Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Bài viết đáng chú ý

Nếu Trung ương muốn hàng trước hết hãy chém đầu dân đi đã!

Tau ca Trung Quoc
Giặc vào tận trong nhà rồi
Chiều thứ hai 13-5, tờ China News loan báo: lúc 16g45 (giờ địa phương) cùng ngày, 32 tàu cá của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) sau gần 173 giờ di chuyển với hơn 850 hải lý đã đến vị trí mục tiêu, ở tọa độ 6,01 độ vĩ Bắc, 108,48 độ kinh Đông.
Nhìn lên bất cứ bản đồ nào, kể cả bản đồ thôn tính biển Đông mà Trung Quốc vừa phát hành, cũng có thể thấy vị trí mục tiêu của đoàn tàu gọi là đánh cá này hoàn toàn nằm trong vùng biển phía tây nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
So với Côn Đảo ở kinh độ 106°36’ Đông, vĩ độ 8°36’ Bắc, vị trí tập kết của đoàn tàu “đánh cá” này, ở tọa độ 6,01 độ vĩ Bắc, 108,48 độ kinh Đông, không xa lắm, hoàn toàn nằm trong thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu so với đảo Hải Nam của Trung Quốc thì rõ ràng là xa xôi vạn dặm, phải mất 173 giờ di chuyển qua hơn 850 hải lý!
Còn nếu so “bản đồ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và bộ “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia năm năm lần thứ 12” vừa được công bố ngay trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN với các tấm bản đồ cuối cùng của nhà Thanh, thì có là Tề Thiên cũng không tài nào thấy tông tích của cái gọi là “đường lưỡi bò” tham lam này!

Dựa vào đâu mà Trung Quốc lại tự tiện kéo dài thềm lục địa như thế? Câu trả lời không khó: sử dụng ưu thế binh bị từ ưu thế kinh tài của một nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới (chẳng qua nhờ đông dân nhất thế giới), chiến thuật “biển người” cố hữu, cùng sách lược ngoại giao “cả vú lấp miệng em”.
Như đã từng xua tàu cá đến dải Scarborough năm ngoái, khiêu khích chạm trán, rồi “lấy thịt đè người”, chiếm cứ luôn! Như đã từng “biển người” tấn chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988…!
Chuẩn bị cho chiến dịch “Nam Sa” lần này, chẳng phải tân Ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh cáo “một số thế lực và quốc gia cá biệt chớ có sinh sự” và dọa nạt rằng “Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền một cách rõ ràng, kiên quyết, nhất quán”. Những diễn thuyết của ông Vương Nghị về cái gọi là nguyên tắc ba điều bất biến (“duy trì hòa bình và ổn định”, “nỗ lực hết sức thực hiện hiệu quả DOC”, “đàm phán song phương với từng nước…”) chẳng qua chỉ là xảo ngôn trước khi cho đoàn tàu đánh cá 32 chiếc nọ lên đường, lấy thịt đè người.
Danh Đức
(Tuổi Trẻ)
Ghi chú: Tít do chủ trang Blog Nguyễn Thông đặt chứ không phải của nhà báo Danh Đức và báo Tuổi Trẻ.

Đoan Trang - Biểu tình, đình công trong văn hoá chính trị Việt Nam

Mùa đông năm 2008, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh (Tổng Biên tập tờ Nhịp Cầu Thế Giới của cộng đồng người Việt ở Hungary) chuẩn bị rời Budapest về Hà Nội nghỉ Giáng sinh. Vé máy bay đã mua, đồ đạc đã đóng gói, đã hẹn hò đầy đủ với người thân, bạn bè ở Việt Nam, nhưng sát ngày khởi hành, ông Linh sững sờ trước nguy cơ không đi được: Toàn bộ nhân viên Sân bay Quốc tế Budapest, giới tài xế xe buýt của Công ty Giao thông Công cộng Budapest BKV, phối hợp cùng ngành đường sắt, đang tổng đình công đòi tăng lương. Giao thông cả nước bị đình trệ. Hành khách và hành lý đều vạ vật, ngổn ngang trên sân bay.
Ông Linh gọi điện về Việt Nam báo rằng chuyến bay có thể bị hoãn vô thời hạn. Người thân, bạn bè của ông nghe tin, ai cũng bực bội “cái bọn đình công”: Ích kỷ, nhỏ nhen, lợi dụng đúng thời điểm mùa Giáng sinh, nhu cầu đi lại của nhân dân đang cao, để đình công, thật hãm tài.
Điều kỳ lạ là chính những người trong cuộc – dân Hungary và du khách ngoại quốc, “nạn nhân” trực tiếp của cuộc đình công – thì lại rất chịu đựng và không có ý kiến gì đặc biệt. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh tìm hiểu và thấy tuyệt nhiên không thấy ai có thái độ cáu kỉnh, trách móc. Thậm chí mọi người còn tỏ ra thông cảm với giới nhân viên đình công và ai cũng nhất trí là phải có sự phối hợp giữa sân bay, xe buýt với đường sắt, sao cho… thiệt hại lên đến mức cao nhất, bởi có vậy mới mong Chính phủ Hungary lùi bước trước các nghiệp đoàn.
Hành khách bị kẹt trên Sân bay Quốc tế Budapest,
tháng 12/2008. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh)
Vì sao khác biệt?
Điều gì làm nên sự khác biệt giữa thái độ của người Việt Nam và người Hungary trước biểu tình và/hoặc đình công? Có thể đến lúc này bạn đã nhìn ra nguyên nhân rồi: Đó là sự khác biệt trong văn hoá chính trị của hai nước.
Các nhà khoa học định nghĩa văn hoá chính trị là “tập hợp các thái độ, giá trị, tình cảm, thông tin và kỹ năng về / liên quan đến chính trị của người dân trong một xã hội”, văn hoá chính trị “tạo nên môi trường tâm lý - xã hội, nơi diễn ra các xung đột chính trị, nơi người ta ban hành chính sách”.
Để dễ hiểu, bạn có thể hình dung văn hoá chính trị gồm hai thành tố căn bản: nhận thức chính trị (hiểu biết của người dân về chính trị) và tình cảm chính trị (cảm xúc, sở thích, yêu/ghét liên quan đến chính trị).
Đương nhiên là nhận thức chính trị và tình cảm chính trị của người dân mỗi nước mỗi khác. Nói về nhận thức chính trị, nếu bạn hỏi một người Mỹ xem Tổng thống Mỹ sống và làm việc ở đâu, nhiều khả năng ông/bà ta sẽ trả lời đúng, là Nhà Trắng. Còn nếu bạn hỏi ông bác và bà dì của bạn xem Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam sống và làm việc ở đâu, có khi bác và dì bạn mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, và ta chẳng biết câu nào đúng.
Nói như vậy, không có nghĩa là tác giả bài viết này cho rằng dân Mỹ nhận thức chính trị cao hơn dân Việt Nam, bởi vì một câu hỏi và câu trả lời khó nói lên được gì. Ngoài ra, giả sử có nghĩ thế thật, tác giả cũng không dám nói, vì… sợ cái thành tố thứ hai trong văn hoá chính trị, là tình cảm chính trị.
Về tình cảm chính trị cũng vậy, nó rất đa dạng. Ngay trong cùng một nước Mỹ, tại cùng một thời điểm, có người xem việc Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố, bắt đầu từ Afghanistan (năm 2001), là cần thiết, nên làm, đáng ủng hộ; ngược lại, có người thì căm ghét, phản đối. Tuy nhiên, cũng có những tình cảm chung của cả một cộng đồng, trên cơ sở những giá trị chung, hay là những quan niệm chung về cái tốt, cái xấu. Ví dụ ta có thể tin rằng đại đa số người Mỹ thích sự độc lập, thích quan niệm rằng dân chủ thì lành mạnh hơn là độc tài. Tình cảm ấy của họ dựa trên một giá trị chung mà họ đề cao, là tự do.
Tương tự, đại đa số người Việt Nam, nếu được khảo sát, sẽ nói rằng họ có thiện cảm với nước Lào hơn với Trung Quốc, mặc dù trên thực tế có thể họ chẳng biết nhiều về Lào, hoặc biết về Lào ít hơn về Trung Quốc. Vì một trong các giá trị chung của dân Việt Nam hiện nay có lẽ là tinh thần dân tộc chủ nghĩa (nationalism). Chúng ta tin rằng nationalism là một phẩm chất tốt đẹp, ngược với ở châu Âu, nơi nó lại đang bị coi là xấu, tiêu cực.
Và, tình cảm chính trị có thể khiến cho nhiều bạn đọc Việt Nam “ném đá” một tác giả nào đó ngay tắp lự nếu hắn dám nói rằng dân Mỹ nhận thức chính trị cao hơn dân Việt Nam.
Vì chúng ta thuộc về văn hoá chính trị Việt Nam…
Văn hoá chính trị - gồm nhận thức chính trị và tình cảm chính trị - là cái tạo nên sự khác biệt trong thái độ của một xã hội, một cộng đồng nào đó đối với biểu tình, đình công, và các hoạt động chính trị khác như thành lập đảng phái, vận động, kiện tụng, làm truyền thông, v.v.
Văn hoá chính trị là cái khiến cho, sau khi ba sinh viên Đại học Luật TP.HCM ra tuyên bố kêu gọi “công lý cho Đoàn Văn Vươn”, những người ra mặt phản đối họ nhất lại chính là… Đoàn trường. Và khi họ đòi Đoàn trường xin lỗi, nếu không sẽ kiện, một số “luật gia, luật sư tương lai”, bạn của họ, đã mở một chiến dịch công kích họ, thành lập cả “Hội những người bảo vệ hình ảnh của sinh viên Luật”. Nếu ở một nền văn hoá chính trị khác, với nhận thức chính trị khác, có lẽ các “luật gia, luật sư tương lai” đó phải phấn khởi khi có một vụ kiện như thế, và hơn ai hết, phải ủng hộ việc đồng nghiệp, đồng môn của mình làm.
Văn hoá chính trị là cái khiến cho một số người dân, khi ra công viên Nghĩa Đô ở Hà Nội sáng chủ nhật 5/5/2013 để tham gia “dã ngoại nhân quyền”, phải đối diện với ánh nhìn thiếu thiện cảm của những người khác. Và đây là một comment thể hiện tình cảm chính trị của nhiều người Việt Nam với “đám biểu tình”: “Họ đứng nói chán họ đi một vòng hồ, họ nói chán chẳng có ai nghe nên họ chuyển sang nói bằng loa nhưng cũng chẳng có ai quan tâm, nên họ về. Cả công viên bao nhiêu người qua lại chơi đùa, có ai để ý họ đâu? Người ta vẫn cứ chơi, hai quả đồi vẫn đông tấp nập mà”.
Đến đây câu hỏi đặt ra là: Vậy, có văn hoá chính trị tốt, văn hoá chính trị xấu không? Trả lời: Điều chắc chắn là văn hoá chính trị mỗi nơi mỗi khác, và thật khó tuyên bố cụ thể văn hoá chính trị nước này thì tốt, nước kia thì xấu. Thế nhưng, cũng có những giá trị chung, những giá trị phổ quát, mà nếu đã coi mình thuộc về nhân loại tiến bộ thì chúng ta sẽ tự nhiên thừa nhận, ví dụ những quyền căn bản của con người. Chúng ta khó có thể chấp nhận một xã hội nơi phụ nữ ngoại tình bị ném đá đến chết, người đồng tính bị xử tử, rồi ta bảo rằng “vì luật pháp, vì văn hoá chính trị của họ là như thế, tốt xấu kệ họ, nói chung đều đáng tôn trọng cả”.
Người viết xin để bạn đọc tuỳ ý đánh giá xem văn hoá chính trị Việt Nam hay dở thế nào. Còn về phong trào đình công ở Hungary tháng 12/2008, sau nhiều ngày giao thông bị tê liệt, Chính phủ Hungary và các nghiệp đoàn của bên đình công đã đạt được thỏa thuận vào phút cuối với sự nhượng bộ của chính quyền. Và nhà báo Nguyễn Hoàng Linh về Việt Nam, mang theo một trải nghiệm hồi hộp và thú vị về "bất tuân dân sự".
 

Lữ Phương - “Minh triết” mà như thế này hay sao?

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ năm, ngày 16 tháng năm năm 2013

Ông Nguyễn Khắc Mai – được giới thiệu là nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương – vừa viết một bài ca ngợi “giá trị minh triết” của K. Marx, căn cứ vào đó nêu ra hàng loạt những “nghịch lý” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã gặp phải trong khi đem những tư tưởng của triết gia này áp dụng vào thực tế. Những “nghịch lý” này xem ra được nhiều người chú ý một cách thích thú nhưng thật ra không có gì mới mẻ cả vì tôi thấy, từ nhiều góc nhìn khác nhau, đã được nhiều tác giả trong nước nói đến từ lâu rồi. Điều tôi quan tâm trong bài viết này chỉ là mấy chữ “giá trị minh triết” của K. Marx vì tôi thấy trong một khung cảnh văn hóa mà bất cứ một anh vớ vẩn nào cũng có thể tự cho mình cái quyền nhổ nước bọt vào sách vở của Marx, mấy chữ “giá trị minh triết” của K. Marx ở đây dù sao cũng nên được quan tâm thích đáng.
 
Nhưng mối thiện cảm ban đầu đó của tôi với cái tựa bài viết của ông Nguyễn Khắc Mai đã tan biến hoàn toàn khi tôi đọc được mấy dòng sau đây trong bài viết của ông, nương theo chú dẫn trong bài viết đó để tra cứu và nhận ra những sai lầm không thể nào tưởng tượng nổi của một nhân vật “hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết”:
“Cái gọi là giá trị minh triết đầu tiên của C. Mác là sự thừa nhận không có chủ nghĩa cộng sản. Hai ông nhiều lần khẳng định điều này (xem Ăng ghen trả lời phỏng vấn của K. Heinzen, cũng như bài tựa tác phẩm Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp). Trong bài tựa này Ăng ghen viết: “Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ nhưng vứt bỏ nó trong cuối đời.” Trong bài trả lời phỏng vấn K Heinzen Ăng ghen nói, chúng tôi không coi CNCS là lý tưởng, bởi lý tưởng là từ ý chí chủ quan, nó chỉ là phong trào hành động thực tiễn, những người CS phải lấy thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại làm tiền đề cho chính sách của mình (nôm na là hãy học những bài học văn minh của thế giới mà hành động!). Ông còn cẩn thận chỉ ra rằng thực tế văn minh chứ không phải thực tế lạc hậu, mà phải là của những dân tộc hiện đại chứ không phải của những dân tộc trung bình. Với quan niệm như thế hai ông cũng đã khẳng định không có cách mạng, mà chỉ có tiến hóa mà thôi. Tiến Hóa đó mới thật là giá trị minh triết của hai ông”.[1]
Theo sự kiểm tra của tôi (một công việc bỏ chút thì giờ ai cũng làm được) khi dò theo một số tên người mà tác giả nêu ra – mặc dù tác giả không cho biết cụ thể về văn bản nguồn – tôi thấy không hề có cuộc gọi là “trả lời phỏng vấn” nào của Engels với K. Heinzen cả: Heinzen không phải là một nhà báo mà là một trí thức khuynh tả, có liên minh với những người Cộng sản trong phong trào chống tư bản bấy giờ ở Đức, nhưng khi phát biểu về những đồng minh của mình lại có những nhận định không đúng nên Engels đã buộc phải lên tiếng, cho nên điều ông Mai gọi là “Ăng ghen trả lời phỏng vấn của K. Heinzen” thực sự là những lời luận chiến phê phán những nhận xét sai lầm của K. Heinzen về chủ nghĩa cộng sản của Marx:
“Heinzen hình dung chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết nhất định và đem ra thực hiện từ một nguyên tắc lý luận cốt lõi nào đó, từ đó rút ra những kết luận xa hơn. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một học thuyết mà là một phong trào đem vào thực hiện không phải từ những nguyên lý mà từ các sự kiện. […] Những người cộng sản không phát xuất từ triết lý này hay triết lý nọ mà dựa trên toàn bộ tiến trình lịch sử trước đó và đặc biệt trên những kết quả thực tế của tiến trình đó trong những nước văn minh thời nay.Trong chừng mực là một lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản là biểu hiện lý luận vị trí của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và vô sản, là sự tổng kết những điều kiện cho sự giải phóng giai cấp vô sản”.[2]
Engels đã viết rõ ràng như vậy. Đúng hay sai, đây không phải là chỗ để bàn luận về sự diễn giải đó của Engels đối với tư tưởng của Marx – qua sự trình bày ở trên là mối quan hệ giữa lý luận và thực tại, giữa ý thức hệ và cuộc sống – mà chỉ là câu chuyện về cái gọi là những “giá trị minh triết” mà ông Nguyễn Khắc Mai đã gán cho Engels và Marx”: giá trị minh triết ấy (nếu có) qua văn bản trên đây chẳng có gì để có thể cho rằng hai tác giả Tuyên ngôn cộng sản sau này đã tự chối bỏ mình bằng cách thừa nhận “không có chủ nghĩa cộng sản”.
Ý kiến của ông Mai khi viện dẫn lời tựa của Engels (viết năm 1859) cho cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp trong những năm 1848 đến 1850 (do Marx (viết năm 1850) cũng có những sai lầm trầm trọng như vậy. Trong bài viết nói trên của Engels quả là có một ý cho rằng: “Phương pháp đấu tranh của năm 1848 bây giờ lỗi thời về mọi mặt…” nhưng nếu đọc toàn bài thì ý nghĩa rành rành của nó là nói về sự khác biệt của các phương pháp của những năm 1848-1850 so với năm1859 sau này – các phương pháp mới này Engels đã phát triển rõ hơn trong bài viết (như từ bỏ kiểu bạo lực đường phố, chấp nhận những phương thức đấu tranh nghị trường, công khai…vì theo Engels giai cấp tư sản đã đi đến chỗ “sợ những phương thức hợp pháp hơn là bất hợp pháp của đảng công nhân, sợ kết quả của những cuộc bầu cử hơn là những cuộc khởi loạn”[3] – chứ không có gì hàm ý khẳng định là “không có cách mạng, mà chỉ có tiến hóa” như ông Mai đã trình bày về học thuyết Marx xét trên tổng thể, nhất là cho rằng đó là một học thuyết đã bị chính những người khai sinh ra nó phủ nhận vì “đã lỗi thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ nhưng vứt bỏ nó trong cuối đời”.
Tôi hết sức ngạc nhiên về thái độ quá dễ dãi (hoàn toàn thiếu thận trọng) trong cách đọc văn bản của ông Nguyễn Khắc Mai cũng như cách ông viện ra khái niệm gọi là “giá trị minh triết” để giải thích xuyên tạc tư tưởng của Marx. Theo tôi nghĩ, chắc hẳn ông không thể không biết rằng bản thân học thuyết Marx là một vấn đề học thuật, dù bàn bạc theo hướng chấp nhập hay phủ nhận thì cũng nên đàng hoàng, nghiêm chỉnh, chứ không thể chửi bừa, cho lấy được hoặc khen bừa, cho lấy được như nhiều người đang làm hiện nay. Nhất là lại không đọc kỹ chính văn mà chỉ đoán mò hoặc không kiểm tra tài liệu trước khi viết mà cứ thoải mái … “nổ” rầm trời!
Lữ Phương
------------------
[1] Nguyễn Khắc Mai: Đôi điều về Minh triết Các Mác hay những nghịch lý “cộng sản”,
[2] Hai bài báo của Engels tranh luận với Karl Heinzen trong Hồ sơ: “The Communists and Karl Heinzen”. http://www.marxists.org/archive/marx/works/1847/09/26.htm
[3] Engels: “Introduction to Karl Marx’s The Class Struggles in France 1848 to 1850” http://www.marxists.org/archive/marx/works/1850/class-struggles-france/intro.htm
(Viet-studies)
 

Nguyễn Khắc Mai - Đôi điều về Minh triết Các Mác hay những nghịch lý“cộng sản”

(dạo này còn có cả "Minh triết HCM" nữa cơ, hehe_

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết.
T/g Nguyễn Khắc Mai
NQL: Mất gần nửa buổi chiều để sửa lỗi đánh máy cho cụ Mai nhưng không tiếc thời gian vì đọc được bài cực sướng, giá như một số ông lú đọc được bài này thì hay quá.
Hegel nói : Những gì tồn tại đều có tính hợp lý, hay trong tồn tại đều có tính hợp lý của chúng. Cái gọi là chủ nghĩa “cọng sản”có gì là rationnel ? Chúng tôi cho rằng những tư tưởng của Mác và Ăng ghen mà tiệm cận được với chân thiên mỹ đều là những giá trị văn hóa, trong đó có một số giá trị mà chúng tôi gọi là “giá trị minh triết”. Trong một bài viết về giá trị minh triết của Đông Kinh Nghĩa Thục chúng tôi thử đưa ra cách hiểu Minh triết như sau : “Minh triết là những tư tưởng và rộng hơn là những gíá trị văn hóa có tính khái quát và phổ quát, ý nghĩa rộng,trường tồn,có thể đem ứng dụng cho nhiều hệ thống. Chúng đạt tới tính chất của những gíá trị xã hội và nhân sinh phổ quát. Minh triết tham gia vào đời sống xã hội giống như chất tủy của một sinh vật, ta gọi đó là cốt tủy, là tinh túy của một hệ thống xã hội.” Khi nghiên cứu những giá trị minh triết C. Mác, ta sẽ đễ dàng nhận ra những nghịch lý của nhận thức và hành động của quá trình vận dụng những tư tưởng của Mác.
Trước khi đi vào một số vấn đề cụ thể, tôi xin kể hai chuyện có liên quan ít nhiều tới vấn đề này.
Chuyện thứ nhất. Vào năm 1948 lũ chúng tôi 5 tên Việt minh nhí, tôi, thằng Thanh nay đang ở Sài gòn, thằng Quế nay đang vừa là người Việt vừa là người Mỹ, thằng Nghị đã hi sinh ở chiến khu Dương hòa, Thằng Điền sau này từng là chủ tịch Hội Sinh viên giải phóng đã hi sinh ở Củ chi. Vào một chiều đã chạng vạng, chúng tôi gặp nhau ở ngã tư Am Hồn Huế, sau khi bàn những hành động của nhóm, tự nhiên thằng Điền nêu ra một câu hỏi: Bây giờ chúng mình theo Việt minh hay theo ‘cọng sản”. Cải nhau một hồi, tôi đưa ra ý kiến: Cọng sản là gì chúng mình không biết. Nhưng Việt Minh đánh Tây giành độc lập ta theo. Cho đến bây giờ những người uyên bác nhất nước ta cũng không thể nói cho rành rọt thế nào là chủ nghĩa cọng sản, huống chi là công nông. Có lần vào năm 1988 tôi được mời tới gặp một vị lãnh đạo của Ban tổ chức TƯ, tôi đã thưa giá trị lớn nhất của đảng là giành độc lập dân tộc , phải cố gắng giữ lấy giá trị này. Còn cái goi là giá trị XHCN thì đang bị tranh chấp. Mà trong tay chủ nghĩa tư bản là cây kiếm thật, còn trong tay ta là cây kiếm ảo, ta tưởng tượng là có kiếm. Thế thì ai thua là cái chắc .Bây giờ thì cả giá trị dân tộc yêu nước cũng đang bị thách đố, cũng đang đánh mất.
Vào năm Bính ngọ, tôi có viết một bài đăng trên Tuổi trẻ Tp HCM nhan đề: Tâm hồn gặp gỡ kể chuyện Mã khắc Tư (C.Mác) cởi con ngựa hồng rũ Ân cách Tư(Ăng ghen) cùng đi, đến thăm khu những linh hồn Việt, gặp Phan huy Chú. Hai ông càng đi càng thấy bóng đỗ dài trước mặt. Vì càng đi về phương đông mặt trời càng chếch về tây. Trần Hữu Pháp, một nhà nghiên cứu Hán Nôm bảo với tôi, phương đông, kinh Dịch gọi là u phương nơi tăm tối vì mặt trời đã đi khỏi. Nhiều năm tôi vẫn tự nhủ tại sao chủ nghĩa Mác không thể thực hiện được ở phương tây, nó chỉ vào được Nga, rồi Trung hoa, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cu Ba…Có cái gì gọi là rationnel ở đây. Anh Nguyễn Khắc Viện có lần bảo tôi là do Khổng giáo. Còn Hồ chí Minh cũng có lần nói xã hội Phương Đông rất thuận cho chủ nghĩa Mác.! Lý giải vấn đề này cũng thú vị đấy. Thật ra những nước phương đông này không thực hành tư tưởng minh triết của Mác mà là một thứ chủ nghĩa cọng sản đã chệch hướng theo lăng kính mugich Nga, Tàu, Việt lạc hậu. Đến một lúc nào đó, lúc trà dư tửu hậu sẽ trở lại vấn đề này.
.Người ta nghiệm ra rằng một thực thể chứa trong bản thân nó quá nhiều nghịch lý nó không thể tồn tại như là chính nó. Hoặc nó biến thành quái dị, dị dạng, đầy khuyết tật…, hoặc tan rã hũy hoại. Thử tìm hiểu xem có những nghich lý nào đã tồn tại trong thực tế với chủ nghĩa “cọng sản”. Thường khi một thực thể ra đời mà tiên thiên bất túc, nghĩa là cái cơ địa của nó không hoàn chỉnh, nghịch lý chứa đầy trong bản thân nó. Rồi cái hậu thiên của nó càng đầy rẫy những nghịch lý. Những nghịch lý thường được phát hiện bỡi nhận thức, có khi là do một trực cảm minh triết. Như trường hợp cụ Nguyễn Hữu Cầu, một yếu nhân của ĐKNT. Ngay sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, cụ đã nói, nền độc lập này vừa giành lại được, ta phải biết bảo vệ bằng những hoạt động tinh thần. Nhưng cụ cũng nhận xét, ngày nay, chúng ta quá Tây, quá Tàu, là những kẻ giáo điều ba rọi, lại còn là đám XHCN cậy quyền! Phần lớn các trường hợp phải qua thực tiễn, đối chiếu, so sánh lý thuyết, thực tế, đặc biệt là chiêm nghiệm từ những thất bại. Vừa rồi tôi đọc được một câu , nói là của Khổng tử : Có ba cách học được “minh triết”. Thứ nhất từ thần hứng ( trực cảm, tâm linh) cách này linh diệu. Thứ hai, hoc nhờ thầy( bắt chước) cách dễ nhất.Thứ ba qua trải nghiệm, cách đau đớn nhất. (By three methods, we may learn wisdom.First,by reflection,wich is noblest.Second by imitation,wich is easiest.And third,by experience,wich is bilterest.)
1-Nghịch lý thứ nhất: Cái gọi là giá trị minh triết đầu tiên của C,Mác là sự thừa nhận không có chủ nghĩa cọng sản. Hai ông nhiều lần khẳng định điều này. (xem Ăng ghen trả lời phỏng vấn của K.Heinzen, cũng như bài tựa tác phẩm Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp) Trong bài tựa này Ăng ghen viết: “Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cọng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Mác đề xuất lúc trẻ nhưng vứt bỏ nó trong cuối đời.” Trong bài trả lời phỏng vấn K Heinzen Ăng ghen nói, chúng tôi không coi CNCS là lý tưởng, bởi lý tưởng là từ ý chí chủ quan, nó chỉ là phong trào hành động thực tiễn, những người CS phải lấy thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại làm tiền đề cho chính sách của mình. (nôm na là hãy học những bài học văn minh của thế giới mà hành động!) Ông còn cẩn thận chỉ ra rằng thực tế văn minh chứ không phải thực tế lạc hậu,mà phải là của những dân tộc hiện đại chứ không phải của những dân tộc trung bình. Với quan niệm như thế hai ông cũng đã khẳng định không có cách mạng, mà chỉ có tiến hóa mà thôi. Tiến Hóa đó mới thật là giá trị minh triết của hai ông.
Thế mà ngay cả tên gọi, chúng ta cũng dịch không chính xác.Trong thuật ngữ Kommunismus không có cái gì là “sản” cả. Nó chỉ có hai từ tố, cộng đồng và chủ nghĩa (commune và ismus) Người Nhật đã dịch là cọng sản rồi Trung hoa bắt chước và truyền sang Việt Nam. Năm 1988 tôi đã thưa với một vị lãnh đao BTCTW rằng tên đảng đả dịch sai nên đính chính. Từ ấy phải được hiểu là chủ nghìa cọng đồng. Anh Việt Phương còn kể, trước đó vào những năm 60, 70, các anh ấy đã nói với ông Nguyễn Duy Trinh rằng tên đảng dịch sai, trong Tuyên ngôn 1848, có hai phạm trù là cá nhân và cọng đồng. Bọn mình nói vui là nên đặt tên là chủ nghĩa cá cộng.
Tiện thể cũng xin nói qua về cái gọi là chính danh. Khổng tử nói, danh bất chính, ngôn bất thuận, sự bất thành, lễ nhạc bất hưng, hình phạt bất trúng, dân vô sở thố thủ túc. Câu ấy đã khẳng định tầm quan trọng của chính danh, đến nỗi nếu danh không chính nó sẽ dẫn theo sự rối loạn hệ thống, khiến cho “lời nói không thuận, việc chẳng thành, lễ nhạc (văn hóa đạo đức) không chấn hưng được, luật pháp không còn đúng phép, rốt cuộc dân chúng không biết chỗ nào mà đặt chân tay (sống còn và hành động) (Luận ngữ, thiên Tử Lộ). Sách Lã Thị Xuân Thu, còn bình luận gay gắt hơn: “Danh chính thì trị, danh mất thì loạn. Kẻ làm cho mất danh, là kẻ nói, chủ trương quá mức. Nói, chủ trương quá mức, tức là biến cái có thể, cái cho phép thành cái không có thể, không cho phép. Cho nên cái phải biến thành cái không phải, biến cái đúng thành cái không đúng, nên cái sai thành cái không sai…Phàm mọi sự loạn là do hình danh, chế danh không đúng vậy.”(xem Chính Danh, Từ Điển Triết học Trung quốc NXB CTQG 2009 ) Cái tâm thức nào khiến cho cả Trung và Việt đều say mê cái “sản”. Nghiên cứu điều này cũng thú vị và có ích. Thư thả rồi cũng phải làm. Thực ra danh và thực phải đi liền với nhau. Xác định sai cái danh cũng tức là đã làm chệch đi cái thực, khiến cho đúng sai lẫn lộn! Như trên đã nói, thật ra CNCS không thể có đất sống như một “doctrine” ở Nhật và Nam Hàn. Vì hai nơi này họ đã siêu vào văn minh hậu tư bản chủ nghĩa.
Cũng nên liên hệ một chút cái quan niệm của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh.” Có thể hiểu như sau: Cái Đạo đúng như nó thì không phải là cái Đạo như thường thấy. Cái Danh (sự vật) đúng như nó thì không như cái ta vẫn thường thấy. Cái gọi là CNCS ta thường thấy thì không phải là chính nó. Cái gọi là CNCS là sự hình dung của Mác và Ăng ghen, mà ta thì không phải là hai ông ấy. Hơn nữa cái mà hai ông gọi bằng cái tên như thế thì chính hai ông đã “vứt bỏ “rồi. Huống nữa ta lại chấp nhận cái đã bị dịch sai. Bây giờ thì không còn là một ly, một dặm nữa.
2.Nghịch lý thứ hai: Phát triển Tự do cá nhân. Nhiều người cho rằng giải phóng cá nhân là một hòn đá tảng của lý thuyết Các Mác, với câu nói nỗi tiếng trong Tuyên ngôn CĐCN: Thay cho những cọng đồng kiểu cũ là cọng đồng kiểu mới, trong đó phát triển tự do cá nhân là tiền đề của phát triển tự do toàn xã hội. Liệu có thể suy luận rằng tâm thức nông dân lạc hậu của những xã hôi Nga, Tàu, Việt…đã dị ứng với sự phát triển cá nhân? Chỉ tính từ 1917 đến nay không có bất kỳ một đảng CĐ cầm quyền nào dù là Nga,Tàu hay Việt đã làm theo chủ thuyết của Mác. Mọi quyền tự do cá nhân của con người, cũng như của công dân đều bị cắt xén gọt rũa cho vừa với chiếc giày chật hẹp của chế độ toàn trị.
Đi đôi với tự do cá nhân là vấn đề Dân Chủ (dân trị hay dân quyền). Mác khẳng định Dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi thể chế nhà nước. Nghĩa là mọi hình thức nhà nươc xứng danh là nhà nước thì phải dân chủ. Ở nước ta Hồ Chí Minh cũng nói được rằng, nước ta là nước dân chủ, vì dân là chủ. Vào năm 1967 trước lúc mất hơn một năm tại Hà tây, HCM từng nói, phải làm cho dân dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ. Dân chủ thật ra là một sáng tạo của nhân loại trong thời hiện đại với nhiều hình thức đã tồn tại hợp lý tại nhiều nước văn minh và hiện đại. Nhưng các đồ đệ của Mác dù ở Nga, Tàu hay Việt đều dị ứng và tránh né nó. Nói gì đến việc thực hành tư tưởng của Mác! Dân chủ, dân quyền là những thách đố của những hệ thống cực quyền, toàn trị, dù là nhà nước hay là trong xã hội dân sự. Xã hội ta luôn trăn trở một câu hỏi, tại sao những hình thức dân chủ mà nhân loại đã sáng tạo ra trong hàng trăm năm qua dân ta cũng không dùng được, hưởng được? Tại sao những hệ thống cầm quyền VN không trở thành lực lượng mở đường cho dân chủ tiến lên, như trong câu hát đầy hứng khởi vào những ngày Tháng Tám năm xưa, tiến lên nền dân chủ cọng hòa! Cũng có một nghịch lý là tại Miền Nam VN trong thể chế VNCH nhiều quyền dân chủ đã được tồn tại dù còn chút ít chật hẹp.
Bàn về dân chủ, không thể không nói về dân chủ trong đảng. Lênin đã tạo ra một chế độ chuyên quyền trong đảng khi thủ tiêu phái gọi là mensevich. Chế độ xô viết toàn trị được Xtalin hoàn chỉnh ngày càng chặt chẽ, được áp dụng ráo riết ở Nga, Tàu, Việt, những người đối lập bị đàn áp, thủ tiêu. VN cũng đã thực hiện rất nghiêm chỉnh. Trong đảng quyền dân chủ của đảng viên bị thu hẹp lại thành cái mà HCM gọi là quyền phục tùng chân lý, mà chân lý bị hiểu là ý kiến của lãnh đạo! Trong cái chính đề mà HCM đưa ra Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý, còn có cái phản đề. Thế nhưng người ta lại cố tình quên đi ý nghĩa của phản đề. Có quyền tự do phục tùng chân lý cũng có nghĩa là người ta có quyền không phục tùng ngụy lý! Nghịch lý này càng nỗi bật lên khi ta nhớ lại một câu nói ngậm ngùi , mà là như một dự báo rất sớm của Ăng ghen rằng : “Cuối cùng cũng phải làm sao đễ mọi người chấm dứt kiểu cư xử với các quan chức của đảng-những người đầy tớ của mình – luôn luôn bằng sự tế nhị đặc biệt, và thay cho sự phê bình, lại ngoan ngoản vâng lời họ, như những kẻ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm.” (Ăng ghen : Những ngày hội các dân tộc ở Luân đôn, Chúng tôi đã vạch trần) Vì sao trong những hệ thống tự xưng tiên phong mở đường cho xã hội mới lại ứng xử theo những thể chế đã thoái hóa, lạc hậu cần thay đổi, bác bỏ. Lênin từng nói phải có 70 ông Mác may ra mới giải quyết được những lý thuyết và thực tiễn đễ xây dựng xã hội mới. Nhưng một Mác mà còn không nhận thức nỗi, nói gì đến 70 ông.
Nói dân chủ của đảng cđ, phải đề cập đến vấn đề tư tưởng đa nguyên chính trị, (đa đảng).Trong tuyên ngôn “CS”, Mac và Ăng ghen khẳng định : Những người “cs” phải biết đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ. Giờ đây khi người ta phê phán đa nguyên chính trị, đa đảng là người ta không hiểu gì tư tưởng của Mác, người ta đã xuyên tạc Mác vì những lợi ích không còn là cđcn nữa. Tại sao các đảng đệ tamqt, theo cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin đã thủ tiêu tư tưởng của Mác mà vẫn cứ leo lẻo kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin. Chính những đảng dân chủ xã hội đã biết tiếp thu tư tưởng của Mác nên họ đã có vai trò nhân văn và tiến hóa trong thời đại hiện nay.
Còn một vấn đề rất tế nhị và không kém phần quan trọng, là một chính đảng trong thời hiện đại phải thể hiện văn hóa và dân chủ như thế nào. Một chính đảng có quyền giữ lấy cái tư tưởng mà mình tôn thờ, phải tìm cách ngày càng hiểu nó một cách sâu sắc, khoa học, tìm tòi mọi phương thức văn minh, nhân văn khoa học đễ thực hiện, làm cho mọi thành viên của mình có nhân cách văn minh dân chủ. Rồi trên cơ sở đó mà thuyết phục nhân dân, dân tộc mình mới là “văn minh, là đạo đức”(chữ của HCM).Còn như dùng bạo lực xây dựng chế độ toàn trị, ép dân tộc cũng độc nguyên như mình là trái đạo lý, trái tinh thần dân chủ, nhân văn của ngay cả chính Các Mác. Lịch sử khẳng định rằng nhân loại không hình thành với độc nguyên văn hóa. Mà dân tộc Việt Nam cũng như thế. Thời nào nhấn mạnh cái độc nguyên văn hóa thì biến dạng, trì trệ, vọng ngoại, suy đồi. Không đưa dân tộc phát triển lên được. Buộc dân tộc đeo mãi cái ốp che mắt, có người còn gọi là cái vòng kim cô. Mọi ứng xử của dân tộc buộc phải theo cái lăng kính mác lênin. Đưa vào luật, vào hiến pháp, và chế định cái giá trị văn hóa không đến đầu đến đũa như thế đã tạo nên sự méo mó của xã hội, làm lệch chuẩn, giam hãm cầm tù mọi sáng tạo của nhân dân của xã hội.
Nói tự do, dân chủ mà không đi đôi với pháp quyền thì cũng chỉ là nói đạo lý suông mà thôi. Cái nghịch lý là giữa quan niệm pháp quyền của Mác và cái quan niệm pháp quyền hiện nay do những người cầm quyền ở nước ta dựng lên trong cái công thức “pháp quyền xhcn”thì vênh hẵn nhau. Mặc dầu về lôgich cả trong lý lẽ cũng như thực tế thì, quan niệm của Mác chính xác hơn. Mác nói: Khi chưa có con người phát triển toàn diện, chưa có nền kinh tế sản xuất hàng hóa, vật phẩm dồi dào, thì pháp quyền tư sản dù hạn hẹp, cũng không thể vượt qua. Những người lãnh đạo của đảng hiện nay đang cho thi hành một quan niệm pháp quyền chỉ nhằm phục vụ cho một đường lối chính trị cực quyền đễ dễ biện hộ cho những hành vi chà đạp những quyền tự do dân chủ đích thực của nhân dân. Theo Mác, cả hai điều kiện cần và đủ đễ có thể vượt khỏi pháp quyền tư sản hiện nay, cả ở những nước tiên tiến hiện đại nhất,cũng chưa đủ, nói gì đến VN.
3.Nghịch lý thứ 3. Nói về pháp quyền tư sản thì đụng đến phạm trù thời đại. Những nhà lãnh đạo của đảng áp đặt một quan niệm đễ cho những nhà lý luận của đảng đi rao giảng về cái quan niệm thời đại này là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thật ra cái gọi là thời đại quá độ chỉ là ý niệm của Mác về sự quá độ lên chủ nghĩa cọng đồng, như thế cái gọi là thời kỳ quá độ chính là cái xã hội đã là xã hội xhcn đã chín muồi, nó mới tạo ra sự quá độ. Những quan niệm hiện nay nếu không là tạp nham thì cũng là hồ đồ, dân gian gọi là nói lấy được!
Nói về cái cnxh thì trên thế giới hiện đang có hai phạm trù rất phân biệt không thể lẫn lộn. Đó là phạm trù tư tưởng xã hội và cái gọi là chế đô xã hội xhcn. Tư tưởng Xã hội đã từng hình thành trước Mác, nó tràn đầy trong văn hóa dân gian, trong những hệ thống triết học và đặc biệt là trong tôn giáo. Từ thế kỹ 18 nó được định hình trong những nhà xhcn cổ điển và không tưởng. Nhiều tư tưởng của Mác và Ăng ghen cũng dặt cơ sở cho sự hình thành hệ thống các đảng xã hội dân chủ. Khuynh hướng này đã bị Lênin và phong trào đệ tam QT công kich dữ dội cho đó là khuynh hướng tư sản, xét lại. Trong thực tế phong trào này cùng các đảng xã hôi dân chủ nhất là ở châu Âu từng có vai trò có ý nghĩa góp vào sự phục hưng của tây phương sau thế chiến thứ hai. Khuynh hướng này hiện nay đang là chủ thể ở một số nước Mỹ La tinh. Chính ông Phú Trọng đã nhầm lẫn hai phạm trù này, nên đã gây nên cái xi căng đan khi vào Braxin.
Cái gọi là xã hội xhcn, thì đã có hai sắc thái. Thứ nhất là cái phạm trù lý thuyết trong Tuyên ngôn các đảng cọng đồng, với cái gọi là chủ nghĩa xã hôi khoa học, mà về sau cả Mác và Ăng ghen đều đã phủ định. Cho đến nay lý thuyết ấy chưa được chứng minh. Còn cái gọi là chủ nghĩa xã hội đã hình thành như là một chế độ xã hội thì hình thù của nó chính là chế độ Xô viết đã phá sản ngay trên quê hương của nó. Những bản sao chép của nó ở Việt Nam Trung hoa, Bắc Triều tiên, Cu ba…thì mỗi anh một phách, và đều đi vào ngõ cụt. Trung hoa đã vứt bỏ và đang làm một thứ chủ nghĩa tư bản tiến đến chủ nghĩa đế quốc mới! VN thì đổi mới nhỏ giọt và đang khiến cho đất nước và xã hội lâm vào khủng hoảng liên tục, trên tất cả mọi phương diện xã hội. Như thế giá trị minh triết của Mác ở đây là gì. Như trên đã nói là Mác đã dám thừa nhận cái sai và đã dũng cảm vứt bỏ vào cuối đời. Biết sai mới là thực biết. (Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết. Ấy chính là biết vậy.) Tuy nhiên giá trị minh triết ở đây là ở ý niệm về cái lẽ tiến hóa, khi hai ông cho rằng không có cái gọi là cncđ mà chỉ có sự tiến hóa của xã hội, và những xã hội chậm tiến chỉ có thể học theo những thực tế văn minh của những dân tộc văn minh hiện đại mà thôi. Mấy nước chung quanh ta có lẽ họ đi nhanh hơn ta trong mấy chục năm lại đây có thể họ “minh triết “ rằng không có cái gọi là “cncs”mà họ thực hành ngay lẽ tiến hóa, học lấy những bài học đã được chứng nghiệm. Còn Việt Nam đã vứt bỏ minh triết và cứ tưởng rằng mình thông thái hơn người và đã khư khư ôm lấy cái cặn bã đã bị chính ông thầy vứt bỏ mà lại đi nghe theo những ông đồng bà cốt rỡm.
4.Nghịch lý 4. Về Giai cấp vô sản ( công nhân). Trong tuyên ngôn cđcn, Mác và Ăng ghen đã đề cao g/c công nhân và cho đó là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên vào cuối đời, khi hai ông đã phủ định cái gọi là chủ nghĩa cđ(cs), thì có nghĩa là cái gọi bằng vai trò của g/c công nhân cũng bị phủ định theo. Cho đến nay những nhà tuyên huấn của những đảng cncđ cầm quyền vẫn khẳng định g/c công nhân là g/c lãnh đạo xă hội. Tuy nhiên, từ gần hai trăm năm nay, chưa có một đảng”cs” cầm quyền nào đã thành công trong chính sách g/c công nhân. Nghĩa là biến g/c này thật sự là g/c lãnh đạo. Về lý thuyết và trong thực tế, một giai cấp lãnh đạo phải thỏa mãn 4 điều kiện cơ bản sau đây, và đó là nguyên tắc mà Mác vẫn dùng thuật ngữ la tinh đễ nói: condition sine qua non (điều kiện không thể thiếu.) Thứ nhất, họ (cn) phải là g/c có cuộc sống vật chất và tinh thần trên trung bình của xã hội. Ngay Lênin cũng biết được rằng khi không đủ sống người ta không thể làm chính trị được. Ở Nga, Tàu, cả Việt Nam nữa, g/c cn vẫn là g/c nghèo khổ lương không đủ sống. Thứ hai, họ phải là g/c vănhóa, học vấn cao, nghĩa là bảy tám mươi phần trăm có trình độ đại học, có lối sống văn hóa, có nhân cách của những con người tiến tiến của thời đại, mà Mác mơ tưởng là con người phát triển toàn diện. Thứ ba, họ phải có năng lực chi phối, điều tiết được cơ chế vận hành của nền kinh tế.Hiện nay họ chưa vượt khỏi chủ nghĩa nghiệp đoàn, nghĩa là tác động vào kinh tế chủ yếu bằng hành động đình công. Ở nước ta cũng như ở những nước do đảng “CS” cầm quyền, họ không có cái gọi là nghiệp đoàn thật, chỉ là tổ chức công đoàn mà đảng nắm hết mọi quyền hành, chỉ là công cụ của bộ máy nhà nước toàn trị. Cho nên những quyền lợi kinh tế (lao động, tiền lương…) họ cũng không thể bảo vệ được. Thân phận của họ cũng chỉ là kẻ làm thuê lệ thuộc, nghĩa là không làm chủ được thân phận mình, nói chi đến “làm chủ xí nghiệp” như những nhà tuyên huấn của đảng nói. Còn nói tác động vào cơ chế vận hành của nền kinh tế chỉ là nói tào lao cho vui, hoặc đễ lừa mị mà thôi. Thứ tư, họ phải là g/c có quyền lực chính trị thật sự. Về điều này Mác đã có một phán đoán sắc sảo. Trong một cuộc tranh luận với Bakounine, Mác nói: “Chính quyền của g/c công nhân sẽ được thực hiện bởi chế độ ủy quyền. Người ta sẽ phó thác cho một nhóm người bầu cữ bởi chính mình, đễ đại diện cho họ (cn), đễ cai trị họ, điều ấy sẽ làm cho họ (cn) chắc chắn là rơi tỏm vào tất cả mọi trò dối trá, và trong tất tật sự lệ thuộc của chế độ đại diện và tư sản. Sau một hồi được tự do, say sưa cách mạng, là công dân của một chế độ mới, họ sẽ tỉnh ngộ ra thấy mình là nô lệ, con rối hay con mồi của những tham vọng mới.” Nếu phân tích cho rõ những nghịch lý như thế, ta sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề. Chỉ cần trả lại cho công nhân cái quyền mặc nhiên của họ, quyền nghiệp đoàn,họ sẽ biết cách làm chủ được thân phận mình,và trong lẽ tiến hóa, họ sẽ làm tròn cái thiên chức của họ trong quốc gia dân tộc.
5.Nghịch lý 5.Tại sao tắc tỵ.? Có một lần tôi đến làm việc ở một Bộ, một nhóm cán bộ cấp vụ tiếp tôi. Làm việc xong, ngồi nói chuyện, tôi than phiền rằng ở tuổi của tôi, sao tôi thấy Đất Nước ta nhiều trì trệ quá. Họ bảo, không không, chúng em không nghĩ thế. Tôi cứ tưởng họ sẽ phê phán rằng sao tôi lại nhận định tiêu cực như vậy. Nhưng họ nói, chúng em cho rằng chúng ta đang tắc tị. Giữa hai sắc thái thì tắc tị quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Tôi đã từng thưa lại ở một hội thảo do HĐLLTƯ tổ chức, tôi nghiệm ra cái nghịch lý lớn nhất, cơ bản nhất là:
Khi giao Đất Nước vào tay đảng “CS” ở thời điểm 1960, rồi 1975 , thì chúng ta cùng với các nước trong khu vực là cùng một trình độ ( tất cả đều có GDP trong vòng 1000 đô la) Nay sau nửa thế kỹ càng ngày ta càng lạc hậu xa so với họ, cả về tăng trưởng kinh tế, cả về văn hóa, xã hội đặc biệt là về khoa học và giáo dục. Xét ở bình diện nào ta cũng cầm đèn đỏ chạy sau. Vào 1960 nhà tương lai học nỗi tiếng cuả Mỹ là Herman Kahn còn xếp hạng ta trên cả Trung quốc. Nếu phân tích kỹ thì trong thời hiện đại, một Quốc gia dân tộc phát triển lên là dựa vào bốn yếu tố cơ bản. Một là tài nguyên. Tài nguyên của ta có mặt không bằng thiên hạ, nhưng không phải là không có những thế mạnh. Mặc dầu có thế mạnh nhưng phương thức khai thác của ta lại rất lạc hậu. Thứ hai là truyền thống văn hóa. truyền thống văn hóa của ta dù còn những mặt hạn chế thậm chí lạc hậu. Nhưng là một yếu tố mà thiên hạ cũng thèm thuồng, nhiều giá trị rất nhân văn dư thừa đễ làm nội lực cho phát triển.Thứ ba, tố chất con ngưới Việt. Con người Việt dẫu có những tiêu cực, nhưng những tố chất ưu trội lại rất lớn. Vào thời hiên đại người sáng tạo ra chiếc máy tính điện tử đầu tiên là một người Viêt sống ở Pháp. Người chơi đàn đẳng cấp hành tinh là Việt. Người tạo ra phương pháp mỗ gan trình độ quốc tế là Việt, những nhà toán học đẳng cấp quốc tế là việt, những công chức cao cấp ở một số nước lớn là việt. Những bàn tay vàng của người thợ việt đã được nhiều công ty đa quốc gia thừa nhận. Chúng ta đã có trong tay nhưng yếu tố văn hóa tinh thần và cả vốn con người, đễ cho phát triển. Nhưng tại sao chúng ta thua chị kém em quá thể như vậy? Chỉ còn yếu tố thứ tư-những quan hệ xã hội hiện hữu. Những quan hệ xã hội hiện hữu của chúng ta cả về thiết chế chính trị, vả về thiết chế xã hội thể hiện trong mọi mặt bằng của cái gọi là kiến trúc thượng tầng đều khấp khểnh, lạc hậu. Mấy mươi năm vẫn chưa tạo ra cái mặt bằng của pháp luật và chuẩn mực giá trị của xã hội, đễ có một sân chơi trên đó có được sự phát triển tự do cá nhân làm bừng nở mọi giá trị sáng tạo. Đảng “CSVN” trong hơn nửa thế kỹ vẫn không tạo ra được một mặt bằng tử tế cho sự tăng trưởng kinh tế. Mọi sự so sánh với khu vực đều lạc hậu. Không tạo ra được một hệ thống nhà nước tiến bộ, nhân văn thật sự là của dân, do dân, vì dân. Không hình thành nỗi một lực lượng công chức có chất lượng điều hành hữu hiệu,trong sạch, mẫn cán,có lương tâm nghề nghiệp, tinh gọn, có năng lực và đạo đức của một lực lượng cầm trịch, định hướng xã hội. Có thể kết luận một cách đau đớn rằng mọi quan hệ xã hội hiện hữu của VN hiện nay đều không tương thích cho sự phục hưng dân tộc trong thế kỹ 21. Điều gì khiến VN đổi mới cầm chừng tiến được một bước lại lùi hai bước? Nếu thật sự vì Dân vì Nước nhất định phải đổi mới vòng hai, quyết tâm từ bỏ mô hình xô viết, đã là một vòng kim cô kìm hãm sự phát triển tự nhiên của Dân tộc trong thời gian qua. Có một số anh từng giữ cương vị lãnh đạo cao cấp nói, cậu có đeo kính dâm đễ nhìn sự vật không? Tại sao không thấy những đổi mới, biết bao cơ sở cả hạ tầng, cả thượng tầng đã được xây dựng. Có thế thật. Nhưng cái hiện thực mà chúng ta đang có lại có quá nhiều bôi bác. Cũng là C.Mác từng mượn thành ngữ latinh đễ nói hộ chúng ta một cái nhìn điềm tĩnh hơn khi ông bảo : Cacatum non es pictum! (cái bôi bác không phải là bức tranh.)
6. Những mong ước thiết tha.
a. Chúng ta dang đặt ra vấn đề tái cấu trúc một số lĩnh vực kinh tế, như thế cũng chỉ là vá víu một cái áo cũ đã chật chội, lại lỗi thời không còn thích hợp cho bước phát triển mới của Dân tộc. Phải thay đổi mô hình phát triển đất nước. Quyết tâm từ bỏ mô hình xô viết. Tái cấu trúc thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục…
b.Thành tâm đoàn kết dân tộc, vượt qua tâm thức quốc cọng lỗi thời, lấy đại đồng là Chấn hưng và phát triển Đất nước, xây dựng một nước VN Độc lập, Thống nhất, Dân chủ, Thịnh vượng, Hạnh phúc, phát triển trong Hòa bình. Tôn trọng tiểu dị, hóa giải mọi ân oán tiêu cực của quá khứ, làm lành những vết thương do quá khứ lầm lỗi đễ lại.
c.Kiến tạo một thập niên :Hòa hợp, hòa giải, chỉnh đốn, tạo đà cho bước phát triển,xây dựng nhân cách mới của Dân tộc.
-Hình thành Đại Diển Đàn Diên Hồng, với thành phần 30% đảng “CS”, 30% thành phần lập trường VNCH, 30% phái trung tính, bàn thảo và quy định những vấn đề quan trọng của Đất Nước như thể chế chính trị xã hội, chương trình tái cấu trúc kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, an sinh xã hội , đối ngoại v.v…
-Thành lập một ủy ban Giám quốc, một chính phủ lâm thời, ban hành và thi hành chương trình tái cấu trúc chính trị kinh tế xã hội…Thực hành tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hoạt động chính trị…thúc đẩy dân chủ phát triển. Hàn gắn vết thương chính trị, xã hội do hậu quả của cuộc chiến tranh ý thức hệ đễ lại. Tổ chức Hội đồng lập hiến, dự thảo Hiến Pháp mới phù hợp với tiến trình chấn hưng và phát triển Đất Nước, trưng cầu ý kiến nhân dân.Đễ nhân dân phúc quyết.
-Xây dựng xã hội dân sự văn hiến, có trách nhiệm xã hội, công tâm cùng chính phủ đoàn kết dân tộc vượt lên mọi khó khăn của thời kỳ biến đổi xã hội. Trong đó ưu tiên vận động hình thành một đọi ngũ lối ngót vạn người là những specialists (xin không dùng chữ chuyên viên vì nó không còn nghĩa đúng và tốt) đễ làm nòng cốt (cũng không dùng chữ cốt cán vì cũng đã hỏng) cho hầu hết các lĩnh vực xã hội cần chuyển đổi.
–Tổ chức lại bộ máy hành chính, đào tạo lại đội ngũ công chức…
7. Đôi lời kết: Mừơi năm cho chuyển dịch hòa bình, êm thấm, nhân văn đầy tình thương yêu, đoàn kết dân tộc, đừng đễ diễn ra cảnh, khi cái bình Pandora được mở nắp thì ma quỹ nhảy ra chứ không phải là những con người lương thiện, tử tế, có trí có tâm. Và phải có ý chí mạnh mẽ nhưng cao thượng, có công tâm chứ không phải là một bè lũ cơ hội mới, một lũ lợi ích mới. Cũng nên dè chừng tâm lý trả thù hạ đẳng. Tôi tin và mong ước sẽ có những con người Việt, có trí, có dũng,có nhân cách mới, cao thượng có đủ năng lực làm thành ”Nhóm xã hội định hướng mới của Đất Nước.”(groupe social orientee)
Mười năm đễ sửa soạn cho dân tộc một nhân cách mới, đễ chỉnh đốn những hư hỏng cũ kỹ, tạo dựng một bệ phóng mới cho sự phát triển bền vững của dân tộc, là một nghĩa vụ lớn lao, khó khăn và phức tạp. Đó sẽ là trạng thái “văn hóa phục hưng”cần thiết đễ cho Việt nghĩa là siêu việt lên vượt qua chính mình,vượt qua mọi thử thách tiến vào một thời kỳ mới tự do, hạnh phúc.
Gate gate Pẩragate Parasamgate.Bodhi satsva. Vượt lên vượt lên Hãy vượt lên Hãy tự vượt lên Hỡi người giác ngộ. ( thần chú của kinh Prajna Paramita)
Tôi viết những dòng này dâng cho ngày 30-tháng Tư như một khấn nguyện để cho ngày này trở thành ngày của thương yêu hòa giải đoàn kết dân tộc, để mỗi người Việt là một nhân vị cao quý,hạnh phúc và tự do, đễ xây dựng một nền Thống nhất xứng đáng của Dân tộc.
 Ô Đồng LầmKinh thành Thăng long
29-4-2013
Nguyễn Khắc Mai
Tác giả gửi Quê Choa
* Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết.
……………………………
Những Trích Dẫn Cần Thiết:
1.Ang ghen: Lời nói đầu tác phẩm Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp của C,Mác.”Lịch sử chứng tỏ chúng ta đã mắc sai lầm.Quan điểm của chúng ta hồi đó chỉ là ảo tưởng.Lịch sử còn làm được nhiều hơn, không những đã xóa bỏ mê muội của chúng ta hồi đó mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của G/C vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt, chẵng có mục tiêu lớn chủ nghĩa cọng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng cn Mác đề xuất lúc trẻ. Nhưng đã vứt bỏ nó trong cuối đời.”
2.C.Mác: Đối với chúng ta, chủ nghĩa “cọng đồng” không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo .Chúng ta gọi phong trào cđ là một phong trào hiện thực ,nó xóa bỏ trạng thái hiện nay.(Hệ tư tưởng Đức)
3.Ăng ghen : “CNCĐ “ không phải là một học thuyết, mà là một phong trào. Nó xuất phát không phải từ những nguyên tắc mà từ những sự thực. Người “CĐ” không lấy thứ triết học này nọ mà lấy toàn bộ quá trình lịch sử trước đây và đặc biệt là những kết quả thực tế của quá trình trước mắt tại các nước văn minh làm tiền đề của họ. Bài những người “CĐ” và K.Heinzen.
4.C.Mác :Chế độ dân chủ là câu đố đã được giải đáp của mọi hình thức nhà nước. Ở đây chế độ nhà nước ngày càng hướng tới con người hiện thực, nhân dân hiện thực và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân. Góp phần phê phán Tư tưởng pháp quyền của Hegel.NXBCTQG 1995 TI tr349.
Dưới chế độ dân chủ,không phải con người tồn tại vi pháp luật,mà luật pháp tồn tại vì con người.Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy.sđd tr354.
5.C.Mác: Tự do chính là biến nhà nước,cơ quan đặt trên xã hội,thành cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội. C.Mác Ăng ghen Toàn tập (bộ cũ)XBST 1980 tr22.
6. Ăng ghen:” Mác cho rằng nói chung, không phải nhà nước quy định và điều chỉnh xã hội dân sự, ,mà xã hội dân sự quy định và điều chỉnh nhà nước.( Góp vào lịch sử của Đồng minh những người “CS”.)
7 .C.Mác : Tự do là biến nhà nước, cơ quan cao nhất của xã hội thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội,và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước được gọi là tự do hay không, tùy thuộc ở chỗ trong những nhà nước ấy, hình thức ấy, sự tự do của nhà nước bị hạn chế nhiều hay ít. ( Phê phán cương lĩnh Gôtha.)
8.C.Mác : Luật kiểm duỵệt không phả là luật,mà là biện pháp cảnh sát,và thậm chí còn là biện pháp cảnh sát tồi,bởi vì nó không đạt được điều nó muốn và nó không muốn điều nó đạt được. Mác-Ăng ghen Toàn tập.NXBCTQG 1995 tr98.
9.Đạo Đức Kinh (chương 14): Thái thượng bất tri hữu chi.Kỳ thứ thân nhi dự chi.Kỳ thứ úy chi.Kỳ thứ,vu chi.Minh Chi dịch :Nhà nước tốt nhất ( quản lý giỏi tới mức ngưới dân không biết nhà nước tồn tại.) Dưới một bực là nhà nước mà nhân dân gần gũi và ngợi khen. Dưới nữa là dân sợ. Dưới cùng là dân khinh.
10.Hồ Chí Minh: Cần một cuộc chiến(tranh) đấu đễ chống lại những hư hỏng cũ kỹ. Di chúc, NXBST.(phần viết bằng bút bi màu lục)
11.Ngô Thì Sĩ: Đem đạo thánh hiền đễ quở trách thói đời, không bằng đem đạo đời thường đễ cảm hóa lòng người. Dẫn theo Phan Huy Chú. Lịch triếu Hiến Chương loại Chí,NXBSH 1961 t2 tr71.
12. HCM: Quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý.Toàn tập ST1987t7 tr482.
13. Thơ văn ĐKNT : Nước muốn mạnh thời Dân phải mạnh.
Dân có khôn thì nước mới khôn.
Xin sửa lại:
Nhà nước muốn mạnh, thời dân phải mạnh,
Dân có khôn thì nhà nước mới khôn.
(Quê choa)
 

Việt Nam – Nơi giáo dục miễn phí không hề miễn phí

Hà Nội, Việt Nam – Chính phủ cộng sản đất nước Đông Nam Á này hứa rằng giáo dục luôn miễn phí nhưng hầu như họ chưa bao giờ thực hiện được lời cam kết đó.
Giáo dục ở đất nước này được xây dựng với tinh thần miễn phí. Thế nhưng có nhiều gia đình vẫn không thể kham nổi.
Tại một công viên bên ngoài Nhà Hát Lớn ở Hà Nội, cô bé 6 tuổi tên Trang đang chơi một mình với những chiếc que hoặc ngồi cùng với bố trên chiếc xe máy khi ông ấy chở khách hàng đi quanh thành phố. Trang không đi học bởi vì gia đình em không có đủ tiền để trả học phí.
Những hoàn cảnh éo le như vậy không hề hiếm ở Việt Nam. Thay vì đọc sách, những đưa trẻ ở độ tuổi tới trường lại đi dọn bàn, làm việc ở các cửa hàng tạp hóa, hoặc đơn giản là lang thang trên các con phố bán kẹo cao su hoặc vé sổ xố.

Chi phí sách giáo khoa và đồng phục là rào cản đối với những trẻ em nghèo. Ảnh: Hoàng Liên / Al Jazeera
Chi phí sách giáo khoa và đồng phục là rào cản đối với những trẻ em nghèo. Ảnh: Hoàng Liên / Al Jazeera
Hiến pháp Việt Nam cam kết rằng, “Giáo dục cơ sở là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí”. Nhưng những chi phí khác như sách giáo khoa, đồng phục vẫn làm cho các em sinh ra trong các gia đình nghèo khó không thể tới trường. Chi phí còn cao hơn nữa ở trường trung học trở lên, nơi mà hầu hết toàn bộ các trường luôn tính phí.
Đất nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa này vẫn chưa xã hội hóa được giáo dục một cách trọn vẹn, bởi vì những khoản tiền trời ơi đã khiến cho nhiều em không thể cắp sách tới trường.
Các trường công không thể tính phí cho tới cấp độ trung học cơ sở, cho nên họ yêu cầu học sinh trả tiền cho những thứ như vệ sinh, bảo vệ, người làm vườn, bút viết, vở viết, sách giáo khoa và thậm chí cả việc sơn lại phòng học. Việc làm này đã trở nên thái quá trong năm 2011 và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường dừng ngay việc vòi tiền của các phụ huynh.
Giờ đây, thay vì mở rộng cơ hội tới trường đối với con em, các nhà hoạch định chính sách đang ra tín hiệu sẽ có một bước xa nữa đối với việc phổ cập giáo dục. Bản Hiến pháp mới đang được sửa đổi và bổ sung có thể sẽ xóa bỏ quy định liên quan tới việc miễn phí giáo dục, thay vào đó là mục 42 còn nhập nhằng hơn nhiều: “Các công dân có quyền và trách nhiệm đối với học tập.”!
Đề nghị này đã gây ra sự hoài nghi và lo lắng về việc sẽ dẫn tới các tình trạng học phí tăng cao hơn nữa.
“Điều này quá chung chung và quá rộng, và đi kèm với nó là những hiểm nguy mà những nhân tố hiện đang được miễn phí ở mức học tiểu học sẽ có khả năng bị biến mất”, bà Mitsue Uemura, Trưởng Chương trình Giáo dục của Unicef tại Việt Nam trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Những sửa đổi
Liên Hợp Quốc đang vận động hành lang đối vói các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam nhằm duy trì việc đảm bảo miễn phí giáo dục theo mục 59 trong Hiến pháp. Nổ lực của họ là một trong những bước đi của chính phủ nhằm thu thập phản hồi của công chúng cho đến cuối tháng Ba trước khi có những thay đổi trong Hiến pháp năm 1992. Mùa hè năm nay, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa ra các sửa đổi – có thể có nhiều tác động lên nhiều vấn đề, từ nhân quyền cho đến việc quy chế quan sát bầu cử, và rồi bỏ phiếu cho các thay đổi này trước cuối năm nay.
Trang web của Quốc hội đã mời người dân vào để đưa ra ý kiến. Giáo sư Vật Lý Đàm Thanh Sơn tại Đại học Chicago đã gửi một lá thư cảnh báo tới trang web trên rằng “bằng việc bỏ đi quy định trong mục 59, nhà nước có thể coi thường cam kết đối với Hội nghị Liên Hiệp quốc về Quyền Trẻ em. Mục 28 của Hội nghị cho hay “mọi trẻ em có quyền được hưởng giáo dục tiểu học, và cần được miễn phí”.
Những người viết dự thảo đã nói rằng những thay đổi mà họ đề xuất có thể mở rộng chính sách của nhà nước hơn từ lớp 1 tới lớp 5, nhằm yêu cầu và cấp quỹ cho giáo dục cấp cao. Nhưng các nhà quan sát cho rằng nếu thực sự đây là mục đích thì bộ luật mới không hề phản ảnh điều đó.
“Tinh thần của việc xây dựng một xã hội có giáo dục mà ở đó ai cũng được học, và mọi người giúp đỡ nhau trong học tập, không hề được thấy trong bản dự thảo sửa đổi”, tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, cựu Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay qua email.
Dù cho việc tranh luận xung quanh Hiếp pháp sửa đổi này có thành ra thế nào đi chăng nữa, nó đã giúp chỉ ra những sai lầm trong việc Việt Nam chi trả cho chương trình giáo dục. Phần lớn các hộ gia đình đều phải trả ít nhất một phần học phí, một điều có vẻ như không hợp lý lắm đối với một thể chế xã hội chủ nghĩa. Thậm chí ở những đất nước thị trường tự do nhất cũng muốn quốc gia hóa thành phần sơ đẳng này thành phúc lợi xã hội.
Katarina Tomasevsky, cựu đặc báo viên của Liên Hiệp Quốc về giáo dục, đã tranh luận rằng Việt Nam đã phần nào tư hữu hóa giáo dục bằng việc đẩy một số chi phí tài chính về phía phụ huynh. “Việc phụ huynh sẵn sàng chi trả cho việc học tập của con em họ đã xóa bỏ đi khái niệm về sự bắt buộc của những chi phí công trong giáo dục phổ thông, và xóa bỏ luôn cả mô hình dịch vụ công miễn phí trước đây của giáo dục”, cô viết trong bản báo cáo toàn cầu năm 2006 về giáo dục có nhan đề “Có phí hay miễn phí”.
Võ Thị Diễm, năm nay 18 tuổi, nói rằng để có thể giúp cô vượt qua được cấp tiểu học, bạn bè cô đã cho cô mượn sách giáo khoa, và một giáo viên cho cô bộ quần áo trắng đồng phục để có thể vào lớp. “Tôi đã sợ rằng mình phải bỏ học”, cô nói. Theo Văn phòng Thống kê Trung ương, 15,5% học sinh từ độ tuổi 5-18 đã phải bỏ học giữa chừng.
Diễm không phải bỏ học vì có một giáo viên đã giới thiệu em đến Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn, một tổ chức với khẩu hiệu “Xoá bỏ đói nghèo bằng giáo dục”.
Giám đốc Paul Finnis cho biết chi phí đến trường không đơn thuần chỉ là học phí.
“Như bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng biết, luôn có nhiều thứ phải chi, tiền mua đồng phục, giày dép”, ông Finnis cho biết. ”Ví dụ, hôm trước chúng tôi gặp một em trai chân đất. Và khi chúng tôi hỏi, em nói rằng em có một đôi giày, một đôi dép lê nhưng em muốn để dành để ăn Tết hay dịp Năm mới”.
Tỉ lệ biết chữ gia tăng
Bằng nhiều biện pháp, Việt Nam đã có các bước đột phá lớn về giáo dục trong gần hai thập niên qua. Tỉ lệ bỏ học toàn quốc là 22% trong năm 1989. Cũng trong cùng năm, tỉ lệ thoát mù chữ trong lứa tuổi từ 15 trở lên là 87,3%, so với 93,5% vào năm 2009. Trong giai đoạn 20 năm, tỉ lệ trẻ từ 15 tuổi trở lên với trình độ giáo dục ít nhất là một vài năm ở đại học đã tăng từ 1,7% lên 4,4%.
Việt Nam, vốn có truyền thống hiếu học từ lâu, dường như đang trên đà để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục phổ thông tiểu học.
Chính quyền rõ ràng đang đầu tư vào giáo dục. Họ đã chi 19,8% ngân sách quốc gia cho giáo dục trong năm 2010, so với chỉ số trung bình trong khu vực Đông Á là 13,7%, Unesco cho biết.
Nhưng bà Uemura thuộc cơ quan Unicef nói rằng Việt Nam phải tìm được những phương pháp hiệu quả nhất để sử dụng ngân sách giáo dục của mình. “Liệu họ có thật sự tiến bộ, đặc biệt là đối với những người bị thiệt thòi, những người đang bị bỏ rơi phía sau?” Uemura quan ngại.
Những người bị bỏ rơi chiếm 22,7% trong tổng dân số từ 5 tuổi trở lên chưa học xong tiểu học. Mặc dù 95,5% tổng số trẻ em theo học tiểu học vào đúng độ tuổi, chỉ có 88,2% được học hết cấp.
Con số bị giảm thêm 9% ở những vùng sâu vùng xa, nơi giáo viên tiểu học Trần Thị Thanh Phong nói rằng đa số các gia đình chắc chắn sẽ không lo được cho con em đến trường.
“Đối với họ, kiếm đủ tiền để sống đã là một vấn đề”, cô nói. “Cho nên, nếu họ phải đóng học phí thì họ làm cách nào để mà sống nổi?”
Liên Hoàng, Al Jareeza
Lê Duy chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Người Buôn Gió - Nguyễn Ái Quốc hơi nhiều tiền

http://3.bp.blogspot.com/-kaVK8xjnAnM/Tup7OrgToGI/AAAAAAAAKOA/FDOebq6TO0c/s1600/hochiminh.jpg
Nguyễn Ái Quốc
Năm 1925 bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc đó là đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có vai trò to lớn trong đảng cộng sản quốc tế. Lúc đó Nguyễn Ái Quốc hơi bị nhiều tiền không phải nghèo khó như chúng ta vẫn thường nghe kể đâu.
 
Thu nhập của bác Quốc hồi ấy là do Thông Tấn Xã Nga cung cấp, chắc là tiền nhuận bút. Eo ơi, chứng tỏ hồi ấy viết báo cũng dễ kiếm tiền hơn bây giờ.
Sở dĩ nói bác Quốc có ảnh hưởng to lớn là vì bác Quốc gửi thư yêu cầu Cộng Sản quốc tế tài trợ tiền bạc cho Quốc Dân Đảng hoạt động, chứ bấy lâu nay toàn do bác Quốc bỏ tiền túi ra giúp đỡ. Mà tiền toàn tiền USD thôi nhé.
Có hai đảng viên Quốc Dân Đảng có việc đi từ Quảng Châu sang Trung Kỳ ( Việt Nam) , bác Quốc rút túi chi ngay cho mỗi chú vài trăm đô la đi đường. Chứng tỏ ngày ấy hoạt động cách mạng cũng tốn kém, ngày nay có từng ấy tiền đi lại là cũng xông xênh rồi.
Công nhận là bác Quốc tức bác Hồ của chúng ta tài giỏi, không những là nhà cách mạng xuất sắc mà còn kiếm tiền ác. Ở bên Trung Quốc xứ người khó khăn thế mà bét nhất lúc nào bác cũng có mớ tiền, cần cho ai là móc túi đưa ngay, dễ như kẹo sau này bác thành chủ tịch nước hay cho trẻ con vậy.
Bác Quốc cũng khen hành động không ''bất bạo động'' của Phạm Hồng Thái đảng viên Quốc Dân Đảng.
''Bác luôn nhắc đến tấm gương yêu nước và dũng cảm, dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của đồng chí Phạm Hồng Thái. Bác nói: "Việc đó tuy nhỏ, nhưng nó bắt đầu một thời đại đấu tranh cách mạng, như chim én nhỏ báo hiệu mùa Xuân" (1)
BÁO CÁO GỬI BAN PHƯƠNG ĐÔNG - QUỐC TẾ CỘNG SẢN CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC 
1) Từ tháng 11-1924, tôi được Ban phương Đông và Đảng Cộng sản Pháp phái đến Quảng Châu để làm việc cho Đông Dương.

Tôi tiếp tục đi Mátxcơva để trình bày yêu cầu của tôi.
...
4) Yêu cầu của tôi: Ngay bây giờ tôi không thể lập một dự trù ngân sách chi tiết cho công tác của tôi ở Đông Dương (đi qua Xiêm). Vì vậy, tôi chỉ có thể lập dự trù theo cách áng chừng với những con số phù hợp với hoàn cảnh. Biết sự khó khăn về liên lạc từ Đông Dương đi Mátxcơva, và định thời gian cư trú ở thuộc địa này khoảng chừng 2 năm, tôi trình bày với các đồng chí một yêu cầu về ngân sách tính theo Mỹ kim như sau:
Lương tháng 150 đôla trong 2 năm
(cho tôi và những người giúp việc) 3.600 $
Quỹ để công tác trong 2 năm
(mỗi tháng 200 đôla) 4.800 $
Tiền chi bất thường 1.100 $
Tổng cộng 9.500 $
Tất nhiên, ở đây tiền lương chỉ là tượng trưng vì ngoài phần trợ giúp tối cần thiết cho chúng tôi, phần còn lại sẽ chuyển sang quỹ công tác. Và nếu các đồng chí vui lòng chấp thuận thì ngân sách này chỉ được thực hiện từ ngày tôi đến Băng Cốc.

Trong khi chờ đợi quyết định của các đồng chí, xin các đồng chí vui lòng: 1) đưa tôi vào bệnh viện, 2) khi tôi ra bệnh viện cho phép tôi được học vài kinh nghiệm cần thiết cho công tác của tôi 3) và cho tôi lên đường càng sớm càng tốt.

Gửi các đồng chí lời chào cộng sản.

Mátxcơva tháng 6-1927

Hồ Chí Minh Toàn Tập - tập 2
 

Đừng nên dính đến tiền và danh…

Lời dẫn: Phàm những việc nhân văn, cách tốt nhất là tránh xa tiền bạc và danh vọng. Có thế mới vô nhiễm trước lời ong tiếng ve. Khi tôi thấy trang bauxite quyên tiền cứu trợ bão lụt tôi đã cười mỉm, rồi có ngày các ông cũng vạch áo cho người xem lưng thôi. Không tin bạn cứ tìm lại bài kia trong blog này hay danluan.org, hoặc x-café.
Tôi xin miễn bình luận về nội dung những thư qua lại dưới đây. Chỉ “nháy nháy” một cái: không phải tay trong thì chả ai biết những chuyện thâm cung bí sử ấy cả. Nếu các ông không đấu nhau thì cũng có  nội gián.
———————-
Hôm nay, 14h ngày 27/12/2009, tôi nhận được email từ địa chỉ email anh Phạm Toàn, một trong ba thành viên sáng lập và quản trị Bauxite Việt nam, email có đính kèm 2 file: 1 file có tên ” thư rút tên“, 1 file có tên ” Nguyễn Huệ Chi con người hai mặt” Đây là hai file PDF nên không cách sao copy đưa lên mạng được, đành lược kể như sau:
File “thư rút tên”:có hai thư, một thư thông báo xin rút tên của anh Phạm Toàn vì lý do sức khoẻ ( anh vửa mổ tim) và bận rộn công việc ( do phải nhận công trình soạn sách giáo khoa bậc tiểu học); một thư khác nói chuyện quan hệ của anh với nhóm biên tập với lẽ khó chịu và bực dọc, người ngoài ít ai hiểu thực chất là vấn đề gì, chỉ toát lên ý tứ anh phạm Toàn coi thường nhóm Biên tập mà anh Huệ Chi đứng đầu-” Tôi giống ông Pavlov, chỉ làm việc được với chó không làm việc được với người“.
File thứ 2: liệt kê một số email trao đổi giữa Nguyễn Huệ Chi và các cộng tác viên nói chuyện tiền nong để chứng tỏ Nguyễn Huệ Chi mở trang Bauxite chỉ vì tiền, khác với những tuyên bố của ông trong các cuộc phỏng vấn.
Tôi lập tức gọi điện cho anh Nguyễn Huệ Chi, anh rất ngạc nhiên, nói chỉ duy nhất cái thông báo xin rút tên của anh Phạm Toàn là có thật. Nhưng anh Phạm Toàn chỉ gửi cho một số anh em thân thiết, điều này anh Phạm toàn cũng đã tâm sự với anh Huệ Chi và anh Huệ Chi hết sức thông cảm. Không hiểu tại sao cái thư này được tung lên mạng dưới dạng email của Phạm Toàn gửi cho rất nhiều người. Còn lại tất cả các thư email khác đều bịa đặt. Nguyễn Huệ Chi còn nói thêm: anh tin anh Phạm Toàn không bao giờ có những lời lẽ như thế đối với anh cũng như nhóm biên tập.
Chiều nay đi dự đám cưới con trai nhà văn Bảo Ninh, tôi gặp anh Phạm Toàn. Tôi có kể về nội dung hai bức thư email đó. Anh Phạm Toàn hết sức sửng sốt, anh bỏ cả đám cưới chạy về nhà ngay.
Một giờ sau anh gọi điện cho tôi nhiều lần, nói bọn chúng đã giả mạo email của anh, chỉ thay mỗi chữ i và chữ j. Đến 22h3o tôi nhận đựơc cái thư của Phạm Toàn nhờ công bố cho mọi người.
Đọc cái thư của Phạm Toàn bà con sẽ hiểu phần nào sự bỉ ổi có phương pháp của bọn người có tên là tin tặc
———————————–

Lời kính báo của Phạm Toàn nhờ  đăng trên một số trang mạng bạn bè
Kính thưa bạn đọc trang mạng Bauxite Việt Nam ở trong và ngoài nước,
Trang mạng Bauxite Việt Nam hiện đang bị bọn lưu manh Tin học phá hoại bằng hai hình thức:
+ hình thức thứ nhất là dùng kỹ thuật để đánh sập trang thông tin dân sự này, và + hình thức thứ hai là mạo danh một người của trang này (cụ thể là mạo danh ông Phạm Toàn) để chia rẽ nội bộ (cụ thể là viết bài ký tên Phạm Toàn có nội dung bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ giáo sư Nguyễn Huệ Chi).
Về vụ việc này, tôi Phạm Toàn, xin trân trọng kính báo cùng bạn đọc trong và ngoài nước như sau:
Bài viết “Nguyễn Huệ Chi – con người hai mặt” ký  tên Phạm Toàn và một số tư liệu đính kèm được gửi tới mọi người là hoàn toàn giả mạo.
Cách thức kẻ  xấu tạo địa chỉ điện tử viết sai một chữ i thành chữ j là một âm mưu vô cùng nham hiểm: những thư từ của bạn đọc gửi cho ông Phạm Toàn để hỏi thực hư hoặc để phản đối đã không tới được người nhận, dẫn đến những giận dữ và hiểu lầm chết người.
Tài liệu giả mạo đặc biệt xúc phạm tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, mà chỉ nhờ sự điềm đạm của ông nên mới giúp tìm ra điều thật giả.
Tài liệu giả  mạo cũng gây nghi ngờ về  chuyện tiền nong là điều ngay từ  đầu những người chủ  trương trang mạng đã vô  cùng cảnh giác để không bao giờ có thể xảy ra bất kỳ sự lạm dụng nào.
Tài liệu giả  mạo cho thấy kẻ xấu  đã chiếm dụng một số  thư từ trao đổi nội bộ  và dùng cách cắt xén  để tạo ra tác dụng xấu, có  khả năng tạo ra những hệ  quả khó lường.
Trang mạng dân sự  Bauxite Việt Nam ra đời từ giữa tháng 4-2009 nhưng được rất đông đảo bạn đọc quan tâm.

Những kẻ nào thấy sợ hãi trước ảnh hưởng của trang mạng phải tìm mọi cách để triệt phá nó, đó là lẽ thường tình.

Chúng tôi cũng nhận  được nhiều thư của bạn đọc, căn cứ vào  địa chỉ viết sai một ký tự, đã kịp thông báo cho mọi người biết đó là tài liệu giả mạo; chúng tôi vô cùng cảm ơn.
Thông báo này xin được gửi đăng trên nhiều diễn đàn mạng của bè  bạn. Xin kính báo để bạn đọc trong và ngoài nước được rõ.
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2009, hồi 9 giờ tối
Xin cám ơn
Phạm Toàn
—————————–
Dựa vào một cái thật để tải nhiều cái giả là cách làm của tin tặc, đây là thông báo thật của Phạm Toàn đã được tin tặc lồng vào trong các email giả mạo.
kính báo:
Tôi tên là Phạm Toàn, người được ghi dưới trang chủ mạng Bauxite Việt Nam là nhà văn Phạm Toàn, và cũng ghi thêm là đã cùng hai người cùng sáng lập trang mạng này.
Năm nay tôi 78 tuổi, năm ngoái lại mổ tim, nên sức khoẻ không còn bao nhiêu. Trong hoàn cảnh đó, lại là người tham việc, nên từ ít lâu nay vẫn cùng vài người bạn lập ra một đề án soạn sách giáo khoa cho trẻ em tiểu học.
Nhóm biên soạn tư nhân làm việc ngoài biên chế lấy mất rât nhiều thời giờ hàng ngày của tôi.Vì nhóm tôi dự định vào năm 2012 sẽ trình ra trước xã hội một bộ sách 36 cuốn soạn cho 6 lớp của bậc Giáo dục Phổ thông cơ sở (cái tên chúng đề nghị sẽ thay thế tên bậc tiểu học) theo một dự án cải cách giáo dục phổ thông rút xuống còn 10 năm học, do chúng tôi hình dung và bàn bạc rồi cùng nhau soạn thảo.
Quĩ thời gian eo hẹp khiến tôi ba bốn tháng nay trên thực tế đã hoàn toàn không tham gia gì hết vào công việc biên tập bài vở của trang Bauxite Việt Nam.
Việc tôi xin rút tên là để công khai về trách nhiệm, hoàn toàn không vì bất cứ áp lực nào của bất cứ ai.
Xin tạm biệt bạn đọc trang Bauxite Việt Nam
Nay kính báo
Phạm Toàn
Nhà nghiên cứu tâm lý- giáo dục độc lập
—————————————–
Dưới đây là các thư giả mạo, nhờ một blogger tôi đã copy ra được.
A. Bức thư giả mạo thứ nhất
Kính gửi các anh,
Tối thứ bẩy 12-12-2009
Tôi đã gửi các anh một lá thư, thư đó đâu có phải để kết án một người?
Thư đó của tôi cốt đề nghị các anh tham gia vào BBT của BVN đồng thời với việc tôi rút tên.
Như vậy, một công mà hai việc: 1./ tôi rút ra được êm thấm, không ồn ào, và 2./ có giải pháp kiềm chế cách làm việc háo danh, chuyên quyền, mà tôi nghi là có sự manipulation rất rõ của những ai đó: cái phía đó họ cần chỉ một đầu mối thôi cho họ dễ nắm.
Sau khi tôi gửi thư đi, chắc chắn các anh đã đọc cả, nhưng chỉ có anh TVC và HH trả lời. Các anh TVC và HH thì mơ hồ không biết được những gì tôi trải nghiệm tại chỗ mấy tháng qua nên vẫn có những ý kiến rất “xây dựng”.
Còn các anh ĐL đều im lặng. Tôi đoán được nguyên nhân vì sao các anh im lặng; nhưng thôi, tôi hết kiên nhẫn rồi. Tôi cần tập trung vào công việc riêng phải hoàn thành, không rỗi hơi mà chạy theo những cái ngoài tầm mình nữa. Bây giờ thì xảy ra scandale cũng mặc. Tôi đã hết việc tại khu vực đó.
Tôi có forward tới các anh 2 lá thư anh HC gửi tôi.
Nếu các anh đọc các lá thư đó, các anh sẽ thấy ít nhất hai điều:
1./ Hoàn toàn gạt bỏ đề nghị đưa anh MTL, TVC và HH vào BBT.
2./ Ngây ngô nghĩ rằng tôi cũng háo danh nên đồng ý để tên mình lại đó cho anh ấy tiếp tục mặc sức tung hoành.
Có một chi tiết tôi cần nói rõ: anh ấy nói có “mời” tôi tham gia đi cứu trợ nạn nhân bão lụt. Việc “mời” đó diễn ra:
– sau khi hai bên đã không có liên hệ chừng một tháng và
– mời trước hôm lên đường 2 ngày và
– mời thông qua một người khác và chỉ khi nhận được lời từ chối thì mới gọi điện cho tôi – và dĩ nhiên là tôi từ chối, vì có nhận lời thì cũng chẳng kịp đặt vé!
Tôi là người ngay thật, do rất khó chịu với những lời giải thích gượng gạo trên e-mail của người thay mặt mời hộ, nên tôi đã trả lời rằng (nguyên văn) “Tôi không đi vì bận, vả lại tôi giống ông Pavlov, chỉ làm việc được với chó thôi, không làm việc được với người, nhất là người XHCN”.
Chi tiết bổ sung này cũng gợi ý là các anh TVC và HH cũng không nên khuyên can gì tôi thêm nữa.
Tôi là người ít kinh nghiệm giao du; người tốt đọng lại trong đời tôi thì tôi được nhờ, trong trường hợp này, vì tôi đã thiếu suy xét ngay từ đầu, nên phải gánh hậu quả.
Có điều là lại đem cái gánh nặng đó đặt lên vai các anh, thật rất không nên, tôi rất xin lỗi. Thư này là thư cuối cùng.
Dưới đây là dự thảo thông báo gửi đăng trên BVN và hai trang mạng khác; các anh thích góp ý thì góp, không góp hoặc không muốn góp thì cũng chẳng sao.
Vì tôi làm thì tôi chịu trách nhiệm – quỹ thời gian của tôi eo hẹp lắm rồi – được các anh thông cảm thì quý, nhược bằng không thì cũng chẳng biết nói sao.
——————————————-
B.Bức thư giả mạo thứ hai
Nguyễn Huệ Chi – Con người hai mặt?
Phạm Toàn
Hà Nội, 27/12/2009
Tiêu chí khi thành lập Bauxite Việt Nam là tiếng nói của trí thức Việt Nam, không phải là một trang tin về chính trị hoặc liên quan đến bất kỳ một tổ chức chính trị nào. Ông Huệ Chi đã trả lời BBC theo đúng tiêu chí đó của chúng tôi khi thành lập Bauxite Việt Nam trong buổi phóng vấn vừa qua trên BBC:
Để Bauxite hoạt động, các nhân sự trong ban biên tập và quản trị đều phải hi sinh, không
đòi hỏi bất cứ một khoản thù lao nào như một trong các email tuyển nhân sự dưới đây:
Nhưng tôi thực sự thật thật ngỡ ngàng, tôi vô tình nhận được 1 email của ông Huệ Chi từ
một trong các thành viên quản trị của Bauxite Việt Nam:
Ông Doan Phung (Đoàn Liên Phùng – Giám đốc Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập – Center of the Encouragement of Self-Defence – CESR). Theo tôi được biết thì đây là tổ chức tách ra từ Hội Chuyên Gia Việt Nam, liên quan mật thiết đến Đảng Việt Tân (?). Trong email trên đã gửi về cho Bauxite Việt Nam nói chung, ông Huệ Chi nói riêng một số tiền khá lớn ngoài số tiền đã gửi về phục vụ dự án cứu trợ lũ lụt đồng bào. Như trong nội dung lá thư trên, ông Huệ Chi đã nhận tiền, và dặn cô thư ký giữ lại phần của ông Đàm nào đó cùng 4000 USD để dùng việc riêng? Các bạn cũng nên biết là toàn bộ hạ tầng cơ sở mạng, các chi phí kỹ thuật của Bauxite Việt Nam đều đã được tài trợ từ các tổ chức tại Mỹ, Pháp và Úc chứ chúng tôi làm gì có tiền? Và đây mới chỉ là một trường hợp mà tôi được biết, ngoài trường hợp này ra còn biết bao trường hợp khác mà chỉ ông Huệ Chi và trợ lý thân cận của ông mới biết?
Tiêu chí khi thành lập các quỹ của Bauxite từ khi thành lập đến nay hoặc tất cả các quỹ từ thiện, cứu trợ nào khác là tài chính phải minh bạch. Thế mà ông Huệ Chi lại xử sự như thế đấy?
Từ đó có thể thấy, giữa nói và làm của ông Huệ Chi hoàn toàn khác hẳn nhau, trên “mặt trận” truyền thông, ông là một tấm gương hi sinh vĩ đại, mọi người đều nể phục, kể cả tôi khi cùng ông khởi xướng Bauxite Việt Nam. Thật đáng thất vọng và chua chát.
Hôm nay, tôi tuyên bố rút lui khỏi Bauxite Việt Nam, thực sự trong nội bộ ban biên tập, tôi đã tự rút khỏi từ ngày 11/12/2009 khi phát hiện thấy nhiều chuyện bất thường trong việc quản lý tài chính cũng như các mục tiêu của Bauxite Việt Nam ngày càng đi xa tiêu chí của nó khi thành lập.
Hà Nội, 27/12/2009
Phạm Toàn
(Nguồn dẫn Danluan.org)

Việt Nam sắp thi hành hàng loạt án tử hình

Nhà cầm quyền Việt Nam vừa cho hay, sẽ bắt đầu thi hành án tử hình bằng cách chích thuốc độc kể từ ngày 27 tháng 6, nhờ đã sản xuất được độc dược.
Như vậy, thời gian trì hoãn việc thi hành Nghị định hành quyết tử tội bằng cách tiêm thuốc độc kéo dài đúng một năm rưỡi, nay mới được khai thông.
Nguyên nhân của sự đình trệ này, theo nhà nước Việt Nam, là vì không mua được thuốc độc.
Trước ngày 7 tháng 11, 2011, Việt Nam còn đưa tử tội đến pháp trường. (Hình: Internet)
Nghị định cũ được ban hành hồi tháng 9 hai năm trước đây được thay thế bằng nghị định số 47, mới được ban hành, không chỉ định ba loại thuốc độc làm chết tử tội.
Theo nghị định cũ, ba loại thuốc được sử dụng để thi hành án tử, gồm thuốc gây mê (Sodium Thiopental); thuốc làm liệt thần kinh và cơ bắp (Pancuronium Bromide); thuốc làm tim ngừng đập (Potassium Chloride).
Báo Tiền Phong cho biết, nghị định mới không chỉ định tên thuốc độc mà chỉ nêu tính chất của ba loại thuốc khác nhau, bao gồm: thuốc làm mất tri giác; thuốc làm liệt hệ vận động của cơ thể; thuốc làm tim ngừng đập. Bộ Công an Việt Nam nói rằng một tử tội chỉ cần tiêm một liều tổng hợp ba loại thuốc này là đủ để đưa họ “sang bên kia thế giới.”
Theo báo Người Lao động, nghị định mới có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6.
Dư luận cho rằng hàng loạt án tử hình bằng cách chích liều thuốc độc nêu trên sẽ được tiến hành tại năm “nhà thi hành án” ở các trại giam của Công an Hà Nội, Sài Gòn, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk.
Hồi đầu năm 2013, Bộ trưởng Công an cho biết, việc thi hành án tử bị trì hoãn một năm rưỡi nay vì không mua được thuốc độc của thế giới. Đến nay, theo báo Người Lao động, Việt Nam đã sản xuất được thuốc độc trong nước đủ sức để dùng vào việc thi hành án tử hình.
Hiện nay Việt Nam có 532 tử tội đang chờ thi hành án. Trong số này có ba người qua đời vì bạo bệnh và ba người tự tử vì không muốn kéo dài cuộc sống căng thẳng.
Theo một tài liệu khác của Bộ Công an được báo Người Lao động trích dẫn, người bị kết án tử hình ở Việt Nam tăng mỗi năm khoảng 100. Phần lớn tử tội can án giết người để cướp của và buôn ma túy
(Người Việt)
 

Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền – Tuyên Bố Về Vụ Án Và Phiên Tòa Xử Các Sinh Viên Yêu Nước Tại Long An Ngày 16-05-2013


Kính thưa toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Với bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Cộng sản tại Long An ký ngày 06-03-2013, hai sinh viên Đinh Nguyên Kha (Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An) và Nguyễn Phương Uyên (Đại học Công nghiệp Thực phẩm Sài Gòn) sẽ ra tòa ngày 16-05 sắp tới với tội trạng “tham gia vào tổ chức phản động “Tuổi trẻ yêu nước”, trong tháng 8-2012 và tháng 10-2012 đã có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu chống Nhà nước ta… có sự chỉ huy của Nguyễn Thiện Thành” (sinh viên Đại học Công nghiệp Thực phẩm SG, đã đào thoát), và với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự”.
1- Đây là một vụ án có nhiều kịch tính, bộc lộ tất cả bản chất ghê tởm của chế độ và nền pháp lý Cộng sản tại Việt Nam.
Trước hết, cô sinh viên 21 tuổi đã bị bắt và giam giữ theo kiểu bắt cóc, bất chấp mọi quy định về tố tụng hình sự. Bị gia đình và thân hữu của em chất vấn và phản đối, cơ quan công an nửa tháng sau đành tìm cách lấp liếm và dối gạt công luận một cách trắng trợn.
Khi bạn bè cùng lớp rồi 144 nhân sĩ trí thức gởi thư lên Chủ tịch nước bênh vực cho Phương Uyên, họ liền lãnh cả một loạt hành vi trả đũa đê tiện. Các sinh viên bị nhà trường (trưởng khoa, một số giáo sư, thành đoàn…) bức bách phải rút lại chữ ký, rồi bị công an từ đó luôn theo dõi. Còn các vị nhân sĩ thì vừa chịu thóa mạ (bị gọi là “trí thức bầy đàn, phạm pháp bầy đàn”), vừa bị mạo danh qua một kiến nghị giả trái ngược.
       
Sau khi em Đinh Nguyên Kha cũng bị bắt và em Nguyễn Thiện Thành bị truy nã thì cả một chiến dịch tấn công trên báo chí nhà nước được mở ra. Không cần tự mình điều tra tìm hiểu, cân nhắc phán đoán, các công cụ mù quáng và vô liêm sỉ này chỉ biết theo lệnh trên đua nhau vu khống các sinh viên đủ thứ tội: nào là tham tiền (dù chỉ được tặng 100 đôla mua máy ảnh trước đó), nào là khủng bố, chế tạo chất nổ nhằm giật sập tượng ông Hồ (dù chỉ có khoảng 300gr hóa chất làm pháo đốt chơi), nào là xâm phạm an ninh quốc gia, nào là cấu kết với thế lực thù địch,…
         
Gia đình của ba sinh viên cũng chẳng được buông tha: nào lôi đến đồn để hăm dọa ép cung, nào hành lênh hành xuống trong việc thăm tù, nào không cho biểu lộ tình cảm mẫu tử, nào tịch thu máy móc hành nghề rồi cấm cản làm việc, nào buộc phải xác nhận con mình có tội trên giấy thăm nuôi, nào sai cựu chiến binh đến nhà hành hung và vu vạ rằng con của họ phản động…
       
 Tiếp đến là kịch bản cũ mèm, bị dư luận khinh bỉ, căm phẫn và chẳng bao giờ tin, đó là đưa các đối tượng lên truyền hình để đọc bản “ăn năn nhận tội” và “xin nhà nước khoan hồng”! Rồi màn cho bị can gặp các luật sư để chỉ xác nhận mình bị bắt đúng thủ tục và được đối xử tốt trong tù. Tất cả chỉ phơi bày trò khủng bố tâm lý, bức bách tù nhân và lừa gạt công luận một cách trơ trẽn, chỉ tố cáo thái độ hèn nhát, ác độc của kẻ mạnh đối với người yếu thế, bị huỷ diệt mọi khả năng lựa chọn trước các đòn đe dọa.
        
 Đến khi Phương Uyên phản đối những điểm sai trái, vu khống trong bản cáo trạng (như ghi rằng em “đã viết một số nội dung không hay về Trung Quốc” đang khi thực sự em đã đề: “Tàu khựa hãy cút khỏi Biển Đông”…), thì liền bị trả thù cách dã man tàn độc: bị cấm mang kính cận khiến phải nhức đầu thường xuyên, bị đánh đến ngất xỉu, với nhiều thương tích và vết bầm tím trên người.
        
 2- Dựa vào Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền điều 19 và Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị điều 19 (mà Việt Nam đã cam kết tuân giữ): “1- Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp. 2- Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia”, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền tuyên bố:
        
 a- Hành động rải truyền đơn của các em sinh viên Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Thiện Thành và nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước kêu gọi toàn dân chống giặc Tàu xâm chiếm đất biển tổ quốc Việt, ức hiếp công dân Việt, làm suy yếu dân tộc Việt bằng những thức ăn độc hại; chống đảng CSVN độc tài, tham nhũng, cướp ruộng vườn của dân, dâng đất biển cho Tàu, bách hại và lũng đoạn các tôn giáo, sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của đồng bào, đẩy nhân dân đất nước vào chốn lầm than; (chứ các em chẳng hề chống nhà nước, chủ trương vô chính phủ để xã hội hỗn loạn)… Hành động đó của các em vừa chính đáng, không vi phạm pháp luật, nằm trong nhân quyền và dân quyền, vừa diễn tả đúng thực trạng của đất nước và chế độ, bày tỏ đúng tâm trạng và khát vọng của toàn dân. Ngay cả việc treo cờ vàng ba sọc đỏ (là cờ truyền thống của Dân tộc, có từ thời Thành Thái (1890), một vị vua yêu nước có tinh thần và chủ trương đoàn kết dân tộc 3 miền để chống ngoại xâm) là một hành vi chính đáng và đầy ý nghĩa.
b- Chủ nghĩa lẫn chế độ Cộng sản đáng bị loại khỏi tâm trí, đất nước, lịch sử Việt Nam và đảng Cộng sản đáng bị loại khỏi chính trường Việt Nam bằng đường lối bất bạo động như lời kêu gọi của các em sinh viên nói trên. Bởi lẽ cả ba thứ quái thai này -với vô số sai lầm và tội ác trong hơn nửa thế kỷ- đã gây ra cái chết cho hàng triệu đồng bào, đã đặt ách nô lệ lên toàn thể dân tộc, đã đưa đất nước vào đủ mọi thảm trạng lẫn tệ nạn và đang đẩy Tổ quốc đến bờ vực thẳm suy vong, vì đang khi hiểm họa Tàu cộng xâm lược ngày càng cận kề mà đảng CS vẫn hèn nhát bạc nhược.
        
 c- Các em sinh viên trong Nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước nói trên thật đáng khen ngợi vì ý thức sắc bén về tình hình đất nước và xã hội, vì khát vọng tốt lành muốn đưa Dân tộc thoát khỏi các cơn khủng hoảng chính trị và xã hội triền miên, vì lòng can đảm dám liều mạng để cảnh báo và kêu gọi đồng bào chung tay khử trừ hiểm họa ngoại xâm và nội xâm. Dân tộc Việt Nam may mắn là còn có những bạn trẻ -dù bị chủ nghĩa và chế độ CS tìm cách đầu độc- vẫn đầy tâm hồn trong sáng, lý tưởng cao đẹp, khí phách anh hùng và nhiệt huyết thương nước thương nòi như thế!
        
 3- Quả vậy, vụ án và phiên tòa xử các sinh viên trong Nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước lúc này, vụ án và phiên tòa xử nhiều sinh viên yêu nước tại Nghệ An đầu năm và vụ trấn áp các bloggers trẻ gần đây chỉ là sự bộc lộ cơn phẫn nộ của đảng CS trước thất bại của nền giáo dục quái đản và tác hại của đảng.
        
 a- Dựa vào nguyên lý “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa… lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” (Luật Giáo dục điều 3), đảng CSVN, ngay từ đầu, đã chủ trương chính trị hóa nền giáo dục tại VN. Nghĩa là thay vì đào tạo ra những công dân tự do cho đất nước, đảng chỉ muốn uốn nắn thế hệ trẻ thành những thần dân nô lệ cho đảng, chỉ biết noi gương lãnh tụ đảng cách mù quáng, vâng phục mệnh lệnh đảng cách khiếp nhược, coi “hồng hơn chuyên”, ý thức tuân hành hơn khả năng học vấn, và gọi đó là “bản lĩnh chính trị”!?!
         
Tiến trình đầu độc tâm trí, đánh gục ý chí, tẩy não nhồi sọ, làm băng hoại tâm hồn này đã khởi sự từ cấp mẫu giáo lên đến đại học với tổ chức “Đội Thiếu nhi Tiền phong” và “Đoàn Thanh niên Cộng sản” chuyên kiểm soát chặt chẽ đội viên, đoàn viên; với những giáo khoa sử học và văn học đầy tô hồng cho đảng, che giấu cuộc kháng Tàu, vu khống thóa mạ mọi kẻ thù của chế độ; với những thần tượng tuổi trẻ như Lê Văn Tám, Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi… được thêu dệt từ con số không hoặc thổi phồng theo tưởng tượng; với những trò ép buộc đoàn viên phục vụ lãnh đạo đảng (vụ Sầm Đức Xương-Nguyễn Trường Tô), quấy rối các cộng đoàn tôn giáo đòi công lý (vụ giáo xứ Thái Hà), lên án bạn học dám đòi công lý cho dân oan (vụ đại học Luật Sài Gòn), ngăn cản bằng hữu tham gia biểu tình yêu nước, dàn hàng bảo vệ sứ quán của quân xâm lược… Đó là chưa nói đến nạn giới trẻ được giáo dục tính gian dối, thói bạo hành và lòng thù hận khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
         
Nền giáo dục phi nhân bản, phản dân tộc ấy đã đẻ ra cả một thế hệ thanh niên sau đó trở thành những công an trẻ đầy thói tàn bạo, tư cách côn đồ, sẵn sàng đàn áp thẳng tay các cuộc khiếu kiện của dân oan, các cuộc biểu tình chống xâm lược, các cuộc dã ngoại về nhân quyền; trở thành những tên tin tặc chuyên lùng sục để phá hoại các trang mạng dân chủ hay bắt bớ các công dân mạng dám phát biểu chính kiến ngược với đảng; trở thành những dư luận viên chỉ biết vì tiền mà bênh vực đảng và chế độ một cách ngang ngược, lố bịch và ngu xuẩn!
         
Xa hơn, nền giáo dục phi nhân bản, phản dân tộc, chống khai phóng đó đã đẻ ra cả một thế hệ trí thức lưu manh, trí nô ký sinh, mất tất cả nhân cách, tiêu tinh thần “kẻ sĩ”, dù mang đủ thức học hàm học vị, đang ngồi trong Quốc hội, Quân đội, Công an, các cơ quan công quyền và các trường đại học… Chỉ vì chút bổng lộc hiện thời và sổ lương hưu tương lai, họ sẵn sàng ngăn chận và dọa nạt sinh viên của mình biểu tình chống quân xâm lược, trâng tráo bênh vực sự lãnh đạo độc quyền và vĩnh viễn của đảng trên dân tộc đất nước, cổ vũ không biết ngượng cho lòng trung thành tuyệt đối của quân đội đối với cái đảng đang ác với dân và hèn với giặc, mải miết khẳng định đảng là sở hữu chủ mọi tài nguyên để cướp đất ruộng của dân cày. Điều này đang được phơi bày cách lộ liễu trên các báo đài công cụ, trong các cuộc hội thảo về Hiến pháp với những tên tuổi ô nhục.
        
 Hậu quả là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, trọng hồng hơn chuyên ấy đã khiến cho Việt Nam nức tiếng trong khu vực là nhiều người bằng cấp cao, nhưng đa phần toàn những giáo sư giả, tiến sĩ dỏm, gây ô nhục cho cả nền văn hiến ngàn năm; đồng thời lại hiếm hoi những nhà khoa học giỏi, chuyên viên thực, bằng phát minh được quốc tế công nhận. Điều đó gây ra sự lụn bại của nền học thuật, nền kỹ thuật, nền văn minh và nền văn hóa của một Dân tộc vốn từng ngang ngửa với các nước lân bang trước năm 1975, thời Việt Nam Cộng Hòa.
         
4- Cuối cùng, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền kêu gọi:
        
 a- Các bạn trẻ Việt Nam hãy noi gương sáng suốt và can đảm của các sinh viên nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước cũng như các thanh niên nhóm Chúng ta-Các Công dân Tự do để đứng lên làm lịch sử, tiếp nối các anh hùng trẻ tuổi trong lịch sử dân tộc, góp phần đánh đuổi ngoại xâm và tiêu trừ nội xâm.
        
 b- Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước hãy bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với các bị can trẻ tuổi sắp phải đối diện một tòa án với bộ sậu xét xử vốn chỉ là công cụ đàn áp của nhà cầm quyền. Đồng tình và ủng hộ bằng cách đến dự phiên tòa, theo dõi trên mạng, đồng loạt lên tiếng bênh vực; bằng cách hỗ trợ vật chất và tinh thần cho gia đình những công dân yêu nước trẻ tuổi đang hy sinh vì đại nghĩa dân tộc.
         
c- Các Chính phủ dân chủ và các Cơ quan nhân quyền quốc tế hãy coi phiên tòa này như một bằng chứng sống động và tội ác lớn lao để ngăn chận nhà cầm quyền CSVN ngồi vào ghế Hội đồng Nhân quyền vào năm tới.
        
 Để kết thúc, chúng tôi nguyện cầu Thiên Chúa ban cho tất cả Đồng bào Việt Nam trong và  ngoài nước lòng can đảm, sự kiên trì và óc đoàn kết để đấu tranh cho công lý và sự thật, cho dân chủ và nhân quyền tại Quê hương, ngõ hầu đảng và nhà cầm quyền CSVN không còn khả năng tác hại lên toàn thể đất nước và các thế hệ tương lai của Dân tộc.
 Làm tại Việt Nam ngày 14-05-2013.
 Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền:
     - Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải
     - Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi
     – với sự hiệp thông của Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý đang ở trong lao tù Cộng sản.
(Hưng Việt)

Cả nước còn hơn 2 triệu hộ nghèo: Tuoitre

TT – Bộ LĐ-TB&XH vừa có quyết định phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012.
Theo kết quả này, hiện cả nước có 2.149.110 hộ nghèo (9,6%) và 1.469.727 hộ cận nghèo (6,57%) trong tổng số 22.375.863 hộ dân.
Khu vực miền núi Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất với 28,55%, tiếp đến là miền núi Đông Bắc (17,39%), Bắc Trung bộ (15,01%), Tây nguyên (15%), duyên hải miền Trung (12,2%), ĐBSCL (9,24%), đồng bằng sông Hồng (4,89%) và khu vực có tỉ lệ thấp nhất là Đông Nam bộ chỉ có 1,27% hộ nghèo.
Sáu tỉnh, TP có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất (dưới 2%) là: TP.HCM (0,00033%), Bình Dương (0,0015%), Đồng Nai (0,91%), Đà Nẵng (0,97%), Hà Nội (1,52%) và Bà Rịa – Vũng Tàu (1,71%). Ngược lại, vẫn còn 13 địa phương có tỉ lệ hộ nghèo từ 20% đến dưới 40%, như Điện Biên (38,25%), Lai Châu (31,82%), Hà Giang (30,13%), Yên Bái (29,23%)…
Số liệu này là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2013.
 

Vô cớ bị công an bắt giam, đánh đập: Phapluattp

Công an nghi người này bắt cóc nên giam hai ngày, đánh bầm dập.
Theo tố cáo của anh Huỳnh Sử Nguyên, tạm trú phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP.HCM), anh vô cớ bị công an bắt giam, đánh bầm người.

Vô cớ bị công an bắt giam, đánh đập

Posted by ttxcc6 on 15/05/2013
 
 
 
 
 
 
Rate This

Phapluattp

15/05/2013 – 03:55
 
Công an nghi người này bắt cóc nên giam hai ngày, đánh bầm dập.
Theo tố cáo của anh Huỳnh Sử Nguyên, tạm trú phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TP.HCM), anh vô cớ bị công an bắt giam, đánh bầm người.

Bị sách nhiễu vì yêu nước

cc6 : Từ năm 2011 nó đã công khai như thế này , có dấu đút gì đâu- Thôi thì Anh Chị Em có lòng yêu Tổ Quốc Việt nam ta nên để cho đảng “ta” gia nhập cái  “Tổ quốc XHCN” cho rồi , chớ cứ quyết giành cái “quyền giữ Nước” của Việt nam mà bị đày ải ,tù đày, bao vây,làm khó dễ….nó tội nghiệp cho một kiếp Người lắm!!! Họ đã nguyện theo Trung cộng cứ để họ theo, chỉ còn con đường cho những ai yêu nước là bỏ nước ra đi lang thang kiểu VÔ TỔ QUỐC hoặc là quá nữa là chết cho nó khuất mắt- Chớ nó sờ sờ như vậy mà cứ bảo “bọn phản động, thế lực thù địch…” là bọn mào??? như thế nào là phản động ,bán nước, như thế nào là thế lực thù địch, thù địch với ai??? một Quốc gia mà có thù địch là thù địch với Nhân Dân ,chớ không lẽ thù địch với mấy cục đất???
Hoàng sa Trường Sa Biển Đông rồi cũng sẽ thuộc cái “tổ quốc XHCN” chớ có mất đi đâu – Cái tp tam sa mà trung cộng chiếm của ta thì 40 năm rồi nó phải xây dựng cho hoành tráng để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH chớ – Cho nên “bọn phản động và thế lực thù địch…” nó không hiểu cái tổ quốc XHCN mà cứ khích bát ,chọt vào gây “mất ồn định” mà đảng và nhà nước ta thì nhất định phải giữ “hòa bình ổn định” ,mắc giữ HB-OĐ cho nên Trung cộng củng cố xây dựng thiết lập mọi thứ chớ, mới  đem tàu to,khoa học hiện đại xuống khảo sát vùng biển Trường sa…thì mai mốt ta khỏi phải khảo sát -Đám tàu to cùng lâu la xuống đánh cá tới gần Côn sơn trong thềm lục địa VN thì cũng là ta “đồng ý hợp tác toàn diện” chớ có gì đâu……
  
000_Hkg8090403-305.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 09/12/2012  AFP photo
Một thanh niên hiện cư ngụ ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Thạnh, do khởi xướng và truyền bá ý tưởng mang tên Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa vào ngày 15 tháng 5 vừa qua bị người tự xưng là an ninh đến sách nhiễu trực tiếp.

Ý tưởng

Tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị phía Trung Quốc lấn chiếm được nhiều người tại Việt Nam quan tâm. Có nhiều nhóm và cá nhân xúc tiến những hoạt động cụ thể như lập ra Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, sưu tầm các tài liệu, bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay…
Một người từ cuối năm 2011 cũng có ý tưởng hình thành một Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa nhằm có thể giúp cho các hoạt động liên quan được hữu hiệu hơn là anh Nguyễn Văn Thạnh hiện ngụ tại Đà Nẵng.
Anh cho biết về ý tưởng Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa của anh như sau:
“Cuối năm 2011 vào tháng 11-12 Hà Nội sôi động về biểu tình, tôi viết ý tưởng thành bản kiến nghị gởi cho các cơ quan hữu quan ở Đà Nẵng gồm có chính quyền và báo chí- truyền thông trình bày về ý tưởng, mong muốn và mong chính quyền xem xét, ủng hộ. Họ im lặng cho nên tôi viết ý tưởng đó ra trên blog vào tháng 2 năm 2012. Tôi rủ thêm một số người nhân cơ hội bắn pháo hoa vào ngày 29 tháng 3 năm 2012 ở Đà Nẵng đưa ý tưởng đó ra quần chúng.Tuy nhiên lúc đó sự trấn áp của chính quyền và sự sợ hãi của người dân lên rất cao; nên những người mà tôi rủ đồng hành họ sợ quá không dám làm gì cả. Tôi cũng cảm thấy bất lực, chỉ dừng lại lưu truyền trên blog thôi. Dù có gửi email đến 2000 ‘mail list’ và sưu tập email của doanh nhân Đà Nẵng rồi gửi đến. Có một vài doanh nhân khen hay và nói nếu chính quyền đồng ý, chúng tôi có thể cùng đồng hành với anh, bởi có công ăn việc làm nên không dám ra mặt ủng hộ anh lúc này vì đây là vấn đề ‘nhạy cảm’.
Tôi cũng không làm được gì và cũng phải đi lo cuộc sống. Từ đó đến tế năm 2013 ‘hit’ truy cập lên khoảng 3000 ‘hit’. Tôi thấy sao có nhiều người truy cập mà lại không ủng hộ mình. Tôi suy nghĩ chắc do họ sợ, vậy phải làm cách nào để truyền bá ý tưởng này ra càng rộng càng tốt, nên tôi thay đổi chiến thuật.”

Tiến triển

Từ khi hình thành ý tưởng cho đến nay, Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa do anh Nguyễn Văn Thạnh khởi xướng có được những tiến triển ra sao? Anh Nguyễn Văn Thạnh cho biết:
“Tôi không rủ bạn bè nữa mà post lên mạng, kêu gọi sinh viên, tuổi trẻ. Trong số đó có ba bạn ở Bách Khoa và Kinh tế ủng hộ. Từ đó tôi tổ chức ‘hội nghị cà phê’, in poster và đi gửi cho du khách nhân dịp 30 tháng 4 vừa rồi. Như vậy, có ba buổi ‘cà phê’ đã được tổ chức, sau đó chụp hình băng rôn, khẩu hiệu truyền thông lên. Bắt đầu có nhiều bạn trẻ khắp nước từ Hà Nội, cho đến Sài Gòn, hải ngoại trao đổi ý tưởng và người ta đồng ý. Tôi thấy cơ hội rất cao vì xã hội đã chín muồi cho những hoạt động xã hội dân sự, con người cũng đỡ sợ hãi, rồi chính quyền giờ cũng không né tránh vấn đề Hoàng Sa- Trường Sa nữa; người ta cũng có thông tin chính thống về vấn đề này rồi; nên tôi thấy có thể vận động rộng ý tưởng ra.
Về vấn đề này cũng có một số người trong chính quyền cũng có đến uống cà phê cùng chúng tôi. Họ hỏi han về ý tưởng và nói rằng ý tưởng hay; nếu mà biết sớm thì họ muốn hoàn thành trong năm 2014 để mà kỷ niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa. Tôi cũng rất mừng, nhưng họ chỉ đến với tư cách cá nhân.”

Sách nhiễu

image-basam.jpg
Bị bắt do biểu tình chống Trung Quốc. Photo courtesy of basam
Theo anh cho biết thì một số bạn sinh viên từng biết đến Quỹ Hoàng Sa Trường Sa trên trang blog và đến gặp gỡ anh để trao đổi thêm chi tiết về quĩ đó đã bị an ninh làm việc. Vấn đề làm việc xoay quanh chuyện hộ khẩu, tạm trú và thậm chí là đưa ra đe dọa không nên dính líu đến vấn đề mà phía an ninh cho là ‘nhạy cảm’.
Riêng bản thân anh Nguyễn Văn Thạnh thì trong ngày 15 tháng 5 vừa qua, khi đến quán Cà phê Trúc Xanh tại Hòa Khánh, quận Liên Chiểu Đà Nẵng, có người gọi điện muốn đến uống cà phê nói chuyện với anh Thạnh về Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa. Anh Thạnh đã hoan hỉ đến gặp người đó, nhưng rồi qua nói chuyện thì người mặc thường phục đó đưa thẻ an ninh ra, yêu cầu về cơ quan làm việc. Thế nhưng anh Thạnh từ chối với lý do yêu cầu như thế là không đúng qui định luật pháp. Người an ninh mặc thường phục đó còn giật chìa khóa xe của anh Nguyễn Văn Thạnh khiến anh phải đi bộ về.
Anh Nguyễn Văn Thạnh ghi lại số điện thoại của người tự xưng là an ninh gọi mời ra quán cà phê nói chuyện về Quỹ Hoàng Sa- Trường Sa. Số này được công khai trên trang facebook, và chúng tôi đã gọi vào số đó lúc 7 giờ tối, chuông reo nhưng không ai bắt máy.

Đấu tranh

Vào tối ngày 15 tháng 5, khi chúng tôi gọi điện hỏi anh Nguyễn Văn Thạnh để hỏi thăm về sự việc xảy ra cho bản thân anh trong buổi sáng cùng ngày, anh cho biết một số việc sẽ làm:
“Tôi định sáng nay sẽ làm đơn trình bày với thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Công an Đà Nẵng. Thứ nhất: có những người bên an ninh có những hành động với tôi như thế, cần phải điều tra để xem có phải là côn đồ giả danh an ninh không? Nếu như thế ảnh hưởng đến ngành an ninh, ông phải điều tra. Thứ hai: nếu đúng an ninh làm như thế, ông phải điều tra chấm dứt ngay những hành bi nguy hiểm và vô pháp luật như thế. An ninh đi làm việc phải có ‘mũ, áo, cân đai’ đàng hoàng; chứ không thể đôi co như thế. Nói không phải an ninh, thì người đó nói là tôi vu khống. Còn nếu là côn đồ thì vấn đề trị an cần phải chấn chỉnh lại. Nếu làm không được, ông hãy từ chức đi.
Thứ nữa tôi lên Phòng An Ninh Chính Trị phản đối những hành vi thậm thụt gây ra nổi sợ cho sinh viên mà tôi có bằng chứng.
Tôi lên làm việc đàng hoàng, mặt đối mặt, một cách minh bạch. Nếu đúng luật tôi ‘đưa hai tay cho ông còng và tống tôi vào nhà đá cho nhanh’; còn nếu không đúng luật thì ông phải bảo vệ quyền tự do sinh hoạt cộng đồng của công dân. Lý do lương bổng, vinh quang của lon thiếu tướng của ông do dân đón góp thuế trong đó có tôi, ông phải bảo vệ quyền lợi của người dân chứ không thể để lính ở dưới lộng hành đến như thế; hay làm theo chỉ đạo của ai đó.
Thậm chí tôi sẽ gặp đại biểu quốc hội tại Đà Nẵng để nói rõ ràng về vấn đề này.”
Xin phép được nhắc lại anh Nguyễn Văn Thạnh là một người bị chứng máu khó đông và bản thân cách đây hơn sáu năm đã vận động và làm việc với các cơ quan chức năng trong ngành y tế để có thể giúp cho những bệnh nhân bị chứng máu khó đông như anh.

KHỞI NGHĨA PHƯỜNG VÀ “BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU”

cc6 : Ngay cả mấy Quốc gia Châu Âu giàu có còn có quán cà phê lề đường ,khu chợ trời, bên Sing, Đại Hàn, Nhật…còn có bán hàng rong – Đành rằng làm thế là không đẹp thành phố, nhưng ta còn nghèo. cuộc sống khó khăn, nền kinh tế sắp xuống hố cả nước ,mà ngày hôm nay các quan chức ta “khóc lóc” không thấy sao , cứ đuổi và tịch thu như thế thì Giai cấp Vô sản mất vốn cò con thì có nước đi ăn mày.
  Muốn đẹp trước tiên phải làm thế nào kinh tế phát triển, chớ mọc đuôi thì trở về thời hoang dã mất!!!- Rồi từ đó an sinh xã hội bảo đảm đời sống cộng đồng và giáo dục Người Dân thì mới là phải.
  Cứ cái đà “cưỡng chế và hốt” phát huy mọi mặt thì chắc chắn Nhân Dân trở thành “Vô Sản thứ thiệt” hết. (Có cái đám Vô sản dỏm hay giả)

Mai xuân Dũng

14/5/2013

Ảnh: Internet
Chỉ thị 14- CT/TU của thành uỷ về công tác quản lý lòng đường vỉa hè, bán hàng rong thực tế Đã được quyết liệt thực hiện  ở Hà nội như thế nào?
Hàng ngày từ sớm đến chiều, các phường huy động ô tô tải nhỏ cùng cán bộ chiến sỹ ra quân trên các tuyến phố thủ đô thuộc địa bàn quản lý, nhanh chóng, dũng mãnh bất ngờ đổ bộ xuống các ngõ phố. Cảnh náo loạn bắt đầu. Các bà các chị gánh hàng rong chạy tan tác. Gà, vịt, Rau, hoa quả, tôm cá bị các đồng chí trật tự đeo băng đỏ tịch thu. Phương tiện kinh doanh bị tháo dỡ. Tất cả được chất lên xe chở về đồn phường thống nhất quản lý.
Tại đây chiến lợi phẩm được phân loại. Những vật phẩm tươi sống như cam, bưởi, chuối được chia đều. Lính tráng có xuất. Những thứ thuộc về tư liệu sản xuất như bàn ghế, tủ quầy, bảng biển, bếp…được xếp gọn vào kho. Các chủ sở hữu tuỳ thời điểm thích hợp sẽ đến đồn để “xin lại” vật dụng của mình sau khi nộp một khoản tiền phạt “phù hợp”.
Tình trạng như vậy diễn ra thường xuyên trên các tuyến phố. Xe công an đi rồi, việc buôn bán trên lòng đường vỉa hè lại tiếp diễn. Người ta nhắc nhở truyền tin cho nhau khi thấy xe công an: ” Dọn đi, chạy nhanh lên, chúng nó lại đến đấy”. Những hình ảnh như vậy trở nên quen thuộc bình thường thậm chí có người còn mỉa mai đó là “nét văn hoá thủ đô”. Người bị mất hàng hoá gọi công an trật tự là “lũ cướp cạn”. Biệt danh “Quân khởi nghĩa phường” được gán cho công an, dân phòng từ đây.
 
Thời xưa đầu đảng các cuộc khởi nghĩa nông dân thường đưa ra khẩu hiệu: “Cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo”. Họ nói sao làm vậy. Người nghèo được phần nên coi việc cướp bóc là chính nghĩa. Các đầu đảng được dân nghèo gọi là “anh hùng áo vải”.
Các đoàn “Khởi nghĩa phường” ngày nay xem ra suy thoái hơn thời phong kiến. Họ cũng có khẩu hiệu “Vì thủ đô văn hiến và trật tự đô thị” nghe văn minh hơn khẩu hiệu “cướp” của các đầu đảng ngày xưa, hành động thì giống nhau, cũng là cướp nhưng là lấy của người nghèo chia cho kẻ ăn trên ngồi trốc.
Những việc như vậy xảy ra từ lâu, lãnh đạo thành phố có biết không? Không thể nói là không biết. Vậy tại sao cấp trên làm ngơ?
- Lãnh đạo thành phố biết nhưng không chấn chỉnh vì coi việc đó là quá bình thường. Đối với khách nước ngoài đến Việt nam, họ vô cùng ngạc nhiên và bất bình trước sự việc. Là người Việt nam, bị người nước ngoài hỏi về việc này ai cũng cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Chỉ có quan chức nhà nước là dửng dưng. Liêm sỉ của họ không còn hoặc nói cho đúng hơn là lãnh đạo thành phố chẳng có liêm sỉ.
- Lãnh đạo thành phố biết nhưng không muốn, không dám chấn chỉnh thuộc cấp. Trên các phương tiện truyền thông đã từng sôi nổi luận bàn về việc “chạy chức”. Mỗi một vị trí đều phải nộp một khoản hối lộ để được sắp đặt, cơ cấu vào cơ quan công quyền với các mức giá khác nhau. Đó là luật bất thành văn. Dĩ nhiên, người nhận hối lộ là quan chức cấp trên. Chính vì  mắc miếng thịt này trong họng nên khi cấp dưới làm bậy, cấp trên không thể khạc ra mà mắng được.
 
Có những cán bộ công an chung thân làm cấp phó Khi được hỏi tại sao lưu ban lâu thế, đã  trả lời “Giá cao quá, em không xếp đủ gạch”.
Với tình hình này, dân buôn thúng bán bưng đừng mong có ngày hết cướp. Còn đám Lãnh đạo Đất nước thế này người Việt nam tiếp tục phải chịu muối mặt khi đối diện với ánh mắt khinh miệt của người nước ngoài.
Đám sâu mọt nhung nhúc như thế mà cứ lo dông dài về “biến đổi khí hậu” này nọ thật là mặt trơ hết biết.
 
MXD

Tín hiệu mới từ thành phần nhân sự Bộ Chính Trị?

photo-305.jpg
Phóng viên Hòa Ái phỏng vấn GS Đoàn Viết Hoạt tại RFA sáng 15/5/2013  RFA photo
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản VN khóa XI bế mạc hôm 11/5 vừa qua, với kết quả có 2 tân ủy viên Bộ Chính Trị. Hòa Ái phỏng vấn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà hoạt động chính trị, đấu tranh cho tự do-dân chủ- nhân quyền VN về sự kiện này.

Hai nhân vật mới

Hòa Ái: Xin chào Giáo sư (GS) Đoàn Viết Hoạt. Trước tiên, xin GS cho biết nhận xét chung của GS về Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng Cộng Sản vừa được tổ chức trong tháng 5 này?
GS. Đoàn Viết Hoạt: Nhận xét chung của chúng tôi là chắc chắn sẽ có nhiều cái mới. Tuy nhiên chúng ta không thể thấy rõ được cho đến khi có những cụ thể. Đặc biệt những nhân vật mới vào Bộ Chính Trị xem họ sẽ đóng vai trò gì trong chính quyền sau hội nghị. Và thứ hai nữa là chúng ta phải chờ cho đến khi Quốc Hội chính thức hợp lại và bản Hiến pháp mới đã được sửa đổi sẽ được thông qua với nội dung như thế nào thì chúng ta mới biết rõ được. Tôi nghĩ rằng là giai đoạn tới đây phải là giai đoạn cải cách về chính trị.
Hòa Ái: Hội nghị bế mạc với kết quả có 2 tân ủy viên Bộ Chính Trị là Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc Hội- bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Về ông Nguyễn Thiện Nhân được cho là đặc biệt vì ông ấy là người đã từng du học và tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Dư luận cho rằng việc ông Nguyễn Thiện Nhân được đưa vào danh sách ủy viên Bộ Chính Trị là nằm trong kế hoạch sắp xếp cho vị trí thủ tướng VN, sẽ thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhận xét của GS như thế nào dạ?
GS. Đoàn Viết Hoạt: Chúng tôi có theo dõi nhân vật Nguyễn Thiện Nhân thì là người theo xu hướng cải cách và tất nhiên có lẽ dễ thân với Mỹ hơn những nhân vật khác trong Bộ Chính Trị cũng đã từng học ở Mỹ. Có thể đây là một nhân vật học ở Mỹ cao nhất và được lên cao nhất trong hệ thống chính trị hiện nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới đây, tôi không thấy ông Nguyễn Thiện Nhân có thể làm Thủ tướng được. Theo nhận xét của tôi thì giai đoạn tới là giai đoạn chuyển tiếp mà ông Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn còn phải làm một số việc để dọn đường cho những nhân vật mới của thời kỳ đại hội tới đây.
Tôi nghĩ phải tới đại hội lần tới thì chúng ta mới thấy thật sự có những cải cách rõ ràng và mới thì lúc đó những người mới có thể lên làm Thủ tướng được. Từ đây đến đó ông Nguyễn Thiện Nhân có lẽ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng để giúp cho tiến trình cải cách chính trị được suôn sẻ và phải đi theo hướng mới mà theo tôi nghĩ là phải nhích gần với Mỹ và dân chủ hóa, chấp nhận tự do trong xã hội. Xu hướng này thì chúng ta sẽ thấy các nhân vật mới đóng góp rất nhiều vào chuyện đó.
Hòa Ái: Còn về nhân vật thứ hai là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, theo GS vai trò của bà Ngân như thế nào trong guồng máy lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN hiện nay với tư cách là ủy viên Bộ Chính Trị?
GS. Đoàn Viết Hoạt: Chúng tôi cũng theo dõi lịch sử của bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy đưa 1 người miền Nam mà nữ vào Bộ Chính Trị. Tất nhiên bà Nguyễn Thị Kim Ngân mà như chúng tôi theo dõi thì đõ là người của ông Võ Văn Kiệt khi ông ta còn có uy tín trong chính quyền, đã cố gắng đưa bà ấy lên dần. Và mới nhất, gần nhất, trước khi bà ấy làm việc ở Quốc Hội thì bà ấy là Bộ trưởng Thương binh-Xã hội. Và với cương vị này, chắc chắn bà ấy tiếp xúc, tiếp cận với rất nhiều các cựu chiến binh cũng như những người về hưu.
Tôi nghĩ rằng là ông Nguyễn Tấn Dũng muốn 1 người có thể đi gần với những thành phần đó. Bởi thành phần này hiện nay rất là bất mãn, bực bội về ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản hiện nay cũng như trong chính quyền. Họ bực bội vì họ cho rằng là Ban lãnh đạo đã đi ngược lại với những nguyện vọng của họ khi họ còn tham gia vào Đảng Cộng Sản.
Thứ hai nữa là chúng ta thấy hiện nay các nữ Thủ tướng ở Thái Lan rồi Hàn Quốc, bây giờ VN muốn thân cận với Mỹ thì chắc chắn phải thân cận với những nước này và phải tìm cách liên kết 1 cách dễ dàng hơn và mạnh mẽ hơn. Có lẽ vai trò của bà Ngân có thể giúp cho trong vấn đề tiếp cận những vị lãnh đạo của các nước đó. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nhìn thì xem sự sắp xếp vai trò của bà trong chính phủ mới như thế nào nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ đó là hướng mà ban cải cách trong Bộ Chính Trị muốn đi tới.

Sẽ cải cách tới đâu?

photo-1-250.jpg
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt tại RFA. RFA photo
Hòa Ái: Thưa GS, câu hỏi sau cùng là theo như nhận định của GS chia sẻ lúc nãy đến giờ thì trong kỳ họp lần tới, bản sự thảo Hiến pháp sẽ được công bố thay đổi và giai đoạn chuyển tiếp như GS nhận định thì sẽ được diễn ra nhanh chóng hay không cũng như có mang lại kết quả làm hài lòng hơn cho người dân hay không?
GS. Đoàn Viết Hoạt: Vâng, nói về giai đoạn chuyển tiếp thì chúng ta còn khoảng 3 năm cho đến đại hội tới. Tôi nghĩ rằng đại hội tới mà Đảng Cộng Sản muốn có bứt phá và còn có được vai trò và còn sự lãnh đạo đất nước có uy tín thì đại hội tới chắc chắn họ phải chấp nhận dân chủ thôi một cách chính thức, đó là suy nghĩ của tôi.
Thứ hai, do đó nhóm cải cách trong Bộ Chính trị hay trong Ban lãnh đạo hiện nay, kể cả trong Trung ương Đảng, muốn tạo ra một giai đoạn, có thể 2-3 năm đó để mở rộng hơn cho tự do của xã hội và của những người bất đồng ý kiến với ban lãnh đạo hiện nay, trong dân chúng cũng như trong trí thức, đặc biệt là trong thanh niên, trong giới trẻ.
Tôi nghĩ họ phải cởi mở qua 1 bản Hiến pháp tạm thời. Tôi cho đây là 1 bản Hiến pháp trung chuyển thôi. Bản Hiến pháp sửa đổi này đúng ra đã có 1 bản Hiến pháp mới rồi vì bản Hiến pháp 1992 đã sửa đến lần thứ ba cho đến nay rồi.
Nhưng vì họ chưa thể chuẩn bị tất cả các điều kiện, kể cả điều kiện nhân sự trong nội bộ cho đến điều kiện ngoài xã hội để chuyển 1 cách ôn hòa mà không gây rối loạn, có lẽ tất cả những sửa chửa hiện nay là để đóng vai trò đó thôi. Do đó chúng ta sẽ thấy có 1 số phần mà chúng ta chưa đồng ý được. Những nhà dân chủ thực sự thì chưa đồng ý được như điều 4-Hiến pháp chẳng hạn. Nó không thể tồn tại trong 1 bản Hiến pháp dân chủ được.
Nó vẫn tồn tại nhưng có thể sẽ có 1 số điều chỉnh nào đó để nó mở đường. Rồi việc lập Tòa án Hiến pháp chẳng hạn. Điều này rất tốt. Nó sẽ mở đường mạnh mẽ. Và cuối cùng là những nhân sự mới, nếu những nhân sự đó và phe cải cách mạnh lên thì mới có thể đẩy tới trong 3 năm tới được. Tôi nghĩ rằng là chúng ta phải nhìn việc sửa đổi Hiến pháp trong bối cảnh như thế. Đó vẫn là trung chuyển mà thôi. Và phong trào đòi dân chủ trong xã hội phải đẩy mạnh lên. Và phải lợi dụng tình hình này để thúc đẩy đại hội tới, Đảng Cộng Sản phải chấp nhận dân chủ, pháp trị.
Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của GS dành cho đài ACTD.