Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Tin ngày 15/8/2013 - CỐT LÕI CỦA NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

CỐT LÕI CỦA NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Đã hơn 38 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải “cả nước cùng đi lên xã hội chủ nghĩa” như tuyên bố đầy tự hào của những vị lãnh đạo đất nước. Vậy mà đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước chậm phát triển và ở nông thôn người nông dân Việt Nam vẫn đang phải vật lộn vất vả trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Những vất vả thiệt thòi, cay cực của hàng triệu con người trên chính mảnh đất của mình làm chúng ta không chỉ xót xa, than thở mà cần phải chung tay có những hành động cụ thể, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Ở đây, then chốt là phải đi sâu vào cốt lõi của nông nghiệp, làm rõ các nguyên nhân trì trệ để thay đổi thể chế quản lý trong nông nghiệp.

“Tỷ giá cánh kéo”

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa cũng còn là quá trình công nghiệp bóc lột nông nghiệp, thành thị bóc lột nông thôn. Đấy còn là quá trình thực hiện sự bóc lột nông dân để lấy vốn tích lũy cho quá trình công nghiệp hóa, còn được diễn ra dưới tên gọi là “tỷ giá cánh kéo”.
Đây là một thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa giá của hàng hóa công nghiệp với giá nông sản. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ nông dân càng ở thế bất lợi.
Trong một buổi họp Quốc hội đã lâu, tôi nhớ có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ về “tỷ giá cánh kéo”. Tường thuật trực tiếp trên truyền hình, thì Bộ trưởng trả lời đó là tất yếu của quá trình công nghiệp hóa nhưng khi báo đăng tường thuật thì cắt bỏ đoạn đó.
Về nguyên tắc, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa XHCN phải có nhiệm vụ khắc phục mâu thuẫn về kinh tế giữa công nghiệp với nông nghiệp. Thực ra, các nước phát triển trước khi công nghiệp hóa cũng phải dựa vào nông nghiệp, nhưng sau đó họ nhanh chóng lấy từ công nghiệp để đầu tư trả lại cho nông nghiệp. Nghĩa là thành quả của nông nghiệp sẽ chỉ bị “tạm ứng” một thời gian đủ ngắn để nông dân có thể chịu đựng và chấp nhận được, không có tình trạng kéo dài “lê thê” như ở Việt Nam.

Chủ trương và hiện thực

Tại Hội nghị tổng kết nông nghiệp ở Thái Bình vào năm 1974 có đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn. Lúc đó, các hợp tác xã đang ở trình độ hợp tác giản đơn của các tổ sản xuất.
Theo Gs Nguyễn Lang đánh giá trong lĩnh vực trồng trọt thì vấn đề này được bước đầu thực hiện qua khoán 10 với việc phân chia các khâu do hợp tác xã và hộ gia đình đảm nhiệm, gắn với chuyển phương thức phân phối từ theo công điểm sang phương thức khoán sản phẩm. Quá trình này đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nhưng sau đó, có khoán 10, dẫn đến hình thành mô hình phát triển hộ gia đình hoạt động theo phương thức tự sản, tự tiêu. Đồng thời chúng ta cũng coi việc phát triển trang trại là con đường phát triển nông nghiệp tất yếu, nhưng trang trại chỉ là mô hình hộ gia đình mà chiếm hữu một diện tích canh tác quy mô lớn hơn. Tức là thực chất, vẫn chỉ phát triển hộ gia đình về quy mô chứ không phải về chất lượng để tiến lên sản xuất lớn.
Quan điểm của tôi khác với Gs Nguyễn Lang, vì kinh tế hộ chính là bước đi đáng ghi nhận, đã tạo bước đột phá và làm nên kỳ tích ngoạn mục của nông nghiệp trong thời kỳ đổi mới. Trong suốt thời kỳ từ 1988 đến gần đây, kinh tế hộ gia đình vẫn là yếu tố chủ chốt đem lại thành tích đáng ngưỡng mộ của nông nghiệp VN. Không có kinh tế hộ thì lấy đâu ra nông sản dư thừa mà xuất khẩu.
Thành lập hợp tác xã theo kiểu “cha chung không ai khóc” (không tự nguyện, thiếu dân chủ) là thất bại tất yếu, nhưng phát triển trang trại lại là con đường rất hiệu quả, nếu các trang trại này được tổ chức lại. Không phải là vào hợp tác xã để làm chung mà chỉ là để có tiếng nói thực sự trong các quan hệ hợp đồng với doanh nghiệp, còn việc sản xuất của họ vẫn ở cấp nông hộ hoặc trang trại (tức là nông hộ lớn). Vì kinh tế nông hộ hay trang trại vẫn là hiệu quả nhất trong nông nghiệp hiện nay.

Nông dân Việt Nam

Người ta đã tổng kết về người nông dân Việt Nam có mười cái nhất:
“Cống hiến nhiều nhất.
Hy sinh lớn nhất.
Hưởng thụ ít nhất.
Được giúp kém nhất.
Bị đè nén thảm nhất.
Bị tước đoạt nặng nhất.
Cam chịu lâu dài nhất.
Tha thứ cao cả nhất.
Thích nghi tài giỏi nhất.
Năng động khôn ngoan nhất”.
Ta có chủ trương đảm bảo cho nông dân trồng lúa có 30% lợi nhuận. Tỷ lệ có vẻ to nhưng hiện nay, nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ với quy mô hộ gia đình. Trong điều kiện đó, dù có tỷ suất lợi nhuận là 30% nhưng con số tuyệt đối mà hộ gia đình nhận được vẫn nhỏ, không đủ dự phòng khi có thiên tai, khi bị bệnh, cần tiền cho con đi học nên khả năng tái sản xuất mở rộng bị hạn chế. Đó là chưa kể đến tình trạng nông dân bị ép giá ở cả đầu vào và đầu ra không còn lợi nhuận 30% như chủ trương của Nhà nước.
Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp thực hiện từ 2006-2012 tại 12 tỉnh, thành cho thấy chi tiêu của các hộ nông thôn tăng mạnh trong khi tỷ lệ hộ nghèo không giảm, thậm chí số hộ tái nghèo lại tăng. Thu nhập từ nông nghiệp đang sa sút do người nông dân phải chịu đựng những cú sốc từ khách quan có thiên tai, dịch bênh, biến động thị trường, chưa kể chủ quan do sức khỏe, mất việc, mất đất khiến nông dân điêu đứng xoay trần ứng phó.
Tình trạng suy thoái kinh tế khiến giá nông sản giảm mạnh đã gây ra những cú sốc khiến nhiều hộ nông càng điêu đứng hơn. Có đến 45% số hộ nông dân cho biết họ đang phải nợ nần. Trong khi đó, hỗ trợ của chính quyền cho các hộ khi gặp các “cú sốc” trong đời sống rất hạn chế. Lẽ ra, khoản tiền bảo hiểm phải là cách ứng phó tốt nhất cho “vận đen” không may của họ, thế nhưng hầu hết nông dân lại chưa mua bảo hiểm, đặc biệt loại hình bảo hiểm nông nghiệp.
Trong điều kiện của VN tại sao hầu hết không ai tham gia bảo hiểm nông nghiệp tự nguyện? Trên thế giới người ta tham gia bảo hiểm với mong muốn sẽ bảo toàn được tài sản của mình nếu rủi ro xảy ra, về phía công ty bảo hiểm họ cũng là doanh nghiệp kinh doanh nên họ sẽ phải đặt ra yêu cầu và hướng dẫn để người mua bảo hiểm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến rủi ro, nhưng ở VN không phải như thế. Vì thu nhập của họ từ nông nghiệp có đáng là bao, trong khi các điều khoản bảo hiểm chưa hấp dẫn và thủ tục chi trả bảo hiểm quá phức tạp đối với nông dân.

Cánh đồng mẫu lớn với… nông dân nhỏ?

Chúng ta đừng quên hiện tượng trong ngành thủy sản nông dân cũng có qui mô sản xuất rất lớn. Nhiều người có hàng chục ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng vẫn chết toi hàng loạt cá để rồi phải bán lại ao với giá rẻ cho các doanh nghiệp và các ông chủ lớn.
Vậy thì có phải tích tụ ruộng đất là con đường duy nhất đúng như người ta đang hô hào hay ngược lại, đó là nông dân nhỏ nhưng cánh đồng mẫu lớn?
Nếu “nông dân nhỏ với cánh đồng mẫu lớn” được tổ chức tốt, ta sẽ giải được bài toán việc làm cho hàng triệu nông dân. Và ngược lại nếu “nông dân lớn” hay chính xác là doanh nghiệp nông nghiệp qui mô lớn sẽ có hàng triệu nông dân phải ra đứng đường vì họ đâu có dễ tìm được việc làm phi nông nghiệp?
Tuy nhiên, cần nhắc lại là “nông dân nhỏ và cánh đồng mẫu lớn” phải được tổ chức hợp lý, nghĩa là sao cho nông dân phải có tiếng nói trong mối quan hệ với doanh nghiệp trong khi ký hợp đồng. Giá trị gia tăng của ngành phải được chia sẻ hợp lý với nông dân. Ví dụ điển hình nên học tập là trường hợp công ty cổ phần chè Than Uyên (Lai Châu). Mặc dù trong mấy năm qua ngành chè rất khó khăn, hiện tượng tranh bán tranh mua diễn ra ở khắp nơi, nhưng ở Than Uyên không có đầu nậu nào có thể tranh mua với công ty, vì giá thu mua của công ty luôn luôn bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Ngược lại, người nông dân, mặc dù hầu hết là người dân tộc thiểu số nhưng luôn tin tưởng và sản xuất theo đúng yêu cầu của công ty và chỉ bán nguyên liệu cho công ty. Vấn đề mấu chốt của mối quan hệ hợp đồng là ở sự tin tưởng của người dân vào doanh nghiệp, và sự chia sẻ lợi ích của doanh nghiệp với người nông dân. Công ty chè Than Uyên luôn đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu, cung ứng cho nông dân đầu vào đảm bảo chất lượng với giá rẻ hơn nếu tự mua bên ngoài, hướng dẫn kỹ thuật cho dân và thu mua với giá ngang bằng hoặc cao hơn thị trường.
Hiện tại các doanh nghiệp của VN rất ít nơi làm được như vậy vì thiếu một sự chia sẻ lợi ích hợp lý. Các doanh nghiệp chỉ tìm cách bán đầu vào cho nông dân với giá trên trời và tìm cách thu mua đầu ra của nông dân với giá bèo bọt, cốt để họ phải thua lỗ và bán lại đất cho mình. Họ dùng nhiều cách, trong đó có cả cách sử dụng cán bộ địa phương ngăn chặn không cho thương lái vào mua tranh nguyên liệu.

Mâu thuẫn trong quan điểm tích tụ ruộng đất

Để đảm bảo quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, cần chú ý đến cả khía cạnh kinh tế xã hội và không nhất thiết phải thực hiện tập trung ruộng đất vào tay một số ít người, như con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, mà phải tổ chức liên kết các hộ gia đình trong các vùng chuyên canh.
Do đó, chấp nhận duy trì tổ chức hợp tác giản đơn tự nguyện giữa các hộ nông dân nhưng với điều kiện là phải từ bỏ tập quán canh tác tiểu nông, để chuyển sang tập quán canh tác có tổ chức, kỷ luật, khoa học của người sản xuất lớn.
Hiện tại, một số người đang hô hào tích tụ ruộng đất, thực chất là nhằm hợp pháp hóa phần diện tích mà các cá nhân và tổ chức bấy lâu nay đã âm thầm mua lại của nông dân bằng nhiều cách. Trong đó có cả cách cạnh tranh không lành mạnh, nghĩa là tìm cách làm cho nông dân thua lỗ liên tục 2- 3 vụ sau đó mua lại với giá rẻ. Bên cạnh việc hô hào cho tích tụ ruộng đất còn có ý kiến ủng hộ việc lôi kéo các doanh nghiệp FDI vào để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo qui mô lớn. Những người ủng hộ trường phái này cho rằng hiện nay khó khăn nhất của nông nghiệp Việt Nam là không có thị trường tiêu thụ nông sản, nên cần phải tổ chức sản xuất theo hợp đồng gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng và giảm bớt khâu trung gian.
Theo họ chỉ cần vài ông lớn FDI là có sản lượng lớn với chất lượng cao, nông nghiệp hiện đại và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên giá trị gia tăng cao đó vào túi ai mới là điều quan trọng? Có ý kiến cho rằng đây là cách làm chẳng có lợi lộc gì cho dân, cho nước cả. Làm theo cách đó thì hàng triệu nông dân sẽ đi đâu, làm gì? Đây là bài toán hệ thống tái cấu trúc nền kinh tế của cả nước phải đi trước tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Khi sản xuất nông nghiệp nằm trong tay một vài ông lớn FDI lúc đó họ sẽ áp dụng công nghệ hiện đại, cơ giới hóa và thế là nông dân sẽ ra đứng đường. Người tiêu dùng thì phải ăn đắt vì chỉ còn một vài nhà cung ứng thôi, vấn đề xã hội sẽ rất lớn trong khi nhà nước thì thất thu.
Điều này đã thấy nhãn tiền ở ngành chăn nuôi rồi. Hiện nay ngành chăn nuôi chủ yếu nằm trong tay vài doanh nghiệp FDI. Doanh thu và lợi nhuận ròng của các vị này rất lớn. Năm 2010 chỉ riêng công ty CP ở VN đã thu về 01 tỷ USD lợi nhuận ròng, nhưng nghĩa vụ nộp thuế của họ lại rất ít (nếu có) vì họ luôn báo lỗ. Họ cũng không hề phải trả một đồng phí môi trường nào cả mặc dù họ gây ô nhiễm môi trường rất nhiều. Điều này là vì ngoài phần tự đầu tư thì một phần lớn sản lượng của họ đến từ các hợp đồng gia công với nông dân/ trang trại.
Khi đầu tư, để được ưu đãi thì họ nhận cả phần đầu tư của các trang trại là của họ, nhưng khi địa phương yêu cầu đóng phí môi trường thì họ từ chối với lý do đó là đầu tư của nông dân, mà của nông dân thì ai thu được phí môi trường bao giờ.
Vấn đề chỉ là “tỷ giá cánh kéo” quá bất lợi cho nông dân (do lợi ích nhóm) khiến nông dân khó cạnh tranh, đồng thời diện tích đất của nông dân quá ít nên ngay cả khi họ có lãi tới 100% thì họ cũng chẳng thể sống nhờ vào nông nghiệp được. Đó mới là vấn đề!

Vai trò của Nhà nước

Để đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa lớn cần phải đảm bảo sự ổn định tối thiểu về sản lượng, chất lượng và tiến độ giao hàng phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng. Có đạt được sự ổn định đó thì mới xây dựng và bảo vệ thương hiệu của hàng hóa nông sản Việt Nam, giữa phát triển thị phần trên thị trường trong và ngoài nước.
Để đảm bảo sự ổn định của hàng hóa nông sản về các mặt nói trên, nông dân Việt Nam phải đi vào con đường sản xuất có tổ chức, có kỹ thuật, có sự phân công hợp tác vì quyền lợi chung để thực hiện quản lý sản xuất theo các quy chuẩn bắt buộc. Như vậy, phải có sự tự chuyển hóa, khắc phục tâm lý và tập quán của người tiểu nông đang in đậm dấu ấn lên cách sản xuất theo phương thức tự sản, tự tiêu.
Người nông dân phải được đảm bảo các yếu tố đầu vào một cách phù hợp, phải được các nhà khoa học hướng dẫn và chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại theo quy chuẩn bắt buộc, có sự phối hợp giữa nông dân với các cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt phải nhấn mạnh đến vai trò của thương nhân vì họ là người tổ chức cung ứng các yếu tố đầu vào và tổ chức tiêu thụ nông sản ở đầu ra.
Để thực hiện được yêu cầu đảm bảo sự thống nhất đó, vai trò quản lý của Nhà nước giữ vị trí rất quan trọng. Tuy nhiên, lâu nay, Nhà nước không thực hiện tốt vai trò của mình, nghĩa là việc của mình thì không làm (đặt ra luật chơi và kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật) nhưng lại quá sa đà vào việc không phải của mình như sản xuất, kinh doanh.
Theo tôi hiểu, Nhà nước chỉ cần đặt ra tiêu chuẩn chất lượng và buộc tất cả các nhà sản xuất kể cả nông dân lẫn doanh nghiệp phải tuân theo sao cho sản phẩm làm ra phải đạt mức độ an toàn tối thiểu. Và giám sát, kiểm soát việc họ thực hiện.
Đó mới đúng là chức năng quản lý Nhà nước

Thay cho lời kết

Trong quản lý hoạt động nông nghiệp cũng như trong một dàn nhạc, Nhà nước phải là nhạc trưởng với chiếc đũa trong tay để chỉ huy đồng bộ, dứt khoát, uyển chuyển các nhạc công, chứ không phải làm thay, hoặc giành lấy phần sản xuất kinh doanh của họ. Khi mà đời sống kinh tế xã hội của đất nước còn bị điều hành bởi các quan chức thiếu tầm và còn bị chi phối bởi những nhóm lợi ích thì người nông dân Việt Nam vẫn phải lặn ngụp trong vũng lầy đói nghèo, và như thế một nước Việt Nam “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020” vẫn chỉ là câu chuyện hoang đường!
THEO TÔ VĂN TRƯỜNG

LẲNG LẶNG MÀ NGHE NÓ KHÁO NHAU …


Xem ra ngài đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, phen này quyết ra tay dẹp giặc nội xâm. Điển hình là các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Còn các vụ Dân oan, Doanh nhân oan, Cha oan, Thượng tọa oan, Tù oan và nhiều dạng oan nữa sẽ khó mà được … “Giải oan”.
Quyết định số 17-QÐ/BCÐTW ngày 6/8/2013, không xác định như thế nào là vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Một khi đã không định tính được, thì cũng không biết đường nào mà … “Mò”. Theo cách hiểu thông thương, đó là các vụ việc, vụ án xâm phạm đến lợi ích nhà nước, tức là lợi ích của Đảng thì đảng đòi lại. Còn số đông các vụ xâm phạm đến tính mạng, cướp đoạt tài sản hợp pháp, dồn dân vào bước đường cùng để bức tử, đã “Kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa” thì hãy đợi đến tết … Cônggô!
Về mặt tổ chức 7 đoàn công tác, trưởng đoàn có 2 ủy viên Bộ chính trị, 1 bí thư TW, 3 ủy viên TW và 1 đảng viên thường. Tất cả đều có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước.
Vậy thì khi vi hành, các vị sẽ làm việc với tư cách nào? Nếu về mặt tổ chức đảng, thì liệu đảng viên quèn Nguyễn văn Hiện có đủ tư cách làm việc với ủy viên TW đảng, bí thư tỉnh ủy tỉnh Cà Mâu ông Nguyễn Tuấn Khanh và bí thư tỉnh ủy tỉnh An Giang ông Phạm Văn Sáu được không? Nếu làm việc về mặt chính quyền thì ngài Ngô Văn Dụ lại ngồi nhầm chỗ rồi! Nếu làm việc bằng cả hai tư cách thì lại mắc lỗi “Bắt cá hai tay” mà lại là cá to, rốt cuộc cũng chả bắt được con cá nào như các lần trước đây!
Các ngài trưởng đoàn đều liên quan tới tham nhũng và bao che cho tham nhũng, điển hình là vụ tham nhũng có tổ chức, do CN UB tư pháp Nguyễn Văn Hiện cầm đầu.
Hắn ta thuộc diện đảng viên, là cán bộ do trung ương quản lý. Lợi dụng chức vụ, cố ý làm trái pháp luật, một kẻ vô liêm sỉ: Vu khống, xúc phạm nhân phẩm, cướp đoạt tài sản hợp pháp của công dân trị giá 28.374.230.000đ (Thời điểm 12/2010). Tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Đã được trình bầy trong các đơn khiếu tố, 10 năm đã trôi qua vẫn chưa một lần được giải quyết. Tướng cướp Nguyễn Văn Hiện sẽ không thể thoát tội và trở thành CN ủy ban tư pháp nếu không có sự bao che, dung túng của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng.
Nghị quyết TW 4, khóa XI của đảng đã chỉ rõ: “Phương châm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”.
Thế nhưng khi tiếp xúc với cử tri ngày 1/12/2012, đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng lại nói: “Nghị quyết trung ương 4 không nhằm để kỷ luật cán bộ … Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ”.
Ngài Nguyễn Sinh Hùng thì nói: “Sai thì phải sửa, làm 10 việc tốt cũng có thể có một việc sai. Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc. Cứ nói theo quy định của pháp luật, nhưng pháp luật cũng có cái đạo, cứ dẹp đi là bầu không kịp”.
Ô hay, tại sao toàn những ngài thuộc loại “Đỉnh cao trí tuệ”, mà lại làm việc theo kiểu “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy?
Đã qua rồi cái thời người dân bị bưng bít thông tin, tuyên truyền theo kiểu “Cả vú lấp miệng em”. Hay là giác quan của các ngài bị “Xuy thoái” hết rồi, nên đã không thấy được hiện tình đất nước như thế nào? Dân chúng đã không còn tin vào những lời nói hoa mỹ, mà muốn nhìn thấy những việc các ngài làm, đem lại ích nước, lợi dân như thế nào?
Với đội hình xem ra có vẻ hoành tráng, nhưng tay đã nhúng chàm. Liệu các ngài có thể là những “Bao Công ” được không? Với tình trạng này, có lẽ cũng nên thành lập thêm đoàn công tác thứ 8, có sự giám sát quốc tế và của người dân để thanh tra công tác của 7 đoàn đã có. Để rồi xem xét: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ” (TT HCM vể quyền con người – NXB chính trị QG – Hà nội 2005).
Chỉ có thể chống được tham nhũng một cách hữu hiệu, khi quyền con người được thực sự tôn trọng, theo hiến pháp và công ước quốc tế có liên quan.
Xin được mượn khổ thơ của cụ Tú Xương (1870 – 1907) trong bài thơ: Chúc tết, để họa rằng:
“Lẳng lặng, mà nghe nó kháo nhau
Kháo nhau, tìm bắt “Bầy Sâu” chúa
Nhà giáo – Cựu chiến binh  Nguyễn Anh Dũng

Nguyễn Văn Hiện ỦY VIÊN TW ĐẢNG Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội THAM NHŨNG

THƯ NGỎ Kính gửi: BỘ CHÍNH TRỊ, TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Đồng kính gửi: Ông trưởng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng
Tôi là: Nguyễn Anh Dũng, tuổi 66. Hội viên hội cựu chiến binh VN. Nguyên giảng viên trường cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà nội.
Đầu xuân năm mới Quý Tỵ, tôi xin gửi tới quý vị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc để lãnh đạo đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Đồng thời xin được trình bầy vấn đề sau đây:
Chủ nhiệm uỷ ban tư pháp của quốc hội khoá XIII, ủy viên BCĐ TW về phòng chống tham nhũng Nguyễn Văn Hiện. Nguyên uỷ viên trung ương đảng khoá X; Đại biểu quốc hội khoá XI; Chánh án toà án NDTC; Phó ban chỉ đạo cải cách tư pháp VP chủ tịch nước.

Tham nhũng về kinh tế:

Bằng quyết định số 61/KNDS ngày 12/9/2003 kháng nghị bản án phúc thẩm số 118/DSPT ngày 22/5/2003 của toà án nhân dân TP Hà Nội, đã được thi hành án xong ngày 08/9/2003.
Đã tạo nên vụ án oan sai nhằm: Trục lợi và hủy hoại tài sản hợp pháp của công dân trị giá: 28.374.230.000đ (Đơn đề 05/12/2010). Trong vụ án “Đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng” từ ngày 01/5/1983 để nhận tiền bồi hoàn, tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Tham nhũng về chính trị:

Sau một nhiệm kỳ bị mất hết các chức vụ, với lòng ham mê quyền lực. Bằng thủ đoạn lừa dối cấp trên và cử tri, để tiếp tục trục lợi và chạy tội bằng đặc quyền của đại biểu quốc hội.
Giờ đây khi xuất hiện trong các cuộc họp của UBTV quốc hội, trong các hội nghị đầu ngành tòa án, viện kiểm sát, ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng. Lại lớn tiếng dậy người khác về .. “Chống tham nhũng” và khẳng định: “Lờ tham nhũng, đỡ trách nhiệm” .. “Khó tránh được việc bao che cho tham nhũng”. Thậm chí còn đổ lỗi: “Chưa có quy định khái niệm về người đứng đầu” (Dân Trí.com.vn, ngày 18/9/2012).
Có thể nói Nguyễn Văn Hiện đã lợi dụng chức vụ, sử dụng diễn đàn của quốc hội ngang nhiên tuyên truyền, bảo kê cho hành vi tham nhũng. Đã góp phần đưa ngành tư pháp Việt Nam trở thành một trong 3 ngành có tỷ lệ các quan chức tham nhũng nhiều nhất (Báo Pháp Luật VN, 11/12/2007). Làm mất uy tín của các cơ quan, mà ông ta là một trong những người đại diện.
Những việc làm sai trái nêu trên đã được chứng minh trong các đơn thư khiếu nại, đơn tố cáo từ ngày 23/12/2003. Theo hướng dẫn của một số cơ quan của TW Đảng và nhà nước, thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết thuộc ủy ban kiểm tra và bộ chính trị TW Đảng.
Đến nay đã gần 10 năm, với không dưới 1500 lần đơn thư gửi đi, vẫn không một lần được giải quyết. Tức là đã có sự xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Đ 132 LHS) của công dân. Sự vụ hoàn toàn chìm trong im lặng, đã mặc nhiên thừa nhận: Đơn thư khiếu tố là đúng sự thật vì vậy quyết định kháng nghị số 61 của chánh án Nguyễn Văn Hiện là trái pháp luật (Đ 296 LHS).
Việt Nam là nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật (Đ 4, 12 HP). Vì vậy vụ án oan sai này không thể bị đánh “Chìm xuồng”, mà hoàn toàn có thể giải quyết theo 2 cách:
Cách 1: Giải quyết đơn tố cáo và báo tin về tội phạm, đề ngày 10/10/2012 (Kèm theo) đối với Nguyễn Văn Hiện. Theo quy định kèm theo quyết định số 190-QĐ/TW ngày 29/9/2008 của BCT về việc giải quyết đơn tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện TW quản lý.
Cách 2: Giải quyết đơn khởi kiện thường dân Nguyễn Thị Minh Châu, về hành vi “Vu khống, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đề ngày 04/02/2012″ (Kèm theo). Theo quy định tại điều 122, 139 Luật HS. Điều 52, 100, 103, 105 Luật tố tụng HS.
Chúng tôi đã cố gắng kiên nhẫn chờ đợi, nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có hạn. Vì vậy kể từ khi gửi thư ngỏ này, đến hết thời hạn giải quyết tố cáo, mà một trong 2 cách nêu trên không được giải quyết đúng pháp luật. Thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Tôi sẽ công bố bức thư ngỏ này và tài liệu quan trọng liên quan đến một khía cạnh của cuộc chiến được gọi là GP miền nam.
Khi những tài liệu này được công bố, sẽ gây nên phản ứng mạnh, lúc đó công luận trong nước và quốc tế, sẽ phán xét và hậu quả của nó không thể lường hết được. Hiện tại tài liệu này đang được cất giữ tại nơi tin cậy, nó chỉ được công bố khi, thư ngỏ này cũng bị chìm trong im lặng.
Kính mong Bộ chính trị cân nhắc, giữa lợi ích của Đảng và nhà nước với lợi ích của nhóm tội phạm do Nguyễn Văn Hiện và Nguyễn Thị Minh Châu gây nên. Để giải quyết nhằm, khôi phục lòng tin của nhân dân.
KÍNH THƯ
Nguyễn Anh Dũng

Nơi nhận:
- Như trên
- BCH trung ương Đảng
- Đoàn ĐB quốc hội các tỉnh, TP
- Ô Nguyễn Bá Thanh, phó trưởng ban CĐ TW Về phòng chống tham nhũng.

Những thủ đoạn nằm sau chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang

Để chặn đứng sự xâm nhập của khối Cộng sản xuống phía Nam, quân đội Hoa Kỳ phải chiến đấu tại miền Nam Việt Nam trong 20 năm, họ phải tốn không biết bao nhiêu tiền của và sinh mạng.Trong cùng khoảng thời gian đó, để thiết lập một vùng đệm tránh không cho khối tư bản tiếp cận biên giới quốc gia, tại miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc đã hỗ trợ khí tài quân sự, kể cả nhân lực (không công khai) cho Cộng sản Bắc Việt gây nên một cuộc chiến tranh ác liệt. Một kịch bản chiến tranh có mục tiêu tương tự như ở bán đảo Cao Ly năm 1950.

Thực lòng quên quá khứ?

Năm 1975, miền Nam Việt Nam bị bức tử, khối Cộng sản nói chung đã giành chiến thắng trong ván cờ khu vực. Kể từ đó, Hoa Kỳ trở thành kẻ thù không đội trời chung của Cộng sản Việt Nam. Năm 1995, Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Hà Nội và công nhận họ là đại diện chính thức của Việt Nam. Tính đến nay, mối bang giao Việt Mỹ trải qua 18 năm, khoảng thời gian bang giao có đủ dài để Hà Nội thực sự quên đi mối thù xưa, thiết lập quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm sinh lộ cho đất nước hay không?
Đáng tiếc, câu trả lời nhiều khả năng là “Không”! Trong sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam, trong các hội nghị chuyên đề về lịch sử, trong các lễ kỷ niệm về chiến tranh, “Đế quốc Mỹ” vẫn hiện diện như một kẻ thù cần phải tiêu diệt. Chính vì mối thù thâm căn cố đế đó mà quan hệ Việt Mỹ luôn luôn bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình, và nó tiếp tục tồn tại khi nào đảng Cộng sản còn thống trị Việt Nam. Giả như, thượng tầng lãnh đạo Việt Nam có một vài cá nhân có quyền lực muốn quên đi quá khứ, chuyển đổi mối quan hệ với Hoa Kỳ từ thù thành bạn, cũng chưa chắc có thể thực hiện thành công cuộc cách tân khi hạ tầng là tập hợp của những con người cực đoan thủ cựu. Cũng xin nhấn mạnh rằng đây là nét đặc trưng của các quốc gia độc tài Cộng sản, nó không giống bất kỳ thể chế độc tài nào khác trên thế giới.
Quả vậy, trong tiềm thức của những người Cộng sản từ trung ương đến địa phương, Trung Quốc vẫn là một nước đàn anh có cùng ý thức hệ, đã từng sát cánh với đảng Cộng sản Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh. Giải pháp thần phục Trung Quốc vẫn được ưu tiên hàng đầu trong các cuộc đại hội đảng. Khác với Việt Nam, Miến Điện từng là một quốc gia quân phiệt hà khắc nhất thế giới, nhưng trong lịch sử, tập đoàn quân nhân Miến Điện không có mối thâm thù với Hoa Kỳ. Chính vì lẽ đó, sự điều chỉnh chiến lược từ gần gũi với Trung cộng chuyển sang thân thiện với Hoa Kỳ có thể thực hiện dễ dàng hơn, vì không có chướng ngại tâm lý. Nhờ đó, cuộc chuyển hoá dân chủ tại Miến Điện bớt đi khá nhiều cản trở.

Việt Nam, Hoa Kỳ: Ai cần ai hơn?

Quay trở lại tình hình chính trị Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang, giới phân tích trong và ngoài nước đưa ra nhiều quan điểm, bình luận khác nhau. Có người cho rằng, đây là một chuyến đi thành công, có thể đưa Việt Nam vào một ngã rẽ mới. Có người bi quan hơn, nhận định chuyến đi thất bại vì ông Sang đã không mang về được một kết quả cụ thể nào. Theo thiển ý của tôi, chuyến đi của ông Sang là một thất bại về mặt ngoại giao nhưng thành công về mặt chính trị đối với tập đoàn cầm quyền.
Mặc dù, Việt Nam đang nằm trong khu vực “nhạy cảm” mà Hoa Kỳ muốn tái lập ảnh hưởng, nhưng điều đó vẫn chưa đủ quan trọng để có thể liệt kê vào danh sách các quốc gia ưu tiên đặc biệt. Tại khu vực Đông Nam Á còn có nhiều quốc gia là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ như Singapore, Philippines…và sau này sẽ là Miến Điện – một quốc gia quân phiệt đang trên đà cải cách dân chủ. Chính vì lẽ đó, mà Hoa Kỳ đã không đặt nặng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Hoa Kỳ yêu cầu chính quyền Cộng sản phải có một sự thay đổi chính trị mạnh mẽ vì họ biết rằng quyền lợi của một nước Việt Nam Cộng sản sẽ không bao giờ tương đồng với lợi ích của nhân dân Mỹ. Hoa Kỳ không có lý do để đáp ứng những khẩn cầu của Việt Nam khi không nhận thấy những tiến bộ trong cải cách chính trị.
Rõ ràng là, trong những chuyến viếng thăm quan trọng của phái đoàn Việt Nam đến Mỹ, mà mới đây nhất là chuyến đi của ông Sang, Hoa Kỳ đã không dành cho phía Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu nào. Khác với cách đón tiếp Trương Tấn Sang, cách đây không lâu, chính phủ Hoa Kỳ đã trịnh trọng chào đón lãnh tụ đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi như một chính khách quan trọng dù bà chỉ là một nghị sĩ trong Quốc hội Miến Điện. Qua đó chúng ta có thể phần nào lượng định được tính chất cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong đánh giá của người Mỹ.
Trong quan hệ Việt Mỹ, những người lãnh đạo nhận thức được rằng Hoa Kỳ không cần Việt Nam trong ván cờ chiến lược, ngược lại, Việt Nam rất cần Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, mà có thể là để sống còn. Trọng tâm của chuyến đi, phái đoàn Việt Nam tha thiết kêu gọi Mỹ cho gia nhập hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương và hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Tuy nhiên, cái mà họ nhận được chỉ là những lời lẽ ngoại giao.

Những toan tính phía sau

Những người lãnh đạo Việt Nam phải nhận thức rõ điều đó hơn ai hết. Thế nhưng, nếu không đạt được thành quả bang giao cụ thể về kinh tế, chính trị, quân sự thì họ cũng có thể tận dụng cơ hội để đạt được những thứ khác. Có thể họ không cần sự tiếp đón nồng hậu hay những thành quả bang giao, vì họ đang toan tính về những thứ nhỏ mọn nhưng lại có lợi cho họ trong nhất thời, trong tình thế đang lúng túng đối phó với sự bất mãn trong nước và trong thời gian chờ người đàn anh Trung Quốc ra chỉ thị mới.
Thực vậy, trong những năm gần đây, Hà Nội liên tục bị chỉ trích vì thái độ nhu nhược với Trung Quốc. Vì áp lực ngày càng lớn từ khối quần chúng đông đảo và một bộ phận đảng viên, một liệu pháp xoa dịu thiết nghĩ cũng hữu ích để những nhà lãnh đạo độc tài tranh thủ thời gian cho những âm mưu khác. Việc sử dụng chiêu bài xích lại gần với Hoa Kỳ vì thế là một nước đi cần thiết của họ.
Trong cuộc hội đàm, Trương Tấn Sang cố tình thổi phổng mối quan hệ Việt Mỹ khi phát biểu rằng Việt Nam – Hoa Kỳ đã xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Mục tiêu tối quan trọng ẩn dấu sau cử chỉ này là để minh chứng cho người dân trong nước thấy rằng: nhà nước Việt Nam có bang giao tốt đẹp với tất cả các quốc gia trên thế giới; ngoài mối quan hệ với Trung Quốc đang bị chỉ trích nặng nề, đảng và nhà nước Việt Nam cũng chú trọng đến việc phát triển quan hệ ngoại giao với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Phương Tây; quan hệ với Washington là nhằm tạo thế cân bằng, đối trọng với Bắc Kinh…Không thể phủ nhận những động thái đó có tác dụng hiệu quả trong việc xoa dịu lòng dân và những nhà đối lập trong một chừng mực nào đó.
Bên cạnh đó, ông Sang và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không quên dùng chuyến đi này để đánh bóng tên tuổi của Hồ Chí Minh, một nhân vật được thần tượng hóa nhưng bị giới trẻ trong nước dần lãng quên. Họ tận dụng cơ hội tốt trong một chuyến đi có thể nói là đem lại dnah giá cho chính quyền Hà Nội, mỗi lần nữa, làm sống lại một biểu tượng mốc meo. Thông qua bức thư của Hồ Chí Minh gởi Tổng thống Mỹ Truman, Cộng sản Việt Nam đã cố tình tạo ra cái cảm giác đầy cám dỗ rằng: Hồ Chí Minh cũng có tư tưởng dân chủ kiểu Mỹ và ông ta cũng được chính giới Mỹ đánh giá cao. Điều này có tác dụng truyền thông lớn đối với giới trẻ trong nước.
Hơn nữa, việc xích lại gần Hoa Kỳ sẽ tạo ra sự bất an cho không ít những đảng viên cấp dưới, đặc biệt là những kẻ thủ cựu, họ sợ một sợ chuyển hướng hay thay đổi nào đó tạo một tương lai không thể dự đoán cho họ. Nhưng khi những nhà lãnh đạo trung ương gợi lại hình ảnh Hồ Chí Minh trong một chuyến đi quan trọng như thế, đại bộ phận đảng viên Cộng sản cấp dưới sẽ cảm thấy bớt lo ngại hơn khi nghĩ rằng trước đây ông Hồ cũng từng muốn bắt tay với Hoa Kỳ. Việc cầu cạnh một kẻ có thâm thù huyết hận với đảng như thế cũng dễ chấp nhận hơn đối với họ.
Có thể nói đây là một thành công chính trị của đảng Cộng sản, điều này khiến chúng ta liên tưởng đến cuộc tấn công tết Mậu thân, tuy là một thất bại về quân sự nhưng họ đã thành công trong cuộc vận động chính trị quốc tế. Những người lãnh đạo Việt Nam quả thật dốt nát về kỹ trị, về quản lý và xây dựng đất nước, nhưng đừng nên coi thường họ về mặt thủ đoạn chính trị và kỹ năng nắm giữ quyền lực.
THEO VOA

THẾ NÀO LÀ “TÂM TRẠNG KHÓ TẢ” ?!

Mấy hôm nay tôi cứ suy nghĩ miên man, không dứt để cố hình dung, nắm bắt cái “tâm trạng khó tả” của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trước mỗi lần tăng giá điện. Theo cách hiểu thông thường thì, tâm trạng là trạng thái tâm lý ở một thời điểm nhất định nào đó; còn khó tả, hoặc rất khó tả tức khó diễn đạt bằng lời một cách rõ ràng để mọi người hình dung …Tôi loại trừ khả năng Bộ trưởng chơi chữ như cách của chính khách trước mỗi vấn đề khó mà báo chí đặt ra. Bởi Bộ trưởng đã xin nói thành thật, ít nhất là trong lần trả lời phỏng vấn này. Bằng chứng là Bộ trưởng đã vô tình cho dư luận thấy mình đã được “phím” câu hỏi trước, mặc dù cô Phóng viên xinh đẹp đã tỏ ra mạch lạc, sắc sảo và am hiểu tình hình. Bộ trưởng đã không kìm được mà rằng, “Tôi rất muốn được nhân dân và dư luận hỏi câu này…?!”. Thường khi đi thi, thí sinh vẫn có thể trúng tủ, nhưng trúng tủ đến mức không làm chủ được…sự trúng tủ thì chắc chắn bị nghi ngờ là lộ đề!.
Trở lại câu chuyện khó tả. Người Việt hay nói niềm vui khó tả, nỗi buồn khó tả hay nỗi bức xúc khó tả…Do đó, câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng dù còn nhiều cách hiểu khác nhưng xin được quy về một đồng dạng nào đó của 3 cách trên đây. Tôi không tin là Bộ trưởng có “tâm trạng vui khó tả” trước mỗi lần tăng giá điện (Dù vẫn muốn vậy). Bởi, dựa trên ý kiến của cá nhân Bộ trưởng và Bộ Công thương trước dư luận, nếu vẫn còn vui được thì có nghĩa Bộ trưởng đã đứng đối lập với quyền lợi của người dân, của đất nước để phụ hoạ với nhóm lợi ích EVN. Hay là Bộ trưởng buồn và ái ngại khi người dân, thu nhập thì thấp mà giá than, giá khí và giá ….lương của EVN, thì cao nên lo dân đói, dân khổ. Đây là suy nghĩ của một công dân giàu lòng trắc ẩn, còn Bộ trưởng là chính khách mà lại cũng nghĩ như vậy thì đích thị Bộ trưởng đang thương hại người dân. Còn nói Bộ trưởng bức xúc vì chuyện đơn giản và “nhỏ như con thỏ” như thế mà người dân và dư luận vẫn cố tình không hiểu, cứ hỏi nhiều, hỏi “móc máy” mãi… , giá điện thì phải theo thị trường, nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện đang tăng ầm ầm, (dù cho, khi tôi viết những dòng này, trời vẫn đổ mưa to, và rất to phía thượng nguồn) và đành rằng thu nhập của người dân còn thấp nhưng xăng dầu, thiết bị đều phải nhập và thanh toán bằng ngoại tệ…Quả thật nếu tâm trạng của Bộ trưởng mà bức xúc một cách khó tả như thế thì…cũng lại rất không ổn.
Một câu nói của Bộ trưởng mà chúng tôi hiểu theo cách nào cũng thấy chưa được chính xác và càng không phù hợp với cử chỉ, hành vi và cảm xúc được bộc lộ khi Bộ trưởng trả lời phóng vấn. Vậy thực chất, nội hàm của thông điệp mà Bộ trưởng đã đưa ra là gì ? Bộ Công thương và cá nhân Bộ trưởng đã hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với EVN, đã bảo đảm một sự giám sát hiệu quả theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch các khoản mục chi phí trong toàn bộ dây chuyền SXKD điện năng và đầu tư xây dựng hệ thống điện ? Bộ Công thương và cá nhân bộ trưởng đã một mặt, tham mưu cho Chính phủ bịt hết các kẽ hở có thể dẫn đến tham nhũng, lãng phí trong SXKD, trong đầu tư của EVN (quy mô đầu tư của EVN chiếm 25 – 30% tổng đầu tư toàn bộ xã hội, có năm còn hơn thế). Mặt khác đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm nghiêm khắc tất cả các vụ việc tiêu cực tham nhũng tại EVN ? Bộ trưởng đã kinh qua 1 nhiệm kỳ và đây đang là nhiệm kỳ thứ hai, hẳn là hiểu rất rõ EVN, vậy Bộ trưởng có hiểu tường tận những bất an, sự bức xúc và phẫn nộ của người dân và dư luận trước hàng loạt việc làm ngang trái, dối trá của EVN dựa vào thế độc quyền không ? Bộ trưởng có thể yên tâm, ngẩng cao đầu báo cáo với quốc dân đồng bào rằng EVN của chúng ta có thể bảo đảm được an ninh năng lượng cho quốc gia không khi mà chỉ một cành cây đã làm mất điện nửa nước nhiều giờ liền ? Và…còn nhiều câu hỏi nữa.
Đi sâu tìm hiểu những câu hỏi này để hiểu ý của Bộ trưởng và nghiêm khắc đòi hỏi Bộ trưởng phải hoàn thành chức trách của mình với tư cách là Đại biểu QH, là công bộc và ăn lương từ tiền thuế của dân. Trước hết, cần khẳng định, người dân không cần Bộ trưởng thương hại mà chỉ cần sự sòng phẳng minh bạch và danh chính ngôn thuận. Tại sao mỗi việc đơn giản là điều hành giá 1 mặt hàng chiến lược mà cứ úp úp, mở mở, làm cho tất cả các cơ quan có liên quan cứ rối rắm như gà mắc tóc, mỗi người nói 1 phách, thậm chí có người lại sợ trách nhiệm, sợ nói sai nên không nói nữa, mặc kệ dư luận, mặc kệ nhân dân… Nhiệm kỳ thứ 2 của Bộ trưởng sắp hết, và trước đó hàng mươi lăm năm nữa, nhân dân có ngày nào không mong muốn và đòi hỏi ngành điện phải công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động của mình đâu. Ba thập kỷ có lẻ đã trôi qua mà ngành điện vẫn thế, vẫn hách dịch, vẫn một mình một chợ và chỉ công khai những việc mà…dư luận đã biết. Chẳng lẽ cả hệ thống chính trị này đều bất lực trước một DN độc quyền, ngỗ ngược, muốn làm gì thì làm hay sao ? Là một cử tri, xin được nghiêm khắc hỏi Bộ trưởng: Lần tăng giá điện tới đây, Bộ trưởng có bảo đảm EVN công khai kết quả SXKD, đầu tư để cho nhân dân và dư luận soi xét hay không. Xin hỏi lại, Bộ trưởng có làm được hay không ? “Yes or No” thôi Bộ trưởng nhé. Bộ trưởng chớ giải thích lăng nhăng rằng tới đây sẽ chỉ đạo làm việc này, việc nọ…Chúng tôi không muốn nghe chuyện đó nữa. Cũng đơn giản thôi, ngày mai Bộ trưởng chỉ cần ký 1 công văn khoảng mươi dòng nói rõ với EVN rằng tới đây nếu không công khai, minh bạch một cách thực chất toàn bộ hoạt động của EVN để người dân và dư luận biết thì Bộ Công thương dứt khoát không cho tăng giá điện. Tất nhiên, gần như ngay lập tức các bộ não của thế lực độc quyền sẽ bỏ nhỏ trở lại ít nhất 2 câu hỏi: Gọi là công khai thì công khai cái gì và liệu có lộ bí mật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia ? Đây là bảo bối được EVN sử dụng hàng mấy chục năm nay rồi và rất hiệu quả. Nhưng lần này, nếu EVN vẫn bổn cũ soạn lại, xin Bộ trưởng cứ yên tâm, kể cả khi bộ máy của Bộ công thương vẫn bị qua mặt thì chúng tôi (Nhân dân và dư luận) sẽ hiến kế để chúng ta có cơ hội quyết một lần sống mái với cơ chế độc quyền, trì trệ, trịch thượng, hại dân hại nước vẫn còn ăn sâu trong tâm lý của một bộ phận cán bộ EVN.
Hãy thử điểm qua một vài vụ việc mà truyền thông (cả chính thống và chưa chính thống) đưa tin thời gian qua. Đó là sự cố liên quan Thuỷ điện Sông Tranh 2. Đây là khối u ác tính trên cơ thể EVN cũng như của nền kinh tế. Cho đến nay, sửa thì không xong mà phá cũng chẳng được dù đã tiêu tốn nhiều triệu đô la. Người dân phía hạ du cũng đang trong tình trạng bất an, sống dở, chết dở. Nhà cửa thì hỏng triền miên, mỗi khi có động đất thì không dám ngủ trong nhà, cũng chẳng giám ngủ ngoài sân vì sợ sập nhà hoặc vỡ đập (Mặc dù đập đã được Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương nay lại là Chủ tịch EVN nói như người điếc không sợ súng rằng, “Tôi khẳng định là đập an toàn”. Một sự khẳng định dù có phần nhố nhăng, coi sự an toàn và tính mạng người dân như cỏ rác nhưng lại đầy trách nhiệm của những người muốn giá điện tăng! Các nhà khoa học có uy tín của đất nước đã lên tiếng về Thuỷ điện Sông Tranh 2. Theo đó, chủ đầu tư là EVN đã sai lầm từ đầu trong việc lựa chọn địa điểm (do khảo sát sơ sài, tài liệu khảo sát copy nhiều phần từ các công trình khác); sai lầm trong lựa chọn công nghệ (Công nghệ Trung quốc, không có cửa xả đáy); sai lầm trong trong giám sát thi công và nghiệm thu công trình. (Dù hội đồng nghiệm thu có là ai thì người dân chúng tôi cũng chỉ biết EVN là chủ đầu tư); sai lầm trong việc khắc phục sự cố. Trong ký ức người Việt, khi xem truyền hình chắc sẽ rất khó quên hình ảnh người công nhân nhỏ chỉ bằng đầu đũa, lúi húi khoan trên đập khổng lồ của Thuỷ điện Sông Tranh 2, cùng với bao tải dứa, xi măng…để chống thấm cho đập. Cách làm cũng tương tự như cách người dân chống thấm trần nhà vậy. Sáng tạo và liều lĩnh đến thế là cùng. Được biết, EVN đã phát hiện sự cố này, nhưng tưởng đơn giản nên ngấm ngầm khắc phục theo cách đã nói ở trên. Nhưng càng khắc phục, nước càng chảy mạnh. Đó cũng là lúc nhân dân và báo chí phát hiện được vụ việc. Khi đối mặt với dư luận, EVN lại ra sức giải thích lòng vòng, mỗi ngày một khác, mỗi người một khác. Chính sự thiếu minh bạch đó đã đẩy dư luận bức xúc đến chỗ cao trào. Người dân bắt đầu suy luận các tình huống có thể xẩy ra và hoang mang, lo lắng về cuộc sống của mình nếu đập bị vỡ…Thế là đập thuỷ điện thì chưa vỡ nhưng đập lòng tin thì đã vỡ tan tành. Người dân không thể tin vào bất cứ điều gì EVN nói mặc dù phần nhiều trong số đó là đúng. Giả định rằng không có sự cố Sông Tranh 2, thì 2 năm nay, EVN vừa tiết kiệm được chi phí thuê tư vấn khắc phục, tiếp đón các đoàn kiểm tra… (Theo ước tính của chúng tôi không thể dưới 300 tỷ); vừa phát điện để bán thì đã tiết kiệm được trên dưới 1000 tỷ. Thử hỏi nếu công khai minh bạch ngành điện thì có thể xẩy ra vụ việc này không, và nếu vẫn xẩy ra thì chắc chắn phải có ai đó chịu trách nhiệm chứ. Dân không thể mất oan 1000 tỷ (gần bằng 30% số tiền EVN thu được qua lần tăng giá này).
Vụ khác là mua điện Trung Quốc. Hiện EVN chỉ mua điện của các nhà máy thuỷ điện nhỏ của Việt Nam theo giá 300 – 400 đồng/kWh; của các nhà máy thuỷ điện lớn 700 – 850 đồng/kWh nhưng lại mua điện của Trung Quốc với giá 1300 đồng/kWh. Chưa hết, mua điện Trung Quốc là phải bao tiêu sản lượng ổn định kể cả khi chúng ta thừa điện giá rẻ. Đây là việc làm thiếu tính toán và tầm nhìn xa của EVN làm thiệt hại lớn cho EVN và tất nhiên là cho đất nước. Theo một chuyên gia của công ty Mua bán điện, do các điều khoản bất lợi trong hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc, mỗi năm giá điện phải gánh thêm gần 450 tỷ đồng, là chi phí có thể tránh được nếu Hợp đồng mua điện Trung Quốc cũng được căn ke những điều khoản giống như các Hợp đồng mua điện trong nước. Còn nhớ, giai đoạn 2005 -2010, EVN được giao triển khai hàng loạt dự án ĐTXD nguồn điện. Mặc dù được Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù để chỉ định thầu nhưng do yếu kém của chủ đầu tư nên hầu hết dự án chậm tiến độ 1 – 3 năm, làm cho đất nước thiếu điện trầm trọng. Trước áp lực phải cung ứng đủ điện cho kinh tế quốc dân, EVN đã coi mua điện Trung Quốc là cứu cánh. Chính tư duy ăn xổi này đã đẩy EVN vào tình huống bất lợi trong đàm phán. Một lãnh đạo cao cấp của EVN khẳng định không hề có tiêu cực trong đàm phán hợp đồng mua điện Trung quốc của EVN chẳng qua là do tình thế cấp bách mà phải chấp nhận những ràng buộc khắt khe (thậm chí là bắt ép) của bên bán. Đó là họ nói. Còn chúng tôi, nhân dân và dư luận, đòi hỏi phải xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong vấn đề này và nếu cần thì phải đàm phán lại, minh bạch công khai kết quả đàm phán để nhân dân và dư luận giám sát.
Về việc kinh doanh ngoài ngành thì có thể khẳng định EVN là đơn vị thất bại nặng nề nhất. Dù có nhiều lợi thế khi triển khai kinh doanh viễn thông nhưng với thái độ của kẻ ban phát, độc quyền, EVN đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, từ lựa chọn công nghệ đến tổ chức kinh doanh. Mặc dù khoản lỗ rất lớn đã được EVN láu cá đẩy vào giá thành điện để nhân dân gánh chịu, thì khoản lỗ còn lại cùng với khoản lỗ do đầu tư vào công ty Chứng khoán Hà thành, vào bảo hiểm toàn cầu, vào Ngân hàng An Bình…đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Quy mô đầu tư của EVN là cực lớn. Bình quân mỗi năm EVN đầu tư khoàng 3 – 4 tỷ USD, chủ yếu là vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng quốc tế. Với quy mô như vậy, chỉ cần thất thoát dăm phần nghìn là đã tương xứng với GDP của cả 1 tỉnh rồi. Thế nhưng nhiều đơn vị trong EVN đã gây thất thoát lãng phí lớn. Mới đây, một đơn vị của EVN khi được giao đầu tư xây dựng lưới điện, do thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát đã bị đơn vị khác chiếm đoạt toàn bộ vật tư thiết bị phục vụ công trình. Mặc dù, hiện nay EVN đang kiện đơn vị chiếm đoạt lô hàng, nhưng theo 1 người hiểu biết vụ việc, thất thoát hơn trăm tỷ là nhìn thấy rõ.
Một sự kiện khác mà dư luận cho rằng có liên quan đến việc lobby tăng giá điện 2013. Đó là việc ngày 7/7/2013, Ban quản lý dự án các Công trình điện miền Trung (AMT), đơn vị con của EVN, đóng tại Đà Nẵng, mới đây đã chi nhiều tỷ đồng cho việc đón huân chương hạng 3. Sự việc sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu đó là buổi lễ trang trọng, giản dị và tiết kiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng EVN đã chọn cách khác. Lợi dụng sự kiện này, các lãnh đạo chóp bu của EVN đã rầm rộ tháp tùng thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang tham dự buổi lễ. Chỉ riêng chi phí chính thức (vé máy bay, tiền khách sạn, hội trường, tiệc linh đình đón chào Thứ trưởng Lê Dương Quang đã gần 5 tỷ đồng, tương đương nửa năm lương của toàn thể CBCNV đơn vị này. Một lễ đón huân chương quá hoành tráng và tốn kém. Sau đó chưa đầy 1 tháng cũng chính Thứ trưởng Lê Dương Quang là người đã ký thông tư tăng giá điện từ 1/8/2013.
Rõ ràng, không thể nói Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng không biết những chuyện này. Thậm chí nếu Bộ trưởng không nắm được hết thì bộ phận giúp việc Bộ trưởng sẽ biết hết (nói không biết là đang tự dối mình). Nhưng thử hỏi Bộ Công thương và cá nhân Bộ trưởng đã làm gì để đưa các vụ việc trên ra ánh sáng, thu lại tiền thất thoát, lãng phí. Chỉ cần một vài vụ nói trên cũng đã tương ứng với số tiền mà do tăng giá điện mang lại cho EVN. Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ trưởng được phép lựa chọn 1 trong 2 khả năng: hoặc là cứ như cũ, tức là cứ tăng giá điện, để rồi phần tăng thêm cứ vô tư thất thoát, lãng phí, đến khi trả lời truyền hình, Bộ trưởng lại thấy “tâm trạng rất khó tả…”, hoặc là chỉ đạo sự công khai minh bạch ngay lập tức tại EVN, xử lý rốt ráo các vụ việc vi phạm, thu lại tiền về cho EVN để không cần tăng giá điện. Lúc ấy Bộ trưởng có quyền vui mừng thông báo với dư luận và người dân rằng: “Giá bán điện đã minh bạch, Bộ Công thương hoàn toàn thống nhất với EVN về việc tăng (hoặc giảm) giá bán điện; đồng thời Bộ Công thương sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến việc tăng (hoặc giảm) giá điện và chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình”. Mong ước lắm thay.
TÁC GIẢ NHẬT LỆ

Cơ hội cuối cùng

Hội đàm giữa hai ông Obama-Trương Tấn Sang hôm 25/7 vẫn còn để lại nhiều dấu hỏi. Tuyên bố chung chỉ liệt kê những vấn đề bao trùm “toàn diện” quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, nhưng nội dung cụ thể của những vấn đề này là gì thì vẫn cần được giải mã. Hai ông đã “mật đàm” những gì và đã thỏa thuận những gì?
Người ta phải theo dõi những gì diễn ra trong vài tháng, vài năm tới, mới thấy được những chi tiết của thông điệp đưa ra từ cuộc hội đàm lịch sử này.
Nhưng có một điều đã khá rõ: ban lãnh đạo Việt Nam đang đứng trước sự lưa chọn cuối cùng – Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Mọi ý đồ “đi dây” giữa hai cường quốc này chỉ là ảo tưởng, trong bối cảnh thế giới và khu vực hậu chiến tranh lạnh, hậu bin Laden, trong thực tế bành trướng của Trung Quốc, và chính sách “xoay trục” sang Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Cần đồng minh
Dân tộc ta một mình không thể đương cự được với sự tàn bạo và nham hiểm cùng sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị của một Trung Quốc đang vươn dậy, đang ngang nhiên bành trướng khắc nơi, thách thức cả khu vực và toàn thế giới.
Nước ta nằm ở tuyến đầu trên con đường bành trướng xuống Đông Nam Á của Trung Quốc. Chúng ta phải có đồng minh, nếu muốn bảo tồn nòi giống và toàn vẹn lãnh thổ.
Các nước Đông Nam Á cũng không đủ sức đương cự được sức bành trướng của Trung Quốc, nếu không đoàn kết với nhau và không có được đồng minh hùng mạnh như Hoa Kỳ. Philippines đã thấy rõ và đã chọn lựa. Singapore đã thấy rõ và đã chọn lựa. Đó là sự thực mà ban lãnh đạo CS phải chấp nhận và chọn lựa, nếu họ không muốn trở thành kẻ thù của toàn dân, phản bội lại dân tộc, trở thành một Lê Chiêu Thống thời đại.
Mọi người Việt yêu nước đều không thể chấp nhận con đường Hán thuộc ô nhục. Đã đến lúc ban lãnh đạo CSVN cần dứt khoát và quyết liệt tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Bắc phương, và chọn lựa con đường sống còn cho dân tộc.
Những gì đang diễn biến tại khu vực Á châu-Thái Bình Dương cho thấy tình hình đã rất khẩn trương, thời gian để chọn lựa không còn nhiều nữa.
Trung Quốc vẫn quyết tâm đẩy mạnh tiến trình bành trướng xuống Biển Đông, kể cả chuẩn bị dùng vũ lực, nếu cần. Mỹ, Úc đang triển khai và sắp xếp thế trận chính trị, kinh tế và quân sự nhằm ngăn chặn sức bành trướng của Trung Quốc tại vùng Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Nhật Bản, Philippines, Singapore đã dứt khoát yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ, gấp rút tăng cường phòng thủ, dàn thế trận sẵn sàng ứng chiến.
Trong khi đó, đối với Hoa Kỳ, điều quan trọng là bảo đảm được họat động tự do của hải quân và thương thuyền tại Thái Bình Dương, Biển Đông và Đông Bắc Á. Nếu Trung Quốc khôn khéo, sẵn sàng bảo đảm cho quyền tự do lưu thông hàng hải này và các quyền lợi kinh tế tài chánh khác của Hoa Kỳ tại Biển Đông; nếu Trung Quốc vừa tương nhượng với Hoa Kỳ và Nhật Bản tại vùng biển Đông Bắc Á, vừa hòa hoãn với Hoa Kỳ, để đổi lấy chủ quyền tại biển Đông; và nếu Việt Nam vẫn lừng chừng không dứt khóat; thì số phận Việt Nam sẽ hoàn toàn do Việt Nam tự định đoạt.
Đối với Hoa Kỳ, vùng Đông Bắc Á, vùng biển của Nhật Bản, quan trọng hơn vùng Biển Đông, và vấn đề lưu thông tự do tại Biển Đông quan trọng hơn vấn đề ai nắm chủ quyền các hòn đảo tại đây.
Tất nhiên Hoa Kỳ vẫn muốn tăng cường hay cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc tại vùng Biển Đông và ĐNÁ, và chống lại việc Trung Quốc sử dụng bạo lực để khống chế Biển Đông. Và Hoa Kỳ đang làm như thế, khi đồng ý hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong cố gắng của các nước này muốn độc lập với Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã nhận được sự yêu cầu của nhiều quốc gia trong vùng và đã nhận lời, chỉ còn Việt Nam. Và Việt Nam thì đang bị chính đàn anh phương Bắc của mình bao vây, từ ngoài Biển Đông, từ phía Lào, Miên đã ngả hẳn sang Trung Quốc.
Về phía Mỹ thì đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam như đã sẵn sàng với Singapore, Philippines. Nhưng không thể hỗ trợ vô điều kiện, như không thể cung cấp vũ khí sát thương để chính quyền độc tài sử dụng bắn vào người dân khi họ biểu lộ bất mãn với chính quyền một cách ôn hòa bất bạo động. Lương tri Mỹ không cho phép, dư luận Mỹ không cho phép, và cộng đồng người Mỹ gốc Việt không chấp nhận.
Nhìn tình hình Biển Đông trong bối cảnh địa lý chính trị khu vực và trong tương quan quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc như thế, chúng ta thấy Việt Nam cần đến Hoa Kỳ nhiều hơn Hoa Kỳ cần đến Việt Nam.
Xoay trục
Nếu Việt Nam không dứt khoát chọn con đường “thoát Trung” thì Hoa Kỳ vẫn có thể để mặc Việt Nam cho Trung Quốc, lập phòng tuyến vững mạnh ngăn chặn Trung Quốc tại Nam Á với Ấn Độ, tại Đông Nam Á với Philipines, Singapore, và các nước khác, tại Nam Thái Bình Dương qua liên minh đã có với Úc, vả tại Đông Bắc Á với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Và từ khi Obama lên cầm quyền đến nay, trong chiến lược “xoay trục’, Hoa Kỳ đã gần như hoàn tất thế trận liên minh này rồi, chỉ còn lại Việt Nam tại vùng Biển Đông. Mọi người Việt quan tâm đến tiền đồ đất nước đều mong rằng ban lãnh đạo Việt Nam đã nhìn thấy thế trận chính trị-kinh tế-quân sự này của Mỹ và đồng minh, và chuyến đi Mỹ vừa qua của Chủ tịch Trương Tấn Sang báo hiệu cho một chọn lựa dứt khoát của Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Để Việt Nam sớm ra khỏi thế bị bao vây tứ phía và trong vòng kiềm tỏa chặt chẽ của Trung Quốc. Nếu không thì Việt Nam sẽ rơi xuống vực thẳm Hán thuộc không gì ngăn chặn được.
“Không thể thoát Trung nếu dân và chính quyền không là một. Dân không thể là một với một chính quyền độc tài, đàn áp dân, đàn áp những người yêu nước, bỏ tù những người phản đối ôn hòa những sai lầm của chính quyền.”
Nhưng con đường “thoát Trung” là con đường độc đạo. Nó chỉ được khai thông bằng những thay đổi rõ ràng của chính quyền trong đường lối đối nội, trong cách điều hành đất nứơc một cách văn minh dân chủ, trong cách hành xử minh bạch và công bằng với dân.
Không thể thoát Trung nếu dân và chính quyền không là một. Dân không thể là một với một chính quyền độc tài, đàn áp dân, đàn áp những người yêu nước, bỏ tù những người phản đối ôn hòa những sai lầm của chính quyền. Không thể có được con đường thoát Trung nếu không thiết lập được một quan hệ chân thật với Hoa Kỳ. Nhưng không thể chân thật với Mỹ nếu không chân thật với người dân của mình trước đã.
Người dân Việt bây giờ đã khác rất xa với người dân trong chế độ bao cấp toàn diện 30 năm trước. Người dân Việt đã được tiếp cận quốc tế, đã mở rộng tầm nhìn ra thế giới, và đã cất lên tiếng nói bất bình của họ. Những người cầm quyền không còn dễ dàng bịt tai, bịt mắt, bịt miệng người dân được nữa.
Chỉ có dứt khoát từ bỏ độc tài đảng trị, chân thật tôn trọng nhân phẩm và bảo đảm các quyền tự do căn bản cho người dân mới chân thật có người dân là đồng minh trong mọi kế sách đối phó với Trung Quốc.
Nếu chính nhân dân mình chưa thật sự cùng mình bảo vệ tổ quốc thì không một chính quyền nào có thể có được một đồng minh quốc tế bền vững và chân tình. Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần chứng minh điều đó.
Con đường mà Việt Nam phải đi thật đã rõ ràng: thoát Trung thân Mỹ. Không còn thể chần chừ lưỡng lự được nũa. Và để thực hiện được con đường này, chính quyền phải thay đổi đường lối đổi nội và đối ngoại.
Chấp nhận những điều kiện gia nhập TPP để cứu vãn kinh tế; liên kết quốc phòng với Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc; hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, nhất là về mặt quân sự.
Về đối nội, phải chấm dứt đàn áp các tiếng nói đối kháng ôn hòa bất bạo động, thả tù nhân chính trị và tôn giáo, chấp nhận đối lập chính trị và thực hiện đối thọai dân chủ với mọi thành phân dân tộc để bảo vệ tổ quốc và cùng nhau tìm ra con đường phát triển bền vững và phồn vinh cho đất nước.
Cần tạo điều kiện để có được những diễn đàn như cuộc họp mặt Văn Miếu vừa qua, những thứ Diên Hồng trong thời đại dân chủ, do dân và do các thức giả yêu nước hội tụ lại để thể hiện ý chí toàn dân quyết tâm bảo vệ tổ quốc, không phân biệt quá khứ chính trị và khác biệt chính kiến, tôn giáo. Chỉ có đường lối đối nội và đối ngọai như thế mới thích hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới, và mới mở đường thoát cho dân tộc vươn dậy sánh vai cùng cộng đồng nhân loại trong thời đại toàn cầu.
THEO BBC