngành đóng tàu.

Tuy nhiên, lỗ thủng được hàn và tàu Florence giờ đây đã an toàn lướt trên đại dương, cùng với vài con tàu Diamond 53s khác do Việt Nam đóng. Kể từ lần hạ thủy kém may mắn đó, Graig đã tăng cường ký kết hợp đồng với VinaShin, thuê đóng thêm 29 tàu Diamond 53s và 10 Diamond 34s nhỏ hơn – tổng trị giá 1 tỷ USD. Nhưng nhà kinh tế trường Harvard David Dapice đã thắc mắc: làm thế nào mà cả Việt Nam có thể hưởng lợi từ hợp đồng, nếu xét đến khoản ngân sách phình to dồn cho VinaShin. Ông ước tính, công ty có thể thua lỗ tới 10 triệu USD cho mỗi con tàu trong mẻ 15 tàu đầu tiên đóng cho Graig, và ông đặt vấn đề liệu đây có phải cách tiêu tiền tốt nhất của một nước nghèo? Nhưng lúc này, các mối quan tâm khác đã xác định chương trình nghị sự. VinaShin là phần thiết yếu trong chiến lược “kinh tế biển” và vì thế, ít nhất là vào thời điểm đó, nó có rất nhiều việc đã chậm trễ cần phải làm để đạt được điều mình muốn – như là chịu lỗ một khoản khổng lồ trong hợp đồng để rút ra kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho tương lai. Nhưng đây không phải việc duy nhất VinaShin làm với số tiền đi vay dễ dàng của họ. Giống như nhiều tập đoàn nhà nước lớn khác, VinaShin dịch chuyển sự chú ý từ nhiệm vụ chính yếu của họ sang những lĩnh vực tiềm ẩn các dấu hiệu rắc rối lớn cho Việt Nam.

Một phần khoản tiền đi vay kia dồn vào ngành đóng tàu, nhưng suốt cả năm 2007, VinaShin thành lập 154 công ty con – cứ một ngày rưỡi lại mở một công ty mới, kể cả cuối tuần. Trong số những cơ sở đầu tư mới này có một nhà máy bia và một tổ hợp khách sạn ở tỉnh Nam Định. Đương nhiên không chỉ có VinaShin như thế. PetroVietnam, nhà độc quyền sản xuất dầu mỏ của đất nước, cũng chuyển sang kinh doanh khách sạn, còn các DNNN khác thì xây bất động sản xa xỉ. Trong hai năm 2007, 2008, những khoản đầu tư như thế góp phần thổi lên một bong bóng bất động sản khổng lồ. Nhưng còn nguy hiểm hơn cho đất nước là việc các DNNN bước vào lĩnh vực tài chính. Việt Nam đang đi đúng vào con đường quen thuộc của Đông Á. Các tập đoàn nhà nước lớn nhất lập nên những kênh vốn không minh bạch để tài trợ cho những dự án mà tính khả thi về kinh tế là tối thiểu. Cho tới tháng 6 năm 2008, 28 tập đoàn nhà nước đã chi khoảng 1,5 tỷ USD để xây dựng hoặc mua lại cổ phần kiểm soát ở các công ty quản lý quỹ, công ty môi giới chứng khoán, ngân hàng thương mại và ngân hàng bảo hiểm. Ba phần tư số công ty tài chính Việt Nam hiện do những tập đoàn nhà nước lớn nhất (còn gọi là Tổng Công ty) sở hữu. Các tập đoàn xi măng, than, cao su, mỗi đơn vị đều nắm ít nhất một công ty tài chính. Theo luật Việt Nam, “công ty tài chính” gần như giống hệt ngân hàng, trừ việc nó không thể thanh toán nợ. Nhưng một số Tổng Công ty bây giờ cũng đã có cổ phần ở ngân hàng. VinaShin sở hữu một phần Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), và còn vài ví dụ khác nữa. Nhiều DNNN đã mua lại, dưới hình thức cổ phần, hợp đồng giao dịch của các công ty chứng khoán.

Tổng hợp tất cả những điều này lại, sẽ thấy một vài tập đoàn nhà nước lớn nhất của Việt Nam có tiềm năng trở thành những “chiếc hộp đen” tự đầu tư. Các thỏa thuận về quỹ này quỹ nọ đều không minh bạch. Cuối năm 2008 chẳng hạn, Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 40% công ty tài chính EVN (EVN Finance) và 28% ngân hàng ABB, đổi lại ngân hàng sở hữu 8% EVN Finance. Để hoàn tất cái vòng luẩn quẩn này, cả ABB lẫn EVN đều sở hữu những công ty chứng khoán có cổ phần ở EVN Finance. Nói theo ngôn ngữ của một báo cáo gần đây cho Chương trình Phát triển của LHQ ở Việt Nam, “Các Tổng Công ty có thể bảo lãnh, mua lại, bán đi, thao túng và hưởng lợi từ việc cổ phần hóa các công ty thành viên của họ”. Vô số cơ hội nảy sinh cho những hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật và gây mất ổn định quốc gia. Giám đốc các Tổng Công ty tưởng rằng họ có thể kiếm nhiều hơn bằng việc kinh doanh một cách tài tử ở những lĩnh vực khác thay vì trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Như một quan chức cao cấp ở tập đoàn dầu khí độc quyền PetroVietnam đã nói với báo chí: “Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là hiệu quả kinh doanh. Hơn 40% thu nhập của tập đoàn chúng tôi đến từ những ngành không phải dầu khí. Chúng tôi biết mình phải tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chủ yếu, song nếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là không hiệu quả, thì tại sao chúng tôi lại phải đầu tư?”. Mặc dù đã hưởng lợi từ sự hào phóng của nhà nước, nhưng các vị giám đốc công ty vẫn thường chăm lo tự tưởng thưởng cho mình hơn là lo đến tài sản chiến lược của quốc gia.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản thích DNNN, bởi vì DNNN có thể thực thi chính sách của họ. Đảng viên nào quản lý DNNN có thể được lệnh triển khai chính sách của Đảng. Nhưng nhiều vị giám đốc thích làm quản lý ở DNNN bởi vì chỗ ấy cung cấp cho họ vô vàn cơ hội làm giàu cá nhân. Lập một công ty con và tự chỉ định mình vào ban quản trị là cách kiếm tiền cực dễ. Một cách nữa là lập công ty tư nhân cho bạn bè hoặc họ hàng quản lý, rồi bán rẻ tài sản của công ty đó đi, hoặc là ban cho nó những hợp đồng béo bở. Kiếm tiền dễ như thế, không khó để hối lộ kiểm soát viên và quan chức để họ làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp luật. Các đảng viên chịu trách nhiệm quản lý “cái đuôi” DNNN rút cục thường là bỏ quên chính sách “chó” của Đảng. Nhưng đây chưa phải đã hết chuyện. Điều đáng lưu ý đối với trường hợp Việt Nam là cái cách Đảng Cộng sản kỷ luật những đảng viên có sai phạm, vào thời điểm khủng hoảng.

CHÚ THÍCH

(*) Những đỉnh cao chỉ huy (commanding heights) của nền kinh tế là khái niệm do Lenin sử dụng để chỉ những ngành kinh tế có thể kiểm soát được và hỗ trợ được cho các ngành khác. Có thể hiểu chúng như những ngành "mũi nhọn" của nền kinh tế, chẳng hạn dầu khí, thép, điện lực... Gần đây có quan điểm cho rằng giáo dục và y tế cũng có thể được coi là các đỉnh cao chỉ huy mới. (chú thích của người dịch)
* * *
Đoan Trang biên dịch

Đọc truyện đêm khuya: “Ô dù” và chủ nghĩa de Gaulle

Đây là phần tiếp theo trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội. Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết.
* * *

Để hiểu chuyện này xảy ra như thế nào, rất nên nhìn vào đường lối điều hành. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn cai quản đất nước theo một hình thức tương tự như chủ nghĩa de Gaulle (Gaullism) ở Pháp. Dưới chế độ de Gaulle kiểu Việt Nam, một tầng lớp tinh hoa sau hậu trường (tức Đảng Cộng sản) sẽ vạch ra định hướng tổng thể về chính sách và sau đó ủy quyền việc thực hiện cho nhà nước (do Đảng kiểm soát). Chính phủ khi đó sẽ ra luật và sử dụng bất cứ nguồn lực nào có sẵn – hệ thống hành chính quan liêu của nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước (người dịch viết tắt: DNNN), khu vực tư nhân, giới đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ quốc tế hoặc bất kỳ ai khác – để thực thi chính sách. Và, từ phía sau hậu trường, Đảng sẽ giám sát, kiểm soát, cưỡng ép các diễn viên khác nhau vào vai để đảm bảo là chính sách được tuân thủ. Ít nhất đó là những gì Đảng muốn thấy. Sự thực lại thường không như thế. Đôi khi Đảng đóng vai trò như lực lượng gắn kết – ra quyết định và thực thi – đôi lúc lại chia rẽ, một phần vì vấn đề ý thức hệ nhưng càng ngày càng xuất phát từ chuyện các cá nhân và mạng lưới quan hệ đỡ đầu, bảo trợ cho cá nhân đó. Không ai được bầu vào ban lãnh đạo của Đảng – Bộ Chính trị, gồm 15 người – mà lại không phải xây dựng một mạng lưới vây cánh ủng hộ và đổi lại, phải cho vây cánh ấy lợi ích. Tìm hiểu xem một quyết định cụ thể nào đó là kết quả của ý thức hệ hay của lợi ích vây cánh thường là điều bất khả. Trong phần lớn trường hợp, có lẽ mỗi quyết định là kết quả của cả hai thứ này.

Lấy ví dụ ông T. (*) Điểm xuất phát của ông T. trước khi vươn lên vị trí quyền lực là chính quyền tỉnh Bình Dương, một tỉnh ngay sát TP.HCM. Ông đã góp phần biến tỉnh này thành một nhà máy năng lượng kinh tế, thu hút những luồng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ, tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Ông đã làm được việc ấy bằng cách bẻ cong luật – xé rào – để làm vừa lòng giới đầu tư. Ông lách qua các quy định về quy hoạch để có được những khu công nghiệp, ông tiến hành những thỏa thuận về thuế để thu hút công ty nước ngoài và giúp doanh nghiệp một tay nếu họ cần. Phần thưởng cho thành công của ông là sự thăng tiến trong Đảng, đầu tiên lên vị trí lãnh đạo TP.HCM và sau đó làm nguyên thủ quốc gia. Nhưng căn cứ địa của ông vẫn ở Bình Dương và bây giờ nơi ấy là thái ấp của gia đình ông. Cháu trai của ông đã tiếp quản cương vị lãnh đạo tỉnh, gia đình ông kiểm soát nhiều cơ cấu hành chính trong tỉnh. Người Việt Nam hay nói chuyện ai đó “có ô dù”. Cái “ô” của ông T. đã che chở gia đình và mạng lưới vây cánh của ông ở Bình Dương, cũng như “ô” của những đồng sự của ông đã che chở gia đình, vây cánh của họ ở các địa phương khác. Sự che chở của họ cho phép các tỉnh, DNNN, và ngày càng nhiều cá nhân đứng đầu DNNN, quyền tự do bẻ cong và phá luật, vì biết là mình được “bảo vệ” trước pháp luật. Tuy nhiên cũng có giới hạn cho việc một lãnh đạo cấp nhà nước có thể thúc đẩy lợi ích của vây cánh địa phương mình tới đâu. Cuối cùng thì lợi ích quốc gia vẫn tồn tại đó. Chính sách phải là kết quả của sự đồng thuận: lợi ích của quốc gia, phe phái và địa phương đều phải được thỏa mãn. Nhưng để đạt tới đồng thuận thường đòi hỏi các bên phải đánh nhau rất dữ.

Đầu năm 2008, chính phủ nhận thấy rằng bong bóng bất động sản và chứng khoán đã phình quá to. Tác động của thời kỳ hoang dã này đối với thị trường chứng khoán tràn cả ra bên ngoài. Năm 2006, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất, VNI trên Sở Giao dịch TP.HCM, đã tăng 145%. Trong hai tháng rưỡi đầu năm 2007, nó tăng thêm 50% nữa. Sàn giao dịch của các công ty môi giới lớn trong thành phố đầy chật người tham gia. Một số dốc hết tiết kiệm vào ván bạc trên thị trường. Niềm lạc quan không bị kiềm chế chút nào. Ngày 12 tháng 3 năm 2007 VNI lên mức kỷ lục 1.170 điểm. Nó sẽ không bao giờ đạt tới điểm đó lần nữa. Nó nhảy qua lại một tí, và vào cuối năm vẫn tăng khoảng 20%. Nhưng sau đó, sang năm 2008, nó sụp đổ. Chỉ số này rơi một mạch 70%, quét sạch khỏi thị trường rất nhiều nhà kinh doanh chứng khoán thời ấy cùng những gia đình đã đánh bạc bằng cả khoản tiết kiệm của họ. Lạm phát tăng 30%, các hộ dân ở thành phố không đủ sống, công nhân nhà máy đình công và bất mãn ngày càng tăng. Tình hình bắt đầu giống như sự khởi đầu của một mối đe dọa đối với quyền lãnh đạo của Đảng. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải phản công.

Tháng tư năm 2008, Thủ tướng Dũng công khai đề nghị các DNNN hạn chế những ngành kinh doanh không phải lĩnh vực chính của họ ở mức 30% tổng vốn. Việc chính phủ phải xuống nước “kêu gọi” DNNN tuân thủ luật pháp đã bộc lộ những vấn đề mà chính phủ đang phải đối diện trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát. Các DNNN chẳng nghe; đánh nhau nội bộ sau hậu trường càng tăng lên. Chính phủ buộc phải thử một con đường khác. Ngân hàng trung ương – đơn vị đã và đang cho các tổng công ty vay rất dễ dàng với lãi suất thấp và lượng cung tiền hào phóng – nhận lệnh vào cuộc. Lãi suất được nâng lên và dòng tiền cho vay bị giảm xuống. Những cái ô bảo trợ được cất đi; lãnh đạo bắt buộc phải hành động vì lợi ích quốc gia. Có kết quả: nền kinh tế hạ nhiệt và khủng hoảng giảm bớt.

Ban đầu các tổng công ty vận hành theo mô hình chaebol của Hàn Quốc. Các chaebol có rất nhiều nhược điểm, nhưng một số, chẳng hạn Hyundai và Samsung, quả thật đã trở thành các nhà xuất khẩu lớn. Các tổng công ty của Việt Nam kém thành công hơn thế nhiều: VinaShin giành được đơn đặt hàng là nhờ ra giá thấp dưới mức chi phí, còn các hợp đồng bán dầu của PetroVietnam ở Cuba và Venezuela thì là kết quả của chính sách ngoại giao của nhà nước hơn là năng lực kinh doanh. Nhiều công ty dệt may quốc doanh bị thua lỗ và ngành thép thì cũng lạc hậu. Nhưng khu vực quốc doanh vẫn cứ là trụ cột cho sự kiểm soát của Đảng – vừa là công cụ để thực thi chính sách kinh tế vừa là biện pháp làm hài lòng vây cánh ở địa phương, công đoàn và những nhóm lợi ích khác. Mặc dù nhiều DNNN đang bị bán đi, Đảng vẫn nêu rõ quyết tâm giữ lấy 50-100 DNNN quan trọng nhất. Chúng tiếp tục hưởng lợi từ sự hào phóng của nhà nước. Mặc dù cái thời kỳ ngân hàng quốc doanh cho vay dễ dàng nhìn chung đã thuộc về quá khứ rồi, nhưng vẫn còn vô số cách để bơm tiền cho DNNN. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ngân hàng quốc doanh, được thành lập từ tiền viện trợ của các chính phủ nước ngoài) và Quỹ Bảo hiểm Xã hội của nó (được kỳ vọng trở thành nhà đầu tư đơn lẻ lớn nhất trong nước vào năm 2015) dường như đang vận hành giống như những “quỹ đen” không minh bạch, phục vụ lợi ích của khu vực nhà nước. Rõ ràng DNNN có một tương lai quan trọng, không nhất thiết tươi sáng, ở phía trước.

* * *

Sự đan xen xoắn xuýt giữa Đảng và doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong khu vực nhà nước mà còn lấn át cả ở khu vực tư nhân. Nhiều công ty “tư nhân” đều từng là DNNN hoặc vẫn còn có phần sở hữu của nhà nước, hoặc đang do đảng viên cai quản. Thậm chí các công ty thật sự là tư nhân cũng gần như không thể có được giấy phép, giấy đăng ký, giấy tờ thủ tục hải quan hoặc nhiều loại giấy tờ quan trọng sống còn khác, nếu không có quan hệ tốt. Công ty nào không tham gia cuộc chơi thì sẽ mau chóng gặp rắc rối. Khảo sát cho thấy ngay cả ngân hàng tư nhân cũng thích cho những người “có quan hệ” vay tiền hơn. Hầu hết những người kiểm soát các đỉnh cao chỉ huy của khu vực tư nhân đều hoặc là do Đảng chỉ định, hoặc người thân, bạn bè của người được chỉ định đó. Tầng lớp tinh hoa của Đảng Cộng sản đang biến chủ nghĩa tư bản Việt Nam thành kiểu công ty gia đình. Tầng lớp tinh hoa mới trong giới thương nhân thì không tách khỏi Đảng Cộng sản mà lại là thành viên của Đảng, hoặc có liên quan tới Đảng...

Trên thực tế là quá nhiều, đến mức người Việt Nam bây giờ có một “thành ngữ” đặc biệt để định danh những trường hợp như thế: “COCC”, hay “5C”. COCC là lớp người ít thâm niên hơn trong tầng lớp elite cộng sản-doanh nhân mới – lãnh đạo các địa phương, quan chức chính quyền và quan chức Đảng nhưng ở cấp thấp hơn. COCC là bốn chữ cái đầu của Con Ông Cháu Cha – nghĩa đen là “con của bố, cháu của ông”, nhưng ý nghĩa của câu này rất rõ ràng với bất kỳ ai đã quen với truyền thống của các gia đình Việt Nam – con trẻ trung hiếu với cao niên, bậc cao niên bảo vệ con trẻ. Những người ở dưới cái ô của COCC có thể thoát khỏi gần như mọi rắc rối, vì các bậc bảo trợ cho họ ở cấp cao hơn cả công an và tòa án. Tầng lớp elite thật sự được gọi là 5C: họ có thể thoát khỏi tất cả các rắc rối. Thậm chí người ta còn bảo rằng một cậu con trai 5C đã từng giết người, nhưng mọi chuyện đều được giữ kín. 5C là viết tắt của Con Cháu Các Cụ Cả - nghĩa đen là “tất cả con và cháu của cụ”. Cụ là địa vị cao nhất trong gia đình Việt Nam, và mọi vị Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản về cuối đời đều được gọi bằng đại từ này. Cái ô của 5C tỏa rộng – vươn cả ra khỏi những con cháu trực hệ để ít nhiều che luôn cho cả đại gia đình.

Ở Việt Nam, những mối quan hệ như thế đều có giá trị quy ra tiền cả. Các công ty – kể cả trong nước lẫn nước ngoài – đều sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để được giới thiệu và tiếp xúc với giới hoạch định chính sách. Những người đã có cửa tiếp cận rồi – thông qua quan hệ thân thuộc trong gia đình – có lợi thế cực lớn. Được giới thiệu một cách tích cực đến một quan chức chủ chốt nào đó có thể tốn tới 100.000 USD. Tiền thường không rót trực tiếp vào túi chính trị gia, mà đến tay người hỗ trợ cho chính trị gia ấy – thường là họ hàng. Đôi khi không phải là tiền mà là quà, thậm chí một căn hộ cho không, đấy là lý do tại sao các nhân viên nhà nước với mức lương danh nghĩa 100 USD/tháng lại có thể hưởng thụ mức sống ngang với một giám đốc kinh doanh thành đạt. Người Việt Nam hay nói về chế độ “chân trong chân ngoài”. Một thành viên trong gia đình làm một công việc được trả lương rất thấp ở đâu đó trong hệ thống hành chính, đó là cách hữu hiệu để duy trì quan hệ, trong khi vợ con, anh em, cháu anh ta có thể tìm kiếm công việc làm ăn ở bên ngoài. Biên chế chính thức bây giờ cũng có giá trị. Lãnh đạo các cơ quan ban ngành có thể giã tới vài nghìn đôla cho một vị trí cấp thấp nhưng có nhiều cơ hội và mối quan hệ.

Nhưng giới thiệu, tiến cử chỉ là một cách để kiếm tiền. Thân nhân của các quan chức cấp cao tìm ra chỗ màu mỡ trong khắp thế giới kinh doanh. Kể từ khi cuộc cải cách kinh tế chớm bắt đầu, tầng lớp elite của Đảng đã gửi con cái ra nước ngoài du học và để cho chúng lên cao dần, có lợi thế kinh doanh. Con cái họ trở về nước, có học hơn và sẵn sàng tiếp nhận công việc ở những cơ sở có đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân mới…
* * *
(*) Người dịch viết tắt tên của nhân vật. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu trong chương I cuốn “Vietnam - Rising Dragon” của nhà báo Bill Hayton. Mong được lượng thứ.
Đoan Trang biên dịch

Đọc truyện đêm khuya: Đất đai, nông dân và nông thôn Việt Nam

Đây là một phần Chương II, Selling the Fields (“Bán ruộng”) trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội giai đoạn 2006-2007. Trong bối cảnh vụ Tiên Lãng báo hiệu nhiều xáo trộn, tôi nghĩ sẽ là một việc có ích, ít nhất cũng là điều thú vị, nếu chúng ta tham khảo những gì một nhà báo phương Tây từng viết về nông thôn Việt Nam cách đây vài năm.

Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết. Một nhân vật được nhắc tới trong đoạn dưới đây – ông Vũ Ngọc Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – đã mất năm 2008. 

 
* * *

Mồng 10 tháng giêng năm 2007, trước ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tran Thi Phu cào đất trên thửa ruộng của mình ở tỉnh Hà Tây và chở đất đi bằng xe cải tiến. Dưới bầu trời mùa đông buồn tẻ, chị và người em họ dùng cuốc cạo hết lớp đất ở trên, đổ vào những chiếc bao tải cũ đựng phân bón và kéo bao tải lên xe. Tiếp theo, hai chị em sẽ đẩy xe vào làng, Hoài Đức, cách đó vài trăm mét, để bán đất ấy cho một người hàng xóm đang muốn phát triển vườn cây ăn quả. Khắp cánh đồng sau lưng họ là một dọc những cọc gỗ thấp dùng để đánh dấu. Chỉ trong vòng vài tuần nữa thôi, chúng sẽ đánh dấu cái ranh giới giữa tương lai và quá khứ. Mọi thứ ở bên trái họ rồi sẽ trở thành một phần trong một dự án bất động sản tư nhân, còn bên phải họ thì những phụ nữ chân đất vẫn sẽ tiếp tục trồng cấy lúa bằng tay không. Mới hôm trước đó, chị Phu được thông báo là chị sẽ nhận được khoản đền bù bằng mức thu nhập của khoảng 5 năm làm nông dân trên thửa ruộng của chị. Nhưng thông tin đó không làm chị vui. “Tôi chẳng biết dùng tiền ấy làm gì cả” – chị nói. “Có lẽ tôi sẽ đầu tư vào cái gì đó, nhưng cũng chưa biết là vào đâu. Tôi là nông dân, tôi chỉ biết trồng lúa và nuôi gà nuôi lợn thôi. Tôi không biết kinh doanh, không biết mua bán gì cả. Tôi muốn nhà nước xây một nhà máy lớn ở đây để rồi chúng tôi đi làm công nhân, như thế tốt hơn là bồi thường bằng tiền hay căn hộ”.

Phía bên phải hàng cọc, cuộc sống vẫn tiếp tục như thường. Mặc dù phải cưỡi trâu dầm trong làn nước giá lạnh của mùa đông, nhưng một nông dân khác, chị Nguyen Thi Hang, lại tỏ ra còn hơn cả hài lòng với số phận của mình. Chị cho là đời sống đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. “Cách đây 5 năm, tôi phải mất gần cả ngày để đẩy xe đạp từ chợ ở Hà Nội về nhà, chở rau cỏ cho trâu bò lợn. Bây giờ thì tôi có thể ra Hà Nội và quay về trong vòng hai tiếng đồng hồ, nếu được ông xã đèo bằng xe máy”. Chị là một điển hình của nông dân hiện đại. “Trước kia phải mất sáu tháng để nuôi một con lợn ta lên được 60 cân, còn giờ tôi có thể vỗ béo một con lợn giống Tây lên 60 cân chỉ trong hai tháng”. Câu chuyện thành công của chị còn lặp lại ở nhiều nơi trên khắp đất nước; thật là tin xấu đối với giống lợn sề của Việt Nam – đám lợn này gần như đã tuyệt chủng ở quê hương của chúng – nhưng là một tiến bộ mang tính cách mạng đối với hàng triệu nông dân Việt Nam. Vợ chồng chị Hang vẫn tiếp tục làm ruộng, nhưng con cái của họ thì không còn ý định sống cả đời trong cảnh lưng còng, tay đầy bùn nữa. Ngày ngày chúng đi xe máy về Hà Nội, con trai đi làm cho một công ty máy tính, con gái làm cho một cửa hàng bán quần áo. 5 năm về trước, chúng còn sung sướng được cưỡi xe Honda Dream sản xuất ở Trung Quốc. Bây giờ, chúng không dại gì chết tắc với loại xe dành cho ông già đó. Đồ chúng mua sắm, dù là xe máy hay điện thoại di động, đều phải nhằm mục đích phô trương.

Nhưng với tất cả những thứ đó, gia đình cũng sẽ không bỏ đất. Đất vẫn là chiếc mỏ neo của họ. Chính vì mất chiếc mỏ neo đó mà chỉ cách đó 100 mét, chị Tran Thi Phu đang than thở kia. Đối với cả hai người phụ nữ này, mà thật ra là đối với bất kỳ nông dân trên 30 tuổi nào, nạn đói vẫn cứ là một ký ức sống động. Vào đầu những năm 1980, sự kết hợp giữa các nguyên nhân chiến tranh, cấm vận, và chủ nghĩa xã hội nhà nước giáo điều, đã gây thiếu lương thực trầm trọng và dẫn đến nạn đói. Di chứng của cái thời ấy vẫn còn in đậm trên cơ thể của tất cả những người Việt Nam lớn lên trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nỗi sợ một chuyện tương tự như thế có thể lại xảy ra khiến nông dân bám chặt lấy đất: họ có niềm tin rằng điện thoại di động có ngừng kêu thì họ vẫn còn có thể tự trồng lúa và sống được. Mất đất là đâm đầu vào cảnh mất ổn định.

Hai người phụ nữ – Nguyen Thi Hang và Tran Thi Phu – là những bằng chứng sống về quá trình chuyển đổi ở Việt Nam. Đời sống hiện nay khá hơn cực nhiều so với 20 năm về trước. Hầu hết những thăng trầm khi xưa của đời sống nông dân đã được khắc phục. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm, bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, tuổi thọ kéo dài hơn. Đất đai được phân bổ rộng rãi và nông dân đã có quyền trồng cây gì họ muốn và đem bán, trên lý thuyết là cho bất kỳ ai họ muốn. Kết quả thật ấn tượng. Trong không đầy ba thập kỷ, số người nghèo giảm hẳn, nông thôn đã có điện; đường xá, trạm y tế, trường học và hệ thống vệ sinh đều được xây dựng. Nhưng vẫn còn cần nhiều thời gian để vượt qua những gánh nặng của quá khứ. Cuộc sống của người nông dân vẫn còn khó khăn.

Khi nền kinh tế tiến hành công nghiệp hóa, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm còn một nửa – từ 40% vào giữa thập niên 1980 xuống 20% ngày nay. Nhưng số nông dân giảm chậm hơn thế nhiều – từ ba phần tư dân số trong thập kỷ 80 xuống còn khoảng một nửa dân số như bây giờ. Nói cách khác, nông dân đang nhận một tỷ lệ thấp hơn lợi ích của tăng trưởng trong một số người rộng lớn hơn. Họ đã giàu lên, nhưng mức độ ít rõ rệt hơn so với những người lao động ngoài khu vực nông nghiệp. Tuy có một số nông dân khá giả, nhưng phần còn lại đang phải vật lộn để xoay sở, và họ có thêm một loạt vấn đề phải đối mặt. Gió độc vẫn thổi qua những cánh đồng lúa, dưới hình thức những vụ cưỡng chế đất đai, quan chức địa phương cướp bóc của dân, và sự biến động của thị trường toàn cầu. Các ảnh hưởng đều sẽ rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước, bởi lẽ nông thôn hiện giờ vẫn là nơi an cư đối với phần lớn người Việt – khoảng 70% – mặc dù, như hai phụ nữ nói trên đã chỉ ra, ở nhiều nơi, “nông thôn” tồn tại trong định nghĩa và phân loại của chính quyền nhiều hơn là trên đất đai. Một thời gian rất dài sau khi dự án bất động sản ở Hoài Đức hoàn thành, khu vực này chắc chắn vẫn sẽ được gọi là “nông thôn”.

Tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của nông dân đóng trụ sở ở một trong số rất nhiều biệt thự quét vôi vàng trong “khu Đảng” nằm dọc đường Quán Thánh (Hà Nội). Phòng họp của họ có cái công thức thường xuyên của mọi cơ quan nhà nước: rèm nhung đỏ, tượng bán thân bằng đồng của ông Hồ Chí Minh, và một khẩu hiệu lớn mạ vàng khẳng định rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Hội Nông dân là một trong những “tổ chức quần chúng” chủ lực của Đảng. Vai trò của nó là làm “sợi dây nối” giữa nông dân và Đảng – nhưng cũng là hướng dẫn nông dân về chính sách của Đảng. Lãnh đạo Hội năm 2007, ông Vũ Ngọc Kỳ, giữ một nhiệm vụ khó tới mức đáng sợ, nhưng vẫn còn dành thời gian rảnh rỗi để sáng tác và xuất bản thơ. Hôm tôi gặp ông, ông vừa hoàn thành một tập thơ nữa – thơ ca ngợi các thành viên của Hội. Trong đó, ông kêu gọi nông dân hãy làm giàu cho đất nước để đất nước bắt kịp với phần còn lại của thế giới. “Mùa xuân đến đem theo bao hy vọng, hoa hồng tươi và chúng ta lại tiến tới ngày mai…”, có một câu thơ như vậy. Nhưng ông cũng rất ý thức được rằng đối với những người nông dân đang chật vật tồn tại, mùa xuân mang đến điềm gở hơn là vận hội. Liệu còn đủ cái ăn cho tới mùa gặt không? Làm sao xoay sở được?

Không như các lãnh đạo nông dân ở nhiều nước khác, ông Kỳ không coi công việc của mình là phải bảo vệ quyền của các thành viên trong hội – quyền được ở trên đất của họ. Ông tỏ ra rất thẳng thắn khi nói về những việc cần làm. “Hiện tại chúng tôi có 32 triệu người lao động ở nông thôn, và có thể nói rằng khoảng 10 triệu trong số họ ở trong tình trạng bán thất nghiệp”. Giải pháp của ông không phải là yêu cầu nhà nước trợ cấp nhiều hơn cho nông dân để duy trì cuộc sống của họ. Đảng đã quyết định công nghiệp hóa đất nước, một số lượng lớn nông dân phải rời đất, và với tư cách chủ tịch Hội Nông dân, ông sẽ phải làm sao để bảo đảm việc đó. Ông Kỳ dự đoán là trong những năm tới, một phần ba số nông dân cả nước sẽ thất nghiệp, như là kết quả của hiện đại hóa nông nghiệp và cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. “Do đó, việc quan trọng nhất bây giờ là phải đào tạo để họ có kỹ năng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của các ngành dịch vụ” – ông bảo vậy. Nói cách khác, nông dân cần được đào tạo lại để trở thành bồi bàn hoặc lái xe. Hội Nông dân đã hoàn toàn dựa vào (lý thuyết) phân chia giai cấp để đào tạo những kỹ năng mà họ nghĩ là sẽ cần thiết trong nền kinh tế mới.
Đoan Trang dịch từ nguyên bản tiếng Anh

Trước hết là một thái độ (Nguyễn Gia Kiểng)

“…Dân chủ không phải là một khuynh hướng chính trị mà là một quyền. Và đã là quyền thì chỉ có đòi hỏi chứ không thể thảo luận và nhân nhượng... Chúng ta có quyền và họ chỉ có lỗi. Đừng đảo lộn vị thế. Chúng ta không có bổn phận phải khiêm tốn, chính họ phải khiêm tốn…”

Bài viết đầu năm của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giống nhưng bài viết trước đây của ông và của các cấp lãnh đạo cộng sản khác. Nó là một chuỗi những khẩu hiệu  đã được nhắc lại quá nhiều lần, một sự liệt kê lộn xộn những điều nên hoặc cần làm và những kể lể thành tích cường điệu trái với sự thực và bất chấp sự thực, trong một bài mà nhiều chữ hoa, chấm, phẩy, xuống dòng là những bôi bác đối với tiếng Việt.
Thí du:
"Đảng ta đã khẳng định Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến và từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là những bước tiến dài về dân chủ. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc". (1)
Hoặc:
"Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.100 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 20%".(1)
Tuy vậy thông điệp này đã được nhiều trí thức có tên tuổi bình luận một cách thuận lợi bởi vì nó nhắc nhiều lần đến "dân chủ""thể chế", những khái niệm nhậy cảm hiện nay. Nhiều vị đánh giá nó là chuyên chở một chỉ dấu chuyển động theo chiều hướng tốt. Có vị, như ông Tương Lai nếu tôi không lầm, còn nhiệt tình đến mức độ cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói mạnh dạn ở mức độ tối đa, ông không thể nói rõ hơn được vì như thế ông sẽ không còn là thủ tướng. Họ phấn khởi với thông điệp này và chờ đợi ông Dũng thể hiện những hứa hẹn bằng hành động.
Sự phấn khởi này, mà nhiều người bình tĩnh hơn không chia sẻ, có lý do của nó: lý do tâm lý chủ quan. Chúng ta quá mong đợi dân chủ và thay đổi thế chế, chúng ta thấy sự kéo dài của chế độ này quá vô lý, chúng ta tin rằng không thể nào những người cầm đầu chế độ lại có thể mù quáng đến độ không thấy rằng chế độ của họ phải thay đổi nhanh chóng. Từ đó chúng ta mong ngóng mọi chỉ dấu xác nhận niềm tin của chúng ta và nhiều trí thức đã đón nhận thông điệp của ông Nguyễn Tấn Dũng trong tâm lý đó. Nhưng liệu họ có quá lạc quan và lấy ước mong làm sự thật không? Liệu chúng ta có gán cho các cấp lãnh đạo cộng sản những "thiện chí" mà họ không hề có không?
Ông Dũng nói tới "dân chủ""đổi mới thể chế", nhưng điều này hoàn toàn không có gì mới. Các văn kiện của Đảng Cộng Sản Việt Nam và thông điệp của các lãnh đạo khác cũng đều đã nói tới, thậm chí hiến pháp của chế độ cũng đã đề cao dân chủ như một giá trị. Điều khác biệt đã khiến một số người phấn khởi là ông Dũng đã nhắc lại nhiều lần hai khái niệm này, dân chủ được lặp lại hơn 20 lần, đổi mới thể chế hơn 10 lần trong một bài viết khoảng 4000 chữ.
Nhưng nhắc lại như thế nào? Thật là đáng ngạc nhiên khi người ta có thể bình luận bài viết của ông Dũng mà không đặt câu hỏi ông có sử dụng cùng một ngôn ngữ với những người bình thường không. Những người tán thành ông Dũng hình như cho rằng ông cũng có cùng một định nghĩa về "dân chủ" và "đổi mới thể chế" như những người dân chủ; điều này hoàn toàn sai và khiến tất cả những phát biểu lạc quan của họ trở thành lạc đề.
Đối với mọi người có chút hiểu biết về chính trị dân chủ là cách tổ chức xã hội trên nền tảng nhà nước pháp trị phân biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó ít nhất ba quyền tự do sau đây được tôn trọng: 1/ tự do ngôn luận và báo chí; 2/,tự do tham gia và thành lập các tổ chức, gọi tắt là tự do kết hợp; 3/ tự do bầu cử và ứng cử vào các chức vụ công quyền. Một thể chế dân chủ đầy đủ hơn phải tuân thủ bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và hai công ước đính kèm. Các văn kiện này định nghĩa một chế độ dân chủ.
Người cộng sản có một cái nhìn khác hẳn về dân chủ. Đối với họ dân chủ có nghĩa tất cả mọi quyền không phân biệt lập pháp, hành pháp và tư pháp tập trung trong tay ban lãnh đạo của đảng cộng sản, tự phong là những người đại diện chân chính của nhân dân dù không do nhân dân bầu ra. Cái thứ dân chủ đó được bà phó chủ tịch Nguyễn Thị Doan đánh giá là ưu việt gấp triệu lần dân chủ như chúng ta hiểu.
Có mọi triển vọng là trong thông điệp này ông Dũng vẫn hiểu dân chủ như ĐCSVN hiểu từ trước đến nay vì ông viết: "Thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014". Như thế có nghĩa là lập pháp (quốc hội) và chính phủ (hành pháp) chỉ là những công cụ trong tay ban lãnh đạo đảng cộng sản. Ở một đoạn khác ông viết: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân". Không thể rõ ràng hơn được. Dân chủ của ông Dũng và dân chủ của những người dân chủ không chỉ khác nhau mà còn đối chọi với nhau. Điều mà ông Dũng muốn là tăng cường hơn nữa quyền lực vốn đã ngột ngạt của đảng cộng sản trong khi đối với mọi người Việt Nam bình thường dân chủ có nghĩa là giảm quyền lực trước khi bãi bỏ độc quyền của đảng cộng sản. Phải cố tình lạc quan mới có thể đánh giá bài viết của ông Dũng là thuận lợi cho dân chủ.
Vả lại ông Dũng cũng không giấu "dân chủ" của ông là gì. Ông viết: "Dân chủ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Vậy thì dân chủ theo ông Hồ Chí Minh là gì? Nó cũng là thứ dân chủ bịp bợm như đảng cộng sản hiểu hiện nay nhưng còn mang thêm đặc tính khủng bố đẫm máu. Năm 1946, sau khi cướp được chính quyền ông cho tổ chức hai đảng cuội, Đảng Dân Chủ và Đảng Xã Hội, với toàn bộ những người lãnh đạo là đảng viên đảng cộng sản, còn những đảng khác -Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân v.v. – ông thẳng tay tàn sát. Lúc đó không thể đổ lỗi cho ai cả, chính ông Hồ Chính Minh là người có toàn quyền và không ai có thể làm trái ý ông. Dân chủ của ông Hồ Chí Minh là như thế, và đó là thứ dân chủ mà ông Nguyễn Tấn Dũng muốn phát huy. Ai đồng ý?
Cũng đừng quên là ông Dũng đã làm thủ tướng từ 2006 và từ đó chính sách đàn áp những người dân chủ đã hung bạo hẳn lên. Những thanh thiếu niên như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh chỉ rải vài tờ rơi với lời lẽ rất ôn hòa mà cũng bị xử 9 năm và 7 năm tù. Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm. Vi Đức Hồi bị xử 5 năm tù chỉ vì chính quyền cộng sản cho rằng anh có thể là một ngọn cờ. Thày giáo Đinh Đăng Định phản đối dự án Bôxit Tây Nguyên bị xử 6 năm tù và hiện nay dù đang bị ung thư vẫn còn tiếp tục bị giam cầm. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước tòa và tuyên án 8 năm, hiện nay vẫn ở tù dù đã bại liệt. Hung bạo và ác độc. Nguyễn Tấn Dũng không thể đổ lỗi cho guồng máy bởi vì ông là người nhiều quyền lực nhất trong tám năm qua. Vả lại rõ ràng là những bản án năng nề một cách quá đáng dành cho Cù Huy Hà Vũ và Trần Huỳnh Duy Thức đã do chính ông quyết định. Năm 2007 sau khi Việt Nam gia nhập WTO đầu tư nước ngoài đã dồn dập đổ vào Việt Nam, khối lượng đầu tư vào nước ta cao hơn tổng số đầu tư vào các nước trong vùng. Những vụ án chính trị thô bạo này, và sự phục tùng Trung Quốc quá rõ rệt, đã khiến vốn nước ngoài dần dần bỏ đi.
Một điểm khác đã gây hứng khởi cho một số trí thức, xin nhắc lại là chỉ một số mà thôi, là ông Dũng đã nhắc lại nhiều lần nhu cầu đổi mới thế chế. Nhưng ở đây sự ngộ nhận còn khổng lồ hơn nữa bởi vì sự "đổi mới thể chế" đã xong rồi! Cùng ngày với bài viết của ông Dũng một bản hiến pháp mới vừa bắt đầu có hiệu lực với mục đích "thể chế hóa cương lĩnh của Đảng" theo lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bản hiến pháp này buộc các lực lượng võ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nó phủ nhận chủ quyền của dân tộc Việt Nam và định nghĩa ĐCSVN như một lực lượng chiếm đóng. Đó chính là "đổi mới thể chế" mà ông Dũng nói tới vì ông viết trong thông điệp này: "Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian Hiến định mới để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh"(1). Không thể minh bạch hơn. Vậy có gì để mong đợi ở thông điệp này của ông Dũng?
Những ai hy vọng ở một chút thành tâm của ông Dũng cũng cần nhìn lại cách đánh giá tình hình kinh tế xã hội của ông, theo đó: "Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường có bước tiến bộ"(1). Hãy thử hỏi một người dân thường xem đời sống của họ ra sao, khá hơn hay kém đi, trong năm 2013 thì sẽ được ngay một câu trả lời dứt khoát. Thực tế là kinh tế Việt Nam đã khủng hoảng nặng trong năm 2013 và đời sống dân chúng đã sa sút bi đát. Trong cuộc thảo luận tại quốc hội không đầy hai tháng trước đây, ngày 24/10/2013, ông bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Bùi Quang Vinh đã phải kêu lên "doanh nghiệp bây giờ khó khăn, chết hết rồi!"(2). Ông Dũng đã quá khinh thường người đọc. Giả dối hơn nữa là khi ông đưa ra những chỉ tiêu đẹp đẽ cho năm 2014 trong phần chú thích đã được trích dẫn ở đầu bài này nhưng cũng nên nhắc lại một lần nữa: "Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; (…) thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 20%" (1).Theo lời ông Bùi Quang Vinh thì ông đã trình ông Dũng rằng chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% này không thể nào đạt được, nhưng ông Dũng vẫn ra lệnh cứ để chỉ tiêu như thế bởi vì (ông Vinh nhắc lại lời ông Dũng) "ông mà bảo nó còn có 5,1-5,2 thì ông chết". Nhưng ngay cả 5,1% cũng chỉ là một con số hoang tưởng. Thực tế là kinh tế Việt Nam sẽ khủng hoảng nặng trong năm 2014, một trong những lý do là đầu tư sẽ giảm mạnh. Ông Vinh nói "đầu tư phát triển đang giảm một cách mạnh mẽ, năm nay là năm giảm nhất trong lịch sử Việt Nam"(2) và ông báo động: "Chúng ta còn đang lo lắng là chúng ta tụt hậu so với những nước mà trước đây, bây giờ không dám so với Thái Lan, Indonexia, Malaysia đâu, tôi đang lo rằng là cả với những nước Campuchia, Lào – những nước trước đây quá lạc hậu so với chúng ta" (2).Con số tăng trưởng 5,8% giả dối một cách lỗ mãng, ông Dũng biết như thế. Nhưng nếu ngay cả lấy nó làm giả thuyết thì làm sao thu nhập bình quân đầu người có thể tăng 20% với tỷ lệ tăng trưởng 5,8%? Trừ khi dân số Việt Nam giảm 15% trong năm 2014!
Thông điệp đầu năm của ông Dũng không chỉ không có gì mới, nó còn sai và vớ vẩn. Điều duy nhất chắc chắn trong thông điệp này là giá điện sẽ gia tăng, và tăng nhiều, trong năm nay.
Cũng nên lưu ý rằng thông điệp này - cũng như các phát biểu gần đây của các cấp lãnh đạo cộng sản khác - hoàn toàn không còn nói đến chống tham nhũng. Sau những kêu gào thống thiết như "quốc nạn""nội xâm" tham nhũng đã chỉ tăng lên chứ không giảm đi. Các cấp lãnh đạo cộng sản đã nhìn nhận rằng họ không thể đẩy lùi được tham nhũng. Lần này họ có lý. Kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng tỏ rằng không bao giờ có trường hợp một chính quyền tham nhũng tự cải tiến để bớt tham nhũng cả, giải pháp duy nhất đối với một chính quyền tham nhũng là thay thế nó bằng một chính quyền khác. Giải pháp duy nhất cũng là giải pháp bắt buộc vì nếu không chống được tham nhũng thì đất nước không có tương lai.
Vậy tại sao vẫn còn một số trí thức đánh giá bài viết của ông Dũng là đáng chú ý? Đó là vì thời điểm mà nó được đưa ra. Ông Dũng đang đứng trước những chọn lựa quan trọng cho cá nhân ông cũng như cho phe đảng của ông. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy bản hiến pháp vừa được ban hành đã do chính ông và phe đảng của ông chủ xướng trước đại hội đảng thứ 11, vào lúc mà ông Dũng tin chắc sẽ nắm được chức tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Nhưng tình thế đã không diễn ra như ông mong đợi. Quá nhiều vụ bê bối mà ông phải chịu trách nhiệm đã bị phanh phui và ông đã không nắm được chức tổng bí thư. Sau cùng thì bản hiến pháp này trở thành một đe dọa đối với ông bởi vì chức vụ thủ tướng của ông bị mất hết nội dung và mọi quyền lực từ nay thuộc về chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nuôi hy vọng phản công trong đại hội đảng thứ 12 sắp tới. Và muốn như thế ông cần hậu thuẫn của dư luận. Một sự kiện mà những người dân chủ phải ý thức thực rõ rệt là đảng cộng sản đã phân hóa tới độ không phe nào làm chủ được tình thế cả, dư luận xã hội vì thế có ảnh hưởng ngày càng lớn trong những tranh giành nội bộ. Bài viết của ông Dũng phản ánh tình trạng mới này và là một động tác nhắm tranh thủ cảm tình của nhân dân Việt Nam trước đại hội 12.
Nhưng còn hai năm nữa mới tới đại hội 12. Từ đây tới đó có thể còn nhiều thay đổi lớn và dự liệu tương lai không phải là sở trường của ông Dũng. Sự tự tin của ông trước đại hội 11 là một thí dụ. Một thí dụ khác là cuối năm 2007 trong chuyến công du Hoa Kỳ ông đã tới chiêm bái Alan Greespan để ngưỡng mộ một thiên tài kinh tế; vài tháng sau đó Greenspan được nhìn như là thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng lớn nhất và dài nhất trong lịch sử thế giới. Người ta cũng có thể kể việc ông bỏ tiền ra mua đô la Mỹ vì sợ nó sẽ quá mất giá so với đồng bạc Việt Nam, hay chuyện gói kích cầu 8 tỷ USD năm 2009 v.v. Mỗi lần ông Dũng và bộ tham mưu của ông dự đoán điều gì thì điều ngược lại xảy ra. Lần này ông hy vọng sẽ giành được thắng lợi trong đại hội 12 bằng những động thái tranh thủ nhân tâm như bài viết này và ông lại lầm to. Năm 2014 và năm 2015 sẽ là những năm cực kỳ đen tối, đời sống nhân dân sẽ suy sụp thê thảm, phẫn nộ sẽ lên rất cao và Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị nhìn như là người chịu trách nhiệm. Ông sẽ mất hết uy tín trước đại hội 12, nếu đại hội này vẫn diễn ra. Phe đảng của ông cũng sẽ tan rã vì nó chỉ là một kết hợp quyền lợi và sẽ bốc hơi nhanh chóng khi không còn quyền lợi để chia chác. Nguyễn Tấn Dũng và những người thân cận của ông sẽ trở thành những con dê tế thần lý tưởng để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng. Ông sẽ chỉ có hy vọng thoát hiểm nếu dám nhanh chóng và táo bạo đứng hẳn vào hàng ngũ dân chủ, đáp ứng một cách quả quyết nguyện vọng dân chủ của nhân dân để được nhìn như nhịp cầu cần thiết bắc sang kỷ nguyên dân chủ.
Một giai đoạn mới vừa mở ra trong đó sinh hoạt kinh tế xã hội suy thoái dần, đời sống nhân dân liên tục sa sút, bất mãn tăng cao, đảng cộng sản chao đảo và tranh chấp trong nội bộ chế độ ngày càng gay gắt. Cuộc vận động dân chủ đang đứng trước một vận hội không thể bỏ lỡ để những khó khăn mà đồng bào ta đang và sẽ còn phải chịu đựng không vô ích.
Những đánh giá khác nhau về thông điệp của ông Dũng chứng tỏ rằng những người dân chủ cần thống nhất với nhau về một thái độ chung, và đúng, đối với đảng cộng sản và những cấp lãnh đạo của nó để đừng buộc tội lẫn nhau là nhu nhược, hoang tưởng hay cực đoan.
Nhưng thái độ nào?
Trước hết phải khẳng định dân chủ mà chúng ta muốn là dân chủ theo nghĩa mà thế giới văn minh hiểu, nghĩa là dân chủ đa nguyên chứ không phải dân chủ theo ông Hồ Chí Minh hay bà Nguyễn Thị Doan. Chúng ta có thể thỏa hiệp về một giai đoạn chuyển tiếp trong một thời gian vừa phải nhưng mục tiêu phải được khẳng định ngay từ đầu là xóa bỏ độc quyền chính trị của đảng cộng sản. Phải khẳng định thái độ đối lập với chế độ độc đảng, đối lập ôn hòa nhưng công khai và quả quyết.
Phải thẳng thắn và dứt khoát. Chúng ta có thể ủng hộ một khuynh hướng trong ban lãnh đạo cộng sản nếu họ thực sự chủ trương dân chủ hóa đất nước và chia sẻ cùng một khái niệm dân chủ như chúng ta, nhưng chúng ta không có bổn phận phải nghe ngóng từng dấu hiệu thiện chí nào của họ, càng không nên cố tình hành hạ lý luận để tưởng tượng ra những thiện chí mà họ không có. Chính họ phải rất minh bạch nếu muốn được ủng hộ. Những người từng được một địa vị nào đó trong chế độ phải nghĩ rằng cuộc sống của họ đáng lẽ còn vinh quang hơn nếu không có đảng cộng sản. Trừ một thiểu số tay sai hãnh tiến không ai phải mang ơn và do đó phải bảo vệ đảng cộng sản cả.
Phải dõng dạc và quyết liệt. Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và hai công ước đính kèm của nó định nghĩa một chế độ dân chủ. Dân chủ và nhân quyền chỉ là cùng một khái niệm nhìn dưới hai góc khác nhau; dân chủ là nhân quyền dưới góc nhìn xã hội trong khi nhân quyền là dân chủ dưới góc nhìn cá nhân. Dân chủ không phải là một khuynh hướng chính trị mà là một quyền.Và đã là quyền thì chỉ có đòi hỏi chứ không thể thảo luận và nhân nhượng. Những người lãnh đạo cộng sản kế tiếp nhau đã lạm quyền quá lâu và chúng ta đã chịu đựng quá nhiều. Chúng ta có quyền và họ chỉ có lỗi. Đừng đảo lộn vị thế. Chúng ta không có bổn phận phải khiêm tốn, chính họ phải khiêm tốn. Nhất là khi thành tích của họ chỉ là khiến nước ta tụt hậu thê thảm so với thế giới.  Họ vẫn có chỗ đứng trong lòng dân tộc, nhưng không thể đòi chỗ đứng trên đầu dân tộc.
Chúng ta không chỉ có quyền mà còn có thế. Họ bơi ngược dòng thác tiến hóa của nhân loại. Chế độ của họ đang sống những ngày cuối cùng và sắp sụp đổ. Chúng ta là tương lai tất nhiên phải đến và sắp đến. Họ cao ngạo chỉ vì chúng ta quá khiêm tốn.
Cuộc đấu tranh giành tự do và dân chủ hiện nay không giống những cuộc đấu tranh khác trong lịch sử. Vũ khí của nó là trí tuệ và nhân cách vì thế nó phải xuất phát từ trí thức và do trí thức lãnh đạo. Và trí thức trước hết là một thái độ.
Nguyễn Gia Kiểng
(01/2014)
(1) Nguyễn Tấn Dũng - Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững (thông điệp ngày 01-01-2014)
(2) Bùi Quang Vinh  - Tụt hậu so với cả Lào và Campuchia (xem ethongluan.org)

Họ trở nên hung bạo từ khi nào?

Nhưng một vấn đề sâu xa hơn, đáng lưu tâm hơn: tại sao đến nỗi và từ bao giờ người dân trở nên hung hãn để liều lĩnh như vậy?
Khi 2013 vừa khép lại với nhiều vụ việc thì 2014 đã bắt đầu với hai phiên tòa đang thu hút chú ý, vì đứng trước tòa là những người từng giữ chức vụ quan trọng, trong những ngành quan trọng trong bất cứ chế độ xã hội nào như công an, ngân hàng..
Cùng thời điểm đó, một vụ việc đáng tiếc khác xảy ra tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên, khi hàng ngàn công nhân ẩu đả với các bảo vệ. Nhiều người phải cấp cứu, nhiều tài sản bị phá hủy. Những hình ảnh, video clip trên các mạng xã hội miêu tả cảnh náo loạn.
Chắc chắn sau vụ việc này, những vấn đề về kỷ luật lao động, chất lượng lao động và đào tạo... sẽ được đặt ra kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt ở những khu công nghiệp tập trung nhiều nhân công.
Nhà máy Samsung Thái Nguyên, xô xát, bạo lực, công nhân, đám đông
Đám đông đã đốt cháy vài chục xe máy. Ảnh VTC
Nhưng một vấn đề sâu xa hơn, đáng lưu tâm hơn: tại sao đến nỗi và từ bao giờ người dân trở nên  liều lĩnh như vậy? Trong trường hợp nhà máy Samsung Thái Nguyên, lực lượng công an khi đến giải quyết vụ xung đột công nhân - bảo vệ  đã phải hứng cơn giận của đám đông.
Vì sao vậy?
Có một điểm chung sau hàng loạt sự vụ xảy ra vừa qua. Bác sĩ, công an, bảo vệ, dân phòng.. đều khoác những sắc phục biểu tượng cho công việc chuyên ngành của họ, được Nhà nước cấp phép và pháp luật bảo vệ. Nghĩa là, bộ sắc phục trên người họ không chỉ thể hiện chức vụ và chuyên môn của người mặc; mà nó còn mang tính đại diện.
Thế nhưng, khi một người công an đứng trước vành móng ngựa; thì hình ảnh nói riêng của anh ta đã làm 'lu mờ' hàng trăm hàng ngàn đồng đội khác đang đối diện với hiểm nguy, vất vả để bảo vệ xã hội.
Một học sinh chết trong đồn khiến cho người dân quên mất điều hiển nhiên 'chỉ một ngày, hay một giờ không có lực lượng công an, đường phố, xã hội sẽ hỗn loạn'. Một bác sĩ tráo kết quả, ăn tiền trên sinh mạng của bệnh nhân, khiến người ta lãng quên hàng ngàn bác sĩ khác đang cứu người. Khi một bảo vệ lái xe tải lao vào các công nhân; cố tình giết chết đồng loại của mình, anh ta không chỉ đặt chính bản thân anh ta,  mà còn đặt hàng ngàn bảo vệ khác vào thế 'đáng sợ' trong mắt công nhân.
Xây dựng niềm tin đã khó, đánh mất càng dễ.
Khi bị ngập lụt những trăn trở về cuộc sống, người dân mất phương hướng, niềm tin và cô độc. Họ chọn cách tự bảo vệ mình bằng số đông. Từ khi nào những đám đông vây kín trụ sở cơ quan nhà nước, bệnh viện khi bị xử oan; khi có người nhà chết dưới tay bác sĩ? Và thậm chí, từ khi nào hàng nghìn người dân cùng ký vào văn bản nhận là người đánh chết trộm chó? Nếu không phải họ bám víu vào niềm tin 'số đông' và chỉ có chính họ, dựa vào sự gắn kết của những người thấp cổ bé họng, nhưng đông đúc - sẽ bảo vệ họ?
Những người công nhân ở Thái Nguyên can cớ gì xông vào 'đánh hội đồng' những người bảo vệ; tấn công lực lượng cảnh sát; dù họ hiểu điều tối thiểu: vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phạt.
Đương nhiên ý thức kỷ luật, ý thức công dân và hành động của những công nhân này là không thể chấp nhận, họ sẽ bị pháp luật nghiêm trị; nhưng bên cạnh sẽ còn lại điều suy nghĩ: niềm tin của của 'số đông' đã bị tổn thương.
Nhà máy Samsung Thái Nguyên, xô xát, bạo lực, công nhân, đám đông
Các nạn nhân đang được cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh VTC
Chưa lúc nào 'số đông' dễ bị tổn thương, kích động như hiện nay. 'Số đông' sẵn sàng hành hung đồng loại, hủy hoại tài sản; hành động bất chấp các nguyên tắc/quy tắc xã hội và cộng đồng. Và dù thừa nhận hay không, 'những người mặc sắc phục' đang trở thành đối tượng để họ trút giận.
Vụ việc ở nhà máy Samsung Thái Nguyên cần được đánh giá kỹ. Hơn lúc nào hết, dư luận cần những thông tin chính thức và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.  Vụ việc có nơi nói nặng, có chỗ bảo nhẹ.  Không phải việc tranh luận khái niệm 'nặng' 'nhẹ' trong tiếng Việt, mà thông tin thể hiện quan điểm chính thống của Thái Nguyên hoàn toàn không khớp với các nguồn thông tin khác. Thêm một lần nữa, niềm tin lại bị thử thách.
Đã không còn sớm khi nói để không còn những số đông dễ kích động, phải thay đổi từ cái nhỏ nhất, như là câu chữ trong một thông báo trên cổng thông tin của UBND tỉnh vậy!
Hoàng Hường

Quảng Bình: Đông này em vẫn lạnh

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/157431/dong-nay-em-van-lanh.html
Ngoài trời những cơn gió gào rú liên hồi, trong lớp chỉ có tiếng xuýt xoa, tiếng hà hơi vì lạnh, tiếng đọc chữ không tròn của các em học sinh ở các xã như Dân Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa, Thượng Hóa… thuộc huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình).
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Trẻ em ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa
Thấp thỏm nghe dự báo thời tiết
Với độ cao khoảng 700 – 800m so với mặt biển nên vào mùa đông, nhiệt độ ở huyện miền núi biên giới Minh Hóa (Quảng Bình) thường thấp hơn từ 3 – 5°C so với vùng đồng bằng.
Hình ảnh chung cho các điểm trường ở các xã: Dân Hoá, Hoá Sơn, Thượng Hoá, Trọng Hoá là các em học sinh co ro trong những đợt rét như cắt da cắt thịt.
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo

trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo

Ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, trên địa bàn xã có đến 13 bản. Mỗi bản có 1 điểm trường mầm non, cả xã có 2 trường tiểu học và THCS với hơn 1.000 học sinh.
Những đợt lạnh, dù ngồi trong lớp nhưng môi các em vẫn thâm tím đi, có em còn không dám ra chơi.
Không chỉ có con trẻ, mà cả đồng bào tộc người Khùa, người Mày nơi đây vẫn đang rất thiếu quần áo, chăn màn ấm cho mùa đông.
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Rất ít học sinh ở trường tiểu học và THCS số II Trọng Hoá có áo ấm để mặc
“Cả xã Dân Hóa hiện có gần 50 học sinh ở các bản xa về ở nội trú tại trung tâm xã để học. Mùa đông năm nay rét hơn những mùa trước, tối đến thấy các em lạnh không ngủ được, cứ nhóm bếp ngồi sưởi nên các thầy cô đã bàn nhau góp tiền về thị trấn mua chăn, màn lên cho các em chống rét để có sức lên lớp học…”, thầy Sơn cho biết.
Ở nhà đã có lửa, nhưng mỗi khi đi học các em lại phải mang 3 – 4 cái áo mỏng tang.
Đang trong giờ ra chơi nhưng em Hồ Văn Nguyên, học sinh lớp 5 – Trường Tiểu học & THCS số II Trọng Hoá cứ ngồi co rúm bên cửa lớp, cứ mỗi cơn gió rít qua là em lại vòng tay quàng bó hai chân lại, thụt cổ xuống và chống cằm lên hai đầu gối cho đỡ lạnh.
Em thật thà kể: “Nhà có ba anh em nhưng được một cái áo ấm, em nhường cho em gái học lớp 3 mặc rồi”.
Xoa hai tay vào nhau cho đỡ lạnh, em Hồ Thị Niền, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Thấy trên tivi người ta mặc áo ấm có mũ lông, chắc là ấm lắm, em cũng ước có một cái”.
trẻ em, vùng cao, lạnh, học sinh, vùng sâu, nghèo
Nhóm lửa và mặc nhiều áo mỏng là cách mà các em chống rét
  • Hải Sâm

Danlambao 11/1/2014.

Thương nhớ Hoàng Sa


Hoàng Thanh Trúc (Danlambao)Tưởng nhớ anh linh Thiếu tá Nguyễn Thành Trí, Hạm phó chiến hạm HQ 10 – QLVNCH. Thiếu tá Nguyễn Thành Trí đã cùng Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh theo chiến hạm trong trận hải chiến Hoàng Sa với quân thù Trung Quốc vào tháng 1/1974.

Các nhóm nhân quyền vận động ngoại giao trước thềm điều trần UPR


Mạng Lưới Blogger Việt Nam – Hà Nội, 10/01/2014 — Vào 10h sáng ngày hôm nay, 10-1, một số nhóm hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với đại diện một loạt đại sứ quán ở Hà Nội gồm có Đức, Thuỵ Điển, Úc, Hà Lan, Na Uy, liên minh EU, Bỉ nhằm thảo luận về phiên điều trần liên quan đến báo cáo Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (UPR) của Việt Nam vào ngày 5/2 tới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Võ Văn Bảo, Lý Văn Dũng, Vũ Sỹ Hoàng (tức blogger Hành Nhân), Đào Trang Loan (Hư Vô), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Huỳnh Anh Trí, và Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) đã đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam, No-U Sài Gòn, No-U Hà Nội, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thốngHội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam tham dự cuộc tiếp xúc.

No-U Sài Gòn: Chương trình viếng thăm và tặng quà các gia đình quân nhân VNCH trong trận Hải chiến Hoàng Sa 19.01.1974


Các bạn thân mến,
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, No-U Sài Gòn rất mong muốn sẽ thực hiện chuyến đi thăm và tặng quà Tết để tỏ lòng tri ân với các gia đình quân nhân Hải quân Việt Nam Cộng Hòa – những chiến sỹ yêu nước đã hy sinh vì tổ quốc khi bảo vệ biển đảo quê hương trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Chúng tôi hy vọng những người bạn của mình có thể đồng hành cùng No-U Sài Gòn trong chuyến viếng thăm này bằng cách trực tiếp tham gia hay ủng hộ, khích lệ về tinh thần cũng như đóng góp, giúp sức thực tế.

Nhà báo tự do Đặng Chí Hùng được công nhận quy chế tị nạn


Nhận thức nguy cơ đang tiếp diễn về việc trục xuất, UNHCR đang tìm cách tái định cư khẩn cấp ông Phạm Mạnh Hùng sang một nước thứ ba.”
Thời Báo – Hôm 8 tháng 1, 2014, văn phòng Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR) ở Thái Lan đã gửi đến văn phòng của Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải văn thư xác nhận họ đã công nhận ông Phạm Mạnh Hùng là một người tị nạn theo quy chế của UNHCR và sẽ cố gắng để khẩn cấp đưa ông Hùng đi định cư ở một nước thứ ba.

Bà Trần Thị Ngọc Minh – Mẹ của Đỗ Thị Minh Hạnh được mời làm nhân chứng trong buổi Điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ


CTV Danlambao – Theo thông tin từ Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, bà Trần Thị Ngọc Minh sẽ là một trong những nhân chứng của buổi Điều trần “Bảo vệ Tự Do – Làm nổi bật cảnh ngộ của tù nhân lương tâm trên thế giới”.

“Thông điệp” đầu năm


Trần Hoàng Lan (Danlambao)Thấy người ta đọc thông điệp mình cũng có thông điệp. Nhưng thông điệp gì mà giống như bài “xã luận đầu năm”, lại chẳng có lấy một “ki lô niềm tin” nào trong đó, chỉ nhằm đánh bóng cho người viết… Tưởng chừng dễ cho một kẻ thừa quyền hành, tiền bạc nhưng lại là quá khó để một kẻ tham lam, tàn bạo, chuyên “đánh trống bỏ dùi”, lại ở trong guồng máy của thể chế độc tài toàn trị làm được…

Buồn cho Đức Thánh Trần!


Nguyên Anh (Danlambao) – Buồn cười thật! Những môn đệ của Hồ Chí Minh toàn một đám vô thần tin vào thuyết duy vật biện chứng thế mà ngày nay lại trở thành những kẻ mê tín dị đoan nhưng lại ở mức độ cao một cách biến thái! Tin cho hay những lãnh đạo tỉnh Tiền Giang do mê tín đã xoay tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo nhiều lần làm cho bà con cười nôn ruột.

Liệu Phạm Quý Ngọ chìm xuồng!


Dân Tộc Việt (Bạn đọc Danlambao) – Khi thông tin về Phạm Quý Ngọ được báo lề đảng đăng tải, tôi hình dung sẽ có 2 vấn đề: Một là Ngọ có chống lưng mạnh sẽ chìm xuồng yên ã sau khi Dương Chí Dũng (DCD) bị… bùm, bùm càng sớm càng tốt. Hai là sẽ bị lôi ra ánh sáng, cơ hội cho nhân dân chứng kiến nhiều vụ động trời nữa của các quan tham cộng sản sẽ được phanh phui.

Tiếp tục truy bức Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn


Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) – … Tôi phản đối, vì cho rằng như vậy là đối phó một cách hình thức, làm mất phẩm giá con người. Đáng phàn nàn ở chỗ: ai? tổ chức nào? mệnh lệnh nào? đã đẩy Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn đến chỗ bí và phải nghĩ cách đối phó tiêu cực như vậy? Đề nghị cần có hội nghị giữa Bộ Văn hóa Thông tin, Cục Xuất bản, Hội Nhà Văn và Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn để kiểm điểm rút kinh nghiệm vụ việc này…

Công dân Quận 9, Sài Gòn tố cáo các quan tham Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua và Lê Hoàng Quân


Chúng tôi những hộ dân bị thu hồi đất cho Dự án công nghệ cao (DA CNC), gần Mười năm qua đã liên tục gửi nhiều đơn tố cáo đến Thủ tướng Chính phủ và các Cơ quan hữu trách thuộc Chính phủ và Trung ương. Nội dung phản ảnh việc “Tham nhũng đất đai” về thu hồi đất tại DA ĐT Khu công nghệ cao (KCNC) quận 9 Tp.HCM, nhưng vẫn chưa được giải quyết, để các nhóm lợi ích xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của công dân… Người bị tố cáo: Ông Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch UBND Tp. HCM cùng nhóm lợi ích; Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên phó Chủ tịch UBND Tp. HCM; Ông Lê Hoàng Quân, đương nhiệm Chủ tịch UBND Tp. HCM…

Nói với các người làm theo lệnh trên giao


Le Nguyen (Danlambao) – Lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam tôn thờ chủ nghĩa ngoại lai, nhân danh chuyên chính vô sản chủ trương đấu tranh giai cấp, sử dụng chiêu bài cách mạnh dân tộc, dân chủ nhân dân của cộng sản quốc tế đẩy thanh niên lao vào chảo lửa chiến tranh như những con thiêu thân. Những lãnh đạo cộng sản này còn học theo tính khí độc ác của các tên đồ tể khát máu, ra tay giết người tàn bạo qua các hình thức lao động cải tạo, xử tử tập thể, ám sát thủ tiêu cá nhân không qua xét xử. Biến đất nước thành trại tù, trại lính hừng hực mùi tử khí của bạo lực khủng bố, chết chóc tang thương phủ trùm lên cả nước trong suốt chiều dài lịch sử của đảng cộng sản hiện diện trên đất nước Việt Nam.

Trước hết là một thái độ


Nguyễn Gia Kiểng (Thông Luận)“…Dân chủ không phải là một khuynh hướng chính trị mà là một quyền. Và đã là quyền thì chỉ có đòi hỏi chứ không thể thảo luận và nhân nhượng… Chúng ta có quyền và họ chỉ có lỗi. Đừng đảo lộn vị thế. Chúng ta không có bổn phận phải khiêm tốn, chính họ phải khiêm tốn…”
Bài viết đầu năm của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giống nhưng bài viết trước đây của ông và của các cấp lãnh đạo cộng sản khác. Nó là một chuỗi những khẩu hiệu đã được nhắc lại quá nhiều lần, một sự liệt kê lộn xộn những điều nên hoặc cần làm và những kể lể thành tích cường điệu trái với sự thực và bất chấp sự thực, trong một bài mà nhiều chữ hoa, chấm, phẩy, xuống dòng là những bôi bác đối với tiếng Việt.

Đảng luôn tiên phong đi trước


Mặt thật


Kông Kông (Danlambao) - Mấy ngày nay báo chí trong nước và bên ngoài đều thỏa mãn được đôi chút tò mò từ lâu về sự giàu có của giới chức đang cầm quyền chế độ CHXHCNVN do đảng CSVN lãnh đạo. Nay mới có cơ hội thấy rõ hơn được phần nào hệ thống độc quyền tham nhũng và cũng chỉ biết thêm chút ít về thế giới bí ẩn đó mà thôi! Nên chắc chắn đây không phải là cái gì quá to tát hay ngạc nhiên đến độ ngoài dự đoán!

Hàng quốc cấm


S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Người dân tiếp xúc với truyền thống định hướng một chiều lâu ngày sẽ vô tình tự triệt tiêu tư duy nhìn nhận vấn đề bằng con mắt đa chiều, đó là một vấn đề không thể phủ nhận được trong ý thức hệ của rất đông bộ phận người Việt hiện nay. – Hương Vũ

Ban Nội chính ‘nắm Ngân hàng Nhà nước’


Thống đốc Bình (bên trái) từng nói chênh lệch giá vàng (VN-thế giới) là ‘có lợi cho dân’.
BBC – Ban chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo sẽ giám sát Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn ngừa tiêu cực tại một số ngân hàng trong năm 2014.
Đây là một trong các nội dung đáng chú ý trong Thông báo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, được ông Nguyễn Bá Thanh ký ban hành hôm 8/1 trong cương vị Phó trưởng ban.

11/1: Tin tức, bình luận trong ngày

Tổng hợp những tin tức đáng chú ý nhất và những status hay trên facebook ngày 11/01/2014

Bóng đá Việt Nam – nền bóng đá theo định hướng XHCN!


Hồng Lĩnh (Danlambao) – Cũng đã lâu không theo dõi bóng đá nước nhà, hôm nọ lên mạng xem trận U19 Việt Nam – U19 Nhật Bản thì lại thấy hiện nguyên hình về thực trạng của bóng đá Việt Nam mà đại diện là lứa U19 đầy hứa hẹn, được tung hô từ chục năm trước khi lứa U19 này còn là những đứa trẻ vừa mới bước chân vào Học viện bóng đá HAGL – Asenal.

