Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

NỢ CỨT, NGHE LẠ MÀ THẬT


Ngày đó hợp tác xã ở miền Bắc VN xã hội chủ nghĩa ra một chiến dịch thu gom phân bắc (cứt người), mỗi gia đình một tháng phải đóng đủ mười cân, nếu không đóng đủ thì bị cắt gạo. Thật là một chiến dịch có một không hai trong xã hội loài người. Vậy nên, khi chiến dịch ra đời, cái cầu tiêu trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Người người, nhà nhà mua xi măng mua gạch về xây cầu tiêu. Cầu tiêu phải làm bằng xi măng thì cứt mới không bị phân huỷ, chứ ỉa xuống đất vài ngày là bọ hung ăn hết, lấy gì mà đóng cho nhà nước. Vậy nên, cái cầu tiêu quan trọng hơn cái nhà.

Chuyện ỉa đái lúc này cũng cực kỳ quan trọng, dù ai đó có bị tào tháo rượt ở đâu thì cũng phải nhanh nhanh ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cầu tiêu nhà mình mà giải quyết chứ để mất đi một cục là mất đi lon gạo chứ chẳng chơi. Nhiều người đi làm ngoài đồng, ngày trước, khi mắc ỉa thì chạy vô bờ, vô bụi làm đại cho xong, nhưng bây giờ, làm như vậy có mà đói chết. Vậy nên, phải tìm cách, có người làm đại vào bao ni lông, có người cuộn trong lá chuối, có người cẩn thận hơn đi vào trong cái càmèn đựng cơm để mang về cho an toàn mà đổ xuống cầu.

Có nhiều chuyện dở khóc dở cười trong chiến dịch này lắm, ai sống thời đó chắc biết. Khi chiến dịch ra đời thì cũng là lúc không biết bao nhiêu con chó phải chết. Chó chết vì đói, cơm khoai đã không có ăn, đến cục cứt cũng bị nhà nước dành mất thì lấy gì mà sống. Nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, cố gắng lắm không để thất thoát cục nào, vậy mà đến tháng vẫn không đủ cân nộp, má tôi sai anh em chúng tôi đi tìm đá sỏi bỏ vào cho đủ. Khi mang lên cân người ta kiểm tra và phát hiện nhà tôi gian lận nên lập biên bản và làm kiểm điểm. Họ còn ghi rõ ràng trong biên bản gian lận như thế nào, có bao nhiêu cục cứt và bao nhiêu cục đá sỏi. Quả đúng không sai, cái đời người nông dân u tối làm sao mà lừa được mấy ông nhà nước, mấy ông tinh vi vô cùng. Kết quả là nhà tôi bị cấm không cho nhận gạo một tháng. Trong một buổi họp người ta đưa tên má tôi ra kiểm điểm trước dân về việc gian lận lấy đá sỏi trộn với cứt để nộp cho nhà nước. Họ không cho má tôi phân bua gì hết. Nhưng không đành lòng nhìn cảnh con đói, bà đứng dậy thẳng thừng, dứt khoát.

Bà nói : “Việc tôi làm gian lận tôi chịu trách nhiệm trước toàn thể mọi người, nhưng các người nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhìn ngược thì cũng phải nhìn xuôi, các người có nhìn vào nhà tôi không, nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, tôi thì suốt ngày đi làm ngoài hợp tác xã, có cục nào tôi đã ỉa ngoài hợp tác xã hết rồi, còn con tôi ở nhà, nó là con nít nó ăn bao nhiêu, ỉa bao nhiêu, nó ỉa ra cục nào chó lủm cục đó thì lấy đâu đủ cứt để mà nộp cho mấy ông. Vậy mà bây giờ mấy ông kiểm điểm tôi, cắt gạo thì lấy gì tôi nuôi con, lấy gì ăn để mà ỉa mà đem cứt nộp cho mấy ông.”

Nói gì thì nói, la gì thì la, nhà tôi vẫn bị cắt gạo tháng đó. Không còn gì khốn nạn hơn thế. Nói thiệt, đến bây giờ trong hồ sơ giấy tờ ở kho lưu trữ quốc gia thì nhà tôi vẫn còn một món nợ lớn với nhà nước mà không thể nào trả nổi, đó là nợ cứt.
baotoquoc.com/2014/10/08/pham-the-viet-no-cut-nghe-la-ma-that

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Sống cùng thói hư tật xấu


Lê Diễn Đức
Dân tộc nào cũng có những đức tính tốt và xấu. Nước nào cũng có những mặt tiêu cực. Tuy nhiên, đã đi khá nhiều nước trên các châu lục, tôi thấy có một điều giống nhau là quốc gia nào vướng vào chế độ Cộng Sản thì nơi đó con người có lắm tính xấu, đạo đức truyền thống và thuần phong mỹ tục bị hủy hoại.
Ở Châu Âu, tuy có đỡ hơn, nhưng hệ thống chính trị độc tài toàn trị Cộng Sản tồn tại là dựa trên dối trá và bạo lực nên bộ máy tuyên truyền và giáo dục dối trá đã làm xã hội ô nhiễm.
Ông Lars Hornuf ở trường đại học University of Munich cùng với ba chuyên viên trường Duke University: Dan Ariely, Ximena Garcia-Rada và Heather Mann thực hiện một cuộc nghiên cứu xem người Đức sẵn sàng nói láo đến mức nào để thủ lợi cho cá nhân. Kết quả cho thấy người nào sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa lâu hơn có xu hướng ăn gian nhiều hơn.
Michail Gorbachev, cựu tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, đã từng nói, “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền dối trá.”
Dối trá bao trùm
Trong các nước Cộng Sản Châu Á, Việt Nam có thể nói là mảnh đất màu mỡ của các thói hư, tật xấu. Từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội,” các chuẩn mực và giá trị đạo đức bị méo mó, sai lệch và băng hoại chưa từng thấy.
Xã hội Việt Nam bao trùm bệnh dối trá, người người nói dối, nhà nhà nói dối. Ở cơ quan nhà nước nói dối để lập “thành tích,” thăng quan tiến chức, tăng chi cho các dự án hầu rút ruột được nhiều hơn. Người dân thì lấy dối trá làm phương tiện chống lại sự dối trá để tồn tại. Con người luôn sống với hai bộ mặt, một nơi công sở, một ở nhà hay bạn hữu. Không thích chế độ nhưng đến này lễ vẫn cứ treo cờ. Biết bầu cử là trò hề nhưng vẫn phải đi bầu. Thật thà là cha dại, sống chung với lũ phải biết bơi, nếu không sẽ chết đuối, đó là lý lẽ của nhiều người đưa ra.
Giáo Sư Hoàng Tụy, một nhà giáo trong nước, nói, “Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc. [1]
Vì dối trá nên trong xã hội con người nghi kị lẫn nhau, luôn cảnh giác để không trở thành nạn nhân của sự lừa gạt. Những hành vi tốt trong xã hội vì thế càng ngày càng hiếm hoi.
Tính vô cảm
Tính vô cảm cũng sinh sôi trong mọi lĩnh vực đời sống. Vô cảm là căn bệnh của ích kỷ, vô trách nhiệm, chỉ biết đến bản thân, đôi khi đến mức trở thành tội ác. Người ta cứ xả lũ đập thủy điện, còn nhà cửa hoa màu bị ngập và hơn 50 chục mạng người chết trôi cũng mặc kệ. Người ta cứ cho đốn vô tội vạ những cây cổ thụ lâu đời ở Hà Nội vì lợi ích riêng, còn môi trường bị xé rách lá phổi, người dân chịu nắng nóng cũng không sao. Người ta có thể lạnh nhạt, bàng quan đi qua khi thấy có người bị tai nạn giao thông. Vì thế, câu chuyện sinh viên Đỗ Quang Thiện ở Ban Mê Thuột, vì chở người tai nạn vào bệnh viện mà bị tù oan 52 ngày là một bằng chứng cho thấy cái ác đã lấn lướt cái thiện.
Tính vô cảm còn thể hiện ở ý thức và trách nhiệm đối với người xung quanh. Tình trạng sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi trong vệ sinh an toàn thực phẩm đã lên tới mức khủng khiếp. Cả nước khốn đốn với thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tràn ngập, nhưng đồng thời cũng lao đao vì sự tiếp tay của gian thương Việt Nam. Hóa chất độc hại của Trung Quốc được người Việt sử dụng vào hầu hết mọi thức ăn đồ uống, muốn tránh né cũng không được. Trên tờ “Phụ Nữ Today” ngày 19 tháng 4 , bài “Chúng ta đang bị đầu độc hàng ngày” dẫn lời ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, “Một đất nước 70% là nông nghiệp mà ăn cái gì cũng nơm nớp lo chất độc là một rủi ro nếu không muốn nói là một bất hạnh lớn.”
Hiện nay tỷ lệ ung thư Việt Nam cao nhất thế giới, mỗi năm chết khoảng 75 ngàn người. Không biết một thời gian nữa sức khỏe của người Việt sẽ ra sao. Không chỉ người Trung Quốc giết dần người Việt, mà chính người Việt, chỉ vì long tham và lợi nhuận bất chính, cũng hủy diệt nhau. Trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc quá dài, người Việt bây giờ rất sợ chiến tranh, nhưng thực chất họ đang là nhân chứng của một cuộc chiến tranh khác, “êm ả” nhưng không kém phần ác liệt, mỗi năm lấy đi cả trăm ngàn sinh mạng.
Thói vô cảm cũng dẫn đến ý thức chính trị kém. Đa số dân chúng sống trong sợ hãi nên hèn nhát, nhẫn nhục, cam phận, triệt tiêu tinh thần phản kháng đối với chế độ độc tài, phi dân chủ, chà đạp nhân quyền. Với họ được bay nhảy trong cái cũi, cái lồng là hạnh phúc rồi.
Không tôn trọng pháp luật
Để đánh giá trật tự xã hội và văn minh công cộng của một nước người ta thường quan sát cách vận hành của mạng lưới giao thông.
Một viedo clip lưu truyền trên mạng dài hơn 3 phút ghi lại cảnh giao thông tại cầu vượt Thái Hà-Chùa Bộc (Hà Nội) trong ngày khánh thành ngày 26 tháng 4, 2012. Xe cộ đi lại không ngừng, thường xuyên có người bộ hành hoặc điều khiển xe bất chấp nguy hiểm băng qua đường, quay đầu xe, đi ngược chiều giữa dòng luân chuyển. Một sự náo loạn, không có kỷ cương gì về an toàn giao thông. Còi xe đua nhau bóp ầm ĩ là phương tiện duy nhất để cảnh báo. Tai nạn giao thông cướp đi hơn chục ngàn mạng người một năm cũng chẳng ám ảnh ai. Không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, trong khi tệ nạn đòi tiền hối lộ tràn lan trong những hoàn cảnh khác.
Văn minh đô thị kém
Việt Nam là quốc gia xa lạ với văn minh đô thị. Không thấy một thành phố nào trên thế giới mà các loại khẩu hiệu đỏ chói chăng đầy phố phường như ở Việt Nam, nhiều khẩu hiệu viết sai chính tả. Những gì được trưng ra trên khẩu hiệu thì lại kém cỏi trong thực tế. Chẳng hạn vấn đề an toàn giao thông, khẩu hiệu “chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông” hiện diện mọi nơi, nhưng chẳng mấy ai tôn trọng!
Người Việt Nam cũng tiêu diệt dần văn hóa ứng xử. Ăn to, nói lớn, thiếu kiên nhẫn khi phải xếp hàng, xả rác bừa bãi nơi công cộng dường như phổ biến mọi nơi, mọi lúc. Dưới những ngôi nhà cao tầng sang trọng là sự lộn xộn, bẩn thỉu của hàng hóa bán rong, chợ ngồi chồm hổm, quán cóc... Sau những cuộc lễ hội, đường phố ngập ngụa rác, phản ánh ý thức công cộng và môi sinh vô cùng kém cỏi.
Trong khi ở các nước Âu, Mỹ, “cám ơn” và “xin lỗi” là tiếng đầu miệng trong giao thiệp thì ở Việt Nam là sự cau có, văng tục, chửi bậy. Văn hóa chửi không chỉ ở nơi chợ búa mà len vào các tiệm ăn (“cháo chửi,” “phở chửi”), ăn sâu cả vào giới trí thức. “Đây Không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách mà còn là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác,” tờ Petrotimes ngày 10 tháng 6 viết. [2]
Thói háo danh
Bệnh háo danh cũng hết sức trầm trọng. Người Việt học tập thường không phải chỉ vì kiến thức, vì chí khí, đam mê, mà chủ yếu có tấm bằng để kiếm công ăn việc làm. Những kẻ ngu dốt, ít học thì xài bằng rởm hoặc bằng giả, với những “luận án” tiến sĩ không dám cho ai đọc, từ quan lớn xuống thường dân, bởi vì bằng cấp được xem công cụ để leo cao trên nấc thang quyền chức.
Không có một trường đại học nào của Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam là quốc gia có số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á. Nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực, nhưng số người có bằng tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Chưa có tờ báo nào trên thế giới mà học vị “tiến sĩ” được đi liền với tên tuổi các nhà lãnh đạo nhiều như ở Việt Nam!
Kết
Khó có thể thống kê hết thói hư tật xấu của người Việt trong “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ.” Cả một truyền thống văn hóa của dân tộc bị tha hóa, suy tàn, bệnh hoạn.
Trong bài “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tại sao mình thua kém thiên hạ nhiều thế?” nói về 6 nỗi sợ làm du khách đến Việt Nam thua hẳn các nước láng giềng, bao gồm hết các thói thư tật xấu mà tôi nêu trên, trừ vụ '”chặt chém” du khách. [3]
Một người bạn nói với tôi, ở Việt Nam bây giờ có tiền là sướng nhất, cái gì cũng có. Thật vậy sao? Số người “có tiền” là bao nhiêu phần trăm trong xã hội? Vả lại dù “có tiền” nhưng sống trong một xã hội mà con người luôn luôn phải cảnh giác, đối phó, bất an với sinh mạng, từ miếng ăn thức uống đến việc di chuyển ngoài đường, giải quyết việc gì cũng phải lo lót hối lộ... Rồi thượng tôn luật pháp, giáo dục, quyền được tự do tư tưởng, được nói, được chọn người lãnh đạo và muôn vàn thứ thiết yếu tinh thần khác trong cuộc sống?
Nhưng rồi người ta vẫn cứ phải sống, sống chung với mọi thói hư tật xấu, giống như trong cái cảnh giao thông hỗn loạn kia, phải biết mình, biết người, lạng lách khôn ngoan, tránh né kịp thời và phóng nhanh về tới đích.

Chú thích: [1]: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/gs_hoang_tuybenh_gia_doi_dang_thanh_noi_nhuc_lon.html
[2]: http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/bao-dong-nan-mat-day-o-ha-noi.html
[3]: http://cafebiz.vn/thi-truong/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tai-sao-minh-thua-kem-thien-ha-nhieu-the-20150611130632419.chn

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Chấn động nghị trường: 20 tỉ USD hàng TQ lọt vào VN không qua kiểm soát

nguồn: http://laodong.com.vn/chinh-tri/chan-dong-nghi-truong-20-ty-usd-hang-tq-lot-vao-vn-khong-qua-kiem-soat-338617.bld

(LĐO) Anh Đào

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương sáng nay 8.6 đã có bài phát biểu chấn động nghị trường về “một con số khổng lồ” trong thâm hụt thương mại VN - TQ, về một nền kinh tế ngầm và về “chiếc áo bảo vệ” nền kinh tế đang rách.

63,7 tỉ USD hàng hóa, cao hơn đến 45% so với công bố
Công bố hàng loạt số liệu chính thức về thâm hụt thương mại VN - TQ theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), theo ông Tín, sự mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với TQ là việc chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều nhưng chưa có giải pháp hiệu quả.
Nhưng vấn đề lớn hơn, nguy hiểm hơn đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở con số thâm hụt thương mại đó mà là “chênh lệch XNK giữa số liệu thống kê giữa tổng cục thống kê 2 nước. Chênh lệch này cho thấy khuynh hướng ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam” - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khẳng định.
Bóc riêng số liệu 2014, theo TCTK Trung Quốc thì TQ nhập khẩu từ VN 19,4 tỉ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của TCTK VN. Về xuất khẩu, TQ xuất vào VN 63,7 tỉ USD cao hơn đến 45% so với con số TCTK VN công bố.
Có nghĩa là riêng 2014, thâm hụt thương mại VN với TQ là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 29,8 tỉ mà chúng ta công bố. Một khoản chênh lệch gần 15 tỉ USD. Cũng có nghĩa là nhập khẩu từ TQ chiếm tới 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của VN chứ không phải là 30% như con số chúng ta công bố.
Xuất lậu - đó là tài nguyên khoáng sản
Là một tiến sĩ kinh tế, ĐBQH Mai Hữu Tín nói sự khác biệt về thống kê giữa các nước là bình thường, do sự khác biệt về thống kê tỉ giá, về chi phí vận chuyển, bảo hiểm…
Nhưng dẫn số liệu từ TCTK VN, chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm 6,6% tổng kim ngạch XNK. Với 2 nước láng giềng có chung biên giới rất dài thì chi phí về vận chuyển và bảo hiểm không thể lớn hơn con số 6,6% này được. Do vậy, nếu VN ghi nhận 19,4 tỉ USD nhập khẩu từ TQ thì con số TQ ghi nhận nên vào khoảng 15,9 tỉ USD. Nhưng con số TQ ghi nhận lại là 19,9 tỉ USD, cao hơn 4 tỉ. Nếu 2 nước còn có các hoạt động tiểu ngạch ở biên giới chưa được ghi nhận đầy đủ và chắc chắn cũng chiếm một phần trong khác biệt 4 tỉ USD này.
Nhưng phần còn lại là gì? Chỉ có thể giải thích là phần lớn trong số hàng hóa VN xuất khẩu lậu sang TQ. Tại sao lại có xuất khẩu lậu trong khi chúng ta hết sức khuyến khích XK với hầu hết các mặt hàng XK có thuế suất bằng 0% và DN xuất khẩu được hoàn thuế GTGT? Lời giải thích hợp lý kế tiếp chỉ có thể là: Đó là loại mặt hàng VN cấm XK hoặc XK phải chịu thuế. Theo tôi, đó là tài nguyên khoáng sản của VN.
Kinh tế ngầm riêng 2014 đã trị giá 20 tỉ USD
Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu từ TQ mà VN ghi nhận lẽ ra phải cao hơn giá trị mà TQ ghi nhận, nhưng số liệu nhập khẩu VN ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía TQ vào khoảng 20 tỉ USD chỉ tính riêng trong năm 2014. Đó là một con số khổng lồ. Tức là riêng 2014, chúng ta có hơn 20 tỉ USD hàng hóa TQ lọt vào VN không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng. Đó là các loại hàng hóa quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, điện thoại di động…
Như vậy, nếu sử dụng số liệu XNK với TQ theo số liệu của Tổng cục TK TQ để tính lại cán cân thương mại với các nước thì chúng ta chưa từng xuất siêu kể từ năm 2012- 2014 như đã công bố, mà tiếp tục nhập siêu trong suốt 20 năm qua với con số nhập siêu 2014 lên đến 13 tỉ USD. Con số nhập siêu không chính thức này, theo chúng tôi biết, đang tăng rất nhanh trong những tháng đầu 2015.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, số lượng hàng hóa nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lên tỉ giá đồng tiền Việt Nam mà đang hết sức cố gắng giữ ổn định.
ĐBQH Mai Hữu Tín cho rằng chúng ta có thể không tin tưởng tuyệt đối vào các số liệu thống kê từ phía TQ, nhưng ở một giác độ nào đó, chính Trung Quốc đã tính giùm chúng ta giá trị của kinh tế ngầm với họ. Chúng ta không thể không tính đến phần kinh tế ngầm này khi thiết kế các chính sách.
Một nền kinh tế quốc gia dù mở hay hội nhập đến thế nào cũng cần có một tấm áo giáp bảo vệ hiệu quả và vững chắc để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các DN và bảo vệ người tiêu dùng. Có vẻ như với VN chúng ta, chiếc áo giáp này đang rách, nếu như không nói rách càng nhiều trong giao dịch với phía TQ - ông Mai Hữu Tín nói.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Cách thức phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân của người xưa

Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)
Điển tích Hàn Tín chịu nhục chui háng (Ảnh: internet)
Ngụy Hi – người được xưng là “Thanh sơ tam đại gia” (một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của triều đại nhà Thanh) đã từng nói:

“Ta không hiểu biết như thế nào là người quân tử, nhưng nhìn vào khả năng “chịu nhận phần thiệt” trong mỗi sự việc của người ấy là sẽ biết. Ta không biết được như thế nào là kẻ tiểu nhân, nhưng nhìn vào việc “tranh giành phần lợi” của người ấy là sẽ biết.”

Suy ngẫm kỹ càng, thật đúng nó là quanh co như vậy. Có thể chịu thiệt quả là không phải một việc dễ dàng. Cần phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng lớn mới có thể chịu thiệt thòi một cách cam tâm tình nguyện. Tiêu biểu là phải khoan dung độ lượng, chịu nhẫn nhục, co được giãn được (tức là biết ứng phó thích hợp với tình hình cụ thể) thì chính là một quân tử. Chẳng trách mà người xưa dùng tiêu chuẩn “có hay không có khả năng chịu thiệt” là yếu tố đầu tiên để nhận biết người quân tử và kẻ tiểu nhân.
Ngày xưa, có một vị thượng thư tên Lâm Thoái Trai, ông ta phúc đức rất nhiều, con cháu đầy đàn. Lúc ông ta sắp lâm chung, con cháu quỳ gối trước mặt ông xin thỉnh cầu lời giáo huấn. Lâm Thoái Trai nói: “Ta không có lời nào khác, chỉ khuyên bảo các con học “chịu thiệt” là được rồi”.
Những người già Trung Quốc cũng thường hay nói “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà chịu thiệt lại có thể tích đức. Xưa nay, rất nhiều anh hùng, cũng đều do có thể chịu nhịn nhục, chịu thiệt mà làm lên đại sự. Nổi danh nhất chính là Hàn Tín có thể chịu nhục chui háng, có thể nói đó là “chịu thiệt” đến cực điểm, bởi vậy sau này Hàn Tín đăng đàn bái tướng, được Lưu Bang phong làm Tam Tề Vương.
Trái lại, nếu như luôn luôn khiến cho người khác phải chịu hại chịu thiệt, như thế thì người này chẳng phải là mất đức rồi sao? Làm nhiều việc xấu còn bị trời trừng phạt, thật sự là cái được không bù nổi cái mất.
Biên dịch: Mai Trà