Tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc luôn "mềm nắn, rắn buông"
"Trung Quốc lớn nhưng chưa hẳn đã mạnh. Nước mạnh nào cũng có gót chân Asin. Ta vững thì họ lùi, ta lùi thì họ tiến. Mềm nắn, rắn buông, Trung Quốc luôn là như vậy. Người ta gọi sự kiện Bình Minh 02 là phép thử là vì lẽ như vậy. Có hay không những vụ Bình Minh 02 khác hoàn toàn phụ thuộc vào hành xử của chúng ta" - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nhận định.>> Khi Trung Quốc dùng dàn khoan khủng đe láng giềng
>> Vụ Bình Minh 02, đủ chứng lý để kiện Trung Quốc!
>> Tư lệnh Mỹ lo căng thẳng ở BIển Đông
Chủ ý và có hệ thống
Mấy ngày qua, dư luận Việt Nam bức xúc trước hành động xâm lấn của Trung Quốc ở vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngang nhiên đưa 3 tàu hải giám xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, lớn tiếng vu cáo Việt Nam tạo cớ, làm căng thẳng tình hình Biển Đông?
Trước hết, cần xác định rõ vị trí 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp chỉ cách mũi Đại Lãnh, Phú Yên của Việt Nam 120 hải lý, trong khi cách đảo Hải Nam 500 hải lý. Địa điểm này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. . Vùng này cũng không thuộc vùng chồng lấn với bất cứ Vùng đặc quyền kinh tế hay Thềm lục địa nào của Trung Quốc.
Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển Quốc tế 1982 (UNCLOS) Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển này. Trung Quốc hay bất kì nước nào khác khác có quyền qua lại trên vùng biển này, nhưng không có quyền khai thác tài nguyên và không có quyền can thiệp vào việc khai thác tài nguyên của Việt Nam.
Vì thế, hành động của 3 tàu hải giám của Trung Quốc (thực chất là tàu quân sự cải hoán) thực chất là vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, mà Trung Quốc là một thành viên kí kết.
Việc làm này cũng vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những nước khởi xướng cũng như đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, vi phạm những cam kết quốc tế được công nhận rộng rãi khác mà Trung Quốc đã ký kết và công nhận.
Quan điểm dùng sức mạnh trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại. Ảnh minh họa: defencetalk |
Hành động này của Trung Quốc, tự nó đã vạch rõ ý đồ và làm lộ rõ bộ mặt cũng như toan tính của nước này. Trung Quốc đã đi ngược lại những tuyên bố, cam kết của mình, lời nói không đi với việc làm.
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Ông có thể làm rõ hơn?
Trung Quốc là quốc gia kí kết Công ước Luật biển, tham gia Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC. Hành động của 3 tàu hải giám đã đi ngược lại tất cả các cam kết này.
Cách đây chưa lâu, tháng 10/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có điện gửi những người đồng nhiệm ASEAN cam kết "Trung Quốc muốn tạo dựng một vùng biển hòa bình và hợp tác".
Thế nhưng, hành động đã đi ngược lại lời nói. Nói một đằng mà làm một nẻo.
Ngay cả những phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cũng cho thấy tiền hậu bất nhất. Trong cuộc họp vòng 5 nhóm công tác về tình hình biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc từ 21-23/12/2010, chính bà Khương Du đã công khai tuyên bố Trung Quốc luôn coi trọng cao độ, thực hiện nghiêm túc các cam kết nhằm tăng cường lòng tin chính trị, tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hòa bình ổn định ở biển Đông.
Trong khi đó, với hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của 3 tàu hải giám Trung Quốc, bà Khương Du lại lớn tiếng tuyên bố đó là "việc làm bình thường", là "hợp lý". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tự mâu thuẫn trong những ngát ngôn của mình.
8 năm qua, trên lời nói Trung Quốc luôn nhấn mạnh chủ trương "phát triển hòa bình", thế nhưng với hành động gây hấn tại Biển Đông, Trung Quốc đã cho Việt Nam, khu vực và thế giới thấy rõ những bất ổn, mất hòa bình có nguồn gốc từ chính nước này.
Từ lời nói đến hành động, Trung Quốc đều tự mâu thuẫn với chính mình, phủ định chính mình, thế giới liệu ai sẽ tin được Trung Quốc, cường quốc đang lên?
Sự kiện Bình Minh 02 nhắc nhớ về bài học đắt giá của Philippines trong thỏa thuận hợp tác thăm dò địa chấn với Trung Quốc, khi Trung Quốc đã biến vùng biển không có tranh chấp của Philippines thành vùng biển tranh chấp. Một tháng trước sự kiện Bình Minh 02, trong hội thảo quốc gia lần 2 về Biển Đông, các chuyên gia Việt Nam cũng từng cảnh báo về nguy cơ này. Có vẻ như điều lo ngại đã thành sự thật?
Đúng thế. Việc tàu hải giám của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây hấn, cắt cáp dầu khí là thủ thuật của Trung Quốc để gây hiểu nhầm, và từng bước biến vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp.
Hành động này không khác gì việc có anh hàng xóm xấu bụng, chạy sang vườn nhà người ta đào bới, chặt cây, hái quả, sau đó sinh sự để biến cái vườn ấy thành mảnh vườn tranh chấp.
Mềm nắn, rắn buông
Trước sự kiện Bình Minh 02, lãnh đạo Trung Quốc đã có một loạt các chuyến công du tới các nước thành viên ASEAN cũng như Mỹ. Dư luận trong nước không ít người đặt câu hỏi, có vẻ như Trung Quốc đã đi đêm với các nước khác trong việc này. Quan điểm của ông?
Chúng ta không loại trừ khả năng đó. Trung Quốc đã có chuẩn bị dư luận rồi. Và cũng không loại trừ khả năng, Trung Quốc cố tình làm như vậy để gây hiểu nhầm về khả năng họ đã tìm được sự thỏa hiệp với các nước khác để cách ly, cô lập Việt Nam. Do đó, phải theo dõi và tìm hiểu kỹ việc này cũng như động thái tiếp theo của các bên mới có thể biết được.
Thực ra, các nước cũng vì lợi ích quốc gia của mình. Mọi quyết định đều đưa ra dựa trên bàn cân lợi ích. Việt Nam không thể trách ai. Nếu mình có thái độ rõ ràng, kiên quyết, để bảo vệ lợi ích của họ, liệu họ có bỏ đi?
Vả lại, Việt Nam cũng không thể trông đợi bên ngoài. Phải dựa vào mình là chính. Ta vững thì họ lùi. Ta lùi thì họ tiến thôi. Đó là quy luật của quan hệ rồi.
Vị trí tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam |
Mềm nắn, rắn buông, Trung Quốc là như thế.
Chúng ta cũng cần hiểu rằng, Trung Quốc lớn nhưng chưa hẳn đã mạnh. Hơn nữa, ngay cả dưới chân đèn cũng có vùng tối. Nước mạnh nào cũng có gót chân Asin. Người ta gọi sự kiện Bình Minh 02 là phép thử là vì lẽ như vậy. Có hay không những vụ Bình Minh 02 khác hoàn toàn phụ thuộc vào hành xử của chúng ta.
Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải hành xử như thế nào?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã đưa ra những tuyên bố cần, thiết thực, đúng nhưng chưa đủ. Chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ là tối thượng, bất biến, còn tất cả những khẩu hiệu, phương châm cho mối quan hệ song phương nào cũng là cái "ứng vạn biến", thuộc phạm trù chính sách, đều có hiệu lực trong thời gian nhất định, hoàn toàn không phải trường tồn, vĩnh viễn. Không ai có quyền được mặc cả độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình. Trách nhiệm pháp lý ở cấp Nhà nước phải làm nhiều hơn nữa.
Cụ thể, theo tôi, phải nói rõ cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và thế giới việc làm của Trung Quốc đã vi phạm gì, vi phạm đến đâu sự độc lập và chủ quyền của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi, thương lượng với Trung Quốc về một mối quan hệ song phương hữu nghị, củng cố quan hệ Việt - Trung. Tôi tin rằng 1,3 tỷ dân Trung Quốc đều là những người hòa hiếu, muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Tin rằng đa phần lãnh đạo Trung Quốc thiện chí với Việt Nam. Hành động này chỉ là chủ trương của số ít lãnh đạo mang tư tưởng bành trướng Đại Hán. Chúng ta cần thông tin để ngưởi dân Trung Quốc biết đầy đủ những hành động của chính phủ họ. Người dân Trung Quốc đang bị bưng bít thông tin, bị lừa dối về Biển Đông. Chúng ta phải thức tỉnh họ, và tin rằng, khi biết rõ sự thật, nhân dân Trung Quốc sẽ có hành động cần thiết và đúng đắn.
Việt Nam cũng có thể và cần phải thông báo cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, kể cả Liên Hợp Quốc về hành động vi phạm của Trung Quốc, để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Hơn nữa, Việt Nam cần củng cố lực lượng, thúc đẩy kinh tế biển kết hợp với củng cố lực lượng vũ trang... để răn đe kẻ nào có ý định xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta không xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào nhưng ai xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta thì ta cũng đủ sức giáng trả tương xứng.
Cuối cùng, cần phải nhớ lời di huấn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói cách đây hơn 700 năm, "Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bản gốc và làm cho vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức. Đó là thượng sách giữ nước". Quan trọng nhất là chúng ta phải tạo được đồng thuận xã hội, tạo lòng tin cho dân. Đó là sức mạnh quyết định để bảo vệ tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét