Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Ngày 5/9/2014 - Quốc hội đã bị tiếm quyền?

  • Ai còn có niềm tin đối với Đảng? (RFA) - Trong những ngày kỷ niệm mùa thu năm 1945 và 69 năm ngày Quốc khánh, mùng 2/9, một lần nữa, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN được truyền thông tập trung ca ngợi. Thế nhưng niềm tin của dân chúng cũng như của chính các đảng viên có thay đổi hay không sau gần 7 thập niên?
  • Quốc hội đã bị tiếm quyền? (BBC) - Quyền lập pháp đã bị vi phạm thô bạo suốt 20 năm qua và Hiến pháp 2013 là nhằm hợp thức hóa vi phạm này?
  • Thủ tướng Úc thăm Ấn Độ để ký thỏa thuận hạt nhân (RFI) - Hôm nay, 04/09/2014, Thủ tướngÚc Tony Abbott tới Mumbai, mở đầu chuyến công du Ấn Độ trong vòng hai ngày, với trọng tâm thúc đẩy quan hệ chiến lược song phương và tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước.
  • Người VN có bị coi thường với qui định nhập cảnh Thái Lan? (RFA) - Kể từ ngày 12/8, người VN nhập cảnh Thái Lan mà không vì mục đích du lịch thì buộc phải xin thị thực (visa) dù chỉ đi có một ngày hoặc hơn 30 ngày. Đây là chỉ thị mới từ Cơ Quan Xuất Nhập Cảnh Thái Lan gởi xuống Tổng Nha Du Lịch Thái. Tin này ngay lập tức bị một vài doanh nghiệp lữ hành trong nước cho là có ý coi thường người Việt.
  • Ấn Độ sắp bán hỏa tiễn chống hạm cho Việt Nam (RFI) - Theo báo chí Ấn Độ, chính phủ củaông Modi đangâm thầm chuẩn bị một kế hoạch xuất khẩu vũ khí do Ấn sản xuất cho các nước bạn. Khởi đầu là việc xuất khẩu tên lửa siêu thanh chống hạm BrahMos cho các nước Đông NamÁ và Nam Mỹ, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Venezuela tỏý muốn mua.
  • Việt Nam lại phản đối tour đi Hoàng Sa (BBC) - Việt Nam lại lên tiếng phản đối việc Trung Quốc mở tuyến du lịch mới ngắn hơn từ Tam Á ra Hoàng Sa mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
  • Du lịch Hoàng Sa: Trung Quốc thực hiện ý đồ bành trướng ở Biển Đông (RFI) - Tàu đánh cá, tàu ngư chính, kiểm ngư, rồi giàn khoan và giờ đây là du lịch bằng thuyền tới quần đảo Hoàng Sa : Trung Quốc dùng mọi phương tiện để thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông. Tân Hoa Xã, ngày 02/09/2014, cho biết, tàu du lịch Trung Quốc"Coconut Princess" đã rời cảng TamÁ (Sanya), cực nam đảo Hải Nam, để tới quần đảo Tây Sa, (tức Hoàng Sa).
  • Phản ứng về vụ Pháp ngưng giao tàu Mistral cho Nga (RFI) - Ngày hôm qua 03/09/2014, Tổng thống Hollande thông báo do tình hình« nghiêm trọng» hiện nay, Pháp hoãn việc giao tàu chiến Mistral cho Nga. Thông cáo của điện Elysée ghi rõ« hành vi của Nga tại miền Đông Ukraina trái ngược lại với những nền tảng an ninh của châuÂu. Washington hoan nghênh thái độ thận trọng của Paris.
  • Mỹ- Hàn lập hai sư đoàn răn đe Bình Nhưỡng (RFI) - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay (04/09/2014) thông báo đang chuẩn bị cùng với Hoa Kỳ thành lập một đơn vị quân sự tiêu diệt vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên. Đơn vị quân sự nói trên sẽ được đặt dưới sự chỉ huy của một viên tướng Mỹ.
  • Nghị sĩ Nhật và Philippines thỏa thuận hợp tác vì an ninh hàng hải (RFI) - Hôm qua, 03/09/2014, một nhóm các nghị sĩ Nhật Bản và Philippines đã đạt thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ, trong bối cảnh cả hai nước đều phải đối mặt với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các đòi hỏi chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Để làm việc này, các dân biểu hai nước có kế hoạch thành lập« Liên đoàn các nghị sĩ vì an ninh hàng hải ở ChâuÁ».
  • Bắc Kinh chuẩn bị đối phó với các thách thức khó lường (RFI) - Về ChâuÁ, báo kinh tế Les Echos có bài nhận định« Giới cầm quyền Trung Quốc chuẩn bị đối mặt với thời tiết xấu». Theo một số ấn tượng bên ngoài, căn cứ trên lời tuyên bố của các lãnh đạo của nền kinh tế thứ hai thế giới, thì mọi chuyện diễn ra tại Trung Quốc dường như ổn. Tuy nhiên, dưới vẻ bề ngoài lạc quan này là tình trạng bê bối nhiều mặt của kinh tế Trung Quốc. Để đối phó với các biến động khó lường trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh chủ trương chống tham nhũng, vuốt ve« giấc mộng Trung Hoa» và dập tắt các đòi hỏi dân chủ, đa đảng, để củng cố quyền lực.
  • ẤN ĐỘ: Ấn Độ trước mối hiểm họa Al Qaeda (RFI) - Trong một cuộn băng video được công bố ngày hôm qua 03/09/2014, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố Al Qaeda Ayman al Zawahiri thông báo mở chi nhánh hoạt động ở Miến Điện, Bangladesh và một số nơi tại Ấn Độ.
  • Anh- Mỹ lên án hành động của Nga ở Ukraine (RFA) - Trong bài quan điểm đăng trên tờ The Times số phát hành sáng nay tại London, Tổng Thống Hoa Kỳ và Thủ Tướng Anh David Cameron nói rằng những hành động mà chính phủ Nga đã và đang làm đã gây ảnh hưởng xấu cho nền an ninh của Uraine, Châu Âu cũng như toàn thế giới.
  • Ukraina, trọng tâm của thượng đỉnh NATO (RFI) - 28 nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng chính phủ tham dự thượng đỉnh khối NATO, tổ chức tại Newport, Anh Quốc. Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức vàÝ tiếp riêng Tổng thống Ukraina trước khi khai mạc hội nghị. Ukraina và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria là hai hồ sơ lớn của thượng đỉnh này.
  • Bế tắc đối thoại về Ukraina (RFI) - Ukraina là trọng tâm của thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Newport. Tổng thống Porochenko vào trưa nay tiếp kiến tổng thống Hoa Kỳ, Obama, tổng thống Pháp, Hollande và thủ tướng các nước Anh, Đức vàÝ bên lề hội nghị. Quốc tế gia tăngáp lực đòi Matxcơva chấm dứt can thiệp vào miền Đông Ukraina.
  • Trung Quốc chế tạo (RFI) - Tại Trung Quốc, nơi những vụ xì-căng-đan thực phẩm là không thể đếm xuể, từ dầu thải thu thập ở ống cống cho đến thịt chồn giả thịt bò, tập đoàn internet Bách Độ (Baidu) đã chế tạo ra những đôi« đũa thông minh», được cho là có khả năng phát hiện những thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe. Một phát ngôn viên tập đoàn này hôm nay 04/09/2014 cho AFP biết như trên.
  • Lính gác cung điện Anh 'làm trò' (BBC) - Một lính gác cung điện Buckingham của hoàng gia Anh bị điều tra sau khi xuất hiện trên đoạn video với các điệu bộ kỳ quặc.
  • Cứu bé gái kẹt trong máy giặt (BBC) - Một bé gái vì tò mò chui vào thùng máy giặt và bị mắc kẹt trong đó đã được các nhân viên cứu hỏa cứu thoát ở tỉnh Chiết Giang, TQ
  • Singapore và Trung Quốc tập trận chung ở Biển Đông (RFI) - Cuộc tập trận chung đã diễn ra hôm qua, ngày 03/09/2014. Hải quân Trung Quốc và Singapore huy động trực thăng, tuần duyên hạm. Theo bộ Quốc phòng Singapore cuộc tập trận trên biển song phương vừa qua nhằm thắt chặt quan hệ giữa hải quân hai nước. Cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông với nhiều nước Đông NamÁ.
  • WHO: cứ 40 giây lại có một người tự tử (RFA) - Tổ chức Y tế thế giới WHO báo cáo cứ 40 giây lại có một người tự tử. Trong vòng một thập kỷ qua, có tới 800 nghìn người tự kết liễu mạng sống của mình.
  • Hà Lan sắp công bố báo cáo ban đầu về vụ máy bay MH-17 (RFA) - Các nhà điều tra Hà Lan sẽ đưa ra bản báo cáo ban đầu về vụ máy bay Malaysia Airlines số hiệu MH-17 bị bắn rơi vào tuần tới. Bản báo cáo sẽ được đăng trên trang web của Cơ quan An toàn Hà Lan hôm thứ ba ngày 9/9 tuy nhiên sẽ không có họp báo.
  • CT Tập Cận Bình huỷ công du Pakistan do lo ngại an ninh (RFA) - Kênh truyền hình Geo News của Pakistan hôm qua đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa huỷ chuyến công du tới Pakistan do lo ngại về an ninh. Đáng lẽ, chuyến thăm này sẽ diễn ra vào giữa tháng 9.
  • Thời sự qua hình ảnh (RFA) - Cư dân Pakistan lội qua nước lũ trên đường phố sau những trân mưa lớn ở Lahore vào ngày 4, năm 2014 Hơn 30 người đã thiệt mạng do hậu quả của trận mưa lũ lớn ở Pakistan
  • Al-Qaeda tăng cường hoạt động ở châu Á (RFA) - Trong cuốn video mới phổ biến trên mạng, thủ lãnh Ayman al-Zawahiri của Al-Queda loan báo sẽ mở rộng hoạt động ở Miến Điện, Bangladesh và Ấn Độ, kêu gọi người Hồi Giáo tại các nước này tham gia cuộc thánh chiến chống lại Hoa Kỳ, T
  • 8 nhà báo Trung Quốc bị bắt giữ (RFA) - Tám nhà báo làm việc cho trang tin tài chính nổi tiếng mang tên Thế Kỷ 21 ở Trung Quốc vừa bị bắt giữ về tội sử dụng ngòi bút để tống tiền các công ty.
  • Sinh viên Hồng Kông bãi khóa (RFA) - Sáng nay, sinh viên Hồng Kong cho biết sẽ bãi khóa từ ngày 22 đến ngày 29 tháng này, để cùng các tổ chức bảo vệ dân quyền và nhân quyền bày tỏ quan điểm, đòi Bắc Kinh phải cho người dân đặc khu được quyền tự do ứng cử và bàu cử.
  • Nam Phi vẫn không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma nhập cảnh (RFA) - Đức Đạt Lai Lạt Ma nộp đơn xin chiếu khán vào Nam Phi để dự thượng đỉnh quy tụ một số khôi nguyên Nobel Hòa Bình do 2 khôi nguyên người Nam Phi là Đức Giám Mục Tutu và Cựu Tổng Thống FW De Klerk tổ chức. Đây là lần thứ 3 chính phủ Nam Phi từ chối cấp chiếu khán cho Ngài.
  • Nhìn lại cuộc đấu tranh (VOA) - Rõ ràng xã hội dân sự Việt Nam đang phát triển, mặc dầu bị chính quyền ra sức cản phá
  • Bắc Kinh phẫn nộ vì Philippinnes quyết xử ngư dân Trung Quốc (BaoMoi) - BizLIVE - Chín ngư dân Trung Quốc sẽ ra tòa trong tuần này tại Philippines vì bị cáo buộc đánh cá trái phép tại vùng biển Philippines và bắt loại rùa biển được bảo vệ. Vụ bắt giữ này đã làm chính phủ Bắc Kinh phẫn nộ vì cho rằng những ngư dân này đánh bắt trong lãnh hải Trung Quốc, theo VOA.
  • Phiến quân IS đe dọa tấn công Nga sau khi tuyên chiến với Mỹ (BaoMoi) - ANTĐ - Bản tin hôm nay gồm những nội dung chính sau: Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên học sinh tiểu học; Cảnh báo tình trạng giả danh công an đi lừa đảo; Phiến quân IS đe dọa tấn công Nga; Trung Quốc đưa giàn khoan ra biển Hoa Đông…
  • Yêu cầu TQ chấm dứt ngay khai thác du lịch ở Hoàng Sa (BaoMoi) - Trước việc Trung Quốc khai trương tuyến du lịch biển đến quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này”.
  • Trung Quốc đưa giàn khoan Khải Hoàn 1 đến biển Hoa Đông (BaoMoi) - Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" của Hong Kong ngày 3/9, Bắc Kinh đã đưa một giàn khoan mới đến thăm dò tại biển Hoa Đông, khu vực bao gồm cả vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Trang web của chính phủ Trung Quốc cũng đưa tin “Giàn khoan Khải Hoàn 1 đi vào hoạt động tại biển Hoa Đông”.
  • Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mở tuyến du lịch ở Hoàng Sa (BaoMoi) - “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố.
  • Trung Quốc chưa thể tấn công tổng lực chiếm Đài Loan (BaoMoi) - Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 1/9 tuyên bố Trung Quốc có thể chiếm một số hòn đảo do Đài Bắc kiểm soát nằm gần đại lục và các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông nhưng chưa thể tấn công tổng lực Đài Loan.
  • Công ty Yến Sào Khánh Hòa tặng 300 triệu đồng cho lực lượng bảo vệ biển Đông (BaoMoi) - Ngày 3.9, ông Đinh Viết Thuận, Giám đốc chi nhánh khu vực phía nam Công ty TNHH nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), đến Báo Thanh Niên trao tặng 300 triệu đồng cho chương trình Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông của Báo Thanh Niên, nhằm hỗ trợ lực lượng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

Quốc hội đã bị tiếm quyền?

Quốc hội quy định trong Hiến pháp 1992 rằng mình là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp
Hiến pháp 2013 có hai điểm thụt lùi cho thấy trong một thời gian dài Quốc hội đã yếu kém để cho Chính phủ lấn quyền. Và nay người ta sửa đổi hiến pháp cho phù hợp với thực tế, một cách để hợp thức việc làm sai trước đó.
Ai được quyền lập pháp?
Hiến pháp 2013 sửa bỏ đi nội dung Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, thay vào đó viết rằng Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp.

Lý giải đưa ra là việc lập hiến có cả sự tham gia của người dân cho nên nói chỉ duy nhất Quốc hội thực hiện quyền lập hiến là không đúng do vậy bỏ đi từ duy nhất.

Nhưng đó là bao biện nhằm che dấu đi thực tế rằng cái quy định quốc hội là cơ quan duy nhất được quyền lập pháp kia đã bị xâm phạm một cách thô bạo suốt 20 năm qua.

Thật khó hiểu là quốc hội đã tự mâu thuẫn trong một vấn đề lớn, lớn nhất xét ở góc độ vai trò chức năng của quốc hội bởi đó là vấn đề lập pháp.

Một mặt Quốc hội quy định trong Hiến pháp 1992 rằng mình là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.

Mặt khác, cũng chính Quốc hội ban hành ra Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật quy định một loạt chủ thể được quyền quy định luật.
    "20 năm qua có không biết bao nhiêu nghị định thông tư ra đời và ngần đó lần đã có sự vi hiến."
Từ đó dẫn đến cơ quan hành pháp cũng thực hiện quyền lập pháp, 20 năm qua có không biết bao nhiêu nghị định thông tư ra đời và ngần đó lần đã có sự vi hiến.

Nay để phù hợp với thực tế hiến pháp đã bỏ đi nội dung Quốc hội là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lập pháp.

Không chỉ vậy Hiến pháp còn bổ sung quy định tại Điều 100 rằng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình.

Tức là hiến định quyền ban hành văn bản pháp luật của Chính phủ.

Cũng tức là bẻ quẹo đi cả những nguyên lý cứng nhất về tổ chức bộ máy nhà nước.
Nước ngoài quy định thế nào?

Để rõ hơn vấn đề này có thể đối chiếu với quy định của hiến pháp hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiến pháp Hàn Quốc quy định rằng quyền lập pháp được trao cho Quốc hội giống như Hiến pháp Việt Nam 2013. Song Hiến pháp Nhật Bản xác quyết rõ hơn khi viết rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, giống như Hiến pháp Việt Nam 1992.

Hiến pháp hai nước đều cho phép chính phủ được ban hành văn bản để thi hành luật, tên gọi có thể là sắc lệnh hay nghị định. Nhưng các văn bản này có giá trị pháp lý yếu hơn luật và đều có thể bị phán quyết chế tài bởi một cơ quan tòa án về tính hợp hiến và hợp pháp.
"Đúng ra Hiến pháp cần giữ nguyên quy định quyền lập pháp chỉ duy nhất thuộc về quốc hội, chấm dứt tình trạng cơ quan hành pháp được quyền lập pháp. Nhưng rồi Hiến pháp lại chỉnh theo hướng cho phép cơ quan hành pháp được ban hành văn bản pháp luật để hợp thức những việc làm vi hiến trước đây
Trong khi đó ở Việt Nam, nghị định và thông tư được xếp cùng chủng loại là văn bản quy phạm pháp luật giống như Hiến pháp và luật, cùng có hiệu lực bắt buộc thi hành và không được khiếu nại hay khởi kiện.

Ở Việt Nam chưa có tòa án hiến pháp đã đành, nhưng tòa án hành chính hiện cũng không có thẩm quyền xử lý những nghị định thông tư có nội dung trái luật.

Như thế là khác nhau về bản chất giữa các văn bản do cơ quan hành pháp Hàn Quốc và Nhật Bản ban hành so với Việt Nam.

Thực chất thì văn bản của cơ quan hành pháp Việt Nam có tính chất pháp lý đúng như luật không có gì khác.

Thực tế có những văn bản của chính phủ có nội dung trái luật nhưng người dân và doanh nghiệp không được khiếu nại hay khởi kiện bồi thường.

Đứng trước vấn đề như thế, đúng ra Hiến pháp cần giữ nguyên quy định quyền lập pháp chỉ duy nhất thuộc về quốc hội, chấm dứt tình trạng cơ quan hành pháp được quyền lập pháp.

Nhưng rồi Hiến pháp lại chỉnh theo hướng cho phép cơ quan hành pháp được ban hành văn bản pháp luật để hợp thức những việc làm vi hiến trước đây.

Điều đó cho thấy Quốc hội đã lệch lạc về vai trò chức năng, đã thối lui và chối bỏ trách nhiệm trên trận tuyến của mình.
Ai được quyết định ngân sách?

Vấn đề chi tiêu ngân sách Hiến pháp Hàn Quốc quy định rằng Quốc hội nắm quyền quyết định về ngân sách quốc gia. Hàng năm cơ quan hành pháp soạn thảo dự luật ngân sách quốc gia bao gồm các khoản chi tiêu, đệ trình lên Quốc hội trong thời hạn 90 ngày trước ngày bắt đầu năm tài chính mới. Quốc hội có trách nhiệm phê chuẩn dự luật ngân sách trong thời hạn 30 ngày trước ngày bắt đầu năm tài chính mới.
    "Hiến pháp Nhật Bản cũng quy định Chính phủ lập dự toán ngân sách trình quốc hội quyết định, và không thể rõ ràng hơn hiến pháp nước này đã quy định: không một khoản tiền nào được chi cho dù Chính phủ có yêu cầu trừ khi được Quốc hội cho phép."
Hiến pháp Nhật Bản cũng quy định Chính phủ lập dự toán ngân sách trình quốc hội quyết định, và không thể rõ ràng hơn hiến pháp nước này đã quy định: không một khoản tiền nào được chi cho dù Chính phủ có yêu cầu trừ khi được Quốc hội cho phép.

Cũng cần hiểu rằng sự cho phép ở đây có thể trước hoặc sau khi đã chi. Thực tế trong hoạt động của chính phủ thì ngoài các khoản chi cố định hàng năm đã lập dự toán như chi như trả lương cho bộ máy, viện trợ nước ngoài… thì vẫn có những việc đột xuất cần chi tiêu mà trước đó không có trong dự định.

Trong trường hợp đó hiến pháp Nhật Bản và Hàn Quốc đều quy định về một quỹ dự trữ để chi tiêu cho những trường hợp đột xuất. Chính phủ được tự quyết việc chi tiêu và tính đúng đắn hợp lý của nó sẽ được quốc hội xem xét đánh giá ở lần họp gần nhất.

Từng khoản chi tiêu sẽ phải báo cáo giải trình, nếu việc chi tiêu không hợp lý thì chính phủ sẽ bị mất tín nhiệm, bị điều tra hoặc bỏ phiếu bất tín nhiệm buộc phải từ chức.

Đó là những biện pháp để đảm bảo rằng việc chi tiêu của chính phủ có giới hạn và không ngoài những mục đích chính đáng.
Ở Việt Nam thì sao?

Hiến pháp Việt Nam xưa nay cũng quy định Chính phủ lập dự toán ngân sách quốc gia trình Quốc hội quyết định, và các khoản chi ngoài dự toán cũng đều phải giải trình báo cáo.
    "Khi Chính phủ được quyết việc chi tiêu và việc nào cũng có thể đưa ra được lý do bao biện cho nên chính phủ trở thành nơi phân phát bổng lộc ngân sách quốc gia khiến cho khắp các tổ chức doanh nghiệp hội đoàn bu bám vào đó."
Nhưng do thành phần đại biểu Quốc hội gồm nhiều người bên hành pháp kiêm nhiệm cho nên tuy nói Quốc hội quyết định nhưng ảnh hưởng của Chính phủ là quá lớn.

Liên tục nhiều năm Chính phủ chi vượt quá dự toán ngân sách, vượt quá cả con số vượt quá đã lường tính. Ví như bội chi ngân sách năm 2013 là 5,3% GDP tính ra khoảng gần 200.000 tỷ đồng vượt quá con số bội chi đã dự định chỉ là 4,8% GDP.

Đại biểu Quốc hội đã không mạnh mẽ trong yêu cầu giải trình và đánh giá tính hợp lý chính đáng của các khoản chi, không đeo bám giám sát để thấy được kết quả cuối cùng của việc chi tiêu ngân sách.

Vai trò giám sát yếu ớt dẫn đến tình trạng thất thoát tham nhũng lãng phí.

Và khi Chính phủ được quyết việc chi tiêu và việc nào cũng có thể đưa ra được lý do bao biện cho nên chính phủ trở thành nơi phân phát bổng lộc ngân sách quốc gia khiến cho khắp các tổ chức doanh nghiệp hội đoàn bu bám vào đó.
Chính sách tài chính tiền tệ?

Xét kỹ thì thấy Hiến pháp Việt Nam có một vấn đề đặc thù mà không thấy hiến pháp Hàn Quốc hay Nhật Bản nói đến, đó là ‘chính sách tài chính tiền tệ quốc gia’.

Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội nắm quyền quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia còn Chính phủ giữ vai trò thực hiện. Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ cũng đều quy định như thế.

Nhưng Hiến pháp 2013 đã biến tấu khi viết rằng Quốc hội quyết định chính sách “cơ bản” về tài chính tiền tệ quốc gia, thêm vào hai từ “cơ bản” và không thấy nói gì đến ai được quyết định cái “không cơ bản” còn lại.

Cơ quan nào đã có ý gì khi đưa vào từ “cơ bản” này?
Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội nắm quyền quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhưng Ngân hàng Nhà nước trên thực tế là cơ quan ra các quyết định này
Để biết được thì hãy hỏi bao nhiêu năm qua Quốc hội có nắm quyền quyết định về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia không? Các vấn đề như điều chỉnh lãi xuất tiền gửi ngân hàng, phát hành trái phiếu chính phủ có phải là chính sách tài chính tiền tệ quốc gia không, lâu nay ai quyết định?

Khoản tài chính 30 nghìn tỷ cứu trợ thị trường bất động sản có phải là chính sách tài chính tiền tệ quốc gia không và ai quyết định?

Việc cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng SJC hay cấm nhập khẩu vàng miếng có phải là quyết định về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia không?

Nếu có thì Ngân hàng Nhà nước đã tự ý quyết định chính sách này thay vì Quốc hội.

Có lẽ đã mơ hồ nhận ra vấn đề bị tiếm quyền cho nên Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, đoàn thành phố Hà Nội đã đặt câu hỏi liệu Ngân hàng Nhà nước có vi phạm Hiến pháp và pháp luật?

Hay việc Chính phủ bảo lãnh khoản vay 750 triệu USD cho tập đoàn Vinashin có phải là một quyết định về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia không?

Nếu câu trả lời là có thì rõ ràng lâu nay Quốc hội đã buông lơi thẩm quyền mà Hiến pháp đã trao cho và Chính phủ đã vượt quá thẩm quyền theo Hiến pháp và pháp luật.

Vấn đề của thị trường?

Hiến pháp Nhật Bản, Hàn Quốc không có nội dung về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải chăng bên đó họ cho rằng nó thuộc thẩm quyền của thị trường?

Nhưng ở Việt Nam yếu tố thị trường còn chưa được tôn trọng và Chính phủ lại có cái quyền quản lý điều hành nền kinh tế cho nên nhiều vấn đề thay vì thuộc quyền của thị trường thì nó lại bị Chính phủ điều chỉnh.

Ngân hàng Nhà nước thay vì là một thiết chế độc lập vận hành theo nguyên lý trường, sử dụng các thông số dữ liệu của thị trường mà sự thành công của nền kinh tế là thước đo hiệu quả cuối cùng, thì nó lại là công cụ trong thay Chính phủ để tác động vào nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại lại chịu sự chi phối về chính sách của Ngân hàng Nhà nước cho nên giới ngân hàng nói chung chịu sự chi phối theo đường lối của Chính phủ.

Không chỉ thế, ở Việt Nam còn có một công cụ kinh tế tài chính rất mạnh là các doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ nắm quyền, các kế hoạch sản xuất kinh doanh hay việc bổ nhiệm nhân sự đều do Chính phủ quyết định.

Từ đó dẫn đến Chính phủ trở thành một trung tâm quyền lực kinh tế lớn mạnh mà đến Đảng hiện nay cũng không kiểm soát nổi.

Nhưng trong đà hoạt động không bị kiểm soát và như trên đã phân tích, một số chính sách của Chính phủ xem ra đã vượt quá thẩm quyền được quy định theo Hiến pháp và pháp luật về chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tức là có dấu hiệu của việc cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một luật sư từ Hà Nội.
(BBC)

Sức khỏe ông Bá Thanh tiến triển tốt

Nguồn tin của Tuổi Trẻ xác nhận như trên trong cuộc trao đổi qua điện thoại vào chiều 4/9. 

Sau khi một số cơ quan báo chí đưa tin về việc đi Mỹ chữa bệnh của ông Nguyễn Bá Thanh (Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương), đã có nhiều bạn đọc quan tâm thăm hỏi về tình hình sức khoẻ của ông Nguyễn Bá Thanh.
Ban Nội chính, Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đến chiều 4/9, nguồn tin của Tuổi Trẻ khẳng định tình hình sức khoẻ của ông Nguyễn Bá Thanh tiến triển tốt, hiện ông đang ở Mỹ, vẫn liên hệ về Hà Nội để trao đổi công việc và sẽ trở lại nhiệm sở trong những ngày tới.
Theo Tuổi trẻ
(VNN)

Ước gì con tôi không phải đi du học

Nguyễn Anh Thi
                 Nguyễn Anh Thi
 
Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất tiễn con đi Mỹ du học vào năm ngoái mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Sân bay đông nghẹt. Nhìn những em bé chỉ 15, 16 tuổi như con tôi một mình đẩy hành lý vào làm thủ tục ở sân bay mà rớt nước mắt.

Chuyến bay kéo dài 24 giờ đồng hồ, bao gồm cả transit ở Nhật Bản. Gia đình tôi chỉ còn biết cầu trời khấn Phật để mong bình an. Và tôi cũng như biết bao gia đình phải chờ đợi một năm học thì con mới về nghỉ hè. Không có gì có thể tả hết nỗi khổ của những người làm cha mẹ xa con. Cũng không có gì có thể nói hết về sự gian nan vất vả khi cha mẹ lao động cực nhọc kiếm tiền học phí cho con đi du học. Bởi cho một đứa con đi học xa nhà cần cả một tinh thần thép và một khả năng tài chính đủ mạnh. Cũng như chính đứa bé đó muốn thành công cũng phải vượt qua những thách thức không dễ dàng ở nơi chúng chưa bao giờ biết đến, trong môi trường học tập và cạnh tranh quốc tế.

Nhưng vì sao gia đình tôi và biết bao gia đình khác đã lựa chọn con đường này? Có lẽ vì chúng tôi muốn thoát ra khỏi nỗi lo lắng và buồn bực đã nặng trĩu trong lòng nhiều năm qua.

Nếu ta cùng ra đường buổi sáng, buổi trưa và chiều ở TP HCM, có thể thấy cảnh từng gia đình đang gồng gánh chở con đi học. Con tôi cũng đã từng như vậy. Những đứa bé kể từ lớp 1 đã phải dậy rất sớm, độ 5h30-6h. Sau đó, chúng phải ăn vội vàng một gói xôi hay một gói bánh mì sau lưng cha mẹ. Người cha hay người mẹ vừa luồn lách giữa đám đông nghẹt khói bụi, vừa thúc con ăn cho mau. Con đến trường tất bật và sau đó bắt đầu một ngày học ba ca. Cả sáng, chiều và tối, từ học chính khóa đến học thêm nếm. Giờ làm việc của một đứa bé thành ra từ 6h sáng đến 10h đêm. Không biết đến thể dục, thể thao, không có hoạt động xã hội nào ngoài học và học. Và các bữa ăn của các cháu hầu như là ở ngoài đường hay ở trường học mà hầu hết có thể thấy là thiếu cân bằng dinh dưỡng. Tất cả như một guồng quay rất đều và rất tệ. Nếu không ở trong guồng này, các cháu sẽ văng ra ngoài và không thể theo kịp cách dạy, cách học của trường lớp ngày nay. Không chỉ các cháu mà chính tôi cũng sợ hãi guồng quay này. Và hàng chục năm qua, ngày nào tôi cũng tự hỏi khi nào thì nó kết thúc? Nó chỉ có thể kết thúc khi tôi đủ khả năng cho con đi du học và con tôi có học bổng.

Nào ta hãy cùng đọc báo mỗi sáng. Hầu như tháng nào, thậm chí chỉ cách nhau vài ngày lại thấy một sáng kiến, một thay đổi không lớn thì cũng cỡ vừa ảnh hưởng đến mọi cấp học từ Bộ Giáo dục hay Sở Giáo dục địa phương. Kế đó, nhà trường và thày cô lại triệu hồi cha mẹ tới để phổ biến về những thay đổi. Còn cha mẹ và con cái thì nỗ lực xoay như chong chóng quanh những thay đổi đó. Mỗi thay đổi đều kèm theo tiền bạc, thời gian và công sức. Đến nỗi khi mỗi đứa con tôi qua từng cấp học, chúng tôi chỉ còn biết cầu mong làm sao để giữa lúc nước sôi lửa bỏng để cạnh tranh vào học một trường tốt hơn thì không xảy ra thay đổi gì khiến cả con lẫn cha mẹ đều trở tay không kịp. Bởi những thay đổi này làm gì có kế hoạch, có tiến trình gì cụ thể, dường như hứng lên là có một sáng kiến mới. Những chuyện vô lý này chỉ không còn là nỗi lo sợ với gia đình tôi khi con tôi đi du học mà thôi.

Cùng sống và trò chuyện với con thường xuyên, tôi có thể cảm thấy một nỗi buồn khi thấy dường như đánh mất sự trong trẻo của trẻ con bởi những gì chúng đang phải tiếp xúc hằng ngày. Vào ngày lễ, nếu tôi chưa kịp mua quà bánh mang tới biếu cô giáo, cháu rất lo lắng. Cháu nói ở trường các bạn đều mang quà cho cô mà sao mẹ chưa mua. Nếu bị điểm xấu đầu năm, cháu cũng tâm sự rằng các bạn nói thày cô đang “đánh điểm xuống”. Chỉ cần đánh xuống vài điểm nữa là hết tháng 9 hay cùng lắm tháng 10, cả lớp sẽ phải đi học thêm. Nếu không thì không tài nào có điểm tốt. Con tôi cũng nói ở lớp có cha mẹ một số bạn là Mạnh Thường Quân, vì vậy nên cô cũng có những ưu tiên nhất định cho các bạn hơn là những đứa bình thường…Và mỗi kỳ họp phụ huynh chỉ còn là dịp để đóng tiền hội phí ngất ngưởng. Hóa ra những chuyện tiêu cực ở trường học đã biến những đứa bé thành lọc lõi và tìm ra cách đề phòng để sống sót. Và điều này chỉ thực sự chấm dứt khi con tôi đi du học mà thôi.

Vậy rút cuộc, chúng tôi phải cho con đi du học để làm gì? Chỉ để con cái chúng tôi thực sự được là một đứa trẻ con và học hành trong môi trường công bằng và cởi mở, được sinh hoạt xã hội và phát huy năng khiếu thực sự, trong sự ổn định của chiến lược giáo dục cũng như sự chăm sóc tử tế của thày cô giáo. Đó là nền tảng quan trọng nhất cho những đứa bé trở thành người hữu ích mai này.

Trong suốt một năm con tôi ở Mỹ, lần đầu tiên tôi cảm thấy cháu là trẻ con. Ngày nào cháu cũng có một giờ tập thể thao và một giờ học nghệ thuật. Ngoài giờ học, trường có rất nhiều câu lạc bộ thú vị cho các cháu tham gia vui chơi, từ diễn kịch, ca hát, tham gia mọi môn thể thao, làm robot cho đến ẩm thực… Cháu được dạy rất nhiều kỹ năng sống, từ tập luyện để trong mọi thời tiết để nâng cao sức khỏe, sơ cấp cứu, dạy chi tiêu và quản lý tài chính cá nhân đến kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm… Suốt một năm, dưới sự quản lý của trường, cháu đi ngủ đúng giờ và không hề chơi game hay vào các website không phù hợp. Thay vì học 13-14 môn học, các cháu chỉ học 4-5 môn trong một năm và học rất chuyên sâu. Vì học nội trú, các thày cô chăm sóc ở bên con tôi từ 6h sáng đến 11h đêm. Còn các thày cô dạy chuyên môn thì sẵn sàng chào đón cháu ở văn phòng riêng khi cần và tận tâm chỉ dạy cháu học hành đến nơi đến chốn. Cháu luôn nói với gia đình là mọi người xung quanh rất tốt và thân thiện, con cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Và hết năm, cháu đạt kết quả dẫn đầu khối lớp của mình ở trường.

Nếu giáo dục nước nhà ổn định và phát triển thì không gì bằng là con học gần nhà, vừa đỡ tốn kém tiền của gia đình, xã hội mà ít rủi ro. Mỗi gia đình cho con đi du học đều đứng giữa lằn ranh mong manh của hy vọng vào hiệu quả sau du học và những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng cuối cùng, họ đành ra quyết định cho con đi như một việc chẳng đặng đừng. Và những quyết định như vậy vẫn còn tiếp diễn, một khi việc dạy và học ở trong nước chưa thoát khỏi mớ bòng bong.

Là một người mẹ, tôi ước gì con tôi không phải đi du học.
 Nguyễn Anh Thi
  (Vnexpress).

Lên giường với “ân nhân” để chạy trường cho con

(Pháp luật dạo này cũng câu view nhể.....)

Lên giường với “ân nhân” để chạy trường cho con
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

(PLO) - Hôm thi môn đầu tiên, ông lái xe nhà đến đón hai mẹ con tại nhà nghỉ ông thuê cho chị. Con vào phòng thi rồi, ông đưa mẹ về nhà nghỉ và tại đây ông đòi yêu chị. Ở một hoàn cảnh khó chối từ, chỉ có hai người ở chỗ “lạ nước, lạ cái” nên dù không muốn chị cũng đành nhắm mắt chấp nhận, thôi thì vì con, mẹ hy sinh tiết hạnh của mình.
 

Chị là giáo viên, anh công chức, sống với nhau hòa thuận trong gia cảnh ấm êm. Hầu như mọi chuyện trong nhà họ đều dễ dàng thống nhất với nhau, chị thường là người “cầm trịch”, còn anh thường đồng tình với quyết định của vợ...

Mới đây, giữa họ xảy ra một chuyện bất đồng hiếm hoi. Đứa con gái đầu chuẩn bị tốt nghiệp trung học, anh muốn nó thi vào sư phạm nhưng chị quyết định nó phải vào một trường công an, trung cấp cũng được, nhưng phải ngành công an.

Theo anh, con bé học khá, thi sư phạm chắc chắn đỗ, nghề giáo viên phù hợp với con gái, hơn nữa, nối tiếp nghề của mẹ thì tốt chứ sao, nhà này chưa có ai làm công an bao giờ, đặc biệt lại là con gái, mà là con gái thi vào trường công an thì điểm phải cao hơn nam rất nhiều, khả năng đỗ là rất ít.

Chị giữ quan điểm không đỗ đại học thì trung cấp, vào được trường công an là yên tâm, không phải nuôi ăn học, môi trường rèn luyện rất tốt, đặc biệt khi ra trường là có công ăn việc làm ngay, với điều kiện kinh tế như nhà anh chị, liệu có đủ tiền để “chạy” vào một suất biên chế giáo viên không?

“Buồn ngủ gặp chiếu manh”, một lần dự bữa cơm tại gia đình cô bạn giáo viên cùng trường, chị gặp một vị khách của chủ nhà từ Hà Nội lên chơi. Ông này nguyên sĩ quan công an đã nghỉ hưu, có nhiều mối quan hệ trong ngành, từng giúp con của cô bạn vào ngành công an, bữa cơm hôm đó là để đón vị ân nhân này.

Chị trình bày với ông nguyện vọng của mình và nhờ ông giúp đỡ, ông vui vẻ nhận lời, hướng dẫn cho chị cách để đạt được mục đích từ khâu sơ tuyển tại trường đến việc xin thi vào trường nào cho thuận lợi, lúc ôn thi sẽ ôn ở đâu để khả năng trúng “tủ” cao, nếu không đạt điểm vào đại học thì phương án trung cấp tính ra sao… Chị như mở cờ trong bụng.

Khâu sơ tuyển thành công, lý lịch gia đình tốt, sức khỏe con bé đảm bảo, mọi yêu cầu đều đạt, tốt nghiệp với điểm số khá cao, chị đưa con về Hà Nội ôn thi, được ông khách đón tiếp chu đáo, giới thiệu nơi luyện thi là của gia đình giảng viên của trường. Bước tiếp theo là thi thì cần giám thị giúp đỡ, hoặc đưa tài liệu, hoặc làm ngơ để quay cóp, hoặc chí ít cũng để cháu vững tâm làm bài. Khoản tiền bồi dưỡng cho giám thị là 50 triệu, chị đáp ứng ngay.

Hôm thi môn đầu tiên, ông lái xe nhà đến đón hai mẹ con tại nhà nghỉ ông thuê cho chị. Con vào phòng thi rồi, ông đưa mẹ về nhà nghỉ và tại đây ông đòi yêu chị. Ở một hoàn cảnh khó chối từ, chỉ có hai người ở chỗ “lạ nước, lạ cái” nên dù không muốn chị cũng đành nhắm mắt chấp nhận, thôi thì vì con, mẹ hy sinh tiết hạnh của mình.

Kết quả là con bé không đủ điểm vào đại học mà trung cấp cũng không được. Chị đắng cay tâm sự mọi chuyện với bạn mình là cô giáo đã giới thiệu ông với chị tại bữa cơm gia đình với mong muốn là nhờ bạn đòi giúp lại số tiền mất oan.

Không ngờ, cô bạn nổi đóa cho rằng chị cố tình đặt chuyện chứ ân nhân của cô không thể có cách xử sự tồi tệ như thế được. Cô bạn nói toạc móng heo mọi chuyện với chồng chị, yêu cầu cả hai người về Hà Nội, đến nhà ông kia đối chứng làm cho rõ mọi chuyện và phải xin lỗi ông ta.

Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ đối với chị. Anh không nói, không rằng với chị từ khi biết chuyện, chỉ bảo với cô giáo bạn chị là việc của vợ mình thì cô ấy tự giải quyết lấy, anh không “nhúng tay” vào. Chị giờ hoang mang cực độ, gặp lại người đàn ông kia thì chị không muốn tý nào, còn làm sao để chồng thông cảm mà tha thứ cho chị thì chị vẫn chưa thể nghĩ ra! 
Nhiu Nhíu
(Pháp Luật)

Sự minh bạch và độc lập của các hội đoàn dân sự

Vì sao Trung Quốc dễ trúng thầu ở Việt Nam?

"Trước hết do ta thôi. Ta cứ nói Trung Quốc tìm mọi cách ký để hạ giá xuống. Công nghệ của ông thấp, thì Trung Quốc thấy  có khe hở thì họ thừa cơ đẩy lên."

LTS: Việc  2 nhà thầu Trung Quốc  vừa qua tự dưng bỏ không thi công tiếp dự án thủy điện 220MW Thượng Kon Tum dấy lên mối lo ngại lớn vì đây chỉ là một trong nhiều dự án, công trình trong các ngành công nghiệp: điện lực, cơ khí, hóa chất...sử dụng công nghệ Trung Quốc.  Tại sao ta vẫn "mở cửa" nhập thiết bị, dây chuyền lạc hậu, về lâu dài sẽ để lại hệ lụy gì?Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam sẽ phân tích cụ thể dưới đây.
 
In Trung Quốc, by Trung Quốc

Theo ông, việc sử dụng công nghệ Trung Quốc hiện nay tại Việt Nam diễn ra thế nào?

Phải phân biệt giữa công nghệ nhập từ Trung Quốc và  công nghệ made in Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có những công nghệ hiện đại, các nước khác họ cũng dùng. Nhưng ở đây có câu chuyện là  Việt Nam lại nhập toàn thứ  chất lượng thấp, cũ kỹ lạc hậu. Như nhà máy ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) vẫn tuyển chuyên gia Trung Quốc luyện thép. Mấy chục năm nay, chỉ có Trung Quốc luyện thép chứ chẳng có nước nào làm cả.

Trung Quốc là đại công xưởng của thế giới, đa số các sản phẩm, kể cả thiết bị, máy móc...đều từ Trung Quốc, người ta đổ vào Trung Quốc làm, đó là "in Trung Quốc chứ không phải by Trung Quốc".

Trung Quốc còn khuyến khích VN mua với giá rẻ. Nên mới có các  hội chứng từ xưa: hội chứng xi măng lò đứng, hội chứng mía đường, hội chứng nhiệt điện...

Trước đây, có phòng trào toàn dân khuân hàng hóa Trung Quốc rẻ tiền, có thể kê khống hóa đơn, nhưng rẻ tiền, cũ nát, bất chấp việc sẽ gây ra hậu quả gì. Cho nên đạm Ninh Bình vẫn là hệ quả của chuỗi xi măng lò đứng Ninh Bình ngày xưa.  Mía đường có chương  trình 1 triệu tấn, tỉnh nào cũng có, đều sang Trung Quốc mua. Đây là khuynh hướng lựa chọn để nhập khẩu công nghệ do chính ta chọn.
Trần Đình Thiên, Trung Quốc, Việt Nam, công nghệ, nhập khẩu, đấu thầu
Tiến sĩ Trần Đình Thiên. Ảnh: Trung Ngôn
Vì sao các nhà thầu phía họ có thể dễ dàng trúng thầu hầu hết các công trình, dự án lớn ở Việt Nam như vậy, mà chỉ với cách thức: bỏ thầu giá thấp rồi lại xin điều chỉnh vốn trong quá trình thi công?
Trước hết do ta thôi. Ta cứ nói Trung Quốc tìm mọi cách ký để hạ giá xuống. Công nghệ của ông thấp, thì Trung Quốc thấy  có khe hở thì họ thừa cơ đẩy lên. Rủi ro ở đây là chìa khóa trao tay.

Không có gì bảo đảm là những công trình đó hoàn thành sau 2 năm bảo hành nó lại chạy tốt được. Người Nhật từng khuyến cáo ta cách thức đấu thầu mới tránh tình trạng chìa khóa trao tay sau 2 năm, rủi ro chưa biết thế nào. Tôi nghe có những nhà máy sau bảo hành 2 năm, chết luôn không làm thế nào được vì hết bảo hành.

Nhìn một cách khách quan thì không chỉ Trung Quốc, với đối tác khác cũng thế thôi. Cơ chế của mình quá sơ hở, với cơ chế như thế, ai cũng tận dụng cả. Một số trường hợp của người Nhật họ tự trọng lắm: họ có thể khắt khe nhưng họ tự trọng với cam kết, hứa chuyển giao công nghệ là sẽ chuyển giao.

Kẻ chậm chân = kẻ bị loại

Hậu quả kinh tế lâu dài sẽ là gì?

Hễ có sơ hở là bị lợi dụng ngay. Về lâu dài, nó làm cho quá trình đi lên hiện đại của ta đắt hơn rất nhiều về thời gian, chứ không phải chỉ đắt về tiền. Dự án đường sắt Hà Nội- Hà Đông chậm 3 năm, giả dụ ta coi đó là một trục chiến lược của Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, sẽ chậm đi vài năm. Nghĩa là trong khi họ vượt lên còn ta lùi lại.

Đây là một thủ đoạn cạnh tranh về thị trường, làm cho đối phương thua thiệt về thời gian.

Cái đắt đó chưa ai nói, đắt vài trăm triệu USD đã đáng nói rồi nhưng đắt về thời gian, về chậm cơ hội phát triển thì khó lường.

Mà hiện nay, hễ ông đã chậm, là ông bị loại ra khỏi cuộc chơi. Các nhà máy điện chậm, đường Hà Nội-Hải Phòng chậm, đã làm chậm cả quá trình CNH. Ta tuyên bố CNH, thu hút đầu tư mà không có điện thì hình ảnh Việt Nam xấu đi. Sự chậm trễ về công nghệ để lại hậu quả ghê gớm về phát triển.

Khó trách doanh nghiệp không phân biệt giữa ý đồ và hậu quả sự việc, nhưng phải nói thẳng là ý thức sử dụng công nghệ để cạnh tranh của doanh nghiệp Việt là kém. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ lựa chọn những thứ rẻ tiền, mau hỏng. Vấn đề này liên quan đến môi trường khuyến khích: một chính sách tỷ giá chỉ khuyến khích nhập khẩu không khuyến khích sản xuất cũng sẽ không khuyến khích nhập khẩu công nghệ tốt .

Trong nhiều năm, tỷ giá ổn định, lạm phát cao, lại dẫn đến điều dở là khuyến khích nhập khẩu chứ không khuyến khích sản xuất trong nước, không khuyến khích cạnh tranh, nhập khẩu công nghệ.

Do đó, vai trò nhà nước ở đây phải là, thay đổi cách tiếp cận ngắn hạn, không theo kiểu cạnh tranh chụp giật. Từ đó, định hướng về công nghệ phải thay đổi.

Từ 2012, Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách hàng ngàn nhà máy, dây chuyền lạc hậu phải loại bỏ; và một trong những đường đi nhằm giải quyết số dây chuyền, công nghệ lạc hậu đó là thị trường Việt Nam?
Họ không muốn mất cả và cố gắng đẩy ra ngoài, di chuyển công nghệ lạc hậu sang các nước khác. Thậm chí còn tài trợ nữa thì rất nguy hiểm mà với những nước nghèo thì rất dễ xiêu lòng.

Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam phải có ý thức được lợi ích dài hạn và phát triển. Thời đại kiếm chác theo kiểu khuân hàng biên giới về kiếm tiền chộp giật đã qua rồi. Kiếm tiền phải đi vào chiều sâu, công nghệ , hiệu quả chứ không còn phải là chộp và chạy . Doanh nhân có ý thức dân tộc mới tránh được chuyện ấy như Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp của họ rất có ý thức dân tộc trong lựa chọn. Ta không ý thức được như vậy.

Vấn đề là Nhà nước đảm bảo một môi trường kinh doanh thế nào để doanh nghiệp có lựa chọn đúng đắn, cạnh tranh minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp đi mua cái tốt về, phục vụ dài hạn, biến dài hạn thành cơ hội, ngắn hạn: ăn đấy nhưng rủi ro, có tính chất sống còn.

Chính phủ cần có những tín hiệu, để doanh nghiệp nhận biết hậu quả của việc nhập khẩu, duy trì đẳng cấp công nghệ lạc hậu quá lâu, gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp. Chính phủ đưa ra chính sách bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ hơn thì tự nhiên các ông đó không còn đất sống. Những cái đó là kiên trì và cần nỗ lực thường xuyên liên tục, nhất quán, không thể ăn xổi được, không có phép màu ở đây cả.
Trung Ngôn(thực hiện)
(Tuần Việt Nam)

TS Alan Phan: Nợ xấu phải được bán như hàng thanh lý!

Nợ xấu trị giá bao nhiêu nên mang ra bán như bán hàng thanh lý, hàng xấu, lỗi mốt… người bán không thể yêu cầu hay chờ đợi một mức giá cao. 
 Chuyên gia kinh tế, TS Alan Phan đề xuất về việc xử lý nợ xấu hiện nay trước thực tế nợ xấu có thể ngày càng xấu và tăng mạnh trong khi những biện pháp xử lý nợ xấu vẫn chưa hiệu quả.

Nợ xấu tung hỏa mù

PV: - Nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có ngân hàng đã vượt mức 5%, thậm chí từ 7-8%. Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng sẽ tăng mạnh sau khi giảm còn 3,61% tháng 12/2013 - tháng cao điểm bán nợ xấu cho Tổng công ty quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC và tăng liên tục từ đầu năm đến nay.

Đặc biệt nợ xấu theo báo cáo có lúc tăng, giảm cụ thể cuối năm 2013 chỉ hơn 3%, đến tháng 4/2014 tại cuộc họp Chính phủ, Thống đốc NHNN báo cáo là 7%, sau đó tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nợ xấu lại được báo cáo chỉ còn hơn 4%.

Theo ông, trước những con số trên phải nhìn nhận về tình hình nợ xấu như thế nào? Việc nợ xấu tăng giảm và có khả năng sẽ ở mức cao cho thấy điều gì?


TS Alan Phan: - Vấn đề nợ xấu ở mức cao đã lình xình từ 3-4 năm nay tuy nhiên, mỗi đơn vị lại đưa ra một số liệu khác nhau. Trong khi các con số đưa ra bởi các cơ quan trong nước luôn ở mức 3-4% nhưng Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's còn từng công bố nợ xấu của Việt Nam ít nhất cũng phải 15%. Sau đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố lại, nợ xấu của Việt Nam là 9% nhưng đã giảm mạnh.

Như vậy, vấn đề minh bạch không có, muốn che giấu những gì xấu xí cho đến thời điểm bây giờ “rác” nhiều và lâu lâu lòi ra nhưng con số thực thì chưa ai biết.

Tôi đã rất nhiều lần nói về tính chính xác của những con số thống kê của Việt Nam. Tất cả con số tùy từng lúc, tùy tình hình để điều chỉnh phù hợp. Trường hợp những con số báo cáo về nợ xấu cũng tương tự. Con số đưa ra làm hỏa mù thêm về thực trạng tài chính của ngân hàng nên mọi đánh giá về sự việc này cũng tương tự với việc đánh kiếm trong đêm tối không biết anh nào đúng, anh nào sai.
Chuyên gia kinh tế TS Alan Phan
Chuyên gia kinh tế TS Alan Phan
PV: - Trong khi đó báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội tính đến năm 2012, cho thấy khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 402.955 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục được cấp tín dụng nhiều hơn khối doanh nghiệp tư nhân và làm ăn thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hệ thống ngân hàng và toàn nền kinh tế như thế nào?

TS Alan Phan: - Hiện nay thể chế và chính sách đều dành ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước, tức là lấy nhà nước làm chủ thể và chủ động trong nền kinh tế. Khi đã nói như vậy thì đương nhiên mọi ưu tiên phải dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Song theo quan sát của tôi, trong lịch sử thế giới chưa từng có doanh nghiệp nhà nước nào hoạt động, quản lý có hiệu quả, tạo ra lợi nhuận, sáng tạo… tức là chưa có doanh nghiệp nhà nước nào thành công. Trong trường hợp Việt Nam nếu doanh nghiệp nhà nước nào thành công phải được ghi vào kỷ lục mới lập của lịch sử Guinness.

Thực tế, việc bơm tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước hiện nay giống như việc đổ tiền cho một người chuyên mang tiền đổ xuống sông.

Tất cả ngân hàng đều do ngân hàng nhà nước chi phối chứ không hoạt động độc lập, do đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng hiện nay có thể tưởng tượng như 2 “đứa con” do nhà nước chỉ huy. Trường hợp sức khỏe của ngân hàng bị ảnh hưởng, dù có “yếu” đến mấy ngân hàng vẫn được NHNN đảm bảo để không bị đổ vỡ, sụp đổ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân càng ngày càng suy sụp vì thiếu mọi sự hổ trợ từ tài chánh đến thủ tục và chịu nhiều lệ phí, thuế…quá tải. Nền kinh tế không thể cất cánh được, đang từ từ đi xuống và những thực tại này rất rõ ràng với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài và người tiêu dùng.

Thanh lý "nợ xấu"

PV: - Về việc xử lý nợ xấu VAMC, năm 2013 VAMC đã mua lại khoảng 39.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng sang năm 2014 quá trình này chững lại, 6 tháng đầu mới mua được 11.414 tỷ nợ gốc. Trong khi VAMC vẫn mua nợ xấu bằng "giấy", cũng chưa tìm được đầu ra cho những khoản nợ xấu đã mua.

Theo ông đây có phải chỉ là hình thức giảm nợ xấu ảo, thực tế nợ xấu không những giảm mà còn tăng thêm vì nợ xấu dồn về VAMC và VAMC không bán được nên phải cộng lãi vốn mua vào tổng khối nợ? Việc không đánh giá đúng thực trạng nợ xấu ảnh hưởng như thế nào đến các biện pháp xử lý nợ xấu, thưa ông?


TS Alan Phan: - VAMC cũng do nhà nước điều hành, chưa có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nợ xấu sẽ vẫn là nợ xấu và con số càng ngày càng tăng lên theo thời gian vì vấn đề cốt lõi chưa ai giải quyết.
Con số nợ xấu đưa ra làm hỏa mù thêm về thực trạng tài chính của ngân hàng nên mọi đánh giá về sự việc này cũng tương tự với việc đánh kiếm trong đêm tối
Con số nợ xấu đưa ra làm hỏa mù thêm về thực trạng tài chính của ngân hàng nên mọi đánh giá về sự việc này cũng tương tự với việc đánh kiếm trong đêm tối
VAMC lập ra để giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại và được NHNN quản lý. Hay nói tóm lại, tất cả đều phát sinh từ dòng tiền của ngân sách. Tiền có chạy qua chạy lại thì cũng chỉ là từ túi bên này chạy qua túi bên kia.

Khi không đánh giá đúng thực trạng của nợ xấu thì không giải quyết được vấn đề. Nợ xấu ở Mỹ có thể bán với giá rẻ chỉ 20-30% giá nguyên thủy. Khi người mua bán lại với giá 50%, họ sẽ có lãi. Trong trường hợp của Việt Nam, nếu VAMC chỉ hạ giá 10% thì sẽ không ai mua. Nếu nhà nước đứng ra bảo đảm thì bản chất dòng tiền vẫn không thay đổi.

Như vậy, cách giải quyết hiện tại chỉ là hình thức bỏ trong tủ đông và tính sau chứ không ai muốn giải quyết triệt để ngay bây giờ. Vì nếu bán với giá 20-30% ai sẽ chịu trách nhiệm về phần còn lại được coi là mất mát? Các quản lý sẽ bị đưa ra tòa với tội làm thất thoát tài sản quốc gia.

PV: - Vừa qua, NHNN đã có đề nghị xin tiền cấp cho VAMC mua nợ nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn theo ông cách này có đồng nghĩa với việc lấy tiền của dân đi mua nợ cho chủ ngân hàng và gánh nặng sẽ trút lên đầu dân? Xin ông cho biết, cần cơ chế như thế nào với VAMC để giải quyết nợ xấu?
 
TS Alan Phan: - Vấn đề chính người phải trả nợ không trả được nợ, người mua nợ xấu không bán được nợ, và mọi người chỉ chờ ngân sách quốc gia giải quyết. Vấn chỉ quanh quẩn xung quanh câu chuyện đó.

Còn cơ chế cho VAMC, quan điểm của tôi là không nên mất thì giờ để bàn tới bàn lui. Phải hiểu nguyên tắc của thị trường, ai muốn mua lại nợ xấu phải có lời khủng vì rủi ro quá nhiều. Nợ xấu trị giá bao nhiêu nên mang ra bán như bán hàng thanh lý, vì hàng xấu, lỗi mốt…Người bán không thể yêu cầu hay chờ đợi một mức giá cao như chuyện trong mộng.

Nói tóm lại, nợ xấu không thay đổi nếu không giải quyết theo cơ chế thị trường. Nhưng tôi biết chắc chắn hiện nay Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại sẽ không thể thay đổi chính sách vì cơ chế thị trường sẽ tạo ra quá nhiều hệ lụy cho những thành phần liên quan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Thảo (thực hiện)
   (Đất Việt)

Trần Vinh Dự - Đàm phán hay không đàm phán với khủng bố?


Phóng viên James Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11, 2012.
Phóng viên James Foley đã mất tích trong một chuyến đi tác nghiệp đến Syria vào tháng 11, 2012.

 Với các nạn nhân bị bắt cóc như nhà báo James Foley hay Steven Sotloff, chắc hẳn không có mong muốn gì hơn đối với họ là được giải cứu, dù dưới hình thức một cuộc đột kích hay dưới hình thức một cuộc thương lượng. Đối với Foley, đã có một cuộc đột kích như vậy nhưng không thành, còn một cuộc thương lượng thì chưa bao giờ được thực hiện. Điều này là do chính sách cứng rắn của Mỹ từ trước tới nay – không đàm phán với khủng bố.

Mỹ nằm trong một số rất ít quốc gia có lập trường cứng rắn như vậy. Mỹ và Israel luôn tuyên bố không chấp nhận đàm phán với khủng bố, trong khi Columbia thậm chí còn đưa mọi dạng hành vi liên lạc với những kẻ bắt cóc con tin thành hành vi bất hợp pháp. Phần lớn các nước khác, đặc biệt là Châu Âu, đều đàm phán với khủng bố và các nhóm bắt cóc đòi tiền chuộc. Việc mặc cả, đàm phán này nhiều khi diễn ra như cơm bữa, đặc biệt là tại các địa bàn “nóng” về bắt cóc đòi tiền chuộc như vùng Somalia.

Lập luận cơ bản của các quốc gia khi từ chối đàm phán với khủng bố bắt nguồn từ một niềm tin cơ bản. Đó là việc nhượng bộ tại thời điểm này sẽ khuyến khích các hành vi khủng bố, bắt cóc phát triển mạnh hơn trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ có như vậy. Nếu chỉ có vậy thì tại sao lại có quốc gia sẵn sàng đàm phán với khủng bố trong khi một số quốc gia khác thì không?

Ngay cả với các quốc gia luôn tuyên bố không đàm phán với khủng bố như Mỹ thì thi thoảng việc đàm phán vẫn diễn ra. Gần đây nhất, mới đầu mùa hè 2014, là vụ trao đổi 5 nghi phạm khủng bố bị giam giữ tại Guantanamo Bay để đổi lấy Bowe Bergdahl, một quân nhân Hoa Kỳ bị lực lượng Taliban bắt giữ. Trước đó hồi năm 2007 cũng có một vụ trao đổi khác: Peter Moore, một cố vấn người Anh bị bắt giữ, được cứu thoát trong một cuộc trao đổi tù binh, theo đó một cựu lãnh đạo cấp cao của lực lượng phiến quân người Shiite được Mỹ thả ra.

Không chỉ có Mỹ, Israel cũng từng thực hiện những vụ đổi chác lớn với khủng bố. Hồi năm 1985, Israel đã thả cùng một lúc 700 tù binh để đổi lấy sinh mạng của những người Mỹ bị bắt cóc trên chuyến bay TWA (chuyến bay bị khủng bố tấn công).

Điều này tạo ra một mâu thuẫn: Nếu nguyên tắc “không đàm phán với khủng bố” được xây dựng trên một chuẩn mực lý thuyết vững chắc, tại sao các nước vẫn đàm phán với khủng bố? Hay là điều này không đúng? Trong một nghiên cứu định lượng của nhóm các nhà kinh tế do Peren Arin (giáo sư ĐH Massey của New Zealand) đứng đầu, nhóm này đã chứng minh được (bằng các phương pháp định lượng dựa trên số liệu về các vụ bắt cóc trong quá khứ) rằng nếu các chính phủ càng nhượng bộ thì hoạt động khủng bố, bắt cóc sẽ càng tăng.

Vậy phải giải thích sao trước hành động của các nước liên quan đến các vụ thương lượng với khủng bố?

Kinh tế học có một nhánh nghiên cứu mang tên game theory. Theo lý thuyết này, nếu tương tác chỉ xảy ra một lần, thí dụ một nhà nước và một nhóm khủng bố chỉ phải đối diện với việc thương lượng hay không duy nhất một lần, sau đó không bao giờ lặp lại, thì nhà nước sẽ thương lượng. Điều này tốt cho phía nhà nước vì được tiếng là sẵn sàng làm mọi cách để bảo vệ công dân nước mình.

Tuy nhiên thực tế là các tương tác này không chỉ xảy ra một lần. Các nhóm khủng bố vẫn thường xuyên bắt cóc con tin, và nhà nước phải đối diện với quyết định thương lượng hay không nhiều lần. Game theory chỉ ra rằng nếu cả hai bên đều nhìn nhận là các tương tác này diễn ra mãi mãi (infinitely repeated games) thì nhà nước sẽ không bao giờ chấp nhận đàm phán. Và khi nhà nước không bao giờ chấp nhận đàm phán, các nhóm khủng bố cũng không có động cơ bắt cóc để đòi tiền chuộc hoặc trao đổi con tin.

Cái thú vị là ở chỗ game theory cũng chỉ ra rằng cho dù các tương tác là lặp lại nhưng có hạn định, tức là có điểm kết thúc (finitely repeated games), dù là điểm kết thúc ấy gần hay xa, thì nhà nước sẽ nhượng bộ và tiến hành đàm phán.

Và nếu nhìn sự lựa chọn của các nước liên quan đến việc đàm phán hay không với khủng bố dưới lăng kính này của game theory thì có thể thấy các nước thường xuyên đàm phán với khủng bố là những nước mà lãnh đạo có tư duy nhiệm kỳ hơn. Vì với tư duy nhiệm kỳ, họ không coi việc họ phải đối mặt với các lựa chọn này là việc vĩnh viễn (infintely repeated) mà nó sẽ hết khi họ không còn nhậm chức. Nếu với tư duy này, các nhà lãnh đạo sẽ không muốn chứng kiến công dân nước mình bị hành quyết trong nhiệm kỳ của mình, vì thế hãy cứ đàm phán để cứu người và lập công trước công chúng trước đã, còn việc hoạt động khủng bố tăng lên sau đó thì đã có lãnh đạo khoá sau lo.

Đương nhiên đây chỉ là một cách suy luận dựa trên một lý thuyết, nó không hẳn chính xác, tuy nhiên nó cũng là một góc nhìn đáng được suy ngẫm. 
Trần Vinh Dự * Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Việt Nam với nhất nguyên và đa nguyên

Ông Võ Văn Kiệt từng đề nghị đổi 'tập trung dân chủ' thành 'dân chủ tập trung'

Sau 30 tháng 4 năm 1975, những trại cải tạo, những khu kinh tế mới, những chiến dịch cải tạo xã hội… cũng nằm trong sách lược biến miền Nam thành một xã hội nhất nguyên.

Nhưng hoạch định của những người cộng sản đã không bao giờ đạt được.

Hàng triệu người miền Nam bỏ nước ra đi, những người ở lại vẫn tự xem mình có trình độ phát triển xã hội và dân chủ cao hơn miền Bắc.

Người miền Nam theo cộng sản quan sát xã hội miền Bắc bắt đầu phủ nhận chủ nghĩa Marx và con đường cộng sản.

Người miền Bắc tự chuyển biến tư tưởng khi tiếp xúc với xã hội đa nguyên miền Nam.

Ngay trong Bộ Chính Trị đảng Cộng sản các tư tưởng đa nguyên chính trị cũng đã hình thành.

Ông Võ Văn Kiệt đặt vấn đề cần chuyển “tập trung dân chủ” thành “dân chủ tập trung”, tôn trọng và bảo vệ ý kiến của thiểu số, chấm dứt việc "đảng hóa" xã hội và sự lạm quyền của Bộ Chính Trị.

Theo ông Kiệt mọi chính sách thay vì từ Bộ Chính Trị đưa xuống, phải phát xuất từ Trung Ương Đảng hay từ đa số đảng viên đưa lên. Khi đã có dân chủ trong đảng sẽ mở rộng dân chủ ngòai dân.

Ông Trần Xuân Bách có một tầm nhìn chính trị rõ hơn:

“Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ (mở rộng). Đó là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát, do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại.”

Ông Trần Xuân Bách cũng cho rằng hai lãnh vực chính trị và kinh tế phải được phát triển nhịp nhàng, không chân trước chân sau, không tấp tểnh đi một chân.
"Thực chất của dân chủ hóa là khơi động trí tuệ của toàn dân tộc để tháo gỡ khó khăn và đưa đất nước đi lên kịp thời đại" - Trần Xuân Bách
Tiếng kêu hai ông Võ Văn Kiệt và Trần Xuân Bách là những tiếng kêu lẻ loi từ phía bên trên của thể chế nhất nguyên đảng trị.
Đa Đảng hình thức

Trước năm 1986, đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội được đảng Cộng sản lập ra để tô điểm cho thể chế nhất nguyên.

Đứng trước đổi mới kinh tế và đòi hỏi đa nguyên, hai đảng này trở thành nỗi đe dọa cho giới cầm quyền nên đều bị giải tán.

Tại Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản vẫn còn tám đảng hay tổ chức “chính trị”. Các tổ chức này không giữ vai trò đối lập.

Như các tổ chức trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, họ chỉ góp ý đường lối do Đảng Cộng sản đề ra.

Về đa đảng đối lập, Giáo sư Nguyễn văn Bông (1929-1973) đối lập chính trị cần có ba đặc điểm:

Trước nhất, đối lập phải có sự bất đồng về chính trị, có chiến lược và chính sách đối lập.

Thứ hai, đối lập chỉ có khi nào sự bất đồng chính kiến mang tính cách tập thể và biểu hiện qua hành động có tổ chức: chính đảng đối lập.

Thứ ba, đối lập phải hoạt động trong vòng pháp luật. Các chính đảng dùng võ lực hay phải hoạt động âm thầm trong bóng tối thì chỉ được xem là những hành động đối kháng.

Dựa trên ba đặc điểm vừa nêu ra Giáo sư Bông giải thích:

“…đối lập phát sinh ở sự thực hành chính trị và liên quan đến lịch trình biến chuyển của chế độ Đại Nghị. Nói đến đối lập tức là nói đến cái gì ở ngoài đa số, ngoài chính phủ. Đối lập là khía cạnh nghị viện của vấn đề…”.

Còn về phe phái trong Đảng Cộng sản, thì khi một đảng đã thâu tóm hết quyền lực và quyền lợi thì người gia nhập đảng đa phần cũng chỉ vì lợi ích cá nhân.

Từ lợi ích cá nhân mới sinh ra lợi ích nhóm tạo ra các phe cánh trong đảng.

Trong dịp 2 tháng 9 năm nay, ông Trương Tấn Sang gởi một thông điệp nhìn nhận:

“Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta.”

Chữ “chúng ta” ông Sang dùng là để trao đổi với các phe cánh trong đảng cầm quyền.

Đại Hội 12 cận kề, thực tế cho thấy các phe cánh chưa thể thu xếp lại quyền lực và quyền lợi.

Họ cũng chưa thể thống nhất quan điểm và phương cách giải quyết nhiều vấn đề cả đối nội lẫn đối ngọai.

Vì thế họ mới tố nhau phe lợi ích, phe bảo thủ, hay tự xưng phe cải cách, nhưng các phe đều cùng chung mục đích là bảo vệ độc quyền đảng trị và chống lại diễn biến hòa bình.

Ngày 16 tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc nhở Lực lượng công an:

“Các thế lực thù địch, phản động chưa hề từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; ráo riết thực hiện diễn biến hòa bình, triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế để tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội.”

Những tuyên bố, những nghị quyết, những bài báo, những tài liệu chống diễn biến hòa bình, cho thấy đây chính là nỗi quan tâm hàng đầu của những người cầm quyền Việt Nam.

Nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy đa nguyên chính trị có cơ hội bộc phát từ bên trong Đảng Cộng sản và có thể sẽ dẫn đến thay đổi thể chế chính trị một cách hòa bình.
Phát triển xã hội đa nguyên

Càng ngày Đảng Cộng sản càng mất dần khả năng kiểm sóat các tổ chức dân sự, gồm cả các tổ chức do đảng lập ra, các tổ chức bị bắt buộc tham gia Mặt Trận Tổ Quốc và tổ chức dân sự độc lập.

"Khi thể chế nhất nguyên còn tồn tại, các tổ chức chính trị, các tổ chức dân sự độc lập không thể xem là tổ chức hay lực lượng đối lập"

Các tổ chức dân sự độc lập là các tổ chức đang đấu tranh để giành lại những quyền tự do, như quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do báo chí, quyền tự do nghiệp đoàn, quyền tự do chính trị… những quyền cơ bản được Quốc Tế công nhận.

Các tổ chức dân sự độc lập khác với các đảng chính trị có mục đích rõ ràng là đấu tranh giành quyền lực với đảng cầm quyền cộng sản.

Khi thể chế nhất nguyên còn tồn tại, các tổ chức chính trị, các tổ chức dân sự độc lập chỉ là những tổ chức đấu tranh chính trị, không thể xem là tổ chức hay lực lượng đối lập.

Các tổ chức đấu tranh chính trị đang đóng góp xây dựng ý thức dân chủ cho xã hội cũng như sẽ vận động xã hội tham gia các sinh họat chính trị, tham gia bầu cử, tham gia ứng cử khi thể chế đa nguyên đa đảng đã được hình thành.

Nếu ý thức dân chủ của xã hội chưa đầy đủ, thể chế nhất nguyên cộng sản có thể sẽ được thay bằng một thể chế nhất nguyên độc tài khác.

Vì thế vai trò của các tổ chức đấu tranh chính trị vô cùng quan trọng.

Nói tóm lại đa nguyên chính trị là khởi đầu và cũng là nền tảng cho tự do dân chủ.

Nguyễn Quang Duy  
Gửi tới BBC từ Úc

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Quang Duy từ Canberra, Úc. Mời quý vị xem thêm 'Bấm Chủ nghĩa xã hội thực sự là gì' của ông Trần Xuân Bách.
(BBC)

Trịnh Hữu Long - Sự minh bạch và độc lập của các hội đoàn dân sự

Vụ Hội Nhà Báo Độc Lập đặt ra mấy vấn đề đáng suy nghĩ:

Về sự minh bạch

Một số người đòi hỏi Ban lãnh đạo Hội phải công khai những ai đã biểu quyết thông qua Thông báo số 5 về Facebook VNTB và ông Ngô Nhật Đăng. Lập luận của họ là hoạt động của Hội phải minh bạch. Điều này chỉ hợp lý nếu những người đòi hỏi là thành viên của Hội và Hội có quy chế minh bạch trong những vấn đề như thế này. Nếu là người ngoài thì việc đòi hỏi Hội phải minh bạch là không hợp lý.

Một số người khác đòi hỏi tờ Việt Nam Thời báo phải công khai tác giả Liên Sơn là ai, cũng vẫn với lý do "cần sự minh bạch", "phê phán người khác thì phải công khai tên tuổi". Đòi hỏi này là dễ hiểu, nhưng không hợp lý. Danh tính của tác giả bài báo là việc của tòa báo với tác giả chứ không phải là của độc giả. Tòa báo có quyền giữ bí mật danh tính tác giả, đôi khi còn để bảo vệ tác giả khỏi sự tấn công từ chính quyền và từ chính độc giả. Tác giả cũng có quyền thỏa thuận với tòa báo về việc giữ bí mật danh tính thì họ mới gửi bài.

Giới hạn của sự minh bạch dừng lại ở cái gọi là "sự liên quan". Nếu anh không liên quan đến vụ việc thì anh không có quyền đòi hỏi người khác phải minh bạch.

Có sự khác nhau giữa sự minh bạch của nhà nước và sự minh bạch của một tổ chức dân sự hay doanh nghiệp tư nhân. Lấy tiêu chí minh bạch của nhà nước để đòi hỏi tổ chức dân sự, doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện thì không hợp lý.

Về sự độc lập

Khi lập các các hội đoàn lấy tên có đuôi là "độc lập", có lẽ những người sáng lập muốn nói rằng chúng tôi tự lập ra hội đoàn này, chứ không phải nhà nước lập ra như các hội đoàn "quốc doanh" khác. Hàm ý thực sự của họ là "phi nhà nước", chứ không phải "độc lập".

Từ "độc lập" có nhiều lớp nghĩa. Ngay cả khi anh là "phi nhà nước", anh vẫn có thể độc lập hoặc không độc lập. Ví dụ khi anh tự đặt mình dưới sự quản lý của một cái hội nào đó lớn hơn, anh đã từ bỏ bớt sự độc lập của mình, mặc dù anh vẫn không liên quan gì đến nhà nước.

Việc sử dụng cái đuôi "độc lập" tạo ra những cuộc tranh cãi không đáng có. Một số người cho rằng độc lập là không được liên quan đến nhà nước, đảng phái hay nhóm lợi ích nào. Điều này vô hình chung hạn chế hoạt động của các hội đoàn, vì về bản chất hoạt động của xã hội dân sự là sự hợp tác tự nguyện dựa trên phương pháp chính là thuyết phục thông qua đối thoại để đạt được sứ mệnh mà nó đặt ra mà không có sự hạn chế nào về đối tác.

Tự gọi mình là độc lập thực ra là tự hạn chế mình, vì làm gì có ai độc lập trên đời. Khi nói đến sự độc lập, người ta phải đặt nó vào một mối quan hệ cụ thể, tức là độc lập với cái gì.

Tổ chức Human Rights Watch có thể độc lập về tài chính với chính phủ Mỹ, nhưng nó không độc lập với tỷ phú George Soros, vì họ đã nhận 100 triệu đô tiền tài trợ của ông này và đương nhiên trong hợp đồng tài trợ của họ có những sự ràng buộc nhất định.

Freedom House có thể độc lập về tài chính với rất nhiều chính phủ nhưng nó vẫn nhận tiền tài trợ từ chính phủ Mỹ. Sự độc lập của Freedom House là ở chỗ, tuy nhận tiền từ chính phủ Mỹ, nó vẫn là một trong những kẻ phê phán chính phủ Mỹ một cách rất quyết liệt.

Nếu ai cũng giữ sự độc lập tuyệt đối thì đã không sinh ra cái gọi là xã hội dân sự, là cái xã hội mà người ta phải hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề xã hội. Vậy nên hãy cứ là một tổ chức dân sự bình thường, làm việc cần làm, hợp tác với đối tác có thể hợp tác, đạt được cái mình muốn và bỏ qua một bên mối bận tâm về sự độc lập.

Mai sau sẽ có những hội đoàn dân sự từng có cái đuôi "độc lập" nhận tiền tài trợ từ chính phủ Việt Nam, ngồi họp với chính phủ Việt Nam. Đó là việc bình thường và là tương lai có thể biết trước.

------
Tác giả bài này không liên quan gì đến Hội Nhà Báo Độc Lập cũng như những người đang đòi hỏi nó phải minh bạch, nên không có quyền đòi hỏi Hội và hay những người chỉ trích phải làm gì. Chỉ đơn giản là góp tiếng nói thảo luận trên tinh thần xây dựng về vấn đề xây dựng các hội đoàn dân sự. Bài này chưa nói đến những giới hạn cụ thể của sự minh bạch, ví dụ quan hệ giữa sự minh bạch và an ninh quốc gia.
  Trịnh Hữu Long
(Blog Đoan Trang)

Nhiều Cựu Quan Chức Trung Quốc Không Được Tham Dự Lễ Kỉ Niệm Sinh Nhật Đặng Tiểu Bình

yuanlao_at_deng-110-676x450
Con trai và con gái của các cựu quan chức Đảng, trong đó có thượng tướng Lưu Nguyên (mặc áo ngắn tay), tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình vào ngày 20 tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao đã về hưu, như Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, đã vắng mặt trong buổi lễ này. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV).
Người Trung Quốc dành từ “yuanlao” (nguyên lão) để gọi những vị lãnh đạo Đảng dù đã về hưu những vẫn còn sức ảnh hưởng đến nền chính trị đương thời. Ngay từ thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mỗi phe cánh lãnh đạo đều không muốn những người kế nhiệm làm lu mờ vai trò của mình.

Các vị lãnh đạo đã về hưu thường vẫn xuất hiện tại những sự kiện lớn của Đảng. Nhưng trong lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình – một sự kiện lớn được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 vừa qua – tất cả những cựu quan chức tối cao này đều vắng mặt. Điều này đã thu hút sự chú ý của công chúng. Các nhà phân tích về ĐCSTQ đặt câu hỏi: liệu có phải kỷ nguyên của các “nguyên lão” đã đến hồi kết thúc?

Đặng Tiểu Bình sinh ngày 22 tháng 8 năm 1904. Một cuộc hội thảo chuyên đề về cuộc đời của ông được tổ chức tại Hội trường Nhân dân tại Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 8 vừa qua. Hội nghị diễn ra sớm hai ngày do Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ đến Mông Cổ vào ngày 21-22 tháng 8.

Ngoài chủ tịch Tập còn có sự tham gia của các thành viên trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, các thành viên trong Ủy ban Quân đội Trung ương, và các quan chức cấp cao trong hai cơ chế quản lý phụ trợ của Đảng là Quốc hội Nhân dân Quốc gia và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Tất cả năm người con trai và con gái của ông Đặng đều tham dự, cũng như con trai của cố Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ là thượng tướng Lưu Nguyên, và con trai của cựu Tổng Thư ký Đảng Hồ Diệu Bang là Hồ Đức Bình (Hu Deping). La Dongjin, con trai của cựu Nguyên soái La Vinh Hoàn cũng có mặt.

Cũng như ông Tập, họ đều là con cháu của thế hệ sáng lập ĐCSTQ. Sự tham dự của họ góp phần củng cố lại niềm tự hào về nguồn gốc của Đảng, đồng thời nhắc nhở công chúng rằng họ chính là tầng lớp kế thừa những nhà sáng lập trước đó.

Bên cạnh đó, sự góp mặt của ông Hồ Đức Bình cho thấy sự khôi phục lại tư cách chính trị không chính thức của Tập Cận Bình dành cho ông Hồ Diệu Bang. Vị lãnh đạo Đảng có tư tưởng cải cách này đã bị Đặng Tiểu Bình buộc phải từ chức, và sau đó đã chết trong khi bị quản thúc tại gia.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy kỷ nguyên của các nguyên lão đã đến hồi kết xảy ra trong quá trình chuyển giao quyền lực từ Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình giai đoạn cuối 2012 – đầu 2013.

Trong suốt Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 18 hồi tháng 11 năm 2012, không chỉ chuyển giao vị trí Tổng Bí Thư Đảng, ông Hồ cũng xin từ chức vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương.

Trước đó đã có hai trường hợp các vị lãnh đạo cấp cao – đầu tiên là Đặng Tiểu Bình, và sau đó là Giang Trạch Dân – vẫn giữ vị trí đứng đầu Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương (CMC) sau khi từ bỏ chức vụ tổng bí thư.

Ông Giang Trạch Dân đã bàn giao quyền lãnh đạo Đảng cho Hồ Cẩm Đào cuối năm 2002, nhưng vẫn giữ vị trí thư ký CMC vào năm 2004. Và thậm chí cho đến khi ông từ chức, ông vẫn duy trì văn phòng trong CMC, và vẫn chủ trì các cuộc mít tinh với các tướng lĩnh quân sự.

Những năm đầu, quyền lực của Giang Trạch Dân bị lu mờ trước các chính sách của Đặng Tiểu Bình, nhưng khi đến thời Hồ Cẩm Đào, ông Hồ đã gặp rất nhiều khó khăn để thoát khỏi các nhân vật chính trị, các quyết định chính sách, và cấu trúc chính phủ mà ông Giang đã thiết lập.

Một ví dụ nổi tiếng về sự can thiệp của ông Giang là khi ông xuất hiện ngay bên cạnh ông Hồ Cẩm Đào trong Thế vận hội Olympics Bắc Kinh năm 2008. Theo chế độ Cộng sản Trung Quốc, thứ tự xuất hiện trong ảnh phải tuân theo thứ tự về quyền lực. Và tính đến năm 2008, ông Giang đã không còn giữ vị trí chính thức nào được 4 năm.

Nhưng điều này đã thay đổi kể từ khi ông Hồ đột ngột từ chức cuối năm 2012. Nhiều lời đồn đại cho rằng ông Hồ đã viết một lá thư gửi đến các nhà lãnh đạo cấp cao, vì vậy không nghi ngờ rằng ông Giang cũng từng đọc lá thư này, trong thư tuyên bố rằng ông Hồ hy vọng sự từ chức của mình sẽ chấm dứt kỷ nguyên quyền lực của các vị lãnh đạo đã nghỉ hưu nhưng vẫn can thiệp sâu vào nền chính trị.

Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc trong thời Hồ Cẩm Đào, cũng đặt dấu chấm dứt khoát khi rời quyền lực: vào ngày 7 tháng 3 năm 2013, ngày chuyển giao chính phủ, bức ảnh văn phòng ông Ôn trên Tân Hoa Xã đã không còn hình ảnh những cuốn sách và tài liệu như trước kia. Đây là một dấu hiệu cho thấy ông Ôn đã hoàn toàn rút lui khỏi chính trị.

Quyết định của ông Hồ và ông Ôn đã dẫn đến việc Giang Trạch Dân buộc phải rời khỏi văn phòng mà ông vẫn cố duy trì ở Trung Nam Hải, trong vị trí lãnh đạo Đảng, và tại ủy ban quân sự.

Như vẫn chưa đủ, ông Tập Cận Bình trong thời gian dài vẫn nói về “phong cách làm việc” – một biệt ngữ của Đảng để chỉ về hành vi của cá nhân và quan chức. Trong đó có quy định các nguyên tắc khác nhau nhằm vào những lãnh đạo đã nghỉ hưu nhằm hạn chế quyền lực chính trị của họ.

Dấu chấm cuối cùng của kỷ nguyên quyền lực có lẽ vẫn chưa đến, nhưng chiến dịch bắt giữ những cận thần của cựu chủ tịch Giang – ví dụ như Từ Tài Hậu trong quân đội, Chu Vĩnh Khang trong bộ máy an ninh – đã cho thấy ông Tập đang ngày càng nắm chặt đòn bẩy quyền lực để loại trừ thế hệ lãnh đạo trong hàng ngũ Đảng trước đây.
Matthew Robertson, Epoch Times và Fang Xiao, Epoch Times
Phối hơp nghiên cứu bởi Frank Fang.
   (Đại Kỷ Nguyên)

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động du lịch đến quần đảo Hoàng Sa

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
Ngày 4/9/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc khai trương tuyến du lịch biển khởi hành từ thành phố Tam Á (thuộc tỉnh Hải Nam) đến quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc khai thác du lịch ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc cũng như tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái này”

B.C
(Thế Giới Việt Nam)