Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Việt Nam phải trả 155.000 tỷ đồng nợ trong năm 2016

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự toán trả nợ, viện trợ sẽ ưu tiên trả các khoản nợ gốc, lãi vay nước ngoài đến hạn, còn các khoản vay trong nước sẽ trả đủ lãi và một phần nợ gốc.
Báo cáo trong hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính cho biết, dự toán thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2016 đã được Quốc hội thông qua là 1.014.500 tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán chi lên tới 1.273.200 tỷ đồng.
Trả nợ hơn 155.000 tỷ trong năm 2016
Theo dự toán thu chi ngân sách, thu nội địa năm 2016 có thể đạt 785.000 tỷ đồng. Trên cơ sở sản lượng dầu thô là 14,02 triệu tấn, và giá dự kiến 60 USD một thùng, xuất khẩu dầu thô năm 2016 có thể thu về 54.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, giá xăng dầu hiện nay chỉ còn ở mức 35-36 USD một thùng, nên kịch bản có thể phải tính tới việc giá dầu năm 2016 xuống tới mức 30 USD.
Việt Nam phải trả 155.000 tỷ đồng nợ trong năm 2016
Số tiền nợ cần trả trong năm 2016 là 155.000 tỷ đồng. Ảnh: Anh Tuấn.
Trong các khoản dự chi ngân sách năm tới, chi đầu tư phát triển vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 254.950 tỷ đồng. Chi thường xuyên dự đạt 824.000 tỷ đồng. Riêng với chi trả nợ, viện trợ, mức dự toán là 155.100 tỷ đồng, trong đó đảm bảo trả đủ nợ gốc và lãi vay nước ngoài đến hạn. Còn với nợ nội địa, mức chi chỉ ưu tiên trả hết lãi và một phần nợ gốc, nhằm giảm mức vay đảo nợ.
Theo tính toán, quy mô thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách bình quân khoảng 21% GDP, khá sát với Nghị quyết Quốc hội (không quá 22-23%GDP). Trong khi đó, tổng chi ngân sách 5 năm 2011-2015 ước xấp xỉ mục tiêu đã đặt ra, riêng năm 2015, mức chi tăng gần gấp đôi so với năm 2010 (tăng 70%).
Bộ Tài chính đánh giá, việc cắt giảm nhanh chính sách thu, cùng tăng chi lớn, nhiệm vụ cân đối ngân sách sẽ ngày càng khó khăn. Bội chi ngân sách được dự báo sẽ phải duy trì ở mức cao, trong khi dư nợ công tăng nhanh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để giảm dần trong giai đoạn tới.
Mỗi ngày thực hiện hơn 200 cuộc thanh tra
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, thanh tra Bộ và các đơn vị chức năng đã tiến hành tới 75.600 cuộc thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách, các quỹ tài chính, chứng khoán, bảo hiểm... Như vậy, trung bình, mỗi ngày cơ quan này thực hiện tới 200 cuộc thanh tra.
Tính đến tháng 12/2015, cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra 68.000 doanh nghiệp, đạt 83,5% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 2014, tức là trunh bình mỗi ngày thanh tra khoảng 190 doanh nghiệp. Tổng số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra (truy thu, truy hoàn, phạt...) 10.200 tỷ đồng, số tiền đã nộp ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20.700 tỷ đồng.
Trong năm 2015, cả nước có 94.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động là 9.400 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm 2014. Số doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, nay quay trở lại hoạt động là 21.500 doanh nghiệp, tăng 39,5% so với năm 2014.
Hạ Minh
 
NGuồn:  http://www.baomoi.com/Viet-Nam-phai-tra-155-000-ty-dong-no-trong-nam-2016/c/18335711.epi?utm_source=dapp&utm_medium=facebook&utm_campaign=share

Tin khó tin: 8 đời Bí thư, 8 đời Chủ tịch vẫn chưa xong một con đường chỉ có...1,5 km!

(LĐO) Đào Tuấn (Tổng hợp) 
Mr Ruồi đoạt giải cống hiến 2015 (HS Mớ)

Quá “xuất sắc”, một DN phải chịu 45 cuộc thanh kiểm tra trong một năm! Quá “phi mã”: Muốn có một đồng lợi nhuận, phải mất 0,72 đồng bôi trơn. Quá lãng mạn, Cựu TGĐ Agribank viết ngôn tình”: Một lần, 2 thanh niên đưa 50.000 USD qua cửa sổ ô tô.

Chào mừng các bạn đến với bản tin cuối cùng trong năm của chúng tôi
1. Chuyến du lịch hoành nhất hành tinh
Và tin khó tin hôm nay xin bắt đầu bằng một tin dễ tin. Trong 10 sự kiện VHTT và DL được coi là “tiêu biểu” 2015 thì cái Nhà Việt Nam- thật ra là cái gánh hàng xén - tại triển lãm Expo Milano 2015 đã bị loại khỏi top.
Tôi nghĩ nó vào được đề cử đã là một chuyện khó tin nhất quả đất rồi. Bởi trong khi đại đa số các nước bám chặt chủ đề lương thực và sự sống thì “Nhà Việt Nam” trưng bày những chiếc bình, lọ sơn mài, vài nhạc cụ cổ truyền... bên cạnh mớ thức ăn nhanh và quần áo “hàng chợ”.
 Cái gọi là “Trang phục dân tộc Việt Nam” được trưng bày ở Expo 2015. Ảnh TTO
Khắp nước Ý treo biểu ngữ này: The best of the world in a single place- Expo Milano (Những gì tốt nhất thế giới đều tập trung trong một chỗ duy nhất này- Expo Milano).
Hôm qua, có người đặt câu hỏi rằng: Liệu Việt Nam đã đem cái "tốt nhất", những người giỏi nhất, đến dự Expo này hay chưa?
Tôi nghĩ là rồi. Chẳng phải là họ đã mang đến Milano hình ảnh một nền văn hóa nhếch nhác tạp nham. Chẳng phải là họ đã chứng minh cho người Ý và cả thế giới thấy trong khi nghèo và nợ, chúng ta - mặt không đổi sắc- vẫn có những chuyến du lịch 60 tỉ để vài người dạo chơi nước Ý đó thôi.
Thế giới thán phục thì cũng kể như cũng coi là một cái được còn gì! Xem thêm tại đây
2. Đầu tàu hỏa là một ví dụ
Một thanh niên đã chọn con đường riêng mình bằng cách lao đầu vào tàu hỏa tự tử, thưa các bạn.
Thú thật, tôi quá day dứt, không phải vì cách lựa chọn con đường cuối của anh. Mà vì sự bế tắc đã đẩy người ta vào cái thế quẫn bách. Người thanh niên - một cử nhân đại học đã không tìm được việc làm sau khi ra trường. Anh mới lập gia đình nhưng không biết làm gì để giúp đỡ những người mình yêu thương.
Không biết bao nhiêu trong số gần 300.000 cử nhân thạc sĩ thất nghiệp đầy đường đang ngày ngày lẽo đẽo vác hồ sơ xin việc và ngắm những con tàu.
 Con đường của một cử nhân đại học thất nghiệp. Ảnh Vtc
Tôi chú ý đến một comment của bạn đọc, rằng có một thực tế là nhiều người đã đổ hết tiền bạc, công sức của bản thân và gia đình vào việc học hành nhưng không tìm nổi một việc làm. Đây là nỗi đau chung của cả một thế hệ chứ không riêng một cá nhân.
Có lẽ tỷ lệ những người được đào tạo, có trình độ phải kiếm sống bằng những công việc không phù hợp sẽ còn chưa dừng lại ở đây khi những công việc phù hợp đã được giao cho những kẻ bất tài nhưng có thế lực.
Một nền kinh tế là tăng trưởng hay không, suy cho cùng, vẫn phải là đảm bảo nhu cầu “được làm một người lương thiện”, được mưu cầu hạnh phúc tưởng như là tối thiểu của dân! Xem thêm tại đây
3. 45 cuộc kiểm tra mỗi năm
Nhưng mưu cầu sao được! Nhưng lương thiện chính đáng sao nổi khi hơn 70.000 doanh nghiệp, tức là hơn 12%- phải khai tử trong năm 2015 được xem như là chuyện bình thường. Được đem so sánh với 30% ở New Dealand hay 50% ở Anh Quốc (huống chi con số 30 hay 50% này là rất đáng ngờ!)
Hôm qua, có một câu hỏi đặt ra. Vì sao gần như tuyệt đại đa số biết thế nào là liêm chính, mà họ vẫn phải sống không liêm chính với những chạy chọt, luật lá, phong bì, bôi trơn, đường vòng?
Câu trả lời, thật “xuất sắc”, là con số 45 cuộc thanh kiểm tra trong một năm mà một DN ở Quảng Bình phải chịu!
45 cuộc kiểm tra mỗi năm. Cứ hơn 1 tuần là 1 đoàn! Tôi nghĩ vị doanh nhân nọ “sinh ra trên trán đã có chữ nhẫn” mới chưa phát khùng!
Câu trả lời, là muốn có một đồng lợi nhuận, phải mất đến 0,72 đồng bôi trơn.
Nhìn từ cái chết của hơn 70 ngàn DN. Nhìn từ cái lý do “nhổ bọt, chửi thề” của vị giám đốc nọ, có lẽ, những bi kịch đường tàu có lẽ chưa dừng lại đâu!
Link cho mục này: Xem thêm tại đây 
Xem thêm tại đây 
Xem thêm tại đây 
4. Cởi ra - Ném vào
Trong khi đó, có những chuyện ngôn tình chịu không thấu.
Vụ tham nhũng tại Agribank có những tình tiết hay ho đẹp đẽ, giàu trí tưởng bở mà Kim Dao, Kim Dung cũng không thể tưởng tượng ra nổi.
Đây! Cựu TGĐ Agribank viết ngôn tình”: Một lần, chị H đi nước ngoài về biếu 1.000 USD. Một lần, khi đang đi trên đường thì nhận được điện thoại. 2 thanh nhiên sau đó đưa “quà” qua cửa sổ ôtô. Đếm lại thì thấy có 50.000 USD.
Tổng cộng, có 60.000 thôi chứ không phải là 300.000
Mà đấy, lỗi là tại bọn nó ném tiền vào ôtô đấy chứ.
5. Mần kiểu “nông dân”
Dạo này, sau những ca “điên”, lại có thêm những ca tâm thần sau khi… làm việc với công an.
Sự việc vừa xảy ra ở Tiền Giang. Đại ý, một thanh niên được “mời đến” trụ sở CA để lấy lời khai.
Không biết trong 8h đó, anh được nghe những câu chuyện hay ho cảm động nào mà bỗng nhiên thì lăn ra đất giãy đành đạch rồi co giật, rồi bất tỉnh!
Tôi đoán chắc nay mai CA sẽ giải thích anh này trúng gió!
Thấy bụng, cổ con mình có vết bầm tím như là… cạo gió, gia đình yêu cầu khám thương, và 7 tháng sau, giấy khám thương mới được cấp!
 Nạn nhân cho biết bị bắt phải cởi quần, cởi áo giữa đường. Ảnh Dân Trí
Vị trưởng CA huyện trả lời báo chí cũng có la mắng anh em công an giữ người suốt 7-8 tiếng đồng hồ không cho ăn uống, trong khi “lại bỏ đi uống rượu bia” là không được.
Tuy nhiên, đối với các vết thương gia đình tố do CA đánh thì ông bảo “Mình có thể nghi ngờ nhưng phải căn cứ vào chứng cứ. Kết luận giám định tỉ lệ giám định thương tích là 0% nên không xử lý”. Đại ý, thôi thì… anh em làm kiểu “nông dân”
Tóm lại, các cụ bảo rồi: Có mà kiện củ khoai. Chứng cứ đâu!
Phải uống thuốc tâm thần sau khi làm việc với công an. Ảnh PLO
Nhưng còn “kiểu nông dân”. Thế nào là kiểu nông dân, thưa các bạn? Xem thêm tại đây
6. Giải con ruồi trương
Họa sĩ Mớ, nhân sự cố trao nhầm vương miện tại Hoa hậu Hoàn vũ, có một biếm họa tuyệt vời về lễ trao giải “Cống hiến lớn 2015”.
Dù là năm mùi, nhưng anh Dê đương nhiên không ăn giải và không phải bàn ra tán vào nhiều, anh Ruồi ăn đứt giải này trong sự tâm phục khẩu phục của cử tọa.
Nhưng tôi nghĩ, ngoài cái giải “con ruồi trương” này cũng phải có thêm 2 giải phụ. Người đàn ông bán hàng giỏi nhất hành tinh, cho cái anh gì định bán chai nước có ruồi với giá 500 triệu đồng. Và giải nghề nguy hiểm cho các đại lý của Tân Hiệp Phát.
Hôm qua, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết về những người khách ngoại ô vừa kéo ghế ngồi vừa kêu nước “Cho cái gì uống đi, cái gì cũng được miễn không phải là đồ của Tân Hiệp Phát”. Và cái anh chủ quán nhỏ tẹo ấy nói: “Thôi giã từ luôn cho khỏi phiền!
Đấy là một thái độ, hoặc một phản ứng khi “Từ 2011, công lý đã chìm ngập trong màu nước ngọt có ruồi”.
Con ruồi lên bìa báo TTC
Hôm qua, Cà Mau ra quyết định xử phạt 16,5 triệu đồng một đại lý của Tân Hiệp Phát vì lỗi không kho lạnh, không phương tiện khử trùng!
Bá đạo thật. Sao họ không phạt luôn lỗi không có màn chống ruồi cơ chứ!
Thế giới này tôi đã đi ngàn dặm. Còn có thể nhiều hơn cơ. Nhưng vì ruồi mà anh ruồi ngồi chăn ruồi nhà đá. Quả tôi chưa thấy bao giờ.
Con ruồi nếu có trở thành nhân vật của năm có lẽ, cũng chẳng có gì là lạ cả!
Link trong mục này: Xem thêm tại đây
Xem thêm tại đây 
Xem thêm tại đây 
7. Con số hôm nay: 8 đời Bí thư, 8 đời Chủ tịch vẫn chưa xong một con đường 1,5 km
Thưa các bạn, tin khó tin hôm nay xin dẫn ra một con số mà thú thật là tôi không biết bình luận thế nào cho phải đạo nữa.
Ở Thái Nguyên, một con đường dài 1,5 km sau 8 đời Bí thư, 8 đời Chủ tịch với 27 năm lập kế hoạch và thi công cho đến giờ vẫn chưa hoàn thành!
Bạn sẽ thấy trong bài báo nhỏ này vô số những chủ quan, khách quan. Nhưng tôi tin, nó chưa hoàn thành cũng là… đúng quy trình. Xem thêm tại đây
Nguồn: http://laodong.com.vn/tin-kho-tin/tin-kho-tin-8-doi-bi-thu-8-doi-chu-tich-van-chua-xong-mot-con-duong-chi-co15-km-411468.bld

Hùng hậu tiến sĩ, thế giới vẫn không rõ VN đang làm gì?

Hơn lúc nào hết, các nhà khoa học phải tiên phong, tăng cường hơn nữa đưa kết quả nghiên cứu của mình ra quốc tế thay vì cứ ngồi tận hưởng thành quả của thế giới.
Mới đây, phát biểu tại lễ  khởi động dự án Tổ hợp không gian khoa học tại Bình Định, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu ấn tượng, trong đó ông nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học trong sự phát triển của một quốc gia[1]. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh “làm khoa học thì không chờ đợi, lưỡng lự”.
Có rất nhiều thông điệp ẩn chứa sau lời phát biểu súc tích này. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề cho các nhà khoa học nói chung, các nhà khoa học xã hội nói riêng.
Khoa học vì cái gì?
Trong hình dung của không ít người, khoa học dường như là cái gì xa xôi, trừu tượng. Nhưng thực chất, khoa học xét cho đến cùng vẫn là để phục vụ cuộc sống của đại bộ phận nhân dân. Nó phải giúp họ có thêm nhận thức, công cụ, điều kiện, cơ hội cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chính vì thế, tính ứng dụng, khả thi, hiệu quả, bền vững của một công trình phải được coi là quan trọng hàng đầu.
Việc xác định những mục tiêu trên có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình lựa chọn vấn đề, nội dung, phạm vi, phương pháp cho từng nghiên cứu cụ thể. Điều đáng buồn là những mục tiêu tưởng chừng như căn cốt, ai cũng biết này dường như đang bị lãng quên.
Không ít luận án, đề tài nghiên cứu cứ “đua” nhau chọn những vấn đề chung chung, sáo mòn, thiếu tích thực tế, không thể ứng dụng vào cuộc sống. Điều đó thể hiện ở thực trạng có nhiều đề tài khoa học phải “xếp ngăn kéo” dù cho Chính phủ dành ngân sách 3.000 tỷ đồng mỗi năm cho nghiên cứu khoa học[2].
Nếu đọc các luận án tiến sĩ, các báo cáo đề tài khoa học các cấp, người ta dễ nhận ra có riêng một chương để “bàn luận” và “kiến nghị”. Điều đáng nói là những kiến nghị đưa ra quá chung chung đến độ có thể sử dụng chúng cho nhiều luận án, báo cáo sau này. Hơn nữa, những kiến nghị này thường không được gửi đến địa chỉ cụ thể, cứ như thể tác giả đang kiến nghị với… chính bản thân.
khoa học, Phó Thủ tướng, Vũ Đức Đam, nghiên cứu, tiến sĩ, Ngân sách, bài báo khoa học, công bố quốc tế, sổ hưu
Khoa học xét cho đến cùng vẫn là để phục vụ cuộc sống của đại bộ phận nhân dân. Ảnh minh họa. Nguồn: Vnu.edu.vn
Khoa học phải làm ra tiền
Đúng là với KHXH, việc “lượng hóa” những đóng góp cụ thể cho xã hội không dễ, bởi chúng cần thời gian kiểm chứng. Đã có nghiên cứu chỉ được ghi nhận giá trị sau hàng chục năm. Đây là thực tế chung trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ được quyền sao nhãng trách nhiệm đối với khả năng ứng dụng từ các nghiên cứu của chính mình. Tiền ngân sách là tiền thuế của dân được dùng để chi trả cho nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ lại cuộc sống chứ không phải để “xếp ngăn kéo” hay tô hồng lý lịch khoa học của ai đó.
Sự tham gia tích cực của các nhà khoa học vào dự án phát triển là vô cùng cần thiết. Nó vừa giúp cải thiện thu nhập cho họ, vừa giúp ích cho cộng đồng, đất nước. Điều đáng buồn là số lượng nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu ứng dụng dạng này chưa nhiều. Nguyên nhân đa phần là do họ quá “kinh viện”, dẫn đến tình trạng “thừa chuyên gia, thiếu chất xám” như báo chí từng chỉ ra.
Các nhà khoa học cũng cần chủ động, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong và ngoài nước  hay “chào hàng” thành quả nghiên cứu của mình tới khách hàng tiềm năng thay vì thụ động chờ đợi ngân sách từ nhà nước. Một nhà khoa học giỏi hiện nay phải biết tự tìm kiếm nhà tài trợ, đưa kết quả nghiên cứu của mình ra thị trường, chứ không chỉ đơn thuần giam mình trong thư viện, ngủ vùi trên những báo cáo phủ bụi cùng năm tháng.
Khoa học không có biên giới
Một nền khoa học phát triển nhất thiết phải được thế giới biết đến và cách cụ thể nhất là số lượng công trình in trên các tạp chí, nhà xuất bản có uy tín quốc tế. Thế nhưng, kết quả một cuộc điều tra cho thấy, trung bình một năm, các nhà khoa học nước ta chỉ có 345 công trình được in trên các tạp chí quốc tế, trong khi tỷ lệ bài được trích dẫn cũng rất thấp[3].
Đặt con số này bên cạnh “lực lượng” hùng hậu các tiến sỹ, các cơ sở nghiên cứu khoa học nước nhà người ta không thể không hỏi họ đang làm gì? Không khó để tìm nhiều vị đến lúc cầm sổ hưu vẫn chưa có nổi một công trình in ở nước ngoài dẫu rằng đã chủ trì, tham gia hàng chục đề tài, dự án…
Đứng ngoài xu thế hội nhập khiến chúng ta tụt hậu với nền khoa học chung của nhân loại, khiến bên ngoài cũng không hiểu ta đang làm gì, ở đâu. Hơn lúc nào hết, các nhà khoa học phải tiên phong, tăng cường hơn nữa đưa kết quả nghiên cứu của mình ra quốc tế thay vì cứ ngồi tận hưởng thành quả của thế giới. Có thế, họ mới phải nghiêm túc hơn với chất lượng nghiên cứu của bản thân.
Để khoa học không chờ đợi…
Ở chiều kích khác, Chính phủ cũng cần sớm dỡ bỏ các quy định không còn phù hợp liên quan đến giới hạn ngân sách, thủ tục thanh quyết toán, quy trình phê duyệt, giới hạn đối tượng, loại bỏ tiêu chí phẩm hàm hay tư tưởng bình quân chủ nghĩa…
Điều đó sẽ giúp các nhà khoa học đỡ phải nói dối trong việc hoàn thiện các thủ tục tài chính, hành chính như hiện nay[4]. Thêm vào đó, tính minh bạch, công bằng, hiệu quả, thực tế, thiết thực của các nghiên cứu khoa học sẽ được cải thiện, có đóng góp cụ thể, hữu hình vào sự phát triển, hội nhập của nước nhà.
Nếu cơ chế cứ buộc các nhà khoa học dàn hàng ngang cùng tiến, đi theo những lối mòn cũ kĩ, nền khoa học của chúng ta sẽ mãi chỉ lầm lũi đi bộ sau những bước chạy nước rút của các nền khoa học trên thế giới.
Nguyễn Công Thảo 
-------
[1] Khởi công Dự án Tổ hợp Không gian khoa học tại Bình Định, Dân trí, 20/07/2015. 
[2] 3.000 tỉ/năm cho nghiên cứu khoa học: Nhiều nghiên cứu... xếp xó, Thanh niên, 12/06/2015. 
[3] Nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thủ đô, Nghiên cứu văn hóa số 6, huc.edu.vn.
[4] Khi nhà khoa học không còn phải nói dối, Tiền phong, 16/7/2015.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/251719/hung-hau-tien-si-the-gioi-van-khong-ro-vn-dang-lam-gi.html

Chủ tịch Sang ‘day dứt’ trước tham nhũng

Chủ tịch nước Việt Nam nói tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân và việc qui trách nhiệm cá nhân không rõ đang tạo ra bức xúc trong xã hội.
Trả lời phỏng vấn dành cho báo chí trong nước, Chủ tịch Sang nhận xét rằng thực trạng tham nhũng, lãng phí làm giảm hiệu quả đầu tư, giảm chất lượng công trình, làm hư hỏng cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Trương Tấn Sang được TTXVN dẫn lời mô tả kỳ vọng đối với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng là phải ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái, tiêu cực này.
Thực trạng suy thoái trong cái “bộ phận không nhỏ” được Chủ tịch Sang nhắc lại và ông cũng đề cập tới việc trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan.
“Hiện nay, ở các cấp, các ngành, trách nhiệm tập thể nhìn chung là rõ, còn trách nhiệm cá nhân chưa rõ. Không chỉ trong công tác cán bộ mà nhiều lĩnh vực khác cũng vậy.
“Hạn chế hiện nay là cả trong chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, những quy định về trách nhiệm cá nhân còn chưa đầy đủ.
“Chính từ đó cho nên có chuyện gì xảy ra, ưu điểm thì dễ tìm còn khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân tìm vô cùng khó. Còn có cả nguyên nhân là các cơ quan quản lý cán bộ không đánh giá đúng cán bộ, nể nang, né tránh. Phải sửa điều đó và thực hiện nghiêm túc các quy định khi đã ban hành” ông Sang nói.
Ông Trương Tấn Sang, người được giới quan sát đánh giá là “đối thủ” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từng dẫn chiếu tới ông Dũng với tên gọi “Đồng chí X” khi ông Dũng bị Bộ Chính trị bỏ phiếu nhất trí kỷ luật ông.
Tuy nhiên trong một bước được xem là ngoạn mục, Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ phiếu không tán thành việc kỷ luật, dẫn tới việc Thủ tướng Dũng thậm chí còn đạt “phiếu tín nhiệm” cao khi được khảo sát sau đó.
Nguồn:  http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/151230_truongtansang_comment

Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử Quốc hội

TTO - Nhiều đại biểu Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã dành thời gian thảo luận việc khám sức khỏe đại biểu tại buổi thảo luận dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội chiều 5-11.

   Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng
"Tâm thần không ổn định sẽ khó lường"
Đại biểu Trần Du Lịch bắt đầu vấn đề này bằng đánh giá: “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được”.
Ngay lúc đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) xin cắt lời: “Tôi đề nghị ứng viên phải khám sức khỏe. Đặc biệt là sức khỏe tâm thần”.
Câu chuyện bàn về dự án luật này càng trở nên rôm rả khi đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải luật hóa về tiêu chuẩn sức khỏe và lý lịch tư pháp.
“Khám sức khỏe để ứng cử ĐBQH không phải như khám để thi bằng lái xe. Tôi để nghị phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Sau đó đạt chuẩn mới cho ứng cử” - đại biểu Nghĩa nói.
Lý giải cho quy định “ngặt nghèo” này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm là rất dài. Nếu thần kinh, tâm thần không ổn định thì sẽ rất khó lường.
Ngoài vấn đề này, các đại biểu TP.HCM cũng đề nghị loại bỏ việc đi bầu giùm. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị người đi bầu phải trình thẻ cử tri và giấy tờ tùy thân chứng minh đó là mình. Tránh việc, sắp hết giờ bầu cử đi gõ cửa từng nhà, một người bầu chung cho cả xóm.
“99, 100% chẳng để làm gì nếu bầu giùm, bầu kém chất lượng”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề xuất đối với đại biểu Quốc hội trước khi tham gia nghị trường phải có giấy khám sức khỏe, để làm sao chứng minh đại biểu đó có đủ điều kiện tham gia các hoạt động ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
“Anh phải có đủ sức khỏe để ngồi trường kỳ khi thực hiện nhiệm vụ của mình chứ” - ông Khanh nói.
Cần có Hội đồng bầu cử quốc gia
Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội) cho biết một trong những điểm mới của dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND là quy định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
Theo ông Mạnh, Hiến pháp cũng đã quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Đồng tình với việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, tuy nhiên ông Mạnh băn khoăn dự thảo Luật chưa quy định rõ Hội đồng này hoạt động thường xuyên hay kiêm nhiệm?
“Theo tôi đã đến lúc chúng ta cần có một cơ quan bầu cử chuyên môn, độc lập. Có ý kiến nói là 5 năm chỉ bầu cử một lần, nếu thành lập cơ quan chuyên trách thì lãng phí. Tuy nhiên việc tổ chức bầu cử 5 năm một lần chỉ là một trong những nhiệm vụ của Hội đồng, ngoài ra Hội đồng còn có các nhiệm vụ khác” - ông Mạnh nói.
Ông Mạnh giải thích Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ chính là tổ chức bầu cử 5 năm một lần, ngoài ra hàng năm xuất hiện những đơn vị bầu cử bị khuyết đại biểu do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ như bị Quốc hội bãi miễn, không đủ sức khỏe để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu,… chính vì vậy cần có Hội đồng để đứng ra tổ chức bầu cử ở những đơn vị khuyết đại biểu.
Việc bầu cử bổ sung đó sẽ giúp cử tri ở các đơn vị khuyết đại biểu tiếp tục có người đại diện cho mình ở cơ quan dân cử, tạo sự công bằng giữa các đơn vị bầu cử.
Một lý do cần thiết khác có Hội đồng bầu cử quốc gia hoạt động chuyên trách theo ông Mạnh là để tuyên truyền thường xuyên cho cử tri về quyền bầu cử của mình.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng dự thảo Luật quy định số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia từ 15-21 thành viên là hơi nhiều và khoảng cách rộng, chỉ nên từ 15-17 thành viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đề nghị tránh việc một ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải “gánh” quá nhiều cơ cấu, vì “gánh” quá nhiều cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu.
Bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) nói với đặc thù nước ta thì không thể không có việc cơ cấu đại biểu, nhưng phải quy định sao để cơ cấu chỉ là một trong những tiêu chí, trong cơ cấu đó phải lựa chọn người tốt nhất thì mới thỏa được yêu cầu của cử tri.
VIỄN SỰ - V.V.THÀNH
Nguồn:  http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141105/dung-de-nguoi-benh-tam-than-ung-cu-quoc-hoi/667723.html