Tôi yêu Tổ quốc tôi

Kính tặng những người con yêu nước Việt.
Nhạc và lời: Nghiêm Sỹ Hòa

Hải chiến Hoàng Sa nhìn từ góc độ nhân đạo


Châu Văn Thi (Danlambao) – 40 năm trước ngày 19/1/1974 Trung cộng đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Tuy là kẻ giành chiến thắng, nhưng Trung cộng đã bỏ mặc những chiến sĩ hải quân VNCH (HQ 10 – Nhựt Tảo) trôi giạt trên những chiếc bè mỏng manh.
Ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma-Trường Sa, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, Trung cộng tiếp tục dùng tàu cản trở những hoạt động cứu trợ nhân đạo này. Chúng ta hãy phân tích sự dã man vô nhân đạo này của Trung cộng để tiếp tục tố cáo ra công luận Việt Nam và quốc tế.

Suy nghĩ về Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sẵng (Danlambao)… Phía ông Sang, Trọng nhận rõ ý đồ của ông Dũng, họ phải tìm phương thức ngăn chận, hoặc ít ra cũng ngăn bớt đà của ông Dũng để giữ địa vị, quyền lợi phe mình. Màn đấu đá mới bắt đầu nhưng không kém phần quyết liệt khi đàn em Dương Chí Dũng bị kết án tử hình. Để phản đòn, phe ông Dũng khai ra vụ án có liên quan đến bộ trưởng công an Trần Đại Quang. Liệu họ thu xếp để khoanh lại ở cấp thứ trưởng hoặc bộ trưởng, hay huyết đấu để thanh trừng nhau như vụ án Bạc Hy Lai ở Trung Cộng? Có thể họ sẽ phải dừng vì họ thừa biết tiếp tục khui ra hai hủ mắm thối không lợi cho cả hai…

Đồng chí Hoàng Kông Tư xuất quân bịt hũ mắm Dương Chí Dũng


CTV Danlambao – Sau khi đồng chí Dương Chí Dũng xì hủ mắm có dính mùi của Bộ trưởng Trần Đại Quang; sau khi đồng chí nào đó trong Hội đồng Xét xử thều thào “thôi anh Dũng ạ, anh dừng ở đây” thì đồng chí Hoàng Kông Tư lẹ làng bắn pháo lệnh lên báo lề đảng: “Sẽ khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”. Và kết quả có ngay: “Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan ANĐT, nên chưa đủ căn cứ kết luận.” 
Đồng chí Kông Tư này thiệt là hay: khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ lẹ làng. Đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang an tâm, long thể vẫn thơm tho, nhất định không dính… mắm.

Con cháu các cụ (4C) ở Việt Nam


Xin nói ngay các cụ đây không phải các cụ già trong hàng dân dã mà là các cụ ủy viên trong Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Chế độ Cộng Sản Việt Nam hôm nay không phải chỉ là chế độ đảng trị mà thực sự là một chế độ quân chủ chuyên chế trong đó tập thể con cháu, hàng họ các đảng viên cao cấp thay phiên nhau cầm quyền và bốc lột người dân giống như thuở các triều đại khi xưa.
Bài viết sau đây là một sưu tập các 4C, tuy chưa đầy, nhưng đủ để cho thấy chế độ Cộng Sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh cho đến nay chỉ là một thứ gia đình trị, tập hợp các đảng viên cao cấp bạo ngược, phân chia quyền lực và quyền lợi từ cha đến con, cả đến hàng họ xa gần và bè đảng đã đưa xã hội đến chỗ vô đạo, đất nước đến chỗ nghèo đói, và hiểm họa Bắc thuộc lần thứ tư như điều không tránh khỏi.
Con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006 - )
Chúng tôi bắt đầu với người có nhiều quyền lực, gian xảo và tham nhũng nhất nước hiện nay là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Lý lịch của Nguyễn Tấn Dũng thật mù mờ. Trên trang mạng của Nguyễn Tấn Dũng ghi là sinh năm 1949 tại Cà Mau, nhưng ngôi nhà tự nguy nga của Dũng thì ở Rạch Giá. Ông Hoàng Dũng, một cán bộ Văn phòng Trung ương đảng đã làm việc với nhiều ủy viên cao cấp trong đảng, đã tiết lộ nhiều bí mật về đời tư của nhiều người lãnh đạo. Về Nguyễn Tấn Dũng, ông viết : «Theo cụ Nguyễn văn Linh, Tổng Bí Thư, thì trong thời gian Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Liên khu ủy Khu IV từ năm 1948 đến 1950 đã có quan hệ với một cán bộ phong trào ở đây và sinh ra Nguyễn Tấn Dũng và cụ còn cho biết là Nguyễn Tấn Dũng còn có một người em trai nữa cũng là con của tướng Thanh.
Cũng trong tài liệu nầy, ông Hoàng Dũng tiết lộ là có gặp nhiều lần Nguyễn Tiến Thắng (Tư Thắng) là em của Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng). Ông viết về Tư Thắng như sau : Điều tôi quan tâm nhất là anh ta có quan hệ với nhiều người Đài Loan, đặc biệt trong mạng lưới các chân rết của Tư Thắng có một ngân hàng Đài Loan hoạt động chui tại VN là First China Bank. Như vậy, có thể hiểu được đây chính là «sân sau» của Ba Dũng và để tránh đụng chạm với các thế lực khác cạnh tranh, anh em ông Ba Dũng đã nhắm vào địa bàn hoạt động chủ yếu ở miền Trung và Nam Bộ, sau đó việc rửa tiền và chuyển ngân lậu được thực hiện qua ngã Đài Loan…(Hoàng Dũng.09/10/2006. Những bí ẩn về Nguyễn Tấn Dũng, trang mạng winc100.multiply.com/journal/item/261/261)
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy (Paris), căn cứ vào sự nâng đỡ tận tình của tướng Lê Đức Anh (chủ tịch nước 1992-1997, nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn uy thế trong Trung ương đảng) lại đưa giả thuyết không những Nguyễn Tấn Dũng mà cả Nguyễn Minh Triết đều là con rơi của Lê Đức Anh (cần phân biệt với tướng Lê Hồng Anh, là đàn em được Dũng cất nhắc cho làm Bí Thư Tỉnh Rạch Giá, rồi phong quân hàm đại tướng, Bộ trưởng bộ Công An cho đến tháng 8/2011)
Dù là con của ai, căn cứ vào lý lịch và đường hoạn lộ thênh thang của Dũng, chắc chẳn Dũng là con rơi của một cán bộ cao cấp cộng sản. Lúc 12 tuổi, Dũng đã bỏ học (vừa học xong bậc tiểu học) đi làm du kích, y tá cứu thương ở vùng Cà Mau rồi chính ủy tiểu đoàn, trung đoàn ở vùng Cà Mau, tiến lên
đến Tỉnh ủy Kiên Giang. Trong thời gian nầy (1980-1985), Dũng đã có công bắt nhóm Trần Văn Bá (bị xử tử), Mai Văn Hạnh được tha trở về Pháp vì là bạn học cũ của thủ tướng Pháp thời đó. Ngoài ra, Dũng còn tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức ở Rạch Giá và Hà Tiên để làm giàu cho đảng và cho cá nhân. Nhờ Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh cất nhắc, Dũng được đưa về trung ương làm Thứ trưởng Công An (1995-1996), Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ Tướng rồi Thủ Tướng (thay thế Phan Văn Khải) từ tháng 11-2006 và được tái cử trong kỳ đại hội đảng lần thứ XI (2010). Thử tưởng tượng một người vừa học hết tiểu học (sau nầy có học trường đảng cho có lệ, nhưng trong lý lịch ghi là Cử Nhân Luật), mà được đưa lên làm thống đốc ngân hàng trong thời kỳ kinh tế Á châu bị khủng hoảng, và thủ tướng của một quốc gia có nhiều liên hệ với các cường quốc, thì phải hiểu là việc lãnh đạo quốc gia đối với cộng sản là việc riêng của đảng. Ngoài ra, Nguyễn Tấn Dũng lại là người có nhiều mưu trí và thế lực trong Trung ương đảng, là đảng viên cao cấp duy nhất sớm gởi con du học ở Mỹ và làm sui gia với Việt kiều, điều cấm kỵ tối hậu của đảng. Báo chí thuật lại trong lần họp hội nghị APEC năm 2006, Tổng Thống George Bush chúc mừng xỏ xiên Dũng có con du học ở Mỹ và lấy Việt kiều, Dũng bối rối phải chống chế là con trai đi học bằng học bổng (có lẽ để biện hộ với lương của thủ tướng độ 1000 mỹ kim thì làm sao có thể cho con du học) và lờ đi chuyện con gái lấy Việt Kiều.
Đứa con mà Bush nhắc đến là Nguyễn Thanh Nghị, tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ sư công chánh (Structural Engineering) ở đại học George Washington University, và khi về VN giảng dạy tại đại học Kiến Trúc thành phố HCM, rồi Phó Hiệu Trưởng (Phó Khoa Trưởng) trường nầy. Trong đại hội đảng lần thứ XI, Dũng đã dọn đường lãnh đạo cho con bằng cách đưa Nguyễn Thanh Nghị vào làm ủy viên dự khuyết trong Trung ương đảng và ngày 11-11-2011, Dũng đã bổ nhiệm con trai mình làm Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng mặc dù bộ nầy đã có 5 thứ trưởng (Dũng đã hèn nhát không ký tên trên nghị định bổ nhiệm mà sai phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký thay). Tại VN hiện nay, hai mỏ vàng để hốt bạc và tham nhũng là ngành xây dựng (đất đai và địa ốc) và hải quan. Về mặt kinh tế, từ nhiều năm nay, Nghị có liên hệ mật thiết với Công ty Betexco là đại công ty xây cất các tòa nhà chọc trời ở Saigon và HàNội. Tầm hoạt động của Betexco còn bao trùm cả kỹ nghệ may dệt, vô chai và thủy điện. Như vậy, Nguyễn Thanh Nghị là cột trụ chính trị và kinh tế cho gia đình Dũng và cho đảng Cộng Sản.
Đứa con lấy Việt kiều tên là Nguyễn Thanh Phượng, du học ở Thụy Sĩ, đậu MBA ở International University in Geneva là đại học có liên kết với Michigan State University (cô chỉ đến Mỹ năm 2004 trong 2 tuần để nhận bằng từ đại học nầy chớ không có du học tại Mỹ). Tháng 1 năm 2006, lúc mới 26 tuổi, Phượng đã làm Giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị trên 100 triệu MK của các nhà đầu tư Thụy Sĩ tại VN. Đến tháng 11 cùng năm, Phượng làm Chủ tịch Quỹ đầu tư chứng khoán Việt (Viet Capital Fund Management Joint Stock Company, viết tắt là VCFM) gồm hàng ngàn tỷ bạc (VN) của các nhà đầu tư và công ty người Việt. Công điện Wikileaks tiết lộ là trong báo cáo của Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Saigon là Seth Winneck gởi về Bộ Ngoại giao ngày 26/12/2006 đã viết : « Tại sao người ta có thể tin tưởng để giao một số vốn khổng lồ như thế cho một người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm như Phượng. Và câu trả lời hiển nhiên là về mặt chính trị, giao quỹ đầu tư cho cô con gái cưng của thủ tướng quản trị là một điều khôn ngoan bởi lẽ quỹ nầy tập trung những ngành mà chánh phủ kiểm soát như dầu khí, ngân hàng và truyền thông »
(danluan.org/node /10093). Năm 2011, Phượng 31 tuổi là một tỷ phủ, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Chứng khoán Bản Việt sở hữu 6,5 triệu cổ phần chiếm 43,2% vốn của công ty, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Bản Việt và vài ngày trước khi người anh được cử là thứ trưởng, Phượng được đề cử vào HĐQT Ngân hàng Bản Việt ( trước có tên là Gia Dinh Bank) với số vốn là 3000 tỷ VN. Đó là nhà doanh thương trẻ tuổi kỳ tài nhất của thế giới !
Người chồng của cô Phượng là Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyen) con của Việt kiều «tội đồ» Nguyễn Bang (Nguyễn Tấn Dũng đã gọi Việt Kiều Nguyễn Cao Kỳ là tên tội đồ). Henry Nguyễn là Tổng Giám Đốc Điều Hành công ty IDG Ventures với số vốn là 100 triệu MK (sau tăng lên 200 triệu) phần lớn do người anh rể là Thomas Connor, một tài phiệt Mỹ đã làm ăn với Bộ Viễn Thông Bưu Chính Việt Nam, kiểm soát hầu hết hệ thống thuê bán Internet và truyền thông tại VN. Thomas
Connor đã một lần khai phá sản, nhưng số đầu tư vẫn gia tăng, do đó câu hỏi đặt ra phải chăng các công ty do vợ chồng Phượng-Hoàng quản trị là cửa ngõ hợp pháp cho cha vợ và đồng bọn rửa tiền, tẩu tán tài sản tham nhũng ra ngoại quốc.
Đứa con thứ ba của Dũng là Nguyễn Minh Triết, học kỹ sư hàng không ở đại học Queen Mary tại Anh Quốc, và đã có giữ chỗ ở Bộ Quốc Phòng khi về nước. Gia đình Nguyễn Tấn Dũng là điển hình của chế độ con vua thì lại làm vua tại VN hôm nay.
Con của nguyên Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh (2001-2010)
Trong kỳ hợp đảng lần thứ XI còn có một 4C thứ hai cũng được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, tạo nên nhiều tai tiếng là Nông Đức Tuấn, con trai của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh (2001-2010). Cá nhân Nông Đức Mạnh cũng đã là một 4C, con rơi của Hồ Chí Minh với Nông thị Ngát, bí danh là Nông Thị Trưng. Được báo chí hỏi có phải Mạnh là con tư sinh của Hồ Chí Minh hay không, Mạnh đã trả lời lửng lơ «Ở đất nước nầy ai chẳng là con cháu của Bác».
Nông Đức Tuấn sinh năm 1963, người dân tộc Tày, đã đi lao động xuất khẩu tại Đông Đức từ lúc 18 tuổi, lúc ấy Nông Đức Mạnh đã làm Tỉnh ủy tỉnh Bắc Thái. Sỡ dĩ cha làm quan mà đưa con đi lao động xuất khẩu vì cha muốn đưa con ra ngoài nước để cai nghiện khỏi xấu hổ. Từ khi trở về nước cuối năm 1988 cho đến năm 2008, Tuấn lêu bêu với mấy chức vụ trong Đoàn Thanh niên và Ủy Ban Sắc tộc. Để dọn đường cho con trai làm lãnh tụ, Nông Đức Mạnh «dàn xếp » với Thủ Tướng Dũng cử Nông Đức Tuấn làm Phó tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang vào tháng 4 năm 2009. Vận may đến với Tuấn là khi người thanh niên tên Nguyễn Văn Khương bị công an tỉnh Bắc Giang đánh chết và dân chúng xuống đường đòi nợ máu với chánh quyền, Tỉnh ủy Bắc Giang tên Đào Xuân Cẩn bị ép buộc từ chức để nhường ghế Tỉnh ủy cho Tuấn. Khi Đại hội Đảng họp lần thứ XI, tuy Mạnh bị mất chức Tổng Bí Thư nhưng lại gài được cho con vào ghế Ủy viên Trung ương, mở đường cho chế độ cha truyền con nối dòng họ Nông.
Con của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn (1960-1986)
Lê Duẩn là người Tổng bí thư cầm quyền lâu nhứt của chế độ Cộng Sản VN. Từ 1960 đến 1976, Lê Duẩn là Bí Thư thứ nhứt của đảng và từ sau 1976, chức vụ được đổi là Tổng bí thư, chức vụ mà Duẩn nắm giữ cho đến khi Duẩn mất năm 1986. Trong lý lịch các nhân vật cao cấp cộng sản, Duẩn cũng như Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí được xếp vào hạng vừa dốt, vừa độc tài và đa thê. Vì nhiểu vợ, Duẩn có nhiều con, trong số có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong chánh phủ và cơ sở kinh tế đầu não. Theo Hứa Hoành, thuở sinh thời, Lê Duẩn có ba vợ, bà vợ chính tên Cao thị Khê ở Quảng Trị cưới khi Duẩn 20 tuổi, có em là Cao Xuân Diệm, sau nầy trở nên Trung tướng công an bí danh Dương Thông phụ trách đàn áp văn nghệ sĩ. Bà thứ hai là Đỗ Thị Sảnh. Năm 1942, khi hoạt động trong Nam, Lê Duẩn dùng thủ đoạn cưới thêm bà Thụy Nga, cháu gọi ông Đỗ Hữu Vị (đại úy phi công VN đầu tiên trong quân đội Pháp). Ngoài ba bà vợ, Lê Duẩn còn lăng nhăng với nhiều người khác, trong đó có bác sĩ Hồ Thị Nghĩa, con của Hồ Viết Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban kế hoạch nhà nước trong thập niên 80. Theo nhà văn Xuân Vũ, bà Thụy Nga đã có người yêu nhưng bị Lê Đức Thọ dàn xếp lừa bà vào một căn lều vắng để Lê Duẩn đến cưởng hiếp khiến bà phải chịu làm vợ ba. (Hoàng Dung, tr.83, 84)
Trừ Lê Hãn, Giám Đốc Tiếp Liệu cho các trường quân sự nay đã về hưu, các người con khác của Lê Duẩn đảm nhiệm các chức vụ béo bở như sau :
- Lê Kiến Trung : Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hải quan Thành phố HCM, hiện nay là Phó Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An.
- Lê Kiến Thành : là tỷ phú, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Techcombank (1994-2004), chủ tịch Công ty xây dựng và phát triển đô thị và hiện nay là Tổng Giám Đốc Công ty chế biến thực phẩm Thái Minh. Ngoài ra, Thành còn là Phó Chủ Tich thường trực Hội Golf Việt Nam, một loại kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận do các 4C độc quyền nắm giữ. Báo chí trong nước hồi tháng 10/2011 xôn xao vì Lê Kiến Trung đã công kích và nói xách mé Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải là Đinh La Thông khi ông nầy cấm nhân viên của Bộ Giao Thông chơi golf. Bức thư của Lê Kiến Thành có đoạn như sau : «Vấn đề giao thông thấp kém lạc hậu, đầu tư vào giao thông như muối bỏ bể, một con đường quy hoạch cho 30 000 dân, giờ phải tải cả triệu người, điều nầy đã tồn tại ngót 30 năm nay. Hẳn ông Bộ Trưởng cũng biết golf mới du nhập vào VN chừng 10-15 năm nay, vậy trước khi có golf điều gì đã ảnh hưởng tới chất lượng lãnh đạo của cán bộ giao thông vận tải. Chơi golf không có tội, lãnh đạo trước hết phải thượng tôn pháp luật. »(bee.net.vn/channel/1988/201110 ngày 24/10/2011)
Việc tranh chấp giữa ông con của cựu bí thư bố già và ông bộ trưởng khoác lác là điễn hình của chế độ luật rừng và thế lực của 4C tại VN hôm nay.
- Lê Thị Muội : Hoàng hữu Quýnh trong tác phẩm «Tôi bỏ đảng» đã viết về cô gái nầy như sau : Trong số du học sinh VN tại Liên Sô có 3 đứa con của Lê Duẩn, học dốt nhưng lại đài các nhất. Đó là Lê Hản học tại đại học quân sự không quân, Lê thị Hồng và Lê Thị Nga.
Lê thị Hồng có tên thật là Lê Thị Muội. Là con đẻ của anh Ba, nhưng Lê thị Hồng không đồng quan điểm với ba mình. Triết lý sống của Lê thị Hồng là sống phải cho ra sống. Phải được thoải mái về mặt tinh thần. Về vật chất phải có miếng ăn ngon, phải mặc đẹp và phải biết tận hưởng mọi hạnh phúc khi tình yêu đến. Hồng đi nghỉ hè và «hành nghề» tại hải cảng Sochi trên bờ biển Hắc Hải. Không chỉ Hồng làm cái «nghề đó», các nữ sinh Liên Sô cũng vậy (Tôi bỏ đảng, tr.105). Khi về nước, Lê Thị Muội được cử làm Phó Bộ Trưởng bộ Nội Thương.
- Lê Vũ Anh tên thật là Lê Thị Nga: du học ở Nga, cãi lời cha ở lại lấy ông thầy người Nga tên Marlov, sau đó chết vì tai nạn xe cộ. Người ta đồn cái chết nầy do Lê Duẩn ra lịnh giết để giữ uy tín cho ông, (Hoàng Dung, tr. 131) không muốn cho con kết hôn với người ngoại quốc, điều cấm kỵ của đảng, ngay cho người ngoại quốc đó là người Nga. Điều nầy cho thấy việc Nguyễn Tấn Dũng làm sui gia với Việt kiều là một dấu hỏi lớn, phải chăng đảng đã cho phép để tẩu tán tài sản tham nhũng của đồng bọn.
Con của Lê Đức Thọ (Trưởng Ban tổ chức đảng, Ủy Viên Bộ chính trị 1956-1986)
Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải là anh của Phan Đình Đồng (bí danh là Mai Chí Thọ) và Phan Đình Dinh (bí danh là Đinh Đức Thiện). Cả 3 anh em đều không coi trọng dòng họ của tổ tiên, giữ bí danh cho đến khi chết, thậm chí con của Lê Đức Thọ vẫn mang họ Lê là Lê Nam Thắng hiện là Thứ Trưởng thường trực Bộ Thông Tin và Truyền Thông (nghĩa là thứ trưởng số 1, ưu tiên thay Bộ Trưởng). Mai Chí Thọ là Đại Tướng, trùm Công An miền Nam sau 1975, còn Đinh Đức Thiện được phong là Thượng Tướng, giữ nhiều chức vụ cao cấp mà chức vụ sau cùng là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Như vậy cha con chú cháu đều nắm giữ các chức vụ then chốt trong đảng và chính phủ.
Lê Đức Thọ và Lê Duẩn có nhiều điểm giống nhau : độc tài, gian xảo, cầm quyền sinh sát trong đảng lâu năm (từ 1948 đến 1986), có vào Nam công tác (Xứ Ủy Nam Bộ 1948-54, chính ủy cuộc đại tấn công miền Nam 1975) và đặc biệt là dâm đảng
Ông Bùi Tín nói rõ là 2 bà vợ của Lê Đức Thọ ở chung một nhà trên đường Nguyễn Cảnh Chân, Hànội, xưa là biệt thự của viên Hiệu trưởng trường Albert Sarraut, cùng ăn chung một bàn với ông chồng và con cái theo tinh thần Nam-Bắc đề huề. Đúng là một nhà tổ chức đại tài. (Mặt Thật, tr.177).
Trong Lớn lên với đất nước, tác giả Vy Thanh, một cựu đảng viên , sau trở về thành, du học ở Mỹ và trở về nước làm Tổng thơ ký một đại học VNCH xác nhận là Lê Đức Thọ đã dùng những thủ đoạn đê tiện hãm hiếp nữ cán bộ khi làm Xứ Ủy Nam Bộ. « Một đêm chị Thanh đang ngủ, bác Sáu (tức Lê Đức Thọ, mà trong khu gọi là Sáu Búa, chú thích của người viết) mò vô mùng chị. Chị sợ quá tốc mùng chạy la làng, làm lối xóm náo động. Đội bảo vệ bắn súng như Tây tới …» (Vy Thanh, tr. 290)
Con của tướng Nguyễn Chí Thanh
Tên là Nguyễn Chí Vịnh, sinh năm 1957, là con út của tướng Nguyễn Chí Thanh, và là em một cha khác mẹ với Nguyễn Tấn Dũng như lời đồn đãi Dũng là con rơi của Nguyễn Chí Thanh. Vịnh học ở trường đại học quân sự ở Vĩnh Yên, nhưng chưa tốt nghiệp, được tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng bộ Quốc Phòng rồi sau là Chủ Tịch nước nhận làm con nuôi (cũng giống như trường hợp của Dũng). Nguyễn Chí Vịnh kết hôn với con gái của Đặng Vũ Chính, Tổng cục trưởng Tổng Cục 2 là một cơ quan có quyền hành vô hạn và ngân sách khổng lồ bao trùm các hoạt động tình báo, quốc phòng, kinh tế, văn hóa của nước. (Cộng Sản có nhiều Tổng cục (TC) như : TC An Ninh, TC Cảnh Sát, TC Tình Báo, TC Xây Dựng, TC Hậu Cần…Mỗi Tổng Cục có nhiều Cục, thí dụ như TC An Ninh có cục A25 đặc trách về báo chí, Cục A18 kiểm soát ngoại kiều và Việt kiều, Cục A41 đặc trách về tôn giáo, Cục A24 chuyên về kiểm tra, xét hỏi, Cục A42 theo dõi bắt bớ những người chống chế độ. Những Tổng Cục trưởng và Cục trưởng đa số là ủy viên Trung ương đảng hay hàng họ với lãnh đạo cao cấp)
Đặng Vũ Chính đưa cả gia đình vào nắm các chức vụ then chốt của Tổng Cục. Con rể là Nguyễn Chí Vịnh là Tổng Cục Phó, con trai là Đặng Vũ Dũng từ lao động xuất khẩu trở về nước giữ chức Giám đốc Công ty xây dựng Hồng Bàng, hai con gái là Đặng Thị Mai và Đặng Thị Tuyết mang quân hàm đại úy phụ trách công tác mật, vợ gốc là con buôn đảm nhiệm giám đốc Khách sạn Hoàng Đế và chi nhánh công ty Decatour ở miền Trung. Riêng Nguyễn Chí Vịnh, với sự nâng đỡ tận tình của cha vợ và cha nuôi được thăng cấp từ đại úy lên đại tướng trong một thời gian kỷ lục mà trong lịch sử quân đội chưa bao giờ có. Khi Đặng Vũ Chính về hưu, Nguyễn Chí Vịnh lên thay làm Tổng Cục Trưởng.
Bộ ba Đặng Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh, Lê Đức Anh dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như thu âm lén điện thoại, chụp ảnh (như khi Lê Khả Phiêu tằng tịu với 2 nữ nhân viên trong phái đoàn công du sang Pháp) để làm áp lực khuynh đảo các ủy viên trong Trung ương đảng hay các đối thủ bởi lẽ tất cả các chóp bu của đảng đều làm điều phi pháp, tham nhũng. Nhóm nầy còn tạo chiến dịch hạ nhục Võ Nguyên Giáp như Giáp là con nuôi của trùm mật thám Pháp Marty, Giáp là tướng bất tài, sợ chết (trong trận Điện Biên Phủ, Giáp nằm trốn trong hầm để cho Nguyễn Chí Thanh và Hoàng Văn Thái chỉ huy, nhưng khi thắng trận thì giành công; khi đánh Mỹ thì sợ bom nên không dám vào Nam), tằng tịu với vợ nhà văn Đào Vũ khi bà nầy đến dạy dương cầm. Sau khi làm mưa làm gió ở Tổng Cục 2, Vịnh được chuyển qua làm Thứ trưởng bộ Quốc Phòng và được đưa vào Ủy viên Trung ương đảng kỳ đại hội XI.
Nguyễn Chí Vịnh còn có người chị tên là Nguyễn Thị Thanh Hà có thời là Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Con của nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh (1992-1997)
Lê Đức Anh hiện là «bố già» trong đảng cộng sản mafia, là người lãnh đạo quân sự và chính trị cộng sản từ hơn nửa thế kỷ qua, cực kỳ thân Trung Quốc. Cả 2 ông đại tướng tên Anh (Lê đức Anh và Lê hồng Anh) đều là hai cây dù của Nguyễn Tấn Dũng (Đức Anh là dù to, Hồng Anh là dù bọc hậu) và cả hai đều xuất thân là phu cạo mủ cao su ở Hớn Quản.
Con trai của Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà hiện là Phó Chủ Tịch Ùy Ban Nhân dân TP HCM. Ông Hà được học bổng Fulbright du học ở Harvard từ 1998 đến 2000. Con dâu là Nguyễn thị Đoan là Phó Chủ tịch nước (thay Trương Mỹ Hoa) từ 2007 đến 2010. Bà Đoan có tiến sĩ ở Bulgarie và có tu nghiệp ở Pháp.
Những tân ủy viên Trung ương đảng trong kỳ đại hội đảng lần thứ XI (2010).
Được vào ủy viên Trung ương đảng là bảo đảm một chức vụ cao cấp, béo bở trong chánh phủ nên cuộc chạy đua vào chức vụ nầy thường diễn ra trong hậu trường với nhiều cuộc liên kết phe nhóm, tranh chấp ác liệt và đòn phép bẩn thỉu. Ngoài các nhân vật vừa kể, trong đại hội đảng lần thứ XI còn có các tân ủy viên sau đây :
- Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976 là con của Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Kiểm Tra trung ương. Nguyễn Xuân Anh nhảy vọt từ Bí thư huyện Liên Châu (Đà Nẳng) đi thẳng vào Trung ương đảng. Tháng 7/2011, Anh được bổ nhiệm Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẳng và chắc chẳng bao lâu sẽ là chủ tịch, nắm giữ thành trì của miền Trung
- Trần Sĩ Thanh, sinh năm 1972. Phó bí thư tỉnh ủy Darlac là cháu của Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ Tướng (Nguyễn Sinh Hùng là cháu của Hồ Chí Minh). Darlac hiện nay là một vùng béo bở, có nhiều tài nguyên và nhiều cơ sở kỹ nghệ của ngoại quốc đã và sẽ thành lập tại đây.
- Trần Bình Minh : Phó Tổng giám đốc đài truyền hình VN là con trai của Trần Lâm, nguyên Tổng giám đốc đài Tiếng nói VN.
- Nguyễn thị Kim Tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế là cháu ngoại của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập.
Điểm đáng lưu ý là Cộng Sản đặt chỗ cho con cháu trước tiên vào ghế số 2 ở mỗi cơ quan bằng các chức vụ như phó (Phó Tổng Cục, Phó Cục, Cu Phó Giám đốc, Phó ban..), hay thứ (Thứ Trưởng) để chờ khi các ông số 1, vốn đang có những dù lộng cũng to để chiếm chỗ khi các ông số 1 về hưu, được điều động đi nơi khác để nhường chỗ, hay bị hất chân khi cái gốc không còn đứng vững.
Những hình thức « truyền ngôi » cho con cháu, hàng họ trong chế độ Cộng Sản
Không thể nào kể hết chi tiết các tên họ những 4C, bởi lẽ chế độ con ông cháu cha cộng sản chằng chịt ngang dọc từ trung ương đến địa phương như những dây leo, hay đúng ra như những tế bào độc hại của bịnh ung thư tràn lan khắp cơ thể, chúng tôi xin tóm tắt tổng quát cách truyền ngôi, tập quyền và tản quyền của hệ thống 4C theo như tổ chức mafia dưới 3 hình thức chính yếu là: tham chính, lập công ty kinh doanh, kết thông gia và bè đảng.
Tham chính
Thông thường, những người có học, có khả năng thường được đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy trong các cơ quan của đảng hay chính phủ. Ngoài những nhân vật kể trên, cần kể thêm một số nhân vật đang tại chức hay vừa rời chức vụ gần đây.
- Nguyễn Thiện Nhân : Phó thủ tướng là con của y sĩ Đông Dương Nguyễn Thiện Thành, gốc người tỉnh Trà Vinh (có tài liệu ghi là Biên Hòa) một cán bộ cao cấp cộng sản đã tham gia từ phong trào Việt Minh. Mặc dù Nguyễn Thiện Nhân đậu tiến sĩ ở Đông Đức và có tu nghiệp ở Harvard, đã bị mất chức Bộ Trưởng bộ Giáo Dục vì bất tài nhưng lại thích phô trương, đã đưa nền giáo dục VN đến chỗ lạc hậu, nhưng vẫn được tiếp tục lưu nhiệm chức vụ Phó thủ tướng, đúng như lời mỉa mai của giáo sư Hoàng Tụy, một nhà giáo dục được trong nước và ngoại quốc nể trọng : Bộ giáo dục (ý nói ông Nhân) trơ như đá, vững như đồng.
- Phạm Bình Minh : hiện là Bộ Trưởng Bộ ngoại giao, con của Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương), phụ tá cho Lê Đức Thọ trong hội nghị hòa đàm Paris và là Bộ Trưởng bộ ngoại giao sau đó (1980-1991). Có tin là con của Phạm Bình Minh cũng đang du học ngành ngoại giao hi vọng nối nghiệp cha ông.
- Trần Tuấn Anh : nguyên lãnh sự Việt Nam tại Hoa Kỳ (San Francisco) là con của chủ tịch Trần Đức Lương.
Lập công ty
Những con cháu cán bộ cao cấp không có khả năng học vấn hay thiếu đạo đức (thực ra ông cha cũng đã thiếu đạo đức, nhưng thành phần các ông con nầy trác táng, lêu lỏng, không thể đảm nhiệm vai trò chỉ huy) thì quay ra kinh doanh, lập công ty. Thực ra những công ty nầy chỉ là bình phong để lợi dụng danh nghĩa của ông cha mà làm giàu phi pháp. Số 4C loại nầy thì kể sao cho hết bởi tràn lan khắp nơi ăn chịu với khắp các cơ quan. Chỉ đan kể vài tên con cháu của các cấp lãnh đạo ở Trung ương đảng.
Con rể của Võ Nguyên Giáp
Tên là Trương Gia Bình, là một tỷ phủ, giám đốc công ty FPT, là một trong những công ty lớn nhất nước cung cấp dịch vụ internet, truyền thông.
Con rơi của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt
Võ văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, người được xem là cấp tiến, mở đầu cho phong trào đổi mới kinh tế. Nhân nói đến đứa con rơi của Võ văn Kiệt tên Phan Thành Nam, tưởng cần nói qua về đạo đức tồi tệ của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản.
Ông Hoàng Dũng, Thư ký Văn phòng Trung Ương đảng đã viết về lai lịch của Phan Thành Nam như sau : Theo cụ Nguyễn Văn Linh kể thì Bộ chính trị lúc bấy giờ biết rằng cụ Hồ gặp những khó khăn và thiếu thốn về tình cảm cá nhân, như chuyện muốn nối lại mối tình với người vợ cũ ở Trung Quốc nhưng bị phản đối, do vậy bộ Chính trị có bí mật sắp xếp nhiều người phụ nữ khác để chăm sóc và phục vụ cụ Hồ về mặt sinh hoạt tình dục. Đặc biệt từ thuở còn thanh niên, cụ Hồ đã có một mối tình rất đẹp với một người con gái miền Nam (sự thật nầy đã được nhà văn Sơn Tùng sưu tầm và công bố trong bài viết «Đi tìm Út Huệ»). Biết thế nên lúc nầy Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương cục miền Nam phải kín đáo tìm kiếm trong số những cán bộ, du kích miền Nam một số cô gái còn trẻ đẹp để đưa ra miền Bắc phục vụ cụ Hồ và các vị trong bộ Chính trị (đứng đầu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ). Thời điểm đó thì Võ Văn Kiệt đang là ủy viên Trung ương cục được cụ Linh tin tưởng tuyệt đối và giao cho trực tiếp phụ trách nhiệm vụ đặc biệt nầy. Trong số vài cô gái tuyển lựa được lúc đó chuẩn bị bố trí bí mật đưa ra miền Bắc có một cô còn trẻ và sắc sảo họ Phan. Giữa lúc đó thì tình hình chiến sự đang diễn ra khá ác liệt nên không thể đưa các cô đi ngay được và rồi không hiểu thế nào mà ông Kiệt lại quan hệ dan díu với chính cô gái họ Phan kia. Đến lúc sự việc vỡ lỡ thì cô gái đã có thai mấy tháng, thế là cô ta phải ở lại và cái bào thai đó chính là Phan Thành Nam.
Phan Thanh Nam hiện nay là một tỷ phú đỏ, Tổng Giám Đốc Công Ty quốc doanh Tracodi, chuyên về «xuất khẩu lao động», xuất cảng hàng hóa, xây cất và du lịch.
Điều cần nói thêm là ông Kiệt cũng có chính thức 2 vợ : bà vợ cả tên là Trần Kim Anh và 3 đứa con đã chết trong chiến tranh, chỉ còn lại đứa con gái tên là Võ Hiền Dư. Ông lấy vợ kế là Phan Lương Cầm nổi tiếng tham nhũng được các công ty đặt tên là Bà Mười Cầm vì tất cả các dự án đầu tư đều phải đóng «hụi chết » cho bà ít nhứt 10%.
Con của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải
Tên là Phan văn Tỵ tục danh là Hoàng Tỵ là một tay du đảng chọc trời khuấy nước, có lần vì tranh giành địa bàn buôn lậu đã bắn chết Phạm Văn Hưng là sĩ quan công an, con của Phạm Thế Duyệt cũng là đảng viên trong Trung ương đảng, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc. Về kinh doanh, Hoàng Tỵ lợi dụng thế lực của cha và của các đồng chí của cha, nhập cảng lậu xe hơi cũ rồi tân trang lại bán sang Trung Đông, nhập cảng xe đạp mới nguyên chiếc từ Thái Lan, Singapore đem tháo ra từng bộ phận rồi lắp ráp lại (bởi luật VN lúc ấy chỉ cho phép bán xe đạp lắp ráp ở VN), bán với giá gấp đôi gấp ba. Hoàng Tỵ cũng là chủ nhân của hai đại khách sạn Hoàng Gia và Planet ở Saigon và HàNội, cho du khách ở tại hai khách sạn nầy được ưu tiên khỏi bị xét hỏi khi đến và khi rời phi trường. Nhờ tất cá mánh khoé và thế lực, Hoàng Tỵ cũng là một tỷ phú.
Con của Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng bộ Quốc Phòng
Phùng Quang Thanh xuất thân là một bộ đội không có học thức nhưng nhờ phe cánh thân Trung Cộng trong đảng nên được phong quân hàm đại tướng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng từ nhiều năm nay. Con trai của Phùng Quang Thanh là Phùng Quang Hải, lý lịch cũng không ghi học lực và trường đào tạo, nhưng mang cấp bậc Thượng tá, là Tổng giám đốc Công ty xây dựng 319 là một công ty quốc doanh bao gồm hơn mươi công ty hoạt động trong lãnh vực xây cất, cung cấp vật dụng cho quân đội và các cơ quan chính phủ trên địa bàn khắp nước. Đây là một nguồn lợi khổng lồ cho gia đình họ Phùng và các phe cánh trong đảng để tham nhũng và độc quyền các lãnh vực béo bở.
Nếu cần phải kể thêm thành tích của những 4C vì ăn chia không đồng đều bị tố cáo hay bị ra tòa, hay bị làm vật tế thần thì có mấy vụ gần đây như Mai Văn Dậu, Thứ trưởng Bộ Thương Mại bị ra tòa cùng với con là Mai Thanh Hải vì tham nhũng trong việc xuất nhập cảng, Đoàn Văn Kiểm, chủ tịch Hội đồng Quản Trị Tập đoàn Than - Khoáng sản bị bãi chức vì cho phép em là Đoàn Duy Thức khai thác quặng mỏ trái phép, Phạm Thanh Bình, chủ tịch Hội Đồng Quản trị Tổng đoàn Công nghiệp Tàu Thủy VN bị bắt giam vì bổ nhiệm con trai là Phạm Bình Minh (một Bình Minh khác, không phải là Bình Minh con Nguyễn cơ Thạch) vào công ty Vinashin, Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng bộ Bưu Chính Viễn Thông, bị cảnh cáo vì cho con rể là Hoàng Minh gian lận trong việc trúng thầu.
Đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị bằng bạo lực và áp dụng luật mafia ngay trong hàng ngũ đảng viên cao cấp của họ theo kiểu mạnh được yếu thua. Trong sự phá sản hàng tỷ mỹ kim của công ty Vinashin, người chịu trách nhiệm là Nguyễn Tấn Dũng thì không hề hấn gì trong khi bộ trưởng Phạm Thanh Bình bị bắt giam vì một sự bổ nhiệm. Vụ ăn hoa hồng trong việc in giấy bạc polymer ở Úc (12 triệu Úc kim) liên hệ đến nguyên Thống đốc ngân hàng Lê đức Thúy đã có bằng chứng rõ ràng thì chẳng ai bị tù tội.
Lãnh đạo Việt Nam hôm nay làm trò hề và gây ô nhục cho đất nước mà không biết nhục. Vũ Văn Hiến, Ủy viên trung ương đảng, Tổng giám đốc Truyền hình VN gởi con gái tên Kiều Trinh sang Thụy Điển tu nghiệp bị cảnh sát Thụy Điển bắt vì ăn cắp trong siêu thị, bị báo chí trong nước phanh phui nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn hóa – Du Lịch của đài truyền hình, chưa kể Hiến đưa bè đảng vào cơ quan để tham nhũng, bị nhân viên các cấp tố cáo nhưng vẫn bình chân như vại.
Kết thông gia và bè đảng
Người Việt Nam ta có câu Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, những cán bộ cao cấp gian manh thường tìm gần nhau để hợp quần gây sức mạnh trong công cuộc trấn áp, bốc lộ lương dân. Những cuộc liên kết giữa các cán bộ qua các cuộc hôn nhân là một hình thức lưu chuyển quyền hành và tham nhũng theo
hàng ngang và hàng chéo đến độ hệ thống tham nhũng Việt Nam hôm nay là những loại ung thư đang tàn phá một cơ thể chỉ chờ ngày bị tiêu hủy toàn diện. Dĩ nhiên không sao kể hết loại liên kết nầy, chỉ cần đan kể vài thông gia gần đây tạo nhiều tai tiếng to lớn.
Tại Việt Nam, nhắc đến tướng công an Nguyễn Đức Nhanh là người dân kinh sợ và khinh bỉ vì chánh sách đàn áp lương dân và tham nhũng của tên trùm công an nầy (đàn áp giáo dân Thái Hà). Nhanh đảm nhiệm 2 chức vụ : Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (tổng cục 1 : lo về tình báo hải ngoại, tổng cục 2 : lo về an ninh quốc nội) kiêm Giám Đốc Công An TP HàNội. Nguyễn Đức Nhanh kết thông gia với Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng bộ ngoại giao, Chủ tịch Ủy Ban nhà nước về người VN ở nước ngoài. Như vậy hai gia đình thông gia nầy đảm nhiệm vai trò chiến lược của đảng Cộng Sản và chánh phủ Việt Nam.
Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch Quốc hội (2002-2007) là con của Trương Văn Đẩu, Tỉnh ủy viên Gò Công (cũng gốc là phu cạo mủ cao su) có em là Trương thị Hiền, Hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM, kết hôn với Lê Thanh Hải, Ủy Viên Trung ương đảng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Lê Thanh Hải làm sui với Huỳnh Ngọc Sỹ nổi tiếng trong vụ tham nhũng xây xa lộ Đông Tây nối liền từ Bình Chánh đến Saigon, qua Thủ Thiêm chạy đến Cát Lái trên đường về miền Tây. Xa lộ nầy do Nhật viện trợ và giao cho công ty Nhật PCI xây cất, Huỳnh Ngọc Sỹ làm quản lý. Lúc đầu, Sỹ đòi hối lộ 15%, sau sụt xuống 10% và đã nhận 2,6 triệu MK thì bị báo chí Nhật phanh phui, 4 người đại diện công ty Nhật bị Nhật bắt giữ vì đưa hối lộ. Chánh phủ Nhật đòi Việt Nam phải có biện pháp chế tài với người nhận hối lộ là Huỳnh ngọc Sỹ nhưng VN vẫn binh vực Sỹ khiến Nhật trả đủa bằng cách ngưng tất cả tiền cho vay ODA và đòi lại 30 triệu tiền viện trợ, điều hiếm có trong lịch sử bang giao quốc tế. Trước áp lực của các quốc gia viện trợ cho VN và Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đành phải miễn cưởng đưa Sỹ ra tòa với án chung than khổ sai, sau giảm xuống 20 năm tù. Thì ra Sỹ chỉ là vât tế thần của một tập đoàn tham nhũng, mà những án vụ tham nhũng như thế chỉ là hạn hữu trong số ngàn ngàn vụ tham nhũng chẳng bao giờ bị phanh phui bởi được bao che từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và 700 cơ quan truyền thông trong nước chỉ là bầy két lập lại luận điệu của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một vài ngoại lệ khi báo chí đăng tin tham nhũng liên quan đến 4C, hoặc vì nhà báo có lương tâm, hoặc vì thanh toán nội bộ bởi chia phần không sòng phẳng. Thí dụ như trường hợp khi báo chí đăng tin tiền in của công ty TechBank của Lê Đức Minh là con của nguyên thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy không có phẩm chất thì hai tờ báo Thời Đại và Công Lý bị đình bản, và 6 tờ báo khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An Ninh Thủ Đô, Công Luận...bị cảnh cáo.
Về chuyện nhà báo bị khủng bố vì dám đá động đến việc tham nhũng của các 4C, tưởng cũng nên nhắc lại một vụ tham nhũng lớn bị phanh phui cách đây 5 năm, nhưng vụ án đã bị ém nhẹm vì liên quan đến các thủ phạm ở chóp bu, nhưng hai phó tổng biên tập của báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt giam và 5 phóng viên bị thu hồi thẻ hành nghề vì tội phá hoại an ninh quốc gia. Vụ tham nhũng bị vở lở khi công an bắt được 2 cầu thủ cá độ ngày 13/12/2005 và cuộc điều tra cho biết Bùi Tiến Dũng, Tổng Giám Đốc Đơn vị Quản Lý các dự án PMU-18 đã chi tiêu 2,6 triệu trong trò chơi cờ bạc nầy. PMU-18 (Project Management Unit) trực thuộc bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) là cơ quan phụ trách thực hiện xây cất các dự án cầu đường với số vốn 20 tỷ gồm ngân sách quốc gia và quỹ tài trợ ODA của Nhật, Tây Âu và Ngân hàng Quốc Tế (World Bank). Bùi Tiến Dũng là con trai của Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Công An, cấu kết với Nguyễn Việt Tiến (Thứ trưởng Bộ GTVT), Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng tài chánh), rể của Nguyễn Việt Tiến cùng với Phạm Hoàng Hải, rể của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Việt Bắc, rể của Đào Đình Binh (Bộ trưởng Bộ GTVT) cùng với nhiều bạn bè hàng họ lập ra hàng chục công ty để trúng thầu dù các công ty nầy không khả năng và không vốn. Tài sản tham nhũng của Nguyễn Việt Tiến, Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Việt Bắc, mỗi người trên trăm triệu MK. Báo Thanh Niên tiết lộ là có ít nhất 40 quan chức cao cấp liên quan đến vụ tham những khổng lồ nầy. Bị gọi ra thẩm vấn trước tòa án, Bộ trưởng Đặng Đình Binh tuyên bố «Tôi thuộc diện Trung ương quản lý» có nghĩa là chỉ trả lời với trung ương đảng mà thôi. Ngoài ra, 2 đảng viên cao cấp là tướng
Cao ngọc Oánh, Cục trưởng Cục điều tra C15, Phạm Xuân Quấc, Cục trưởng Cục điều tra C14 cũng bị dính liếu, nhưng được miễn truy tố, rốt cuộc chỉ có Bùi Tiến Dũng và các « tép riêu» bị lãnh án.
Một vụ tham nhũng khác gần đây còn to tát hơn là vụ Vinashin liên quan đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm thất thoát 5 tỷ mỹ kim, nhưng rút kinh nghiệm đau thương vụ PMU-18, không một tờ báo nào dám hé môi. Trên thế giới, có quốc gia nào tham nhũng và ngang ngược như Việt Nam cộng sản hay không ?
Ngoài việc cấu kết quyền lực bằng kết thông gia, các cán bộ cộng sản các cấp đều kết nạp đàn em hàng họ làm vây cánh để chia chác lợi nhuận tham nhũng và bao che lẫn nhau. Điển hình như khi Nguyễn Tấn Dũng về trung ương thì kéo theo Lê Hồng Anh vào bộ Công An, Huỳnh Vĩnh Ái vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Thể Thao quốc gia (như Thứ trưởng), Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y Tế. Đọc lý lịch các cán bộ trong các cơ quan nhà nước và công ty quốc doanh, từ trung ương đến làng xã đều thấy bóng dáng của nguời chỉ huy. Một người bạn của người viết khi về thăm quê hương ở một quận lỵ thuộc tỉnh Long An gặp rất nhiều nhân viên trong quận, thậm chí đến người phu quét chợ, nói tiếng giọng «trọ trẹ» như ông huyện ủy. Trong khi đó, đồng chí Giải phóng miền Nam thì phải trở về cái chòi lá xiêu vẹo bên bờ kinh để chờ chết trong nghèo đói, và bà mẹ chiến sĩ răng rụng quần áo tả tơi đứng trước cơ quan xỉa xói «phải chi hồi đó tao kêu lính Quốc Gia bắt nhốt hết cái bọn khốn nạn nầy !».
Cái «bọn khốn nạn» nầy đã dùng mọi mưu chước xão quyệt để cai trị với chánh sách bạo ngược miền Bắc trong 66 năm và cả nước trong 36 năm qua và hôm nay rung sợ phủ phục trước bọn đàn anh láng giềng để «dựa hơi» tiếp tục kềm kẹp 90 triệu dân Việt Nam hầu tiếp tục vơ vét bốc lột mà viễn ảnh cuộc cách mạng mùa xuân Á Rập làm chúng vừa hoảng hốt, vừa càng hung hản hơn.
Thay lời kết
Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với chánh sách gọi là «đổi mới» vào cuối thập niên 80, khi sinh viên Việt Nam lũ lượt ra nước ngoài du học hay tu nghiệp, nhiều người Việt Nam trong nước và nhất là ở hải ngoại hi vọng nước Việt Nam sẽ lần lần thoát khỏi được chế độ độc tài, nghèo đói và chậm tiến. Họ hi vọng với sự tiếp cận tinh thần tự do và kỹ thuật Tây phương, đất nước Việt Nam sẽ được khai phóng hơn. Nhưng đó chỉ là ảo vọng. Trong 20 năm qua, hàng ngàn sinh viên Việt Nam du học và tu nghiệp ở các nước dân chủ và kỹ nghệ đã trở về nước, chẳng những không giúp gì cho đất nước khả quan hơn mà còn đồng lỏa với những người lãnh đạo bất tài, vô lương để gia tăng thêm guồng máy tham nhũng, đưa đất nước mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn. Hãy nhìn vài ủy viên trung ương đảng như Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, Lê Mạnh Hà, Lê Đức Thúy, Nguyễn Thị Đoan, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Nghị ...và biết bao Bộ trưởng, Tổng giám đốc, Giám đốc cơ quan là những sinh viên tốt nghiệp từ Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức, Pháp, họ chỉ lợi dụng cái nhãn hiệu du học ngoại quốc để vinh thân phì da, làm tay sai hay tác nhân trong hàng ngũ quỷ đỏ. Họ chỉ là những cái lọ bằng đất sét được tráng men và một đất nước bị cái trị bằng những cái đầu nhồi nhét đất sét thì làm sao khá lên được.
Khi cuộc «cách mạng mùa xuân» lần lượt bùng nổ tại các quốc gia Á Rập, nhiều người Việt Nam ở hải ngoại và một ít người Việt Nam trong nước hớn hở. Họ hớn hở bởi họ hi vọng khi thấy những chế độ độc tài đã thống trị ngót mấy mươi năm tại những vùng đất mà không ai nghĩ dân chúng có thể nổi dậy thì bỗng chốc lại bốc lên khói lửa, dân chúng đồng loạt xuống đường để lật đổ chế độ độc tài, thanh toán bè lũ ác ôn. Người Việt hải ngoại hi vọng những biến cố nầy sẽ lan tràn đến Việt Nam.
Nhưng hi vọng ấy chóng đi qua để trở về với nỗi thất vọng bởi lẽ Việt Nam hôm nay chưa hội tụ đủ những yếu tố của một cuộc «cách mạng mùa xuân Á Rập ».
Trước tiên phải kể đến chế độ kiểm soát, kềm kẹp người dân VN quá tinh vi và nghiệt ngã. Tuy những thống kê của nhà nước mang bản chất phô trương, khoác lác, với con số 3 triệu đảng viên, 2 triệu cảnh sát công an và nửa triệu quân nhân, tuy vẫn biết có nhiều đảng viên bất mãn vì bị lừa dối hay bị bạc đãi, và không phải cảnh sát công an nào cũng có được chức vụ để có thể tham nhũng trong một xã hội có nền văn hóa phong bì, nhưng phải hiểu là thành phần trung kiên, cúc cung tận tụy cho chế độ, chiến đấu cho chế độ đến giọt máu cuối cùng để cùng chia sẻ và bảo vệ quyền lợi cũng rất đông đảo. Bị nhuộm đỏ khối óc và đánh mất lương tri, nhóm đảng viên lớn nhỏ nầy đang chia chác các đặc quyền đặc lợi trong một hệ thống quyền lực mafia, dùng mọi biện pháp sắt máu để cai trị và bóc lột người dân còn thậm tệ hơn thời Pháp thuộc.
Trong lịch sử, cuộc cách mạng nào cũng bắt đầu bằng sự nổi dậy của khối người bị áp bức. Nhưng muốn cảm nhận được sự áp bức, người dân cần được thông tin những quyền lợi căn bản của con người, những cảnh sống tự do, no ấm để từ đó cảm nhận thân phận mà đòi hỏi. Dưới chế độ độc tài, công an trị của cộng sản Việt Nam, mọi thông tin từ bên ngoài, bên trong có mảy may bất lợi cho chế độ đều bị kiểm duyệt và ngăn chận, mọi hành động đối kháng đều bị tiêu diệt từ trong trứng nước. Người dân chỉ được quyền nghe biết những gì chánh phủ nói. Từ khi có truyền thông qua trang mạng, thông tin tuy có lưu hành nhiều hơn, nhưng luôn bị bức tường lửa ngăn chận. Internet vẫn còn là phương tiện truyền thông của lớp thị dân trung lưu hay giàu có, vốn là thành phần bằng lòng với cuộc sống, với chế độ, trong khi 80% dân số là những nông dân, thợ thuyền nghèo khổ, ít học, phải vật vã với bữa no bữa đói thì thời giờ tim óc đâu mà nghe tin tức, mà nghĩ đến đấu tranh trong cảnh giành giựt giữa những người đồng cảnh ngộ và trạng thái kềm kẹp thường xuyên của hệ thống cán bộ, công an .
Ngoài chuyện thông tin từ thế giới bên ngoài và trong nước bị bưng bít, bị kiểm duyệt, cơ cấu dân số VN hiện nay còn là một yếu tố giải thích phần nào lý do cuộc « cách mạng mùa xuân» chưa đến VN. Nếu tính với người dân VN sinh ra sau 1975 thì thành phần nầy nay đã 35 tuổi và nếu phải kể thêm những đứa trẻ khoảng 5 tuổi vào năm 1975 thì đến nay họ cũng đã đến tuổi 40. Đó là thế hệ người Việt chẳng biết gì về chiến tranh Việt Nam, chẳng có ý niệm gì về chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Năm 2008, số người VN đưới 40 tuổi chiếm đến 66% dân số. Ngoài ra, lớp trẻ sinh ra sau 1986 là năm cộng sản bắt đầu chánh sách đổi mới kinh tế thì đến nay lớp người nầy đã hơn 20 tuổi. Như vậy, trên đất nước VN hiện nay có hơn phân nửa dân số chưa biết thế nào là kinh tế «xếp hàng cả ngày» và chế độ «Mỹ Ngụy» để họ có thể xác định một lập trường chính trị rõ rệt chống Cộng hay theo Cộng. Dĩ nhiên, sanh ra và lớn lên trong nền giáo dục bác đảng và văn hóa phong bì, đa số người Việt Nam trong nước hiện nay không có chọn lựa nào khác là phải sống theo những bản chất của người cộng sản. Tuy nhiên, đó cũng là một sức mạnh vô song để hi vọng lật đổ chế độ bạo tàn cộng sản nếu khát vọng tìm tự do và no ấm được huy động.
Khi 36 người tự xưng là trí thức gởi thư ngỏ cho chánh phủ bạo quyền, nhiều chống đối và mỉa mai vì «quá khứ» của người chủ xướng và cung cách, ngôn từ sử dụng trong thư ngỏ đã khiến một số người có thành tín, ưu tư với đất nước đồng ký tên bị vạ lây. Phải hiểu rằng những người bỏ xứ ra đi là những người không chấp nhận sống với chế độ Cộng Sản và sự trở về, thỏa hiệp với chế độ là hành động thiếu lương tri. Vã chăng, với 66 năm cầm quyền bằng phản bội, dối trá và bạo lực của chế độ cộng sản đã quá đủ để cho người có chút suy nghĩ hiểu rằng thỏa hiệp với cộng sản đồng nghĩa với khuất phục hay đầu hàng. Với cộng sản, biên giới bạn và thù họ đã vạch rõ. Trừ một thiểu số người, chỉ vì ham danh ham lợi, ngụy trang dưới lớp son phấn thương nước thương dân, đã ra đi trong nhục nhã năm xưa rồi hôm nay quay về hợp tác với bạo quyền, cộng đồng 3 triệu người Việt tỵ nạn trên thế giới tự do trong 36 năm qua, mỗi người, mỗi cách đã kiên quyết chống chế độ cộng sản.
Những cuộc biểu tình, tuyên ngôn, bài viết, bài nói chuyện của cộng đồng người Việt tỵ nạn qua các phương tiện truyền thông phổ biến khắp năm châu là một sức mạnh mà cộng sản khiếp sợ bởi lẽ đó là tiếng nói của người Việt tự do nói cho Thế giới tự do biết được những xấu xa của chế độ cộng sản Việt Nam, và do đó chánh quyền cộng sản tìm mọi cách ngăn chận tiếng nói nầy vang dội trong nước làm thức tỉnh 90 triệu người dân đang bị họ bịt mắt bịt tai.
Hàng năm, vào dịp Tết, dịp hè, hàng triệu người Việt, trước đây đã bị bạo quyền đày ải trong các trại tù, trại cải tạo, hay nín thở trong các đám lau sậy chờ giờ lên ghe, đi tìm cái sống trong cái chết, thì nay họ đã sớm quên những ngày ngục tù, nhục nhã khi xưa, nhởn nhơ trở về du hí trên cái đất nước mà đồng bào họ không có cơ may vượt thoát được. Sự có mặt của những du khách Việt kiều nầy cũng là một nguyên nhân khiến cho «cuộc cách mạng mùa xuân» chậm đến. Họ hằn sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo và niềm cay đắng giữa những người đồng cảnh ngộ khi xưa, và dưới mắt của người bất hạnh, có gì khác biệt trong sự phản bội giữa người bạn cũ và người thù mới. Người bạn cũ phải ngoảnh mặt để khỏi bị tủi nhục mà kẻ thù mới còn khinh rẻ họ nhiều. Tuy nhiên, không phải ai trở về cũng là những du khách bị «mất trí». Có những người, phải nói là hiếm hoi, trở về quê để xây lại mồ mã tổ tiên đã bị cộng sản đào xới vì hận thù, vì chiếm đất, hay mang về những món quà mà họ đã chắt chiu dành dụm trong những ngày lao tâm lao lực ở xứ người để tiếp sức cầm hơi cho thân nhân đói khổ, thông tin cho người bị bịt tai biết được những quyền tự do, bình đẳng ở thế giới bên ngoài để như vết dầu thắp sáng ngọn nến cách mạng. Nếu cứ mỗi năm, hai triệu du khách Việt kiều trên các nẽo đường du hí, thay vì nhi nhô tiếng Tây tiếng Mỹ, khoe khoang nhà cao cửa rộng, thực hay láo, làm cho đồng bào nghèo khổ càng thêm bi phẩn, thì hãy mang về cho đồng bào những bản tin, những tấm ảnh, đại loại như cha Lý bị bịt miệng trước tòa án, công an đánh đập giáo dân Thái Hà, công ty Vinashin bị tập đoàn lãnh đạo tham nhũng hàng tỷ mỹ kim, để cho người dân biết được sự thật bị bít kín, khơi động mối hận thù cộng sản, thì cuộc cách mạng mùa xuân Việt Nam có cơ may sẽ đến nhanh hơn.
Nghĩ cho cùng, lịch sử chỉ là sự lập lại những biến cố giống nhau trong những thời điểm và địa điểm khác nhau. Mọi chế độ độc tài rồi cũng bị tiêu diệt. Hình ảnh cha con Kadhafi phơi thây sình thúi trong cái nhà kho, Moubarak nằm im bất động trên cái «băng ca» trước tòa án, phải chăng đó cũng là hình ảnh ngày tàn của những bạo chúa cộng sản Việt Nam một ngày nào, xa hay gần.
Lâm Văn Bé
12/2011
(Anh Lâm văn Bé, nguyên là Hiệu Trưởng Trường Trung Học Mỹ Tho (Trước 1975)
Bibliothécaire,Quản Thủ  Các Thư Viện
Thành Phố Montréal, Canada.)


Tài liệu tham khảo
- Bùi Tín. Mặt Thật.- Paris : Turpin Press, 1994.
- Hoàng Dung. Sau bức màn đỏ. – Virginia : Tiếng Quê Hương, 2007.
- Hoàng Hữu Quýnh. Tôi bỏ đảng.- Midway City : Mister Print, 2002.
- Vy Thanh. Lớn lên với đất nước.- Westminster : Tủ sách Sự Thật, 2006.
- Các trang mạng điện tử trong đó có bài viết của Hoàng Dũng.

Kỳ bí tục cho thần tài hưởng “nhũ hoa” cầu may mắn ở Hội An

- Phong tục độc đáo của các thương nhân ở Hội An: Áp tượng thần tài vào “nhũ hoa” của các nữ nhân viên bán hàng mỗi buổi sáng sớm.

Thành phố Hội An trong lịch sử hình thành và phát triển có rất nhiều phong tục độc đáo, tạo nên nét đặc sắc, sự khác biệt so với các thành phố khác. Những tiểu thương ở đây có rất nhiều mẹo và tín ngưỡng tâm linh mà chỉ người trong “hèm” mới biết. Độc đáo và ấn tượng nhất là phong tục áp tượng thần tài vào “nhũ hoa” của các nữ nhân viên bán hàng mỗi buổi sáng sớm.

Phố Hội còn được bạn bè du khách quốc tế biết đến bởi những ngôi nhà cổ san sát được xây dựng từ thế kỷ 17, 18 đến này vẫn còn nguyên vẹn. Hội An là tinh hoa của ba nền văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, cùng với văn hóa của cư dân bản địa. Nhiều nét văn hóa đặc sắc, những phong tục kỳ lạ độc đáo và duy nhất vẫn được duy trì đến ngày nay ở đây.
Bàn thờ thần tài của người Hội An
Bàn thờ thần tài của người Hội An.

Thần tài “mê” gái trinh

Lần đầu tiên nghe người bạn ở Hội An kể chuyện các nữ nhân viên các shop ở đây sáng ra muốn đắt hàng thì phải úp mặt tượng thần tài vào “nhũ hoa”, tôi há hốc mồm bất ngờ vì phong tục lạ. Thấy tôi bất ngờ anh bạn bồi thêm: “Sáng ra trước giờ làm việc, nhân viên nữ nào thực sự được chủ tin tưởng mới được biết và được giao thực hiện phong tục kỳ lạ có một không hai này".

Còn với những cửa hàng có chủ là nữ trực tiếp đứng bán thì sau khi hương khói trước và trong cửa hàng, cô chủ sẽ tự mình cho ông thần tài “hưởng” một chút mỗi sáng khi mở hàng để bước vào một ngày mua may bán đắt. Chưa ai chứng thực được nếu không làm cái lệ ấy mỗi sớm thì cửa hàng sẽ buôn bán ế ẩm. Thế nhưng, cứ đời này truyền cho đời khác, người đi trước truyền lại cho người đi sau, tạo thành một cái tục lệ phổ biến. Những ai làm kinh doanh cũng đều biết và tuân thủ.

Mỗi buổi sáng, trước khi đến cửa hàng các nữ nhân viên hay quản lý được giao nhiệm vụ phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng trước khi thực hiện các bước của phong tục kỳ lạ này. Trước tiên, người thực hiện phải đặt hương xin ngài (tức thần tài) về chứng giám. Sau đó, nhẹ nhàng “rước” ngài vào nơi vắng vẻ, kín đáo của shop, nơi cô gái thực hiện cái tục lệ ấy. Nghe thì đơn giản, nhưng mỗi cử chỉ của cô gái phải diễn ra theo trình tự chứ không phải muốn làm thế nào cũng được.

Nhân viên một cửa hàng đang chuẩn bị cho thần tài hưởng “nhũ hoa”
Nhân viên một cửa hàng đang chuẩn bị cho thần tài hưởng “nhũ hoa”

Một tay cầm tượng ngài, quay mặt vào ngực mình, cùng lúc tay kia từ từ cởi cúc áo ra. Khi cởi áo xong thì áp mặt ngài vào ngực mình, di chuyển từ trái qua phải rồi ngược lại, đủ ba lần là xong. Sự việc diễn ra vỏn vẹn chưa đầy 10 phút nhưng là công việc quan trọng nhất trong ngày của mỗi cửa hàng ở đây.

Nhìn thấy tôi cười tủm tỉm Hiền - một nhân viên cửa hàng - thanh minh “Bắt đầu một ngày làm việc mới với tâm thế gặp nhiều may mắn thì tâm lý cũng thoải mái hơn, công việc vì thế mà cũng hanh thông hơn. Em nghĩ đôi lúc nó cũng tạo động lực để tụi em làm tốt hơn. Nhưng cũng không ít người cho rằng đó là mê tín”.

Còn theo cụ Nguyễn Thị My (84 tuổi) thì: “Đúng là có cái tục đó thiệt chú à. Nhưng tôi không rõ có từ hồi nào đến giờ. Đời bà tôi cũng đã có rồi, bà truyền lại cho mẹ tôi, rồi mẹ tôi truyền lại cho tôi. Có người cho rằng đó là lệ của người Hoa, người thì bảo của người Nhật…. Dù có xuất xứ từ đâu, nó vẫn là một điều thiêng liêng, một nét văn hóa độc đáo của những người buôn bán ở đây…”

Cũng theo cụ My, trước đây các chủ tiệm ở đây thường thuê những cô gái còn trinh đến bán hàng ở những cửa hàng lớn. Bởi theo quan niệm của họ thì thần tài rất “mê” gái, đặc biệt là những cô gái còn trinh. Nhiều nhà buôn không thuê được những cô gái còn trinh về làm thì phải cầu cạnh nhờ vả hoặc thuê một cô gái khác trong phố hoặc của nhà buôn khác trong phố mỗi sáng sang nhà mình thực thi công việc cho thần tài “hưởng” nhũ hoa. Không những vậy, người được nhờ, thuê còn phải hợp mạng, hợp tuổi với gia chủ và rất nhiều tiêu chí khác mà cụ không nhớ hết.

“Trước kia, đây là một tục lệ rất quan trọng và phức tạp với những người buôn bán ở đây. Buôn càng lớn thì càng phải chú ý đến cái tục cho “ngài” hưởng nhũ hoa mỗi sáng. Bây giờ, nhiều nhà buôn không còn kỳ công đi tìm con gái còn trinh tiết về làm nữa. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà buôn vẫn duy trì đầy đủ các công đoạn khắt khe của cái lệ ấy”, Cụ My bật mí.

Tục “thỏa mãn dục vọng” của thần tài

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Phước Tương, tục cúng thần tai ở Hội An bắt đầu có từ thế kỷ 17 khi người Hoa Minh Hương bắt đầu đến đây lập nghiệp năm 1644. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có trên 81% các hộ gia đình ở phố cổ thờ thần tài. Đây là tục thờ tổ nghề của những người kinh doanh buôn bán, dịch vụ. Thần tài là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình. Thắp hương, lễ bái thần tài, là gia chủ ước mong luôn làm ăn phát đạt. Tục thờ thần tài ở “xó xỉnh” nhà xuất phát từ điển tích, có một lái buôn tên Âu Minh khi qua hồ Thanh Thảo, thủy thần ban cho một nô tỳ tên là Như Nguyệt.

Âu Minh đưa Như Nguyệt về nuôi trong nhà, từ đó nhà Âu Minh làm ăn ngày càng phát đạt. Ngày tết nọ, vì một lý do vụn vặt nào đó Âu Minh đánh Như Nguyệt. Như Nguyệt sợ quá chạy trốn, chui vào đống rác và biến mất. Từ đó gia cảnh Âu Minh sa sút, thua lỗ, không mấy chốc nghèo khó. Người ta tin cô gái là thần tài nên lập bàn thờ thờ cô. Cũng từ đó có tục kiêng hốt rác trong ba ngày tết, vì sợ “hốt” cả thần tài đi. Dân gian cho đó là nguyên nhân của việc lập bàn thờ thần tài không đặt trên cao.

Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Hội An, Phùng Tấn Đông thì, bàn thờ thần tài thường dán giấy đỏ, để ở một góc hay một xó nào đó. Có thể có bài vị nhỏ, hai bên bài vị có câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc - Địa khả xuất hoàng kim” (Đất hay sinh ngọc trắng - Đất khá có vàng ròng). Thần tài được thờ phổ biến từ các hội quán đến từng gia đình và hệ thống thần tài người Hoa thờ cũng đa dạng gồm nhiều vị thần chuyên lo ban phát tài, lộc. Ở các hội quán, thần tài được thờ trong khánh lớn, đặt ở gian tả hoặc hữu của chánh điện.

Tại nhà, thần tài được thờ chung với thổ địa, quay mặt theo hướng nhà, bên trong khánh thờ có bài vị ghi tên các vị thần tài và thổ địa cùng hương hoa ,trà rượu. Thần tài được cúng vào ngày sóc, vọng hằng tháng, các dịp lễ tiết trong năm nhưng hầu hết trong các nhà buôn bán, việc cúng tiến hành thường xuyên vào mỗi buổi sáng. Lễ vật gồm hoa, quả, thịt quay và những lễ vật khác tùy điều kiện của gia chủ. Lễ lớn nhất thường diễn ra ở các hội quán là lễ vía Tài Bạch tinh quân, người dân đến xin thần tài ban lộc, thỏa mãn khát vọng mua năm bán mười, mua may bán đắt, tài lộc dồi dào.

Cũng theo ông Đông thì những người buôn bán ở Hội An có tục lạ cho thần tài “thơm” nhũ hoa thiếu nữ, trước hết nằm trong những nghi thức thể hiện tín ngưỡng phồn thực sơ khai của dân gian. Dưới góc nhìn văn hóa, những tục lệ như vậy- được gọi là “hèm”- hèm là những nghi thức bí mật, kín đáo nhằm “thỏa mãn thần linh” hay gợi nhớ tiếc, tôn kính thần linh – nghĩa là những hành động ấy “tái hiện” những hành động, công tích mà vị thần ấy từng làm. Có làng - vì thành hoàng trước đây làm nghề ăn mày nhưng khi giàu có đã giúp đỡ dân làng qua cơn đói kém - có tục “ném bị, gậy” trong phần hội, những ai tranh được bị, gậy sẽ là người may mắn trong năm vì nhận được “lộc thánh”.

Như vậy tục “thưởng vú” cho thần tài cũng là một tục “hèm” trong quan niệm “thỏa mãn vị thần tài lộc” về mặt dục vọng để thể hiện ước mong phồn thực của những người buôn bán. Những ai làm lộ “hèm” thì sẽ mất thiêng, thần tài sẽ trách phạt. Đây là một biểu hiện lễ tục có tính cách cá nhân, gia đình, ít phổ biến nên đã dần phai nhạt trong cộng đồng cư dân hiện tại. Ngày nay, tín ngưỡng thần tài thể hiện những ước vọng ngàn đời của thương nhân về tài lộc sinh sôi nhưng để đạt được ước vọng ấy còn đòi hỏi nhiều thứ mà có lẽ -nhiều phép thuật như thần tài- cũng phải bó tay... ông kết luận.

Còn theo anh Tạ Ngọc Ánh Trưởng văn phòng UBND phường Minh An – TP Hội An cho biết: “Trên địa bàn phường có 1.200 hộ kinh doanh cá thể chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống hàng lưu niệm. Là một người làm quản lý hành chính địa phương cũng như sinh sống ở Hội An lâu nhưng tôi thực sự thấy ngỡ ngàng về phong tục kỳ lạ này”.