Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Lực lượng nào sẽ làm thay đổi Việt Nam?

Nguyễn Hưng Quốc - Lực lượng nào sẽ làm thay đổi Việt Nam?

Rất nhiều người có chung một nỗi băn khoăn: Bao giờ thì Việt Nam được dân chủ hoá? Để trả lời câu hỏi ấy, hầu như ai cũng biết một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam chỉ có thể xảy ra với một trong hai tình huống: Một, từ trên xuống; và hai, từ dưới lên.
Dân chủ hoá từ trên xuống là một cuộc cách mạng lý tưởng nhất bởi nó nhanh nhất và ít bị trả giá nhất: Đó là các cuộc cách mạng đã diễn ra tại Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, khi giới lãnh đạo ý thức là không thể kéo dài nguyên trạng và chấp nhận thay đổi chế độ ngay cả khi biết với sự thay đổi ấy họ sẽ mất tất cả quyền lực.
Theo tôi, một cuộc cách mạng loại này rất khó xảy ra ở Việt Nam. Có hai lý do chính.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 13/5/2014.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 13/5/2014.
Thứ nhất, ở Việt Nam không có, và sẽ không có một nhà lãnh đạo nào, dù sáng suốt đến đâu, có quyền lực để tự mình quyết định những sự thay đổi lớn lao liên quan đến số phận của cả chế độ. Kết cấu quyền lực ở Việt Nam khác hẳn ở các quốc gia cộng sản khác trước đây cũng như hiện nay: Ở các nước ấy, chủ tịch đảng cũng đồng thời là chủ tịch nước. Khi nắm trong tay cả hai chức vụ ấy, người ta dễ dàng trở thành kẻ quyết định cuối cùng. Ở Việt Nam, ngược lại, người lãnh đạo đảng và người lãnh đạo nhà nước và chính phủ khác nhau, do đó, không ai thực sự có quyền quyết định những vấn đề lớn cả. Tất cả đều phải thông qua ý kiến tập thể, ít nhất của Bộ Chính trị. Để cả tập thể ấy thống nhất với nhau về việc thay đổi chế độ để dân chủ hoá là một không tưởng.
Thứ hai, chắc chắn Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận Việt Nam được dân chủ hoá trước. Khi thấy Việt Nam có dấu hiệu rục rịch từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn Trung Quốc sẽ can thiệp ngay. Trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam bị lệ thuộc vào Trung Quốc trong rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế đến chính trị, những sự can thiệp ấy rất dễ thực hiện.
Bởi vậy, triển vọng lớn nhất của xu hướng dân chủ hoá ở Việt Nam là từ dưới lên. Tuy nhiên, ở đây lại có một vấn đề lớn: Lực lượng nào sẽ đảm nhiệm công việc thay đổi theo chiều hướng dân chủ ấy? Để trả lời câu hỏi ấy, các nhà bình luận chính trị và xã hội có thói quen nhìn vấn đề từ góc độ kinh tế - xã hội với những thành phần giai cấp khác nhau.
Trước hết, đông đảo nhất ở Việt Nam là các nông dân. Trong nhiều năm qua, những kẻ bị áp bức và bóc lột nhiều nhất ở Việt Nam cũng là các nông dân. Những cuộc biểu tình đông đảo và gây chú ý trong dư luận nhất cũng gắn liền với nông dân. Lý do dễ hiểu: một trong những yếu tố quan trọng nhất bị giới lãnh đạo Việt Nam khai thác để làm giàu và phân phối lợi nhuận để mua chuộc sự trung thành của các đảng viên chính là đất đai. Việc cướp đất ấy dẫn đến sự bất mãn của nông dân ở nhiều địa phương khác nhau. Lâu nay, rải rác đây đó, có các cuộc biểu tình của nông dân nhằm chống lại lệnh cưỡng chế của chính quyền.
Nhưng những sự bất mãn và các cuộc biểu tình ấy có thể dẫn đến việc làm thay đổi chế độ hay không? Câu trả lời hầu như chắc chắn: Không. Lý do đầu tiên là hầu hết nông dân thường chỉ nghĩ đến những cái lợi cụ thể trước mắt: khi chính quyền cướp đất của mình thì mình vùng lên tranh đấu, nhưng khi chính quyền cướp đất của người khác thì người ta dễ khoanh tay đứng ngó, hoặc, khi tình hình căng thẳng quá, chính quyền chỉ cần nhân nhượng một tí, họ cũng dễ dàng thoả mãn và từ bỏ mọi toan tính chống đối. Lý do thứ hai là tuy nông dân chiếm một phần lớn dân số nhưng họ bị cô lập về phương diện địa lý: làng này xuống đường tranh đấu, làng khách chưa chắc đã biết. Từ việc cô lập về địa lý dẫn đến sự cô lập về truyền thông và hậu quả là không có nhiều người biết. Điều này dẫn đến hai hậu quả khác: Một, ít người ủng hộ; và hai, khó phát triển thành những cuộc xuống đường rầm rộ để có thể uy hiếp được chính quyền.
Còn lực lượng công nhân? Ở Việt Nam, giai cấp công nhân càng ngày càng lớn và đời sống kinh tế của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự bất mãn của họ, nếu có, thường nhắm vào chủ nhân của xí nghiệp hơn là vào chính quyền. Chủ nhân của các công ty lớn lại thường gắn liền với người ngoại quốc, do đó, thù hận của họ cũng hướng ra bên ngoài. Đó là lý do tại sao cho đến nay, hầu hết các cuộc đình công hay biểu tình thường diễn ra trong các xí nghiệp và công ty do người ngoại quốc làm chủ.
Giới thanh niên và trí thức Việt Nam hiện nay có thể được xem là thành phần “tiến bộ” nhất: Nhiều người trong họ thấy được những sự bất lực và bế tắc của nhà cầm quyền cũng như có khát vọng được tự do. Tuy nhiên, “nhiều” không có nghĩa là đa số. Khác với ở Ai Cập và các quốc gia Trung Đông trong cách mạng mùa xuân đầu năm 2011, nơi tỉ lệ thanh niên, dù đã tốt nghiệp đại học, thất nghiệp rất cao, ở Việt Nam, về phương diện kinh tế, thanh niên không đến nổi quá khó khăn, do đó, rất khó hy vọng họ sẽ kết tập lại thành một trận chung để đấu tranh cho dân chủ.
Một thành phần khác có khả năng đương đầu với chính quyền là các tôn giáo. Ở tôn giáo nào cũng có những người phản kháng, nổi bật nhất là Cao Đài, Hoà Hảo, Phật giáo và Công giáo. Hai tôn giáo đầu chỉ giới hạn ở các tỉnh phía Nam; Phật giáo thì bị quá phân tán; chỉ có Công giáo là tương đối thống nhất, và do đó, khá mạnh, nhưng dù mạnh đến mấy thì, một mặt, Công giáo cũng chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số; mặt khác, do chỉ là một thiểu số, họ khó trở thành những nhà lãnh đạo cho phong trào dân chủ trong cả nước.
Nói tóm lại, từ góc độ kinh tế và xã hội, sẽ không có lực lượng nào đủ sức để chống lại chính quyền, thậm chí, gây sức ép để chính quyền phải thay đổi chế độ.
Một vấn đề có thể được đặt ra: Tại sao tất cả các thành phần trên không thể kết hợp lại với nhau để thành một lực lượng duy nhất và mạnh mẽ? Dĩ nhiên, điều đó có thể xảy ra, và trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, đó là niềm hy vọng duy nhất để có dân chủ. Có điều: khi nào, và với điều kiện nào, tất cả các thành phần trên có thể đứng lại được với nhau? Câu trả lời: Tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Người Việt Nam, bất kể thành phần kinh tế, xã hội và tôn giáo, sẽ đoàn kết lại khi đất nước bị uy hiếp và khi chính quyền bất lực, thậm chí, đầu hàng trước những sự uy hiếp ấy. Tất cả những sự uy hiếp ấy chỉ đến từ một nguồn: Trung Quốc.
Nói cách khác, theo tôi, lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam chỉ đoàn kết và trở thành mạnh mẽ khi Trung Quốc gia tăng mức độ lấn chiếm biển đảo và khi chính quyền Việt Nam càng lộ rõ bản chất nhu nhược của họ trong thế trận đối đầu với tham vọng bành trướng ấy.
Nguyễn Hưng Quốc
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Quốc hội cần minh bạch việc lấy phiếu tín nhiệm

Ngày 15/11 tới đây, Quốc hội VN sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh dân cử do Quốc hội bầu và chỉ định trong một phiên họp kín. Dư luận đặt câu hỏi, một Quốc hội của dân sao lại thiếu minh bạch và công khai trong vấn đề giám sát quyền lực nhà nước của cử tri như vậy?
Làm cảnh cho đẹp?
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm mục đích nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cách làm này giúp những người liên quan nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình.
000_Hkg2394941-622.jpg
Một phiên họp Quốc Hội tại Hà Nội, ảnh minh họa.
Đồng kết quả tín nhiệm cũng là cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền và việc miễn nhiệm chức vụ đối với người mà Quốc hội không còn tín nhiệm.
Theo nghị quyết của Quốc hội, ngày 15.11.2014 tới đây, Quốc hội VN sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh dân cử do Quốc hội bầu và chỉ định trong một phiên họp kín.
Các chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm đó là: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước…
Cái chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm ngược đời, ở trên thế giới chúng tôi biết rằng không có nước nào họ làm như thế cả.  - GS Nguyễn Minh Thuyết
Nói về ý nghĩa và sự cần thiết của việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, LS.Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội của Việt Nam cho biết:
“Nếu chúng ta không tìm được trách nhiệm của những người đứng đầu, mà để cho đất nước suy đồi như thế này, làm cho người dân bất bình, bất mãn như thế này thì rõ ràng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đó chỉ làm cảnh cho đẹp. Mà lại còn bỏ phiếu bí mật nữa thì thôi đừng bỏ, vì nó lại càng làm phũ phàng cái lòng tin tưởng lần cuối cùng của người dân vào cái cơ quan quyền lực cao nhất. ”
Khi được hỏi, ông có đánh giá thế nào về việc Quốc hội tiến hành tổ chức họp kín để lấy phiếu tín nhiệm?
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định:
“Cái chuyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm ngược đời, ở trên thế giới chúng tôi biết rằng không có nước nào họ làm như thế cả. Tức là chia thành hai bước, lấy phiếu và bỏ phiếu. Lấy phiếu thì lại là 3 mức chứ không phải 2 mức, mà cả 3 mức đều là tín nhiệm, đó là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Và lấy phiếu tín hiệm thì chỉ lấy một lần giữa nhiệm kỳ thôi. Thế thì làm sao thúc đẩy được công việc, làm sao thúc đẩy được người?Mà lại còn bỏ phiếu kín nữa thì bỏ phiếu làm gì? Cái đó nó đi ngược với xu hướng công khai minh bạch hiện nay, vì thế tôi cho rằng tốt nhất là không bỏ phiếu nữa. Bởi vì nếu tổ chức thì mất thì giờ, tốn kém vả lại còn dấu phiếu kín kể cả Đại biểu Quốc hội cũng không biết thì tôi không biết bỏ phiếu để làm gì?”

000_Hkg9116355-305.jpg
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khóa 13 hôm 21 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội.
LS.Trần Quốc Thuận thấy rằng theo Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội có thể họp kín đối với những vấn đề quan trọng như an ninh, quốc phòng… Theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm là Quốc hội thực hiện vai trò giám sát đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, do đó theo ông không cần thiết phải họp kín.
LS.Trần Quốc Thuận khẳng định:
“Còn bây giờ bỏ phiếu kín thì tôi coi là hoạt động không bình thường, vì các vị đó là do Quốc hội bầu và phê chuẩn, toàn dân đều biết. Bây giờ sự tín nhiệm của các vị ấy cũng là sự tín nhiệm của các cử tri, sao không báo cho cử tri họ biết? Kín là thế nào, như là Hội nghị TW6 trước đây đề xuất kỷ luật người nọ người kia cuối cùng cũng không biết đề xuất ai? Cho nên người ta nói không nên có việc kín, kín rồi kiểu gì người ta cũng biết, vì gần 500 đại biểu Quốc hội họ về họ sẽ nói toang ra hết. Đã là đại biểu Quốc hội, là người công khai và chịu trách nhiệm trước cử tri mà không biết mình được tín nhiệm thế nào, mà còn bỏ phiếu kín thì đó là công việc tôi cho là không bình thường và đi ngược với xu thế chung.”
Thiếu sự cạnh tranh?
Nói về nguyên nhân khiến cho Quốc hội thường có các quyết định không phù hợp với lòng dân, cụ thể là việc tổ chức họp kín khi lấy phiếu tín nhiệm lần này. TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS nhận xét:
Vì không có bất kỳ sự cạnh tranh, không có một sự vận động, không có sự chọn lọc của các nhóm xã hội để đưa ra các ứng cử viên sang giá, thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một Quốc hội có chất lượng?  - TS Nguyễn Quang A
“Cái Quốc hội này, kể cả cái Quốc hội trước cũng thế là Quốc hội mà đại bộ phận là các đại biểu đảng cử, dân bầu thì không thể nào có chất lượng được. Vì không có bất kỳ sự cạnh tranh, không có một sự vận động, không có sự chọn lọc của các nhóm xã hội để đưa ra các ứng cử viên sang giá, thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một Quốc hội có chất lượng?”
Khi được hỏi về giải pháp để có thể có một Quốc hội hoạt động thực sự có hiệu quả, GS. Nguyễn Minh Thuyết thấy rằng cơ chế đảng cử dân bầu là điểm cần phải dần dần tháo gỡ để khắc phục. Theo ông quan trọng nhất là sự nhận thức của người dân.
GS. Nguyễn Minh Thuyết nói:
“Chính người dân cũng phải tự trách mình, vì người dân thế nào thì Quốc hội như thế. Nếu bao giờ người dân của mình thật giác ngộ, mình đi bầu với sự chọn lựa cẩn thận thì khi ấy người dân sẽ có một Quốc hội như ý của mình. Còn bây giờ người ta bảo đưa ra 5 người lấy 3 người ông cũng tìm bằng được cho đủ 3 người mặc dù ông không biết mặt 3 người ấy, tài của 3 người ấy thì sẽ bầu vào các đại biểu như thế thôi. Theo tôi quan trọng là giác ngộ của người dân, bây giờ mà cứ một người cầm cả nắm phiếu đi bầu cho cả nhà thì làm sao mà chính xác? Chỉ khi nào người dân giác ngộ được quyền làm chủ của mình thì lúc ấy đất nước sẽ có dân chủ hơn và lá phiếu của người dân sẽ có giá trị hơn.”
Đại biểu Quốc hội là người thay mặt cử tri thực hiện quyền lực nhà nước tại Quốc Hội, do đó Quốc hội phải công khai, minh bạch kết quả bỏ phiếu tín nhiệm cho cử tri biết. Nay việc Quốc hội lại tổ chức họp kín để lấy phiếu tín nhiệm cho các chức danh Quốc hội bầu hoặc chuẩn thuận, điều đó không chỉ đi ngược với xu hướng công khai minh bạch, mà còn gây thất vọng cho đa số dân chúng, vì họ có cảm giác rằng đã bị Quốc hội phản bội họ.
Anh Vũ
(RFA)

Luật Báo chí không thực thi tự do báo chí

Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng như các bản hiến pháp trước đó đều bảo đảm người dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nhưng Luật Báo chí ban hành năm 1989 sửa đổi 1999 trên thực tế chỉ là một bộ Luật quản lý hoạt động báo chí vốn dĩ là trực thuộc nhà nước. Luật Báo chí sẽ được sửa đổi vào năm 2015, nhưng thông tin cho thấy Dự Luật này cũng không thực thi quyền tự do báo chí theo Hiến pháp qui định, mà thực tế là để kiểm soát sự xé rào của truyền thông đa phương tiện.
Sửa đổi để kiểm soát?

Đáp câu hỏi phải chăng các nhà báo công dân ở Việt Nam đang tự thực hiện quyền tự do báo chí qua blog, facebook và các mạng xã hội khác. Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp từ Sài Gòn nhận định:
000_Hkg7508717-600.jpg
Một sạp báo vỉa hè Hà Nội chụp hôm 26/6/2012
“Hiến pháp qui định mọi người công dân được quyền tự do ngôn luận, họ dùng chính phương tiện họ có trong tay để nói điều họ suy nghĩ, họ nhận định về một vấn đề gì đó. Nếu anh lên tiếng cấm cản điều đó… anh biết bây giờ là vấn đề này là vấn đề toàn cầu không còn của riêng quốc gia nào hay của khu vực nữa rồi. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận nhau, hiểu nhau, thông cảm nhau, lắng nghe được nhau đó là điều căn bản điều chính. Còn dùng bạo lực để trấn áp thì tôi nghĩ rằng sẽ đưa đến hậu quả không hay.”
Theo báo điện tử VnMedia, Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí tổ chức ngày 12/11/2014 tại Hà Nội, ông Nguyễn Bắc Son Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông báo động về hiện tượng “tư nhân hóa báo chí”, “thương mại hóa báo chí”. Ông Bộ trưởng nhấn mạnh phát triển báo chí đi đôi với quản lý báo chí và phải thể chế hóa một cách chi tiết và cụ thể quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Qua lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, có thể hiểu rằng dù Việt Nam không chấp nhận báo chí tư nhân, nhưng Nhà nước hiện nay vẫn không yên tâm đối với hoạt động báo chí truyền thông của chính nhà nước. Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới 40.000 người.
Nhà báo Võ Văn Tạo từng có hơn chục năm làm báo chuyên nghiệp trong hệ thống báo chí nhà nước từ Nha Trang phát biểu:
“Một trong những biểu hiện của tự do báo chí là có báo chí tư nhân, không nói thì nhân dân cũng biết, lực lượng báo chí của nhà nước cũng biết và quốc tế cũng biết. Ở những thể chế cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng thì chuyện tự do báo chí là một điều cấm kỵ. Tại sao thế, rất nhiều người đồng ý với tôi rằng những thể chế độc tài thì bao giờ cũng sợ sự thật.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị tổng kết Luật Báo chí được Báo Xây Dựng và Đời sống Pháp luật trích lời nói rằng, sửa đổi Luật Báo chí lần này phải có tầm nhìn xa vì thế giới đã thay đổi rất nhanh và báo chí là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Ông Đam nhấn mạnh rằng, sự phát triển của công nghệ thời gian qua diễn ra đặc biệt nhanh chóng, do vậy khi xây dựng Luật phải tính được những thay đổi này.
_MG_1652-250.jpg
Một sạp báo ở Saigon. RFA photo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tỏ ra có chút phóng khoáng về hoạt động truyền thông. Nếu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo phải thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng phủ trùm hoạt động truyền thông báo chí và đề phòng tư nhân hóa báo chí, thì ông Vũ Đức Đam quan niệm không nên đóng sập cánh cửa, bịt hết mọi thứ  trong nhu cầu phát triển báo chí chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực. Ông Đam nêu ra ví dụ trong phát triển của Hệ thống Truyền hình Việt Nam VTV có sự liên kết, xã hội hóa một số chương trình cũng như nội dung. Điều này đặt ra yêu cầu mới và theo Phó Thủ tướng khi xây dựng Luật cần tính đến nhu cầu phát triển chính đáng của cơ quan báo chí tương lai.
Những điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra có lẽ là khá mới mẻ đối với các cán bộ phụ trách văn hóa tư tưởng. Xã hội hóa theo cách nói ở Việt Nam ngày nay có nghĩa có sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội vào một lĩnh vực nào đó và tất nhiên trong trường này hợp được hiểu là có sự tham gia của tư nhân trong hoạt động truyền thông báo chí.
Không thể cấm phương tiện thông tin toàn cầu
Bên cạnh 838 cơ quan báo chí 67 đài phát thanh truyền hình, Việt Nam hiện có 90 báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các báo in. Mặc dù tất cả các lĩnh vực báo chí dù truyến thống hay đa phương tiện, đa truyền thông đều chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Nhưng rõ ràng Luật Báo chí sửa đổi lần cuối vào năm 1999 chỉ mới đề cập xơ sài về lãnh vực báo chí điện tử đa phương tiện. Dự luật báo chí 2015 được cho là sẽ kiến tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn nữa để Nhà nước quản chặt hơn những đứa con của chính mình.
Theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái hiện nghỉ hưu ở Sài Gòn, Internet và các ứng dụng tuyệt vời của nó phát triển rất mạnh trong báo chí truyền thông lề phải. Nhưng đồng thời cũng là phương tiện để các nhà báo công dân thực hiện quyền tự do báo chí. Ông nói:
“Phương tiện thông tin đa truyền thông không thể cấm được, muốn cấm cũng không được bởi vì đây là phương tiện thông tin toàn cầu. Trên tất cả các hệ thống mạng phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới có những mạng nhà nước không thể kiểm soát được. Vì thế thông tin trên mạng là chuyện đương nhiên không thể ngăn cản nổi. Ở Việt Nam ngay cả chuyện sử dụng điện thoại di động có nhiều trẻ mục đồng vừa chăn trâu vừa gọi điện thoại di động. Huống hồ là với các phương tiện thông tin đa truyền thông thì làm sao cấm cản được nhất là ở thành thị.”
Tuy nhà nước không thể cấm các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài nhưng công an có thể trấn áp bắt giữ những nhà báo công dân đang sống trong nước và truyền tải thông tin lên các trang mạng đó. Một danh sách dài những tên tuổi như  Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phạm Bá Hải, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Lê Quốc Quân, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy là những thí dụ điển hình.
Trả lời Hải Ninh trên TV Online Đài RFA, nhà báo cũng là blogger Đoan Trang một nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ nhận định:
“Cái hay của trang web anh Ba Sàm là anh đã tạo được một cộng đồng gần như một gia đình trên blog của anh ấy. Từ khi anh chưa bị bắt thì trang web của anh ấy liên tục bị tấn công. Rất nhiều đợt tấn công đã xoá bỏ dữ liệu luôn, đóng cả trang luôn. Mỗi lần như vậy bà con độc giả lo lắng lắm. Họ mong chờ anh, họ làm thơ về anh rằng bao giờ anh trở lại chúng đánh anh chết rồi. Mọi người rất quan tâm, quý vị cũng có thể hình dung được là sau khi anh Ba Sàm bị bắt thì nó gây làn sóng cảm xúc như thế nào ở trong cộng đồng blogger việt Nam. Người ta phẫn nộ, người ta lo lắng mà thực sự là cũng có nỗi sợ. Người ta sợ rằng bắt quá dễ, mà bắt chỉ vì việc đã post bài lên mạng hoặc là chỉ vì đã làm chủ cái blog nổi tiếng như vậy mà cũng bị bắt được. Thế thì chúng ta đều là các tù nhân dự khuyết cả.”
Luật Báo chí 1989 được Quốc hội sửa đổi năm 1999 có đoạn mở đầu rất đặc biệt: “Để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân…Luật này qui định chế độ báo chí.” Từ đó đến nay công dân Việt Nam chưa bao giờ có quyền tự do báo chí, cũng không có báo chí tư nhân.
Dự luật Báo chí sửa đổi để thực thi Hiến pháp 2013 đang được góp ý để Quốc Hội xem xét thông qua vào nghị trình 2015. Nếu như Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Nguyễn Bắc Son cương quyết với thể chế hóa sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong hoạt động báo chí do nhà nước quản lý và đề phòng chặt mọi manh nha tư nhân hóa báo chí, thì giấc mơ tự do báo chí ở Việt Nam vẫn còn xa vời vợi.
Nam Nguyên
(RFA)

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI

TIN KINH TẾ

TIN DIỄN ĐÀN

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét