Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng thay đổi lập trường về Biển Đông?

VN 'chuẩn bị cho tình huống xấu' với TQ

Chính phủ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị cho 'tình huống xấu' với Trung Quốc, trong lúc ý kiến chuyên gia nói Bắc Kinh sẽ không chọn cách cắt giao thương.

"Với tình huống xấu xảy ra, hoạt động giao thương kinh tế thương mại với Trung Quốc đình trệ thì cần mở rộng thị trường", ông Nguyễn Văn Nên, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, được báo Dân Trí dẫn lời nói trong cuộc họp chính phủ hôm 1/7.

“Trong các tình huống đó, tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn đến mức chúng ta không giải quyết được".

“Thực ra các kịch bản này đã được đề ra từ lâu. Với đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, các cấp lãnh đạo nhà nước đã nêu yêu cầu làm sao để nền kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường nào”, ông nói thêm.

Căng thẳng trên Biển Đông từ khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã gây nhiều lo ngại rằng nền kinh tế Việt Nam, vốn dựa vào Trung Quốc để làm nguồn cung vật liệu và sản phẩm trung gian cho nhiều ngành xuất khẩu, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ không muốn quan hệ thương mại với Việt Nam bị xấu đi.

Trả lời BBC ngày 2/7, tiến sỹ Vũ Minh Khương, giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, nói "khả năng Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn là không có".

"Nếu Việt Nam bị thiệt hại một thì Trung Quốc cũng bị thiệt hại thêm nhiều lần."

"Hơn ai hết, Trung Quốc rất sợ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, mà cách hành xử vừa qua của Trung Quốc đối với khu vực và thế giới đã tạo ra những trở lực rất lớn cho Trung Quốc phát triển nhanh chóng."

"Việt Nam phải chủ động trong những tình huống có thể xảy ra và xem tình huống hiện nay là động lực để cải cách toàn diện, trong đó có những cải cách lâu nay vẫn ngần ngại."

'Hy sinh cho thế hệ sau'

Theo ông Khương, Việt Nam cần chú trọng vào việc "vượt trên đầu" những người muốn ngăn trở mình, thay vì chỉ "đối đầu".

"Đây là một nguyên lý rất quan trọng để Việt Nam trỗi dậy trong những thập kỷ tới", ông nói.

"3 chữ C: Con người, cơ chế, chiến lược sẽ cho Việt Nam khả năng vượt lên đầu và tránh đối đầu."

"Cần tìm những người có lòng với đất nước, cần có hệ thống chính trị sẵn sàng đổi mới cơ chế để cho phép người tài được cống hiến hết khả năng của mình và từ nhiệm khi đã hoàn thành nhiệm vụ."

Ông cho rằng căng thẳng hiện nay là động lực để Việt Nam tái cân bằng điều mà ông gọi là sự 'rối loạn về cơ cấu thương mại'.

"Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ hơn 15 tỷ đôla, hầu hết là hàng nông sản, nguyên liệu, trong khi nhập hơn 35 tỷ đôla. Đó là mức thâm hụt rất lớn", ông nói.

"Việt Nam nhập siêu rất nhiều hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu, nhưng không có tính chất gì về công nghệ hay giá trị cao cả, chỉ tham giá rẻ, chấp nhận chất lượng thấp."

"Trong ngắn hạn mà nói thì mọi rối loạn về thương mại đều gây sốc cho nền kinh tế, nhưng đó là cú sốc buộc Việt Nam phải chấn chỉnh cơ cấu thương mại mất hợp lý quá lâu dài".

"Thế hệ ngày này phải chấp nhận những hy sinh gian khổ rất lớn để thế hệ sau có thể thừa hưởng những thành quả mà thế hệ này đã tạo ra."

'Không thiếu nguồn lực'

Tiến sỹ Vũ Minh Khương nói nỗ lực của Việt Nam hiện nay không bằng Hàn Quốc và Đài Loan thời Chiến Tranh Lạnh
Ông Khương cho rằng Việt Nam không thiếu nguồn lực mà thiếu 'tâm thế' để vượt lên.

"Đài Loan và Hàn Quốc gặp rất nhiều thách thức trong thời Chiến Tranh Lạnh và tài trợ của thế giới vào họ rất hạn chế, chủ yếu là từ Mỹ," ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 2/7.

"Nhưng tôi quan sát kinh nghiệm của họ thì thấy các nhà đầu tư giúp đỡ họ đều cảm thấy kinh ngạc vì nỗ lực của những nước này vượt xa kỳ vọng của nhà viện trợ."

"Trong khi đó, nếu nhìn lại các dự án của Việt Nam thì phần lớn đều bị đánh giá thấp hơn kỳ vọng hoặc trung bình thấp."

"Như vậy vấn đề ở đây là sử dụng nguồn lực thế nào để vượt lên chứ không phải là thiếu nguồn lực."

"Ba chữ C mà tôi nói: con người, cơ chế, chiến lược, mới là cái Việt Nam đang thiếu."

"Cần phải có quyết tâm lớn từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Rất nhiều bạn bè quốc tế cũng rất sẵn sàng tư vấn để giúp Việt Nam phát triển."

"Có điều họ có coi trọng sứ mệnh đưa đất nước trở nên phồn vinh hay không, hay vẫn bám lấy thứ ý thức hệ giáo điều, lợi ích cá nhân và những thứ mơ hồ khác?"
Theo BBC 

Việt Nam phải kiện Trung Quốc như thế nào

Mạn trái tàu KN 951 bị đâm rách nát, vết tích của tàu Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư 951 tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ngày 23 tháng 6, 2014
Mạn trái tàu KN 951 bị đâm rách nát, vết tích của tàu Trung Quốc đâm tàu kiểm ngư 951 tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ngày 23 tháng 6, 2014.  TNO-Thanhnien online

Vấn đề Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế vì đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam hiện đang được nhiều người đốc thúc. Gia Minh hỏi chuyện nhà nghiên cứu Biển Đông Lê Trung Tĩnh về vấn đề đó và được ông cho biết:

Nhà nghiên cứu Biển Đông Lê Trung Tĩnh: Biện pháp pháp lý theo tôi nghĩ là cách thức tốt nhất hiệu quả, khả thi và đưa đến một giải pháp công bằng cũng như hòa bình nhất cho việc giải quyết trên Biển Đông.

Cách đây khoảng 6 tháng, vào ngày 19 tháng 1 năm 2014, tôi cùng với mọi người soạn thảo một lá thư gửi Liên Hiệp Quốc để nói rằng Trung Quốc 40 năm về trước đã xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực. Trong lá thư đó tôi có nói phải kiện, phải yêu cầu chính thức đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa án Công lý Quốc tế. Đó là một cách mà tôi nhắc lại một lần nữa là khả thi và hiệu quả nhất. Lá thư đó chúng tôi đã vận động được 15.588 chữ ký.

Gần đây hơn khi giàn khoan Hải Dương 981 vào Việt Nam, tôi cùng ông Nguyễn Quang A và một số người khác gửi lá thư thứ nhì yêu cầu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa. Lá thư đó cũng như vấn đề kiện như thế nào.
Kiện như thế nào thì giàn khoan HD 981 là một hành xử của TQ mà từ đó Việt Nam có thể kiện một cách hiệu quả. Việt Nam kiện Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN có sự hỗ trợ của máy bay và tàu chiến trong vùng biển của VN - Ông Lê Trung Tĩnh
Kiện như thế nào thì giàn khoan Hải Dương 981 là một hành xử của Trung Quốc mà từ đó Việt Nam có thể kiện một cách hiệu quả. Việt Nam kiện Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có sự hỗ trợ của máy bay và tàu chiến trong vùng biển của Việt Nam như thế ra cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Cơ chế này có thể hình thành từ một trong ba tòa án sau: thứ nhất là Tòa Án Công Lý Quốc tế, thứ nhì là Tòa án Quốc tế về Luật BIển ITLOS ở Hamburg, Đức, thứ ba có thể là một tòa sự vụ thành lập bởi Công ước về Luật biển năm 1982 giống như Philippines đang làm.

Kết quả giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển này sẽ có thể ( khi ra ròa thì nói kết quả có thể) dẫn đến việc người ta kết luận chuyện Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hiện nay là một hành động phi pháp và buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra, cũng như ngừng hoạt động gây hấn, thậm chí bằng máy bay.
 
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển (tinmoitruong.vn ngày 9/01/14)
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển (tinmoitruong.vn ngày 9/01/14)
Gia Minh:Giàn khoan Hải Dương 981 đặt tại vị trí mà mọi người cho là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Theo thông tin Trung Quốc nói đến ngày 15 tháng 8 rút đi; mọi người nói cần phải kiện khi nó đang còn ở vị trí đó. Điều ấy có đúng không? Và việc chuẩn bị hồ sơ cần bao lâu và có thể tiến hành ngay lúc này không?

Nhà nghiên cứu Biển Đông Lê Trung Tĩnh: Thực ra nó ( giàn khoan) còn ở đó hay đã rút đi Việt Nam đều có thể kiện được. Nói nôm nay, đó là hành động nó đã vào nhà mình, lục tung hết đồ đạc lên, và Việt Nam có chứng cứ rõ ràng với tàu nước ngoài đi ra đó và chứng kiến. Phía Trung Quốc không những đi khoan dầu mà còn gây hấn với chủ nhà nữa: những tàu hải giám, cảnh sát biển của Việt Nam ra bị phun vòi rồng và đâm va rất thô bạo. Tất cả những điều đó đều được ghi lại rõ rang và thậm chí Trung Quốc không cần quan tâm che giấu những điều đó nữa. Chứng cớ phạm pháp, phạm tội đã rõ ràng rồi, nên Trung Quốc có rút đi nữa, vẫn có thể kiện chuyện đó.

Nếu giàn khoan chưa rút đi thì kết quả của vụ kiện là nó phải rút đi, còn nếu rút đi rồi thì vụ kiện lúc đó chứng tỏ Trung Quốc đã thực hiện một hành động phạm pháp. Và kết quả đó, có thể một chừng mực nào đó, đẩy vấn đề tranh chấp Hoàng Sa ra quốc tế hơn, có thể một chừng mực nào đó đẩy câu chuyện mà cho đến lúc này Trung Quốc không nói là đường lưỡi bò ra ánh sáng quốc tế hơn.

Gia Minh:Ông nói có thể kiện giàn khoan Hải Dương khi nó còn trong vùng biển của Việt Nam hay khi nó rút đi rồi, nhưng theo ông việc không kiện sớm sẽ có những bất lợi gì?

Nhà nghiên cứu Biển Đông Lê Trung Tĩnh: Theo quan điểm, cách nhìn của tôi, dĩ nhiên câu chuyện về pháp lý về chủ quyền, chủ quyền trên biển là vấn đề rất quan trọng, cần phải cân nhắc, suy xét chuẩn bị hồ sơ pháp lý rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nếu được nên tiến hành vụ kiện sớm nhất có thể.
Theo tôi được biết từ một bài báo VN hẳn hoi thì một vị vụ trưởng Vụ Pháp chế của Việt Nam tên Nguyễn thị Thanh Hà nói rằng về mặt kỹ thuật, pháp lý VN chuẩn bị đầy đủ rồi. Nên tôi tạm có suy nghĩ rằng vấn đề quyết định hay không hoặc là người ta đang tính toán để đi đến việc đó - Ông Lê Trung Tĩnh
Theo tôi được biết từ một bài báo Việt Nam hẳn hoi thì một vị vụ trưởng Vụ Pháp chế của Việt Nam tên Nguyễn thị Thanh Hà nói rằng về mặt kỹ thuật, pháp lý Việt Nam chuẩn bị đầy đủ rồi. Nên tôi tạm có suy nghĩ rằng vấn đề quyết định hay không hoặc là người ta đang tính toán để đi đến việc đó, hoặc là một lựa chọn chính trị mà người ta đang cân nhắc.

Do đó lá thư mà chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa là một trong chuỗi nhiều hành động của nhiều tổ chức công dân dân sự khác thúc đẩy lựa chọn chính trị đó. Vì sao? Vì đến bây giờ cách tiếp cận được Nhà nước Việt Nam theo đuổi trong tranh chấp trên Biển Đông, cũng như tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa là kiên trì đàm phán, ngoài ra còn có kiểu ’16 chữ vàng, 4 tốt’ … thì tạm thời không nói ở đây; nhưng theo tôi chỉ kiên trì đàm phán, mà chỉ kiên trì đàm phán là cách không phù hợp trong quá khứ, không còn thích hợp trong hiện tại nữa.

Vì làm sao kiên trì đàm phán với một đất nước, một đối tác, một bên khác mà họ không chấp nhận, thậm chí là có tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa. Làm sao đàm phán với một người mà họ không chấp nhận đàm phán nữa. Đó là điều thứ nhất, và điều thứ hai là tham vọng về đường lưỡi bò là một tham vọng nhiều năm nay và họ dần tiến đến từ thực địa cho đến ngoại giao, học thuật quốc tế. Kiên trì đàm phán một mặt nào đó để tiến đến một sự thỏa thuận nào đó, theo tôi đó là một ảo tưởng mà mình nên dứt bỏ.

Ngoài ra việc kiện là một giải pháp nói nôm na là hòa bình, hữu nghị; một mặt nào đó nó là một dạng vũ khí nhưng là vũ khí để ngăn chặn chiến tranh, ngăn chặn xung đột có thể xảy ra. Nó đưa vấn đề ra ánh sáng, giảm thiểu áp lực đơn phương và song phương mà Trung Quốc đang gây lên trên đất nước Việt Nam.

Gia Minh:Cám ơn về những thông tin mà ông chia sẻ.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 
2014-07-02

Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng thay đổi lập trường về Biển Đông?

Sự việc Trung quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu lãnh hải thuộc vùng kinh tế đặc quyền của Việt nam đến nay đã tròn hai tháng, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và cho thấy một lối thoát. Cho dù hành động này của phía Trung quốc được dư luận coi đây là một hành động có chủ ý, với mục đích được sử dụng như một nước cờ chính trị nhằm tạo tiền lệ cho những bước lấn chiếm khác trong việc độc chiếm Biển Đông trong yêu sách Đường lưỡi Bò 9 đoạn của họ.
Trong bối cảnh từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đánh dấu sự bình thường hóa trong quan hệ giữa Việt nam và Trung quốc, kể từ đó Việt Nam đã hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về mọi mặt, kể cả kinh tế và chính trị. Nói như cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thì đây là một thời kỳ Bắc thuộc mới đối với Đảng CSVN. Đáng chú ý, trong lúc này Việt Nam đang đối mặt với sự suy thoái về kinh tế và sự kiện giàn khoan HD-981 xảy ra vào lúc Việt nam hoàn toàn cô độc, không có một đồng minh nào về chính trị và quân sự. Về phía lãnh đạo Trung quốc thì đã quá biết rõ rằng Đảng CSVN không thể rời bỏ chỗ dựa an toàn là người đồng chí có cùng ý thức hệ Trung Quốc, vì chỉ có gắn chặt vào Trung quốc như thế thì mới có thể duy trì sự tồn tại của Đảng và chế độ với những đặc quyền đặc lợi quá lớn.
Các phản ứng của phía Việt nam trong 02 tháng vừa qua được dư luận chung đánh giá là quá mềm mỏng, nhũn nhặn, điều đó được coi là phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nhằm để giải quyết tranh chấp với Trung quốc tránh xung đột. Với phản ứng chiếu lệ nếu không nói là yếu hèn của các tàu chấp pháp thuộc các lực lượng Cảnh Sát Biển, Kiểm ngư... của Việt nam đối với các lực lượng tàu thuyền của Trung quốc, cũng như các phản ứng và các lời tuyên bố yếu ớt và không thống nhất theo lối "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" của lãnh đạo cấp cao Việt nam cũng đã khiến không ít người nghi ngờ về lập trường của Việt nam trong vấn đề Biển Đông. Đành rằng các phát biểu hay hành động của các lãnh đạo cao cấp trong mỗi thời điểm nhạy cảm là một vấn đề, thông qua các lời tuyên bố, các hành động của một vài lãnh đạo cao cấp thì dư luận cũng như người dân một quốc gia cũng có thể suy đoán được thái độ của chính quyền trong vấn đề đó. Điều đó đòi hỏi các lãnh đạo cao cấp cần phải kiệm lời và thận trọng trong các phát ngôn, hành động. Tuy nhiên tất cả các phát ngôn hay hành động đó của tập thể lãnh đạo phải hướng về một phía với sự nhất trí cao. Song dư luận trong thời gian qua đã cho thấy hoàn toàn không chấp nhận và nghi ngờ sự im lặng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người giữ cương vị cao nhất trong bộ máy Đảng, Nhà nước và chính quyền.
Đó là lý do vì sao, khi ngày 01.7.2014 các tin tức của truyền thông nhà nước cho biết về một số hoạt động cũng như phát biểu mang tính tích cực của lãnh đạo Đảng và cơ quan Chính phủ liên quan đến vấn đề quan hệ Việt - Trung. Đây là những động thái đáng lưu ý, được đánh giá là những dấu hiệu tích cực của phía Việt nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong lúc phía Trung quốc ngày càng tỏ ra ngạo mạn bất chấp luật pháp quốc tế. Theo đó, phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) sáng 1-7, đây là lần đầu tiên kể từ khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD-981 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố một cách công khai khi khẳng định rằng "Việt Nam cần phải gìn giữ hữu nghị với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng phải giữ vững được chủ quyền" . Đáng lưu ý khi nói về vấn đề Hoàng sa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Ta nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974 khi chúng ta chưa giải phóng miền Nam. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa”. Không chỉ thế, ông Tổng Bí thư còn thẳng thắn đề cập đến vấn đề xấu nhất trong quan hệ Viêt - Trung có thể xảy ra, ông nói rằng “Có người hỏi nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng. Chúng ta mong chiến tranh không xảy ra và cố gắng làm cho nó đừng xảy ra”. Đây là một động thái hoàn toàn không bình thường.
Đáng lưu ý, động thái này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xảy ra cùng ngày với việc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao các cơ quan liên quan củng cố hồ sơ pháp lý Kiện Trung quốc để báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét cân nhắc việc đấu tranh pháp lý về Biển Đông. Được biết cũng tại Hội nghị này Thủ tướng Việt Nam khẳng định Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý và quan hệ song phương khi hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh hành động này của TQ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Và không chỉ thế Chính phủ Việt Nam cho biết đã chuẩn bị cho "tình huống xấu" nhất với Trung Quốc. Những động thái nói trên cho thấy quan hệ Việt nam - Trung quốc đã một lần nữa lại xấu đi, khác trước là các phản ứng của các nhà lãnh đạo Việt nam đã cho thấy họ đã tìm được một tiếng nói chung.
Hành động của ông Tổng Bí thư đã được coi là ông Nguyễn Phú Trọng đã ngầm chuyển tín hiệu bày tỏ sự đồng thuận của mình với Chính phủ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của Việt nam. Đây là bước đột phá mới và điều đó trái với các đánh giá nhận định từ trước đến nay của dư luận trong và ngoài nước cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật đứng đầu phe giáo điều bảo thủ và có xu hướng thân Trung quốc, người luôn có tư tưởng ủng hộ bảo vệ đại cục trong mối quan quan hệ Việt nam - Trung quốc. Hành động này của ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự xích lại gần nhau về quan điểm giữa các nhà lãnh đạo Việt nam trong Bộ Chính trị, điều mà các ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang... đã từng lên tiếng trong những ngày trước đó với các nội dung tương tự.
Vấn đề đặt ra là: "Vì sao ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại có sự thay đổi quan điểm một cách bất ngờ như vậy và sự xích lại gần nhau về lập trường - quan điểm giữa hai phe "Cải cách" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe "Bảo thủ - thân Trung quốc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có là tín hiệu mới để chuyển tải thông điệp Thoát Trung hay không?"
Nếu theo dõi diễn biến về quan điểm và lập trường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề Biển Đông trong thời gian gần đây, sẽ thấy ông Tổng Bí thư nay đã tỏ ra quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông thay cho việc phát biểu vô trách nhiệm hoặc sự im lặng đáng ngờ như trước đây không lâu. Gần đây, trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Viện Dương Khiết Trì trong tháng 6.2014 ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng tuyên bố về tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5.2014 đến nay đối với Việt Nam, điều đó đã ảnh hưởng đến cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Và mới đây, ngày 01.7.2014 Tổng Bí thư đã khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là trước sau không thể thay đổi. Ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "Đấu tranh với Trung Quốc là việc lâu dài, chúng ta làm sao phải khẳng định được chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa.".
Phải chăng sự thay đổi đột ngột này là kết quả của sự tỉnh ngộ của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi bị Chủ tịch Trung quốc đã từ chối tiếp, khi trong tháng 5.2014 ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề nghị được tiếp kiến để bàn thảo về vấn đề giàn khoan HD-981? Đây là điều mà các nhà bình luận và phân tích chính trị cho rằng đã đến lúc phe bảo thủ thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng CSVN đã bị Bắc Kinh coi rẻ và không thèm đếm xỉa tới nữa. Vì Trung quốc từ xưa đến nay - nhất là từ sau Hội nghị Thành đô đã nắm được tử huyệt của ban lãnh đạo Đảng CSVN. Đó là trước hay sau thì ban lãnh đạo Việt nam sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc thoát Trung, bởi ngoài Trung Quốc ra thì không có một chỗ dựa nào khác dành cho họ.
Tuy nhiên một trong những lý do khiến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng buộc phải thay đổi quan điểm được đánh giá cao, đó là mâu thuẫn giữa các phe phái trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN ngày càng trầm trọng. Được biết, trong buổi tiếp xúc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, của Chủ tịch Nước ông Trương Tấn Sang, ông Lê Kế Lâm chuẩn đô đốc hải quân Việt Nam đã đưa ra thông tin là Trung Quốc sẽ dùng 20 tỷ đô la Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) và 100 tỷ đô la tín dụng để mua chuộc Chính phủ Việt Nam. Đến nay thông tin này chưa được kiểm chứng, song một thông tin tày đình như vậy được đưa ra bởi một sỹ quan quân đội cao cấp trong một cuộc họp của người đứng đầu Nhà nước - Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thì cơ sở tin cậy của nguồn tin này là khá cao. Đây phải chăng là một trong những lý do có sự thay đổi lập trường của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Quan trọng hơn, từ đầu năm 2014 trở lại đây trở lại đây có nhiều dấu hiệu cho thấy phe của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang ở thế thượng phong và khuynh loát. Nhiều dấu hiệu cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đang nắm số đông trong Bộ Chính trị và đa số trong Ban Chấp hành TW. Với bằng chứng rõ ràng nhất là trong thông điệp đầu năm mới 2014 của mình, ông Dũng đã không ngại ngần đề cập tới vấn đề cải cách thể chế chính trị đúng vào ngày Bản Hiến pháp 1992 Sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Điều đó xảy ra vào lúc chỉ còn hơn một năm Đại hội Đảng khóa XII sẽ khai mạc, mà đây là lúc quyền lực giữa các phe phái trong Đảng sẽ được thỏa thuận làm cơ sở để chia chác quyền lực. Đó là mục tiêu cuối cùng của các phe phái trong Đảng CSVN đang hướng tới để làm sao chiếm được ưu thế trong Đại hội 12 sẽ diễn ra năm 2016. Và từ nay đến lúc khai mạc Đại hội Đảng khóa XII thì các quyết định liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là vấn đề Biển Đông sẽ có thay đổi gì không? Đây là vấn đề sống còn giữa các phe phái, vả lại thời gian cũng còn quá ít nếu vào lúc này ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không quyết tâm thay đổi thì chắc chắn sẽ lãnh thất bại. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải thay đổi cho phù hợp và để duy trì sự tồn tại của bản thân và phe nhóm. Chứ sự thay đổi về lập trường trong vấn đề quan hệ Việt - Trung hoàn toàn là hành động mang tính chiến thuật để lôi kéo dư luận trong và ngoài Đảng, chứ không vì mục đích phục vụ cho lợi ích của dân tộc hay của đất nước.
Về lâu dài trong vấn đề quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt nam và Trung quốc mãi mãi sẽ vẫn là lợi ích cốt lõi, nhưng nó sẽ được che dấu một cách tinh vi và khéo léo hơn. Mà công văn của Bộ Ngoại giao Việt nam gửi cho các ban, ngành và một số tỉnh, thành phố về "Các việc cần làm" sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Tư của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Hoa, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Đông là một ví dụ điển hình về quan hệ giữa hai người vừa là đồng chí, vừa là thù địch này. Văn bản này, được phát đi chỉ một tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình, điều đó đã và gây căng thẳng rất nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước là điều không bình thường. Không chỉ thế, theo Tạp chí Xây Dựng Đảng nà 26-6-14 cho biết một đoàn cán bộ Ban Tổ chức Trung ương sẽ sang nghiên cứu về công tác xây dựng đảng tại Trung Quốc từ ngày 15-6 đến 24-6-2014. Nói như thế để thấy quan hệ giữa hai Đảng CS Việt nam và Trung quốc chỉ là vấn đề bằng lòng mà không bằng mặt, hay nói một cách khác là hình như hai Đảng, hai chính quyền của Việt nam và Trung quốc đang diễn trò để hợp thức hóa sự có mặt của các giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. Với phương châm để lâu cứt Trâu hóa bùn. Nếu đúng như thế thì là điều cực kỳ nguy hiểm.
Điều đó cho thấy mọi hy vọng sẽ có sự chuyển hướng ngoại giao thân phương Tây hơn để Thoát Trung của chính quyền Việt nam trong thời gian tới chỉ là sự vô vọng và viển vông. Vì chả bao giờ những người (mang danh) cộng sản lại đoạn tuyệt với những người đồng chí "kẻ thù" có cùng ý thức hệ để ngả theo bọn đế quốc, nếu không tiến hành cải cách thể chế chính trị một cách triệt để và toàn diện.
Ngày 02 tháng 7 năm 2014
© Kami

Trung Quốc & Mỹ trên mặt trận lôi kéo đồng minh


Cuộc chiến giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc được thể hiện trên mọi mặt trận. Lôi kéo đồng minh là một mặt trận như vậy. Chuyến công du của họ Tập sang Seoul ngày 3 và 4-7-2014 là một ý đồ như thế của Bắc Kinh. Đánh giá Seoul là mắt xích lỏng lẻo nhất trong nhóm đồng minh Mỹ tại châu Á, Bắc Kinh đang “tấn công” dồn dập Hàn Quốc bằng các kết nối kinh tế.

Chưa bao giờ quan hệ kinh tế song phương Trung-Hàn gắn bó bằng lúc này. Trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (ISIS, Washington DC) tung ra giữa tháng 6-2014, nhóm tác giả cho biết, dù dư luận Hàn Quốc luôn xem Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh, Hàn Quốc đồng thời ngày càng gắn kết sâu với Trung Quốc qua con đường mậu dịch, kinh tế và thậm chí văn hóa.

Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường năm 1992, mậu dịch song phương đã tăng 35 lần. Năm 2004, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Mậu dịch với Trung Quốc năm 2013 chiếm 26% tổng xuất khẩu Hàn Quốc và chắc chắn tiếp tục tăng, khi mà hai nước hiện thảo luận Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) với vòng đàm phán mới đây tổ chức vào tháng 3-2014; chưa kể các cuộc đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP – một FTA mà Trung Quốc đóng vai trò “chủ xị” giữa ASEAN và các đối tác FTA khác gồm Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand…).

Kế hoạch lôi kéo Hàn Quốc bứt khỏi trục Mỹ của Trung Quốc có thuận lợi ở chỗ: sự bất thành trong dàn xếp quan hệ Tokyo-Seoul mà trọng tài Mỹ chưa thể giải quyết. Bất hòa Tokyo-Seoul lại có nguồn gốc từ lịch sử - một điểm chung mà Bắc Kinh có thể “chia sẻ” và “đồng cảm” với Seoul. Cho đến nay, sách giáo khoa Hàn Quốc vẫn còn kể lại chuyện nhà Minh từng giúp Triều Tiên chống quân xâm lược Nhật vào thập niên 1590. Hơn nữa, dư luận Hàn Quốc cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm với Mỹ. Năm 2002, biểu tình bạo động tại Seoul đã nổ ra khi hai nữ sinh Hàn Quốc bị xe quân đội Mỹ cán phải. Trong suốt một thập niên sau đó, loạt chiến dịch kêu gọi chấm dứt sự có mặt quân đội Mỹ liên tục bùng nổ ở Hàn Quốc.

Phần Hàn Quốc, Seoul sở dĩ “qua lại” với Bắc Kinh là vì hai lý do. Thứ nhất, họ muốn Bắc Kinh giúp kiềm chế sự hoang dã của Bình Nhưỡng; thứ hai, họ muốn… chọc tức Mỹ! Seoul hy vọng Washington sẽ chú ý hơn và phải “đối xử công bằng” với họ như đối với đồng minh Nhật. Washington cho phép Nhật sản xuất hạt nhân trong khi Hàn Quốc bị khước từ là một ví dụ của sự “bất công” như vậy. Washington chia sẻ thông tin tình báo với Úc về Trung Quốc nhưng thường không làm tương tự với Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên. Trong một số trường hợp, Washington đã không đếm xỉa Seoul khi muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, những cứ liệu nói trên thật ra là chưa đủ để Bắc Kinh lôi kéo được Seoul, cho dù có thể tạo ra bao nhiêu ràng buộc kinh tế đi nữa. Vấn đề nằm ở chỗ yếu tố Bình Nhưỡng. Trung Quốc luôn muốn duy trì sự chia cắt Nam-Bắc Triều Tiên, để không chỉ sử dụng Bắc Triều Tiên làm vùng đệm chiến lược mà còn dung túng Bình Nhưỡng nhằm có thể giật dây con rối Bình Nhưỡng cho những mục đích cụ thể ở những thời điểm cụ thể. Bắc Triều Tiên và sự hoang dã đến mức sơ khai trong “văn minh chính trị” của họ đã trở thành công cụ đắc dụng trong các cuộc mặc cả “hòa bình khu vực” của Trung Quốc, dù trong thực tế, sự thể hiện đầy tính “ngẫu hứng” một cách quái đản có khi không thể lý giải của Bình Nhưỡng cũng khiến Bắc Kinh đau đầu.

Seoul thật ra không thể liều lĩnh bỏ Mỹ, trên mọi phương diện. Đó là điều chắc chắn. Mọi tương quan với Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn chỉ đặt trên cơ sở quan hệ kinh tế. Hàn Quốc vẫn cần sự hiện diện của 28.000 lính Mỹ để phòng vệ trước Bắc Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc vẫn sử dụng chủ yếu thiết bị quân sự Mỹ (gần đây họ dự tính chi khoảng 8 tỉ USD để mua ít nhất 40 chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin). Hàn Quốc tiếp tục tập trận thường xuyên với Mỹ...

Nói cách khác, muốn kéo Seoul về phía mình, Bắc Kinh phải chấp nhận phủi tay giũ bỏ Bình Nhưỡng, mà điều này là bất khả, dù trong thâm tâm, Trung Quốc chẳng coi Bắc Triều Tiên ra cái đinh gì và càng chẳng xem Kim Jong-un ra cái thứ gì. Chuyến công du của họ Tập (lần đầu tiên một chủ tịch Trung Quốc đến Seoul trước, thay vì Bình Nhưỡng) hẳn là một thông điệp như vậy mà Bắc Kinh gửi đến Bình Nhưỡng, với một “phụ chú” đính kèm: coi chừng, liệu cái thần hồn, Trung Quốc cúp gạo là chết đói cả lũ! Dù vậy, Bình Nhưỡng hẳn đã biết tỏng, còn lâu Trung Quốc mới dám đẩy họ vào con đường cùng, và chắc chắn càng không thể, khi mà ngay thời điểm hiện tại, Tokyo đang nỗ lực làm một cú móc từ cự ly rất xa chuyền quả bóng giao hảo đi đường vòng bay vào sân Bình Nhưỡng!
Mạnh Kim 
(FB Mạnh Kim)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét