Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài ? - Nguyễn Văn Linh trong cuốn Bên Thắng Cuộc

Nguyễn Văn Linh trong cuốn Bên Thắng Cuộc

Thấy báo chí dạo này bắt đầu nhắc đến ông NVL – Nguyễn Văn Linh. Căn cứ vào cách làm việc của mấy bác trong ban tuyên giáo và Bộ 4T tôi nghĩ chắc là những bài về bác NVL là nằm trong kế hoạch tuyên truyền cả. Nói đến bác này, tôi nghĩ đại đa số người dân đều nghĩ đến bác ấy như là người khởi sướng “Đổi mới”, người cởi trói cho văn nghệ. Nhưng đọc Bên Thắng Cuộc thì thấy bác này là người rất bảo thủ và hình như chẳng nắm rõ tình hình thế giới nên khi ra ngoài có những động thái cười ra nước mắt.

Trong Chương 14 (Quyển II – Quyền bính) kể rằng bác NVL này không ưa bác Võ Văn Kiệt:
[trích] Ông Bùi Văn Giao kể: “Vừa nghe ông Linh nói chọn ông Mười, tôi thắc mắc ngay ‘Sao không chọn ông Kiệt?’. Ông Linh kể một loạt cái xấu của ông Kiệt rồi nói: ‘Khi tôi mất Bộ Chính trị, về Sài Gòn, Sáu Dân không bao giờ gặp tôi’. Anh Linh tốt nhưng thành kiến ai thì chết người đó”. [hết trích]

Đoạn viết về ông NVL đi thăm Đông Đức mới là sống động. Đọc đoạn này mới thấy mấy người trong khối XHCN họ cư xử với nhau không đẹp mấy. Đoạn này còn cho thấy vai trò nhỏ bé của VN và những ý kiến của phía VN (thật ra là của ông NVL) làm cho mấy tay trùm như Gorbachev và Honecker xem thường bác ấy lắm. Họ thậm chí nói móc, nói xỏ lá nữa chứ (chú ý câu chào của Gorbachev). Tôi nghĩ nếu tôi là ông NVL tôi sẽ đáp trả một vài câu thích đáng, nhưng không thấy Huy Đức cho biết ông NVL có nói gì trước lời chào “xỏ lá” của Gorbachev.

[Trích] Tháng 10-1989, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết địng đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.

Ngày 4-10-1989, từ Hà Nội, hãng Interflug của Cộng hoà Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia, các thành viên cao cấp khác – Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, Trợ lý Tổng bí thư Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và thư ký Lê Đăng Doanh – chỉ ngồi khoang hành khách thường.

Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. Năm giờ chiều ngày 6- 9-1989, cuộc mit-tin lớn bắt đầu, trên lễ đài: Honecker ngồi giữa, một bên là Gorbachev, một bên là một phó thủ tướng, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – Honecker muốn thể hiện chính sách đề cao Trung Quốc làm đối trọng với Gorbachev; Ông Nguyễn Văn Linh được ngồi hàng đầu nhưng ghế thứ hai từ ngoài vào, bên cạnh ghế hàng đầu cuối cùng của Phó Thủ tướng Lào. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.

Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.

Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng bí thư Mông Cổ, Phó Thủ tướng Hernandez của Cuba, Tổng bí thư Ceaucescu của Rumania, Tổng bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp nhận gặp. Chỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ.

Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòng. Ông Linh và tuỳ tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.

Trước khi ông Nguyễn Văn Linh rời Hà Nội, Ban Đối Ngoại đã liên lạc với phái viên Liên Xô và được Gorbachev đồng ý sẽ có cuộc gặp vào ngày 8-10-1989, hai bên đều mang theo phiên dịch Nga-Việt và Việt-Nga cho cuộc gặp. Hôm đó, ông Linh đang đau rất nặng. Từ 19 đến 21 giờ tối 6-10-1989, sau phần đọc diễn văn, cuộc mit-tin được chuyển từ trong một lâu đài ra một lễ đài ngoài trời duyệt quần chúng, thanh niên rước đuốc. Ông Lê Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi lên sùng sục kêu tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc bộ complet, tối nhiệt độ xuống khoảng 8 C, cận vệ quên mang áo lạnh, ông Nguyễn Văn Linh đứng run bần bật, kêu tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói với một viên tướng Đức đứng cạnh đấy: “Tổng bí thư của tôi quên mang áo ấm”. Viên tướng cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.

Sáng hôm sau, 7-10-1989, theo lịch trình, mười giờ sẽ có duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn Văn Linh triệu tập họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình thấy có gì đó không bình thường, không nhắm được mắt, miệng cứng, không ăn được”. Về sau bác sỹ xác định đó là triệu chứng liệt dây thần kinh số 7. Mọi người đề nghị ông Linh không ra lễ đài, ông Nguyễn Khánh thay ông Linh dự duyệt binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời ông Linh ở lại khám chữa bệnh và khuyên ông không nên về trong lúc này. Tuy bệnh tình càng ngày càng nặng, nước mắt chảy ra nhiều, miệng có biểu hiện bị méo và nói bắt đầu khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy vọng rất nhiều vào cuộc gặp với Gorbachev.

Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.

Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một toà lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp Tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.

Cuối cùng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”.

Tối 8-10-1989, từ lâu đài của Gorbachev trở về, ông Nguyễn Văn Linh không dự chiêu đãi của Honecker mà đi thẳng vào bệnh viện Chính phủ ở Berlin-Buch. Ông được điều trị tại “Station 7” – nơi dành riêng cho Bộ Chính trị của CHDC Đức – mỗi khu cho một bệnh nhân có nhiều phòng cạnh nhau cho tuỳ tùng đi theo cùng ở. Trong “Station 7” được trang bị truyền hình có thể bắt được các kênh phát đi từ Tây Đức. Thời gian đó, hàng trăm nghìn người dân Đông Đức đã đổ xuống đường phố Leipzig và Đông Berlin đòi phế truất Honecker.

Sau lễ mừng Quốc khánh, Honecker cũng phải vào “Station 7”, nơi ông ta có một biệt thự riêng ở đó. Honecker cầu cứu Gorbachev nhưng cũng như với Nguyễn Văn Linh, Gorbachev lại lịch sự từ chối. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tôi dịch cho ông Linh những thông tin trên truyền hình: Cảnh sát và người biểu tình đụng độ nhau ở khắp nơi. Cộng hoà Dân chủ Đức nói đã có 160 cảnh sát bị thương”.

Nhưng cảnh sát không thể ngăn chặn những cuộc biểu tình của người dân Đức. Ngày 18-10-1989, Eric Honecker từ chức, Egon Krenz, một uỷ viên Bộ Chính trị trẻ tuổi, thay ông giữ chức bí thư thứ nhất. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tình hình cũng không vì thế mà có cải thiện. Chúng tôi lo lắng, nhỡ có chuyện gì xảy ra khi đang còn ở đây thì nguy, trong túi thầy trò không hề có một đồng đô-la lận lưng nào cả. Tôi bảo bác sỹ có thuốc gì tốt thì cấp cho xếp tao để ông đủ sức khỏe bay về”.

Vào lúc mười một giờ ngày 23-10-1989, trước khi rời Berlin, ông Nguyễn Văn Linh đã đến chúc mừng Egon Krenz vừa lên nhận cương vị mới. Cuộc gặp vừa để chúc mừng Egon Krenz, vừa để đưa tin công khai về sự vắng mặt dài ngày của ông Linh. Ông Linh là vị nguyên thủ duy nhất kịp bắt tay Krenz. Ngày 24-10-1989, toàn thể Bộ Chính trị và Đại sứ CHDC Đức ra tận cầu thang sân bay Gia Lâm đón Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Lễ đón rất trọng thị, mọi người thăm hỏi sức khỏe và khuyên ông Linh nghỉ một thời gian để chữa bệnh tiếp.

Không chỉ có Erich Honecker và người kế nhiệm, ông Egon Krenz, theo Gorbachev thì chính phương Tây cũng có nhiều nỗ lực để ngăn chặn quá trình thống nhất nước Đức. Từ Thatcher (Anh), Mitterrand (Pháp) cho đến Andreotti (Ý) đều “muốn ngăn chặn người Đức thống nhất thành một quốc gia hùng mạnh trở lại và họ chờ đợi Liên Xô đưa xe tăng vào Đức cùng với quân lính của Gorbachev”. Nhưng, theo Gorbachev: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin chỉ là hồi chót của một quá trình đã diễn ra từ rất lâu. Khi Liên Xô bắt đầu tiến hành một loạt thay đổi mang tính bước ngoặt, như tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên… Khi tiến trình giải trừ quân bị bắt đầu giữa Nga và Mỹ để chấm dứt Chiến tranh Lạnh”(115).

Ngày 9-11-1989, biên giới giữa Đông và Tây Đức được mở ra. Ngày 10-11-1989, người dân bắt đầu phá bỏ bức tường Berlin. Vài tháng sau, chế độ cộng sản ở Đông Đức sụp đổ. Cũng trong ngày 10-11-1989, Todor Zhivkov cũng bị phế truất sau ba mươi năm trị vì ở Bulgaria. Tại Praha, người dân đổ ra đường yêu cầu Husak từ chức. Alexander Dubcek, người bị Liên Xô bắt giữ hồi “Mùa xuân 1968” bắt đầu xuất hiện cùng với đoàn người biểu tình. Một tháng sau đó Husak từ chức. Ngày 29-12-1989, Vaclav Havel, được bầu làm tổng thống đầu tiên của Tiệp khắc.

Ở Rumani, chế độ của nhà độc tài Ceausescu đã phải sụp đổ trong một cuộc biểu tình đẫm máu. Lực lượng an ninh Rumani tấn công những người biểu tình trong khi quân đội ủng hộ dân chúng. Hàng trăm người dân bị giết chết. Chỉ hơn một tháng rưỡi sau khi tán đồng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tổ chức một hội nghị quốc tế cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Tổng bí thư Nicole Ceausescu và vợ ông đã bị những người biểu tình đem ra xử bắn. [Hết trích]
  Nguyễn Văn Tuấn 
  (FB Nguyễn Văn Tuấn) 

Người Việt và TQ phạm tội kỷ lục ở Nhật

Siêu thị ở Nhật
Người Việt đứng đầu về trộm đồ siêu thị và trộm đồ theo nhóm

BBC

Các vụ phạm tội của người Việt Nam và Trung Quốc khiến số vụ phạm tội của người nước ngoài ở Nhật tăng lần đầu tiên trong 9 năm, theo truyền thông Nhật Bản.
Trang Japan Today hôm 27/3 dẫn số liệu của Cục Cảnh sát Quốc gia nói trong số 9.884 vụ bắt giữ người nước ngoài trong năm 2013, 4.047 liên quan tới người Trung Quốc, 1.118 là người Việt Nam và 936 người Hàn Quốc.

Tổng số vụ tăng 8% so với năm 2012 và đây là lần đầu tiên số vụ phạm tội của người nước ngoài tăng ở Nhật trong gần 10 năm qua.
Trang Jiji Press còn nói thêm người Việt Nam đứng đầu danh sách các vụ trộm đồ bị bắt tại các cửa hàng.
Và người Việt cũng có số vụ bị bắt vì trộm đồ theo nhóm nhiều hơn bất kỳ người từ các quốc gia nào khác.
Vẫn theo trang này, số vụ phạm tội của người Việt Nam ở Nhật Bản đã tăng gần 60% trong 9 năm qua, từ 713 người bị bắt hồi năm 2004 lên 1.118 người năm 2013.

Xử lý nghiêm

Mới hôm 26/03, truyền thông Nhật đưa tin về vụ văn phòng của hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại Tokyo bị cảnh sát Nhật lục soát, và nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc bị nghi ngờ chuyển quần áo ăn cắp trị giá 125.000 Yen.
Cảnh sát Tokyo còn nghi ngờ khoảng 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines có liên quan việc buôn lậu.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội hôm 27/03, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam nói sẽ xử lý nghiêm và ‘không dung túng’ vụ nhân viên hãng hàng không quốc gia bị bắt ở Nhật.
Ông Phạm Quý Tiêu cho biết phía Bộ đã nắm được thông tin và chỉ đạo tổng công ty hàng không xử lý.
Thứ trưởng Việt Nam nói: “Trước đây cũng đã có một vụ việc xảy ra và chúng tôi yêu cầu xử lý rồi. Bộ không dung túng gì chuyện này cả.”

Năm công an đánh chết người ra tòa, chối tội ‘đánh đòn quyết định’

Phiên tòa xử vụ các cán bộ công an thành phố Tuy Hòa dùng nhục hình tra tấn làm chết một thanh niên nghi can vụ trộm diễn ra hôm 26 tháng 3, 2014, sau hơn nửa tháng trì hoãn. Nguyên nhân kéo dài vụ xử được cho là vì 19 trong số 23 cán bộ công an vắng mặt tại tòa với tư cách nhân chứng.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, tại phiên tòa này, vẫn có tới 16 nhân chứng vắng mặt, trong đó có ông Lê Ðức Hoàn, phó trưởng công an thành phố Tuy Hòa, nhân vật đứng đầu chuyên án vụ bắt giữ và điều tra, cuối cùng làm chết nghi can là ông Ngô Thanh Kiều.


Gia đình nạn nhân bị công an đánh chết xuất hiện tại tòa. (Hình: báo Dân Trí)

Ông Ngô Thanh Kiều, sinh năm 1982, cư dân huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, bị bắt hồi tháng 5, 2012 vì nghi dính đến một vụ trộm tại thành phố Phú Yên. Tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan kiểm sát Tuy Hòa nói rằng, nạn nhân đã bị các cán bộ điều tra của công an Tuy Hòa xét hỏi, tra tấn, dùng nhục hình đánh đến chết vào ngày 13 tháng 5, 2012. Lúc đó, nạn nhân 30 tuổi.

Xuất hiện tại phiên tòa, Bác Sĩ Hoàng Việt, giám định viên của Trung Tâm Giám Ðịnh Pháp Y tỉnh Phú Yên nói rằng, trên người nạn nhân có rất nhiều vết thương nhưng đó không phải là nguyên nhân gây tử vong. Theo ông, nạn nhân chết vì bị chấn thương sọ não.

Tổng cộng có 5 bị cáo xuất hiện trước vành móng ngựa trong phiên tòa trên. Tất cả đều là sĩ quan công an tùng sự tại ban chỉ huy công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, gồm Nguyễn Minh Quyền; Nguyễn Tấn Quang, cùng là đội phó trinh sát Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm; Phạm Ngọc Mẫn, Ðỗ Như Huy, Nguyễn Thân Thảo Thành, đều là cán bộ điều tra, trinh sát của công an thành phố Tuy Hòa.

Trong ngày thứ hai của phiên tòa, sáng 27 tháng 3, 2014, lời khai của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành đã khiến rất nhiều người rơi lệ. Ông này kể như sau: “Khi tôi vào, thấy anh Kiều ngồi gục xuống ghế, hai tay bị còng ra phía sau. Tôi hỏi mấy câu nhưng anh Kiều không nói. Tôi cầm gậy cao su định đánh thì anh Kiều van xin, xin anh đừng đánh em, sáng giờ em bị đánh bầm giập rồi.” Thành nói vì lý do này nên bị cáo không đánh ông Kiều.

Trong khi đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát thành phố Tuy Hòa, chính Thành là người đã bổ gậy lên đầu khiến nạn nhân thiệt mạng. Bị cáo Thành bị đề nghị mức án từ 5 đến 12 năm tù giam. Tuy nhiên, tại phiên tòa trên, Thành bác bỏ cáo buộc nói ông là kẻ đánh đòn quyết định làm chết nạn nhân. Theo Thành, Quang và Quyền, hai ông đội phó trinh sát Phòng Cảnh Sát Ðiều Tra Tội Phạm đã dùng gậy cao su đánh rất nhiều cú vào người ông Kiều chứ không phải vài cái như lời khai.

Tại phiên đối chất trước tòa, một cán bộ công an thành phố Tuy Hòa xuất hiện với tư cách nhân chứng nhất mực cho rằng, đã trông thấy ông Nguyễn Thân Thảo Thành dùng dùi cui đánh ông Kiều, bất chấp lời kêu la thất thanh đau đớn của nạn nhân. Thêm một chi tiết đáng chú ý, theo báo Người Lao Ðộng, Nguyễn Thân Thảo Thành nói rằng “ai đó đang ngồi dưới kia, nhưng không khai nhận tội đánh vào đầu ông Kiều.” Thành cho rằng, ông không phải là người đánh vào đầu làm nạn nhân thiệt mạng.

Theo báo Tuổi Trẻ, một nhân chứng có mặt tại phiên tòa lại bị tố là người đá “nhiều cú” vào thân thể nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Người này là Lê Hải Phú, cán bộ công an thành phố Tuy Hòa.

Trong khi các bị cáo và kể cả nhân chứng, đổ tội cho nhau việc đã đánh “đòn quyết định” vào đầu, làm ông Ngô Thanh Kiều tử vong, người nhà của nạn nhân bật khóc nhiều lần. Báo Dân Trí dẫn lời bà Tuyết, chị ruột của nạn nhân nói: “Hôm qua, các bị cáo và nhân chứng đã thừa nhận việc dùng dùi cui đánh em tôi, vậy mà bây giờ họ vẫn không nhận tội.”
Phiên tòa tiếp tục xử vào ngày hôm sau.
  (Người Việt) 

Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài ?

Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam

Dân biểu Ed Royce đang nói về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam@royce.house.gov

Thụy My -RFI

Vừa qua vào ngày 14/03/2014, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã đệ trình Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam mang số hiệu HR 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật này dự kiến trừng phạt những quan chức Việt Nam « đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam ». Biện pháp trừng phạt gồm những hạn chế về du hành và tài chính.
RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở TPHCM về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn
27/03/2014
 

HR. 4254: Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc”

HR. 4254: Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc”

Phạm Chí Dũng, viết từ TP.HCM – RFA
 
Năm 2014, người Mỹ đối ngoại kiên định hơn so với thái độ không mấy bền vững vào những năm trước. Ngay sau khi đệ trình Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam với số hiệu HR. 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 14/3/2014, dân biểu Ed Royce – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện – bắt đầu một cuộc vận động không thể nói là vô vọng cho dự luật này. Thậm chí, thông tin bên lề còn cho biết xác suất để Hạ viện Hoa Kỳ thông qua HR. 4254 là rất cao. HR. 1897: Nước “triệt buộc” đầu tiên
“Lộ trình Miến Điện” đang tái hiện những nút thắt cùng uy lực bọc đồng lẫn bọc đường của nó: từ lên án vi phạm nhân quyền đến chế tài những chủ thể sinh đẻ các vi phạm đó. Những tin tức lạnh lùng cho biết vào năm 2011, Mỹ và phương Tây đã phải tiến hành chế tài về nhập cảnh và phong tỏa tài sản đến 5.000 nhân vật chính khách, quân đội và công an ở Miến Điện – một liều thuốc đặc trị cho căn bệnh đàn áp dân chúng và đối lập thật khó có thuốc chữa tại quốc gia đã từng dìm trong bể máu cuộc “cách mạng áo cà sa”.

Trên bàn cờ tương quan chính trị Mỹ – Việt hơn hai năm sau, thế “triệt buộc” đầu tiên thuộc về Dự luật nhân quyền Việt Nam – mang mã số HR. 1897, được Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua vào đầu tháng 8/2013 với tỷ lệ phiếu hoàn toàn áp đảo.
Điều có vẻ trái khoáy là HR. 1897 lại là khế ước đầu tiên hướng đến việc thực hiện “cơ chế hợp tác đối tác toàn diện” mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được qua cuộc gặp quá ngắn ngủi vào cuối tháng 7/2013 với người đồng nhiệm ở bên kia bán cầu là Barak Obama.
Vào thời điểm đó và chỉ mới 3 tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ được âm thầm nối lại tại Hà Nội, tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn tiến triển đến mức chính quyền cho bắt một hơi ba blogger – những người chỉ thể hiện khẩu khí chống lại sự can thiệp của Trung Quốc và hành động mạo muội “xếp hạng lãnh đạo”. Cũng vào giữa năm 2013, hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền đã không giải quyết được một vấn đề kinh tế – xã hội thực chất nào, ngoài việc bổ sung hai ủy viên Bộ chính trị mà từ đó đã sinh ra vô số dư luận về câu chuyện kèn cựa phe phái. Và ngay cả xu hướng mang tính phe nhóm “ngả về phương Tây” cũng chỉ mới chập chững…
Ngay lập tức, câu trả lời đến từ Washington vào tháng 7/2013: không mấy quan tâm và có thể chẳng cần đến sự diễn giải của phái đoàn ông Sang về điều được xem là “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người”, người Mỹ hẳn chưa nhận ra hiện thực được gọi là “thành tâm chính trị” thể hiện rõ nét trong Bộ chính trị Việt Nam và các cấp thừa hành địa phương, và do vậy Washington tự cho mình quyền đẩy Hà Nội vào tình thế đánh đố nhiều hơn là gợi mở.
Với sự chất vấn đầy trắc trở của cái tương lai như thế, một thất vọng được lượng hóa rõ nhất là phái đoàn Việt Nam đã không thể có cơ hội tiếp cận bằng chính xúc giác của họ trong chuyến đi Washington. Từ TPP đến “đối tác chiến lược” và vũ khí sát thương, tất cả đều không hé lộ một triển vọng nhanh chóng nào. Thậm chí cho tới nay, tất cả vẫn còn nằm trên giấy theo đúng tinh thần bản “ghi nhớ” giữa hai nguyên thủ quốc gia. Cũng hơn hai chục vòng đàm phán đã trôi vào dĩ vãng nhưng vẫn chưa làm cho giới quan chức và các nhóm lợi ích ở Hà Nội ngộ ra một quy trình kết thúc có hậu nào của TPP ở thì hiện tại.
Cú đồng thuận gần như tuyệt đối của Hạ viện Mỹ đối với Dự luật nhân quyền Việt Nam chỉ ít ngày sau cuộc gặp Obama – Sang và trước thời hạn quy định hẳn mới chỉ là lời đánh đố mở màn. Hà Nội cần và ngay lập tức phải hiểu rằng họ đang ở vào năm 2013 chứ không còn là năm 2006 – thời điểm mà Nhà nước Việt Nam được “giải thoát” khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), để chuẩn bị cho cuộc tiến chiếm bàn tiệc WTO với tư cách là thành viên thứ 150.
Nhưng bản thân Hoa Kỳ cũng cần được giải thoát khỏi những tín điều cố hữu và kém thực tế. Bài học cốt tủy mà người Mỹ có lẽ đã không ít lần xào lại là kể từ khi không còn nằm trong danh sách CPC vào năm 2006, tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại trở nên “tự do” đến mức mà giới quan sát phương Tây phải yêu cầu chính quyền Mỹ đóng luôn cánh cửa quan hệ với Hà Nội.
“Triệt buộc” thứ hai mang tên “HR. 4254”

Áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với những quan chức chính phủ Việt Nam “đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam” là tinh thần sắt son trong bản Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam mà những nghị sĩ cứng rắn như Ed Royce đang tiếp bước “Lộ trình Miến Điện”.
Theo thông cáo của dân biểu Ed Royce, HR. 4254 là một dự luật lưỡng đảng, nhắm mục tiêu vào những quan chức chính phủ, công an và những người khác vi phạm nhân quyền đối với những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Những biện pháp được kiến nghị bao gồm những hạn chế du hành và trừng phạt về tài chính.
Cụ thể, những cá nhân có tên trong danh sách sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh ở Hoa Kỳ, không được cấp bất kỳ quy chế di trú hợp pháp nào, và cũng không được phép nộp đơn hay thỉnh nguyện liên quan đến những việc này. Về mặt tài chính, những cá nhân này sẽ bị phong tỏa tài sản, bị hạn chế hoặc bị cấm giao dịch tài chính và đưa tài sản vào hay ra khỏi Hoa Kỳ.
Thực ra dự thảo đầu tiên của HR. 4254 đã xuất hiện trong Quốc hội Hoa Kỳ cách đây đúng một năm, vào tháng 3/2013, tức hai tháng sau chuyến “hành hương” của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Vatican. Khi đó và trong bầu không khí bị xem là “thụt lùi sâu sắc” về nhân quyền, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu:
Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ”.
Và “Sau không quá 90 ngày từ ngày ban hành Đạo luật này, Tổng thống sẽ đệ trình lên những Ủy ban quốc hội thích hợp danh sách của các cá nhân, là công dân Việt Nam, mà Tổng thống xác định là dính líu đến những vụ vi phạm nhân quyền chống lại nhân dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ, bất kể việc những vụ vi phạm đó có xảy ra ở Việt Nam hay không… Danh sách được quy định trong đoạn (1) sẽ được công khai cho công chúng và được đăng trên các trang web của Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao”.
Không phải và chẳng bao giờ tự do là món quà trên trời rơi xuống. Cũng không hẳn chuyện đổ tiền sẽ làm nguội lạnh những cái đầu tham lam lẫn sắt máu. Dĩ nhiên Miến Điện được như ngày nay là nhờ cú đi roi song hành với tiến trình xóa nợ quốc gia.
Luật chơi của người Mỹ
Sau 39 năm từ thời điểm 1975, giai cấp cầm quyền ở Việt Nam đã lập kỷ lục về nợ công quốc gia: ít nhất 95% GDP, nếu không nói là còn hơn thế. Con số này là một trời một vực so với số báo cáo chỉ khoảng 55% GDP của Chính phủ. Mỗi đầu nông dân phải gánh đến ít nhất 1.500 USD tiền nợ, trong lúc vai và lưng họ đã oằn tím bởi hàng trăm thứ thuế cùng thói vô cảm của các “đày tớ”.
Nhưng vấn đề trầm trọng hơn nhiều là trong một xã hội có đến ít nhất 20% dân số lâm vào tình cảnh nghèo khổ – gấp 3 lần số báo cáo, nền kinh tế rơi vào cảnh suy sụp và thảm hại đến mức “không biết lấy tiền đâu để trả nợ nước ngoài” – như trần tình hiếm hoi của một quan chức nhà nước. Với đà như thế này, tình thế quá nan y chắc chắn sẽ đẩy đất nước đến hố bĩ cực, và sẽ chẳng hề kinh ngạc nếu nó dẫn đến vô số cơn động loạn xã hội khiến cho chân đứng chính thể có thể vụn vỡ vào bất cứ thời điểm nào.
Phải chăng đó là thế “tự triệt buộc” của giới lãnh đạo đương thời Việt Nam kéo theo các tầng lớp dân chúng khốn khổ của họ?
Còn với người Mỹ, một lần vội vàng là thêm một sai lầm. Giờ đây, dường như cách chơi bài của người Mỹ là kiểu cách với điếu xì gà trên miệng cùng những vòng khói tỏa ra từ lỗ mũi thâm sâu của người Trung Hoa. Bầu không khí ấy có vẻ không hứa hẹn một viễn cảnh được phác ra sớm sủa, mà có lẽ sẽ kéo dài theo một quy luật được sàng lọc từ dĩ vãng: độ mở của Washington tùy thuộc vào thái độ bớt khép kín của Hà Nội.
Thời gian đầu tiên của năm 2014  đang chứng kiến thái độ kiên định hơn của không chỉ khối nghị sĩ đảng Cộng hòa. Ngay cả Tổng thống Obama và ngoại trưởng của ông cũng chợt mạnh mẽ hẳn lên đối với bản Phúc trình nhân quyền Việt Nam năm 2013 và những điều kiện đặt lên bàn đàm phán TPP.
Cũng bất chấp mối đe dọa có thể xảy ra cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai, lần đầu tiên chính quyền Obama dám áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga và Ukraine. Ngay sau đó, cơ quan công tố Thụy Sĩ đã làm việc hết sức khẩn trương: hàng loạt ngân hàng ở quốc gia này, nơi cất giấy tài sản của thế giới quan chức đen đúa, đang bị bóc trần từng mảng lớn.
Lẽ nào tương lai của “một bộ phận không nhỏ” giới quan chức, công an Việt Nam cùng vợ con họ, những người đã có đủ thời gian để khiến Tổ quốc bị loang máu ngoại tệ sang tận Úc, Mỹ, Anh, Canada hay các nước Bắc Âu, những người nồng nàn tình yêu Tổ quốc đến mức sẵn sàng nhảy lên máy bay ra ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào xảy ra “biến cố”, cũng tự khép mình vào thế “triệt buộc” mất trắng tổ quốc như triều đại vừa lâm chung ở Ukraine?
Phạm Chí Dũng, TP.HCM 27-03-2014

Gặp những nạn nhân trong vụ bắt Bùi Thị Minh Hằng ở Lấp Vò, Đồng Tháp

J.B Nguyễn hữu Vinh -RFA

Truyền thông cộng sản, công cụ bóp méo sự thật
Kể từ dăm năm nay, người dân đã có những kinh nghiệm sâu sắc với truyền thông nhà nước cộng sản trong các vụ việc liên quan đến các yếu tố tôn giáo, chính trị và nhất là đối với những người đấu tranh cho nền dân chủ, cho tự do tôn giáo, cho quyền con người, đặc biệt cho lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc. Ở đó, không thiếu những màn dựng chuyện, bôi bẩn, bóp méo và cắt xén.
Điển hình là vụ Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trở thành nạn nhân của đám truyền thông cộng sản bất lương, thì sự cảnh giác của người dân và xã hội đã tăng lên rõ rệt. Câu chuyện đó đã trở thành điển hình để nhắc đến mỗi khi người ta muốn nói về bản chất truyền thông cộng sản.

Sau khi Bùi Thị Minh Hằng cùng với 20 người khác bị bắt tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, dư luận đã lên tiếng phản ứng. Việc dư luận lên tiếng nhằm cảnh báo những hiện tượng bắt người trả thù hèn hạ bằng cách vu cáo, dựng chuyện mà xưa nay vốn đã thành một căn bệnh khó chữa, một phương pháp hạ đẳng thường được nhà nước sử dụng đối với những người dám đấu tranh cho xã hội tốt đẹp hơn nhưng không vừa lòng nhà nước.
Trước các thông tin nhanh chóng lan truyền trên mạng, Đài Truyền hình Đồng Tháp đã chiếu một đoạn video nhằm thanh minh cho việc này nhưng nội dung của nó đã nói lên một điều: Sự thật nằm ở đâu.
Sở dĩ đoạn video ngắn ngủi đó nói lên được nhiều điều, bởi những ai đã từng quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội và nhất là các vụ bắt bớ người yêu nước, các cá nhân có những mối quan tâm chính trị xưa nay, người ta nhìn đọc rất rõ những con bài, những phương cách trí trá, dối trá, lấp liếm bẩn thỉu cho những hành động nhiều khi vi phạm pháp luật của chính nhà cầm quyền.
Trong đoạn video mấy phút về vụ việc, Đài TH Đồng Tháp chiếu hình ảnh công an đến nhà để “hỗ trợ, áp giải” Nguyễn Bắc Truyển cho Công an Sài Gòn trong một vụ án mà ngay cả nguyên đơn cũng không biết vì sao vụ án “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” được khởi tố(!). Và mặc dù chỉ có việc hỗ trợ, áp giải một con người rất cụ thể, có địa chỉ rõ ràng như thế nhưng công an Đồng Tháp đã được chỉ đạo trực tiếp của ông Thiếu tướng Giám đốc Công an Tỉnh? Điều gì mà nghiêm trọng vậy? Có phải chỉ vì quá nhiệt tình trong việc hỗ trợ, áp giải mà đám công an này phải huy động một lực lượng hùng hậu để đập nhà phá cửa? Và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa, là Công an Sài Gòn và Công an Đồng Tháp mất thời gian, công sức đi xa bấy nhiêu đường đất, xe cộ, công lực và tiền của như vậy chỉ để bắt Nguyễn Bắc Truyển về điều tra vụ án, nhưng chỉ 1 ngày sau thì… trả tự do vì “chờ phê chuẩn lệnh tạm giam”.
Nhìn những hình ảnh này, người ta đoan chắc là nếu Dương Chí Dũng hoặc các loại tội phạm khác ở Sài Gòn hoặc Đồng Tháp, chắc chắn đừng nói đến chuyện chạy trốn đến một ngày chứ nói gì đến mấy tháng? Cũng xem đoạn video này, nếu ai chưa đến Sài Gòn, Đồng Tháp, hẳn nhiên sẽ tưởng tượng ra một thiên đường mà ở đó, không hề có chuyện chiếm đoạt tài sản, không thể có đất cho tội phạm. Bởi chỉ cần công dân có nợ nần nhau, thì công an đã đi lùng sục bắt về ngay như bắc giặc để “điều tra, làm rõ” ngay lập tức.
Thế nhưng, vẫn là bệnh nói thế mà không phải thế. Cái đuôi con chồn hôi lòi ra ngay sau đó khi Đài Truyền hình Đồng Tháp chẳng cần Tòa án mà vẫn kết tội Nguyễn Bắc Truyển như sau: “Vào khoảng tháng 5 năm 2013, đối tượng Nguyễn Bắc Truyển lén lút về ấp Hưng Nhơn, xã Long Hưng B huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp móc nối với các phần tử xấu, lợi dụng tôn giáo, tiếp tục tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta”. Và dù chưa có một tòa án nào, thì Đài THĐT vẫn kết luận: “Hành vi trên là vi phạm pháp luật”. Thử hỏi, hành vi của Đài THĐT kết luận thay Tòa án, biêu riếu vu cáo công dân có được gọi là “vi phạm pháp luật” hay không?
Việc Nguyễn Bắc Truyển về Lấp Vò để chuẩn bị cho đám cưới với người vợ tương lai của mình ở đó, được gọi là “lén lút, móc nối với các phần tử xấu” là đúng hay sai và có chính đáng hay không? Thật may là ngày xưa chưa có lực lượng công an va Đài truyền hình Đồng Tháp, nếu không, ông Nguyễn Sinh Sắc từ làng Sen sang là Hoàng Trù làm rể không khéo cũng bị kết án là “lén lút móc nối” chăng?
Thế rồi, đã quá sáo mòn, lại vẫn màn “giáo dân ý kiến” Đài THĐT kiếm được một phật tử Phật giáo Hòa Hảo lên án vụ việc và “yêu cầu nhà nước xử lý thích đáng”.
Đoạn video tiếp theo là đoạn về những người bị Công an Lấp Vò bắt giữ và ba người bị bắt giữ đến nay trong đó có Bùi Thị Minh Hằng. Đài THĐT nói rằng: “Hai ngày sau, lực lượng CSGT đang trên đường tuần tra kiểm soát thì phát hiện khoảng 10 chiếc xe mô tô chở khoảng 20 người đi hàng hai hàng ba trên đường. Thấy vậy lực lượng làm nhiệm vụ ra tín hiệu dừng xe kiểm soát… Sau đó nhóm người này có những lời nói nhục mạ và tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, gây rối trật tự công cộng…”.
Điều người ta thấy rõ qua đoạn video dù chỉ mấy phút kia là gì? Điều gì đã thiếu và điều gì đã thừa ở đây?
Cái thừa nhất, là vì sao cái gọi là “lực lượng CSGT đang trên đường tuần tra kiểm soát” mà trong đó có cả Cảnh sát cơ động và đám người không sắc phục dày đặc cả một quãng đường. Cái thiếu ở đây là nhà nước, công an và nhà đài đã công phu chuẩn bị cả máy quay video đi theo một đội CSGT đi làm nhiệm vụ tuần tra nhưng đã không đưa lên được hình ảnh nào để chứng minh cho việc họ nói là những người này chống lại lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Trong cả đoạn video, nhà đài đã không hề dám một lần để tiếng của các nạn nhân. Họ nói gì? Tại sao phải bịt miệng họ để nói chen vào những lời kết tội của mình? Những khẩu hiệu, băng rôn mà công an ngang nhiên cướp trong hành lý của họ, đó là gì? Sao không quay rõ ra? Ông già được đưa lên truyền hình nói rằng khẩu hiệu là “Đả đảo Cộng sản”? Có thật không và nếu có thì phạm tội gì?
Phải chăng trên Tỉnh Đồng Tháp này, cứ có CSGT tuần tra, thì đi kèm theo đó là đám người không mang sắc phục và Cảnh sát cơ động hàng trăm người lại còn mang theo máy quay phim, máy ảnh?
Và thật hài hước là nhà đài vẫn tìm được một tên cò mồi nói rằng: “Tôi thấy mấy người đó xúm đánh công an” (Sic). Vậy khi “mấy người xúm đánh công an” thì những công an, CSCĐ và nhà đài quay phim sợ quá chạy mất hay sao mà không quay lại cảnh họ đánh công an ra sao cho thiên hạ rõ?
 
Thật ra, chẳng cần phải hỏi nhiều, tự trả lời những thắc mắc trên, người dân tự hiểu sự thật không nằm trên miệng lưỡi của những người cộng sản.
Và qua những chuyện này, lần nữa thì càng ngày người dân càng hiểu một điều rằng: Đã là truyền thông nhà nước thì việc cố tình dùng xảo thuật, cắt xén, bóp méo và đặt điều là hẳn nhiên.
Sự thật ở đâu? Gặp các nạn nhân
Sự thật có nằm trên miêng lưỡi người Cộng Sản hay không? Những câu hỏi cần đặt ra và cần được trả lời. Để tìm các câu hỏi đó, chúng tôi đã gặp những người đã chứng kiến và là nạn nhân hôm đó.
Họ cho chúng tôi biết sự thật không hề như vậy. Ông Huỳnh Anh Trí cho chúng tôi biết như sau:
- Ông Huỳnh Anh Trí: Tôi là Huỳnh Anh Trí, cựu tù nhân chính trị sau 14 năm, mới ra tù. Tôi là một trong 21 người đi từ Quang Minh Tự đến thăm gia đình anh Nguyễn Bắc Truyển. Chúng tôi đi giữ hàng lối và đảm bảo an toàn giao thông, cách nhau từ 3-5 mét/ người. Khi chúng tôi đến cầu Long Trại, Đồng Tháp thì xuất hiện một số công an, côn đồ cầm tầm vông đánh đập chúng tôi. Họ không cho chúng tôi biết lý do gì mà chỉ xông vào đánh đập thôi. Tôi nghĩ là chính ông Lê Hoàng Dũng là người chỉ đạo đánh đập vụ này. Nay họ vu khống chị Bùi Thị Minh Hằng, Anh Minh và chị Thúy Quỳnh là cản trở giao thông, chính công an huyện Lấp Vò mới là người cản trở giao thông chứ còn chúng tôi chỉ đi thăm anh Nguyễn Bắc Truyển mà bị chặn đường, đánh đập, cướp bóc. Đây là hành động ăn cướp rồi vu khống chị Bùi Thị Minh Hằng, Anh Minh và chị Thúy Quỳnh. Tôi cực lực lên án chính quyền Cộng sản ở Lấp Vò đã đàn áp những người đó, đây là hành động đàn áp dân chủ trong nước.
– Thưa ông, theo bản tin Truyền hình Đồng Tháp, khi lực lượng đến kiểm tra thì một số đối tượng như Bùi Thị Minh Hằng chống đối, chửi bới và đánh lại lực lượng thi hành công vụ, cảnh sát… điều đó có đúng không?
Ông Huỳnh Anh Trí: Họ xông vô đánh đập chị Hằng, ăn cướp đồ thì chị phải la làng lên. Chính hành động khi bắt chị Hằng lên xe, chúng còn lấy cái còng đánh theo, không có hành động nào là chửi bới, đánh đập công an hết.
Chúng tôi cũng đã gặp Tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm, người trụ trì ở Quang Minh Tự cũng kể lại rành rõ sự việc với nội dung như ông Huỳnh Anh Trí đã kể lại. Ông cho biết thêm:
Khi đoàn người đi đến cầu thì cả đoàn đến dăm bảy trăm người, trong đó có hàng mấy chục công an mặc sắc phục và một đoàn cầm gậy đã đổ ra đón và đánh đập 21 người này rồi bắt tất cả về đồn mà không có một lý do nào được đưa ra. Không chỉ đánh đàn ông mà cả các phụ nữ đi cùng cũng bị đánh tới tấp tốp này đến tốp khác. Những người bị đánh sưng hết mặt mũi tất cả. Tôi bị đánh vào đầu, ngất xỉu phải chở đến nhà thương và các cháu tôi cũng bị như vậy. Đám người đó chặn giữ một khúc đường khoảng 200 mét đứng dày đặc. Do vậy, chúng tôi không thể có hành động nào chống lại họ, tất cả chúng tôi chỉ xuôi tay mặc họ đánh, ngay cả việc đỡ cũng không dám đỡ. Sau đó, thảy lên xe như con heo đưa về nhà thương.
Sau khi họ đưa tất cả 21 người về đồn, họ bỏ cả đoàn ngoài nắng từ 10h trưa đến 15h chiều. Tối đó họ không hề được ăn uống, thậm chí nước uống còn phải mua. Họ lấy tất cả đồ đạc và điều tra từng người ghép vào tội “chống người thi hành công vụ”. Chúng tôi phản đối chuyện đánh người, họ chối, tôi nói rằng các ông đánh người và tôi chỉ cho các ông ở đây những người đánh chúng tôi đây.
Mãi cho đến hôm sau, họ mới đưa cơm cho ăn, nhưng bà con có 4 nam và 8 nữ đã tuyệt thực, trong đó có Bùi Thị Minh Hằng. Cũng tại đó, chị Bùi Thị Minh Hằng yêu cầu phải có luật sư mới làm việc và cô Hằng ngay từ đầu đã đòi có luật sư cho cô ấy.
Hàng loạt các nạn nhân chúng tôi gặp, đều nói lên tường tận sự việc và họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật với những điều họ nói ra, với đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ của họ.
Mời quý vị xem video phát biểu của các nạn nhân tại đây: http://youtu.be/V_6cQx6Jc4k

Thiết nghĩ rằng, chừng đó cũng đủ để hiểu sự thật ở đây là gì.
Khi một nhà nước phải dùng đến những mưu đồ xảo trá, những mánh lới hèn hạ với dân mình, chỉ đế đối phó với người phụ nữ không tấc sắt trong tay như Bùi Thị Minh Hằng và chị Thúy Quỳnh, thì mới biết được cái nhà nước đó nó hèn hạ và bất chính làm sao.
Hà Nội, ngày 28/3/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Lăng Bác: bị quấy phá, dựng “chiến lũy” bảo vệ?


Ảnh chụp chiều 27/3/2014
Ảnh chụp chiều 27/3/2014


Chiều qua đi ngang Lăng, nhớ bài hát “Viếng Lăng Bác” … Thế rồi bất ngờ thấy cảnh tường rào đang được dựng lên như chiến lũy, ngạc nhiên quá. Chợt lại muốn hát “Bác nằm trong Lăng giấc ngủ … chẳng yên”.

Thử đi tìm lời lý giải cho bức “chiến lũy” kia.

Đúng 5 tháng trước, ngày 28/10/2013, một vụ lao xe “cảm tử” ngay giữa Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc khiến 5 người chết, 38 bị thương. Những người hàng ngày lo lắng cho “giấc ngủ” của bác Hồ, chắc cũng giật mình.

Cách đây 2 tháng rưỡi, ngày 14/1/2014, 5 người tự xưng là “học viên Pháp Luân Công” đã bất ngờ tiến đến trước quảng trường Ba Đình – Lăng Bác, căng biểu ngữ có những câu như “Tà đảng Việt Cộng …”, “Ma giáo cộng sản …”

Tiếp đó, sau khi cảnh báo ít ngày, những “học viên Pháp Luân Công” kia lại chọn đúng ngày thành lập Đảng của Bác Hồ, 3/2/2014, để xông tới quảng trường Ba Đình, toan dùng búa đập Lăng Bác (gần 2 tháng rồi sau khi số này bị bắt, mà vẫn bặt tin [*]. Sẽ có bình luận sau).

Hơn một tháng sau, ngày 5/3/2014, PTT Nguyễn Xuân Phúc đến thị sát khu vực, làm việc với Ban quản lý Lăng.

Vài ngày sau, Ban quản lý Lăng đưa thông tin Triển khai giai đoạn 2 các tuyến phố đi bộ Khu vực Lăng Bác.

IMG_20140327_162855

Và thế là, theo như lời những người làm nhiệm vụ quanh Quảng trường Ba Đình, đoạn “chiến lũy” kia chính là nằm trong kế hoạch xây dựng “tuyến phố đi bộ” ở đây. Thật là sáng kiến, dân vừa được “đi bộ”, Bác nằm trong Lăng đỡ nghe tiếng xe cộ ồn ào, mà lại yên tâm hơn vì hạn chế được những kẻ liều lĩnh tới phá giấc ngủ của Bác. Có mất mỹ quan, nhếch nhác một chút cũng không đáng kể, an toàn là trên hết.

Lại nhớ trước khi “đi gặp các cụ Các Mác, Lê Nin”, Bác có nguyện vọng được hỏa thiêu. Thế nhưng các “học trò xuất sắc” đã không thèm nghe lời Bác … Từ đó đến nay, ngày ngày Bác chẳng được yên, cứ sáng kéo ra cho thiên hạ ngắm nghía, tối lại lôi vào. Có kẻ mê tín còn bảo: Cha già Dân tộc mà cứ bị “động mồ động mả” thế, thì con cháu nó cứ bị mạt vận là phải.

Giờ thì Bác dần được yên rồi. Biết đâu đấy, đây cũng là mở đầu cho phương án khéo léo, tránh gây sốc cho dân, để Bác lui dần về … Đài hóa thân Hoàn Vũ? Nhờ vậy, sẽ hết bị “động mồ động mả”, kinh tế đất nước lại cất cánh, bớt tham nhũng đi, uy tín của Đảng lại được phục hồi … ?
-
* Xem thêm: Học viên Pháp luân công xúc phạm … đồ vật – tượng Lenin, lăng Hồ Chí Minh – tha hay xử?
(Chép Sử Việt)

Không thể nói: “Người Việt Nam ăn cắp”! -Thương mại và Nhân quyền

Thương mại và Nhân quyền

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

Ông Grover Joseph Rees, cựu đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Đông Timor, nguyên quyền đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc  -Photo: RFA
Trong cuộc vận động về nhân quyền cho Việt Nam trong 2 ngày 26 và 27/3, chủ đề về đàm phán TPP giữa Việt Nam và đối tác Hoa Kỳ một lần nữa được đề cập. Có mặt trực tiếp tại chỗ, Vũ Hoàng có cuộc trao đổi với ông Grover Joseph Rees, cựu đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Đông Timor, nguyên quyền đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, người am hiểu về tình hình Việt Nam về những vấn đề liên quan.
Vũ Hoàng: Ông đánh giá ra sao về tiến trình đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ – một đối tác lớn của Việt Nam hiện nay?
Grover Joseph Rees: Các cuộc đàm phán dĩ nhiên là không được tiết lộ ra ngoài vì thế những chuyện bí mật xoay quanh các vòng đàm phán không phải là ít và người ta muốn biết những thỏa ước tạm thời là gì… tuy nhiên, thực sự là chúng tôi chưa biết phải nói gì. Từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ cũng đã nhân nhượng cho chính phủ Việt Nam nhiều điều, trên lý thuyết là lĩnh vực thương mại và kinh tế. Xét về mặt lý thuyết, nếu Hoa Kỳ hướng dẫn Việt Nam cách cư xử thông thường như một quốc gia văn minh đứng trên góc độ thương mại, đầu tư hay sở hữu trí tuệ… hi vọng Việt Nam cuối cùng cũng sẽ đáp lại với những tôn trọng thông thường khác như tôn trọng nhân quyền và trở nên dân chủ hơn. Mọi việc vẫn trôi qua từ năm 1995 và như chưa hề có gì xảy ra.

Vài năm trở lại đây, Chính phủ VN đã đàn áp và tình hình trở nên tồi tệ hơn khi những người bất đồng chính kiến về mặt tự do tôn giáo, họ bày tỏ trên internet thì lại bị bắt bớ, vì thế, tôi cho rằng Hoa Kỳ nên áp dụng cách tiếp cận khác.
Xét về mặt lý thuyết, nếu Hoa Kỳ hướng dẫn Việt Nam cách cư xử thông thường như một quốc gia văn minh đứng trên góc độ thương mại, đầu tư hay sở hữu trí tuệ… hi vọng Việt Nam cuối cùng cũng sẽ đáp lại với những tôn trọng thông thường khác như tôn trọng nhân quyền và trở nên dân chủ hơn
Grover Joseph Rees
Trong khi hiệp định mới (TPP) này quan trọng đối với một số cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ thì thực tế, nó lại quan trọng hơn đối với chính phủ VN bởi đơn thuần nó không chỉ là một hiệp định thương mại, nó là một đối tác. Vì thế, đối với Hoa Kỳ, TPP sẽ được chứng thực như một biểu tượng về danh dự, Hoa Kỳ muốn cho thế giới thấy rằng nếu Hoa Kỳ tuyên bố hiệp định ấy là đối tác thì Việt Nam phải xứng đáng là một đối tác của Hoa Kỳ.
Do đó, Hoa Kỳ yêu cầu Viêt Nam không chỉ mở cửa các thị trường của họ mà còn phải bảo vệ sở hữu trí tuệ cho Hoa Kỳ cũng như Việt Nam không được tra tấn người. Hoa Kỳ cũng đòi hỏi Việt Nam không được bỏ tù người dân bởi vì người dân Việt Nam chỉ muốn chia sẻ những giá trị họ có, họ muốn được tự do thờ phụng, tự do tín ngưỡng một cách ôn hòa… Tôi hiểu, nếu Hoa Kỳ đưa ra những điều kiện trên, có thể việc thương thảo sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng bù lại, tôi lại lấy làm vui mừng cho chính phủ Việt Nam, vì khi đó, Việt Nam thực sự đã trở thành đối tác của Hoa Kỳ và chỉ khi Việt Nam chứng minh được mình xứng đáng với những điều đó.

Ông Grover Joseph Rees trả lời phóng viên Vũ hoàng đài RFA ngày 26 tháng 3, 2014
Ông Grover Joseph Rees trả lời phóng viên Vũ Hoàng đài RFA ngày 26 tháng 3, 2014


Vũ Hoàng: Ông nhắc nhiều đến “đối tác” bình đẳng ở đây, nghĩa là không ai cho và không ai nhận, mọi việc đàm phán là dựa trên nguyên tắc bình đẳng với nhau, vậy theo ông, vấn đề quyền người lao động ở VN ông thấy thế nào khi nhân tố này được đưa vào tiến trình đàm phán?
Grover Joseph Rees: Ít nhất là vấn đề quyền của người lao động cũng là vấn đề được đưa vào thương thảo, thế nhưng, vấn đề là ở chỗ chính phủ Việt Nam chỉ có những liên đoàn lao động giả tạo. Đúng là chính phủ Việt Nam có liên đoàn lao động, nhưng là cho chính họ, nếu ai đó muốn có liên đoàn lao động độc lập thì điều đó lại trở thành phi pháp. Thực tế cho thấy, đã có những người cố gắng thành lập công đoàn độc lập, nhưng họ lại bị vào tù hoặc ai muốn thành lập công đoàn phi quốc doanh, người ấy cũng bị ngồi tù. Tôi lấy một thí dụ đơn giản là chuyện đã xảy ra với nhân vật Điếu Cày, ông ấy đứng lên thành lập một câu lạc bộ nhà báo độc lập và bị bắt giam. Nói chung, tại Việt Nam đúng là vẫn có liên đoàn lao động, những tổ chức phi quốc doanh hay nhà thờ hoạt động… nhưng với một điều kiện là họ phải do Chính phủ Việt Nam điều hành. Vì những lý do trên, tôi cho rằng việc đàm phán cũng như những nhà đàm phán của Hoa Kỳ cần phải khôn khéo hơn khi họ thương thuyết với Việt Nam khi so với các quốc gia khác.
Tôi hỏi anh, nếu anh đặt địa vị người tù lương tâm đó là con cái anh, anh chị anh, vợ chồng của anh… hiện đang bị chính phủ giam giữ, liệu anh có muốn đàm phán với họ không; có muốn bán hàng sang cho họ không; hay thậm chí anh có muốn mua cá hay bất cứ thứ gì khác của họ không?
Grover Joseph Rees
Vũ Hoàng: Vậy theo ông với tư cách là một người am hiểu Việt Nam, những nhà đàm phán nên có cách cư xử và thương thuyết với Việt Nam như thế nào theo cách mà ông vừa nói là phải khôn khéo hơn so với các quốc gia khác?
Grover Joseph Rees: Với tôi tư cách của một nhà ngoại giao và trước đây từng là đại sứ, thì tôi thực sự thông cảm cho những ai hiện đang phải làm công việc đàm phán, thế nhưng có một vài điều tôi cần phải làm sáng tỏ. Trước hết, nếu anh là một nhà ngoại giao, thì việc làm của anh có khuynh hướng phải là đàm phán, dù rằng đó là những đàm phán có lợi hay không có lợi. Anh phải biết rằng công việc của một nhà ngoại giao không phải là nói không với bất kỳ một đàm phán nào nếu anh thấy nó không có lợi. Bởi rõ ràng, phía bên kia, tôi tạm gọi là những kẻ xấu, họ cũng biết điều đó, họ cũng chỉ đàm phán những điều có lợi cho họ và họ chẳng quan tâm đến những điều có lợi của anh. Điểm thứ hai tôi muốn nói đến ở đây là hãy thử tưởng tượng xem nếu chúng ta đưa yếu tố những người tù lương tâm vào trong tiến trình đàm phán. Dĩ nhiên, một xu thế tự nhiên là anh sẽ nói không, vì ở đây, hai vấn đề thương mại và tù nhân lương tâm chẳng liên quan gì đến nhau cả.
Nhưng bây giờ tôi hỏi anh, nếu anh đặt địa vị người tù lương tâm đó là con cái anh, anh chị anh, vợ chồng của anh… hiện đang bị chính phủ giam giữ. Liệu anh có muốn đàm phán với họ không? Liệu anh có muốn bán hàng sang cho họ không? hay thậm chí anh có muốn mua cá hay bất cứ thứ gì khác của họ không? Câu trả lời rõ ràng là không! Tôi chắc chắn rằng anh sẽ đòi hỏi họ phải đối xử theo một cách văn minh tiến bộ với chính người dân của họ. Do đó, tôi muốn chỉ rõ ở đây, khi đàm phán không chỉ là với những nhà thương thuyết mà còn là với những nạn nhân của họ, chỉ khi làm được như vậy thì chúng ta mới có thể đi đến được những thỏa thuận hợp đồng thỏa mãn.
Vũ Hoàng: Thay mặt thính giả RFA, xin cám ơn ông rất nhiều.

Tuyên bố phản đối việc bắt giam người dân Thuận Nam, Ninh Thuận

Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam

Theo báo chí nhà nước và một số nguồn tin khả tín, chiều 26/3/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can bao gồm ông Dương Văn Phước (52t), Đỗ Văn Đức(62t), Nguyễn Văn Song (66t), Dương Thủ Đức (26t), Dương Thủ Hiền (24t) vàDương Thủ Dũng (23t), cùng ngụ xã Phước Dinh, về tội “chống người thi hành công vụ”. Ông Phước và Đức bị tam giam 3 tháng, 4 bị cáo kia thì bị cấm ra khỏi nơi cư trú, tại ngoại điều tra.
Phía công an cáo buộc: lúc 6g sáng 20-3, ông Dương Văn Phước dùng xe máy chở ông Đỗ Văn Đức cầm loa tay chạy khắp hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 vận động hơn 300 người dân lên công trường khai thác titan-zircon của Công ty TNHH MTV Quang Thuận - Ninh Thuận để ngăn cản hoạt động khai thác và đập phá tài sản, nhà xưởng, thiết bị đãi quặng. Khi lực lượng công an huyện Thuận Nam, công an xã Phước Dinh vào vận động, ngăn cản hành động đập phá thì 6 bị can đã chống trả lại lực lượng thi hành công vụ.
Nhưng theo thông tin trung thực từ báo giới, sau khi UBND xã Phước Dinh họp dân thông báo Công ty Quang Thuận tái khai thác titan-zircon vào ngày 19-3 thì liên tiếp các ngày sau đó, hơn 700 người dân hai thôn Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 đã kéo đến trụ sở xã để phản đối vì việc khai thác gây ảnh hưởng môi trường, làm sụt giảm mạch nước ngầm sinh hoạt của người dân.
Theo quan điểm của Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, tương tự việc khai thác quặng Bauxite từ nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường tự nhiên, dân kế và dân sinh của người dân, một số nơi vùng duyên hải như Ninh Thuận, Bình Thuận vẫn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác titan gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường sinh hoạt của nhân dân. Đáng bức xúc và phẫn nộ hơn là hoạt động khai thác titan đã kéo dài từ nhiều năm qua, người dân khiếu nại nại rất nhiều lần đến các cấp thẩm quyền, nhưng đã không được hồi âm hoặc trả lời chưa thỏa đáng.
Bức xúc tích tụ luôn dẫn đến những phản ứng tự phát và bùng nổ. Người dân có quyền khiếu nại và có quyền phản ứng chính đáng, ôn hòa về tất cả những gì mà phía chính quyền và doanh nghiệp đi ngược lại quyền lợi của mình.
Hành vi Công an Thuận Nam, Bình Thuận khởi tố và bắt giam người dân khiếu nại ở địa phương này nằm trong một chuỗi tiếp nối những hành vi xem thường pháp luật và chà đạp lên quyền con người, càng kích phát chất men sôi sục phẫn uất trong tâm can dân chúng khi ngày càng xảy ra nhiều cái chết rất đáng nghi ngờ của người dân trong đồn công an. Một số trong những cái chết đó đã được xác định là do nạn bạo hành của công an gây ra.
Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành vi bắt người vừa xảy ra ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận – một hành động trái ngược với quyền làm người của nhân dân được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào năm 1982.
Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam lên tiếng kêu gọi đồng bào vùng Thuận Nam – những người chịu thiệt hại trực tiếp và đồng bào ở những vùng khác có thể chia sẻ cảnh ngộ của người chịu thiệt thòi, cùng các tổ chức quốc tế về nhân quyền, tổ chức phi chính phủ quốc tế về bảo vệ môi trường hãy đoàn kết và đấu tranh làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn hành động bắt giam vô lý và ẩn chứa dấu hiệu bảo vệ nhóm lợi ích doanh nghiệp tàn phá môi trường của cơ quan công an tỉnh Ninh Thuận.
Lệnh khởi tố phải bị hủy bỏ và những người bị bắt giam phải được trả tự do ngay lập tức!
 Ngày 27 tháng 3 năm 2014
Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam
============
Công trình khai thác Titan của Công ty Quang Thuận ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: TTXVN

Không thể nói: “Người Việt Nam ăn cắp”!


Một nhóm Nhà Giáo VN (Danlambao) - Từ trước và gần đây, trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, đã rêu rao những chuyện làm phi pháp, phi đạo đức của “người VN”, hay đúng hơn là của những cán bộ CS VN và đồng bọn của họ, dính líu đến các vụ buôn lậu sừng tê, ma túy, gỗ lậu, và nhất là tệ nạn ăn cắp ăn trộm đồ vật ở các siêu thị nước ngoài, khi những kẻ xấu xa này có cơ hội ra nước ngoài bằng các con đường ngoại giao, du lịch, thậm chí du học hay “xuất khẩu lao động”, gây lên một nỗi bức xúc, khó chịu cho mọi người dân VN còn biết tôn trọng đạo đức và danh dự, danh dự cá nhân cũng như danh dự của dân tộc! Là những nhà giáo, dù đã nghỉ hưu do bất mãn hay do tuổi tác, chúng tôi thấy không thể im lặng mà chịu nhục mãi như thế này, đành phải lên tiếng để sự thật, sự đúng đắn trong những chuyện này được xác nhận và được tôn trọng. Xin nêu những sự đúng, sự thật ấy như sau:

I. “Truyền thống ăn cắp” của cán bộ Csvn làm khổ dân và phá tan đất nước!
Khi nói đến “truyền thống” tức là nó có sự lưu truyền qua nhiều người, nhiều thế hệ, nhiều thời đại, trở nên một sự hiện diện thường trực, và mọi người đều nhìn nhận sự hiện diện thường trực của nó, dù nó xấu hay tốt. Vậy thì cái tính tham lam, ăn cắp của những tên cán bộ CS cũng thế, nó có tính cha truyền con nối, lưu truyền nhiều đời! Nói vậy không sai, chúng ta hãy nhìn vào thực tế xã hội VN bây giờ thì thấy rõ: tên cán bộ lớn nào cũng dinh thự nguy nga, xe cộ vi vút, tiền bạc cơ man, ở đâu ra? Tên cán bộ CS cấp cao nào cũng tham lam, ăn cắp của dân nước, soán đoạt của công làm của tư, từ tiền bạc, đất đai, nhà cửa cho đến xe cộ, thậm chí chiếm cả những vật “di sản” của quốc gia, dân tộc làm của riêng, chưng ở nhà riêng một cách ngang nhiên, trân tráo mà không hề thấy hổ thẹn vì cái tội ăn cắp, phạm thượng đến Tổ Quốc, đến Tiền Nhân đã tạo nên những di sản chung ấy cho cả một dân tộc! Điển hình như cái Trống Đồng ngang nhiên ngự trong nhà của cựu tổng bí thư Cs Lê Khả Phiêu mà một thời làm xôn xao dư luận. Nhà các quan chức khác cũng thế, đồ trang trí, trưng bày không thiếu gì những “tài sản quốc gia” như vậy. Hễ có địa vị là có quyền, quyền cướp của công, ăn cắp của dân mang về làm của tư, và quyền bịt miệng dân không được kêu ca lên án những tội phạm quốc gia ấy. Đời ông đời cha ăn cắp ngon lành, rồi di truyền cho đời con cháu, cả hiện vật ăn cắp lẫn cái máu ăn cắp, thành ra TRUYỀN THỐNG ĂN CẮP! Tại sao không? Gương cha ông cuỗm tài sản của nước, của dân về trưng đầy nhà, người nào đến cũng ngắm nghía trầm trồ “khen ngợi”, hay lấy đó làm gương: tại sao hắn lấy được mà mình lại không? Tại sao nhà hắn có mà nhà mình không? Tại sao hắn xây được nhà lớn, có tài sản lớn mà mình lại chịu ở nhà nhỏ chẳng ai trầm trồ, lé mắt? Nên tùy chức vị lớn bé mà cuỗm những hiện vật lớn hay bé trong tầm tay. Tùy số tiền tham nhũng, vơ vét được, mà thi nhau xây dinh thự, nhà tổ, khu kinh doanh…và thâu tóm đất đai sản vật. Mà những kẻ “vô sản chuyên chính gia truyền” này, nay có cơ hội đổi đời, hễ thấy tiền, thấy quyền thì rất ham, rất thèm, đến nỗi không thể cưỡng được, tỷ như người bị đói khát lâu ngày mà vớ được bữa ngon, lại không bị cấm cản vậy. Thế là vơ, là vét, là cào cuốn vào miệng, vào tay bất kể sống chết. Vơ vét mà không được, mà bị cản trở, thì là thằng dân “chống người thi hành công vụ”, sẽ dùng luật…giang hồ để xử chúng, để tiễu trừ chúng, như những vụ cướp đất ở Văn Giang, Hà Nội, Thủ Thiêm, và ở trên toàn lãnh thổ VN! Tóm lại thường thì tội cướp của sẽ kéo theo tội giết người, giết bằng súng đạn, bạo lực hay giết dần người ta bằng sự đói khổ, uất ức! Đó là “truyền thống cách mạng” của chế độ và con người CS! Việc này mọi người biết, cả thế giới biết, và chính miệng các bộ chóp bu cũng la lên: “Họ ăn không còn chừa thứ gì không ăn!”.
Gương cha ông, gương cấp trên như vậy mà vẫn ung dung không bị luật pháp xét xử, bị dân hài tội, nên con cháu, cấp dưới đương nhiên phải theo, và có khi “đời sau” còn vượt hơn “đời trước”, như kiểu “con hơn cha là nhà…có phước”! Nhưng vì không học, vô đạo nên mới hiểu một cách ngu xuẩn như thế, chứ câu thành ngữ này chỉ áp dụng trong lãnh vực “tài và đức” mà thôi: Con tài giỏi hơn cha, con tốt lành, đức độ hơn cha, thì mới là nhà có phước, còn con mà vô đạo, ác độc, ma quái hơn cha thì là nhà vô phước, nhà xuống dốc, là giòng giống ác nhân thất đức, mà thất đức sẽ không đủ sức để chịu! Đó là cái “truyền thống cướp của giết người”, của gia đình nhà CS, đang là đại nạn đại họa cho dân tộc VN, là nguyên nhân đã phá tan nát đất nước của chúng ta, và còn có nguy cơ mất nước vì chúng bán nước cầu vinh!
II. Truyền thống ăn cắp của cán bộ cs được… xuất ngoại, làm nhục cho Tổ Quốc và Dân Tộc
Loài sâu bọ CS đục khoét hết bên trong đất nước, rồi vươn ra ngoài, khi chúng bò ra nước ngoài bằng con đường “ngoại giao”, thương mại, du lịch, du học…! Cán bộ và miêu duệ, thân nhân của chúng đi đến đâu, thì vì quen tật đục khoét, ăn cắp ở trong nước, chúng lại thò vòi thò tay ăn bẩn, ăn cắp ở đó! Bằng chứng là việc con cái các quan quân nhà CS ở các tòa lãnh sự, đại sứ VN trên thế giới đã buôn lậu, ăn cắp…, bị bêu rếu trên báo chí thế giới quá nhiều đọc không hết, và đọc đến đâu sầu đau đến đó, vì “nỗi nhục quốc thể” quá lớn, quá nhiều chịu không thấu! Còn gì nhục cho bằng tin tức đầy trên các báo chí: “NHẬT, THÁI, HÀN…. RÊU RAO NGƯỜI VN ĂN CẮP!”, cụ thể là Nhật đang truy bắt những phi công, tiếp viên hàng không VN buôn đồ ăn cắp, chuyển vận đồ ăn cắp từ nước của họ về VN “theo đơn đặt hàng” của con buôn tại VN! Nghĩa là ăn cắp, buôn đồ lậu CÓ TỔ CHỨC, CÓ ĐƯỜNG DÂY, mà đường dây ấy được thành lập theo hệ thống an toàn của quan chức CS VN, chứ người dân nào vào được đó nếu không phải con ông cháu cha trong chế độ có truyền thống ăn cắp, ăn cướp này? Thử hỏi không phải là “thành phần nòng cốt, có lý lịch đỏ”, thì ai được làm phi công, tiếp viên hàng không bây giờ? Ngộ lỡ cướp máy bay hay “vận chuyển vũ khí cho địch” thì sao? Dĩ nhiên có được “nhà nước” bảo kê thì mới không bị phát hiện bao giờ, nếu không có nước “bị hại” lên tiếng tố giác!
Chúng tôi đọc những tin “người VN ăn cắp” này, mà báo chí của nước “bị hại” vô tình hay cố ý đưa lên, khiến đầu óc cứ điên loạn lên, mất ăn mất ngủ vì buồn phiền, tủi nhục và uất hận! Tại sao dân VN lại khổ nhục thế? Trong nước người dân chúng tôi đã bị áp bức, tù đày, cướp bóc, giết hại bởi cái chế độ tham tàn gian ác này, còn chưa đủ sao, nay lại bị các nước bạn trên thế giới chửi cho là người VN ăn cắp?! Dĩ nhiên cũng có một số người VN đi lao động hay đi làm cái giống gì ở nước ngoài phạm vào cái tội vô cùng xấu xa điếm nhục đó, nhưng chỉ là thiểu số những kẻ “đói ăn vụng, túng làm liều”, do cái xã hội bị CS bần cùng hóa mà ra, chứ không phải là “người dân VN ăn cắp” một cách tập thể, chung chung, như là” bản chất” hay “truyền thống” của người Việt chúng tôi. Bằng chứng là người VN ở nước Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi trước năm 1975, từng có mặt trên khắp địa cầu, (và cả trong thời phong kiến), chưa hề xảy ra cái nạn ăn cắp như vậy, vì với truyền thống văn hóa và đạo đức đã được nhuần thấm, thì mọi người đều biết giữ cái liêm sỉ, cái danh dự của mình, của dân tộc mình, thà chết vinh hơn sống nhục, nhục cá nhân còn thế huống là nhục quốc thể? Còn những kẻ mất lương tri, lương tâm mà làm cái việc xấu xa này thì ở nước nào cũng có, người dân nào cũng có một số ít ỏi những con sâu như thế, chứ không chỉ là người VN. Cụ thể tại VN chúng tôi cũng đã và đang có những người Nga, người Tàu từng gian tham, ăn cắp, lừa đảo tại các nơi họ đến du lịch, làm ăn, người Campuchia, Thái, Nigeria, và nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác, người da đen da trắng đều có, đến gây rối, trộm cắp, gây án, nhưng chúng tôi không bao giờ dám nói là “người Tàu, người Nga… ăn cắp” như các báo chí đã gán cho chúng tôi “người VN ăn cắp”!
Trước nỗi nhục quốc thể lớn lao này, chúng tôi, những người VN thật vô cùng đau xót và tủi hờn! Vì đâu nên nỗi?! Vì thế chúng tôi cũng phải lên tiếng để yêu cầu báo chí, các nước, KHÔNG NÊN VÀ KHÔNG THỂ NÓI RẰNG NGƯỜI VN ĂN CẮP, NHƯNG HÃY NÓI RẰNG CÁN BỘ CS VN VÀ NHỮNG BÈ LŨ CỦA HỌ ĂN CẮP, ĂN CẮP CẢ TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI! (Cũng xin loại trừ ra những người lầm đường lạc lối theo CS mà không tham ác, những người không dính đến cái tệ nạn này). Cụ thể, với tư cách là người dân VN, chúng tôi đề nghị các nước, các nơi là “nạn nhân” của kẻ cắp trộm, hãy ráo riết truy lùng, và thẳng tay trừng trị những kẻ vô liêm sĩ, vô đạo đức này, dù đó là dân tộc nào, thành phần nào, giòng dõi nào, dân thường hay quan chức, để giữ yên lành cho xã hội và cho toàn nhân loại. Vả lại, các bạn cũng chớ quên rằng, rất nhiều người VN chúng tôi, vì hoàn cảnh đất nước đưa đẩy, hay vì điều kiện làm ăn riêng,, đang có mặt trên khắp thế giới, đã và đang đóng góp trí tuệ, tài năng lẫn nhiệt tình, để xây dựng cho đất nước của các bạn rất nhiều, âm thầm hay đã được nêu danh. Nếu chỉ nói đến một thành phần cặn bã làm xấu để nói là “người VN”, e rằng đó là một sự bất công và bội nghĩa!
Nếu không nói lên điều này, chúng tôi không phải chỉ thấy nhục, mà còn thấy mình có tội với Tổ Quốc VN và với đồng bào thân yêu của mình, vì thế những tiếng nói chân thành này của chúng tôi, ước mong được mọi người, mọi nước quan tâm, để trả lại SỰ ĐÚNG, SỰ THẬT CẦN ĐƯỢC MỌI NGƯỜI TÔN TRỌNG, tránh sự vơ đũa cả nắm, tùy tiện xúc phạm đế DANH DỰ QUỐC GIA DÂN TỘC của chúng tôi, xin cảm ơn.
Sài Gòn, ngày 25/3/2014
Một nhóm Nhà Giáo VN
 

Từ vụ JTC hối lộ quan chức Đường sắt Việt Nam hơn 16 tỷ đồng

Ts Nguyễn Quang A
Báo chí đặt câu hỏi vì sao đường giao thông ở Việt Nam đắt gấp 3-4 lần giá quốc tế? Lãng phí, tham nhũng, hối lộ là một phần của câu trả lời. Người ta cũng nói rất nhiều về tham nhũng trong đầu tư công, nhất là từ nguồn vốn ODA. Việt Nam ít khi phát hiện ra những vụ tham nhũng, hối lộ như vậy.

Báo chí và tòa án Úc đã phanh phui ra vụ in tiền polimer khi công ty Úc hối lộ những khoản tiền lớn cho các quan chức ngân hàng và an ninh Việt Nam. Có lẽ do nhạy cảm về an ninh chẳng thấy ai làm sao cả. Phía Việt Nam không điều tra vì “chưa có yêu cầu của phía bạn.”
Báo chí và tòa án Nhật phanh phui ra vụ công ty tư vấn PCI của họ hối lộ các quan chức Việt Nam trong dự án đại lộ Đông Tây với số tiền 2,43 triệu USD, nhưng chỉ xác lập án hình sự của 2 khoản là 0,82 triệu USD từ tháng 6-2008.
Lần này “phía bạn” không chỉ yêu cầu mà còn ép sát nút (với tuyên bố ngưng khoản ODA 700 triệu USD vào tháng 12-2008) vì vụ PCI, thì người ta mới rục rịch đưa con pháo ra đỡ đầu chịu báng. Huỳnh Ngọc Sỹ bị kết án ban đầu chỉ 3 năm tù vào tháng 9 năm 2009, rồi án chung thân về tội nhận hối lộ vào tháng 10-2010, sau đó được giảm xuống 20 năm vì tội nhận hối lộ 262 ngàn USD (chỉ nằng khoảng 1/10 con số thật và 1/3 con số Nhật truy tố).
Vụ công ty tư vấn JTC của Nhật bản thú nhận đút lót cho các quan chức Đường sắt Việt Nam 80 triệu Yên (hơn 16 tỷ đồng hay khoảng 0,8 triệu USD) được JTC khai nhận ngày 21-3-2014. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với phía Nhật Bản và có báo cáo Chính phủ và các cơ quan hữu quan vào ngày 24-3-2014. Có thể thấy trong vụ này phía Việt Nam có vẻ đã nhanh hơn vụ PCI. Có lẽ không có quá nhiều ông to dính vào như vụ PCI nên đánh từ mông trở xuống dễ hơn.
Đấy là những vụ do nước ngoài phanh phui. Những thông tin như vậy phải được coi là thông tin tố giác và cơ quan chức năng phải vào cuộc và không thể né tránh hay làm chiếu lệ vì “bạn chưa yêu cầu.” Chắc lần này phía Nhật cũng sẽ yêu cầu như vụ PCI.
Hy vọng chính quyền Việt Nam vào cuộc nhanh chóng như dấu hiệu ban đầu mấy ngày qua ở Bộ Giao Thông vận tải để trừng trị không chỉ những con ruồi mà cả những con chuột rồi đến bọn hổ tham nhũng.
Làm được vậy may ra mới cải thiện được một chút lòng tin của công chúng vào cơ quan nhà nước mà lòng tin đó là một nhân tố hết sức quan trọng để phát triển đất nước.
Tham nhũng ở Việt Nam là tham nhũng đại trà, tràn lan cho nên chỉ số cảm nhận về tham nhũng của Việt Nam rất tồi, đứng hàng 116/177 quốc gia (số càng cao càng xấu).
Còn quyền lực thì còn tham nhũng, vì tham nhũng là lạm dụng quyền lực được trao để mưu cầu lợi ích riêng. Lợi ích không chỉ là tiền. Lợi ích có thể là bản thân quyền lực, là chức vụ, là những đặc ân,… và cuối cùng mới là tiền, tuy tham nhũng tiền bạc dễ thấy. Có mấy ai lên án tham nhũng quyền lực!
Và tham nhũng thời nào, ở đâu cũng có. Vấn đề là mức độ, nếu không phổ biến, hiếm thì không gây quá bức xúc, còn tham nhũng tràn lan, phổ biến và nghiêm trọng thì có thể dẫn tới động loạn xã hội.
Như thế phòng chống tham nhũng là quan trọng và cách hữu hiệu nhất là xây dựng nền dân chủ thực sự, có sự cạnh tranh chính trị, tôn trọng tự do báo chí, tôn trọng quyền của người dân và để họ lên tiếng.
Nguyễn Quang A
(Dân quyền)

Vụ JTC: Vì sao nôn nóng làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam?

ĐBQH Lê Như Tiến
Theo ĐBQH Lê Như Tiến, thái độ nôn nóng của ngành đường sắt khi đề xuất xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã khiến ông nghi ngờ.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói nghi án một nhà thầu tư vấn Nhật Bản đã đưa hối lộ cho cán bộ đường sắt Việt Nam khoảng 16 tỷ đồng để được nhận thầu.

Theo ông Tiến, việc ngành đường sắt nôn nóng và sốt ruột trong việc đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã khiến ông nghi ngờ. 
Ông Tiến nói: Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (2007-2011), ngành đường sắt rất “hăng hái”, "nhiệt tình", rất nôn nóng mong muốn Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Tôi được biết ngành đường sắt cũng tổ chức cho một số người ra nước ngoài thăm quan, học hỏi trong đó, có đi Trung Quốc, Nhật Bản.
Khi đó, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi đã phân tích rằng với điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn mà bỏ ra nhiều vốn như thế là chưa phù hợp vào thời điểm đó.
Vì vậy, tôi có phân tích là cần phải có thêm thời gian để kinh tế phục hồi nhưng ngành đường sắt vẫn rất “nôn nóng, hăng hái”.
Tôi đã ngờ ngợ là có vấn đề gì đó. Sau đó họ vẫn quyết tâm làm. Họ không làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nữa mà chia ra thành từng đoạn nhỏ để làm.
Tôi tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngành đường sắt phải nôn nóng và sốt ruột đến thế?”. Rõ ràng, đằng sau việc này phải có vấn đề gì đó. 
Khi đó, do chưa có những bằng chứng đầy đủ nên đại biểu Quốc hội chỉ phân tích đưa ra vấn đề. Bây giờ đã có nhiều thông tin về việc nhận hối lộ mà báo chí Nhật Bản cũng đã đưa. 
- Phải chăng lần này cũng tương tự trường hợp dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP.HCM liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ vào năm 2008?
Đúng vậy. Đây không phải là lần đầu tiên có những thông tin việc nhận hối lộ để cho trúng thầu. Trước đó đã từng có trường hợp nhận hối lộ tương tự như thế đã bị phanh phui. 
Khi đó, cơ quan điều tra Việt Nam đã khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP.HCM về tội nhận hối lộ của một nhà thầu tư vấn Nhật.
Rõ ràng đã có những bài học như thế rồi. Đã có trường hợp nhà thầu Nhật Bản hối lộ cho phía Việt Nam như trường hợp dự án đại lộ Đông Tây.
- Ông có cảm thấy bất ngờ khi biết  thông tin?
Sự việc này, tôi không quá bất ngờ. Việc họ đi đêm với nhau là có thể có. Trong quá khứ cũng đã nhiều trường hợp xảy ra tương tự như vụ mua ụ nổi Vinalines. Trong trường hợp này giá thực tế không phải như thế nhưng họ đã nói khống lên nhiều lần.
Trong sự việc này, tôi bất ngờ nhất bởi số tiền bên phía công ty Nhật khai đã đưa hối lộ là quá lớn. Số tiền lên tới hơn 16 tỷ đồng Việt Nam. 
Là một đại biểu quốc hội, theo dõi và lên án nhiều về tham nhũng, tôi thấy rằng tính chất vụ việc này rất nghiêm trọng bởi vì đây là công trình quốc gia, liên quan đến nền móng hạ tầng giao thông của đất nước. Nếu việc  này được xác định là có thì các cá nhân đã bỏ túi riêng.
- Việc nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng (nếu có) sẽ dẫn tới những hậu quả nào, thưa ông?
Nếu họ làm việc đàng hoàng thì việc gì phải hối lộ nhiều đến thế với số tiền lên tới 80 triệu yên Nhật (hơn16 tỷ đồng). Đổi lại bắt buộc phải có một điều kiện nào đó. Ví dụ như phía Việt Nam sẽ cho họ vào để thắng thầu mặc dù có thể họ không phải là đơn vị tốt nhất, ưu thế nhất. 
Như vậy, rõ ràng anh (phía Việt Nam) đã trở thành nô lệ và phải tuân theo các điều kiện mà họ (đơn vị phía Nhật Bản) đưa ra. Vì vậy, chất lượng của các công trình giao thông sẽ bị ảnh hưởng bởi vì họ đã chi phí một khoản khổng lồ cho anh rồi.
Sau này, họ có thi công các công trình này chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo thì anh cũng không dám nói gì vì đã “há miệng mắc quai”. Nếu có việc sử dụng vốn ODA như lời khai từ phía Nhật Bản thì rõ ràng anh đã bán đứng chất lượng hạ tầng giao thông, bán đứng quốc gia, bán đứng đất nước.
Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan điều tra, ngành tư pháp cần phải vào cuộc sớm điều tra làm rõ xem sự việc có hay không. Nếu có việc nhận hối lộ thì là bao nhiêu, đưa như thế nào?
- Trong phần giải trình của mình, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào từ JTC, ông suy nghĩ gì về điều đó?
Bây giờ không có chứng cứ nên ông Nguyễn Văn Hiếu không nhận điều gì. Vì vậy, các cơ quan điều tra cần phải vào cuộc. 
Nếu cơ quan điều tra đã vào cuộc và chứng minh được có việc nhận hối lộ với đầy đủ các bằng chứng, vật chứng thì lúc đó không thể cãi được nữa. Thậm chí, nếu lúc đó mà cãi thì tội càng nặng.
Nếu ông Hiếu không nhận thật thì phải có trách nhiệm chứng minh và giải thích trước các cơ quan điều tra. Ông Hiếu phải giải trình trước các cơ quan công quyền để chứng minh bản thân là người hoàn toàn trong sạch. 
Trong trường hợp này, ông Hiếu phải cung cấp các thông tin để chứng minh rằng thông tin đó không nhằm vào ông hoặc không là ai cả.
Tôi cho rằng, đến thời điểm này, việc xác minh sự việc là trách nhiệm của cơ quan điều tra chứ không thể nói vo với nhau theo kiểu đấu khẩu được. Trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ ông Hiếu có nhận hối lộ hay không. Nếu người ta không nhận hối lộ, cơ quan điều tra cũng cần chứng minh người ta trong sạch. 
- Ông đánh giá như thế nào về động thái của Bộ GTVT sau khi tiếp nhận sự việc từ báo chí Nhật Bản và trong nước?
Tôi cho động thái của Bộ GTVT kịp thời và nhanh. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã công bố sẽ kiên quyết xử lý sự việc dù đó bất kể là ai. Đồng thời, Bộ trưởng Thăng đã cử một Thứ trưởng làm việc với phía Nhật Bản để làm rõ các thông tin nêu ra.
Việc Bộ GTVT đề xuất Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương cùng vào cuộc làm rõ sự việc là động thái vừa nhanh và rất có trách nhiệm.
- Việc làm rõ thông tin mà báo chí Nhật Bản nêu ra để xử lý nghiêm (nếu có) liệu có làm ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn hiện nay?
Tôi cho sự việc xảy ra là đáng tiếc nhưng không ảnh hưởng tới quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Nhật Bản. Sự việc này không nên xảy ra là tốt nhất nhưng đã xảy ra rồi nếu chúng ta không có động thái giải quyết thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra chúng ta đã có động thái làm rõ những khoản hối lộ (nếu có) và những người vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị.
Tôi cho rằng không chỉ dư luận Việt Nam, dư luận Nhật Bản cũng rất hoan nghênh. Bởi vì chúng ta đã làm đến nơi đến chốn.
Đây là vấn đề của các doanh nghiệp với nhau và khi xảy ra sự cố thì cơ quan chức năng của cả hai bên phải cùng vào cuộc làm cho rõ. Việc làm này sẽ làm cho phía đối tác Nhật Bản tin tưởng vào chúng ta hơn.
Bất kỳ một việc nhận hối lộ nào đó đều sẽ được Việt Nam và Nhật hợp tác làm rõ trắng đen.
  Phạm Thịnh
  (VTC online)

Ngày 28/3/2014 - Bẫy thu nhập trung bình đã là hiện thực

  • Quả phụ tử sĩ Hoàng Sa chờ mua nhà (BBC) - Quả phụ tử sỹ Hoàng Sa Ngụy Văn Thà đang chờ chính quyền xét duyệt hỗ trợ một phần tiền để mua nhà vì bà vẫn đang ở tạm.
  • 'Xử lý nghiêm' vụ Vietnam Airlines (BBC) - Thứ trưởng Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu nói sẽ không dung túng vụ nhân viên hàng không chuyển đồ ăn cắp ở Nhật.
  • 'Không dung túng' vụ Vietnam Airlines (BBC) - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói sẽ điều tra và xử lý nghiêm vụ nhân viên hàng không quốc gia chuyển đồ lậu ở Nhật.
  • Nguyên tắc biên tập (BBC) - Giới thiệu các quy tắc đạo đức và các giá trị cốt lõi của nghề báo BBC.
  • Vi phạm nhân quyền ở Việt Nam : Ai sẽ bị chế tài ? (RFI) - Vừa qua vào ngày 14/03/2014, dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã đệ trình Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam mang số hiệu HR 4254 ra Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật này dự kiến trừng phạt những quan chức Việt Nam« đồng lõa trong những vụ vi phạm nhân quyền nhắm vào người dân Việt Nam». Biện pháp trừng phạt gồm những hạn chế về du hành và tài chính.
  • Phụ nữ Ukraina kêu gọi « cấm vận » tình dục đàn ông Nga (RFI) - Trong khi các biện pháp trừng phạt chính trị và kinh tế không làm Matxcơva nao núng, một nhóm phụ nữ thành đạt Ukraina đã tìm được một phương cách khác để gây ấn tượng lên tâm hồn và cả thể xác : đó là không quan hệ tình dục với đànông Nga.
  • HR. 4254: Nước cờ thứ hai của thế “triệt buộc” (RFA) - Trên bàn cờ tương quan chính trị Mỹ - Việt hơn hai năm sau, thế “triệt buộc” đầu tiên thuộc về Dự luật nhân quyền Việt Nam - mang mã số HR. 1897, được Hạ nghị viện Hoa Kỳ thông qua vào đầu tháng 8/2013 với tỷ lệ phiếu hoàn toàn áp đảo.
  • Mỹ - Nam Hàn triển khai tập trận quy mô lớn (RFA) - Sáng nay, cuộc thao diễn quân sự mang tên Song Long của quân đội Nam Hàn và Hoa Kỳ đã bắt đầu ở vùng biển Đông Bắc của Nam Hàn, với sự tham dự của 15,000 binh sĩ miền Nam và 10,000 binh sĩ Mỹ, trong đó có 7,5000 binh sĩ thủy quân lục chiến đang trú đóng ở Nhật Bản.
  • LHQ họp về việc Bắc Hàn liên tục thử nghiệm phi đạn (RFA) - Thể theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập phiên họp đặc biệt để cứu xét về trường hợp Bắc Hàn liên tục bắn phi đạn tầm ngắn và tầm trung trong những tháng vừa qua.
  • IMF thông báo hỗ trợ gần 20 tỷ đô la cho Ukraina (RFI) - Hôm nay, 27/03/2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo sẽ cho Ukraina vay từ 14 đến 18 tỷ đô la Mỹ. Với khoản tín dụng này, trong vòng hai năm tới, Kiev sẽ được hỗ trợ vay khoảng 27 tỷ đô la từ cộng đồng quốc tế.
  • Chính thức ra mắt Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (BaoMoi) - Ngày 27/3, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông do Học viện Ngoại giao; nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Canada Nguyễn Đức Hùng sáng lập đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.
  • Biển Đông: Đừng dịch lố bịch kiểu "ông Phúc = Mr Happy" (BaoMoi) - Trước những câu hỏi băn khoăn về tên gọi nào của Biển Đông để không phương hại quan điểm chủ quyền Việt Nam, Infonet đăng bài viết của TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này.
  • Cấp học bổng cho những nghiên cứu về chủ quyền biển đảo (BaoMoi) - Ngày 27/3, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông do Học viện Ngoại giao; nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Lê Công Phụng và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Canada Nguyễn Đức Hùng sáng lập đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.
  • Trung Quốc nói gì trước giờ G xử “đường lưỡi bò”? (BaoMoi) - (Petrotimes) – Liên quan đến việc Philippines chính thức đưa tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông lên trọng tài quốc tế trong những ngày tới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 26/3 cho biết, Trung Quốc kiên trì lập trường không chấp nhận việc làm đơn phương này, cũng như không tham gia tòa trọng tài quốc tế thụ lý đơn kiện của Philippines.
  • TQ cách chức một bộ trưởng công an do tham nhũng (RFA) - Một cựu phụ tá của nguyên Bộ trưởng Công an TQ Chu Vĩnh Khang đã bị cách chức hồi hôm qua sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra tham nhũng – hành động mới nhất nhắm vào phe cánh của ông Chu.
  • Biển Đông : Trung Quốc lại đả kích Philippines về vụ kiện đường lưỡi bò (RFI) - Ngày 30/03/2014 tới đây là thời hạn chót để Philippines đệ trình cho Tòaán Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ITLOS, bản ghi nhớ nêu rõ lập trường của Manila trong vụ kiện Bắc Kinh về các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Vào hôm qua, 26/03, một lần nữa, Bắc Kinh lại lên tiếng công kích Manila về điều mà Trung Quốc gọi là hành vi« sai trái».
  • Chủ tịch Trung Quốc kết thúc thăm Pháp, gần 20 tỷ euro hợp đồng được ký (RFI) - Sau bữa tiệc tối tại cung điện Versailles tối nay ( 27/3/2014) do Tổng thống Pháp François Hollande mời, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 3 ngày tại Pháp. Kết quả của chuyến đi là các đối tác hai bên đã ký kết năm chục hợp đồng, với trị giá 18 tỷ euro.
  • Pháp –Trung : Tình bạn 18 tỷ euro (RFI) - Hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bệ vệ và đầy tự tin bắt tay Tổng thống Pháp hay chứng kiến lễ ký kết hợp đồng giữa hai hãng xe hơi Đông Phong và PSA Peugeot Citroen tràn ngập các tờ báo Paris. L'Humanité chúý đến cuộc hôn nhân giữa Đông Phong với PSA vừa được chính thức hóa dưới sự chủ tọa của lãnh đạo Trung Quốc và Pháp.
  • HRW tố cáo Cam Bốt trục xuất người Duy Ngô Nhĩ (RFI) - Trong bản thông cáo công bố hôm qua, 26/03/2014, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch lên tiếng tố cáo chính quyền Cam Bốt đã câu lưu rồi trục xuất qua Thái Lan một nhóm 15 người Duy Ngô Nhĩ. Đây chính là số người bị chính quyền Thái Lan bắt giữ sáng Chủ nhật 23/03 tại tỉnh Sakaeo sát biên giới Cam Bốt.
  • Tin ngắn nghệ thuật trong tuần (BBC) - Bảo tàng D'Orsay sưu tầm tranh của Van Gogh để tìm hiểu về vụ tự tử của ông, và tìm hiểu về tranh của danh họa Gustav Klimt.
  • MH370 : Malaysia có thể bị mất quyền kiểm soát trên cuộc điều tra (RFI) - Một chiếc Boeing của Mỹ bị rơi trên vùng biển quốc tế với đa số hành khách là người Trung Quốc, một chiến dịch tìm kiếm huy động phương tiện của khoảng 20 quốc gia, xác phi cơ đến nay vẫn biệt tăm…
    Tất cả các yếu tố trên đây gộp lại cho thấy là cuộc điều tra về chiếc máy bay bị mất tích của hãng Malaysia Airlines sẽ gặp nhiều khó khăn. Một trong những hệ quả là Malaysia, trên nguyên tắc phải là nước chỉ đạo công cuộc điều tra, có nguy cơ bị mất quyền chủ đạo trên cuộc điều tra.
  • Mỹ-Hàn tập trận quy mô nhất từ hai thập kỷ (RFI) - Gần 15.000 lính Mỹ và Hàn Quốc hôm nay 27/03/2014 đã khởi động cuộc tập trận quy mô kéo dài 12 ngày. Cuộc tập trận lớn nhất kể từ hai thập kỷ qua được tiến hành một ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng đi hai hỏa tiễn đạn đạo tầm trung.
  • Tổng thống Mỹ và Đức Giáo hoàng đồng tâm trong việc chống bất bình đẳng (RFI) - Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên hôm nay 27/03/2014 tại Vatican, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tỏ ra đồng tâm nhất trí trong quan điểm đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội.Ông Obama hy vọng sẽ có được những tác động tích cực trong nước, sau cuộc hội đàm với vị Giáo hoàng được mến chuộng này.
  • Nhân quyền Việt Nam sau UPR (RFA) - Tình hình nhân quyền Việt Nam ngày một u ám hơn sau kỳ UPR. Có lẽ tình hình đàn áp cùng việc phơi bày chế độ trại tù tàn nhẫn vô nhân đạo là "câu trả lời" của giới cầm quyền Việt Nam đối với 227 khuyến nghị từ quốc tế?
  • Mùa hè và những bữa cơm tình thương (RFA) - Với những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo, những bữa cơm tình thương bao giờ cũng đượm tình người và bao hàm cả những ân tình của người với người trong đời sống khốn khó này.
  • Một tổ chức nhân đạo bị tấn công tại miền tây Miến Điện (RFI) - AFP hôm nay 27/3/2014 dẫn nguồn tin của chính quyền Miến Điện cho hay, văn phòng của một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo tại miền tây Miến Điện đã bị nhóm người theo đạo Phật tấn công. Cảnh sát đã phải can thiệp để bảo vệ những nhân viên của tổ chức.
  • Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Đài Loan (RFA) - Căng thẳng chính trị ở Đài Loan ngày càng gia tăng, sau khi phe sinh viên đối lập lên tiếng nói sẵn sàng mở trận chiến với chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu cũng như tiếp tục ngăn cản không cho Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận hiệp định
  • Gặp gỡ trên facebook (VOA) - Cuối cùng, tôi cũng bị mắc lưới facebook....vì đã năm bảy năm nay, tôi cố gắng khoanh tay đứng ngoài
  • Trung Quốc tăng cường an ninh mạng (RFI) - Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay 27/3/2014 cho biết nước này sẽ tăng cường các biện pháp an ninh trên internet nhằm đối phó với những vụ xâm nhập được cho là của Hoa Kỳ vào các máy chủ của tập đoàn viễn thông Hoa Vi.
  • Thời sự qua hình ảnh (RFA) - Một cô dâu Pakistan trong một đám cưới tập thể ở Karachi vào ngày 24 Tháng Ba 2014. Có tất cả 115 cặp vợ chồng tham dự lễ cưới tập thể của địa phương tổ chức.
  • IMF sẽ trợ giúp Ukraine 14 đến 18 tỷ USD (RFA) - Trong thông cáo phổ biến tại Kiev sáng hôm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế IMF cho hay sẽ trợ giúp Ukarine khoản tiền từ 14 đến 18 tỷ dollars trong 2 năm tới, để giúp quốc gia Đông Âu này ổn định kinh tế
  • Cá đỏ dạ (BaoMoi) - Cá đỏ dạ là loại cá có thân hình thoi dài, dẹp, màu vàng, đậm ở phía trên... Tên tiếng Anh cá đỏ dạ là Large yellow croaker. Thuộc nhóm “croaker” của vùng biển Đông Á nên cá đỏ dạ còn có tên cá đù vàng, hay còn được gọi là cá sóc.
  • Cuộc chiến san hô đỏ (BaoMoi) - TT - Nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khai thác trộm san hô đỏ, một loài san hô thuộc vào hàng quý hiếm trên thế giới.
  • New Zealand coi Việt Nam là đối tác khu vực chủ chốt (BaoMoi) - TP - Trong phiên hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sáng 26/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully khẳng định chính phủ New Zealand tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
  • Gương tày liếp (BaoMoi) - (PetroTimes) - Ngày 22/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Hà Lan, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước châu Âu và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân. Dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân (diễn ra trong hai ngày 24 và 25/3 tại La Hay, Hà Lan). Và cũng theo dự kiến, ông Barack Obama sẽ có mặt tại cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị kể trên.

Bẫy thu nhập trung bình đã là hiện thực

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok

Phải có một định hướng rõ ràng cho nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp.  RFA files
Nghe bài này
Mới đây giáo sư Kenichi Ohno, một chuyên gia của Nhật Bản đã cho rằng  kinh tế Việt Nam có đủ các dấu hiệu cho thấy đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Mặc Lâm tìm hiều thêm qua ý kiến của các chuyên gia kinh tế sau đây.
Tại cuộc hội thảo có tên “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa” do trường Đại học kinh tế Quốc dân phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản tổ chức vào sáng ngày 26-3 tại Hà Nội đã có mặt nhiều chuyên gia kinh tế và người ta chú ý đến bài phát biểu của giáo sư Kenichi Ohno khi ông khẳng định rằng sau vài năm đạt mức thu nhập trung bình thấp Việt Nam đang nằm trong chiếc bẫy thu nhập trung bình chứ không còn là nguy cơ nữa.

Hiện trạng Việt Nam
Giáo sư Kenichi Ohno đã đưa ra nhiều điểm chứng minh nhận xét của ông trong đó ba điểm nổi bật là tăng trưởng chậm lại và hoạt động sản xuất hết sức mờ nhạt, bên cạnh đó lương chi trả cho công nhân đã lớn hơn nhiều so với năng suất lao động, điều này làm cho chi phí trong sản xuất trở nên đắt đỏ hơn.
Vấn đề tăng trưởng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Theo nhận xét của GSTS Vũ Văn Hóa Trưởng khoa Kinh tế tài chánh ĐH Quản Lý Kinh Doanh thì đang cần phải xem xét lại:
-Vấn đề tăng trưởng của Việt Nam hiện nay nói chung nó có mấy vấn đề cần phải xem lại. Thứ nhất là cơ cấu lại giữa nông nghiệp và công nghiệp của Việt Nam thế nào. Giữa hai cái đó các ông ở chính phủ cũng chưa rõ, mỗi thứ đầu tư một tí nhưng nó không có mục đích cuối cùng thành ra cản trở tốc độ tăng trưởng rất nhiều.
Muốn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là phải cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp như thế nào và vấn đề đặt ra là phải có một định hướng rõ ràng thì mới có thể giải quyết vần đề đó
GSTS Vũ Văn Hóa
Tôi lấy ví dụ vấn đề công nghiệp là đang chế biến hộ cho thiên hạ, công nghiệp phụ trợ của mình không có thành thử giá trị gia tăng để tăng thu nhập cho nền kinh tế gần như ở mức thấp nhất, dệt may chẳng hạn, tăng trưởng của nó theo thông báo thì tương đối lớn trong xuất khẩu thế nhưng từ nguyên liệu là vải đến tất cả các việc tạo ra một cái áo, ngay cả mẩu mã cũng phải nhập ở nước ngoài. Như vậy Việt Nam chỉ có mỗi cái chi phí nhân công là chính mà chi phí nhân công của Việt Nam lại quá rẻ.
Thế còn nông nghiệp bây giờ trồng cái gì, canh tác ra làm sao và vấn đề đảm bảo cho sự phát triển thì không có. Tôi lấy ví dụ như chăn nuôi. Bây giờ phần lớn chăn nuôi của Việt Nam là nhập nguyên liệu về làm thức ăn cho gia súc mà chi phí rất lớn, như vậy làm sao có lãi được? Cho nên muốn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là phải cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp và nông nghiệp như thế nào và vấn đề đặt ra là phải có một định hướng rõ ràng thì mới có thể giải quyết vần đề đó.
Bẫy thu nhập trung bình đối với nước đang phát triển khi xuất hiện bốn yếu tố cấu thành như: tỉ lệ đầu tư sau một thời gian trở nên khó khăn và thấp hơn trước đó, ngành chế tạo trong nước phát triển chậm hay không khởi sắc, các ngành công nghiệp không tìm được lối ra, đơn điệu và không theo kịp thế giới và cuối cùng là thị trường lao động kém sôi động thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà nước là nơi mà có thể đầu tư mạnh nhất trong các ngành công nghiệp thì lại quá tập trung vào các ngành công nghiệp nặng sau khi đầu tư phát triển ngành này ngành khác không tính tới yếu tố VN có thể cạnh tranh với bên ngoài được hay không
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Những yếu tố này xuất hiện từ nhiều năm trước khi kinh tế Việt Nam vẫn định hướng và dẫn dắt bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các đơn vị quốc doanh này làm ra những sản phẩm để rồi không bán được hay bán với mức lãi không phù hợp với đồng vốn bỏ ra. Nhiều năm liền như thế khiến nền kinh tế vĩ mô bị tổn thương nhưng việc tái cơ cấu vẫn chỉ là giả định và trên lý thuyết. Kinh tế cả nước từ đó buộc phải chạy theo con tàu khập khiểng này do vậy đã làm thui chột mọi nổ lực của các thành phần kinh tế khác.
Vì đâu rơi vào bẫy sập?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết nhận xét của bà:
-Nhà nước là nơi mà có thể đầu tư mạnh nhất trong các ngành công nghiệp thì lại quá tập trung vào các ngành công nghiệp nặng sau khi đầu tư phát triển ngành này ngành khác không tính tới yếu tố Việt Nam có thể cạnh tranh với bên ngoài được hay không cho nên các ngành công nghiệp nặng của Việt Nam có đầu tư đi chăng nữa thì cũng không thể cạnh tranh được. Ở đây có thể điển hình những ngành như xi măng, sắt thép hay một số ngành khác mà Việt Nam đã bỏ tiền đầu tư rất nhiều.
Sự phá sản của hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân, và thu nhập từ các con số lớn lao của xuất khẩu khi tính ra mới thấy đó chỉ là xuất khẩu nhân công không hơn không kém. Đây cũng là mặt trái của thành quả mà người dân thường thấy trên các bản tin kinh tế. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét:
-Tôi nghĩ các ngành công nghiệp thì rõ ràng hiện nay các doanh nghiệp tư nhân không có điều kiện để mà khai thác các thị trường mặc dù họ vẫn có thể có cơ hội ở đâu đó thị trường trong nước, thị trường bên ngoài hoặc tạo thành các doanh nghiệp mang tính chất cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài để tham gia vào các liên kết. Cũng có thể là ban đầu ở vị trí thấp hoặc cung cấp một số sản phẩm thôi về sau nâng cấp dần để có thể tham gia sâu hơn vào những giá trị trong khu vực và toàn cầu.
Bẫy thu nhập trung bình là dấu hiệu trì trệ của một nền kinh tế. Nó là lực cản kinh tế của một nước khi không tự vượt được chính mình và hệ lụy mà nó mang đến là người dân phải nằm im với con số thu nhập kém cỏi mỗi năm trong vài chục năm liên tiếp
Nhưng thực tế về kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian vừa qua và nhất là việc thực hiện các chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp không tốt cho nên không cho phép doanh nghiệp làm được điều đó, thậm chí có nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động như trong thời gian vừa qua đã thấy.
GSTS Vũ Văn Hóa nói về công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may tuy nhà nước có bàn đến nhưng chưa có hành động gì cụ thể, ông nói:
-Nhà nước cũng nêu ra rồi nhưng chưa có biện pháp. Tôi lấy thí dụ như công nghiệp phụ trợ chẳng hạn, nêu ra rồi nhưng anh chưa có biện pháp gì quyết liệt thực hiện biện pháp đó cả thì làm sao có thể làm cho tốc độ tăng trưởng lên cao được bởi vì thu nhập quốc dân như thế thì chả đáng bao nhiêu, trên dưới 100 tỷ đô la thu nhập thì so với Hoa kỳ chỉ như muối bỏ biển.
Vần đề đầu tư tại Việt Nam tuy vẫn nằm ở các con số đáng lạc quan nhưng phía sau những con số ấy là những tiềm ẩn cho con đường phát triển hơn là bảo đảm một tương lai chắc chắn đối với kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan phân tích:
-Tỷ lệ đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam vẫn khá cao, tôi cho là Việt Nam vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài so với một số nước chung quanh nhưng có điều cần phải xem xét là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì phần nhiều các dự án chỉ nhằm vào khai thác thị trường nội địa hoặc là khai thác lao động giá rẻ của Việt Nam để cuất khẩu ra bên ngoài.
Giai đoạn đầu của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có rất nhiều dự án hướng tới các ngành thay thế nhập khẩu tức là để khai thác thị trường nội địa của Việt Nam thôi và sau đó họ chuyển dần sang khai thác ngành xuất khẩu. Khai thác xuất khẩu lại chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ và những ưu đãi mà nhà nước dành cho họ hơn là phát triển các ngành dịch vụ hoặc là tạo thành liên kết mạnh giữa Việt Nam với các khâu bên ngoài. Đấy là vấn đề của đầu tư nước ngoài nên tôi vẫn nói là không nên cứ thấy đầu tư nước ngoài nhiều mà đã vội vui mừng bởi vì phải xem chất lượng đầu tư như thế nào. Nếu so sánh với các nước chung quanh như Thái Lan chẳng hạn thì có thể thấy chất lượng đầu tư ở Thái Lan tốt hơn Việt Nam rất nhiều.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình là mọi thu nhập từ nguồn tài nguyên của đất nước đã bị khai thác cạn kiệt thì nền kinh tế sẽ phải trả giá.
Bẫy thu nhập trung bình là dấu hiệu trì trệ của một nền kinh tế. Nó là lực cản kinh tế của một nước khi không tự vượt được chính mình và hệ lụy mà nó mang đến là người dân phải nằm im với con số thu nhập kém cỏi mỗi năm trong vài chục năm liên tiếp.