Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

Việt Nam - đất nước thừa mứa lời khuyên

Minh Tâm - Việt Nam mất quân ở Campuchia: Vinh danh hay còn chờ “giải mật”?

Những người lính Việt Nam rời Campuchia. Người lính nằm lại nơi đây lại được coi là “Tối mật”. Ảnh: Minh Tâm
Những đồng nghiệp báo chí từng khoác áo lính ở chiến trường Campuchia, chia sẻ rằng đã quá… sững sờ khi cầm trong tay “Quyết định 52/2014/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành”.

Sững sờ vì “Tin, tài liệu và số liệu mộ liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ và kế hoạch di chuyển mộ liệt sỹ làm nghĩa vụ quốc tế không công bố hoặc chưa công bố”, được coi là “Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 05-11-2014.

Người sống còn chưa được vinh danh, huống hồ…

Cho đến nay, người dân Việt Nam vẫn không được biết chính xác có bao nhiêu “quân tình nguyện” đã hy sinh ở Campuchia. Con số bộ đội Việt Nam bị chết, bị tàn phế bởi mìn zip và mìn K58 trong mười năm ở xứ Chùa Tháp lên đến hàng trăm nghìn.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, cựu chiến binh chiến trường Campuchia, ngậm ngùi kể rằng theo quân sử thì ngày 26-9-1989 được coi ngày người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng rời khỏi đất nước Campuchia. Tuy nhiên 25 năm qua, kể từ khi người lính tình nguyện cuối cùng rời khỏi đất nước Campuchia, những hy sinh thầm lặng mà vô cùng đau đớn của nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam, và bộ đội vệ quốc làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia ít được nhắc đến. Những chăm sóc, ưu đãi cho người tham gia cuộc chiến, những gia đình có người thân hy sinh liệu đã làm họ yên lòng?

“Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam đã lùi vào quá khứ. Nhưng nhắc lại những hy sinh của người dân vùng biên giới và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, phải là việc làm thường xuyên để xoa đi nỗi đau mất mát và cũng là để khẳng định cuộc chiến ấy đầy tính nhân văn, đã cứu một dân tộc thoát khỏi nạn diệt chủng.

Những hy sinh ấy, vẫn đang chờ đợi được Nhà nước Việt Nam chính thức công nhận bằng một văn bản chính thức khẳng định những đóng góp to lớn của cán bộ chiến sĩ đã bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Một lễ tuyên dương như thế nên được tiến hành sớm, bởi những người lính tình nguyện năm nào nay người nhỏ tuổi nhất cũng đã 45 tuổi rồi”. Cựu chiến binh Phạm Sỹ Sáu, kêu gọi: “Hãy vinh danh họ, dù muộn, cũng giúp họ yên lòng trong cuộc sống bởi những năm tháng tuổi trẻ họ đã không sống hoài sống phí”.

Những người lính ngã xuống không thể là “Tối mật”

Một chút quân sử. Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Hữu Đức kể: Chưa đầy một tháng sau khi khởi binh, ngày 17-1-1979, bộ đội Việt Nam đã đánh đổ chính quyền cuối cùng của Pol Pot ở thị xã Ko Kong. Chúng ta chiếm được Phnom Penh và các thành phố, thị xã, nhưng chúng ra không diệt được sư đoàn nào của Pol Pot. Sinh lực địch bị tiêu hao không đáng kể.

Khmer Đỏ bỏ chạy nhưng chúng không phải là một tàn quân. Tướng Đức nói: “Chúng được các cố vấn Trung Quốc dạy rất kỹ, cứ thấy xe tăng là chạy rồi gài mìn lại. Mìn Trung Quốc không giết chết mà chỉ sát thương. Cứ một người trúng mìn, quân ta lại phải mất bốn người để cáng”. Khi tiến quân vào Phnom Penh, thế Việt Nam như “chẻ tre”, nhưng khi tới những vùng biên giới xa, các đơn vị Việt Nam lập tức bị Khmer Đỏ đặt trong tầm phục kích. Đây là giai đoạn quân đội Việt Nam bắt đầu chịu hy sinh lớn nhất…

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu kể rằng những người lính cùng thời với anh đã bước vào cuộc chiến tựa như “Kinh Kha một đi không trở lại”.

Không là Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch/ Không là thở than của khúc Tống biệt hành/ Tráng sĩ chừ qua sông, qua sông/ Sóng vỗ mạn phà hề sóng vỗ/ Trận tiền chừ là nơi súng nổ/ Cung kiếm chừ là khẩu AK/ Chung rượu chừ tráng sĩ hề không say/ Lòng say con mắt ai… (Hành tráng sĩ mới, Phạm Sỹ Sáu)

“Chủ kiến của tôi khi làm bài Hành tráng sĩ mới là muốn tự so sánh những người lính tình nguyện giống như Kinh Kha một đi không trở lại. Và chỉ có thể hành mới diễn đạt được tư tưởng, còn dùng hình thức thơ khác thì dễ trôi đi, nó không khảng khái, bi tráng…”. Nhà thơ nói.

Là người trong cuộc chiến, Phạm Sỹ Sáu đúc kết: “Đây là một cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng không ác liệt. Kẻ địch không mạnh. Nhưng quân ta hy sinh nhiều. Một phần vì chủ quan. Một phần do còn hậu phương để lui về. Tiến một trăm mét thì có thể hy sinh. Lùi một trăm mét lại sống cuộc sống hòa bình.

Cuộc đấu tranh tư tưởng của người lính trên chiến trường đối với bản thân mình mạnh mẽ hơn thế hệ chống Pháp và chống Mỹ. Hai thế hệ trước chỉ có một con đường là tiến thẳng ra mặt trận, vì hậu phương cũng là tiền tuyến. Còn đối với người lính tình nguyện ở Campuchia, hậu phương tuy có khó khăn khổ nhọc nhưng không đổi bằng mạng sống. Hơn nữa, nếu anh không can đảm, đủ bản lĩnh trên chiến trường mà “quay” về thì dư luận cũng không gay gắt. Cái lớn của người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lẫn phía Bắc là vượt qua chính mình để chấp nhận điều đó!”.

Những người lính Việt Nam đã ngã xuống ở Campuchia cần được vinh danh, không thể là câu chuyện phải chờ đợi đến “ngày giải mật”!
Minh Tâm
(Việt Nam Thời Báo)

Ông Lê Kiên Thành: Điều cha tôi luôn muốn cắt nghĩa

Tôi thì luôn cho rằng, độc quyền kinh tế chỉ là một hiện tượng, chỉ là hệ quả của cơ cấu tổ chức xã hội mà chúng ta đang vận hành.

LTS: Xung quanh chủ đề chống độc quyền, tạo môi trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay, Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu phần ba bài viết của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Xem phần 1: Ông Lê Kiên Thành: Bao năm làm đủ cách 'che chở' DNNN

Xem phần 2: "Lời" vào túi ông lớn, lỗ thủng túi "ông" nào?
độc quyền, tình yêu, hệ lụy, Ts Lê Kiên Thành, Tô Lan Hương, CNXH, CNTB,
Ông Lê Kiên Thành. Ảnh: Minh Trí/ Một Thế giới

 Như trong các phần trước tôi đã phân tích, nếu chỉ nói về chuyện độc quyền kinh tế thôi, thì chúng ta đã nói quá nhiều trong bao năm qua mà mọi thứ vẫn bộn bề.

Tôi thì luôn cho rằng, độc quyền kinh tế chỉ là một hiện tượng, chỉ là hệ quả của cơ cấu tổ chức xã hội mà chúng ta đang vận hành. Gốc rễ của vấn đề chính là tư duy độc quyền đã được chúng ta chấp nhận một cách hiển nhiên trong mọi mặt của đời sống này. Và chừng nào không thay đổi được gốc rễ đó, chừng đó chúng ta sẽ vẫn cứ loay hoay…

Tình yêu và thói quen nguy hiểm

 Thời tôi còn đi học, tôi luôn được dạy rằng cái ưu việt nhất của CNXH là không có sự độc quyền, cái xấu xa nhất của CNTB là sự độc quyền. Chúng ta tưởng rằng xã hội chúng ta xây dựng là xã hội không có độc quyền. Thế nhưng đến thời điểm này, những khiếm khuyết của một cung cách quản lý bộc lộ và thậm chí kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội, lại chính là tư duy độc quyền. Đến mức, chúng ta “đến” với sự độc quyền một cách hiển nhiên, nhẹ nhàng, không cảm thấy áy náy, cũng không bị sự ràng buộc của pháp luật.

Độc quyền không ở đâu xa. Độc quyền xuất hiện từ những cái rất nhỏ bé thế trong đời sống của xã hội chúng ta.

Đã từng có thời chúng ta độc quyền về cách thể hiện văn hóa, ấu trĩ đến mức cấm đoán cả việc thể hiện tình yêu, vì cho rằng tình yêu làm ủy mị con người.  Nhưng tình yêu, suy cho cùng, là khởi điểm của sự sống. Tình yêu vừa vĩ đại, vừa trong sáng, vừa ma mị, vừa của thiên nhiên, vừa thuộc về con người. Sinh con là việc bắt buộc để duy trì nòi giống. Nhưng để có thể kéo được hai con người đến được với nhau là phải nhờ tình yêu. Cuộc sống tinh vi, tinh vi ghê gớm ở chỗ đó.  Và những tồn tại mạnh mẽ, những tồn tại khiến cuộc sống thăng hoa và sáng tạo đều khởi nguồn từ tình yêu.

Tôi yêu vô cùng những bài hát nói về tình yêu của nước Nga. Trong suốt cuộc chiến tranh vệ quốc của họ, họ nói về tình yêu thoải mái, tự do và tràn ngập, không bị cấm đoán. Họ nói về đôi môi, về vóc dáng người yêu…Nếu ở Việt Nam, nói về cái đó, chúng ta bị gọi là xác thịt.  Nhưng đã nói đến tình yêu, phải yêu một bờ vai, một làn môi, một ánh mắt nào đó, chứ không thể chỉ yêu một cái bóng. Thế mà tâm lý xã hội ta đã từng có thời phủ định những cái rất thật, rất cuộc sống đó.

Và tâm lý đó có khi còn thể hiện ở những tiêu chí về tổ chức.

Nếu anh không tham gia một tổ chức, anh không thể đảm nhận cương vị nọ kia.  Vì thế, có những người có tài quản lý, có năng lực lãnh đạo nhưng sẽ không bao giờ phát huy, hoặc cống hiến được tài năng của họ cho xã hội. Những điều đó đang phản ánh rất rõ hình ảnh của xã hội hiện nay. Và chừng nào chúng ta còn những kiểu tư duy như thế, chừng đó chúng ta không bao giờ có thể chống độc quyền, dù là độc quyền trong lĩnh vực kinh tế hay bất cứ lĩnh vực khác.

Cái mới hôm qua- cái cũ hôm nay

Thời mới bắt đầu cuộc cách mạng, Lenin có thể sử dụng cả những con người tư sản làm chức vụ cao trong Nhà nước. Ngay cả ở Việt Nam, Bác Hồ cũng thế.

Chức vụ Chính ủy ra đời trong Hồng quân Liên Xô vì rất nhiều nhà lãnh đạo quân sự không phải là đảng viên cộng sản. Những lãnh tụ cộng sản hiểu rằng, con người để điều binh khiển tướng, tiến hành cuộc chiến vẫn phải là nhà quân sự chuyên nghiệp, thế nên mới cần những nhà tư tưởng đứng bên cạnh họ.

Nói thế để thấy rằng thời điểm đó, những ông tổ của tư tưởng mà chúng ta đi theo hoàn toàn không mang tư duy độc quyền. Sau này, Lenin có những chính sách kinh tế mới mang cả màu sắc của xã hội trước, sử dụng sự ưu việt của xã hội đó. Nghĩa là họ - những lãnh tụ cộng sản đã dám sáng tạo ngay từ khởi điểm ban đầu của sự sáng tạo cách mạng, chứ không phải đợi đến mãi sau này, khi sự sáng tạo đó đã biến thành cũ kỹ.

Khi cái mới đã trở nên lạc hậu và bộc lộ nhiều nhược điểm và đòi hỏi buộc phải sáng tạo. Đó là điều mà lớp hậu sinh như tôi khâm phục họ: Những người vừa làm ra một cái mới, một cái mới hãy còn nóng hổi nhưng đã kịp thấy nó cũ và đã kịp thấy cái cần phải thay đổi.
độc quyền, tình yêu, hệ lụy, Ts Lê Kiên Thành, Tô Lan Hương, CNXH, CNTB,
Độc quyền kinh tế chỉ là một hiện tượng, chỉ là hệ quả của cơ cấu tổ chức xã hội mà chúng ta đang vận hành. Ảnh minh họa
Lúc còn sống, cha tôi luôn muốn cắt nghĩa: Cuộc sống là gì, tồn tại là gì? Vì suy cho cùng tất cả những gì chúng ta làm là để cho cuộc sống tốt lên, để cho tồn tại nó lâu dài hơn.  Cha tôi cho rằng suy cho cùng mỗi con người là một tồn tại, hai vợ chồng là một tồn tại, cả xã hội là một tồn tại. Nhưng 03 là 01 và 01 cũng phải là 03: 01 con người - 02 vợ chồng - cả xã hội là một khối tồn tại thống nhất, nhưng cũng phải là 03 khối tồn tại độc lập trong cái khối thống nhất đó.

Cuộc sống và quy luật cái chung- cái riêng

Và chúng ta sẽ phải tôn trọng từng cái sự tồn tại đó, phải nhấn mạnh được từng tồn tại đó, để bảo vệ sự tồn tại chung, cũng như chúng ta không thể tách rời một tồn tại nào đó với cái khối tồn tại chung đó. Khi chúng ta đang nói đến tập thể, chúng ta phải nói theo cách đó: Muốn cái chung tồn tại, thì những cái riêng này buộc phải tồn tại.

Còn nếu anh xóa đi một trong những phần đó, nếu anh tìm cách o ép một trong những phần đó, thì tự anh đã xóa đi một sự tồn tại và cũng xóa luôn sự tồn tại của cái chung.  Không cần kiến thức cao siêu, chỉ cần hiểu cuộc sống là hiểu được quy luật này. Nếu không nói được liên kết cốt lõi này, thì không hiểu được cuộc sống.

Chúng ta nói tài sản này là của nhân dân. Nhưng người dân không hiểu điều đó nếu không được sở hữu nó. Khi chúng ta cổ phần hóa và chia cho người dân, họ sẽ hiểu ngay lập tức.  Một nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước, do một số con người cụ thể điều hành, không nhân dân nào có thể hiểu đó là tài sản của mình.

Người ta phải có quyền thật thì người ta mới cảm nhận được sự sở hữu của mình ở tài sản đó, mới bảo vệ, gây dựng tài sản đó bằng tài năng, mồ hôi lao động của mình.

Quay lại câu chuyện độc quyền, một con người đang sống là đang.... độc quyền chính bản thân mình. Không ai có thể sống thay mình được. Nhưng con người này nếu không biết tiến đến một cuộc sống gia đình, đẻ ra những đứa con của mình là bản thân họ đang kết thúc cuộc sống. Đó là cách sống phi tự nhiên. Cuộc sống chỉ tiếp tục nếu anh kết hợp với một người khác, sinh ra những đứa con, có trách nhiệm với xã hội đó và nhận những quyền lợi từ mối liên kết này mang lại.

Sẽ vô cùng biến dạng nếu một người nào đó chỉ nghĩ đến cá nhân người ta, một người nào đó chỉ nghĩ đến gia đình người ta, hay một nhóm người nào đó chỉ nghĩ đến quyền lợi của nhóm mình, và cho rằng mình sống văn minh hơn người khác. Điều đó là rất không đúng. Chúng ta tiếc thay lại đang chứa đựng những sự "biến dạng" đó trong xã hội mình.

Độc quyền kinh tế chỉ là một khía cạnh của tư duy độc quyền, của khối tồn tại đang bị biến dạng đó và không thể tách rời khỏi những tồn tại khác. Nên cái cần sửa chữa không chỉ là chuyện độc quyền trong kinh tế, mà là sửa chữa cả tư duy. Còn bây giờ nếu chúng ta cứ nhìn ra một vài hiện tượng độc quyền lẻ tẻ và loay hoay tìm cách tháo gỡ nó, thì chúng ta sẽ giống như những người mải mê bắt sâu trên ngọn cây mà không biết rằng con sâu đã đục khoét cái cây đó từ gốc rễ.

Nếu dàn nhạc không có nhạc trưởng đại tài?

Tôi luôn nghĩ ông Karl Marx, ông Lenin nếu còn sống, với những con người trí tuệ như thế, lý luận của họ nhất định sẽ thay đổi. Nếu còn sống, họ sẽ lãnh đạo xã hội theo một cách khác. Bởi trong lúc tăm tối nhất của xã hội, họ đã nghĩ ra những cái rất đúng về quy luật cuộc sống.

Thế thì nếu đang sống ở thời đại này, họ sẽ nhìn ra những cái khác.

Bất cứ thời điểm lịch sử ngặt nghèo nào cũng cần có những nhân tố đặc biệt, những cá nhân kiệt xuất có thể mang đến sự thay đổi. Cái xã hội Việt Nam cần bây giờ là những cá nhân như thế: Những người tìm ra được hướng đi mới, đủ sức mạnh, đủ can đảm tổ chức, sắp xếp lại xã hội theo hướng đi đó. Những người tạo ra hệ thống đó, rồi kiểm soát nó và phát triển nó, xử lý những yếu tố phát sinh trong hệ thống đó.

Một dàn nhạc dù toàn nhạc công giỏi, nhưng không có nghĩa sẽ đánh được một bản giao hưởng hay nếu không có một người nhạc trưởng đại tài, thổi hồn cho bản nhạc. Người nhạc sĩ viết ra bản nhạc hay đã đành, nhưng tạo ra sức sống cho toàn bộ bản nhạc đó phải là người nhạc trưởng, để thính giả cảm nhận được nốt này là lá rơi, nốt kia là gió thổi....

Có những người từng hỏi tôi về sự thay đổi của đất nước và thời điểm của sự thay đổi đó. Sự thay đổi đó có thể là ngày mai, có thể là 100 năm, 200 năm hoặc ... không bao giờ. Điều đó tùy thuộc vào ý chí, bản lĩnh và sự dũng cảm của cả một dân tộc. Trong lịch sử từng có những hiện tượng có những dân tộc đã đi đến sự suy tàn, khi dân tộc không thể thay đổi để tiệm cận với cái mới mang ý nghĩa là cái tiên tiến, cái phát triển của thời đại.

Đã có những đế chế hùng mạnh, những nền văn minh rực rỡ trong lịch sử đã bị hủy diệt một cách ghê gớm. Những ví dụ đó chứng tỏ một điều nếu tổ chức xã hội không tốt, dân tộc có thể đi đến suy tàn.

Không độc quyền về chân lý, không độc quyền về mục tiêu, về lợi ích, là bí quyết duy nhất cho sự sinh tồn của dân tộc. Và tôi mong dân tộc này sẽ chọn được con đường sáng suốt nhất để bước đi.
Tô Lan Hương ghi
(Tuần Việt Nam)

Đoan Trang: Việt Nam - đất nước thừa mứa lời khuyên

“KHUYÊN

Một số bác trong cộng đồng FB Việt Nam đang ngưỡng mộ cậu sinh viên Joshua Wong 17 tuổi ở Hong Kong, và đặt các câu hỏi như “bao giờ đến sinh viên Việt Nam?”, “bao giờ thanh niên Việt Nam được như thế này?”…

Hình như chúng ta không để ý đấy chứ xung quanh chúng ta, nói rộng ra là ở cả Việt Nam, thể nào chẳng có những thanh niên mà các cụ, các bác khen là “có tố chất”, “có tiềm năng”. Tiếc là cái “tố chất” với “tiềm năng” ấy cứ mãi mãi như thế, không thấy nó phát triển lên một mức cao hơn, có giá trị thực tiễn hơn. (Thì cũng giống như Việt Nam đến giờ vẫn là một đất nước đầy “nội lực” và sẽ còn như thế, không thấy nội lực ấy chuyển hóa thành cái gì khác).

Hình như chúng ta quên mất một chuyện mới đây thôi:

Tôi rất xin lỗi những người chơi của Flappy Bird, tôi sẽ gỡ bỏ Flappy Bird trong vòng 22 tiếng nữa. Tôi đã chịu đựng đủ rồi”. (2h sáng ngày 9/2/2014 trên tài khoản Twitter của Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi Flappy Bird).

Câu chuyện của Nguyễn Hà Đông mới xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh-công nghệ thôi đấy. Bây giờ ta nói, giả sử trong lĩnh vực chính trị, một thanh niên nào đấy lại nổi lên như một gương mặt có dáng dấp “lãnh tụ sinh viên” thì sao nhỉ?

Trước mắt là thanh niên ấy sẽ nhận được vô số lời khuyên bảo của các bậc cha chú, kiểu như “nên tập trung vào học đã”, “làm gì thì làm, phải có uy tín, bản lĩnh chính trị, mày chưa là cái gì đâu”, “cứ cố học xong ra trường, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định đã”, “nhân sĩ trí thức đầy ra đấy mà còn chưa làm được gì, mày thích làm lãnh tụ hả cháu?”, “bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, lúc này là phải hết sức thận trọng mới được cháu ạ”, v.v. Được khuyên như thế thì chẳng thà bật ti-vi lên nghe phát thanh viên khuyên còn hơn (nhưng bật ti-vi lên thì lại tốn… điện).

Bên cạnh các bậc cha chú mở miệng là khuyên nhủ, các thanh niên còn được hưởng sự ganh ghét, đố kỵ của bạn bè đồng trang lứa hoặc xấp xỉ trang lứa.

Tới chừng thanh niên bắt đầu “tỏ ra nguy hiểm”, thì sẽ được sự chiếu cố của các loại Phòng Công tác Chính trị, Công tác Sinh viên, Giáo vụ… Rồi thì đến công an khu vực, cao nữa là an ninh thành phố, an ninh Bộ.

Ừ, thế thì bao giờ đến sinh viên Việt Nam làm nên một sự kiện như Mùa Xuân Ả-rập hay mùa thu Hong Kong?

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

TRÁCH AI?

  • Lê Quốc Tuấn

Câu chuyện của Joshua Wong ở Hong Kong là lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh Việt Nam.

Khi chú Joshua Wong ở Hong Kong thử thách Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao người ngưỡng mộ.

Dĩ nhiên Joshua là chú bé tài giỏi khác thường. Nhưng câu chuyện về Joshua cho chúng ta thấy toàn cảnh của một xã hội với hàng trăm ngàn thanh thiếu niên khác cùng suy nghĩ được như Joshua và đàng sau chúng là những phụ huynh. Tất cả cho thấy một xã hội biết bảo nhau cùng đứng lên cho điều đúng. Khung cảnh ấy giờ chỉ là ước mơ của bao người Việt Nam.

