Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Hãy cài đặt lại quan hệ Việt-Trung

Nguyễn Ngọc Trường - Hãy cài đặt lại quan hệ Việt-Trung

Vừa rồi, Chu Thân Minh (Zhu Zhenming), một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á (Trung Quốc), viết bình luận trên Thời báo Hoàn cầu, nhan đề “Cần đưa quan hệ Trung-Việt trở lại quỹ đạo”. Tác giả này cho rằng “Việt Nam và Trung Quốc, cả hai nước đều là xã hội chủ nghĩa, kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mang màu sắc của mỗi nước. Cả hai cùng chia sẽ lý tưởng giống nhau và tương lai của hai nước gắn kết với nhau”. 
Viết trên một tờ báo tiếng Anh, phải chăng tác giả muốn gửi lời nhắn nhủ ấy tới người Việt Nam? Nó đã trở nên lỗi thời kể từ sự kiện ngày 1/5/2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngày 21/6, Trung Quốc lại hạ đặt giàn khoan Nam Hải số 9 và đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa phân định.
Những điều mà “đồng chí xã hội chủ nghĩa chia sẻ lý tưởng giống nhau” mà tác giả nghĩ rằng người Trung Quốc có điểm chung với người Việt Nam thực chất là cái gì?
Để phục vụ cho các mục tiêu đối nội và đối ngoại của ban lãnh đạo Bắc Kinh, các “đồng chí Trung Quốc cùng chung lý tưởng xã hội chủ nghĩa” đã không ngần ngại chọn Việt Nam - một nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm nơi thực hiện bước đột phá mới trong chiến lược Biển Đông bằng các hành vi khiêu khích và gây hấn nghiêm trọng. Chỉ có thể gọi nó là kiểu “đồng chí cưỡng bức”.
Theo chuyên gia người Pháp Valérie Niquet - phụ trách Ban châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược (FRS), viết trên nhật báo Công giáo La Croix (Pháp), chế độ Bắc Kinh đang xây dựng tính chính đáng dựa trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc, điều được gọi là thực hiện giấc mơ về một nước Trung Quốc được phục hưng. Những tham vọng về một nước lớn đó được dùng để bảo vệ tính chính đáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, giải thích tại sao Trung Quốc rất hung hăng với các nước láng giềng. Chuyên gia người Pháp này nhấn mạnh, các vấn đề về tài nguyên, lãnh thổ, năng lượng và thủy sản chỉ là cái cớ.
Bắc Kinh đã ra khỏi thời kỳ “dấu mình chờ thời”. Cái cây “trỗi dậy hòa bình” và “thế giới hài hòa” che phủ cho sự trỗi dậy ngày càng mang khuynh hướng bá quyền và cường quyền đã rụng hết lá. Cụm từ “trỗi dậy hòa bình” từ năm 2004 được phát triển thành chủ thuyết “phát triển hòa bình”. Nó được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (2012), nêu rõ: “Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền dưới bất cứ hình thức nào, không bao giờ xưng bá, không bao giờ bành trướng”.  Lời khẳng định này nhắc lại một tuyên bố tương tự tại Báo cáo chính trị của Đảng này tại Đại hội 17 (2007).
Các chủ thuyết đối ngoại có tên gọi “hòa bình” đã kết thúc cùng với thời đại Hồ Cẩm Đào. Ban lãnh đạo thế hệ thứ 5 dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình nôn nóng giải những nhiệm vụ chiến lược mới bằng cách khai thác các thời cơ bên ngoài để xoa dịu những thách thức trong nước. Mới đây, ngày 28/6, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nói trong một hội nghị toàn quốc, kêu gọi Trung Quốc tăng cường phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ gay gắt với các nước láng giềng.

Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại khu vực Hoàng Sa
Tại Biển Đông, mục tiêu giai đoạn mới của Trung Quốc là chiếm hữu trên thực tế, khai thác trên thực địa. Đưa giàn khoan vào tất nhiên là để thăm dò và khai thác dầu khí. Nhưng cùng với dầu khí là ý đồ chiếm hữu vùng biển tranh chấp, hiện thực hóa đường lưỡi bò. Vừa rồi, đường 9 đoạn còn được vẽ lên thành 10 đoạn. Nó cho thấy sự ngang ngược xem Biển Đông như vùng biển riêng của “sân sau” Trung Quốc.
Nó còn là một phần của chiến lược rộng lớn hơn, cùng với việc xây dựng đảo nhân tạo ở vùng Gạc Ma, Chữ Thập nhằm tiến tới thiết lập vùng nhận dạng bay (ADIZ) ở Biển Đông, thiết lập “trật tự Trung Hoa” tại vùng biển quan trọng này.
Cùng với quá trình đó, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách đối với Việt Nam. Từ xoa dịu và lôi kéo sang cưỡng bức và khuất phục. Việc Việt Nam bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán và vùng đặc quyền kinh tế của mình trong vùng biển phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 bị Bắc Kinh xem là một chướng ngại cho việc độc chiếm Biển Đông.
Trong khi bảo vệ các quyền lợi biển chính đáng, Việt Nam không nên mắc mưu Trung Quốc làm rối loạn bàn cờ chiến lược phát triển của mình. Cần cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở mới lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm nền tảng. Từ nền tảng đó mà xác định kiểu quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Trung Quốc.
Đối sách của Việt Nam có thể nêu thành phương châm 20 chữ: Tranh chấp cứ tranh chấp, đấu tranh cứ đấu tranh, đàm phán cứ đàm phán, hợp tác cứ hợp tác.
Đồng thời, cần củng cố và mở rộng các lựa chọn chiến lược đối ngoại có  trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với vị trí địa-chiến lược của nước ta. Cần sắp xếp lại ngôi nhà kinh tế của mình./.
Nguyễn Ngọc Trường
(Tổ quốc) 

Bà Đầu Đinh - Quảng Trị hơn 40 năm sau ngày Giải Phóng

Không biết ai người Quảng Trị suy nghĩ gì, cảm thấy thế nào về quê hương họ. Riêng tôi, đó là nỗi niềm khôn nguôi.

Lần đầu đến Quảng Trị là lúc 20 năm sau ngày MN Giải phóng. Một nỗi niềm đan xen, khó diễn đạt bằng một hai từ. Vừa thương cảm, vừa xót xa, đau đớn, vừa chua xót, nghẹn uất. Lúc đó tôi đã nhớ đến câu nói của Trịnh Công Sơn. Năm đó TCS ra Hà Nội, và các báo đã đồng loạt đưa bài. Một bài nào đó đã nhắc đến câu TCS nói về Hà Nội: “HN như miếng bọt biển, mà mỗi bước đi đều làm bắn ra những tia nước của dấu tích lịch sử”. Còn tôi, tôi nói về Quảng Trị: “Quảng Trị như chiếc chảo gang nóng bỏng, mà mỗi bước đi đều phát ra những tiếng kêu chát chúa của đau thương, đói nghèo, cơ cực, và nỗi đau chiến tranh”.
Quảng Trị 20 năm trước

Năm 1995. Đó là một cuộc khảo sát đói nghèo trên toàn quốc. Từ Quảng Bạ, Hà Giang, đi qua Gio Linh, Quảng Trị, đến Mang yang, Gia Lai, và kết thúc ở Củ Chi. Đoàn gồm những người từ 10 lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Mỗi người tự làm lĩnh vực của mình. Hàng ngày, chúng tôi sáng đi qua Dốc Miếu, chiều về qua Dốc Miếu. Cái địa danh mà nhắc tên ai cũng thấy rợn người vì cuộc chiến khốc liệt. Đi qua đó, cuộc sống thanh bình. Những người đi chợ về thưa thớt. Một quán bán nước, quà bành lèo tèo. Nhưng sao tai vẫn nghe chát chúa tiếng rền bom đạn. Xung quanh cây cối xanh tươi, đường đi phẳng lỳ, dưới cái nóng cháy người của tháng 5. Mà sao vẫn cảm thấy sức nóng ghê người của đạn và pháo. 20 năm bình yên đã qua nhưng cảm nhận trong con người vẫn còn. Đấy là cảm giác bên trong. Còn những sự kiện bên ngoài lại là những nỗi ám ảnh khắc nghiệt hơn nhiều.

Ngồi trong xe lạnh, giữa trưa nắng trang trang. Đầu óc lâng lâng, u mê. Chợt bừng tỉnh, nhìn ra ngoài. Khung cảnh trắng toát, với những cây thông đâm lên như rạch toạc cái trắng trời trắng đất. Chợt ngơ ngác, không hiểu mình đang ở đâu. Giữa cánh đồng tuyết trắng hay giữa sa mạc cát trắng. Lúc đó tôi đã nghĩ, với phong cảnh này, với bãi biển trong xanh, bãi cát trắng, và hàng phi lao dài vô tận, nếu làm du lịch, nghỉ dưỡng thì Quảng Trị không giàu mới là lạ.

Vào một nhà dân. Mái tranh xơ xác. Hai mẹ con, gầy gò, đen cháy trong cái nắng, gió Lào. Chị chủ nhà mời nước. Chỉ là nước đun sôi, không có nước chè. Nước chè là thứ phổ biến ở mọi làng quê Việt Nam. Vậy mà… Hỏi chị: - ở đây mọi người có uống nước chè không? Chị bảo: - có, nhưng có nhà uống, nhà không. - Sao nhà chị không uống? – không có tiền. Con trai chị đi học ở trường xã bên cạnh, cách nhà gần chục cây. Nhưng không có xe đạp. Hàng ngày đều đi bộ. (Trời nắng thế này, ăn uống thế này, vất vả thế này, thảo nào cả 2 mẹ con đều gầy đét.). Chị bảo, năm ngoái trồng ớt, thu hoạch được lắm. Năm nay trồng cũng được nhiều lắm. Đất cát hợp với cây ớt. Nhưng năm nay không bán được vì người ta bảo không xuất được. Để lại ớt khô ngoài ruộng cát thôi. Rồi chị bảo đợi chị đi lấy dưa lê về mời khách ăn. Đợi một lát, chị mang từ ngoài ruộng về quả… dưa bở. Tôi ngạc nhiên hỏi: sao lại bảo đây là dưa lê? Chị bảo: cán bộ khuyến nông mang giống về giao cho dân trồng, bảo đấy là dưa lê. Trồng để xóa đói giảm nghèo. – thế chị ăn quả này có thấy ngon không? – cũng ngon. Hôm trước con trai bị ốm cho nó ăn, nó cũng thích. – Nó ốm, đã uống thuốc gì chưa? – nó uống nước đường rồi. – sao lại uống nước đường? – không có thuốc, cho uống nước đường cho nó chóng khỏe. Hỏi thằng con trai: - cháu uống nước đường có thích không? – thích lắm. cháu muốn ngày nào cũng được uống nước đường. – Cháu có hay được uống nước đường không? – Hồi cháu bé, có 1 lần đã được uống nước đường. Hôm trước cháu ốm, được uống lần thứ 2. (Một nỗi đau nghẹn lên cổ. Ngày bé, khi ốm tôi được uống sữa. Sau đó, lúc nào tôi cũng mơ ước được uống sữa. Nỗi ám ảnh suốt tuổi thơ). Nỗi đau nghẹn ngào. Người ta đã nghèo như thế, vậy mà… ớt cũng không bán được, vậy mà trồng dưa lê lại ra dưa bở. Đã 20 năm qua rồi mà tôi vẫn không quên được điều này.

Đi trong làng, gặp những con người ốm yếu. Nhiều người bị sốt rét với nước da vàng bủng, hoặc tái mét màu chì. Nhiều người có dấu hiệu bị lao. Gày trơ xương, hốc mắt trũng xuống. Luôn ôm ngực với những cơn ho thắt ruột. Ánh mắt nhìn ngơ ngác, mất hồn. Bây giờ chắc chương trình sốt rét, chương trình lao, và các chương trình sức khỏe khác đã đến với vùng này rồi. Bên cạnh những bệnh đó, tôi thấy Gio Linh còn một đặc trưng nữa, đó là bệnh đao. Ngày trong chiến tranh, có câu nói tự hào rằng: ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng. Ngày đó, tôi đã nghĩ, Gio Linh, ra ngõ gặp người đao. Ra ngõ là gặp. Ra đường là gặp. Từ đứa trẻ, cho đến thiếu niên, rồi thanh niên. Sao nhiều thế. (không biết có liên quan gì đến hàng rào Mc Namara không?). Rải rác trong làng là những người đàn ông vác theo máy dò. Hỏi: họ dò gì mà nhiều người đi dò thế? – Họ dò mìn. ở đây, không có gì nhiều và sẵn như mìn và súng đạn. Họ lấy về để bán sắt vụn. Và… họ còn dò cá nữa. Họ dùng điện để làm cho cá chết, họ vớt về ăn. Nhưng cá cũng ít lắm. Đi cả buổi, chỉ mang về được ít cá con đủ ăn 1 bữa. Trời tháng 5, nắng chói trang. Nhưng cảm giác trong người tôi thật u ám. Bầu trời như xam xám, mờ mịt.

Câu chuyện cuộc đời một người đàn bà vẫn ám ảnh tôi đến bây giờ. Tôi đến nhà bà, một cái nhà tường và mái làm bằng pờ rô xi măng. Nóng kinh khủng. Người đàn bà ngồi nhẫn nại trong cái nóng nung người. Bà người Gio Linh. Lấy chồng Vĩnh Linh, bên kia sông. Sinh được 1 con trai thì bắt đầu chia cắt đất nước. Khi có bắn nhau, bà mang con về nhà mẹ đẻ. Được một vài tháng thì bà bị bắt đi học tập. Những người vợ cộng sản bị đi học tập. Bà không chịu được cảnh o ép nên trả con cho nhà chồng. Lúc đó có chính sách lính quốc gia lấy vợ của cộng sản. Trong lúc bà bị bắt giữ (hàng ngày đi dọn nhà vệ sinh, đi gánh nước, và thường bị lính trêu ghẹo) thì có người lính thương tình, chăm sóc, giúp đỡ. Cuối cùng 2 người lấy nhau. Bà sinh 2 con, 1 gái, 1 trai. Rồi người chồng đi lính trong Đà Nẵng. Hàng tháng bà có tiền của chồng. Cuộc sống dư giả. Rồi người chồng chết trận. Bà có tiền, nuôi 2 con. Sau ngày Giải Phóng. Bà lại phải đi học tập. Không còn tiền của chồng nữa, 3 mẹ con phải tự bươn chải, làm ruộng. Con gái lấy chồng, con trai lấy vợ. Nhưng chúng không tự lo được, vẫn về xin tiền bà. Con trai đi Đà Nẵng kiếm việc. Được một thời gian, không có việc làm, sinh nghiện. Quay về nhà, đi dò mìn. Năm ngoái dò được quả mìn. 2 cha con nhà nó cưa mìn lấy thuốc, bán vỏ. Mìn nổ, cha chết, con bị què. Cô con dâu bỏ đi Đà Nẵng làm. Được vài tháng, rồi không thấy tin tức gì. Còn lại bà và thằng cháu nội bị què, nuôi nhau. Hỏi:- cuộc đời bà khi nào là sướng nhất? Khi chồng đi lính Đà Nẵng, gửi tiền về. – Khi nào khổ nhất? – Khi thằng con đi Đà Nẵng, bị nghiện, về xin tiền bà. – Bây giờ có khổ không? – không, 2 bà cháu nuôi nhau, cũng không khổ. - Con trai bên Vĩnh Linh có tìm bà không? – có, hồi sau Giải Phóng, bên đó họ có đi tìm. – Bà có định về ở với con trai bên Vĩnh Linh không? – không, cha nó chết liệt sỹ. Nó cũng nghèo, tự nó nuôi nó cũng khổ rồi. Nó có gia đình, có con. Mấy năm nay cũng không liên hệ gì nữa…

Các ngài Tổng Thống, các ngài Thủ Tướng, các ngài Chủ Tịch, có nghe câu chuyện cuộc đời người đàn bà này không? Họ là những người dân thường. Các ngài làm gì mà giáng họa lên đời họ như vậy?
Quảng Trị hơn 40 sau ngày Giải Phóng

Sau chuyến đi Gio Linh đầy ấn tượng đó, tôi đã dự định sẽ tham gia vào những dự án giúp Quảng Trị. Sẵn sàng làm tự nguyện, không cần tiền công. Nhưng, có lẽ tôi không có duyên với Quảng Trị. Và hình như Quảng Trị cũng không hấp dẫn với những dự án.

Không có dịp quay lại Gio Linh, lần này chỉ đi thăm các di tích và đi đường 9 lên Lao Bảo. Mọi thứ đã thay đổi. Thay đổi lớn nhất là con đường xuyên Á. Ngày xưa, con đường 9 đã là mồ chung của bao người. Bây giờ nó là con đường tốt hàng đầu Việt Nam. Nhìn vào con đường thì biết tầm quan trọng của nó đối với đất nước và đối với nền kinh tế. Mà không chỉ với kinh tế đất nước mà còn với kinh tế của cả những nước nó đi qua. Cửa khẩu Lao Bảo cũng được xây dựng rất hoành tráng, tương xứng với tầm quan trọng của nó. Con đường và cửa khẩu là dấu hiệu đầy hy vọng cho sự khởi sắc của kinh tế Quảng Trị. Du lịch của Quảng Trị chắc chắn sẽ phát triển. Quảng Trị có biết bao nhiêu là di tích lịch sử. Quảng Trị lại có bãi biễn, với những bãi cát trắng mênh mông. 


May mắn là có dịp được vào UBND huyện Hướng Hóa, được tiếp xúc với lãnh đạo UB. Cũng giống như mọi nơi trên cả nước, Tòa nhà UBND, và những tòa nhà cơ quan lãnh đạo huyện khác, rất to và đẹp và khang trang và bề thế và uy nghi. Cũng giống như lãnh đạo các địa phương khác, lãnh đạo huyện cũng rất là… lãnh đạo huyện. đ/c nói là cũng đã ra TƯ để đi học chính trị. Đ/c nói là các dự án xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt. Đ/c nói là đã tổ chức cầu truyền hình về các trận chiến. Đ/c nói là đang xây tòa nhà to để đón tiếp các gia đình thân nhân liệt sỹ về thăm viếng… Bla bla… nói chung là mình ngửi thấy… thôi không nói nữa. Mình nghĩ bụng, hy vọng dân nhận được ơn mưa móc. Hy vọng là ơn mưa móc không rơi vãi dọc đường. Hy vọng là…, là…, là…
HN 29/6/2014
  Bà Đầu Đinh
  (FB Bà Đầu Đinh)

Đi chơi với đại gia


Để kiếm tiền, Tony đi làm con buôn, đối tượng bị gắn liền với thành ngữ "con buôn ép giá", đùng một cái, mọi người nói mày là doanh nhân. Tony ngơ ngác hỏi có thiệt hem mậy? Niềm vui giống như con hát bị vua Tự Đức mắng là xướng ca vô loài, bỗng dưng được gọi là ca sĩ. Cái lên mạng search, đọc các tài liệu nước ngoài, mới hay nước mình làm gì có doanh nhân, chỉ có nhóm người tự nhận và 1 nhóm trông giống giống mà thôi. Nên nghe ai nói tôi là doanh nhân, nghe buồn cười không chịu được. Hôm bữa gặp chị kia nhìn quen lắm, trang điểm mắt môi lem luốc, vú móm lòng thòng, nói chị là nữ doanh nhân nè em, vì chị mới mở công ty kinh doanh thực phẩm. Ủa Tony nói sao em nhớ chị bán xôi mà. Chị ấy mắng ngay. Kinh doanh xôi, cháo lòng, bánh cuốn...trong hẻm nhà chị đều lên thành công ty kinh doanh thực phẩm. Mấy ông xe ôm lên đời thành "kinh doanh vận tải công cộng", mấy cò đất biến thành "công ty bất động sản". Nên tụi chị phải gia nhập hội doanh nhân, là 1 nhóm người biết mặc vét, đi xe hơi và có đi quánh golf, phải thuê chứ tiền đâu em. Rồi bỏ tiền đi học sang nữa, khổ thế. Hôm bữa có tham dự hội thảo nói về 3 kịch bản bất động sản, Tony thấy mấy anh ngồi họp ở khách sạn 5 sao mà kéo quần lên đầu gối cho mát. Đang đứng phát biểu, điện thoại reng là a lô và nạt nộ qua điện thoại như chốn không người. Hoá ra, anh dặn người nhà cứ 5 phút gọi 1 lần rồi cúp máy, để ổng tự thoại, cho người ta thấy là mình nhiều việc. Có bữa đang độc thoại, điện thoại lại reo vang.

Rồi Tony cũng hay đưa mấy the so-called doanh nhân hay còn gọi là đại gia ấy đi ngoại quốc vì mình biết nhiều ngoại ngữ, thông thạo đường đi nước bước. Ở trong nước thì kẻ hầu người hạ, lên xe xuống ngựa quen nên đi ngoại quốc (mấy nước phát triển), họ theo không nổi. Không đi thì lúc trà dư tửu hậu không có gì để khoe, nên cực chẳng đã. Ở nước ngoài, cực nhất là khoản từ ga tàu điện đến chỗ cần đến, thường phải đi bộ. Thế là các anh kêu mỏi chân, chê bai là hẻm bằng Việt Nam. Nhưng rút ngắn lịch trình thì không ai chịu, phải tới cho bằng được chỗ nổi tiếng đó để chụp cái hình (các cty du lịch ghi chi chít điểm tham quan mới bán được tour là vì vậy). Nhu cầu khoe cao hơn nhu cầu tìm hiểu văn hóa lịch sử, nên Tony rút kinh nghiệm không thuyết minh chi cho mệt. Đi du lịch cốt để chụp hình, tụi Mỹ nó nói là Chinese-style tourism, tức du lịch kiểu Trung Quốc, hẻm biết vì sao lại gọi vậy nữa.

Một nhóm các doanh nhân đại gia Việt đi chung thì phải hết sức khéo léo, vì người nọ muốn hơn người kia (anh A mua đồng hồ 5000 usd thì anh B sẽ phải mua 6000 USD để hơn A), nên việc tiết lộ giá tiền là điều không nên với người hướng dẫn. Rồi ăn uống, sẽ phải có nước mắm, chanh và ớt, dù là cao lương hay mĩ vị gì của Tây Tàu đều không hợp khẩu vị, nên vượt qua cửa ải hải quan để mang theo là điều phải làm. Đi sở thú, họ có thói quen khoe là tao đã kinh qua rồi mặc dù trong lòng cũng tò mò, năn nỉ 1 câu là gật đầu ngay. Ví dụ đi ngang qua chuồng hổ, đại gia Bình Dương sẽ nói nhà tao có nuôi, khỏi coi; đại gia Hà Nội sẽ nói tao có ăn thịt rồi, khỏi coi; hay đại gia Cà Mau (không muốn mình bị xem là cà chậm), sẽ nói, tao có uống... cao hổ cốt rồi, khỏi coi. Câu hỏi mà đại gia nào cũng cười ngây ngất là "chắc sếp đã ăn thịt con này rồi ấy nhỉ"

Thêm nữa là chuyện nhà và chuyện xe. Biệt thự và xe hơi là 2 trong 3 yếu tố quan trọng cấu thành nên đại gia Việt (yếu tố thứ 3 là chân dài-sẽ nói sau), nên các đại gia có sở thích là đi ngoại quốc rồi tranh thủ mua biệt thự cho con nó sang học, đi ngắm các siêu xe để ưng bụng thì "nói nó tính giá rồi giao về VN cho tao". Nên Tony đâu có muốn đi châu Âu đâu, ngồi máy bay mấy chục tiếng ê đít thấy mẹ, nhưng vì họ muốn đi Ba Lê coi tháp Ép Phen, rồi qua Luân Đôn coi đồng hồ Bit Ben, rồi qua Milan mua giày da bóp da, coi xe Phe Ra Ri, đi Thụy Sĩ coi cáp treo núi An Pơ...nên phải chiều. Cứ vô chỗ mua sắm thì câu đầu tiên là "sao cái này rẻ vậy", nói to nhằm người khác nghe thấy, rồi cầm lên ném xuống như mua cá ngoài chợ, dù ví da hay cái mũ nào cũng cả mấy ngàn Euro. Có điều "Á Á dạ dạ...em qua liền"

(mai viết tiếp, đang ở khách sạn, đại gia gọi qua phòng coi 他们今天买的东西 - đi lẹ sợ đại gia giận, quýnh quáng nên đang ở Ý mà nói lộn tiếng Tàu mới ghê)
Tony Buổi Sáng 
 
(Dân luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét