Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Bài đáng chú ý: Có hơn 100 ĐB Quốc Hội không phát biểu bao giờ!

Nguyễn Minh Thuyết - Có hơn 100 ĐB Quốc Hội không phát biểu bao giờ!

Nguyễn Minh Thuyết
 Nói có nghĩa là làm việc
Cuối khóa XI, một đại biểu Quốc hội cao tuổi nói với tôi: “Tôi tham gia hai khóa Quốc hội. Ghi chép đầy đủ ý kiến của từng đại biểu mới biết mỗi khóa có đến hơn 100 vị không phát biểu bao giờ”.
.
Có thể vị đại biểu cao tuổi chỉ đề cập đến ý kiến trên hội trường. Nhưng sự thật là số đại biểu không lên tiếng, kể cả ở những buổi thảo luận tổ, khá nhiều. Điều này thật không bình thường vì hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội (quốc dân đại hội) là họp. Đã họp thì phải nói. Đại biểu không nói, chẳng lẽ chỉ phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cử tri bằng cách lẳng lặng ấn nút tán thành, không tán thành hoặc không có ý kiến?
Nhưng vì sao có những đại biểu không nói bao giờ?
Thường thì đại biểu là lãnh đạo ở cơ quan trung ương và cấp tỉnh không hay phát biểu. Có thể các vị đó nghĩ rằng mình đã có chỗ khác để bày tỏ ý kiến rồi? Nhưng mỗi diễn đàn có vị trí riêng. Làm đại biểu Quốc hội mà không nói ở Quốc hội thì thật sự là chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Thiết tưởng, nếu thấy chất vấn không tiện thì các vị cũng nên tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội, về dự án luật... Những việc đó có va chạm gì đâu?
Cũng có thể có đại biểu không nói vì ngại bộc lộ chính kiến và năng lực của mình? Nhưng nếu ngại như vậy thì tốt nhất là không nên ứng cử.
Còn một lý do nữa khiến một số đại biểu không muốn phát biểu. Đó là thấy mọi việc hình như đã được “an bài” rồi, nói cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Quả thật ở diễn đàn dân chủ này cũng có không ít trường hợp cơ quan có trách nhiệm dựa vào lý do này khác để bảo vệ quan điểm của mình, không chịu tiếp thu ý kiến đại biểu.
Đến mức ông Vũ Mão, lúc đương chức chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phải có thơ nhại kiểu tiếp thu, giải trình ấy thế này:
“Ý kiến đại biểu thì rất hay
Nhưng nếu tiếp thu thì rất gay
Mong đại biểu vui lòng chấp nhận
Và tiếp tục... phát biểu hăng say”.
Mấy câu thơ ấy nổi tiếng đến mức mãi cho đến bây giờ ai về công tác ở Quốc hội cũng biết. Nhưng nếu chỉ vì sợ “chuyện đã an bài” mà không ai dám nói thì dân biết nhờ cậy ai?
Anh bạn tôi, một giảng viên tiếng Pháp, có lần bảo: “Tiếng Tây nó gọi nghị sĩ là parlementair, bắt nguồn từ parler có nghĩa là nói. Đã là ông bà nghị thì phải nói. Nói tức là làm việc”.

NGUYỄN MINH THUYẾT
(Tuổi trẻ)

Sẽ còn đổi luật chơi

Có bữa trong một dạ tiệc nhà thơ người Nga Lermontov cao hứng chế nhạo một sĩ quan khác trong quân đội Nga hoàng, vì ông kia mặc bộ đồng phục diêm dúa quá đáng. Hai bên cãi nhau, trước mặt một người đẹp, cuối cùng biến thành một vấn đề danh dự, phải giải quyết bằng một cuộc đọ súng.
Hai năm trước, Lermontov đã từng thách đấu súng người con trai của vị đại sứ Pháp ở St. Petersburg, và bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Hình như ông muốn thử sống thực một cảnh đấu súng ông đã mô tả trong tác phẩm “Một anh hùng thời đại chúng ta.”
Theo tục lệ đấu súng, mỗi bên phải có một người bạn ra đấu trường làm chứng. Hai nhân chứng trong cuộc đấu này đã gặp riêng nhau trong hai ngày trước trận đấu. Vì thương bạn, họ tìm cách dàn xếp để tránh cho các đấu thủ khỏi chết một cách vô nghĩa. Họ thỏa thuận sẽ khuyên Lermontov và vị sĩ quan kia, tên là Martynov, cùng chĩa súng bắn lên trời thay vì nhắm vào nhau. Hai đấu thủ nghe lời thuyết phục, đồng ý sẽ dự cuộc chơi “đấu súng giả.”
Ðến ngày hẹn, khi hai sĩ quan quay đầu lại, tiến về phía nhau và rút súng, Lermontov nhanh tay bắn trước, và ông chơi theo điều đã thỏa hiệp, chĩa súng bắn lên trời. Tuy nhiên, trước khi nổ súng nhà thơ còn lớn tiếng nói: “Một thằng ngu thế này, ai thèm bắn nó làm gì!” Martynov nghe thấy lời sỉ vả, nổi giận, hạ nòng súng xuống nhắm thẳng vào Lermontov bấm cò. Ðạn trúng ngực, Lermontov qua đời ở ngoài thị xã Pyatigorsk, trong vùng Caucasus, lúc đó ông mới 27 tuổi. Nhân vật Pechorin trong “Một anh hùng thời đại chúng ta” cũng chết tại nơi đó.
Lermontov chết năm 1841, nước Nga mất một thiên tài thi ca. Chỉ vì Martynov đổi luật chơi vào phút chót. Ðấu súng là trò chơi của giới thanh niên quý tộc Nga, như chúng ta đã thấy trong tiểu thuyết của Lev Tolstoi. Thi hào Pushkin cũng chết khi đấu súng, vào năm 29 tuổi. Giới quý tộc Nga bắt chước các hiệp sĩ thời Trung Cổ, cãi nhau là hay thách đấu kiếm. Cuộc chơi này tàn bạo, đổi mạng sống để giữ lấy một thứ “danh dự.” Nhưng vì bản chất cuộc chơi này tàn bạo, cho nên khi nổi nóng Martynov sẵn sàng đổi luật chơi, khi thấy danh dự mình lại bị tổn thương.
Chung quanh các đại hội hoặc hội nghị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản, cuộc đấu tranh giành ngôi vị cũng ác liệt không kém. Khi tranh giành quyền lực, người ta không còn coi ai là đồng chí nữa. Ngay trong các buổi họp Bộ Chính Trị, khi các ông bà gọi tên nhau, tức là họ còn tử tế với nhau. Khi họ phải gọi nhau là đồng chí, tức là dấu hiệu đã hết tình hết nghĩa, một mất một còn, không ai nhường ai một bước.
Câu chuyện Lermontov cho thấy nhiều khi con người hành động không phải vì tính toán quyền lợi một cách khách quan. Có khi chỉ vì cảm thấy “danh dự” bị xúc phạm là người ta sẵn sàng giết nhau rồi. Ðổi luật chơi chỉ là một chuyện nhỏ, so với nỗi tức giận khi cảm thấy danh dự mình bị tổn thương! Martynov sau đó có thể giải thích rằng ông làm trái điều cam kết vì chính Lermontov đã phá luật chơi trước: Tại sao không theo đúng thỏa thuận, giả bộ bắn lên trời rồi xử huề? Tại sao còn la lối chửi vào mặt người ta? Bộ có phải ông thánh đâu mà có thể nghe chửi rồi cứ nín?
Trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam nhiều cũng đang mang nỗi uất ức giống như vậy. Giữa Nguyễn Tấn Dũng và các đối thủ trong Bộ Chính Trị, chính Nguyễn Tấn Dũng đã phá luật chơi trước; làm nhiều người cũng nổi sùng.
Ngay trong hội nghị Trung Ương 6 năm ngoái, họ đã phá luật chơi rồi. Có đời thủa nào cả Ban Chấp Hành Trung Ương họp hội nghị, lớn tiếng kiểm điểm nhau (tiếng Việt còn gọi là chửi nhau); họp xong rồi bản thông cáo nói có “đồng chí” bị kiểm điểm, nhưng không được nêu tên người bị kiểm điểm là ai! Thà không nói gì thì người ngoài cũng không ai biết!
Nhưng đã nói mà lại chỉ dám nói một nửa, thì còn thể thống nào nữa? Dân Việt Nam nghe rồi, họ cười vào mặt. Cười vào mặt ai? Không phải mặt con người bị chửi, mà là mặt tất cả Bộ Chính Trị lẫn Trung Ương Ðảng! Khi ra trước đám đại biểu Quốc Hội gật gù, Nguyễn Tấn Dũng lại còn lên giọng tự xưng rằng mình có làm gì cũng chỉ vì được đảng trao phó! Ý nói: Nếu mấy đứa trao công việc cho thằng này mà thằng này làm sai thì hãy hỏi tội chúng nó; chỉ chì chúng nó ngu, chứ cái thằng ta đây không bao giờ lú cả!
Ai nghe mà chịu nổi cái lối chửi xéo đó? Một đồng chí cũng nổi giận không kém gì Ðại úy Martynov ngày xưa. Tư Sang bèn chửi lại bằng cách gán tên một ẩn số X cho Ba Dũng! Cho cả nước cười cảnh một đồng chí hèn nhát, ẩn danh, không dám đứng ra vỗ ngực mà xưng tên họ rõ ràng! Hành động đó cũng giống như Lermontov chửi, “Cái thằng hèn kia!”
Nhưng khi lên tiếng chế nhạo, một gọi tên đồng chí X, hai lại nêu danh đồng chí X, nói đi nói lại nhiều lần, chính Trương Tấn Sang cũng phá luật chơi lần nữa. Bởi vì họ đã họp kín, đã thỏa thuận với nhau không đứa nào được tiết lộ tên họ thằng nào bị kiểm điểm; bây giờ có đứa lại cứ nói toạc ra cho cả nước nghe! Dù nói nửa kín, nửa hở, rụt rè như đứa bé ăn vụng; nhưng chủ ý cốt nói cho ai nghe cũng hiểu. Như vậy thì anh còn tôn trọng luật lệ giao đấu hay không? Phải theo dõi các tờ báo hôm nay một người riễu đồng chí Ếch, mai lại người khác cười đồng chí Ếch, dù là Nguyễn Tấn Dũng hay là Martynov thì cũng phải tím gan tím ruột. Tóm lại, đã tới lúc các “đồng chí” không ai còn tôn trọng luật chơi nữa!
Những cái trò phá bỏ luật chơi này có thể gây nên những mối thù truyền kiếp chứ không phải chỉ kéo dài một đời. Người Việt Nam cũng không hiền lành hơn người Nga bao nhiêu. Ở trong đình làng người ta vẫn sẵn sàng xông vào đánh nhau vỡ đầu khi tranh chiếu trên chiếu dưới. Có khi chỉ vì một câu nói cũng đủ để giết nhau rồi! Tất cả chỉ vì cái danh dự hão.
Nhưng họ cũng chỉ mới phá những luật chơi nhỏ. Sẽ tới lúc người ta thấy cần thay đổi cả những luật chơi lớn hơn!
Một dấu hiệu trong bài diễn văn bế lạc Hội nghị Trung Ương VII của Nguyễn Phú Trọng, như một nhà báo trong nước nhận xét, là ông tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam không nói câu nào nhắc tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, cũng không nói đến tên Mác, tên Lê Nin, không một câu nào cả! Mặt khác “Chỉ có trong 3 câu cuối của mục 2 anh Trọng đã... hơn hai chục lần nhắc đến vì dân, cho dân, cứ như là... chưa bao giờ được nói đến chuyện vì dân cả ấy!”
Nhà báo trích dẫn lời Tổng Trọng: “Những hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng là thách thức đối với mối liên hệ giữa dân với đảng.” Ông tổng bí thư còn căn dặn các ủy viên Trung Ương Ðảng:

“...phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh, vân vân.”
Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng bỗng dưng lại quên cả chủ nghĩa mà biểu diễn lòng “yêu dân” đến như vậy?
Có thể căn cứ vào các luận điệu đó mà đoán rằng: Nguyễn Phú Trọng có thể đang muốn đổi sang một trò chơi mới.
Bao lâu nay, theo luật chơi xã hội chủ nghĩa thì đảng là cái đầu, nhà nước là cái đuôi. Ðảng ra lệnh thì nhà nước phe phẩy, vẫy đuôi. Hiện giờ tình trạng ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì ngược lại. Nguyễn Tấn Dũng lại mạnh hơn Nguyễn Phú Trọng. Hai ứng viên của Trọng rớt đài trong khi các đàn em của Dũng lọt vào BCT! Ða số ủy viên Trung Ương Ðảng khi bỏ phiếu đã nghe lệnh của Dũng chứ không nghe Trọng! Chẳng khác gì cái đuôi ra lệnh, rồi cái đầu ngó ngoáy theo. Giống như câu thành ngữ người Tây họ nói: “Con chó không vẫy đuôi mà cái đuôi vẫy con chó!”
Ðể lật lại thế cờ, Nguyễn Phú Trọng có thể bày ra một cuộc chơi khác. Trước hết, sẽ thay màu áo mới. Bao lâu nay, thủ quân Nguyễn Phú Trọng khi ra sân vẫn mặc áo màu đỏ, mang danh đội banh bảo thủ, giáo điều. Nhưng trong trận đấu sắp tới, Trọng sẽ mặc đồng phục khác. Khi nhắc đi nhắc lại những chữ dân, vì nhân dân, cho dân, của nhân dân, vân vân, Nguyễn Phú Trọng đang bày ra một thế trận mới: Ðứng về phía “nhân dân,” rồi mang danh nghĩa nhân dân đối đầu với phía “nhà nước.” Cái gì chứ “chống nhà nước” là một chiêu bài rất dễ được dân chúng Việt Nam ủng hộ.
Với một phần guồng máy đảng trong tay, Nguyễn Phú Trọng có thể huy động một lực lượng theo mình bắt đầu dùng nhân dân để chống nhà nước! Hồi 1970, Mao Trạch Ðông đã từng dùng chiến lược này: Mao hô hào thanh niên tiếp tục làm “cách mạng,” để lật đổ Lưu Thiếu Kỳ và dằn mặt Chu Ân Lai! Tất nhiên Nguyễn Phú Trọng không đủ tư cách như Mao Trạch Ðông; nhưng vẫn có thể dùng bộ máy riêng của đảng gây khó khăn cho Nguyễn Tấn Dũng! Khi mang tên đảng ra hô hào nhân dân cùng theo mình vạch tội nhà nước thì đó cũng là một chiến thuật khả thi! Mà đây không phải là một ý kiến mới mẻ. Trước đây hơn 20 năm, ông Nguyễn Khắc Viện đã từng đề nghị đảng cộng sản tự tách ra khỏi guồng máy nhà nước, tự đặt mình vào hàng ngũ “nhân dân” để theo dõi, phê bình nhà nước. Ông Trọng có khi không biết đã có người nêu ý kiến đó; nhưng các chú của ông khôn ngoan thế nào cũng nghĩ ra!
Cho nên, trận đấu giữa các phe nhóm trong đảng Cộng sản Việt Nam sẽ còn nhiều màn hào hứng trong thời gian sắp tới. Vì các đấu thủ không những phá luật chơi cũ mà có thể còn bày ra những trò chơi mới nữa!
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Sao lại không công khai được ?

Khi có chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh mà Quốc hội bầu, nhân dân nghĩ rằng đây là một chủ trương mới, tiến bộ.
 
Hóa ra không phải, vì khi thực hiện lại không công khai cho dân biết.
          
Từ trước đến nay, chỉ vấn đề gì liên quan đến an ninh, quốc phòng mới phải biểu quyết bí mật, còn đây chỉ là vấn đề nhân sự, nhát là tại Kỳ họp Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhấ đại diện cho nhân dân, thì việc gì phải giấu dân, lý do gì mà không dám công khai?
Trước đây mấy tháng, Thủ tướng quyết định cho mấy vị Thứ trưởng nghỉ hưu trong đó có Thư trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng, cũng đăng báo.
              
Mới đây, miễn nhiệm Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đăng báo.
              
Tại sao nay bỏ phiếu tín nhiệm các vị do Quốc hội bầu lại phải bí mật? Ở các nước như Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức v.v… các tổ chức lấy ý kiến nhân dân về tín nhiệm đối với Tổng thống, Thủ tướng, kết quả đều được công bố công khai. Việc đó rất bình thường. Có vấn đề gì không quang minh chính đại chăng?
            
Thế hóa ra Quốc hội không phải là của Dân, mà là của Đảng, tất bỏ phiếu theo ý Đảng, có gì phải lo. (85% Đại biểu Quốc hội là Đảng viên, đa số là các Bộ trưởng, Chủ tịch, Bí thư tỉnh, Thành ủy). Hơn nữa đa số Trung ương Ủy viên đã bỏ phiếu không kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vẫn để ông làm Thủ tướng và ông cũng không từ chức, thì làm sao ông Dũng bị thiểu số được.
Thiết nghĩ, nên truyền hình công khai ngày bỏ phiếu tín nhiệm cho mọi người biết để dân khỏi thắc mắc.
Nguyễn Trọng Vĩnh
(Blog Bùi Văn Bồng)

Bộ Ngoại Giao Đức và Pháp lên án việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất

Bộ ngoại giao / Đặc ủy nhân quyền CHLB Đức lên án chính quyền Hà Nội về việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất

Berlin - Thông cáo báo chí của bộ ngoại giao CHLB Đức đưa ra ngày hôm nay đã lên tiếng kết án chính quyền Hà Nội về việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất. Toàn văn bản thông cáo báo chí như sau:

Đặc ủy nhân quyền của chính phủ liên bang Markus Loening tuyên bố hôm nay (29.05) về việc bắt giữ các blogger và về tự do hội họp tại Việt Nam:

"Tôi lên án vụ bắt giữ blogger Việt Nam Trương Duy Nhất chỉ vì những phát biểu phê phán của ông về chính phủ và Đảng Cộng sản. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Thật không may, nhiều người Việt Nam bị bách hại vì họ bày tỏ quan điểm của họ. Tôi đòi hỏi kêu gọi việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt ngay các thủ tục tố tụng đối với Trương Duy Nhất.

Tự do hội họp ở Việt Nam vẫn còn tồi tệ. Gần đây, buổi "dã ngoại nhân quyền" trong ôn hòa tại một số thành phố Việt Nam đã bị ngăn chặn và giải tán một cách tàn nhẫn. Trước đó, lời kêu gọi phân phát Tuyên bố về quyền con người cũng như thảo luận về nhân quyền tại các buổi dã ngoại đã được phổ biến trên mạng Internet.

Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc và qua đó đã cam kết tôn trọng tự do ngôn luận và hội họp. Những cam kết này phải được thực thi" .

Bối cảnh:

Trong nhiều tháng nay, các nhà hoạt động nhân quyền đã tố cáo những chiến dịch chống lại người bất đồng chính kiến ​​tại Việt Nam. Trên danh sách "kẻ thù của Internet" cũng như bảng xếp hạng "tự do báo chí" của tổ chức Phóng viên không biên giới, đất nước này xếp hạng 172 trên 179 nước.

* * *

Bộ ngoại giao Pháp lên án việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất

Trong một tuyên bố chính thức ngày 27 tháng 5 vừa qua, bộ ngoại giao Pháp lên án việc bắt giam blogger Trương Duy Nhất, bản tuyên bố viết: "Pháp lên án mạnh mẽ vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất ngày 26 tháng 5 tại Đà Nẵng với lý do "lạm dụng pháp luật hoặc tự do làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước".

Bản tuyên bố còn nhắc đến bản án nặng nề cho Phương Uyên và Nguyên Kha: "Vụ bắt giữ xảy ra sau khi một loạt án tù cho những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam kể từ mùa thu năm 2012 chính là vi phạm nhân quyền. Pháp đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt sau khi hai người trẻ Việt Nam Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị kết án tù nặng nề vào ngày 16 tháng 5. Pháp đặc biệt chú ý tới vấn đề này, đó là chủ đề của một cuộc đối thoại giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam".

Sau cùng bộ ngoại giao Pháp nhấn mạnh "Pháp khẳng định cam kết của mình cho tự do ngôn luận và ý kiến, kể cả Internet trên toàn thế giới. Nước Pháp cũng nhắc lại rằng những quyền và tự do được bảo đảm bởi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên và kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân thủ tôn trọng".

[deustch] - [français] - [english] 
Trần Việt
Diễn Đàn Việt Nam 21
Forum Vietnam 21
www.vietnam21.info

Trần Vinh Dự - Suy thoái kinh tế tấn công người nghèo nặng nhất

29.05.2013
“Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo” – đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thanh Hòa tại phiên họp chiều 14/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Phiên họp này của UBTVQH đặt trọng tâm vào việc xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013. Theo báo cáo của Chính phủ, so với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2012, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Cụ thể, chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm được quyết định cho năm vừa qua là 2%, số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 1,76% và số thực hiện cả năm là 2,16%. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đã giảm 7% (số đã báo cáo Quốc hội là 4%). Như vậy, nếu như theo số liệu hồi cuối năm 2012 thì chỉ tiêu giảm nghèo không đạt, nhưng số liệu được công bố trong báo cáo mới của chính phủ là 2,16% thì lại cao hơn chỉ tiêu đề ra là 2%. Nói cách khác việc giảm nghèo đã được thực hiện tốt hơn mục tiêu đề ra cho năm 2012.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang ngày càng diễn biến xấu đi, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông thôn được đánh giá là còn chậm, hiệu quả thấp, chưa thực sự tạo được sự chuyển biến trong đời sống của người dân nông thôn, thì kết quả giảm nghèo ngoạn mục mà Chính phủ báo cáo có vẻ như mâu thuẫn.

Theo Thứ trưởng Hòa thì những năm qua ngân sách gặp khó khăn nhưng nhìn chung các dự án, chương trình mục tiêu giảm nghèo đều được quan tâm bố trí kinh phí tương đối đảm bảo theo yêu cầu. Bên cạnh đó là các chính sách trợ giúp người nghèo mấy năm vừa qua đến thời điểm gần đây đã phát huy nhiều tác dụng hơn.
Ông cũng cho rằng mặc dù có khó khăn về kinh tế nhưng “theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo”.

Số liệu và cách tính

Làm thế nào để xác định hộ nghèo và hộ không nghèo? Theo quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì chuẩn để xác định hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống ở các vùng nông thôn, từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống ở các vùng thành thị.

Tiêu chí là vậy, nhưng làm thế nào để xác định được thu nhập bình quân đầu người của một hộ gia đình là bao nhiêu? Khác với các nước phát triển, nơi câu chuyện thu nhập tương đối minh bạch, Việt Nam là nơi việc xác định mức thu nhập cực kỳ khó khăn. Theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH (văn bản số 3461/LĐ-TBXH), phương pháp xác định hộ nghèo ở Việt Nam kết hợp phương pháp “nhận dạng nhanh” và phương pháp “đánh giá có sự tham gia của người dân”.

Thế nào là nhận dạng nhanh? Điều tra viên sẽ quan sát và tự quyết định hộ nào có thể được xếp vào hộ nghèo. Điều tra viên sẽ xem xét tình trạng tài sản của hộ gia đình thông qua số lượng và chấm điểm tài sản. Nếu có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định, thuộc diện hộ không nghèo, thì không cần điều tra thu nhập. Nếu tài sản hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn điểm quy định thì điều tra viên mới tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình để xem có thực sự nghèo thật hay không.

Thế nào là “đánh giá có sự tham gia của người dân”? Cũng theo hướng dẫn tại văn bản số 3461/LĐ-TBXH thì việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có sự tham gia đánh giá, bình xét của người dân tại một hội nghị bình xét tổ chức ở thôn/ấp, tổ dân cư. Những hội nghị như vậy phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự. Hội nghị sẽ lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ. Kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách hộ nghèo.

Khi các địa phương tổ chức điều tra và bình chọn hộ nghèo, không có sự giám sát độc lập của cơ quan tổ chức nào của trung ương hoặc của các tổ chức phi chính phủ. Các địa phương sẽ được coi là có thành tích tốt nếu giảm được nhiều số hộ nghèo hơn so với chỉ tiêu được đặt ra. Vì thế, dễ hiểu là bệnh chạy theo thành tích là việc khó tránh khỏi. Đó là chưa kể nhiều khi xảy ra trường hợp đúng là nghèo nhưng không được đưa vào danh sách nghèo, và không nghèo nhưng vẫn được đưa vào danh sách nghèo để được hưởng các ưu đãi từ chính sách.

Các cơ quan trung ương như Bộ LĐTBXH phải dựa vào các báo cáo từ địa phương. Như giải thích của Thứ trưởng Hòa trước Hội nghị của UBTVQH  là “tỷ lệ hộ nghèo được báo cáo từ địa phương lên”. Việc báo cáo một chiều này tất nhiên sẽ dẫn tới sự lúng túng của trung ương khi gặp phải tình trạng kinh tế thì đang đi xuống mà người nghèo lại giàu có lên.

Khủng hoảng kinh tế và người nghèo

Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến đối tượng dân cư nào nhất? Về con số tuyệt đối (tức là số thu nhập bị mất đi) thì các chủ doanh nghiệp, những người làm ăn lớn, là những người bị mất nhiều tiền nhất. Một ngày thị trường chứng khoán sụp đổ có thể kéo theo giá trị tài sản của một tỷ phú USD của Mỹ bốc hơi đến con số hàng tỷ USD, giống như trường hợp của Warren Buffett hay Carl Icahn trong giai đoạn cuối năm 2008 đầu năm 2009. Không có người nghèo nào có số tiền lớn như vậy để mất.
Về mặt tương đối, người lao động nghèo thường mất nhiều hơn. Lý do là người lao động nghèo thường chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất là tiền lương/tiền công lao động. Khủng hoảng kinh tế bao giờ cũng kéo theo việc sa thải lao động. Những người mất việc làm sẽ là những người mất đi nguồn sống duy nhất của mình và gia đình là tiền lương và sẽ bị đẩy vào hoàn cảnh nguy hiểm sống còn.


Nguồn: GSO và các nghị định của Chính phủ về lương tối thiểu

Đương nhiên có những bộ phận công chúng không bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng mất công ăn việc làm. Đó là những người không bị sa thải, những người không có việc làm từ khi trước khi khủng hoảng nổ ra, hoặc những người sống tự cấp tự túc. Rõ ràng, ở Việt Nam có các bộ phận dân cư vùng sâu vùng xa, nơi mà cuộc sống của họ chủ yếu tự cấp tự túc (thí dụ những người du canh du cư) và không có sự xuất hiện đáng kể của tiền đồng trong đời sống của họ. Đối với những người này, không phải khủng hoảng kinh tế, mà là các suy thoái về môi trường, mới là mối nguy đối với họ.

Trong trường hợp của Việt Nam, cơn khủng hoảng hiện nay không chỉ liên quan đến công ăn việc làm mà còn liên quan đến sức mua của đồng tiền. Lạm phát chính là sát thủ vô hình và là mối nguy khủng khiếp đối với người thu nhập thấp. Lấy thí dụ trường hợp những người nhận lương tối thiểu (và không mất việc làm). Nếu lấy mức lương của năm 2000 làm mốc (chỉ số =100), thì nằm 2006 lương của họ sau khi đã điều chỉnh mức độ trượt giá của đồng tiền bằng 185,3 – cao gần gấp đôi sau 06 năm. Thế nhưng từ năm 2006 trở lại đây thì họ hầu như không được hưởng lợi gì từ sự tăng trưởng GDP do tốc độ trượt giá cao hơn tốc độ tăng lương trong nhiều năm. Có năm thu nhập thực tế của họ còn giảm, thí dụ năm 2007 và 2008 đều giảm liên tục so với mức của năm 2006. Đến năm 2009, lương tối thiểu được tăng lên đáng kể và làm cho thu nhập thực tế của họ quay lại mức cao hơn năm 2006 một chút nhưng sau đó lại tụt đi vào năm 2011. Đến năm 2012, lương tối thiểu danh nghĩa được tăng lên và làm cho thu nhập thực tế của họ quay lại mức năm 2006 với một chút tăng nhẹ không đáng kể.

Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người giàu khi CPI tăng vì phần lớn, nếu không phải là tất cả, thu nhập của người nghèo là dùng để tiêu dùng hàng ngày. Người nghèo là những người không có tài sản đáng kể. Thu nhập của họ là để phục vụ tiêu dùng hàng ngày. Còn CPI, hay là chỉ số giá tiêu dùng, vẫn được dùng làm thước đo lạm phát.

Điều đó có nghĩa gì? Thí dụ một người giàu có 100 đồng, trong đó chỉ dùng 10 đồng để tiêu dùng, còn lại 90 đồng là để mua tài sản khác. Một người nghèo khác thu nhập 5 đồng và dùng cả 5 đồng để tiêu dùng. Trong nhiều giai đoạn, giá các tài sản khác không tăng bằng giá hàng tiêu dùng, thậm chí còn giảm đi tuyệt đối. Điển hình là trong giai đoạn vừa qua giá bất động sản hầu như không tăng (khi tính bằng VND) trong khi CPI tăng mạnh.

Người nghèo phải dùng hết thu nhập của mình cho hàng tiêu dùng, vì thế họ là người “chịu trận” nhiều nhất từ cơn bão CPI. Trong khi đó, người giàu chỉ dùng một phần thu nhập của mình cho hàng tiêu dùng, còn lại có thể mua sắm các tài sản không bị ảnh hưởng (nhiều) của việc tăng CPI. Nói cách khác, người giàu bị ảnh hưởng ít hơn từ cơn bão CPI.

Người nghèo cần được bảo vệ trong khủng hoảng

Vì lẽ trên, người nghèo là những người dễ bị tổn thương nhất từ khủng hoảng kinh tế và lạm phát. Đó là lý do các chính phủ cần phải có các chính sách hỗ trợ người nghèo để họ trụ vững trong các cơn bão này, thí dụ chính sách về phát không tem lương thực, trợ cấp thất nghiệp, các chương trình tạo công ăn việc làm… Việt Nam cũng đang hoàn thiện dần các chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp, bao gồm cả chính sách về trợ cấp thất nghiệp, tạo công ăn việc làm, và sắp tới đây là hỗ trợ mua nhà.

Đây là những sự thật hiển nhiên. Không có chuyện các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo như lời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa khẳng định tại hội nghị UBTVQH vừa qua. Phát biểu này của Thứ trưởng Hòa không có cơ sở lý thuyết và càng không có cơ sở thực tiễn. Nó cũng khoác lên vai của những người được coi là chuyên gia kinh tế một oan án mà họ không bao giờ làm. Vì thế điều này cần phải được cải chính lại.
 * Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Hưng Quốc - ‘Khựa’ và ‘Đi chết đi’

Hai biểu ngữ được viết bằng máu trên tấm vải trắng: “Đi chết đi ĐCS VN bán nước” và “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” (ảnh: Danlambao)
29.05.2013
Nguyễn Phương Uyên bị kết án sáu năm tù giam và ba năm quản chế chỉ vì “tội” tuyên truyền chống lại Trung Quốc và nhà nước Việt Nam. Bằng chứng là một số truyền đơn, và quan trọng nhất, hai biểu ngữ được viết bằng máu trên tấm vải trắng có nội dung như sau:

“Đi chết đi ĐCS VN bán nước”
“Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”

Với câu trên, Phương Uyên bị buộc tội “phỉ báng đảng Cộng sản Việt Nam”; với câu dưới, nói những điều “không hay về Trung Quốc”.

Nhìn hai tấm biểu ngữ, được treo trên một hàng rào ở một nơi nào đó, ngay sau lưng Phương Uyên, tôi cứ băn khoăn. Cả hai đều khá lớn; mỗi chiều ít nhất cũng 60-70cm. Nét chữ cũng lớn. Để viết được chừng ấy chữ với kích thước như vậy, cần một lượng máu (dù pha nước đi nữa) khá nhiều. Không thể là máu của chỉ một mình em được. Thế nhưng cách diễn đạt trong hai biểu ngữ ấy lại có vẻ như được trào ra một cách tự phát và đầy cảm tính, của một người không quen sử dụng ngôn ngữ một cách chuyên nghiệp, dù trong lãnh vực tuyên truyền. Kiểu nói “Đi chết đi”, vốn xa lạ với mọi loại văn viết, chỉ thường được nghe trong các lời chửa rủa, có khi là vợ chửi chồng, chồng chửi vợ hoặc cha mẹ chửi con cái. Đó là một lời xua đuổi. Người ta chỉ xua đuổi cái gần mình, vốn gắn liền với mình. Không ai xua đuổi một người lạ hay ở xa. Bởi vậy, lời chửi rủa ấy thường được dùng trong phạm vi gia đình hơn là ngoài xã hội. Cũng bởi vậy, gần đây, nó được dùng như một câu nói có tính chất hài hước, trong các câu chuyện phiếm, thậm chí thành đề tài của hài kịch (do Hoài Linh đóng).

Với câu biểu ngữ “Đi chết đi ĐCS VN bán nước”, Phương Uyên và các bạn của em không hề có ý chống hay tiêu diệt đảng Cộng sản. Họ chỉ muốn nó biến đi cho khuất mắt. Họ đã chán nó đến tận cùng. Chán vì cái khúc “bán nước” ở cuối.

Câu “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” cũng vậy. Nó chả có gì không hay về Trung Quốc cả. Nó chỉ ghi nhận một thực tế: Trung Quốc đang chiếm cứ Biển Đông. Phương Uyên và các bạn chỉ muốn xua đuổi chúng đi.

Hay nhất trong câu ấy là chữ “Tàu khựa”.

Chắc chắn chữ “khựa” là một từ mới, chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây. Trước, chưa hề có. Tôi cũng không hiểu ai đã đặt ra từ ấy và nó có ý nghĩa gì. Vào Google, thấy có nhiều người bàn, nhưng không ai đưa ra được một lời giải đáp nào có sức thuyết phục cả. Về phương diện ngữ nghĩa, “khựa” chưa hề có lịch sử hay tiền sử trong tiếng Việt. Về phương diện ngữ âm, nó gần với hai từ: “khứa”, chỉ một gã nào đó với hàm ý khinh thị (khứa lão) và “bựa”, một tính từ chỉ sự nhếch nhác và thiếu tư cách. Từ “khựa”, bất kể xuất phát từ đâu, đều có âm vang xấu từ hai từ ấy. Hơn nữa, theo Nguyễn Tuân, phần lớn những từ có phụ âm “KH” đều “nhắc đến gọi đến những vật những việc những trạng thái không được vừa mắt, vừa mũi, vừa tai, không được vừa lòng; nó khiến người ta trông thấy nghe thấy, rờ phải ngửi phải nếm phải, đều phải thấy không đẹp lòng, phải thấy khó chịu, đều phải phản đối bằng… một số từ mở ra bởi phụ âm kép KH rất chi là chối cho những cặp tai sành thẩm âm. Có thể nói như thế này được không: những phụ âm kép KH đó báo cáo những cái không hay…” (Chuyện nghề, nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội, 1986, tr. 143-7).

Nguyễn Tuân nêu nhận xét trên trong một bài viết từ năm 1972. Lúc ấy, Nguyễn Tuân chưa hề biết đến chữ “khựa”. Bây giờ đọc lại những nhận xét của ông, chúng ta thấy tất cả đều đúng. Và đúng nhất khi ứng dụng vào chữ “khựa”: Chúng ta không biết nghĩa nó là gì, nhưng nghe cái âm vang nó gợi ra, chúng ta đều cảm thấy khó chịu, hơn nữa, kinh tởm. Nó gợi liên tưởng đến những khai, những khẳm, những khẳn, những khét, những khú, những khạc, những khò khè, khù khờ, khừ khừ, khùng khùng, khô khốc, khấp khểnh, khệnh khạng, những khèng khẹc, những khắt khe, những khốn khổ, những khủng khiếp…

Ngày xưa, trong văn hóa chính thống, hình như lúc nào người Việt cũng phục Tàu, xem Tàu như mẫu mực để học tập và mô phỏng. Cha ông chúng ta học chữ Tàu, học lịch sử, triết học và văn chương Tàu. Từ lễ nghi trong triều đình đến tập tục trong xã hội đều cố gắng làm cho giống Tàu. Lâu lâu, họa hoằn mới có những chủ trương “đánh để dài tóc”, “đánh để đen răng” như thời Quang Trung. Nhưng đánh thắng Tàu rồi thì đến trường, vào lớp, vẫn phải ngoác mồm ra ra rả đọc mấy câu mật ngữ “Tử viết” hết năm này đến năm khác.

Trong văn hóa dân gian, đặc biệt, trong ngôn ngữ thì khác, có vẻ như người Việt không tôn trọng Tàu mấy. Họ thờ Khổng Tử, Lão Tử cũng như các cao đồ của hai ông; nhưng với con cháu của hai ông, những người đương thời, thì họ vẫn gọi là “chú”: “Chú ba Tàu” hay “Chú Chệc”. “Chú” có thể là vai em của ba; nhưng “chú” cũng có thể là vai em của mình: “chú em”. Không biết người Việt dùng theo nghĩa nào, nhưng có điều chắc chắn, những cách gọi ấy, thân mật thì có thân mật, còn tôn trọng thì không. Năm 1945, lính Tưởng Giới Thạch, dưới quyền của Lư Hán, vào miền Bắc để giải giới quân Nhật, được/bị dân chúng gọi là “Tàu phù”. Phù tức là phù thũng, một chứng bệnh phổ biến của lính Tàu lúc ấy. Cách gọi như thế, đầy tính chất mỉa mai, thể hiện sự rẻ rúng của người Việt. Nhưng bây giờ, với chữ “Tàu khựa”, nó không còn là mỉa mai hay rẻ rúng nữa: Nó biến thành một sự ghê tởm và khinh bỉ.

Có thể nói, chưa bao giờ người Việt lại ghét Tàu và khinh Tàu đến như vậy.

Dĩ nhiên, cần lưu ý, khái niệm Tàu ở đây không đồng nghĩa với người Hoa. Có lẽ người Việt chưa đến mức kỳ thị người Hoa. Tàu khựa chỉ là bọn Tàu cầm quyền. Chứ không phải là người Tàu nói chung. Phương Uyên cũng như các bạn của em và phần lớn người Việt có lẽ không có ý định xua đuổi người Hoa ra khỏi Việt Nam như chính quyền Việt Nam đã từng xua đuổi Hoa kiều ra khỏi Việt Nam vào những năm 1978-79. Các em chỉ đòi bọn “Tàu khựa cút ra khỏi Biển Đông”. Vậy thôi.

Các công tố viên ở Long An buộc Phương Uyên tội nói những điều “không hay về Trung Quốc”. Cái gọi là “không hay” ấy nằm ở đâu trong câu biểu ngữ “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”? Có lẽ không phải ở nhóm động từ “cút khỏi Biển Đông”. Bởi đó chỉ là sự kiện. Cái “không hay” có lẽ nằm ở danh từ “Tàu khựa”: Nó thể hiện sự khinh bỉ.

Với chính quyền Việt Nam, chữ “khựa” là một chữ húy. Ngay cả chữ “Tàu” cũng là một chữ húy. Tàu Trung Quốc (hay tàu của Tàu, theo cách gọi dân gian) đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam hay bắt bớ hoặc giết chết ngư dân Việt Nam thì được gọi là “tàu lạ”.

Với chữ “Tàu”, còn thế, huống gì là “Tàu khựa”.

Tuy nhiên, điều thú vị là khi vào Google, tìm chữ “khựa”, tôi mới phát hiện ra, một số cây bút Việt Nam thỉnh thoảng cũng chơi trò du kích, đánh lén Tàu khựa trên cả báo chí chính thống.

Tôi bắt gặp hai lần như thế.


Một lần, trong một chuyện có nhan đề “Sự lên gân của Khựa” đăng trên báo Pháp Luật ngày 1/6/2011. Chuyện kể: Khựa là hàng xóm của Hai Lúa. Khựa hay qua ao nhà Hai Lúa trộm cá. Lúc đầu, ăn trộm, sau, nó cấm cả nhà Hai Lúa bắt cá ở ao nhà của họ. Tức quá, Hai Lúa chửi um lên. Khựa có thấy nhục không? Không. Tác giả, Người Sành Điệu, viết: “Khựa đâu cần quan tâm mấy lời chửi đó. Tổ tông nhà Khựa bao đời nay vốn vậy nên máu mủ trong người Khựa cũng vậy. Nghe đâu Khựa còn tự đắc là mình ngày càng đa mưu túc trí.”

Một lần khác, trong bài “Ba Khựa và món giỗ cha” của Thái Sinh trên báo Nông Nghiệp Thứ Sáu 14/12/2012. Đó là một câu chuyện phiếm có hai nhân vật chính: Thảo Dân và Ba Khựa. Hai người là láng giềng của nhau. Ba Khựa, làm nghề đồ tể, chuyên câu trộm cá ở ao nhà Thảo Dân. Thảo Dân trách, nó cứ chối. Một hôm, Ba Khựa mời Thảo Dân sang nhà ăn giỗ. Trong đám đồ cúng trên bàn thờ có một cái lưỡi bò bên cạnh một con dao nhọn buộc chỉ đỏ. Ngày hôm sau, Ba Khựa phát hiện cái lưỡi bò bị mèo tha mất nên tức giận quát tháo om sòm. Kết thúc câu chuyện có ý nghĩa: Mèo, thật ra, là Mẽo. Và Mẽo là Mỹ. Ý của tác giả rất rõ: Chỉ có Mỹ mới cắt được con đường lưỡi bò!

Như vậy, đâu phải chỉ có Nguyễn Phương Uyên và các bạn của em đòi đuổi đám Tàu khựa ra khỏi Biển Đông?

Buộc tội cho em như thế là oan.

Hơn nữa, còn làm cho chữ “Tàu khựa” đi vào lịch sử.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Trung Quốc quá ngang ngược!

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 29-5 xung quanh chuyện tàu Trung Quốc cản trở ngư dân Việt Nam gần đây
* Phóng viên: Bộ Ngoại giao đã ra công hàm phản đối vụ va chạm nghiêm trọng trên biển Đông vừa rồi giữa tàu cá Việt Nam và tàu Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc lại có những luận điệu ngang ngược.  Vậy thưa ông, tiếp theo ta sẽ có những động thái gì để giải quyết vụ này?
Ta phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rõ đó là vùng đánh bắt của Việt Nam, việc tàu Trung Quốc cản trở ngư dân ta đánh bắt là vi phạm các nguyên tắc.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh
* Phải chăng va chạm trên biển với Trung Quốc ngày càng nhiều, nghiêm trọng hơn và Trung Quốc ngày càng có biểu hiện ngang ngược?
- Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân, những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng. Sau khi vụ việc xảy ra, ta đã phản đối. Nếu có những vi phạm vào vùng biển của Việt Nam thì các lực lượng chức năng của ta sẽ có trách nhiệm bảo vệ.
* Có lẽ đây là kỳ họp Quốc hội đầu tiên mà báo cáo tổng hợp ý kiến Đại biểu Quốc hội tại tổ đề cập nhiều đến vấn đề biển Đông, yêu cầu Chính phủ có thái độ cương quyết hơn, ông có chia sẻ gì với các đại biểu?
 - Gần đây, tình hình biển Đông căng thẳng hơn. Đối với các tranh chấp trên biển Đông, lập trường của Việt Nam rất rõ là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá trên các vùng biển của mình và được bảo vệ một cách hợp pháp.
* Nhưng phải chăng việc dùng giải pháp ngoại giao như lâu nay xem ra vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và người dân?
 - Ta đang dùng tất cả các biện pháp để bảo vệ ngư dân. Trong đó, đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và được nhiều nước sử dụng.
* Nếu không ở cương vị bộ trưởng ngoại giao mà là đại biểu Quốc hội thì ông có cảm thấy lo ngại về tình hình biển Đông?
 - Tất nhiên là có. Đại biểu Quốc hội lo tất cả các vấn đề của đất nước, trong đó có biển Đông.
* Thủ tướng tham gia Đối thoại Shangri-La lần này có đề cập vấn đề biển Đông không, thưa ông?
 - Việt Nam đã tham gia diễn đàn này nhiều năm nhưng lần này, thủ tướng là cấp cao nhất Việt Nam tham gia. Tại Shangri-La, Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc liên quan đến đường lối, chính sách của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương đang được sắp xếp.
Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực và sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, chắc là sẽ có vấn đề biển Đông.
* Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ về phần biển Đông còn mờ nhạt, không cung cấp  đủ thông tin cử tri quan tâm.
 - Chính phủ sẽ có báo cáo bổ sung, tùy thuộc vào sự sắp xếp của Quốc hội sẽ có trong chương trình kỳ họp.


Cần quyết đoán hơn
Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách của Chính phủ năm 2012 và những tháng đầu năm 2013. Báo cáo đánh giá nhìn chung công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nước ta chưa có chiến lược phát triển quốc phòng, an ninh, nhất là trên biển. Tình hình biển Đông đang rất phức tạp, chưa có biện pháp cụ thể để kiểm soát mọi vấn đề xảy ra. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ lại chưa thể hiện rõ về vấn đề biển Đông, chưa đánh giá đúng bản chất của công tác đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Cần có giải pháp quyết liệt trong vấn đề biển Đông, bảo vệ biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ; chú trọng phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân bám biển, tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo nhiều ý kiến, cần mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nền quốc phòng vững mạnh, nhất là công nghiệp quốc phòng; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng.
Có ý kiến đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có giải pháp quyết đoán hơn trong quan hệ với Trung Quốc, phân biệt hành vi xâm phạm và xâm lược để xử lý phù hợp.
T.Dũng
Hàng chục tàu cá bị xua đuổi, bắt bớ
Trưa 29-5, tại ngư trường cách bờ biển Đà Nẵng 70 hải lý, trao đổi qua điện thoại, ông Lê Văn Chiến (29 tuổi, thuyền trưởng, chủ tàu QB 93768, trú huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) cho biết lúc 4 giờ ngày 28-5, khi đang hành nghề trên vùng biển của Việt Nam, tàu của ông bị tàu Trung Quốc dùng vũ khí, vòi rồng khống chế và áp tải về nước họ. “Cứ mỗi lần chúng tôi chạy về hướng Đà Nẵng, tàu Trung Quốc dùng loa thông báo, phun nước và vượt lên dùng súng bắn đe dọa, yêu cầu chạy về hướng Trung Quốc” - ông Chiến kể lại. Đến 13 giờ cùng ngày, tàu Trung Quốc mới thôi khống chế, áp giải tàu QB 93768.
Trước đó, sáng 22-5, tàu cá QNg 90917 TS của ngư dân Trần Văn Quang (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) cùng 14 ngư dân khác cập cảng Sa Cần sau gần 1 tháng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyến đi biển này của ngư dân Trần Văn Quang cũng bị tàu Trung Quốc ngăn cản, tông vào khiến thân tàu bị hư hỏng nặng.
Cũng theo anh Quang, từ đầu năm đến nay, tàu của anh có 3 chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa nhưng đều bị tàu Trung Quốc xua đuổi, ngăn cản hoạt động.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, có hơn 20 vụ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc quấy rối, xua đuổi, bắt bớ…
T.Trực - Q.Tám

(Người Lao động)

Trung Quốc phủ nhận vụ đâm tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa

Tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 bị tố cáo đã đâm vỡ mạn tàu cá Việt Nam (Reuters)
Tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 bị tố cáo đã đâm vỡ mạn tàu cá Việt Nam (Reuters)

Đúng như dự kiến, chỉ ít lâu sau khi Việt Nam lên tiếng chính thức phản đối, vào hôm qua 28/05/2013, Bắc Kinh đã bác bỏ lời tố cáo của Hà Nội, theo đó tàu Trung Quốc đã đâm vỡ tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng quần đảo Hoàng Sa. Không những thế Bắc Kinh còn tố cáo ngược lại là chính tàu cá Việt Nam đã vi phạm vùng biển của Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc đã bị dư luận báo chí Việt Nam cực lực đả kích.

Theo Tân Hoa Xã, trong buổi họp báo thường kỳ, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác định rằng : « Các cáo buộc của Việt Nam hoàn toàn sai với thực tế ».

Đối với Trung Quốc, lỗi hoàn toàn về phía Việt Nam vì tàu cá Việt Nam « đã xâm nhập bất hợp pháp vùng quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, vi phạm luật lệ Trung Quốc », do đó các cơ quan chức năng của Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp thực thi luật pháp”. Tây Sa là tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Hoàng Sa mà họ đã dùng võ lực chiếm toàn bộ vào năm 1974.

Bắc Kinh đã đưa ra các tuyên bố nói trên sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối sự kiện tàu Trung Quốc mới đây đã đâm vào một tàu cá Việt Nam đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm khắc hành vi của tàu Trung Quốc.

Theo thông tin từ phía Việt Nam, ngày 20/05/2013, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90917 TS ở Quảng Ngãi cùng 15 ngư dân đang đánh bắt tại một khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thì bị một chiếc tàu Trung Quốc mang số hiệu 264 đã đâm thẳng vào, vừa làm mạn tàu Việt Nam bị hỏng, vừa đe dọa tính mạng của người trên tàu.

Ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố : « Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động này cũng đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp thêm tình hình trên biển ».

Sự kiện Bắc Kinh đổ lỗi cho Việt Nam mỗi khi xẩy ra các sự cố do chính tàu Trung Quốc gây nên, viện dẫn chủ quyền mà họ tuyên bố trên hầu như toàn bộ Biển Đông, đã lại khiến cho dư luận Việt Nam hết sức bất bình.

Khi loan tin về lời phản bác của Trung Quốc vào hôm qua, tờ Tuổi Trẻ trên mạng đã chạy tựa : « Trung Quốc trơ tráo phủ nhận việc tông vỡ tàu cá Việt Nam ». Tờ Thanh Niên cũng không kém phần gay gắt : « Hồng Lỗi ngang ngược vu cáo Việt Nam ».
Trọng Nghĩa (RFI)

Chiến hạm Ấn Độ ghé cảng Việt Nam

Ba chiến hạm và một chiếc tàu tiếp liệu của Hạm đội Viễn Đông Ấn Độ được phái đến Biển Đông (indiannavy.in)
Ba chiến hạm và một chiếc tàu tiếp liệu của Hạm đội Viễn Đông Ấn Độ được phái đến Biển Đông (indiannavy.in)

Theo nguồn tin báo chí Ấn Độ, một tiểu hạm đội Ấn Độ đã từ Malaysia đến Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam vào hôm nay, 29/05/2013, trong một chuyến ghé cảng hữu nghị, trước khi tiếp tục hành trình qua Philippines. Ba chiến hạm cùng một tàu tiếp liệu của Hạm đội Viễn Đông Ấn Độ đã được phái đến Biển Đông trong khuôn khổ một chiến dịch triển khai tại hải ngoại của Hải quân Ấn.

Chuyến ghé các cảng Đông Nam Á của chiến hạm Ấn được tiến hành trong bối cảnh các lãnh đạo Ấn Độ liên tiếp nhắc lại mối quan tâm của New Delhi đến tình hình ổn định tại Biển Đông.

Báo giới Ấn Độ đã nêu bật sự kiện là ba nước mà chiến hạm Ấn ghé thăm lần này đều là các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nhất là Việt Nam và Philippines, hai nước đứng mũi chịu sào chống lại các sức ép của Trung Quốc muốn áp đặt các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của họ tại Biển Đông.

Theo ghi nhận của tờ Times of India, hiện nay, Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng các « nhịp cầu vững chắc về mặt an ninh trên biển » với các quốc gia như Việt Nam hay Nhật Bản để đối kháng lại với chiến lược « chuỗi ngọc trai » của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, nơi Bắc Kinh muốn hình thành các căn cứ để giảm bớt ảnh hưởng của New Delhi trong khu vực.

Mối quan tâm của Ấn Độ đối với Biển Đông đã được các lãnh đạo Ấn Độ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian qua, đặc biệt sau các sự cố tàu Trung Quốc hù dọa các chiến hạm Ấn tại Biển Đông, hay các yêu sách đòi Ấn Độ chấm dứt hợp tác với Việt Nam trong lãnh vực thăm dò dầu khí tại các vùng ngoài khơi Việt Nam, nhưng bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Mới đây, ngày 11/05, chính Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony đã tỏ ý quan ngại trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và nhắc lại lập trường New Delhi, muốn các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải trong khu vực theo đúng các công ước Liên Hiệp Quốc. Ông xác định là dù Ấn Độ không có tranh chấp với ai ở Biển Đông, nhưng New Delhi có quyền lợi thương mại trong vùng, và các tuyền hàng hải cần được bảo vệ.

Theo giới phân tích, quan điểm của ông Antony không có gì mới, và cũng không có gì là mạnh mẽ. Tuy nhiên, đối với với một người nổi tiếng là thận trọng, luôn có lời lẽ từ tốn như Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, lời nhắc nhở kể trên là một thông điệp chống lại các động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trọng Nghĩa (RFI)
 

Trung Quốc : Du lịch Hoàng Sa không "dễ nuốt"

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ảnh chụp từ vệ tinh. (hoangsa.org)

Sau một chuyến đầu tiên ngày 28/04/2013, chiêu dụ được khoảng 100 khách, ngày 24/05/2013, Trung Quốc đã cho tiến hành một chuyến du lịch thứ hai đến quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, được loan báo là có 150 người đi. Quần đảo này (Trung Quốc gọi là Tây Sa) đã bị Bắc Kinh dùng võ lực cưỡng chiếm từ tay Việt Nam năm 1974, và từ đó đến nay không ngừng bày mưu tính kế để xác lập quyền kiểm soát của họ.

Việc tổ chức cho khách du lịch đến Hoàng Sa nằm trong mưu đồ đó. Thế nhưng, như báo chí Trung Quốc đã phải thú nhận, du lịch Hoàng Sa là một hành động chính trị, do đó hiệu năng kinh tế kém cỏi, khó thu hút được đông đảo du khách. Đấy chính là lời công nhận của giới tổ chức tour và các chuyên gia du lịch với nhật báo Anh ngữ Trung Quốc China Daily ngày 24/05/2013.

Du khách đến Hoàng Sa trên chiếc Coconut Princess, tàu du lịch duy nhất được phép đi đến quần đảo này, nằm cách Hải Nam 330 km về phía đông nam. Theo một cán bộ công ty du lịch Trung Quốc Ctrip : "Du lịch bằng tàu biển có lẽ là sự lựa chọn chính cho du khách muốn đến quần đảo Tây Sa, vì điều này cho phép giảm thiệt hại môi trường"

Hành trình dài năm ngày của công ty này có giá từ 7.000 nhân dân tệ (hơn 1100 đô la) đến 9.000 nhân dân tệ. Nhịp độ dự trù là một hoặc hai lần một tháng.

Lượng khách đăng ký du lịch Hoàng Sa nhìn chung không nhiều. Cán bộ công ty du lịch phân trần là sở dĩ khách không nhiều, đó chủ yếu là vì "đây là một sản phẩm mới". Tuy nhiên, một số cơ quan du lịch đã tỏ ý lo ngại về hiệu năng kinh tế bấp bênh của tuyến du lịch Hoàng Sa.

Một phát ngôn viên công ty Dịch vụ Lữ hành Thanh niên Trung Quốc ghi nhận là giá đi Hoàng Sa quá cao so với các tuyến đường đến Nhật Bản hay Hàn Quốc. Theo nhân vật này, trong trường hợp đi Hàn Quốc chẳng hạn, khách chỉ mất từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ, hay là từ 6.000 đến 7.000 nhân dân tệ, nếu chọn buồng hạng nhất.

Một người khác, làm việc cho hãng Dịch vụ Lữ hành Quốc tế Ananda tại Hải Nam, chuyên trách bán vé cho các tuyến du lịch Hoàng Sa, đã ghi nhận nhiều lời than phiền từ số du khách đã đi chuyến đầu tiên. Họ cho rằng phương tiện sinh hoạt quá hạn chế.

Vì trên đảo không có bất kỳ một khách sạn nào, du khách phải ăn và ngủ trên tàu chứ không thể ở lại qua đêm trên đảo. Nước uống thì được vận chuyển từ Hải Nam đến bằng tàu tiếp liệu, còn điện sử dụng đến từ các máy phát điện diesel.

Theo nhân vật này : « Một vấn đề khác là chúng tôi không thể báo trước cho khách muốn tham quan Hoàng Sa là còn bao nhiêu chỗ trên tàu Coconut Princess, vì đây không phải là một tàu du lịch đơn thuần. Nó còn có nhiệm vụ chở công nhân đến Tây Sa (Hoàng Sa), và chính quyền địa phương có thể yêu cầu cơ quan du lịch giảm lượng du khách vào phút chót nếu có thêm nhiều công nhân cần phải đi đến các hòn đảo ».

Ngoài ra, không phải ai cũng có quyền đi du lịch đến Hoàng Sa. Chỉ có du khách người Trung Quốc (ở Lục địa) tuổi từ 18 đến 60, « sức khỏe tốt, trọng lượng bình thường, không có tiền sử bệnh tim hoặc huyết áp cao » là được phép đi Hoàng Sa. Người nước ngoài không được phép lên tàu.

Một nhà nghiên cứu tại Học viện Du lịch Trung Quốc thẩm định : « Một sản phẩm như thế không thích hợp chút nào với việc quảng cáo của một công ty du lịch ».
Trọng Nghĩa (RFI)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến châu Á để củng cố chiến lược xoay trục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Học viện Quân sự West Point 25/05/2013 trước khi đến Singapore (REUTERS /M. Segar)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Học viện Quân sự West Point 25/05/2013 trước khi đến Singapore (REUTERS /M. Segar)
Vào hôm nay, 29/05/2013, tân lãnh đạo Lầu Năm Góc Hoa Kỳ Chuck Hagel lên đường qua Singapore theo ngã Hawaii. Trong chuyến công du châu Á đầu tiên từ ngày ông nhậm chức vào tháng Hai vừa qua, ông Hagel sẽ tham gia hội nghị an ninh quốc phòng khu vực thường niên mang tên là Đối thoại Shangri-La tại Singapore (30/05 - 02/06), nơi ông được cho là sẽ tìm cách củng cố chiến lược xoay trục qua châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu với giới báo chí tại Washington vào hôm qua, nhiều quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận là một trong những mục tiêu quan trọng của Chuck Hagel lần này là khẳng định quyết tâm muốn hoàn tất sự chuyển hướng chiến lược qua vùng Thái Bình Dương mà Mỹ từng cam kết.
Đó là chiến lược thoạt đầu được gọi là "xoay trục" (pivot), sau đó được điều chỉnh thành "tái cân bằng" (rebalance) lực lượng quân sự Mỹ qua vùng Châu Á – Thái Bình Dương.
Tại Đối Thoại Shangri-La, ngoài tham luận trình bày ngay phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 01/06/2013 với chủ đề « Phương thức tiếp cận an ninh khu vực của Hoa Kỳ », Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ có một loạt những cuộc tiếp xúc song phương và đặc biệt là tam phương với các đồng minh nặng ký.
Trong số các cuộc gặp song phương, hãng tin Pháp AFP nêu bật các cuộc hội đàm giữa ông Hagel với các đồng nhiệm Philippines, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Indonesia và Malaysia. Đặc biệt nhất là cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, người được mời đọc bài diễn văn đề dẫn (keynote speech) ngay buổi tối hôm khai mạc Đối Thoại Shangri-La (31/05/2013).
Hai cuộc hội đàm ba bên rất được chú ý là cuộc họp Mỹ - Nhật – Hàn mà trọng tâm chắc chắn sẽ là hồ sơ Bắc Triều Tiên, và cuộc gặp giữa ông Hagel với hai đồng nhiệm Úc và Nhật, hai thành tố quan trọng trong chính sách xoay trục qua châu Á của Mỹ.
Về chính sách này của Washington, một quan chức quốc phòng Mỹ xin giấu tên khẳng định : « Vào năm ngoái, Mỹ đã chia sẻ với khu vực bản hướng dẫn chiến lược mới (của mình). Lần này, trọng tâm thực sự là cho thấy là chiến lược tái cân bằng đang được thực hiện.
Xin nhắc lại là vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Obama đã loan báo một chiến lược mới của Mỹ, chuyển hướng qua vùng Châu Á Thái Bình Dương để ứng phó với đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Tại Đối Thoại Shangri-La 2012, người tiền nhiệm của ông Hagel tại Bộ Quốc phòng Mỹ là Leon Panetta đã loan báo quyết định sẽ chuyển dần đa phần lực lượng Hải Quân Mỹ qua vùng Thái Bình Dương. Tuy nhiên với các quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng đáng kể tại Mỹ, nhiều quốc gia châu Á đã tự hỏi là Hoa Kỳ có thể tiếp tục chính sách đó hay không.
Chuyến công du Châu Á lần này của ông Chuck Hagel, với một chương trình rất nặng, được cho là nhằm mục tiêu trấn an khu vực về quyết tâm đi đến cùng của Mỹ, đồng thời thảo luận với các đồng minh về hướng củng cố thêm chiến lược xoay trục đó.
Trọng Nghĩa
(RFI)

Vụ rửa tiền lớn nhất nước Mỹ : Liberty Reserve bị truy tố

Công tố viên Preet Bharara trình bày kết quả điều tra vè công ty Liberty Reserve 28/05/2013 (REUTERS)
Công tố viên Preet Bharara trình bày kết quả điều tra về công ty Liberty Reserve 28/05/2013 (REUTERS)

Tư pháp Hoa Kỳ hôm qua 28/05/2013 đã công bố “vụ rửa tiền lớn nhất nước Mỹ”, qua việc truy tố công ty ngoại hối Liberty Reserve và bảy người lãnh đạo công ty này, bị kết tội đã “rửa” 6 tỉ đô la trong vòng 7 năm. Công ty này được thành lập năm 2006, đăng ký hoạt động tại Costa Rica, là một cơ sở chuyển tiền điện tử hoạt động hết sức tích cực.

Công ty Liberty Reserve sử dụng loại tiền điện tử “LR”, giúp gởi tiền cho bất kỳ ai và bất cứ nơi nào trên thế giới mà không để lại dấu vết, đứng ngoài mọi quy định. Liberty Reserve được sử dụng tại nhiều nước trong đó có Việt Nam, Nigeria, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Theo công tố viên Manhattan, Preet Bharara, thì công ty này đã trở thành “nơi chu chuyển tài chính của tội phạm mạng”, từ mạo nhận danh tính cho đến ấu dâm, buôn ma túy và giả mạo thẻ tín dụng. Mạng lưới này có trên một triệu người sử dụng, trong đó có 200.000 người tại Mỹ, và đã tiến hành 55 triệu giao dịch trong 7 năm qua, và “hầu như tất cả đều bất hợp pháp”. Tổng cộng có 6 tỉ đô la đã được “rửa” qua Liberty Reserve.

Ông Bharara nói thêm: “Liberty Reserve chủ yếu là một ngân hàng cho thị trường chợ đen”. Các máy chủ đặt tại Thụy Điển, Thụy Sĩ và Costa Rica, cũng như tên miền này đã bị đóng. Cuộc điều tra được lực lượng an ninh của 17 quốc gia tiến hành, và theo công tố viên Manhattan, thì đây là “vụ rửa tiền quốc tế lớn nhất nước Mỹ từ trước đến nay”. Bảy lãnh đạo của Liberty Reserve đã bị truy tố, năm người đã bị bắt hôm thứ Sáu 24/5 tại Tây Ban Nha, Costa Rica, New York, hai người còn lại đang bị truy lùng tại Costa Rica.

Theo Viện Công tố, thì các giao dịch thông qua Liberty Reserve là “nặc danh và không thể lần ra được”. Mờ ám hơn nữa, những người sử dụng mạng lưới chuyển tiền này không thể gởi hay nhận tiền trực tiếp, mà phải thông qua một trung gian.

Người sáng lập Liberty Reserve là Arthur Budovsky, 39 tuổi, sống tại Hà Lan, từng bị lãnh án tại New York năm 2006 vì toan tiến hành hoạt động tương tự, mang tên “Gold age”. Năm 2011 ông ta đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để nhập tịch Costa Rica, “nhằm trốn tránh luật pháp Hoa Kỳ” – theo như bản luận tội.

Cơ quan chức năng cũng phong tỏa năm tên miền trong đó có tên Liberty Reserve, và bốn trang web trung gian do các bị cáo kiểm soát, 35 trang web khác bị truy tố về mặt dân sự. Ngoài ra 45 tài khoản ngân hàng cũng bị tịch biên hay phong tỏa.

Ngân khố Mỹ cũng điểm mặt chỉ tên Liberty Reserve là “một định chế mà mục tiêu hàng đầu là rửa tiền”. Đây là lần đầu tiên Ngân khố Hoa Kỳ tiến hành các biện pháp đối phó với một mạng lưới chi trả ngoại hối điện tử hay “tiền ảo”.

David Cohen, Thứ trưởng phụ trách đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố tuyên bố: “Ngân khố quyết tâm bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ khỏi bọn tội phạm mạng và các nhân tố bất hảo khác trên không gian ảo, đặc biệt là các định chế ngoại quốc tạo điều kiện cho tội phạm trên mạng và hy vọng tránh né được các quy định”.
Thụy My (RFI)
 

'Tiền bán visa Mỹ đi qua ngả TQ'

Đường dây của Sestak nhắm vào các đối tượng từng bị bác đơn hoặc khó có khả năng được cấp visa
Một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đã "nhận hàng triệu đô la hối lộ" từ các công dân Việt Nam muốn xin visa du lịch vào Mỹ, theo nội dung nêu trong một tài liệu do tòa án Mỹ công bố.
Michael T. Sestak, từng là lãnh đạo bộ phận xét duyệt visa phi di dân ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp HCM, hiện đang phải đối diện với các cáo buộc gian lận trong hoạt động cấp visa và nhận hối lộ được thực hiện trên nhiều quốc gia.
Cơ quan điều tra nói từ 1/5/2012 đến 6/9/2012, cơ quan lãnh sự nhận được 31.386 đơn xin visa phi định cư và tỷ lệ bác đơn là 35,1%.
Cũng trong thời gian này, ông Sestak xử lý 5.489 đơn và chỉ bác có 8,2%. Tỷ lệ này tụt xuống 3,8% trong tháng Tám, ngay trước khi ông ta rời bộ phận lãnh sự.
Bản kết luận dài 28 trang do điều tra viên Simon Dinits thực hiện và nộp lên tòa hôm 6/5/2013 nói rằng đường dây của ông Sestak, gồm năm đồng phạm khác nữa, nhắm vào các đối tượng khó có khả năng xin được visa vào Mỹ, với mức phí được đưa ra từ 50.000-70.000 đô la Mỹ.
Chứng cứ mà cơ quan điều tra có được cho thấy mức giá này có thể ở mức thấp hơn, "tùy thuộc vào tâm trạng của ông ta [Sestak]".
"Ông ta đã chuyển tiền ra khỏi Việt Nam bằng cách dùng những kẻ rửa tiền, thông qua các ngân hàng ở nước ngoài chủ yếu đóng tại Trung Quốc để chuyển vào một tài khoản tại Thái Lan mà ông ta mở hồi tháng 5/2012," điều tra viên Dinits viết. "Ông ta sau đó dùng tiền này để mua bất động sản tại Phuket và Bangkok, Thái Lan."
'Nhắm vào Việt kiều'
Michael Sestak được cho là đã thu nhiều triệu đô la từ dịch vụ 'bán' visa
Năm đồng phạm của Sestak đều cư trú tại Việt Nam và có quan hệ gia đình gần gũi với nhau.
Bản kết luận điều tra không nêu danh các đồng phạm, nhưng xác định người nắm quan hệ chính với ông Sestak là tổng giám đốc tại Việt Nam của một công ty đa quốc gia hoạt động tại TP Hồ Chí Minh. Ông này mang quốc tịch Hoa Kỳ.
Những người còn lại là vợ (quốc tịch Việt Nam), em trai (quốc tịch Hoa Kỳ) và em họ của ông ta (quốc tịch Việt Nam), và người cuối cùng là bồ của em trai ông ta (quốc tịch Hoa Kỳ).
Các đồng phạm đóng vai trò tìm kiếm "khách hàng" và chuẩn bị hồ sơ, hướng dẫn cách trả lời khi tới buổi phỏng vấn xin visa, thu và chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.
Với lợi thế là có các mối quan hệ cả ở Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, các đồng phạm muốn nhắm vào các đối tượng là Việt kiều tại Mỹ, bởi "họ có tiền và tha thiết muốn mang người thân sang Mỹ," theo bản kết luận điều tra.
Ngoài ra, bản điều tra còn nói bố vợ của ông tổng giám đốc, cư trú tại Việt Nam, và một người chị em gái của ông Sestak, cư trú tại Hoa Kỳ, cũng tham gia trong việc giúp trung chuyển tiền trong đường dây hoạt động bất hợp pháp này.
'Dịch vụ béo bở'
Chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, chừng ba tháng, nhưng ông Sestak và các đồng phạm dường như đã làm ăn rất phát đạt.
Các đồng phạm đã giúp 'khách hàng' điền đơn xin visa và làm các thủ tục, kể cả tổ chức 'luyện thi' trả lời phỏng vấn
Theo kết luận điều tra, từ đầu tháng 4/2012, vị tổng giám đốc đã bàn với người em trai cùng một người anh em khác nữa của mình về khả năng nhận tiền tại Mỹ, "nếu có người muốn chuyển".
Ông ta thậm chí còn yêu cầu người anh em của mình "mở một tài khoản đô la ở Vietcombank cho an toàn, bởi [tài khoản] HSBC có thể bị chính phủ Mỹ kiểm tra".
Các giao dịch chuyển tiền bắt đầu diễn ra từ cuối tháng 5/2012, nhưng thực sự ồ ạt bắt đầu từ tháng 6/2012.
Bản kết luận điều tra nói trong khoảng thời gian từ cuối tháng 6/2012 đến đầu tháng 9/2012, chừng 3,2 triệu đô la được chuyển vào tài khoản ngân hàng tại Thái Lan của ông Sestak và gần 3 triệu đô la vào tài khoản tại Hoa Kỳ của vợ ông tổng giám đốc.
Hầu hết các khoản này đều được chuyển đi từ ngân hàng Bank of China, có trụ sở chính tại Bắc Kinh.
Bản kết luận điều tra ghi nhận một số giao dịch chuyển tiền ở Hoa Kỳ vào tài khoản cũng ở Hoa Kỳ của vợ ông tổng giám đốc, dường như để thanh toán cho "dịch vụ visa". Tuy nhiên, đây chỉ là một số khoản nhỏ với tổng trị giá chừng 55 ngàn đô la.
Việc nhận tiền mặt ngay tại TP Hồ Chí Minh, sau khi khách nhận được visa, cũng được cho là đã xảy ra.
Rửa tiền
Bản điều tra thu được chứng cứ nói vào ngày 2/6/2012, ông Sestak email cho đại lý bất động sản tại Thái Lan, hãng đại diện cho ông ta tìm mua bất động sản tại nước này với nội dung: "Chúng tôi vẫn chưa tìm được cách chuyển tiền ra khỏi Việt Nam."
Email ông Sestak gửi đại lý bất động sản ở Thái Lan hôm 2/6/2012
"Chúng tôi đã tìm được dịch vụ giúp chuyển tiền vào Thái Lan, nhưng là tiền mặt, mà tôi nghĩ là không thanh toán cho các ông bằng tiền mặt được... mà tôi nghĩ ngân hàng Thái cũng không cho phép tôi nộp tiền mặt vào tài khoản."
"Còn một cách khác, nhưng chúng tôi phải trả 25% thuế công ty khi chuyển tiền, cao quá. Các ông có gợi ý gì không?"
"Thật là tức khi không thể chuyển tiền của mình đi được... Tôi bị mắc kẹt ở Việt Nam."
Tuy nhiên, chỉ sau đó ít hôm, ông ta đã khoe với đại lý bất động sản này là đã tìm được cách chuyển tiền qua ngả Hong Kong, và bắt đầu từ 20/6/2012, tiền bắt đầu được chuyển từ Bank of China vào tài khoản tại Thái của Sestak.
Bản kết luận điều tra không xác định đường đi của các khoản tiền chuyển ra khỏi Việt Nam.
Bank of China có chi nhánh tại tòa nhà Sun Wah Tower, Thành Phố Hồ Chí Minh.
Ngân hàng này cũng hoạt động tại Hong Kong, Macau và Bangkok, cùng nhiều chi nhánh khác tại Á châu và Âu châu.
Phụ trách việc duyệt đơn
Ông Sestak làm việc tại bộ phận lãnh sự tại Thành Phố Hồ Chí Minh, chuyên trách mảng visa phi định cư trong thời gian từ 8/2010 đến 9/2012.
Việc "bán" visa được cho là diễn ra trong thời gian từ 5/2012 đến 9/2012, là thời điểm ông này rời Việt Nam để chuẩn bị tái nhập ngũ vào lực lượng Hải quân.
Vụ việc bị phát giác khi giới chức Hoa Kỳ nhận được thư báo tin vào tháng 7/2012, theo đó nói có hiện tượng hàng chục người ở cùng một ngôi làng ồ ạt nhận được visa du lịch một cách bất hợp pháp trong thời gian từ cuối tháng Năm tới đầu tháng Bảy, kèm theo hình ảnh và thông tin cá nhân của bảy người trong số này.
Ông Sestak, sinh năm 1971, đã bị bắt giữ tại Nam California hồi trung tuần tháng Năm và không được phép tại ngoại hầu tra cho tới khi được di lý về Washington, nơi kết luận điều tra được đệ trình lên tòa.
(BBC)

Hãy tỉnh táo với vàng

Hãy tỉnh táo với vàng
Ts Nguyễn Đức Thành

Theo TS Nguyễn Đức Thành, đừng vội thấy giá vàng trong nước cao hơn thế giới mà giữ vàng. Thị trường phức tạp và tinh vi hơn rất nhiều so với những gì nhiều người đã biết.
Trường vàng hiện đã ổn định hơn rất nhiều so với những năm trước. Mặc dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn rất rộng song không còn thấy những cơn sốt vàng như trước, không thấy người dân đổ xô đi mua bán mỗi khi giá biến động mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, có được điều này nhờ nỗ lực quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước song cũng không ít các ý kiến e ngại do chênh lệch quá lớn nên những người có vàng đang găm giữ còn những người mua đang muốn chờ đợi thêm đến sau thời điểm 30/6 – hạn chót để các ngân hàng thương mại hoàn thành tất toán trạng thái.

Xoay quanh vấn đề thị trường vàng hiện nay, chúng tôi đã có buổi trao đổi với TS.Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách.

PV: Sau phiên đấu thầu vàng thứ 23, giá vàng trong nước tăng thêm 250.000 – 300.000 đồng/lượng so với giá bán ngày hôm trước. Giá vàng thế giới giảm và giá trong nước lại cao hơn giá vàng thế giới tới gần 6 triệu đồng/lượng. Vậy nên nhìn nhận về thị trường vàng thế nào?

TS.Nguyễn Đức Thành: Hãy tỉnh táo, đừng vội thấy giá vàng trong nước chênh lệch như vậy mà giữ vàng. Vì sao không nhân cơ hội giá vàng cao hơn giá thế giới nhiều như vậy để bán ra vì cơ hội này không kéo dài mãi đâu. Nếu muốn mua vàng để giữ, hãy đợi sau ngày 30/6/2013.

Nếu ai đó không hiểu đúng, hiểu sâu những biện pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 thì sẽ phản ứng và gặp tổn thất trong những quyết định đầu tư liên quan đến vàng.

Tôi xin lưu ý, khi không hiểu rõ thực sự những gì đã và đang diễn ra trên thị trường vàng và khi thiếu tin tưởng về thị trường này trong tương lai, thì người đó dễ có thể có những quyết định không chính xác với những đầu tư liên quan đến vàng và khi đó tổn thất là không thể tránh khỏi.

PV: Từ khi thực hiện Nghị định 24/NĐ-CP và sự cương quyết của NHNN trong việc điều hành và quản lý thị trường vàng, rõ ràng thị trường vàng trong nước đã không còn những cơn sốt. Giá vàng trong nước đã có diễn biễn tăng cùng tăng, giảm cùng giảm với giá vàng thế giới. Ấy vậy nhưng, những nỗ lực này vẫn bị một vài Nghị sỹ vẫn phê phán khá mạnh. Ở một góc nhìn khách quan, theo Tiến sỹ, vì sao?

TS.Nguyễn Đức Thành: Trước khi có thể giải thích cặn kẽ, thì tôi có một lời khuyên đơn giản cho người dân: Hãy tỉnh táo và đừng quan tâm tới những cuộc tranh luận vô bổ và không chính xác.

Có một thực tế ít người biết là đa số mọi người hiện nay đều hiểu nhầm. Câu chuyện về thị trường vàng đã từng phức tạp và tinh vi hơn như người ta tưởng rất nhiều khiến chỗ này, chỗ kia vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cuộc chơi không hiểu hết đích hướng đến và việc phải làm của Nghị định 24 nên đã có những phản ứng mạnh mẽ. Trong khi đó phần lớn dân chúng đã không hiểu thực sự những gì đã diễn ra trên thị trường vàng và nguyên cơ của những cơn sốc giá trước đó. Không ít những phản ứng nảy ra vì họ chỉ nhìn thấy những từ khóa như “không được phép – độc quyền – đấu thầu – chênh lệch giá cao…”. Những từ khóa này đã gây nên sự hiểu nhầm.

PV: Vâng, vậy người dân cần hiểu đúng thế nào về Nghị định 24 và cách điều hành của NHNN về vàng?

TS.Nguyễn Đức Thành: Lâu nay, với người dân Việt Nam vàng vừa là tài sản, vàng cũng lại được sử dụng như một loại tiền khi cho vay, khi mua bán, thậm chí gửi ngân hàng lấy lãi, có thời kỳ vàng còn được dùng làm định lượng định giá tài sản. Nghị định 24 và cách thức thực hiện của NHNN đang hướng đến việc tách chức năng tiền tệ ra khỏi vàng, tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng để vàng chỉ còn là tài sản. Chính vì vàng đã được sử dụng như tiền, vì còn tín dụng bằng vàng nên thị trường đã có lúc bị xáo trộn, bị làm giá, đầu cơ… gây biến động tiếp tới tỷ giá. Vì vậy cần phải triệt tiêu tính tiền tệ của vàng.

PV: Những thành công về mục tiêu dài hạn thì rất ít người dân hiểu được sâu xa như Tiến sỹ phân tích, nhưng điều dân chúng vẫn nhìn vào để hỏi hiện nay đó là khoảng cách giá vàng trong nước và giá thế giới, và giá đấu thầu cao?

TS.Nguyễn Đức Thành: Hiện tại do nhu cầu cần có vàng để tất toán đúng hạn 30/6/2012 nên lượng vàng mua vào các ngân hàng thương mại lớn, theo quy luật thị trường, cầu nhiều – giá cao.

Lập lại trật tự thị trường vàng, đưa vàng về đúng bản chất là một cuộc chiến âm thầm và quyết liệt. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, đây chỉ là một phần trong rất nhiều công việc cần làm, phải bàn để thoát khỏi tình thế khó khăn của đất nước hiện nay vì vậy cũng không nên “tăng kịch tính” cho vấn đề này. Hơn nữa, xử lý vấn đề vàng không đơn giản và có thể nói NHNN đang rất nỗ lực trong cuộc chiến quản lý thị trường vàng.

PV: Ngoảnh lại thì có thể nói, NHNN đã từng thất bại trong cuộc chiến với vàng? Vậy mức độ hữu hiệu của chính sách hiện nay ra sao?

TS.Nguyễn Đức Thành: Có thể nói NHNN cũng đã từng bắt đầu cuộc chiến với vàng bằng việc ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN vài cuối tháng 4/2011. Thông tư này quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Lúc ban hành Thông tư, chắc NHNN cũng rất kiên quyết nên Thông tư có hiệu lực ngay lập tức (từ 1/5/2011). Tuy nhiên sau đó, các tổ chức tín dụng vẫn huy động vàng, vẫn dùng vàng để cho vay, vẫn nhận vàng gửi từ dân cư. Như vậy nhìn vào hiệu quả thì đúng là NHNN đã không thành công với Thông tư 11. Điều này cũng có thể giải thích, như đã nói vấn đề vàng phức tạp và tinh vi hơn nhiều so với những gì nhiều người đã biết trong khi với hiệu lực chỉ ở mức Thông tư thì không đủ mạnh.

Với Nghị định 24 và những gì mà NHNN đã làm, với diễn biến thị trường vàng hiện nay đã không còn những đợt “nhảy múa”, có thể nói, NHNN đang làm chủ cuộc chơi.

PV: Cảm ơn Tiến sỹ đã trả lời phỏng vấn.
Minh Phương
( Theo Trí Thức Trẻ )

'Tỷ phú ẩn mình' của Việt Nam

Ông Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam =>
Hãng tin tài chính Bloomberg hôm 25/10 có bài viết dài về ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. BBC Việt ngữ xin giới thiệu cùng quý vị.
Ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú bắt đầu từ một cơ sở kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina và rồi trở thành nhà kinh doanh bất động sản lớn nhất Việt Nam.
Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vingroup, tập đoàn đang xây dựng 8 dự án bất động sản đa năng tại các vị trí đắc địa ở Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ đôla, đang có các kế hoạch làm giàu thêm nữa bằng việc bán các căn hộ cao cấp và trung cấp cho những người châu Á muốn điều chuyển tài sản của mình từ tiền mặt hoặc vàng.
“Người Việt vẫn giữ nhiều vàng như hình thức tiết kiệm,” ông Vượng nói trong một cuộc trao đổi tại trụ sở của công ty ở Hà Nội.
“Người Việt rất giống với người Hoa. Họ không thể giữ vàng dưới gầm giường mãi. Cuối cùng thì họ cũng sẽ đem vàng ra đầu tư. Và thị trường nhà đất sẽ phát triển,” ông Vượng nói.
Ông Vượng và vợ ông, bà Phạm Thu Hương, sở hữu khoảng 50% cổ phần của Vingroup, tập đoàn lớn thứ năm trên thị trường tại Việt Nam về giá trị vốn hóa thị trường. Không kể số cổ phiếu ông dùng làm thế chấp để tài trợ cho một số dự án nhà đất của công ty, ông Vượng có tài sản trị giá 1,3 tỷ đôla, theo Chỉ số Tỉ phú Bloomberg.
Ông chưa bao giờ xuất hiện trong bảng xếp hạng người giàu quốc tế.
Vingroup hiện đang có kế hoạch huy động vốn khoảng 300 triệu đôla thông qua việc chào bán cổ phiếu tại Singapore hồi tháng Tám nhằm bổ sung vốn để mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Năm ngoái, tập đoàn đã tạm gác kế hoạch niêm yết ở Singapore vào năm ngoái khi Chỉ số Straits Times của Singapore sụt 17%.
“Nếu bây giờ qu‎ý vị đưa cho tôi 10 tỷ đôla, tôi sẽ dùng tất cả số tiền đó vào xây dựng vì vẫn còn rất nhiều nhu cầu về xây dựng,” ông Vượng nói. “Nhu cầu ở Việt Nam thật vô cùng lớn.”
Nhà tỷ phú nói rằng ông cũng có kế hoạch xây dựng tại Singapore hay Hong Kong, nơi một số các nhà bất động sản lớn nhất châu Á đặt trụ sở.

Học ở Nga
Ông Vượng học ngành kinh tế địa chất tại trường Đại học Địa chất Moscow của Nga. Sau đó ông tới Ukraina và thành lập công ty LLC Technocom, hãng sản xuất hơn 100 sản phẩm đồ ăn khô, trong đó có mỳ ăn liền và bột khoai tây nghiền.
Ông bán công ty này, với giá không được công bố, cho hãng Nestle SA vào năm 2010. Technocom có kim ngạch hơn 100 triệu đôla vào thời điểm được ông bán đi.
Dựa trên doanh thu trung bình của nhiều lần sáp nhập và mua đi bán lại các công ty thực phẩm này trên khắp thế giới thì công ty có thể đã có trị giá 150 triệu đôla vào năm 2010 khi nhà tỷ phú này bán toàn bộ hoạt động này cho hãng thực phẩm Nestle SA có trụ sở tại Vevey, Thụy Sĩ, theo các số liệu tổng hợp của Bloomberg.
Ông Vượng từ chối không nói tiết lộ giá bán vì một điều khoản trong hợp đồng.
Hồi hương
Ông Vượng trở lại Việt Nam năm 2001 khi ông thành lập công ty du lịch khách sạn Vinpearl. Năm sau ông thành lập Vincom, hoạt động trong lĩnh lực bất động sản thương mại và nhà ở trung và cao cấp. Vinpearl và Vincom, đều đã được niêm yết, sau đó được hợp nhất thành Tập đoàn Vingroup vào năm nay.
Vingroup là cổ đông kiểm soát tại 19 dự án mà Tập đoàn này đang xây dựng ở Việt Nam, bao gồm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên và Đà Nẵng.
Trung tâm Vincom ở TP. HCM
Các dự án của Tập đoàn Vingroup ở Hà Nội, thành phố nổi tiếng với kiến trúc kiểu thời Pháp thuộc và những con phố rợp bóng cây, đều nằm trong phạm vi cách trung tâm thành phố không quá 10 cây số. Chính phủ Việt Nam, đã tạo ra nền kinh tế thị trường qua các chính sách Đổi mới vào năm 1986, đang tìm cách phát triển thủ đô thành một đô thị hiện đại.
Dự án Royal City có chức năng sử dụng hỗn hợp xây trên khu đất trước đây là một nhà máy, cách trung tâm Hà Nội 5 cây số, đang được tiếp tục xây dựng. Các căn hộ cao cấp tại đây được bán với giá 1.800-2.500 đôla một mét vuông và người mua có thể thay đổi thiết kế từng căn hộ cho phù hợp với phong thủy của mình. Dự án sẽ có cả công viên nước trong nhà và sân trượt băng đầu tiên tại Việt Nam khi hoàn tất vào sang năm.
Thay đổi lối sống
Tại Times City, đặt ở khu dân cư và thương mại sầm uất của Hà Nội, Vingroup mở bệnh viện đầu tiên của Việt Nam có các phòng dành riêng cho một bệnh nhân và các phòng cao cấp. Dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với các khu nhà ở, trung tâm mua bán và một trường quốc tế.
Ông Vượng, cha của ba người con, nói ông muốn bán một “kinh nghiệm sống”mới cho người Việt Nam.
“Chúng tôi muốn mang lại những sản phẩm tốt hơn tới Việt Nam,” ông nói. “Hy vọng của tôi là qua những thay đổi về lối sống và những sản phẩm tiêu dùng, nó sẽ ảnh hưởng tới người dân và làm thay đổi cách suy nghĩ của họ. Đất nước sẽ phát triển hơn so với ngày nay.”
Mua đất ở những điểm đắc địa hoặc độc nhất vô nhị đã cho phép Vingroup bán được bất động sản của mình với giá cao ngay cả khi thị trường sụt giảm, bà Tôn Phương, một phân tích gia thuộc công ty Viet Capital Securities tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. Một điểm mạnh khác là Vingroup có thể hoàn thành dự án trong một thời gian ngắn, bà nói.
Tập đoàn Vingroup “có lợi thế đặc biệt về nguồn vốn; đó là lý do tại sao họ có thể nhắm vào những dự án đòi hỏi nhiều vốn ngay từ đầu”, bà Tôn Phương cho biết thêm. “Hầu hết bất động sản mà họ đưa vào thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều kết hợp những khái niệm phát triển mới tại Việt Nam.”
Tài chính hoán đổi
Tập đoàn Vingroup bán 300 triệu đôla trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Tập đoàn thu được 100 triệu đôla trong đợt bán trái phiếu chuyển đổi của một công ty Việt Nam đầu tiên hồi năm 2009. Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp thì Tập đoàn Vingroup có tài sản trị giá khoảng 1,7 tỷ đôla và với số nợ là 1,3 tỷ đôla.
Nhà tỷ phú nói rằng ông sẽ kinh doanh bất động sản tại nước ngoài "khi có cơ hội tốt". Năm nay, ông thuê McKinsey & Co. làm đánh giá chiến lược các hoạt động kinh doanh của Vingroup và tư vấn cho tương lai của tập đoàn.
"Với viễn ảnh của mình, chỉ giới hạn ở thị trường Việt Nam sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của họ," bà Tôn Phương thuộc Viet Capital Securities nói.
Ông Vượng đã tới nhiều thành phố khác nhau để có thêm ý tưởng. Khi xây dựng Vincom Center tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Vượng đã tổ chức một chuyến đi tới Singapore cho những người thuê nhà của khu tổ hợp này, trả tiền vé máy bay và chỗ ở cho họ.
Tháo dỡ phòng
Trước khi xây khu nghỉ mát Vinpearl Resort Nha Trang, dự án khách sạn du lịch đầu tiên của mình tại một bờ biển tư nhân, ông Vượng đã tới các khách sạn ở Phuket với một chiếc tuôc-nơ-vit trong vali. Ông dùng nó để tháo gỡ những trang thiết bị trong phòng để xem chúng được lắp như thế nào trước khi lắp trả lại như cũ.
Dự án Times City ở Hà Nội
Dự án Times City ở Hà Nội
"Ông là một người rất khiêm tốn và dân dã," bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, người từng làm cho Lehman Brothers Holdings Inc., cho biết. "Ông luôn nói với ban quản lý phải tiếp tục học hỏi mối ngày, rằng không thể bằng lòng với những gì mình có."
Số lượng khách hàng mà ông Vượng muốn nhắm tới là bao nhiêu là điều còn chưa được rõ. Dân số thành thị mỗi năm tăng 3,4%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong đó tăng nhanh nhất là tại hai thành phố chính Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ khoảng 5% dân số ở hai thành phố chính này là có thể đủ tiền mua những căn hộ của các nhà xây dựng lớn.

Khả năng chi tiêu có giới hạn
Khoảng 47% các gia đình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thu nhập bình quân 7425 đôla một năm, theo công ty môi giới bất động sản CBRE Group Inc. cho biết. Vẫn theo công ty này thì phải 51 năm mới tiết kiệm đủ tiền để mua một căn hộ loại trung có giá 72000 đôla.
Đại đa số bất động sản tại Việt Nam đều được mua trả thẳng chứ không theo hình thức vay ngân hàng trả góp. Theo chi nhánh CBRE tại Việt Nam thì mỗi gia đình trung bình phải mất 242 năm tiết kiệm mới đủ tiền mua căn hộ hạng sang với giá 342 nghìn đôla.
Giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 3 lần từ năm 2004 tính tới quý đầu năm 2008, theo số liệu của CBRE. Nhưng giá nhà sụt giảm khi chính phủ tăng lãi suất và hạn chế cho vay cho khu vực bất động sản và các khu vực phi sản xuất khác trong một nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng lạm phát.
Số liệu bán hàng
Tập đoàn Vingroup bán 7000 tới 8000 căn hộ vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, ông Vượng cho biết. Các căn hộ cao cấp tại Vincom Center ở thành phố Hồ Chí Minh, với cả spa và khu thể thao, được bán năm 2010 với giá trung bình khoảng 8000 đôla một mét vuông, đắt kỷ lục tại Việt Nam.
Ông Vượng, một người coi trọng kỷ luật và thưởng cho những người làm tốt, luôn giương cao một khẩu hiệu với nhân viên:
“Tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong tất cả mọi việc bạn làm, trong mọi hành động của mình.”
Nhà tỷ phú chơi đá bóng và bóng chuyền hàng tuần với nhân viên Tập đoàn Vingroup tại trung tâm thể thao của tập đoàn, đổi comple, cà-vat sang đồng phục thể thao của đội bóng công ty. Ông chơi ở vị trí trung phong – vị trí phải làm bàn.
“Tấn công tốt hơn là phòng ngự,” ông nói, và nói thêm ông cũng áp dụng nguyên tắc đó với tất cả mọi việc ông làm.
(BBC) 

Các cô gái Việt được giải cứu ở Malaysia (phần 1)

Kỳ 1: Lời kể của chính các nạn nhân

Tệ  nạn lường gạt các cô gái quê sang một nước khác để làm gái mãi dâm càng ngày càng  phổ biến tại Việt Nam. Nhiều cô gái đã bị các đường dây buôn người đưa sang Singapore và Malaysia.  Riêng tại Malaysia, Lao Động Việt  đã giải cứu được một số trường hợp các cô gái bị gạt sang đây làm gái mãi dâm.
hitzclub-622
Hitz Club, nơi cô Hồng và cô Hoa bị ép tiếp khách.
Bị dụ dỗ, lường gạt?
Gần đây, tại Việt Nam tệ nạn buôn người đã trở thành một ngành kinh doanh dễ dàng và đem lại nhiều lợi nhuận cho một số tay cò mồi hoặc công ty môi giới trá hình.
Đối tượng của mạng lưới buôn người này là các cô gái nhẹ dạ ở miền quê, họ vẽ vời một tương lai tốt đẹp khi đi xuất khẩu lao động.
    Người ta nói người ta lo hết,  qua bển rồi người ta cho tiền, người ta giới thiệu việc làm, rồi làm việc từ từ trả cho người ta. - Cô Hồng
Các cô gái chân quê này tin tưởng vào những lời hứa hẹn ngon ngọt đó, họ bỏ lại gia đình, làng quê, mang thân sang xứ lạ để mong tìm một cuộc đổi đời.
Nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng chuyến đi tìm một cuộc đổi đời này chỉ đem lại những cay đắng, tủi nhục khi biết mình bị lường gạt, phải bán thân mình trong các quán bar.
hoa-305
Cô Hoa trong trang phục bán bar ở Malaysia.
Hai cô gái, tạm gọi là Hồng và  Hoa là hai nạn nhân của một tay buôn người  ở miền Tây. Trước khi trở thành kẻ buôn người , người đàn bà này– tạm gọi là bà Tân- qua môi giới lấy  chồng là người Tàu ở Malaysia.
Chồng bà Tân làm chủ một quán bar, bà ta thường về Việt Nam, hoặc nhờ gia đình ở  Việt Nam  tìm những cô gái nhẹ dạ, cả tin đem qua Malaysia với lời hứa hẹn là qua bên đó sẽ vào bán nước trong quán bar- café với số lương gấp nhiều lần ở Việt Nam.
Cô Hồng trước đó là công nhân cho công ty Adidas, do cùng xóm, cô quen với  bà Tân, được bà thuyết phục bỏ hảng qua Malaysia bán nước trong quán bar với những lời hứa hẹn qua đó làm chỉ khoảng 1 tuần là sẽ đủ tiền trả vé máy bay.
Nếu muốn ở lại thì họ sẽ gia hạn cho các cô mà không phải trả một chi phí nào. Cô Hồng kể lại:
“Người ta nói người ta lo hết,  qua bển rồi… rồi… rồi người ta cho tiền, người ta giới thiệu việc làm rồi làm việc từ từ trả cho người ta. Nếu làm được thì khoảng 1-2 tuần là trả hết nợ”.
Khi ra đến sân bay, cô Hồng đổi ý, nhưng đã muộn, vì họ nói nếu đổi ý không đi thì cô vẫn phải trả tiền:
“Trước khi đi thì em thấy em không muốn đi rồi. Ở sân bay em hỏi người ở sân bay là bao nhiêu? bả nói: Bả đặt vé rồi, nếu đi thì bả tính theo đi, không đi thì bả tính theo không đi.”
Ép buộc phải bán dâm
Khi không còn đường trở lại, đã phóng lao cô Hồng đành phải theo lao. Bà Tân, tại Malaysia, được mọi người gọi là Má Mì. Má Mì ngon ngọt với cô rằng tại đây cô chỉ bán nước chứ không bị ép buộc phải “đi khách”:
“Bên đây người ta nói qua bển phòng trà bán được lắm, vừa bán được nước, vừa có tiền khách cho tiền “bo” dư lắm. Vả lại, không có ép buộc là đi khách hay không đi khách, không ép”.
Sang đến Malaysia, cô bị đưa vào một quán bar tên Hitz Club, phải sau nhiều ngày làm việc tại đây  cô Hồng mới hiểu ra rằng : dù không bị ép buộc, các cô vẫn phải “ đi khách” nếu muốn được yên thân.
Và vì sợ không  có tiền trả nợ, người bạn gái của cô là cô Hoa đã phải chấp nhận bán thân. Riêng cô Hồng phải giả vờ đang có kinh nguyệt để khỏi phải đi khách. Cô Hồng cho biết tiếp:
“Họ nói là qua bển bán nước thôi chứ không ép mình đi cái vụ đó. Mấy ngày đầu họ không ép, nhưng với tư cách của người ta thì mình hiểu là  ép hay không ép thì mình cũng đã mắc nợ họ rồi, trong thế kẹt thì mình phải đi thôi. Em suy nghĩ nên em không có đi.
Em biết quan niệm của chỉ (cô Hoa, bạn của cô Hồng) là chỉ tức giận, trong đầu lúc nào cũng nghĩ là mình mắc nợ người ta, tiếng thì không biết, tiền thì cũng không có nhiều.
Họ bắt “đi” (đi khách), qua có 3 ngày mà chỉ “đi” hết 3 ngày luôn. Nó cũng kêu em “đi” em không “đi”.
Con nhỏ quản lý  trợn mắt nhìn em hỏi “ sao không đi ?” em vọt miệng nói “ trời, trời, em nói “ có kinh (kinh nguyệt) làm sao mà đi, đi gì mà đi , em không “đi” đâu.
Nó nói : chị “đi” thì mau có tiền chứ gì đâu. Rồi nó nhìn mình với ánh mắt… chính vì cái ánh mắt đó mà em mới hiểu ra đó.”
hong-305
Cô Hồng cầm vé máy bay sau khi được giải cứu.
Ở Việt Nam , “Má Mì” hứa sẽ lo tất cả, các cô không phải đóng một chi phí nào cả, nhưng qua đây thì mọi việc đổi khác, các cô phải tự mua lấy thức ăn, nếu sau 1 tuần mà không trả hết nợ thì các cô phải đóng tiền để ở lại làm việc thêm trả nợ:
“Em qua quán bar, em chỉ bán nước cho khách, mấy ngày đầu em bán được  nước, sau đó khi em biết tiếng chút đỉnh, quản lý đưa em qua quán Karaoke, ở đó tới chừng nào trả hết nợ, nếu không trả hết nợ thì em phải ở thêm.
Nếu tuần này em không về thì em phải ở thêm 2-3 tháng, 3-4 tháng nữa.
Vả lại, hai ngàn mấy mà em nợ qua bển, họ nói tiền đó là đi, về, ăn uống, bên đó lo hết. Nhưng mà qua bên đó thì không phải, ăn uống phải trả tiền thêm.
Còn nếu sau 1 tuần lễ mà ở lại thì phải nộp tiền cho nó chứ không phải nó đóng cho mình”
Được giải thoát
Trong tuần lễ ở đó, cô Hồng và cô Hoa đều muốn trốn đi, nhưng cả hai đều không biết mình đang ở đâu trên đất Mã, tiếng Malaysia thì không biết nên họ rất tuyệt vọng, vé máy bay của hai cô chỉ có giá trị 1 tuần lễ, nếu vé máy bay hết hạn thì các cô phải đóng tiền để mua lại vé máy bay khác.
Điều đó có nghĩa là hai cô lại phải tiếp tục đi làm để trả nợ. Đó cũng là cách mà các tay buôn người cầm giữ chân của các nạn nhân.
May mắn thay, 1 tuần lễ sau, tình cờ gặp 1 người Việt Nam đi ngang qua tiệm, cô Hồng gọi lại hỏi thăm và nói sơ qua tình cảnh mình, người công nhân đó liên lạc với Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam  - một thành viên của Lao Động Việt - và tổ chức này đã tìm cách cứu hai cô ra khỏi động mãi dâm trá hình.
Chủ tịch của Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam  là ông Nguyễn văn Tánh kể lại quá trình giải cứu hai cô Hồng và Hoa như sau:
“Lúc đó là 3 giờ sáng, thành viên của chúng tôi tại Malaysia là anh Minh được báo tin về trường hợp của cô Hồng và cô Hoa,  Minh  đến quán bar đó giả vờ  tìm gái.
Sau khi nói chuyện với hai cô để tìm hiểu câu chuyện, Minh đã giả vờ nói với người quản lý là muốn mướn hai cô này đi khách qua đêm.
Người quản lý bắt đóng tiền thế chân là 300 Ringgit (đơn vị tiền Malaysia) mỗi cô. Minh đóng trước 300 RM và hẹn còn 300 RM sẽ đưa cho hai cô khi tới khách sạn.
Sau đó, anh dẫn hai cô về nhà anh để thay quần áo đàng hoàng, mua thức ăn nước uống cho hai cô và gọi taxi đưa hai cô ra phi trường lúc 6 giờ sáng.
Tại phi trường, anh đã đợi hai cô qua khỏi cổng hải quan an toàn mới quay trở về. Máy bay của hai cô cất cánh lúc khoảng 9 giờ sáng cùng ngày hôm đó.”
Ở thời điểm này, cô Hồng và cô Hoa đã an toàn về đến Việt Nam, tuy nhiên, hai cô vẫn chưa dám về quê mà ở tạm nhà một người bà con vì hai cô vẫn sợ khi biết hai cô trốn đi “Má Mì” sẽ cho người về miền Tây tìm hai cô để đòi lại số tiền mà bà đã mua vé máy bay cho hai cô.
Cô Hồng cũng cho biết sau này “Má Mì” vẫn còn tiếp tục dụ dỗ các cô gái ngây thơ qua Malaysia bán bar.
Bài học mà cô Hồng rút được qua kinh nghiệm chua cay này là thực tế khác hẳn với những gì mà bọn con buôn, cò mồi hứa hẹn:
“Bây giờ có qua rồi em mới biết, làm tiền bên đây 100 ngàn, bên bển thì 600-700 ngàn nhưng  mà qua bên đó mới biết tiền của họ tính từng đồng từng cắc chứ không phải như bên mình đâu.”
Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng báo chí trong nước liên tục đăng tin về các đường dây buôn người có mặt hầu hết trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Các tỉnh miền Bắc thì buôn người sang Trung Quốc, các tỉnh miền Nam thì đưa người sang Đài Loan, Malaysia, Singapore..v.v… Vì không tiếp cận được thông tin nên lần lượt các cô gái quê nhẹ dạ, cả tin đều là nạn nhân của các mạng lưới buôn người.
Chỉ vì mơ ước có một cuộc đổi đời mà không biết bao nhiêu thân phận đã phải rơi vào cảnh tủi nhục. Phần sau, chúng tôi sẽ nói về một cô gái đã phải trốn nhiều ngày trong rừng để thoát khỏi tay của bọn buôn người.
(còn tiếp)
---------------------
Chú thích: Tên của các cô gái trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu.
Tường An, thông tín viên RFA
2013-05-29
 

Hòn đá lạ ở Đền Hùng: Nghi án “bẻ đầu” tượng Phật? (5)

Có nhiều bằng chứng cho thấy, hòn đá lạ vốn là bức tượng Phật ngọc. Nhưng dường như bức tượng đã bị người ta "bẻ đầu" để che giấu sự thật mờ ám đằng sau nó.

Vết sẹo trên đỉnh hòn đá
Trong lúc dư luận đang bàn luận xem bản chất của hòn đá có phải lá bùa hay không, tốt hay xấu thì đã quên không để ý đến một chi tiết vô cùng quan trọng. Chi tiết này cho đến nay rất hiếm người để ý đến. Trên đỉnh của hòn đá lạ có một vết sẹo lớn. Vậy tại sao hòn đá lại có vết sẹo này? Mọi người có thể không biết căn nguyên của vết sẹo trên nhưng Đại tá Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa Phương Đông và ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ là những người trực tiếp đặt hòn đá lạ ở Đền Hùng chắc hẳn phải biết.
Thực tế, ban đầu hòn đá là một bức tượng phật ngọc. Nó vốn là hòn đá ngọc xanh được chế tác rất công phu, gồm ba phần, trên cùng là hình đầu Đức Phật từ cổ trở lên. Còn thân và đế của hòn đá vẫn như hiện nay. Sau khi đặt hòn đá lạ đó yên vị ở Đền Thượng, người ta đã tổ chức "lễ yên vị hô linh nhập bùa, hô thần nhập tượng". Việc tổ chức hô thần nhập tượng này chỉ có vài người có liên quan biết. Suốt gần bốn năm qua nhân dân không ai hay biết, kể cả báo chí địa phương và trung ương đều không được thông báo. Nếu việc làm tốt đẹp tại sao lại giấu giếm, không công khai?
Tại sao họ lại đưa Đức Phật vào thờ chung với Vua Hùng? Tuy chúng ta kính trọng và thờ cúng cả hai Đức Phật và Vua Hùng, nhưng không thể vì thế mà thờ chung Đức Phật và Vua Hùng cùng một chỗ được. Vì Đức Phật là đấng tối cao, Phật quang phổ chiếu cả Tam giới. Phật thì chúng ta cúng chay. Còn Đức Sáng Vua Hùng là vị minh quân có công dựng nước, là đấng tối cao của dân tộc ta. Các Vua Hùng thì chúng ta cúng mặn, có rượu thịt. Sao có thể đặt các vị ở chung một chỗ, ngồi ăn một mâm được?
Có thể sau khi đã đặt bức tượng ngọc phật - hòn đá lạ người ta mới hiểu ra vấn đề tâm linh tối thiểu và nhạy cảm đó. Thế nhưng, thay vì sửa sai, người ta đã làm cách nào đó mà bức tượng ngọc phật đã mất đầu và từ đó chỉ còn là "hòn đá lạ".

Ảnh do tác giả cung cấp
Hòn đá lạ hiện đang ở đâu?
Ông Hoàng Phú Hòa, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính - Ban Quản lý di tích Đền Hùng xác nhận: "Sau khi có ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ, ngày 25/5/2013 Ban Quản lý di tích Đền Hùng đã cho di dời hòn đá và trả lại cho ông Nguyễn Minh Thông đem về Trung tâm Văn hóa Phương Đông".
Theo ông Trần Văn Phú - Thủ từ đền Thượng thì thời điểm tổ chức di dời hòn đá lạ có rất ít người biết đến, ngay cả bản thân ông làm thủ từ nhưng cũng không được ai báo trước về tin này. Chập tối ngày hôm trước ông về nhà thì hòn đá vẫn còn ở nguyên chỗ cũ, đến sáng hôm sau lên thì không thấy hòn đá đâu nữa. Sau đó nghe nói hòn đá đó đã được di chuyển đi chỗ khác, lúc di chuyển có ông Nguyễn Minh Thông và vài người khác, lúc nâng hòn đá lên người ta thấy dưới đáy hòn đá có một cái lỗ nhỏ, ông Thông moi lá bùa trong lỗ ra bỏ vào túi áo rồi cùng một số thanh niên khiêng hòn đá xuống ô tô chở về Hà Nội.

- Vẫn còn rất nhiều thông tin khó hiểu xung quanh sự việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và khách quan nhất vào các số tiếp theo.

- Theo Điều 4, Nghị định 98/2010/NĐ-CP, triển khai Luật Di sản có quy định: "Cấm làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích, như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích... tuyên tryền giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị di tích...". Như vậy, chiếu theo điều luật này, những hành động trên của những người đặt hòn đá lạ ở Đền Hùng là hoàn toàn sai luật, phải chịu sự xử lý theo Luật Di sản. 
  (Kiến thức)

Phản đối cách báo VN đăng tin bạo lực

Báo Tuổi trẻ đăng tin vụ án mạng ở Woolwich

Một luật sư vừa gửi thư phản đối việc báo Tuổi trẻ và Vietnamnet ‘đưa tin khai thác bạo lực’ về vụ một lính người Anh bị sát hại ở London hôm 22/05/2013.

Luật sư Đặng Dũng tại Tp HCM cho rằng hai báo trên đưa tin “không đầy đủ” và chỉ tập trung vào tả vụ đâm chém người mà không nhắc tới các chi tiết khác liên quan tới sự việc.

Ông Dũng đặt ra câu hỏi, “hai tờ báo đều là công cụ của Đảng Cộng sản lại chủ trương đưa tin bạo lực lạnh tanh đó trên báo nhằm mục đích gì?”

“Vietnamnet tả tỉ mỉ hành vi tàn bạo và man rợ giết công dân Anh như thế nào nhưng lại hoàn toàn không hề loan tin một phụ nữ Anh can đảm đã đối mặt với hai tên giết người...,” ông Dũng viết trong thư gửi hai tòa báo mà BBC đọc được.

Ông Đặng Dũng cũng cho rằng cách đưa tin của Tuổi Trẻ “khai thác khía cạnh man rợ của vụ thảm sát,” phơi bày bạo lực ngay tại London, và để ảnh “tên sát nhân với hai con dao và bàn tay vấy máu”, được đăng ở trang báo cuối, là trang báo “đăng tin hot”.
"Hai tờ báo đều là công cụ của Đảng Cộng sản lại chủ trương đưa tin bạo lực lạnh tanh đó trên báo nhằm mục đích gì?"
Luật sư Đặng Dũng
Theo hình ảnh ông Dũng chụp lại bản báo giấy của Tuổi Trẻ, bài báo có tên Chém người man rợ ở London, Bạo động ở Thụy Điển được đăng hôm thứ Sáu, 24/05.

Tuổi Trẻ online cũng có bản trên mạng đăng hôm 23/05, với tựa đề Dùng dao phay giết binh lính giữa London, với ảnh màu nghi phạm tay cầm hai con dao còn dính máu, bài báo được ký tên Nguyệt Phương – Chu Uyên.

Bài trên Vietnamnet tên còn ‘giật gân’ hơn: Kinh hoàng lính Anh bị khủng bố chặt đầu giữa phố, và tả lại cảnh tượng chém người, chặt đầu như thế nào, bài báo được trích nguồn, “Theo Kiến Thức”.

Luật sư Đặng Dũng viết trong thư, “tại sao hai báo Đảng lại tìm cách làm ngơ thông tin quan trọng này [người phụ nữ đã khuyên can hai nghi phạm tại hiện trường],” và vì sao Ban Biên tập đưa tin bạo lực tới độc giả.

Cơ quan chủ quản của báo Tuổi Trẻ là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, còn cơ quan chủ quản của Vietnamnet là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cúp máy liên tục


"Tại sao hai báo Đảng lại tìm cách làm ngơ thông tin quan trọng này [người phụ nữ đã khuyên can hai nghi phạm tại hiện trường], và tại sao quí Ban Biên tập báo Đảng lại đưa tin bạo lực tới người xem chúng tôi."
Luật sư Đặng Dũng

Khi gọi điện tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh để hỏi về phản hồi trên của ông Đặng Dũng, BBC tiếng Việt được nối máy với một người phụ nữ tránh không cho biết tên và vị trí công tác.

Người phụ nữ này hỏi, “bài đó đã được đăng chưa, tên bài là gì,” và sau khi BBC cung cấp thông tin ngày đăng, tên bài và người ký tên, điện thoại bỗng bị ngắt.
Bấm lại số điện thoại trên, tổng đài chuyển tới một nhân viên khác ở ban Bạn đọc, và thấy người đó gọi “Nè, Trâm ơi”.

Trả lời câu hỏi của BBC về danh tính và về lá thư của ông Đặng Dũng, người phụ nữ này nói, “ở dưới tổng đài họ chuyển lên đây là ban công tác bạn đọc, chúng tôi là nhân viên của ban công tác bạn đọc”.

“Nhưng nếu lá thư này không phải của chị thì xin lỗi là chúng tôi không thể cung cấp thông tin gì được cho chị hết, chúng tôi chỉ cung cấp thông tin tới người đã gửi thư về cho chúng tôi thôi.”

Khi chúng tôi yêu cầu được nối máy với ban biên tập hoặc người có trách nhiệm trả lời báo chí, đại diện ban công tác bạn đọc trả lời, “đơn thư được giải quyết theo dạng xử lý thông tin, và sẽ được gửi tới những ban ngành có liên quan,” còn vấn đề của BBC cũng sẽ được truyền đạt lại tới “những người có liên quan” và được khuyên gửi email hoặc fax.

Khi chúng tôi hỏi cụ thể những người có liên quan đó là ai, chi tiết tên, chức vụ, và địa chỉ email, điện thoại lại bị ngắt.

'Lá cải' câu khách

Bấy lâu nay thực trạng đăng tin giật gân và khai thác theo chủ đề "cướp, hiếp, giết" để "câu views" đã gây phản cảm trong không ít độc giả tại Việt Nam, mặc dù các bài chủ đề này thường là bài đọc nhiều trên các báo điện tử ở trong nước.
Gần đây đã xảy ra việc một tờ báo in nhầm từ hiến pháp thành "hiếp pháp" khiến cộng đồng mạng bàn tán rôm rả.


Sự cố đánh sai chính tả từ hiến pháp gần đây gây bàn luận trên mạng nhiều.

Việc báo chí đưa những tin giết người hay chuyện riêng ngôi sao để câu khách, bán được nhiều quảng cáo hoặc bán được nhiều ấn bản hơn không chỉ ở Việt Nam mới có.

Một số chuyên gia về truyền thông cho rằng, Anh quốc mới là quê hương của dạng báo chí ‘tabloid’( tạm dịch báo lá cải) thực thụ.

Hàng loạt báo lá cải ở Anh cũng đưa tin khá giật gân với lời lẽ có phần thái quá về vụ án mạng ở Woolwich.

Chẳng hạn như The Sun, suốt tuần nay để ảnh cỡ lớn nghi phạm cầm hai con dao với bàn tay đẫm máu và cũng gọi là “vụ người lính bị chặt đầu”.

Tờ Daily Mail cũng liên tục đăng loạt ảnh hai nghi phạm và hiện trường vụ án và chuyện riêng của gia đình, một số báo khác thì dùng những từ như “tên đồ tể”, “vụ tàn sát”, “chặt đầu”, “chém cho đến chết”.

Ông Howard Kurtz, tác giả cuốn Media Circus - The Trouble with America's Newspapers (Gánh xiếc Truyền thông - Rắc rối của Báo Mỹ) nói sự 'lá cải hóa' đồng nghĩa với việc chuẩn mực báo chí sụt giảm, tin tức thời sự như chính trị và kinh tế vắng bóng và sự gia tăng các tin giải trí như các chủ đề nhớp nhúa, scandal, giật gân và tiêu khiển.

Nhưng lá cải không hoàn toàn là xấu xa, vì theo các nhà nghiên cứu phương Tây, các vấn đề của cuộc sống hàng ngày luôn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử loài người. Báo lá cải cũng thúc đẩy những nét văn hóa khác với văn hóa thượng lưu và thách thức cái gọi là 'bá chủ văn hóa' trong xã hội.

Tại Việt Nam, giải trí có thể được coi là cửa ngách để người ta bước chân vào làng truyền thông vốn bị kiểm soát chặt chẽ.
(BBC)
 

Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì trò ngoại giao bằng sức mạnh

Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phát hiện ra sự cô độc cũng như bị cô lập của mình. Chỉ cần 3 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hợp lại, Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt với đường lối ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh” của mình.

Chuyên gia Edward Luttwak: “Việc cứ đi theo chiến lược cố ý gây ra nguy cơ chiến tranh để buộc đối phương phải đàm phán, Trung Quốc chỉ có thể biến láng giềng của mình thành kẻ thù”.

Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy. Chính vì thế, mọi chuyển động của quốc gia này đều có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác trên thế giới. Sau khi ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc lên nắm quyền, việc Bắc Kinh có thay đổi chính sách ngoại giao hay không là vấn đề được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Tạp chí “Góc nhìn rộng” số tháng 6/2013 của HongKong cho biết, tại cuộc tọa đàm mang tên “Thay đổi ban lãnh đạo ở Trung Quốc” do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) tổ chức mới đây, chuyên gia Edward Luttwak chỉ rõ: Cùng với sự cải thiện về đời sống, người dân Trung Quốc bắt đầu nhớ lại những thù hận dân tộc trong thời kỳ quốc lực suy yếu khiến ảnh hưởng của dân ý đối với các chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày một tăng. Tuy nhiên, theo ông Luttwak, người dân Trung Quốc không có nhận thức rõ ràng về quốc lực của Trung Quốc cũng như không có khái niệm cân bằng. Từ sự tô vẽ của giới truyền thông trong nước, họ tin rằng nước Mỹ đã suy yếu nhưng kỳ thực Trung Quốc mới là bên yếu thế về thực lực hải quân so với Mỹ hoặc Nhật Bản.

Về phần mình, nhà nghiên cứu John Blaxland thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (thuộc ĐH quốc gia Australia) nhận định, Trung Quốc đang theo đuổi trò chơi “trường kỳ” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Họ không muốn và rất không cần vội vàng muốn tìm thấy một giải pháp thấu đáo và triệt để cho vấn đề này bởi chu kỳ chính trị ở Trung Quốc rất dài, 10 năm mới thay đổi một lần. Do đó, so với các nước khác có chu kỳ chuyển đổi lãnh đạo ngắn, buộc người lên nắm quyền phải hành động ngay lập tức, thậm chí phải đề ra kế hoạch ngắn hạn để đạt được kết quả nào đó nhằm thỏa mãn yêu cầu của nhân dân. Trong cuộc đua này, rõ ràng Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn và có quyền được lựa chọn thoải mái hơn. Chỉ có điều, Trung Quốc càng hành động, phản ứng của các nước láng giềng càng lớn đồng thời cùng với sự đi lên của quốc lực, sức ảnh hưởng về ngoại giao của Trung Quốc càng đi xuống.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm cố vấn cho Nhà Trắng, Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Lực lượng hải-lục-không quân Mỹ, ông Luttwak cho rằng, trong bối cảnh thái độ của Trung Quốc càng cứng rắn, các nước xung quanh sẽ tự động hợp tác với nhau. Ví dụ: Ấn Độ đang giúp huấn luyện nhân viên tàu ngầm cho Việt Nam vì 2 nước đều cùng mua tàu ngầm từ Nga. Nhật Bản cũng muốn xuất khẩu tàu tuần tra biển cho Philippines…

Hải quân Ấn Độ tham gia một cuộc tập trận trên Biển Đông.
“Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phát hiện ra sự cô độc cũng như tình trạng bị cô lập của mình. Họ sẽ mất dần đi sự đồng tình của các nước khác và sẽ sớm phải trả giá”, chuyên gia Luttwak nói. Trong cuốn sách mới xuất bản mang tên “Sự trỗi dậy của Trung Quốc và logic chiến lược”, Luttwak cho rằng có một logic trong chiến lược toàn cầu không thể tránh khỏi là các cường quốc khác sẽ kiềm chế Trung Quốc để ngăn chặn sự trỗi dậy của nước này.

Trung Quốc một mặt phát triển quân đội, một mặt phát triển kinh tế. Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không ngừng gia tăng, chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh của Trung Quốc đã kích hoạt sự phản cảm của láng giềng. Trong số các nước láng giềng này, chỉ cần 3 nước là Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam hợp lại, họ đã vượt xa Trung Quốc cả về dân số lẫn tiềm lực quốc phòng, tài sản hay khoa học công nghệ.

“Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc xem xét lại dã tâm của mình, nếu không các nước khác sẽ bắt đầu hạn chế quan hệ với Trung Quốc. Trên thực tế, các nước nói trên đã bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực quân sự và tương lai, Trung Quốc sẽ phải trả cái giá rất đắt”, ông Luttwak nhận định, “Việc cứ đi theo chiến lược cố ý gây ra nguy cơ chiến tranh (chiến lược bên miệng hố chiến tranh) để buộc đối phương phải đàm phán, Trung Quốc chỉ có thể biến láng giềng của mình thành kẻ thù”.

Lê Trí
  • ( Infonet )

Lại xin tăng giá xăng dầu

( Dân Việt) - Ngày 29.5, một nguồn tin từ Tổ điều hành thị trường xăng dầu cho biết, sau khi thuế xăng dầu được hạ từ 19% xuống 18%, các doanh nghiệp đầu mối lại tiếp tục kiến nghị tăng giá vì cho rằng kinh doanh vẫn đang bị lỗ...
Doanh nghiệp lỗ hay lãi?

Thông tin các doanh nghiệp (DN) xăng dầu lãi đã "ồn" lên mấy ngày nay. Đó là công bố từ chính Hiệp hội Xăng dầu VN. Ông Trịnh Quang Khanh-Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Xăng dầu VN cho báo chí biết các DN đầu mối nhập khẩu đang có lãi khoảng 270 đồng/lít xăng, 290 đồng/lít dầu DO, 195 đồng/ lít dầu hỏa và 130 đồng/kg dầu FO sau khi trừ đi tất cả các khoản thuế, phí... Nếu cộng thêm 300 đồng lợi nhuận định mức thì các DN nhập khẩu đầu mối xăng dầu đang có lãi từ 430-590 đồng/lít, kg xăng dầu (tùy từng mặt hàng).

Việc kinh doanh xăng dầu lỗ - lãi thế nào là điều người dân không thể giám sát.
Cũng vì có lãi mà các DN xăng dầu đều đã nâng mức chiết khấu cho các đại lý lên mức phổ biến 650 – 700 đồng/lít xăng, có nơi lên tới 900 đồng/lít từ vài ngày qua.
Tuy nhiên, một lãnh đạo của Tổ điều hành thị trường xăng dầu đã phủ nhận việc các DN xăng dầu đang có lãi. Tham chiếu giá xăng dầu nhập khẩu từ Singapore trong 10 ngày gần đây, ông này cho biết, giá xăng dầu không giảm mà còn đang tăng lên; giá xăng tại Singapore từ khoảng 106 USD/thùng đầu tháng 5 đến 2 ngày gần đây đã lên khoảng 112-113 USD/thùng. Ngay giá dầu thô cũng chỉ biến động nhẹ quanh mức gần 100 USD/thùng chứ không giảm. “DN xăng dầu hiện đang lỗ từ 150-200 đồng/lít xăng, với dầu thì còn lỗ nặng hơn” - vị lãnh đạo nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện vẫn không có đủ căn cứ để đánh giá lỗ lãi kinh doanh xăng dầu như thế nào, đề nghị ngành xăng dầu phải cung cấp số liệu rõ ràng và Quốc hội phải quan tâm đến vấn đề này vì xăng dầu liên quan trực tiếp đời sống người dân.
Các DN xăng dầu cũng chối bỏ việc mình đang có lãi, và đều khẳng định đang lỗ gần 300 đồng/lít xăng, dầu bán ra nếu tính giá bình quân 30 ngày. Lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối phía Nam cho biết, giá bình quân 30 ngày, tính từ ngày 26.4 đến 26.5, của mặt hàng RON92 là 110,6 USD/thùng; DO 0,05S là 116,5 USD/thùng. Với mức giá trên, DN đang lỗ 247 đồng/lít xăng và 297 đồng/lít dầu diesel.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lỗ mà các DN xăng dầu lại tăng mức chiết khấu bán hàng cho các đại lý? Một quan chức thuộc Tổ điều hành xăng dầu giải thích rằng, các DN xăng dầu phải tăng chiết khấu để "cắt lỗ". Theo ông này, do hàng bán ra chậm, giá lại tăng nên các DN phải tăng chiết khấu, cạnh tranh với nhau để "đẩy" nhanh hàng đã nhập, lấy vốn trả lãi ngân hàng và quay vòng nhập hàng mới về.
Giảm thuế 2% thì không phải tăng giá?
Kiến nghị tăng giá xăng dầu của DN hiện đã nằm trên bàn của các vị lãnh đạo Liên Bộ Tài chính-Công Thương và đang được xem xét quyết định. Một nguồn tin từ DN cho biết, trước đó, các DN đã kiến nghị nếu giảm 2% thuế thì sẽ tránh được việc phải tăng giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, thuế mà các DN kỳ vọng giảm chỉ được 1 phần trăm, nếu quy ra tiền thì chỉ giảm được gần 200 đồng/lít, kg xăng dầu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: Việc lỗ hay lãi của DN xăng dầu chỉ có Liên Bộ Tài chính-Công Thương và DN mới biết được. Từ trước tới nay, dư luận chưa bao giờ đồng tình với việc kêu lỗ của họ. "Việc lỗ - lãi của ngành xăng dầu thường không rõ ràng, không biết phải căn cứ vào đâu để kiểm chứng. Hiện giá xăng dầu thế giới đang giảm liên tiếp thì lỗ kiểu gì? Nhất là mới giảm thuế nhập khẩu xăng dầu thì rõ ràng chi phí kinh doanh xăng dầu đã giảm đáng kể"-ông Doanh nhấn mạnh.
Mai Hương
( Dân Việt )

"Xuất hiện 'liên kết' để tạo sức ép lên cơ quan Đảng, Nhà nước"

(GDVN) - Theo Thanh tra Chính phủ: Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối.

Trong chương trình làm việc xung quanh Dự thảo Luật tiếp công dân được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Thanh tra Chính phủ đã công bố tổng kết công tác tiếp dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước trong việc tiếp công dân còn bộc lộ những hạn chế.

Ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ
Nguyên nhân cả ở hệ thống pháp luật và người thực thi

Thứ nhất: Công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt nên kết quả, hiệu quả giải quyết đạt chưa cao. Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo chưa chắc; việc theo dõi, thống kê các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời, thực tế còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp xảy ra; kế hoạch giải quyết ở các cấp chưa cụ thể, từng cấp chưa làm đầy đủ trách nhiệm, còn bị động đối phó, chưa giải quyết các vấn đề cơ bản, nhất là cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo điều hành. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng vẫn còn nhiều; những vụ việc phát sinh mới có nơi chưa giải quyết kịp thời.

Thứ hai: Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân trong phạm vi quản lý của mình hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên.

Thứ ba: Nội dung phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều nơi còn sơ sài, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chưa thu hút và tạo sự quan tâm của người dân. Ngoài ra, đa số địa phương đều gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí tổ chức, do vậy số xã, phường, thị trấn được tổ chức tuyên truyền chưa được nhiều và hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế.

Thứ tư: Việc bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân ở một số địa phương chưa được chú trọng. Hiện vẫn còn nhiều cán bộ tiếp công dân chưa được đào tạo nghiệp vụ tiếp công dân.

Thứ năm: Một số nơi công tác chỉ đạo hoạt động tiếp công dân còn thiếu quyết liệt, chưa toàn diện, có chỉ đạo nhưng thiếu đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Một số trường hợp cấp trên có chỉ đạo nhưng nội dung không rõ ràng hoặc hoặc thiếu thống nhất, dẫn đến cấp dưới lúng túng trong tổ chức thực hiện. Có những trường hợp cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới không thực hiện nghiêm túc.
"Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối...". Thanh tra Chính phủ

Thứ sáu: Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được làm ráo riết; qua thanh tra, kiểm tra mặc dù phát hiện ra nhiều vi phạm nhưng xử lý chưa nghiêm. Chính vì vậy, hiệu quả thanh tra trách nhiệm mới dừng ở mục đích phòng ngừa là chính (rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, đôn đốc), chưa thực sự có tác dụng “răn đe” (xử lý nghiêm các hành vi vi phạm).

Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ những nguyên nhân dẫn tới tình trạnh này, bao gồm: Nguyên nhân khách quan là do các quy định pháp luật về tiếp công dân ban hành chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn; Nguyên nhân chủ quan do nhận thức của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ, chưa đúng mức, chưa thực sự coi công tác tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định chính trị, xã hội, phát huy quyền dân chủ của công dân.

hanh tra Chính phủ chỉ rõ 6 hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp dân thời gian qua. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Xuất hiện “liên kết” để tạo sức ép lên cơ quan Đảng, Nhà nước

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp hơn 1,5 triệu lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Số lượng công dân khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng cả về số đoàn đông người, số vụ việc (từ 187.037 vụ việc năm 2008 tăng lên 236.466 vụ việc năm 2011; từ 2.466 lượt đoàn năm 2008 tăng lên 4.056 lượt đoàn năm 2011).

Về tính chất, mức độ phức tạp mặc dù so với những năm 2006-2007 tình hình khiếu nại, tố cáo từ 2008 – 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan thì tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là: số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng; tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị (họp Trung ương, họp Quốc hội, Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại hội Đảng…).

Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn không nhất trí tiếp tục khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án tại các địa phương như TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Đăk Lăk, Đắc Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…., các vụ việc đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân tại các địa phương như: Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh...

Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối. Tình hình khiếu nại, tố cáo nêu trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị - xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm.

Trong một số trường hợp đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với nhà đầu tư. Trong nhiều dự án, do tác động của tình hình khiếu nại, tố cáo nên đã làm cho dự án bị chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội. Một số vụ việc khiếu kiện người dân thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, bất phục tùng chính quyền, thậm chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm. Điều đáng lo ngại là tình hình khiếu nại, tố cáo đã tác động tiêu cực vào tâm lý, hành động của cán bộ, vào đời sống xã hội và niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền, đòi hỏi phải được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

   Ngọc Quang
  •  ( Giáo Dục )