Thế là, tuổi trẻ Việt Nam nhìn vào, người lớn cũng nhìn vào. Ai cũng ao ước, so sánh phải chi tuổi trẻ Việt Nam được như chú... Và, giữa những tiếng xuýt xoa khâm phục, ta nghe không thiếu tiếng trách cứ tuổi trẻ Việt Nam chỉ biết ích kỷ, hưởng thụ, vô cảm...v.v...

Tuổi trẻ ở đâu ra? Chúng là từng em, từng cháu đi ra từ mỗi mái gia đình chúng ta. Tuổi trẻ nhiều năng lực, chúng luôn luôn phải làm một điều gì đó, không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Nếu không nhìn ra được điều gì đúng, chúng sẽ làm điều khờ dại. Không có cách nào khác.

Một người bạn tôi (ở Việt Nam, mới qua Toronto vài năm nay) có chia sẻ với tôi một điều đáng ngẫm nghĩ: Xã hội Việt Nam hiện có 4 người thầy đều đa phần hỏng cả: thầy tu, thầy dạy học, thầy thuốc và người thầy trong nhà (ông bố trong mỗi gia đình). Mỗi thầy hỏng một kiểu khác nhau.

Chuyện thầy Mạnh Tử khi bé, cứ ở quanh hạng người nào là bắt chước hạng người ấy, hẳn mọi người còn nhớ. Những đứa trẻ lớn lên trong xã hội hỏng từ trong nhà ra ngõ như thế sẽ ra sao? Hỏi là tự trả lời.

Vì những người lớn hèn kém mà tuổi trẻ bị thui chột. Đừng vội trách tuổi trẻ, hãy trách chính chúng ta.

Tôi cho rằng câu chuyện của Joshua là niềm khích lệ cho tuổi trẻ đồng trang lứa nhưng đồng thời là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh.

Chúng ta có lỗi là đã không tạo nên một môi trường tốt cho tuổi trẻ. Các phụ huynh giỏi xoay sở, chỉ tích cực bám vào mọi kẽ hở cả về pháp lý và đạo lý để làm tiền, các phụ huynh kém may mắn hơn, cúi mặt lượm từng đồng bạc lẻ cho bữa ăn, không còn tâm, lực mà lo đến điều gỉ khác hơn.

Ai cũng biết, cũng nhìn thấy xã hội có quá nhiều điều không hay không phải, thậm chí nguy hại nữa nhưng đa phần đều chọn thái độ mũ ni che tai. Không kể đến những phụ huynh vô trách nhiệm, ngay cả những phụ huynh hết lòng vì con em mình: Nhiều người vẫn tưởng mình che chở, nuôi dạy được con, bằng cách cố cách biệt chúng khỏi cái xã hội đổ vỡ ngay ngoài cửa nhà…

Nhưng hãy nghĩ đi sẽ thấy: Chúng ta không bao giờ có thể tách rời được con trẻ ra khỏi xã hội. Khi chỉ phản ứng cục bộ, tiêu cực, thụ động với sai trái, giả dối có hệ thống của xã hội như thế, phụ huynh Việt Nam sẽ không bao giờ tạo nên được một thế hệ trẻ lành mạnh.

Tuổi trẻ Việt Nam, chúng là nạn nhân của mỗi chúng ta. Nếu biết suy nghĩ, chúng sẽ quở trách chúng ta. 

Chính vì thế, Việt Nam sẽ khó có thể có được một Joshua Wong và đó chưa hẳn là do lỗi của lớp trẻ.


    Đoan Trang
(Blog Đoan Trang)

‘Dân số vàng' của Việt Nam còn đang ngái ngủ

Hôm rồi đám giỗ Nội, trong bàn tiệc trà dư tửu hậu, tôi có nghe ba tôi và bác Sáu nói chuyện về “dân số vàng” của Việt Nam. Thành thật mà nói, chuyện cũng chẳng mới mẻ gì, nhưng rõ ràng, nếu không lên tiếng, chưa chắc chuyện đó trở thành quá khứ. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, một nước được coi là có “cơ hội dân số vàng” khi tỉ số phụ thuộc dân số của nước đó nhỏ hơn 50, nói theo cách khác là cứ một người ngoài độ tuổi lao động sẽ được trợ cấp bởi hơn hai người trong độ tuổi lao động. Còn theo Tổng cục thống kê VN, “cơ hội dân số vàng” xảy ra khi tỷ lệ trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) thấp hơn 30% và tỷ lệ người cao tuổi (65 tuổi trở lên) thấp hơn 15%. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, vào năm 2010, số người trong độ tuổi lao động (15–64 tuổi) ở Việt Nam chiếm hơn 60%. Dự kiến trong giai đoạn năm 2011–2020, lực lượng lao động VN tăng 1% năm. Theo đó, ước lượng dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ tương ứng 47,82 triệu người (2011); 50,4 triệu người (2015) và 53,15 triệu người (2020). Như vậy, trong vòng 30 năm tới, Việt Nam đang và sẽ bước vào thời kỳ “dân số vàng”.
Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam có một bài báo cáo vào năm 2010 để nhắc nhở Việt Nam về việc tận dụng cơ hội “dân số vàng” để phát triển nền kinh tế đất nước. Trong bài báo cáo này, các chuyên gia đã chỉ ra những kinh nghiệm của các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á. Ở Đông Á, bao gồm Nam Triều Tiên, Đài Loan và Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng chính thời kỳ “dân số vàng” đã đóng góp đến 30% vào sự phát triển thần kỳ ở 3 quốc gia này. Những yếu tố giúp các quốc gia này tạo ra điều kỳ diệu đối với quá trình phát triển của họ bao gồm: nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng, dân số ổn định và tăng trưởng việc làm cao, và tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư cao.
Trong giai đoạn phát triển thần kỳ từ 1960-1990, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người ở Đông Á là vào khoảng 6%/năm. Có một thực tế là trước đó vào khoảng cuối những năm 1940, có một sự bùng nổ dân số diễn ra ở các quốc gia Đông Á này và thế hệ bùng nổ đó 20 năm sau đã trưởng thành và trở thành lực lượng lao động hùng hậu cho các quốc gia này.  Vào thời điểm đó, lực lượng lao động gia tăng với tốc độ trung bình năm là 2,4% và giảm mạnh tỷ số phụ thuộc dân số về mặt kinh tế. Chính sách dân số rõ ràng, có kế hoạch phù hợp, các quốc gia Đông Á hơn 20 năm sau thời kỳ bùng nổ dân số đã ban hành chính sách giảm sinh, vì vậy tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm trong khi tỉ lệ tăng dân số tham gia lao động lại mạnh mẽ (do ảnh hưởng của đợt sóng dân số vào khoảng cuối năm 1940), do đó tỉ lệ phụ thuộc kinh tế của dân số rất thấp và biến khu vực Đông Á trở thành khu vực có dân số tham gia lao động vào hàng cao nhất của toàn khu vực. Đồng thời, việc làm và năng suất lao động của các ngành, đặc biệt là dịch vụ và công nghiệp chế tạo, tăng lên nhanh chóng. Số lượng lao động ngành nông nghiệp giảm nhưng năng suất lại tăng, thậm chí còn tăng cao nhất trong các ngành, nên vẫn đảm bảo được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho xã hội.
Ở Đông Nam Á, thời kỳ “dân số vàng” đến muộn hơn so với các nước Đông Á. Ở Singapore, thời kỳ dân số vàng kéo dài từ năm 1980 đến 2020, Thái Lan là 1990 đến 2025, Malaysia là 2015 đến 2045, Phillipines là 2030 đến 2050, Việt Nam cùng chung thời kỳ với Indonesia từ 2010 đến 2040. Theo UNFPA, sỡ dĩ lợi tức dân số đóng góp vào sự phát triển đất nước ở khu vực Đông Nam Á không cao là vì trình độ tay nghề của lao động ở khu vực này thấp hơn so với Đông Á, chưa kể chính sách kinh tế chưa mang tầm vĩ mô cho nên không tận dụng hết năng lực cấp cao và để chảy máu chất xám ra nước ngoài rất lớn. Rõ ràng Việt Nam đang mới bước vào giai đoạn “dân số vàng” và rất cần sự đầu tư và kế hoạch phát triển bài bản để có thể tận dụng hết mọi lợi ích từ thời kỳ này. Chính việc dúc kết kinh nghiệm tận dụng thời kỳ “dân số vàng” của các nước Đông Á và Đông Nam Á là một bài học thực hành quý báu mà Việt Nam cần phải áp dụng.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, người Việt Nam còn đang lơ là đối với tương lai của đất nước và của chính mình. Báo cáo gần đây nói về năng suất lao động của người Việt như một gáo nước lạnh dội vào chính người lao động ở Việt Nam. Đừng suốt ngày mơ mộng và tự ảo tưởng với bài ca: “Việt Nam với lực lượng dân số đông, trẻ và giá nhân công thấp.” Người nước ngoài vào đầu tư ở nước ta, trả cho dân ta số tiền rẻ mạt và chúng ta tự hào vì điều đó? Và rồi báo cáo về năng suất lao động đã chứng minh cho cả thế giới biết là Việt Nam có lực lượng lao động yếu kém nhất khu vực. Đáng tự hào chăng? Liệu có ai muốn đến Việt Nam và làm ăn?
Khi trò chuyện với một bạn trẻ đang làm việc tại Phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường ở một huyện thuộc tỉnh Bình Dương (tỉnh được xem là một trong những địa phương có nền kinh tế năng động nhất cả nước), tôi mới vỡ lẽ chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Bạn trẻ này tâm sự và than vãn rằng lương tháng quá thấp (khoảng 1 triệu 9 trăm nghìn đồng, chưa đến 100 đô la Mỹ), công việc là đo đạc và kiểm tra đất đai. Khi được hỏi công việc có áp lực không, anh cho rằng chẳng có nhiều việc để làm, mỗi ngày theo quy định là phải có mặt ở văn phòng lúc 8 giờ sáng và rời khỏi văn phòng lúc 5 giờ chiều, thế nhưng chẳng ai quản lý giờ giấc, thậm chí là có nghỉ làm vài ngày không xin phép cũng chẳng sao. Mỗi người một máy tính, tha hồ chơi game, xem phim và facebook. Anh cho rằng công việc ở đây làm bạn phí thời gian nhưng khi được hỏi là tại sao không xin việc ở nơi khác thì anh nói trình độ và bằng cấp không có, công việc hiện tại là do gia đình quen biết và xin cho. Đó chỉ là một ví dụ ở một đơn vị hành chính công của Việt Nam, còn phía khối doanh nghiệp nhà nước thì cũng không kém. Một người bạn của tôi đang làm ở phòng kinh doanh của một doanh nghiệp nhà nước lớn (có khoảng hơn 30 công ty con) thì có cách than vãn nhẹ nhàng hơn. Chả là mấy hôm nay tuyến cáp quang internet bị sự cố ngoài biển, bạn bực mình vì chẳng thể download phim về xem được. Là con gái một sếp nhân sự ở doanh nghiệp này cho nên dù chỉ có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, chị vẫn được vào làm ở đây. Lịch trình hằng ngày của chị như sau: 8 giờ đến cơ quan điểm danh và mở máy tính, đọc báo lướt web đến khoảng 9 giờ kém đi ăn sáng uống cà phê cùng đồng nghiệp, đến khoảng 10 giờ về lại văn phòng và download phim trong lúc tiếp tục lướt web đến 11 giờ hơn, 12 giờ nghỉ trưa nhưng vì là con gái nên chị tự cho phép mình về sớm một tí và vào muộn một tí vào đầu giờ chiều. Thường là đầu giờ chiều các sếp đi ra ngoài tiếp khách hoặc làm việc riêng đâu đó nên chị cũng lơ là công việc hơn buổi sáng một tí. Hai trường hợp trên đây không phản ánh tất cả nhưng cũng cho thấy tồn tại một bộ phận đang lãng phí của công và ăn bám xã hội một dưới vỏ bọc “nhân viên văn phòng”.
Ở một góc độ khác, có nhiều ý kiến Việt Nam nên tăng tuổi hưu cho cả nam lẫn nữ để ngăn chặn nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Thực tế cho thấy, có những người đã nghỉ hưu từ ngay khi họ bắt đầu bước chân vào một cơ quan hành chính sự nghiệp hay một cơ quan doanh nghiệp nhà nước. Cũng tại doanh nghiệp nhà nước trên, tôi thấy có rất nhiều trường hợp lao động đã đến hoặc quá tuổi hưu nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện tại văn phòng. Khi được hỏi vì sao lại có những trường hợp như vậy, thì người quản lý nhân sự thở dài và trả lời rằng: “Đa số họ là những người đã tham gia làm việc tại đây lâu, là anh em, đồng chí tốt của thủ trưởng, họ đến tuổi hưu nhưng về nhà cũng chỉ lãnh lương hưu ba cọc ba đồng, họ xin thủ trưởng cho tái ký hợp đồng lao động và lãnh lương doanh nghiệp. Thực ra công việc nhàn hạ, giờ giấc thoải mái, chẳng dại gì không tiếp tục tái ký hợp đồng để lãnh lương cao hơn mấy lần chế độ hưu trí của bão hiểm xã hội.”
Trong bài viết này, ở phần đầu tôi mượn những con số thống kê, những phân tích của Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc để nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích từ thời kỳ “dân số vàng” đang diễn ra ở Việt Nam. Trong phần sau của bài viết này tôi đã không đề cập đến những vấn đề vĩ mô như chính sách, kế hoạch hay chiến lược phát triển gì cả, chỉ mong chính mỗi người chúng ta, những người đang tham gia lao động và đóng góp cho sự phát triển của bản thân và của đất nước, những người đang được xem là “dân số vàng” của Việt Nam hãy thay đổi từ bản thân mình để đừng đánh mất cơ hội phát triển, đừng để cả thế giới xem chúng ta là những kẻ lười biếng và còn ngái ngủ trên cơ hội của đất nước.
Cao Huy Huân
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Bao giờ 'nghị sỹ' Việt tiếp dân ở... siêu thị?

Ở các nước, nghị sỹ có thể mượn sảnh siêu thị, quán cà phê để gặp gỡ, nói chuyện với cử tri, ai muốn đến thì đến, trong khi các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH lại diễn ra như một cuộc họp có tính chất hành chính, dường như vẫn còn khoảng cách.
Bao giờ 'nghị sỹ' Việt tiếp dân ở... siêu thị?

LTS: Luật Tổ chức Quốc hội đang được sửa đổi, chuẩn bị trình ra kỳ họp QH tháng 10 tới,  Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về kinh nghiệm hoạt động của nghị viện các nước như một kênh tham chiếu.

Họp xong "ai về nhà nấy"

Trước hết xin nói về tính chuyên nghiệp.

Ở hầu hết các nước, các nghị sỹ đều làm việc chuyên trách toàn bộ thời gian, nghị viện hoạt động thường xuyên, quanh năm.

Nghị viện các nước theo mô hình của Anh như Úc, Canada, New Zealand có thời gian dành cho chính phủ, cho cá nhân, cho chất vấn, hỏi - đáp, cho thảo luận dự luật, cho các ủy ban; hai ngày cuối tuần thường được dành cho nghị sỹ về khu vực bầu cử v.v...

Tính chuyên nghiệp của nghị viện nhiều nước còn thể hiện qua sự phân định vai trò, nhiệm vụ rõ ràng, rành mạch giữa các chức danh lãnh đạo với nghị sỹ, giữa nghị sỹ và nhân viên giúp việc, giữa các đơn vị giúp việc v.v...

Một ví dụ điển hình là ở nhiều nước như Đức, Mỹ, Anh, đã ngồi ở ghế chủ tọa phiên họp thì không được tham gia tranh luận, muốn tranh luận, người đó phải rời ghế chủ tọa xuống ngồi ở dưới như một nghị sỹ bình thường. Nghĩa là chủ tọa chỉ đóng vai trò điều hành trung lập, vô tư, khách quan.

Nghị viện nhiều nước phân công lao động sâu theo các lĩnh vực của các Ủy ban, tiểu ban, đồng thời các Ủy ban, tiểu ban có điều kiện về thời gian, con người để xem xét kỹ lưỡng, chuyên sâu các vấn đề thuộc thẩm quyền. Như ở Nhật Bản, khi ra phiên họp toàn thể, các nghị sỹ chủ yếu thảo luận các nội dung chính sách lớn, hoặc các nội dung còn gây nhiều tranh luận.

Vai trò cá nhân nghị sỹ được coi trọng qua việc trao quyền cho nghị sỹ, các đặc quyền được hưởng, điều kiện làm việc... Nghị sỹ ở các nước được coi là một nghề, thường kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, thậm chí có những bậc trưởng lão làm nghị sỹ đến cuối đời. Ngược lại, ở nước ta, qua mỗi nhiệm kỳ Quốc hội lại có khoảng 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội là người mới.

Các quy trình, thủ tục nghị viện thường chi tiết, chặt chẽ, tạo thành nề nếp làm việc. Chẳng hạn, không chỉ ở Anh hay Mỹ, mà kể cả những nước như Pakistan, Slovenia, chỉ riêng thủ tục để nghị sỹ nêu kiến nghị cũng đã rất nhiều, rất chi tiết, giúp nghị sỹ và chủ tọa phiên họp dễ dàng hơn.

Còn ở VN, chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, nhiều khi khó làm việc vì thiếu các thủ tục cụ thể để thực thi một quyền hạn đã được quy định.
Quốc hội, nghị sĩ, Hiến pháp, trưng cầu dân ý, đại biểu, cử tri, bầu cử
Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây đã có những nét cải tiến. Ảnh: Minh Thăng
Gặp gỡ cử tri như cuộc họp

Giữa QHVN và nghị viện các nước cũng có khác biệt lớn qua các chức năng lập pháp, giám sát, đại diện. Như một số nghị viện, QHVN có cả quyền lập hiến. Trong khi đó, đa số nghị viện không thực hiện quyền lập hiến này, mà nhân dân sẽ trực tiếp bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp; hoặc Nghị viện biểu quyết trước về Hiến pháp, sau đó đưa ra trưng cầu ý dân.

Ở các nước, để thực hiện chức năng đại diện, theo một khảo sát gần 700 nghị sỹ trên toàn thế giới do Liên minh nghị viện thế giới (IPU) thực hiện năm 2011, những người được hỏi cho rằng, việc phục vụ cử tri chiếm nhiều thời gian nhất trong các hoạt động của họ, hầu hết dành khoảng 30-40 giờ mỗi tuần. Một nghị sỹ Thái Lan cho biết có ngày ông đã gặp gỡ, nói chuyện riêng rẽ với 33 cử tri.

Còn ở ta, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng trên thực tế, đại biểu Quốc hội hầu như chỉ dự 4 cuộc tiếp xúc cử tri mỗi năm, hàng tháng có thể tham gia tiếp dân một lần, hoặc có thể có vài cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề nào đó.

Để giữ mối liên hệ với cử tri, các nghị sỹ có nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, trong đó những kênh mà ĐBQH Việt Nam cũng có. Tuy nhiên, nếu như nghị sỹ có thể mượn sảnh siêu thị, quán cà phê để gặp gỡ, nói chuyện với cử tri, ai muốn đến thì đến, thì các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH lại diễn ra như một cuộc họp có tính chất hành chính, dường như vẫn còn khoảng cách. Nghị sỹ ở nhiều nước như Thụy Điển, Iran, Anh còn thường xuyên nhận được email của cử tri, dùng mạng xã hội để giữ liên hệ với cử tri, còn ở Việt Nam đây là chuyện rất hiếm khi xảy ra.

Giống như nghị sỹ các nước, đại biểu QHVN cũng vừa phải đại diện cho quyền lợi của cử tri, vừa bảo vệ lợi ích tầm quốc gia. Tuy nhiên, nhiệm vụ đại diện của đại biểu Quốc hội sẽ phân tán, co kéo bởi một số yếu tố khác như: đại diện cho lợi ích của địa phương, đại diện cho ngành, lĩnh vực.

Về lập pháp, nghị quyết của nghị viện các nước chỉ để thể hiện thái độ, quan điểm, ví dụ về các vấn đề trên biển Đông, chứ không đặt ra các quy phạm có tính chất bắt buộc phải thi hành. Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) của Việt Nam ban hành pháp lệnh với các quy phạm pháp luật bắt buộc thi hành, là loại văn bản quy phạm pháp luật hầu như không có ở các nước, trừ Trung Quốc.

Ở các nước, hoạt động lập pháp chuyên sâu chủ yếu diễn ra ở các Ủy ban; lúc trình ra trước phiên họp toàn thể chỉ thảo luận các nội dung chính sách lớn, thậm chí toàn thể nghị viện chỉ biểu quyết mà không thảo luận.

Còn ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, công đoạn Ủy ban chưa phát huy hết vai trò của mình.
Với QHVN, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được coi là một chức năng riêng. Trong khi ở các nước, đây được coi là một phần trong chức năng lập pháp, vì các quyết định đó đều được thể hiện dưới dạng các luật.

Phạm vi giám sát tối cao của QHVN đối với hoạt động của Nhà nước rộng hơn rất nhiều so với nghị viện các nước. Trong khi QHVN giám sát cả tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nghị viện các nước chỉ tập trung giám sát chính phủ với thành phần là các bộ, ngành.

Một điểm đáng chú ý ở nghị viện các nước, giải trình/điều trần và sử dụng các ủy ban điều tra là các hình thức giám sát phổ biến. Theo một khảo sát, có gần 80/88 nghị viện áp dụng điều trần trong hoạt động của mình. Trong khi việc tổ chức các đoàn giám sát là hoạt động phổ biến ở QHVN, nghị viện các nước hầu như không sử dụng hình thức giám sát này.
(Còn nữa)
  Nguyên Lâm
(Tuần Việt Nam)

Chết ở Mỹ, chôn ở VN - chi phí của lần 'quy cố hương' cuối cùng

WESTMINSTER, Calif (NV) - Sinh tử là quy luật hiển nhiên của tạo hóa. Cái chết là điểm dừng chân cuối cùng không ai tránh được. Đối với nhiều người Việt tha hương, chết không chỉ là hết, mà còn là sự chuẩn bị cho một ngày "trở về" - “quy cố hương.”
Nhà quàn Thiên Môn chuẩn bị đưa thi hài của người đã mất ra phi trường gửi về Việt Nam. (Hình: Kalynh/Người Việt)
Về bằng cách nào?

Tuấn Nguyễn, người thành lập nhà quàn Thiên Môn, là người đến Mỹ từ lúc còn rất nhỏ tuổi, cho biết: "30% những gia đình đến nhờ nhà quàn Thiên Môn mang thi hài người thân về Việt Nam đều là người miền Nam. Và đặc biệt, tất cả họ là những người đã đặt chân đến xứ sở này bằng con đường vượt biển.”

Anh Minh, cư dân của thành phố Santa Ana, người vừa thực hiện xong ước nguyện cuối đời của mẹ mình là di quan thi hài về Việt Nam, cho biết: “Gia đình tôi, bên này lẫn bên Việt Nam, không phải lo gì cả ngoài tờ giấy chứng nhận của bác sĩ. Sau đó thì nhà quàn Thiên Môn lo hết tất cả những gì còn lại, cả giấy tờ cần thiết bên Việt Nam. Gần đến ngày thi hài mẹ tôi được đưa về đến Qui Nhơn, nhân viên của họ gọi điện thoại cho chúng tôi biết để người nhà bên Việt Nam chuẩn bị. Sau đó, họ mang thi hài mẹ tôi đến tận nhà."

Là một người lớn lên ở Mỹ, nhưng vì tính chất công việc, anh Tuấn tìm hiểu rất nhiều về phong tục tập quán của người Việt. Chính vì vậy, "chúng tôi cung cấp một dịch vụ chu toàn từ phong tục truyền thống như ma chay, tụng liệm, cho đến đáp ứng thời gian nhập quan theo ý của gia đình. Chúng tôi làm với một mức giá phù hợp với người Việt.”

Nói thêm về công việc của mình, Tuấn cho biết: “Tất cả những gì anh mong muốn là giúp cho người Việt mình phương cách thỏa đáng nhất để cho dù có nằm lại đây thì sẽ là một lễ tang đúng theo truyền thống, hay muốn đưa thi hài quay về cố hương thì cũng bằng dịch vụ tốt nhất và khả thi nhất.”

“Trong dịch vụ này, giai đoạn đầu tiên là lâu nhất. Đó là lúc chờ nhận tờ giấy 'chứng tử' từ bác sĩ có thẩm quyền,” Tuấn nói về điều đầu tiên cần phải cho việc mang thi hài ra khỏi nước Mỹ.

Điều này được ông Khang Lê, chủ nhà quàn An Lạc cũng đồng ý: “Phần quan trọng nhất là giấy xác nhận với chữ ký của bác sĩ thì việc di quan về Việt Nam mới thực hiện được. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng mau chóng. Vì có khi người bác sĩ đó bận đi công tác hoặc vì một công việc gì đó thì thời gian sẽ bị lâu hơn.”

“Chúng tôi kết hợp với một nhà quàn đối tác ở Việt Nam để thực hiện giai đoạn nhận thi hài ở phi trường và mang đến tận nhà cho gia đình. Thời gian từ năm đến bảy ngày hoặc có thể lâu hơn một chút,” ông Khang nói.

Cô Lynda Trần, quản lý của nhà quàn Peek Funeral Home tọa lạc trên đường Bolsa có cách giải thích rõ ràng hơn về những thủ tục pháp lý: “Chúng ta đang sống ở Mỹ, một đất nước mà mạng sống của con người rất được trân quí. Xã hội này lo cho chúng ta từ sống cho đến khi mất đi. Nói cách khác là cái chết của mỗi con người cũng phải được chứng nhận rõ ràng. Nó liên quan đến luật pháp, đến y tế. Đó là lý do mà gia đình phải có được tờ giấy chứng nhận người thân mình đã chết với chữ ký của bác sĩ thì lúc đó những chuyện tiếp theo mới được tiến hành.”

Để chứng minh cho điều mình nói, cô Lynda kể một trường hợp của một gia đình có người thân vừa mất: “Đó là một người không có tiền sử bệnh nan y. Thế nhưng, trong một lần uống thuốc, vì lý do gì đó mà viên thuốc khi vào trong đường thở, làm chặn lại đường hô hấp. Trường hợp này phải đợi đến bác sĩ giảo khiệm, tìm ra nguyên do, sau đó gia đình mới có được giấy phép để hỏa táng.”

Điều này cũng cùng nhận định với anh Tuấn Nguyễn và ông Khang Lê về thủ tục pháp lý cần phải có đầu tiên cho dịch vụ hậu sự, dù là hỏa táng ở Mỹ, chôn cất ở Mỹ hoặc đưa thi hài về Việt Nam.

Một chia sẻ rất chân thành của cô Lynda, đó là: “Với tôi, đây là một thủ tục rất tình người. Đó là cái tình cho người ở lại. Người ở lại sẽ không bị liên lụy đến cái chết không rõ nguyên nhân của người đã mất.”

Cô Lynda cho biết có hai lựa chọn trong dịch vụ di quàn thi hài về Việt Nam. Lựa chọn thứ nhất là Peek Funeral Home sẽ lo tất cả giấy tờ hậu sự cần thiết ở Mỹ và Việt Nam. Sau đó, thi hài được đưa về đến tận gia đình.

Lựa chọn thứ hai là gia đình ở Việt Nam tự đến phi trường để nhận thi hài người thân. Với lựa chọn này, gia đình người mất phải cung cấp cho nhà quàn “Đơn xin nhận thi hài” (xin bên phía Việt Nam). Sau khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Peek Funeral Home sẽ lo phần “visa cho người chết” (theo cách nói của cô Lynda).

Bao nhiêu cho một lần trở về?

Nói về chi phí, Tuấn Nguyễn cho biết: “Có hai trường hợp. Nếu gia đình cần chúng tôi lo hết mọi thứ, từ giấy tờ ở đây và ở Việt Nam, cho đến di quàn về đến tận nhà, thời gian mất một tuần. Gia đình không phải lo gì cả. Giá là $11,500. Còn nếu gia đình lo giấy tờ ở Việt Nam, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm giấy tờ ở Mỹ và mang thi hài về đến phi trường thì thời gian là hai tuần. $9,500 là chi phí tổng cộng khách hàng trả cho trường hợp này.”

“Đặc biệt, Thiên Môn có một quy tắc, đó là khi mọi chuyện xong xuôi, chúng tôi mới lấy chi phí,” Tuấn nói thêm.

"Những gia đình nào muốn làm tang lễ cho bạn bè, thân hữu thăm viếng, chúng tôi sẽ giúp tổ chức phần đó. Sau khi xong, chúng tôi đưa quan tài về Việt Nam. Thường thì công ty của tôi gửi qua Thai Airway, một loại máy bay cargo, không dùng để chở hành khách."
Nhà quàn Thiên Môn dùng giấy màu đỏ làm dấu hiệu để khi nhận thi hài biết đâu là vị trí của chân. (Hình: Kalynh/Người Việt)
Anh Minh, người vừa đưa thi hài mẹ của mình về Quy Nhơn cũng bày tỏ sự hài lòng và cả biết ơn với dịch vụ của Thiên Môn, “xong xuôi hết chúng tôi mới phải trả tiền.”

Ông Khang Lê, nhà quàn An Lạc, cho biết tổng chi phí một dịch vụ hậu sự mà An Lạc nhận sẽ bao gồm từ việc lo tang lễ bên này, tùy theo tôn giáo từng gia đình, cho đến di quàn thi hài người mất về đến Việt Nam là trên dưới $15 ngàn.

Tuy nhiên, ông Khang Lê cho biết mức giá có thể cao hơn tùy theo loại quan tài mà gia đình sử dụng.

"Hình thức và cả chất lượng,” ông nói.

Không chỉ áp dụng một mức giá mà ông gọi là “dành cho người Việt,” ông Khang, một trong hai người Việt ở Little Saigon được tiểu bang California cấp chứng nhận Funeral Director, cho biết: “Đã sống đến tuổi này, tôi hiểu và chứng nghiệm rất rõ câu 'có nhân thì có quả.' Công việc của chúng tôi thực sự gọi là giúp cho người đã chết. Và tôi sẽ luôn luôn đặt chữ đạo đức lên hàng đầu.”

“Dù là Phật giáo hay Công giáo, bất cứ lúc nào, dù là nửa đêm, tôi cũng có thể gọi giúp ngay một nhà sư hay một cha xứ đến để đọc kinh cầu nguyện cho gia đình có hậu sự.”

Tuấn Nguyễn thì cho biết thêm về những gì nhà quàn Thiên Môn có thể đáp ứng cho khách. "Người Việt mình có một phong tục là coi ngày giờ tốt cho lễ nhập quan. Cho dù thời gian đó là vào lúc nửa đêm, tôi vẫn thực hiện được.”

Ông Khang chia sẻ thêm rằng ông đến với công việc này cũng vì “một phần là cái nghề, một phần là không muốn người Việt mình ở đây bị các công ty nhà quàn của Mỹ 'bắt chẹt.'”

Ông kể ra một câu chuyện vui mà ông cho là “không biết nên cười hay nên khóc.” Một người bạn nói với ông “sau khi xem chi phí của dịch vụ mai táng của một số nơi, tôi tự nói với mình là thôi mình khoan chết. Vì chết tốn tiền quá.”

Ông Khang chia sẻ: “Những công ty nhà quàn của Mỹ nắm được tâm lý 'chịu chi' của người Việt Nam. Chính vì vậy, họ thuê nhân viên là người Việt làm 'salesman' và cho người đó tùy ý đưa ra giá cả. Những 'salesman' đó được tiền 'hoa hồng' trên giá mà họ 'bán' được cho khách hàng.”

“Đây gọi là kinh doanh trên thân xác người chết,” ông nói.

Cô Lynda Trần cho biết tổng chi phí của Peek Funeral Home cho dịch vụ di quàn thi hài vào khoảng $7,000 - $15,000, tùy lựa chọn của gia đình. Chi phí khoảng $15,000 là cho những gia đình muốn tổ chức tang lễ thăm viếng ở đây trước khi di quàn thi hài về Việt Nam.

Tuấn Nguyễn cũng thế: “Giá cả dịch vụ của tôi thấp hơn những công ty Mỹ hơn một nửa. Đơn giản vì công ty Mỹ nắm được điểm mấu chốt của người Việt mình là rất trọng nghi thức như chôn ở đâu, tang lễ thế nào. Tôi là người Việt nên tôi hiểu và tôi không để cho người Việt của mình thiệt thòi.”

“Dù là công việc gì, cũng phải cần đạo đức,” anh nhấn mạnh.

Nhà quàn An Lạc cũng cho biết, so với di quàn thi hài, dịch vụ đưa tro cốt về Việt Nam không những dễ mà chi phí còn thấp hơn rất nhiều.

Nhưng theo ông Khang thì “không có nhiều người Việt hải ngoại chọn cách này. Thật sự cá nhân tôi không rõ vì sao. Tôi chỉ đoán có thể là do phong tục tập quán của người Việt mình là muốn con cháu nhìn mặt lần cuối.”

Riêng cô Lynda Trần thì cho biết: “Khách hàng gần đây nhất của tôi là bác Trợ, ở ngay Santa Ana. Chính tôi đã tư vấn cho bác ấy cách gửi tro cốt về Việt Nam bằng đường bưu điện, với giá $100. Và bác cho tôi biết gia đình bên Việt Nam đã nhận được. Đó là một trong những cách mà tôi nghĩ tôi có thể giúp cho cộng đồng của mình.”

"Công việc tôi đang làm trước nhất là giúp cho những người đã chết, và sau đó là người thân của họ," cô nói thêm.

Vì sao họ quay về?

Anh Tuấn Nguyễn cho rằng sở dĩ người Việt mình thích “quay trở về nằm ở quê hương” vì đó là tâm lý người Á Đông, nhất là người Việt Nam, khi mất đi rồi thì ai cũng muốn được nằm kề cận bà con dòng họ, vì “người Việt mình ... thích vui lắm!”

Ông Khang cũng nói rằng đa số những người Việt đã mất ở xứ Mỹ và di quàn về Việt Nam là người miền Nam. Theo suy nghĩ của riêng ông, đó là “do tâm lý thôi. Người miền Bắc có cuộc sống chắt chiu hơn. Đối với họ 'chết đâu cũng là chết'.”

Chia sẻ từ cô Lynda Trần thì: “Hầu như nhu cầu di quàn thi hài về Việt Nam thuộc về những người lớn tuổi. Họ có bà con thân nhân ở Việt Nam nhiều hơn ở bên này. Cho nên khi mất rồi, họ muốn quay trở về cố hương. Lá rụng về cội. Đó là ước nguyện của họ”

Đúng vậy. Đó cũng chính là nỗi niềm của bác Xuân, một người cao niên sống ở Santa Ana, đặt chân đến Hoa Kỳ từ những năm 80, tâm sự rằng “Tôi hay nói với tụi nhỏ ở nhà tôi là ông bà mình xưa nay có câu 'sống gởi, thác về' ý để nói vợ chồng tôi vẫn muốn quay về 'kề cận' bên ông bà khi đến 'ngày trăm tuổi.'”

Đó là lý do vì sao mà người mẹ quá cố của Minh nhắn gửi trước khi mất rằng bà không muốn thiêu hay chôn ở đây, mà bà “muốn được trở về nằm cạnh phần mộ của họ hàng.”

Không phải chỉ riêng những người lớn tuổi vừa mới đến Mỹ đoàn tụ gia đình, con cháu mới có mong muốn ấy. Mà họ còn là những người tìm đường thoát đến xứ tự do khi tuổi đời còn rất trẻ và đã sống ở Mỹ hơn nửa đời người. Con cháu của họ giờ đây là thế hệ thứ hai, thứ ba của nước Mỹ.

Và đó còn là những người chưa từng một lần quay trở lại quê hương trong mấy mươi năm họ xa xứ.

Đó là trường hợp của bác Bình Nguyễn, một người Việt tị nạn ở Mỹ gần 40 năm: “Gia đình tôi làm nghề đánh cá. Tôi cùng với anh em trong nhà là dân đi biển. Năm đó tôi cùng với hai người anh đánh tàu tìm đường thoát đi. Chúng tôi may mắn vượt biển thành công và định cư ở Mỹ từ năm 1975 đến nay. Anh em chúng tôi mỗi người sống một tiểu bang khác nhau. Tôi ở Philadelphia, còn hai người anh thì ở Houston. Bao nhiêu năm nay tôi chưa một lần về thăm quê nhà. Nhưng tôi vẫn nói với con của mình là sau khi tôi mất, hãy mang tôi về chôn cất bên cạnh ông bà tổ tiên.”

“Lá rụng về cội mà,” bác Bình nói, mắt nheo nheo để lộ những vết tích thời gian trên gương mặt.

Nỗi niềm của người nằm lại

Tuy nhiên, là thủ phủ của người Việt tị nạn với dân số đông nhất nước Mỹ, mang thi hài về quê hương không phải là lựa chọn duy nhất của hầu hết người Việt ở Little Saigon.
Nơi yên nghỉ cho những người ở lại ở Memoral Park (Hình: Peek Funeral Home)
“Nói riêng cộng đồng chúng ta ở Little Saigon này thì số người nằm lại cũng tương đương với số người chúng tôi di quàn về Việt Nam. Có thể nói là 50-50. Không phải gia đình nào cũng có chung một cách giải quyết cho việc hậu sự của người thân của mình. Vì còn tùy hoàn cảnh từng gia đình. ” Tuấn Nguyễn nói về những trường hợp khác mà anh từng gặp.

Hoàn cảnh mà Tuấn nói đến là những gia đình không còn ai ở lại Việt Nam.

Bác Hồng ở Hội Người Già Westminster cho biết mình vừa đến Mỹ đoàn tụ con cháu chỉ vỏn vẹn gần ba năm. Cho nên “nhớ Việt Nam lắm. Nhớ bà con láng giềng hủ hỉ sớm tối,” bác tâm sự.

Nhưng nói đến “ngày trăm tuổi” của mình, bác Hồng không nghĩ rằng mình sẽ lựa chọn quay về quê hương. Vì “tôi là người cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Con cháu của tôi đều ở đây hết. Công việc làm tụi nó sẽ không cho phép tụi nó đi về thường xuyên để lo mồ mả,” bác nói.

Bác Hồng là một trong những người biết rằng ngày mình nằm xuống, nơi này sẽ là nơi mình gửi thân. Và bác chấp nhận điều ấy, vì con cháu của mình.

“Có những người tìm đến đây và hỏi ý kiến của tôi về việc khuyên bố, mẹ của họ như thế nào khi mà các ông, bà cụ cứ muốn được chôn cất ở nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng con cái của họ thì lại muốn ông bà cụ chôn cất bên này để thuận tiện cho những ngày giỗ kỵ,” anh Tuấn kể về những trường hợp mà anh gặp.

Thế nhưng, “cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ làm theo mong muốn cuối cùng của ba mẹ tôi. Vì đơn giản, tôi nghĩ đó là bổn phận một người con.”

“Con người có tổ có tông.
Như cây có cội như sông có nguồn.”

Với một số người Việt hải ngoại, cái tổ cái tông đó là ước mơ cuối cùng của họ. Và có những người như Tuấn Nguyễn của Thiên Môn, như ông Khang Lê của An Lạc, như cô Lynda Trần của nhà quàn Peek Funeral Home sẽ giúp họ đạt được tâm niệm đó.
Liên lạc tác giả: kalynh@nguoi-viet.com
 Kalynh Ngô
(Người Việt)

Hoàng Hữu Phước - Tôi Và Lê Công Định

ScreenShot274

 Nghe nói Lê Công Định sau khi đoái công chuộc tội nhờ khai sạch sành sanh băng nhóm cùng phạm tội cũng như làm ô danh Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh vì đã cung khai sạch bách và đầy đủ chi tiết nội dung những vị này đã rót vào tai Định, đồng thời vận dụng cái “ưu thế gia đình có công với cách mạng” để được Nhà Nước Việt Nam tha cho cái cụm từ “có tội với cách mạng” và thả ra khỏi chốn ngục tù sớm hơn thời hạn, Lê Công Định lại tuyên bố vung vít gì đó với mấy cái đài đẳng cấp lè tè trong đó có BBC (Việt ngữ, vì BBC tiếng Anh chẳng lẽ lại suy vi đến độ phỏng vấn một kẻ dốt tiếng Anh và thuộc hạng tận tụy cung khai như Định), tôi nghĩ thay vì viết cái gì đó về y, tốt hơn nên lục tìm một bài cũ tôi đăng ngày 14-10-2010 trên mạng Emotino (sau này được Báo Nhân Dân chọn đăng rút ngắn trên số ra ngày 07-9-2012, trang 8, dưới tiêu đề mới: “Là Công Dân, Phải Tuân Thủ Luật Pháp Quốc Gia[*], để đăng lại như dưới đây vả kính mời bạn đọc tham khảo.
Tôi Và Lê Công Định
Vào năm 2005, biết khả năng của tôi trong soạn thảo bằng Tiếng Anh tất cả các hoạch định chính sách, văn bản, nội quy công ty, quy định quy chế công ty, mà cách hành văn khiến ngay cả Tổng Giám Đốc người Anh của Manulife là David Matthews phải nói là ắt kiếp trước (earlier life) tôi hành nghề luật sư ở Luân Đôn còn vị Phó Tổng Giám Đốc người Canada tuyên bố cả vùng Bắc Mỹ không ai viết tiếng Anh được như tôi cũng như có bản l‎ý lịch tiếng Anh trên cả tuyệt vời như của tôi, Lê Đình Bửu Trí lúc ấy đang phò tá David Matthews có cho tôi biết đã bí mật hợp tác cùng một số luật sư để mở văn phòng luật tại tòa nhà Sunwah Tower, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, nài nỉ tôi đến giúp soạn thảo một số văn bản tài liệu bằng tiếng Anh cho văn phòng Luật ấy thêm danh tiếng với đối tác và khách hàng nước ngoài. Nghe nói tất cả các vị luật sư trong nhóm ấy nói chuyện được bằng tiếng Anh nhưng chịu thua không tài nào viết soạn được các chính sách và quy chế trực tiếp bằng tiếng Anh, tôi thấy tội nghiệp số “doanh nhân luật  tuổi chưa lớn tài chưa cao” ấy nên có nhận lời giúp đỡ.
Khi đến Sunwah Tower vào văn phòng luật ấy, tôi đếm thấy có 01 Lê Đình Bửu Trí, 01 nam nhân viên trắng trẻo thư sinh cận thị, 02 dãy bàn dài, 06 ô tò vò chia ngăn làm việc, 10 chiếc ghế xám xoay, 02 laptop, tất cả trong 03 gian phòng nhỏ. Trí giới thiệu tôi cho anh chàng trắng trẻo thư sinh cận thị, nói đó là luật sư Lê Công Định. Chúng tôi bắt tay nhau. Lê Công Định nhanh nhảu nói “Nghe danh anh Phước đã lâu, nay mới gặp” và khoe “em có bản CV của anh trong laptop rồi, em sẽ giới thiệu anh cho New York Life”.
Lúc ấy, đối với tôi Lê Công Định chỉ là một tên nhóc vô danh tiểu tốt, không thể có tương lai tốt đẹp vì hoàn toàn kém tư cách – chẳng qua vì tôi chưa bao giờ nộp đơn xin việc cho ai ở bất kỳ công ty nào thì cách chi mà Định có được l‎ý lịch sơ yếu của tôi (tức Resume) nói chi đến lý lịch hàn lâm của tôi (tức CV), còn các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài ắt đều biết đến danh tôi nên nếu muốn họ cứ liên lạc thẳng với tôi, cứ gì phải qua sự tiến cử của nhóc Lê Công Định. Kiểu “thấy sang nên bắt quàng làm họ” của Lê Công Định làm tôi rất xem thường cậu bé ăn nói tào lao ấy, song tôi cười độ lượng giống y như nụ cười của bất kỳ bậc trưởng thượng nào khác của Việt Nam của 5000 năm văn hiến, chẳng cải chính, đơn giản vì người lớn không nên làm đứa bé đang biểu lộ niềm vinh dự lớn lao được biết “Anh Phước” lại cụt hứng. Cũng có thể anh ta có trong tay đơn xin việc và hồ sơ lý lịch của một ông Phước nào đó nên lầm chăng vì cái tên “Phước” rất ư là được ưa chuộng ở xứ sở này  – song ngay cả trong trường hợp này cũng cho thấy nghiệp vụ ba chớp ba nháng của luật sư tài giỏi Lê Công Định ra sao rồi. Hoặc cũng có thể New York Life trao cho anh ta bản CV tức lý lịch của tôi mà họ đã tung tiền tìm kiếm tổng hợp thông tin cá nhân tôi trên blog hay lý lịch ở địa phương rồi nhờ Lê Công Định tiếp cận săn đầu người chăng – song cả ngay trong trường hợp hoang đường này thì lập luận cũng không đứng vững vì Lê Đình Bửu Trí ắt biết tôi sẽ rất xem thường New York Life nếu họ không “deal” trực tiếp với tôi.
Tôi quyết định phải thất hứa, không giúp Lê Đình Bửu Trí và Lê Công Định, vì sau khi hỏi họ ý nghĩa của tên công ty luật DC, tôi được biết đó là chữ viết tắt của từ  “Đồng Chí”, và khi hỏi thêm vì sao công ty luật lại cần đến từ “Đồng Chí” thì tôi được Lê Đình Bửu Trí giải thích là các bạn luật sư trẻ trong nhóm có chung niềm khao khát mãnh liệt đưa các nhà đầu tư nước ngoài vào làm giàu đất nước, giúp tạo môi trường đầu tư chuyên nghiệp theo đúng bài bản pháp luật, vân vân và vân vân. Tôi cảm thấy bất an, không vì tôi là bậc tiên tri thấu thị nhìn thấy được họ sẽ làm chuyện động trời nào đó trong tương lai gần hoặc xa, mà đơn giản vì tôi biết ngay bằng trực giác rằng đó chỉ là những kẻ thất bại losers ngay từ trứng nước do họ không biết thực chất công việc của chính họ, những người tốt nghiệp ngành luật, đó là: đạo lý duy nhất, chuyên nghiệp nhất, và văn minh nhất của “luật sư” là chỉ phục vụ cho quyền lợi của thân chủ, bất kể thân chủ là người tốt hay không tốt, sát nhân hàng loạt hay tội phạm xuyên quốc gia thủng biên giới. Còn nếu họ khoe là có ý chí vì nước vì dân như luật sư Nguyễn Hữu Thọ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì hóa ra trong đầu óc của họ cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam này là cái họ phải giải phóng hay sao?
Sau này qua tin tức báo đài, tôi mới biết đến vụ án phản động của Lê Công Định, mới nghe nói về nhân thân gia đình cách mạng của hắn. Qua phát biểu khai tội của Lê Công Định trên tivi, tôi còn biết thêm một điều bí mật của hắn: thiếu ánh sáng trí tuệ –  không hiểu trường nào ở Việt Nam và ở Mỹ đã đào tạo ra một tên thiếu ánh sáng trí tuệ đến như vậy. Hắn nói đã gặp những quan chức Mỹ và nghe các vị này nói về những mong muốn đối với luật pháp và thẩm phán Việt Nam, cứ như đứa trẻ ngô nghê lắng nghe bậc cao minh chỉ giáo vậy, trong khi nhiều vị giám đốc người Mỹ và Việt Kiều Mỹ thường nói với tôi rằng luật sư bên Mỹ đại đa số làm ô danh ngành luật khiến nghề luật sư bị gọi là dirty job tức “nghề bẩn”.
 Le Cong Dinh

Lê Công Định và những tên tương cận sẽ luôn là losers vì toàn là những kẻ thiếu ánh sáng trí tuệ. Bọn biệt kích do Mai Văn Hạnh chỉ huy gồm từ những tên được huấn luyện qua những khóa tại Thái Lan hình thành các nhóm Kinh Kha – ngay cả cái tên cũng cho biết ngay là muôn đời thất bại vạn kiếp lu-dơ (kiểu doomed to be eternal losers). Lý Tống mới đây giả dạng đàn bà tấn công ca sĩ thấp bé Đàm Vĩnh Hưng, một hành động ngu xuẩn (anh hùng tối kỵ giả dạng nữ nhi) và hèn nhát (tấn công một ca sĩ nhỏ con của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chứ không dám đụng đến một anh công an xã của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đệ nhất đẳng huyền đai thái cực đạo). Còn nhóm Lê Công Định người xưng mật danh Chị Hai, kẻ Chị Ba, thì Chị Tư cũng cùng một giuộc không bao giờ thành những anh hùng do dùng danh nhi nữ.
Học ngành luật phải chứng tỏ mình hiểu luật thể hiện qua việc thượng tôn luật pháp và mọi hành sử đều phải trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà mình là công dân. Điều đơn giản hiển nhiên là Việt Nam có luật Việt Nam. Không tuân thủ luật Việt Nam thì không có tư cách rao giảng luật pháp nước ngoài. Một người trí thức nếu có tín ngưỡng Phật Giáo, thì nghiên cứu các hệ thống triết học tôn giáo khác để biết các hệ tư tưởng hay triết học để mở mang trí hóa. Chỉ có kẻ làm loạn điên rồ mới quay trở lại đòi đập bỏ bàn thờ tiên tổ sau khi được các hệ khác khai cho trí hóa.
Duy, một sinh viên lai da trắng tóc vàng trước khi đi Mỹ đã nói với tôi năm 1984:
“Thầy ơi. Lúc em đi gặp phái đoàn Mỹ ở Biên Hòa để được phỏng vấn ra đi, em tưởng bị loại rồi Thầy. Thằng Mỹ mắt nó xanh biếc, nhìn sợ lắm vì thấy luôn đáy mắt của nó, và nó nói tiếng Việt giọng Bắc, chắc là chuyên viên tình báo CIA. Em cà lăm vì thằng Mỹ vừa xé hồ sơ vất sọt rác vừa hét to vào mặt thằng bạn hàng xóm của em trước đó. Thằng Mỹ hỏi sao trong hộ khẩu có khoảng cách thời gian gián đoạn thì thằng bạn em vui vẻ tự hào nói vì muốn đi Mỹ nên phải trốn nghĩa vụ quân sự, về Sài Gòn trốn ở nhờ nhà bà con, chịu cực mấy năm chờ đi Mỹ chứ nhất quyết không đi lính cho Cộng Sản. Không ngờ thằng Mỹ xé hồ sơ, quát lên bằng tiếng Việt rằng ‘Mày là công dân Việt Nam mà chống lại luật Việt Nam, không đi lính bảo vệ đất nước của mầy, thì lấy gì bảo đảm mày làm công dân Mỹ tốt và bảo vệ nước Mỹ!’ Rồi nó kêu tên em, em sợ điếng hồn vì nó đang giận dữ, may mà em rút kinh nghiệm nên không nói câu nào chống Cộng cả”.
Câu chuyện về Duy tôi đã kể cho tất cả các lớp tôi dạy trong suốt thời gian mười năm sau đó. Và tôi biết một điều tất cả những sinh viên ưu tú của tôi sau đó đều đã trở thành và đang là những công dân thành đạt ở Việt Nam. Đơn giản chỉ vì người họ muốn gần gũi và được làm việc với là những doanh nhân thành đạt của nước ngoài, tức những vị chỉ quan tâm đến người Việt tài giỏi, vì chỉ có bọn nước ngoài chống phá Việt Nam mới thèm quan tâm đến những người Việt không ưu tú, trong đó có Lê Công Định. Những doanh nhân thành đạt của nước ngoài chỉ muốn có những người Việt Nam giỏi, có ý thức tuân thủ luật pháp để không bao giờ gây phương hại cho việc làm ăn của họ ở Việt Nam. Thậm chí có doanh nhân Mỹ còn nói với tôi rằng rất thú vị nếu tuyển được nhân viên Việt Nam nào là đảng viên Cộng sản, vì người Mỹ chỉ có thể làm đảng viên chính trị của một trong hai đảng cầm quyền nếu có tiền nhiều mà thôi chứ không phải vì lý tưởng gì hết nên cả đời chưa hề biết đến con người có l‎ý tưởng như mấy ông Cộng sản trông ra làm sao.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng Sản là một đảng cầm quyền và có lý tưởng. Phải chăng vì đồng tiền không giúp những kẻ mới phất nouveaux riche như Lê Công Định mua được một ghế đảng viên cao cấp như ở Mỹ nên đã khiến những người như Định mơ màng đến viễn cảnh xây dựng một thể chế y chính trị như Mỹ, để Định sẽ được bỏ tiền túi ra tranh cử làm Tổng Thống Việt Nam? Một kẻ thú nhận là đã gặp gỡ các quan chức Hoa Kỳ nhưng lại không thể viết bằng tiếng Anh các nội dung chính sách, quy định, quy chế hoạt động, bài bản tổ chức cho chính văn phòng luật của mình thì không rõ kẻ ấy khi nói tiếng Anh chất lượng ra sao, hay chỉ cần nói một từ duy nhất là anticommunism tức Chống Cộng là xem như chủ Mỹ và tớ Việt đã hiểu nhau sâu sắc?
Lê Công Định không phải là một luật sư, không chỉ vì Định đã bị khai trừ khỏi các luật sư đoàn Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam mà còn vì Định không có tư cách của một luật sư. Một bác sĩ giải phẫu phải xử l‎ý vết thương của bịnh nhân theo đúng các phương pháp quy định của ngành và của chuyên môn, còn mọi sáng kiến có thể tự tiến hành thí nghiệm với chuột lang, đúc kết thành công trình để đệ trình hội đồng y khoa đánh giá, và được công bố áp dụng chung nếu các kết quả chứng minh có giá trị ngang bằng hoặc áp dụng thay thế nếu chứng minh có giá trị tối ưu. Một luật sư phải hành sử theo và trong khuôn khổ luật pháp quốc gia, mọi ý kiến cá nhân nếu có qua quá trình nghiên cứu dài lâu, đúc kết thành công trình hàn lâm, gởi tạp chí chuyên ngành để rộng đường tranh luận hoặc trình cho Bộ có liên quan để được đánh giá phản hồi. Đó luôn là các bước chuyên nghiệp của những người chuyên nghiệp của bất kỳ ngành nào. Only these and nothing else! Chỉ có vậy chứ làm gì còn có cách nào khác! Bàn tay sắt của chính quyền liên bang Hoa Kỳ luôn sẵn sàng dập tắt ngay cả dìm trong biển máu đối với những manh động chống lại Hiến Pháp và Luật Pháp Hoa Kỳ như đã bao lần được ghi lại trong lịch sử Hoa Kỳ từ thời lập quốc đến nay. Đó là điều đương nhiên đúng ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới này mà chỉ có những “luật sư” con rối thiếu ánh sáng trí tuệ mới cố tình làm ngơ trước sự thật hiển nhiên rằng Luật Pháp Quốc Gia Là Khung Hành Sử Mà Bất Kỳ Ai Là Công Dân Quốc Gia Ấy Cũng Phải Tuyệt Đối Tuân Thủ.
Qua vụ Lê Công Định và những kẻ chung ngành với Định, tôi đã dặn dò các học trò và bạn hữu hãy cảnh giác và răn dạy con cái nếu chúng muốn theo ngành Luật vì chúng sẽ là mồi ngon của các thế lực chống Cộng ở nước ngoài chiêu dụ trở thành những tên phản quốc.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế
Ghi chú:
(Blog Hoàng Hữu Phước) 

Chuyện phúng điếu, chuyện phim

Sinh thời, đại tướng Võ Nguyên Giáp (vị đại tướng lừng danh của chế độ Cộng sản Việt Nam và cũng là một trong những vị tướng tài ba của chế độ Cộng sản trên thế giới) đã nếm không ít tủi nhục, đắng cay, từng bị hất hủi từ một đại tướng lừng danh sang làm một bộ trưởng kế hoạch hóa gia đình, chuyên trị về chuyện đẻ ít đẻ nhiều, đẻ bao nhiêu của chị em phụ nữ.

Một cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”. (Hình: Thể thao – Văn hóa)
Cuộc đời tăm tối của ông Giáp sau khi hai miền đất nước đã nhuộm đầy màu Cộng sản những tưởng tạm yên, ai dè, đến năm 2010, trong dịp đại lễ Ngàn Năm Thăng Long – Hà Nội, ông chấm dứt sự sống. Điều nay ai cũng biết. Nhưng nhân dân thì không được biết vì ông Hồ đã chết ngay trong ngày Quốc Khánh 2 tháng 9, bây giờ ông Giáp lại chết trong dịp Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội nữa thì e rằng…!
Vậy là cái chết của ông lại phải trì hoãn, bằng mọi giá, người ta truyền cho ông mỗi ngày một bình Alpumin 20% (do Mỹ sản xuất), cứ mỗi tuần có 3 ngày truyền Plasma, 3 ngày truyền Alpumin, một ngày nghỉ xả hơi. Nhịp thở của ông thoi thóp còn 15% - 30%, từ 70% đến 85% do máy thở. Và cứ như thế,. Sự sống bắt buộc của ông Giáp kéo dài cho đến hết hạn “mãn khó” của ông, ông mới được chết. Việc ông chết lúc này quá dễ dàng, chỉ cần chọn ngày giờ, truyền hai bình Aminoacid kabi 5% do công ty dược Bình Định sản xuất trong một ngày, sáng và tối, xem như hợp lý. Tình trạng đại tướng lẫy lừng chuyển từ chờ đợi sang báo động hấp hối.
Lúc này, việc rút ống thở không còn quan trọng gì nữa bởi vì máy trợ thở vẫn bơm không khí đều đặn theo nhịp lên xuống, lồng ngực vẫn phập phồng nhưng mạch đã chuyển sang giai đoạn nghỉ hưu, huyết áp tụt dần về địa phủ. Và đây là một cái chết hợp lý vì nó không rơi vào dịp nào nhạy cảm, đang mùa chuẩn bị mưa bão nhưng cũng còn nắng ráo, mùa màng cũng đã gặt xong… Việc phúng điếu chỉ còn chờ vào tài năng loan tin, quảng cáo và tạo nước mắt trên màn ảnh nữa là xem như ok 100%.
Đúng như người Cộng sản tính toán, cả nước, khắp các nơi vùng sâu, vùng xa, những cán bộ Cộng sản hưu trí, những tướng về vườn đều tưởng nhớ, khóc lóc, chạy đến nơi để viếng. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể địa phương, các cán bộ miền núi, những dư luận viên, quân đội, công an… đều trích ngân quĩ để đi viếng Đại tướng. Đây là việc quan trọng, việc mang tầm cỡ quốc gia, thậm chí quốc tế nên các địa phương tha hồ trích ngân quĩ mà đi viếng. Đoàn người rồng rắn cả cây số.
Ca sĩ đình đám như Mr Đờm (Đàm đọc theo giọng Quảng Nam – quê gốc của Hưng, đọc một cách chí thiết) cũng tranh thủ PR mình bằng cách xăm xăm băng lối sụp quì thắp nhang Đại tướng. Nhìn chung, ông chết rất đúng lúc, mùa màng rảnh rỗi, kinh phí năm cũng chưa giải quyết hết, sắp đến cuối năm tài chính nên các cơ quan thi nhau mượn dịp này để giải ngân đi viếng, khỏi phải sung dư vào thuế. Một cái chết rất hoành tráng nếu nhìn từ bên ngoài!
Chưa dừng ở đây, người ta lại nghĩ đến một cuốn phim về cuộc đời ông, đây là một dự án có tầm cỡ quốc gia, thậm chí quốc tế, ca ngợi một danh tướng cũng như “dạy cho lớp trẻ biết tự hào về cha ông của chúng”. Bộ phim triệu đô về tướng Giáp ra đời. Rất tiếc là người ta không lường được sự việc bởi vì người ta tưởng dễ ăn và người ta cứ nhìn vấn đề theo cách quá đơn giản, thậm chí đơn giản như Cộng sản!
Chuyện tuyên truyền là chuyện đã quá xưa, và điều này nhà nước Cộng sản đã thành công trong vị trí độc tài nhờ vào tuyên truyền, vài chục triệu con người đã mê mẩn sự tuyên truyền của họ, sẵn sàng bán lúa, bán nhà, bán thân cho sự nghiệp Cộng sản đều do tuyên truyền mà ra. Nhưng nên nhớ, tuyên truyền đắc lợi phải là tuyên truyền miễn phí. Ngay trong cái chết ông Giáp, dân khắp các nơi vùng sâu vùng xa ùn ùn kéo ra Hà Nội, một phần đi bằng tiền ngân sách, phần còn lại tự bỏ tiền để đi viếng “thần tượng” của họ, bất chấp mưa nắng, hao tốn tiền của… đều do tuyên truyền mà ra!
Nhưng, người ta có thể bỏ ra cả triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng để đi viếng thần tượng, để thỏa cái cơn ẩn ức tâm lý nhưng điều đó không có nghĩa là người ta sẵn sàng bỏ ra vài chục ngàn đồng, vài trăm ngàn đồng để xem phim về thần tượng. Chuyện này cực kì hy hữu. Vì khi dự đám tang xong, về nhà, loay hoay với cơm áo gạo tiền, không ít người đâm ra tiếc nuối số tiền mình đã bỏ ra một cách vô lý để đi viếng một ông chẳng phải họ hàng gì mà khi đến thăm, không những không được tiếp đón ân cần mà còn bị xua đuổi, giăng rào chẳng khác nào chó mèo. Máu tự ái nổi lên, tiếc số tiền mất đi vô ích!
Bây giờ lại phải bỏ tiền để đi xem phim à? Còn lâu! Để bọn thành phố nó rảnh rỗi nó xem! Nhưng bọn thành phố thì biết rồi, nó đâu có ngu, đâu có dễ bị lừa như bọn nhà quê góc rừng xó núi. Nhiều đứa nhà sát vách đó chứ, đám tang đi qua, nó ngồi trong nhà đội nón uống cà phê, khi đám ngang nhà, nó giở nón chào, vẫn ngồi cà phê. Vậy thôi, nghĩa tử là nghĩa tận, đã quá đủ! Bọn thành phố ranh mãnh nó thừa hiểu cái chế đệ này bịp mị nhân dân ra sao, tham nhũng như thế nào, ép ông Giáp kiểu gì.
Có thể nói rằng chỉ có bọn thành phố, bọn có chữ là hiểu ra và thông cảm cho ông Giáp hơn ai hết, chính vì thế bọn nó muốn để ông được yên, không muốn làm ông đau khổ nữa, không muốn để linh hồn ông phải tẽn tò từ ngày cai quản cái lưng quần chị em cho đến lúc về đất. Bây giờ, hùa vào đám đông tiễn ông, vô hình trung vỗ tay mừng ông thành con rối chế độ. Tội nghiệp ông quá!
Chỉ có bọn làm phim là khôn lõi hơn cả, kinh doanh thêm lần nữa, dụ cái bọn say sưa múa may trong đám đông kia để lấy tiền. Rất tiếc là mùa này oải quá, kinh tế đang khó khăn, đến giấy vệ sinh mà người ta còn phải đắn đo mua giảm giá, mua khuyến mãi, mua hạn chế để tồn tại, huống gì là vé xem phim, hơn nữa là phim tuyên truyền! Kể ra dân mình cũng thông minh, vì họ biết phim đó mai mốt rồi cách gì cũng chiếu miễn phí trên cả nước, chiếu đi chiếu lại… Chuyện gì lại đi tốn tiền trả cho người ta tuyên truyền, vô lý!

Thượng tôn luật pháp (Rule of Law)

Nguyễn Trung - Bàn về hoàn thiện kinh tế thị trường

                           (Bài viết về đại hội XII sắp tới của ĐCSVN)  
                 
 
I.           Đánh giá khái quát con đường 40 năm
Góp phần tổng kết kinh tế mà đại hội XII nhất thiết phải làm, tôi xin nêu lên một số nhận xét chính dưới đây, trước khi bàn đến chủ đề hoàn thiện kinh tế thị trường ở nước ta.
 Trong bài 2 (Hiểm họa đen)và bài 3 (Chúng ta lựa chọn gì cho tổ quốc?), tôi cho rằng 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên là một thời kỳ phát triển thất bại, hoặc dễ nghe hơn: cơ bản là thất bại (song “dễ nghe hơn” như thế chẳng ích lợi gì thêm cho đất nước).
Nói là thất bại, bởi lẽ: Không đạt được các mục tiêu chiến lược, thành tựu hay kết quả thu được không xứng với thời gian, công sức, của cải đã bỏ ra và những cơ hội có được. Bao trùm lên tất cả là đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội thất bại, đến 1986 phải xoá bỏ nền kinh tế bao cấp để tiến hành đổi mới, đề ra cái gọi là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song thực chất vẫn là để kiên trì chủ nghĩa xã hội mà chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần thừa nhận chưa rõ nó sẽ là cái gì. Đường lối sai, sửa lại rồi mà cũng không rõ được, như thế làm sao có thể thành công được? Cho nên thất bại là tất yếu. Dưới đây xin điểm lại cho rõ.
 Trong 40 năm này, nước ta mất trên dưới mười năm vào hai cuộc chiến tranh tiếp theo kháng chiến chống Mỹ (chiến tranh Campuchia, chiến tranh Trung quốc xâm lược biên giới), lại thêm những thất bại trong đường lối kinh tế bao cấp kéo dài cho đến khi tiến hành đổi mới 1986. Thời kỳ 10 năm này (1975 - 1986, về những mặt nào đó phải tính đến 1989) đảng đã vấp phải những sai lầm rất nghiêm trọng cả về đối nội (bao gồm cả kinh tế) và đối ngoại, với nhiều hậu quả lâu dài. Nguyên nhân chủ yếu là chủ quan, duy ý chí, không hiểu thế giới và không hiểu chính bản thân nước ta: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội! Từ nay không có kẻ thù nào dám động đến ta!Đương nhiên, những nguyên nhân khách quan cũng rất quan trọng, có những mặt bất khả kháng, song dù sao vẫn phải nói những nguyên nhân chủ quan của lãnh đạo là những tác nhân trực tiếp của những sai lầm thời hậu chiến.
Trong những nguyên nhân chủ quan, cái nguyên nhân không hiểu thế giới, không hiểu chính bản thân nước ta cho đến hôm nay vẫn đang là một cái u-bướu chết người trong não bộ tư duy của ĐCSVN.
Kinh tế nước ta thực sự phát triển kể từ khi tiến hành đổi mới 1986, ngày nay đạt mức “nước đang phát triển có thu nhập trung bình (thấp)”[1]. Nếu so sánh nước ta hôm nay với nước ta 1986, kinh tế nước ta đã đi được một chặng đường dài: từ nước chậm phát triển lên nước đang phát triển, giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng được thế giới ghi nhận. Đã có lúc kinh tế nước ta giành được sự phát triển ngoạn mục (nhất là thời kỳ 1986 – 1995…), trên thế giới người ta đã bắt đầu nói tới “con hổ Việt Nam”, nhưng con hổ này chưa kịp cất lên tiếng gầm nào thì đã biến mất tăm. 
Song nếu so nước ta với các nước chung quanh, khoảng cách tụt hậu của ta ngày càng rộng thêm. Ví dụ: năm 1986 GDP p.c. (GDP tính theo đầu người) của Trung Quốc gấp đôi của nước ta, năm nay cao gấp trên 3 lần; khoảng cách lúc ấy (1986) GDP p.c.Trung Quốc cao hơn nước ta ước chừng <+200 USD, nhưng khoảng cách này hiện nay là <+4000 USD; so với các nước đi trước ta trong ASEAN cũng cho thấy mối tương quan như vậy. Nghĩa là 3 thập kỷ vừa qua, càng chạy đua ta càng tụt hậu.  
Điều đặc biệt đáng lo ngại là sau 3 thập kỷ phát triển (kể từ 1986), kinh tế nước ta đã tận dụng hết (đến mức cạn kiệt) mọi yếu tố nội/ngoại có được cho phát triển theo chiều rộng, song vẫn chưa tạo ra được nền tảng kinh tế vững chắc để đi vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Cho đến ngày hôm nay, nước ta mới chỉ tạo ra được một nền kinh tế gia công. Nói nôm na, đấy là một nền kinh tế chỉ bán đi được những thứ ta tự có: lao động rẻ, tài nguyên, đất đai, môi trường, vị trí địa lý… Cho đến hôm nay chưa đi vào được phát triển một nền kinh tế bán các sản phẩm ta tự làm ra – với nghĩa có hàm lượng cao về trí tuệ và công nghệ; bởi vì còn thiếu nghiêm trọng những điều kiện tiên quyết cho thời kỳ phát triển mới này trên những phương diện: chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, thể chế chính trị quốc gia, thể chế kinh tế thị trường thực thụ, lực lượng doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng vất chất kỹ thuật… Kinh tế đã đi hết đoạn đường phát triển theo chiều rộng, nhưng hôm nay đang lâm vào khủng hoảng cơ cấu trầm trọng, nên vừa bế tắc (cái bẫy “nước có thu nhập trung bình – thấp”), và vừa chưa chuẩn bị được những điều kiện phải có cho việc chuyển nền kinh tế vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu.  
Còn 6 năm nữa, năm 2020, nước ta phải trở thành nước công nghiệp, hoặc là “cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (một khái niệm rất “cao-su” và rất thiếu trách nhiệm với đất nước) – như đã ghi trong nhiều nghị quyết của đảng, song mục tiêu này không thể hoàn thành được, vì trình độ phát triển nền kinh tế còn ở mức quá thấp nhìn theo bất kỳ tiêu chí nào (tỷ trọng các khu vực kinh tế - economic sectors, tỷ trọng phân bổ các loại lao động, tỷ trọng kinh tế nông thôn và kinh tế thành thị…, các chỉ số phát triển tính theo đầu người về kết cấu hạ tầng vật chất & kỹ thuật, vân vân..; riêng chỉ số bằng thạc sỹ, tiến sỹ tính theo đầu người và trong bộ máy quyền lực, nước ta vượt xa Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác). Đặc biệt nghiêm trọng là nước ta không có một thể chế chính trị quốc gia phù hợp cho một nước công nghiệp hoá, chính điều này trước sau vẫn chặn đứng khả năng nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp. Điều cần lưu ý ở đây, sau 3 thập kỷ tiến hành công nghiệp hoá (chỉ tính từ 1986), nước ta huy động được một nguồn lực nội và ngoại nhiều gấp hơn 2 lần của Hàn quốc cho 3 thập kỷ công nghiệp hoá của họ. Song sau 3 thập kỷ này, Hàn Quốc hoàn thành được nhiệm vụ công nghiệp hoá; nhưng nước ta không hoàn thành được nhiệm vụ này, lại rơi quá sớm vào quá trình giải công nghiệp hoá, và hôm nay vẫn là một nền kinh tế gia công đang bế tắc vì khủng hoảng cơ cấu trầm trọng. 
Nói khái quát, nước ta đang có một nền kinh tế “đắt”, “rất đắt” nhìn theo hiệu quả kinh tế trên mọi phương diện: chỉ số ICOR cao nhất trong ku vực, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, mức độ tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu trên một sản phẩm thuộc loại cao nhất ĐNÁ và năng suất lao động thuộc loại thấp nhất... Ngoại trừ một số ít ngành đặc thù trong lắp ráp và gia công, nhìn chung công nghệ trong công nghiệp nước ta chủ yếu thuộc thế hệ 3 hoặc 4 (phần lớn là mới xây lắp dưới dạng EPC từ Trung Quốc). Tham nhũng rất trầm trọng, song lãng phí – nhất là lãng phí do những quyết định kinh tế sai lầm, những dự án treo, những quy hoạch phá sản ở khắp cả nước… – còn trầm trọng hơn nhiều.  
Tựu trung là do đã theo đuổi một chiến lược phát triển sai lầm[2] trong một thể chế chính trị bất cập. Nổi cộm là các vấn đề:
 (1) Công nghiệp rất chắp vá và chưa định hình được nước ta sẽ là một nước công nghiệp gì nếu thu hẹp dần công nghiệp gia công (đang rất thiếu công nghiệp phụ trợ); có lẽ phải nói công nghiệp nước ta dựa vào lợi ích của doanh nghiệp nhà nước (chứ không phải của quốc gia) và dựa vào tranh thủ được FDI như thế nào thì phát triển thế nấy – nghĩa là rất tự phát, duy ý chí và do bên ngoài chi phối là chính, rất bị động, khó mà nói phát triển theo một chiến lược rõ nét hay nhất quán nào của ta, lại thay đổi theo từng khoá đại hội đảng (tư duy nhiệm kỳ). Cần coi đây là một xu thế phát triển nguy hiểm, hiện tại đã bế tắc, hứa hẹn sẽ đổ vỡ trầm trọng trong tương lai không xa nếu không uốn nắn kịp thời, và nếu không tìm ra được một chiến lược công nghiệp hoá đúng đắn được thực hiện trong một thể chế chính trị phù hợp với thời kỳ công nghiệp hoá.
 (2) Nông nghiệp là vấn đề rất nhậy cảm ở nước ta trên nhiều phương diện, nhưng đang bế tắc nghiêm trọng về mọi phương diện, chủ yếu do sai lầm về chính sách đất đai, thất bại trong quá trình công nghiệp hoá / đô thị hoá, thất bại trong phát triển hay trong nhiệm vụ công nghiệp hoá nông nghiệp giữa lúc kinh tế cả nước đã hội nhập vào quá trình toàn cầu hoá như ngày nay…  Mặc dù có vị thế nhất định trong một số sản phẩm trên thị trường nông phẩm thế giới, nông nghiệp nước ta còn đứng rất xa yêu cầu là một nền nông nghiệp tiến dần lên hiện đại của một quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hoá. Thậm chí còn phải nói, một nền nông nghiệp như hiện tại tự nó cũng sẽ chặn đứng khả năng nước ta trở thành nước công nghiệp (trong khi đó Hàn Quốc, Đài Loan trong vòng 2 thập kỷ đầu tiên của công nghiệp hoá đã giải quyết được vấn đề phát triển nông nghiệp đồng hành với quá trình công nghiệp hoá, hiện nay ta đang “học” tam nông của Trung Quốc, nhưng?..);
(3) Khu vực dịch vụ phát triển khả quan hơn (trong đó nổi bật là du lịch, viễn thông, hàng không…), song cũng đã hết đà phát triển theo chiều rộng; đất nước chưa có được nguồn nhân lực có chất lượng, thể chế nhà nước thích hợp và kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật tương ứng để đi vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Khu vực dịch vụ chủ yếu mới chỉ phát triển trong một số ngành, trong khi đó hầu như chưa đi vào được rất nhiều ngành nghề quan trọng khác của dịch vụ mà điều kiện địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế/chính trị của nước ta cho phép (ví dụ, có thể phân tích khu vực dịch vụ của nền kinh tế Singapore để thấy rõ những ngành kinh tế nào của dịch vụ nước ta chưa đụng chạm tới). [Nhân đây xin nói ngay: Cần loại bỏ mong muốn bệnh hoạn của một số người nào đó muốn phát triền casinos ở nước ta, bởi lẽ tình trạng tha hoá hiện tại trong xã hội nước ta đã vượt quá xa mức có thể kiểm soát được.]
(4) Nền tài chính quốc gia và hệ thống ngân hàng của đất nước rất mong manh, nợ nần nhiều – trong đó tỷ lệ nợ xấu rất cao, tính công khai minh bạch và năng lực quản trị rất thấp. Sự can thiệp của chính trị (bao gồm cả nhóm lợi ích) ở mức nguy hiểm, có nhiều đối phó cục bộ (như lãi suất, thuế suất, giá vàng, trái phiếu, đáo nợ…) tuy có lúc đem lại kết quả tạm thời, song chung cuộc đang tích tụ những nguy cơ đổ vỡ nguy hiểm. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là nền tài chính quốc gia và hệ thống ngân hàng của đất nước tự nó đã góp phần quan trọng vào những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của đất nước, không hoàn thành được nhiệm vụ chính trị số một của nó là: Huy động và phân bổ tối ưu mọi nguồn lực cho sự phát triển năng động và bền vững của đất nước.
(5) Thất bại lớn nhất của 40 năm qua là đã không xây dựng nên được một thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ mang lại độc lập tự do và hạnh phúc cho nhân dân như đã ghi trong tiêu chí quốc gia[3] và giải phóng tiềm năng phát triển của đất nước, nhiều quyền cơ bản của công dân và quyền con người bị ngăn cấm hoặc xâm phạm nghiêm trọng. Trong thất bại này cần đặc biệt nêu lên thảm bại nghiêm trọng của nền giáo dục nước nhà đang để lại những hậu quả rất lâu dài cho đất nước. Sau 40 năm phát triển, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện (kinh tế - chính trị - văn hoá – xã hội), bị lệ thuộc nguy hiểm vào Trung Quốc, độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bi uy hiếp hơn bao giờ hết kể từ sau 30-04-1975. Nghiêm trọng hơn nữa: Sau 4 thập kỷ độc lập thống nhất, phải chăng đất nước chúng ta hiện đang lâm vào tình trạng mất phương hướng phát triển giữa lúc tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều thách thức nặng nề, và thậm chí trở nên nguy hiểm hơn trước?
II.  Những khuyết tật lớn trong kinh tế thị trường nước ta
Trước hết về quan niệm, quan sát sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới, tôi xin rút ra những điều dưới đây về kinh tế thị trường.
 Tinh thần cốt lõi của kinh tế thị trường là hình thành một quá trình phát triển kinh tế theo sự dẫn dắt của những lực đẩy được tạo ra từ mối quan hệ qua lại giữa cầu và cung trên thị trường.
 Cầu và cung ở đây cần được hiểu là những đòi hỏi trong đời sống hướng tới một sự phát triển mới, cần đặt vấn đề như vậy để luôn luôn chủ động tránh những khuynh hướng phát triển hoang dã hoặc thiên lệch nguy hiểm.
Đối với cả cầu và cung, thị trường luôn luôn có thể làm được chức năng điều tiết ở mức độ nhất định, được đặt cho cái tên là  “bàn tay vô hình” (Adam Smith), bởi vì nó làm những việc khó thấy được liên quan đến điều tiết nền kinh tế (yếu tố 1).
 Song vì khả năng của “bàn tay vô hình” là hữu hạn, mà cuộc sống là vô hạn, do đó kinh tế thị trường còn phải cần đến “bàn tay bà đỡ” – thường là và trước hết là thuộc về chức năng của nhà nước. Xã hội càng phát triển, ngày càng có thêm nhiều yếu tố khác tham gia tích cực vào chức năng của “bàn tay bà đỡ” (yếu tố 2).
Điều thiết yếu là bàn tay vô hình và bàn tay bà đỡ đều phải làm đúng việc của mình với hiệu quả cao nhất. Vì lẽ này cả hai đều phải được một bộ não mẫn tiệp điều hành, có thể xem đây là điều kiện quyết định nhất. Bộ não ấy chính là một thể chế chính trị đáp ứng được đòi hỏi phát triển của quốc gia, phát huy được vai trò tích cực của giới doanh nhân (bao gồm các doanh nghiệp), phát triển được một xã hội dân sự năng động, luôn luôn cổ vũ và dẫn dắt được quốc gia giành lấy những bước phát triển mới (yếu tố 3).
Nêu lên những điều vừa trình bầy trên, nhằm mục đích nhấn mạnh ngay từ đầu: Nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh nhất thiết phải bao gồm đầy đủ cả 3 yếu tố (1) bàn tay vô hình, (2) bàn tay bà đỡ, (3) thể chế chính trị; tất cả phải hoạt động ở trạng thái tối ưu cho phép – trong đó thể chế chính trị là điều kiện tiên quyết số một. Đây cũng là 3 tiêu chí có thể dựa vào để đánh giá thực trạng kinh tế thị trường nước ta hiện nay. Bàn về hoàn thiện kinh tế thị trường ở nước ta cũng có nghĩa phải bàn về phát triển đồng bộ cả 3 yếu tố cấu thành này của kinh tế thị trường.
Dưới đây xin nêu lên một số vấn đề nóng nhất.
 II.1. Sự lũng đoạn của quyền lực và nhóm lợi ich
 Bài 4A “Bàn về cải cách thể chế chính trị đã cố gắng trình bầy sự lũng đoạn của quyền lực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, trong đó vấn đề nghiêm trọng số 1 là tình trạng “đảng hoá”  toàn bộ đời sống đất nước. Tại đây xin nêu thêm một số khía cạnh liên quan đến kinh tế thị trường.
 Thể chế chính trị ở nước ta với đặc trưng đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối như đang diễn ra, về bản chất mâu thuẫn như nước với lửa đối với kinh tế thị trường. Chính đây là nguyên nhân gốc khiến cho kinh tế thị trường ở nước ta biến dạng nghiêm trọng, bị điều hành và lũng đoạn bởi (a) quyền lực đảng, (b) chủ nghĩa tư bản thân quen và chủ nghĩa tư bản hoang dã, (c) sự chi phối của lobby từ bên ngoài – đặc biệt là quyền lực mềm Trung Quốc.
 Thực hiện kinh tế thị trường là đòi hỏi bất khả kháng đối với nước ta kể từ bắt đầu đổi mới 1986, đến nay là 3 thập kỷ. Nước ta đã tham gia đầy đủ các thể chế kinh tế quốc tế và khu vực (WTO, WB, IMF, ADB, các FTAs song phương và đa phương, vân vân…), nhờ đó kinh tế thị trường ở nước ta đã đạt được những bước phát triển rất quan trọng, GDP p.c. từ 200 USD nay đạt 1350 USD... Tuy nhiên, nguyên nhân thể chế chính trị (nguyên nhân gốc) nêu trên đã một mặt làm cho không ít những tiến bộ đạt được này đều ở trong tình trạng dang dở, mặt khác chỉ làm biến tướng để tăng thêm độ nguy hiểm chứ không khắc phục được sự lũng đoạn nêu trên ( của 3 nhóm a, b, c). Có lẽ chính thực tế này giải thích hiện tượng: Tại sao kinh tế nước ta càng phát triển, càng bị xé lẻ thành các “tiểu vương quốc” theo lợi ích (các nền kinh tế GDP tỉnh, các nền kinh tế tập đoàn nhà nước, kinh tế đảng, kinh tế quân đội, kinh tế công an…) càng phát sinh nhiều ách tắc trong kinh tế và nhiều bất công trong xã hội, môi trường càng bị huỷ hoại nghiêm trọng, hầu hết các chiến lược kinh tế đều thất bại, tội ác kinh tế ngày càng nguy hiểm về quy mô và tinh vi về thủ đoạn thực hiện, phát triển hầu như cướp mất cơ hội của tương lai (nghĩa là để quá nhiều gánh nặng cho tương lai), và hiện nay kinh tế đất nước đang ở trạng thái nguy hiểm chưa có lối ra.
 Thật khó mà nói được là nước ta có một nền kinh tế hài hoà thống nhất với đúng nghĩa, vì bên trong chứa đựng quá nhiều nét cát cứ, “tiểu vương quốc” và sự chùng lặp… Có thể viết nhiều quyển sách mổ xẻ thực trạng này của đất nước, song hiện nay việc này bị kiêng cấm, nhưng trước sau sẽ phải làm để chữa bệnh. Nói khái quát: Đảng hoá, nền kinh tế GDP tỉnh, tập đoàn kinh tế nhà nước và tư tưởng nhiệm kỳ là những yếu tố trực tiếp làm nát bét nền kinh tế đất nước, tạo ra môi trường màu mỡ cho sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc.  
Chức năng khách quan của thị trường là phản ánh mối quan hệ cung - cầu tạo điều kiện góp phần quan trọng cho sự phát triển hài hoà. Nhưng vi phạm điều mang tính quy luật này của thị trường, sẽ tạo ra đầu cơ, thị trường của đầu cơ, và chung cuộc sẽ chỉ có được nền kinh tế của những hành vi đầu cơ, với sự phá hoại không thể hình dung nổi.
Ví dụ, thời bao cấp trước 1986, vì phá quy luật kinh tế thị trường, nên đã xảy ra hiện tượng một cái xe đạp Peugeot có thể đổi lấy một căn nhà, một điều phi lý không thể phi lý hơn trên thế gian này.
 Còn hiện tại: Xâm phạm quy luật của kinh tế thị trường đã dẫn đến hệ quả cả một đất nước năng động rừng vàng biển bạc… nhưng hôm nay rơi tỏm vào nền kinh tế của những người đi làm thuê và đất nước trở thành đất nước cho thuê.
 Dưới đây là một số nét minh hoạ.
 -      Sáp nhập Hà Tây vào thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình của kinh tế đầu cơ, là một trong những nguyên nhân trực tiếp tạo ra bong bóng kinh hoàng của thị trường bất động sản, mặc dù quyết định này bị cả nước bác bỏ quyết liệt (trong đó có Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt…), nhưng lợi ích của 3 nhóm “a, b ,c” đã thắng. Cả nước có nhiều cái bong bóng như thế và đã dẫn tới giá nhà đất của Việt Nam cao nhất thế giới, cản trở sự phát triển của đất nước. Song cũng chính loại những quyết định theo “lợi ích 3 nhóm a, b, c” như thế đã trực tiếp làm nổ các bong bóng của thị trường địa ốc, khiến kinh tế cả nước rơi sâu thêm nữa vào khủng hoảng cơ cấu với những thiệt hại không thể lường hết được.
-      Kinh tế bauxite Tây Nguyên, kinh tế KCN Vũng Áng, nạn cho thuê rừng… là những ví dụ điển hình của kinh tế lobby, của kinh tế bán rẻ lợi ích quốc gia, của kinh tế đất nước cho thuê, đẩy đất nước đi sâu vào cơ cấu kinh tế lạc hậu và nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp cho những nước khác, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích và an ninh quốc gia.
-      Phớt lờ những tín hiệu của thị trường, kinh tế tập đoàn nhà nước TKV (than và khoáng sản Việt Nam) lẽ ra phải biết mình hết lý do tồn tại từ lâu rồi nhưng vẫn cố đấm ăn xôi; hậu quả là mỏ hết và đã phải nhập khẩu than ngược trở lại rồi, hầu như toàn bộ vốn thiết bị của tập đoàn và hàng vạn lao động của nó rơi vào thất nghiệp, tập đoàn lấy duy trì kinh doanh/liên doanh trái nghề để tồn tại. Nhưng tập đoàn chỉ có đặc quyền nà nước bao cấp (vốn, quyền kinh doanh, ảnh hưởng chính trị…) và không có nghề, do đó tất yếu gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội: Chết mà không chôn được, nên kinh lắm! Cả nước có không ít tập đoàn nhà nước, nông trường quốc doanh, xí nghiệp quốc doanh… chết rồi mà không chôn được.
-      Quản lý nhà nước bất cập và chính sách đất đai hiện hành dẫn tới hệ quả giá thành xây dựng 1km đường cao tốc ở Việt Nam đắt khoảng 5 – 10 lần so với Thái Lan, so với các nước phát triển khác.., thời gian thi công cũng dài hơn nhiều lần như thế, chất lượng cũng thấp hơn nhiều lần như thế…
-      Nền kinh tế có quá nhều hành vi đầu cơ lũng đoạn, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng FDI thu hút được. Vì thế khối lượng FDI thu hút được tuy không nhỏ, nhưng không đẩy nhanh được việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo hướng hiện đại. Thu hút FDI như hiện nay có nguy cơ kéo dài sự tụt hậu của đất nước… Đúng là thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với FDI, vì là quốc gia có nhiều tiềm năng lớn và giữ vị thế quan trọng trong khu  vực trên cả  hai phương diện kinh tế và chính trị. Tuy nhiên thể chế chính trị và thể chế kinh tế của đất nước hiện nay là rào cản lớn trong việc thu hút FDI có chất lượng. Đã đến lúc phải chấm dứt xu thế tranh thủ FDI với bất kỳ giá nào như đã diễn ra trong 3 thập kỷ vừa qua.
-      Vân vân…
II.2. Bàn tay bà đỡ còn nhiều yếu kém
Nhìn chung nhà nước làm không tốt vai trò “bà đỡ”; cụ thể là vừa không làm đúng chức năng của mình, vừa can thiệp quá sâu vào kinh tế,  khiến cho đòi hỏi cải thể chế kinh tế ngày càng nóng bỏng.
Những năm gần đây nhiều công trình nghiên cứu đã đi tới kết luận:
(a) Môi trường kinh doanh bị nạn quan liêu và tham nhũng lũng đoạn nghiêm trọng, trong đó nổi bật là: quyền kinh doanh và quyền sở hữu bị xâm phạm, luật thường bị lách hoặc thay thế bằng “làm luật” và lobby, hiện tượng “bộ chủ quản” và nhiều hình thức “chủ quản” khác đang hồi sinh khiến thị trường bị các hoạt động theo “lãnh địa” của các nhóm lợi ích chi phối;
(b) Thiếu vai trò trung gian hữu hiệu của các tổ chức phục vụ các doanh nghiệp trên các phương diện tài chính, luật pháp và kỹ thuật.., do đó tăng thêm giá thành và nguy cơ rủi ro trong sản xuất và kinh doanh – nhất là của các xí nghiệp nhỏ và vừa;
(c) Yếu kém của thể chế chính trị và thể chế kinh tế dẫn tới làm suy giảm nghiêm trọng khả năng hoạt động và tính hiệu quả của các công cụ hướng dẫn hay điều tiết thị trường, ví dụ như lãi suất, tỷ giá, các khuyến khích, các sắc thuế, các chính sách điều tiết khác, vân vân..;
(d) Cùng với những yếu kém của thị trường, hệ thống thống kê và thông tin kinh tế không chuẩn xác (hoặc cố ý che giấu hay tô hồng), làm cho những tín hiệu của thị trường giảm hoặc mất độ tin cậy, gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hệ điều hành, gia tăng các yếu tố đầu cơ;
(e) Do những yếu kém nhiều mặt của kinh tế thị trường, ước lượng Việt Nam chỉ tận dụng được khoảng 30% các hiệp định khung song phương, đa phương và quốc tế đã ký kết, nên không cải thiện được bao nhiêu năng lực cạnh tranh, chưa tham gia sâu được vào các chuỗi sản phẩm mặc dù nền kinh tế nước ta có tỷ trọng xuất khẩu rất cao, thậm chí có nhiều thua thiệt ngay cả trên thị trường nội địa vì không tân dụng được những điều đã ký kết, vân vân… Mặt khác, hội nhập sâu rộng mà không nâng cao được năng lực cạnh tranh đã khiến nước ta rơi vào thế lệ thuộc ngày càng nặng nề vào bên ngoài về vốn (ODA, FDI, các khoản vay khác), nguồn cung đầu vào – đặc biệt từ Trung Quốc (tổng thầu các dự án, các sản phẩm trung gian), và một số lĩnh vực khác (FDI chi phối 65% xuất khẩu và gần 50% công nghiệp).
(f) Khu vực kinh tế quốc doanh, trước hết là các tập đoàn nhà nước, chiếm tới trên 60% vốn của toàn xã hội, hiệu quả kinh tế thấp, nợ nần lớn, sau nhiều năm cải cách đi cải cách lại khu vực kinh tế quốc doanh hiện nay chiếm vai trò chủ đạo trong nợ của quốc gia và là nơi có nhiều ung nhọt nguy hiểm cho cả nền kinh tế; đặc biệt nghiêm trọng là hiện tượng kinh doanh/liên doanh trái nghề và hiện tượng sở hữu chéo của các tập đoàn nhà nước một mặt vô hiệu hoá đáng kể khả năng quản lý của nhà nước và hệ thống luật pháp, mặt khác chèn ép nguy hiểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
(g) Chưa tạo ra được một thị trường phục vụ tốt nông nghiệp trên cả 2 phương diện đầu vào và đầu ra, khiến cho nông dân bị thiệt thòi nghiêm trọng và chịu đựng nhiều bất công, đồng thời hạn chế khả năng cải tiến hay hiện đại hoá nông nghiệp; sau gần hai thập kỷ tham gia WTO và nhiều hiệp định khung khác nước ta vẫn lạc hậu và phải chịu nhiều thua thiệt lớn trong xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo, cà-phê, cao su, thuỷ sản, tiêu…
(i) Còn thiếu nhiều chính sách và biện pháp thiết thực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng và vai trò của giới doanh nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, nhất là trên các phương diện: nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải tiến các mô hình doanh nghiêp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đỡ đầu các sản phẩm mới, tham gia xây dựng các chính sách vỹ mô và vi mô, thể chế, chiến lược phát triển… (còn thiếu những quyết sách làm cho doanh nhân và các nhà công nghệ trở thành những người trực tiếp thúc đẩy và mở mang kinh tế; xin lưu ý: doanh nhân mới là người trực tiếp tạo ra công ăn việc làm và làm giầu cho đất nước);
(j) Trước sau không thể duy trì vai trò ngân hàng nhà nước với tính cách như là một công cụ của quyền lực như hiện nay (nguyên nhân gốc của lạm phát và của tình hình chi tiêu cũng như phân bổ nguồn lực không thể kiểm soát được). Dứt khoát phải sớm tính đến vai trò độc lập của ngân hàng nhà nước như một công cụ của nhà nước pháp quyền, phải hoạt động theo hiến pháp, chỉ chịu sự giám sát duy nhất của hiến pháp và quốc hội, qua đó trở thành công cụ tài chính quốc gia duy nhất, không thuộc bất kỳ đảng phái hay quyền lực chính trị nào, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất đối với toàn bộ nền kinh tế - đây là một trong những điều kiện tiên quyết không thể thiếu của nhà nước pháp quyền cũng như nền kinh tế thị trường. Cùng với vai trò độc lập này của ngân hàng nhà nước là vai trò độc lập của hệ thống thống kê nhất thiết phải tôn trọng, cùng với cùng một lý do như ngân hàng nhà nước;
(…)
 Tựu trung có thể nhận xét, vai trò “bà đỡ” của nhà nước còn đứng khá xa đòi hỏi mang lại cho đất nước có một nền kinh tế thị trường được thúc đẩy bằng sự vận động của quy luật cung – cầu và sự dẫn dắt của một thể chế chính trị khuyến khích sự phát triển đất nước bằng những chính sách vỹ mô đúng đắn. Những điều trình bầy trong phần II này cho thấy đòi hỏi bức xúc phải tiến hành cải cách thể chế chính trị là trọng tâm số một, song rõ ràng phải luôn luôn gắn với cải cách thể chế kinh tế để duy trì được tình hình: Cải cách thể chế chính trị phải gắn liền với những phát triển đạt được trong kinh tế, lấy thành quả này thúc đẩy cải cách thể chế chính trị. Kinh nghiệm Myanmar khác hẳn với thực tiễn cải cách ở Liên Xô  cuối những năm 1980 ở chỗ từng bước tiến bộ trong cải cách chính trị ở Myanmar đều được hậu thuẫn bằng những tiến bộ cụ thể trong cải cách kinh tế, mặc dù nội tình Myamar khó khăn hơn Liên Xô hồi đó nhiều.
III.  Một số gợi ý
 Sự thật kinh tế đất nước đang ở trong một giai đoạn có nhiều khó khăn nghiêm trọng của khủng hoảng cơ cấu kinh tế còn kéo dài, mặc dù hai năm gần đây bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Có 4 vấn đề lớn nóng bỏng trong những năm tới nhất thiết phải giải quyết xong một cách cơ bản vào khoảng năm 2020:
-      Cơ cấu lại nền kinh tế với mục tiêu giảm bớt lệ thuộc vào bên ngoài, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các khu vực kinh tế trong nước, và phát triển sản phẩm mới, chuyển đổi sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu;
-      cơ cấu lại thị trường tài chính tiền tệ để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực và kiểm soát được vấn đề nợ;
-      cơ cấu lại khu vực kinh tế quốc doanh, trước hết là các tập đoàn nhà nước để trực tiếp góp phần vào đổi mới cơ cấu kinh tế;
-      từng bước xử lý vấn đề nợ xấu đang trở nên nguy hiểm.
Cả 4 vấn đề nêu trên đều mang tính cơ cấu nên khó, vừa đòi hỏi nhiều nguồn lực, vừa đòi hỏi nhiều thời gian, không thể đồng loạt giải quyết. Thiết kế các giải pháp từng bước cho từng vấn đề lớn này, và thực thi hài hoà với việc giải quyết từng bước cả 4 vấn đề lớn này như thế nào… là những bài toán khó. Càng không thể tạo ra tăng trưởng cao trong những năm tới này; tăng trưởng như hiện nay không có chất lượng mong muốn và không tạo ra phát triển mới sẽ chỉ có nghĩa làm cho khủng hoảng sâu sắc hơn. Chưa nói đến sắp tới nếu thiếu những  biện pháp thắt lưng buộc bụng gắt gao và có hiệu quả sẽ khó tránh đổ vỡ tiếp – trước hết vì nợ nần và vì những mất cân đối lớn. Chưa nói đến những diễn biến đột xuất từ các vấn đề an ninh quốc phòng (ví dụ: Biển Đông)[4], các vấn đề từ thiên tai, dịch bệnh nếu xảy ra... Đây là sự thật nghiêm khắc,  cần nói rõ cho cả nước biết, và cả nước – trước hết là ĐCSVN – phải thẳng thắn đối mặt.
Cái khó là cả 4 vấn đề nêu trên đều rất nóng, luôn luôn đẻ ra nhưng hệ quả khó trong quá trình xử lý. Ví dụ cơ cấu lại nền kinh tế, chắc chắn phải loại bỏ một số sản phẩm (cũng có nghĩa là phải đóng cửa một số loại doanh nghiệp nào đó, giữa lúc từ vài năm gần đây đã có tới trên 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa); trong khi đó vô cùng thiếu mọi loại nguồn lực cho phát triển các sản phẩm công nghiệp phụ trợ mà nền công nghiệp hiện có đòi hỏi.  Việc cải cách các doanh nghiệp quốc doanh – trước hết là các tập đoàn kinh tế nhà nước – cũng đặt ra những khó khăn như vậy: thất nghiệp tăng, doanh số giảm, nhà nước mất thuế... Nông nghiệp đang đặt ra nhiều bài toán rất khó và nhạy cảm, với khoảng trên 50% lao động cả nước làm nông nghiệp, với bình quân ruộng đất canh tác 0,3 ha/1 lao động, luật đất đai và thể chế chính trị hiện tại hoàn toàn bất cập cho việc đi lên một nền nông nghiệp của một quốc gia công nghiệp... Cải cách thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng cũng luôn luôn đặt ra nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Lấy tiền ở đâu tăng cường tiềm lực quốc phòng đang vô cùng bức thiết lúc này? Đời sống những người làm công ăn lương, của các bộ phận dân cư nghèo ở nông thôn và thành thị, ở các vùng sâu vùng xa… đang vô cùng nhức nhối… Công ăn việc làm của những người đến tuổi lao động? Hàng chục vạn lao động đang đi làm thuê ở nước ngoài, hàng vạn phụ nữ phải đi lấy chồng nước ngoài vì nghèo đói!.. Có thể nói, đất nước có gì có thể bán được hầu như đã bán hết rồi, từ tài nguyên, đến môi trường, đất đai, lao động rẻ, vị trí địa lý…  Song nghèo hèn và bế tắc vẫn hoàn nghèo hèn và bế tắc…  Hình như từ lâu đã bắt đầu bán cả linh hồn nữa, vì đang cam chịu số phận bị đè nén, èo uột, leo dây và lệ thuộc… 40 năm độc lập rồi vẫn chưa cai sữa được ODA và các thứ đi xin khác! Không biết niềm tự hào dân tộc còn lại là bao!?.. … Chưa nói đến thực tế đất nước đang có nhiều vấn đề nóng, rất nóng khác, trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống: giáo dục, y tế, giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, tệ nạn tham nhũng, chênh lệch giầu nghèo và bất công lớn quá, sự tha hoá trong xã hội từ những nguyên nhân kinh tế… Một sản phẩm mới ra đời trong quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế cũng đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nhất định mới định hình được… Một ngành kinh tế mới càng khó hơn, trong khi nguồn nhân  lực và thể chế chính trị gần như bất cập, rồi lại còn phải chuyển toàn bộ nền kinh tế đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới như thế nào đây?!.. Còn làm tiếp như hiện nay thì đi vào ngõ cụt!.. Và sự thật là bộ não lãnh đạo của đảng với cái “think tank” rất đồ sộ đang có trong tay lúc này vẫn không sao mách bảo được cho đất nước nên làm sản phẩm gì, làm như thế nào, rồi chuyển đổi cả nền kinh tế đất nước sang thời kỳ phát triển mới ra sao, cái định hướng xã hội chủ nghĩa không giúp được những việc cam go này… Vân vân… Thực tế của bức tranh kinh tế đầy thách thức này là sản phẩm kết tụ lại của cả một quá trình chế độ chính trị do ĐCSVN nắm quyền điều hành toàn diện và tuyệt đối dẫn dắt đất nước theo con đường “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội” từ 40 năm nay. Thực tế của bức tranh kinh tế này không phải là một sản phẩm nhất thời hoặc của riêng một người hay một nhóm người nào, cũng không phải là sản phẩm của một vài khoá nhiệm kỳ đại hội nào, mà là sản phẩm của ĐCSVN nắm quyền cai trị đất nước trong 40 năm đầu tiên độc lập thống nhất. Xin nhắc lại ở đây để không bao giờ quên trong khi so sánh và đánh giá chính đất nước mình 40 năm qua: Chiến tranh Triều Tiên kết thúc 1953, Hàn Quốc bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hoá vào khoảng năm 1960, với GDP p. c. lúc ấy là 81 USD; năm 1990 trở thành NIC (nước mới công nghiệp hoá).
 Từ minh hoạ đôi điều nói trên để đi đến kết luận dứt khoát: Nguy cơ bất cập của hệ thống chính trị nói chung và của thể chế kinh tế hiện hành nói triêng trước những vấn đề kinh tế phải giải quyết trong những năm của khoá đại hội XII tới rất lớn. Mọi thứ kinh tế bánh vẽ để trấn an, hoặc sự kiên định duy ý chí định hướng xã hội chủ nghĩa  để bảo vệ hệ thống chính trị toàn trị như đang tồn tại sẽ chỉ đem thêm thảm hoạ mới cho nhân dân và giúp Trung Quốc bá quyền xiết chặt hơn nữa cái tròng lệ thuộc trên cổ đất nước ta mà thôi. Tất cả càng nói lên tính quyết liệt của một thời kỳ cải cách đang đặt ra phía trước cho đất nước, có lẽ quyết liệt hơn và phức tạp hơn rất nhiều và cũng nhạy cảm hơn rất nhiều so với lúc phải tiến hành đổi mới thời kỳ 1986, vì tình hình khu vực và quốc tế ngày nay hoàn toàn khác, sự lệ thuộc của đất nước lại quá nguy hiểm…
  Thấy và nghĩ gì nói vậy, còn phiến diện lắm, cho nên ngoài việc nêu lên những nhận xét trên của cá nhân, tôi xin phép không bàn về các giải pháp, xin để cho các chuyên gia kinh tế làm việc này tốt hơn. Trong bài này, tôi xin gửi gắm nỗi mong mỏi của mình là đảng – trước hết là Bộ Chính trị và Tổng bí thư – phải có ý chí tiến hành tổng kết trung thực tình hình kinh tế đất nước; tổng kết được rồi thì phải nói thực với toàn đảng và với cả nước, để chắt lọc mọi trí tuệ, mọi nỗ lực, đưa kinh tế nước ta ra khỏi thời kỳ khủng hoảng cơ cấu trầm trọng hiện nay. Thiết nghĩ đất nước cần có một chiến lược kinh tế, sao cho đến năm 2020 khắc phục xong khủng hoảng cơ cấu kinh tế hiện nay, phát triển được những điều kiện kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật cần thiết cho bước phát triển mới, xây dựng được nguồn nhân lực và thể chế kinh tế với chất lượng mới; trong những năm tới này đất nước cũng phải tích luỹ được lực mới, để từ năm 2020 có thể bắt tay vào xây dựng một nền kinh tế hiện đại hoá đúng với nghĩa phát triển là động lực bền vững của tăng trưởng kinh tế. Đặt vấn đề như vậy chất lượng, chứ không phải số  lượng, của tăng trưởng kinh tế mới là mục tiêu quyết định – phục vụ nhiệm vụ trung tâm là phát huy yếu tố con người làm nên sức mạnh quốc gia. Nếu thế cũng phải cất đi cái khẩu hiệu bánh vẽ “đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, càng không thể trút hết mọi tội lỗi lên cái lá diêu bông: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân của tình trạng kinh tế đất nước hiện nay là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không theo kịp công cuộc đổi mới… - mà lẽ ra phải quyết định vứt bỏ cái lá diêu bông!
Chỉ có một lối ra khỏi tình hình nguy hiểm hiện nay để phát triển là:  Trí tuệ, dân chủ và ý chí cứu nước phải là những động lực chính trị của sự nghiệp phát triển kinh tế trong những năm tới, bắt đầu từ việc đại hội XII quyết định tổ chức lại ĐCSVN để phấn đấu trở thành đảng của dân tộc, dấy lên sự tham gia của toàn dân tộc chuyển đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới năng động và bền vững./.
 Hà Nội, tháng 9 - 2014

  Nguyễn Trung

[1] Các nước được xếp loại “nước đang phát triển có thu nhập trung binh” có GDP p.c. trong khung 7000 – 12000 USD, nước ta hiện nay mới đạt khoảng 1350 USD. Để lọt được vào khung này, nước ta cần khoảng 1 – 2 thập kỷ nữa.
[2] Thật ra rất khó nói nước ta có chiến lược phát triển kinh tế với đúng nghĩa, nó mang quá nhiều nét dang dở của tự phát; bởi vì chiến lược được hiểu theo những gì đã được viết ra trong nghị quyết thường không bao giờ được thực hiện nghiêm túc, hay thay đổi theo nhiệm kỳ đại hội, bị xé lẻ theo tỉnh hay theo ngành; mỗi tỉnh lại là một nền kinh tế riêng hoàn chỉnh, được quy hoạch, tính toán riêng cho tỉnh… (cái gọi là “nền kinh tế GDP tỉnh”). Chiến lược công nghiệp hoá là một chiến lược tổng thể, song cũng được thay đổi tuỳ tiện qua các khoá đại hội. Chiến lược kinh tế vùng hầu như chỉ nằm trên giấy, trong khi đó cuộc sống tự nó tạo ra các liên kết giữa các ngành và các địa phương theo nhu cầu của cuộc sống, không nằm trong nhị quyết nào cả. Hầu như đến nay chưa có một quy hoạch phát triển kinh tế nào đứng vững – nhất là quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản… Vân vân…
[3] Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
[4] Riêng đối phó với sự kiện giàn khoan HD 981 kinh tế đất nước mất khoảng 1% GDP.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-9-14
(Viet - studies) 

Lê Công Định - Thượng tôn luật pháp (Rule of Law)

Trong một nhà nước pháp trị, nơi mà nhà cầm quyền cai trị xã hội bằng luật pháp, tinh thần thượng tôn luật pháp là lẽ đương nhiên. Thượng tôn luật pháp được thể hiện ở chỗ cả bộ máy công quyền lẫn công dân cùng “quy ước” với nhau chỉ tuân thủ và áp dụng các đạo luật và văn kiện lập pháp tương đương khác do quốc hội hay nghị viện ban hành một cách minh bạch.

Tất nhiên, khi hành xử quyền hành pháp, chính phủ và các cơ quan trực thuộc có thể soạn thảo những văn kiện lập quy để những viên chức trong bộ máy công quyền dễ dàng thực hiện công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Người dân lẽ ra không cần biết đến những văn kiện lập quy này, đặc biệt những loại có đóng dấu “mật”, vì họ chỉ phải tuân thủ những gì do chính cơ quan mà họ trực tiếp bầu nên soạn thảo và ban hành.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, như Bộ Luật dân sự lại còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của nghị định và thông tư.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, như Bộ Luật dân sự hay Luật đất đai chẳng hạn, tuy đã được ngành lập pháp ban hành nhưng còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của những văn kiện lập quy như nghị định và thông tư của ngành hành pháp. Đó là chưa kể đến một thực tế vẫn diễn ra thường xuyên là các cơ quan công quyền, đặc biệt Chính phủ và các Bộ, khi ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành một đạo luật đã tự ý áp đặt cách giải thích luật của mình hoặc đặt ra các thủ tục mà luật không minh định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền lợi của người dân vốn đã được đạo luật ấy công nhận.

Trong một nhà nước pháp trị, cơ quan lập pháp và các thành viên của nó phải chủ động soạn thảo dự án luật, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ các Bộ trình sẵn để tranh luận và biểu quyết. Chính những đại biểu dân cử sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực đối tượng của đạo luật. Thực thi quyền soạn thảo luật như vậy cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “nghị gật” trên diễn đàn quốc hội.

Thượng tôn luật pháp còn đòi hỏi mọi văn kiện lập pháp và lập quy đều phải tuân thủ hiến pháp. Công dân được quyền thách thức tính hợp hiến của luật và các văn bản dưới luật bằng việc khởi kiện trước tòa bảo hiến. Tòa bảo hiến - dù được tổ chức như một định chế riêng biệt hay là một bộ phận của tòa án tối cao - sẽ đảm đương công việc bảo vệ hiến pháp và có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ các đạo luật, nghị định, thông tư hoặc quyết định vi hiến.

Tình trạng thông tư và nghị định của ngành hành pháp mâu thuẫn với các đạo luật của cơ quan lập pháp như hiện nay chắc chắc cũng không thể tồn tại nếu có tòa bảo hiến. Quốc hội khi đó sẽ nghiêm túc hơn khi soạn thảo luật, cơ quan công quyền sẽ cẩn thận hơn khi điều hành quốc gia. Không ai có thể tiếp tục tại vị để đùa với dân khi mà hôm nay ban hành quyết định này, ngày mai lại sửa đổi, thậm chí hủy bỏ chính quyết định đó!đạo luật và văn kiện lập pháp tương đương khác do quốc hội hay nghị viện ban hành một cách minh bạch.

Tất nhiên, khi hành xử quyền hành pháp, chính phủ và các cơ quan trực thuộc có thể soạn thảo những văn kiện lập quy để những viên chức trong bộ máy công quyền dễ dàng thực hiện công việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Người dân lẽ ra không cần biết đến những văn kiện lập quy này, đặc biệt những loại có đóng dấu “mật”, vì họ chỉ phải tuân thủ những gì do chính cơ quan mà họ trực tiếp bầu nên soạn thảo và ban hành.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, như Bộ Luật dân sự lại còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của nghị định và thông tư.

Nếu thực hiện nguyên tắc thượng tôn luật pháp thì khó có thể chấp nhận việc một văn kiện lập pháp, như Bộ Luật dân sự hay Luật đất đai chẳng hạn, tuy đã được ngành lập pháp ban hành nhưng còn phải chờ sự hướng dẫn thi hành của những văn kiện lập quy như nghị định và thông tư của ngành hành pháp. Đó là chưa kể đến một thực tế vẫn diễn ra thường xuyên là các cơ quan công quyền, đặc biệt Chính phủ và các Bộ, khi ban hành văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thi hành một đạo luật đã tự ý áp đặt cách giải thích luật của mình hoặc đặt ra các thủ tục mà luật không minh định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền lợi của người dân vốn đã được đạo luật ấy công nhận.

Trong một nhà nước pháp trị, cơ quan lập pháp và các thành viên của nó phải chủ động soạn thảo dự án luật, chứ không chỉ thụ động ngồi chờ các Bộ trình sẵn để tranh luận và biểu quyết. Chính những đại biểu dân cử sẽ chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia trong lĩnh vực đối tượng của đạo luật. Thực thi quyền soạn thảo luật như vậy cũng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng “nghị gật” trên diễn đàn quốc hội.

Thượng tôn luật pháp còn đòi hỏi mọi văn kiện lập pháp và lập quy đều phải tuân thủ hiến pháp. Công dân được quyền thách thức tính hợp hiến của luật và các văn bản dưới luật bằng việc khởi kiện trước tòa bảo hiến. Tòa bảo hiến - dù được tổ chức như một định chế riêng biệt hay là một bộ phận của tòa án tối cao - sẽ đảm đương công việc bảo vệ hiến pháp và có thể đưa ra phán quyết hủy bỏ các đạo luật, nghị định, thông tư hoặc quyết định vi hiến.

Tình trạng thông tư và nghị định của ngành hành pháp mâu thuẫn với các đạo luật của cơ quan lập pháp như hiện nay chắc chắc cũng không thể tồn tại nếu có tòa bảo hiến. Quốc hội khi đó sẽ nghiêm túc hơn khi soạn thảo luật, cơ quan công quyền sẽ cẩn thận hơn khi điều hành quốc gia. Không ai có thể tiếp tục tại vị để đùa với dân khi mà hôm nay ban hành quyết định này, ngày mai lại sửa đổi, thậm chí hủy bỏ chính quyết định đó!
Lê Công Định
(FB Luật sư Lê Công Định)

-Định Thiên – “Sư Quốc doanh”

Định Thiên

Tác giả gửi tới Dân Luận
Xã hội Việt Nam ngày nay đang tồn tại nhiều chuyện ngược. Một trong những chuyện ngược đó là ngày càng có nhiều quan chức đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam đi chùa.
Nói “ngược” là vì: Chủ thuyết của Cộng Sản là “vật chất quyết định ý thức, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng”… còn Đạo Phật thì lấy “Tâm, Ý” làm chủ thể: “tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tạo tác” (Kinh Pháp Cú). Vì thế, trong khi việc đi chùa của hàng vạn hàng triệu nhân dân phật tử là công đức thiện tâm, thì việc “các ông nhà nước” xuất hiện thường xuyên nơi cửa Phật hoặc nhiều thầy tu áo mão xiêm y kè kè bên cạnh những ông quan cộng sản to đùng lên TV, thậm chí ở nhiều nơi tượng, ảnh của Bác Hồ cũng được đưa lên ngồi chung với bàn thờ Phật, Tổ (1) thì cái chân lý “tự nhiên” “như nhiên” của Phật Thích Ca đã bị các thầy tu nhân danh là “con ruột” của ngài xâm hại nặng nề!

Trở về quá khứ những năm đầu thập niên 80, là giai kỳ mà việc xét lý lịch đã trở thành một rào cản đóng cánh cửa tương lai của hàng vạn thanh niên, theo lời một người làm trong ngành An ninh: hồi đó muốn vào ngành Công an hoặc muốn kết nạp Đảng thì điều kiện tiên quyết trong hồ sơ lý lịch phải là “không tôn giáo”. Cần nhớ, những năm đầu thập niên 80 cũng là thời kỳ mà Phật giáo Việt Nam phải bước một “bước chuyển mình đau đớn”! Đó là, từ tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), nơi có nhiều nhà sư ưu tú, uy tín lẫm liệt trong lòng trí thức và quần chúng Phật tử, chuyển sang một tổ chức gọi là “hợp nhất 9 Hệ Phái Phật Giáo” được triệu tập trong một đại hội năm 1981 tại Hà Nội, có danh xưng còn duy trì đến ngày nay là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) lấy phương châm là “Đạo Pháp – Dân Tộc – Xã Hội Chủ Nghĩa” theo một kịch bản mà có tài liệu cho là “do Công an Tuyên giáo soạn”. (2)
Tại sao nói là “bước chuyển mình đau đớn”? Có thể nói Đảng CSVN rất giỏi chiến thuật “lấy mỡ nó ráng nó”! Bằng việc cho ra đời tổ chức Giáo hội Phật giáo Nhà nước (tức GHPGVN), họ đã gây phân hóa các tu sĩ mà trước đó đứng chung hàng trong GHPGVNTN. Một số nhà sư cho rằng Phật Giáo cũng phải tùy thời mà hành hoạt nên tham gia vào. Có người vì cầu lợi danh mà vào nhưng số không nhiều cho đến sau này có vài vị cuốn vào nguồn máy mà bị tha hóa. Một số thề không bắt tay với chính quyền để duy trì GHPGVNTN thì bị đánh cho tàn rơi lá mồng tơi như các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ. Có vị rút lui hậu trường tìm vui ngày tháng bằng lời kinh tiếng kệ như hòa thượng Thích Trí Quang, Thích Thanh Từ. Nhiều vị thì vì các lý do khác nhau mà tiếp tục con đường tu hành ở nước ngoài như các hòa thượng Thích Mãn Giác, Thích Tâm Châu, Thích Thiện Châu, Thích Nhất Hạnh. Cũng có những nhà sư tuổi Đảng nhiều hơn tuổi Đạo, đã dày kinh nghiệm hít thở bầu không khí XHCN thì đương nhiên được cơ cấu vào làm lực lượng tai mắt nòng cốt.
Đến hôm nay, các tu sĩ nổi tiếng có xuất thân từ GHPGVNTN chuyển qua tham gia giáo hội nhà nước như các hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh… theo quy luật vô thường mà yên giấc nghìn thu, thay vào đó phần nhiều là các nhà sư ăn theo nói leo thì có thể nói tổ chức GHPGVN đã trở thành một con cừu ngoan ơi là ngoan của ông chủ CS. Cũng theo người làm trong ngành An ninh, thì gần chục năm nay lý lịch kết nạp Đảng và hồ sơ vào ngành Công an không nhất thiết phải là “không tôn giáo” như trước nữa mà đã có sự mở rộng ra, chấp nhận cả hồ sơ lý lịch “Phật giáo” (cánh cửa vẫn đóng kín với các tôn giáo khác). Như vậy là đã có sự chuyển “từ lượng thành chất” trong quan hệ của GHPGVN và chính
quyền CSVN. Quá trình chuyển hóa này tuy có lúc đậm nhạt khác nhau nhưng nhìn chung là tỉ lệ thuận với “độ ngoan” của “con cừu” Phật Giáo.
18.8.14bt3309-1.jpg
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thăm, chúc mừng Bộ Công an nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống
Để duy trì quan hệ “môi răng”, mỗi năm có hàng chục cuộc thăm viếng kiểu “bánh ít đi bánh quy lại” của lãnh đạo hai bên. Không khí mỗi cuộc viếng thăm “thêm tạ muối cũng chưa hết nhạt” là vì “giang hồ cũng trọng nghĩa khí còn thầy tu mà câu nệ lợi danh nên CS chỉ DỤNG chứ không TRỌNG” như tâm sự của một người trong cuộc. Tuy nhiên, nhờ các đợt viếng thăm như vậy mà nhiều đường hướng chính trị của Đảng và Nhà Nước “quá cảng” ở cửa chùa để rồi sau đó đi vào đời sống xã hội là đông đảo quần chúng Phật tử bằng cách lồng ghép qua những buổi sinh hoạt “Phật Pháp”.Những năm gần đây, bất chấp nền kinh tế VN suy trầm, đời sống đa phần người dân trở nên khốn đốn thì vẫn có hàng trăm ngôi chùa “treo biển” GHPGVN mọc lên khắp miền đất nước, nhiều tu sĩ không ngại phô sự se sua giàu có. Song song với đó là nhiều scandal trong giới thầy tu gây chấn động dư luận xã hội cũng tăng lên. Kỷ lục chùa to phật lớn không ngừng được lập và được cấp bằng. Có những “siêu chùa” mà độ hoành tráng xếp hạng 5 sao! (3).
Tương ứng với “siêu chùa” thì có “siêu sư”. Cầm cạt-vi-zít vài nhà sư trên tay, nhiều người hoa mắt với hàng loạt chức danh của người đời như Tiến sĩ, Chủ tịch, Trưởng ban, Giám đốc… Nhà nước thì hào phóng ban phát Huân-Huy chương, giấy khen cho các nhà sư. Có vị HT khi còn sống từ chối nhận đến khi thác thì nhà nước đem Huân chương HCM tới đặc lên quan tài (như trường hợp HT Thích Đôn Hậu) nhưng cũng có nhà sư đã có đủ bộ “sưu tập”.
Việc ngoan ngoãn theo ông chủ CS biến nhiều nhà sư có chức có quyền ngày càng trở nên nhu nhược, phản động. Trong chuyến về Việt Nam cách đây vài năm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, khi đến thăm VPTW GHPGVN, 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh, một cơ ngơi mà GHPGVN đang kế thừa từ trường Thanh niên Phụng sự xã hội do hòa thượng Thích Thiện Minh lập năm 1964 đã phát biểu rằng điều mà lòng ông cảm thấy buồn là trong khuôn viên không thấy có một tấm hình nào của hòa thượng Thiện Minh, một vị hòa thượng chân tu hết lòng với Đạo Pháp. Phải chăng để cho đẹp lòng “ông chủ” mà các “nhà sư lãnh đạo” bỏ quên cả vị ân sư của mình!? Nên nhớ, hòa thượng Thiện Minh chết trong nhà tù CS năm 1979 mà đến nay xác không biết ở đâu.
Cũng nhắc lại sự kiện Pháp nạn xảy ra với Tăng đoàn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã tỉnh Lâm Đồng năm 2008, khi Thiền Sư Nhất Hạnh nêu kiến nghị 10 điểm lên Nhà nước trong một buổi tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Nội dung của bản kiến nghị là kêu gọi giảm bớt sự can thiệp của nhà nước trong các sinh hoạt của Phật Giáo đồng thời kêu gọi giới thầy tu rút lui các hoạt động trong môi trường chính trị để dành thời gian chuyên tâm thực hành tâm linh… Đó là những kiến nghị hoàn toàn đúng đắn và đầy trách nhiệm, nhưng cũng vì thế mà tăng đoàn của ngài đã bị đánh cho tanh bành trong liên tục mấy tháng trời bởi một lực lượng mà sau đó thiền sư Nhất Hạnh trong tâm thư gởi Chủ Tịch Nước kêu gọi can thiệp đã viết: “côn đồ với công
an, tuy hai mà một”. (4)
Cùng thời gian đó, trong khi nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ 400 tu sĩ và hàng ngàn phật tử, (Đảng viên kỳ cựu, nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Đắc Xuân viết thư phản đối và có yêu sách đòi ly khai ra khỏi ĐCS (5) thì các nhà sư quyền cao chức trọng của GHPGVN hoàn toàn im lặng trước công luận. Không những thế, họ nhiệt tình lên tivi làm phông màn, tổ chức cầu an cầu siêu cho các anh hùng cách mạng ở hàng chục nghĩa trang liệt sĩ với nhiều lễ hội linh đình tốn kém mà hiệu quả như thế nào thì thực tế đời sống xã hội đã kiểm chứng! (http://giacngo.vn/vanhoa/2014/07/17/37F25A/).
Việc liên tiếp rầm rộ cầu an cầu siêu tại các Nghĩa trang Cách mạng mà chưa một lần cầu siêu cho các anh hùng chiến sĩ trận vong các mặt trận khác hoặc cho hàng vạn đồng bào tử nạn giữa muôn trùng biển khơi trên hành trình chạy trốn CS… thì dù có khách quan cũng không khỏi gợi ra một dấu hỏi: GHPGVN lấy việc “quảng cáo chính trị CS” hay lấy giáo lý “Tâm vô phân biệt” của Đức Phật làm lý tưởng hành đạo? Thậm chí, cùng là “Thích tử thiền môn”, cùng tu hạnh vô ngã từ bi, nhưng các nhà sư GHPGVN lên tivi, xuất hiện tại diễn đàn Quốc hội để “đấu tố” các đồng đạo của mình bên GHPGVNTN. Những nhát đâm rỉ máu cắt vào tim lịch sử Phật giáo VN!(6)
Một tổ chức giáo hội thiếu bản sắc, bị sai khiến và bị huy động cho các mục đích chính trị lại phảng phất hình bóng lợi ích nhóm khiến nhiều tu sĩ có đạo tâm đạo lực chọn cách đứng ngoài. Một thiểu số đã dính chân vào thì làm việc cầm chừng tư tưởng hai hàng. Chỉ có những tay “cò tôn giáo” là thỏa sức khua chiên khua trống.
Karl Marx, ông tổ của học thuyết CS còn chỉ ra: khi lượng và chất phát triển không đồng đều thì xảy ra mâu thuẫn xung đột. Vì vậy, đạo đức xã hội VN ngày càng tỉ lệ nghịch với mật độ gia tăng số lượng chùa chiền như nó đã và đang thể hiện nếu nhà nước CS không thôi biến báo Phật giáo để thỏa các mục đích chính trị, nếu các nhà sư có chức có quyền không thôi “chăm sóc bộ lông của mình” để tinh chuyên “Giới Định Huệ” như bản hoài của Đức Bản Sư Phật.
Sài Gòn, Mạnh Thu 2014
Định Thiên
_________________________
(1) http://www.tinparis.net/tinvietnam/0605_vn01.html
(2) http://anhduong.net/Tinvietnam/jan06/TaiLieuQuanTrong-DoTrungHieu.htm
(3) http://suckhoedoisong.vn/phong-su/ve-chua-bai-inh-chiem-nguong-nhieu-ky-luc-20120629083821465.htm
(4) http://195.188.87.10/vietnamese/vietnam/2009/10/091019_hrw_batnha.shtml
http://luongtamconggiao.wordpress.com/2012/03/18/chinh-quy%E1%BB%81n-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-hay-nha-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n-con-d%E1%BB%93/
(5) http://sachhiem.net/NDX/NDX016.php
(6) http://www.ghpgvntn.net/chinh-quyen-va-chuc-sac-ton-giao-tp-da-nang-thong-qua-kenh-truyen-hinh-vtv-dau-to-dd-thich-thien-phuc/).

Tuấn Khanh - Người Việt đẳng cấp thế giới

Nếu chỉ nhìn trên mặt báo, người Việt dường như luôn đang ở tầm thế giới. Bất chấp mọi con số hay hình ảnh trần trụi xót xa nào mà chúng ta đang có, người Việt hôm nay lộng lẫy không khác gì công dân của các cường quốc được hâm mộ.
Trên các bản tin, hình ảnh người Việt chen chúc nhau xếp hàng cùng các công dân Nhật, Singapore… để chờ mua chiếc Iphone 6 vừa ra mắt. Gương mặt của những công dân Việt Nam mệt mỏi nhưng đầy sự thoả mãn của sự hưởng thụ cảm giác bằng vai phải lứa cùng cường quốc năm châu.
IMG_1090.JPG

Không biết từ lúc nào, khát vọng về một đẳng cấp thế giới đã ám ảnh người Việt từ sự khoe khoang sở hữu cho đến du lịch, bóng đá… Từng con người hoặc từng đám đông đang cố nhoài người tách ra khỏi thực tế của một quốc gia, chỉ để chứng minh rằng mình có một đẳng cấp thế giới.
Thật khó hiểu khi tiêu chuẩn để trở thành người được sáng danh trên các trang báo, là các nhân vật mua được sớm nhất các thiết bị điện tử có giá đắt đỏ vô lý. Người sở hữu chiếc Iphone có giá mua hơn cả một năm lương của người nghèo lại được tung nghênh hơn một người lao động làm ra của cải hay giúp đỡ cho người khác tương đương với số tiền ấy. Một ca sĩ không có giọng hát hay bài hát nào ra hồn lại được ca tụng như một hit pop-star chỉ vì có Iphone sớm nhất.
Vậy đó.
Thói đam mê ảo ảnh hơn người, như loại dục vọng không thể kềm nén nổi tầm quốc gia, căn bệnh “đẳng cấp thế giới” đang lồ lộ trên báo chí, truyền hình – mà ngay cả những bài viết ca ngợi những đẳng cấp đó, cũng không giấu nổi sự sôi sục thèm khát của chính người viết.
Giấc mơ đẳng cấp thế giới không chỉ xuất hiện ở chiếc Iphone hay mua được chiếc vé xem đá banh ở Nam Mỹ. Nó xuất hiện đôi khi trơ trẽn trong các bản tin về những người trẻ “gốc Việt” thành đạt trên thế giới.
Phải chăng sự khốn khó kéo dài dễ dẫn đến ảo giác về một huyền thoại chủng tộc Việt, khiến giới truyền thông hay chụp bắt các gương thành đạt của người Việt trong chính trị hay y khoa, thể thao, điện ảnh… ở nước ngoài như một điều tự hào dân tộc rất “chung và hiển nhiên” mà không cần biết điều kiện nào đưa những người Việt đó đến đích.
Tôi vẫn còn nhớ chuyện đạo diễn Kim Nguyễn ở Canada với phim War Witch được đề cử Oscar 2013. Báo chí Việt Nam trong căn bệnh thích có chân trong đẳng cấp thế giới đã tìm mọi cách để nhắc Kim Nguyễn về cội nguồn của anh. Kết cục là khi được hỏi anh có ý định nào làm phim với người Việt, xứ Việt hay không, Kim Nguyễn đã nói nhanh rằng “không” và giải thích rằng mình không thấy có mối liên hệ nào ràng buộc mình để phải làm vậy cả. Gần hơn, là chuyện cầu thủ trẻ Phạm Huy Tiến ở Romania. Sau khi tung hô rằng xứ sở của “người Việt mình” cũng có người “gốc Việt” đẳng cấp thế giới, báo chí cũng nhận được gáo nước lạnh từ chàng trai này là kiên quyết không quan tâm về nước thi đấu, dù được trãi thảm đỏ.
Trong những trận bóng của U19 vừa rồi, một bạn trẻ nhắn cho tôi rằng anh ta buồn chán vì thấy người Việt thật tệ trong việc ném chai nước, chiếu đèn vào cầu thủ Nhật khi họ thắng đội Việt Nam. Tôi đã phải nói rất nhiều để anh bạn đó phân biệt rõ: Yêu thể thao và khát vọng thượng đẳng là 2 điều khác nhau. Việc thù ghét kẻ vượt trội hơn mình trong thể thao hay văn hoá có thể bị coi là một cuộc đấu tranh giai cấp điên cuồng đáng khinh.
Tệ hơn nữa là sự thù ghét kẻ hơn mình lại khoác chiếc áo chủ nghĩa ái quốc cực đoan. Việc coi mình phải luôn hơn kẻ khác cũng là tiền đề dẫn đến sự bùng phát của chủ nghĩa Facist, từ chủng tộc thượng tôn Aryan. Đó là thảm hoạ. Tôi và anh bạn trẻ đó hẹn nhau ở những trận bóng tới, sẽ nhìn ngó xem bao nhiêu là người yêu thể thao và bao nhiêu là người chỉ là nhân danh.
Anh bạn trẻ nói với tôi rằng dẫu sao, người Việt cũng có một hành động đẹp là chia nhau lượm rác sau trận đấu. Tôi lại phải giải thích rằng hai trạng thái đó cũng khác nhau, và những nhóm người đó cũng khác nhau. Việc bắt chước hành động thượng đẳng của người Nhật trên sân vận động không hề chữa lành được việc làm nhơ nhuốc trước đó, khi thua trận bóng. Thậm chí nếu trong nhóm người nhặt rác đó có người đã ném chai, chiếu đèn… Vào đội Nhật, nó cũng trình bày một hiện trạng của người Việt: phong trào thích bắt chước những hành động cao quý nhưng lộ rõ sự giả tạo bề ngoài, che đậy những trái tim không thượng đẳng.
Có lần, một anh bạn người Pháp hỏi tôi rằng “nước của anh tuyên bố có rất nhiều tiến sĩ nhưng sao lại rất ít bằng phát minh?” Thật khó mà giải thích được một cách ngắn gọn rằng đó chỉ là những tuyên ngôn trình diễn giấc mơ thượng đẳng của những người không màng trách nhiệm với đất nước. Nó giống như việc Viện trưởng Viện Kinh tế chiến lược VN –châu Á, ông Nguyễn Xuân Kiên mới đây tuyên bố rằng 20 năm nữa Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Làm sao mà giải thích được tượng đài mơ đẳng cấp thế giới treo đèn kết hoa ấy, được dựng nên bằng cát đá của hàng ngàn công trình hạ tầng đang sụp đổ, của những món nợ công khổng lồ mà nhiều đời con cháu Việt phải gánh trả hay một quốc gia bị tham nhũng đục ruỗng từng ngày đến mức ông Nguyễn Minh Triết, nguyên chủ tịch nước đã phải kêu lên “tham nhũng đang đe doạ chế độ”.
Đẳng cấp thế giới của người Việt chắc chắn không là chuyện sở hữu các loại smartphone mới nhất, không phải là chen chân vào đoàn siêu xe với các triệu phú Việt kiều đi vòng quanh nước Mỹ mượn ý nghĩa Hoàng Sa -Trường Sa, không phải là đám đông thích giương cờ hò hét trong các trận bóng hay nguyện quan tâm đến sự sống chết của loài tê giác ở Châu Phi… Tôi tin là người Việt sẽ có một đẳng cấp thế giới khi thật sự biết đau xót từ chuyện già trẻ giành nhau những chiếc áo đi mưa, bốc hốt trong bữa tiệc buffet… cho đến biết tức giận và hành động trước nạn bạo hành con trẻ, biết quan tâm và chia sẻ việc đòi công lý những điều oan khuất vẫn hiện ra trên báo chí mỗi ngày.
Sự thượng đẳng nằm trong trái tim mình – nó đang bị giam cầm bởi sự chập choẻng bề ngoài như một thảm nạn của dân tộc. Sự chập choẻng ấy biến chúng ta thành một dân tộc thiếu sự trưởng thành. Đẳng cấp thượng đẳng của một dân tộc – nếu có – sẽ thật sự đánh thức từng người, rằng cuộc sống không chỉ cần riêng mình no đủ và nhởn nhơ vô tâm với cuộc sống thật chung quanh mình.
————————————————–
Về lời nhận định của ông Nguyễn Minh Triết
Tuấn Khanh
(Blog Tuấn Khanh)

-Biểu tình ngưng hoạt động nhà máy Titan – Ninh Thuận: Lắng nghe tiếng dân hay mù mờ nghe chính quyền?

Danluan

Phóng viên Dân Luận thực hiện

Dân Luận: Như Dân Luận đã đưa tin, ngày 27/3/2014 vừa qua người dân Sơn Hải đã biểu tình trước UBND tỉnh phản đối công an bắt người vô cớ trái pháp luật. Vụ việc Dân Luận đã đưa tin nhận thấy có nhiều khúc mắc của phía bà con thôn Sơn Hải khác hoàn toàn so với những gì chúng tôi đọc được trên báo chí chính thống. Vì vậy phóng viên Dân Luận đã đến thôn Sơn Hải trực tiếp gặp bà con để tìm hiểu rõ vụ việc.
untitled_1.jpg
Từ trái qua: Cô Trần Thị Thanh, ông Lê Quang Hạnh, ông Dương Văn Phước thôn Sơn Hải tường thuật lại vụ việc.

Sự việc xảy ra vào ngày 27/3/2014 vừa qua, khi người dân ở thôn Sơn Hải – xã Phước Dinh- huyện Ninh Phước- tỉnh Ninh Thuận kéo nhau ra UBND tỉnh để làm rõ việc chính quyền bắt người trái pháp luật.


Được biết trước đó ngày 26/3/2014 cơ quan công an tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại khu vực tận thu quặng titan của Công ty TNHH MTV Quang Thuận (gọi tắt Công ty Quang Thuận). Điều đáng nói, những người bị bắt đều là những người phản đối việc hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy khai thác Titan.
Tiếp xúc với người dân nơi đây, PV Dân Luận đã có dịp được nghe kể về những câu chuyện đằng sau nổi ẩn khuất, sự bất công của chính quyền đối với người dân, trong việc ngăn chặn nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường nước sinh hoạt trong thôn.
Theo ông Dương Văn Phước cho biết: “kể từ khi UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép cho công ty TNHH Quang Thuận đi vào hoạt động khai thác Titan sát với khu vực dân ở, cuộc sống của người dân trong thôn bị đảo lộn hoàn toàn, dân ko có nước để sinh hoạt vì nguồn nước sạch bị ô nhiễm nặng , nhà cửa bị nứt nẻ vì cát lún, mồ mả tổ tiên thì bị chôn vùi dưới cát trắng, đau lòng lắm”.
hinh_1.jpg
hinh2.jpg
Nguồn nước ngầm người dân Sơn Hải sử dụng bị vẩn đục và ô nhiểm nghiêm trọngVùng đất Sơn Hải – Ninh Thuận là một vùng khô hạn, từ trước tới nay nguồn nước sạch ở đây vốn dĩ đã rất thiếu thốn, người dân sinh sống quanh đây đã phải chắt chiu và giữ gìn để bảo vệ nguồn nước ít ỏi này.
Từ khi công ty TNHH Quang Thuận được cấp phép đi vào khai thác Titan ở khu vực này thì nguồn nước ngầm ngày càng giảm sút nghiêm trọng, không những thế còn bị ô nhiễm rất nặng. Việc tắm rửa, giặt đồ người dân cũng ko dám lấy nguồn nước này ra sử dụng. Hiện nay, dân phải mua nước bình ở ngoài về sinh hoạt.
Ngoài ra việc khai thác Titan còn gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm biến dạng khu vực bãi cát ven biển, làm nhiễm mặn và cạn kiệt nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến rừng phòng hộ ven biển, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường.
hinh16.jpg
hinh17.jpg
hinh18.jpg
Từ khi nhà máy Titan đi vào hoạt động khiến cát lún, mồ mả tổ tiên của người dân bị chôn vùi dưới cát sâu. Để ngăn chặn mồ mả bị cát chôn vùi họ phải dùng bao tải ngăn cát lấpKhông qua ý kiến dân, vẫn tự ý cấp phép cho công ty đi vào hoạt động
Công trình khai thác Titan của công ty Quang Thuận được UBND tỉnh cấp phép đi vào hoạt động ngày 22/06/2012 với diện tích 87ha. Tuy nhiên, trước khi cấp phép cho công ty này, chính quyền UBND tỉnh đã ko họp lấy ý kiến của dân, tự ý cho công ty khai thác với lý do là theo “chủ trương của Chính phủ”.
Sau khi đi vào hoạt động, công ty Quang Thuận đã không thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm đảm bảo tới môi trường, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, mồ mã bị chôn vùi dưới cát, nhà dân bị nứt nẻ vì lún đất, gây sạt lỡ nghiêm trọng tại khu vực người dân đang sinh sống.
hinh8.jpg
hinh9.jpg
Nhà dân bị nứt, sạt lở do hậu quả của việc khai thác TitanQuá bức xúc với tình trạng trên, đã nhiều lần người dân trong thôn viết đơn kiến nghị lên UBND xã, huyện, tỉnh nhưng ko được chính quyền ở đây giải quyết mà vẫn dửng dưng trước ý kiến và nguyện vọng của dân, nên buộc lòng người dân trong thôn cùng nhau phải vào công ty để ngăn việc khai thác.
Dân không sai vẫn đấu tố cho dân có tội
Trước sự việc công ty khai thác Titan Quang Thuận làm ảnh hưởng đến môi trường và đảo lộn cuộc sống của người dân trong thôn Sơn Hải, ngày 26/03/2014 hơn 30 người dân trong thôn kéo nhau ra trụ sở UBND tỉnh để đòi giải quyết và bắt dừng ngay hoạt động của nhà máy khai thác Titan.
Kể về sự việc hôm đó, ông Dương Văn Phước người bị bắt cho biết thêm: “ trước đó dân chúng tôi cùng nhau ra UBND xã để đề nghị được giải trình không cho nhà máy đi vào hoạt động nữa, nhưng ông Chiêu Tổng bí thư xã và ông Trần Thành Lập là công an huyện trả lời: ở huyện, xã không có thẩm quyền đề nghị dân lên tỉnh đề nghị tỉnh giải quyết, nghe như vậy thì chúng tôi vẫn ăn mặc chỉnh tề lên đó với mục đích gặp UBND tỉnh theo lời của ông Trần Thành Lập, gặp một cách nghiêm chỉnh giữa lãnh đạo và người cựu chiến binh, như vậy lúc 12h trong khi ngồi đợi và uống chưa hết một nửa ly nước thì một lúc sau có vài chục công an ập tới bắt chúng tôi và liệng lên xe chở đi, tôi cũng ko biết rõ là sự việc như thế nào. Họ bắt đi 5 người”.
Tìm hiểu sâu hơn về việc này chúng tôi được biết, tất cả 5 người bị bắt là ông Dương Văn Phước, Đỗ Văn Đức, Lê Quang Hạnh, Nguyễn Văn Song, Lê Công Chỉ đều là những người được dân trong thôn cử đi để làm việc với UBND tỉnh.Nhưng chưa kịp làm việc thì bị bắt đi đâu ko rõ.
Ông Lê Quang Hạnh kể lại: “ lúc bị bắt và đẩy lên xe họ làm chân tôi bị chảy máu, tôi có nói với họ là mắt tôi kém ko thấy gì đâu mấy anh làm cận thận chứ tôi ko có tội gì, thì mấy anh mới bắt đầu nắm áo đẩy vô, khi bị bắt đi thì tôi ko biết ông Dương Văn Phước và ông Đỗ Văn Đức được bắt đi đâu. Riêng tôi, ông nguyễn Văn Song và ông Lê Công Chỉ thì được đưa về huyện Thuận Nam, lúc đó đã là hơn 12h”.
Ông Hạnh là một trong những người dân trong thôn đứng lên ngăn chặn việc nhà máy khai thác Titan Quang Thuận làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, và lấp hết mồ mã tổ tiên. ông Hạnh cho biết, ông cũng ko biết mình bị bắt vì nguyên nhân gì.
Trước đó khi ngày 18/03/2014 trong một lần cùng mọi người trong thôn ngăn chặn việc khai thách của công ty Quang Thuận, ông Hạnh bị công an dùng dùi cui đánh thẳng vào mặt khiến ông mất máu rất nhiều. Bên cạnh đó ông còn bị vu khống đánh trọng thương 2 công an khác phải nhập viện.
Được biết, ông Hạnh là một cựu chiến binh bị mờ 2 mắt không thể nào có đủ sức để đánh trọng thương công an. Không chỉ vu oan cho dân đánh công an, chưa dừng lại ở đó một số tờ báo lề phải còn cho rằng người dân đã ko giữ được bình tĩnh và đã dùng xăng đốt kho chứa thiết bị, đập phá tài sản của công ty (theo Thanh niên số ra ngày 27/03/2014).
Nên lắng nghe hơn là cáo buộc
Nhắc tới sự việc trên cô Trần Thị Thanh ko giấu được nỗi bức xúc kể lại: “ việc đốt cháy công ty là ko có thật đâu chú ah! Chỉ là có mấy thằng nhóc trẻ trẻ chừng 14-14 tuổi bức xúc quá nó đốt có 3 tấm nệm thôi, chứ ko có đốt cháy công ty hay phá hoại kho của công ty gì hết”.
Đồng thời việc UBND xã đã không giải quyết đúng theo công văn Tỉnh Ủy gửi xuống ngày 18/03/2014 nên buộc lòng người dân trong thôn Sơn Hải phải xuống tận công ty để cùng nhau tháo dỡ đường ống dẫn nước thải titan. Thêm vào đó việc dân đánh đuổi trọng thương công an như báo tuổi trẻ số ra ngày 27/3/2014 là không đúng sự thật, chính công an và an ninh là những người đã hành hung, xông vào đánh đập một số người dân, trong đó có ông Lê Văn Hạnh là người bị đánh nặng nhất, thấy vậy bà con mới xông vào giải vây. Sau đó công an và an ninh bỏ chạy và họ đổ lỗi cho người dân đuổi đánh.
10695229_1606020672958768_67405891_n.jpg
Nội dung công văn số 35 UBND huyện gởi xuống ngày 18/3/2014 yêu cầu giải quyết khiếu nại của bà con nhưng không được thực hiệnCô Thanh cho biết thêm: “từ khi vụ việc trên xảy ra, trong thôn mọi lối ra vào đều bị phong tỏa. Cho nên, ngày 28/3/2014 người dân buộc lòng phải đi bộ gần 30km từ thôn lên UBND tỉnh để đòi thả người”.
Theo nguồn tin người dân cho hay, giám đốc CA tỉnh đã ra điều kiện với người dân rằng nếu muốn thả người thì phải để công ty Titan Quang Thuận tiếp tục hoạt động và người dân phải dừng lại mọi hoạt động gây mất trật tự công cộng.
Đồng thời việc UBND tỉnh cam kết sẽ đầu tư hệ thống nước sạch cho nhân dân nhưng tất cả chỉ trên mặt giấy tờ.
Nhìn lại việc 6 người dân trong thôn bị bắt, hiện tại đã 5 người đã được thả, riêng ông Dương Văn Phước bị truy tố và đem ra xét xử vào ngày 01/08/2014 vào tội “chống người thi hành công vụ, và đánh trọng thương công an”.
Ông bị kết án “OAN” 22 tháng tù treo, nhưng trước đó luật sư bào chữa của ông Phước đã đề nghị bên phía công an đưa ra nhân chứng và vật chứng về việc ông Phước đánh trọng thương 2 công an, thì lúc này họ không đưa ra được bằng chứng mà luật sư yêu cầu, đồng thời vẫn kết tội cho ông Phước trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân có mặt trong phiên tòa.
Trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông Phước người dân trong thôn Sơn Hải đã bị lực lượng công an, an ninh phong tỏa mọi lối ra vào, nói là phiên tòa CÔNG KHAI nhưng lực lượng an ninh ở đây ko cho người dân đi xe máy hay bất kỳ một phương tiện nào, buộc lòng người dân phải lội bộ hơn 30km lên tòa án huyện Thuận Nam để ủng hộ tinh thần ông Phước và phản đối phiên tòa bắt công, mờ ám.
Kết
Ngày 26/09/2014 sắp tới đây, phiên tòa phúc thẩm của ông Phước sẽ diễn ra tại tòa án tỉnh Ninh Thuận, gia đình ông Phước và mọi người dân trong thôn cũng đã đồng loạt ký tên vào đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Phước, và tiếp tục đồng hành dõi theo phiên tòa này. Ngoài ra, hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm cũng đã viết thư tuyên bố phản đối việc nhà cầm quyền bắt giam người vô tội.

Qua sự việc này có thể thấy rõ được những ẩn khuất, nỗi lòng của dân trong lúc rối ren nhất, và khi lắng nghe tiếng lòng từ dân ta mới cảm nhận được sự bức xúc, lòng căm phẫn tới những bất công mà họ phải gánh chịu, từ việc làm trái lương tâm của chính quyền, đến việc làm không đạo đức của những người viết báo quy chụp tội lỗi cho họ… Tất cả chỉ vì để bảo vệ một đơn vị thi công khai thác tại đây mà bỏ qua tiếng dân, trốn tránh trách nhiệm, vậy không đáng để được goi là chính quyền do dân và vì dân.
Được biết, trước đây đã có rất nhiều nhà báo đến tìm hiểu sự việc này như báo Tuổi Trẻ, báo Pháp Luật, báo tỉnh Ninh Thuận.v.v.. Tuy nhiên báo chí chính thống lại không đưa tin đúng sự thật mà còn dùng ngòi bút xuyên tạc chỉ trích đổ lỗi cho người dân khiến họ rất bức xúc. Khi trao đổi với chúng tôi, người dân thôn Sơn Hải rất buồn vì điều này họ hi vọng chúng tôi mang sự thật phơi bày trước công chúng để mọi người có thể hiểu được sự việc chính xác và minh bạch hơn.
Là một phóng viên, chúng tôi nhận thấy cần phải đưa thông tin đúng sự thật để giải oan cho những người dân chất phác thôn Sơn Hải. Đồng thời tố cáo chính quyền không những không bảo vệ nhân dân mà còn lợi dụng quyền lực ức hiếp người dân vô tội khiến họ phải chịu nhiều oan ức.

Một số hình ảnh cận cảnh nhà máy khai thác Titan MTV Quang Thuận:

hinh28.jpg
hinh30.jpg
hinh26.jpg
hinh32.jpg
hinh34.jpg
hinh33.jpg
hinh38.jpg
hinh31.jpghinh36.jpg
hinh37.jpg
hinh35.jpg

Thành Công & Thuốc Lá thực hiện


Người Buôn Gió - Vài nét về Ngô Nhật Đăng.

Đáng ra mình tránh chuyện đang ầm ĩ giữa thành viên các HNBĐL. Thứ nhất là mình không có trong đó, thứ hai là mình không chứng kiến, thứ ba không được ai kể nghe nội tình việc thế nào.
Thứ tư là không muốn thêm ra bớt vào, không khéo thành đổ dầu vào lửa.


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjS_ZqhHdMWI2fk2kWx4prNP6hJklIO-D0jx60wvv4AbcVHA6DFgFdR9rtNsGSJWImMXzfAkP3auqzk_lk-zkmT37BLg9kjbfVd7zUEMzmDJMYBBXjrPdbj5WMQDubGp_2m74UvLx9HfFLy/s1600/bb.png

Hôm nay có ông anh nói có ý bảo mình quen Đăng, ông ấy mới biết Đăng. Nói thế cũng đúng, nhưng nói đi nói lại thì đi lại giang hồ ngần ấy năm, quen biết thì bao nhiêu người mà tính nổi. Nên chuyện mình quen với ai là một chuyện, chứ còn việc họ làm thì là họ làm, mình đâu liên quan được.

Nhưng thôi, dù sao cũng quen Ngô Nhật Đăng, nhân vật đang thu hút dư luận cùng với Phạm Chí Dũng. Cũng nên cần có vài câu bày tỏ cái nhìn của mình cho thiên hạ tham khảo. Không biết nội tình cũng  nhân tiện chém gió cho nó thành bài, chứ chả nhẽ viết cụt lủn.
Nói về anh Đăng chỉ ngắn gọn thế này, thích ba hoa. Ai gặp sẽ biết ngay, anh ta ba hoa đủ thứ trên trời, dưới biển. Có lúc còn kêu gặp thằng này, thằng kia....toàn thằng làm to...nói chuyện này nọ.

Cái thứ hai là sĩ diện. Tiền nhiều lúc không có, trong túi có một vài trăm nhưng sẵn sàng trả tiền cà phê, ăn sáng cho mấy người. Lúc nào cũng ra vẻ quan trọng, hiểu biết nhiều, quan hệ rộng. Thực ra thì lông bông, mỗi thứ làm một tí, cả thèm chóng chán. Mà cũng chả biết hiểu nhiều hay không, nhưng có câu chuyện nào cứ kể đi kể lại.

Con người như Ngô Nhật Đăng thật ra là vô hại thậm chí là vô tích sự luôn. Không có mưu kế thâm sâu gì, làm việc theo cảm hứng, được ai khen là lâng lâng lên mây, cứ thế mà diễn.

Vì cái tính ba hoa, hóng hớt được đâu tí tin tức gì là làm bộ như có quan hệ, thông tin quan trọng. Như vụ Lê Anh Hùng ở trại tâm thần, Ngô Nhật Đăng lăng xăng hóng được tin, chạy đôn đáo ra vẻ là người đứng ra lo thu xếp cho Hùng ra trại. Rút cục để Lê Anh Hùng nghi là an ninh. Thật ra trong vụ này, an ninh cũng muốn thả Lê Anh Hùng lắm rồi, đang tìm cách này nọ  tung thông tin để thả Lê Anh Hùng làm sao cho suôn sẻ. Ngô Nhật Đăng vớ được cái tin ấy, thế là lon ton cầm đèn chạy trước ô tô.

 Cuối cùng là bị Lê Anh Hùng nghi là an ninh, mà thằng Hùng ở hoàn cảnh nó trong trại, thấy tự nhiên ông Đăng vào gặp chém ào ào mà không hề bị khó khăn gì, Hùng nó nghi cũng phải.

Trước hôm Lê Anh Hùng ra trại mấy hôm, mình cả chị Bùi Hằng đến nhà Hùng. Gặp ngay môt tốp an ninh, công an ở nhà Hùng. Họ đang thuyết phục mẹ Hùng làm đơn xin Hùng về. Họ đưa cả đơn mẫu để mẹ Hùng làm. Thấy mình cả chị Hằng đến họ đứng dây đi ra, dặn sẽ quay lại sau. Mẹ Hùng định viết đơn theo mẫu thì mình ngăn, mình nói nếu bác quyết định viết thì để cháu viết hộ cho, chứ viết theo họ thì dở lắm, có gì sơ sảy về thằng Hùng nó trách bác. Thế là mình viết đơn, xong mang đi đánh máy ở nhà anh Kim Môn, sau đó photo đơn cho các anh em khác nữa duyệt . Khi anh em ok nội dung thì mình bảo Lã Dũng mang xe ô tô đến chở mẹ Lê Anh Hùng đi nộp đơn.

 Hôm mẹ Hùng báo nó được ra trại, mấy xe đi đón. Ngô Nhật Đăng đi đầu như người hùng đến tiếp thu chiến thắng. Hôm đó mình ở nhà, nhìn ảnh, đọc tin đã thấy mắc cười. Sau Lê Anh Hùng tố Ngô Nhật Đăng là an ninh, mới ra vào trại thăm nó dễ, đón nó về lại thao thao đủ thứ chuyện chính khách tầm quốc tế đã can thiệp thế nào cho Hùng ra.

Đáng ra Ngô Nhật Đăng cứ lẹt đẹt mãi thế trong phong trào đấu tranh, vì nhát gan, tài không, chí không. Nhưng lại xảy ra vụ điều trần tự do báo chí bên Hoa Kỳ. Lúc này nhiều người có kinh nghiệm và có bề dày đấu tranh lại bị vào vòng cấm xuất cảnh. Thế nên hết nạc vạc đến xương. Ngô Nhật Đăng có chân trong đoàn người lên đường đi Hoa Kỳ.

Nói gì thì nói,chuyện thiên hạ bảo đi thế được du lịch miễn phí này nọ là một khía cạnh. Chứ nói hết nhẽ thì  cũng phải công nhận những người đi đó cũng can đảm.

Đời nó hay ở chỗ, đến lúc ấy bỗng dưng nhờ mẽ ngoài bệ vệ, lại thêm khoản nổ chuyên nghiệp, phong thái tự tin , đĩnh đạc rất đường bệ. Ngô Nhật Đăng đã làm khá tốt phần việc của mình. Thế là nhờ chuyến đi của mấy người ấy, được thế tiến lên. Khi về HNBDL ra đời.

Tất nhiên HNBĐL ra đời sau chuyên đi kia, ắt phải có vài nhân vật trong chuyến đi đột phá ấy có chân trong ban điều hành. Nước cờ này là hợp lý, vì những thượng nghị sĩ, quốc hội Hoa Kỳ ít ra cũng đã gặp mặt , nói chuyện với một số thành viên trong ban điều hành.

Đời đưa đẩy làm Ngô Nhật Đăng lên như diều, vụt cái chói sáng, giữ chân trị sự hay là cái gì gì đó, đại khái quan trọng trong HNBĐL cho đến khi xảy ra chuyện vừa qua. Đến lúc này thì buộc phải can đảm khi bao ánh mắt nhìn vào, Ngô Nhật Đăng lại một lần nữa đóng trọn vai người hùng. Nhưng Ngô Nhật Đăng thì tài gì mà quản lý được một tờ báo.?

Không có tài, lại thích thể hiện, cho nên việc Ngô Nhật Đăng múa may , quay cuồng một hồi rồi gặp phải sự cố vừa qua là tất nhiên.

Nhưng nhìn lại thì nguyên nhân của sự cố ở HNBĐL vừa qua không phải vì Ngô Nhật Đăng bất tài, thích thể hiện, thích đi theo kiểu của mình. Đó là một nhẽ thôi. Còn có những nhẽ khác thì phải hỏi Liên Sơn, tác giả mở màn cuộc chấn chỉnh đấu tranh dân chủ và hỏi Phạm Chí Dũng đã được Liên Sơn tư vấn quản lý HNBDL thế nào.? 

Ngô Nhật Đăng chắc chắc không phải an ninh hay tay sai an ninh. Đó là những gì tôi quan sát anh ta từ trước đến nay. Anh ta có thể bất tài, có thể hay ba hoa. Nhưng anh ta không phải là an ninh. Lẽ ra để anh ta làm ở bộ phận giao tiếp, đối ngoại của HNBĐL để anh ta nhận vai trò nhậu nhẹt, làm huyên náo viên, phát biểu chém gió thì phát huy khả năng của anh ta hơn.

 Còn về nhà báo Phạm Chí Dũng. Anh Dũng chưa am hiểu gì về những người đấu tranh,  trước giờ anh giữ vai trò viết báo, phân tích, bình luận một cách độc lập. Nếu như sau này anh có hiểu về những thành phần đấu tranh, thì sự hiểu biết đó cũng không nhiều. Chưa kể sau mỗi cá nhân lại là một phe nhóm, một tổ chức nào đó nữa. Với hiểu biết về cá nhân những người đấu tranh không nhiều ( cái này nhiều bạn sẽ bảo tôi lên lớp chê bai, nhưng cứ hỏi thẳng anh Dũng xem có phải thế không ) mà anh Dũng giữ chức chủ tịch quản lý nhân sự thì cái chuyện vừa rồi đến, chả có gì ngạc nhiên.

 Tất nhiên thì câu chuyện về Phạm Chí Dũng là an ninh, đóng khổ nhục kế để cài vào phá hoại như một số người nói , tôi không tin. Bạn nào đưa ra dẫn chứng về Phạm Xuân Ẩn hay X30 hay Vũ Ngọc Nhạ để minh hoạ cho trường hợp Phạm Chí Dũng chỉ là so sánh thôi.

Chuyện vừa qua, đúng không phải là chuyện mâu thuẫn cá nhân. Nó xuất phát từ một ông không biết gì về báo chí lại làm trị sự tờ báo. Còn một ông không biết gì về nhân sự thì lại làm quản lý nhân sự. Và cái HNBĐL nó cũng chưa ra hẳn là một cái hội của xã hội dân sự, cũng chưa ra hẳn là một tờ báo. Nó đang tìm đường để định hình mình. Trong lúc định hình thì có chuyện xung đột là tất nhiên.

 Giờ anh Ngô Nhật Đăng quyết chí thể hiện mình, anh làm cái HNB trẻ thì phải. Hy vọng anh bớt chuyện đã qua, tập trung làm hiệu quả để thể hiện được mình. Đó là cách tốt nhất để thiên hạ thấy mình thế nào, chứ không cần đi đôi co nữa.

Còn anh Phạm Chí Dũng, có cố vấn Liên Sơn, một người chuyện nghiệp về làm báo cũng như có căn bản hiểu biết về đấu tranh bất bạo động, về xã hôi dân sự, về mùa xuân Ả Rập, các hội, nhóm đấu tranh...gì đó. Với những lợi thế đó, tương lai HNBĐL cũng sẽ là một tổ chức xã hội dân sự hàng đầu, góp phần trong công cuộc đấu đòi tự do, dân chủ cho đất nước. Anh Dũng cũng nên thôi chuyện thông cáo, thông báo số X, Y, Y về Ngô Nhật Đăng, tập trung xây dựng vào chuyên môn.

 Anh em đấu tranh có thiện cảm với ông Đăng, ông Dũng mà thấy bài này gây khó chịu. Xin cứ việc block. Cái nút chặn vĩnh viễn chỉ cần hai cái nhấp chuột. Chúc anh em đoàn kết, sớm thắng lợi mang dân chủ về cho đất nước.

Tái bút . Hôm nay cô giáo lại không ra bài tập về nhà.
  
Người Buôn Gió
(Blog Người Buôn Gió)