Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Ngày 16/10/2013 - Là huyền thoại chưa hẳn đã sướng!

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Là huyền thoại chưa hẳn đã sướng!

Trong lịch sử của đảng cộng sản VN, có hai nhân vật được/bị nâng lên thành hai “huyền thoại” ngay khi họ còn đang sống: Hồ Chí Minh, Cố Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Võ Nguyên Giáp, Cố Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Và một khi đã trở thành huyền thoại, cuộc đời của họ, cho đến cái chết của họ, không còn hoàn toàn thuộc về họ nữa, đặc biệt trong một chế độ như chế độ cộng sản.
Về cái chết, cũng giống như đối với ông Hồ Chí Minh trước kia, cái chết của ông Võ Nguyên Giáp không được đảng và nhà nước cộng sản công bố ngay, vì Bộ Chính trị còn phải bàn bạc về việc công bố tin như thế nào, tổ chức tang lễ ra sao, xử lý như thế nào đối với di hài v.v…
Chỉ có điều, khác với thời ông Hồ Chí Minh, mọi thông tin được nhà cầm quyền kiểm soát chặt chẽ, không gì có thể lọt ra ngoài, còn bây giờ, khi báo chí “lề đảng” buộc phải im lặng chờ “lệnh trên” thì báo chí “lề dân”, các trang mạng xã hội như facebook cho đến báo chí nước ngoài, đã nhanh chóng đưa tin về cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vẫn chưa hết. Sau khi báo chí chính thức được phép đưa tin thì bộ Chính trị lại tiếp tục bàn bạc, tranh cãi về việc chôn ở đâu. Cho đến chiều ngày 7 tháng Mười, nghĩa là đúng 3 ngày sau khi ông Võ Nguyên Giáp qua đời thì nơi chôn cất ông mới được quyết định xong: “An táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa – đảo Yến” (Báo Tuổi Trẻ).
Cái tin này cũng khiến nhiều người ngạc nhiên vì địa điểm chôn cất, theo báo Tuổi Trẻ: “Vũng Chùa-đảo Yến cách đèo Ngang 10km về phía Nam, cách quốc lộ 1 về phía biển khoảng 2-3km. Đây là một vũng biển nhỏ, đảo Yến nằm cách Vũng Chùa 2km ngoài biển…”. Một số blogger cho biết, đây là một nơi “khỉ ho cò gáy”, không có dân. Như vậy nếu người dân muốn đi viếng ông Võ Nguyên Giáp cũng sẽ khó khăn. Báo chí đưa tin đây là kết quả bàn bạc giữa Ban tổ chức lễ tang của nhà nước và gia đình, cũng là nguyện vọng của Đại tướng lúc còn sống.
Nhưng không biết đây có thật là nguyện vọng cuối cùng của ông Võ Nguyên Giáp hay cũng vì một “lý do” nào đó, đảng và nhà nước cộng sản đã quyết định thay cho người đã khuất, y như trước kia, đảng và nhà nước cộng sản đã làm trái đi ý nguyện muốn được hỏa táng, đem tro rải ba miền của ông Hồ Chí Minh? Đối với một chế độ không có cái gì là minh bạch, là trung thực như chế độ cộng sản ở VN thì khó mà biết được.
Ngày nay khi một phần sự thật về cuộc đời của những “huyền thoại” như ông Hồ Chí Minh hay ông Võ Nguyên Giáp được hé lộ, nhiều người đã biết được phần nào mặt trái của những tấm huy chương, những nỗi cay đắng mà những “huyền thoại” đó đã phải chịu đựng trong nhiều năm dài khi họ còn đang sống, bởi chính những người đồng chí, đàn em của mình.
Một người là ông Hồ Chí Minh phải chịu cảnh bị vô hiệu hóa, ngồi chơi làm vì trong những năm cuối đời, có vợ mà không được nhận vợ, có con mà không được nhận con, phải làm thánh sống, từ ngày sinh tháng đẻ, họ tên thật, dòng dõi thật cho đến ngày chết suốt một thời gian dài cũng chẳng có cái gì là đúng. Rồi phải chịu cảnh sau khi chết thi thể không toàn vẹn, không được chôn cất trong bao nhiêu năm…đứng về mặt tâm linh, truyền thống văn hóa của người Việt phải nói là vô phước, bất hạnh.
Còn ông Võ Nguyên Giáp cũng bị đàn em cho ra rìa từ lâu, từ cuối thập niên 60 khi phe Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã thâu tóm quyền hành trong tay, đặc biệt từ sau năm 1975 khi quyền uy tối thượng nằm trong tay ông Cố Tổng Bí thư lâu năm nhất của Đảng Cộng sản VN: Lê Duẩn, hai lần thoát chết về mặt chính trị, may nhờ nhẫn nhục mà giữ được tính mạng. Những năm cuối đời, ông Giáp cũng có lên tiếng góp ý về một vài vấn đề lớn của đất nước, chẳng hạn như về Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ông đã vài lần viết thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường, nhưng không được hồi đáp.
Qua cách đối xử với những người được gọi là có vị trí lớn nhất nhì trong lịch sử đảng cộng sản VN, những người cộng sản cho thấy họ thực sự là những con người như thế nào. Họ không chỉ tàn bạo, sắt máu với kẻ thù, mà còn sẵn sàng tìm mọi cách hãm hại đồng đội, đồng chí nếu cần, kể cả “vị cha già dân tộc” và “anh cả của quân đội” họ cũng không tha.
Khác với những chế độ khác, không “chịu” được nhau là công khai lật đổ, đảo chính, những người cộng sản luôn luôn cố gắng giữ bề mặt tỏ ra đoàn kết nhưng phía sau hậu trường chính trị là những âm mưu bẩn thỉu, những trò chơi đê tiện, hạ gục, loại bỏ nhau trên con đường chính trị không thương tiếc. Vậy mà trong đám tang những con người bị họ chơi cho sát ván hoặc chẳng coi ra gì lúc còn sống, họ lại làm linh đình, đến viếng, bày tỏ xót thương…
Khi những chế độ cộng sản ở Liên Xô hay các nước Đông Âu sụp đổ, bao nhiêu sự thật hậu trường chính trị, những cuộc thanh trừng, hạ bệ nhau trong bóng tối, sự thật về các lãnh tụ, các nhân vật lịch sử, công tội ra sao…mới dần dần được bạch hóa.
Chế độ cộng sản ở TQ, VN hay Bắc Hàn bây giờ rồi cũng thế.
Không biết trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, ông Hồ Chí Minh hay ông Võ Nguyên Giáp có giây phút nào day dứt về những việc mình đã làm, chưa làm, lẽ ra phải làm, day dứt về con đường mà mình đã chọn, trước hiện tại và tương lai ngổn ngang của đất nước, dân tộc? Không ai có thể biết được. Cũng có thể là hoàn toàn không.
Nhưng so với Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp đã sống lâu hơn nhiều, để có thể nhìn thấy hiện thực của đất nước sau chiến tranh, hiện thực của cái giấc mơ mà ông và hàng triệu người cộng sản khác đã mơ, của cái chiến thắng mà ông, một vị tướng, đã đổi bằng hàng núi xương máu của những người lính vô danh và nhân dân vô tội.
Bi kịch lớn nhất của Hồ Chí Minh-người được xem là khai sinh ra nước VN Dân chủ Cộng hòa tức nước Cộng hòa XHCN VN, và Võ Nguyên Giáp-người đã thắng từng kẻ thù mạnh nhất thế kỷ trong chiến tranh, là cái di sản VN lạc đường, lụn bại hôm nay mà họ để lại.
THEO RFA BLOG

Thực hiện chất vấn trong Đảng: YẾU DO NGẠI ĐỤNG CHẠM LỢI ÍCH

Những ngày cuối tháng 9, Hội nghị lần thứ 13 Thành ủy Đà Nẵng thu hút sự chú ý của không ít đảng viên cả nước bởi nối tiếp Quảng Ngãi và một vài địa phương khác, Đà Nẵng cũng đã thực hiện chất vấn công khai trong Đảng. Đánh giá về việc này, PGS-TS Bùi Đức Kháng (Học viện Hành chính, cơ sở TPHCM) cho rằng việc triển khai thành công Quy chế chất vấn trong Đảng (ban hành năm 2008) chính là cách phát huy dân chủ; nhìn thẳng, nói thẳng sự thật để nhanh chóng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Cấp trên chưa gương mẫu

Tháng 6-2008, Bộ Chính trị ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng nhằm tăng cường dân chủ và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng. Mặc dù quy chế ra đời đã 5 năm, nhưng đến nay số tổ chức Đảng thực hiện vẫn chưa nhiều.
Phân tích về việc ì ạch này, TS Hồ Bá Thâm, Phó Bí thư chi bộ 8 khu phố 2 phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, cho rằng cái khó nhất vẫn là tâm lý e ngại vì sợ đụng chạm lợi ích và nguyên nhân còn do nhận thức trong các cấp ủy chưa thông. Thực tế, nhiều cán bộ, đảng viên đương chức rất ngại phát biểu trong sinh hoạt Đảng, nhất là khi góp ý, phê bình chứ chưa nói đến chất vấn. Còn nếu trong trường hợp phải phát biểu thì thường nói chung chung để không mất lòng ai. Ngoài ra, nhiều nơi coi đây là vấn đề nội bộ, không nên “vạch áo cho người xem lưng” nhưng quan trọng nhất vẫn là do cấp trên chưa gương mẫu, chưa quyết liệt yêu cầu cấp dưới thực hiện.
“Việc đấu tranh chưa thẳng thắn, chưa thật sự vì cái chung; phát biểu còn né tránh; thậm chí có những kiểu phê bình nịnh bợ “cười ra nước mắt” đại khái như “phê bình đồng chí lãnh đạo X, Y, Z làm nhiều quá, không quan tâm đến sức khỏe vẫn còn tồn tại đây đó”, PGS-TS Bùi Đức Kháng nói.
Đánh giá việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Tấn Quyên cho rằng, quy chế có đã lâu nhưng chưa thực hiện rộng khắp, một phần do lâu nay chúng ta còn nể nang, quanh co, sợ trách nhiệm, chưa tự phê bình, phê bình đúng nghĩa như Bác Hồ đã nói.

Giúp Đảng gần dân hơn

Nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và một số nơi đã thực hiện thành công thì không có lý do gì các Đảng bộ tỉnh, TP khác lại không làm được việc chất vấn công khai trong Đảng. Vấn đề là làm sao để công tác này được tiến hành có nền nếp, hiệu quả? Đó là trăn trở của không ít đảng viên và quần chúng tâm huyết với Đảng.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nói: “Thực ra trong Đảng luôn phát huy dân chủ, không ai cấm đảng viên được chất vấn, cũng không ai cấm đảng viên không được nói. Nhưng để làm được thì cấp ủy phải chất vấn trước, làm gương cho cấp dưới. Người đứng đầu cấp ủy và các cấp ủy viên phải trong sạch, chủ động và thành tâm thực hiện. Bản thân người chất vấn cũng phải trong sáng, có trình độ, có khả năng thu thập, lắng nghe và tổng hợp thông tin. Nói phải đi đôi với làm – làm phải có kiểm tra, sau đó sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Nếu vì sợ trù dập mà không ai dám chất vấn thì phải xử lý. Nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra các cấp là phải kiểm tra, giám sát nội dung này”.
Theo TS Hồ Bá Thâm, không cần phải e ngại đụng chạm những vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, chất vấn trong Đảng có đặc thù riêng so với chất vấn của cơ quan nhà nước. Ngoài việc chất vấn về chức trách, nhiệm vụ mà Đảng giao phó thì đảng viên có thể chất vấn về tư cách, đạo đức, lối sống, về dư luận quần chúng đối với cán bộ lãnh đạo, về công tác đề bạt nhân sự, kỷ luật cán bộ… Ngoài ra, quần chúng, đảng viên bằng hình thức này, khác cũng có quyền chất vấn lãnh đạo cấp ủy và lãnh đạo cấp ủy phải có trách nhiệm giải trình. “Cán bộ, đảng viên đang chờ đợi những chuyển biến tích cực, những kết quả cụ thể trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực sự “phát huy dân chủ thật sự, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề cập, sẽ giúp Đảng có thêm năng lực, uy tín và sức mạnh, gắn bó mật thiết giữa ý Đảng với lòng dân”, TS Hồ Bá Thâm khẳng định.
* PGS-TS BÙI ĐỨC KHÁNG
“Chất vấn và trả lời chất vấn là cách làm hay để tăng cường tính dân chủ trong Đảng, để đấu tranh tự phê bình và phê bình hiệu quả, giúp Đảng gần dân hơn. Bác Hồ nói dân là gốc. Muốn dựa vào dân thì phải dân chủ, mà trước hết là phải dân chủ trong Đảng, phải công khai minh bạch, phải thực sự nghe dân, nghe đồng chí nhận xét về mình như thế nào. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải tăng cường đối thoại, chất vấn”
THEO SGGP

Tướng Giáp chết và sự khủng hoảng thần tượng

Trong những ngày này, đối với bà con miền Trung vừa thoát thiên tai, bão lũ, nỗi bàng hoàng vẫn chưa hết, thì chuyện đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi, đó là một dòng tin, và với nhiều người, hình như ông ấy là một tướng tài, sống thanh liêm, từng bị đọa và cũng từng kêu gọi chống bauxite Tây Nguyên, câu chuyện dừng ở đó. Nhưng với một số bà con đồng bào thiểu số Tây Bắc, đây là thời gian mà họ thấy rằng thần tượng của họ đã vĩnh viễn ra đi. Xét cho cùng, mọi biểu hiện đều bày tỏ tâm lý con người, nhưng với người bình thường thì mọi chuyện bình thường, với đám đông bị nhồi sọ thì mọi chuyện phát triển theo chiều khác.
Gặp một thanh niên đang khóc bù lu bù loa giữa đoàn người rồng rắn trên đường vào nhà tướng Giáp ở Hà Nội, chúng tôi hỏi thăm, anh nói trong nước mắt rằng anh tên Hồ Văn Từng, đến từ Lao Bảo, Quảng Trị. Chúng tôi hỏi thăm thêm về những hiểu biết và mối gắn kết của anh hoặc gia đình anh với tướng Giáp thì nhận được câu trả lời hết sức khôi hài là anh không biết gì về tướng Giáp ngoài việc được học và hiểu rằng tướng Giáp là một bồ tát sống, ông rất anh hùng và dưới mức Hồ Chí Minh một chút. Anh Từng cho biết thêm là anh được dạy từ lúc còn tấm bé rằng phải tôn thờ bác Hồ và tướng Giáp cũng như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn.
Khi chúng tôi hỏi thêm về hiểu biết của anh Từng với mấy ông vừa nêu tên, kể cả Hồ Chí Minh thì cũng nhận được cái lắc đầu trong nước mắt rằng anh không biết gì, chỉ cần biết đó là những anh hùng dân tộc. Chúng tôi hỏi thêm về Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi, Lê Lợi… Cũng nhận được cái lắc đầu rất ư hồn nhiên và ngây ngô, không biết gì!
Chưa nản, chúng tôi tìm những người khóc và những người rươm rướm nước mắt, cố tiếp cận và hỏi thăm họ thử xem họ hiểu biết về đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều chừng nào thì cũng hỡi ôi, họ biết rất ít về vị tướng mà họ đang khóc. Họ đến tiễn đưa, than khóc là vì họ nghe đài (phát ra từ mấy hiếc loa sắt làng xã) nói về tường Giáp cảm động quá và kêu gọi hãy để tang, những bài viết trên các đài, báo địa phương. Và vì quá cảm động, họ đã băng rừng lội suối, đón xe xuống Hà Nội để tiễn đưa.
Ngoài những đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc khóc bạo trong đám tang tướng Giáp, còn có cả những đoàn viên đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng vừa nắm tay nhau dàng thành hàng rào che chắn những người đến viếng tướng Giáp vừa rươm rướm nước mắt. Cách chỗ họ đứng chưa đầy ba bước chân là không khí chộn rộn của phố phường, người đi ngược kẻ về xuôi sau một ngày lao động vất vả. Và có lẽ, trúng mánh nhất trong đám tang tướng Giáp, nằm về thành phần lao động bình dân là chị chai bao có số có má ở Hà Nội, chỉ riêng chị này được phép lảng vảng lượm chai bao đồng nát trong khu vực đường trước nhà tướng Giáp. Có ngày chị nhặt đến hơn một tạ vỏ chai nước suối, kiếm bèo nhất cũng được một triệu đồng. Đương nhiên là trúng mánh nhất trong đám tang phải nhắc đến những ông cỡ như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng… Có cơ hội phô diễn mối “tương cảm” đồng chí và vô hình trung, sự kính cẩn nghiêng mình của họ cũng tạo dáng cho một mô tuýp “thanh liêm tương xứng” nào đó…!
Có một điểm lạ là cho đến thời điểm bây giờ, ở thế kỷ 21, giữa thủ đô Hà Nội và giữa cái nơi thường xuyên tiếp xúc với nhân dân các nước tiến bộ thông qua con đường du lịch, ngoại giao. Nhưng hiệu ứng đám đông, tâm lý đám đông vẫn còn rất nặng. Đặc biệt là nó chiếm tỉ lệ rất nặng giới trẻ, tầm từ 18 đến 25 tuổi. Vì khi quan sát đoàn người rồng rắn trước nhà tướng Giáp, với số lượng ước chừng 20 ngàn người, trong đó phần đông là thanh niên các dân tộc thiểu số, thành niên mặc áo đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và một số nhóm già cựu chiến binh người Kinh và cựu chiến binh các dân tộc thiểu số.
Và khi chúng tôi thử khảo sát sự hiểu biết của họ về đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng cũng như về chế độ Cộng sản nói chung, kết quả nhận được là có vẻ như họ hoàn toàn không có chút hiểu biết nào về các “thực thể” này cho dù đứng trên góc độ nào. Thậm chí có một cựu chiến binh người Mông còn giải thích với chúng tôi rằng sở dĩ nói tướng Giáp là “anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam” là vì ông lớn tuổi nhất trong quân đội Việt Nam và mang quân hàm lớn nhất trong quân đội Việt Nam, thế thôi(!?).
Điều này cho thấy rằng ngoại trừ những thanh niên yêu nước và những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam, ngoại trừ những trí thức tỉnh thức cùng những dân oan, những người đã nhận thức được thế nào là văn minh, dân chủ, có vẻ như phần đông thanh niên nói riêng và người dân nói chung đã bị mê thuốc quá nặng trong cơn lên đồng tập thể mà người chủ xướng cuộc chơi này không ngoài ai khác là đảng Cộng sản. Họ đã khéo léo nặng ra những thần tượng, nặn ra những “thánh nhân” một cách không ngừng nghỉ nhằm nhồi sọ khắp các miền, khắp các thế hệ để chiêm bái, để kéo theo hàng loạt mê tín chế độ và biểu tượng chế độ.
Và, trong lúc này, khi mà các nhà dân chủ Việt Nam ngày càng hoạt động hăng hái, mạnh mẽ, bất chấp hiểm nguy, bất chấp mọi thứ rủi ro do nhà cầm quyền gây ra, họ sẵn sàng đối mặt mọi thứ để đấu tranh cho con đường dân chủ Việt Nam, thì cũng là lúc hình tượng Hồ Chí Minh bị phai nhạt đi rất nhiều trong những người từng mê tín ông ta. Mà không có gì nguy hiểm cho chế độ Cộng sản bằng khủng hoảng thần tượng. Chính vì thế, tin về cái chết của tướng Giáp cũng là một cơ hội nặn thần tượng, nặng thánh và củng cố thần tượng chủ nghĩa của họ.
Nhưng không biết, trong thế kỉ tiến bộ này, họ sẽ tạo được thần tượng bao lâu và liệu cách làm như thế có còn hợp lý nữa hay không? Nhưng dù sao, cái chết của tướng Giáp cũng cho thấy chưa bao giờ chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam khủng hoảng thần tượng/hình tượng như lúc này!
THEO RFA BLOG

Ngân hàng: Sự an toàn bí ẩn

Có một điều ngạc nhiên thú vị là các ngân hàng Việt có nợ xấu tăng lên nhưng tất cả đều đạt sự an toàn cao hơn về vốn. Càng đặc biệt khi trong đó có một vài ngân hàng được đánh giá an toàn về vốn lại có khả năng mất vốn nhiều hơn.
Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng, được quy định rõ trong luật lệ của giới ngân hàng quốc tế (chuẩn Basel). CAR là thương số của vốn tự có và tổng tài sản rủi ro (tức giá trị các tài sản có nhân với hệ số rủi ro). Ở Việt Nam, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%, theo quy định tại Thông tư 13/2010 của Ngân hàng Nhà nước.
Thời điểm đó đã có nhiều tranh cãi cho rằng 9% là quá cao, ngân hàng khó đáp ứng được. Nhưng sau đó, hầu hết các ngân hàng đều ung dung khi mức CAR cao hơn nhiều so với mức tối thiểu, trừ Agribank, theo số liệu năm 2011.
Cuối năm 2012 trở lại đây, cùng với những khó khăn của thị trường, CAR của hệ thống ngân hàng thương mại tư nhân có xu hướng giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước CAR giảm từ mức 14,01% ở thời điểm cuối năm 2012 về 12,8% vào tháng 6.2013.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, trích lập dự phòng tăng sẽ dẫn đến vốn tự có giảm và cuối cùng CAR giảm theo. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy vốn tự có của khối ngân hàng tư nhân trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 3,68%.
Số liệu hệ thống là như vậy nhưng có một nghịch lý là CAR của một số ngân hàng vẫn tăng lên cùng lúc với nợ xấu gia tăng. Mà trường hợp điển hình có thể kể đến là Navibank.
Cuối năm 2011, tỉ lệ nợ xấu và CAR của Navibank lần lượt ở mức 2,92% và 17,18%. Đến cuối năm 2012, hai con số này lần lượt là 5,64% và 19,09%. Nghĩa là nợ xấu tăng mạnh nhưng hệ số an toàn vốn của ngân hàng này vẫn tiếp tục tăng.
Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2012, lợi nhuận của Navibank chỉ có 2,4 tỉ đồng, trong khi tài sản rủi ro giảm không nhiều. Vậy thì CAR tăng do đâu? Xem xét kỹ hơn, ngân hàng này đẩy vốn tự có lên từ việc phát hành giấy tờ có giá (giá trị tăng gấp 18,5 lần so với năm 2011).
Một trong những lý do khiến các ngân hàng đẩy CAR lên cao chính là xu hướng giấu nợ. “Nếu trích lập đầy đủ thì ngay lập tức CAR phải giảm xuống chứ không thể tăng lên”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết. Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình kinh tế Fulbright, cho rằng các ngân hàng giấu nợ, hoặc đảo nợ bằng cách đưa vào hạng mục Tài sản khác. Ở Navibank, hạng mục này trong năm 2012 tăng 39% so với năm 2011 và gấp 8,4 lần so với năm 2009.
Mặt khác, các ngân hàng đang tận dụng triệt để việc tăng vốn tự có để xử lý nợ xấu hoặc tái cấu trúc và điều này góp phần duy trì CAR ngày càng cao. Chẳng hạn như trường hợp của Bảo Việt Bank và Tiên Phong Bank.
Tháng 12.2012 cả 2 ngân hàng này đồng loạt tăng vốn điều lệ. Bảo Việt Bank tăng từ 1.500 lên 3.000 tỉ đồng và là ngân hàng cuối cùng trong hệ thống hoàn tất yêu cầu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước. Còn Tiên Phong Bank tăng vốn từ 3.000 tỉ đồng lên 5.550 tỉ đồng sau khi ông Đỗ Minh Phú, Tập đoàn Doji, nhảy vào. Hệ quả là CAR ở Bảo Việt Bank tăng lên đến mức 42% còn Tiên Phong Bank lên mức 40,15%. CAR trước khi tăng vốn của 2 ngân hàng này cũng thuộc nhóm cao nhất của hệ thống ngân hàng.
Nhận định về con số CAR lên đến 40% ở 2 ngân hàng trên, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cho biết: “Nếu CAR lên đến 40% thì ngân hàng đó hoặc gần như không huy động nổi tiền gửi hoặc không thể/không muốn cho vay. Kiểu gì cũng không phải là một ngân hàng đang hoạt động bình thường”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, CAR của các ngân hàng ở mức cao chính là một phần do sở hữu chéo.
Có một luận giải khác cho việc CAR có xu hướng tăng. Đó là sự e dè cho vay của các ngân hàng và tập trung vào các khoản đầu tư an toàn với hệ số rủi ro thấp (chẳng hạn trái phiếu Chính phủ). Điều này dẫn đến giảm tổng tài sản rủi ro.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận xét: hầu như các ngân hàng có mức CAR cao đều là những ngân hàng nhỏ. Và trong số đó có nhiều ngân hàng yếu kém. Chẳng hạn như một trường hợp khác là Đại Á Bank (nay đã sáp nhập vào HDbank).
Nhìn về phía trước, cuộc chơi xử lý nợ xấu đang bắt đầu sôi động lên khi VAMC chính thức nhảy vào. “Thành lập VAMC là một cách để giúp các ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu một cách gián tiếp”, ông Giang viết trên blog của mình. Chưa kể trường hợp ngân hàng sẽ được vay tái cấp vốn từ các trái phiếu của VAMC. Chính vì thế, CAR có khả năng tiếp tục tăng lên.
THEO NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Vậy GDP đã chạy đi đâu?

“GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5%, thì không biết GDP chạy đi đâu?”. Thắc mắc này của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại một hội thảo cuối tháng 9 vừa qua chỉ là một trong những ý kiến nghi ngờ về số liệu thống kê kinh tế vĩ mô thời gian qua.
Cũng tại hội thảo nói trên, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan có cùng tâm tư: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin. Nợ xấu đố ai biết chính xác ra sao, tôi không dám tin con số nào vì hôm nay nói thế này mai lại nói thế khác… Nếu cứ căn cứ vào những con số này để phân tích thì đi đến đâu?”.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Bích Lâm, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã lên tiếng. Khẳng định rằng mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu “không đến mức bi quan như một số phát biểu gần đây”, ông Lâm nói:
- Việc các chỉ tiêu thống kê, việc có sự khác nhau giữa các đơn vị là bởi thực tế hiện nay nguồn thông tin còn nhiều bất cập. Do nền kinh tế nước ta trong những năm qua phát triển nhanh với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một địa phương nhưng lại hoạt động trải rộng ở nhiều địa phương khác nhau.
Bên cạnh đó còn có những lĩnh vực hạch toán toàn ngành như: điện, hàng không, đường sắt, ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm… Thực trạng này cho thấy việc bóc tách riêng biệt cho từng địa phương đối với một số lĩnh vực kinh doanh có các chi nhánh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố hoặc xác định kết quả sản xuất của những lĩnh vực hạch toán toàn ngành cho từng địa phương là rất phức tạp, dẫn đến tình trạng tính trùng, bỏ sót giữa các địa phương và giữa địa phương và trung ương.
Mặt khác, sự hợp tác trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp cho ngành thống kê còn bất cập, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa bàn, với nhiều lĩnh vực nhưng không bóc tách thông tin để cung cấp theo yêu cầu phiếu điều tra thống kê.
Bên cạnh đó, hiện nay Tổng cục Thống kê tính toán các chỉ tiêu thống kê trên cơ sở áp dụng theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số bộ, ngành chưa sử dụng đồng nhất với Tổng cục Thống kê về khái niệm, phạm vi hoặc phương pháp thu thập thông tin đối với một số chỉ tiêu do bộ, ngành tính toán như: tỷ lệ nghèo, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, số lượng doanh nghiệp.
Một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thì cung cấp số liệu ban đầu thiếu chính xác và không kịp thời… cũng khiến cho việc tập hợp thống kê gặp nhiều khó khăn.
Nhưng, có thể nói, chênh lệch số liệu ở một số chỉ tiêu thống kê có thể nói là “nỗi niềm đau đáu, là món nợ chưa trả được” của những người làm công tác thống kê trong nhiều năm qua.
Vậy, ông giải thích thế nào với câu chuyện GDP “chạy đi đâu” khi mà các tỉnh thành thì cao ngất ngưởng, trong khi ở cấp Trung ương chỉ là con số khiếm tốn?
Câu chuyện này bắt nguồn từ thực tế, đó là việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của một số địa phương hàng năm, trong đó do áp lực phải phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
Hầu hết nghị quyết đảng bộ cấp tỉnh đều đặt chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khá cao so với thực tế và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của toàn quốc.
Tuy nhiên, thực tế thì mục tiêu tăng trưởng của nhiều địa phương đặt ra vượt quá năng lực và khả năng sản xuất của địa phương và đôi khi có yếu tố cảm tính. Ví dụ, bình quân giản đơn số kế hoạch tốc độ tăng GRDP hàng năm thời kỳ 2011-2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là gần 13,4%, trong khi nghị quyết Quốc hội đặt ra cho cả nước chỉ là 7-7,5%.
Từ đây, cộng thêm với “bệnh thành tích” của một số địa phương, dẫn đến có sự chênh lệch như chúng ta đã biết.
Tất nhiên, vẫn còn tình trạng một số cục thống kê chưa chấp hành chưa nghiêm về quy trình sản xuất số liệu thống kê, hoặc trình độ cán bộ thống kê còn nhiều bất cập.
Nhưng sai số hay sự chênh lệch giữa cấp tỉnh và Trung ương, đặc biệt là ở chỉ tiêu GDP nhiều năm qua là rất lớn, thưa ông?
Tôi cho rằng, nếu đánh giá một cách khách quan thì mức độ chênh lệch của một số chỉ tiêu không đến mức bi quan “một trời, một vực” như một số phát biểu gần đây.
Thực tế thì trong hai năm qua, Tổng cục Thống kê đã đẩy mạnh thực hiện đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương và đã có những kết quả cụ thể.
Trong hai năm 2010-2011, tốc độ tăng GRDP của 63 tỉnh thành đều trên hai con số, trong khi của cả nước lần lượt là 6,42% và 6,24%.
Đến năm 2012 thì đã có nhiều địa phương ở mức một con số và nhất là trong 6 tháng đầu năm 2013, một số địa phương đã tính toán tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP sát hơn với thực tế, gần hoặc thấp hơn mức tăng trưởng của toàn quốc, ví dụ như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bình Thuận…
Vậy liệu có hay không việc “mỗi nhà một kiểu” trong áp dụng các phương pháp thống kê?
Tôi cho rằng, nhìn chung phương pháp thống kê của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trong thời gian qua đã được hoàn chỉnh một bước khá đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi xây dựng, Tổng cục Thống kê đã tham khảo tài liệu, hướng dẫn, khuyến nghị của quốc tế, đồng thời xin ý kiến của các bộ, ngành. Do đó, có thể nói lần đầu tiên hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia với 350 chỉ tiêu thống kê đã có được khái niệm, nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu đi kèm để áp dụng thống nhất trong cả nước.
Tất nhiên, trong quá trình thu thập, tổng hợp, biên soạn số liệu của một số chỉ tiêu vẫn còn có sự chưa thống nhất về khái niệm, phạm vi và phương pháp thu thập thông tin dẫn đến có sự chênh lệch số liệu giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo…
Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để bàn về phối hợp trong công tác thống kê giữa hai bộ.
Tổng cục Thống kê đã và sẽ làm gì để giải bài toán “nhiễu thông tin thống kê” hiện nay?
Trước thực trạng chất lượng thông tin thống kê như vậy và trước đòi hỏi, yêu cầu của người sử dụng, gần đây Tổng cục Thống kê đã có nhiều cố gắng trong việc giảm thiểu tình trạng chênh lệch số liệu. Chúng tôi đã đẩy nhanh việc thực hiện đề án khắc phục chênh lệch số liệu GDP.
Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã cử 5 đoàn công tác đến Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai và Lâm Đồng để cùng với các cục thống kê rà soát, kiểm tra, tính toán lại số liệu GRDP của năm 2011 của các địa phương này.
Kết quả là, GRDP của 5 địa phương này sau khi được tính lại đều thấp hơn từ 2 – 5,5% so với số liệu đã báo cáo. Kinh nghiệm của việc rà soát này được nhân rộng, làm cơ sở để rà soát, tính toán lại GRDP năm 2011 cũng như giai đoạn 2006 – 2010 của các địa phương trên cả nước.
Sau khi có đủ thông tin, Tổng cục Thống kê sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố số liệu GRDP năm 2011 và giai đoạn 2006 – 2010 của 63 tỉnh, thành phố.
Việc rà soát được thực hiện cho các năm tiếp theo với mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm thiểu được tình trạng chênh lệch số liệu giữa trung ương và địa phương, làm căn cứ quan trọng trong quá trình xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên phạm vi toàn quốc cũng như tại các địa phương.
Từ năm 2016, số liệu GDP của cả nước và GRDP của các địa phương sẽ do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành thống kê tăng cường chất lượng thông tin thống kê đầu vào và kỷ luật trong thu thập, tổng hợp, tiếp tục rà soát nghiên cứu, hoàn thiện các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng như tăng cường vai trò điều phối và quản lý nhà nước của trong hoạt động thống kê…
Theo VNECONOMY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét