Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Tại sao Quốc hội vẫn bình thản?

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Tại sao Quốc hội vẫn bình thản?

Một khoá họp Quốc Hội tại Hà Nội (ảnh minh hoạ)

Nghe bài này
Đã gần hai tháng từ ngày Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam người dân vẫn trông mong một nghị quyết của Quốc hội sẽ được loan báo khẳng định ý nguyện toàn dân về vấn đề nghiêm trọng này. Tuy nhiên thực tế cho thấy gần 500 đại biểu vẫn quan tâm đến những vấn đề khác hơn là chủ quyền dân tộc bị xâm phạm.

Chỉ đưa ra thông cáo báo chí

Ngày 1 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc công khai kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự căm phẫn của người Việt và dư luận quốc tế. Giàn khoan này một lần nữa cho thấy Trung Quốc không giấu diếm quyết tâm xâm chiếm toàn bộ Biển Đông và hợp thức hóa đường lưỡi bò bất hợp pháp của họ.

Hai mươi ngày sau khi giàn khoan đã được cắm xuống vùng biển của đất nước, Quốc hội Việt Nam mới lên tiếng phản đối Trung Quốc trong một thông cáo báo chí do văn phòng Quốc hội soạn thảo, bày tỏ lo ngại và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.




Quốc hội phải dành thời gian bàn thảo sâu về vấn đề, thái độ của chúng ta đối với vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

-GS Nguyễn Minh Thuyết
Là một thông cáo báo chí nên văn bản này không mạnh hơn một thông tin và hoàn toàn không có giá trị gì trên mặt pháp lý nếu xảy ra tranh tụng. Đối với cương vị của một định chế cao nhất nước trước hành vi táo bạo nghiêm trọng xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc, Quốc hội Việt Nam phải có những động thái rõ ràng, mạnh mẽ nói lên ý nguyện toàn dân. Quốc hội cần phải ra nghị quyết và chỉ có nghị quyết mới nói lên sức mạnh của định chế này.

Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quôc hội hai khóa 11 và 12 nhận xét về việc này:

“Về việc giàn khoan của Trung Quốc thì Quốc hội có nghe báo cáo và các đại biểu cũng đưa ra ý kiến của mình bày tỏ sự phản đối Trung Quốc và yêu cầu Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Nhưng tôi phải nói như thế là chưa đủ bởi vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là cơ quan đại biểu cao nhất của người dân thì phải thể hiện được chính kiến của mình trong tình huống như thế này cho nó rõ ý của nhà nước Việt Nam và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Tàu hải giám Trung Quốc (màu trắng, phía sau) ngay sát tàu Việt Nam trên Biển Đông hôm 14/5/2014.
Theo tôi thì Quốc hội phải dành thời gian bàn thảo sâu về vấn đề, thái độ của chúng ta đối với vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quốc hội là người đại diện cho toàn dân thì phải lên tiếng một cách mạnh mẽ về vấn đề này. Phải ra nghị quyết chứ không phải chỉ ra một thông cáo báo chí chung chung.”

Trong thông cáo báo chí có đoạn viết “Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, kiên trì đấu tranh gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.”

Quốc hội chờ chủ trương của Đảng?

Ngôn ngữ của thông cáo báo chí này khiến người dân hiểu được lý do tại sao Quốc hội vẫn còn phải chờ đợi mà không có một thái độ dứt khoát. Quốc hội chờ và tin tưởng vào chủ trương của Đảng thay vì ý nguyện của toàn dân. Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc “giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc” mặc dù giàn khoan của Trung Quốc công khai rút ruột tài nguyên đất nước.

Gần một tháng sau trong suốt kỳ họp thứ 7 của quốc hội khóa XIII, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận nhưng không một lần nào vụ giàn khoan được nhắc tới nữa mặc dù tàu cảnh sát biển Việt Nam ngày ngày phải đưa lưng ra nhận vòi rồng, rượt duổi như kẻ trộm ngay trên đất nhà của mình. Tàu ngư dân tiếp tục bị húc bị quấy phá đến nỗi đã có tàu bị chìm người bị giết.

Quốc hội tránh né giàn khoan như sợ Trung Quốc giận dữ và sự né tránh ấy càng làm cho Bắc kinh thấy rõ yếu điểm của Việt Nam nên ngày càng lộng hành, ngang ngược hơn.

Đảng không có phương cách nào ngăn chặn. Chính phủ chừng như bó tay trước kẻ thù quá mạnh và manh động. Quốc hội tiếp tục im lặng và tránh né sự thật đã khiến dân chúng hoang mang cao độ.

Đối với người dân, việc im lặng của Quốc hội trong lúc đất nước nguy vong là một hành động khó chấp nhận. Nhân dân bầu người đại diện cho họ với mục đích nói lên tiếng nói của mình và khi tiếng nói chính đáng không được cất lên thì chức năng đại diện của các đại biểu không còn hợp pháp dưới cái nhìn của quần chúng. Một công dân thành phố HCM cho biết ý nghĩ của anh:




Cho tới hôm nay thì Quốc hội vẫn im lặng, đây là sự im lặng phải gọi là đáng nhục nhã, họ không còn đại diện cho nhân dân nữa. Tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của nhân dân.

-Một người dân
“Vấn đề giàn khoan của Trung Quốc và những động thái mới đây của họ đối với Việt Nam thì bất kể một người dân bình thường nào cũng đều cảm thấy bức xúc nếu hiểu vấn đề. Còn những người ở Quốc hội được gọi là đại biều của nhân dân, so nhân dân bầu ra để thay mặt mình đối phó với những vấn đề của đất nước nhưng cho tới hôm nay thì Quốc hội vẫn im lặng, đây là sự im lặng phải gọi là đáng nhục nhã, họ không còn đại diện cho nhân dân nữa. Tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của nhân dân.

Trong khi tất cả tầng lớp nhân dân đang xôn xao, từ những người buôn bán trên vỉa hè cho tới trí thức đều đã lên tiếng về vụ giàn khoan cũng như xây dựng quy mô ở đảo Gạc Ma và tháo mạ và hăm dọa Việt Nam trên truyền thông vậy mà Quốc hội vẫn im lặng đây là một thất vọng mà tôi có thề nói rằng họ không còn xứng đáng là đại biểu của nhân dân nữa.”


Chiều ngày 19 tháng 6, trong khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật hộ tịch một đại biểu duy nhất trong gần 500 đại biểu là ông Trương Trọng Nghĩa đã đứng lên nói trước nghị trường rằng: “Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri.

Còn phía dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”

Ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa ngay lập tức được nhiều tờ báo đăng lại như một phản ứng của báo chí đối với sự im lặng khó chấp nhận của cơ quan quyền lực được cho là cao nhất nước này. Mặc dù kỳ họp thứ 7 sẽ bế mạc vào ngày 24 tháng này nhưng đối với yêu cầu bức thiết của đại biểu Trương Trọng Nghĩa Quốc hội vẫn không có vẻ gì xúc động hay để ý tới.

Người dân không biết dựa vào nơi nào khác khi Đảng quá xa vời và bất lực vì cùng chung ý thức hệ, chính phủ không thoát ra được bế tắt vì kinh tế, quốc phòng quá thua sút đối phương. Cơ quan duy nhất đại diện cho dân lại tỏ ra thờ ơ và chờ đợi vào đảng và chính phủ thay vì chính quốc hội phải chứng tỏ cho Trung Quốc và thế giới thấy rằng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một định chế hợp hiến và có thật.
Mặc Lâm,
biên tập viên RFA
Theo RFA

Nguyễn Quang Duy - Thay đổi kinh tế hay thay đổi chính trị?


Trên Diễn đàn BBC ngày 7-5-2014, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng nguyên lý thị trường thực chất là lẽ công bằng trong địa hạt kinh tế và để phát triển kinh tế thì phải duy trì động lực cố gắng của các doanh nghiệp, bảo vệ lẽ công bằng hay tôn trọng các nguyên lý thị trường.

Luật sư Trai cho rằng dựa trên định hướng xã hội chủ nghĩa nhà cầm quyền Việt Nam lấy thẩm quyền quản lý điều tiết nền kinh tế, liên tục tác động vào thị trường, hệ quả là nền kinh tế yếu kém và vì thế để phát triển xã hội cần phải có một “chủ thuyết” kinh tế mới cho Việt Nam.

Đến ngày 7-6-2014 trong kỳ họp Quốc hội thứ 7 - khóa XIII bà Trương Thị Mai Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ Nhiệm Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội, đánh giá và đưa ra nhận định sự chênh lệch giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng.

Nhìn từ góc cạnh xã hội chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò của chính phủ trong việc phát triển kinh tế xã hội và để từ đó có thể thấy được cần thay đổi kinh tế hay chính trị.

Quan hệ chủ thợ

Người chủ doanh nghiệp có tiền vốn, có công cụ sản xuất, có quyền quyết định đầu tư sản xuất, quyền thuê mướn lao động, quyền tối thiểu chi phí để tối đa lợi nhuận.

Trong khi ấy ngừơi thợ chỉ có sức lao động để trao đổi cho cuộc sống cá nhân và gia đình.

Ở các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, chủ và thợ còn có thể tự thương lượng và thỏa thuận các điều kiện để hai bên cùng có lợi. Khi doanh nghiệp mở rộng hơn quan hệ này dần dần mất đi.

Ở các quốc gia dân chủ người thợ tham gia các công đoàn, tạo một tiếng nói chung, thương lượng cho quyền lợi chính mình.


Ở Việt Nam Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là tổ chức duy nhất được phép tổ chức các vụ đình công và được đứng ra bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Theo báo cáo của tổ chức này, từ năm 1995 đến hết năm 2012, cả nước xảy ra 4,922 cuộc đình công, trong đó: doanh nghiệp nhà nước xảy ra 100 vụ; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra hơn 3,500 vụ; doanh nghiệp tư nhân xảy ra gần 1,300 vụ.

Hầu hết các cuộc đình công là do doanh nghiệp trả lương thấp hoặc còn nợ lương, trả lương làm thêm quá thấp hay không trả lương làm thêm, điều kiện lao động không được bảo đảm, bữa ăn trưa kém phẩm chất, không được ký hợp đồng lao động hay không đóng bảo hiểm xã hội. Nói chung là vì quyền lợi lao động.

Hầu hết các cuộc đình công các chủ doanh nghiệp đã nhượng bộ đòi hỏi của công nhân, chứng tỏ các doanh nghiệp bóp chẹt hay bóc lột người lao động. Điều cần nói là tất cả các cuộc đình công đều tự phát, bất hợp pháp hay Tổng Liên Đòan luôn đứng bên ngòai các cuộc đình công.

Điều này không lạ vì Tổng Liên Đòan và các Công Đòan cơ sở chỉ là những tổ chức ngọai vi nhằm thực hiện các kế họach, đường lối, nghị quyết và chỉ thị của đảng Cộng sản. Thậm chí Công đòan được chủ trả lương nên gần như đứng về phía chủ hơn là phía công nhân.


Đời sống công nhân thì càng ngày càng khó khăn, lạm phát gia tăng, thu nhập giảm sút, ngừơi công nhân chỉ còn hai cách hoặc nghỉ việc hay phải liên tục đình công. Một số các cuộc đình công đã biến thành bạo động, cảnh sát phải giữ an ninh và thậm chí đánh công nhân đến trọng thương.

Việc đình công tự phát sẽ được giải quyết khi Việt Nam có những công đòan tự do và độc lập. Người công nhân có quyền tự do gia nhập các công đòan, được tự do chọn lựa và bầu ra ban đại diện công đòan, để họ đứng ra thương lượng cho quyền lợi công nhân. Và khi ấy chính giới chủ doanh nghiệp cũng không dám vi phạm luật pháp quốc gia.

Công Đoàn và Chính Phủ

Khi nền kinh tế mở rộng, với đầu tư và giao thương quốc tế, việc bóc lột lao động tại một nước đồng nghĩa với việc giảm cạnh tranh lao động tại nước khác và tạo ra thất nghiệp tại nước này. Bởi thế công đòan các nước thường liên kết thêm sức mạnh tạo sự công bằng cho công nhân trên tòan thế giới.





Vai trò của chính phủ là đề ra những chính sách mang lại lợi ích cho người dân, rõ ràng 'mức lương tối thiểu' chưa hay không mang lại lợi ích thiết thực cho tầng lớp công nhân Việt Nam."
Gần đây hai tổ chức công đoàn lớn ở Hoa Kỳ: AFL-CIO và Communications Workers of America đã cùng hằng trăm dân biểu Hoa Kỳ đồng tuyên bố Việt Nam không hội đủ tiêu chuẩn để tham gia Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì Việt Nam không tôn trọng quyền tự do lập công đoàn độc lập.

Nói rõ hơn họ ngăn chặn Việt Nam gia nhập TPP không phải vì quyền lợi của người công nhân Việt Nam, mà vì họ muốn giảm thiểu ảnh hưởng từ sự bóc lột lao động tại Việt Nam, tạo công bằng cạnh tranh và giữ công việc cho công nhân tại Hoa Kỳ.

Việc đình công tại Việt Nam không phải chỉ giới hạn giữa chủ doanh nghiệp và công nhân. Vào đầu năm 2006 cuộc Tổng Đình Công với hằng trăm ngàn công nhân đồng lọat tham dự đã buộc thủ tướng Phan Văn Khải phải ký chỉ thị tăng mức lương tối thiểu cho công nhân thêm 40 phần trăm.

Vai trò của chính phủ là đề ra những chính sách mang lại lợi ích cho người dân, rõ ràng “mức lương tối thiểu” chưa hay không mang lại lợi ích thiết thực cho tầng lớp công nhân Việt Nam.

Trên thương trường không phải lúc nào người chủ cũng đầu tư một cách khôn ngoan sáng suốt. Khi người chủ thua lỗ phải đóng cửa người thợ sẽ lâm vào tình trạng thất nghiệp.

Kinh tế thị trường cũng thừơng xuyên bước và những chu kỳ suy thoái ảnh hưởng trực tiếp đến tầng lớp công nhân.

Vai trò của Công đòan là vận động các đảng chính trị để chính phủ phải đề ra những chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho tập thể công nhân.

Vì thế Công đòan cần phải độc lập với các đảng chính trị để có thể sử dụng sự độc lập và sức mạnh tập thể công nhân ảnh hưởng đến các chính sách quốc gia.

Chính Phủ đối với các Tầng Lớp Khác


Trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp thường không tính đến môi trường bị hủy họai ảnh hưởng đến sức khỏe của người thợ và của các cư dân trong vùng. Môi trường bị hủy họai còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nối tiếp, tạo ra những nỗi bất công truyền kiếp cho dân nghèo.

Nhìn rộng hơn việc chính phủ trợ giúp cho một tầng lớp nhất định, dễ tạo ra bất công cho các tầng lớp khác. Như phát triển kỹ nghệ và đô thị gần đây tạo ra nạn dân oan mất đất hay không được bồi hòan một cách thỏa đáng. Dẫn đến các cuộc biểu tình, những cuộc đàn áp, liên tục tạo ra những bất ổn xã hội.

Nhìn xa hơn một xã hội được ổn định phát triển khi mà đời sống của tòan dân đựơc nâng cao và khỏang cách chênh lệch giàu nghèo được giới hạn. Muốn thế năng xuất lao động phải cao, giáo dục và đào tạo phải đúng tầm, vệ sinh ý tế phải được quan tâm, an sinh phải đựơc bảo đảm… và nhất là tự do dân chủ cần được thăng tiến. Muốn đạt được như thế Việt Nam cần:

Thứ nhất, một xã hội dân sự gồm các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức dân sự được hình thành và phát triển, để tạo sức mạnh vận động các đảng chính trị đề ra những chính sách phát triển quốc gia. Các tổ chức này cần độc lập với các đảng chính trị để có thể sử dụng sự độc lập và sức mạnh tập thể ảnh hưởng đến các chính sách quốc gia.

Thứ hai, một môi trường chính trị lành mạnh gồm sự phát triển của các đảng chính trị cạnh tranh quyền lực qua những chính sách quốc gia và cầm quyền qua những cuộc bầu cử tự do và được sự tín nhiệm của người dân.

Mặc dù cả hai nhóm có những khác biệt về quyền lợi và phương cách họat động nhưng đều có cùng chung một mục đích là phát triển kinh tế, xã hội và quốc gia.

Nói tóm lại việc thay đổi kinh tế Việt Nam chỉ là điều kiện cần, thay đổi chính trị mới là chính điều kiện đủ, để đưa đất nước đi lên đồng thời tạo một xã hội công bằng và thịnh vượng.

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi


Nguyễn Quang Duy

Nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.

Bốn nhà hoạt động dân sự tới Geneva

Từ trái sang: Tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Trịnh Hữu Long, luật sư Nguyễn Thị Vy Hạnh, blogger Phạm Lê Vương Các (Cùi Các).

Nghe bài này
Một trong những sự kiện quan trọng của chiến dịch lần này là phiên họp thông qua báo cáo về kiểm điểm định kỳ phổ quát của VN diễn ra tại hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào chiều 20 tháng 6. Trước khi diễn ra phiên họp kiểm điểm định kỳ của Việt Nam, Chân Như có cuộc nói chuyện với LS Trịnh Hữu Long, hiện đang có mặt tại Geneva.

Chân Như: Xin gởi lời chào đến LS Trịnh Hữu Long, được biết tại phiên họp vào ngày hôm nay 20/6 thì phía chính phủ Việt Nam sẽ phải trả lời trước hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc họ đồng ý thực thi những khuyến nghị nào trong số 227 khuyến nghị của hơn 100 quốc gia thành viên, LS nghĩ VN sẽ nói gì và họ sẽ thực thi đươc bao nhiêu?

Luật sư Trịnh Hữu Long: Trong chu kỳ thứ nhất năm 2009, Việt Nam chỉ đồng ý 93 trên tổng số 123 khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc và những khuyến nghị đấy hầu hết rất là chung chung và không liên quan đến vấn đề nhân quyền- vấn đề rất là thiết yếu, đang bị vi phạm nghiêm trọng ở Việt Nam.

Lần này nhiều người nghĩ rằng trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên biển Đông thì chính phủ Việt Nam sẽ có xu hướng dân chủ hóa nhiều hơn, nới rộng quyền tự do dân chủ ở trong nước hơn. Tuy nhiên, về phía cá nhân của tôi thì tôi thấy rằng Việt Nam cũng vẫn sẽ chấp nhận những khuyến nghị chung chung và từ chối những khuyến nghị liên quan đến các vấn đề nhân  quyền nghiêm trọng ở Việt Nam.

Ví dụ như là trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tự do hóa báo chí hoặc sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền như điều 79, điều 88, điều 258 của bộ luật hình sự. Chúng ta biết ông Hoàng Chí Trung là một cán bộ cao cấp của bộ Ngoại giao có nói rằng họ sẽ từ chối khoảng 20% các khuyến nghị, tương đương với 45 khuyến nghị liên quan đến vấn đề chính trị “nhạy cảm.”

Chúng ta cũng có thể hiểu chính trị “nhạy cảm” ở Việt Nam là cái gì rồi.Vì thế tôi nghĩ rằng bất chấp sức ép từ phía Trung Quốc, hiện nay chính phủ Việt Nam vẫn chưa dứt khoát hướng đến dân chủ, tôn trọng các quyền tự do của người dân. Họ vẫn sẽ chỉ chấp nhận những khuyến nghị chung chung và từ chối những khuyến nghị mà liên quan đến các vấn đề chính trị “nhạy cảm”. Thông tin mà ông Hoàng Chí Trung, cán bộ ngoại giao đưa ra là Việt Nam sẽ từ chối khoảng 40,45 khuyến nghị có lẽ là thông tin gần với thực tế nhất.

Chân Như: Luật sư là người đã từng tham dự phiên điều trần kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam vào ngày 5 tháng 2 vừa qua thì LS cũng  đã chứng kiến phía Việt Nam đã đưa ra những thành tích mà họ đã đạt được, nên cũng như theo LS nói ban đầu thì Việt Nam sẽ từ chối 20% liên quan đến chính trị nhậy cảm vậy thì nhóm dân sự cùng với LS sẽ cần phải làm gì hơn nữa trong cuộc vận động này?

Luật sư Trịnh Hữu Long: Cách làm của đoàn lần này thì vẫn giống với cách làm của chuyến đi  UPR hồi tháng hai vừa rồi. Chúng tôi sẽ có hàng loạt những cuộc tiếp xúc với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các phái bộ ngoại giao đồng thời với các tổ chức quốc tế về nhân quyền ở Thụy Sĩ. Chúng tôi đã thu thập các thông tin về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cũng như các chứng cứ kèm theo.

Chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin này cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng như các chính phủ ở nước ngoài để họ tiếp tục gây sức ép với Việt nam trong các cơ chế nhân quyền của quốc tế cũng như các cơ chế nhân quyền song phương giữa Việt Nam và các quốc gia này. Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp cho chính phủ các nước, Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế có một cái nhìn khách quan hơn về tình hình nhân quyền ở Việt  Nam. Từ đó, họ sẽ có những chính sách xác thực hơn và hiệu quả hơn để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Chân Như: Được biết trong chiến dịch vận động lần này thì phái đoàn đã đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự trong nước để lên tiếng với quốc tế về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, lãnh nhận một sứ mạng nặng nề như thế thì nhóm dân sự cùng LS đã chuẩn bị những hành trang gì?

Luật sư Trịnh Hữu Long: Vâng, để có chuyến đi hai tuần này thì công tác chuẩn bị rất là nhiều. Chúng tôi may mắn đã được các cơ quan của Liên Hiệp Quốc mời tham gia phiên họp này. Thực ra chuyến đi này là một sự kiện nối tiếp các sự kiện khác liên quan đến cơ chế UPR. Như các quý khán thính giả của đài RFA cũng đã biết, sau chuyến đi UPR hồi tháng hai vừa rồi, chúng tôi đã có hàng loạt các chương trình, kế hoạch nhằm tiếp tục tham gia tiến trình UPR và thúc đẩy chính phủ tôn trọng các cam kết UPR.

Bên trong khuôn viên của Palace of Nations. Photo courtesy of vietnamupr.com
Điển hình là hồi tháng năm vừa rồi, chúng tôi  phối hợp với phái bộ ngoại giao của Liên minh châu Âu EU ở Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo về nhân quyền. Ở đây, liên minh EU đã mời một số các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam tham gia và 15 tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam cũng đã cùng nhau ký vào bức thư hình chữ U và gởi cho các đại sứ quán của các nước ở Việt Nam về 10 vấn đề nhân quyền mà các tổ chức dân sự này sẽ theo đuổi trong vòng 4 năm tới theo cơ chế của UPR.

Một số vấn đề điển hình là xây dựng môi trường xã hội dân sự lành mạnh, sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền, tự do báo chí hoặc sửa đổi hệ thống pháp luật để tiến tới bãi bỏ án tử hình. Chuyến đi này là một phần của những nỗ lực theo đuổi tiến trình UPR của chúng tôi.

Chân Như: Sau khi phía VN thông qua báo cáo về kiểm điểm định kỳ phổ quát thì phái đoàn dân sự cùng LS sẽ có bài phát biểu trước hội đồng Liên Hiệp Quốc, thì xin LS có thể cho biết điểm chính của bài diễn văn sẽ là gì?

Luật sư Trịnh Hữu Long: Vâng, theo như cơ chế của Liên Hiệp Quốc thì các nhóm xã hội dân sự có thể tham gia phát biểu tại phiên họp của Liên Hiệp Quốc về UPR. Phái đoàn của chúng tôi cũng chuẩn bị bài phát biểu dài chừng khoảng hai phút. Trọng tâm của bài phát biểu này sẽ nêu bật lên các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà Việt Nam đã tiến hành trong thời gian vừa qua,đặc biệt là kể từ sau khi Việt Nam tham dự phiên điều trần ngày 5 tháng 2 năm 2014 vừa qua.

Chúng tôi đồng thời cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc, hội đồng nhân quyền và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tiếp tục quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa đến những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và phối hợp với các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam để có thể có được bức tranh chi tiết và trung thực về nhân quyền ở Việt Nam. Từ đó họ có những đối sách cần thiết đối với chính phủ của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao.

Chân Như: Và sau cùng thì ngoài sự kiện quan trọng như sự kiện ngày hôm nay tức là kiểm điểm định kỳ phố quát của Việt Nam, những hoạt động nào mà nhóm sẽ làm trong 2 tuần tới hay không?

Luật sư Trịnh Hữu Long: Trong vòng hai tuần tới thì chúng tôi sẽ dành một tuần ở Thụy Sĩ để gặp các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng như là phái bộ ngoại giao của các tổ chưc quốc tế. Sau đó chúng tôi đến Bỉ để gặp cơ quan ngoại giao của liên minh châu Âu.

Tiếp đến là chúng tôi sẽ đến Ba Lan và Cộng Hòa Czech để gặp các chính phủ của các nước này để thúc đẩy họ quan tâm hơn nữa đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam và tham gia nhiều hơn nữa tiến trình UPR để đặt chính phủ Việt Nam trước sức ép cần thiết nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Đấy là một số hoạt động chúng tôi sẽ tiến hành trong vòng hai tuần tới. Hy vọng quý khán thính giả của đài RFA sẽ thường xuyên theo dõi và ủng hộ chúng tôi trong tiến trình này.

Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của LS Trịnh Hữu Long, hiện đang có mặt tại Geneva.
Chân Như,
phóng viên RFA
Theo RFA

Viết cho những người tù thường phạm

Không có giáo dục hướng thiện, chỉ có cưỡng bức lao động.

Tôi có cơ hội sống tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2008. Trong thời gian này tôi ở khu nhà giam số 6 trong phân trại cùng với 150 tù nhân thường phạm.

Phân trại 1 có khoảng 10 khu nhà giam, khoảng gần 1.000 tù nhân, 01 hội trường, 01 canteen. Khi tôi ở đây thì dãy nhà giam riêng đang xây dựng ở phía cuối phân trại gần khu giam kỷ luật và trạm xá. Nghe tù “xây dựng” nói là khu này sẽ dành cho tù nhân chính trị. Cảm giác lúc đó thật bình thản, người ta có thể thấy kim tĩnh của mình trước lúc chết, còn tôi thì thấy phòng giam đang xây để giam mình trong tương lai.

Ngày 17/8/2008, tôi đến phân trại 1 - trại giam Xuân Lộc với anh Huỳnh Nguyên Đạo, cùng vụ án và anh Trần Quốc Hiền của một vụ án chính trị khác. Phân trại 1 rộng khoảng 5 ha (50.000 m2) xây dựng rất kiên cố, tường bê tông cao 5 m bao quanh khu trại giam. Cảm nghĩ tôi lúc đó, phân trại 1 giống như một trại lính, cho tôi một cảm giác tốt hơn khi bị giam tại số 4 Phan Đăng Lưu (Sài Gòn) hay ở Chí Hòa và Bố Lá.

Khoảng nửa tháng học nội quy và xả hơi, màn lao động đầu tiên trại giam yêu cầu, ba anh em chúng tôi phải chuyển gạo vào kho cùng với đội bếp của trại giam. Dù cả ba không quen lao động nặng, nhưng chúng tôi vẫn có thể làm xong công việc. Những ngày tiếp theo, chúng tôi bị buộc làm việc trong xưởng tách vỏ hạt điều cùng với các tù nhân thường phạm khác. Tách vỏ hạt điều là một công việc rất cực và nguy hiểm, nhựa vỏ hạt điều văng trúng da là phỏng ngay, mức khoán lại rất cao. Điều A to như ngón chân cái thì gần 30 kg, điều B to như ngón tay cái 23 kg, điều C, D thì mức khoán thấp hơn. Đối với tù nhân, đây là mức khoán “khủng”, họ phải chuyên tâm làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ và chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ mới có thể hoàn tất chỉ tiêu, trong điều kiện hầu như không có một trang bị bảo hộ lao động nào cả. Chưa nói đến chủ xưởng điều còn đánh tráo điều B thành điều A để tăng mức khoán.

Thoát ra từ buồng giam chật hẹp của các trại tạm giam, đến phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc tôi thấy tốt hơn trong những ngày đầu, nhưng sau đó sự thật không như mình nghĩ. Quy định cho tù nhân về chỗ nằm, 2m2 (ngang 1 m, dài 2 m) nhưng có bao giờ được vậy, nhiều lắm thì 0,5 m x 2 m, thậm chí có khi còn hẹp hơn khi số tù nhân tăng lên đột biến như đội xây dựng lâu nay đi phân trại khác lao động thì nay trở về, cả trăm con người tăng lên. Vì đây là đội “con cưng” của trại giam nên phải được đối xử khác với đám bóc vỏ điều, ai nằm chật chứ các anh xây dựng thì phải ưu tiên.

Tác giả Nguyễn Bắc Truyển khi còn bị giam giữ
trong lao tù CS.
Án tù giam tôi 4 năm và 2 năm quản chế, tôi lên trại, phiên tòa xử phúc thẩm vắng mặt, tòa phúc thẩm tước mất 6 tháng. Tù nhân án nặng như cái núi Chứa Chan trước mặt trại giam thì nhìn án tù tôi mà phán chỉ bằng “giấc ngủ trưa” của họ. Tôi là tù con so, họ đều vài khóa trở lên, án 10 năm là nhẹ. Có người thân thể đầy hình xăm, đủ các con trông như một sở thú di động. Tội danh từ trộm cắp bình thường cho đến đại hình, giết người, gây thương tích, ngộ sát, hãm hiếp… lúc đó, thật sự tôi không thấy một sự sợ hãi hay xem thường họ. Họ là nạn nhân của chế độ.

Phân trại 1, trại giam Xuân Lộc thật sự là một địa ngục cho tù nhân thường phạm, lao động và chỉ có lao động mới cho họ cơ hội sớm trở về xã hội, còn trở về xã hội họ sẽ làm gì, bản thân họ cũng không biết. Các biện pháo giáo dục hướng thiện ư, đó là hàng xa xỉ. Ngoài những tù nhân liên quan đến án kinh tế, các tù nhân thường phạm khác được thăm nuôi là hàng hiếm. Gia đình, xã hội cũng không còn nhớ đến họ từ khi họ bước vào đây và dù cho rằng có nhớ đi chăng thì cũng không có điều kiện để thăm nuôi họ, họ vào tù ra khám như cơm bữa. Hầu hết các tù nhân đều trông đợi vào khẩu phần cơm, thức ăn… của trại. Một tuần được phát thức ăn hai ngày, các ngày khác tự mà lo. Bệnh đau xin nghỉ, hãy uống vài thuốc paracetamol rồi đi làm. Trại giam không tin là tù nhân bệnh thực sự nếu họ còn đi đứng, còn nói chuyện…

Trong tù có nhiều chuyện buồn nhưng cũng phải phì cười, hôm qua mới thấy tù nhân chia tay bạn bè thì ngày mai nghe nói họ đã bị bắt lại cách trại giam chưa đến 50 km vì phạm một tội nào đó. Tôi không nghĩ rằng, cái kiểm điểm 3 tháng một lần với dòng chữ: "…nhận rõ tội lỗi...” là sự thật. Một tù nhân mù chữ có thể nhờ anh đội trưởng hay bạn tù viết dùm theo bản kiểm điểm có sẵn. Giáo dục kiểu gì mà thư viện trại giam không có một quyển sách về luật pháp, tôn giáo cũng bị nghiêm cấm và cai tù thì đụng một cái là quất lên đầu tù nhân hay đưa vào biệt giam cùm chân.

Tôi gặp Trần Hoàng Giang, một tù nhân chính trị, bị bắt khi 20 tuổi, án 15 năm. Sau khi bị biệt giam 14 tháng vì câu nói “đả đảo cộng sản”, Giang được đưa lên buồng trên và sống cùng tôi. Cái may của Giang là không bị biệt giam cho đến chết như lời đại tá Nguyễn Trung Binh, giám thị trưởng tuyên bố trước khi Giang bị đưa vào phòng kỷ luật vì không rút lại lời nói.

Trong tình cảnh ăn đói, thiếu thốn và lao động nặng, nhiều tù nhân đã phải tự hủy hoại mình để né lao động. Họ sẽ bị kỷ luật, bị chuyển đi trại khác, nhưng đây là cơ hội cho họ nghỉ ngơi vài ngày, nếu ai may mắn hơn thì được biệt giam hai tuần. Họ chấp nhận như vậy chứ cái mức khoán lao động “khủng”, không sớm thì muộn cũng phải chọn một cách để giải quyết vấn đề “tồn tại hay không tồn tại”.

Một ngày tại xưởng điều, tôi chỉ làm 5 kg hạt điều loại B và tôi kiên quyết như vậy. Trại giam muốn làm gì tôi cũng được, đấu tố tập thể, biệt giam cùm chân, không cho gặp gia đình… tôi chống cưỡng bức lao động. Tôi nói với quản giáo của đội tôi: “tôi không quen lao động chân tay, nên tôi chỉ làm đúng với sức của tôi, tôi không có nhu cầu xin giảm án”. Gia đình lên thăm, tôi nói về tình trạng cưỡng bức lao động trong nhà tù. Mẹ tôi và các gia đình tù nhân chính trị khác đã trình bày vấn đề cưỡng bức lao động với Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, phái đoàn Hạ viện Hoa Kỳ, đài RFA… Đến tháng 4/2008 các tù nhân chính trị tại phân trại 1 không còn bị buộc lao động. Tuy nhiên gần 1.000 tù nhân thường phạm tại đây vẫn còn bị cưỡng bức lao động cho đến ngày hôm nay.

Tôi không nói tất cả những cảnh sát trại giam đều cư xử ác độc với tù nhân, tuy nhiên cai ngục mà thông cảm cho tù nhân là điều tôi chưa từng chứng kiến khi trải qua năm trại tù, tất cả được quy đổi ra vật chất. Cai tù đã trở thành một cái nghề “chăn dắt” với câu ngạn ngữ “nước sông công tù”. Nhiều giám thị, cán bộ trại giam, trở nên giàu có so với mức lương của nghề cảnh sát trại giam. Có người sẳn sàng chi hàng tỷ đồng để được ngồi vào chiếc ghế giám thị trưởng.

Tù nhân phân trại 1, sau giờ lao động hay những ngày nghỉ, chỉ được sinh hoạt trong khu nhà giam, không được qua thăm bạn bè ở các các khu khác. Đây là điều mà tôi nghe tù nhân phàn nàn nhiều về sự khắc nghiệt sau vấn đề lao động. Họ không có thân nhân đến thăm nên họ có nhu cầu chia sẽ với các bạn tù. Trại giam thì cho rằng họ liên hệ để cờ bạc… nên tốt nhất là cấm cửa.

Không vùng lên mới là chuyện lạ.

Ngày 30/6/2013, tôi đã nghe trực tiếp qua điện thoại các tù nhân phân trại 1 nói về sự khắc nghiệt mà tôi đã từng chứng kiến, sau 5 năm những điều đó vẫn còn. Tù nhân chính trị Huỳnh Anh Trí đã nói, “họ đối xử với chúng tôi không phải là con người mà như là con vật”. Câu nói đó, đã cho chúng ta thấy thế nào là hệ thống nhà tù xã hội chủ nghĩa. Trí đã ở chung với tôi tại phân trại 2 – trại giam Xuân Lộc, vì đấu tranh không khoan nhượng với trại giam nên thường xuyên bị chuyển đi nhiều nơi trong trại giam Xuân Lộc, cuối năm nay chúng ta sẽ có dịp nghe Trí kể câu chuyện này với tư cách là một chứng nhân.

Tiếp tục dối trá, một vài tờ báo quốc doanh đã cho rằng tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc chỉ là “mâu thuẫn giữa các tù nhân khi đá bóng”. Nghe thật buồn cười, mâu thuẫn giữa các tù nhân mà đích thân tổng, phó cục trưởng Tổng cục Trại giam phải vào tận nơi giải quyết. Từ bao giờ các ông ấy quan tâm đến từng mâu thuẫn của người tù? Nếu các ông làm sớm hơn thì chắc sẽ không có sự kiện ngày 30/6/2013 tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc. Riêng các nhà báo chí nên vào tù ở một thời gian để có thể phân biệt đâu là đấu tranh cải thiện lao tù của tù nhân và đâu là mâu thuẫn giữa các tù nhân.

Giá cả thực phẩm của canteen là giá trên trời, tôi nghe rằng, làm gì thì làm 25% tổng số tiền gia đình gởi cho tù nhân phải vào quỹ của phân trại. Nếu không bán với giá trên trời thì làm sao hoàn thành chỉ tiêu đó. Còn quỹ 25% chia chác như thế nào thì tù nhân làm sao biết, phải hỏi giám thị phân trại.

Một tù nhân khác cho biết, “thực phẩm bán cho chúng tôi bị hư nhưng họ vẫn bán, chúng tôi phải mua và phải ăn vì không ăn thì sẽ đói”. Có thể đây là điều bất nhẫn nhất mà tôi nghe thấy, lúc tôi ở đó tôi chưa từng nghe tù nhân ca cẩm về việc này. Nay có lẽ kinh tế khó khăn khắp nơi, nên mạng sống của tù nhân cũng bị xem rẻ, có tiền nhưng cũng không được mua hàng còn tốt, phải chấp nhận hàng hư hỏng, có người bán nào thất nhân tâm như canteen trại giam không?

Và điều sau cùng có thể làm bùng lên ngọn lửa, "họ đánh đập chúng tôi, cùm tay nhốt trên hội trường và bị bỏ đói”. Tù nhân bị tước đi một số quyền công dân, nhưng nhiều quyền con người khác không thể bị tước đoạt, nhất là phẩm giá của họ. Họ biết nếu vùng lên, phản đối mạnh, chính bản thân họ sẽ đối mặt nguy hiểm, án tù cò thể dài hơn, mạng sống có thể bị đe dọa… nhưng họ không còn giải pháp nào khác khi bị dồn vào đường cùng.

Lãnh đạo tổng cục Trại giam tuyên bố sẽ khởi tố vụ án, hàng chục người sẽ bị tăng án. Trước mắt, trại giam Xuân Lộc đã đưa khoảng 40 tù nhân vào diện bị thẩm vấn. Tù nhân chính trị bị chuyển đi trại giam khác ngay trong đêm. Đó là cái giá phải trả của các tù nhân khi họ muốn tồn tại. Tuy nhiên, cái đau lòng nhất từ lời nói của ông Cao Ngọc Oánh, tổng cục trưởng tổng cục Trại giam khi cho rằng “những người đòi yêu sách là những kẻ lưu manh, lười lao động”. Phải chăng người đứng đầu ngành trại giam đã phủi bỏ trách nhiệm khi để xảy ra sự kiện tại phân trại 1 – trại giam Xuân Lộc. Họ là những tên "lưu manh chuyên nghiệp", lười lao động nhưng chính họ đã tự nuôi sống mình trong nhà tù bằng chính sách “mỡ nó rán nó” và làm giàu cho những cai ngục xem nghề “chăn dắt” tù là nghề hái ra tiền. Họ là những tên lưu manh, nhưng chế độ XHCN phải chịu trách nhiệm khi đẩy họ vào con đường lưu manh không lối thoát.

Không ai chọn con đường làm tên lưu manh để vào tù, nhưng họ không đáng sợ bằng những tên lưu manh đang giữ quyền lực, ngồi bàn giấy trong phòng máy lạnh, đi xe hơi, xài tiền đô... chúng còn đáng khinh bỉ hơn những tù nhân bị gọi là “lưu manh chuyên nghiệp” trong nhà tù.

Nguyễn Bắc Truyển
Theo Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét