Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Khái niệm ‘chủ nghĩa xã hội’ (socialism) qua Emile Durkheim

Trường Sa của chúng ta sẽ bị uy hiếp

 Boxitvn

Nguyễn Trọng Vĩnh
Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dươg 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, nhân dân ta phẫn nộ đấu tranh quyết liệt, báo chí dư luận thế giới phê phán như tát nước vào mặt Trung Quốc, tiếc rằng lãnh đạo Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội kiện Trung Quốc. Rát mặt quá, giới cầm quyền Trung Quốc tạm rút giàn khoan đi nơi khác để tình hình lắng dịu xuống. Nhưng âm mưu của Trung Quốc đối với Biển Đông không thay đổi, họ vẫn dựa vào cái “lưỡi bò” phi lý, phi pháp của họ để tuyên bố chủ quyền biển, đảo của họ trong đó và họ vẫn từng bước lặng lẽ tiếp tục hành động…
Trung Quốc là kẻ cướp đất, cướp biển, Việt Nam là nạn nhân, Trung Quốc là kẻ mạnh, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng đi cầu hòa là ở thế yếu. Thông thường thì trong đàm phán, kẻ mạnh thường áp đặt điều kiện cho kẻ yếu. Ví dụ như trong đàm phán về lập lại quan hệ bình thường ở Thành Đô, do Việt Nam ở thế yếu nên sau khi đoàn về, phía lãnh đạo ta không còn đả động gì đến cuộc xâm lược của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới của ta năm 1979, đến cuộc đánh chiếm điểm 1509 trong huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Không truy tặng liệt sĩ cho bộ đội chiến đấu hy sinh năm ấy và 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh năm 1988 ở Gacma. Không ai chăm sóc mồ mả và hương khói cho các liệt sĩ, sau đó là Bộ Trưởng Ngoại giao đầy tài năng Nguyễn Cơ Thạch đã sớm biết rõ dã tâm của Trung Quốc, mất chức.

Đối với “đặc phái viên” Lê Hồng Anh, phía Trung Quốc có nêu điều kiện gì không thì không biết. Trong hội đàm với Lưu Vân Sơn, đặc phái viên Lê Hồng Anh cầm giấy đọc, nội dung những gì thì không được biết. Sau đó Lưu Vân Sơn phát biểu, khi hội kiến TBT Tập Cận Bình thì Tập Cận Bình cũng phát biểu.
Qua báo chí công khai của cả ở Việt Nam và Trung Quốc, tổng hợp lại phát biểu của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ bản không có gì mới, chủ yếu vẫn là những câu phỉnh phờ, mê hoặc, “ăn người’ lâu nay họ từng nói, nào là: Trung Quốc rất tôn trọng Việt Nam, là hai nước láng giềng không tránh khỏi “va chạm” (!), vấn đề chính là xử lý như thế nào…, mâu thuẫn ở Nam Hải (Biển Đông) song phương đàm phán tìm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, hợp tác cùng khai thác, cùng là Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng có mục đích xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cần thường xuyên giao lưu trao đổi ý kiến, lấy đại cục quan hệ Trung – Việt làm trọng, giữ gìn truyền thống hữu nghị giữa hai nước, kiên trì phương châm 16 chữ và 4 tốt, hai bên quan tâm định hướng dư luận nhân dân hai nước…
Thử phân tích xem những nhà lãnh đạo Trung Quốc nói như trên có thật không và có ý gì?
-Trung Quốc rất tôn trọng Việt Nam: Có thật vậy không? Vài năm trước báo chí Trung Quốc không ngớt thóa mạ và đe dọa Việt Nam, nào là Việt Nam là lang sói, là quân ăn cháo đá bát, phải dạy cho Việt Nam bài học thứ hai, gần đây trong chuyến đi Việt Nam của Dương Khiết Trì, báo Trung Quốc còn đăng câu: “Hãy đưa đứa con hoang đãng trở về” (ám chỉ Việt Nam). Lần này họ nói với Việt Nam như thế để buộc chặt Việt Nam vào cỗ xe của họ. Đừng gần gũi quá với họ.
- Hai nước láng giềng có “va chạm” nhau là điều không tránh khỏi, quan trọng là xử lý thế nào… Trung Quốc lấn, cướp của Việt Nam chứ đâu phải là va chạm, họ muốn ta không đấu tranh, không làm ồn ào, các mâu thuẫn họ gây ra ở Biển Đông, họ muốn ta đàm phán “song phương” để dễ bắt nạt, đồng thời chia rẽ ta với các nước Đông Nam Á.
- Hợp tác cùng khai thác: Trước đây Đặng Tiểu Bình đã từng nêu “Chủ quyền về ta” (Trung Quốc), gác tranh chấp cùng khai thác”. Nay họ tạm giấu đi mấy chữ “chủ quyền về ta” để dỗ ta cho khai thác trong phạm vi thuộc chủ quyền của ta.
-Gìn giữ truyền thống hữu nghị giữa hai nước: Làm gì có truyền thống hữu nghị mà giữ gìn? Ai cũng biết từ các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến thời Đặng Tiểu Bình đều đem quân xâm chiếm nước ta, giết hại nhân dân ta, Đặng còn cướp Hoàng Sa của ta, lấn thác, lấn đất biên giới, lấn Vịnh Bắc Bộ của ta. Ngay trong hai cuộc kháng chiến, Trung Quốc có giúp ta nhưng cũng có lợi ích của họ đồng thời cũng nhằm thu phục ta vào vòng tay của họ. Khi ta thắng lợi, họ lại phản bội ta. Giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ có xâm lược và chống xâm lược mới là truyền thống.
- Hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều có chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm: Từ khi Đặng Tiểu Bình phát biểu: “Mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là mèo tốt” thì thực tế Trung Quốc đã từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác – Lênin, rẽ theo con đường khác rồi, nên ba thập niên qua, họ đã tiến những bước khổng lồ. Họ vẫn nêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc nhưng họ đương thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình để trở thành một thứ Đế chế hùng cường. Còn Việt Nam thì đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mây. Họ cứ nói bừa cùng chung mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội để buộc ta với họ, không ngả về Mỹ.
- Kiên trì phương châm “16 chữ, 4 tốt”, định hướng dư luận nhân dân: Từ khi nêu ra chiêu ấy, chỉ có lãnh đạo Việt Nam thực hiện, Trung Quốc có thực hiện đâu? Toàn làm ngược lại, còn yêu cầu Việt Nam tuyên truyền cho thứ “hữu nghị giả dối” ấy, ngăn chặn tuyên truyền và biểu tình chống Trung Quốc.
Đoạn trình bày trên đây cho thấy giới cầm quyền Trung Quốc có tài lừa phỉnh, có tài đổi trắng thay đen, đem 60 vạn quân xâm lược nước ta, lại nói là “phản kích tự vệ”, đánh cướp đảo của Việt Nam lại nói là “thu hồi”, đưa hàng trăm tàu có cả tàu chiến, đâm hỏng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư, đâm chìm tàu cá của ngư dân ta lại nói là “tàu Việt Nam khiêu khích”. Giới cầm quyền Trung Quốc, chuyên nói một đàng làm một nẻo, mồm nói “hữu nghị”, nhưng đương chuẩn bị căn cứ để “đánh chiếm đảo”, cụ thể là: Gần đây máy bay do thám của nước ngoài cho biết trên bãi đá Gacma không người ở trong quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đánh chiếm của chúng ta năm 1988, Trung Quốc đương đổ cát đá để xây dựng Gacma và các bãi đá xung quanh thành các đảo nhân tạo nhằm khẳng định chủ quyền của họ đồng thời sẽ xây dựng thành căn cứ chiến đấu có đường cho máy bay cất, hạ cánh. Sự kiện nguy hiểm này lẽ nào lãnh đạo và Bộ Quốc phòng Việt Nam lại không biết. Bộ máy truyền thông không đả động, lãnh đạo vẫn im lặng.
Nếu giới cầm quyền nước ta không sớm tố cáo, đấu tranh, lại bưng bít thông tin, không để cho nhân dân đấu tranh… để đến khi căn cứ quân sự của Trung Quốc hoàn thành sẽ trở thành sự uy hiếp nặng nề đối với quần đảo Trường Sa của chúng ta. Không hành động, không chuẩn bị là có tội với Tổ quốc./.
N. T. V.
Tác giả gửi cho BVN

Vì sao phá ngục lại là biểu tượng của cách mạng?

Đáp lại những ý kiến không thuận về án tù giam cho Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh, hệ thống thông tin nhà nước hẳn sẽ cho rằng một vụ án hình sự đã bị các thế lực thù địch chính trị hóa, dù thực tế, các cấp chỉ đạo họ thừa biết mức độ chính trị của vụ việc.

Tôi đã tự hỏi: đưa Bùi Thị Minh Hằng vào án là một cơ hội ngẫu nhiên hay đã được toan tính từ đầu, mà mồi nhử là sự vụ với Nguyễn Bắc Truyển trước đó? Phải chăng, theo quan niệm “cảnh giác cách mạng”, một Nguyễn Bắc Truyển nay có gia đình vợ sống ở vùng có tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (và cả các họ đạo Cao Đài) là đã quá đủ, hiện diện thêm một Bùi Thị Minh Hằng vừa dấn thân và hiệp nghĩa, vừa xông pha, ứng biến và lợi khẩu…, là sẽ quá thừa những bất ổn tiềm tàng? Bởi, cho dù chính quyền không hề sợ Bùi Thị Minh Hằng (hay bất kỳ người hoặc nhóm người nào) thì họ vẫn sợ cái cảm hứng (nằm xuống để đất nước này) đứng lên mà Bùi Thị Minh Hằng có thể sẽ trực tiếp truyền sang người dân nơi này.
 
http://vietsciences2.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/images/bastille_prise.jpg

Dù việc “xây dựng” án ra sao và mức án như thế nào, thì giới quan tâm thời cuộc cũng đã quá hiểu sự “bình thường” của công lý ở xứ sở này, nhưng hòn đá mà phiên tòa đó quăng thêm vào, trên con đường đi tới đã lởm chởm gạch đá của Việt Nam, là điều khó tránh khỏi trong suy nghĩ.

Không thể không lo âu trước việc chặn giữ, bắt bớ, hành hung những người muốn đến phiên tòa “công khai” ấy. Theo dõi thông tin trong ngày xử, cảm giác như có sự ruồng bố khắp Bắc, Trung, Nam với nhiều thứ “nghiệp vụ”, cốt để những người bị xử không nhận được sự hậu thuẫn tinh thần và hỗ trợ chứng lý tốt nhất có thể.

Cho dù ai ủng hộ sự cản trở này, chỉ cần một ít lương tri, cũng biết rằng những việc đó xâm phạm quyền tự do đi lại và tự do cư trú. Nhưng điều đáng ngẫm là, sâu hơn thế, sự xâm phạm hiển nhiên này, và mọi thứ chà đạp khác lên quyền con người, từ lâu đã được khoác chiếc áo chính nghĩa, với biện minh rằng vì sự nghiệp cách mạng, có thể dùng đến mọi biện pháp cách mạng. Và theo lẽ ấy, không một “biện pháp nghiệp vụ” nào mà lại không là biện pháp cách mạng. Nó đã trở thành lý lẽ tự nhiên đến mức hồn nhiên, đánh dân cũng vì công việc chung. Những năm gần đây, việc truy đuổi, hành hung, dẫn đến cái chết hoặc gây thương tích cho dân cứ nở rộ lên. Có ai trong chính quyền đã tự hỏi tình trạng đó phần nào là hiện tượng “đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt” khi công an, an ninh và các loại công cụ sống của họ ở các địa phương đã quá quen với việc truy bức, đánh đập những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động khác, mà không bị xem là phi pháp và xử lý theo pháp luật?

Với tinh thần chính nghĩa bất chấp tất cả đó, từ những “nghiệp vụ” nhỏ đến sự xâm hại lớn chẳng là bao xa, và cũng chẳng dễ dàng thức tỉnh. Hầu như những kẻ sống bằng quyền lực chuyên chế, đến ngày tàn của chế độ hay khi đứng trước sự phán xét, vẫn tin vào cái chính nghĩa bất chấp của mình. Chẳng hạn, các biện pháp tàn bạo của Khmer Đỏ thực chất cũng chỉ là “cưỡng chế” các quyền con người căn bản: quyền thân thể và sinh mạng, quyền cư trú và đi lại, quyền ngôn luận, quyền hôn nhân…, nhằm tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thế mà, trong khi cả loài người đều thấy rõ sự sai trái đó, thì bản thân họ lại không. Tại những phiên tòa xử các lãnh tụ Khmer Đỏ, kẻ thì dứt khoát rằng chẳng gây tội gì với nhân dân Campuchea mà là do Việt Nam, kẻ thì nói chỉ do cấp dưới làm.

Quay lại phiên tòa Đồng Tháp, sự bất chấp dường như đã ở một nấc mới khi đã triệt tiêu thành công mọi cố gắng đến gần nơi xử. Đó là nối tiếp thành công của việc triệt tiêu lần tổng biểu tình thứ hai chống giàn khoan 981, và hẳn sẽ được nhân rộng “mô hình” cho những sự vụ tương tự lần sau. Cái nguy cơ tiềm tàng của thành công kiểu này là người dân mất hết cơ hội biểu thị thực tế sự phản đối của mình một cách hòa bình. Thay vào đó, khả năng biểu thị phi hòa bình sẽ tăng lên một khi những bất bình xã hội cứ tiếp tục tích tục và dồn nén.

Cơ hội chuyển đổi hòa bình thì vẫn luôn có, nhưng phiên tòa này đem lại một nỗi lo, là khả năng đối đầu và hỗn loạn cũng đã tăng lên, tương ứng với sự nâng cấp của ý chí triệt hạ những tiếng nói và hành động tự do.

Cái ý chí đấy lắm khi khiến người ta phải tức cười. Như ở bản án này, không kể việc phải quàng cho được án từ chuyện đi xe hàng ba, tình tiết chỉ đúng một cái đánh vào tay, không chút trầy xướt, mà bị cáo không thừa nhận, cũng bị quy tội hành hung công an, khiến tôi phải phì cười mà nghĩ: lực lượng bạo lực sao ngày càng “mong manh, dễ vỡ” đến thế.

Tôi liên tưởng ngay đến đến chuyện vì âu lo người thi hành công vụ bị tổn thương sức khỏe và tinh thần từ hai cái tát (trong đó một cái vào mũ bảo hiểm) nên người ta quyết giam sáu tháng (ban đầu là chín tháng) một nữ sinh có bệnh về thần kinh, bất chấp tương lai học hành của cô bé. Cũng vì sự tổn thương của những nam nhi có quyền hành mà trong vụ khác, một cô gái phải ngồi tù hai năm (ban đầu là ba năm) bởi cắn hai vết.

Cùng lúc, tôi cũng nhớ đến vụ một câu nói năm năm tù, đến những vụ án mà với vài con vịt, nhiều người phải ở tù nhiều năm. Tôi cũng sực nhớ đến một vụ đã lâu (thời Việt Nam chỉ có báo giấy, chưa có internet), ở một tỉnh miền Trung, dân nghèo vì trộm cáp của đường dây cao thế mà chịu án tử vì (bị cho là) xâm phạm an ninh quốc gia…

Bất giác, tôi “khai sáng” cho mình một điều mà từ lâu đã tự đặt sang một bên, không lý giải. Đó là việc phá ngục Bastille mở đầu cho Đại Cách mạng Pháp 1789. Lần đầu tiên biết chi tiết này hồi trung học, tôi đã thắc mắc: vì sao giải thoát tội phạm lại là biểu tượng của cách mạng? Giờ, từ hiện thực tôi hiểu được lịch sử. Thì ra, trong trong nhà tù chuyên chế, không chỉ có những kẻ “đúng người đúng tội”, mà còn là nơi giam cầm chính những sản phẩm-nạn nhân của một xã hội đã băng hoại mọi giá trị, nơi thi hành những bản án oan ức từ sự lượng tội tắc trách hay lượng hình độc đoán, nơi nối tiếp tận cùng sự bất công đối với những người dân bị tước đoạt điền sản bằng quyền lực, nơi hoàn tất những vụ án ngụy tạo với những ai chỉ muốn thực thi quyền con người vốn có và chống lại sự bạo ngược của cường quyền…
02-05/09/2014 Lê Tuấn Huy
© 2014 Lê Tuấn Huy & pro&contra

Chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình đã thất bại như thế nào?

Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Minxin Pei, Project-Syndicate
Trung Quốc gần đây đã tổ chức một loạt các nghi lễ cao cấp và trang trọng nhằm vinh danh kỷ niệm 110 năm ngày sinh cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mà hầu như thế giới bên ngoài ít ai chú ý đến. Tuy nhiên, tương tự như hầu hết các lễ hội chính trị ở Trung Quốc những ngày này, rất ít người bỏ thời gian để suy nghĩ về những gì đang diễn ra – và đặc biệt sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình thực sự có ý nghĩa như thế nào. Trong khi Đặng Tiểu Bình xứng đáng được đánh giá cao vì đã đưa Trung Quốc trở về từ vực thẳm sau khi chìm đắm trong chủ nghĩa Mao, cách tiếp cận của ông – tức “chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình” hay chủ nghĩa phát triển độc tài – hiện đang cản trở triển vọng của Trung Quốc.
deng_xiaoping
Để phân biệt nhà cải cách Đặng Tiểu Bình và triết lý cai trị chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình không phải là một chủ đề học thuật đơn giản. Đặng Tiểu Bình, người đã đánh đổi thẩm quyền của ông cũng như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để phá vỡ chủ thuyết Maoist và khởi động cuộc cách mạng kinh tế của Trung Quốc, đã qua đời vào năm 1997. Chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh mục tiêu hiện đại hóa đất nước dưới sự kiểm soát của một nhà nước độc đảng mạnh mẽ, và cho đến ngày nay thì chủ nghĩa này tiếp tục ăn sâu vào hệ thống cai trị ở Trung Quốc.
Đặng Tiểu Bình, người nổi tiếng với câu nói: “Mèo trằng mèo đen không quan trọng miễn là nó bắt được chuột”. Câu nói này thường được biết đến như một ý niệm mang tính thực dụng nao núng ở Trung Quốc. Nhưng ngay cả ý niệm thực dụng này cũng bị các nguyên tắc cốt lõi giới hạn hành động của chúng, và Đặng Tiểu Bình cũng không ngoại lệ. Hai ý tưởng này không thể chối cãi: ĐCSTQ chỉ có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực chính trị bằng cách phát triển kinh tế, và Trung Quốc chỉ có thể hiện đại hóa nếu nằm dưới sự lãnh đạo của hệ thống độc đảng mạnh mẽ.
Như vậy, quan điểm của Đặng Tiểu Bình là khước từ tất cả ý niệm về dân chủ dưới mọi hình thức. Mặc dù ông chủ trương cải cách hệ thống pháp luật như một công cụ để hiện đại hóa Trung Quốc nhưng Đặng Tiểu Bình đã kiên quyết rằng pháp quyền [thượng tôn pháp luật] không được phép hạn chế quyền lực của ĐCSTQ.
Để chắc chắn, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra một số bệnh lý trong một nhà nước độc đảng. Với các vị trí lãnh đạo cấp cao vốn thường được bổ nhiệm thông qua các mối quan hệ cá nhân chứ không phải là phẩm chất, ông hiểu rằng hệ thống độc đảng hoạt động không hiệu quả, mang lại nhiều sự rủi ro và thiếu các chuyên môn kỹ thuật.
Nhưng Đặng Tiểu Bình đã bị thuyết phục rằng cải cách hành chính có thể giải quyết những vấn đề này. Ông cũng không thể nào lường trước được những khó khăn và sự khán cự đến từ bên trong nội bộ ĐCSTQ vì họ không muốn mất hoặc giảm bất kỳ quyền hạn nào mà họ đang nắm giữ.
Tốc độ cải cách diễn ra qua chậm chạp đã khiến Đặng Tiểu Bình thất vọng rất nhiều, và trong những năm cuối thập niên 1980, ông đã yêu cầu thủ tướng Triệu Tử Dương – người có tư tưởng cải cách – lãnh đạo một lực lượng đặc nhiệm cấp cao bí mật xem xét lựa chọn các phương án thay đổi căn bản – nhưng lần này lại trực tiếp nhắm vào hệ thống chính trị. Nhưng khi nhóm của Triệu Tử Dương đã khẳng định rằng để tiến tới hiện đại hóa thì việc này đòi hỏi phải kết hợp một số nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, ngay lập tức Đặng Tiểu Bình đã bác bỏ ý kiến này. Quan điểm của ông rằng hiện đại hóa cần phải giữ quyền lực tập trung trong tay của một đảng duy nhất đã thất bại trong việc dự đoán các mối đe dọa cũng như hạn chế sự phát triển bền vững mà đất nước cần đương đầu.
Đây là bi kịch của chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình. Chủ nghĩa này được sự tín nhiệm một phần vì người sáng lập ra nó đã quyết tâm phá bỏ một hệ thống độc ác và phá hoại, và xây dựng lại một nước Trung Quốc thịnh vượng hơn và nhân đạo. Tuy nhiên, sự tín nhiệm này đã được tiếp tục sử dụng để biện minh cho việc duy trì một hệ thống mà hiện nay đang cản trở sự tiến bộ của Trung Quốc.
Thất bại lớn nhất của chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình là không có khả năng giải thích cho việc mất kiểm soát quyền lực và nuôi dưỡng sự lạm quyền, tham nhũng trong tầng lớp cầm quyền. Thất bại chính trị lớn nhất của chủ nghĩa này là chống lại các kế hoạch cải cách dân chủ cần thiết để chế ngự quyền lực vừa nêu.
Trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình, mâu thuẫn vốn có và những hạn chế của chủ nghĩa này lại ít rõ nét hơn. Suy cho cùng, người dân Trung Quốc đã bị đàn áp quá lâu nên chỉ cần cải cách kinh tế cũng đủ cho họ thấy đất nước đang tiến bước vượt bật về phía trước. Thật vậy, bằng cách tạo ra không gian cho sự sáng tạo cá nhân và doanh nghiệp, họ đã tung ra một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử và đưa hàng triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Nhưng việc thiếu quyết tâm cải cách chính trị nên Trung Quốc không có hệ thống nào có thể ngăn chặn được lực lượng thống trị chiếm đoạt những giá trị cũng như thành quả mà đất nước đã đạt được, và họ đã không phân bổ sự giàu có một cách cân xứng đến cho người dân. Tiết lộ gần đây về nạn tham nhũng có hệ thống ở tất cả các cấp chính quyền chứng minh rằng đây là mối đe dọa lớn nhất đối với sự thành công kinh tế mang tính dài hạn của Trung Quốc, và hiện tệ nạn này không có đối thủ ngăn chặn chúng cũng như nhà nước một đảng đã trở nên quá bất lực.
Tin tốt là Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã nhận ra vấn đề này. Ngoài việc rao giảng tiếp tục theo đuổi cải cách kinh tế định hướng thị trường mà Đặng Tiểu Bình đã đề ra, ông đã chỉ đạo một chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ nhất kể từ khi lên nắm quyền. Hồi tháng Bảy, ông đã chỉ đạo ra một cuộc điều tra chính thức nhắm vào một trong những nhân vật cấp cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang – một minh chứng cho cam kết của ông trước việc diệt trừ nạn lạm dụng quyền lực.
Tập Cận Bình mong muốn trở thành nhà cải cách vĩ đại kế tiếp của Trung Quốc. Điều này có thể lý giải tại sao chính phủ của ông đã đầu tư rất nhiều sức lực trong việc tán dương thành tích của Đặng Tiểu Bình. Nhiều người mong rằng Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cạnh tranh với Đặng Tiểu Bình và hy vọng ông sẽ không bị sập vào bẫy chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình.
________
Minxin Pei là giáo sư ngành Quản lý Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ.
Tựa đề do CTV Phía Trước đặt
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Khái niệm ‘chủ nghĩa xã hội’ (socialism) qua Emile Durkheim

Vietstudies

Nguyễn Thị Kim Quý
Sinh viên Tiến Sĩ ngành Giáo Dục Đại Học
Đại học Melbourne

Mở đầu
Nhắc tới chủ nghĩa xã hội người ta nghĩ ngay tới Karl Marx, vì học thuyết của ông đã trở thành một biểu tượng nền tảng cho hệ tư tưởng của nhiều nước trên thế giới trước thời Chiến Tranh Lạnh và một số quốc gia hiện nay. Trên thực tế có thể nói Karl Marx (và cộng sự đắc lực của ông là Friedrich Engels) là người đã phát triển một hệ thống tư tưởng khá đồ sộ về chủ nghĩa xã hội trong bộ Tư Bản, nhưng cần nhớ là ngay trước và sau khi Marx hoàn thiện lý thuyết này đã có vô số tác giả khác nhau cùng bàn về chủ nghĩa xã hội. Emile Durkheim, nhà xã hội học kinh điển người Pháp, là một trong số ấy. 
Emile Durkheim là một trong 3 ‘nhà sáng lập’ ngành xã hội học cổ điển (cùng vời Karl Marx và Max Weber), một môn khoa học non trẻ mới xuất hiện từ thế kỉ 19. Marcel Mauss, nhà nhân học nổi tiếng (tác giả của ‘Luận về biếu tặng’/‘The Gift’), người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, đồng thời là cháu họ của ông, nhận xét như sau về Durkheim trong tập bài giảng ông bàn về chủ nghĩa xã hội (Chủ nghĩa xã hội và Saint-Simon/ Socialism and Saint-Simon, những bài giảng được thực hiện năm 1895-1896, được in thành sách trong Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge & Kegan Paul):
‘Durkheim hiểu khá rõ về chủ nghĩa xã hội qua những tác gia đã khai sinh ra nó, như Saint-Simon, Schaeffle, và Karl Marx- nhà tư tưởng mà một người bạn Phần Lan, tên Neiglick, đã khuyên ông đọc khi ông ở Leipzig. Trong suốt cuộc đời mình, Durkheim không hào hứng với việc gắn mình vào chủ nghĩa xã hội, vì ông thấy mình không phù hợp với một số đặc điểm của phong trào này: tính bạo lực, tính giai cấp mà chủ yếu là của giai cấp công nhân, cùng với giọng điệu chính trị của nó. Durkheim là người chống đối mạnh mẽ mọi hình thức chiến tranh, dù là đấu tranh giai cấp hay chiến tranh giữa các quốc gia’. (tr.2)
Trong phần giới thiệu cho lần tái bản những bài giảng về chủ nghĩa xã hội của Durkheim bằng tiếng Anh năm 1959, nhà xã hội học người Mĩ Alvin Gouldner cho rằng nhiều người sử dụng lý thuyết xã hội học hay tìm hiểu tư tưởng của Durkheim thường ít chú ý tới tập bài giảng này của ông về chủ nghĩa xã hội. Điều đặc biệt ở Durkheim là ở chỗ, không như những nhà bình luận hay phân tích chủ nghĩa xã hội khác, Durkheim không đi sâu vào nghiên cứu một hệ thống lý thuyết riêng nào (chẳng hạn, chỉ nghiên cứu về lý thuyết của Karl Marx), tức là, ông không tiếp cận chủ nghĩa xã hội như là một kết quả của khoa học, mà coi nó là một đối tượng của nghiên cứu. Chính vì thế, ông cất công tìm lại nguồn gốc của chủ thuyết này, vạch ra những điều kiện xã hội nào đã phát sinh ra nó, cũng như xu hướng hiện tại của nó. Định hướng này đã đưa ông về lại với toàn bộ công trình của Saint-Simon (Xanh Xi-mông), người mà Karl Marx coi là một nhà ‘chủ nghĩa xã hội không tưởng’. Khác Marx, Durkheim nhận xét như sau về tư tưởng của Saint-Simon:
Nó phức tạp vô cùng bởi nó hàm chứa phôi thai cho tất cả những dòng tư tưởng lớn của thế kỉ 19; cho phương pháp mà Augustin Thiery, học trò của Saint_Simon, và của tất cả những nhà sử học lớn sử dụng để khôi phục ngành khoa học lịch sử; cho triết học thực chứng mà Comte, một học trò khác của Saint-Simon đã phát triển thành hệ thống triết học mới mẻ ở thời đại của chúng ta; cho chủ nghĩa xã hội mà ở đó ta đã thấy những hình thái đặc trưng nhất của nó. (tr.122).
Bài viết này trình bày định nghĩa về chủ nghĩa xã hội của Durkheim thông qua việc tóm tắt cách tiếp cận của ông. Việc đi sâu phân tích quá trình Durkheim tìm hiểu tư tưởng của Saint-Simon và các học thuyết xã hội chủ nghĩa đương thời như một đối tượng của khoa học (và qua đó giúp ông phân biệt rõ ‘chủ nghĩa xã hội’ và ‘chủ nghĩa cộng sản’ là hai lý thuyết trái ngược nhau), cùng với những nhận định và kết luận của ông, vượt quá phạm vi bài viết này.
Hi vọng sau bài viết này sẽ có nhiều người quan tâm tới tư tưởng của Emile Durkheim về các vấn đề như xã hội dân sự, dân chủ, tôn giáo, sự phân chia lao động, v.v…Để thấy rằng, khi những vấn đề của thế kỉ 21 vẫn còn phải đặt ra những câu hỏi đã có từ cách đây gần 2 thế kỉ, thì có lẽ cần phải chiêm nghiệm lại tư tưởng của những người đã bắt đầu những câu hỏi đó.

Tóm tắt cách tiếp cận nghiên cứu chủ nghĩa xã hội của Emile Durkheim
 
Những nhà nghiên cứu thời Durkheim coi chủ nghĩa xã hội là hệ lý thuyết về bản chất và sự tiến hóa của xã hội nói chung, đặc biệt của xã hội đương thời. Với tư duy đó, họ sẽ phân tích một học thuyết chủ nghĩa xã hội cụ thể (như của Karl Marx chẳng hạn) bằng việc trừu tượng hóa nó khỏi thời gian, không gian và tương lai của lịch sử, bóc tách những khẳng định, lập luận, phương pháp, kết luận của học thuyết. Sau đó, người phân tích sẽ đánh giá xem học thuyết đó đúng hay sai, có phản ánh thực tại hay không.
Durkheim cho rằng làm như vậy là một việc dễ làm nhưng cũng rất rủi ro. Ông e ngại rằng làm như vậy đồng nghĩa với việc thực sự coi học thuyết này là một lý thuyết khoa học. Nói cách khác, những học thuyết chủ nghĩa xã hội lại không được Durkheim coi là một khoa học thực sự. Vì sao vậy?
Thứ nhất, theo Durkheim, một học thuyết khoa học chỉ nghiên cứu những gì đã và đang xảy ra. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội là học thuyết hoàn toàn hướng tới tương lai, là một đề cương tái tổ chức xã hội – cái xã hội vẫn còn nằm trong sự hình dung. Nói cách khác, đó là một ‘lý tưởng’. Tất nhiên, ở hình thức không tưởng nhất, các học thuyết này vẫn sử dụng những cứ liệu thực tế cho lập luận của mình. Nhưng Durkheim cho rằng các nhà xã hội chủ nghĩa, vì rất nôn nóng muốn tìm ra liều thuốc điều trị căn bệnh tập thể làm thống khổ quần chúng thời bấy giờ, đã ‘ép’ khoa học xã hội phục vụ học thuyết của mình, thay vì dựa vào khoa học để tìm ra căn nguyên của căn bệnh. Rất dễ thấy một khoảng cách quá lớn giữa những dữ liệu mà một học thuyết xã hội chủ nghĩa mượn từ khoa học và những kết luận thực tiễn mà nó rút ra, để rồi chính những kết luận thực tiễn ấy, thay vì những phát hiện nghiên cứu, lại trở thành trung tâm của học thuyết.
Thứ hai, Durkheim e ngại rằng, để tiên liệu xem những hiện tượng xã hội, như gia đình, tài sản, chính trị, luân lý, luật pháp hay kết cấu kinh tế của các dân tộc châu Âu ra sao đòi hỏi phải nghiên cứu những thể chế và tập tục này trong quá khứ, nghiên cứu cách mà nó thay đổi trong lịch sử, và nghiên cứu những điều kiện chính quyết định những biến đổi đó. Chỉ đến khi đó ta mới có thể đặt câu hỏi một cách lý tính rằng chúng sẽ cần phải ra sao trong điều kiện của xã hội hiện tại. Nhưng mỗi vấn đề này lại là một thế giới riêng, và giải pháp thì không thể nào có thể tìm thấy ngay lập tức được cho dù nhu cầu có là vậy chăng nữa. Những cơ sở chặt chẽ để rút ra kết luận về tương lai, nhất là ở một tầm vĩ mô như vậy, chưa được thiết lập ở điều kiện khoa học xã hội còn quá non trẻ như hồi thế kỉ 19. Durkheim nêu ví dụ về bộ Tư Bản của Marx: tác phẩm này mong muốn giải quyết vô số những vấn đề phức tạp, đòi hỏi sẽ cần rất nhiều số liệu thống kê, so sánh lịch sử, và mỗi câu hỏi có khi là cả một công trình. Tuy vậy, ngay cả thuyết giá trị của Marx cũng chỉ được trình bày trong một vài đoạn. Durkheim nhận xét rằng những dữ kiện và quan sát mà các lý thuyết gia này thu thập còn thiếu rất nhiều, nhưng các tác giả đó lại háo hức muốn đưa ra kết luận nhằm thiết lập một học thuyết đã được hình dung trước, thay vì một học thuyết là một kết quả của nghiên cứu. Trong khi đó, thái độ duy nhất mà khoa học cho phép khi đối diện những vấn đề này là sự dè dặt và hoài nghi. Ông kết luận: chủ nghĩa xã hội đã không bình tĩnh, hay cũng có thể nói nó không có đủ thời gian để bình tĩnh. Những học thuyết chủ nghĩa xã hội chưa đủ cấu thành khoa học mà
…nó là tiếng kêu đau khổ, đôi khi là sự giận dữ của những con người cảm nhận sâu sắc căn bệnh tập thể của xã hội. Chủ nghĩa xã hội đối với cái thực tế sinh ra nó cũng giống như những tiếng kêu của người bệnh đối với căn bệnh mà mình phải chịu đựng (tr.5)
Durkheim cũng có nhận xét tương tự đối với lý thuyết kinh tế tự do lúc bấy giờ, vốn là đối trọng với chủ nghĩa xã hội: khi các nhà kinh tế đòi hỏi môi trường kinh doanh tự do tuyệt đối, để mặc cho sự cạnh tranh diễn ra, và chống sự kiềm chế của nhà nước (qua thuế má hay độc quyền nhà nước dưới bất kì hình thức nào), thì những lập luận của họ cũng không dựa trên những quy luật mà khoa học tìm ra. Khoa học xã hội vẫn còn quá non trẻ để mang lại cơ sở cho những học thuyết thực hành mang tầm vóc lớn như vậy.
Tuy nhiên những học thuyết thực hành như vậy có sức sống mãnh liệt, và sự ảnh hưởng to lớn, bởi đặc điểm chung của chúng là sự nhiệt thành, sự khao khát muốn công lý hoàn hảo, sự thương cảm với tầng lớp lao động, và niềm cảm thông mơ hồ với tình trạng xã hội đương đại.
Vậy, nếu thấy rằng không nên tiếp cận chủ nghĩa xã hội khoa học bằng cách coi nó như một công thức khoa học, thì Durkheim sẽ làm thế nào? Hướng làm của Durkheim là: một mặt, không coi nhẹ việc tìm hiểu tư tưởng của các học thuyết (cũng giống như một bác sĩ khi chẩn đoán bệnh cũng cần hiểu những than phiền của bệnh nhân), nhưng thay vì chỉ nghiên cứu một hệ tư tưởng, một công trình riêng biệt, thì ông so sánh mọi lý thuyết liên quan tới chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, quan trọng hơn, là ông nhìn ra xa hơn, xem nó có nguồn gốc từ đâu, những điều kiện xã hội nào đã phát sinh ra nó, và xem nó sẽ đi tới đâu. Lý do ông đưa ra là: để tìm ra căn nguyên căn bệnh tập thể xã hội đã dẫn tới chủ nghĩa xã hội, thì phải chắc chắn rằng cách chữa trị cho nguồn gốc của bệnh không thể dựa trên những học thuyết này. Tương tự, khi dễ dàng phủ nhận những học thuyết của Saint-Simon, Fourier, hay Karl Marx thì người ta chưa thấu hiểu được những điều kiện xã hội nào đã tạo ra chúng – mà những điều kiện đó vẫn là cái lý do cho sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội. Chính cái nguyên nhân mới là cái cần phải làm sáng tỏ để hiểu được hậu quả của nó. Do đó cần tìm hiểu lịch sử của học thuyết này, thay vì chỉ thảo luận một cách hình thức.
Nhưng trước tiên, cần phải có sự thống nhất xem: chủ nghĩa xã hội là gì?

Định nghĩa ‘chủ nghĩa xã hội’ qua Durkheim

Durkheim bắt đầu thảo luận những định nghĩa thông thường về khái niệm này và chỉ ra những thiếu sót trong đó, sau đó đi tìm những dấu hiệu đặt trưng của chủ nghĩa xã hội bằng cách so sánh một cách cẩn trọng và khách quan nhất có thể những học thuyết khác nhau cùng nghiên cứu về những vấn đề xã hội.

Những thiếu sót trong những cách hiểu thông thường về khái niệm chủ nghĩa xã hội
 
Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu là (1) sự phủ nhận hoàn toàn sự tư hữu; (2) sự phục tùng của cá nhân trước xã hội; (3) sự cải thiện tình trạng của giai cấp công nhân bằng cách mang lại công bằng hơn trong quan hệ sản xuất.
Nhưng với Durkheim, tất cả những điểm trên đều không thực sự nếu được bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Quan niệm thứ nhất (chủ nghĩa xã hội là sự phủ nhận hoàn toàn sự tư hữu) không áp dụng được với bất kì học thuyết xã hội chủ nghĩa nào. Ví dụ trong học thuyết sở hữu tập thể của Karl Marx, mặc dù quyền sở hữu cá nhân về phương tiện sản xuất không được thừa nhận, học thuyết này vẫn công nhận quyền tuyệt đối của cá nhân đối với sản phẩm anh ta làm ra. Trong khi đó, trên thực tế, tình trạng nền kinh tế thời Durkheim cũng có những đặc trưng về giới hạn quyền tư hữu như vậy, chỉ khác về mức độ so với chủ nghĩa Marx mà thôi. Chẳng phải tất cả những gì thuộc về độc quyền của nhà nước, bao gồm bưu điện, đường sắt, sự sản xuất tiền tệ, v.v. đều là sự giới hạn đối với quyền tư hữu cá nhân? Vậy có thể nói rằng ở đâu có độc quyền nhà nước về bất cứ phương diện gì thì ở đó có chủ nghĩa xã hội? (liên hệ: chính vì thế mà Obama cũng bị coi là một nhà xã hội chủ nghĩa khi ông chủ trương phát triển hệ thống y tế công). Durkheim cho rằng nếu như vậy thì ở đâu và thời nào cũng có sự độc quyền của nhà nước. Không có một xã hội nào (cho tới thời điểm của Durkheim) mà không có sự độc quyền của nhà nước về một lĩnh vực công nào đó. Như thế, khái niệm này rất mơ hồ. Thậm chí, cách hiểu này còn đi tới một nghịch lý: Đó là vì, một trong những khẳng định của chủ nghĩa xã hội là sự từ bỏ quyền thừa kế. Khi bỏ quyền thừa kế, thì sự tư hữu bắt đầu từ một cá nhân và cũng kết thúc bởi chính cá nhân đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu tài sản mà cá nhân có được nhất thiết phải là công trình của riêng anh ta. Như thế thì, thay vì phủ nhận quyền tư hữu cá nhân, có thể suy ra rằng chủ nghĩa xã hội chính là sự khẳng định triệt để nhất thứ quyền này.
Quan niệm thông thường thứ hai coi chủ nghĩa xã hội là sự phục tùng , hi sinh của cá nhân đối với xã hội tập thể. Durkheim bác lại rằng, chưa từng có xã hội nào mà những mối quan tâm cá nhân lại đứng lên trên mục đích xã hội mà không gây nhiễu loạn xã hội. Mặt khác, không thể nào xác định được độ ‘phục tùng’ hay ‘hi sinh’ của cá nhân đối với xã hội. Điều này thậm chí còn gây ra hai hình dung trái ngược nhau về một xã hội xã hội chủ nghĩa: một đằng là một nhà nước toàn trị, nơi không thực sự có chỗ cho quyền của cá nhân; một đằng là một nhà nước ‘dân chủ’ kiểu vô chính phủ. Ví dụ, trong học thuyết của Marx, xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn tới cái chết của nhà nước, vì nhà nước với hệ tư tưởng của nó là bảo vệ giai cấp thống trị. Khi xã hội được tổ chức lại theo cách Marx hình dung thì nó sẽ tự động điều chỉnh mà không cần có sự ràng buộc nào vì nhà nước đã chết.
Ở quan niệm thông thường thứ 3, chủ nghĩa xã hội được coi là sự cải thiện tình trạng của giai cấp công nhân bằng cách mang lại công bằng hơn trong quan hệ sản xuất. Nhưng Durkheim cho rằng xu hướng này không đủ để coi là đặc điểm của chủ nghĩa xã hội, bởi vì nó không chỉ có riêng ở học thuyết này. Chính các nhà kinh tế học cổ điển cũng mong muốn giảm thiểu những bất công trong xã hội, mặc dù họ tin rằng cách này chỉ có thể thực hiện bằng cách để cho cung và cầu tự động trung hòa nhau, còn mọi can thiệp của nhà nước đều vô ích. Như vậy, mục đích đem lại công bằng trong xã hội không chỉ có riêng nơi học thuyết chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ giữa nhà nước và các ngành công nghiệp lớn, những hoạt động kinh tế lớn mà tầm quan trọng của nó liên quan tới vận mệnh của cả quốc gia, như khoáng sản, đường sắt, ngân hàng, v.v… đều có mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích chung khỏi những ảnh hưởng cá nhân, chứ không phải chỉ nhằm để cải thiện số phận người công nhân.
Nếu cả 3 quan niệm thông thường này vẫn chưa nói lên cái gì là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, thì có thể coi sự thống nhất về một khái niệm bằng cách lấy ‘trung bình hóa’ tất cả những cách hiểu khác nhau này, tức là cóp nhặt ở cách hiểu một ý rồi sau đó tổng hợp lại để có được một khái niệm mà ai cũng ‘thấy phần của mình trong đó’? Durkheim không đồng ý với cách làm ‘cào bằng’ như vậy đối với một khái niệm. Theo ông, cách làm đó sẽ vấp phải vô vàn khó khăn: chín người thì mười ý, mà quan niệm của mỗi người thì thường rất kinh nghiệm, ít tính logic và phương pháp. Kết quả là nếu đi theo cách này nhiều khi sẽ dẫn tới cách hiểu mâu thuẫn nhau như đã thấy, và tệ hơn là loại bỏ mất những định nghĩa có đặc điểm cơ bản nhất mà số đông không coi đó là ‘chủ nghĩa xã hội’.

Định nghĩa khái niệm  ‘chủ nghĩa xã hội’ của Durkheim
 
Durkheim giải quyết vấn đề này giống như cách ông nghiên cứu về các hiện tượng khác trong công trình của mình (như nguồn gốc của gia đình, tài sản, giáo dục, sự tự tử, hay tôn giáo): (a) quan sát và so sánh những hiện tượng xã hội được thể hiện qua nhiều lăng kính khác nhau, nhiều lý thuyết gia khác nhau; (b)Nhóm những hiện tượng có chung đặc điểm. (c)Trong quá trình phân loại, nếu thấy ở các học thuyết có những đặc trưng riêng biệt khiến ta có thể liên hệ tới khái niệm chủ nghĩa xã hội, thì ta sẽ áp dụng cái đặc trưng đó vào khái niệm này. Lúc đó, mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa sẽ được là những hệ thống có những đặc trưng này.
Trong quá trình quan sát, đối chiếu các học thuyết, Durkheim nhận thấy các lý thuyết xã hội luôn được chia ra làm hai phạm trù lớn. Một loại diễn đạt những gì đã và đang diễn ra. Loại thứ hai thì ngược lại: nhằm thay đổi cái nguyên trạng, nhằm đưa ra cải cách thay vì đưa ra những quy luật. Loại thứ hai là những học thuyết mang tính thực hành. Những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa xã hội giúp ông kết luận học thuyết ‘chủ nghĩa xã hội’ liên quan tới nhóm thứ hai.
Tiếp đó, ông nhận thấy trong những học thuyết thực hành gồm những ‘loài’ (species) nhỏ hơn. Có những cải cách liên quan tới giáo dục, tới quản trị, tới đời sống kinh tế. Có chủ nghĩa xã hội về giáo dục, về chính trị v..v…Tuy nhiên, các học thuyết về chủ nghĩa xã hội đều nhằm chỉ tình trạng kinh tế hiện thời và đòi hỏi nó phải thay đổi. Nhưng chưa thể coi đây là một đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, bởi vì các nhà kinh tế tự do cũng phản đối tình trạng hiện tại của nền kinh tế và đòi hỏi nó phải được phát triển tự do. Do vậy cần đi thêm một bước là tìm hiểu kĩ trong những học thuyết cải cách xã hội liên quan tới kinh tế xem có những quan niệm nào về cải cách kinh tế mang tính đặc trưng hơn nữa nơi chủ nghĩa xã hội hay không.
Theo ông, trong số các học thuyết về kinh tế, có một số đòi hỏi có sự liên kết giữa các hoạt động công nghiệp và thương mại với một cơ quan đầu não của xã hội. Ông nhận thấy tất cả mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa đều có yếu tố này, dù chỉ khác nhau về mức độMột số học thuyết đòi hỏi sự liên kết giữa nhà nước và kinh tế là trực tiếp và toàn bộ. Một số khác thì hình dung rằng sự kết nối chỉ diễn ra ở một vài ngành kinh tế nhất định, và thông qua các trung gian có độ tự chủ nhất định như các nghiệp đoàn, các đoàn thể. Durkheim cho rằngnhững khác biệt này chỉ là thứ yếu. Do đó ông đi tới định nghĩa như sau về chủ nghĩa xã hội:
 …chủ nghĩa xã hội là những học thuyết khẳng định cần phải có sự kết nối mọi hoạt động kinh tế, hoặc một vài trong số đó, mà ở xã hội hiện tại chúng đang rất phân tán, tới những trung tâm đầu não điều hành của xã hội (tr.13)
Durkheim không gọi là ‘nhà nước’ vì theo học thuyết của những tác giả nổi tiếng (như Marx), nhà nước như ta vẫn biết cuối cùng sẽ biến mất và không còn trở thành trung tâm của đời sống kinh tế. Chính vì thế thuật ngữ ‘nhà nước’ không được dùng mà thay vào đó là một cụm từ ‘cơ quan tư duy và điều hành của xã hội’.
Durkheim nhấn mạnh một vài lưu ý ở định nghĩa này.  Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội đòi hỏi tới ‘sự kết nối’ chứ không phải là ‘sự phục tùng’ của đời sống kinh tế với đời sống chính trị. Các nhà xã hội chủ nghĩa không hô hào nền kinh tế phải nằm trong tay nhà nước, mà phải liên lạc với nhà nước. Trái lại, nền kinh tế cũng tác động tới nhà nước như nhà nước tác động vào nó. Trong tư duy của họ, mối liên hệ này không có nghĩa là các lợi ích kinh tế và thương mại phải phục tùng các lợi ích chính trị, mà đúng ra là nâng tầm quan trọng của lợi ích kinh tế lên ngang hàng với lợi ích chính trị.
Thứ hai, những lý thuyết đề xướng phát triển các thể chế từ thiện (cả công lẫn tư) đều không được gọi là học thuyết xã hội chủ nghĩa – dù những người gọi nó là bạn hay thù của chủ nghĩa này. Tạo các quỹ công ích nhằm để giảm bớt tình trạng đói khổ của những người kém may mắn không làm giảm đi tình trạng phân tán của các hoạt động kinh tế, không có nghĩa là hòa nhập đời sống kinh tế vào đời sống cộng đồng. Chủ nghĩa xã hội thực chất là một trào lưu tái lập xã hội, trong khi sự từ thiện không nhằm mục đích như vậy. Từ thiện vẫn giữ xã hội nguyên trạng và chỉ làm giảm sự thống khổ gây ra do sự thiếu tổ chức xã hội gây nên.
Thứ ba, chủ nghĩa xã hội là khái niệm không liên quan gì tới đấu tranh giai cấp, hay những mục đích nhằm cải biến quan hệ kinh tế sao cho công bằng hơn và có lợi hơn cho giai cấp công nhân. Đây chỉ là xu hướng phái sinh từ nguyên lý của chủ nghĩa xã hội – tức là sự kết nối kinh tế với nhà nước.
Durkheim lý giải điều này bằng cách minh họa chủ nghĩa Marx: Marx cho rằng sự phục tùng của giai cấp công nhân và những bất công mà họ phải chịu là do họ phụ thuộc trực tiếp vào một nhóm người có quyền lực (‘nhà tư bản’), thay vì phụ thuộc vào xã hội nói chung. Công nhân không làm kinh tế trực tiếp với xã hội; họ không được xã hội trả công trực tiếp mà công lao của họ lại do các nhà tư bản định đoạt. Nhưng nhà tư bản chỉ là một cá nhân chỉ biết nghĩ tới bản thân thay vì lợi ích xã hội. Những dịch vụ mà anh ta mua và trả giá không phải thông qua giá trị xã hội của chúng mà bằng giá cả thấp nhất có thể. Trong tay anh ta có một vũ khí cho phép anh ta ép buộc những người khác phải sống bằng sức lao động của mình để bán cho anh ta sản phẩm có giá trị ít hơn giá trị đích thực của nó. Đó là tư bản của anh ta. Anh ta có thể sống thoải mái lâu dài trên tài sản tích lũy được, và anh ta chỉ tiêu dùng nó mà không phân chia cho những người lao động. Anh ta chỉ mua sức lao động của người khác khi anh ta muốn, trong khi đó những người công nhân thì không thể chờ được. Họ cần bán sức lao động của mình vì họ không còn phương tiện tồn tại nào khác. Do đó người công nhân phải chiều theo yêu cầu của ông chủ, và giảm nhu cầu của chính mình thấp hơn lẽ ra nó phải thế nếu những lợi ích chung được dùng để đo lường giá trị, và cuối cùng chính anh ta tự ép mình làm tổn thương mình.
Như vậy, theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội, xã hội đương thời hiện có một bộ phận của đời sống kinh tế không được hòa nhập trực tiếp vào xã hội. Đó là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân gồm những thành viên chưa thực sự là thành viên của xã hội. Họ tham gia vào đời sống cộng đồng bằng sự ép buộc và điều này đã ngăn không cho họ có tiếng nói trong xã hội và sự cung ứng dịch vụ của họ không nhận được giá trị xã hội đích thực của nó.
Vậy làm sao để cải thiện hay thay đổi tình trạng này? Nếu để một cá nhân hay một lực lượng riêng tư khác can thiệp vào cơ chế kinh tế sẽ không giải phóng được sự nô lệ mà người vô sản phải hứng chịu; nó chỉ là sự thay thế một loại này với một loại khác chứ không phải là trấn áp sự nô lệ mà người vô sản phải hứng chịu. Chủ nghĩa xã hội cho rằng cách duy nhất là làm trung hòa quyền lực của tư bản bằng một lực khác ngang bằng hoặc mạnh hơn có thể khiến hành động của kẻ đối trọng theo những lợi ích chung của xã hội. Vai trò điều hòa này phải là nhà nước, cần phải làm sao để nền kinh tế không nằm ngoài lãnh địa của nhà nước. Qua sự truyền thông liên tục, nhà nước cần phải biết những gì đang diễn ra và làm cho hoạt động của mình được biết đến.
Nếu đi xa hơn nữa, không chỉ xoa dịu mà chấm dứt ngay tình trạng xã hội này, thì cần phải dập tắt phương tiện của nhà tư bản khi anh ta ngáng đường giao thiệp giữa người công nhân và nhà nước. Điều này có nghĩa là giá trị lao động cần phải được đo lường trực tiếp bởi cộng đồng hoặc ít nhất một cơ quan đại diện cho cộng đồng. Khi đó, giai cấp tư bản sẽ biến mất, và nhà nước sẽ thực hiện những chức năng này và trở thành tâm điểm của đời sống kinh tếNhư vậy, sự cải thiện số mệnh giai cấp công nhân chỉ là một mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội hướng tới khi đòi hỏi tổ chức nền kinh tế, và cũng như đấu tranh giai cấp là một trong những phương tiện mà sự tái thiết lập xã hội có thể dẫn tới, chỉ là một khía cạnh của sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa xã hội.
Đối với Durkheim, chủ nghĩa xã hội không chỉ được hiểu đơn giản là vấn đề lương – tức là vấn đề của ‘cái dạ dày’. Trên hết nó là một khát vọng tái tổ chức cấu trúc xã hội bằng cách dịch chuyển hệ thống sản xuất vào trong tổng thể xã hội, đưa ra ngoài ánh sáng những bộ phận còn hoạt động tự phát và dùng lương tâm xã hội điều chỉnh nó. Có thể thấy khát vọng này không chỉ là của các tầng lớp nghèo khổ mà còn là khát vọng của cả nhà nước. Chính vì hoạt động kinh tế trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong đời sống hàng ngày, nhà nước buộc phải điều chỉnh các hoạt động đó. Giống như tầng lớp lao động có xu hướng tiến tới gần nhà nước, nhà nước cũng đồng thời có xu hướng tiến gần tới họ, vì nhà nước luôn có xu hướng tăng cường sự ảnh hưởng của mình một cách sâu rộng hơn. Hai xu hướng này không dẫn tới hai hệ thống tư tưởng khác nhau, mà do điểm nhìn của nhà lý thuyết, nếu ông ta gần người công nhân hơn thì ta có chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân (worker’s socialism), hay nếu ông ta chú ý hơn tới lợi ích chung của xã hội, thì ta có chủ nghĩa xã hội nhà nước (state socialism). Sự khác nhau chỉ là ở mức độ, bởi vì không có chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân nào mà không đòi hỏi sự phát triển của nhà nước, và không có chủ nghĩa xã hội nhà nước nào lại hờ hững với đời sống công nhân.
Một lưu ý cuối cùng trong định nghĩa mà Durkheim đưa ra: mặc dù các học thuyết chủ nghĩa xã hội đều đề cập tới vấn đề kinh tế, hầu hết chúng còn đi xa hơn nữa và thảo luận về các lĩnh vực khác, như chính trị, gia đình, hôn nhân, đạo lý, văn học và nghệ thuật, v.v..Có thể hiểu được điều này, bởi vì hệ thống sản xuất có các mối quan hệ phức tạp của với các lĩnh vực khác, và khi tái cấu trúc nền kinh tế thì chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi của các lĩnh vực khác. Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa háo hức muốn tìm hiểu các hậu quả của việc tái thiết này, đôi khi là cực đoan, và đã dẫn tới những kết luận vượt qua lĩnh vực kinh tế. Theo Durkheim, những cải cách riêng biệt này nhiều khi không hoàn toàn trùng khớp với toàn bộ một hệ thống, nhưng đều xuất phát từ cùng một khát vọng và do đó cần được tính đến trong định nghĩa về chủ nghĩa xã hội. Do đó, Durkheim thêm một phần nữa vào định nghĩa khái niệm ‘xã hội chủ nghĩa’ như sau:
ta vẫn gọi coi tư tưởng xã hội chủ nghĩa là những tư tưởng dù không trực tiếp liên quan tới trật tự kinh tế nhưng vẫn có quan hệ với trật tự này’ (tr.18)

Đôi lời kết
 
Bài viết này chỉ xin được kết luận bằng việc đưa ra định nghĩa về chủ nghĩa xã hội trong ‘giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học’ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, do nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2004, hiện được dùng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay ở Việt Nam, qua đó người đọc tự so sánh với phân tích của Durkheim.

Định nghĩa chủ nghĩa xã hội (tr.13-14)
 
‘tư tưởng xã hội chủ nghĩa là một hệ thống những quan niệm về những nhu cầu hoạt động thực tiễn và những ước mơ của các giai cấp lao động, bị thống trị; về con đường, cách thức và phương pháp đấu tranh nhằm thực hiện một chế độ xã hội mà trong đó, tư liệu sản xuất là thuộc về toàn xã hội, không có áp bức và bóc lột, bất công, mọi người được bình đẳng về mọi mặt và đều có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, văn minh’.

Những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội (tr.14):
 
(a) Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là các quan niệm về một chế độ xã hội mà mọi tư liệu sản xuất thuộc về mọi thành viên, thuộc về toàn xã hội;
(b) Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là tư tưởng về một chế độ xã hội mà ở đó ai cũng có việc làm và ai cũng lao động;
(c) Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là những tư tưởng về một xã hội, trong đó mọi người đều bình đẳng, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mọi người đều có điều kiện để lao động, cống hiến, hưởng thụ và phát triển toàn diện.

Tài liệu tham khảo
Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge & Kegan Paul.
Bộ GD-ĐT. Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (dành cho các trường đại học, cao đẳng). Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004.

Tác giả gửi choviet-studies ngày 5-9-2014
______________________________________________________
Tiếp theo
Nhập nhằng hai khái niệm ‘chủ nghĩa cộng sản’ và chủ nghĩa xã hội’
Như đã trình bày ở phần trước, Durkheim cho rằng để nghiên cứu lịch sử của chủ nghĩa xã hội thì cần hiểu chính xác định nghĩa của khái niệm này. Bằng cách coi chủ nghĩa xã hội là một đối tượng của khoa học thay vì là một sản phẩm của khoa học, ông đã đi đến một định nghĩa diễn đạt những đặc điểm có chung ở mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa, giúp ta phát hiện đâu là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội mỗi khi bắt gặp (nhớ lại: đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là sự kết nối các hoạt động kinh tế với nhà nước, hay chính xác hơn là ‘trung tâm tư duy và  điều hành của xã hội’). Bước tiếp theo là trả lời câu hỏi: chủ nghĩa này xuất hiện ở thời điểm nào trong lịch sử?
Theo Durkheim, khi trả lời câu hỏi này thì nhiều người đẩy nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội tới tận thời nguyên thủy sơ khai của tiến trình lịch sử, xa xưa như loài người.  Họ tìm về những tư tưởng của Thomas More (tác giả của cuốn ‘Xã hội không tưởng’/’Utopia’ xuất bản năm 1518), Tommaso Campanella (tác giả của ‘Thành phố mặt trời’/ ‘City of the Sun’ xuất bản năm 1621), xa hơn nữa là tác phẩm ‘Nền Cộng Hòa’ của Plato (xuất hiện khoảng năm 380 TCN), thậm chí còn cho rằng những xã hội công xã nguyên thủy sơ khai với nguyên lý ‘cộng sản’ là tiền thân của ‘chủ nghĩa xã hội’. Ông cho rằng cả những người ủng hộ hay phản đối thuyết chủ nghĩa xã hội đều hay lẫn lộn hai khái niệm ‘chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’.
Trong giáo trình ‘Chủ nghĩa xã hội khoa học’ (dành cho các trường đại học và cao đẳng) do Bộ Giáo Dục và Đào tạo biên soạn năm 2004, hai thuật ngữ này được hiểu đồng nhất như sau:

Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Lênin đã sử dụng hai thuật ngữ: “chủ nghĩa xã hội khoa học” hoặc “chủ nghĩa cộng sản khoa học” cơ bản là thống nhất về ý nghĩa. Hiện nay, chúng ta dùng thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội khoa học”. (tr.2)
Vậy với Durkheim, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, hay chỉ là một? Bằng phương pháp lịch sử-so sánh, ông lập luận rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là hai lý thuyết hoàn toàn khác nhau cả ở hình thức lẫn bản chất.
Sự khác nhau về hình thức của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội
Durkheim nhận thấy hai lý thuyết này khác nhau từ tần suất xuất hiện của chúng trong lịch sử, đặc điểm và động cơ của những lý thuyết gia đề xướng các chủ thuyết này, và hình thức truyền tải của chúng.
Thứ nhất, những tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản xuất hiện rất thưa thớt, cách nhau rất xa trong lịch sử. Từ Plato tới Thomas More là gần 10 thế kỉ. Thomas More viết ‘Xã hội không tưởng’vào năm 1518, nhưng phải tới gần 100 năm sau mới có ‘Thành phố mặt trời’ của Tomasso Campanella. Trong khi đó chủ nghĩa xã hội lại có quá trình phát triển khác hẳn. Chủ nghĩa xã hội lại gắn với một xã hội có cấu trúc phát triển ở một mức độ nhất định, nó xuất hiện như là một xu hướng xã hội liên tục và sôi động. Durkheim lưu ý rằng thuật ngữ ‘chủ nghĩa xã hội’ mới chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 1835, do Robert Owen tạo ra. Trong nửa đầu thế kỉ 19, các lý thuyết mang tên chủ nghĩa này xuất hiện liên tục, và sau 1850 thì còn mạnh mẽ hơn. Không những trường phái này kế tiếp trường phái khác mà chúng còn xuất hiện đồng thời, như một cách phản hồi một áp lực, là chứng cứ rằng chúng cùng phản hồi một nhu cầu tập thể nào đó. Ví dụ, chúng ta thấy có Saint-Simon và Fourier ở Pháp, Robert Owen ở Anh.
Thứ hai, tác giả của lý thuyết cộng sản thường là những triết gia xuất hiện thưa thớt trong lịch sử. Họ thường đặt những câu hỏi về luân lý nói chung khi khép mình trong thư phòng. Nguồn gốc của sự ích kỉ và vô đạo đức là gì? Đây là câu hỏi bất biến và các nhà tư tưởng có quyền tự do đặt ra và tự tìm câu trả lời cho mình. Tư tưởng của họ thường phản ánh tính cách con người họ, hầu như không phản ánh thực trạng xã hội mà họ đang sống. Trái lại, các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa thường là những con người hành động chỉ tư duy nhằm để giảm đi nỗi đau mà họ cảm nhận được xung quanh. Họ là những người thiên về hành động.
Thứ ba, các lý thuyết gia cộng sản thường thể hiện quan điểm của mình ở hình thức hư cấu, mang tính nghệ thuật và biểu cảm. Tác phẩm của họ nói về những quốc gia chỉ tồn tại trong tưởng tượng, đứng ngoài lịch sử, và nội dung thường phản ánh rất ít thực trạng xã hội. Vấn đề mà họ đặt ra không nhằm đề giải quyết những vấn đề thực tiễn mà nhằm để thỏa mãn trò chơi tư duy nội tâm của tác giả. Ví dụ, câu hỏi về sự ích kỉ (egoism) là câu hỏi bất biến về bản chất con người.  Nó là căn bệnh trầm kha của nhân loại, và chỉ biến mất nếu loài người biến mất mà thôi. Do vậy, khi nêu lên câu hỏi thì cũng đồng nghĩa với việc đặt vấn đề này ra ngoài xã hội cụ thể. Trái lại, những học thuyết xã hội chủ nghĩa lại không mang tính nghệ thuật hay biểu đạt vì tác giả của chúng mong muốn những kết luận thực tiễn. Các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa tư duy không phải với cảm xúc riêng tư mà bằng những nỗi đau của xã hội, và họ mong muốn những tư tưởng đó phải được hiện thực hóa. Vấn đề là, tình trạng xã hội được phản ánh nơi những lý thuyết này quá mới mẻ và trầm trọng và không thể ngay lập tức chữa trị được. Nói cách khác, con người chưa tìm cách thích nghi được với những điều kiện hiện đại. Đó không phải là căn bệnh mãn tính. Tuy vậy, dù chưa tìm ra phương thuốc điều trị, các nhà xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi nó một cách dai dẳng.
Sự trái ngược về bản chất giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội trái ngược nhau về bản chất: xã hội cộng sản loại trừ chức năng kinh tế khỏi đời sống xã hội, trong khi xã hội xã hội chủ nghĩa lại hòa nhập nó vào cộng đồng, và chính xu hướng này là cái định nghĩa nó. Ở mô hình cộng sản, nhà nước chỉ đóng vai trò điều hòa luân lý, và chỉ tồn tại nếu nó tách khỏi đời sống kinh tế. Ở mô hình xã hội chủ nghĩa, nhà nước làm cầu nối giữa những mối liên hệ công nghiệp và thương mại.
Với lý thuyết cộng sản, cả Plato, More hay Campanella đều coi kinh tế, vật chất là phản xã hội, là nguồn gốc của sự suy đồi đạo đức, do vậy cần phải được tách biệt triệt để với trung tâm của đời sống. Ví dụ, thành phố mà Plato hình dung bao gồm 2 phần riêng biệt: một phần dành cho tầng lớp lao động và thợ thủ công; một phần dành cho các quan tòa và các chiến binh. Những chiến binh có nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng của cộng đồng, còn các quan tòa thì đảm bảo trật tự đời sống trong xã hội. Hai bộ phận này cấu thành nhà nước, bởi chỉ có họ mới có quyền hành động nhân danh cộng đồng. Trái lại, những người lao động và thợ thủ công thì có nhiệm vụ bảo đảm cái dạ dày của xã hội. Nguyên lý cơ bản trong thuyết chính trị của Plato là tầng lớp làm kinh tế thấp kém này phải được tách biệt triệt để với hai tầng lớp kia. Nói cách khác, đơn vị kinh tế bị đặt ra ngoài phạm vi nhà nước, không có mối liên hệ gì với nó. Ngược lại, những chiến binh và quan tòa cũng hoàn toàn xa lại với đời sống kinh tế. Họ không được phép tham gia cũng không được quan tâm tới những gì xảy ra ở đó. Bản thân họ cũng bị cấm không được sở hữu bất kì thứ gì; họ không có quyền tư hữu vì quyền này chỉ dành cho những người lao động. Ngay từ thuở thơ ấu, chiến binh và quan tòa đã được huấn luyện phải khinh ghét đời sống xa xỉ vật chất, nhưng họ luôn đảm bảo được có những nhu yếu phẩm đủ để tồn tại. Để hai thành phần này của thành bang có sự tách biệt triệt để nhất, họ buộc phải sống càng xa nhau càng tốt. Như vậy, nếu chủ nghĩa xã hội đặt đời sống kinh tế vào trung tâm của xã hội, thì trái lại chủ nghĩa cộng sản kiểu Plato lại đặt nó ở bên lề cộng đồng, vì Plato tin rằng của cải và những gì liên quan tới nó đánh thức sự ích kỉ của con người, khiến các công dân tấn công nhau và tạo ra những mâu thuẫn làm đảo lộn trật tự xã hội.
Khác với Plato, More không chấp nhận sự tồn tại của giai cấp trong xã hội. Mọi công dân đều tham gia vào đời sống cộng đồng; ai cũng có quyền bầu cử các nhà lập pháp đồng thời tất cả đều có quyền được ứng cử. Tương tự, ai cũng phải làm việc và đóng góp vật chất vào xã hội với tư cách là nông dân hoặc thợ cơ khí. Tuy nhiên, giống Plato, More tuân thủ theo đúng nguyên lý tách biệt triệt để đời sống kinh tế với đời sống cộng đồng. Trong khi Plato tách biệt hai hoạt động kinh tế và chính trị bằng không gian, thì More làm như vậy thông qua thời gian: đời sống mỗi công dân được chia thành hai phần riêng biệt: một phần dành cho lao động nông thôn và công nghiệp; phần kia dành cho những vấn đề công cộng.Nếu Plato ngăn những người quản lý nhà nước tham gia vào đời sống kinh tế bằng cách không cho họ quyền sở hữu thì More mở rộng sự ngăn cấm này tới tất cả công dân, vì trong hệ thống của ông mọi công dân đều tham gia vào quản lý nhà nước.
Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội còn trái ngược nhau ở mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong xã hội cộng sản, người lao động không được giành sản phẩm lao động về cho riêng mình mà phải cùng chia sẻ việc tiêu thụ sản phẩm ấy với cộng đồng. Anh muốn làm gì thì làm, và nhất định không được phép lười biếng, nhưng cái anh làm ra phải do tập thể quyết định và cùng tiêu thụ. Với xã hội xã hội chủ nghĩa, trong khi hoạt động công nghiệp và thương mại phải được xã hội tổ chức, thì sự tiêu thụ là chuyện riêng tư. Durkheim khẳng định không có học thuyết xã hội chủ nghĩa nào lại khước từ quyền sở hữu và sử dụng mà cá nhân đoạt được một cách hợp pháp.
Như vậy, nguyên lý cộng sản lấy một nguyên lý đạo đức trừu tượng làm cơ sở thẩm quyền để coi tư hữu là nguồn gốc của sự ích kỉ và sự suy đồi đạo đức. Nhưng nguyên lý này đúng ở mọi nơi, mọi lúc trong lịch sử, dù ở xã hội sơ khai hay xã hội công nghiệp phát triển. Nó không hướng tới một thực tế kinh tế nào, bởi vì thể chế về tài sản là thể chế luật pháp và luân lý, tuy có ảnh hưởng tới đời sống kinh tế nhưng không là một phần của đời sống này. Chủ nghĩa xã hội, trái lại, không hướng tới hậu quả về mặt đạo đức của sự tư hữu nói chung, mà hướng tới hiệu quả của cách tổ chức kinh tế nhất định nào đó như chủ nghĩa xã hội. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau: một bên phán xét giá trị đạo đức của vật chất một cách trừu tượng; Bên còn lại đắn đo liệu loại hình thương mại hay công nghiệp nhất định có phù hợp với những điều kiện tồn tại của một xã hội hay không, và liệu nó có bình thường, lành mạnh hay không.
Durkheim cho rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội có một điểm thoạt nhìn thì giống nhau: đó là cái xu hướng coi xã hội có uy quyền lớn hơn mỗi cá nhân. Cả hai đều lo sợ mối nguy từ lợi ích tư lợi có thể gây ra đối với lợi ích cộng đồng. Cả hai đều đối lập với chủ nghĩa cá nhân triệt để và thái quá. Chính vì hai điều này khiến người ta hay nhầm lẫn đánh đồng hai khái niệm này làm một. Nhưng ngay ở sự giống nhau mơ hồ này vẫn tồn tại sự khác nhau căn bản: Một bên coi tất cả những gì tư hữu là phản xã hội, trong khi bên còn lại cho rằng sự chiếm đoạt tư nhân về các tư liệu sản xuất lớn chỉ nguy hiểm ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử. Bên cạnh đó, động cơ của hai lý thuyết cũng khác nhau: động cơ của chủ nghĩa cộng sản mang tính đạo đức và bất biến, trong khi đó chủ nghĩa xã hội chú ý tới một loại hình kinh tế cụ thể (nền công nghiệp bước đầu quy mô lớn nhưng còn phân tán). Một đằng cho rằng cần phải loại bỏ tư hữu vì nó là nguồn gốc của sự vô đạo đức, trong khi ở lý thuyết còn lại cho rằng nhà nước không thể hoàn toàn dửng dưng để cho ngành công nghiệp và thương mại khổng lồ vận hành tràn lan bởi chúng có thể gây ảnh hưởng lên toàn xã hội (như trường hợp nhà tư bản bóc lột công nhân mà nhà nước không biết tới để can thiệp). Kết luận của hai lý thuyết này cũng rất khác nhau: một lý thuyết chỉ nhìn thấy giải pháp bằng cách trấn áp, dập tắt những lợi ích kinh tế, còn lý thuyết kia thì quan tâm tới việc xã hội hóa hoạt động kinh tế.
Như vậy, để giải thích chủ nghĩa xã hội và đi tìm lịch sử của nó, ta không cần đi xa về nguồn gốc cộng sản. Coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một cũng có nghĩa là đánh đồng những thứ có bản chất trái ngược nhau, và sẽ dẫn tới mở rộng ý nghĩa của nó đối với những lý thuyết về luân lý, chính trị, giáo dục, kinh tế coi lợi ích xã hội đi trước lợi ích cá nhân – và như vậy kết quả là thuật ngữ này sẽ mất đi ý nghĩa cụ thể. Đặc biệt, Durkheim phát biểu rằng:

‘Đúng là ta có thể nghĩ rằng các nhà tư tưởng của lý thuyết cộng sản đã hình dung ra trong trí tưởng tượng của mình những kết quả tương lai của sự phát triển lịch sử; rằng bằng tư duy của mình họ mường tượng được một xã hội khác với xã hội trước mắt họ (và chỉ có thể được hiện thực hóa sau này trong lịch sử). Nhưng chấp nhận khả năng đó không chỉ phi khoa học, bởi những dự đoán đó được tạo ra từ hư vô. Có thể các lý thuyết gia cộng sản không hướng tư duy của mình tới tương lai, mà hướng về quá khứ. Như vậy họ quay ngược lại thời gian. Chính vì thế mà xã hội của Platon không là gì khác là sự tái bản của mô hình nhà nước Sparta, một nhà nước cổ đại nhất của Hi Lạp. Và từ điểm này có thể thấy, những người thừa kế Plato chỉ nhại lại người thầy của mình. Mô hình mà họ đề xuất là mô hình của người nguyên thủy’ (tr.28).

Đôi lời kết
Những nghiên cứu của Durkheim về nhiều vấn đề xã hội thường luôn khẳng định sức mạnh không thể coi thường của ‘sức mạnh tập thể’. Trong bầu không khí sôi sục của đám đông, ví dụ như trong các bộ lạc nơi xã hội nguyên thủy, một vật tầm thường như chiếc răng cá sấu, hòn đá cuội, hay một con vật tầm thường cũng có thể trở thành ‘vật tổ’ thiêng liêng, thành ‘cái thiêng’ được cả xã hội bộ lạc đó thờ tụng và bảo vệ như chính mạng sống của họ. Niềm tin tôn giáo thường ngự trị vào những khoảnh khắc ấy. Nhưng ranh giới giữa ‘cái thiêng’ và ‘cái phàm’ cũng mong manh – do lịch sử và do sự giao tranh giữa hai thế lực của niềm tin huyền thoại và niềm tin nơi lý trí – hai xu hướng mà Durkheim khẳng định luôn tồn tại trong lòng mọi xã hội.
‘Chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’ đều đơn thuần là hai khái niệm. Nếu xét về mặt khái niệm, chúng hoàn toàn trung tính. Nhưng có phải khi gắn chúng vào ‘niềm tin’, chúng lại bất giác trở thành đối tượng của việc đánh giá giữa ‘thiêng’ và ‘phàm’? Vấn đề là, ‘niềm tin’ nào?

Tài liệu tham khảo
Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge &Kegan Paul.
Bộ GD-ĐT. Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (dành cho các trường đại học, cao đẳng). Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004.
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-9-14

Áp lực nợ công tăng một cách đáng ngại

Tại một ngân hàng ở Hà Nội ngày 18/08/2014. Nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh một cách đáng ngại.
Tại một ngân hàng ở Hà Nội ngày 18/08/2014. Nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh một cách đáng ngại. -Reuters

Thanh Phương  – RFI

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) của tạp chí The Economist công bố ngày 20/08/2014 nợ công của Việt Nam hiện đã lên tới 83 tỷ đôla, tăng thêm 3 tỷ đôla trong vòng 5 tháng . Tính đổ đồng, mỗi người dân Việt Nam hiện nay gánh món nợ khoảng hơn 900 đôla.
Theo lời bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn ở Quốc hội gần đây, tỷ lệ chi tiêu nợ công trên GDP của Việt Nam vào năm 2013 là 53,4%, tức là vẫn còn dưới ngưỡng an toàn 65% theo khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế.
Đúng là nếu so sánh với nhiều nước khác, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chẳng thấm vào đâu, chẳng hạn như tính đến năm 2014 nợ công của Nhật Bản lên đến 242% GDP, hay của Mỹ lên tới 107%. Nhưng cái chính không phải là ở tỷ lệ, mà là khả năng thanh toán và cơ cấu nợ công của quốc gia đó.

Mặt khác cũng cần phải thấy là nợ công chính thức của Việt Nam hiện nay chưa tính tới nợ của các doanh nghiệp Nhà nước. Nếu tính đủ cả nợ doanh nghiệp Nhà nước thì mức nợ công này cao hơn rất nhiều. Chưa kể là có thể Việt Nam sẽ phải dùng ngân sách Nhà nước để trả những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế tế Lê Đăng Doanh, trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội, cũng cho rằng nợ công của Việt Nam đúng ra phải tính luôn cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, mà Nhà nước sẽ phải gánh thay. Ông cho rằng áp lực nợ công của Việt Nam hiện đang gia tăng một cách đáng ngại :
“Nợ công của Việt Nam theo số liệu chính thức do Bộ Tài chính công bố là vào khoảng 54 hay 56% GDP, như vậy còn dưới ngưỡng an toàn 65% mà Ngân hàng Thế giới ấn định. Tuy vậy ở Việt Nam, số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước cho đến nay chưa được tính vào số nợ công của Nhà nước.
Số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, theo các số liệu do các chuyên gia đưa ra, là khoảng 51% GDP. Nếu cộng với số nợ công mà Bộ Tài chính công bố, thì tổng số nợ công có thể lên đến 106% hay 107% GDP. Như vậy là nó vượt xa tỷ lệ 65% của Ngân hàng Thế giới.
Nếu như doanh nghiệp Nhà nước không trả nợ được -như trường hợp Vinashin- Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay, bởi vì Nhà nước đã đứng ra bảo lãnh, hay chính Nhà nước đã đi vay cho các doanh nghiệp này.
Điểm thứ hai cũng cần phải thấy rằng tổng số nợ công đã tăng lên một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây và gánh nặng trả nợ đã lên đến mức 25% tổng số chi ngân sách. Đấy là một con số rất đáng lo ngại.
Trong số nợ này, có số nợ trong nước do chính phủ phát hành trái phiếu, mà trái phiếu trước kia do tình hình lạm phát nên có lãi suất rất cao. Lãi suất này, nay cũng giảm dần. Tuy vậy số nợ phải trả trong nước cũng rất là lớn và nghĩa vụ trả nợ trong năm 2014 cũng tăng rất mạnh so với năm 2013 và những năm trước đây. Cho nên, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng của nợ công cũng như tốc độ tăng của tỷ lệ chi ngân sách để trả nợ công.”
Theo tường thuật của tờ VnEconomy, tại một cuộc tham luận vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Trần Đình Thiên đã nêu lên ba nguy cơ của nợ công Việt Nam :
Thứ nhất là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ, chứ không phải vay để sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ. Thứ hai là cơ cấu nợ, bởi vì trong nợ công của Việt Nam, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao. Thứ ba là năng lực trả nợ của Việt Nam đã thực sự đáng báo động, với nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch đỏ (25% tổng thu ngân sách) và chắc sẽ còn tăng cao trong năm tới và có thể vượt qua ngưỡng mất an toàn là 30%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đặc biệt lưu ý về áp lực của các món nợ ngắn hạn đối với Việt Nam:
“ Số nợ mà cho các chương trình hỗ trợ chính thức ODA cấp thì có thời hạn trả nợ dài, có một thời gian ân hạn cũng đáng kể, thường là 5 năm và lãi suất thấp. Cho nên, số nợ đó thì không đáng lo ngại. Đáng lo ngại là số nợ trái phiếu chính phủ trong nước và số nợ vay thương mại như khoản vay 750 triệu đôla năm 2005 để mang về cấp toàn bộ cho Vinashin và lần thứ hai là khoản vay 1 tỷ đôla năm 2010 cũng đưa về cho các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước.”
Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời RFI từ Sài Gòn, cũng chia sẽ ý kiến nói trên của ông Lê Đăng Doanh :
“ Dòng tiền được huy động để thanh toán những khoản nợ gốc và lãi cho những khoản nợ ngắn hạn sẽ tạo áp lực mạnh hơn là các khoản nợ dài hạn. Ở đây nó cũng thể hiện mức độ rủi ro còn rất cao của Việt Nam. Nếu một nước có mức độ rủi ro thấp thì người ta có thể vay được các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, còn Việt Nam thì phải vay ngắn hạn nhiều hơn và với lãi suất cao hơn. Cũng giống như một doanh nghiệp không có năng lực cao thì thường là các ngân hàng cho vay với lãi suất cao và thời hạn ngắn.”
Như tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nói ở trên, tại cuộc họp báo của chính phủ ngày 28/08/2014, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Nên xác nhận là chính phủ Việt Nam đang xem xét khả năng vay 1 tỷ đôla dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tể. Khoản vay này là nhằm để “ đảo nợ” , tức là sẽ được dùng để trả một khoản vay trên dưới 1 tỷ đôla có lãi suất cao hơn nhiều. Theo bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, như vậy số nợ không thay đổi nhưng lãi thì trả thấp hơn.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, việc phát hành trái phiếu quốc tế để lấy tiền trả nợ là chuyện bình thường ở các quốc gia khác, nhưng điều đáng ngại ở Việt Nam là trong khi nợ công tăng thêm, thì hiệu quả sử dụng nợ lại giảm xuống :
“ Các chính phủ đều có xu hướng phát hành trái phiếu để huy động nguồn tiền bên ngoài, có thể để thực hiện đầu tư công, đầu tư vào một số dự án nào đó, hoặc là để trả nợ. Cho nên việc phát hành trái phiếu là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì gần đây rất nhiều chuyên gia cảnh báo là tình hình nợ công đang tăng lên và hiệu quả sử dụng nợ công cho việc phát triển kinh tế thì đang có xu hướng kém đi.
Thật ra cái việc đi vay nợ để phát triển kinh tế là điều tốt. Thy vì nhận viện trợ thì vay nợ thể hiện trách nhiệm của một nước sử dụng đồng tiền đó để phát triển kinh tế. Nếu là viện trợ cho không thì người ta xu hướng sử dụng vào những chuyện không hiệu quả, còn đi vay nợ thì người ta phải nghĩ đến chuyện trả nợ và như vậy phải đầu tư vào những dự án tốt.
Thế nhưng tình hình ở của Việt Nam trong một hai thập niên gần đây là đầu tư công kém đi hiệu quả. Trên thực tế ta đã thấy là có nhiều công ty Nhà nước đã mắc nợ rất nhiều và lâm vào tình trạng là do hoạt động không hiệu quả nên không thể trả được nợ đúng hạn, nên Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay.
Quốc hội và chính phủ cũng đang cố gắng giảm những khoản đầu tư đó và kêu gọi các tập đoàn Nhà nước nên tập trung vào những lĩnh vực chuyên biệt của mình hơn là đầu tư dàn trải, như trường hợp của Vinashin.”
Đây là lần thứ ba trong vòng 9 năm qua, chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế. Trước đây, năm 2005, chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York, để vay 750 triệu đôla với kỳ hạn 10 năm. Số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Tuy nhiên, do chính phủ cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ.
Đến năm 2010, chính phủ lại phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Số tiền này sau đó cũng được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines… vay lại. Tập đoàn Vinalines thì như đã biết, đang nợ hàng tỷ đôla không biết bao giờ mới trả xong.
Như vậy là sau khi đã vay nợ cho các tập đoàn Nhà nước làm ăn không hiệu quả, nay Nhà nước phải vay tiền coi như là để trả nợ thay cho các tập đoàn đó. Đối với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc phải vay nợ mới để trả nợ cũ là một điều rất nguy hiểm đứng về mặt tài chính :
“ Đó là một điều rất đáng lo ngại, tức là chính phủ không thể dùng tiền ngân sách hay dự trữ ngoại tệ để trả nợ, mà phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Việc vay nợ này hiện còn thuận lợi vì lãi suất trên thị trường thế giới thì thấp. Gần đây hãng Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm tín dụng và tài chính của Việt Nam, cho nên vay kỳ này sẽ có lãi suất thấp hơn so với năm 2005.
Nhưng việc không tiền để trả mà phải vay nợ mới để trả nợ cũ là một tín hiệu rất đáng lo ngại đối với giới tài chính quốc tế. Tôi nghĩ rằng họ sẽ thương lượng một lãi suất thế nào đấy để trang trải cái rủi ro ấy. Họ sẽ có cái đánh giá rất là nghiêm túc.”
Tại hội nghị về kế hoạch và đầu tư vào cuối tháng 8/2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố “ Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ”. Nhưng tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa trấn an được giới chuyên gia, như lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh :
“ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ và tôi rất trân trọng cái quyết tâm ấy. Tuy vậy, thứ nhất, chúng ta không có khả năng dùng tiền tiết kiệm của chúng ta, tiền ngân sách thu được, mà lại phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Thứ hai, tình hình mất cân đối ngân sách của chúng ta là khá nghiêm trọng. Tôi nghĩ đó là một vấn đề mà giới chuyên gia kinh tế và tài chính thực sự quan ngại và đang bàn cách giải quyết, để trong tương lai tránh việc vay nợ mới để trả nợ cũ.”
Nếu tình trạng nợ công như hiện nay cứ tiếp diễn, liệu Việt Nam có nguy cơ bị vỡ nợ hay không ? Đối với chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, để tránh nguy cơ đó, Việt Nam phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn Nhà nước và giảm bớt những dự án đầu tư công không cần thiết :
“ Cho tới hiện nay thì người ta chưa nghĩ đến việc Việt Nam vỡ nợ giống như Hy Lạp. Nhưng rõ ràng là cần phải điều chỉnh lại hoạt động của các tập đoàn Nhà nước, cũng như phải giảm bớt các dự án đầu tư công quá tham vọng và không hiệu quả, để có thể bớt những khoản vay của nước ngoài, cũng như là dành đồng vốn cho các dự án có hiệu quả hơn. Như vậy sẽ làm giảm bớt nguy cơ vỡ nợ.
Tôi không nghĩ là chính phủ chi tiêu nhiều, đây chỉ là sự thiếu hiệu quả trong việc đầu tư vào khu vực kinh tế Nhà nước. Nếu đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, nếu quyết tâm cấu trúc lại các tập đoàn kinh tế, tập trung vào những lĩnh vực thật sự có hiệu quả, thì trong thời gian tới áp lực nợ công sẽ giảm nhiều.
Thời gian qua, chương trình cổ phần hóa, được tiến hành từ cách đây hơn một thập niên rồi, nhưng còn rất chậm và sự hình thành các tập đoàn Nhà nước lớn thì càng ngày càng rõ nét hơn. Quốc hội và chính phủ cũng đã nhận thức là phải tiến hành rất nhanh việc cổ phần hóa các công ty Nhà nước, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển hoạt động tư doanh, thì mới mong là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng lên và từ đó gánh nặng nợ công giảm dần.”

Tiền công đức ở đền, chùa: Ai quản?

Tiền giọt dầu trị giá tiền nghìn, tiền triệu, tiền tỉ, hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ đồng do khách thập phương công đức tại các nơi linh thiêng từ đình, đền, miếu, phủ, chùa đang được quản lý như thế nào? Liệu những đồng tiền ấy nó có chân nó chạy như ở một số nơi người ta đồn đoán hay không? Tại sao, người ta vẫn thường hay có câu nói: “Tiền chùa” như một sự ám chỉ đồng tiền không có ai quản lý và muốn chi như thế nào thì chi. Nhóm phóng viên chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng đang diễn ra tại các nơi được vạn người tôn kính, nơi được coi là tín ngưỡng văn hóa tâm linh.

Tiền công đức từ các nguồn nào?

Vào những ngày rằm, mồng một tại nhiều ngôi chùa thiêng, chùa cổ khách thập phương kéo đến thành tâm khấn vái kêu cầu, nhang khói mù mịt từ sáng sớm đến tối muộn. Ở nhiều nơi tín ngưỡng văn hóa tâm linh người ta đóng cửa nhưng khách vẫn kìn kìn kéo đến và vì thế nhà đền, nhà chùa cũng mở lòng hiếu nghĩa mà hoan hỷ thêm mươi phút, nửa tiếng, hàng tiếng sau để rồi mới chốt khóa, then cài. Tết ra, vào tháng giêng, rồi từ tháng giêng kéo dài cho đến hết tháng 3, người ta đi lễ khắp các nơi, gọi là đi lễ đầu năm để cho cả năm đấy vạn sự hanh thông, may mắn, bình an.

Cảnh tượng diễn ra tại khắp nơi là người ta bỏ tiền lẻ vào hòm công đức, cho vào khay đựng, chậu đựng, giỏ đựng tại các nơi thờ tự. Ban nào cũng có hòm công đức, khay công đức nhưng nhiều du khách về hành hương lễ bái, như để gần với thánh thần tiên phật người ta hay dâng tiền lên tay, lên chân, lên bụng… của những bức tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, tượng cô, tượng chầu… đang ngự trên ban thờ. Hoặc với những đồng tiền chẵn, tiền trăm, tiền triệu khách thập phương nô nức xếp hàng ghi tiền bên bàn công đức.

Cảnh tượng quá quen thuộc, ở nhiều nơi, ban quản lý di tích cử người kê nhiều hàng ghế bên cạnh lối vào lễ để ghi công đức miệt mài ra một cuốn sổ, khách thập phương sau khi cung tiến công đức xong, ai nấy đều có một tờ giấy nhỏ, trên đấy in địa điểm văn hóa tâm linh, ghi rõ ràng đầy đủ họ tên, địa chỉ nhà, số tiền mà người đó công đức. Người ta công đức xong, coi như là làm được một việc thiện, tự nhiên trong tâm cũng thấy chút gì thanh thản, nhẹ lòng.

Người Việt có câu: "Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ". Tháng 8 âm lịch hằng năm là tháng giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Đại vương). Tháng 3 âm lịch là giỗ mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam. Người theo đạo Mẫu, lo việc bên Thánh không thể không hành hương đi lễ.

Cửa đền ở những nơi có tiếng như đền cô Chín, Sòng Sơn (Thanh Hóa); Phủ Dầy, Nam Định; thánh địa thờ Mẫu, Phủ Tây Hồ (Hà Nội); ông Hoàng Bẩy, Bảo Hà, Lào Cai; ông Hoàng Mười ở Nghệ An; Đền Cửa Ông, Đền Cô Bé cửa Suốt, Cô Bé suối ngang, Mẫu Đông Cuông tuần quán… hàng trăm tín ngưỡng văn hóa tâm linh du khách thập phương kéo đến kìn kìn. Tiền công đức cả nước ở các mùa lễ hội năm 2012 thu được về  với con số chưa đầy đủ lên tới gần 300 tỉ đồng.

Tưởng tiền thu về là một con số tiền khổng lồ, nhưng con số đấy chỉ là giọt nước rớt xuống ao bèo vì bạn hãy xem hiện nay có hàng trăm, hàng nghìn các khu di tích đã và đang được trùng tu tôn tạo, tính sơ sơ tại mỗi địa điểm văn hóa tâm linh ấy số tiền để tôn tạo, tu bổ nhẹ nhất vài trăm triệu, không thì hàng tỉ, hàng chục tỉ vậy số tiền ấy thu ở nguồn nào? Lấy ở đâu?!

Còn nhớ vụ lình xình cách đây chưa lâu tại ngôi chùa cổ Trăm Gian khi nhà chùa đang cho trùng tu phải đình lại khi truyền thông lên tiếng vì lý do là phá vỡ không gian ngôi chùa cổ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cử đoàn công tác xuống để thanh tra, kiểm tra.

Nhóm phóng viên chúng tôi có buổi làm việc với sư trụ trì Thích Đàm Khoa. Sư  trụ trì nói: "Nhà chùa đứng ra kêu gọi thì phật tử người ta vô cùng hoan hỷ bỏ ra hàng trăm triệu để xây dựng chùa, vì phật tử ai cũng muốn chùa khang trang, bề thế, chứ chùa dột thì không chỉ những sư mà cả phật tử cũng đau lòng…".

Sư trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) Thích Tâm Kiên cho biết: "Ở trong chùa nhiều nơi trời mưa bị dột, nhà chùa phải mang chậu ra để hứng. Vì là di tích cấp quốc gia nên nhiều cuộc họp cấp trung ương, cấp bộ để trùng tu tôn tạo nhưng bao lâu nay chùa vẫn bị dột, nước mưa còn bắn cả vào tượng. Bây giờ nếu xây dựng nhiều phật tử sẵn sàng cung tiến chi tiền triệu, tiền tỉ ra để phục dựng tôn tạo lại nhà chùa không cần phải đợi đến tiền của Nhà nước nhưng chính quyền thành phố cứ nâng lên đặt xuống mãi chưa đưa ra thống nhất để trùng tu tôn tạo đâu".

Hiện nay ở rất nhiều di tích người ta cung tiến công đức nhà chùa, nhà đền không phải tiền lẻ thả vào hòm mà tiền gia đình này, dòng họ này cung tiến cái sân, ban thờ, các bức tượng, tiền gỗ, tiền gạch nhà Mẫu, nhà thờ tổ... Chỉ tính riêng số tiền công đức của một gia đình, dòng họ ở mỗi di tích lên đến hàng chục triệu, trăm triệu, tiền tỉ và số tiền ấy không cần biên lai đóng dấu mà cũng không biết lấy dấu gì đóng vào.

Hàng sấp tiền chỉ qua trao tay vì đặt cả niềm tin vào nhà chùa nên bàn giao đưa cho sư bác, sư ông, sư trụ trì. Chỉ cần nhà chùa kêu gọi phật tử khắp nơi sẵn sàng cung tiến để gọi là "một ly một lai" ai cũng có phần, có đức.

Theo thống kê tổng tiền công đức năm 2013 trong cả nước là khoảng 230 tỉ đồng.

Ai quản lý tiền công đức?

Với con số khổng lồ tiền công đức tại các khu di tích tâm linh ai sẽ là người quản lý?! Đụng vào tiền bạc tại chốn tâm linh là vấn đề vô cùng nhạy cảm và phức tạp, đã có quá nhiều câu chuyện lình xình kiểm điểm, thanh tra quanh việc quản lý tiền công đức, hay có hay không chuyện xà xẻo tiền công đức?

 Một số nơi nhà đền khoán trắng cho tư nhân tiền công đức hàng năm. Mỗi năm phải nộp lên cho xã với số tiền cố định, còn lời ăn lỗ chịu, cấm kêu. Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An từ nhiều năm trước số tiền khoán ở đây quy định mỗi năm nhà đền phải nộp lên cấp chính quyền địa phương là 600 triệu đồng. Năm 2012, số tiền quy định mức khoán được tăng lên là 900 triệu đồng?! Sang năm 2013 tiền công đức nhà đền do xã quản lý.

Giữa tháng 6/2013, UBND xã Hưng Thịnh giải tán Ban quản lý cũ thành lập Ban quản lý mới. Ban quản lý mới làm việc từ tháng 7 đến tháng 12/2013, số tiền là 3,3 tỉ đồng. Tháng 12/2013 một cán bộ xã bị kỷ luật vì đã trộm tiền công đức trong lúc đếm.

Ví dụ tại chùa Hà, ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội hay Phủ Tây Hồ do Ban quản lý di tích quản lý tiền công đức của khách thập phương, còn đa phần tại các chùa do sư trụ trì quản lý. Chuyện trong chùa tự cung, tự cấp, tự chi chính quyền không can thiệp.

Ví dụ như chùa Phúc Khánh (Hà Nội) sau ngày mồng một, mồng hai, ngày rằm và mười sáu âm lịch hàng tháng nhà chùa và ba phật tử thân tín với nhà chùa tất cả gồm 5 người đứng ra kiểm tiền công đức ở tại tất cả các ban các hòm. Tổng số tiền công đức này được ghi vào một cuốn sổ có chữ ký của nhiều người. Dù là số tiền lẻ gom lại nhưng cộng tất cả số tiền lẻ đấy vào thì nó cũng là một con số khủng.

Vậy nhưng, người ta vẫn bảo ai nói đến tiền công đức bỏ vào hòm, đó là số tiền vặt (dù có lên đến tiền tỉ?!) tiền công đức ra tấm ra món ở đây phải tính là tiền triệu, chục triệu, trăm triệu, hàng tỉ, thậm chí đã có phật tử cúng hàng chục tỉ cho nhà chùa và số tiền ấy hoàn toàn tin cẩn trao tay không hề có giấy biên nhận. Trao gửi tiền vào nhà chùa hoàn toàn bằng niềm tin để nâng cấp chỉnh trang, tu sửa nhà chùa. 

Đại đức Thích Minh Tuệ, trụ chì chùa Vạn Niên (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tiền phật tử cúng dường Tam Bảo bỏ vào hòm công đức tại chùa ít lắm chỉ đủ tiền cho nhà chùa trả tiền điện hàng tháng. Để có được một cơ ngơi lộng lẫy, khang trang như thế này là do sư ông đi kêu gọi phật tử các nơi thành tâm cúng tiến công đức cho xây chùa. Sư trụ trì cũng cho biết, dù không có tiền nhưng muốn cho ban thờ đẹp thì sư ông cũng sẵn sàng đi vay để xây chùa rồi trả sau.

Sư ông trụ trì một ngôi chùa trên núi cao bạn của Đại đức Thích Minh Tuệ cho biết, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở các thành phố lớn phật tử vào công đức nhiều chứ ở chùa quê, chùa làng thì nghèo lắm, phật tử nghèo thì lấy đâu ra mà công đức được có khi nửa năm nhà chùa mới mở hòm ra một lần số tiền ít ỏi đấy mốc meo  từ lúc nào rồi.

Đại đức Thích Minh Tuệ cho rằng, nhiều phật tử tin tưởng vào nhà chùa, vào sư ông, sư thầy nên đưa số lượng lớn tiền cho sư các phật tử không hoài nghi, nhưng từ trước tới nay có phật tử nào lại đưa tiền để xây di tích gửi Ban quản lý di tích một bộ máy quản lý cồng kềnh hàng bao nhiêu con người đâu?! Cái chính vẫn là niềm tin. Mà sư xây chùa thì vừa rất thành tâm, nhanh gọn, đẹp đẽ lại không bị thất thoát, chứ cả một bộ máy cồng kềnh Ban quản lý hàng bao nhiêu con người biết đồng tiền có được đặt đúng nơi, đúng chỗ, đúng người hay không?! Sử dụng đúng mục đích hay không?

Ngay như tiền công đức để nhà sư quản lý thì người nhà chùa sẽ cử người có trách nhiệm trông nom, không gây tốn kém, còn chính quyền địa phương quản lý thì cả bộ máy cồng kềnh  đến gần cả chục người thì lại phải tốn tiền trả lương cho họ, gây tốn kém không cần thiết. Mà không biết người thu gom tiền ở các ban, người tay hòm chìa khóa két sắt có thực sự đáng tin hay không? Nhỡn tiền, đã có nơi kỷ luật, cảnh cáo vì lòng tham nổi lên, người giữ tiền lại… trộm tiền.

Hiện nay, quản lý tiền công đức ở những nơi tín ngưỡng tâm linh vẫn còn bỏ ngỏ, mỗi người mỗi ý. Làm thế nào để đồng tiền công đức ấy thu chi một cách minh bạch, rõ ràng, công tâm vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
PGS - TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL):
 
Quản lý tiền công đức như thế nào là một vấn đề nóng. Liệu có chuyện xà xẻo tiền công đức hay không? Người dân luôn có quyền được biết số tiền mình công đức vào nơi tâm linh được sử dụng như thế nào. Càng rõ ràng, càng cụ thể, càng minh bạch bao nhiêu thì càng lấy được lòng tin của mọi người bấy nhiêu.

Có một vài nơi xảy ra hiện tượng không chỉ riêng các nhà tu hành, các thành viên Ban quản lý di tích sử dụng tiền công đức không đúng mục đích gây hoang mang cho người dân. Vai trò của Nhà nước trong việc quản lý tiền công đức đến đâu cũng cần phải thực hiện khéo léo và có hiệu quả. Cho ra thông tư quản lý tiền công đức là vấn đề nhạy cảm, nó không được thực hiện một cách vội vã mà cần phải lắng nghe ý kiến dư luận từ nhiều phía, đặc biệt những ý kiến từ các nhà tu hành.

Đại đức Thích Minh Tuệ (trụ trì chùa Vạn Niên):

Tiền công đức mà chính quyền địa phương quản lý không thể hằng ngày cử cán bộ xuống để trông nom cái két ấy được mà lại phải giao cho Ban quản lý. Người ta thành lập nên Ban quản lý, mà Ban quản lý ấy ít nhất cũng phải chục người và rồi người ta giao cho mỗi người quản lý một hòm công đức. Nếu người quản lý chặt chẽ thì người ta biết được tiền công đức chính xác  là bao nhiêu, còn nếu không quản lý chặt thì tiền người ta đặt ở trên ban đến lúc nhặt cho vào trong két thì ai quản lý. Công đoạn ấy thì ai giám sát?

Người ta cũng sợ thất thoát. Rồi đến lúc đếm, đi gửi, như thế nào? Còn giao cho nhà chùa thì các sư sẽ có người có trách nhiệm làm bằng cái tâm, cái phúc. Mình cứ nghĩ như thế, còn vào trong chùa anh nào dông dớ thì anh đấy chịu nghiệp. Luật nhân quả, báo ứng.
Trần Mỹ Hiền
(Công An Nhân Dân)

Đại Nguyễn - Nếu tôi là thư ký chủ tịch nước

Nếu được làm thư ký cho bác Sang, thì mình sẽ tư vấn bác đi dự khai giảng tại một trường học của các trẻ em nghèo miền núi, nơi hàng ngày các em vẫn lội qua sông suối, ăn cơm muối đi học.
Và đây sẽ là bài phát biểu mình chuẩn bị cho bác,
“Các em học sinh thân mến,
Trước tiên, tôi rất vinh dự được có mặt tại đây ngày hôm nay, trong buổi lễ khai giảng đầu năm học đầy trang trọng này. Trước tiên, tôi xin được tự giới thiệu, tôi là Sang, mọi người vẫn hay gọi tôi là Tư Sang, (dừng lại – cười), chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Các em thân mến,
Có nhiều người hỏi tôi rằng, tại sao tôi lại chọn một trường miền núi khó khăn như trường chúng ta để tham dự khai giảng năm học mới – mà không phải là một trường chuyên hay chuẩn quốc gia nào. Tôi có trả lời họ rằng, tôi tới đây ngày hôm nay, vì tôi muốn thử cảm giác đu dây qua sông đi học của các em thú vị như thế nào, và món cơm muối của các em nó hấp dẫn ra sao, (cười)
Các em thân mến,
Mục tiêu lớn nhất của nền giáo dục là trồng người. Trường học là nơi để các em hoàn thiện về nhân cách, tình yêu thương, sự sẻ chia, cảm thông với mọi người. Kiến thức quan trọng, nhưng nó không thể quan trọng hơn nhân cách một con người.
Đất nước chúng ta đang ngày càng phát triển, cuộc sống hội nhập đã đưa đất nước chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước đây. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta vẫn hàng ngày, hàng giờ được nghe về những câu chuyện đau lòng: Từ dối trá trong thi cử, bạo lực trong học đường, đến những căn bệnh thành tích trong tất cả các cấp, các tầng lớp trong xã hội.
Nguyên nhân đó là do đâu, là do chúng ta đang quá chú trọng vào việc nhồi nhét những mớ kiến thức khổng lồ - mà quên đi rằng: học làm người mới là điều quan trọng nhất. Những bài học về sự sẻ chia không thể được học trong một môi trường bon chen đố kỵ, những bài học về nhân cách và đạo đức không thể được học khi nạn chạy chọt, xin cho vào các trường điểm vẫn hoành hành. Vẫn đâu đó, có những kẻ vẫn rắp tâm kinh doanh kiến tiền một cách trắng trợn, bẩn thỉu bất chấp tương lai của cả một thế hệ các em học sinh, từ tiểu học đến đại học.
Thưa các em,
Hôm nay lên đây, tôi phải cảm ơn các em, nhìn những ánh mắt trong vắt đầy yêu thương của các em này, tôi lại cảm thấy ấm áp lòng mình. Để tôi nói với các em điều này: các em đang rất hạnh phúc, các em hạnh phúc bởi dường như cuộc sống bon chen kia chưa chạm được tới các em. Các em không phải chạy chọt xin điểm này nọ, mà thay vào đó lại được những người thầy người cô từ miền xuôi, đi từng nhà từng bản kêu gọi các em đến lớp đến trường. Lớp học của các em, tuy có thể mưa lùa gió rét, nhưng lại chan chứa ấm áp tình người.
Kính thưa các em, các thầy cô và các bậc phụ huynh,
Tôi nói như vậy không phải là chối bỏ trách nhiệm của nhà nước phải chăm lo cho các em. Đất nước chúng ta nay tuy không còn nhiều khó khăn như trước nữa, nhưng nhìn cảnh các em đi học hàng ngày như thế này tôi không thể không đau lòng.
Biết bao các thầy cô tình nguyện lên đây và chưa biết bao giờ mới có thể được quay về. Biết bao nhiều tiền của nhà nước đã bị đâu đó rơi rớt, giành giật, cắt xén. Biết không – chúng tôi biết chứ. Nhưng biết làm sao khi mà cả một hệ thống, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ tất cả các cấp các ngành đều có những vấn nạn như vậy.
Thưa toàn thể các em,
Hôm nay là ngày vui khai trường của các em, nhưng tôi lên đây nói ra những sự thật đau buồn này, để coi đó như một phát súng mở màn tấn công vào thói dối trá, căn bệnh thành tích và sự yếu kém trong công tác quản lý giáo dục Với cương vị một người đứng đầu nhà nước, chúng tôi muốn cho tất cả các bạn biết rằng, tất cả những vấn nạn trong giáo dục đó, chúng tôi đều biết, đều bức xúc và quyết tâm thay đổi. Và sự thay đổi đó sẽ được bắt đầu ngay từ đây, ngay từ ngày hôm nay, để đem lại cho các em quyền được học tập rèn luyện để trở thành con người,
Chúc các tất cả các em bước vào một năm học mới đầy tình yêu thương, chân thành và trách nhiệm.

Cám ơn tất cả các em,”
Đại Nguyễn
(Quê Choa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét