Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH, THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG: "SỰ KIỆN 26/5/2011 LÀ VỤ VIỆC NGHIÊM TRỌNG"

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN CHÍ VỊNH, THỨ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG: "SỰ KIỆN 26/5/2011 LÀ VỤ VIỆC NGHIÊM TRỌNG"

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Tôi cho rằng cuộc tuần hành của một số quần chúng nhân dân xuất phát từ lòng yêu nước".
Mai Thanh Hải Blog - Trái ngược với tất cả những tuyên bố công khai, đồn đoán âm ỉ suốt gần 1 tuần qua, hôm nay Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã công khai phát biểu rất thẳng thắn, cương quyết về sự kiện 26/5/2011 (3 tàu chiến đấu Trung Quốc núp dưới mác "Hải giám" xâm phạm nghiêm trọng lãnh hải Việt Nam và tấn công, uy hiếp tàu dân sự Bình Minh 02 của VNP ngay trên vùng biển Phú Yên - Khánh Hòa). Ngay khi biết những lời nói của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, rất nhiều anh em bộ đội bạn mình đã thông tin chia sẻ và đều đồng lòng: "Cảm ơn Thủ trưởng đã nói hộ quyết tâm của những người mặc áo lính".

Xin trân trọng giới thiệu những lời của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
---------------------------------------------------

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trên Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La 10, đã chính thức nói về sự kiện 26/5/2011, khi các tàu Hải giám Trung Quốc vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (khu vực 200 hải lý), cắt cáp thăm dò địa chấn, ngăn cản các hoạt động bình thường và đe doạ sử dụng vũ lực đối với con tàu dân sự Bình Minh 2. Dân Việt có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh sau hội nghị Shangri-La 10 về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, Bộ Quốc phòng đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự kiện 26-5?.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (6-2011)
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Vụ việc nghiêm trọng ở 2 giác độ: Thứ nhất, sự việc xảy ra sâu tới 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Thứ hai, đây là một vụ hành xử bạo lực bằng phương tiện dân sự, chính xác thì đây là một hành động dân sự mang tính chất bạo lực. Không thể chấp nhận một cách hành xử như vậy. Đáng chú ý hành động này xảy ra sau một loạt các biện pháp ngoại giao của Trung Quốc. Có thể coi đây là sự thách thức đối với Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.

Ở Hội nghị Shangri-La, tôi đã trả lời một số cơ quan báo chí rằng hôm nay là Việt Nam thì mai cũng có thể là một quốc gia khác. Tính chất nghiêm trọng của sự việc còn ở chỗ Trung Quốc dường như đang muốn biến đòi hỏi “Đường lưỡi bò” từ những tuyên bố vào thực tế, phải chăng Trung Quốc đang đặt ra một khuôn khổ, một cách thức hành xử mới đối với không chỉ Việt Nam?.

PV: Vì sao Việt Nam đưa sự kiện 26-5 nói riêng và Biển Đông nói chung ra những Hội nghị quốc tế, đặc biệt trong một Hội nghị An ninh khu vực tầm cỡ như Shangri-La, trong khi đó Trung Quốc không nhắc gì đến vấn đề này?.
Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đưa vụ tàu Bình Minh 02 vào phát biểu chính thức tại Hội nghị Shangri-La. Quan điểm rất thẳng thắn: "Những hành động của phía Trung Quốc là sai trái". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là giải quyết trong hoà bình và công khai minh bạch. Tôi cho rằng, Trung Quốc không muốn công khai, vì tự nhận thức được rằng họ không đủ sức thuyết phục đối với những tuyên bố hay cách thức hành xử của họ trên Biển Đông.

Chẳng hạn khái niệm "Đường lưỡi bò", ngay cả các học giả Trung Quốc cũng không đưa ra được những căn cứ pháp lý rõ ràng để chứng minh.

Câu hỏi đặt ra với tất cả các quốc gia Châu Á- Thái Bình Dương là nếu sự kiện 26/5/2011 đã xảy ra đối với Việt Nam, thì nó có tái diễn nữa hay không? Ở đâu? Với quốc gia nào? Bao giờ? Với mức độ ra sao? Và trong lĩnh vực nào?...

PV: Việt Nam đã bất ngờ đối với sự kiện 26/5/2011, thưa ông?.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta không bất ngờ về bản thân sự việc, mà chỉ ngạc nhiên trước thái độ thô bạo của tàu Trung Quốc, về toạ độ nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam … Những cam kết, với nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và với chủ quyền rõ ràng như vậy, những tiếng nói quốc tế đã rõ ràng như vậy, mà họ vẫn xâm phạm. Chúng ta đã nói với phía Trung Quốc là họ đã vi phạm và yêu cầu chấm dứt ngay những hành động tương tự.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (trái) và Thiếu tướng Chu Huy Mân, 1
PV: Xin được hỏi thẳng thắn rằng Quân đội, rằng Hải quân đã ở đâu trong sự kiện 26/5, thưa Thứ trưởng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đây là một vụ va chạm dân sự và các chủ thể giải quyết với nhau căn cứ trên các quy định pháp lý. Cơ quan đứng ra giải quyết cũng là các cơ quan thực thi pháp luật chứ không có sự tham gia của Quân đội. Tuy nhiên, Quân đội theo dõi sát sao tình hình và không để xảy ra xung đột vũ trang.

Chúng ta có nhiều cách để giải quyết và ngăn chặn không để những sự việc tương tự xảy ra: Sử dụng sức mạnh của toàn dân; tăng cường các hoạt động đối ngoại để thế giới và khu vực hiểu rõ vấn đề; tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên, đánh bắt cá trên biển trong khu vực chủ quyền; tăng cường hợp tác với các đối tác trong việc khai thác nguồn lợi biển…

Với một hành động bạo lực, không nhất thiết, không có nghĩa là phải đáp trả bằng một hành động bạo lực. Mục đích chính của chúng ta là bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hoà bình, trên tinh thần xây dựng, tuy nhiên cần rất vững vàng, rất kiềm chế và rất kiên trì.

PV: Thưa Thứ trưởng, hồi tháng 3 vừa qua, Phillipines đã sử dụng chiến đấu cơ để xua đuổi tàu Trung Quốc trong một vụ va chạm. Ông bình luận sao về cách thức bảo vệ chủ quyền của họ?.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Ở đây là vấn đề mức độ và cách thức giải quyết. Nếu chúng ta giải quyết được bằng các biện pháp dân sự, các phương tiện dân sự thì đưa tàu chiến, phi cơ ra làm gì?. Việt Nam cương quyết đối với những vấn đề thuộc về chủ quyền, nhưng kiên định với phương pháp giải quyết bằng hoà bình. Ngay trong vụ 26/5, việc giải quyết của chúng ra đã khiến tàu Trung Quốc buộc phải rút lui. Tàu Bình Minh 02 chắc chắn sẽ tiếp tục ra khơi, tiếp tục các hoạt động bình thường tại chính khu vực đó.


PV: Tháng 3 là vụ xung đột với Phillipines, tháng 5 là vụ cắt cáp ở sâu trong khu vực 200 hải lý của Việt Nam. Liệu có thể hiểu đây là một hành động leo thang mới từ phía Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, thưa Thứ trưởng?.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có lẽ chưa đủ để xâu chuỗi và kết luận như vậy. Tuy nhiên, nếu tiếp tục có thêm một sự kiện Bình Minh 02 nữa xảy ra thì đây rõ ràng là một hành động leo thang. Thậm chí, đó còn là một thông điệp đối với không chỉ Việt Nam, mà còn đối với các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

PV: Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát biểu trên diễn đàn hội nghị Shangri-La, ở Việt Nam, quần chúng nhân dân đã thực hiện một cuộc tập hợp ôn hoà để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trong vụ 26/5, ông biết tin đó khi nào và suy nghĩ của ông?.
Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại ĐH Đảng bộ Quân đội 1960


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho rằng cuộc tuần hành của một số quần chúng nhân dân xuất phát từ lòng yêu nước. Và chỉ có lý do là lòng yêu nước mà thôi. Tuy nhiên tôi cho rằng việc đó là không nên. Người dân nên tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã và sẽ có những giải pháp để bảo vệ chủ quyền rất cương quyết nhưng bằng biện pháp hoà bình.

PV: Một câu hỏi mà ngư dân rất quan tâm, nhiều trường hợp ngư dân đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuy nhiên, họ bị phía Trung Quốc bắt bớ, ngược đãi và đòi tiền chuộc. Nhiều trường hợp, như thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, đã phá sản. Ông có khuyên họ tiếp tục ra khơi?.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Khuyến khích và tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi là một trong những biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tự những người ngư dân khi ra khơi cũng đã ý thức được trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và họ cũng đã có những biện pháp tự bảo vệ. Mô hình tập đoàn đánh cá là một ví dụ. Gần đây nhất, chủ trương thành lập lực lượng kiểm ngư đã được nêu lên. Đây sẽ là một trong những lực lượng có trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ ngư dân. Hải quân nói riêng và Quân đội nói chung đương nhiên có trách nhiệm bảo vệ ngư dân.

PV: Trong khi đó thì dường như Việt Nam chưa từng bắt giữ, ngược đãi bất cứ một ngư dân nước ngoài nào xâm phạm lãnh hải?.


Trung tướng Nguyễn Thành Cung, PCNTCCT tại Trường Sa (5-2011)
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam luôn luôn xử lý nghiêm khắc, nhưng rất nhân đạo và giúp đỡ ngư dân Trung Quốc cũng như các nước khác dù họ vi phạm. Chúng ta lập biên bản, yêu cầu không tái phạm, sau đó cung cấp dầu, nước, thực phẩm cho họ, và mời họ ra. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục cư xử nhân đạo như vậy và không có lý do gì để thay đổi một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Ngư dân của Việt Nam hay Trung Quốc cũng đều là người lao động, đa phần là dân nghèo, họ không có lỗi. Lỗi thuộc về những người quản lý khi họ không giải thích cho ngư dân biết những khu vực không thuộc về Trung Quốc, không được xâm phạm.

PV: Một câu hỏi khác, thưa Thứ trưởng, ông nghĩ sao về những ngôi chùa mới mọc lên ở Trường Sa?.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể đơn giản là một biểu tượng cho sự trường tồn và lòng tin vào chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!.

Nguồn bài phỏng vấn: Blog Tuanddk

9 nhận xét:

NokiaX6 nói...
Tại sao không phải là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam hoặc Bộ trưởng Quốc phòng trả lời phỏng vấn mà lại là Thứ trưởng Vịnh!
chậm hiểu nói...
Thưa Trung tướng,tôi nghĩ rằng tất cả người dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung,không ai muốn có chiến tranh,ai cũng muốn sống trong hoà bình,hữu nghị.Bản thân tôi cũng như những bậc cha mẹ và tôi tin là cả Trung tướng nữa,không ai muốn con cháu mình lại phải cầm súng,phải đổ máu vì chiến tranh.
Nhưng như các cụ đã có câu"Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng"ta nhún nhường,nhẫn nhịn không phải vì ta sợ,nhưng ta nhường nhịn nhiều quá kẻ vô học nó lại cho là ta sợ,nó càng lấn tới.Ta có thể nhịn một lần,hai lần,ba lần chứ không thể nhịn mãi được.Nên trong tâm không ai muốn có chiến tranh,nhưng cũng phải có biện pháp cứng rắn.
Nhân dân ta rất yêu chuộng hoà bình nhưng cũng không hề sợ chiến tranh,một khi lòng tự hào của dân tộc cũng như chủ quyền của tổ quốc bị xâm phạm.
Nặc danh nói...
Trong một cuộc phỏng vấn khác với Tuổi Trẻ ( TVN) đăng lại Ông Vịnh còn phát mạnh hơn nữa :
"Những vụ việc gần đây trên biển Đông cho thấy giữa tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc với hành động thực tế rất khác biệt, nói không đi đôi với làm, thậm chí việc làm đi ngược lại với lời nói. Ông nghĩ sao về việc này?

- Cái đó thời gian sẽ trả lời. Bộ trưởng Lương Quang Liệt phát biểu tại Shangri-La rất tầm cỡ, rất hòa hiếu, thiện chí. Chúng ta chờ những hành động cụ thể thể hiện thiện chí đó. Còn với một đất nước có một sự quản lý chặt chẽ như Trung Quốc, việc cấp dưới đi ngược lại ý kiến cấp trên là điều khó xảy ra.

Vụ tàu Bình Minh 02 nghiêm trọng ở chỗ trước đây Trung Quốc cũng đã đâm tàu và cắt cáp rồi, nhưng khu vực xảy ra là ở vùng ngoài 200 hải lý hoặc vùng tranh chấp. Còn đây là vào rất sâu vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, không phải tàu cá đâm tàu cá mà đây là tàu chấp pháp xử lý một tàu dân sự trong vùng biển Việt Nam.

Thứ ba, đó là hành vi bạo lực."

* Bài Theo Tuổi Trẻ (tiêu đề phụ do Tuần Việt Nam đặt)
Phát biểu liên tục và rất mạnh mẽ trước kỳ họp QH sắp tới; Liệu sau trúng số rồi có còn hăng hái được như vậy không? Lại phải dùng câu của ông :"- Cái đó thời gian sẽ trả lời." Hãy chờ xem? ABS bình....
Nặc danh nói...
Trang ABS :
– Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời phỏng vấn VTV (VTV). Ngoài ra độc giả còn méc vài bài khác (rồi vài độc giả khen ổng nói mạnh), nhưng không điểm nữa, vì bắt đầu lo cho ông tướng nầy…
Gốc Sậy nói...
Nhà cháu tìm trên báo Dân Việt chưa thấy bài này???
Nặc danh nói...
Cụ Thanh mất năm 1967 sao có thể ngồi cùng Cụ Hồ Chí Minh "tại ĐH Đảng bộ Quân đội 1969"???
Mai Thanh Hai nói...
Bài này... sắp đăng bác Gốc Sậy ợ!
Mai Thanh Hai nói...
Xin lỗi bác Nặc danh 00:54, đúng là có sự nhầm lẫn trong chú thích, nhà cháu đã sửa lại đúng nguyên tác "tại ĐH Đảng bộ Quân đội 1960".

Xin chân thành cảm ơn bác và mong được bạn đọc thứ lỗi.
Nặc danh nói...
đất nước đã thay đổi , lãnh đạo cao cấp đã nghe tiếng nói của dân, muốn tồn tại không cậy nhờ vào thế lực bên ngoài, nhờ sức mạnh đoàn kết toàn dân, hiện tại tất cả cán bộ cấp cao của Việt Nam đã lên tiếng phải đảm bảo toàn vẹn chủ quyền biển đảo, vẫn chưa thấy nói tới bảo vệ an toàn cho người dân đi biển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét