Dùng thương thảo giải quyết bất đồng
Thứ Sáu, 03/06/2011 00:06
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Phó Thủ tướng, nhận định: Việt Nam không sợ yếu mà vì yêu chuộng hòa bình, nhân đạo
* Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định của mình về sự vi phạm của tàu Trung Quốc trong thời gian qua.
- Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Tôi
đã gần 90 tuổi, kinh qua 3 cuộc chiến tranh của dân tộc dài hơn 30 năm,
cùng với quân đội và nhân dân đã giành đến thắng lợi cuối cùng. Bất cứ
một cuộc chiến tranh nào đều không phải là nguyện vọng lớn của nhân dân
Việt Nam cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới. Sự kiện tàu hải giám
Trung Quốc tấn công tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam vừa rồi trên vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần.
Theo tôi, đây là chuyện xảy ra giữa hai nước láng giềng anh em, hai nước
xã hội chủ nghĩa, hai nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo làm tôi rất trăn
trở. Tôi cho rằng, để giải quyết mâu thuẫn này nên theo cách “lấy nước
chữa lửa” mà không nên “dùng lửa chữa lửa”. Tôi chân thành đề nghị Đảng
ta và đảng bạn nên thông qua việc lãnh đạo cấp cao hai bên ngồi lại thảo
luận nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm cũng được và lấy việc thương
thảo kiên trì để giải quyết bất đồng.
Nếu
ai đó muốn sử dụng cách gì khác thì trong lịch sử đã chứng minh, không
nên vấp lại những chứng minh không hay trong lịch sử.
* Trong trường hợp Trung Quốc vẫn leo thang hành động trên thì sẽ làm như thế nào?
-
Đấy là ý muốn của một phía, còn phía Việt Nam phải có cách tính chủ
động, độc lập của mình. Theo tư tưởng của Bác Hồ thì không có gì tốt
bằng con đường giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình, có lý, có
tình, cuối cùng vẫn đi đến thành công. Họ leo lên đường này, ta sẽ theo
đường khác vì còn có pháp luật quốc tế, dư luận quốc tế. Nhưng trên hết
luật lệ là tình người, là tình hữu nghị hai nước.
* Như vậy, Trung Quốc làm gì thì còn phải nhìn vào mối quan hệ, tình hữu nghị hai nước được xây đắp từ nhiều năm nay?
-
Đúng là như vậy. Quan hệ hữu nghị là cao nhất, trong khi hai nước là
láng giềng, nên tìm cách giải quyết những vấn đề chung. Nếu tình hình
xấu đi, cả Việt Nam và Trung Quốc cũng đều không hay cả. Cần phải nhớ
rằng tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp cả về môi trường, kinh tế,
chính trị và quân sự. Nhưng chúng ta cần phải đứng trên các vấn đề này
để giải quyết mâu thuẫn.
* Việc ôn hòa, dùng “nước chữa lửa” theo truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của Việt Nam xem ra chưa phải bài thuốc hữu hiệu, thưa ông?
-
Đến tuổi này thì tôi vẫn thấy nhân đạo là vấn đề lớn nhất, hòa bình là
quan trọng nhất. Vì thế, điều quan trọng nhất hiện nay là hai nước cần
ngồi vào bàn thương lượng. Không phải vì Việt Nam sợ yếu, hay kém mà là
Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân đạo, Việt Nam cũng không phải một đất
nước hiếu chiến. Việc lấy mạnh đè yếu không phải lúc nào cũng thắng.
Thậm chí có lấy giàu, lấy mạnh để đè yếu nếu có thắng thì cũng không có
gì vinh quang cả. Nhưng tôi có thể kết luận việc lấy mạnh lấn yếu kết
quả đều vấp thất bại vì không có chính nghĩa. Chính nghĩa là sức mạnh
dân tộc, chính nghĩa là sự ủng hộ rộng rãi của nhân loại. Nếu vi phạm
điều này là có tính chất vi phạm cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chính
nghĩa quyết định việc thắng hay bại.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền
Ngày
2-6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại
sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối việc lực lượng hải quân Trung
Quốc dùng súng uy hiếp ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề
cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đồng thời nhấn
mạnh hành động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ
quyền của Việt Nam, không phù hợp với Tuyên bố chung về ứng xử của các
bên liên quan ở biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm
dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và cản trở tàu cá
lẫn ngư dân Việt Nam hoạt động tại khu vực này.
P.Hồ
|
Thế Dũng thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét