Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Ngày 17/10/2013 - tiếp theo

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng

Thứ tư 16/10/2013 18:33
Lao Động điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng.
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí,
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi xin gửi đến các vị đại biểu, các đồng chí cùng toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên ngành kiểm tra qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Như các đồng chí đã biết, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đã rất quan tâm công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật của Đảng, coi đây là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ gìn sự trong sạch về phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Cách đây 65 năm - ngày 16.10.1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Đây là một sự kiện hết sức quan trọng đối với công tác kiểm tra của Đảng và công tác xây dựng Đảng nói chung. Trải qua các thời kỳ cách mạng, cùng với sự phát triển của Đảng, cơ quan kiểm tra các cấp được thành lập, từng bước được kiện toàn, bổ sung hoàn chỉnh, đến nay đã trở thành hệ thống ngành kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở với đội ngũ ngày càng đông về số lượng, không ngừng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu hoạt động lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.
Suốt 65 năm qua, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, uỷ ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng luôn kiên định lập trường, quan điểm, vượt qua khó khăn, bền bỉ hoạt động, không ngừng phấn đấu, trưởng thành, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, đoàn kết, nhất trí, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm trong sạch và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Nhiều tổ chức, cá nhân đã được ghi công, biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao nhất của Nhà nước ta cho ngành kiểm tra nhân kỷ niệm 55 năm thành lập và cho cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhân kỷ niệm 60 năm thành lập. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao công lao, thành tích và sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ kiểm tra đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt biểu dương thành tích và những tiến bộ của ngành kiểm tra, của các tập thể và cá nhân thuộc các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong 65 năm qua.
Thưa các đồng chí,
Cách mạng nước ta đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đó vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tăng cường công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Thực hiện Cương lĩnh chính trị, nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững; niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành về nhiều mặt. Với sự kiên trì phấn đấu và rèn luyện, đa số cán bộ, đảng viên đã kiên định mục tiêu lý tưởng, có ý thức rèn luyện và giữ gìn, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng; nhiều tổ chức đảng đã giữ vững kỷ cương, năng động, sáng tạo, lãnh đạo địa phương, đơn vị đạt những thành tích quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Đảng cũng như trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và công tác đối ngoại.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Một số tổ chức đảng yếu kém, thiếu chăm lo quản lý và giáo dục đảng viên, buông lỏng kỷ luật, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ mất đoàn kết, giảm sút tính chiến đấu, quan liêu, xa dân, không làm tròn vai trò hạt nhân lãnh đạo. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng đổi mới, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" với 3 nội dung chủ yếu: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đảng ta xác định phải tiếp tục tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khoá XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, công tác củng cố, chỉnh đốn Đảng từ sau Đại hội lần thứ XI - nhất là từ sau triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đến nay - đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng; thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã tạo được một số chuyển biến tích cực, siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn hành vi tiêu cực. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đảng viên đã bước đầu nhận ra và tự sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động trong công tác và trong cuộc sống hằng ngày của mình cũng như của gia đình và người thân. Đã nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn tình trạng và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, công tác củng cố, chỉnh đốn Đảng với những chuyển biến trên đã góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước.
Những kết quả đó phản ánh sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có đóng góp rất quan trọng của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và uỷ ban kiểm tra các cấp. Các đồng chí đã chủ động tham mưu, giúp Trung ương và các cấp uỷ đảng trong việc xây dựng các đề án thực hiện chương trình công tác hằng năm, nhất là việc ban hành các quy định về công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của cấp uỷ cấp mình. Ban Chấp hành Trung ương khoá XI lần đầu tiên đã ban hành Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định về những điều đảng viên không được làm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều quy định tạo cơ sở cho việc đổi mới trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp uỷ, trong việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, trong công tác kiểm tra, giám sát và xem xét thi hành kỷ luật đảng, như: Quy chế giám sát trong Đảng; Hướng dẫn về chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và ban chấp hành đảng bộ các cấp; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (sửa đổi) v.v... Các đồng chí đã chủ động, tích cực tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ đảng trong việc tổ chức đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình vừa qua, từ quá trình chuẩn bị gợi ý kiểm điểm đến theo dõi kiểm điểm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các vụ việc phức tạp, nổi cộm hoặc đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo mà dư luận quan tâm. Gần đây là tham mưu và trực tiếp tham gia kiểm tra thực hiện các kết luận sau kiểm điểm tự phê bình, phê bình ở các tổ chức đảng. Đồng thời, các đồng chí cũng đã rất nghiêm túc, tự giác, trách nhiệm trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Từ đầu nhiệm kỳ khoá XI đến nay, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời hướng dẫn thực hiện các quy chế, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; đồng thời làm tốt công tác tham mưu để hằng năm Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện có kết quả nhiều cuộc kiểm tra với nội dung sát thực tiễn hơn, như: Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; về thực hiện Quy định 51 của Ban Bí thư khoá X về nhiệm vụ và quan hệ công tác của thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ; về thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị khoá X về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng; về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khoá XI về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ luật của Đảng ở nhiều nơi vẫn chưa ráo riết, quyết liệt; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, không nghiêm túc. Công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp uỷ viên cùng cấp, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chưa mạnh mẽ. Tổ chức bộ máy làm công tác kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở chưa thật đồng bộ, chậm đổi mới. Cán bộ kiểm tra chuyên trách còn thiếu về số lượng, một bộ phận yếu năng lực, phương pháp công tác. Công tác nghiên cứu về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa giải đáp được nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra.
Thưa các đồng chí,
Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng, của các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến cơ sở, trong đó uỷ ban kiểm tra các cấp là nòng cốt. Trong thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Có chương trình, kế hoạch chủ động kiểm tra, giám sát hằng năm. Tập trung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, trong đó đưa nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khoá XI về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên. Đảng ta là đảng cầm quyền, cho nên phải rất coi trọng kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá nghị quyết của Đảng thành quy định của pháp luật để cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện. Nhiều nghị quyết của Đảng ban hành vừa qua là đúng đắn, hợp lòng dân, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; một số chủ trương, định hướng chưa trở thành hiện thực, phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện thiếu cụ thể, thiếu thể chế hoá thành chương trình, đề án, cơ chế, chính sách. Thực tế cũng cho thấy, mọi vi phạm của tổ chức và đảng viên - nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý - hầu hết có nguyên nhân là do thiếu kiểm tra, giám sát; nếu được kiểm tra, giám sát sớm hơn, thường xuyên hơn thì hậu quả vi phạm sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc có thể sẽ không xảy ra vi phạm. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách chủ động, thường xuyên, toàn diện và chặt chẽ; trong đó lấy phòng ngừa, lấy xây là chính; không chỉ làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm và xử lý vi phạm mà còn phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, phát huy sự năng động sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên và đóng góp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Khi có vụ việc vi phạm được phát hiện, phải kịp thời xem xét và xử lý nghiêm minh. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần tiếp tục chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các đề án còn lại về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 theo Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị.
Các cấp uỷ đảng phải thường xuyên quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ kiểm tra, bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; phát huy đầy đủ vai trò của uỷ ban kiểm tra trong tham mưu, giúp cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Các cấp uỷ - đứng đầu là bí thư cấp uỷ - cần dành nhiều thời gian hơn cho công tác kiểm tra, trực tiếp triển khai các nhiệm vụ về kiểm tra; tạo điều kiện thuận lợi và làm chỗ dựa vững chắc để uỷ ban kiểm tra các cấp thực hiện có kết quả nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và cấp uỷ giao.
Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số chính sách đối với cán bộ kiểm tra chuyên trách. Tuy về vật chất không nhiều và còn bất cập, nhưng điều đó đã phần nào thể hiện sự quan tâm của Đảng tới các đồng chí, mong muốn các đồng chí có trách nhiệm với Đảng nhiều hơn, công tác hiệu quả hơn. Cán bộ kiểm tra là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức và con người, rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức trong sáng, đồng thời lại phải có hiểu biết rộng, có kiến thức chuyên môn sâu. Đặc biệt, phải có tính chiến đấu cao thì mới dám đấu tranh với những hành vi sai trái, vi phạm. Hơn ai hết, những người làm công tác kiểm tra của Đảng phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Không liêm, không chính thì không nói được người khác, càng không thể đấu tranh được với người khác. Nhiều khi còn phải đấu tranh với chính bản thân mình, giữa mặt tích cực và tiêu cực trong con người mình; phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình để bảo vệ và giữ gìn kỷ luật và sự trong sạch. Do vậy, tôi đề nghị các cấp uỷ đảng hết sức chăm lo tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu luân chuyển, sử dụng, đãi ngộ, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ kiểm tra phấn khởi, yên tâm công tác.
Thưa các đồng chí,
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng là một dịp tốt để chúng ta ôn lại và tự hào về những thành tích vẻ vang mà chúng ta đã đạt trong thời gian qua; đồng thời quyết tâm thúc đẩy công tác kiểm tra của Đảng tiến lên một bước mới, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Chúc các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!

Cước dịch vụ 3G tăng giá: 3 “đại gia” bắt tay “giã” người tiêu dùng

 Mấy ngày gần đây, người tiêu dùng (NTD) “bất ngờ” khi nhận được tin nhắn của các nhà mạng về việc sẽ tăng giá cước dịch vụ 3G khoảng 20% – 40%. Đáng nói, dịch vụ viễn thông là một trong những dịch vụ phát triển khá nhanh và bắt kịp xu hướng của thời đại. Nó thu hút được khá nhiều người dùng đồng nghĩa với việc đang mang lại nhiều lợi nhuận cho nhà mạng. Thế nhưng, lẽ ra nhà mạng phải giảm giá cước thì đằng này ngược lại…

“Bẫy” khách hàng…?

Thông tin về việc sẽ tăng giá cước 3G của các nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone kể từ ngày 16-10 khiến cho nhiều NTD cảm thấy bất ngờ. Nhớ lại trước đây, khi mạng 3G mới có ở Việt Nam, các nhà mạng đua nhau “mời gọi”, khuyến mại nhằm thu hút và tạo thói quen cho NTD. Khi ấy gói cước sử dụng còn thấp, thậm chí một số nhà mạng còn “free” trong vài tháng, thậm chí đến hàng năm.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, những chiếc điện thoại công nghệ cao được “ra lò” liên tục, cải tiến và nâng cấp tính năng cũng như công năng. Tính đến thời điểm này, phần lớn NTD Việt Nam, đặc biệt là ở các TP lớn, đều sở hữu những chiếc điện thoại có khả năng kết nối 3G. Nhờ đó, các loại hình dịch vụ từ mạng 3G trở nên phát triển và thu hút NTD, các nhà mạng đẩy mạnh dịch vụ “hòng” kiếm thêm doanh thu.
Những tưởng điều này, theo quy luật phát triển thì khi NTD nhiều hơn thì giá sản phẩm hàng hóa dịch vụ sẽ “rẻ” đi nhưng điều này lại hoàn toàn khác. Khi “cá đã cắn câu”, ba nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone lại “rục rịch” chuẩn bị cho cuộc “chạy đua” tăng giá cước dịch vụ 3G. Trong khi đó, toàn bộ thị trường viễn thông hiện nay đều chủ yếu do ba “đại gia” này chi phối và cung cấp dịch vụ. NTD bỗng chốc “hụt hẫng” khi không biết “tẩy chay” việc này thế nào.

Xuất hiện “nhóm độc quyền”…?

Người ta đã từng dùng đến cụm từ “độc quyền” khi nói về ngành viễn thông trước đây. Cứ tưởng sau bao nhiêu năm duy trì và phát triển, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt nhà mạng mới, cụm từ này sẽ “chìm dần” vào dĩ vãng. Nhưng không, những gì đã và đang diễn ra hiện nay khiến cho chúng ta phải liên tưởng đến một sự “độc quyền” mới đang xuất hiện, đó chính là “nhóm độc quyền”.
Đầu tiên, phải kể đến sự xuất hiện của một số hãng di động mới như Beeline, Gtel mobile, S-fone, Vietnammobile,… Sau một thời gian hoạt động, các hãng lần lượt “ra đi”, để lại các “ông lớn”. Trong giai đoạn này, các “đại gia” ngoài việc mở rộng thị trường, đầu số,… cũng sẵn sàng thâu tóm những mạng viễn thông nhỏ hơn, để gia tăng thị phần và lượng khách hàng sử dụng. Như vụ Viettel mua lại và sáp nhập thành công mạng EVN Telecom (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN) với đầu số 096.
Trước thực trạng này, Cục Viễn thông đã phải khẳng định, mỗi một lĩnh vực của thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng đều phải có ít nhất 3 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính cạnh tranh. Đồng thời, Cục cũng sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tổng thể một cách phù hợp.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường nếu chỉ có 2 – 3 nhà mạng lớn sẽ khá nguy hiểm bởi nếu họ “bắt tay” cùng tăng giá dịch vụ thì có thể dấy lên tình trạng “nhóm độc quyền”, một khái niệm của những năm trước đây. Đồng quan điểm, Bộ Thông tin và truyền thông cũng khẳng định, cần phải duy trì 3 đến 4 nhà mạng có thị phần tương đương nhau trên thị trường để giữ vững tính cạch tranh lành mạnh.

Người tiêu dùng “hứng chịu” …

Nói đi nói lại thì câu chuyện tăng giá cước 3G cũng khó có thể “cản” lại được. NTD sẽ tiếp tục phải chịu thiệt thòi khi mà thói quen sử dụng dịch vụ 3G đã “ăn sâu”. Trong trường hợp này, NTD khó có khả năng gì “chống đỡ” ngoài việc cân nhắc xem nên hay không nên sử dụng dịch vụ.
Đáng nói, mức tăng giá lần này khá cao nếu tính theo số tương đối. Còn theo giá trị tuyệt đối thì sẽ không tạo ra chi phí tăng thêm quá lớn đối với NTD bởi bản chất giá cước hiện nay chưa cao. Xét khía cạnh DN, nếu tính trên tổng số người dùng thì lượng doanh thu mang lại cho họ không hề nhỏ chút nào.
Theo PGS.TS Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân thì, nguyên nhân của việc tăng giá này có lẽ một phần là do mạng 3G và internet phát triển, tạo ra nhiều hình thức liên lạc rẻ hơn so với các dịch vụ viễn thông truyền thống. Điều đó khiến cho doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống bị giảm sút. Vì thế, các nhà mạng tăng giá dịch vụ 3G để bù đắp lại một phần doanh thu thiếu hụt. NTD phải chịu thiệt trong việc này bởi tương quan về “sức mạnh” không cân bằng, người mua chỉ đóng vai trò “phụ thuộc”. Trong khi người bán lại không vi phạm bởi NTD có mua hay không là tùy họ.
Có thể thấy, chúng ta vẫn chưa thể “vượt qua” sự “độc quyền” trong một số lĩnh vực, mà ngành dịch vụ viễn thông là một ví dụ trong trường hợp này. Lợi ích của NTD chưa thực sự được đối xử công bằng, họ không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Cho nên, rất cần vai trò của các tổ chức xã hội như Hội bảo vệ NTD trong những trường hợp này. Nếu không, các nhà mạng “làm mưa làm gió” trên thị trường viễn thông.
Nên chăng, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các nhà mạng để từ đó tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông nước ta. Đồng thời, cũng cần cân đối lợi ích của NTD với DN để có quyết định đúng đắn, đảm bảo quyền lợi cho NTD khi tham gia sử dụng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của các nhà mạng nói riêng và các ngành “độc quyền” khác nói chung.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Marketing trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định, từ trước đến nay, dịch vụ viễn thông vẫn được coi là một trong những ngành độc quyền. Thông thường, để NTD tránh bị thiệt hại khi mua và sử dụng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của các ngành độc quyền thì cần phải có “bàn tay” của Nhà nước. Sau khi xem xét lợi ích của NTD cũng như DN, Nhà nước sẽ quyết định nên hay không chi phối đến ngành độc quyền đó. Trong trường hợp này, Bộ Công Thương đã chấp thuận việc tăng giá thì khó có thể thay đổi được.
THEO PHÁP LUẬT & XÃ HỘI

Ông Dương Chí Dũng đối mặt với ÁN TỬ HÌNH 

(ko có mùa xuân đấy đâu, báo giật tít câu khách à...)

Ngày 14-10, CQ CSĐT Bộ CA đã có bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Với việc “đút túi” 10 tỷ đồng, ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines bị truy tố tội tham ô có khung hình phạt “kịch khung” là tử hình!

Mua ụ nổi hay sắt vụn?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận, Vinalines được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, bốc xếp và dịch vụ hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT quản lý. Tháng 7-2010, Vinalines chuyển thành Cty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đến năm 2008, Vinalines thành lập thêm Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, do Trần Hải Sơn làm Tổng GĐ.
Tháng 2-2006, ông Phạm Duy Anh, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch HĐQT Vinalines lúc bấy giờ, có chủ trương mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sửa chữa tàu biển nên giao cho ông Phúc triển khai đầu tư xây dựng một nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Ông Phúc đã thành lập Ban dự án nhà máy và bổ nhiệm ông Trần Hữu Chiều làm Trưởng ban; ông Trần Hải Sơn – Phó ban; bà Bùi Thị Bích Loan và ông Mai Văn Khang là thành viên. Ban này tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án khả thi, tổ chức thẩm định trình để Tổng GĐ đề nghị HĐQT xem xét, phê duyệt. Thực hiện chủ trương trên, ngày 13-6-2007, ông Trần Hữu Chiều, Phó TGĐ kiêm Trưởng ban QLDA ký tờ trình gửi ông Phúc đề nghị HĐQT phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy. Ngày 27-6-2007, ông Dương Chí Dũng (lúc này giữ chức Chủ tịch HĐQT) đã ký quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy với tổng đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; trong đó cho phép mua, lắp đặt một ụ nổi để phục vụ sửa chữa tàu.
Thương vụ này, Vinalines xác định, ụ nổi là tàu biển nên áp dụng hình thức chào giá cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu. Ngày 27-7-2007, ông Phúc cử đoàn khảo sát do ông Chiều làm Trưởng đoàn cùng ông Lê Văn Dương, cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam, kiểm tra, khảo sát tình trạng ụ nổi 83M tại Liên bang Nga. Trên cơ sở đó, ông Dương lập, ký biên bản kiểm tra giám định tình trạng kỹ thuật ụ nổi. Từ biên bản kiểm tra, ông Chiều ký báo cáo kết quả khảo sát theo hướng đề nghị mua ụ nổi. Sau đó, ông Dũng đã phê duyệt đầu tư dự án mua ụ nổi với phương thức sửa chữa tại Liên bang Nga và “lai dắt” về Việt Nam. Kế hoạch thay đổi khi ông Chiều có tờ trình nêu, thời tiết tại Nga không thuận lợi, không thể “lai dắt” về Việt Nam, cần thay đổi phương thức vận chuyển ụ nổi. Theo đó, để đưa ụ nổi về Việt Nam phải dùng tàu nâng nặng, tự tổ chức sửa chữa tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 19,5 triệu USD (phí mua là 9 triệu USD).
Gần 3 tháng sau, ụ nổi được đưa về Việt Nam. Ngày 25-3-2011, Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu biển. Vinalines đã phải thuê địa điểm neo đậu tại cảng Gò Dầu B, tỉnh Đồng Nai. Việc mua và nhập khẩu ụ nổi về Việt Nam rơi vào thời điểm Chính phủ chưa phê duyệt bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy. Nhưng từ đề nghị của ông Chiều, ông Dũng đã ký phê duyệt chính thức dự án, nâng tổng mức đầu tư từ 3.854 tỷ đồng lên 6.489 tỷ đồng. Tính đến ngày 17-5-2012, Vinalines đầu tư mua, sửa chữa ụ nổi 83M mất hơn 525 tỷ đồng. Dự án đó đến nay không triển khai được gì thêm và ngày 4-2-2003, Chính phủ có quyết định thoái vốn tại Cty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines.

Chủ mưu “rút ruột” hơn 28 tỷ đồng!

Ngày 1-2-2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án tham ô tài sản đối với 4 bị can (trong đó có ông Trần Hải Sơn, Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines về hành vi gửi giá, lập khống khối lượng sửa chữa ụ nổi để rút hơn 3,3 tỷ đồng); 10 bị can về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tách riêng vụ án này để làm rõ sau. Tiếp đó, tháng 9-2013, cơ quan CSĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với các ông: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều về hành vi “Tham ô tài sản”.
Ở nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, CQĐT xác định, các bị can (các ông: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Lê Văn Dương, Mai Văn Khang, bà Bùi Thị Bích Loan) có hành vi làm trái trong việc lập, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy; tổ chức đấu thầu, phê duyệt, ký và thanh toán hợp đồng mua ụ nổi 83M; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng – cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, có hành vi làm trái trong việc làm các thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M. Cụ thể:
Thứ 1, hành vi cố ý làm trái trong việc lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam: Trong khi Bộ GTVT chưa cập nhập bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng như chưa trình Thủ tướng quyết định thì Vinalines đã phê duyệt dự án nhà máy.
Thứ 2, hành vi cố ý làm trái trong việc quyết định đầu tư, tổ chức đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M: Tháng 10-2008, Vinalines mới có quyết định nhưng từ tháng 7-2007 đã tổ chức đấu thầu, nhập khẩu ụ nổi. Quá trình tổ chức chào giá cạnh tranh lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu, trong hồ sơ đấu thầu chỉ có 2 đơn vị gửi thư chào bán 3 ụ nổi (Cty AP – Singapore, chào bán ụ nổi 220 sản xuất từ năm 1969 và ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965; Cty Môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988) và Vinalines chỉ khảo sát ụ nổi của Cty AP. Quá trình khảo sát, các thành viên biết ụ nổi 83M hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị cơ quan đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006, giá Cty bán đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD. Nhưng ông Lê Văn Dương đã lập biên bản giám định không phản ánh đúng thực tế tình trạng kỹ thuật ụ nổi.
Thứ 3, hành vi cố ý làm trái trong việc thanh toán hợp đồng mua ụ nổi: CQĐT xác định, ngày 17-3-2008, bà Bùi Thị Bích Loan, Trưởng ban tài chính kế toán ký ủy nhiệm chi chuyển 900.000 USD tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản chung giữa Cty AP và Vinalines. Hơn 2 tháng sau, ông Phúc đã ký đề nghị ngân hàng giải tỏa chuyển số tiền này cho Cty AP mà không được nhận các tài liệu của hợp đồng mua bán ụ nổi. Không dừng lại ở đó, Vinalines dưới sự chỉ đạo của các ông Phúc, Chiều tiếp tục chuyển 8,1 triệu USD cho Cty AP mà không nhận được các chứng từ theo quy định của hợp đồng mua bán.
Thứ 4, về hành vi cố ý làm trái trong việc làm làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M, CQĐT xác định, Chi cục Hải quan Vân Phong có tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, ụ nổi này đã cũ, han gỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Lê Ngọc Triện, cán bộ hải quan vẫn báo cáo đề nghị ông Huỳnh Hữu Đức, Phó Chi cục Hải quan Vân Phong cho thông quan. Ông Đức biết ụ nổi không đủ điều kiện vẫn ký. Trừ các khoản Vinalines nộp cho ngân sách Nhà nước, thuế nhập khẩu, VAT, phạt do nộp chậm thuế, chi phí vận chuyển… tổng thiệt hại do sai phạm mua ụ nổi là gần 337 tỷ đồng.
Với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, ông Dũng bị quy kết đã ký phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 335 tỷ đồng với vai trò chủ mưu. Các ông: Phúc, Chiều, Sơn, Khang, Dương, Đức, Triện, Lừng và bà Loan là đồng phạm, làm thất thoát ngân sách Nhà nước từ hơn 82 tỷ đồng đến 335 tỷ đồng.
Ở nhóm tội “Tham ô tài sản”, hành vi “rút ruột” hơn 1,666 triệu USD, qua báo cáo của ông Chiều, các ông: Sơn, Khang, Dũng, Phúc biết rõ ụ nổi trên được chào bán dưới 5 triệu USD nhưng vẫn chấp thuận mua với giá 9 triệu USD. CQĐT xác minh tại Cty AP, kết luận, có sự ăn chia được các bên thỏa thuận trước thời điểm Vinalines khảo sát và ký hợp đồng. Cty Phú Hà mặc dù không thực hiện bất kỳ công việc gì liên quan đến ụ nổi nhưng vẫn được nhận hơn 1,6 triệu USD từ Cty AP. Số tiền này sau đó được quy đổi ra hơn 28 tỷ đồng và ông Sơn đã nhận đủ bằng tiền mặt, chuyển khoản. Ông Sơn khai, chỉ nhận được hơn 8 tỷ đồng, còn 20 tỷ đồng ông Dũng và Phúc chia nhau. Ông Sơn cũng nói rằng, có “biếu” ông Chiều 340 triệu đồng.
Liên quan đến chuyện “tư túi” này, CQCA đề nghị truy tố ông Dũng với vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thực hiện hành vi tham ô số tiền hơn 28 tỷ đồng; cá nhân ông Dũng hưởng lợi 10 tỷ đồng. Con số này với ông Phúc là 10 tỷ đồng, ông Sơn gần 6 tỷ đồng, ông Chiều 340 triệu đồng.
Điều 287, Bộ luật Hình sự, tội tham ô tài sản quy định:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình
a/ Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên
b/ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác
THEO PHÁP LUẬT & XÃ HỘI

Tôi không tuyển người Hà Nội



Hơn chục năm lăn lộn trên thương trường, tôi gần như không tuyển người Hà Nội vào công ty, những vị trí nhân sự chủ chốt đều do người ngoại tỉnh nắm giữ.
Cách đây chỉ một tuần, do quá bực mình, tôi chỉ thẳng mặt một cậu nhân viên rồi nói:
‘Mày đi thẳng ra khỏi công ty đi, những thằng như mày, chỉ dựa dẫm gia đình, sinh ra sướng sẵn rồi, nên không bao giờ làm được việc nếu không chịu khó rèn luyện đâu. Mày đừng bao giờ coi khinh người nhà quê, người ngoại tỉnh, mày nhìn xem, năng lực, những cái mày làm được, liệu có bằng người ta không?’
Cậu này, người Hà Nội gốc, vốn do một ông sếp gửi gắm, là cháu ông ta. Do cần phải quan hệ, tôi buộc phải nhận vào, nhưng làm việc thì không ra gì mà còn hay chém gió, hay coi thường người khác. Hơn chục năm lăn lộn trên thương trường, tôi gần như không tuyển người Hà Nội vào công ty, những vị trí nhân sự chủ chốt đều do người ngoại tỉnh nắm giữ.
Tôi, vốn là một người nhà quê, lên Hà Nội học đại học, rồi lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Tôi không hề phân biệt vùng miền, không hề phân biệt đánh giá thấp cao người Thủ đô hay người quê gì cả, có lẽ tôi chẳng có duyên với người Thành phố. Nhưng tuyển nhân sự nhiều tôi nhận ra rằng, những người đi làm mà có áp lực chuyện cơm áo gạo tiền, không làm thì đói, cái chân cái tay không hoạt động thì cái dạ dày rỗng không, họ sẽ có động lực học tập, làm việc, phấn đấu hơn. Còn những người Thủ đô, vỗn đã có điều kiện, có nhà cửa sẵn, nhà mặt phố chỉ cần cho thuê, tháng cũng có vài chục triệu đủ sống, họ đâu có mấy áp lực nên cũng chẳng có nhiều ý chí tiến thủ.


Còn những người Thủ đô, vỗn đã có điều kiện, có nhà cửa sẵn, nhà mặt phố chỉ cần cho thuê, tháng cũng có vài chục triệu đủ sống, họ đâu có mấy áp lực nên cũng chẳng có nhiều ý chí tiến thủ.

Nhìn xem, người Thủ đô cứ nói rằng, người nhà quê, người ngoại tỉnh lên phố làm đất chật người đông, tắc đường, bẩn thỉu Thủ đô của họ. Nhưng cũng so sánh xem, những ai mới là những người có nhiều đóng góp cho xã hội, bằng ý chí phấn đấu của chính bản thân mình?
Ngày tôi đi học đại học, tôi đạp cái xe đạp, bữa cơm ở cái nhà trọ chật chội nóng ran chỉ toàn đậu phụ, thỉnh thoảng mới có thịt, mỳ tôm là món trường kì. Ở lớp tôi, sau 1 lần được phân nhóm làm đồ án, tôi làm với 2 cậu người Hà Nội. Ý tưởng tôi đưa ra bị gạt phắt, kèm theo câu nói: “Cái loại mày nhà quê, biết gì”. Chạm tự ái, tôi nói với 2 cậu kia rằng: “Được rồi, để xem sau này, thằng nào hơn thằng nào”.
Rút cuộc, 10 năm sau ngày ra trường, 2 cậu kia sự nghiệp chẳng có gì, còn tôi, có một doanh nghiệp riêng với hơn 500 công nhân, với 3 chi nhánh ở khắp đất nước.
Mới rồi, tôi và cậu trưởng phòng đến thăm nhà mới của cậu phó giám đốc của công ty. Hai cậu này, đã lăn lộn theo tôi từ những ngày khó khăn đầu tiên. Cậu phó giám đốc, dân Nghệ An, mua được căn nhà mặt ngõ lớn, trị giá 4 tỷ, tâm sự mà rơm rớm nước mắt:
Em có được ngày hôm nay, lo được cho vợ con, cho gia đình nghèo trong quê, cũng là nhờ sự giúp đỡ của anh.
Tôi gặm miếng cu-đơ quà quê của cậu ấy, bảo lâu lắm anh mới được ăn cái món này đấy. Đi một vòng quanh nhà, tôi bảo cậu ấy: “Cái nhà 4 tỷ mà vẫn chưa mua được bộ sa-lông cho ra hồn nhỉ, cậu cứ quen tính tiết kiệm từ ngày xưa. Giờ có tiền rồi, cũng phải cho mình thoải mái tí, anh biết cậu vẫn nặng gánh gia đình ở quê”. Nói rồi tôi rút tiền túi, cho riêng cậu ấy 50 triệu, bảo đây là “lệnh sếp”, bắt phải nhận, anh mừng chú nhà mới.
Tôi vẫn chưa hài lòng, quay sang bảo cậu trưởng phòng:
Cái thằng Nghệ An cá gỗ, bao nhiêu năm vẫn đi cái xe ghẻ. Anh cho nó 100 triệu nữa, còn chú, thằng Hoa Thanh Quế này, chú góp 50 chục triệu nhé. Mai bắt nó phải đi mua ô tô, anh biết tính nó, nó chỉ mua cái xe be bé thôi. Mua mà chở vợ con đi, nhà 2 đứa con nhỏ, đỡ nắng mưa nhọc thân, không mua là 2 thằng tao đòi lại tiền.
Cậu trưởng phòng, quê gốc Thanh Hóa, vui vẻ rút tiền chuyển luôn.
Anh em tôi thân thiết, “vào sinh ra tử” cùng nhau, gắn bó với nhau từ lâu, quá thân thiết nên vẫn cứ có cách gọi nhau vừa bỗ bã, vừa vui, vừa đầy “tính địa phương” như thế.
Cậu trưởng phòng này, dân Thanh Hóa, rất tháo vát, giỏi giang. Tôi vẫn nói với cậu ấy, khi cần cứ mạnh bạo chi đi, tiếp đối tác, cứ đưa vào nhà hàng sang nhất, xịn nhất, nếu công việc hiệu quả thì chú không phải tiết kiệm, phải “kẹt xỉ” hộ anh làm cái gì.


 Mới rồi, thương thảo một hợp đồng xây dựng, cậu này nhất quyết không nhượng đối tác chuyện giá vật liệu, yêu cầu đối tác không tính giá cố định mà phải theo thị trường, nếu vật liệu lên là phải bù thêm tiền cho bên thực hiện. Kì kèo thương thảo mấy bận, tưởng đổ bể hợp đồng, cuối cùng đối tác cũng đồng ý kí với bên tôi. Cậu trưởng phòng khăng khăng: “Cái gì đúng thì thôi, anh biết tính em rồi đấy, đã làm ăn là phải tính chuẩn từng đồng không có ngày anh em mình chết”. Công trình thực hiện xong, tôi có đùa: “Đúng là chỉ nhờ cái tính hơi kiệt, Hoa Thanh Quế của cậu mà tiết kiệm cho công ty đến 4 tỷ đồng. Công trình này làm tốt, thắng lớn lãi to, anh thưởng riêng chú 500 triệu luôn”.
Công ty tôi, công nhân toàn dân ngoại tỉnh, vì người Thủ đô ít làm những công việc chân tay vất vả này. Tôi trả lương xứng đáng, đãi ngộ tốt, quan tâm đến đời sống từng người công nhân. Với những nhân sự chủ chốt trong ban lãnh đạo, toàn người nhà quê, người ngoại tỉnh, nào dân Thanh Hóa “ăn rau má phá đường tàu”, nào dân bọ Nghệ An, nào mấy ông Hà Tây cũ, giờ là Hà Lội 2. Tôi chẳng tuyển được người Thủ đô, do tôi ít gặp người Hà Nội mà giàu ý chí phấn đấu, có tinh thần sáng tạo vượt khó. Những người Hà Nội tôi biết, giờ toàn “ấm thân” ở mấy chỗ của chú bác những người này, ngày ngày đọc báo, hết tháng nhận lương, họ chẳng đủ năng lực làm được cái gì ra hồn, nên chỉ được đến thế.
Chỉ trong gian khổ, khó khăn, con người ta mới trưởng thành được, chúng tôi, những người ngoại tỉnh, có điều đó. Cá nhân tôi, một tổng giám đốc, mỗi năm kiếm ra tầm hơn chục tỷ đồng cho riêng bản thân mình, không hề cảm thấy tự ti, mà còn thấy tự hào với gốc gác nhà quê của mình.
THEO KHÁM PHÁ

VAMC: Tiền là giấy, giấy không là tiền

 Công ty Quản lý tài sản và mua bán nợ (VAMC) không thể ôm mãi nợ vào mà phải tìm cách bán ra. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua, nhưng VAMC lại chưa thể bán.
Số liệu thống kê từ các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2013 cho thấy, tổng số nợ xấu là khoảng 138,98 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,58% trên tổng dư nợ. Còn theo công bố gần đây nhất của Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm đáng kể so với 8 tháng đầu năm 2012. Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các tổ chức tín dụng đã chủ động xử lý được 95,1 nghìn tỷ đồng bằng dự phòng rủi ro, trong đó năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2013 là 25,9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, so với con số được Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình nói lần trước, chỉ riêng trong tháng 8/2013, các tổ chức tín dụng đã “tự xử” 10,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tiền mua nợ xấu là… giấy

Sau khi Agribank bán 1.723 tỷ đồng nợ xấu, 3 ngân hàng là NHTMCP Sài Gòn (SCB), NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), NHTMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã bán tiếp cho VAMC 847 tỷ đồng nợ xấu. Dự kiến trong tháng 10/2013, VAMC sẽ mua lại hơn 7.500 tỷ đồng nợ xấu của 9 tổ chức tín dụng nữa. Lãnh đạo VAMC cho biết, hiện có rất nhiều khoản nợ xấu được gửi bán, nhưng nhiều khoản không đủ điều kiện theo quy định của NHNN để VAMC mua (theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT- NHNN và Thông tư 20/2013/TT-NHNN).
Như đã từng đề cập, VAMC mua nợ xấu bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt. Tức họ sẽ lượng xem mua những khoản nợ xấu nào, giá bao nhiêu sau đó trình NHNN phương án phát hành trái phiếu. Khi tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC sẽ nhận trái phiếu và có thể dùng nó vay tái cấp vốn. Thực tế trong tình hình hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng mang giấy này đến NHNN vay vốn. Vì, mức lãi suất cho vay của NHNN là cao hơn cho vay tái cấp vốn thông thường.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, lãi suất huy động vẫn đang theo đà giảm, thì rõ ràng nếu cần vốn họ sẽ huy động vốn trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức) sẽ đỡ phiền phức hơn nhiều so với vay NHNN. Như vậy, bán nợ cho VAMC xong, cái họ nhận về là “giấy” chứ không phải là tiền, trong khi trách nhiệm với khoản nợ đó vẫn còn (tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro hàng năm tối thiểu 20% mệnh giá trái phiếu). Chính điều này khiến các tổ chức tín dụng không mấy mặn mà với VAMC.
Song, gần đây lại có nhiều ngân hàng đánh tiếng bán nợ cho VAMC. Vì sao? Vì trong một cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua với các tổ chức tín dụng về việc bán nợ xấu cho VAMC, NHNN đã tuyên bố, nếu tổ chức tín dụng nào không tự giác, họ sẽ công khai tỷ lệ nợ xấu thực của ngân hàng đó. Một lý do khác, đến tháng 6/2014, Thông tư 02 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng chính thức được áp dụng. Khi đó các ngân hàng phải phân loại nợ theo các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, khiến nợ xấu sẽ “bỗng dưng” tăng vọt. Vì vậy họ cần phải bán bớt nợ xấu ngay từ bây giờ, tránh “đạt” tỷ nợ xấu cao trong tương lai gần.

Bán nợ xấu – giấy mới là tiền



Đã quen với đầu tư mạo hiểm nên các nhà đầu tư nước ngoài khá hào hứng với nợ xấu của tổ chức tín dụng Việt Nam. Mô hình công ty mua bán nợ xấu (VAMC) đã được một số nước triển khai thành công, nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên. Vì vậy, NHNN – cơ quan chủ quản của VAMC – cũng như lãnh đạo VAMC cùng thận trọng.
Hiện đã có một số tổ chức quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác mua bán nợ xấu với VAMC như: Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và cả một số ngân hàng nước ngoài. Với vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng, việc nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức tài chính lớn (mạnh về nguồn lực và có kinh nghiệm) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xử lý nợ xấu. Thế nhưng họ không thể bỏ tiền ra đầu tư mà không được quyền quyết định. Vì vậy, một số tổ chức đề nghị cùng với việc tham gia xử lý nợ xấu họ phải có “tiếng nói” nhất định tại VAMC, tức quyền quản lý, điều hành. Yêu cầu này đặt ra vấn đề: có nên “cổ phần hóa” VAMC để các nhà đầu tư lớn có thể tham gia xử lý nợ xấu trực tiếp hơn? Đối với các ngân hàng hay tổ chức đầu tư, điều họ quan tâm chính là quyền sở hữu tài sản. Các khoản nợ xấu hiện nay hầu hết đều có tài sản đảm bảo là bất động sản.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, quyền sở hữu, sử dụng nhà, bất động sản cho người nước ngoài rất hạn chế. Một vấn đề khác, khi mua nợ xấu VAMC và tổ chức tín dụng làm việc trực tiếp với nhau, mọi thông tin liên quan đến khoản nợ được mua bán không hề công khai. Nếu VAMC bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì đồng nghĩa những thông tin đó cũng phải được công khai. Vậy nên, những vướng mắc này đã, đang được NHNN xem xét và xây dựng văn bản quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho VAMC. Nhưng rõ ràng, để thay đổi các quy định vốn không chỉ thuộc về quyền hạn của NHNN thì sẽ còn mất nhiều thời gian nữa VAMC mới có thể bán nợ xấu để thu về tiền tươi thóc thật.

Những thách thức

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn Chính phủ, tiến trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng gặp phải những thách thức sau: Thiếu đồng thuận về chính sách; thiếu nguồn lực tài chính an toàn; nợ xấu xây dựng cơ bản của ngân sách chưa có định hướng xử lý; thị trường mua bán nợ kém phát triển; nhà đầu tư nước ngoài thiếu khung pháp lý để tham gia thị trường an toàn. Một trở ngại không nhỏ khác là vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Nợ xấu tiềm tàng rất lớn từ các tập đoàn tư nhân và nhà nước. Đặc biệt là sự thiếu minh bạch về nguồn vốn góp tại các ngân hàng thương mại cổ phần, thậm chí đã có hiện tượng vốn góp là vốn ảo. Trong khi đó cơ quan quản lý vẫn thiếu chế tài để xử lý vấn đề sở hữu chéo một cách triệt để.
THEO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc

Hôm nay (15/10), tại Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.

Hai Thủ tướng duyệt Đội Danh dự -d
Hai Thủ tướng duyệt Đội Danh dự – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường đã thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013.
Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trong không khí chân thành, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như tình hình quốc tế, khu vực hiện nay và các vấn đề cùng quan tâm.
2. Hai bên đã nhìn lại và đánh giá cao sự  phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định sẽ tuân theo những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Hai bên nhất trí cho rằng, trong tình hình kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc hai bên tăng cường trao đổi chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới.
3. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng không thể thay thế của tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và thăm viếng cấp cao, xuất phát từ tầm cao chiến lược nắm vững phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Đồng thời, thúc đẩy trao đổi cấp cao qua nhiều hình thức như gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương, sử dụng tốt đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao để đi sâu trao đổi các vấn đề trọng đại trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.
4. Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện tốt  “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Thương mại, Công an, An ninh, Báo chí hai nước và giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng; tổ chức tốt Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Phiên họp Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; làm tốt các công tác như Tham vấn Ngoại giao thường niên, Tham vấn An ninh-Quốc phòng, đào tạo mở rộng cho cán bộ Đảng và Nhà nước; sử dụng hiệu quả đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng, tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận… góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước.
5. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là  láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chung của hai nước, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây:
a. Về hợp tác trên bộ:
(i) Hai bên nhất trí nhanh chóng thực hiện “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016” và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm; thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng giữa hai nước để quy hoạch và chỉ đạo thực hiện các dự án cụ thể; sớm đạt nhất trí về phương án thực hiện và huy động vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng.
Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc Móng Cái-Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia dự án này theo nguyên tắc thị trường, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn trong khả năng. Các bộ, ngành hữu quan hai nước đẩy nhanh công tác, sớm khởi động nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Hai bên nhất trí thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung” (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới hai nước.
(ii) Hai bên đồng ý tăng cường điều phối chính sách kinh tế thương mại, thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản” và “Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia”, để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở bảo đảm thương mại tăng trưởng ổn định, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD.
Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường.
Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp An Dương. Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung.
(iii) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế…
(iv) Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền giữa hai nước, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác hằng năm; tiến hành Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu giữa hai nước, thúc đẩy công tác mở cửa, nâng cấp một số cặp cửa khẩu biên giới trên bộ, sớm chính thức mở cặp cửa khẩu quốc gia Hoành Mô-Động Trung; thúc đẩy đàm phán về “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc” sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về “Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân”, sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa  địa phương hai nước.
b. Về hợp tác tiền tệ:
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự  án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên.
Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á.
c. Về hợp tác trên biển:
Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn  đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ; nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt  đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
6. Hai bên nhất trí tổ chức tốt các hoạt động như Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai; Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung; Liên hoan nhân dân Việt-Trung… nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, thiết thực tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị Việt-Trung, làm sâu sắc sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước.
7. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì  thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ  quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.
8. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Cấp cao Đông Á… cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Hai bên đánh giá cao những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất trí lấy dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc làm cơ hội tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược. Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, nâng cấp Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Việc ASEAN và Trung Quốc triển khai hợp tác rộng rãi có vai trò hết sức quan trọng đối với thúc đẩy hòa bình, ổn định, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau tại khu vực Đông Nam Á.
Hai bên nhất trí thực hiện  đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).
9. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Hiệp định về việc mở Cơ quan Xúc tiến thương mại nước này tại nước kia”, “Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, “Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam”, “Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu” và Nghị định thư kèm theo, “Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ”, “Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”, “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội” và một số văn kiện hợp tác kinh tế.
10. Hai bên bày tỏ hài lòng về  kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhất trí cho rằng chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển và hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực.
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Người nghèo giữa lòng Hà Nội – 60 ngày khảo sát

Dưới tầm mắt phóng ra từ trên cầu Long Biên là cuộc sống của khoảng hai nghìn năm trăm con người mưu sinh dựa vào hoạt động của khu chợ đầu mối nơi đây. Có những gia đình cư trú ở đây nhiều thập kỷ cùng cái nghèo đeo đẳng. Không ít người trong số họ đã chẳng còn khái niệm “quê hương”.
nguoi-ngheo-giua-long-Ha-NoiViệc đồng viết bài về Người vô gia cư  với tác giả Kim Oanh làm mình nhớ đến rất nhiều trải nghiệm về cuộc sống của những người lao động nhập cư ở Hà Nội. Họ không phải là những người vô gia cư phải sống ngoài đường phố nhưng họ sống trong điều kiện thực sự khó khăn.

Phía dưới Tầm mắt

Cầu Long Biên được biết đến với vẻ đẹp cổ kính và những giá trị lịch sử gắn liền với đất nước với thủ đô Hà Nội. Khi đứng trên cây cầu đó, mọi người mải miết ngắm nhìn thành phố xinh đẹp, ngắm nhìn bãi cát, dòng sông…. nhưng có mấy ai đã từng để ý đến những mái nhà lụp xụp với ty tỉ thứ túi nilon, bao tải, hộp xốp….. và tự hỏi tại sao giữa lòng thủ đô lại có những khu ổ chuột như vậy? Cuộc sống bên dưới những mái nhà đó ra sao?
Mình thì thực sự cảm thấy rất may mắn khi được tham gia một cuộc điều tra, được “thâm nhập” len lỏi dưới những mái nhà đó và chứng kiến  muôn vàn mảnh đời, biết đến những mảng màu tối trong bức tranh của thủ đô Hà Nội đang ngày càng lớn mạnh.

“Mê cung” đói nghèo bên chân cầu Long Biên

Khu vực chân cầu xung quanh chợ Long Biên, một khu vực tập trung rất nhiều người nhập cư và cũng là khu vực “nhạy cảm” của thành phố. Nhóm điều tra của chúng tôi gồm hơn mười người, chia nhau từng tốp 2,3 người đi cùng nhau để đảm bảo an toàn và phải có cán bộ địa phương đi dẫn đường vì an ninh cực kỳ phức tạp. Theo lời kể của cô dẫn đường thì rất hay có đánh nhau “xin đểu” và rất nhiều đàn anh, đàn chị, người lạ đi vào đây chắc chắn sẽ bị “để mắt” tới. Chúng tôi tổ chức đi điều tra vào khoảng từ 5 đến 9 giờ tối vì phải tranh thủ ngoài giờ học và cũng là thời điểm người dân đi làm về, giờ cơm nước nên dễ tiếp cận.
“Quá trình lang thang lúc đó cảm thấy thật thú vị vì lần đầu tiên đến những nơi như vậy nhưng bây giờ nghĩ lại thì cảm thấy lúc đó mình quả là “liều”.
Ấn tượng đầu tiên khi đi vào “thực tế” là khu vực cực kỳ ngõ ngách, như lạc vào mê cung, đi một lát là không biết mình đang ở đâu, và việc bị lạc là đương nhiên, chỉ biết đi theo một hướng và có khi đi cả tiếng mới ra tới đường chính. Nhiệm vụ của chúng tôi là đi tìm những người nhập cư từ tỉnh lẻ lên đây sinh sống và thực hiện bảng hỏi phỏng vấn về cuộc sống của họ trên Hà Nội. Để gặp nhiều người nhập cư chúng tôi thường tìm đến những khu nhà trọ. Càng gần về phía chợ Long Biên là khu càng nhiều người nhập cư ở, và nhà cửa càng lụp xụp, đây thật sự là khu “ổ chuột”. Lối đi hoàn toàn không có đèn, (gọi là lối đi chứ không phải là đường vì nó rất hẹp, quanh co và hầu hết là đường đất) vậy nên chúng tôi cứ đi, len lỏi khắp các ngõ ngách, cứ thấy dãy nhà trọ là gần như lao vào để tìm  “đối tượng”. Có những lúc tưởng chừng là đường cụt nhưng đi tới cuối, được cô dẫn đường chỉ cho cách lách người chui qua một khe nhỏ thì trước mặt lại tới một mê cung khác.
Lối đi hầu hết là đường đất, lép nhép nước, ngõ tối tăm hầu hết chúng tôi phải bỏ điện thoại ra soi đường, những “căn nhà” chỉ được dựng lên bằng cọc bao quanh bằng những tấm bạt, mái rất thấp có những chỗ đi qua chúng tôi phải cúi người đi lom khom. Cô dẫn đường đi trước và chúng tôi theo sau, cứ người trước đi qua soi đèn cho người sau đi. Quá trình lang thang lúc đó cảm thấy thật thú vị vì lần đầu tiên đến những nơi như vậy nhưng bây giờ nghĩ lại thì cảm thấy lúc đó mình quả là “liều”.

Những con người sống dưới chân cầu. Họ là ai?

Những người nhập cư ở đây đến từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, bỏ quê để lên Hà Nội kiếm sống theo mùa vụ hoặc lao động quanh năm với với hy vọng “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Cũng có những gia đình sinh sống ở đây ba bốn chục năm, có những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở đây, có cả những cô cậu sinh viên bước chân vào cổng trường đại học cũng từ đây. Mình vẫn còn nhớ khi hỏi một bác về quê quán thì bác trả lời: “Bác cũng chẳng có quê nào cháu ạ, sống trên này hơn ba chục năm rồi, ở quê nhà cửa ruộng đất cũng chẳng còn gì cả, họ hàng cũng nhiều người lên đây sống như bác nên cũng chẳng có thể gọi đâu là quê nữa”. Vâng, họ chính là những người nghèo giữa lòng Hà Nội!

Mưu sinh

Các bạn có tưởng tượng khu vực đó có khoảng 2500 con người ở và họ mưu sinh chỉ dựa trên hoạt động của chợ Long Biên. Hầu hết nam giới và một số nữ giới có sức khỏe làm bốc vác cho những lái buôn trong chợ đêm đầu mối Long Biên. Giờ làm việc cũng theo giờ hoạt động của chợ từ khoảng 11h đêm đến 7, 8h sáng và ban ngày thì nghỉ. Vậy nên vào cái giờ chúng tôi đi làm điều tra, một vài người đang nấu cơm còn lại hầu hết tụ tập ngồi ven đường “buôn chuyện”. Chúng tôi đi đến đâu là được dõi theo bằng ánh mắt tò mò, hiếu kỳ nên thường những lúc di chuyển ngoài đường phải cắm mặt đi thật nhanh, không nhìn ngang nhìn dọc.
Còn lại hầu hết những phụ nữ có tuổi, các bà già không đủ sức khỏe làm bốc vác thì họ có một nghề khác là “bán hàng rong”. Chắc hẳn ai cũng biết bán hàng rong là một nét văn hóa không thể thiếu của người dân Hà Nội và đã bao giờ bạn tự hỏi những người bán hàng rong họ ở đâu và họ sống như thế nào chưa? Xin thưa với các bạn hầu hết những người bán hàng rong hoa quả trên khắp các ngõ ngách của thủ đô Hà Nội đang sống tạm bợ trong khu ổ chuột dưới chân cầu Long Biên này.

Cuộc sống vật chất và nơi ở. Không tồn tại sự riêng tư

Người nhập cư ở đây chia làm 2 nhóm chính với hai tình trạng cư trú khác nhau.
Nhóm thứ nhất là những người chỉ lên thành phố làm theo mùa vụ, tranh thủ lúc nông nhàn.Những người này thuê trọ theo đêm, thường là 10.000/người/đêm. Nhóm thứ hai, gần như là những người định cư lâu dài ở đây nhưng họ không có nhà mà đi thuê các phòng trọ ở cả gia đình cùng nhau.
Có lần tôi vào phỏng vấn một phòng có 4 chị phụ nữ đang ăn cơm, họ rất niềm nở tiếp chuyện nhưng thực sự đứng ngoài cửa mà chúng tôi không dám bước vào vì không biết khi bước vào mình sẽ ngồi ở đâu.
Các nhà trọ ở đây được chia ra cực kỳ nhỏ, diện tích cho 10.000 đồng này thực sự chỉ đủ trải 1 chiếc chiếu đơn, đồ đạc có thể để ở đầu hoặc cuối giường. Mỗi khu nhà được chia ra nhỏ nhất có thể, thường là những gác xép, tầng trên cao hơn tầng dưới 1,,5 đến 2 mét (thường một tầng nhà bình thường sẽ được chia làm hai tầng cho thuê). Trong những ngôi nhà này thường có đến hai ba chục người cùng chung sống, và vì cùng chung sống nên rất nhiều thứ chung: vệ sinh chung, nấu nướng chung, nhiều khi chỉ trải chiếu ngủ chung cả nam và nữ trong cùng một phòng.
Ở đây họ không có sự riêng tư và hầu hết họ đã quen với việc cả ngày đi làm mệt và chỉ cần một chỗ để “ngả lưng” lấy lại sức khỏe cho ngày mưu sinh tiếp theo và quan trọng là tiết kiệm chi phí tối đa để gửi về quê hoặc trang trải cho con cái học hành. Có những khu thực chất chỉ được ghép bằng những tấm gỗ như một cái lán mà những người ở công trường xây dựng thường dựng tạm lên để ở. Có lần tôi vào phỏng vấn một phòng có 4 chị phụ nữ đang ăn cơm, họ rất niềm nở tiếp chuyện nhưng thực sự đứng ngoài cửa mà chúng tôi không dám bước vào vì không biết khi bước vào mình sẽ ngồi ở đâu.
Phòng chỉ đủ cho 4 người ngồi và khi nằm ngủ chắc cũng phải căn ke. Vậy nên chúng tôi phải ngồi rất gọn ngoài lối đi bên cạnh cửa, nói chuyện khoảng 15 phút với các chị xong đứng dậy thật sự là hai chân tê dại. Càng gần ra phía ven sông và ven kênh thì hầu hết chỉ là những ngôi nhà được người dân nhập cư tự dựng lên để ở, che chắn bằng bạt và hầu hết là không có nhà vệ sinh, họ phải “đi” vào túi  và vứt ra sông, ra kênh. Vậy nên, ở đây nhà vệ sinh “cầu tõm” vẫn còn là xa xỉ.
Để giảm chi phí cuộc sống hầu hết họ dùng bếp củi nếu có diện tích, còn lại dùng bếp than tổ ong. Tôi thực sự kinh ngạc khi sau 1 hồi len lỏi lại thấy những căn cả cũ kỹ với bếp củi, xoong nồi đen bồ hóng, những đống rơm. Cảm giác của bạn như thế nào khi giữa lòng thủ đô lại có thể nhìn thấy, ngửi thấy mùi khói bếp rơm? Với tôi ban đầu nó là cảm giác thân thuộc của quê nhà, nhưng khi nghĩ đến ánh đèn thành phố cách chỗ mình đang đứng chưa đến một trăm mét thì lòng lại trĩu nặng.
Tải sản và họ có hầu hết chỉ là xoong, nồi, bát đĩa, ai đi bán hàng rong thì có thêm cái xe đạp hay đôi quang gánh. Không có nhà vệ sinh, không xe máy, không tivi, không tủ lạnh, không máy giặt, không internet. Các bạn đã bao giờ nghĩ có những người đang sống như thế giữa lòng Hà Nội.

Hạnh phúc là gì vậy?

Cả cuộc đời cô chưa bao giờ cô cảm thấy hạnh phúc cả cháu ạ, chồng bỏ, cả ngày cô đi lang thang mua đồng nát kiếm tiền nuôi con, chưa bao giờ cô có cảm giác được hạnh phúc cả
Họ gần như không được cập nhật các thông tin về xã hội xung quanh. Họ như người “rừng” giữa lòng thủ đô xa hoa. Vì tài sản không có gì, không có bất cứ phương tiện giải trí nào cả không tivi, không đài, không internet nên thời gian rảnh rỗi họ chỉ biết nằm ngủ, hoặc tụ tập vài người buôn chuyện giết thời gian.
Tôi rất ấn tượng với một câu hỏi trong phiếu điều tra khi ấy: “Bác/anh/chị có cảm thấy hạnh phúc trong thời gian 6 tháng trở lại đây không?”. Hầu hết câu trả lời của họ là không có gì để cảm thấy hạnh phúc cả. Và có một tình huống khi hỏi câu hỏi này mà tôi chắc sẽ chẳng bao giờ quên. Khi đó gặp cô ở một ngã tư trong chợ Long Biên. Cô đi mua phế liệu, vào cuối ngày cô đang dừng chân nghỉ ngơi một chút thì tôi tới xin phỏng vấn. Khi hỏi đến câu hỏi này, mình chưa rứt lời thì mắt cô ấy rưng rưng và giọng bắt đầu méo đi. Cô từ từ trút những lời tâm sự “Cả cuộc đời cô chưa bao giờ cô cảm thấy hạnh phúc cả cháu ạ, chồng bỏ, cả ngày cô đi lang thang mua đồng nát kiếm tiền nuôi con, chưa bao giờ cô có cảm giác được hạnh phúc cả” .
Cô dứt lời thì sống mũi tôi cũng cay xè, cảm giác nghẹn lòng. Rồi cô từ từ kể về việc chồng bỏ, hai mẹ con phải nuôi nhau, con thì bé, cô thì sức yếu, đau ốm liên miên, tiền thuốc thang không có, tiền cho con đi học cũng không có, cô thương con lắm, cô chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc, cô buồn vì chưa thể mang hạnh phúc tới cho con cô. Mình khóc theo những giọt nước mắt của cô, chẳng biết làm thế nào, mình chỉ biết nắm tay cô thật chặt, động viên an ủi cô cố gắng vì con, để mai này con lớn nó đỡ đần cô. Chắc hẳn người phụ nữ này chất chứa quá nhiều nỗi niềm trong lòng về hai từ “hạnh phúc” và qua cuộc trò chuyện với cô tôi có niềm tin mãnh liệt là cô ấy đã và đang nghĩ đến hai từ “hạnh phúc” , đang cố gắng giành giật hai từ ấy cho con mình. Họ không chỉ đang nghèo về kinh tế, họ còn nghèo về văn hóa, về giáo dục, về thông tin….cái “nghèo đa chiều”.

Bạn có phải là người “khổ” nhất thế gian?

Sau khi chia tay cô, thực sự tôi đã ngồi rất lâu tại vị trí ấy, suy ngẫm về cuộc sống, những thứ mà tôi có. Thực sự cảm thấy mình quá may mắn và tôi đã thực sự biết quý giá cuộc sống của mình, biết trân trọng những gì mình đang có.  Tôi thực sự phải cảm ơn cuộc điều tra khi đó đã cho tôi cơ hội được “lớn lên” rất nhiều. Những hình ảnh đó đã tô thêm những nét làm cho bức tranh về cuộc sống của một cô sinh viên như tôi lúc đó phong phú hơn. Nhưng tôi không khuyến khích các bạn tự mình len lỏi khám phá khu vực này nhé, vì lý do đảm bảo an toàn cá nhân.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói khi chia sẻ những trải nghiệm này, một lần nữa để mọi người có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống, ngoài kia còn nhiều mảnh đời bất hạnh lắm, các bạn hãy trân trọng những gì mình đang có và giúp đỡ người khác bất cứ khi nào có thể.
Diễm My
Nguồn Coshare
http://www.coshare.vn/nguoi-ngheo-giua-long-ha-noi-60-ngay-dieu-tra.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét