Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Những công thức tốt để phát triển

Christian CHAVAGNEUX
Phát triển các nước phương Nam? Không có điều gì dễ hơn, IMF và Ngân hàng Thế giới khẳng định: các chính sách tự do, quản trị tốt và thế là xong. Bằng chứng: đây là cách thức mà nước Anh, ngày hôm qua, và Hoa Kỳ, ngày nay, đã trở thành bá chủ của thế giới. Hoàn toàn sai, Ha-Joon Chang, một nhà kinh tế tại Đại học Cambridge, đáp lại.
Từ lâu, các nước công nghiệp hóa lớn đã không chỉ coi thường chủ nghĩa tự do, mà đã tỏ thái độ từ một cấp độ phát triển các thể chế của họ mà ngày nay được coi là thảm hại. Thử lấy ví dụ của nước Anh. Cho đến giữa thế kỷ XIX, các ngành công nghiệp đã được xây dựng từ các chính sách thuế quan đặc biệt cao, như nhà sử học Paul Bairoch đã chỉ ra, và là người mà Chang lấy cảm hứng nhiều nhất. Và việc bãi bỏ Luật ngũ cốc (Corn Law) nổi tiếng vào năm 1846 (mở đường cho việc nhập khẩu nông sản) là bước đầu tiên cho một sự mở cửa dần dần nền kinh tế... một điều bị bắt đầu đặt lại vấn đề từ những năm 1880.
Paul Bairoch (1930-)

Cũng tương tự đối với Hoa Kỳ, nước chỉ thực sự bắt đầu mở cửa nền kinh tế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trước đây, nền kinh tế Mỹ là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 1800-1920, trong khi vẫn là một nền kinh tế bảo hộ nhất. Và sự can thiệp của nhà nước không dừng lại ở đó: tài trợ cho công tác nghiên cứu nông nghiệp, phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, v.v.. Người ta còn xa lạ với các khái niệm Nhà nước tối thiểu và mở cửa thương mại bắt buộc mà IMF và Tổ chức Thương mại Thế giới đã yêu cầu!
Ngoài ra, một khi đã thiết lập được ưu thế, nước Anh tìm cách ngăn cản sự phát triển của các nước thuộc địa của họ (đặc biệt là Hoa Kỳ) bằng cách làm cho những nước này quanh quẫn trong việc xuất khẩu các sản phẩm sơ cấp. Đối với những nước độc lập hơn, nước Anh đã sử dụng quyền lực chính trị của mình để buộc họ ký kết các hiệp định thương mại tự do, áp đặt các mức thuế quan thấp đối với các sản phẩm của nước Anh (điều mà ngày nay Hoa Kỳ đòi hỏi qua sự trung gian của các định chế quốc tế...). Đối với các nước đối thủ cạnh tranh, nước Anh tìm cách ngăn chặn sự ra đi của các kỹ sư và các máy móc thiết bị của họ sang các nước khác (để đáp trả lại phát triển hoạt động gián điệp công nghiệp, mua chuộc các nhân viên kỹ thuật bỏ việc...). Từ đó mà phát sinh ý tưởng chủ đạo của Chang: các nước giàu nhất luôn tìm cách rút cầu thang dưới chân những nước có thể leo lên con đường giống họ để bắt kịp họ.
Ha-Joon Chang (1963-)
Điều này đúng với các chính sách thương mại: các nước phương Nam bị ngăn cản thực hành chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp của một Nhà nước mạnh, điều đã giúp các nước lớn hiện nay phát triển. Điều này cũng đúng ở cấp độ thể chế. Lướt qua trạng thái của các thể chế chính của các nước giàu có tại thời điểm phát triển của họ, Chang chỉ ra một nền dân chủ không có thật hoặc mang tính cục bộ, vị trí thẩm phán được mua bán bởi những người giàu nhất, quyền sở hữu trí tuệ chỉ mới trỗi dậy, sự hình thành các tập đoàn nhiều vô kể, hầu như không có các ngân hàng, các ngân hàng trung ương tối thiểu và chịu ảnh hưởng nặng nề của thế lực chính trị, nguồn thu về thuế thấp, v.v.. Toàn những điều trái với các chuẩn mực của quản trị giỏi! Theo nguyên tắc "làm theo những gì tôi nói và không làm theo những gì tôi làm", người ta muốn các nước phương Nam tái tạo lại – và gần như tức thì – những thể chế mà các nước giàu ngày nay đã mất hàng thế kỷ để xây dựng và nay hiện lên như là kết quả hơn là nguyên nhân của sự phát triển đó. Vì sao? Tác giả cho biết: Lại một cách khác nữa để rút cầu thang dưới chân các nước phương Nam.
Ha-Joon Chang vẫn tỏ ra khiêm tốn. Ông chưa bao giờ quên nhấn mạnh đến những điểm yếu của dữ liệu này hay, của một so sánh khác, và đến tầm quan trọng của các lịch sử quốc gia. Nhưng quan điểm lịch sử về các điều kiện mà các thể chế quốc tế đã áp đặt cho các nước phương Nam, theo những chính sách hoàn toàn ngược lại với những gì mà các nước giàu ngày nay đã thiết lập ưu thế của họ, là một luận cứ then chốt trong cuộc tranh luận.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les bonnes recettes du développement, Alternatives Economiques n° 206, septembre 2002.
Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/2016/02/nhung-cong-thuc-tot-e-phat-trien.html

Tiệc mừng thăng chức và đạo đức quan trường

Lao Động
Nguyễn Duy Xuân
27-2-2016
Ảnh: báo Zing
Ảnh: báo Zing
Một vị phó giám đốc sở vừa nhậm chức mới được 2 ngày đã tổ chức tiệc mừng tưng bừng, hoành tráng với đầy đủ biểu ngữ, phông màn, sân khấu ca nhạc tại nhà khách tỉnh.
Đấy là câu chuyện đang khiến dư luận sôi sùng sục khi báo chí đăng tải thông tin ngày 26.2.2016.
Tân phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhận quyết định bổ nhiệm hôm 23.2 thì tối 25, bạn bè thân hữu đã tổ chức tiệc chúc mừng và giao lưu. Đấy là cách giải thích của ông Hồ Ngọc Sỹ – Giám đốc Sở, sếp của ông Hiếu.
Nhưng trên tấm panô treo trang trọng trên sâu khấu của đêm tiệc mừng – giao lưu này lại ghi:
“Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An – Đêm giao lưu chúc mừng đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Tỉnh uỷ viên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT”.
“Giấy trắng mực đen”, thật khó có lời nào để biện minh cho việc tổ chức tiệc mừng linh đình này.
Thứ nhất, đại tiệc này đã được chuẩn bị, sắp đặt trước, không thể nhất thời hứng khởi kéo nhau ra nhà hàng là được. Muốn có tấm phông hoành tráng treo trên sân khấu như trong ảnh thì phải trải qua nhiều công đoạn, từ thiết kế, phê duyệt, in ấn, cho đến việc leo trèo treo lên.
Thứ hai, tiêu ngữ trên tấm phông đã nói lên tất cả: “Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An”. Chẳng ai dám tự tiện gắn cái mác này cả. Phải có người đứng ra tổ chức chứ, mà là cấp có thẩm quyền đấy nha. Và đây, bà Chánh Văn phòng kiêm Kế toán trưởng Sở đã xác nhận, buổi lễ do Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đứng ra tổ chức. Thế cho nên đây cũng không phải là cuộc nhậu “cho vui” như tân phó giám đốc sở nói, nó đã được nâng lên tầm rất cao: “Đêm giao lưu chúc mừng đồng chí…”. Chỉ thiếu mỗi món… truyền hình trực tiếp nữa thôi nhé!
Thứ ba, về chuyện tiền nong cho cuộc lễ, bà Chánh Văn phòng kiêm Kế toán trưởng Sở đã xác nhận ””Buổi tiệc đã xong nhưng chưa thanh toán tiền và chưa biết lấy từ nguồn kinh phí nào”. Nghĩa là sở sẽ chịu chi. Nghĩa là thuế của dân phải đóng. Còn như lí giải của ông GĐ sở rằng thì là “bạn bè” góp “vốn” nhưng nhìn cái cụm từ ghi chức danh to nhất của người được mừng “Tỉnh uỷ viên” khiến người ta phải suy nghĩ, bởi tân phó GĐ sẽ là GĐ trong nay mai thôi.
Đấy là lạm bàn tí cho vui chứ nói gì thì nói, không thể chấp nhận cách hành xử như thế này của lãnh đạo sở NN&PTNT Nghệ An được. Chuyện tiệc mừng thăng quan tiến chức không ai cấm nhưng đấy là ở nhà các vị trong phạm vi của gia đình. Còn đây mang danh cơ quan, phô ra giữa bàn dân thiên hạ… nhằm mục đích gì?
Đất nước mình quan chức cỡ như ông tân phó GĐ sở trở lên kể có hàng vạn. Ai thăng chức mà cũng tổ chức tiệc mừng hoành tráng, tưng bừng như thế, đất nước này sẽ đi về đâu? Người dân sẽ nghĩ gì về các ông?
Chắc các ông biết rõ hơn ai hết, tỉnh nhà vừa nhận 3.600 tấn gạo cứu đói khẩn cấp cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa rồi bởi các ông là lãnh đạo ngành nông nghiệp của tỉnh mà?
Chắc các ông cũng đọc báo xem đài, lên mạng để biết được ít nhiều những việc làm đang khiến cả cộng đồng ngưỡng mộ và đồng tình ủng hộ của những vị lãnh đạo như tân Bí thư Đinh La Thăng? Đất nước đang chuyển mình với những cán bộ vì dân hành động như thế, lẽ nào các ông vẫn còn đắm mình trong vòng mê muội của danh lợi và nịnh bợ?

Đi chùa vái Phật thế nào cho đúng?

Đi lễ chùa vái Phật thế nào cho đúng?
Đi lễ chùa vái Phật thế nào cho đúng?

Đầu xuân năm mới cũng là lúc nhiều người bỏ công bỏ việc, chẳng quản đường sá xa xôi mà đi lễ đền lễ chùa để cầu tài cầu lộc, cầu bình an, không cầu cho mình thì là cho người thân, gia quyến.
Mỗi người một kiểu, có người vái tới rồi vái lại “cho chắc,” có người xá xá cho qua lệ… mà không hay rằng mình đã sai.

Vái Phật mà không tin Phật thì cũng là phỉ báng Phật

Theo Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: “Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai vậy.”
Thật vậy, người bình thường, ai cũng mong có cuộc sống bình an, “vạn sự như ý,” nhưng trong Phật gia đã từng giảng: “làm người là khổ,” cuộc đời là bể khổ, không có khổ này cũng sẽ là khổ khác. Nhiều lúc chính là đang chịu khổ, chịu mê mà cũng không biết đó là khổ. Do vậy các vị Đại Giác giả mới xuất phát từ lòng từ bi, từ sự thương xót con người mà truyền Đạo, giảng Pháp mở đường dẫn chúng sinh về cõi giải thoát khỏi sự luân hồi bể khổ đó. Nếu ở thế gian này đã là sung sướng rồi, cầu gì được nấy, vạn sự như ý thì cũng sẽ chẳng còn ai phải giải thoát đi đâu nữa.
Kinh sách nhà Phật giảng rất nhiều về nhân quả và duyên phận. Mọi chúng sinh và vạn vật trong vũ trụ này đều không thoát khỏi luật nhân quả. Theo đó mọi chuyện xảy ra với mình đều là nhân duyên của chính mình gây nên. Làm việc thiện sẽ kết thiện duyên, làm điều ác sẽ kết ác duyên. Đối với ai cũng vậy, tất cả những bất hạnh hay may mắn của bản thân đều là do những việc mình cố ý hay vô ý đã làm trong quá khứ, có thể là đời này, có thể là đời khác… mà thành. Ý nghĩ xấu, lời nói không tốt, hành động xấu… đến lúc sẽ tạo nên quả xấu, tự mình phải gánh chịu. Do đó, giải hạn, cầu may… không phải là điều Đức Phật dạy.
Chỉ khi con người rung động trước Phật Pháp, xuất tâm tu dưỡng tâm tính đạo đức của mình, thì khi đó các Giác Giả mới có thể giúp. Vậy nên nếu chỉ cầu Phật, xin được cái này cái kia mà không thành tâm thay đổi hướng về lương thiện, thì cũng tựa như tội phỉ báng Phật. Đặc biệt khi cầu không được rồi xuất niệm trách móc, ăn nói hàm hồ hay báng bổ Thần, Phật thì tội nghiệp còn lớn nữa.

Phỉ báng Phật Pháp, tội nặng như núi

Trong «Tây Du Ký» hồi thứ 100 “Kính hồi Đông Thổ, Ngũ thánh thành chân” có đoạn bốn thầy trò Đường Tăng được Phật Như Lai thụ phong. Khi đó Phật Như Lai nói: “Thánh tăng, kiếp trước con nguyên là đồ đệ thứ hai của ta, tên gọi là Kim Thiền Tử. Bởi vì con không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo của ta, cho nên bị đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ.
Phật Như Lai không vì Kim Thiền Tử là đồ đệ thứ hai của mình mà có thể thiên vị bỏ qua cho tội không nghe giảng Pháp và khinh thường Phật Pháp được, nên phải đánh hạ Kim Thiền Tử xuống.
Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại Đường liền bắt đầu trải qua kiếp nạn. Vừa mới sinh ra đời thì cha đã bị giết, mới vừa đầy tháng mẹ cậu bé đã phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối. Lớn lên đi tìm họ hàng báo oan chẳng hề dễ dàng, về sau trên con đường phản bổn quy chân đi Tây Trúc thỉnh kinh phải trải qua muôn vàn sóng gió, hết tai này đến nạn kia. Mỗi khi gặp khó nạn chỉ cần trong tâm thoáng có niệm không chính, tâm cầu Pháp có một chút thiếu kiên định thôi thì đều phí công nhọc sức, lại còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Bốn thầy trò Đường Tăng kiên định tâm cầu Phật Pháp, bất kể phía trước có điều gì khó khăn hiểm nạn đều không thể nào ngăn cản nổi bốn người tiến bước về Linh Sơn cõi Phật. Trải qua 81 nạn mới trở về lại được thế giới Phật, có thể thấy muốn tiêu trừ nghiệp xấu gây ra do tội coi thường Phật Pháp là rất gian nan.
Do đó trong văn hóa truyền thống đều răn dạy con người phải biết kính Trời, kính Phật, không được coi thường kinh thư hay hãm hại những người tu luyện chân chính. Trước Phật Pháp, mỗi người đều bình đẳng, ai không kính trọng Phật Pháp thì kết quả đều như nhau. Thực ra không phải Trời Phật trừng phạt họ, mà tự đã có quy luật nhân quả bao trùm chúng sinh vạn vật. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo!
Hà Phương Linh

Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều?

(ĐSPL) – Mỗi từ, mỗi câu trong Truyện Kiều là mỗi viên ngọc long lanh trong kho tàng ngôn ngữ và văn chương Việt Nam, điều đó có lẽ không cần phải bàn. Nhưng nay có lẽ phải bàn lại vì có người… chê dở, và đã sửa tới 1/3 tác phẩm!
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua mỗi cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Mỗi người thứ có thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”
Đọc những câu thơ trên, ắt hẳn người ta sẽ nghĩ: “Sao mang máng như Truyện Kiều, mà sao hình như không phải Truyện Kiều?
   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 1
Ngôn từ Truyện Kiều đang bị người ta dùng bạo lực can thiệp! (Ảnh minh họa)
1/3 kiệt tác bị sửa!
Vâng, nói sao cũng đúng. Là Truyện Kiều cũng đúng, bởi cái gốc là đại thi hào Nguyễn Du viết ra. Nhưng nói không phải Truyện Kiều cũng không sai, vì nó đã được/bị ông Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư, sửa đi rồi.
Ngay những câu đầu tiên mở đầu kiệt tác, đã bị ông Đỗ Minh Xuân chọc bút vào. Một câu ông sửa một từ (Trải qua mỗi cuộc bể dâu); còn một câu ông thay đổi hoàn toàn. Chắc chắn những người đã thuộc câu thơ lấp lánh ánh ngọc “Lạ gì bỉ sắc tư phong” của đại thi hào, nay trở thành “Mỗi người thứ có thứ không”, có lẽ không thể nào không bị… sốc phản vệ!
Chuyện cứ tưởng như đùa nhưng lại là có thật 100% ở xứ ta! Xin đừng nóng vội, “dẽ cho thưa hết một lời đã nao” (Kiều - Nguyễn Du). Đó là trong cuộc hội thảo Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ - Từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới, tổ chức vào ngày 15/12/2012 tại khu di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh), mỗi đại biểu tham dự được phát một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do Đỗ Minh Xuân khảo dịch - NXB Văn hóa - Thông tin in năm 2012. 
Ông Đỗ Minh Xuân, được biết là một kỹ sư. Không rõ kỹ sư gì, nhưng thông thường danh từ này dành cho giới kỹ thuật, khoa học tự nhiên. Thế nhưng ông đã “dày công nghiên cứu, nghiền ngẫm, đối chiếu, so sánh…”, và ông đã sửa hơn 1.000 chỗ trong Truyện Kiều như thế.  Cứ cho là mỗi đơn vị sửa sẽ rơi vào 1 câu, thì với  Truyện Kiều 3.524 câu, ông Xuân đã sửa đến 1/3 kiệt tác của đại thi hào!
Thật là ngạc nhiên, chưa nói là việc này có giúp làm cho tác phẩm hay hơn hay dở hơn, thì việc sửa tác phẩm của người khác là điều xưa nay chưa bao giờ có trong giới văn chương và kể cả các lĩnh vực học thuật khác. Trước hết, bởi quyền tác giả và trí tuệ của tác giả đã bị xâm phạm.
Lý do ông Xuân đưa ra là, vì người đọc Truyện Kiều ngày nay, không còn thịnh như trước đây do rào cản về điển tích, từ Hán, từ cổ, từ địa phương…, trong khi đó chữ nghĩa của Truyện Kiều lại rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh…, nên ông sửa lại cho phù hợp!
Cười đến… dào mạch Tương!
Nói vòng vo không bằng chỉ ra trực diện. Ngoài câu mở đầu “Lạ gì bỉ sắc tư phong” lấp lánh ánh văn chương đã bị hãm hiếp bởi câu “Mỗi người thứ có thứ không” đầy cục súc, thì hàng loạt câu, từ, điển cố điển tích… đã bị ông kỹ sư này ra tay sát hại không thương tiếc. Chiếc cầu Lam, được gọi là “Lam kiều” một cách thướt tha sang trọng trong câu “Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”, được ông thay bằng từ “đánh liều”, thì quả thật không có sự… liều mạng nào bằng!
“Thời trân” thì sửa thành “quả ngon”, “sẵn bày” thành “xách tay”, nên câu thơ miêu tả hành động của Thúy Kiều, một người con gái khuê các với mỗi động tác đều dịu dàng thanh nhã, cao sang “Thời trân thức thức sẵn bày”, thành ra một hành động dung tục “Quả ngon thức thức xách tay”! Nghe cứ như là nàng Kiều đang ăn trộm trái cây nhà mình cho vào giỏ rồi lén lút mang sang cho tình lang Kim Trọng!
   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 1
Trộm nghe thơm nức hương lân,"Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều"! (Đỗ Minh Xuân)
Nhưng chưa! Điều đáng sợ là ông Xuân… sợ điển cố điển tích, nên cứ gặp điển cố là ông cố tình gạt ra và thay vào đó là thứ từ ngữ dung tục của ông! Cái đài Đồng Tước mà Tào Tháo xây lên để tính vui thú với 2 nàng con gái sắc nước hương trời Đại Kiều và Tiểu Kiều - vợ của Tôn Sách và Chu Du - hiện lên trong câu thơ của đại thi hào một cách nên thơ, đẹp đẽ và sang trọng:
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều”
đã bị ông Xuân hô biến thành “Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều”, nghe cứ như là cái buồng tạm giam tội phạm hình sự!
Không thể nào nói hết cái ngô nghê, ngớ ngẩn với hành động “sát phạt điển cố” đến kỳ dị của ông kỹ sư. Trong đêm gió mát trăng thanh, lửa tình nồng nàn, chàng thư sinh Kim Trọng cũng muốn thụ hưởng cái thơm tho của xác thịt người con gái đẹp như hương như hoa. Để giữ tiết trinh, nàng Kiều đã dẫn chuyện của cặp đôi Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong “Tây Sương ký”. Cặp đôi này vì quá yêu nhau mà đã ăn nằm với nhau trước khi thành hôn, để rồi sau đó chán nhau, bỏ nhau, khiến người đời sau cứ tiếc mãi cho đôi trai tài gái sắc mà không thành duyên giai ngẫu:
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
Mái Tây để lạnh hương nguyền
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng…”
Ấy thế nhưng ông Xuân sẵn sàng chém ngay cái điển cố:
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang”!
Nàng Kiều thông minh tuyệt đỉnh đã lấy truyện "Tây Sương ký" để thuyết phục Kim Trọng. Như vậy Kim Trọng mới thực sự bị thuyết phục và “Thấy lời đoan chính dễ nghe / Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân”. Còn nay, khi ông Xuân cắt quách đi cái điển cố văn học này, thì có nghĩa những lời Kiều nói chỉ là lý luận suông của nàng. Thử hỏi trong đêm gió mát trăng thanh, người yêu như hoa như ngọc, rượu đã ngấm, tình đã nồng, có ông thánh nào chịu chấp nhận những lời lý lẽ suông của người yêu như vậy không?
Lệch lạc, ngớ ngẩn, sai kiến thức, quy chụp… là những thứ nhan nhản trong “bản sửa” của ông kỹ sư. Vua Thuấn đi tuần thú sông Tương và chết, hai người vợ là  Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm, và ngồi bên bờ sông khóc, rồi trầm mình tự vẫn. Từ đó “mạch Tương”, “giọt Tương” chỉ giọt nước mắt, là khóc. Thúy Kiều khóc cho thân phận mình: “Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương”. Ấy thế nhưng ông kỹ sư ngang nhiên sửa thành “trời đã sáng”: “Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương”!
Than ôi, còn sự hàm hồ nào bằng!
Còn nhiều, nhiều lắm, vô kể. Thiếp Lan Đình thì gọi là “thiếp xem tình” (?), Lãm Thúy (có lý giải đây là danh từ riêng) đổi thành “kiểu dáng”; “đỉnh Giáp, non Thần” ngụ ý chuyện nam nữ mây mưa thì bị cưỡng hiếp đổi thành “tiên nữ giáng trần”, Chung (Tử) Kỳ - danh từ riêng, một người nghe đàn giỏi - được biến thành “ngưỡng vì”, lạ hoắc chẳng ăn nhập gì với nhau!...
Đọc những câu từ được ông kỹ sư sửa lại, người ta không khỏi ôm bụng mà cười! Thế nhưng, cười nhưng mà đau xót. Cười nhưng mà không thể không… dào mạch Tương, tức không thể không khóc! Không thể nào nghĩ ra được rằng, người ta có thể dám ngang nhiên mạo phạm văn chương, mạo phạm tiền nhân đến như vậy! Nhà thơ Nguyễn Quang Thân gọi hành động này là “vô đạo”, còn ông Thế Anh, trên tạp chí “Thơ” của Hội Nhà văn Việt Nam, gọi việc làm, hành động này là “vô lối”, “hỗn hào”; có người nói đây là hành động bất kính, người thì cho là hành động phản văn hóa, phản văn chương.
   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 1
Hiện nay Truyện Kiều có quá nhiều dị bản. Người ta cố giữ những bản Kiều cổ vì muốn tìm về đúng nguyên bản của nó.
Được cổ xúy bởi nhà nghiên cứu văn hóa lừng danh!
Cứ như vậy, đến hơn 1.000 chỗ sửa, 1/3 tác phẩm chứ không phải ít ỏi, tức gần như bất cứ chỗ nào trong Truyện Kiều, cũng bị ông kỹ sư cắt xé, bức tử!
Điều đáng nói là, việc sửa thơ này của ông kỹ sư lại nhận được cổ xúy của một bậc giáo sư lừng danh: Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu!
Người ta đã kinh ngạc với hành động của ông kỹ sư, thì lại càng kinh hãi hơn khi biết rằng, hành động này được một bậc danh tiếng, “đức cao vọng trọng” trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa khuyến khích và tán dương! Quả thật giới văn chương và học thuật không khỏi ngỡ ngàng rồi kinh sợ, khi đọc những dòng đề tựa của vị giáo sư này:
Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, ông tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”
Chính vì vậy chả trách tại sao, cứ mỗi chỗ sửa, ông Xuân tự khen là hay hơn cả chữ của Nguyễn Du, đến nỗi còn nói nếu cụ Nguyễn Tiên Điền mà sống dậy thì ắt phải thốt lên “hậu sinh khả úy”!
Quả thật đây là lối nói hàm hồ! Ngày nay, người ta dùng Truyện Kiều để bói, còn gọi “bói Kiều”. Điều này không phải do nàng Kiều linh thiêng linh ứng, mà bởi chính vì tác phẩm của đại thi hào quá súc tích, nó đã chứa đựng tất cả mọi mặt của cuộc sống, của đời người trong đó. Đồng thời, cũng có nghĩa bất cứ người dân nào cũng biết Truyện Kiều, chứ không phải như ông Xuân nói là ít người đọc.
Còn việc hiểu, thẩm thấu, phải nói Truyện Kiều là một hiện tượng đặc biệt: Ngôn ngữ Truyện Kiều là thứ ngôn ngữ văn chương bác học nhưng diễn đạt lại rất giản dị, khiến mọi người, tất cả những ai, khi đọc đều hiểu. Người học ít thì hiểu theo mức của người học ít, người học cao thì hiểu theo cách của người học cao, còn người không biết chữ cũng hiểu được, theo cách của người không biết chữ. Chẳng vì thế mà ông bà ta xưa, dù không biết đọc chữ Nôm, vẫn thuộc làu làu 3.524 câu một mạch không vấp. Thậm chí có người mê Truyện Kiều đến mức, thuộc và đọc ngược nguyên tác phẩm! Thậm chí, dân gian còn thạo Truyện Kiều đến mức còn tập Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều... Biết bao nhiêu là hoạt động phong phú, thể hiện dân ta đâu có... dốt Kiều, như ông Xuân nói.
Sở dĩ, trong văn học Việt Nam, chúng ta có một khối lượng đồ sộ tác phẩm, bài viết, công trình nghiên cứu Truyện Kiều, cũng bởi độ uyên bác, thâm sâu của tác phẩm này, mà tất cả đều nằm trong văn chương, ngôn từ của tác phẩm. Vậy thì, khi ông Xuân làm một cái việc là "làm cho dễ hiểu", thì có còn gì là cái bản thể, cái tinh hoa của Truyện Kiều nữa!
Phải nói, ngôn ngữ trong Truyện Kiều cô đọng, súc tích, thâm sâu đến mức, cố học giả Đào Duy Anh đã phải viết một cuốn "Từ điển Truyện Kiều", giải nghĩa từng từ một theo nội dung tác phẩm. Như vậy, khi ông Xuân kỹ sư dùng bạo lực can thiệp vào Truyện Kiều thế này, thì có nghĩa công trình của ông Đào Duy Anh đành phải... vứt sọt rác?
Cách đây gần trăm năm, Phạm Quỳnh, cố học giả, nhà báo, nhà văn, đã viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn…”. Một thời quan điểm của học giả Phạm Quỳnh bị ta chỉ trích kịch liệt. Nhưng đến giờ, ngẫm lại câu nói của ông vẫn cứ nguyên giá trị.
Nhưng, nếu vậy thì hiện “tiếng ta” có lẽ bị lung lay bởi việc làm ngông cuồng của một ông kỹ sư! Bởi những viên ngọc long lanh trong Truyện Kiều đang bị chà đạp bằng một thứ ngôn ngữ cục súc, mà được giáo sư Vũ Khiêu cho là kết quả của một một việc làm “với một tinh thần rất khoa học và nghiêm túc”, để thực hiện một “ý tưởng lớn”! Nếu thứ sản phẩm của trí óc điên loạn này mà đem phổ biến ra, tức là thực sự Truyện Kiều đã mất! Mà, cứ tam đoạn luận theo kiểu Đề-các, thì “Truyện Kiều còn – tiếng ta còn”, nên Truyện Kiều mất thì tiếng ta… còn đâu! Rồi “tam đoạn luận” nữa: Tiếng ta mất thì nước ta… Hỡi ôi! Nghĩ đến đây thấy giật mình, không dám nghĩ tiếp nữa! Sợ quá!
ĐẶNG VỸ