Bảo vệ ngư dân: Đừng nên thương hại!
Tại sao chúng ta mãi hô hào cho họ hãy tự tin tiến ra biển trong khi chưa chuẩn bị những phương án đối phó với hiểm nguy hay những cam kết đảm bảo an toàn mỗi khi có sự cố bắt bớ, cướp bóc xảy ra?Kể từ khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp khảo sát địa chất của tàu Bình Minh 2 vào ngày 26.5, phía Trung Quốc dường như đã phớt lờ mọi lời cảnh báo và đang có nhiều hành động thách thức dư luận Việt Nam.
Bên cạnh những phát biểu nhằm bao biện cho hành động phi lý, ngang ngược của người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao, thì hệ thống truyền thông với hàng trăm tờ báo của Trung Quốc đều đồng thanh cho rằng hành động uy hiếp tàu thăm dò địa chất của Việt Nam là đúng, đồng thời cáo buộc phía Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của mình(?).
Ngoài mặt trận thông tin và truyền thông, phía Trung Quốc vẫn đang ráo riết thực hiện những hành vi đáng ghê tởm của mình trên biển. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần sau vụ cắt cáp tai tiếng vừa qua thì các cơ quan Bộ đội biên phòng các tỉnh thành đã ghi nhận nhiều vụ xua đuổi, cướp bóc, thậm chí bắn phá tàu cá của ngư dân đang hành nghề khai thác trên vùng lãnh thổ của Việt Nam.
Theo thông tin từ báo chí thì liên tiếp trong vài ngày qua, đã có ít nhất 2 vụ hành hung ngư dân Việt Nam đã xảy ra. Vào ngày 31.5, tàu cá QB 91435 của ngư dân Quảng Bình đã bị đâm chìm tại khu vực cách đảo Cồn Cỏ 97 hải lý về phía đông nam khiến 6 ngư dân bị rơi xuống biển và 1 ngư dân bị mất tích; Nghiêm trọng hơn, tàu PY 92305 của anh Lê Văn Giúp đã bị 3 tàu chiến của Trung Quốc kìm kẹp suốt đêm 31.5 đến sáng 1.6 và nổ súng uy hiếp khi đang đánh bắt tại khu vực cách đảo Đá Đông, quần đảo Trường Sa 5 hải lý về phía đông.
Ngoài ra, trong một vài ngày qua, một số tàu khảo sát địa chất khác đang làm việc trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam cũng luôn bị các tàu chiến Trung Quốc quấy rối.
Từ trước đến nay, đã có hàng trăm vụ việc bắt bớ, cướp bóc, bắn giết, … ngư dân Việt Nam do phía Trung Quốc thực hiện. Nhiều ngư dân đã lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí có người đã phải nằm lại mãi mãi với biển khơi. Quan trọng hơn, có không ít người đã không còn đủ can đảm ra khơi bởi tình yêu của họ dành cho biển đã bị bàn tay thô bạo, hung hăng từ phía Trung Quốc bóp nghẹt. Họ đã thua ngay trên chính quê hương của mình, nơi mà cha anh họ trước đây đã từng tự do vẫy vùng.
Nhưng vẫn còn đó rất nhiều người vẫn hiên ngang vươn ra biển lớn mặc cho trước mắt họ là không ít khó khăn, nguy hiểm đang chực chờ.
Hơn ai hết, những ngư dân Việt Nam đều biết rất rõ những mối hiểm nguy gì đang chờ họ ở phía trước. Không phải là sự giận dữ của thiên nhiên, của phong ba bão tố, cái đáng sợ nhất đang chực chờ họ ngoài khơi xa chính là lòng tham vô đáy của những người đến từ Trung Quốc. Nhưng vì công cuộc mưu sinh, vì tình yêu biển được truyền lại từ bao đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường bám biển. Bỏ qua sự hăm dọa, bỏ qua sự sợ hãi, bất chấp sự tàn bạo, hung hăng của người phương Bắc, nhiều đoàn tàu cá vẫn vượt sóng ra khơi. Và, có lẽ là để tiếp thêm niềm tin cho ngư dân, trong vài ngày qua, đã có rất nhiều bài báo với những cái tít rất nghe rất tự hào như “Vẫn Hoàng Sa thẳng tiến”, “Ngư dân vẫn “đạp sóng” ra Hoàng Sa, Trường Sa”, “Ngư đội Trường Sa vượt sóng, bám biển”, “Không sợ!”, …
Tự tin, khát khao vươn ra biển là điều mà không ai trong chúng ta không mong đợi. Nhưng nhìn lại từ trước đến nay, ngư dân Việt Nam vẫn ra biển với những đội thuyền nhỏ, đánh bắt riêng lẻ và đặc biệt là chưa được một đơn vị nào cụ thể đứng ra đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho họ. Mặc dù khi có sự cố xảy ra thì họ vẫn thường nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của một số cá nhân đơn vị hay từ phía chính quyền địa phương, nhưng phần lớn những tổn thất đều do chính bản thân họ gánh chịu.
Trường hợp “sói biển” Mai Phụng Lưu là một điển hình. Anh đã 4 lần bị phía Trung Quốc bắt bớ, tịch thu tài sản. Cũng vì những tai ương có xuất xứ từ Trung Quốc liên tục ập đến mà từ một thuyền trưởng có kinh tế khá giả đã trở thành người với nợ nần chồng chất và buộc phải nằm nhà hoặc đi đánh bắt cá thuê cho người khác.
Tại sao chúng ta mãi hô hào cho họ hãy tự tin tiến ra biển trong khi chưa chuẩn bị những phương án đối phó với hiểm nguy hay những cam kết đảm bảo an toàn mỗi khi có sự cố bắt bớ, cướp bóc xảy ra?
Hãy nhìn xem, ngay chính những này này thôi, những ngày mà sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước vẫn đang dõi theo những diễn biến trên biển Đông thì cũng đã có một số trường hợp đáng tiếc xảy ra cho ngư dân Việt Nam. Và điều này lại một lần nữa khẳng định rằng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở lời nói mà thôi. Tất cả chúng ta vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của một người kề vai sát cánh cùng với ngư dân khẳng định chủ quyền biển đảo.
Đối với những người đi biển, những thứ gồm tàu, ngư cụ, các thiết bị thông tin liên lạc, … gần như là toàn bộ tài sản của họ. Hơn thế, nếu có điều không may xảy ra, họ có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Không thể dùng lời nói để bảo vệ tính mạng của họ mà cần phải bằng những hành động thiết thực.
Trong những ngày gần đây, hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam đã khiến hàng triệu trái tim của những con Rồng cháu Lạc vốn hiền hòa phải dấy lên nỗi niềm căm phẫn. Không căm phẫn sao được khi chúng ta đang làm ăn lương thiện trên chính mãnh đất của chúng ta do cha ông để lại thì có người khác đến xua đuổi, đánh đập, cướp bóc.
Giữa thời khắc dư luận trong nước về sự kiện tàu Trung Quốc ngang ngược xâm lấn, quấy phá đang dâng lên đến cao trào, cũng là lúc những ngư dân biết rằng mọi con mắt ở đất liền đang dõi theo họ. Nhưng dõi theo không có nghĩa là thương hại họ mà quan trọng nhất là phải bằng những hành động bảo vệ thiết thực. Đến khi nào chắc chắn đảm bảo an toàn cho họ thì lúc đó hãy khuyến khích họ ra khơi.
Để khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia, trước hết phải nói đến đội ngũ những người đi biển, bởi sự hiện diện hiên ngang, tự tin của họ giữa biển khơi mới chính là cách khẳng định hùng hồn nhất. Đó là hình ảnh không có gì thay thế được.
- TRẦN MINH QUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét