Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Bối cảnh vì sao VN thần phục TQ

Phan Ba - Mối đe doạ từ bên ngoài có dẫn đến cải cách chính trị?


Cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về các quần đảo ở biển Đông thống trị những cuộc thảo luận ở Việt Nam. Áp lực nặng nề của láng giềng to lớn cũng thúc đẩy cuộc tranh cãi nội bộ về những cải cách cần thiết và để cho người ta nhận ra được sự hình thành phe phái trong Đảng Cộng sản.

Leo thang trên biển

Từ ngày 1 tháng Năm, Trung Quốc đã đặt giàn khoan HD-981 to lớn vào vùng biển 200 hải lý được Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Sự kiện này đã dẫn tới bước leo thang lớn nhất lâu nay trong quan hệ vốn cũng đã căng thẳng giữa hai đất nước cộng sản.

Hiện giờ, Trung quốc đã gởi sáu tàu chiến, 36 tàu cảnh sát, 21 tàu vận tải và 44 tàu đánh cá tới vùng biển tròn mười hải lý quanh giàn khoan. Ở phía Việt Nam có 63 tàu cảnh sát và đánh cá. Việt Nam cáo buộc Trung Quốc đã đâm va vào tàu thuyền của họ và đã tấn công bằng súng phun nước mạnh. Qua đó 24 tàu cảnh sát Việt Nam được cho là đã bị hư hỏng nặng và hàng chục người đã bị thương. Một tàu đánh cá Việt Nam bị chìm. Ngược lại, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đã đâm húc tàu của họ 1,416 lần (?!)

Trong một kháng thư gửi lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam tiến hành một chính sách thù địch đối với Trung Quốc và người Trung Quốc. Có ý muốn nói tới là những cuộc biểu tình bạo lực ở miền Nam và Trung Việt Nam trong tháng Năm mà trong đó hàng trăm xí nghiệp Trung Quốc và nước ngoài khác đã bị phá hủy, bốn người Trung Quốc bị giết chết và hơn một trăm bị thương.

Phản ứng trên đất liền

Kể từ lúc đó, bước leo thang này là tâm điểm trong các truyền thông Việt Nam do nhà nước định hướng. Nhiều trí thức Việt Nam và cựu quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), những người thường được gọi là ‘nhà cải cách’, nhìn tình huống này không chỉ là một mối đe dọa và còn là cơ hội, để giải phóng Việt Nam ra khỏi ‘ách Trung Quốc’ và cải tổ đất nước theo hướng dân chủ. Vì trước sau thì đất nước này vẫn đứng dưới sự thống trị của một đảng và mặc cho sự phát triển hết sức nhanh chóng về kinh tế vẫn chiếm những thứ hạng sau cùng trong các chỉ số như Freedom Barometer Asia.

Bức thư ngỏ của giới trí thức gởi Đảng

Vào ngày 25/5/2014, hàng trăm nhà trí thức đã viết một bức thư ngỏ gởi ĐCSVN. Lá thư này được đăng trong diễn đàn Internet boxitvn.net từ nhiều tuần nay. Giới trí thức và khoa học đã thành lập diễn đàn này năm năm trước, để phản đối các dự án bôxít của chính phủ, cộng tác với công ty Trung Quốc tại Lâm Đồng trên cao nguyên Việt Nam.

Hiện nay đã có hàng người người Việt ký tên, các nhà trí thức nổi tiếng của Việt Nam trong và ngoài nước. “Tình thế hiểm nghèo … đòi hỏi phải phân tích, dự báo diễn biến và có đối sách chủ động ứng phó. Trách nhiệm này được đặt ra trước hết cho cơ quan lãnh đạo ĐCSVN.” Những phản ứng dè dặt như phản ứng của tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng bị phê phán là ‘vô trách nhiệm’. Ngược lại, các hành động của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nhận được nhiều khen ngợi. Trong một bài diễn văn ở Manila vào ngày 22/5, thủ tướng đã nói: “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi … nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

Phe phái hình thành trong ĐCSVN

Những lời đồn đại về sự chia rẽ trong ĐCSVN đã có từ lâu. Người ta cho rằng có một cánh theo phương Tây với thủ tướng Dũng và một cánh theo Trung Quốc với sếp ĐCSVN Trọng. Người ta cũng có thể nhận ra phỏng đoán này trong bức thư ngỏ của giới trí thức gởi ĐCSVN. Trong đó có viết: “Tình hình hiện nay đòi hỏi và tạo cơ sở cho các cán bộ, đảng viên trung thành với tâm nguyện vì dân vì nước cùng với nhân dân vạch rõ và đấu tranh không khoan nhượng chống lại những quan điểm và thái độ nhu nhược đối với kẻ xâm lược…đặc biệt là những kẻ có quan hệ mờ ám với nhà cầm quyền Trung Quốc.”

Cuối cùng, bức thư đi tới thông điệp chính, rất đáng để chú ý: “Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc đấu tranh nêu trên của những đảng viên vì nước vì dân của Đảng CSVN sẽ được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, góp sức. Mọi người Việt Nam hãy đồng lòng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia bằng nhiều hình thức thể hiện rõ tính chính nghĩa và nhân văn, hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn kích động của thế lực bành trướng Trung Quốc và tay sai, hết lòng cổ vũ, hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ biển đảo và ngư dân bám biển, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy cải cách chính trị, xây dựng nền dân chủ và pháp trị thực sự, đổi mới và phát triển kinh tế, văn hóa để bảo vệ chủ quyền, đưa đất nước thoát khỏi lệ thuộc và tụt hậu.”

“Làm thế nào để thoát Trung?”

Trong một hành động hết sức đáng chú ý, nhà xuất bản Tri Thức (Knowledge Piblishing House) đã cùng với quỹ Phan Chu Trinh tổ chức một cuộc hội thảo công khai vào ngày 5/6/2014 với đề tài “Làm sao để thoát Trung?” Người tổ chức là giáo sư Chu Hảo nổi tiếng, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức.

Giáo sư Chu Hảo sinh năm 1940, đã từng là thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ 1996 đến 2005. Cha ông, Chu Đình Xương, là một nhà cách mạng trước đây đã thuộc giới thân cận nhất xung quanh Hồ Chí Minh (Chu Đình Xương là sếp công an của miền Bắc Việt Nam trong năm 1945). Trong những năm 1950, Chu Hảo là học trò được gởi sang Trung Quốc, rồi ông học đại học ở Liên Xô trong những năm 60 và hoàn thành luận án tiến sĩ trong những năm 70 ở Paris. Năm 2005, ông lui ra khỏi tất cả các chức vụ chính trị và thành lập nhà xuất bản Tri Thức nằm dưới sự bảo trợ của Hội Khoa học và Kỹ thuật. Từ đó, ông đã xuất bản hàng trăm quyển sách cổ vũ khai trí, nhà nước pháp quyền và dân chủ, một phần cũng được Viện Friedrich Naumann vì tự do hỗ trợ, ví dụ như Chủ nghĩa Tự do của Ludwig von Mises.

Từ một vài năm nay, nhiều nhà trí thức nổi tiếng đã tụ tập quanh nhà xuất bản Tri Thức, quỹ văn hóa Phan Chu Trinh và diễn đàn Bauxite, ví dụ như khoa học gia và nhà phê phán Nguyễn Quang A (ông bị ĐCSVN nhìn như là một nhà bất đồng chính kiến), tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (cựu đại sứ tại Trung Quốc) hay triết gia, người dịch Kant Bùi Văn Nam Sơn. Cho tới nay, các diễn đàn này được ĐCSVN khoan dung cho, có lẽ vì những người trí thức này không trực tiếp chống lại quyền lực của ĐCSVN (phần lớn họ là đảng viên), mà ủng hộ một cuộc cải cách từng bước một.

Ba tiên đề và bảy trụ cột

Đã có nhiều mong đợi hội thảo này, nhưng đáng tiếc là ít nghe được những điều gì thật sự mới. Hai đề tài được những người tham dự thảo luận: sự phụ thuộc về ý thức hệ và về kinh tế vào Trung Quốc. Từ nhiều thập niên nay, ĐCSVN nhìn mô hình Trung Quốc và thành công kinh tế như là một tấm gương và cố gắng sao chép càng nhiều càng tốt từ Trung Quốc. Nhưng đó là một sai lầm, theo thảo luận, vì qua đó, Việt Nam tiếp tục đi sau Trung Quốc cả về kinh tế lẫn ý thức hệ. Liệu đó có là một luận cứ thuyết phục và nên theo đuổi hay không thì vẫn còn là câu hỏi. Nhưng rất đáng tiếc là cho tới nay vẫn chưa được thảo luận một cách hợp lý. Người ta đơn giản chấp nhận nó và nhanh chóng đi đến những giải pháp mang tính hời hợt, truyền thống.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người được mời đến để diễn thuyết và cũng là nhà thành lập học viện trực tuyến độc lập đầu tiên ở Việt Nam (GiapSchool), ngược lại đã giải thích rõ ràng: Giải pháp duy nhất cho câu hỏi “Làm sao để thoát Trung?” là: Việt Nam phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn Trung Quốc! Làm thế nào để đạt được điều đó? Bằng cách là giới lãnh đạo Việt Nam tuân theo ba tiên đề: (1) Ưu tiên cho lợi ích quốc gia (chứ không cho lợi ích ý thức hệ), (2) Phát triển tốt hơn và bền vững hơn trên cơ sở chất lượng của các thể chế và nguồn nhân lực, và (3) Ổn định qua phát triển (chứ không phải phát triển qua ổn định).

Trong đó, xã hội Việt Nam cần phải đứng trên bảy trụ cột, tức là (1) Con người tự do, (2) Giáo dục khai phóng, (3) Xã hội dân sự, (4) Hành chánh chuyên nghiệp, (5) Mô hình dân chủ (6) Kinh tế thị trường tự do, (7) Nhà nước pháp quyền.

Tất nhiên là các giải pháp do tiến sĩ Giáp Văn Dương đưa ra được những nhà cải cách và đấu tranh cho dân chủ ủng hộ. Tuy vậy, chúng không phải là mới và trước hết là trong hình thức này thì không đủ cụ thể. Những giải pháp tương tự như vậy, đặc biệt là về việc cải cách chính trị ý thức hệ của đất nước, đã được thảo luận từ nhiều năm nay trong các diễn đàn khác nhau. Thế nhưng hiện thực cho tới nay là: giới lãnh đạo ĐCSVN không muốn lắng nghe bất cứ điều gì từ đó và ngay cả khi họ có nghe điều gì từ đó thì họ cũng không muốn thảo luận.

“Làm thế nào để thoát Trung? Thưa quý vị, câu hỏi tốt hơn là: Làm thế nào để thoát ĐCSVN?”, tiến sĩ nguyễn Quang A nói với tính hài hước vốn có của ông. Những người tham dự cười to. Nhưng không có câu trả lời cho câu hỏi này.

Câu hỏi cải cách và dân chủ hóa đất nước cho tới nay không được thảo luận công khai ở Việt Nam. Các nhà phê phán Đảng và hệ thống bị lực lượng an ninh giám sát chặt chẽ. Mỗi năm có hàng chục người và nhóm, trong đó có nhiều blogger, bị tuyên xử án tù nhiều năm vì có những ‘hành động trái pháp luật’ như ‘tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa’, ‘phổ biến tài liệu phản cách mạng’, ‘mưu đồ lật đổ chính quyền nhân dân, hay ‘trốn thuế’. Việt Nam vẫn còn chưa có các đạo luật cho hội họp nơi công cộng (như biểu tình), công đoàn độc lập hay tổ chức phi chính phủ.

Mối đe dọa Trung Quốc, láng giềng ‘không ưa thích’ với cùng một mô hình chính trị, có thể sẽ trở thành một cơ hội được chào đón để thúc đẩy Việt Nam phát triển theo hướng dân chủ Phương Tây. Các quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản đang được thảo luận sôi nổi. Việt Nam cần đồng minh và đối tác mới. Nhưng giá phải trả cho việc đó là sự thay đổi của Việt Nam.

Vào ngày 8/6/2014, đại diện của 17 ‘tổ chức dân sự’ Việt Nam đã hội họp tại Sài Gòn– tất cả đều không được nhà nước công nhận – để đưa ra một tuyên bố chung về “Sự cần thiết của công đoàn độc lập ở Việt Nam”. Lần này thì tiếng nói của họ có được ĐCSVN lắng nghe hay không? Hay họ lại bị truyền thông nhà nước mắng chửi hạ thấp là ‘vô lý’ và ‘không đúng lúc’ như các nhóm khác trong quá khứ (Nhóm 8406, Nhóm 72)?

Liệu mối đe dọa từ bên ngoài có dẫn tới các cải cách chính trị trong nước hay không, điều này khó mà tiên đoán được. Kinh nghiệm của quá khứ thường hay minh chứng cho điều ngược lại. Hans Georg Jonek, giám đốc văn phòng Viện Friedrich Naumann ở Việt Nam, cho rằng mặc dù vậy, người ta có thể nhận thấy rõ tại các cuộc thảo luận này, rằng sự việc giàn khoan Trung Quốc không chỉ là một vấn đề chưa được giải quyết về tranh chấp lãnh thổ mà còn dẫn tới các câu hỏi về ý thức hệ và hệ thống. “Cuộc xung đột một phần được sử dụng trong chính trị đối nội một cách rõ ràng đến mức đáng ngạc nhiên”, theo Jonek.
Phan Ba
Nguồn: Viện Friedrich Naumann vì tự do
(Diễn đàn Thế kỷ)

Bối cảnh vì sao VN thần phục TQ

Sau khi “tổ quốc Liên Xô” của ông Lê Duẩn tan rã năm 1989, thì từ thời Nguyễn Văn Linh cho đến thời Lê Khả Phiêu, các tổng bí thư vẫn coi việc quy phục Trung Quốc là cách duy nhất để cứu vãn cơ đồ thống trị của đảng trên nước Việt Nam.

Nhưng lấy lý do nào để biện minh cho việc quay về thần phục Trung Quốc, sau khi đã bị quân đội Trung Cộng tấn công ở biên giới năm 1979 và ở Trường Sa năm 1988? Các ông tổng bí thư này phải nêu lý do cao siêu hơn quyền lợi. Họ giải thích hai nước “đồng chí anh em” là những thành trì cuối cùng bảo vệ thứ gọi là “chủ nghĩa xã hội!”.

Từ đó, Việt Cộng bắt đầu theo con đường lệ thuộc Trung Cộng. Cho nên, trong ngôn ngữ ngoại giao của Cộng Sản Việt Nam, khi nào còn đề cao chủ nghĩa xã hội là còn chủ trương mối bang giao với Trung Cộng là trọng tâm chiến lược.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg_9BDWM_6OXU2YVDTSOY14sYrCQzW4UM6NuLn2lA9q-WetbfBWQwLhM2v2tfsx4eFf2fCI7PJotRHec9_albfa-KqK3YozFkAwOw03yheo9e9CGlyZgW66SREr4WVYbZ7bXvUCzGjtSE_Q/s1600/Thanh+Do+01.JPG
Lãnh đạo VN-TQ tại HN Thành đô (1990)

Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh là người có kinh nghiệm cá nhân đau đớn khiến chính bản thân ông coi việc quy phục Trung Cộng là điều không thể tránh được. Tháng 10 năm 1989, Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự quốc khánh Ðông Ðức, được chứng kiến cảnh giễu võ giương oai của “Cộng Hoà Dân Chủ Ðức” với các cuộc mít tinh hàng trăm ngàn người hô các khẩu hiệu chủ nghĩa cộng sản muôn năm đầy “hồ hởi phấn khởi.” Trong cuộc tiếp tân, Nguyễn Văn Linh được lãnh tụ cộng sản Ðông Ðức Honecker báo tin là chế độ Cộng Sản Ðức sẽ tồn tại vĩnh viễn mặc dù làn sóng người Ðông Ðức đang chạy ào ào qua Hung, Tiệp rồi qua Tây Ðức. Khi Nguyễn Văn Linh về tới Hà Nội thì bức tường Berlin bị sập, Honecker bị chính các đàn em lật đổ. Theo cuốn hồi ký Hồi Ức và Suy Nghĩ của Trần Quang Cơ, viết năm 2001, thì trong cuộc đại lễ ở Berlin, Linh cũng gặp lãnh tụ Rumani là Chủ Tịch Ceaucescu. Lãnh tụ tối cao cha già dân tộc Rumani và “anh Linh xem ra tâm đầu ý hợp trong việc bàn chuyện tâm huyết cứu vãn sự nghiệp xã hội chủ nghĩa thế giới đang lâm nguy”.

Nhưng ngay sau đó, Linh nghe tin cả hai vợ chồng Ceaucescu bị các đàn em đảo chính và đem bắn. Những kinh nghiệm đó khiến Linh phải lo lắng cho số phận của chính mình và các lãnh tụ cộng sản Việt Nam khác. Phải tìm cách tự cứu!

“Trước tình hình ấy”, Trần Quang Cơ viết, trong nội bộ Ðảng Cộng Sản Việt Nam “nổi lên một ý kiến… phải bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Xin nhấn mạnh những chữ “bằng mọi giá” và “ngay” lập tức. Cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ mô tả luận điểm của Nguyễn Văn Linh dùng để thuyết phục Bộ Chính Trị nên chịu thua Trung Cộng là: “Dù bành trướng thế nào, Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa”. Linh đã nhấn mạnh lý luận trên khi Bộ Chính Trị thảo luận về kết quả cuộc gặp gỡ các lãnh tụ Trung Cộng ở Thành Ðô năm 1990, trong đó, Linh đã chấp nhận ngay phương cách giải quyết cuộc chiến ở Căm Pu Chia do Trung Cộng đề nghị, mặc dù Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch đã chống nên không được mời sang Tàu.

Trước đó, khi Liên Xô bắt đầu giảm bớt viện trợ kinh tế, mà các chính sách xã hội chủ nghĩa của Cộng Sản Việt Nam đã đưa quốc dân đến kiệt quệ, năm 1988 đảng đã đành nhẫn nhục, tự sửa cả điều lệ đảng lẫn Hiến Pháp, chịu xoá bỏ những câu ngu dốt viết trong thời Lê Duẩn, gọi tên “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”. Ngày 5 tháng 6 năm 1990, để xin hoà trước khi sang Thành Ðô, Nguyễn Văn Linh đã mời Ðại Sứ Trung Cộng Trương Ðức Duy tới, tự thú nhận là Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã sai lầm, đồng thời khoe công nay đã thay đổi: “Trong 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi lời nói đầu Hiến Pháp, có cái sai đang sửa.” Linh ngỏ ý muốn sang Tầu gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc để “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”; vì “đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội”. Lời nói của Nguyễn Văn Linh được Trần Quang Cơ thuật lại nguyên văn như sau:

“Chúng tôi muốn cùng những người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội… Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc… Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay… Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin…”. Lúc đó Nguyễn Văn Linh đóng vai người lãnh đạo cao nhất nước mà nhún mình nói, “các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay!”

Không có cách nào “khiêm tốn” hơn!

Ba ngày trước khi Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng lên đường sang Thành Ðô, Bộ Chính Trị họp ngày 30 tháng 8 năm 1990. Trần Quang Cơ kể:

“Anh Linh nêu ý kiến là sẽ bàn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc…” Linh được Lê Ðức Anh ủng hộ, mặc dầu có những người không tin việc hợp tác với Trung Cộng có thể thực hiện được, như Nguyễn Cơ Thạch, Võ Chí Công. Sau cuộc họp Thành Ðô, khi các lãnh tụ cộng sản Việt Nam bay sang Cam Pu Chia giải thích phương cách giải quyết này với Hunsen, Lê Ðức Anh nói thêm cho rõ, “Mỹ muốn cơ hội này xoá bỏ cộng sản. Nó đang xoá ở Ðông Âu… Ta phải tìm đồng minh. Ðồng minh này là Trung Quốc”.

Qua những lời tường thuật trung thực của Trần Quang Cơ, một người tỏ ra rất trung thành với đảng và kính trọng Nguyễn Văn Linh, chúng ta thấy động cơ khiến Linh và tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã lựa chọn con đường hợp tác với Trung Cộng chỉ vì họ thấy hoàn toàn cô đơn, không còn biết nương tựa vào đâu để “bảo vệ chủ nghĩa xã hội.” Trong thực tế là bảo vệ quyền hành của họ. Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ sau này đều bị loại dần dần ra khỏi Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng Cộng Sản vì không “nhất trí!”

Nguyễn Văn Linh đã khởi xướng chủ trương quy phục Trung Cộng, có thể chỉ vì biết mình đã được lọt vào mắt xanh giới lãnh đạo cộng sản bên Tầu. Tháng 10 năm 1989, tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Lào là Kayson Phomvihan đã qua Bắc Kinh, được Ðặng Tiểu Bình tiếp đãi trong 70 phút, trong đó 60 phút là nói chuyện về Việt Nam. Qua Kayson, Ðặng Tiểu Bình đã “bắn tin” cho các lãnh tụ Hà Nội. Trần Quang Cơ viết:

“Trong khi không tiếc lời phê phán Lê Duẩn, Ðặng đã hết lời ca ngợi Nguyễn Văn Linh. Ðặng kể lại khi làm tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, năm 1963 (Ðặng) đã tổ chức đưa Nguyễn Văn Linh từ miền Nam (Việt Nam) sang Hồng Kông để đi Bắc Kinh gặp nhau, (Ðặng) khen Anh Linh là ‘người tốt, sáng suốt, có tài’; nhờ Kayson chuyển lời thăm anh Linh…”.

Không thể nói Nguyễn Văn Linh đã ngả theo Trung Cộng vì bị “ăn bánh phỉnh” của Ðặng Tiểu Bình. Bởi vì chính sách quy phục Trung Cộng không do một cá nhân quyết định là vì đa số các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam thời đó đồng ý. Vì họ không có chỗ tựa nào khác. Muốn dựa vào Trung Cộng, họ phải nêu một lý do cao cả hơn quyền lợi của nhóm thiểu số cầm quyền này, lý do cao cả đó là “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Mặc dù không ai biết chủ nghĩa đó thực hiện thế nào, ngoài chế độ công an trị và hệ thống doanh nghiệp nhà nước!

Ðiều tội nghiệp cho Việt Cộng là Trung Cộng hoàn toàn thờ ơ với ý kiến hoàn toàn lý thuyết cao siêu đó. Họ chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia của họ, và sẵn sàng đánh sau lưng Ðảng Cộng Sản Việt Nam. Trung Cộng đã “mở bài” làm “lộ tẩy” những bí mật trong cuộc đàm phán về Cam Pu Chia giữa hai nước. Trần Quang Cơ kể: “Hiểm độc nhất là Trung Quốc đã thông báo khá rộng rãi với các nước những điều Nguyễn Văn Linh và Lê Ðức Anh nói riêng với Trương Ðức Duy” (đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội). “Sáng ngày 26 tháng 6, 1990 đại sứ Cộng Hoà Liên Bang Ðức gặp Bộ Ngoại Giao ta, cho biết là ngày 22 tháng 6 Trung Quốc đã thông báo cho đại sứ các nước Liên Hiệp Âu Châu ở Bắc Kinh nội dung cuộc họp giữa Từ Ðôn Tín và tôi (Trần Quang Cơ) và đưa ra kết luận: ‘Việt Nam là những người rất xảo trá, rất xấu xa…’”

Một tháng sau cuộc họp ở Thành Ðô, Ngoại Trưởng Mỹ James Baker nói với các nhà báo rằng Trung Quốc tố cáo các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam nói rồi không giữ lời. Baker được Trung Cộng mớm cho, tuyên bố thẳng, “Không thể tin được ngay cả lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam”. Trần Quang Cơ thuật lại: “Baker còn nói rằng Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị… ‘Việt Nam và Trung Quốc đoàn kết bảo vệ chủ nghĩa xã hội…’” mà giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đưa ra. Bắc Kinh nói một cách công khai, lại khuyến khích ngoại trưởng Mỹ nhắc lại, để làm mất mặt nhóm lãnh tụ ở Hà Nội. Nhưng nhóm lãnh tụ này vẫn cắn răng chịu đựng!

Trước những thủ đoạn xảo trá của Bắc Kinh như vậy, thật không thể hiểu được tại sao các Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn bám lấy con đường hợp tác với Bắc Kinh để bảo vệ chủ nghĩa xã hội! Ðến thời Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, ông ta còn đi sang Tàu năn nỉ tái lập một tổ chức quốc tế cộng sản, với Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, mà Trung Cộng đứng lãnh đạo!

Có phải các lãnh tụ cộng sản bây giờ vẫn muốn trung thành với di sản chủ nghĩa xã hội do Hồ Chí Minh để lại, hay không?

Ðiều này khó tin. Vì tất cả các lãnh tụ trung ương đều đang lo vơ vét của cải cho vợ, con, gia đình. Họ chỉ lo bảo vệ những của cải đó chứ không thiết tha đến chủ nghĩa nào cả.

Vậy tai sao cuộc họp Trung Ương Ðảng Cộng Sản vừa qua vẫn nhấn mạnh đến khẩu hiệu “Tiến lên chủ nghĩa xã hội” trên “giai đoạn quá độ” dài dằng dặc không biết bao giờ tới bờ bên kia?

Vì khẩu hiệu đó cũng là một tín hiệu về ngoại giao. Hô khẩu hiệu đó là cho biết đảng vẫn tiếp tục chính sách của Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu: Vẫn tuyệt đối trung thành với các đồng chí Trung Quốc. Kể từ thời Nguyễn Văn Linh, bất cứ ai lên cầm quyền ở Hà Nội, đều phải được Bắc Kinh phê chuẩn. Trung Cộng không cho Nguyễn Cơ Thạch đi trong phái đoàn sang Thành Ðô năm 1990. Thế là sau đó Thạch bị rút ra khỏi Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng, suốt đời không còn ngóc lên được nữa. Trung Cộng mời Phó Thủ Tướng Vũ Khoan sang Bắc Kinh năm 2005, nhưng Khoan tới nơi bèn bị bỏ rơi giữa chợ, không cho gặp một nhân vật quan trọng nào cả. Thế là mọi người đều hiểu: Vũ Khoan không thể lên chức thủ tướng được, mặc dù đã có công vận động để ký thỏa ước thương mại song phương với Mỹ cho Việt Nam vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Vì thế Nguyễn Tấn Dũng, một phó thủ tướng khác, đã lên ngồi ghế thủ tướng cho tới bây giờ.

Chỉ khi nào Ðảng Cộng Sản Việt Nam chính thức từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê, đổi tên đảng, bỏ những chữ “xã hội chủ nghĩa” trong tên nước; khi nào dân Việt Nam được sống làm người Việt bình thường không theo chủ nghĩa nào cả, không bám lấy cường quốc nào để nhận làm anh em cả, thì lúc đó Việt Nam mới thực sự độc lập!
“Ái quốc hoá ra thành phản quốc,
Ngàn thu mối hận dễ nào phai.”
(Báo Mai)

Ngô Nhân Dụng - Tướng Tàu tham nhũng


Tập Cận Bình tung một mẻ lưới bắt tham nhũng, hứa sẽ “bắt cọp;” dám đụng tới những tay hạm lớn. Đầu năm nay là Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang, 周永康), tay trùm các ngành tình báo, công an, mật vụ. Họ Tập cũng bắt đầu đụng tới quân đội; nhưng đến tuần này mới tấn công vào một tay trùm lớn. Tướng Từ Tài Hậu (Xú Cáihòu, 徐才厚) mới bị trục xuất ra khỏi đảng vì tham nhũng. Nhưng ông ta không chỉ là một đại tướng bình thường mà đã từng là một ủy viên Bộ Chính Trị và một trong hai phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

So với những tay bị tố cáo trước đây thì số tiền tham nhũng được đưa ra hơi nhỏ. Chu Vĩnh Khang, cũng đứng đầu nhiều đại công ty dầu khí, cài cho vợ con, anh em, và cả thông gia làm chủ 37 công ty trên hàng chục tỉnh ở Trung Quốc, trị giá 160 triệu đô la Mỹ. Họ Chu là một trong ba ủy viên Bộ Chính Trị, khóa 2007-2012, có tài sản trên 150 triệu mỹ kim. Gia đình Ôn Gia Bảo, cựu thủ tướng, được báo The New York Times ở Mỹ tiết lộ, đã thâu tóm được những tài sản trị giá 2.7 tỷ mỹ kim; nhưng ông ta chưa hề bị tố cáo tham nhũng lạm quyền. Hãng thông tấn kinh tế Bloomberg News cho biết chính gia đình Tập Cận Bình cũng làm chủ nhiều tài sản nhiều trăm triệu. Còn Từ Tài Hậu, tội hối lộ được nêu ra chỉ đáng hơn 6 triệu mỹ kim, theo lời tố cáo của chính quyền Trung Cộng.

Nhưng vụ tố cáo Từ Tài Hậu vẫn lớn, vì ông ta là người cao nhất trong quân đội đã bị trục xuất ra khỏi đảng vì tội tham nhũng. Trước đây, viên tướng tham nhũng nổi tiếng nhất là Cốc Tuấn San (Gu Junshan, 谷俊山); bị trục xuất khỏi đảng vào tháng Ba vừa qua. Trung tướng Cốc Tuấn San chỉ là phụ tá chỉ huy trưởng ngành tiếp vận; một ngành phụ trách nhà cửa, trại gia binh, doanh trại và các kho tiếp liệu cho quân đội với một ngân sách khổng lồ.

Sinh năm 1943, năm 56 tuổi Từ Tài Hậu mới lên hàng đại tướng, sau khi đã làm phó chính ủy toàn quân. Năm 2004, được lên làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan nắm toàn quyền đối với quân đội, ngồi vào chỗ của Hồ Cẩm Đào khi ông này lúc đó mới được đưa lên làm chủ tịch, mặc dù đã lên làm chủ tịch đảng từ năm 2002, vì Giang Trạch Dân vẫn nắm giữ ngôi vị đầy quyền lực mà ngày xưa Đặng Tiểu Bình đã ngồi. Việc đưa Từ Tài Hậu lên làm một phó chủ tịch bất ngờ, vì theo vai vế trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Cộng thì Tăng Khánh Hồng đáng lẽ được đôn lên ngồi vào chỗ đó. Chọn Từ Tài Hậu tức là Hồ Cẩm Đào muốn loại bỏ mạng lưới quyền hành của phe Thượng Hải, do Giang Trạch Dân đứng đầu. Sau đó ba năm, Từ Tài Hậu được đưa vào làm một trong 25 ủy viên Bộ Chính Trị. Bây giờ, Tập Cận Bình trục xuất Từ Tài Hậu ra khỏi đảng vì tội tham nhũng, với tổng số tiền hối lộ được nêu ra chỉ đáng hơn 6 triệu mỹ kim, cũng là một hành động nhằm loại bỏ tay chân của Hồ Cẩm Đào. Vì hiện nay Từ Tài Hậu đang bị bệnh ung thư, nằm chờ chết, và không có tay chân nào trong đám chỉ huy quân đội. Từ Tài Hậu đã tìm cách vận động cho một đàn em là Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong, 范长龙) lên ngồi ghế phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng thất bại.

Việc tố cáo một viên tướng trong“Quân Giải Phóng” về tội tham nhũng không có gì khó khăn.  Trước đây, các tướng chỉ huy quân đội Trung Cộng còn chia nhau nắm quyền trong các xí nghiệp do họ lập ra, tha hồ chia chác không khác gì trong những doanh nghiệp nhà nước. Năm 1998, Giang Trạch Dân đã ra lệnh giải thể các doanh nghiệp thuộc loại này, nhưng từ đó tới nay các tướng vẫn tìm ra cơ hội làm giàu vì quân đội được quyền kiểm soát rất nhiều nhà cửa, đất đai, trong khi cả nước Trung Hoa đang lên cơn sốt địa ốc và xây dựng hạ tầng cơ sở.

Tình trạng các tướng lãnh lạm quyền, tham nhũng trong quân đội chỉ phản ảnh tình trạng thối nát chung của cả guồng máy cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong chính trị là các phe cánh tranh giành quyền lợi, phe này lên, phe kia xuống, tựu chung đều tìm cách nâng đỡ tay chân mình và triệt hạ các đối thủ. Trong quân đội cũng không thoát khỏi nạn bè phái đó. Cốc Tuấn San và Từ Tài Hậu thuộc cùng một phe, khi họ Từ vào Quân ủy và Bộ Chính Trị thì họ Cốc cũng lên theo. Bên ngoài dân chúng không được phép có ý kiến phản đối các lãnh tụ thì bên trong quân đội cũng vậy. Ngoài kỷ luật quân sự, người lính và các sĩ quan còn không được thi hành quyền công dân của họ trong việc chọn người cai trị, thì họ cũng không có cách nào chọn được những cấp chỉ huy trong sạch.

Ở các nước khác quân đội cũng phải tuân theo kỷ luật, không được phép cãi lệnh cấp trên. Nhưng khi được sống trong một nước dân chủ tự do, người lính và các sĩ quan cấp dưới còn có hy vọng hàng ngũ chỉ huy của họ trong sạch hơn, vì trong cơ cấu xã hội có những cơ quan kiểm soát hàng ngang thuộc chính quyền dân sự, những cơ quan này có quyền quyết định ngân sách, kiểm tra kế toán và việc sử dụng tài sản của quân đội. Ngay việc bổ nhiệm các tướng lãnh trong quân đội cũng phải được quốc hội thông qua. Như vừa rồi, một công dân Mỹ gốc Việt Nam được đề nghị làm tướng, đề nghị này phải qua thủ tục của Thượng viện Mỹ.

Ở các nước độc tài đảng trị không có những cơ chế hàng ngang dân sự như vậy. Tất cả xã hội nằm dưới quyền kiểm soát của một đảng; mà các lãnh tụ đảng, quân sự và dân sự bao che lẫn nhau. Các đảng Cộng sản đặt ra vai trò chính trị viên trong quân đội, chính là mạng lưới thâu tóm quyền hành vào tay một nhóm lãnh tụ, việc bổ nhiệm các tướng lãnh và chức vụ chỉ huy cũng chỉ do các lãnh tụ đảng quyết định.

Cộng sản Việt Nam đã học tập đường lối Mao Trạch Đông từ năm 1950. Cho nên, khi Lê Duẩn muốn củng cố mọi quyền hành vào tay mình, thì ông ta đưa Nguyễn Chí Thanh lên làm đại tướng, và gạt bỏ Võ Nguyên Giáp, cho ra ngoài làm công việc kiểm soát sinh đẻ. Ngoài thành tích là gốc nông dân, không có bằng cấp nào, không là cựu giáo sư trung học như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh còn là một người được Lê Duẩn nâng đỡ, cho nên lòng trung thành được bảo đảm.

Nguyễn Chí Thanh có thời gian đã phụ trách nông nghiệp ở tỉnh Quảng Bình. Một nhà báo lão thành ở Hà Nội, năm nay 85 tuổi, đã thuật lời nhà văn Nguyễn Tuân kể một câu chuyện về Nguyễn Chí Thanh. Năm đó, Nguyễn Tuân dẫn một nhà báo Pháp, Pierre Abraham của tờ báo Nouvelle Critique vào thăm Đồng Hới. Tới nhà giao tế, Nguyễn Tuân nhòm vào tủ rượu thấy hai chai rượu champagne đắt tiền, nhãn Moet Chandon thì mừng quá, khen ông chủ nhiệm khéo chọn rượu ngon của Pháp cho khách từ Pháp tới. Ông chủ nhiệm lắc đầu, nói rằng đây là rượu dành cho ông tướng Thanh, ngày nào cũng hai chai. Sáng hôm sau, thấy bàn ăn bầy hai cỗ đầy món ngon, nhà văn lại hiểu lầm, khen ông chủ nhiệm trọng đãi khách phương xa tới. Ông lại từ chối lời khen, khai rằng đây là bàn ăn dành cho thường vụ tỉnh ủy thết đãi gia đình ông tướng, họ đi săn với nhau.

Trong một chế độ độc tài, quân đội khó giữ được hàng tướng lãnh trong sạch, vì thiếu một hệ thống hàng ngang của chính quyền dân sự kiểm soát. Chính quyền dân sự trong các nước độc tài cũng là một hệ thống tham ô, lạm quyền, thủ lợi, cho nên quân đội cũng không tránh khỏi bệnh tham nhũng, lạm quyền.

Nếu Tập Cận Bình muốn làm cho quân đội trong sạch, cách tốt nhất là phải dân chủ hóa chính trị. Khi nào cả xã hội được trong sạch thì quân đội mới trong sạch. Khi người dân Trung Hoa chưa được sử dụng các quyền tự do dân chủ thì dù Tập Cận Bình có truy tố hàng trăm ông tướng tham nhũng cũng không tẩy rửa được cái ung nhọt tham nhũng. Tình trạng tướng lãnh tham nhũng không những làm tài sản quốc gia bị thất thoát mà còn làm cho quân sĩ mất tinh thần, không tin tưởng ở cấp trên.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Một bước lùi về dân chủ trong Đảng


Sau Hội nghị TW lần 8 của Ban Chấp hành TW, vấn đề được dư luận nói tới nhiều nhất là về quy chế bầu cử vừa được BCHTW thông qua. Quy chế này quy định việc ứng cử và đề cử, theo đó các Đảng viên ứng cử vào các chức vụ cấp cao của Đảng phải được BCT/BCHTW giới thiệu hay đề cử. Còn ứng viên nào không được tổ chức lãnh đạo của Đảng giới thiệu thì khi ra đại hội phải “tự xin rút”, chỉ có một trường hợp đại hội không cho rút thì ứng viên đó mới được ở lại để bầu bán. Đây là nội dung gây ra nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng việc ứng cử, đề cử thuộc phạm trù tụ do cá nhân, tức là dù không được giới thiệu nhưng cá nhân có quyền tự ứng cử hoặc không ứng cử nhưng được đại hội giới thiệu thì vẫn được, có như vậy mới là dân chủ thật sự. Nhưng quy chế ứng cử của TW8 vừa rồi không thoả mãn mong muốn dân chủ trong Đảng và thực tế, có người còn nói đó là một bước lùi về dân chủ.

Vấn đề đề cử, ứng cử dân chủ trong Đảng vốn đã có từ lâu đã bị các quy định của TW8 làm cho các cá nhân phải hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức, và trên thực tế đã bộc lộ nhiều lần tổ chức đánh giá không sát cán bộ, nên có tình trạng trong những khoá TW trước những người dù không được BCT giới thiệu nhưng khi ra đại hội thì vẫn trúng hoặc gần đây lấy phiếu tín nhiệm thì có tình trạng phần lớn những người bị phiếu thấp là những người có hoạt động hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, trong khi những người làm việc hành chính, không đụng chạm gì thực tiễn thì phiếu rất cao. Tất cả những điều này những người tham gia trong Đảng nhiều năm đều thấy rất rõ và đều tiên lượng rằng nếu được áp dụng trong Hội nghị TW tới sẽ gây kết cục những người có đức có tài sẽ không được đề cử hoặc có đề cử cũng bị gạt ra. Đây là lý do mặc dù quy chế được thông qua nhưng còn rất nhiều ý kiến không tán thành.

Tại sao những người đứng đầu trong Đảng lại đưa ra nghị quyết này?

Đây rõ ràng phản ánh sự mâu thuẫn trong nội bộ, không ít ý kiến cho rằng là một bộ phận sinh năm 1949 trở về trước trong BCT sẽ phải nghỉ để dành chỗ cho những người trẻ hơn. Nhưng cũng có dư luận cho rằng trong bộ phận sinh năm 1949 này thì cũng có một số nhân vật sẽ tiếp tục ở lại giữ những chức vụ chủ chốt như TBT, Thủ tướng CP và quả thật trong mấy ngày gần đây xuất hiện bàn tán rất nhiều về chuyện này.

Có người đã thể hiện quyết tâm ở lại bằng việc đi vận động nhiều nơi, muốn thể hiện mình là nhà lãnh đạo, phát biểu những vấn đề mình không phụ trách nhằm đánh bóng bản thân, tập trung phê phán điều hành của các cơ quan chính quyền từ TW đến địa phương và rỉ tai nói xấu đ/c X.

Cũng có nhân vật sử dụng chiêu tung tin có sự sắp xếp để đ/c X lên làm TBT, Vũ Đức Đam lên làm Thủ tướng, Kim Ngân làm Chủ tịch QH để kích động chia rẽ nội bộ, gây tâm trạng cho những người đang nghĩ mình sẽ được vị trí mới trở nên hậm hực, chĩa mũi dùi vào những nhân vật bị tung tin.

Lại có một tốp người dở lại món đòn cũ mèm, thu thập những sai phạm trong điều hành, quản lý của đ/c X, vụ tiêu cực tham nhũng tại Vinashin, quản lý điều hành tài chính ngân hàng và cho người đi rỉ tai, tung tin xuyên tạc, quy tựu vẫn là tập trung đánh những mục tiêu từ NHTW4, không có gì mới.

Việc ra NQ này của TW8 rõ ràng không phải để chọn được nhân tài do không hề đánh giá được cán bộ, chủ trương đưa ra nghị quyết này là để muốn gạt bỏ những người muốn loại trừ ngay từ HNTW4 mà thôi, nhân vật trung tâm của cuộc loại trừ này có lẽ là là đ/c X. Có thể thấy rằng đây là một việc làm đi ngược với tư tưởng dân chủ trong Đảng. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, đất nước ta cần những người thực sự cống hiến cho đất nước, không cần dựa vào tuổi tác nếu người đó có khả năng cống hiến cho dân tộc thì phải được chấp nhận. Sai lầm nhất của các kỳ đại hội vừa qua là loại những người quá tuổi có năng lực, đưa những người ít tuổi thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm vào quá nhiều. Cứ nhìn lãnh đạo khoá 11 thì sẽ biết có sai lầm này hay không. Cứ nhìn sự tê liệt và kém cỏi của Tổng bí thư, Ban bí thư, Bộ Quốc phòng,… thì sẽ thấy rõ điều này, họ tỏ ra rất yếu mềm khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, họ cứ liên tục đưa ra những quyết sách thanh trừng nội bộ, làm lòng dân không yên, đưa vị thế đất nước đi xuống.

Mong rằng những người có trách nhiệm trong Đảng cần phải tỉnh táo mà hành xử cho đúng. Không vì những nghị quyết mang tình thanh trừng mà loại bỏ người tài có khả năng lo cho đất nước./.

Một cán bộ Viện Nghiên cứu Quốc tế (xin được phép dấu tên)
(Dân luận)

Hoàn Cầu xuyên tạc, bóp méo phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

(GDVN) - Trang Quốc Thổ và Thời báo Hoàn Cầu đã bôi nhọ thiện chí, âm mưu chia rẽ nội bộ các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội sáng 1/7. Ảnh: Nguyễn Khánh

Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 3/7 tiếp tục luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bằng cách đăng các phân tích của ông Trang Quốc Thổ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Dương đại học Hạ Môn bóp méo phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam về Biển Đông.

Thời báo Hoàn Cầu đã cắt xén có chủ ý khi dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Có người hỏi nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng." Tờ báo này cố tình bỏ mất vế sau trong phát biểu của Tổng bí thư: "Chúng ta mong chiến tranh không xảy ra và cố gắng làm cho nó đừng xảy ra” để giật tít gây hiểu lầm rằng Việt Nam khiêu khích.

Theo báo Tuổi trẻ, Tổng bí thư khẳng định rằng, trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường của Việt Nam tại các diễn đàn khác nhau.

Chúng ta đã tuyên bố rất rõ rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước...

“Chúng ta nói thẳng thắn, công khai giữa diễn đàn Quốc hội, cả thế giới đều biết. Chúng ta phản đối, kịch liệt lên án, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng tàu bè hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, đi vào đàm phán, đối thoại” - Tổng bí thư cho biết.

Bằng thủ đoạn quen thuộc, cắt xén những nội dung quan trọng trong phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú  Trọng, tờ Thời báo Hoàn Cầu và Trang Quốc Thổ bắt đầu luận điệu bóp méo và bôi nhọ rằng, lãnh đạo Việt Nam đã đạt được sự thống nhất cao độ trong việc tiếp tục quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Trước đó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã có những phát biểu cứng rắn tương tự.

Tờ Tuổi trẻ tường thuật lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không vẫn phải sống cạnh nhau, không ai chọn được láng giềng. Vậy thì phải xử lý thế nào cho đúng. Việc này không phải bây giờ mới xảy ra, mà trong lịch sử chúng ta đã biết rồi, đã xảy ra nhiều lần rồi. Từ xa xưa cho đến nay, chúng ta luôn phải tìm cách làm sao để chung sống với nhau hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển nhưng đồng thời phải giữ vững độc lập, chủ quyền. Cái khó là ở đó”. Tuy nhiên Thời báo Hoàn Cầu chỉ nói cụt lủn rằng, Việt Nam không muốn chiến tranh và nỗ lực hết sức để tránh chiến tranh.

Nhưng ngay sau đó, tờ Hoàn Cầu lại tiếp tục cắt xén phát biểu của Tổng bí thư được tờ Pháp luật Tp Hồ Chí Minh đăng tải: “Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Chúng ta sử dụng tất cả biện pháp, kể cả đấu tranh pháp lý” chỉ còn 1 câu: "Chúng ta sử dụng tất cả biện pháp, kể cả đấu tranh pháp lý" hòng dễ bề ngụy biện, suy diễn và đánh lừa dư luận.


Trang Quốc Thổ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Dương đại học Hạ Môn, Trung Quốc.

Rõ ràng những phát biểu của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam vừa là phản ứng đanh thép trước hành động Trung Quốc ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đồng thời cũng tỏ rõ thiện chí mong muốn hòa bình, thượng tôn pháp luật, xử lý vấn đề trên tinh thần đối thoại theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, coi trọng tình hữu nghị lâu đời với nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trang Quốc Thổ và Thời báo Hoàn Cầu đã bôi nhọ thiện chí, âm mưu chia rẽ nội bộ các nhà lãnh đạo Việt Nam khi tuyên truyền rằng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "vốn là người ủng hộ quan hệ hữu nghị Việt - Trung" khi phát biểu như vậy đã cho thấy lãnh đạo cấp cao Việt Nam "quyết tâm đối đầu với Trung Quốc, chuẩn bị chống Trung Quốc lâu dài"?!

Trang Quốc Thổ còn cho rằng, phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là có ý phát đi thông điệp cứng rắn, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Nói rồi viên học giả này tiếp tục luận điệu hiếu chiến thường thấy khi tuyên bố, Trung Quốc đã đến nước không thể dừng lại ở Biển Đông mà cần phải "tỉnh táo đánh giá về khả năng Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp (hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình - PV)".

Thời báo Hoàn Cầu và Trang Quốc Thổ cho rằng, ý thức dân tộc, (bài học) lịch sử và "tâm lý chống Trung Quốc" ở Việt Nam cho thấy lập trường với Trung Quốc sẽ ngày một cứng rắn hơn.

Về mặt kinh tế theo tường thuật của báo Tuổi trẻ, trong phiên họp Chính phủ vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam cần xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. Việt Nam hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào

Trang Quốc Thổ bình luận, Việt Nam đang rất thiếu hụt ngoại hối còn Trung Quốc luôn giữ tỉ trọng xuất siêu cao trong quan hệ thương mại Việt - Trung đã khiến Việt Nam "bất mãn"?! Tuy nhiên ông Thổ bình luận, Bắc Kinh cần ngừng đưa ra các phán đoán sai lầm rằng hễ Trung Quốc gây sức ép là Việt Nam phải nhượng bộ hay nền kinh tế Việt Nam không thể tách rời nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh cũng cần chuẩn bị mọi mặt với lập trường của Việt Nam và Mỹ ở Biển Đông?!

Có thể thấy Thời báo Hoàn Cầu và Trang Quốc Thổ đang sử dụng truyền thông làm vũ khí bôi nhọ, hạ thấp hình ảnh Việt Nam nhằm lấp liếm cho những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam vừa qua trong khủng hoảng giàn khoan 981 cũng như trong xử lý vấn đề Biển Đông đã chứng tỏ dư luận quốc tế không dễ bị đánh lừa bởi những luận điệu xảo trá, đổi trắng thay đen, nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc cũng như truyền thông nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét