Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

"Hợp tung liên hoành" thời hiện đại - Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Trung Cộng ở hải ngoại

"Hợp tung liên hoành" thời hiện đại

Huỳnh Trọng Hiếu - Vào thời Chiến quốc, trên lãnh thổ của Trung Hoa tồn tại nhiều quốc gia nhỏ. Trong một thời gian dài, những tiểu quốc này thường xuyên gây chiến tranh để thôn tính lẫn nhau. Chính bởi lẽ đó mà không khí chính trị trở nên vô cùng sôi động, và đó chính là vùng đất màu mỡ cho những thuyết khách, những nhà ngoại giao, những nhà cố vấn quân sự lão luyện thể hiện tài năng. Theo đó mà nghệ thuật chiến tranh, ngoại giao, và chính trị của người Trung Hoa thời đó đã đạt đến trình độ thuần thục và tinh vi.
Thời trung kỳ trong giai đoạn này, nước Tần nổi lên vượt trội với ưu thế về kinh tế và quân sự. Điều đó đã phá vỡ trật tự chính trị đã được xác lập từ trước của tất cả các nước. Để thực hiện thành công mục tiêu thống nhất Trung Hoa, nhà Tần ứng dụng và theo đuổi chiến lược “liên hoành” do du thuyết gia Trương Nghi đề xướng. Trương Nghi đề ra chính sách xách động các nước chiến tranh gây chia rẽ, thiết lập bang giao với các nước ở xa, tấn công quân sự các nước láng giềng để uy hiếp khiến phải thần phục sức mạnh nhà Tần. Một khi các nước nhỏ không thể hình thành một liên minh quân sự đủ mạnh để tự vệ thì nhà Tần có thể lần lược thôn tính từng nước một cách dễ dàng.
Nhận thức được dã tâm to lớn của nhà Tần, các nước nhỏ cùng ngồi lại để thành lập một liên minh quân sự chống Tần được định hình bởi chiến lược “hợp tung” do du thuyết gia Công Tôn Diễn, và Tô Tần chủ xướng. Hai học thuyết chính trị “hợp tung” và “liên hoành” đối nghịch nhau làm cho quan hệ ngoại giao và quân sự của các nước trở nên phức tạp và biến hóa dưới nhiều hình thái, có lúc liên minh có lúc đối đầu. Thế cân bằng quyền lực được duy trì trong một thời gian khá dài. Về sau, khi các nước nhỏ không còn có đủ sự khôn ngoan và dũng khí duy trì liên minh “hợp tung”, để cho kế sách “liên hoành” phát huy hết hiệu lực thì kết quả là các nước bị nhà Tần đánh bại trong tủi nhục. Đó là một bài học lịch sử mà chúng ta không thể không biết và không quan tâm.
Sân khấu chính trị quốc tế ngày hôm nay với sự mở rộng về không gian nhưng tính chất vẫn không thay đổi. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã phá vỡ trật tự thế giới được hình thành từ sau Chiến tranh Lạnh. Những nhà lãnh đạo Trung Cộng, hậu duệ của Trương Nghi, Tần Thủy Hoàng đang thực hiện chiến lược bành trướng sức mạnh quân sự, ngoại giao trên khắp thế giới để thâu tóm, tranh giành ảnh hưởng, từng bước thực hiện giấc mộng Bá chủ. Học thuyết “liên hoành” đang được họ khai dụng một cách thành thạo.
Tại Châu Á Thái Bình Dương, khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc tung lực lượng tàu chiến và hải giám, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và xem đây là “quyền lợi cốt lõi”. Các giới chức quân sự Trung Quốc nhiều lần đe dọa chiến tranh tại eo biển Đài Loan, đối đầu quân sự trong tranh chấp biển đảo với Việt Nam, gây bế tắc ngoại giao trong tranh chấp lãnh hải với Philippines và một loạt những hành động gây hấn khác đối với các quốc gia trong khu vực. Tất cả những hành động ấy nhằm minh xác cho các nước trong khu vực thấy rằng, Trung Hoa đang lớn mạnh, và các quốc gia nhược tiểu phải thần phục họ nếu không muốn bị đè bẹp bằng sức mạnh quân sự.
Bên cạnh những hành động đe dọa, trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc dùng những nước đàn em của mình: Việt Nam, Lào, Campuchia là một thứ công cụ gây chia rẽ mối liên kết giữa các nước trong khối ASEAN. Bằng cách phủ quyết những bộ quy tắc ứng xử chung, những cam kết hợp tác hay đàm phán đa phương... ba quốc gia đàn em này đã và đang là cánh tay đắc lực của đàn anh Trung Quốc gây bế tắc cho nhiều vấn đề của khối nhằm khiến cho khối này không thể đi đến một quyết định chung trong việc đối phó với Bắc Kinh. Không chỉ có thế, mới đây, Campuchia còn công khai kêu gọi các nước nên “hợp tác chặt chẽ” với Trung cộng. Ba nước hoặc độc tài, hoặc dân chủ nửa mùa này đã gây ra không ít khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chung của khối trước sức ép của Bắc Kinh. Đối với các nước không phải đồng minh như Indonesia, Malaysia, Singapore, Bắc Kinh dùng những hợp đồng kinh tế béo bở để chiêu dụ nhằm thuyết phục các nước ủng hộ mình trong các văn kiện quốc tế quan trọng, hoặc ít ra, những nước này sẽ vì lợi ích của đất nước mình mà bỏ qua an ninh chung của cả khu vực.
Chính sách ngoại giao “nước lớn” của Trung Quốc trong hiện tại đã tạo ra mối đe dọa về an ninh đối với các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tham vọng bá quyền của Trung Cộng tạo ra hiểm họa cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ trong tương lai. Đối mặt với thách thức lớn, buộc các nhà làm chính sách tại Washington phải “xoay trục” quay trở lại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hoa Kỳ tuyên bố khu vực này là “quyền lợi quốc gia”, một động thái có thể đánh giá là công khai đối đầu với Trung Quốc. Sự thực là Hoa Kỳ không quay trở lại khu vực này vì lợi ích kinh tế như nhiều người đã nghĩ. Washington đang thực hiện chiến lược “hợp tung” bằng cách liên minh quân sự với các quốc gia đồng minh, chuyển trọng tâm quân sự từ Tây sang Đông là để hình thành một “vành đai quân sự” bao vây cửa ngõ tiến ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.
Một khi khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á nằm dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, điều này đồng nghĩa với việc Hải quân Trung Quốc bị cô lập với thế giới bên ngoài, lực lượng hải quân Trung Quốc nằm trong tầm do thám của hải quân Hoa Kỳ và có thể bị vô hiệu hóa ngay lập tức nếu xảy ra xung đột. Các khu căn cứ quân sự của hải quân Hoa Kỳ đang đồn trú tại Phillippines, Indonesia, Singapore có thể theo dõi sát sao mọi hoạt động của hải quân Trung Quốc (tàu ngầm, tàu chiến, máy bay). Hoạt động liên hợp hải quân Mỹ - Nhật tại Okinawa giúp Hoa Kỳ kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông Bắc Á. Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy bất an trước mật độ do thám ở tầng suất quá cao của Hoa Kỳ. Hơn ai hết, Bắc Kinh biết mình bị Hoa Kỳ bao vây.
Trong chiến lược “hợp tung – liên hoành” của Mỹ - Trung, Cộng sản Việt Nam phải sinh tồn như thế nào? Lâu nay, Hà Nội luôn được Bắc Kinh sử dụng như một tên “nội gián” trong khối ASEAN nếu không muốn nói rằng Cộng sản Việt Nam là một lá bài quan trong trong chiến lược “liên hoành” của Trung cộng. Ngày nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại thì ngày đó, chiến lược “hợp tung” của Hoa Kỳ còn bị phá hoại. Ngoài những bất lợi khi để Cộng sản Việt Nam tồn tại, Hoa Kỳ có thể cân nhắc những ưu thế vô cùng to lớn khi Việt Nam được dân chủ hóa. Hải quân Hoa Kỳ có thể hoạt động thường xuyên tại khu vực vịnh Bắc bộ và nắm rõ lịch trình hoạt động tàu ngầm tại đảo Hải Nam, một căn cứ tàu ngầm đầu não được xây dựng kiên cố của hải quân Trung Quốc. Các cảng quân sự nước sâu sẽ là nơi lý tưởng để tàu chiến Hoa Kỳ neo đậu và bảo trì. Sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ là điều vô cùng bất lợi đối với quân đội Trung Quốc (nhưng cũng là điều vô cùng thuận lợi cho Việt Nam).
Trong chiến lược bao vây Trung cộng của Hoa Kỳ, việc đảng Cộng sản Việt Nam duy trì quyền lực chính trị chẳng khác nào loài cá hồi đang lội ngược dòng nước. Chính sách của Mỹ như dòng thác mạnh từ trên cao đổ xuống, CSVN như chú cá hồi lội ngược dòng trong mệt mỏi. Bây giờ là thời điểm chú cá hồi cộng sản mặc “áo cưới” lần cuối cùng và vĩnh viễn ra đi. Một loạt những nhượng bộ về Nhân quyền vừa qua là chỉ dấu cho thấy đảng Cộng sản đang cân nhắc lại hành động của mình trước nhiều chuyển biến quốc tế. Và đảng cộng sản Việt Nam phải chấm dứt số phận của mình vì đã ngán chân Hoa Kỳ trong chiến lược toàn cầu.
Cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo vô hình trung biến thành cuộc đối đầu về ý thức hệ. Cả thế giới sẽ chứng kiến cuộc đối đầu toàn diện về ý thức hệ lần cuối cùng trước khi bước qua kỷ nguyên mới. Đây không còn là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống tư bản và cộng sản nữa, mà là một cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai khối dân chủ tự do và độc tài. Và đây cũng sẽ là bước ngoặt lớn, một cú chuyển mình vĩ đại của quốc gia Việt Nam trong lịch sử hiện đại.
Ngày 25 tháng 8 năm 2013
Huỳnh Trọng Hiếu

Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền của Trung Cộng ở hải ngoại (Kỳ cuối)

Marshall Sahlins 
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

ci_flagsTrong nhiều năm, chỉ những trường cao đẳng và đại học nhỏ – cũng như hệ thống Trường Công lập Chicago – ký thỏa thuận lập Viện Khổng Tử. Nhưng gần đây, các trường đại học nghiên cứu lớn như Michigan, Đại học California ở Los Angeles (UCLA), Columbia, Stanford và Chicago đã tham gia chương trình Viện Khổng Tử. (Một ngoại lệ là Đại học Pennsylvania đã từ chối đề nghị của Hán Biện xin mở Viện Khổng Tử tại trường này.) Cũng chẳng có gì lạ là các trường này ký được các thỏa thuận béo bở hơn các trường ít tên tuổi tham gia sớm hơn. Song, do chỉ phải cấp cho Columbia một triệu Mỹ kim trong 5 năm, và một khoản ban đầu 200.000 Mỹ kim cho Đại học Chicago, Trung Quốc có được giá quảng cáo quá hời, nếu không nói là còn lợi ích khác nữa. Thật khó hiểu tại sao các Đại học Chicago và Columbia lại chấp nhận những khoản tiền còm cõi như vậy, ngoại trừ có thể là họ chấp nhận lỗ để dọn đường cho các trung tâm học thuật hải ngoại quan trọng mà họ sắp thành lập ở Bắc Kinh.
Stanford thương lượng giỏi hơn cả hai đại học nói trên và buộc Hán Biện phải trả 4 triệu Mỹ kim: 1 triệu để tổ chức các hội nghị, 1 triệu để cấp học bổng sau đại học, và 2 triệu tài trợ cho một chức danh giáo sư. Một giáo sư Stanford nhận xét rằng “thật thuận tiện cho tất cả các bên liên quan” khi chức danh giáo sư đó được phân cho lĩnh vực thơ ca Trung Hoa cổ điển, “chủ đề chẳng nhạy cảm về bất cứ phương diện chính trị đương đại nào”. Richard Saller, vị trưởng khoa của Stanford đã thương thảo được thỏa thuận này, cũng bác bỏ một đề nghị của Trung Quốc đòi hạn chế thảo luận về Tây Tạng. Saller, một học giả được đánh giá cao về La Mã cổ đại, sau đó trở thành viện trưởng Viện Khổng Tử của Stanford, dù quy chế của Hán Biện quy định rằng viện trưởng Viện Khổng Tử cần “có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề quốc dân hiện tại của Trung Quốc”. Nhưng bằng cách riêng của mình, Saller hiểu rõ về các vấn đề quốc dân hiện tại của Trung Quốc để biết tỏng rằng Hán Biện muốn cư xử hào phóng và thận trọng với Stanford vì rất muốn dùng sự tham gia của một trường đại học có uy tín cho các mục đích lớn hơn của mình; mối quan hệ với Stanford quá quý giá nên Hán Biện không muốn gây sứt mẻ. Saller nói rằng các quan chức Hán Biện “rất mong tạo được chỗ đứng ở Stanford”. Theo ông, sở dĩ như vậy là do Trung Quốc muốn tạo được một Đại học Stanford và Thung lũng Silicon của chính mình.
Ngay cả khi Saller nói đúng, việc gắn kết Viện Khổng Tử với Stanford và các trường cùng tầm cỡ đã mang lại nhiều thuận lợi khác cho chính quyền Trung Quốc: đó là khuyến khích các trường khác tham gia. Theo tờ The GW Hatchet, tờ báo của sinh viên Đại học George Washington, sau khi so sánh một cách vô trách nhiệm Viện Khổng Tử với Hội đồng Anh (không có mặt ở các trường đại học), vị trưởng khoa phụ trách đàm phán việc thành lập một Viện Khổng Tử ở Đại học George Washington đã nhắc đến tinh thần đoàn kết với các trường đại học khác. Bà nói với tờ Hatchet, “Tôi nghĩ chúng ta đã thấy các trường đại học hàng đầu khác mở Viện Khổng Tử, và nhờ đó chúng ta thấy dễ chịu hơn.” Bà nêu ví dụ Đại học Chicago.
* * *
Việc thành lập Viện Khổng Tử ở Đại học Chicago được đánh dấu, đúng như mong đợi, bằng chủ trương “tự do kinh doanh” về cả sự hình thành lẫn nội dung học thuật. Gần đây [cựu bộ trưởng tài chính Mỹ] Henry Paulson đóng góp mấy triệu Mỹ kim cho một viện mang tên ông [Viện Paulson], nằm trong một tòa nhà của riêng viện trên lô đất vàng gần cơ sở chính của trường. Hiện nay gần cơ sở này đang có công trình sửa chữa một khu nhà thờ lớn để thành trụ sở mới của Khoa Kinh tế nổi tiếng của Đại học Chicago và Viện Becker Friedman, do vậy khiến các kiến trúc đau đầu nhức óc vì phải thay đổi cách bố trí chức năng hoạt động của tòa nhà này trong khi vẫn bảo tồn đặc trưng tôn giáo của nó. Ngoài việc cung cấp giáo viên Hán ngữ từ Trung Quốc, Viện Khổng Tử từ trước đến nay cũng đã tài trợ cho rất nhiều nghiên cứu về các khía cạnh của phát triển kinh tế – thực ra nghiên cứu kinh tế nhiều hơn dạy ngôn ngữ. Cũng giống như các viện khác ở Đại học Chicago, nguồn gốc của Viện Khổng Tử ở đó gắn liền với một người: đó là nhà chính trị học Dali Yang; lúc soạn đề án cho Viện Khổng Tử, ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á. Trong khoảng một năm, ông Yang đã giúp đề án này lọt qua các cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc, các nhà quản lý Đại học Chicago, và các giáo sư đồng nghiệp.
Yang không chỉ tự mình xây dựng viện này; nỗ lực của ông đã thành công vì nó vận dụng các hoàn cảnh của trường lớn để có sức thuyết phục và sự hậu thuẫn hiệu quả. Một mặt là sự sẵn sàng thông đồng của giới quản lý đại học này, mà cũng giống như ở nhiều nơi khác có chiều hướng khao khát tiền tài và danh vọng đến khó coi. Đại học Chicago rất tự hào về các truyền thống của mình. (Theo lời kể của Thorstein Veblen trong cuốn Giáo dục đại học ở Mỹ [The Higher Learning in America, 1918], đầu thế kỷ 20, những học giả hàng đầu đã có tinh thần cạnh tranh về uy danh của trường và sự kính trọng của công chúng dành cho trường.) Mặt khác, Yang biết cách thay đổi cho thích nghi với trọng tâm mới của Hán Biện nhắm vào “nghiên cứu cốt lõi”, và đặc biệt là việc phía Trung Quốc dường như mê mẩn Trường phái kinh tế học Chicago. Theo Ted Foss, Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thường nhận được những cuộc gọi dồn dập từ Lãnh sự quán Trung Quốc xin sắp xếp để một phái đoàn quan chức cao cấp sang tham quan được chụp ảnh với Gary Becker [người được giải Nobel Kinh tế năm 1992].
Ở Chicago, Hán Biện cầu được ước thấy: không chỉ có được nhiều đề án nghiên cứu về phát triển kinh tế Trung Quốc, mà hàng năm còn tổ chức được một Hội thảo Đại học Chicago-Đại học Nhân Dân về Kinh tế học Gia đình và Lao động, hiện nay đã bước sang năm thứ tư. Là trường đối tác của các Viện Khổng Tử ở hơn một chục trường khác ngoài Đại học Chicago, Đại học Nhân Dân, hơn bất cứ đại học nào khác ở Trung Quốc, có tiếng là hai mặt. Ở Chicago, nó được khoe là trường đại học hàng đầu Trung Quốc về khoa học xã hội và nhân văn, trong khi ở Trung Quốc nó được mọi người gọi là trường đại học của đảng, vì nó do Đảng Cộng sản thành lập, và là một trung tâm chính để đào tạo cán bộ nhà nước. Viện Khổng Tử ở Chicago tạo ra hình ảnh lố bịch của Trung Cộng dùng tên của Khổng Tử để truyền bá ý thức hệ tư bản chủ nghĩa thuần túy cổ xúy sự lựa chọn duy lý.
Mâu thuẫn còn lớn hơn nữa là Viện Khổng Tử vận dụng các truyền thống được trân trọng của Đại học Chicago về tư tưởng thả nổi tự do, trên cả khía cạnh tự do học thuật lẫn khía cạnh triết lý kinh tế, trong một công cuộc toàn cầu nhằm tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sự kết hợp đối chọi này giữa tinh thần tự do kinh doanh và sự kiềm chế của chính phủ đã có hồi tháng 4/2008, khi Dali Yang và Ted Foss tham khảo ý kiến của một viên lãnh sự giáo dục Trung Quốc ở Chicago về các điều kiện bắt buộc tổng quát cho một Viện Khổng Tử. Theo lời kể của hai vị này – trong đó có một phác thảo lịch sử của Viện Khổng Tử Chicago do Yang viết – quá trình tham vấn sau đó có “phần thông báo” sớm cho các vị trưởng khoa nhân văn và khoa học xã hội. Sau đó, Yang trình bày đề án về một Viện Khổng Tử ở Đại học Chicago với các học giả về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, và sau khi thảo luận đôi chút các học giả này nhất trí chấp thuận cho thành lập viện. Đây là nhóm duy nhất được bỏ phiếu (các học giả về Triều Tiên và Nhật hoàn toàn không được hỏi ý kiến), và họ nằm trong số những giáo sư duy nhất của Đại học Chicago biết về viện này trước khi nó được khánh thành.
Về sau, vào năm 2010, sau khi tin tức về thỏa thuận này được công bố, 174 giáo sư Đại học Chicago ký đơn phản đối việc giới quản lý của trường đã dại dột chấp nhận cho mở Viện Khổng Tử mà không được sự đồng ý của ban quản trị có quyền đại diện cho họ. Theo Dali Yang, ủy ban điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á đã bàn bạc về Viện Khổng Tử trong năm trước khi viện này được thành lập, nhưng ít nhất một ủy viên trong ủy ban nhỏ này – Bruce Cumings, nhà sử học nổi tiếng chuyên về Triều Tiên – mãi đến sáu tháng sau khi thỏa thuận được ký kết với Bắc Kinh mới biết về sự tồn tại của Viện Khổng Tử. (Theo Foss, ủy ban điều hành của trung tâm này rất ít hội họp, thậm chí chưa đến một lần mỗi năm.) Ngoài ra, chỉ có một lần tham khảo ý kiến khác; đó là một cuộc họp vào lúc rất trễ trong ngày với một “nhóm công tác nhỏ gồm các giáo sư, các trưởng khoa và các nhà quản lý”. Tháng 9/20009, đề án mở Viện Khổng Tử được nộp cho Hán Biện. Ngày 29/9/2009, thỏa thuận thành lập Viện Khổng Tử được một hiệu phó của Đại học Chicago và giám đốc điều hành của tổng bộ Hán Biện ký. Ngày 1/6/2010, viện chính thức mở cửa trong buổi lễ linh đình có mặt hiệu trưởng Đại học Chicago và các quan chức Hán Biện.
* * *
Trong những nhượng bộ của Hán Biện đối với Chicago có việc loại bỏ khỏi thỏa thuận Viện Khổng Tử điều khoản giữ bí mật. Hình như chẳng cần điều khoản như vậy, vì Viện Khổng Tử vẫn còn bí ẩn về những khía cạnh quan trọng đối với chủ tịch hội đồng giáo sư giám sát hoạt động của viện. Hội đồng này do Martha Roth, trưởng khoa nhân văn, đứng đầu và gồm có hai giáo sư Chicago khác và hai ủy viên do Đại học Nhân Dân bổ nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn, bà Roth nói bà không biết về các điều khoản của hiến chương và quy chế về các Viện Khổng Tử: “Tôi không nhớ là có xem nó.” Bà cũng không nhớ các điều khoản của thỏa thuận mà trường đại học này đã ký với Hán Biện. Bà nghĩ (sai) rằng Hán Biện “chịu sự quản lý và hỗ trợ của Bộ Giáo dục” – một cảm nhận mà Hán Biện chính thức truyền đạt trong các văn bản bằng tiếng Anh với từ “trực thuộc” (affiliation) Bộ Giáo dục, thay vì hội đồng các quan chức chính phủ mà thực ra Hán Biện phải báo cáo lên. Khi được hỏi về yêu cầu bắt buộc nộp đề án nghiên cứu cho Bắc Kinh để xét duyệt và cấp kinh phí, bà Roth cảm thấy thủ tục này không có gì đáng phản đối, so sánh nó với tập quán nộp đề án lên Bộ Giáo dục Mỹ. Bà cũng chẳng quan ngại về những vấn đề đã phát sinh với các Viện Khổng Tử ở các trường đại học khác, tỏ vẻ hài lòng là Đại học Chicago tuân theo những nguyên tắc của chính mình về tự do học thuật. Khi được yêu cầu bình luận về các điều khoản quy định về Viện Khổng Tử trong hiến chương và quy chế Hán Biện và thỏa thuận [thành lập viện], bà Roth trả lời rằng những câu hỏi như vậy “tốt nhất là chuyển sang phòng pháp lý” của trường.
Tuy nhiên bà Roth khẳng định rằng Bắc Kinh không cung cấp giáo viên Hán ngữ cho Chicago, và không trả lương và vé máy bay cho họ, như quy định trong các văn bản chính thức này. Bà nói người ta cứ nghĩ Hán Biện đã làm vậy cách đây vài năm, nhưng “chuyện đó chẳng hề diễn ra. Bà nói: “Điều này thật chẳng may vì chúng tôi cần nhiều lớp dạy Hán ngữ hơn.” Có lẽ có sai nhầm hiển nhiên này là do các giáo viên do Hán Biện cung cấp dạy các lớp trong chương trình cử nhân chính khóa, chứ không phải trong chương trình giảng dạy của chính Viện Khổng Tử. Từ năm 2006 Hán Biện đã cung cấp ít nhất hai giảng viên Hán ngữ cho Đại học Chicago, ngay cả trước khi có thỏa thuận chính thức; từ khi thỏa thuận được ký, việc cung cấp tiếp tục theo các điều khoản của thỏa thuận. Như đã nói ở trên, đề án của chính Chicago về mở Viện Khổng Tử có một phần quan trọng về giảng dạy. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ngộ nhận về cách chọn lựa giáo viên.
Nhắc đến một nhượng bộ khác đối với Chicago, cả Dali Yang và Ted Foss đều nói rằng trường đại học này kiểm soát phần lớn việc tuyển dụng giáo viên ngôn ngữ từ Trung Quốc. Theo lời của ông Yang, “Trường tham gia trọn vẹn vào quá trình tuyển dụng giáo viên Trung Quốc, chứ không chỉ có quyền từ chối.” Ông Foss nói, “Chúng tôi kiểm soát việc ai được cử sang.” Tuy nhiên, giám đốc chương trình Hán ngữ tại đại học này, người tuyển dụng các giáo viên Hán ngữ, lại có ý kiến khác về quy trình này. Bà nói rằng theo bà biết, tất cả các giáo viên Hán ngữ có thể dự tuyển cho công việc này, nhưng họ phải có bằng cao học về Hán ngữ và đã dạy sinh viên nước ngoài tại trường đại học của họ. “Sau đó họ cần phải làm một số bài kiểm tra, ví dụ như kiểm tra tiếng Anh và tâm lý. Nếu được Hán Biện chọn, họ cần phải dự một một buổi tập huấn. Họ nói họ học những vấn đề như nghệ thuật dân gian.” Khi được hỏi về vai trò của Đại học Chicago trong việc chọn giáo viên, vị giám đốc, lúc đó đang ở Bắc Kinh, đáp: “Chúng tôi không chọn. Họ giới thiệu, và chúng tôi chấp nhận.” Sáu tuần sau, khi được liên hệ trở lại ở Chicago, bà nói trường đại học này có thể từ chối người được Hán Biện giới thiệu khi duyệt lý lịch của ứng viên, và Hán Biện khi đó sẽ giới thiệu một giáo viên khác, nhưng điều đó không xảy ra. Dù gì đi nữa, vì Hán Biện hoạt động theo luật pháp Trung Quốc – chẳng hạn các luật quy định Pháp Luân Công là tổ chức tội phạm – Đại học Chicago, dùng có vô tình đến đâu đi nữa, có nguy cơ phạm phải lối tuyển dụng mang tính phân biệt đối xử đã khiến Đại học McMaster bị kiện ra tòa nhân quyền. Đại học Chicago có thể càng có nguy cơ cao hơn vì trường trả cho các giáo viên do Hán Biện một khoản phụ cấp bổ sung cho mức lương Trung Quốc của họ.
Sai sót này dường như càng nghiêm trọng hơn vì không chỉ những người trực tiếp giám sát Viện Khổng Tử mà cả các cấp quản lý cao hơn cũng lãng quên về viện này. Ngày 4/6/2010, ba ngày sau khi Viện Khổng Tử của Đại học Chicago được khai trương trọng thể, hiệu trưởng và hiệu phó có cuộc họp với các đại diện của một tổ chức tự lập của các giáo sư gọi là CORES, và thảo luận về Viện Khổng Tử. CORES đã tổ chức lấy được chữ ký của 174 giáo sư phản đối điều mà họ gọi là “việc công ty hóa” trường đại học này, mà ví dụ điển hình là Viện Khổng Tử và Viện Milton Friedman. Biên bản của cuộc họp này được phát cho tất cả mọi người tham dự, mà không chỉnh sửa gì về bất cứ nội dung nào. Biên bản này cho biết hai học giả uy tín về Đông Á, Bruce Cumings và Norma Field, đã phản đối đặc trưng chính trị của Viện Khổng Tử, vai trò của viện trong việc quyết định chủ đề nào về Trung Quốc được dạy ở Đại học Chicago, và cách “họ và các giáo sư khác chuyên về Đông Á đã bị loại ra khỏi các cuộc thảo luận và quá trình ra quyết định.” Đâu phải chỉ có mình họ: biên bản cũng ghi nhận rằng hiệu trưởng Robert Zimmer và hiệu phó Thomas Rosenbaum “thừa nhận họ thiếu thông tin về vấn đề này và tỏ ra bối rối và hối tiếc vì chuyện này đã xảy ra.”
Vậy thì điều gì khiến hiệu trưởng Zimmer không cắt đứt quan hệ của Đại học Chicago với Viện Khổng Tử, hay khiến Columbia và Trường Kinh tế London không hành xử tương tự? Những trường tiếng tăm đã thành lậpViện Khổng Tử nên đi đầu trong việc chia tay với Viện Khổng Tử, nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan lớn hơn các lợi ích cụ thể của chính họ: khi mở Viện Khổng Tử, họ can dự vào các nỗ lực chính trị và tuyên truyền của một chính phủ nước ngoài theo cách mâu thuẫn với các giá trị tự do tìm tòi học hỏi và an sinh của con người mà họ đã cam kết tuân theo. Không chỉ đơn thuần là các tổ chức cục bộ, mỗi một trường đại học cũng là công cuộc toàn cầu: lý tưởng phổ quát về tự do tìm tòi học hỏi vì lợi ích của toàn nhân loại là nền tảng xây dựng các trường đại học, và lý tưởng đó đúng ra phải khiến họ ở một tầm cao hơn mà Viện Khổng Tử không thể sánh ngang được. Đã đến lúc Đại học Chicago hành xử cho xứng đáng với phương châm của mình, Crescat scientia; vita excolatur. Hãy để tri thức ngày càng sinh sôi, để nhân sinh phồn thịnh.
HẾT
Nguồn: Marshall Sahlins, China U., The Nation, 18/11/2013.
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng 3 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 6/11, 13/11 và 20/11/2013.)

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 6

 ·        TRỊNH ÁNH HỒNG
Lê Quỳnh dịc
 (tiếp theo - Kỳ 6 - Hết)
 ... Các liên hệ cá nhân giữa các trí thức phản kháng với Trung Quốc cũng dễ thấy. Ví dụ, vào cao trào giải phóng, Phan Khôi, chủ biên của Nhân văn và là nhân vật nổi tiếng nhất của phong trào, có mặt ở Trung Quốc đại diện cho trí thức Việt Nam tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn [21] . Việc chọn Phan Khôi làm đại diện cho Việt Nam khó có thể nói là ngẫu nhiên, vì sự kiện kỷ niệm nhằm tôn vinh một trí thức nổi tiếng vì sự độc lập tư tưởng và Phan Khôi lại có tiếng là nhà bình luận độc lập. 
Có một chi tiết khiến sự đại diện của Phan Khôi ở Trung Quốc lại có thêm ý nghĩa. Một năm trước đó, khi chính phủ yêu cầu Phan Khôi phát biểu về cùng đề tài Lỗ Tấn nhân kỷ niệm ngày mất của nhà văn Trung Quốc, ông đã phải nộp bản thảo cho Hội Văn nghệ và sửa chữa bài viết dựa trên các nhận xét. Một năm sau, gần như cùng lúc khi ông sang Trung Quốc dự sự kiện quan trọng hơn về Lỗ Tấn, Phan Khôi viết bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” trên Nhân văn [22] than phiền về thiếu tự do sáng tạo ở Bắc Việt, nhắc lại câu chuyện một năm trước cùng nhiều ví dụ tương tự về sự can thiệp của chính quyền, và đặt câu hỏi, “Tôi còn làm ăn gì được nữa cụ ơi! Tôi còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!”[23]
Nhưng liên hệ Trung Quốc trong trường hợp Việt Nam còn có thể được khảo sát từ một góc nhìn khác, dựa trên sự riêng biệt của quá trình nói rộng tự do ở Việt Nam. Sự nới rộng tự do ở Việt Nam có khác biệt bởi vì con đường của nó nhiều va vấp và ở một số chặng thì tương ứng với hoàn cảnh ở Trung Quốc. Để hiểu điều này, tôi cần tóm tắt quá trình mở rộng tự do ở Việt Nam. 
Từ tháng Tám đến tháng 11-1956, phong trào trải qua thời điểm vàng son, giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm. Rồi ngay sau khi Liên Xô đàn áp cuộc nổi dậy ở Hungary, chính phủ Liên Xô bắt đầu đánh lại trí thức bằng việc in các bình luận, xã luận và thậm chí “thư độc giả” lên án các phần tử chống chủ nghĩa xã hội. Như một xã luận của báo Nhân dân ở Việt Nam, xuất hiện năm ngày sau cuộc đàn áp, viết rằng: “Chúng ta không thể cho phép bất kỳ ai lợi dụng tự do dân chủ và tự do ngôn luận để tách rời nhân dân khỏi Đảng.” [24] Sau hơn một tháng chuẩn bị tuyên truyền như vậy, vào ngày 18-12, sau một nghị định của Chủ tịch nước, Ủy ban Hành chính Hà Nội cho ngưng phát hành Nhân văn và Giai phẩm; đóng cửa nhà xuất bản Minh Đức; tịch thu các số báo cũ; và cảnh cáo những ai còn sở hữu và phân phối báo. Một chiến dịch báo chí nhanh chóng diễn ra để hạ uy tín hai ấn phẩm và người viết. 
Việc cấm hai tờ báo và chiến dịch báo chí phê phán chúng là một trở ngại nghiệm trọng cho giới trí thức, nhưng cơn bão chính trị tháng 12-1956 qua đi nhanh đến bất ngờ. Chỉ hai tháng sau, Nhân dân ngừng chiến dịch phê phán Nhân văn - Giai phẩm, và toàn bộ những người bị nhắm đến trong chiến dịch đều an toàn, không ai bị bắt hay mất việc, mà họ chỉ phải tự kiểm thảo và một số bị giáng chức. Như Kim Ninh chỉ ra, các trí thức “tiếp tục giữ chỗ làm nhà nước và, trong một số trường hợp, họ duy trì cả vị trí lãnh đạo trong các nhà xuất bản quốc doanh và thậm chí trong Ban Chấp hành của Hội Văn học Nghệ thuật.” [25] Trong tháng Hai, Đại hội Văn nghệ Toàn quốc lần hai được triệu tập, và nghị quyết không nhắc gì tới vụ Nhân văn - Giai phẩm, mặc dù nó ghi nhận sự cần thiết chống lại “các khuynh hướng sai trái”. Đến tháng Năm, một tờ báo mới, tuần báo Văn, ra đời với tư cách là cơ quan chính thức của Hội Nhà văn vừa thành lập. Dưới ngọn cờ của tuần báo Văn, các cây bút của Nhân văn và Giai phẩm nhanh chóng tụ họp lại. Honey chỉ ra, “Dù họ đã phải học tập những gì thì hoá ra tất cả đều vô ích, vì họ nhanh chóng tiếp tục sự công kích Hội Văn học Nghệ thuật, Đảng, chính thể, và mọi mục tiêu trước đó.” [26] 
Nói cách khác, môi trường văn hoá tại miền Bắc Việt Nam phần lớn năm 1957 ít nhất cũng là nhẹ nhàng và dễ thở. Ngay từ khi ra mắt, báo Vănbị các tờ báo Đảng phê bình vì một số nội dung, nhưng sự chỉ trích chưa khi nào đưa tới một chiến dịch phối hợp lên án của báo chí, hay buộc các nhà văn phải im lặng. Hirohide Kurihara, trong nghiên cứu của ông về chính sách văn hoá Bắc Việt từ 1956 đến 1958, ghi nhận có hai đường lối “linh động” dẫn dắt tình hình trí thức trong năm 1957. Một “ngả về hướng tôn trọng sự chủ động của các nhà văn và trí thức… không có biện pháp cụ thể nào nhằm buộc người cầm bút tham gia học tập chính trị hay các hoạt động sản xuất”; đường lối thứ hai “mang tính ôn hoà nhằm đạt các mục tiêu chính sách, một cách tiếp cận nhấn mạnh vào việc đạt tới sự đồng thuận thông qua thuyết phục và thảo luận kiên nhẫn.” Khi thực hiện chính sách đồng thuận này, “những người nắm chính sách được cảnh báo không được hành động lỗ mãng.” [27] 
Thời gian cởi trói tiếp theo này kéo dài được khoảng nửa năm và cuối cùng chấm dứt vào đầu 1958. Ngày 6-1, Bộ Chính trị ra “Nghị quyết Bộ Chính trị về công tác văn nghệ”, đòi trục xuất toàn bộ những “phần tử phá hoại” ra khỏi các tổ chức văn nghệ và yêu cầu văn nghệ sĩ học tập chủ nghĩa Marx–Lenin và tham gia lao động [28] . Theo sau nghị quyết là việc đình bản tuần báo Văn vô thời hạn và từ đây bắt đầu chiến dịch mạnh và lâu dài nhằm loại bỏ tận gốc mọi tiếng nói và thành phần đối kháng trong giới trí thức. Nhiều trí thức bị bắt và năm người trong số họ, tất cả gắn với vụ Nhân văn - Giai phẩm và do Phan Khôi đại diện, bị đưa ra xử và kết án vì “các hoạt động tâm lý chiến núp dưới bóng Nhân văn - Giai phẩm”. [29] Cùng lúc đó, đa số các trí thức, bất kể hoạt động chính trị của họ là gì trong giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm, đã phải đi cải tạo dưới hình thức học tập chính trị sát sao và lao động nặng nhọc ở nông thôn và nhà máy – một hình thức vay mượn từ Trung Quốc. 
Như thế, thời kì nới rộng tự do ở Việt Nam có hai giai đoạn nở rộ: từ tháng Tám đến tháng Mười Một 1956, và từ tháng Năm 1957 đến tháng Giêng 1958. Đối với các sử gia, những câu hỏi tự nhiên là: Tại sao chính phủ Việt Nam không nhân sự biến ở Hungary mà dập tắt các tiếng nói đối kháng trong nước bằng cách đẩy mạnh công cuộc đàn áp đã bắt đầu với việc cấm báo Nhân văn và Giai phẩm hồi tháng 12-1956? Tại sao nhà nước vẫn cho phép giới trí thức tiếp tục sự công kích chính thể vào mùa hè 1957? 
Điều khiến các câu hỏi này càng thêm kích thích sự tò mò là có một sự kiện đã có thể tạo nên môi trường thuận lợi hơn cho chính quyền thẳng tay đàn áp trí thức vào thời điểm cấm báo Nhân văn và Giai phẩm. Sự kiện đó là cuộc nổi loạn của nông dân ở tỉnh Nghệ An chống lại chính sách cải cách ruộng đất. Nỗi bức bối của người nông dân vì cải cách ruộng đất đã chất chồng mấy năm, và việc Đảng công khai thừa nhận các sai lầm trầm trọng trong chiến dịch, được Trường Chinh thông báo (ông này sau đó từ chức Tổng Bí thư để xoa dịu sự bất bình), chỉ cung cấp thêm cho nông dân cơ hội bày tỏ phẫn uất. Cuộc nổi dậy bắt đầu từ ngày 5-11 và có đến hơn 20.000 nông dân tham gia. Nó kéo dài khoảng một tuần và bị một đơn vị đặc biệt của quân đội Bắc Việt dập tắt. Sự kiện này làm lung lay tận gốc sự tự tin của chính thể trong việc cai trị nông thôn – đặc biệt vì tỉnh Nghệ An là quê ông Hồ Chí Minh và căn cứ đầu tiên của cách mạng Việt Nam – và nó là sự biến rất đẫm máu trong thời kì hạ bệ Stalin, có lẽ chỉ kém các cuộc nổi dậy ở Ba Lan và Hungary. Nhưng, thật không may là nó chưa được chú ý đầy đủ trong các nghiên cứu về vấn đề hạ bệ Stalin từ góc nhìn toàn cầu. Cuộc nổi dậy là một đe doạ lớn cho chính thể, và sẽ không ngạc nhiên nếu chính quyền siết chặt các chính sách chung ở trong nước để dập tắt mọi dấu hiệu của xu hướng nổi loạn trong dân sau vụ đàn áp nổi dậy này. Nhưng trên thực tế sự đàn áp trí thức – sau khi cuộc nổi dậy nông dân bị dập tắt – đã diễn ra ngắn ngủi, nhẹ nhàng và thậm chí tiếp theo sau ta thấy quá trình trả lại tự do cho văn nghệ sĩ còn được phục hồi. 
Mặc dù tôi không tìm cách loại bỏ mọi khả năng giải thích quá trình nới rộng tự do lúc lỏng lúc chặt ở Việt Nam, nhưng việc xem xét mối liên quan Trung Quốc có thể cung cấp ít đầu mối. Do ảnh hưởng nặng của Trung Quốc ở Việt Nam và quan hệ thân mật giữa hai đảng, và do thời kì nới rộng tự do ở Việt Nam lấy cảm hứng từ mô hình Trung Quốc, sẽ vô lý nếu cho rằng ban lãnh đạo Việt Nam đã tự ý tạm ngừng đàn áp vào đầu năm 1957 mà không theo dõi thái độ của Trung Quốc. Vào mùa Xuân 1957, khi môi trường ở Việt Nam một lần nữa trở nên thuận lợi cho sự mở rộng tự do dân chủ, đó là lúc ban lãnh đạo Trung Quốc mở chiến dịch “chỉnh phong” quy mô cả nước để lấy ý kiến phê bình của trí thức đối với Đảng. Giới trí thức Bắc Việt tái tục sự công kích chính thể vào đầu mùa Hè, chính vào thời điểm phong trào chỉnh huấn ở Trung Quốc đạt cao điểm và đa số những người phái hữu đang để lộ mình khi công khai chỉ trích Đảng và đòi cải cách. 
Nhưng vào ngày 8-7-1957, chiến dịch chống phái hữu bắt đầu ở Trung Quốc. Cũng chính vào ngày ấy, vô tình hay hữu ý, ông Hồ Chí Minh ghé Bắc Kinh trên đường đi Bắc Hàn, Liên Xô và Đông Âu. Trên đường quay về Việt Nam, vào cuối tháng Tám, ông Hồ một lần nữa ghé thăm Trung Quốc và gặp các lãnh đạo Trung Quốc lúc ấy đang bận rộn với chiến dịch chống phái hữu. Về mặt chính thức, ưu tiên của ông Hồ là được Trung Quốc ủng hộ lời kêu gọi của ông nhằm mở một hội nghị tham vấn về việc thống nhất đất nước thông qua tổng tuyển cử tự do [30] . Nhưng đằng sau đó họ còn bàn bạc chuyện gì? Họ có bàn về chiến dịch đang diễn ra ở Trung Quốc và những thách thức mà giới trí thức Việt Nam đặt ra cho Đảng của ông Hồ? Mặc dù không có tư liệu nào có thể cung cấp thêm thông tin, nhưng có một điều chắc chắn: ông Hồ hẳn bị ấn tượng mạnh về chiến dịch và ý định thật cũng như chiến lược của Mao nhằm buộc kẻ thù lộ mình. Ông Hồ giỏi tiếng Hoa (ông từng làm thông dịch viên cho các phái viên Liên Xô và những người cộng sản Trung Quốc trong thập niên 1920), và có thể tự mình đọc báo tiếng Hoa. Các tờ báo Trung Quốc lúc ấy tràn ngập các bài chống phái hữu và các phương pháp dùng để trấn áp, như vậy làm sao tất cả những điều này lại không được ông Hồ chú ý cơ chứ? [31] Một bằng chứng cho ảnh hưởng của Trung Quốc là khoảng hai tuần sau khi trở về nước, ông Hồ, dùng bút danh Trần Lực, đã đăng một bài trên Nhân dân ngày 16-9 với tựa đề “Đập tan tư tưởng hữu khuynh”. Theo Boudarel, bài báo dường như in đậm dấu ấn chiến dịch đang diễn ra ở Trung Quốc. Cách ông Hồ tiếp cận vấn đề cũng tương tự như cách nói ẩn dụ của Mao. Ông viết, “Tư tưởng hữu khuynh như cỏ độc. Hãy nhổ cỏ và biến chúng thành phân để làm đồng lúa được màu mỡ.” [32] 
Điều đáng nói là ít tác giả nào chú ý đầy đủ đến các ảnh hưởng quốc tế đối với lịch sử Việt Nam trong giai đoạn 1957-1958, theo nghĩa là liên kết những thay đổi trong nước với những diễn biến cụ thể trong phong trào cộng sản quốc tế. Tuy nhiên có một ngoại lệ là tác giả Kurihara. Kurihara nhấn mạnh những thay đổi tạo ra bởi Hội nghị Moskva của các đảng cộng sản thế giới tháng 11-1957, mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc hợp tác với Liên Xô để lên án “khuynh hướng xét lại”, ám chỉ nguy hiểm từ cánh hữu. Vì thế, đối với Bắc Việt, tình hình quốc tế cuối năm 1957 và đầu 1958 rất khác giai đoạn trước đó. Như Kurihara chỉ ra, “Cả Liên Xô, nước gây cảm hứng cho Nhân văn – Giai phẩm nhờ sự lên án Stalin, và Trung Quốc, nước cũng gây cảm hứng nhờ chính sách ‘Trăm hoa’, đã ký vào Tuyên bố, tức là bày tỏ ủng hộ cho cuộc đấu tranh chống xét lại. Ngoài ra, chính sách ‘Trăm hoa’ đã biến thành chiến dịch chống phái hữu ở Trung Quốc.” [33] .
Khi Nhân văn và Giai phẩm bị cấm, một vài nhà quan sát phương Tây đặt giả thiết rằng các ấn phẩm là “các quả bóng nhử, được thả với sự ngầm chuẩn thuận của chính phủ” và rằng “thí nghiệm rõ ràng đang đi đến điểm kết thúc.” [34] Nếu nhận xét đó đúng, hẳn Hồ Chí Minh cảm thấy nhẹ nhõm khi ông ở Trung Quốc chứng kiến chiến dịch chống phái hữu quyết liệt và thán phục chiến thuật của Mao. Bốn tháng sau, ông Hồ bắt đầu lại cuộc tấn công giới trí thức bằng cách đi theo mô hình Trung Quốc, một mô hình mà hẳn ông đã cân nhắc trong lúc ở lại Trung Quốc: bóc trần tư tưởng chống chủ nghĩa xã hội, chống Đảng, bằng việc đăng những lời “thú tội” của họ trên báo, tổ chức các cuộc họp tập thể mà ở đó những người bị tố cáo phải tự phê hoặc lên án chính mình, sa thải và bỏ tù nhiều người, trục xuất nhiều người khỏi các hội nghề nghiệp, và gửi hàng trăm, hàng ngàn người xuống các vùng nông thôn, nhà máy để cải tạo thông qua lao động nặng nhọc. 
Toàn bộ những chương và diễn biến song song này, khi đặt chúng cạnh nhau, rõ ràng chứng tỏ ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc trong phong trào nới rộng tự do ở Việt Nam ngay từ năm 1955 cho tới 1958. Giống như tại Đông Âu, sự liên hệ với Trung Quốc đã tạo cảm hứng ban đầu cho giới trí thức, khiến họ duy trì quan điểm ngay cả sau khi Liên Xô đàn áp cách mạng Hungary. Nhưng rốt cuộc sự liên hệ với Trung Quốc trở thành cú đánh cuối cùng, bất ngờ và có lẽ nặng nề nhất cho phong trào nới rộng tự do dân chủ. 
Kết luận 
Phong trào hạ bệ Stalin và mở rộng tự do ở giữa thập niên 1950 là một hiện tượng của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu và cần được xem xét từ góc nhìn toàn cầu. Góc nhìn này có thể cho phép ta xem xét nhiều nguồn tư liệu của nhiều nước cộng sản đóng góp vào hiện tượng này và những tương tác phức tạp dính dáng đến các nước liên quan, thay vì chỉ nhìn hiện tượng từ góc nhìn lấy Moskva làm trung tâm. 
Là một ví dụ của cái nhìn toàn cầu này, những liên hệ với Trung Quốc, thể hiện trong trường hợp Đông Âu và Việt Nam, có thể giúp mở rộng viễn kiến của chúng ta nhờ việc đặt quá trình giải ảo Stalin trong một văn cảnh rộng hơn. Đầu tiên, Trung Quốc đã đóng góp vào thay đổi chính trị với những nỗ lực của riêng mình và hành động như một nguồn độc lập trước Moskva trước Đại hội 20 của Liên Xô, chứ không phải là một nước ở vị trí ngoài rìa và phản ứng thụ động, và Trung Quốc còn tiếp tục xác lập ảnh hưởng cả sau khi cuộc nổi loạn Hungary bị đàn áp, khi mà không khí ở Đông Âu rõ ràng không thuận lợi cho một ảnh hưởng như vậy. Ảnh hưởng của Trung Quốc không chỉ có trong những nhân vật cải tổ Đông Âu, mà còn tạo nên hiệu ứng gây lo ngại ở Moskva, như chính Khrushchev thừa nhận. Thứ hai, khi liên kết trường hợp Việt Nam với Trung Quốc, ta có thể thấy có sự tồn tại của một mô thức phản kháng và phản đối trong thời kì hậu Stalin – một mô thức châu Á, chủ yếu thể hiện qua phản đối bằng ngôn từ của trí thức chứ không phải là những cuộc xuống đường của quần chúng hay thậm chí nổi loạn, mặc dù Việt Nam cũng có một cuộc nổi loạn nông dân ngắn ngủi và Trung Quốc chứng kiến một vài cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân. Mô thức phản kháng và phản đối châu Á có vẻ khác với mô thức Ba Lan – Hungary, mà ở đó sự phản đối của trí thức ban đầu quan trọng nhưng sau đó bị làm lu mờ bởi hành động bạo lực của quần chúng. Thứ ba, mối liên hệ Trung Quốc và ảnh hưởng Trung Quốc đối với quá trình giải ảo Stalin có tính hai mặt. Một mặt, Trung Quốc tán đồng – dù cố ý hay không - sự giải phóng ở Đông Âu và Việt Nam, và sự tán đồng này là một phần quan trọng trong việc hạ bệ Stalin mà Moskva phát động. Nhưng mặt khác, ngược với niềm tin ngây thơ của nhiều nhân vật cải cách và trí thức Đông Âu và Việt Nam, Mao và ban lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ thực sự tin vào dân chủ và tự do. Họ không chần chừ bộc lộ phản ứng cứng rắn trước thách thức sự cai trị của Đảng Cộng sản trong trường hợp Hungary, nhưng phải mất một năm trước khi nhiều người ở Đông Âu, Việt Nam và Trung Quốc nhận ra điều này. Dù ý định ban đầu của những người cộng sản Trung Quốc có là gì (khi họ cổ vũ cho Chính sách Trăm hoa và Chỉnh huấn), cuối cùng thì họ chấm dứt phong trào giải phóng từng nảy nở bằng cách dùng biện pháp khác với cách đàn áp cách mạng Hungary của Liên Xô, nhưng có tính toán hơn và có lẽ tiêu cực hơn [35] . Vì thế, nếu Trung Quốc đã đóng góp vào phong trào giải phỏng và tác động đến các nước cộng sản khác theo cách riêng của mình, thì nước này cũng đóng góp vào sự đàn áp phong trào giải phóng theo cách riêng của mình. 
T.A.H - LQ
-----------
·        Chú thích:
[21]Uy tín của Phan Khôi một phần là nhờ gốc gác gia đình. Cha của ông là tổng đốc Hà Nội, người đã tự sát khi quân Pháp chiếm đóng năm 1883. Phan Khôi trải qua phong trào chống Pháp của giới sĩ phu năm 1907 và trở thành nhân vật đứng đầu giới trí thức. Ông ủng hộ phong trào cộng sản Việt Nam vì sức hút dân tộc và dân chủ trong cuối thập niên 1940 và đầu 1950. Con trai ông cũng tham gia cách mạng cộng sản và trở thành biên tập viên của một tờ báo thuộc Mặt trận Tổ quốc, nhưng đã tự sát vào năm 1958, sau khi phong trào nới rộng tự do bị dập tắt và Phan Khôi cũng qua đời. (Ghi chú của talawas: 1. Trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” nêu trên, câu “Tôi còn làm ăn được gì nữa cụ ơi! Tôi còn là tôi đâu được nữa cụ ơi” của Phan Khôi là hướng đến cụ Đồ Chiểu. 2. Phan Khôi là cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu.)
[22]Bài viết này của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa Thu tập I (Ghi chú của taalwas)
[23]Turner, Vietnamese Communism, trang 153
[24]Như trên, trang 157
[25]Như trên, trang 155
[26]Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trang 163
[27]Hirohide Kurihara, “Changes in the Literary Policy of the Vietnamese Workers’Party, 1956–1958”, trong cuốn Indochina in the 1940s and 1950s, Takashi Shiraishi và Motoo Furuta chủ biên (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1992), trang 180
[28]Như trên, trang 183
[29]Ghi chú của talawas: Trong phiên toà xử "Vụ gián điệp Nguyễn Hữu Đang và Thuỵ An" ngày 19.1.1960 tại Toà án Nhân dân Hà Nội, năm người bị kết án là Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thuỵ An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Lúc này Phan Khôi đã qua đời.
[30]Ang Cheng Guan, Vietnamese Communists’ Relations with China, the Second Indo-Chinese Conflict (Jefferson, N.C.: McFarland & Company, 1997), trang 58
[31]Một tình tiết, mặc dù xảy ra sau đó khá lâu, có thể xem là ví dụ chứng tỏ ông Hồ giỏi tiếng Hoa và dùng nó để tìm hiểu chính trị Trung Quốc. Tháng Năm 1966, khi ông Hồ ở Trung Quốc, ông gặp Mao tại Hàng Châu và theo lời khuyên của Mao, đã đến Đại học Triết Giang để đọc các “bích chương đại tự” để biết về Cách mạng Văn hoá đang diễn ra. Dẫn theo Wen Zhuang, “Ba cuộc gặp giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, 1965-1966), Zhong Heng, tháng Tám 2003, trang 12–13.
[32]Boudarel, “The Nhan-Van Giai-Pham Affair,” trang 170–171
[33]Kurihara, “Changes in the Literary Policy”, trang 189.
[34]“In China’s Shadow: The Ho Chi Minh Way,” The Economist, 5-1-1957, trang 41. Bài báo được viết bởi đặc phái viên của tạp chí.
[35]Một ví dụ ở một số nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Hungary, là ban lãnh đạo thời kì sau 1956 đã có vài nhượng bộ trước đòi hỏi cải tổ kinh tế, và được sự đồng ý của Moskva. Sự đối xử với trí thức nói chung có cải thiện. Nhưng tại Trung Quốc và Việt Nam, cuộc đàn áp 1957-1958 đã loại bỏ thành phần cải tổ và những cải cách kinh tế đã không tái xuất hiện cho mãi tới đầu thập niên 1980, và giới trí thức đã chịu khổ trong Cách mạng Văn hoá còn hơn là thời kì những năm 1950.
(NguồnYinghong Cheng),

Việt Nam: Quê hương mới của những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số

Doris Gallan  | Huffington Post | 1.12.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng
Việt Nam bắt đầu đi vào ý thức của người Mỹ như một nơi chốn tiềm tàng để về hưu hay chuẩn bị hồi hưu sau hàng chục năm mảnh đất này gắn liền với những hình ảnh tiêu cực bởi cuộc chiến tranh. Năm 2012, gần nửa triệu người Mỹ, với hàng ngàn cựu binh trong số đó, đã đặt chân đến Việt Nam. Tất cả những gì mà đất nước này phải đưa ra chào mời họ là: Hãy quay về Mỹ và khơi dậy trí tưởng tượng của những người về hưu và người lao động lâu năm đang tìm kiếm một sự đổi thay lớn trong đời.
Ba người mới đến Việt Nam mang theo hy vọng về một lối sống khác. Những gì mà họ tìm thấy là một nhịp sống chậm hơn, mức sinh hoạt phí rẻ hơn rất nhiều, cảm nghiệm mới về sự phiêu lưu, và những con người thân thiện tuyệt vời… cũng như vô số thách thức trong quá trình thích nghi với một nền văn hoá, ngôn ngữ và lối sống hoàn toàn khác.

Những người Mỹ ở Việt Nam
Jerri, Marie và Tom đang nếm trải tất cả những thú vui cũng như nỗi thất vọng của việc chuyển đến một đất nước mới. Một trong những thử thách đầu tiên đối với bất cứ ai đến Việt Nam là dòng người và xe cộ hỗn loạn trên đường – chủ yếu là xe máy và xe đạp điện – điều khiến ai cũng phải ngạc nhiên.
Marie Kubo, một nhà giáo dục 58 tuổi, không bao giờ quên lần đầu tiên bà đi xe máy trên đường phố Đà Nẵng: “Tôi hơi sợ bởi không có quy tắc giao thông rõ ràng nào cả. Tôi cố sống cố chết tiếp tục cuộc hành trình. Sau lần đầu tiên đó, tôi quyết định “ngồi lên lưng hổ”, lòng tự nhủ lòng: ‘Nào, đi thì đi nào!’”
Jerri chủ yếu đi bộ hoặc đi taxi để đến nơi cần đến, trong khi Tom lại đi chiếc xe máy thuê mà ông sử dụng để khám phá thành phố và vùng nông thôn phụ cận.
Nếu việc lưu thông trên đường phố Đà Nẵng, một thành phố với một triệu dân, diễn ra điên rồ thì ở Sài Gòn và Hà Nội (dân số hai nơi đều khoảng 6,5 triệu và là những nơi mà phần lớn người nước ngoại lựa chọn để sinh sống), tình hình còn tồi tệ hơn thế nhiều. Tom lựa chọn Đà Nẵng bởi vị trí trung tâm – cách đều Hà Nội và Sài Gòn – cũng như vì địa thế ven biển bao quanh bởi núi non của nó. Marie thì nói, cô chọn thành phố này vì bầu không khí thoải mái và an lành của nó.
Những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số này là ai?
Nhưng cả ba đều đã từng đến Việt Nam trước khi quyết định chuyển sang đây để thay đổi cuộc sống. Quyết định của họ dựa trên những gì mà người ta nói với họ về đất nước này.
Marie bày tỏ một cảm giác mà những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số (1945-1965) ở Mỹ thường cảm nhận: “Trước khi đến đây, tôi đã dốc hết tâm sức trong công việc của mình với những cô cậu vị thành niên và đã sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu. Tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của phong cảnh Việt Nam và qua câu chuyện của những người từng thăm thú Đà Nẵng.”
Sau khi theo học để lấy bằng TEFL (giảng dạy ngoại ngữ Tiếng Anh) ở thành phố Seattle quê hương, Marie dấn thân vào cuộc phiêu lưu và chuyển tới Đà Nẵng với sự giúp đỡ của chỉ duy nhất một người bạn trên mạng. “Ngẫm lại”, Marie nói, “tôi thấy quyết định của mình quả là một phép màu.” Hiện cô đang dạy Tiếng Anh ngoài giờ.
Tại sao những người đã sống phần lớn cuộc đời mình trong sự thoải mái ở Mỹ lại muốn rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình để đến Việt Nam? Jerri Sones, 69 tuổi và là một nhà giáo dục khác đến từ Seattle, nói: “Tôi muốn thử sống ở một nơi nào đó, tự thân vận động. Những trải nghiệm mới mà tôi từng kinh qua, những nơi chốn mới mà tôi từng mục kích, những phong tục mới mà tôi từng khám phá, thảy đều bồi đắp cho tôi những thứ mà không một ngôn từ nào đủ sức mô tả.”
Nhưng không phải ai cũng đến Việt Nam để làm việc. Trước khi chuyển tới Đà Nẵng cách đây vài tháng, Tom Richards, 59 tuổi, đã rút lui khỏi đời sống công ty và đang tìm kiếm một điều gì đó khác lạ. “Tôi muốn sống ở một đất nước mà con người thân thiện, một đất nước có đủ mọi tiện nghi hiện đại, với những miền đất mà tôi muốn thăm thú.”
Thử thách khó khăn nhất: nỗi nhớ gia đình
Đối với nhiều người ngoại quốc, thách thức lớn nhất mà họ đối mặt ở đất nước mới là khoảng cách với gia đình. Marie đồng ý với điều này: “Bọn trẻ của tôi đã lớn, và tôi nhớ chúng rất, rất nhiều. Ơn Chúa là đã có Skype và, đôi khi, cả nước mắt nữa. Tôi bỏ lại phía sau những bạn bè thân thiết và tôi ứng phó bằng cách vun đắp tình bạn mới, đồng thời giữ liên lạc với bạn bè cũ qua Skype và email.”
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện một sự đổi thay hệ trọng như thế là việc đưa ra quyết định, nhưng một khi đã chuyển sang cuộc sống mới rồi thì người ta ít hối tiếc nữa. Tom giải thích mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp với mình đến thế nào: “Những kỳ vọng và ước muốn của tôi đã trở thành hiện thực, thật tuyệt. Dù đã biết trước tính thân thiện của người Việt Nam nhưng tôi vẫn bất ngờ trước mức độ tuyệt vời mà họ thể hiện trong thực tế.”
  • Doris Gallan là tác giả cuốn “The Boomers' Guide to Going Abroad to Travel, Live, Give and Learn” (Cẩm nang dành cho những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn 1945-1965 khi ra nước ngoài để du lịch, sinh sống, làm từ thiện và học tập). Bà đang dạy về du lịch và khách sạn tại một trường đại học ở Đà Nẵng.
Nguồn: Huffington Post / Defend the Defenders

Top 6 Tin Tức Bịa Đặt Hàng Đầu Của Trung Quốc Năm 2013

Little girl holding umbrella for ill-struck street cleaner. Fooled! (Screenshot/Secret China)
Một bé gái che dù cho một người quét dọn đường phố bị trúng gió bất tỉnh. Bạn đã bị lừa rồi!
Ở Trung Quốc, đôi khi rất khó để biết được những báo cáo từ phương tiện truyền thông là thật hay giả. Sáu bản tin sau đây đã bị vạch trần.

1. Người Phụ Nữ Cho Người Đàn Ông Vô Gia Cư Ăn

Vào 26/03/2013, trên nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc tràn ngập một bài viết về câu chuyện người phụ nữ trẻ tên Văn Phương, cho một người đàn ông già vô gia cư ăn. Cô gái này được tôn vinh là “cô gái đẹp nhất ở Thâm Quyến”.
Tuy nhiên, hành động thương người này thực ra là giả mạo và chỉ để thu hút sự chú ý của phương tiện truyền thông. Một nhân chứng nói với mạng Tân Hoa Xã rằng Văn Phương cho người đàn ông già ăn với mục đích chỉ để chụp ảnh. Sau khi bạn trai cô ta chụp xong, đôi nam nữ này đã bỏ đi ngay lập tức và chẳng thèm quan tâm về người đàn ông già nữa.

2. Số Tiền Bồi Thường Phá Dỡ Lên Tới Triệu Đô

Hãng tin Đại Giang đã đăng một câu chuyện về Chu Tĩnh từ Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang trở về quê vào ngày 27 tháng 3 năm 2013 sau 9 năm vắng mặt.
Do nghèo đói, Chu đã rời quê nhà vào năm 2004 để tìm việc làm. Nhưng vận may lại không đến với Chu. Sau những thất bại liên tục, ông trở thành người vô gia cư và mất liên lạc với gia đình; ngoài ra, Chu đang mắc bệnh lao giai đoạn cuối. Cuối cùng, ông được đưa về quê từ nơi cư ngụ ở tỉnh Giang Tây.
Khi về nhà, anh trai Chu nói với ông rằng ông đã trở thành giàu có nhờ một dự án phát triển đất đai một vài năm trước đây và ông được giải quyết bồi thường quy hoạch số tiền 7 triệu NDT (1,15 triệu USD).
Thật không may cho Chu, câu chuyện này là giả. Một phóng viên của hãng Modern Gold đã làm một số điều tra và phát hiện ra nó “hoàn toàn không đúng với sự thật”.

3. Phi Vụ 5 Tấn Pháo Hoa

Trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2013, trên Internet tràn ngập một video về việc một người nước ngoài đã chi một triệu NDT để mua năm tấn pháo hoa.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó câu chuyện trên đã bị thổi phồng quá mức. Theo một thông báo được lưu hành bởi chính quyền thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam và báo in Tân Hoa Xã Net, vào ngày 16 tháng 2, đoạn video về một công ty pháo hoa nhỏ Đan Mạch đã tổ chức một cuộc trình diễn pháo hoa ở Lưu Dương vào mùa hè năm 2012. Và tất nhiên là chẳng có phi vụ nào về một triệu đô la cho 5 tấn pháo hoa cả.

4. Thay Đổi Cách Thanh Toán Trong Y Tế

Vào ngày 19 tháng 2, trong chương trình Tin Tức Quốc Gia của CCTV và trang web của mình đưa tin về một sự thay đổi lớn trong các hoạt động thanh toán y tế quốc gia. Trích dẫn từ Sở Y tế , CCTV nói rằng, chế độ “trả tiền sau khi điều trị” sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Trước đây, bệnh nhân phải trả tiền điều trị y tế trước.Với chính sách mới, bệnh viện sẽ trả tiền trước, và bệnh nhân chỉ cần trả phần phụ phí cho bệnh viện sau khi điều trị, phần chi phí bệnh viện thanh toán trước sẽ được thanh toán bởi bảo hiểm y tế. Hệ thống mới đang được thực hiện trên hơn 20 tỉnh thí điểm.
CCTV vừa phát sóng tin tức tốt lành này vào buổi sáng thì Sở Y tế phủ nhận ngay vào buổi chiều cùng ngày. Nhưng tin tức này đã gây sự chú ý của công chúng. Trong khi đó, một chuyên gia ngành công nghiệp cảnh báo rằng kế hoạch này là “con dao hai lưỡi”, đòi hỏi các bệnh viện phải có tiêu chuẩn cao hơn trong chẩn đoán và điều trị, còn các cư dân mạng thì gọi đó là “tin tức giả mạo tốt đẹp nhất”.

5. Hẹn Hò Trên Internet Trúng Ngay Con Dâu Của Mình

Hãng tin Morning News tỉnh Hắc Long Giang đưa tin về một ngày đáng xấu hổ tại thành phố Mục Lăng vào ngày 22. Ông Vương 57 tuổi rất say mê người có nickname “Bông hoa cô đơn” trên Internet. Vào một ngày nọ, khi ông gặp người bạn hẹn hò tại một khách sạn, ông phát hiện ra “Bông hoa cô đơn” lại chính là con dâu của mình.
Nhưng ngay sau đó, Morning News đã rút lại tin này và nói lời xin lỗi vì sau khi có thêm xác minh cẩn thận hơn, tin tức trên là sai. Sở Cảnh sát Mục Lăng cũng xác nhận rằng câu chuyện này được thực hiện bởi phóng viên Vi Oanh Ki, Đài Truyền hình Mục Lăng, nhà đài đành thông báo:”Chúng tôi xin chân thành gửi lời xin lỗi đến quý khán giả”

6. Đứa Trẻ Cứu Giúp Người Phụ Nữ Già Khỏi Cơn Say Nắng

Có nhiều câu chuyện ở Trung Quốc về những người gặp nạn hoặc ngất xỉu ngã trên đường phố nhưng không ai giúp đỡ họ. Nhưng vào ngày 01 tháng Tám, trên trang XKB.com xuất hiện một bài viết về lòng tốt của một đứa trẻ đã giúp đỡ một người phụ nữ dọn dẹp đường phố đang bị kiệt sức vì nóng. Bài báo có tựa đề “Cảm ơn em, một đứa trẻ!”, và đăng hình một cô bé đang che ô cho người phụ nữ nằm trên đường.
Theo bài báo, người phụ nữ bị ngã trên đường Huangcun East, gần trạm xe buýt Dongpu, quận Thiên Hà. Có nhiều người đi ngang qua nhưng không ai dừng lại để giúp đỡ. Sau đó, một cô bé đã đến và che ô trên đầu của người phụ nữ để bảo vệ cô khỏi ánh nắng mặt trời và nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, hãy cứu bà!”. Nhìn thấy lòng tốt của một đứa trẻ, hai người qua đường cuối cùng đã tiến đến và giúp người phụ nữ tỉnh dậy.
Nếu câu chuyện này đã không làm bạn khóc thì những gì sau đó, có thể làm được. Toàn bộ điều này là một trò lừa bịp. Theo tờ Nhân dân Nhật báo online, XKB đã thừa nhận vào ngày hôm sau rằng “bức ảnh tràn ngập tình yêu” này hóa ra là đã được dàn dựng.
Phóng viên nỗ lực đáng kể để tìm ra bà Đường, người phụ nữ dọn dẹp đường phố
“Họ nói với tôi là họ muốn quay quảng cáo ô dù,” bà Đường nói. ”Nếu tôi biết được nó được công bố trên báo chí để đánh lừa mọi người, tôi sẽ không bao giờ đồng ý làm điều đó.”
Bà Đường nói rằng mẹ của cô bé là một trong bốn người yêu cầu cô tham gia vào quảng cáo. Họ phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ để chụp bức ảnh in trên báo. Họ nhờ bà ấy nằm xuống trên mặt đất ba lần để có được những góc chụp hoàn hảo. Cô bé trong bức ảnh được trả 150 NDT. ”Tôi cảm thấy tôi bị lợi dụng”, bà nói.
Khó mà nói được những câu chuyện bị vạch trần này là đúng hay không. Những phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc như CCTV, Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo được biết đến là những bậc thầy trong việc giả mạo tin tức.
Đọc bản tiếng Hoa.


50 năm sau vụ ám sát hai tổng thống Kennedy và Ngô Đình Diệm:

John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ cuối)

(PetroTimes) - Việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ nhằm thay một chính thể bù nhìn dám thách thức Washington mà còn tạo bước chuẩn bị cho cuộc rút quân Mỹ từng phần, một khi chính quyền Sài Gòn mới hình thành và ổn định.
Năng lượng Mới số 279
Kỳ cuối: Tại sao cái chết của Diệm và Kennedy kéo dài cuộc chiến Việt Nam?
Kế hoạch gì bị phá sản?
Việc lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm không chỉ nhằm thay một chính thể bù nhìn dám thách thức Washington mà còn tạo bước chuẩn bị cho cuộc rút quân Mỹ từng phần, một khi chính quyền Sài Gòn mới hình thành và ổn định. Đó là chiến thuật then chốt của Nội các Kennedy trong kế hoạch hạ bệ anh em Diệm - Nhu. Tại hội nghị Honolulu ngày 14/11/1963, Kennedy nói rằng quân đội Mỹ sẽ rút khoảng “vài trăm người trước cuối năm 1963”. Cũng tại Honolulu, Cabot Lodge đề nghị Washington nên lợi dụng giai đoạn chính quyền Sài Gòn ổn định sau vụ đảo chính Tổng thống Diệm để rút bớt quân Mỹ.
Đứng trước 45 viên chức cấp cao Chính phủ Mỹ, Cabot Lodge khẳng định tình hình chính trị Nam Việt Nam “đầy hy vọng”. Tiếp đó, tại Sài Gòn, ngày 15/11/1963, tướng Charles Timmes - Chỉ huy trưởng Nhóm cố vấn và hỗ trợ quân sự Hoa Kỳ (MAAG) - thông báo đợt đầu tiên gồm 1.000 lính Mỹ sẽ được rút khỏi Nam Việt Nam đầu tháng 12/1963. Kế hoạch được tổng hợp thành Bản ghi nhớ hành động an ninh quốc gia 273 (NSAM 273), với nội dung chính rằng Mỹ sẽ chuyển sang chính sách “hỗ trợ Nam Việt Nam và khu vực Mekong về kinh tế, xã hội, giáo dục và thông tin”, chứ không phải quân sự. Tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam còn là lá bài quan trọng trong chiến thuật tái tranh cử của Kennedy. Tuy nhiên, mưu sự bất thành. Ngày 22/11/1963, Kennedy bị ám sát.
Cái chết của hai Tổng thống Kennedy và Diệm đã đẩy nhanh cục diện chiến trường Việt Nam (trong ảnh là Ngoại trưởng Dean Rusk, Tổng thống Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara)
Sự khác biệt trong chính sách Việt Nam giữa John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson bắt đầu thể hiện chỉ hai ngày sau khi Kennedy bị giết, khi tân Tổng thống Johnson thảo luận vấn đề Việt Nam lần đầu tiên với nhóm cố vấn an ninh quốc gia. Việt Nam thật ra chưa là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tân Nội các Johnson nhưng sự có mặt của Cabot Lodge tại Washington đúng thời điểm đó đã dẫn đến việc tổ chức phiên họp bất thường, với báo cáo Cabot Lodge về diễn biến mới nhất tại Nam Việt Nam.
Sau khi các cố vấn ra khỏi phòng, Johnson ngồi lại một mình. Tùy viên tổng thống Bill Moyers vào, thấy Tổng thống gác chân lên thùng rác, nhấm ly Scotch. Lắc đá trong ly, Johnson nói: “Bọn Trung Cộng hẳn nghĩ rằng cái chết Kennedy sẽ khiến chúng ta mất dũng khí…” và “những anh bạn ở Kremlin hẳn cũng đang suy đoán đường đi nước bước sắp tới của chúng ta”. “Vậy ngài sẽ làm gì?” - Moyers hỏi. “Tôi nói với họ (nhóm cố vấn an ninh và Đại sứ Cabot Lodge) rằng, tôi sẽ không để Việt Nam đi theo con đường Trung Cộng. Tôi nói với họ hãy quay lại Việt Nam và thông báo với tướng lĩnh VNCH rằng, Lyndon B. Johnson cam kết giữ lời. Nhưng mà, lạy Chúa, tôi muốn họ đừng húc nhau nữa, hãy lăn vào rừng và tiêu diệt Việt cộng. Và tôi muốn họ để tôi yên vì tôi còn quá nhiều chuyện lớn hơn phải làm” - Johnson trả lời. Sự thay đổi chính sách Việt Nam thể hiện rõ hơn khi Johnson quyết định thay ghế đại sứ VNCH. Đánh giá Cabot Lodge làm việc không hiệu quả và để rò rỉ thông tin Mỹ dính líu vụ lật đổ Tổng thống Diệm, Johnson cũng bác bỏ nhận xét lạc quan của Cabot Lodge về tương lai chính trị Nam Việt Nam. Thay Cabot Lodge bằng tướng Maxwell Taylor (tháng 7/1964), Johnson đã cho thấy rõ chủ trương quân sự hóa chính sách Việt Nam của mình.
Trước khi hất Cabot Lodge khỏi ghế đại sứ Sài Gòn, Nội các Johnson cũng hiệu chỉnh NSAM 273. Do cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy soạn (theo công thức rút quân từng bước của Kennedy), NSAM 273 bản hiệu chỉnh (được Johnson chuẩn y ngày 26/11/1963) mang nội dung tăng cường mức độ quân sự tấn công Bắc Việt trong đó có chiến dịch mật phá rối đối phương. Chiến dịch, mật danh OPLAN 34A, gửi đến Nhà Trắng giữa tháng 12/1963, đã được Johnson chuẩn y không đầy một tháng sau và không hề thông báo Quốc hội (OPLAN 34A tạo ra kịch bản “cuộc khủng hoảng Vịnh Bắc bộ” vào tháng 8/1964).
Sau chuyến thị sát Nam Việt Nam cuối tháng 12/1963, McNamara kết luận rằng, cuộc chiến Việt Nam không thể chiến thắng nếu Mỹ không bứt phá trong leo thang quân sự. Chính quyền Tổng thống Diệm đã cung cấp toàn báo cáo sai sự thật. Kỳ tích Ấp chiến lược thực chất thất bại. Việt cộng không những không bị đè bẹp mà còn tăng mức độ hoạt động sát Sài Gòn. Cuối năm 1963, Hà Nội đưa gần 40.000 cán bộ và bộ đội vào Nam Việt Nam, hầu hết là người miền Nam tập kết ra Bắc. Tình hình khu vực Mekong xuống dốc đến mức ban cố vấn quân sự Mỹ phải bổ sung hơn 300 chuyên gia quân sự - sĩ quan Mỹ hỗ trợ VNCH. Tuy nhiên, McNamara không nhắc đến tinh thần xuống dốc của lính Mỹ. Trước khi tử trận đầu năm 1964, Đại úy không quân Edwin Shank đã viết loạt thư cho vợ. Trong một đoạn trích đăng trên Newsweek, Edwin Shank kể rằng Việt cộng được huấn luyện tốt, có tinh thần chiến đấu cao; rằng “vài đứa trong bọn anh bị ngăn, nếu không, bọn anh đã có thể nện vỡ đầu thằng đần đó (McNamara)”… Tuy nhiên, “thằng đần” tiếp tục yêu cầu thực hiện chiến dịch tình báo nhằm vào Bắc Việt, tất cả được tiến hành “với sức ép tối đa và rủi ro tối thiểu”…
Nếu Kennedy (và Diệm) không bị ám sát…
Nếu không bị ám sát, liệu Kennedy có theo đuổi chính sách rút quân dần khỏi Nam Việt Nam? Theo Robert Kennedy (em của Tổng thống Kennedy), John F. Kennedy sẽ không bao giờ rút khỏi Việt Nam chừng nào Mỹ chưa chiến thắng. Khó có thể biết chính xác Robert Kennedy nói đúng hay không. Với John F. Kennedy, Việt Nam là cuộc chiến quan trọng. Ở tư cách dân biểu, Kennedy từng đến Nam Việt Nam và trở thành bạn thân Edmund Gullion, viên chức cấp cao thuộc Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Kennedy từng ủng hộ đưa ông Diệm lên ghế lãnh đạo Nam Việt Nam và chỉ đánh giá lại cái nhìn tích cực về ông Diệm khi nghe Edmund Gullion nhận xét ông Diệm là dân Công giáo, không đại diện đa số công chúng Việt Nam và ông Diệm cũng không có năng lực trong cuộc đối đầu cộng sản.
Nhận xét Edmund Gullion ảnh hưởng ít nhiều chính sách Việt Nam trong suốt những ngày Kennedy ngồi ghế tổng thống. Khả năng lãnh đạo kém của ông Diệm đã củng cố đánh giá Edmund Gullion nhưng cùng lúc ông Diệm được ủng hộ từ một số nhân vật then chốt trong Nội các Kennedy, những người tin rằng chỉ có thể bảo vệ ông Diệm bằng quân sự mới tránh khỏi nguy cơ cộng sản lấn chiếm Đông Dương. Chính sách Việt Nam không dứt khoát của Kennedy thời điểm đó là sự mạo hiểm nhiều rủi ro, gián tiếp khuyến khích phe diều hâu tin rằng cửa vẫn còn để ngỏ cho giải pháp tăng cường quân sự, ở giai đoạn mà Kennedy còn chủ trương duy trì viện trợ hơn là tăng tốc cỗ máy chiến tranh. Trước khi mọi chuyện xấu nhất xảy ra, Kennedy hy vọng rằng hàng ngàn cố vấn cũng như chuyên gia huấn luyện Mỹ đã đủ thời giờ nâng cấp khả năng chiến đấu cho lực lượng quân đội VNCH để họ có thể tự kiểm soát tình hình và từ đó Mỹ bắt đầu giảm dần sự hiện diện. Vấn đề chính yếu ở chỗ Kennedy dường như không có sẵn kịch bản trong trường hợp quân đội VNCH bất lực và yếu kém. Khi đó, Kennedy chỉ có thể dùng một trong hai chọn lựa: chấp nhận thua cuộc trong trò chơi chính trị Đông Dương hoặc buộc phải tung lính chiến đấu Mỹ vào Việt Nam.
Ở tuổi 43 và trở thành người trẻ nhất đắc cử tổng thống trong lịch sử Mỹ, Kennedy muốn chứng minh mình là người thông minh và tinh tế trong phong cách làm chính trị. Sẵn sàng đóng dấu ấn vào trang sử đương đại, Kennedy - cựu sinh viên chính trị học tốt nghiệp Harvard - chấp nhận tất cả thách thức toàn cầu ở một thế giới chính trị lưỡng cực (tư bản và cộng sản) đầy phức tạp và nguy hiểm. Cùng lúc, từng nếm mùi chiến tranh thời Thế chiến II và gần như luôn nằm lòng lời nhắc nhở của Edmund Gullion, Kennedy cũng nghĩ việc đổ quân bộ vào Việt Nam không là giải pháp tối ưu.
Kennedy tin rằng vấn đề Việt Nam tùy thuộc việc đóng cửa biên giới Lào (cùng biên giới Campuchia và Bắc Việt); lập chính phủ trung lập không cộng sản tại Lào; hỗ trợ cải cách kinh tế - xã hội - chính trị Nam Việt Nam; thiết lập chính sách chống cộng đối với khu vực Đông Nam Á dựa vào hợp tác từ Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO)… Tuy nhiên, với quan điểm diều hâu, McNamara lại cho rằng nắm đấm quân sự mới là giải pháp của tất cả giải pháp. Việc Ngoại trưởng Dean Rusk tập trung chính sách ngoại giao tại Mỹ Latinh và châu Âu đã tạo khoảng trống cho McNamara vùng vẫy và McNamara đã biến đối sách Việt Nam thành một phép tính số học.
Khi một cố vấn Nhà Trắng bày tỏ nghi ngờ khả năng chiến thắng cuộc chiến Việt Nam, McNamara bốp lại: “Dữ liệu của ông đâu? Đưa đây để tôi cho nó vào máy tính. Tôi cần dữ liệu chứ không cần bài thơ của ông”. Và không chỉ McNamara. Hai tuần trước khi Kennedy tổ chức lễ đăng quang, Walt Rostow - Giáo sư kinh tế học Viện Công nghệ Massachusetts, người trở thành một trong những cố vấn có sức ảnh hưởng quan trọng nhất Nội các Kennedy - cảnh báo Dean Rusk rằng Nội các Eisenhower quá chú tâm mối đe dọa vũ khí hạt nhân (từ Liên Xô) mà không có phương thuốc nào dành cho thách thức cực kỳ nguy hiểm trong cuộc chiến du kích cộng sản ngày càng bành trướng tại Đông Dương. Để trừ được “căn bệnh”, Rostow đề xuất một phản ứng đa tầng cấp, từ viện trợ kinh tế, chi viện súng ống đến cả gửi quân tham chiến. Và đó là một phần trong những lý do khiến 17.000 chuyên gia quân sự và lính Mỹ có mặt tại Việt Nam đầu thập niên 60 của thế kỷ trước…
Bi kịch trung tâm Kennedy nằm ở quyết định xuất phát từ những ý kiến cố vấn sai lầm trong việc lật tổng thống Diệm (nhằm tạo điều kiện cho bước đầu tiên rút quân Mỹ). Khi phác họa kế hoạch xóa sổ Tổng thống Diệm, Nội các Kennedy không ngờ rằng vụ đảo chính có thể dẫn đến cái chết của ông Diệm, khiến tình hình Sài Gòn càng hỗn loạn. Không ai biết chính xác Kennedy giải quyết bước tiếp theo cho đối sách Việt Nam như thế nào thời “hậu triều Ngô”, nếu ông còn sống. Chỉ có thể kết luận rằng cái chết bất ngờ của Kennedy, trong chừng mực nào đó, đã khai tử cho một triển vọng, dù mờ nhạt, về việc Mỹ rút quân từng bước khỏi Việt Nam. Di sản Kennedy bốc hơi cực nhanh thời Tổng thống kế nhiệm Johnson, người muốn chiến thắng sớm chừng nào tốt chừng đó, bằng chương trình leo thang toàn diện...
>> John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 2)
>> John F. Kennedy và lá bài Việt Nam (Kỳ 1)
Cao Minh

Ông trùm quyền lực chuyên bảo kê vỉa hè

- Khó có thể kiếm được một chỗ ngồi trên vỉa hè để buôn bán bởi không phải ai cũng có “mối quan hệ” mà phải nhờ vào những tay “trùm” vỉa hè. Ngoài kinh doanh chỗ, trùm còn đứng ra bảo kê để các quán vỉa hè yên tâm làm ăn.

Bảo kê vỉa hè: Chuyện lạ có thật
Trong vai một người muốn tìm chỗ trên vỉa hè tại một con phố chuyên bán bánh mỳ kẹp thịt ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội), anh Quân - một người bán ở đây - cho phóng viên biết, hơn chục điểm bán bánh mỳ trên phố này đều dưới sự quản lý của một ông trùm. “Ai muốn nhập hội đều phải qua ông trùm này mới sống ổn được”.
Anh Quân giải thích, mỗi tháng, họ đều phải nộp cho ông trùm 4 triệu đồng (thường gọi đó là tiền phí bảo kê) để yên tâm buôn bán. Ai không nộp tiền hay mới nhảy vào lãnh địa này mà chưa xin phép đều phải dọn dẹp đồ nghề đi ngay chứ không thể đứng bán được ở đây dù chỉ một ngày.
trùm-vỉa-hè, vỉa hè, kinh-doanh, bảo-kê, buôn-bán, bán-hàng, quan-hệ, Hà-Nội
Chỉ cần nộp phí đầy đủ, mọi người có thể thỏa mái buôn bán trên vỉa hè
Nói xong, anh Quân nhắc: “Muốn làm ăn ở đây anh sẽ giới thiệu em mai qua gặp vì hôm nay ông trùm nghỉ, không bán hàng. Sau khi xin phép và đóng phí, anh đảm bảo sẽ ổn cả. Ở đây, ai cũng phải làm vậy”.
Thừa nhận chuyện này, anh Trần Văn Tùng ở khu vực Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) đang quản lý cả một nhóm bán hàng trên vỉa hè con phố gần nhà, cho hay vỉa hè là nơi buôn bán phi lợi nhuận, nơi hái ra tiền nhưng không phải ai cũng có quan hệ để có thể nộp tiền bảo kê rồi buôn bán vô tư được. Thường thì “ông trùm” là người người buôn bán, sống lâu năm ở khu vực và “có chút quan hệ” mới có thể “bao sân” được.
Chị Chu Thị Hà - một trong số những quán hàng được anh Tùng “chăm sóc”, nói rằng trước chị đi bán hàng vỉa hè ở đường Cầu Giấy suốt ngày bị dẹp, một buổi sáng có khi phải chạy 3-4 lần. Không có thời gian bán, hàng thì ế, lại thâm hụt vào vốn nên chị chán ngán. Giờ thì chị yên tâm bán từ sáng tới tối mà không lo bị đuổi.
trùm-vỉa-hè, vỉa hè, kinh-doanh, bảo-kê, buôn-bán, bán-hàng, quan-hệ, Hà-Nội
Trùm vỉa hè bảo kê cả khu phố cho cả nhóm làm ăn
Phí đắt đỏ, quán vỉa hè kinh doanh theo giờ
Sáng là điểm bán đồ ăn, ban ngày chuyển sang quán nước, ban đêm lại thành nơi bán bánh khoai, nem chua rán... chỉ với một diện tích rất hẹp lấn chiếm trên vỉa hè, các hàng quán cũng phải phân chia kinh doanh, bán hàng theo thời gian để đảm bảo tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một quán nước trên đường Lê Đức Thọ (gần khu vực sân vận động Mỹ Đình) tâm sự, trước một mình chị thuê chỗ vỉa hè hết 3,5 triệu đồng/tháng, phí bảo kê mất 2 triệu nữa nên lời lãi chẳng được là bao. Đầu năm nay, chị cho một người bán đồ ăn sáng, đồ ăn tối thuê chung. Họ bán đồ ăn sáng, chị bán nước ban ngày và một người bán từ tối đến tận đêm khuya. Chi phí chia đều cho cả ba nên tiền phí ít hẳn.
Tương tự, không ít quán vỉa hè khác cũng đang áp dụng cách “gối canh” kinh doanh trên vỉa hè để tiết giảm chi phí. Anh Lê Văn Ba, chủ quán đồ nướng sát ngay bên cạnh chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) kể rằng anh và một người nữa cùng mua và đóng phí hàng tháng để giữ vỉa hè này.
Nhờ vậy, anh đã tiết kệm được một nửa chi phí, lại không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
trùm-vỉa-hè, vỉa hè, kinh-doanh, bảo-kê, buôn-bán, bán-hàng, quan-hệ, Hà-Nội
Nhờ hình thức gối canh, phân chia thời gian kinh doanh mà các chủ quán vỉa hè tiết kiệm được chi phí bảo kê.
Ngoài việc chia nhau kinh doanh theo giờ, nhiều chủ quán vỉa hè còn chọn quán cùng bán để hỗ trợ nhau thu hút khách hơn.
Chị Ngô Thị Phương - chủ hàng bún đậu cạnh trường học trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, trước đây vỉa hè, khuôn viên này chỉ có một vài người bán như chị... Khách ăn xong lại phải đi chỗ khác để uống nước. Vừa rồi, mấy hàng quán bàn nhau, mỗi người thu hẹp diện tích quán của mình một chút rồi cho quán nước vào bán cùng.
“Nhiều khi, chúng tôi vẫn nói vui khi khách hàng ngày càng đông hơn là nhờ chọn bạn cùng bán tốt”, chị Phương vui vẻ.
Cùng cách làm, chị Trâm bán bánh khoai tại khu chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cuối năm ngoái cũng rủ một người bán nước ngồi cùng. Kể từ đó, số bánh chị bán ra mỗi ngày nhiều hơn, chưa kể còn “lãi” thêm một người bạn hàng vui tính.
Bảo Hân

Tướng Pháp nêu quan điểm về Tuyên bố ADIZ của Trung Quốc

VOV.VN - Tuyên bố của Trung Quốc về khu vực ADIZ vẫn là chủ đề gây tranh cãi và căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước liên quan
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Tướng Pháp Daniel Schaeffer – nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp, về vấn đề này.
Khu vực ADIZ theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc (Ảnh AP)
Phóng viênÔng đánh giá như thế nào tuyên bố thành lập khu vực ADIZ của Trung Quốc?
Ông Daniel Schaeffer: Tôi cho rằng đây là vấn đề cực kỳ phức tạp. Cần phân biệt không phận của một quốc gia có phần khác so với các vùng lãnh thổ khác.
Một quốc gia có quyền kiểm soát các máy bay bay vào vùng không phận của mình, nhưng bên ngoài không phận của quốc gia đó, mọi nước khác đều có quyền bay, theo các quy định quốc tế và các quy định về an ninh quốc tế.
Nếu nhìn vào luật biển, chúng ta sẽ thấy không phận trên biển của một quốc gia được thiết lập không chỉ trên các vùng lãnh hải mà còn trên cả vùng biển bên trên phần thềm lục địa kéo dài. Đối với Trung Quốc, vùng không phận trên biển kéo dài tới 24 hải lý tính từ đường bờ biển của nước này. Khi đó, sẽ xảy ra một số vấn đề.
Trước hết, đối với việc phát hiện từ xa, bất cứ nước nào có đủ khả năng và phương tiện thì có thể phát hiện một phương tiện bay sắp đi vào vùng không phận của mình, dù các vùng phủ sóng radar có thể bao trùm lên các vùng phát hiện của nước khác. Điều này không quan trọng và các nước đều có quyền làm như vậy. Và nếu Trung Quốc có một hệ thống phát hiện ở khu vực như vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói.
Điều đáng nói là khu vực Trung Quốc thiết lập vùng phòng vệ hàng không trên biển Hoa Đông không nằm trong giới hạn của vùng không phận. Vậy thì Trung Quốc không có quyền kiểm soát hàng không đối với các báy bay từ Nam lên Bắc và từ Bắc xuống Nam. Nếu đối chiếu những quy định của luật pháp quốc tế về tự do hàng không với những tuyên bố của Trung Quốc và việc xác lập đường giới hạn vùng nhận dạng phòng không mới của nước này, thì vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc là không phù hợp với các công ước quốc tế và Trung Quốc không có quyền kiểm soát đối với các máy bay bay qua khu vực này, bên ngoài không phận của Trung Quốc.
Phóng viên: Phải chăng việc thiết lập khu vực ADIZ là một hành động muốn thể hiện sức mạnh của Trung Quốc?
Ông Daniel Schaeffer: “Đúng là Trung Quốc muốn thông qua việc thiết lập vùng phòng không để thể hiện sức mạnh quân sự đang gia tăng của nước này, nhưng hành động này sẽ chỉ thách thức Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác.
Tuy nhiên, có quản lý được hay không lại là một chuyện khác. Đối với vùng phòng không, trong một khu vực do mình thiết lập và đặt yêu cầu thông báo 24/24 giờ, thì hiển nhiên Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp thực thi, nhất là khi hành động này của Trung Quốc chưa phù hợp với các công ước quốc tế.
Tướng Pháp Daniel Schaeffer
Để thực hiện, Trung Quốc cần có các phương tiện phục vụ cho việc phát hiện hàng không có tầm hoạt động lớn hơn. Các radar mà Trung Quốc hiện có chỉ có tầm phát hiện trong vòng 300 km, trong khi khu vực nhận dạng phòng không này lại rộng lớn hơn nhiều so với khoảng cách này.
Phóng viên: Hành động này của Trung Quốc liệu có nhằm vào quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư?
Ông Daniel Schaeffer: “Rõ ràng việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành động “tiến thêm một bước” nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Thông qua việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này, Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền của mình đối với toàn bộ vùng biển Hoa Đông.
Hành động của Trung Quốc sẽ khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và ngay cả với Hàn Quốc thêm căng thẳng. Quyền lợi của Hàn Quốc cũng bị đụng chạm khi khu vực nhận dạng phòng không của Trung Quốc cũng bao trùm lên đảo Ieodo của nước này.
Ngay cả với một số nước khác trên thế giới cũng vậy, chính phủ Australia cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc ở Canberra để thông báo hành động của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong số các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Đức cũng đã chính thức phát đi tín hiệu phản đối hành động này của Trung Quốc. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối hành động đơn phương này của Trung Quốc”.

** Xin cảm ơn ông./.

Đài Loan sẵn sàng tự vệ đảo Đông Sa


Phóng viên quốc tế đầu tiên được cho tiếp cận đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.
Các hòn đảo nhỏ tại Biển Đông đã và đang trở thành điểm thời sự nóng bỏng.
Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam nằm trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền với các đảo không có người ở, thường là đảo nhỏ về kích cỡ.
Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc lập ra vùng nhận dạng phòng không bao trùm đảo không có người sống hiện có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Humphrey Hawksley là phóng viên quốc tế đầu tiên được cho tiếp cận đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.

Thủ tướng Nhật được lợi từ vùng phòng không Hoa Đông

Xem ra căng thẳng leo thang ở Hoa Đông sau khi Trung Quốc tuyên bố lập Vùng xác định phòng không lại là diễn biến hữu ích cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.


Trung Quốc, Nhật Bản, Senkaku, Hoa Đông, Mỹ, vùng phòng không, chủ quyền
Thủ tướng Nhật Abe. Ảnh: wordpress
Theo giới phân tích, động thái bị coi là gây hấn lấn lướt của Bắc Kinh đang làm tăng sự ủng hộ với ông Abe.
Vùng xác định phòng không mà Bắc Kinh mới tuyên bố bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật và Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo. Các nhà lãnh đạo Nhật gọi động thái mới của Trung Quốc là một nỗ lực nguy hiểm để thay đổi hiện trạng và thề sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Căng thẳng lên tới đỉnh điểm xảy ra đúng lúc ông Abe phải đối mặt với một danh sách dài các vấn đề chính sách phòng vệ nóng bỏng, gồm kế hoạch cải tổ hiến pháp hòa bình, mang lại vai trò lớn hơn cho quân đội, gia tăng chi tiêu quốc phòng...
"Nó tạo cảm giác rằng, Trung Quốc là kẻ gây hấn, vì thế Nhật Bản cần nỗ lực và tập trung cho vấn đề an ninh quốc gia", Narushige Michishita, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Viện nghiên cứu chính sách Tokyo cho biết. "Nó chứng minh rằng, ông Abe đang đi đúng đường".
Động thái của Trung Quốc còn khiến một số nhà lập pháp Nhật thúc đẩy các bước đi cụ thể để gia tăng áp lực với giới lãnh đạo trong việc củng cố tuần tra, giám sát khu vực Hoa Đông, nhanh chóng đối phó với máy bay và tàu thuyền Trung Quốc. Những bước đi ấy cũng là lý do hợp lý để tăng ngân sách quốc phòng Nhật.
Năm nay, lần đầu tiên trong hơn một thập niên, ngân sách này đã tăng sau khi ông Abe lên nắm quyền tháng 12 năm ngoái. Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất tăng 3% chi tiêu bắt đầu từ tháng 4 tới. Quan chức Nhật chỉ ra rằng, con số này khá khiêm tốn so với mức tăng hai con số của Trung Quốc gần đây.
Tăng cường quyền lực
Các chuyên gia an ninh và nhà lập pháp Nhật cũng xem xét tăng cường các cơ sở không quân trên các đảo vòng ngoài Okinawa, thậm chí là chế tạo tàu sân bay đầu tiên của Nhật kể từ Thế chiến II, để rút gọn thời gian phản ứng với những tình huống khẩn cấp quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia an ninh Nhật cho rằng, chính quyền của ông Abe cần thận trọng để không phản ứng thái quá với Vùng xác định phòng không, mà thay vào đó là thực thi những chiến lược ngoại giao thông minh. "Điều quan trọng nhất với Nhật là giữ cộng đồng quốc tế về phía mình", Ken Jimbo, giáo sư an ninh khu vực Đại học Keio nói. "Nếu Nhật đi chệch hướng và có thể tự điều động máy bay ném bom, lập tức quan điểm toàn cầu sẽ thay đổi".
Từ khi nhậm chức, ông Abe đã đưa ra chương trình nghị sự an ninh với các chính sách cả về ngắn lẫn trung hạn.
Tokyo cũng vừa thành lập Hội đồng An ninh quốc gia mới theo mô hình Mỹ, trao nhiều quyền lực hơn cho thủ tướng để điều phối chính sách và thu thập thông tin.
Sau thỏa thuận ký kết tại cuộc họp của các quan chức ngoại giao và quân sự hàng đầu Mỹ - Nhật hồi tháng 10, hai nước đang bàn thảo cách thức mở rộng liên minh an ninh với mục tiêu đưa ra các chỉ dẫn hợp tác quốc phòng mới trong vòng một năm. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong liên minh an ninh, Mỹ đã chỉ trích động thái lập Vùng xác định phòng không của Trung Quốc và điều động hai máy bay ném bom B52 tới vùng tranh chấp.
"Trung Quốc muốn tìm cách chia rẽ Mỹ và Nhật", Akihisa Nagashima, nhà lập pháp đối lập, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nhật nói. "Giờ đây, quan hệ hợp tác an ninh của chúng tôi sẽ chỉ lớn mạnh hơn. Đó là kết quả không may với Trung Quốc". Ở cuộc họp tháng 10, quan chức Nhật đã nói với những người đồng cấp Mỹ về kế hoạch sửa đổi hiến pháp hòa bình tồn tại sáu thập niên qua, để quân đội Nhật có thể ứng cứu và đối phó nhanh nhất trong trường hợp bị tấn công.
Về phần mình, Washington coi đây là diễn biến đáng hoan nghênh nhưng nhiều người Nhật đã phản đối khi cho rằng, điều này sẽ thúc đẩy quá trình quân sự hóa của đất nước họ, cũng như với cả một số láng giềng như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thái An(theo Wall Street Journal)