Vụ Cù Huy Hà Vũ – Công án hay Tư thù?
Alf.Hoàng Gia Bảo - Có thể hiểu nhận định xác đáng này là vụ án đã nâng Cù tiến sĩ lên thành biểu tượng đáng kính cho giới sĩ phu Hà Bắc. Việc anh võ biền miền Nam cậy quyền thế xử ép một trí thức như anh liệu có là ‘vung tay quá trớn’. Sự thay đổi là cần thiết và là trọng trách của giới sỹ phu Hà Bắc hiện nay chứ không thể trông đợi nó đến từ đâu khác.
Nếu không rất có thể mai này các thế hệ con cháu chúng ta sẽ lại phải ê, a trong các giờ học sử “dưới thời tể tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xảy ra vụ một oan khiên lớn được người thời ấy mỉa mai là ‘vụ án hai bao cao su…’
Một ngày sau phiên tòa 4/4 trên trang BBC có bài Phản ứng về vụ xử TS Cù Huy Hà Vũ trong đó học giả Úc chuyên về Việt Nam Carl Thayer có nêu “Thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] có thể là nhà cải cách kinh tế tự do nhưng ông không là người có đầu óc tự do chính trị” và sau đó kết luận “Có ai đó cố gắng nhiều lần làm tổn hại tới các quyết định của ông thì chắc chắn sẽ làm ông ta phẫn nộ“
Giáo sư Carl Thayer là người am hiểu chính trường Việt Nam, vì vậy những nhận định của ông luôn được xem là đáng tin cậy. Bằng phát biểu trên, ông khẳng định cho dù mô hình kinh tế của VN là kiểu gì thì ông thủ tướng Dũng sẽ vẫn là nhà độc tài. Do vậy, nếu ai đó cản đường ông ta ắt sẽ phải ‘trả giá’. Và lý do của sự trả giá đ/v Ts.Hà Vũ đó chính là vì anh đã làm “tổn hại đến quyết định” 167/2007/QĐ-TTg của ông ta trong vụ Bauxite Tây nguyên.
Vậy đơn kiện của Ts. Cù Huy Hà Vũ có gì điều đặc biệt khiến ông thủ tướng phải ‘phẫn nộ” đến như thế?
Đằng sau lá đơn…
Như chúng ta đã biết ngay từ đầu triển khai dự án Bauxite đã vấp phải phản ứng dữ dội của nhân sĩ trí thức, lãnh đạo các tôn giáo và dân chúng khắp nơi. Bằng chứng là đã có khoảng gần 1 vạn người ký tên kiến nghị hủy bỏ dự án này trên các trang Bauxite và Dòng Chúa Cứu Thế, mà mối lo của mọi người ngoài việc môi trường sinh thái bị hủy hoại còn vì hiểm họa khôn lường cho đất nước trước sự hiện diện ‘hợp pháp’ của đạo quân hàng vạn người TQ trên vùng Tây nguyên chiến lược núp dưới danh nghĩa khai thác bauxite và có thể sẽ kéo dài nhiều thập niên chứ không chỉ đến năm 2025 như trên giấy tờ.
Mặc dù nguy hiểm là vậy, và kể cả khi có thêm nhiều tiếng nói uy tín từ các cựu tướng lãnh, đảng viên cao cấp về hưu như cựu đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình v.v… nhưng tất cả mọi tiếng nói đều bị rơi vào im lặng ‘đáng sợ’ không ai được hồi đáp dù chỉ một chữ!
Trong bối cảnh ấy sáng kiến khởi kiện của Ts. Hà Vũ trở nên hết sức có ý nghĩa.
Tất nhiên hơn ai hết anh thừa biết để ‘lôi’ được ông thủ tướng ra tòa còn khó hơn ‘con kiến đi kiện củ khoai’ gấp ngàn lần nhưng anh vẫn kiên quyết tiến hành. Bởi nếu không thành ít ra nó không phải là việc làm vô nghĩa trong bối cảnh luật pháp quốc gia thường xuyên bị đảng ‘ngồi xổm’ lên trên.
Thật vậy, vụ kiện đã khiến cả hệ thống cầm quyền trở nên lúng túng. Tòa án Tp.Hà Nội thì viện cớ không đủ thẩm quyền đùn đẩy đơn kiện lên tòa án tối cao để rồi nơi này cũng ‘tắc tịt’ nốt chẳng biết phải giải quyết ra sao cho đến tận bây giờ, khi anh đã phải vào nhà tù mà vẫn không biết số phận lá đơn đang ở đâu? Không được trả lời chính thức anh đã làm dúng hay sai, nếu sai thì sai ở đâu, còn nếu đúng thì vì sao cứ lờ đi chẳng tòa nào chịu xử v.v..???
Anh Hà Vũ thật không hổ danh là tiến sĩ luật! Chẳng cần súng đạn, không câu kết ngoại bang, không ‘diễn biến hòa bình’ … mà chỉ với khoảng hai ngàn từ bình dị trải trên 4 trang giấy anh đã kéo tuột cái đuôi đầy lông lá ra khỏi cái vỏ bọc ‘nhà nước pháp quyền’ mà họ vẫn leo lẻo lâu nay.
Tuy nhiên có thể lý do sau đây mới là cái khiến ông thủ tướng ‘nổi giận’.
Như chúng ta việc khai thác bauxite Tây Nguyên manh nha từ năm 2001 trong tuyên bố chung ký kết giữa hai ông TBT Nông Đức Mạnh và ông Hồ Cẩm Đào nhân chuyến thăm TQ. Tuy nhiên đây chỉ là việc riêng của hai đảng, về mặt pháp lý khi triển khai nó vẫn phải đảm bảo đúng các trình tự mà luật pháp VN qui định. Thế nhưng theo báo cáo số 91/BC-CP của Văn phòng Chính phủ ngày 22/5/2009 gởi Quốc hội thừa nhận thì dự án này vẫn “chưa có một báo cáo đánh giá môi trường chiến lược”!!!
Một dự án quốc tế tầm cỡ nhưng hoàn toàn ‘bất hợp pháp’ đã thế nó còn chất chứa đựng những hiểm họa khôn lường cho đất nước vì vi phạm luật an ninh quốc phòng. Do vậy, nếu phải ra tòa bất kỳ cá nhân nào dính dáng đến nó đều có nguy cơ phải đối mặt với tội danh ‘phản quốc’ chứ không còn chỉ là vi phạm hành chính thông thường.
+ Thật vậy, tra cứu từ bộ tự điển bách khoa toàn thư do chính nhà nước Việt Nam ban hành chúng ta thấy từ ‘phản bội tổ quốc’ được họ định nghĩa như sau: “PHẢN BỘI TỔ QUỐC: công dân một nước câu kết với nước ngoài, nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc mình …Tội PBTQ là tội xâm phạm an ninh quốc gia.”
+ Chương XI Bộ Luật Hình Sự Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam qui định các tội bị xem là xâm phạm an ninh quốc gia như sau:
Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Như vậy, đơn kiện vụ bauxite mặc dù chỉ xoay quanh những vi phạm quản lý hành chính về môi trường, di sản văn hóa, quốc phòng v.v… nhưng tầm vóc lớn lao của nó khiến kéo theo những hiểm họa khôn lường đã khiến ý nghĩa vụ kiện ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Có thể vì lý do này cùng với việc bị họ Cù làm cho ‘mất mặt’ trước dư luận đã khiến ông ta không còn chịu đựng anh nữa cho dù có là con trai của ‘khai quốc công thần’ Cù Huy Cận, người đã có công gầy dựng nên cái nhà nước mà ông ta đang thừa hưởng quyền cai trị.
Một ‘Lệ Chi Viên’ thời nay?
Việc kết án Cù Huy Hà Vũ tội làm ra những tài liệu chống phá nhà nước, trả lời báo đài nước ngoài, bênh vực binh lính VNCH, đòi đa nguyên đa đảng v.v… như vậy thực ra chỉ là những lý do hết sức ‘nhảm nhí’ vớ vẩn. Những việc này ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ‘mài mòn’ ngay từ khi còn sống. Như khi nói về việc tổ chức rầm rộ ăn mừng chiến thắng 30/4 hằng năm ông bảo ‘có trăm người vui thì cũng có vạn người buồn’ hoặc về đa nguyên đa đảng ‘đất nước tổ quớc VN đâu chỉ là của riêng người cộng sản’ v.v…
Cách dàn dựng bắt Ts.Cù Huy Hà Vũ với tang chứng bẩn thỉu là ‘hai bao cao su đã qua xử dụng’ rồi đem anh ra xử vội xử vàng trong một phiên tòa nhanh như ma đuổi thật không giống ai! Nó trông tựa như việc trả thù giữa các cá nhân với nhau nên đã được làm bằng mọi giá, chứ đâu còn là việc làm ‘quang minh chính đại’ cần có của một nhà nước pháp quyền cần phải nghe ngóng dư luận.
Thế cho nên ‘cái được’ của họ trong vụ xử Ts.Hà Vũ rốt cuộc không là gì khác hơn việc bị dân chúng thêm chán ghét khi thấy ngân qũi quốc gia từ tiền đóng thuế của họ đã bị tiêu xài hoang phí vào những trò bẩn thỉu, tai tiếng làm mất thể diện quốc gia như thế nào? Đến ngay một đảng viên như ông Lê Hiếu Đằng từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM cũng chịu không nổi mà phải thốt lên với BBC “vụ xử ông Hà Vũ là trơ trẽn” thì thử hỏi còn người lương tri nào có thể đồng tình voi vụ xử này?
Nhưng thiết thực hơn cả là ý kiến của một nhà báo trong nước không muốn nêu tên cũng nói với BBC “vụ xử tiến sỹ Hà Vũ đã làm tăng mức độ bất đồng chính kiến lên một bậc ở Việt Nam. Ông ấy [Cù Huy Hà Vũ] là người Hà Nội và đây chính là nơi cần là đầu tàu cho bất cứ sự thay đổi nào chứ không phải là miền Nam. Thủ tướng Dũng gần như đang ở “đất lạ” tại Hà Nội, cách xa căn cứ quyền lực của ông tại miền nam…”
Có thể hiểu nhận định xác đáng này là vụ án đã nâng Cù tiến sĩ lên thành biểu tượng đáng kính cho giới sĩ phu Hà Bắc. Việc anh võ biền miền Nam cậy quyền thế xử ép một trí thức như anh liệu có là ‘vung tay quá trớn’. Sự thay đổi là cần thiết và là trọng trách của giới sỹ phu Hà Bắc hiện nay chứ không thể trông đợi nó đến từ đâu khác.
Sự oan sai của Cù tiến sĩ dễ khiến chúng ta nhớ lại vụ Lệ Chi Viên hay còn gọi là ‘vụ án vườn vải’ xảy ra hơn 500 năm trước, đã suýt khiến đại công thần Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.
Liệu vụ án này có trở thành được là một Lê Chi Viên nữa hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào sự sáng suốt của nhà cầm quyền VN và thực hiện điều này thì không bao giờ muộn màng cả.
Nếu không rất có thể mai này các thế hệ con cháu chúng ta sẽ lại phải ê, a trong các giờ học sử “dưới thời tể tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xảy ra vụ một oan khiên lớn được người thời ấy mỉa mai là ‘vụ án hai bao cao su…’
Sàigòn, 19/4/2011
Alf.Hoàng Gia Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét