Vinashin: Nếu Chính phủ không hỗ trợ... tất yếu phá sản
Thứ Năm, 2.6.2011 | 08:14 (GMT + 7)
Kết luận thanh tra
Vinashin đã vẽ nên một bức tranh tổng thể về hệ thống những khiếm
khuyết, tồn tại, sai phạm ở đơn vị này. Từ những lỏng lẻo, thiếu các
quy định quản lý tương ứng cho mô hình tổ chức, quản lý tập đoàn... đến
những vi phạm nghiêm trọng trong quá trình quản lý, sử dụng vốn.
Hậu quả là tình
hình tài chính của Vinashin mất cân đối nghiêm trọng, nếu không có hỗ
trợ của Chính phủ thì tất yếu phải tuyên bố phá sản.
Quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ
(TTCP) chỉ tập trung kiểm tra, xác minh 3 vấn đề lớn là: Thể chế tổ
chức, hoạt động của tập đoàn; tài chính của tập đoàn và việc quản lý và
thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Cả 3 nội dung này đều bộc lộ
không chỉ những tồn tại, hạn chế, mà còn là một hệ thống các vi phạm,
sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mất 5.000 tỉ đồng vốn nhà nước
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2009
do Tập đoàn Vinashin lập ngày 21.5.2009, tình hình tài chính tại thời
điểm hết năm 2009 như sau: Tổng tài sản 95.148,18 tỉ đồng; cơ cấu nguồn
vốn gồm, nợ phải trả 85.642,88 tỉ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 9.505,29 tỉ
đồng. Tuy nhiên qua kiểm tra, TTCP xác định báo cáo tài chính trên chưa
chính xác, chưa đúng theo quy định các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Vì
vậy, số liệu về nguồn vốn, tài sản, đặc biệt là số liệu về nợ phải trả
85.642,88 tỉ đồng chưa đúng với tình hình thực tế.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2009 đã
được kiểm toán quốc tế KPMG thực hiện cũng được xác định là chưa phản
ánh chính xác về nguồn vốn, tài sản, kết quả sản xuất kinh doanh. Theo
báo cáo tài chính đã kiểm toán, giá trị tài sản và nguồn vốn của tập
đoàn tại thời điểm 31.12.2009 là 102.536,15 tỉ đồng. TTCP xác định: Nếu
loại trừ công nợ nội bộ theo kết quả đối chiếu, xác nhận của tập đoàn
thì giá trị nguồn vốn, tài sản của Vinashin là 92.575,15 tỉ đồng.
Về nợ phải trả, theo TTCP thì số nợ phải
trả của Vinashin tại thời điểm 31.12.2009 là 96.706,43 tỉ đồng, lớn hơn
số báo cáo của tập đoàn 11.000 tỉ và cao hơn số nợ đã qua kiểm toán 71
tỉ đồng. Tuy nhiên, TTCP cũng xác định nếu ghi nhận kết quả đối chiếu nợ
nội bộ của tập đoàn, từ đó loại trừ đi 9.961 tỉ đồng, thì số nợ phải
trả là 86.745,43 tỉ đồng.
Theo kết quả kiểm toán quốc tế KTMG báo
cáo tài chính năm 2009, Vinashin lỗ 1.682,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua quá
trình thanh tra, TTCP kết luận thực chất số lỗ là 4.985,16 tỉ đồng, tăng
thêm 3.302,66 tỉ đồng so với báo cáo của kiểm toán. Ngoài ra, mặc dù
chưa ghi nhận là khoản lỗ, nhưng TTCP khuyến cáo Vinashin cần đặc biệt
lưu ý kiểm soát khả năng lỗ tiềm tàng, rất hiện thực ở các khoản: 2.787
tỉ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của những hợp đồng đóng tàu
đã bị huỷ; chênh lệch các khoản phải thu nội bộ nhưng không xác định
được đối tượng phải thu lên đến hơn 4.688 tỉ đồng; 1.035 tỉ đồng bị phạt
và trả lãi tiền đặt cọc cho các chủ tàu do Vinashin vi phạm hợp đồng.
Tính đến hết năm 2009, Vinashin đã không
bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỉ đồng vốn điều
lệ Nhà nước cấp. Theo kết luận thanh tra: Tình hình tài chính của
Vinashin mất cân đối nghiêm trọng, nếu không có hỗ trợ của Chính phủ thì
tất yếu phải tuyên bố phá sản, hậu quả nặng nề trên nhiều phương diện,
nhất là chính trị - xã hội.
Không đủ năng lực... đóng tàu
Một trong những nội dung quan trọng,
được thanh tra tập trung làm rõ là vấn đề huy động, quản lý, sử dụng
vốn: Theo xác định của TTCP, thì từ cuối năm 2005 đến 30.6.2010,
Vinashin đã huy động một khối lượng vốn rất lớn từ các nguồn trong và
ngoài nước dưới các hình thức vay của các tổ chức tín dụng, vay nguồn
trái phiếu quốc tế của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và
các hình thức khác lên đến 72.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Vinashin đã tùy
tiện, buông lỏng quản lý và vi phạm quy định của pháp luật trong các
giai đoạn của quá trình huy động, quản lý và sử dụng vốn, để lại hậu quả
nghiêm trọng trên nhiều mặt.
Kiểm tra khoản vay 750 triệu USD từ
nguồn vay trái phiếu quốc tế của Chính phủ, kết luận thanh tra xác định
có nhiều sai phạm. Nhiều dự án mới chỉ là ý tưởng đầu tư, chưa và không
tồn tại trên thực tế vẫn được đưa vào đề án xin vay vốn. Ngay trong ngày
ký hợp đồng vay từ nguồn trái phiếu quốc tế này, Vinashin đã sử dụng
1.000 tỉ đồng để mua lại khoản nợ của các đơn vị thành viên và của bản
thân Cty mẹ, trong đó có nhiều khoản nợ xấu tại Ngân hàng Đầu tư và phát
triển Việt Nam. Theo TTCP thì việc mua nợ trên là trái với quy chế mua
bán nợ; sử dụng không đúng mục đích khoản vay trái phiếu quốc tế; có
nhiều dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật, dùng thủ đoạn hoán
đảo nợ đã mua để che giấu thiệt hại.
Chỉ mua con tàu "5 sao" này đã thiệt hại 550 tỉ đồng. Ảnh: DUY THANH |
Ngoài ra, tại tất cả các khoản vay còn
lại từ khoản 300 triệu USD trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành;
khoản vay 600 triệu USD của 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài...
đến các khoản vay trong nước đều được xác định là có sai phạm. Theo kết
luận thanh tra: Vinashin sử dụng vốn vay tuỳ tiện, dàn trải (615 dự án)
nên bình quân chỉ đáp ứng được khoảng 30% vốn cho nhu cầu của dự án;
không kiểm soát được vốn đối ứng, dẫn đến toàn bộ các dự án hiện vẫn dở
dang, gây lãng phí lớn, nhiều trường hợp mất vốn với số lượng lớn.
Từ năm 2006 đến năm 2009, tập đoàn đã
quyết định mua 25 tàu cũ đã qua sử dụng với số tiền lên đến trên 8.000
tỉ đồng. Theo TTCP, việc này vi phạm quyết định của Thủ tướng, gây lãng
phí, thiệt hại nghiêm trọng trong đầu tư. Chỉ tính riêng việc mua tàu
Hoa Sen - một con tàu mà tập đoàn từng quảng cáo rầm rộ là tàu “5 sao” -
đã gây thiệt hại trên 550 tỉ đồng.
Theo TTCP thì đầu tư dàn trải, tuỳ tiện,
không hiệu quả là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới không
tăng cường kịp thời năng lực đóng tàu theo đúng chủ trương của Chính phủ
và đề án phát triển của tập đoàn. Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, Vinashin
đã không đủ năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ tay nghề,
trình độ quản lý và tiềm lực tài chính để thực hiện các hợp đồng đã giao
kết với khách hàng.
Nhiều hợp đồng đóng tàu bị huỷ không
phải do tác động của khủng hoảng kinh tế, thậm chí khách hàng đã nhân
nhượng, chia sẻ với Vinashin (biểu hiện ở việc có khách hàng chấp thuận
gia hạn hợp đồng giao hàng); Vinashin là bên vi phạm giao kết hợp đồng
với khách hàng trong và ngoài nước dẫn tới huỷ quá nhiều hợp đồng. Cụ
thể, từ 2006 đến nay, Vinashin đã ký 85 hợp đồng, giá trị 58.224 tỉ
đồng. Tuy nhiên, chỉ mới hoàn thành được 15 hợp đồng, đạt tỉ lệ 12%. Số
hợp đồng đã bị huỷ và dự kiến huỷ chiếm tới 47% (54 tàu trị giá 27.223
tỉ đồng).
Theo xác định của TTCP thì chỉ tính
riêng tiền phạt, tiền lãi phải trả do huỷ hợp đồng và chắc chắn huỷ hợp
đồng đã lên đến 1.035,5 tỉ đồng. Tình hình hoạt động sản xuất kinh
doanh của 11 đơn vị đóng tàu, công nghiệp phụ trợ cũng vô cùng èo uột.
Qua xem xét, TTCP khẳng định báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của các
đơn vị này đều chưa đúng thực tế. Tổng số lỗ luỹ kế ở các đơn vi này là
trên 3.962 tỉ đồng.
Nhóm P.V
THEO DÒNG SỰ KIỆN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét