Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

’Cơ chế’ an ninh nào phù hợp cho Việt Nam?

’Cơ chế’ an ninh nào phù hợp cho Việt Nam?

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/co-che-an-ninh-nao-phu-hop-cho-viet-nam-3044390/
Lê Ngọc Thống
(Quan hệ quốc tế) – Liên minh quân sự của Việt Nam với quốc gia nào đó chỉ vì tự vệ và chỉ khi tự vệ.
Trong quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai hay nhiều quốc gia xuất hiện nhiều cách thức mà cơ chế khác nhau như, liên minh; hợp tác, trao đổi đôi bên cùng có lợi…theo hình thức công khai hay là bí mật.
Tùy theo sức mạnh, vị thế của các bên tham gia mà có những cơ chế an ninh phù hợp cho từng bên. Chẳng hạn “Liên minh quân sự Mỹ-Philipines”, thì với vị trí chiến lược quan trọng của mình, Philipines cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự tại đây và đổi lại Mỹ sẽ bảo vệ Philipines trước ngoại xâm.

a
Hai tàu chấp pháp Trung Quốc chiếc thì phun vòi rồng, chiếc thì đâm húc tàu Kiểm Ngư Việt Nam trên Biển Đông. Hành động “hữu nghị” kiểu đại Hán?
Tuy nhiên, xung đột quân sự tại khu vực tranh chấp chủ quyền biển đảo thì đến nay ngoại trừ quần đảo Senkaku của Nhật Bản tranh chấp với Trung Quốc thì Mỹ tuyên bố là nó nằm trong cơ chế liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản, nghĩa là Mỹ sẽ trực tiếp tham gia quân sự nếu xung đột xảy ra, còn với Philipines thì chưa nghe Mỹ tuyên bố như vậy.
Tất nhiên, đằng sau việc Philipines rộng cửa cho Mỹ vào các vị trí chiến lược của quốc gia gần đây không đơn thuần là chỉ để bảo vệ Philipines bởi vì nguy cơ Philipines bị Trung Quốc tấn công xâm lược là không có, Trung Quốc không cần Philipines, cái mà Trung Quốc cần là các bãi cạn, đảo mà Philipines đang kiểm soát trên quần đảo Trường Sa cơ, cho nên, những điều kiện Philipines muốn gì ở Mỹ thì thỏa thuận đó chỉ có họ biết, là bí mật.
Không chỉ với Mỹ, Philipines còn có mối quan hệ an ninh với Nhật Bản rất thân thiết, Philipines công khai ủng hộ Nhật Bản tái vũ trang, ủng hộ quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản…và chẳng ngạc nhiên khi Nhật Bản quyết định viện trợ cho Philipines 10 tàu tuần tra để đối phó với Trung Quốc, ủng hộ Philipines kiện Trung Quốc.
Như vậy với vai trò trung tâm của Mỹ, một cơ chế an ninh giữa Mỹ-Nhật Bản-Philipines được củng cố và phát triển phù hợp với tình hình mới khi Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy, tạo ra một vành đai mà nếu thêm Việt Nam hoặc Malaysia là bao trọn châu Á-Thái Bình Dương.
Với Việt Nam hiện nay về công khai, chúng ta chưa có một cơ chế an ninh chính trị với quốc gia nào trong khu vực. Để xây dựng một chiến lược “hòa bình chủ động” trong tình hình hiện nay thì dứt khoát phải chủ động tham gia vào các cơ chế an ninh khu vực, quốc tế mới có thêm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Nói “các cơ chế an ninh” vì Việt Nam có nhiều đối tác, không chỉ Nga, Ấn Độ mà còn có Nhật Bản, Philipines, Mỹ…mà qua đó Việt Nam có được những cơ chế an ninh khác nhau, phù hợp với lợi ích quốc gia.
Đừng mơ tưởng khi “có được” một liên minh quân sự với Mỹ thì Mỹ sẽ đánh Trung Quốc để bảo vệ Trường Sa cho Việt Nam, không bao giờ, với lại, Việt Nam cũng không muốn như vậy nếu như có một cơ chế an ninh cho 2 bên. Đành rằng còn quá sớm để bàn đến chuyện liên minh quân sự với Mỹ khi Mỹ vẫn đang cấm vận VKST với Việt Nam nhưng khi tính đến một cơ chế an ninh mà cả 2 cùng thỏa thuận thì đã đến lúc.
Trong chiến lược Mỹ, Việt Nam có 2 thứ mà rất có giá trị với Mỹ, đó là, thứ nhất Việt Nam có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là quân cảng Cam Ranh.
Thứ hai là Việt Nam đã, đang thể hiện một ý chí, bản lĩnh, trước sự hung hăng, ngang ngược, bất chấp đạo lý, pháp lý của Trung Quốc, xâm hại đến chủ quyền biển đảo với một tinh thần “thà hy sinh tất cả…”. Như vậy, Trung Quốc muốn vượt qua Việt Nam không phải dễ dàng và Mỹ liệu có được lợi gì không khi Trung Quốc sẽ bị sa lầy khi đối đầu với Việt Nam???
Về logic lợi ích thì Trung Quốc chỉ thay vai Mỹ cách đây mấy chục năm về trước mà thôi, có điều, Việt Nam thay vì như ngày xưa chỉ có quyền lựa chọn theo sự áp đặt của Trung Quốc thì ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn. Chắc chắn Việt Nam sẽ, đã chọn một cơ chế an ninh nào đó với Mỹ có lợi cho cả hai.
Với Nga. Có thể nói hợp tác quốc phòng và dầu khí của Việt Nam-Nga đã rất sâu cho nên một cơ chế an ninh Việt-Nga đã, đang có là bắt buộc, là nhu cầu tất yếu.
Bằng cách nào Nga bảo vệ được lợi ích quốc gia trực tiếp là các dàn dầu khí của mình trên Biển Đông? Bằng cách nào Nga bảo vệ được các hợp tác quốc phòng của mình với Việt Nam tại căn cứ Hải quân Cam Ranh? Nói cách khác, bằng cách nào Nga duy trì được chiến lược ngắn hạn và dài hạn ở châu Á-TBD…?
Trước hết chúng ta hãy để ý một chút về Cam Ranh. Khi nói về vị trí quân sự chiến lược của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương người ta nghĩ ngay đến Cam Ranh, một vị trí còn độc đắc hơn cà Subic của Philipines. Người Trung Quốc rất sợ điều tồi tệ nhất xảy ra là khi Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự của nước ngoài (Nga, Mỹ, Nhật Bản), vì thế họ luôn chỉ trích, lu loa rằng Việt Nam “dùng Cam Ranh làm vũ khí” để chống Trung Quốc…(Cũng không sai, vì ở Việt Nam, “cỏ sẽ biến thành chông, sông sẽ biến thành sông lửa” để tấn công quân xâm lược thì có lẽ nào một Cam Ranh lại không…gì?).
Cơ chế an ninh nào cho Việt-Nga? Trước hết tại Cam Ranh, Nga được ưu tiên, Việt Nam coi Nga như “người nhà”. Và, dĩ nhiên, chắc rằng Việt Nam cần mua loại vũ khí nào của Nga để phục vụ cho chiến thuật, chiến lược…thì Nga cũng không ngần ngại khi bán nó cho “người nhà”.
Nếu như ngoài quân đội Nga ra chỉ Việt Nam là có hệ thống tên lửa phòng thủ biển Bastion-P thì chẳng có gì là không thể xảy ra để Việt Nam có một sức mạnh đủ để răn đe những cái đầu hiếu chiến. Vũ khí người Nga tại Việt Nam làm cho Trung Quốc lo ngại nhiều chứ vũ khí người Nga tại Trung Quốc người Việt không mấy lo lắng.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa Việt Nam tại thời điểm khi Nga bắt tay với Trung Quốc để phá thế bao vây của Mỹ và phương Tây là thử phản ứng của Nga và gây chia rẻ mối quan hệ Nga-Việt, một trong những mục tiêu chính mà Trung Quốc nhắm đến.
Chúng ta để ý, cứ mỗi lần Trung Quốc gây áp lực mạnh với Việt Nam là Hạm đội Nga thăm Việt Nam đến Cam Ranh. Phải chăng đó là biểu hiện của cơ chế an ninh Việt-Nga?
Tuy nhiên, vũ khí và ý chí, bản lĩnh, trí tuệ mới chỉ là lực, là chưa đủ mà phải tạo ra thế mới có sức mạnh bền vững, cho nên, dứt khoát chủ động tham gia vào cơ chế an ninh với Nhật Bản, Philipines, Ấn Độ…để tạo thế, trong đó Nhật Bản, Philipines là then chốt.
Rất có thể một liên minh quân sự Việt Nam-Nhật Bản sẽ xuất hiện.
Nếu như một liên minh quân sự Việt Nam-Nhật Bản hình thành thì đó cũng là điều tự nhiên mang tính tất yếu.
  Có thể nói tình thế an ninh giữa 3 quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và Philipines đã tạo ra những điều kiện cần và đủ để rất dễ xảy ra liên minh quân sự nhất so với khả năng Việt Nam liên minh quân sự với Nga, Mỹ, Ấn.
Điều kiện cần là Trung Quốc đã, đang hung hăng, cậy mạnh, đe dọa sử dụng vũ lực để xâm hại chủ quyền biển đảo cả 3 nước ngày càng leo thang đến nấc thang nguy hiểm.
Điều kiện đủ là cả 3 quốc gia có cùng kẻ thù trực tiếp; Việt Nam không có bất kỳ mâu thuẫn nào về lợi ích với Nhật Bản, với Philipines tuy có tranh chấp nhưng 2 nước đã thống nhất giải quyết bằng biện pháp hòa bình; Việt Nam, Philipines đều án ngữ tuyến hàng hải sống còn của Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời có địa quân sự quan trọng thách thức rất lớn đến tham vọng chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc. Và khi 3 quốc gia này liên thủ thì có tính khả thi cao, có nghĩa là tham vọng của Trung Quốc sẽ sụp đổ là rất lớn.
Đến đây nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vậy thì tại sao không liên minh ngay đi…Đúng vậy, liên minh quân sự Mỹ-Nhật Bản và Mỹ-Philipines đã có trước khi Trung Quốc trỗi dậy và hiện nay trên Biển Đông, Hoa Đông đang rất căng thẳng bởi sự hung hăng ngang ngược của Trung Quốc mà nếu xuất hiện liên minh quân sự Nhật Bản-Việt Nam-Philipines thì liên minh đó được hiểu là để chống Trung Quốc, đối đầu với Trung Quốc.
Trong khi đó, tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc không phản ánh toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc. Bởi vậy sự ra đời một liên minh quân sự là phải cân nhắc đúng thời điểm, nhưng trước đó cần thiết phải có những cơ chế an ninh song phương, đa phương.
Trong chơi cờ chỉ có quân xe, quân mã là chiếu tướng trực diện, nghĩa là nó đối diện trực tiếp với tướng mà không có quân cản, còn lối tấn công của quân pháo thì không như vậy. Quân pháo chiếu tướng phải có một quân làm ngòi và điều đặc biệt là quân làm ngòi đó đó bất kể là quân của ai.
Có thể nói trên bàn cờ chiến lược Tây Thái Bình Dương, để đối phó với sự hung hăng thôn tính Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam đang sử dụng lối tấn công của quân pháo để chủ động tham gia vào cơ chế an ninh khu vực nhằm tạo ra một sức mạnh răn đe ngăn ngừa chiến tranh trong chiến lược hòa bình chủ động.
Việt Nam không muốn đối đầu quân sự với Trung Quốc, một cường quốc láng giềng trừ phi phải tự vệ. Vì thế liên minh quân sự của Việt Nam với ai đó cũng chỉ vì tự vệ và chỉ khi tự vệ. Chắc chắn trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam đủ khả năng để lựa chọn và đủ khôn ngoan để đi những nước cờ có lợi cho quốc gia.
  • Lê Ngọc Thống

    Việt Nam cần ‘thoát Trung’ hay không?


    Nhiều nhà quan sát tình hình Việt Nam hồi gần đây cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa đã làm tan vỡ ảo tưởng của một số người có lẽ không nhiều ở Việt Nam về mối quan hệ “bốn tốt” với nước láng giềng khổng lồ ở phương bắc. Sự tan vỡ đó xảy ra đồng thời với sự hình thành của một cuộc vận động tư tưởng trong giới trí thức Việt Nam nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc của Trung Quốc trong các lãnh vực văn hóa, chính trị và kinh tế. Ban Việt Ngữ đài VOA đã tiếp xúc với Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, để tìm hiểu thêm về diễn tiến đáng chú ý này. Mời quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

    VOA: Thưa giáo sư Đoàn Viết Hoạt, trước hết chúng tôi xin cám ơn ông đã có nhã ý dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Và câu hỏi thứ nhất chúng tôi xin hỏi là nội dung chính của chủ trương Thoát Trung là gì.

    Đoàn Viết Hoạt: Đây là vấn đề thời sự và đang được cả trong nước lẫn hải ngoại cũng như quốc tế quan tâm. Xét trên vấn đề thời sự như vậy, vấn đề Thoát Trung nó khá rõ về nội dung. Tức là, hiện nay chúng ta thấy quan hệ giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam với Đảng Cộng Sản Trung Quốc rất là chặt chẽ; nhất là từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định gắn chặt với Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Thành ra, Thoát Trung đầu tiên là thoát ra khỏi cái sự gắn chặt đó. Cái mà bình dân người ta gọi là “cái vòng kim cô Thành Đô.” Tôi nghĩ đấy là cái quan trọng nhất, và làm sao Thoát Trung thì là vấn đề khác, nhưng Thoát Trung đầu tiên là phải có tư tưởng độc lập và tìm cách ra khỏi những trói buộc mà chính Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tự đặt mình vào sự trói buộc đó với Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Như vậy là thoát về đường lối, chính sách và về tư tưởng. Và điều đó đặt đến rất nhiều về những nội dung cụ thể về luật pháp, hành chánh và những vấn đề khác, nhất là vấn đề kinh tế.
    VOA: Thưa giáo sư, chắc ông cũng biết là trong bài viết “Thoát Trung Luận” của ông Giáp Văn Dương, ông ấy đã kết thúc bài viết bằng khẩu hiệu “Thoát Trung hay là chết”. Nhưng, trong một bài viết “phản biện” bài viết đó của ông Dương, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà tranh đấu dân chủ ở Hà Nội, có nói rằng “nếu nhìn ở phạm vi ngay trước mắt thì Việt Nam cần phải xa rời Trung Quốc để hướng đến và thắt chặt với phương Tây, nhưng nếu nhìn ở phạm vi dài hạn thì vấn đề không phải là “Thoát Trung” hay không “Thoát Trung” mà vấn đề là đất nước phải có sự sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra được cần phải du nhập cái gì, tránh cái gì… Mà để có sự sáng suốt, tỉnh táo đó thì dân chúng và đặc biệt là giới trí thức phải có suy nghĩ độc lập, khoa học và có khả năng ảnh hưởng, tham gia vào các quyết định liên quan đến mọi vấn đề của quốc gia, xã hội. Khi đó mọi vấn đề “thoát” hay “nhập” với bất cứ cái gì không còn là vấn đề khó khăn, mông lung hay bế tắc nữa.” Ngoài ra, một nhà sử học có uy tín ở Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, mới đây cũng nói với báo chí trong nước là Việt Nam “không cần thiết phải ‘thoát Trung’, mà phải biết cách để sống cạnh Trung Hoa như thế nào.” Ông nghĩ sao về các nhận định đó?
    Đoàn Viết Hoạt: Tôi có đọc cả ba bài này. Tôi chia sẻ cái nhìn của anh Phạm Hồng Sơn cũng như là của ông Dương Trung Quốc. Tôi cũng nghĩ rằng ông Giáp Văn Dương muốn đề cập đến vấn đề một cách thời sự trước mắt, còn hai vị kia, nhất là Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nói đến cái vấn đề căn bản hơn. Tôi nghĩ rằng cũng cần phải chia sẻ với rất nhiều người, đặc biệt là giới trí thức và những người làm chính trị, về nền tảng lâu dài cho sự độc lập của Việt Nam. Thoát Trung chỉ là một dịp để chúng ta thấy sự lệ thuộc của Việt Nam nói chung vào nước ngoài – trước đây là Pháp, Mỹ rồi đến Liên Xô và giờ đây đến Trung Hoa. Thành ra, những vị có suy nghĩ lâu dài, muốn tìm ra một giải pháp bền vững cho nền độc lập của Việt Nam thì cần phải suy nghĩ xa hơn một chút về Thoát Trung.

    Thật sự là đúng như Bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã nói, không phải chỉ vấn đề Thoát Trung mà chúng ta phải thoát ra khỏi tất cả những sự lệ thuộc vào nước ngoài, nhất là vấn đề về tư tưởng và đường lối. Thành ra việc Thoát Trung hiện nay đòi hỏi một cái lớn, đó là Thoát Cộng; và đòi hỏi một cái lớn hơn nữa là chấp nhận một hệ thống xã hội, chính trị như thế nào để chúng ta có thể thật sự độc lập và phát huy sức mạnh của người dân. Đây là vấn đề mà tôi nghĩ là các vị như ông Phạm Hồng Sơn hay ông Dương Trung Quốc muốn đề cập tới.
    VOA: Thưa giáo sư, qua những gì mà giáo sư vừa nói, chúng tôi nhận thấy dường như “Thoát Trung” chỉ là một cái tên mới của những nỗ lực hiện đại hóa hay Tây hóa mà sĩ phu Việt Nam đã thực hiện hay hô hào từ rất lâu. Xin ông cho biết cuộc vận động Thoát Trung hiện nay có gì khác với những nỗ lực của trí thức Việt Nam từ Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ cho tới Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lý Đông A … để hiện đại hóa Việt Nam? Và phải chăng cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa chống lại quân đội Bắc Việt cũng chính là một nỗ lực Thoát Trung?
    Đoàn Viết Hoạt: Nếu chúng ta đặt vấn đề Thoát Trung không thì nó có thể là khác. Nhưng nếu ta nhìn như là thoát ra khỏi tất cả những ảnh hưởng ngoại lai, những gì đến với đất nước chúng ta bằng hình thức áp đặt, hay bị lệ thuộc, thì chúng ta thấy rằng nó là một cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc và của đất nước, có lẽ là cả trăm năm nay rồi. Đặc biệt là từ khi bắt đầu tiếp cận với Tây Phương qua việc người Pháp đến và đô hộ nước ta. Cuộc đấu tranh đã bắt đầu từ đó, và nó tìm cách bắt đầu phục hồi niềm tin vào dân tộc và tìm ra con đường phát triển dân tộc mà không phải lệ thuộc ảnh hưởng quốc tế hay ngoại lai hay siêu cường nào, kể cả Á Đông lẫn Âu Mỹ. Con đường đó bắt đầu từ trăm năm nay và vẫn chưa hoàn tất.

    Thoát Trung, theo tôi, là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình này và chúng ta phải tìm cho được lời giải đáp căn bản. Những người đi trước chúng ta mà tôi đặc biệt chú ý tới là Lý Đông A, bởi vì ông đã nêu ra vấn đề đối với Tàu này từ năm 1943 và ông đã cảnh giác chúng ta về “Đại Họa Hán” sẽ đến trong những thập niên mà chúng ta đang thấy bây giờ, và ông cho đó là cái “đại địch cuối cùng” mà chúng ta phải thoát khỏi thì may ra mới vươn mình lên được. Nhưng mà có lẽ ông còn nói hơn nữa là tinh thần độc lập mà ông gọi là “độc lập siêu nhiên”, tức là thoát ra khỏi mọi cái ảnh hưởng. Không có nghĩa là chúng ta cô lập, bởi vì thời đại hiện nay chúng ta không thể cô lập được, nên phải độc lập cùng với các dân tộc khác trong khu vực và trên toàn thế giới. Nhưng mà mình phải phát huy bản sắc của mình. Nếu không thì mình Thoát Trung nhưng lại lệ thuộc vào Mỹ chẳng hạn; cũng như trước đây lệ thuộc vào Liên Xô ở Miền Bắc và Miền Nam lệ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ. Chúng ta cần phải thoát khỏi những cái đó để vươn mình lên, đồng thời tổng hợp được tất cả những tinh hoa để giúp cho đất nước phát triển. Tôi nghĩ đó là vấn đề căn bản mà nếu có thời giờ chúng ta có thể đề cập thêm.
    VOA: Giáo sư vừa nói tới lời cảnh cáo ông Lý Đông A đưa ra năm 1943 về “hiểm họa nòi Hán”. Xin giáo sư nói rõ thêm.
    Đoàn Viết Hoạt: Lý Đông A là người có thể nói là người chưa được nhiều người biết đến. Đặc biệt là vì những tài liệu của ông bị cấm đoán trong tất cả các chế độ, nhất là chế độ độc tài và đặc biệt là chế độ Cộng Sản. Chưa kể rằng bản thân ông cũng như nhiều nhà yêu nước khác như Trương Tử Anh hay Huỳnh Phú Sổ đã bị Cộng Sản giết hoặc thủ tiêu. Những người nào đọc tài liệu của ông Lý Đông A sẽ biết ông đã nói từ năm 1943 về tình hình thế giới hậu Đệ Nhị Thế Chiến. Ông đã tiên liệu Nhật và Đức sẽ thua trong vòng 45, 46. Và ông nói rằng sau đó, hiểm họa hiện nay của Anh, Mỹ là Nhật, Đức, nhưng hiểm họa, “đối địch”, sau đó là nước Nga và sau nước Nga là nước Tàu. Ông nói rất rõ trong những tài liệu đó và mong rằng quí vị tìm đọc. Nhưng mà riêng về Việt Nam thì ông nói điều mà ông gọi là “đại địch tối hậu”, tức là cuối cùng, là Tàu; Ông viết khá dài về hiểm họa đó và ông nói rằng nó đang bộc lộ bằng chính những tuyên bố của Tưởng Giới Thạch tại hội nghị quốc liên khi Thế Chiến Thứ Hai chưa thật sự chấm dứt. Tưởng Giới Thạch đã đòi lại những vùng đất mà Trung Hoa cho rằng trước đây thuộc họ. Ông Lý gọi đó là “chủ nghĩa Đại Hán mới” và chúng ta cần phải cảnh giác. Rõ ràng là bây giờ chủ nghĩa này đang trở lại.
    VOA: Giáo sư nghĩ như thế nào về cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa chống lại quân đội Bắc Việt trước đây? Phải chăng đó cũng là một nỗ lực Thoát Trung, thoát khỏi sự kềm kẹp hay sự xâm lăng của Trung Quốc?

    Đoàn Viết Hoạt: Tất nhiên, trước hết là sự xâm lăng của Bắc Việt. Bởi vì Hiệp định Genève chia đôi đất nước không cho phép việc xâm chiếm Miền Nam bằng quân sự. Do đó, quyền bảo vệ và tự vệ là đương nhiên. Đặc biệt là Việt Nam Cộng Hòa là nước đã bắt đầu phát triển chế độ tự do và chế độ dân chủ. Cho nên nó hoàn toàn ngược lại chế độ Miền Bắc. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là vì nó nằm trong cuộc chiến tranh Lạnh giữa hai ý thức hệ tư bản với cộng sản quốc tế. Thứ ba là rõ ràng lúc đó Trung Quốc hậu thuẫn cho Miền Bắc, cùng với Liên Xô, để phát triển chủ nghĩa Cộng sản cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc. Như chúng ta biết, Trung Quốc có mục tiêu riêng của họ là phát triển tiếp cái Đại Hán của họ. Và vì vậy, quả nhiên là cuộc chiến đấu của Việt Nam Cộng Hòa có nhiều mục tiêu: thứ nhất là bảo vệ tự do dân chủ, thứ hai là chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản và thứ ba là chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
    VOA: Cám ơn giáo sư rất nhiều. Chúng tôi rất mong có dịp hầu chuyện thêm với giáo sư về “Thoát Trung.”
    Đoàn Viết Hoạt: Cám ơn anh.
      (VOA)

    Từ đỏ vải thiều đến đỏ khoai tây

    (TBKTSG) - 1. Lục Ngạn - Bắc Giang, vựa vải lớn nhất nước năm nay được mùa. Theo mô tả của báo chí, vải chín đỏ những ngọn đồi, nhuộm đỏ những nẻo đường ra chợ, nhưng lòng người nông dân lại không vui.
    Sự bấp bênh của thời tiết cộng với sự bất thường của giá cả thị trường là những nỗi lo canh cánh của người trồng vải khi rộ mùa. Nhưng năm nay, người nông dân Lục Ngạn đối diện với một nỗi lo mới: sự hụt hẫng về thị trường khi số tiểu thương Trung Quốc tìm đến mua vải giảm đi so với năm ngoái. Tình trạng ép giá xảy ra nặng nề hơn, khiến chính quyền địa phương phải tính đến phương án tìm kiếm thị trường mới cho vải thiều để giảm sự lệ thuộc thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh chính trị giữa hai nước theo dự báo sẽ khó trở lại như trước đây.
    Theo thông tin từ VietNamNet, năm 2013, Lục Ngạn đã xuất sang Trung Quốc hơn 44.000 tấn vải, chiếm gần 50% tổng sản lượng vải toàn huyện. Việc tìm kiếm thị trường mới cho trái vải thiều để giảm phụ thuộc vào thị trường lớn của nước láng giềng và chủ động hơn về giá cả chắc chắn sẽ diễn ra theo một lộ trình rất dài, khó khăn mà nếu người nông dân đồng lòng cùng chính quyền địa phương theo đuổi đến cùng mục tiêu ấy, thì cũng sẽ mất dăm bảy mùa vải nữa mới tìm lại sự ổn định như hiện tại.
    Chuyện trái vải thiều có thể xem là một dẫn chứng cho thấy sự “thoát Trung” trong kinh tế, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch không hề giản đơn. Và vấn đề cấp thiết không phải ở khẩu hiệu, mà cần đặt lại trọng tâm, đó là làm sao tổ chức cho được quy trình chế biến, xuất khẩu nông sản các địa phương một cách chuyên nghiệp, chặt chẽ với hệ chuẩn tắc chế biến và đóng gói cao hơn, nâng giá trị cho sản phẩm dù cho đầu ra hướng đến bất kỳ thị trường nào.
    2.Tuần qua, truyền thông cũng xôn xao chuyện khoai tây Trung Quốc nhập khẩu được thương lái cho trộn đất đỏ Đà Lạt bán giá thấp khiến củ khoai tây Đà Lạt điêu đứng.
    Thực ra, chiêu thức lấy khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ Đà Lạt giả mạo nông sản địa phương là vấn đề từ nhiều năm trước, thậm chí chính quyền địa phương đã có những xử lý rất mạnh tay.
    Song vấn đề năm nay, tình hình xảy ra phức tạp hơn: các lô khoai tây Trung Quốc “đội lốt” đều có giấy tờ nhập khẩu hợp lệ và bày bán công khai. Khi lực lượng chức năng hỏi đến, thì người bán sỉ chỉ việc nói “lật lọng”:
    “Tôi bán hàng Trung Quốc nhập khẩu có chứng từ và sở dĩ phải nhuộm đỏ là vì đáp ứng yêu cầu của khách hàng”. Nhưng trên thực tế, khi những sản phẩm này tuồn ra thị trường và được bán lẻ, không mấy người phân biệt được đâu là khoai Trung Quốc, đâu là khoai Đà Lạt chính gốc. Một nhà vườn Đà Lạt cho chúng tôi biết rằng, ngay cả khoai tây Đà Lạt khi thu hoạch thấy vỏ đen, nhìn không bắt mắt thì nhà vườn cũng lấy đất đỏ trộn lên cho thẫm màu, dễ bán.
    Câu chuyện đặt ra ở đây là chỉ có thể phát hiện, chế tài khi củ khoai tây Tàu giả mạo hàng địa phương hoặc những lô hàng nhập khẩu có dư lượng thuốc trừ sâu hay bảo quản quá mức quy định.
    Như vậy là củ khoai tây Trung Quốc với mức giá rất thấp cứ việc “ngụy trang” bằng đất đỏ, ngang ngược tràn vào cạnh tranh và đánh gục củ khoai tây địa phương, khiến nông dân Lâm Đồng khóc ròng, còn chính quyền địa phương thì không ngừng kêu khó.
    3. Câu chuyện mùa vải thiều đỏ xứ Lục Ngạn cho đến củ khoai tây Trung Quốc trộn đất đỏ xứ Lâm Đồng, tuy hai chiều vận hành, phân phối hàng hóa nông sản khác nhau (một bên là xuất khẩu, một bên là nhập khẩu), nhưng lại xuất phát từ một nguyên do: thị trường sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã sống trong sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá sâu. Và nếu bất ngờ buộc phải giảm sự lệ thuộc khi thiếu giải pháp thị trường thay thế và cả ý thức tự chủ nơi người dân thì sẽ gây ra cú sốc lớn, trực tiếp cho người nông dân.
    Lẽ ra những chiến lược trong xuất, nhập khẩu nông sản, giảm lệ thuộc vào nước láng giềng đầy bất trắc, sự quan tâm đến lợi ích lâu dài của nông dân phải được thực hiện từ rất lâu trước đó, chứ không phải đến khi “có biến” mới bàn tính đến. Nhưng dù sao, muộn còn hơn không. Cần những bước đi quyết đoán và hiệu quả để người nông dân không tiếp tục phải lao đao.
    Nguyễn Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét