Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Ngày 30/10/2013 - tiếp theo

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI


THẨM MỸ VIỆN CÁT TƯỜNG VÀ HIẾN PHÁP

Những ngày vừa qua, dư luận lại được phen rúng động về sự việc mà người viết cho rằng có một không hai trong lịch sử y học thế giới xẩy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Khỏi phải nói sự bức xúc, sự căm phẫn của các tầng lớp nhân dân trước hành động vô nhân tính của vị bác sỹ được sinh ra, lớn lên và được đào tạo bài bản dưới chế độ XHCN tươi đẹp. Không những thế, dư luận càng khó hiểu hơn về nguồn cội của tội ác khi hàng ngày vị bác sỹ này vẫn là người “tròn vai” trong công tác và sống hoà đồng, lương thiện và tóm lại là dễ gần với người xung quanh.
Mọi lời cần nói đã được thốt ra, mọi phân tích, mổ xẻ nhằm tìm ra thủ phạm đích thực của tội ác đã được bàn luận và đương nhiên, như mọi thảm hoạ khác, những người có trách nhiệm cũng đã nhanh chóng tìm được cho mình hầm trú ẩn an toàn một cách hết sức hợp lý. Chỉ có nhân dân là hết đi vào lại đi ra, lẩm bẩm và bất an rằng không hiểu vì đâu …, rằng đây có phải là thảm hoạ cuối cùng chưa và rằng TRỜI, PHẬT, CHÚA hay AI sẽ là người bảo đảm để dân tộc này không phải chứng kiến thêm những tội ác tương tự…
Người viết có cùng tâm trạng phẫn nộ trước tội ác không thể lý giải của vị bác sỹ, xót thương cho số phận người đàn bà bị đẩy sang thế giới bên kia theo cách không thể tức tưởi và oan trái hơn. Cầu mong cho gia đình sớm tìm được thân xác chị để được an ủi phần nào, cầu mong cho linh hồn chị được siêu thoát ở cõi vô tận vô cùng. Và người viết, thoạt tiên, cũng như phần đông dư luận, sau hàng loạt bê bối của ngành y tế, trút dận lên vai bà Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến; hỉ hả tin rằng cách chức hoặc sự từ chức của bà Bộ trưởng là giải pháp cho mọi vấn đề. Thế rồi, nghĩ đi, nghĩ lại, người viết ngộ ra rằng điều đó là không thể. “Không thể” không phải vì bà Bộ trưởng không chịu từ chức hay không thể cắt chức được bà ấy. “Không thể” bởi vì dù có chọn được nhân sự Đức – Tài và lương thiện như mơ; mạnh mẽ và tài năng đến độ trác việt nhưng thân cô thế cô (Loại người này rất dễ bị như thế) thì đâu vẫn hoàn đấy. 1. Liệu Bộ trưởng nào có thể nhanh chóng xây thêm bệnh viện để hoá giải câu chuyện quá tải khi mà các lãnh đạo và cả nền kinh tế chỉ chăm chăm phát triển các khu đô thị và bất động sản ? 2. Liệu bộ trưởng nào có thể hoạch định cho ngành mình khoản ngân sách hợp lý, và chủ động trong chi tiêu để thực hiện nhiệm vụ sao cho vừa không sợ bị sai vừa không bị gây khó khăn trong cơ chế quản lý rất nhiều người chịu trách nhiệm mà rốt cuộc là chẳng ai chịu trách nhiệm hết. Cơ chế quản lý đó, đã bộc lộ vô vàn khuyết tật, khi những người điều hành chính sách vĩ mô chẵng quan tâm, ngó ngàng gì tới các cân đối lớn của nền kinh tế. Vĩ mô cái gì mà chỉ chăm chăm điều trị triệu chứng mà chẵng phòng xa tới các nguyên nhân tiêm tàng gây bất ổn nền kinh tế. Vĩ mô cái gì mà chỉ lo đến tăng trưởng GDP cho đạt chỉ tiêu này nọ (dù các số liệu thống kê liên quan đến GDP là thứ không đáng tin cậy) mà phớt lờ sự đánh đổi nếu nâng mức bội chi ngân sách…Miệng thì nói là bảo đảm tăng trưởng ổn định, trong khi tay làm thì ngược lại. 3. Liệu có Bộ trưởng nào cấm được nạn: Nhân dân đưa phong bì cho bác sỹ và bác sỹ nhận phong bì cảm ơn của nhân dân trong một xã hội mà thâm căn cố đế “lớn cũng tiền, nhỏ cũng tiền…”. Trẻ em vừa vào lớp 1 đã nhìn thấy bố mẹ đưa phong bì cô giáo; trẻ em trên đường học về, thấy bố mẹ đưa tiền chú Công an giao thông; các thầy cô giáo, các bác sỹ khi xem truyền hình thấy mấy bác tai to mặt lớn, lương chẳng cao hơn mình bao nhiêu sao béo tốt hồng hào, nhà cao cửa rộng khủng khiếp như vậy…4. Liệu có Bộ trưởng nào tài giỏi để có thể ngăn cấm được bác sỹ làm việc ngoài giờ, khi mà vấn nạn quá tải được giải quyết theo hướng rất trơ tráo: “Ơ, tớ có hứa gì đâu nhỉ…”; còn chính sách thu hút bác sỹ về vùng sâu, vùng xa thì nói một đằng, làm một nẻo. Hà nội đã chật, bệnh viện ở Hà nội càng chật hơn trong khi nhân dân thì không chịu khoẻ mạnh, cứ nhiều bệnh, cứ ùn ùn kéo về, mặc dù được đối xử rất chi là phân biệt: Hỏi, bác sỹ không nói (vì mệt quá, nhiều người hỏi quá lại có người “trọ trẹ”, nghe sao được mà trả lời!). 5. Liệu có Bộ trưởng nào cỡ thánh nhân có thể gào gọi đội ngũ nhân viên y tế hãy có y đức khi mà bốn xung quanh tràn ngập những Dương Chí Dũng, những Vinashine, Vinalines, những EVN đưa cả bikini vào giá điện để ăn cắp của nhân dân. Và Liệu…Liệu…Liệu…
Thì ra là, cách chức hay thôi chức Bộ trưởng Tiến không giải quyết được vấn đề. Thậm chí sẽ có phần oan uổng nếu đổ toàn bộ lên đầu Bà ấy. Kể cũng tội, vừa đi công tác về, lại cũng mới qua 20/10 chút đỉnh; chân ướt, chân ráo xuống sân bay, bị công luận tấn công tứ phía, chưa biết mô tê gì cũng phải ôm hết lỗi về mình!. Vậy thì lỗi thực chất là của ai? Xin thưa đây là lỗi do một con người cụ thể gây ra nhưng gốc rễ nó chính là sự yếu kém nếu không muốn nói là hoàn toàn bất lực trong quản lý xã hội của nhà nước. Một vụ việc vô nhân tính thể hiện sự hèn hạ và suy đồi tột cùng như vậy nhưng không tìm thấy trách nhiệm quản lý của ai (trách nhiệm thực chất, gắn liền với chế tài rõ ràng chứ không phải trách nhiệm chính trị đâu nhé). Thật kinh ngạc, nhìn ra các mặt khác của đời sống xã hội, đâu đâu cũng đầy thảm hoạ. Người ta không chỉ giết một người mà là nhiều người; không chỉ giết ngay để khỏi đau đớn mà giết từ từ…Thì đây, có tội ác nào lớn hơn NICOTEX thành thái, có hành vi nào thất đức hơn bán rau củ quả, thực phẩm thối rửa, ôi thiu, đậm đặc hoá chất chết người cho người tiêu dùng, có gì bất an hơn người dân phải đi lại trên những cỗ quan tài bay, chỉ cần “rầm” 1 phát là … Và có đối tượng nào phản động hơn, thù địch hơn những kẽ vì lợi ích nhóm mà đề ra các chính sách hại dân, hại nước, khiến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, nông dân kiệt quệ, người tiêu dùng điêu đứng. Đáng kinh ngạc hơn là với hệ thống chính quyền đồ sộ từ trung ương đến địa phương, dù đã triển khai “đồng bộ quyết liệt” và “quyết liệt đồng bộ” nhưng hoàn toàn bất lực. Nhân dân muốn phòng tránh thì chỉ còn cách phải biết chọn nơi sống thông thái, tiêu dùng thông thái, sử dụng điện, điện thoại 3G thông thái mà thôi …(Oái ăm ở chỗ, điều này thì chỉ bộ phận không nhỏ mới làm được)…Và tột cùng kinh ngạc là thảm hoạ cứ liên tiếp xẩy ra, không phải ở 1 ngành mà nhiều ngành, không phải ở 1 cấp mà nhiều cấp, không phải ở vài địa phương mà là cả nước nhưng hầu như không ai phải chịu trách nhiệm. Vấn đề không chỉ là không muốn làm ra môn ra khoai mà còn là có muốn làm cũng không làm được. Từ vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng đến gần nhất là giá sữa và “thực phẩm bổ sung” và tới đây sẽ là kết luận thanh tra EVN. Quả bóng trách nhiệm cứ đá đi đá lại, ai cũng có lý lẽ đanh thép đến mức hợp lý… vừa đủ để không tìm thấy lỗi của mình. Còn nhân dân thì lại “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”!.
Thì ra là, do cơ chế quản lý và cách thức tổ chức xã hội của nhà nước. Vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường đương nhiên là có lỗi của ngành y tế và cá nhân bà Bộ trưởng. Nhưng Bà Bộ trưởng y tế không thể là người đầu tiên, cũng không thể là người cuối cùng chịu trách nhiệm, lại càng không phải là người chịu trách nhiệm chính. Đặt vấn đề như vậy mới mong giải quyết được triệt để các nút thắt, các điểm nghẽn trên con đường phát triển của đất nước.
Được biết trong số những người lên án mạnh mẽ vụ việc thẩm mỹ viện Cát tường có các vị Đại biểu Quốc hội. Người viết tin, như mọi công dân bình thường khác, 100% các Đại biểu Quốc hội đều phẫn nộ trước tội ác kinh hoàng này dù có người xuất hiện, có người không trước công luận. Và người viết cũng tin, rất nhiều trong số quí vị đang tìm câu hỏi trách nhiệm từ y đức, từ quản lý ngành của Bộ y tế…Nhưng, xin thưa quí vị, người viết và là cử tri có đủ cơ sở để suy luận, các vị sẽ nhẫn tâm biết bao, vô cảm biết bao khi tay này thì chém gió lên án tội ác, quy trách nhiệm vu vơ, trong khi tay kia thì ấn nút thông qua hiến pháp, mà không cẩn thận, nó sẽ là môi trường để tội ác sinh sôi. Y đức không phải do hô hào, do hiệu triệu, do học tập và làm theo tấm gương và Đạo đức Hồ Chí Minh mà có. Nếu làm được thế thì các vị xứng đáng được xưng “Thánh”. Y đức là của hiếm, rất hiếm thì đừng tìm câu trả lời đó nữa mà thay vì hô hào mọi người hãy “Y đức” thì phải tổ chức lại xã hội và thiết kế lại cơ chế quản lý nói chung. Quản lý nói chung là phải công khai, dân chủ, minh bạch và nhất định là phải có giám sát quyền lực một cách hiệu quả. Bằng không thì các vị lại tiếp tục giật mình, tiếp tục kinh hoàng, tiếp tục phẫn nộ và lại tiếp tục truy tầm trách nhiệm một cách lẩm cẩm mà thôi. Tội dân lắm các vị ơi, 68 năm năm sau cách mạng mùa thu long trời lở đất, 38 năm non sông thu về một mối mà hàng ngày, hàng giờ dân vẫn phải chịu đựng những điều vô cùng cay đắng và oan khuất.
Người viết rất đồng ý với quan điểm sửa đổi hiến pháp là những vấn đề gì chín và được thực tế kiểm nghiệm thì sửa, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì thôi. Quan trọng là phải thực lòng, nhất cử, nhất động vì sự phồn vinh của đất nước, sự ấm no hạnh phúc của nhân dân.
Theo quan điểm đó thì:
1. Hiệu quả quản lý xã hội từ trước đến nay và từ nay về sau theo phương án mà các vị định thông qua trong sửa đổi hiến pháp lần này là yếu kém và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đây rõ ràng là một kết luận đã chín và cũng đã được kiểm nghiệm nếu đứng trên toàn bộ hiện tình kinh tế xã hội; phân tích mổ xẻ một cách trung thực, khách quan trước những lợi thế đã bị bỏ qua, trước những nguồn lực đã và đang bị sử dụng lãng phí vô tội vạ; đặt nó trong mối quan hệ với hàng loạt vấn đề bê bối chưa có cách gì tháo gỡ về ruộng đất, về tham nhũng về kinh tế nhà nước…và đặt nó trong mối quan hệ phát triển với các dân tộc khác trên thế giới.
2. Tam quyền phân lập là mẫu hình tổ chức quản lý xã hội đặc biệt có hiệu quả. Đây hiển nhiên là quyết định chín hơn và nó đã được thực tế kiểm nghiệm khắp năm châu, trừ Việt Nam. Tam quyền phân lập thì có chạy đằng trời cũng khó trốn được trách nhiệm. Tam quyền phân lập thì không cần hô hào tự nhiên y đức cũng buộc phải xuất hiện. Tam quyền phân lập thì không thể có chuyện hết Vinashin lại Vinalines, lại bikini, lại Thành thái, lại Mạnh Tường…hết ngày dài đến đêm thâu mà không ai phát hiện được. Tam quyền phân lập thì không đời nào có chuyện bổ nhiệm Dương Chí Dũng để rồi sau đó là câu chuyện cười ra nước mắt “ụ nổi” khiến những người đóng thuế mất toi 400tỷ đồng (nếu kể cả lãi thì giờ chắc đã gần ngàn tỷ). Tất nhiên, các vị có lý của mình để không gọi là tam quyền phân lập trong hiến pháp, nhưng như mọi cử tri khác, người viết có quyền đòi hỏi các vị muốn gọi gì thì gọi nhưng cách quản lý xã hội thì không thể theo hiến pháp 1992 được nữa rồi, mà phải đảm bảo hiệu quả ít nhất là bằng tam quyền phân lập. Đó là mệnh lệnh của cuộc sống.
Mong sao tiếng nói này đến được quí vị và kính mong quí vị chia sẻ với người viết về dự đoán: Chính các vị và hiến pháp sắp được thông qua sẽ là vết son, là công trạng mãi mãi đi vào lịch sự phát triển của dân tộc, hoặc ngược lại, là lực cản, là…(người viết trân trọng để các vị đoán là người viết định viết gì nhé).
Và thì ra là, câu trả lời đã có. Chuyện là có muốn đất nước phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc, được làm người trong xã hội dân chủ, văn minh không mà thôi.
NHẬT LỆ

Hồi kí Cố vấn Trung Quốc: Nhớ lại Mao Trạch Đông và viện trợ Việt Nam chống Pháp

Tháng thứ tư sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã lặng lẽ mở ra một trang ít người biết đến trong lịch sử ngoại giao nước ta, trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế. Đối với cá nhân tôi mà nói, cũng đã mở một trang bước ngoặt trên đường trường chinh mới.

I


Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trung Quốc mới ra đời chưa được bao lâu, mùa đông năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc cung cấp viện trợ và cử người sang giúp Việt Nam.
Tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đích thân bí mật đến Bắc Kinh, yêu cầu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp.
Trung ương Đảng ta theo yêu cầu của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Đông Dương, đã báo cáo và được Mao chủ tịch đồng ý, quyết định cử tôi bí mật sang Việt Nam, làm đại diện liên lạc giữa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ còn tự tay viết giấy giới thiệu cho tôi : “Xin giới thiệu đồng chí La Quý Ba, Bí thư tỉnh uỷ và chính uỷ trong quân đội của chúng tôi đến chỗ các đồng chí làm đại diện liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi theo có 8 trợ lý và tuỳ tùng. Lưu Thế Kỳ, Bí thư trưởng1 Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ngày 17/01/1950”.
Lúc này, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đang ở Moskva, hội đàm với Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô do Stalin đứng đầu, chuẩn bị ký kết “Hiệp ước tương trợ đồng minh hữu nghị Trung – Xô”.
Tháng 1/1950, tôi từ Bắc Kinh lên đường, bí mật xa Tổ quốc. Trước khi lên đường, đồng chí Thiếu Kỳ giao cho ba tháng làm xong nhiệm vụ về nước. Thế nhưng, cùng với việc tình hình thay đổi, đã đi một mạch gần tám năm, tôi lại trải qua một cuộc “kháng chiến tám năm” đối mặt với kẻ thù là quân xâm lược thực dân Pháp.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 2/9/1945. Sau đó chẳng bao lâu, quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc lập tức tiến vào khu vực phía Bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam, chiếm đóng Hà Nội; quân xâm lược thực dân Anh và một phần quân xâm lược thực dân Pháp tiến vào khu vực phía Nam vĩ tuyến 16 Việt Nam chiếm đóng Sài Gòn và lần lượt tiếp nhận quân Nhật đầu hàng. Về sau Quốc dân đảng Trung Quốc thoả hiệp, giao khu vực phía Bắc Việt Nam đã chiếm đóng cho quân Pháp tiếp quản. Quân Pháp không những đổ bộ lên Hải Phòng v.v.., mà còn tiến vào Hà Nội phát động cuộc chiến tranh xâm lược thực dân đối với Việt Nam.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hồ Chí Minh đứng đầu động viên toàn dân đứng lên chống lại, kiên trì cuộc kháng chiến trường kỳ. Quân xâm lược thực dân Pháp có ưu thế về quân sự đã chiếm đóng mấy thành phố và tuyến đường giao thông quan trọng, buộc cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính phủ, quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Hà Nội dời lên Việt Bắc tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Quân Pháp tiến hành bao vây, phong toả, chia cắt và không ngừng tiến công quân sự và bắn phá điên cuồng vào căn cứ địa kháng chiến vùng núi Việt Bắc. Lúc này, tình hình chiến trường ở vào giai đoạn cầm cự : Quân Pháp không thể chinh phục quân dân Việt Nam, quân dân Việt Nam nhất thời cũng khó phát động phản công, chỉ có thể phân tán đánh du kích.
Vào thời điểm này, trên quốc tế chưa có một nước nào công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không có một tổ chức quốc tế nào đặt quan hệ với Việt Nam, Việt Nam chưa giành được vị thế quốc tế, cũng không được viện trợ bên ngoài. Vấn đề viện trợ Việt Nam chống quân xâm lược thực dân Pháp như thế nào là một việc lớn mà lãnh đạo tối cao ba phía Trung Quốc, Việt Nam, Liên Xô trao đổi bàn bạc. Đồng chí Mao Trạch Đông và đồng chí Hồ Chí Minh khi ở Moskva từng hội đàm với Stalin. Khi Hồ Chí Minh nêu ra đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Stalin cho rằng làm như thế có thể kích thích các nước đế quốc tăng thêm áp lực đối với Việt Nam. Còn đồng chí Mao Trạch Đông lại cho rằng công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là nâng cao chí khí của mình, đè bẹp uy phong của địch. Tiếp sau đó, nước Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hồ Chí Minh từ xa xôi nghìn trùng đến Trung Quốc, đi Liên Xô là để mong được sự viện trợ nhiều mặt, nhất là viện trợ về quân sự và kinh tế tài chính. Stalin cho rằng, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam, còn Liên Xô và các nước Đông Âu chịu nhiều vết thương chiến tranh nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô còn phải giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khôi phục và xây dựng, trên vai còn rất nặng gánh, mong rằng nhiệm vụ viện trợ Việt Nam, Trung Quốc là chính.
Lúc đó, Trung Quốc mới vừa ra đời chưa được bao lâu, quân giải phóng nhân dân phải truy diệt tàn quân Tưởng Giới Thạch, vây quét bọn đặc vụ thổ phỉ vũ trang, phải tiếp quản thành phố, cả nước đang dốc sức khôi phục kinh tế quốc dân, hàn gắn vết thương chiến tranh và đế quốc Mỹ lại không cam chịu thất bại ở Trung Quốc, tiến hành bao vây, phong toả, cô lập Trung Quốc mới, thậm chí âm mưu can thiệp, lật đổ Trung Quốc mới. Quân xâm lược thực dân Pháp cũng tăng cường bố trí binh lực và cơ sở quân sự ở biên giới Trung-Việt, phong toả biên giới Trung-Việt. Máy bay Pháp thường xuyên bay lượn trên bầu trời biên giới Trung-Việt, bắn phá ném bom, đe doạ an ninh của Trung Quốc. Bọn xâm lược thực dân Pháp còn ủng hộ, che chở tàn quân Tưởng Giới Thạch và đặc vụ thổ phỉ vũ trang, tiến hành quấy rối phá hoại ở biên giới Trung-Việt.
Năm 1950, đế quốc Mỹ tổ chức cái gọi là đội quân Liên Hợp Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược Triều Tiên, đánh đến bên bờ sông Áp Lục, đe doạ an ninh Trung Quốc, nước ta quyết định chống Mỹ viện Triều, đưa quân tình nguyện sang tham gia chiến đấu ở Triều Tiên, kề vai sát cánh với quân dân Triều Tiên chống bọn xâm lược Mỹ.
Trong tình hình trong nước, quốc tế lúc bấy giờ rất nghiêm trọng, nhiệm vụ nặng nề, khó khăn rất lớn, Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng vẫn không chút do dự quyết định viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, ra sức cung cấp viện trợ quân sự, viện trợ tài chính kinh tế vô tư và không hoàn lại cho Việt Nam, cử cố vấn sang giúp Việt Nam tác chiến và công tác. Điều đó chứng tỏ đầy đủ tinh thần quốc tế vô sản vĩ đại của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng.

II

Ngày 24/9/1950, cũng tức là sau tám tháng bảy ngày tôi rời Bắc Kinh, lần đầu tiên tôi mới từ vùng núi Bắc Bộ Việt Nam trở về Bắc Kinh báo cáo công tác. Trước tiên theo chỉ thị trực tiếp của đồng chí Thiếu Kỳ và Chu Tổng tư lệnh tôi viết một bản báo cáo về tình hình công tác ở Việt Nam trình các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Hai, ba ngày sau, đồng chí Dương Thượng Côn báo cho tôi, đồng chí Thiếu Kỳ muốn tôi đến chỗ đồng chí. Tôi lại đến Trung Nam Hải quen thuộc. Đồng chí Thiếu Kỳ báo cho tôi biết, Mao Chủ tịch muốn đích thân nghe tôi báo cáo. Vì thế tôi và đồng chí Thiếu Kỳ cùng đi xe đến Phong Trạch Viên.
Phong Trạch Viên thời Khang Hy là nơi Hoàng đế nhà Thanh tổ chức nghi lễ biểu diễn trồng trọt mùa xuân. Đây là hai ngôi nhà có sân ở giữa tiêu chuẩn. Hai cây hải đường, hai cây lê tả hữu đối xứng, không có trang hoàng gì, đượm không khí trang nghiêm. Chính giữa nhà trên là “Di niên đường”, hai gian Đông – Tây là “tranh mưa bụi” và “hoạ núi mây”, đây là nơi ở của Mao Chủ tịch rất giản đơn mộc mạc.
Trong “Di Niên đường”, từ trần nhà đến khung cửa, cánh cửa, ô cửa sổ đều là gỗ gụ trạm hoa, trong phòng rất sang trọng nhưng chỉ đặt 10 chiếc xô pha cá nhân, xoay quanh một bàn tròn nhỏ, kê trên một tấm thảm rất cũ, sau ghế xô pha đặt một chiếc bàn dài và hẹp, những thứ đó chiếm một nửa phòng tiếp khách. Nhìn xung quanh cũng không thấy có bày biện gì nữa. Nơi sống và làm việc của Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân của chúng ta giản dị chất phác như thế đó. Lúc đó cũng chưa có quy định tiếp khách chặt chẽ. Nhiều lần tôi đến báo cáo, Mao Chủ tịch đều ngồi trên chiếc xa lông ở phía nam, có lúc tôi ngồi bên cạnh Người, có lúc lại ngồi xa một chút.
Khi đồng chí Thiếu Kỳ dẫn tôi đến gặp Mao Chủ tịch, Chu Tổng tư lệnh, Chu Thủ tướng đã ngồi bên cạnh Chủ tịch. Trước tiên, đồng chí Thiếu Kỳ nói về tình hình tôi đã báo cáo. Sau khi nghe xong Chủ tịch đứng dậy nói với tôi : “ Đồng chí Trường Chinh, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam gửi điện giục đồng chí nhanh chóng trở lại Việt Nam làm việc, Hồ Chí Minh mong đồng chí làm Tổng cố vấn của đồng chí đó. Đồng chí phải chuẩn bị tư tưởng làm việc lâu dài ở Việt Nam ”. Đồng chí Thiếu Kỳ nói xen vào : “ Trước định đồng chí làm việc ở Việt Nam ba tháng, bây giờ xem ra không được nữa rồi, phải tính chuyện lâu dài ở Việt Nam ”. Chu Thủ tướng nói : “ Trung ương đã quyết định trong nội bộ tương lai đồng chí là Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam ”. Mao Chủ tịch nói : “ Nhiệm vụ liên hệ giữa hai Đảng Trung-Việt chúng ta do đồng chí tiếp tục hoàn thành. Đồng chí là đại diện liên lạc do Đảng ta cử sang, cũng có thể là đại biểu liên lạc duy nhất ”. Chu Thủ tướng và Chu Tổng tư lệnh giới thiệu tóm tắt tình hình đế quốc Mỹ xâm lược Triều Tiên và tình hình chúng ta đưa quân tình nguyện sang Triều Tiên tham gia chiến đấu và bảo tôi sau khi trở lại Việt Nam, có thể báo cáo tình hình này cho Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Mao Chủ tịch nói thêm : “ Căn cứ vào tình hình của Triều Tiên chúng ta quyết định chống Mỹ viện Triều, công khai đưa quân tình nguyện sang Triều Tiên tham gia chiến đấu, kề vai sát cánh chiến đấu với quân dân Triều Tiên chống bọn xâm lược Mỹ ; chúng ta lại căn cứ vào tình hình của Việt Nam quyết định tiếp tục viện trợ Việt Nam chống Pháp, bí mật cung cấp viện trợ quân sự, viện trợ tài chính kinh tế cho Việt Nam, còn cử cố vấn giúp Việt Nam tác chiến và công tác. Dù là chống Mỹ viện Triều hay là viện Việt chống Pháp đều là chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa yêu nước, ý nghĩa trọng đại như nhau, vẻ vang như nhau, chỉ có phương thức viện trợ mỗi nơi có khác nhau ”. Tiếp đó, Chủ tịch chuyển sang chuyện khác, tự nhiên hỏi đến tình hình vợ và gia đình tôi. Khi tôi nói đến vợ tôi, đồng chí Lý Hàm Trân là cán bộ tham gia cuộc Trường chinh của Hồng quân năm 1933, Mao Chủ tịch phấn khởi nói : “ À ! Thì ra đồng chí ấy là lão đồng chí đã trải qua thức thách chiến tranh, rất tốt. Đồng chí ấy đã làm công tác gì ? ”. Tôi nói : “ Nhà tôi đã làm công tác cơ yếu, công tác tổ chức, công tác cán bộ ”. Mao Chủ tịch nói ngay : “ Được! Để đồng chí ấy cũng sang Việt Nam công tác làm trợ lý cho đồng chí. Hồ Chí Minh đã đề nghị với tôi để vợ các đồng chí cùng sang Việt Nam, ai thích hợp thì tôi đồng ý cho đi ”. Về sau, các cố vấn chúng ta cử sang Việt Nam, có số ít người mang vợ theo.
Đồng chí Thiếu Kỳ nói : “ Nhu cầu cấp thiết của Việt Nam hiện nay là giải quyết vấn đề tài chính kinh tế, đặc biệt là vấn đề lương thực và vấn đề tiền tệ. Chúng ta đã chọn mấy cán bộ làm công tác tài chính kinh tế, công tác ngân hàng, công tác lương thực sang Việt Nam làm cố vấn. Các đồng chí ấy và đồng chí đi trước, sau này còn phải chọn cố vấn trên các mặt khác thành lập đoàn cố vấn chính trị giúp Việt Nam làm công tác đảng, đồng chí là Tổng cố vấn, lại là đoàn trưởng đoàn cố vấn chính trị ”.
Khi ấy nghe đồng chí Thiếu Kỳ nói đến “ tổng cố vấn ”, Mao Chủ tịch nói : “ Làm Tổng cố vấn không thể rập khuôn theo kiểu của Liên Xô, mà Việt Nam cũng không phải là Trung Quốc, đồng chí không thể rập khuôn theo kiểu Trung Quốc. Mọi việc phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, phải thật thà, thành khẩn trước mặt mọi người, giới thiệu kinh nghiệm thành công của cách mạng Trung Quốc, cũng phải nói đến bài học thất bại ”. Lần báo cáo này là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe lời dạy và chỉ thị của Mao Chủ tịch về vấn đề quốc tế.

III

VONGUYENGIAP-BIENGIOI
Từ trái sang phải (hàng đầu) : Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, La Quý Ba, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương

Bước đầu tiên viện trợ Việt Nam là phải khai thông giao thông biên giới Trung-Việt, vì có thế vật tư viện trợ Việt Nam mới có thể chở sang Việt Nam thuận lợi. Chỉ cần Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm con đường giao thông chủ yếu trên biên giới Trung-Việt thì quân Pháp sẽ mất ưu thế số một. Chỉ có hai sự lựa chọn khai thông con đường giao thông chủ yếu biên giới Trung-Việt : một là đánh Cao Bằng tiếp giáp giữa Việt Nam và Quảng Tây ; một nữa là đánh Lào Cai tiếp giáp giữa Việt Nam và Vân Nam. Đánh Cao Bằng trước hay đánh Lào Cai trước, hay là đánh cả hai cùng một lúc, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Trung ương Đảng ta đều đã điều tra nghiên cứu, suy nghĩ trao đổi nhiều lần gần 3 tháng. Ngày 02/7/1950, Mao Chủ tịch gửi điện trả lời Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam :
“ Đồng ý ý kiến đánh Cao Bằng trước, phương án tác chiến cụ thể đối với Cao Bằng, chờ sau khi Trần Canh đến, do các đồng chí quyết định cuối cùng. Sau này tác chiến như thế nào do chính các đồng chí căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định. Nếu chúng tôi có ý kiến, cũng chỉ để các đồng chí tham khảo. Bởi vì các đồng chí hiểu rõ tình hình hơn chúng tôi ”.
Đồng chí Trần Canh là vị tướng được Hồ Chí Minh điểm danh với Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng ta, Mao Chủ tịch, Trung ương đảng ta cử đồng chí Trần Canh làm đại diện của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sang Việt Nam giúp tổ chức chỉ huy chiến dịch Biên Giới, đoàn cố vấn quân sự đã tham gia chiến dịch biên giới. Đây là một chiến dịch then chốt. Mao Chủ tịch rất coi trọng và quan tâm theo dõi chiến dịch này, rất nhiều bức điện quan trọng đều do Chủ tịch đích thân phê duyệt, thậm chí thân tự khởi thảo. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Biên Giới, Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng đồng ý yêu cầu của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đưa một bộ phận quân đội nhân dân Việt Nam đến vùng núi Văn Sơn, Vân Nam, chỉnh đốn đội hình, trang bị, huấn luyện, đồng thời giúp bộ phận quân đội này biên chế thành hai đại đoàn, hình thành hai quả đấm, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch biên giới. Trần Canh tuân theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng giúp đỡ hết lòng, vô tư. Cuối cùng quân đội nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi to lớn quan trọng trong chiến dịch này, đã xoay chuyển tình thế bị động trên trường Việt Nam, khai thông đường giao thông biên giới Trung-Việt. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp tỏ ra rất phấn khởi và hài lòng đối với chiến dịch này.
Sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch biên giới, ngày 14/10/1950, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc :
“ Chúng tôi đã thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Thất Khê – Cao Bằng (chỉ chiến dịch Biên Giới). Nguyên nhân lớn nhất của thắng lợi này là sự viện trợ tận tình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô, sự nhiệt tình cảm động của các đồng chí Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông không nề hà gian khổ chấp hành chỉ thị của các đồng chí trực tiếp để giúp đỡ chúng tôi. Tôi cần nêu lên công lao đặc biệt của Trần Canh, Nhiệm Cùng, Vân Dật, Thiên Hựu, Quý Ba, Kiếm Anh, Phương Phương, Quốc Thanh và các đồng chí cố vấn trong chiến dịch. Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo : “Cảm ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em ”.

IV

Tháng 11 năm 1950, tôi lại quay về nước để báo cáo công tác với Trung ương, khi báo cáo việc Việt Nam nêu ra với nước ta kế hoạch mong muốn viện trợ, Mao Chủ tịch nói : “ Nhân dân Trung Quốc đã giành được thắng lợi cách mạng có nghĩa vụ giúp đỡ nhân dân các nước chưa được giải phóng, đó là chủ nghĩa quốc tế. Việt Nam đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp, đơn độc không có viện trợ, khó khăn rất lớn, họ yêu cầu chúng ta cung cấp viện trợ và giúp đỡ, chúng ta có nghĩa vụ viện trợ và giúp đỡ họ ; Trung Quốc cung cấp viện trợ cho Việt Nam là vô tư, không hoàn lại, không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào, hễ Việt Nam kháng chiến quả thực có nhu cầu, mà Trung Quốc lại có điều kiện thì cố hết sức cung cấp ”. Mao Chủ tịch lại nói : “ Bọn xâm lược thực dân Pháp là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, cũng là kẻ thù của nhân dân Trung Quốc; Trung Quốc giúp Việt Nam đánh bại quân xâm lược thực dân Pháp, lập lại hoà bình ở Việt Nam, đó là Trung Quốc giúp Việt Nam. Còn Việt Nam đánh bại bọn xâm lược thực dân Pháp, đuổi chúng ra khỏi Việt Nam, biên cương phía Nam của Trung Quốc cũng giải toả khỏi mối đe doạ của bọn xâm lược thực dân Pháp, đó lại là Việt Nam giúp Trung Quốc. Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc, là sự giúp đỡ lẫn nhau ”.
Khi tôi báo cáo Việt Nam nêu ra kế hoạch viện trợ quá lớn, yêu cầu quá cao, không sát thực tế lắm, Mao Chủ tịch nói : “ Họ nêu kế hoạch quá lớn, yêu cầu quá cao, không sát thực tế, có thể là thiếu hiểu rõ tình hình của nước ta và tình hình của họ, cũng có thể liên quan đến việc thiếu kinh nghiệm phải kiên nhẫn giúp đỡ họ ”.
Trong mấy năm công tác tại Việt Nam, tiến hành viện trợ và giúp đỡ Việt Nam, bất kể là cung cấp viện trợ cho Việt Nam bao gồm vũ khí đạn dược, trang bị quân sự, lương thực, vải vóc, thuốc men y tế, máy móc thông tin, phương tiện giao thông, các loại thực phẩm v.v… hay bất kể là giới thiệu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Trung Quốc cho Việt Nam, giúp Việt Nam tác chiến và công tác, chúng tôi đều làm theo chỉ thị và dạy bảo đó của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng.
Cố vấn Trung Quốc làm việc giúp đỡ tại Việt Nam là chân thành, toàn tâm toàn ý, không hề bảo lưu, đã cống hiến vô tư cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Tuân theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng tôi công tác giúp Việt Nam đồng cam cộng khổ, cùng làm việc, cùng chiến đấu, cùng sinh hoạt với các đồng chí Việt Nam, không đòi hỏi Việt Nam bất cứ một chiếu cố đặc biệt và thù lao đặc cách nào.
Viện trợ và giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam, chính phủ Trung Quốc không lấy tiền, đòi nợ Việt Nam, không ký bất cứ thoả thuận hoặc hiệp định bất bình đẳng nào với Việt Nam, không xây dựng bất cứ căn cứ quân sự và đóng một người lính nào ở Việt Nam, hoàn toàn không phải trả giá, vô tư, điều đó nói lên đầy đủ chủ nghĩa quốc tế vĩ đại của Mao Chủ tịch. Chủ nghĩa Quốc tế đó cũng hiếm thấy trên thế giới.

V

Mùa đông năm 1951, Hồ Chí Minh một lần nữa bí mật đến Bắc Kinh thăm Trung Quốc.
Một hôm tôi tháp tùng Người đến Di Niên đường trong Phong Trạch Viên. Khi chúng tôi bước vào, Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh đều ra đón, họ ôm hôn nhau thăm thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt quen biết Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh ngay từ trong thời kỳ chiến tranh cách mạng trong nước lần thứ nhất và thời ký chiến tranh chống Nhật ở Trung Quốc. Người nói tiếng phổ thông với khẩu âm Quảng Đông rất lưu loát, có thể không cần phiên dịch. Trong trường hợp này không có chút hình thức ngoại giao nào Hồ Chí Minh thân thiết, nhiệt tình như về nhà mình.
Người gặp Mao Chủ tịch như anh em xa cách lâu ngày, thăm hỏi lẫn nhau, nói rất say sưa, rồi chuyển nhanh sang vấn đề chính. Hồ Chí Minh giới thiệu tóm tắt tình hình chiến tranh Việt Nam chống Pháp, tình hình xây dựng căn cứ địa, tình hình cố vấn Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh cũng giới thiệu tóm tắt với Hồ Chí Minh tình hình chiến trường Triều Tiên và tình hình liên quan trong nước Trung Quốc.
Trong trao đổi, Hồ Chí Minh hỏi Mao Chủ tịch : “ Bộ Chính trị Trung ương chúng tôi yêu cầu đồng chí La Quý Ba khi tham gia hội nghị Bộ Chính trị Trung ương chúng tôi nêu nhiều ý kiến về các mặt công tác của chúng tôi, giúp đỡ nhiều cho chúng tôi. Nhưng đồng chí quá thận trọng, quá khiêm tốn. Tôi mong các đồng chí giao cho đồng chí ấy nhiệm vụ nêu nhiều ý kiến. Mao Chủ tịch, các đồng chí có đồng ý không ? ” Mao Chủ tịch nói : “ Chúng tôi đồng ý, nhưng ý kiến hoặc kiến nghị của đồng chí ấy nêu ra với các đồng chí chỉ để các đồng chí tham khảo, các đồng chí cho rằng đồng chí ấy nói đúng thì áp dụng, không đúng thì không áp dụng, do các đồng chí tự quyết định ”.
Khi Mao Chủ tịch và Hồ Chí Minh trao đổi với nhau, cách nhìn, quan điểm và ý tưởng đối với một số vấn đề đều hoà hợp như là câu chuyện trong gia đình, xem như tán gẫu, nhưng suy nghĩ kỹ thấy ý nghĩa sâu sắc, đậm đà hương vị. Hồ Chí Minh là người rất giàu tình cảm, nhìn thấy rõ Người bị truyền cảm bởi sự chân thành của Mao Chủ tịch, Người đứng dậy nói : “ Tôi và các đồng chí Việt Nam đều cảm nhận thấy sự chân thành giúp đỡ chúng tôi từ trong hành động của các đồng chí ”.
Đến giờ ăn cơm, Mao Chủ tịch, Hồ Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh đi vào phòng ăn. Chu Thủ tướng xin về trước vì có hoạt động đối ngoại. Phòng ăn và phòng tiếp khách ngăn cách bằng tấm bình phong, chỉ đi bảy, tám bước là đến. Phòng ăn chỉ đủ kê hai chiếc bàn, lúc này chỉ kê một bàn ăn. Mao Chủ tịch, Hồ Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh vừa ăn vừa tiếp tục trao đổi. Người này một câu, người kia một câu, nói xen lẫn nhau, bổ sung cho nhau, trò chuyện rất say sưa, sôi nổi.
Giữa bữa ăn, Hồ Chủ Tịch thấy đưa ớt lên, liền nói với Mao Chủ tịch : “ Nghe đồng chí Quý Ba giới thiệu Mao Chủ tịch rất thích ăn ớt, không có ớt thì không thể nuốt nổi cơm phải không ? ”. Mao Chủ tịch cười. Hồ Chí Minh lại nói tiếp : “ Người Việt Nam chúng tôi cũng thích ăn ớt, ớt của chúng tôi không to như ớt Trung Quốc, giống như cây con, cao một hai mét, trái nhỏ chỉ lên trời, ăn vào thật là cay ”. Sau khi mọi người hứng thú nghe Hồ Chủ tịch kể xong ớt chỉ thiên ở núi rừng Việt Bắc, Mao Chủ tịch nói : “ Thích ăn ớt không phải chỉ một mình tôi, đồng chí Thiếu Kỳ và tôi là người Hồ Nam, người Hồ Nam thích ăn ớt ; Chu Tổng tư lệnh là người Tứ Xuyên, người Tứ Xuyên ăn ớt cũng rất dữ ; đồng chí này (chỉ tôi) là người Giang Tây cũng ăn ớt, người Vân Nam gần các đồng chí cũng thích ăn ớt. Nhưng những người ăn ớt như chúng ta, cách ăn mỗi người có một đặc sắc, cách làm cũng có khác nhau.” Chủ đề tiếp theo là mỗi người tự giới thiệu cách pha chế ớt của quê hương mình. Nhưng mọi người thích thú nhất là cách ăn ớt của Việt Nam. Hồ Chí Minh nói : “ Bỏ ớt chỉ thiên vào lọ nước mắm (nước mắm là một loại xì dầu của người Việt Nam chế ra) pha thêm một ít chanh, cùng ăn.” Lúc này Mao Chủ tịch nói : “ Chúng tôi ăn ớt thành thói quen, nhưng không phải thói quen do tập tục quê hương tạo nên, đó là năm 1932 đến 1934, khu Xô Viết Trung ương bị Quốc dân đảng phong toả kinh tế, căn bản không có muối ăn. Để kiếm được một ít muối ăn, không ít đồng chí chúng tôi đã phải trả giá rất đắt ; thậm chí hy sinh tính mạng của mình, lúc đó thật là gian khổ. Không có muối, ăn cơm mới khó làm sao ! Tôi cũng như mọi người lấy ớt thay muối, ăn cơm bằng ớt không có muối có thể coi là rau ngon vậy ”.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi không bao giờ quên câu chuyện về ớt lần ấy.

VI

Sau khi tiễn Hồ Chí Minh, Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ và Chu Tổng tư lệnh giữ tôi lại, tiếp tục nói chuyện với tôi.
Mao Chủ tịch nói : “ Đồng chí Hồ Chí Minh muốn đồng chí khi tham gia hội nghị Bộ Chính trị của họ, nêu nhiều ý kiến, giúp đỡ nhiều hơn đối với mặt công tác của họ. Đồng chí có thể nêu, nhưng dù nêu ý kiến hay đề nghị đều phải nói rõ chỉ để họ tham khảo. Đồng chí phải chú ý điều tra nghiên cứu, không được chủ quan, phải xuất phát từ thực tế của Việt Nam, kết hợp kinh nghiệm của Trung Quốc, không được cứng nhắc. Nêu ý kiến hoặc kiến nghị đều phải thận trọng, phải suy nghĩ kỹ, phải chuẩn bị tốt, phải nghiêm chỉnh chịu trách nhiệm. Giúp người ta phải giúp cho tốt, không áp đặt người ta. Phải hết sức chú ý tôn trọng đồng chí Hồ Chí Minh và tôn trọng sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Không được làm ra vẻ khâm sai đại thần, nhất là không được có chủ nghĩa nước lớn. Đồng chí giữ thái độ thận trọng là đúng ”.
Đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh nói tiếp : “ Đồng chí phải chú ý, không nên vượt quá phạm vi nhiệm vụ công tác của đồng chí, trước hoặc sau những vấn đề quan trọng phải thỉnh thị báo cáo Mao Chủ tịch, Trung ương ”.
Tiếp đó, Mao Chủ tịch nói với thái độ nghiêm túc và hơi xúc động : “ Trước cuộc trường chinh, đồng chí ở khu Xô Viết Trung ương, chắc biết Lý Đức ? ”.
“ Vâng, tôi có biết Lý Đức ”.
Mao Chủ tịch nói : “ Lý Đức (*) là người Đức, ông ta lập chiến công trong Hồng quân Liên Xô thời kỳ cách mạng Tháng Mười Liên Xô, được Stalin khen ngợi, cử ông ta sang thường trú bên cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc, về sau đến khu Xô Viết Trung ương làm cố vấn quân sự. Chẳng bao lâu ông ta nắm quyền chỉ huy Hồng quân công nông Trung Quốc, gây tổn thất to lớn cho sự nghiệp cách mạng Trung Quốc. Lý Đức không hiểu tình hình đất nước Trung Quốc, cũng không hiểu tình hình của Hồng quân công nông Trung Quốc, không điều tra nghiên cứu, không chịu nghe ý kiến bất đồng, rập khuôn máy móc chiến lược, chiến thuật có hiệu quả ở Liên Xô, song không vận dụng được ở Trung Quốc. Đi đến đâu cũng giương lá cờ quốc tế vô sản để doạ nạt người khác. Bao biện làm thay, lên mặt dạy đời, khoa chân múa tay áp đặt người ta, như một khâm sai đại thần, đầy sắc khí ! Những người như Lý Đức, Bác Cổ v.v.. đã thực hành một loạt chiến lược chiến thuật sai lầm về mặt quân sự, làm cho chúng ta khốn khổ đủ điều, đã trả giá bằng máu nặng nề ”.
Mao Chủ tịch lại nói : “ Đồng chí công tác ở Việt Nam, nhất thiết phải tránh bài học của Lý Đức ở Trung Quốc. Phải nói bài học này cho toàn thể các đồng chí cố vấn trong đoàn cố vấn, để mọi người ghi nhớ kỹ bài học sâu sắc này. Nói với các cố vấn, giúp người ta không thể rập khuôn máy móc theo cách làm trước đây của chúng ta. Giúp người ta phải giúp cho tốt, chỉ dựa vào nguyện vọng chủ quan là không được, phải căn cứ tình hình thực tế mới có thể giúp tốt được. Phải có thái độ thật thà, thận trọng, ít nói chúng ta đã “ qua năm cửa ải chém sáu tướng ”2 như thế nào, giới thiệu nhiều chúng ta “ đến Mạch thành ”3 như thế nào, chúng ta cũng có thất bại. Trong quá trình giúp đỡ người ta, phải thường xuyên kiểm điểm lời nói và hành động của mình, mỗi ngày một lần, ba ngày một lần, ít nhất mỗi tuần một lần, kiểm điểm xem cái nào chúng ta làm đúng, cái gì chúng ta làm sai ”.
Đối với đồng chí Hồ Chí Minh, không những nhân dân hai nước Trung-Việt rất tôn trọng đồng chí, trên quốc tế, ngay cả những người phản đối đồng chí cũng rất tôn trọng đồng chí. Mao Chủ tịch đề cao sự tôn trọng đối với Hồ Chí Minh ở mức cao như vậy là có ý nghĩa rất sâu xa. Tôi rất thấm thía lời nói chuyện của Mao Chủ tịch đối với tôi, tôi cảm thụ rất sâu như được một lần giáo dục chủ nghĩa quốc tế vô sản cực kỳ sâu sắc hết sức thực tế.

VII

Mao Chủ tịch bao giờ cũng coi sự nghiệp cách mạng đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam như sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Quốc, giúp đỡ Việt Nam với tinh thần quốc tế chủ nghĩa hoàn toàn triệt để, cống hiến vô tư. Mao Chủ tịch không chỉ dạy bảo tôi và các cố vấn khác như thế, mà chính người cũng làm như thế. Dù là điện của Trần Canh, Vi Quốc Thanh và tôi xin chỉ thị của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng hay chỉ thị của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng đối với chúng tôi, dù là bức điện về mặt tác chiến (như chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Tây Bắc v.v..) xây dựng bộ đội và huấn luyện bộ đội, hay là những bức điện vấn đề quan trọng về mặt xây dựng tư tưởng và xây dựng tổ chức của Đảng, công tác tài chính kinh tế, công tác cải cách ruộng đất, viện trợ quân sự, viện trợ tài chính kinh tế và công tác công an, tình báo, dân tộc thiểu số v.v.. Mao Chủ tịch đều đích thân phê duyệt, sửa chữa, ký cho chuyển đi, trong đó có những bức điện đặc biệt quan trọng, Mao Chủ tịch tự khởi thảo, khi trả lời các bức điện của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trưng cầu ý kiến Trung ương Đảng hoặc các bức điện quan trọng của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng nêu ý kiến hoặc kiến nghị với Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, đều viết như thế này : “ Ý kiến của chúng tôi chỉ để tham khảo, do các đồng chí quyết định, các đồng chí thông thạo, hiểu rõ tình hình hơn chúng tôi ”.
“ Quy tắc công tác ” của cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam do đồng chí Vương Gia Tường chủ trì Ban liên lạc đối ngoại Trung ương khởi thảo, khi Mao Chủ tịch xét duyệt đã có bổ sung quan trọng : “ Yêu mến từng gốc cây ngọn cỏ của nhân dân Việt Nam, tôn trọng độc lập dân tộc Việt Nam và phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam, ủng hộ Đảng Lao động Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh lãnh tụ của nhân dân Việt Nam ”. Mỗi dòng chữ của “ Quy tắc ” đều chứa chan tinh thần quốc tế chủ nghĩa của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng.
Năm 1952, tôi về nước báo cáo tình hình công tác, báo cáo với Mao Chủ tịch, có nói đại đa số cố vấn đều tuân theo chỉ thị và yêu cầu của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng, mang tinh thần quốc tế chủ nghĩa, yên tâm công tác tại Việt Nam, nhưng có số ít cố vấn vì điều kiện khí hậu Việt Nam vừa nóng vừa ẩm, muỗi nhiều, sinh hoạt không quen, thường hay mắc bệnh, lại lên cơn sốt rét, sút cân rõ rệt lại thêm chiến đấu dồn dập, máy bay Pháp luôn luôn bắn phá, ném bom, lo chết bệnh, chết trận tại Việt Nam, mong muốn và yêu cầu về nước công tác trước thời hạn.
Nghe xong, Mao Chủ tịch trầm ngâm một lát, sau đó dõng dạc nói : “ Bethune là người Canada, chẳng nề đường xa vạn dặm đến Trung Quốc, giúp Trung Quốc chống quân xâm lược Nhật, không tơ hào tư lợi, không tiếc hy sinh tất cả, đó chính là tinh thần quốc tế chủ nghĩa. Đồng chí đã hy sinh vẻ vang tại Trung Quốc, an táng trên đất Trung Quốc, đồng chí là một chiến sĩ quốc tế rất tốt, chúng ta mãi mãi tưởng nhớ đồng chí ”. Mao Chủ tịch lại nói : “ Chúng ta có rất nhiều người miền Bắc công tác, chiến đấu và sống ở miền Nam, có người hy sinh ở miền Nam ; cũng có rất nhiều người miền Nam công tác, chiến đấu và sống ở miền Bắc, có người hy sinh ở miền Bắc. Cố vấn của chúng ta đều là đảng viên Đảng Cộng sản, Đảng cử các đồng chí ấy sang viện trợ Việt Nam chống Pháp, giúp Việt Nam công tác, vì sao không thể kiên trì công tác, chiến đấu và sống ở Việt Nam ? Vì sao không thể hy sinh ở Việt Nam ? ” Tiếp đó, Mao Chủ tịch ngâm lại câu thơ : “ Chôn trung liệt khắp nơi non xanh biếc biếc. Cần chi da ngựa bọc thây trở về ”. Chủ tịch đã giải thích hàm nghĩa của hai câu thơ này.
Những lời nói của Mao Chủ tịch lần này tác động rất mạnh đến tư tưởng của tôi và các cố vấn. Mao Chủ tịch đang cổ vũ tôi và các cố vấn phải hoàn toàn triệt để hiến thân cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, làm một chiến sĩ quốc tế đích thực.

VIII

Giải quyết vấn đề lương thực và tiền tệ Việt Nam là một trong những vấn đề cấp bách nhất, khó khăn nhất cần giúp nghiên cứu giải quyết được nêu ra khi Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v… giới thiệu tình hình Việt Nam với tôi.
Tôi báo cáo vấn đề này cho Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng. Mao Chủ tịch và đồng chí Thiếu Kỳ chỉ thị cho chúng tôi : Biện pháp căn bản giải quyết vấn đề tài chính kinh tế, nhất là vấn đề lương thực và tiền tệ của Việt Nam là cần phải xóa bỏ triệt để toàn bộ chế độ và biện pháp tài chính kinh tế cũ do bọn thực dân Pháp để lại, xây dựng toàn bộ chế độ và biện pháp công tác kinh tế tài chính mới. Mao Chủ tịch và đồng chí Thiếu Kỳ còn chỉ thị cho chúng tôi : Biện pháp trưng thu công lương, thu hồi tiền tệ về ngân hàng và phát triển sản xuất mà Trung Quốc áp dụng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật và chiến tranh giải phóng về cơ bản thích dụng với Việt Nam, có thể cung cấp để các đồng chí ấy tham khảo.
Tôi và các cố vấn căn cứ vào chỉ thị đó của Mao Chủ tịch và đồng chí Thiếu Kỳ, xuất phát từ thực tế Việt Nam, kết hợp giới thiệu và vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc để giúp Việt Nam từ chính sách, phương châm, điều lệ, chế độ, nội quy của công tác tài chính kinh tế cho đến biện pháp thực thi cụ thể. Năm 1951, tình hình tài chính kinh tế của Việt Nam có chuyển biến rõ rệt. Cơ quan, bộ đội có lương thực ăn, không đói nữa, trong nhà dân lương thực cũng nhiều, tiền tệ tương đối ổn định, không có lạm phát, thị trường từng bước sôi động lên. Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đều tỏ ra rất hài lòng trước tình hình đó. Thủ tướng Phạm Văn Đồng phấn khởi nói : “ Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc viện trợ chúng tôi một cách vô tư, lại cử cố vấn giúp chúng tôi, năm 1950 giúp chúng tôi giành thắng lợi quan trọng trong chiến dịch Biên Giới, làm thay đổi tình hình kháng chiến của Việt Nam, khai thông đường giao thông biên giới Việt – Trung. Hiện nay (1951) lại giúp chúng tôi giải quyết vấn đề tài chính kinh tế khó khăn nhất, cấp bách nhất hiện nay, nhất là vấn đề lương thực, tiền tệ và phát triển sản xuất. Điều đó chứng tỏ đầy đủ chủ nghĩa quốc tế vĩ đại của Mao Chủ tịch, Đảng Trung Quốc, cũng nói lên đầy đủ tư tưởng Mao Trạch Đông và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của Trung Quốc là có sự giúp đỡ đối với Việt Nam.”

IX

Từ sau chiến dịch biên giới 1950, chúng tôi lại trải qua rất nhiều chiến dịch lớn nhỏ như chiến dịch Trung Du, chiến dịch Ninh Bình, chiến dịch Đông Bắc, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Tây Bắc và đánh du kích sau lưng địch ở đồng bằng sông Hồng v.v…, cho đến đại thắng Điện Biên Phủ, buộc bọn xâm lược thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán Geneve, ký hiệp định đình chiến, nhân dân Việt Nam cuối cùng đã giành được thắng lợi có tính quyết định.
Nhân dân Việt Nam cực kỳ tôn trọng và yêu mến đồng chí Mao Trạch Đông, thân thiết gọi đồng chí Mao Trạch Đông là Bác Mao, giống như gọi đồng chí Hồ Chí Minh là Bác Hồ (đó là cách xưng hô tôn kính nhất, yêu mến nhất, thân thiết nhất của nhân dân Việt Nam đối với đồng chí Hồ Chí Minh), tình cảm chân thành và nồng thắm.
Lịch sử là tấm gương soi công bằng chính trực nhất, tốt nhất. Tuy thời gian trôi qua, tình hình thế giới đang biến đổi, nhưng tư tưởng quốc tế vô sản của Mao Trạch Đông, công lao của Mao Trạch Đông viện trợ vô tư Việt Nam chống Pháp sẽ mãi mãi lưu truyền sử xanh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam./.
TÁC GIẢ: Lã Quý Ba, cố vấn trưởng, đại sứ đầu tiên của TQ ở Việt Nam
DƯƠNG DANH DY CHUYỂN NGỮ
——————————————-
(*) Lí Đức là bí danh của Otto Braun (1900-1974), người cộng sản Đức, cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1932, được cử sang làm cố vấn cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Tham gia cuộc Trường chinh. Chỉ huy Tiền quân thứ nhất, chủ trương đánh trực diện quân đội Tưởng Giới Thạch và thất bại nặng nề, gây tổn thất rất lớn cho Hồng quân. Nhờ thất bại này, tại Hội nghị Tuân Nghĩa, Mao Trạch Đông đã loại trừ được các đối thủ của mình và từ đó nắm ĐCSTQ. Xem Wikipedia (chú thích của Diễn Đàn).
1 Một chức vụ mà Việt Nam không có chức tương ứng.
2 Ý chỉ thắng lợi.
3 Ý chỉ thất bại.

CHUYỆN NHÀ

Với người Việt mình thì “đẹp đẽ khoe ra xấu xa đậy lại”,”đóng cửa bảo nhau”;nhưng để khớp ngón tay chậm thoái hóa và não trạng đỡ trở nên bã đậu,đồng thời để “đánh bóng” tên mình như một số bạn bè đùa giỡn,xin hiến các vị mấy chuyện vặt trong nhà.

Chuyện thứ nhất :Thằng cháu trúng tuyển Nghĩa vụ Quân sự

—Ông ơi ! Cháu có giấy Nhập ngũ của Phường đội gửi cho mấy hôm nay rồi; nhưng đắn đo, suy nghĩ mãi nên tối nay mới đến báo và tham khảo ý kiến của Ông.
—Nhập ngũ ở diện nào, cháu?
—Thì còn diện nào nữa? Là Nghĩa vụ Quân sự mà thôi, Ông ạ!
—Ôi ! Thế thì còn lăn tăn gì nữa?
—Cơm cha áo mẹ mười tám năm, nào Mẫu giáo, mầm non, nào Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ tông, rồi bốn năm Đại học với hàng chục chứng chỉ, lại gần ba năm lăn lóc trên thương trường nay lai sắp sửa xếp xó hết để “ắc ê” một hai–một hai …..
—Cháu sẽ thấy ích lợi trong thời gian ở trong quân ngũ .Quân đội sẽ luyện thân hình cháu mạnh khỏe cường tráng hơn thân hình lẻo khẻo như hiện nay.Quân đội sẽ rèn tính kỷ luật, ý thức tổ chức, sự kiên trì dũng cảm, nhất là tình thương yêu đồng đội với nhau ,với nhân dân để sẵn sàng chiến đấu, hy sinh “vì nhân dân quên mình” để bảo vệ Tổ quốc khi bị nước ngoài xâm lược……
—…..Thì “Tàu khựa” đã chiếm hết quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa, rồi coi Biển Đông như ao nhà của hắn, cướp ngư cụ, sản vật của ngư dân, thậm chí chặt cả cột cờ và ném cờ của nước mình xuống biển mà đại diện nhà nước ta chỉ dám “đến gặp” đại sứ của họ để phản đối, thử hỏi Quân đội để làm gì?
— Cháu lại hung hăng rồi! Nhà nước chẳng nêu phương châm là :”ổn định để phát triển”, giữ quan hệ như hiện nay với phương châm 16 chữ vàng 4 tốt để cùng nhau xây dựng Xã hội Chủ nghĩa” đấy thôi.!
—Thế thì để đến khi có chiến tranh xảy ra và chắc chắn chỉ có “Tầu khựa” chủ mưu gây ra ,cháu sẽ xung phong vào lính ngay tắp lự, còn nay thì……
—…..Thì sao?
—Hoãn,…né và.. ..sợ…
—Sợ gì?
—Sợ khi trở thành lính, theo lệnh trên có khi cháu phải dùng dùi cui, lựu đạn cay thậm chí cả súng đạn sát thương đi dẹp ‘’ tụ tập đông người ’’ biểu tình để bảo vệ Đảng Cộng Sản VN, bảo vệ Nhà nước bằng cách phải nổ súng vào bà con cùng phường, bạn bè, họ hàng trong đó có khi có cả ba mẹ cháu thì Ông nghĩ sao ?
— Việc đó có phải của Quân đội đâu mà cháu lo!
—Khổ quá ! Ông không nhớ là “Quân đội trung với Đảng” như Dự thảo Hiến pháp sắp trình Quốc hội à?
—Thì hầu hết người dân người ta phản ứng không đồng tình và Ông cũng thấy trên thế giới có lẽ chỉ nước mình mới có điều đó trong Hiến pháp mà thôi.
—Ấy vậy mà những người cầm quyền cứ trâng tráo dùng cái quyền của dân trao cho để làm những việc trái lòng dân ,trái đạo lý của loài người vậy đó!
Đến đây tôi hoãn binh và tìm chước thứ 36 vì không nói kịp thằng cháu biết 2 ngoại ngữ, ngoài giờ ở sở là dán mắt vào màn hình máy tính “on lai–on liếc”.

Chuyện thứ hai : Mua–Bán

Nhà tôi khi còn ở chung ba thế hệ có tới năm nhân khẩu : hai vợ chồng già, con trai , vợ nó và thằng nhóc cháu nội cùng sống trong căn nhà cấp ba, trên thửa đất 30m2 , song vì có cái gác nên cũng đủ thường như ở Sài gòn: phòng khách, phòng ăn, hai phòng ngủ, bếp và tất nhiên cũng sang lắm so với bao nhà ở Hà nội là có tới 2 cái phòng cho “tứ khoái” –toilet– Ngày tháng trôi đi, khi thằng nhóc cháu nội ngày càng lớn, cả nhà nhiều lúc cũng thấy chật chội; nhưng cứ an ủi rằng; “Nhà Thầy R khi nghỉ hưu, cấp Thứ trưởng cũng 5 nhân khẩu mà chỉ được một tầng gác 2, sàn gỗ ọp ẹp quãng 36m2 đấy thôi ! ” nên lại ráng chịu. Tuy nhiên đến khi cháu nội thứ hai ra chào ông bà và cứ mỗi ngày, cháu gái duyên giáng xinh tươi thì mới thấy cần cái tổ nữa để cuộc sống đỡ ra đụng vào chạm hơn. Tìm được thửa đất vừa ý do bạn bè cò không lấy % . Họp cả nhà bàn tính.
221_1
—Ba tìm được miếng đất, họ đòi trọn gói 500 triệu. Ba mẹ lo đủ để người ta làm “Giấy chuyển quyền sử dụng đất”, các con lo tiền xây nhà….
Ông con trai bật dậy :”Chuyển , chuyển cái gì?! Mua thì nói là mua, bán là bán cho rõ ràng, đàng hoàng, đúng bản chất đi lại còn là chuyển mới trả giao”.
—Thì ba nói đúng như nhà nước công bố và giấy tờ nhà nước cấp chứ có nói sai đâu!
—Ba nói không sai với nhà nước; nhưng nhà nước này nó sai. Trên cánh đồng người ta ghi rao nhan nhản :”Bán đất gọi số điện thoại 090……” , không chỉ ở Sài gòn này mà ngay ở giữa thủ đô Hà nội cũng vậy. Điều đó không chứng tỏ thực chất là cuộc Mua-Bán còn là cái gì nữa? Lại còn uốn éo, quanh co bịp dân ,lừa dân chỉ vì thuộc lòng như con vẹt mấy điều gọi là nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lê mà đến nay hầu như thế giới đã cho tồn kho gần 15 năm rồi….
—Dưng mà nhà nước vẫn cứ tuyệt đối trung thành “đất đai là của toàn dân,nhà nước quản lý” không chấp nhận đa sở hữu vì trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản : công cụ sản xuất là của chung đó mà!
—Tiền mình do cặm cụi sớm khuya có được, bỏ ra mua mà không được sở hữu, lại còn “nhà nước quản lý” nữa, thì khác gì cưới vợ xong lại giao cho ông hàng xóm giữ hộ. Phi lý hết mức! Quá quắt lắm ,lòe bịp hết cỡ, nên hậu quả khôn lường như bà má ở Cần thơ phản đối bằng cách sexy ; tự thiêu, treo cổ ở Đà nẵng hay như ông Đoàn văn Vươn ở Tiên lãng phải nổ súng hoa cải, rồi gần nhất là ông Viết ở Thái bình dùng colt 6 viên để xử cán bộ quản lý đất và tự xử mình…. Các ổng ấy muốn viết thế nào thì viết nhưng dân cứ “tiền trao cháo múc”. Ba cứ để con Mua-Bán. Ba khỏi “nói nàm” theo tư duy không hợp lòng dân, hợp thời đại cho mệt.
Tôi lại im lặng,chịu thua!
Tôi chỉ kể hai chuyện nhà thôi,kể cái thứ ba lo quý vị mệt, nên nếu được hầu chuyện ,lần sau xin kể chuyện…. vỉa hè.
ĐỖ NHƯ LY

Những “bản án về hưu”


Có thể hiểu là vì tử hình ở Việt Nam là bắn thật, cho nên mới chưa từng có một bị án tử hình về hành vi tham nhũng?!
Ngày 8.7.2013, khi nhận án tử hình treo cho hành vi tham nhũng 10,5 triệu dollar, trước vành móng ngựa, cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân đã nhếch mép nở một nụ cười khinh bạc.
Chẳng phải ông là một người quân tử “xem cái chết nhẹ tợ lông hồng”, mà vì cựu Bộ trưởng, người đã gây ra vụ tham nhũng nghiêm trọng nhất Trung Quốc với số tiền liên quan đến 800 triệu nhân dân tệ (tương đương 130 triệu USD, biết rằng tử hình treo, có nghĩa là ông sẽ không bị xử bắn.
Tử hình, nhưng được hoãn thi hành án 2 năm, còn gọi là “tử hình treo” là loại án có từ năm 1951 ở Trung Quốc, chuyên được dùng để tuyên cho những hành vi phạm tội nghiêm trọng nhưng “không gây đổ máu”.
Và giờ đây, khi tử hình treo được dùng để tuyên trong những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, không ngẫu nhiên, báo chí
Trung Quốc gọi đó là những bản án “về hưu”, theo triết lý “tử, nhưng lại là sinh”.
Ông Lưu cười là phải, có thể 12 năm sau, ông sẽ ra tù và một lần nữa mỉm cười với khoản tiền khủng đang giấu ở một nhà băng nào đó.
Trung Quốc coi tham nhũng là một trong những vấn đề cấp bách và nghiêm trọng nhất mà họ phải giải quyết với những tuyên bố rằng sẽ xử lý cả “hổ” lẫn “ruồi”. Kèm đó là một con số sinh động: Hơn 150 quan chức cấp tỉnh, bộ, thậm chí cả 3 ủy viên Bộ Chính trị, đã bị xét xử với tội danh tham nhũng, trong đó không ít những vụ án bị tuyên phạt ở mức cao nhất là tử hình treo.
Ngày hôm qua cái tên Bạc Hy Lai và những bản án tử hình treo đã được Phó Chánh án Trần Văn Độ nhắc tới, để trả lời cho câu hỏi “Vì sao Việt Nam chưa từng tuyên án tử hình đối với bất kỳ một tội phạm tham nhũng nào, như Trung Quốc, trong khi tham nhũng ở Việt Nam được cho là có những vụ cực kỳ nghiêm trọng?”.
Tướng Độ đã trả lời một ý, rằng “Họ có tuyên án tử hình, nhưng họ không thi hành nên gọi đó là tử hình treo” trong khi đó ở Việt Nam, không phải là xử nhẹ khi “ (Tỷ lệ) Những người bị kết án vào tù cũng rất cao khoảng 70-80%, trong khi ở các nước khác chỉ có 50%”. Ông cũng nói tuyệt hay, là “con hư thì phải đánh, nhưng cái chính là không để con hư”.
Có thể hiểu là vì tử hình ở Việt Nam là bắn thật, cho nên mới chưa từng có một bị án tử hình về hành vi tham nhũng?!
Hôm qua, khi 3 báo cáo về tình hình phòng chống tội phạm tại hội trường Quốc hội, thì các cuộc phỏng vấn hành lang lại đặt câu hỏi trước con số 31,2% bị cáo tham nhũng được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ.
Dù là có tiến bộ hơn, ở con số giảm 2% số án treo, nhưng thực ra, tỷ lệ 1/3 án treo dành cho tham nhũng, cùng với tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ tham nhũng chỉ 10%, đang khiến bao nỗ lực, bao quyết tâm phòng chống tham nhũng đổ cả xuống sông xuống biển. Còn dân chúng, trước nỗi bức xúc, khi một cái bộ lặn 100 triệu được tham nhũng biến báo lên thành 130 tỷ, họ có thể làm gì khác ngoài việc tìm một cái hố để hét vào đó tất cả nỗi phẫn uất.
Có vị đại biểu QH đã nói tuyệt hay là cuộc chiến chống tham nhũng giống như bắn ra viên đạn không có đầu. Nổ ùng oàng, kêu rất to, nhưng chẳng may may có người bị thương. Có thể, các quan tham Việt Nam sẽ không cười trước vành móng ngựa, dù những bản án tham nhũng, trái với quyết tâm phòng chống tham nhũng, khó có thể gọi khác đi khi chúng chính là những “bản án về hưu”.
Cứ bảo sao tham nhũng không giảm.
THEO ĐÀO TUẤN