Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Giảm đầu tư công: Chi tiêu ít và cắt đều

Giảm đầu tư công: Chi tiêu ít và cắt đều

(VEF.VN) - Một gia đình phải cắt bớt các khoản chi thế nào trong thời buổi giá cả leo thang được ông Huỳnh Thế Du đưa ra làm ví dụ sinh động về việc cắt giảm đầu tư công tại Việt Nam. Theo chuyên gia này, để việc cắt giảm chi tiêu công khả thi, trước mắt, Việt Nam nên áp dụng hai tiêu chí: giới hạn chi tiêu và cắt đều.
Phụ thuộc vào người có quyền "cắt"
Tham gia trả lời trực tuyến trên VnEconomy về "Lạm phát 2011: Nhận diện và giải pháp", ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright) khẳng định, ngoài các nguyên nhân khác thuộc về chính sách tiền tệ, đầu tư công không hiệu quả chính là nguyên nhân xâu xa gây ra lạm phát.
Ông Du cho rằng, một trong những chìa khóa then chốt hiện nay để xử lý mất cân bằng kép của nền kinh tế hiện nay là cắt giảm chi tiêu công. Về mặt nguyên lý, những khoảng chi tiêu kém hiệu quả sẽ được cắt giảm. Tuy nhiên, tiêu chí cắt giảm và mối quan hệ là hai trở ngại rất lớn cho vấn đề này.
Thứ nhất, đối với tiêu chí cắt giảm, phân tích lợi ích - chi phí là công cụ cơ bản nhất để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp ở chỗ là hầu như không ai có thể lượng hóa được chính xác các lợi ích và chi phí nên rất khó để có thể tính ra được một con số thuyết phục về lợi ích ròng của dự án. Điều này dẫn đến những lập luận vì mục tiêu an sinh, an ninh quốc phòng, ổn định xã hội trở nên phổ biến. Lúc này, quyền nằm trong tay người ra quyết định và những áp lực liên quan.
Thứ hai, cắt của người thân hay cắt của người sơ, người có tiếng nói hay không có tiếng nói là điều không hề đơn giản.
Về sự việc này, ông mượn câu chuyện về việc cắt giảm chi tiêu trong một gia đình để phân tích vấn đề.
Chi tiêu đầu tư công: Cắt giảm mạnh để kiềm chế lạm phát (ảnh minh họa)
"Thử tưởng tượng như một gia đình, nếu cần cắt giảm chi tiêu thì những khoản cần được nghĩ đến đầu tiên chính là phần trà thuốc của bố và trang điểm của mẹ chứ không phải là phần sữa cho con. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc cắt giảm những khoản như vậy là rất khó khăn vì bố mẹ là người có quyền lực lớn nhất trong gia đình và có vô số lý do để duy trì các khoản chi tiêu của mình.
Người bố có thể lấy lý do rằng đây là các khoản chi tiêu mang tính ngoại giao, tôi không thể mất mặt với bạn bè được nên cần phải có các khoản tiêu này trong khi bản chất là người bố đang nghiện rượu. Người mẹ có thể lý luận rằng tôi đẹp thì làm cho ông hãnh diện chứ tôi được gì đâu. Ai cũng cần cả sao mà bỏ được.
Do sự nhạy cảm trong quan hệ trong gia đình, nếu ông bố không tự nguyện bỏ rượu hay người mẹ không tự giảm bớt một vài loại mỹ phẩm đắt tiền thì việc cắt giảm dường như không thể vì hai người nể nang nhau nên chẳng ai nói ra trong khi con cái thì ai mà dám. Kết quả là rất có thể phần sữa của con bị cắt", ông phân tích.
Do vậy, để việc cắt giảm chi tiêu công khả thi, theo chuyên gia Huỳnh Thế Du, Việt Nam nên áp dụng hai tiêu chí là giới hạn chi tiêu và cắt đều ở bối cảnh trước mắt.
Đối với việc giới hạn chi tiêu công, Nhà nước nên đưa ra đưa ra mục tiêu trong 5 năm tới, tổng chi tiêu công (cả đầu tư và chi tiêu thường xuyên) chỉ là 30% GDP thay vì từ 35-40% GDP như hiện nay. Với giới hạn này thì tất cả các bên sẽ ngồi lại với nhau để chia cái bánh đã được giới hạn.
Đối với việc cắt giảm trước mắt, cắt đều có lẽ là biện pháp có thể khả thi vì trong trường hợp này tất cả các khoản chi tiêu đều được cắt một tỷ lệ như nhau. Thoạt nhìn thì có vẻ phi lý và phản khoa học, nhưng do không có tiêu chí không rõ ràng, nên nếu áp dụng các tiêu chí có thể sẽ dẫn đến tình trạng khoản cần thiết nhất (sữa của con) bị cắt như phân tích ở trên. Thôi thì cứ cắt đều.
Sau một thời gian, nếu thấy những chỗ nào bất hợp lý thì có những biện pháp bổ sung thêm trong giới hạn cứng của chi tiêu 30% nêu trên.
Đổi mới cơ chế quản lý đầu tư nhà nước
Về lâu dài, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ (Bộ KH-ĐT), cho rằng, đồng thời với việc rà soát, cắt giảm đầu tư như hiện nay đang làm trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì cần phải nghiên cứu và đổi mới cơ chế quản lý đầu tư nhà nước.
Cơ chế quản lý mới, theo ông Cung, ít nhất phải đáp ứng được một số nội dung:
Một là, ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế đối với đầu tư nhà nước để mức độ hiệu quả kinh tế đối với từng dự án phải đo lường được một cách cụ thể trong đề xuất, thẩm định, quyết định, kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư.
Trên cơ sở đó, các dự án đầu tư có hiệu quả cao nhất sẽ được lựa chọn, từ đó đầu tư sẽ được phân bổ và sử dụng một cách tập trung hơn; kiểm tra và giám sát đầu tư cũng sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Hai là, thay đổi cơ chế phân cấp quản lý đầu tư. Các địa phương, các bộ vẫn có quyền chủ động xây dựng và đề xuất dự án đầu tư nhưng lựa chọn dự án đầu tư cần được thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu công khai theo cơ chế thị trường.
Qua đó sẽ lựa chọn được các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong phân cấp, cần tính đến phát triển cơ cấu kinh tế vùng trong thẩm định lựa chọn và quyết định đầu tư để các dự án đầu tư trong cùng một vùng không cạnh tranh nhau, loại trừ lẫn nhau mà phải phối hợp và bổ sung lẫn nhau.
Ba là, tăng cường thẩm quyền và năng lực của cơ quan chuyên trách quản lý đầu tư nhà nước.
Bốn là, thiết lập hệ thống thông tin toàn quốc về đầu tư nhà nước, trên cơ sở đó thực hiện công khai hóa thông tin về toàn bộ đầu tư nhà nước nói chung và từng dự án đầu tư nhà nước nói riêng. Về việc này, theo tôi các thông tin sau đây cần phải được công khai hóa:
- Thông tin về dự án đầu tư như: tên dự án; mục tiêu dự án; quy mô; ngành nghề; tổng vốn, tiến độ phân bổ vốn và tiến độ thực hiện, thời hạn bắt đầu và kết thúc...
- Đơn vị hoặc cá nhân đề xuất dự án, đơn vị và cá nhân xây dựng dự án, những cơ quan và cá nhân tham gia thẩm định dự án, những lập luận ủng hộ và phản biện về dự án, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án.
- Chủ đầu tư thực hiện dự án, những lý do hay tiêu chuẩn lựa chọn chủ đầu tư.
- Danh sách ứng viên nhà thầu và đơn vị được chọn thực hiện dự án, những tiêu chí đã được sử dụng để chọn nhà thầu thực hiện dự án.
- Tiến độ thực hiện dự án, những khó khăn mới phát sinh, chênh lệch (nếu có) giữa tiến độ thực hiện và kế hoạch, nguyên nhân, cá nhân và cơ quan chịu trách nhiệm về nhưng sai sót hay chênh lệch so với kế hoạch.
Việc rà soát, cắt giảm, bố trí cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước không phải là việc giản đơn và chỉ thực hiện trong năm nay, mà là một công việc thưng xuyên và lâu dài trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ chế mới về quản lý đầu tư nhà nước không chỉ áp dụng cho việc lựa chọn và quyết định đầu tư đối với những dự án đầu tư mới mà còn áp dụng để rà soát, cắt giảm và cơ cấu lại danh mục các dự án đầu tư hiện có.
Độc giả có suy nghĩ gì về ý kiến của các vị chuyên gia trên? Đâu là hạn chế mà Việt Nam chưa làm được để có thể cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ, hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước? Mọi ý kiến tranh luận xin gửi về: vef@vietnamnet.vn hoặc phần thảo luận phía dưới.

Cần kiện thẳng chính quyền

Cần kiện thẳng chính quyền

Hình từ trang plxh.vn
Vấn đề an toàn trong xây dựng và giao thông tại Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu
"Tối nay đi uống cà fê hả?" tôi rủ người bạn luật sư và bị từ chối ngay: "Chịu thôi, trời mưa đường ngập, lỡ sụp hố là tiêu đời ông ơi".
"Dũng cảm lên, sụp hố thì ông kiện làm gương đi".
"Còn lâu mới tìm ra mấy công ty làm cống thì kiện thế nào được."
"Sao lại kiện công ty?", tôi hỏi và bị vặn lại "Chứ biết kiện ai?"
Ai cũng từng nghe câu "Quân vương không bao giờ sai".
Không phải vì Vua là thiên tài, hiểu biết tất cả, mà chỉ đơn giản vì đó là Vua.
Nhà Vua ban hành luật lệ, nhưng không bị ràng buộc hay hạn chế bởi luật lệ. Chế độ quân chủ được thay thế bởi chế độ cộng hòa. Thoạt đầu, Nhà nước thay thế vị trí của Vua và cũng không bao giờ sai, vì hiển nhiên Nhà nước không thể sai. Chỉ có nhân viên Nhà nước làm sai mà thôi.
Trách nhiệm của Nhà nước
Cùng với sự hình thành Nhà nước pháp quyền là sự xuất hiện ý thức, triết lý pháp lý mới. Bản chất Nhà nước pháp quyền là sự ràng buộc Nhà nước và việc sử dụng quyền lực Nhà nước bằng pháp luật.
Như vậy Nhà nước có thể sai, có thể vi phạm pháp luật. Theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm- kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại-đối với những hành vi vi phạm pháp luật của mình như mọi thành viên khác trong xã hội.
Điều 2 Hiến pháp 1992 của nước CHXHCN Việt nam (sửa đổi năm 2001), nêu rõ Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, toàn bộ quyền lực Nhà nước là của dân. Chính điều này xác định rõ quan hệ giữa Nhà nước với người dân (công dân).
Người dân trao quyền lực Nhà nước cho cơ quan hiến định là Quốc hội, Chính phủ và Tư pháp sử dụng. Vì vậy, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân về việc sử dụng quyền lực Nhà nước đúng mục đích vì dân, trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật.
Cùng với sự phát triển quan niệm về quyền lực Nhà nước, người ta cũng chứng kiến sự thay đổi quan niệm về người phải chịu trách nhiệm khi sử dụng sai quyền lực công.
Trước kia, công chức nào nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm, vì Nhà nước không thể sai. (Chẳng hạn như Luật nước Phổ- nước Đức xưa- năm 1794 qui định).
Ngày nay, khi quyền lực Nhà nước bị sử dụng sai, người chịu trách nhiệm là người trực tiếp nhận quyền lực ấy từ người dân: cơ quan hiến định. Trên nguyên tắc, ngay cả khi cá nhân công chức làm sai thì Nhà nước cũng phải là người chịu trách nhiệm, vì công chức chỉ là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước cho những trường hợp cụ thể.
Trong ý nghĩa pháp lý, điều đó có nghĩa là người dân có thể và trước tiên cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ khi Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

̣Điểm báo về tai nạn

  • Ngày 25/8/2010 tại khúc cua giao cắt giữa đường Pháp Vân và đường Giải Phóng đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm (do vấp phải ổ gà rồi ngã vào ô tô) khiến chị Bùi Thị Thắm (quê Thái Bình) và hai đứa trẻ chết thảm.
  • Ngày 9/9/2010: anh Nguyễn Duy Lượng là một trong những nạn nhân bởi cái "ổ voi" quái ác trên đoạn đê ở gần trụ sở UBND xã Phú Cường, Ba Vì khiến cả xe và người lăn xuống chân đê, xương sườn bị gãy.
  • Ngày 20/4, Bệnh viện đa khoa Phú Yên cho biết bệnh nhân Phạm Đình Thống, 28 tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên đã tử vong sau hai ngày được phẫu thuật chấn thương sọ não, do bị ba trụ cáp viễn thông đổ đè vào chiều tối cùng ngày.
  • Chiều 21/4, khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ông Lý Văn, nạn nhân của vụ tai nạn do vướng dây thông tin rớt từ trụ điện tại ngã tư đường Trần Phú - Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM hiện vẫn còn trong tình trạng hôn mê sâu
Trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực được trao là để hoàn thành những nhiệm vụ xác định. Người dân trao cho ba cơ quan hiến định Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, quyền lực Nhà nước là để hoàn thành những nhiệm vụ vì dân được qui định trong Hiến pháp, gồm những nhiệm vụ cơ bản chung, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự công cộng, bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu …
Điều 3 Hiến pháp CHXHCNVN còn qui định nhiệm vụ cao hơn thế cho Nhà nước: Nhà nước phải đảm bảo thực hiện mục tiêu cho „mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…“. Các cơ quan hiến định phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước dân khi không hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản chung này.
Nhà nước- cụ thể là Chính phủ- có nhiệm vụ bảo đảm và bảo vệ an toàn giao thông (là một trong những nhiệm vụ công cơ bản dẫn ra từ Điều 3 Hiến pháp). Nhiệm vụ này bao trùm cả trước, trong và sau khi sửa chữa, tu bổ nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Người tham gia lưu thông phải được quyền tin rằng họ đang lưu thông trên những con đường an toàn.
Chính phủ phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi không đảm bảo giữ gìn được các điều kiện bảo đảm an toàn tối thiểu cho hệ thống giao thông.
Đổ tại trời mưa?
Trời mưa, đường ngập nước làm ách tắc giao thông thông, thậm chí gây tai nạn chết người; lưu thông trên đường bị sụp ổ "voi“, sụp "hố tử thần“, bị cột điện đổ, vướng dây điện thoại khi đang lưu thông gây tai nạn đều là do hệ thống giao thông chưa được đảm bảo an toàn. Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm trước tiên do không hoàn thành nhiệm vụ công cơ bản này.
Vụ ông Lý Văn chết do vướng dây điện thoại khi đang đi trên đường; vụ anh Thống, anh Bảo chết do bị trụ mắc cáp viễn thông đổ trúng khi đang đi xe máy trên đường, trước tiên là do Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hệ thống đường giao thông.
Chính phủ lẽ ra phải nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch xây dựng cột viễn thông, kế hoạch bố trí dây điện thoại ven đường sao cho chúng không thể gây nguy hiểm cho người đang lưu thông trên đường trong bất cứ hoàn cảnh thời tiết nào mà trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay dự báo được.
Khi cấp phép cho công ty điện lực, công ty điện thoại lắp đặt đường dây, Chính phủ có trách nhiệm đề ra tiêu chuẩn, điều kiện mà các công ty này phải tuân theo để đảm bảo an toàn cho người lưu thông trên đường. Chính phủ chỉ không phải chịu trách nhiệm, khi chứng minh được tai nạn đã không xẩy ra, nếu các công ty này tuân thủ những qui định đó của Chính phủ.
Xây dựng, bảo trì hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường, hệ thống cấp nước, cấp điện cũng là một trong các nhiệm vụ công cơ bản của Nhà nước. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm về sự hoạt động thông suốt có hiệu quả của các hệ thống này (nhiệm vụ chung), Chính phủ còn phải chịu trách nhiệm lựa chọn phương án và các nhà thầu phù hợp cho việc xây dựng, bảo trì chúng. Nghĩa là Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trước dân về sự chậm trễ, về chất lượng công trình của nhà thầu được Chính phủ chọn.
Trách nhiệm theo hợp đồng giữa Chính phủ và nhà thầu là chuyện riêng của hai bên. Khi nhà thầu vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại (không mang yếu tố hình sự) cho người dân, thì Chính phủ cũng là một bên liên quan trong tư cách người giao việc thực hiện một nhiệm vụ công ích cho công ty trúng thầu.
Đường dây điện, cáp viễn thông do các công ty nhà nước quản lý, chúng là tài sản của Nhà nước. Chính phủ có nhiệm vụ quản lý tài sản công, bảo đảm sự vận hành an toàn của hệ thống cấp điện, hệ thống viễn thông. Vì vậy cũng phải chịu trách nhiệm nếu đường dây điện công cộng, cột cáp viễn thông gây tai nạn.
Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất và trực tiếp. Nó cũng không cần (không cho phép) bất cứ một nghị định hướng dẫn thực hiện nào. Trên nguyên tắc, Hiến pháp 1992 cho phép người dân khởi kiện Chính phủ khi bị thiệt hại do Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Người bị kiện là cơ quan công quyền, chính quyền địa phương được Chính phủ giao quyền quản lý lĩnh vực xẩy ra vụ việc.
Nếu người dân không xác định được bị đơn trực tiếp, họ vẫn có thể và cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ. Chính phủ có trách nhiệm chỉ ra cơ quan nào là bị đơn trực tiếp.
Việc ta chưa có đủ những qui định bảo đảm quyền của người dân khởi kiện Nhà nước cho những trường hợp nói trên, không thể loại trừ quyền khởi kiện của họ, vì giản dị là họ đã được Hiến pháp cho phép.
Nói một cách nghiêm khắc, ở đây, Chính phủ cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ phải tạo đầy đủ điều kiện để Người Dân kiểm tra, giám sát Chính phủ sử dụng quyền lực công mà họ trao cho như thế nào trong một Nhà nước là của họ, do họ và vì họ.
Bài viết thể hiện quan điểm của tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam từ CHLB Đức, hiện sống và hành nghề tại TP HCM.Quý vị có ý kiến gì về chủ đề này, xin chia sẻ với Diễn đàn BBC.