Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

“Con đường làng” tư pháp và cỗ xe kinh tế ì ạch - Nhìn Hong Kong và nhớ Miến Điện

Hà Nội theo dõi tình hình Hồng Kông, lo ngại sự hưởng ứng từ Việt Nam

Biểu tuợng quyền con người và biểu tượng cuộc đấu tranh ở Hồng Kông (dải ruy-băng vàng) được các nhà hoạt động xã hội Việt Nam sử dụng để bày tỏ sự ủng hộ.

Kể từ ngày 28 tháng 9 ở Hồng Kông, khi cuộc biểu tình trở thành một hình ảnh đối đầu chính trị và có khuynh hướng sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của chế độ CS Trung Quốc, Hà Nội đã bộc lộ nhiều sự lo ngại khi thấy phong trào hưởng ứng của người Việt Nam.


Trên các trang mạng, khẩu hiệu, biểu ngữ cũng như các lời bàn hết sức nhộn nhịp, cho thấy người Việt rất quan tâm về tình hình Cách mạng Dù ở Hồng Kông. Nhiều khẩu hiệu đã viết bằng tiếng Anh như Vietnamese activist support Hong Kong revolution, we stand by you… đã được treo lên trên các trang facebook. Các bản video tiếng Quảng Đông kêu gọi ủng hộ cuộc cách mạng cũng được các nhóm thanh niên trong nước nhanh chóng làm phụ đề tiếng Việt và phát đi cho người Việt cùng biết.

Các đêm không ngủ của người Hồng Kông cũng là những đêm không ngủ của nhiều người Việt, liên tục theo dõi các sự kiện, thông tin tiếp ứng trên các trang mạng.

Sự tác động của cuộc biểu tình cũng mang lại một nguồn cảm hứng về các phong trào cách mạng đòi thay đổi xã hội đang làm cho Hà Nội thật sự lo ngại.

Tin từ trong nội bộ cho biết, Bộ Công an CSVN đã khẩn cấp lập một nhóm giám sát trực tiếp về diễn biến ở Hồng Kông và lập hồ sơ cho các phương án đối phó sau này. Hai nhóm sĩ quan công an, mỗi nhóm 4 người chuyên về phòng chống bạo loạn của Bộ Công an CSVN cũng đã lên đường sang Hồng Kông để tìm hiểu thực địa.

Dù nhiều người nói rằng khó mà có được một chuyển biến như Hồng Kông ở Việt Nam, nhưng công an CSVN vẫn không ngớt rà soát và theo dõi tình hình, đặc biệt là ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, cái nôi của tinh thần dân chủ và cách mạng gần giống như Hồng Kông.

Khó biết được là vô tình hay hữu ý, mà ngày 30 tháng 9, thời điểm căng thẳng nhất của người Hồng Kông khởi động phong trào tẩy chay quốc khánh Cộng sản Trung Quốc, Bộ Công an CSVN cũng đã khẩn cấp thành lập Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Cơ động để chống bạo loạn.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động sẽ gồm 8 đơn vị cấp cục và tương đương cục, 12 trung đoàn cảnh sát cơ động, 3 tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm và 1 tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

Nhiệm vụ của Bộ này, được nhấn mạnh là để trấn áp kịp thời chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật. Lực lượng này có quyền hạn hành động ngay sau khi ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định thành lập. Đặc biệt lực lượng này có quyền trực tiếp sử dụng mọi loại vũ khí.
(Dân News)

Cao Huy Huân - Nhìn Hong Kong và nhớ Miến Điện

Cảnh sát lôi người biểu tình ra khỏi khuôn viên trụ sở củatrưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh ở Hong Kong, ngày 3/10/2014.
Cảnh sát lôi người biểu tình ra khỏi khuôn viên trụ sở củatrưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh ở Hong Kong, ngày 3/10/2014.
Tình hình ở Hong Kong hiện nay hỗn loạn chưa từng thấy từ khi lãnh thổ này được trao trả lại cho Trung Quốc. Sau 17 năm chịu đựng chính quyền mới, giờ đây người dân Hong Kong đang đứng dậy cho cuộc sống đúng nghĩa của mình. Câu chuyện dân chủ ở Hong Kong chưa có hồi kết, bỗng dưng tôi nhớ lại một câu chuyện về dân chủ ở Miến Điện cũng mới diễn ra gần đây. Hong Kong và Miến Điện khác nhau khá nhiều, nhưng điểm chung của họ là người dân đã dám đứng lên đòi dân chủ.
Mặt trời lặn ở Yangon
Một ngày ở Yangon bình yên đến đáng sợ. Giống như Hà Nội từng được mệnh danh là thành phố vì hòa bình, nhưng đó là cái hòa bình  theo những khuôn phép mà có thực sự sống và trải nghiệm, người ta mới cảm nhận được. Miến Điện gánh chịu sự cấm vận về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ và châu Âu kể từ sau cuộc đàn áp dân sự năm 1988 và cả việc từ chối các kết quả bầu cử năm 1990. Cái bình yên đó là kết quả của sự chịu đựng của người dân Miến Điện trước thế lực chính phủ độc đoán và vô nhân đạo.
Thành phố Yangon từng được gọi là “nơi thời gian ngừng lại” khi nhịp sống nơi đây quá đỗi nhẹ nhàng. Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng Yangon vẫn không thay đổi. Thành phố với những kiến trúc ảnh hưởng từ thời kỳ thuộc địa của Anh tuyệt đẹp, những ngôi chùa dát vàng óng ánh, cho thấy người dân Miến Điện hiền hòa, yêu chuộng những giá trị cũ và tôn thờ tín ngưỡng.
Đến Miến Điện, người ta sẽ nghe người dân nhỏ to câu chuyện về nữ anh hùng dân tộc Aung San Suu Kyi. Trong mắt các lãnh đạo Miến Điện, Suu Kyi là một cái gai khó gỡ bỏ. Tuy nhiên, với dân tộc Miến Điện, bà là một vầng mặt trời.
Aung San Suu Kyi chính là con gái của vị tướng Aung San anh dũng, người bị ám sát bởi thế lực đối lập năm 1947 khi ông còn đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Miến Điện. Bà Suu Kyi trưởng thành và làm việc cho Liên Hiệp Quốc nhưng lòng yêu dân tộc và dòng máu Miến Điện chảy trong người bà đã thúc đẩy bà phải quay về đất nước để chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân dưới chế độ độc tài. 
Với dòng máu kiên trung của người cha, bà Suu Kyi không chấp nhận nhìn thấy người dân ngày càng bị tước đi quyền làm chủ và trở thành tôi mọi cho chế độ mới. Tiếng nói đại diện cho dân chủ và nhân quyền của Suu Kyi đã vực dậy một niềm tin cho nhân dân Miến Điện, truyền lửa cho những cuộc nổi dậy. Ngày 8 tháng 8 năm 1988, một cuộc nổi dậy đã diễn ra dọn đường cho một cuộc bầu cử mới dưới sức ép của quần chúng nhân dân. Lần đầu tiên sau 30 năm, một cuộc bầu cử tự do được tiến hành giữa Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của tướng Saw Muang đang tại vì, và Liên minh Toàn quốc vì Dân chủ (LMTQVDC), đảng của bà Aung San Suu Kyi. Kết quả cuộc bầu cử cho thấy thắng lợi về phía Liên minh với 392 ghế trên tổng số 495. Trớ trêu thay, Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang của Tướng Saw Muang đã từ hủy bỏ kết quả bầu cử và từ chối bàn giao quyền lực.
Aung San Suu Kyi hiện vẫn đang sống tại Yangon. Bà từ chối rời Miến Điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi chồng bà là Michael Aris, một giáo sư tại đại học Oxford, Anh Quốc qua đời vào năm 1999 vì bệnh ung thư, mặc dù vô cùng đau khổ vì lần cuối cùng hai người gặp gỡ là năm 1995, Suu Kyi vẫn kiên định không rời Miến Điện đi Anh Quốc để gặp chồng lần cuối. Trước đó khi ông Aris biết mình bị bệnh, ông đã 30 lần xin visa vào Miến Điện để thăm Suu Kyi nhưng chính quyền Miến Điện đều từ chối mặc dù có sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Chính quyền Miến Điện muốn Suu Kyi phải rời Miến Điện đi thăm chồng nhưng Suu Kyi biết, nếu ra đi, bà sẽ không thể quay về. Là một người theo đạo Phật, Suu Kyi cho rằng việc không thể gặp chồng khi ông bệnh tật và qua đời là do số phận và bà phải gánh chịu vì công cuộc lớn hơn cho dân tộc bà. Có thể nói tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ của Suu Kyi. Bà luôn chủ trương đấu tranh không bạo động, và Suu Kyi biết rằng, càng bạo động, nhân dân càng lầm than.
Mặc dù bị giam lỏng và bị kiểm soát bởi chính quyền Miến Điện, Aung San Suu Kyi vẫn có những hoạt động đấu tranh cho chính nghĩa.
Lý lẽ của kẻ mạnh
Chính quyền Miến Điện đến năm 2010 vẫn nằm trong tay Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật pháp Liên bang, nay đã được đổi tên là Đảng Liên minh vì Đoàn kết và Phát triển Quốc gia. Thực chất đây là một đảng độc tài được xây dựng trên nền tảng quân đội. Với sức mạnh quân sự, Đảng Liên minh vì Đoàn kết và Phát triển Quốc gia (USDP) dùng bạo lực để đàn áp nhân dân, và xây dựng chế độ phản dân chủ.
Một điều đáng nói là chính quyền phản dân chủ Miến Điện vẫn cho phép tồn tại các đảng phái khác, mà trong đó LMTQVDC của bà Aung Sann Suu Kyi là một điển hình đối lập. Tuy nhiên, sự tồn tại của LMTQVD chỉ là một sự che chắn ngụy trang cho cái gọi là tự do dân chủ, khi toàn bộ quyền lực thuộc về tay USDP. Họ nắm mọi quyền lực, và kiểm soát các hoạt động của LMTQVDC. Họ đàn áp và ra tay giết hại các thành viên của LMTQVDC. Điều này diễn ra một cách rõ ràng, và nhân dân Miến Điện có thể nhìn thấy tất cả. Tuy nhiên, lý lẽ thuộc về kẻ mạnh. Như đã nói, USDP có lực lượng quân đội trong tay, họ là kẻ mạnh trong khi nhân dân Miến Điện là những người dân bình thường không một tấc sắt trong tay, một điều tất yếu, sức mạnh thuộc về tay USDP. Sự đàn áp của USDP càng lộ rõ trong các cuộc bầu cử diễn ra trên đất Miến Điện. Mặc dù phần thắng luôn nghiêng về phía LMTQVDC với sự ủng hộ áp đảo của nhân dân, USDP vẫn không công nhận kết quả bầu cử và họ vẫn nắm giữ chính quyền trong nhiều thập kỷ nay. Lý lẽ của kẻ mạnh còn thể hiện qua việc USDP luôn có những hành động bắt giữ, đàn áp và giết hại các thành viên của LMTQVDC, và LĐTQVDC không thể làm điều ngược lại.
Mục tiêu của cuộc trưng cầu hiến pháp Miến Điện năm 2008, được tổ chức vào ngày 10/05/2008  là thiết lập một "nền dân chủ, kỷ luật hưng thịnh". Là một phần của quá trình trưng cầu dân ý, tên của đất nước được đổi từ "Liên bang Myanmar" thành "Cộng hòa Liên bang Myanmar", và cuộc tổng tuyển cử được tổ chức theo hiến pháp mới năm 2010. Giới quan sát  trong cuộc bầu cử năm 2010 mô tả sự kiện này diễn ra trong trật tự và hòa bình. Tuy nhiên, những cáo buộc về vi phạm tại các địa điểm bỏ phiếu đã được đưa ra, và Liên Hiệp Quốc và một số nước phương Tây đã lên án cuộc bầu cử là gian lận. Lãnh đạo Đảng USDP, ông Thein Sein chính thức là tổng thống mới của Miến Điện.
Với tác động của phương Tây và Mỹ, ngày nay Miến Điện đã thực hiện những cải cách  dân chủ và nhân quyền, mở cửa kinh tế và đang phát triển với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc. Đây là vùng đất mới cho giới đầu tư khắp thế giới, và thậm chí Miến Điện còn được đánh giá sẽ trở thành con rồng mới trong tương lai gần. Mặc dù tình hình dân chủ ở Miến Điện còn phải được bàn cãi thêm nữa nhưng những tiến bộ vừa qua cũng mang đến một luồng ánh sáng mới cho đất nước này. Hong Kong, từng là thuộc địa của Anh và chính người Anh đã biến Hong Kong thành con rồng ở châu Á.
Giờ đây Hong Kong thèm thuồng quá khứ được sống trong dân chủ hơn là trở về với Trung Quốc độc đoán. Hy vọng một ngày không xa, Hong Kong lại sẽ tìm thấy con đường dân chủ như Miến Điện mới đây, hoặc chúng ta cũng sẽ mơ đến một ngày Hong Kong trở thành một Đài Loan thứ hai.
Cao Huy Huân
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Hồng Kông : Người biểu tình đụng độ « quần chúng tự phát »

Người biểu tình dân chủ ngăn cản những người phản đối tiến gần lều của họ trên một con đường chính của khu mua sắm Mongkok, Hồng Kông, 03/10/2014.
 
Căng thẳng lên đến cực độ tối nay 03/10/2014 tại Hồng Kông, khi xảy ra những cuộc xung đột dữ dội giữa những người biểu tình đòi dân chủ với hàng trăm người bực tức trước phong trào phản kháng. Các lãnh tụ sinh viên loan báo sẽ không tham gia đối thoại với chính quyền, cho rằng cảnh sát đã để cho côn đồ tấn công người biểu tình.

Tại Vượng Giác (Mong Kok), khu thương mại rất đông dân của quận Cửu Long (Kowloon), hàng trăm người đã tấn công những người biểu tình, cố dỡ bỏ các rào chắn và thường là thành công. Đám người « phản biểu tình » hô to : « Hãy trả lại khu Vượng Giác cho chúng tôi ! Người Hồng Kông cần phải kiếm ăn », « Trở về nhà đi ! ».

Hai phe trao đổi những cú đánh và lời thóa mạ, trong khi cảnh sát cố gắng tách họ ra và mở một lối cho các xe cứu thương. Trước mắt, chưa biết được có ai bị thương trong các vụ xô xát này hay không. Một số người biểu tình lên án phe phản đối đã thuê mướn côn đồ để gây rối và bêu xấu phong trào đòi dân chủ - vốn đã huy động được hàng chục ngàn người xuống đường từ hôm Chủ nhật, gây xáo trộn các hoạt động trong thành phố.

Tại Vịnh Đồng La (Causeway Bay), thiên đường mua sắm và là địa điểm tập hợp thứ hai của phong trào dân chủ, đụng độ cũng xảy ra giữa khoảng 25 người biểu tình với chừng 50 người khác. Một người gào lên : « Đó không phải là dân chủ, người ta cần phải nuôi con ». Một số người qua đường vỗ tay khi các rào chắn được dỡ bỏ.

Còn tại khu vực có trụ sở các Bộ, những vụ xung đột lại diễn ra giữa người biểu tình với cảnh sát. Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh tố cáo tình hình « gần như hỗn loạn ». 

Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) hôm nay loan báo « không có cách nào khác là hủy bỏ việc tham gia đối thoại ». HKFS cho biết lý do là « Chính quyền và cảnh sát đã nhắm mắt làm ngơ khi bọn côn đồ hung bạo tấn công vào người biểu tình ôn hòa ».

« Cuộc cách mạng những chiếc dù » đã gây tiếng vang rộng rãi trên thế giới, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông đã được tổ chức tại nhiều quốc gia. Nhưng dưới áp lực mạnh mẽ của truyền thông và ngoại giao, Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ « không nên xen vào chuyện nội bộ » của mình, trong khi Liên hiệp châu Âu bày tỏ « sự quan ngại ». 

Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội, gần hai chục người bị bắt vì đã ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Nhân dân Nhật báo cao giọng cảnh cáo là các đòi hỏi của phong trào dân chủ « vừa không hợp pháp vừa bất hợp lý », các cuộc biểu tình « đi ngược lại các nguyên tắc luật pháp và sẽ thất bại », Bắc Kinh sẽ không có nhượng bộ nào.
Thụy My
(RFI)

Bích Ngà - 'Nếu Joshua Wong ở Việt Nam...'


Nhà vận động dân chủ Joshua Wong (Hoàng Chi Phong - giữa) năm nay 17 tuổi

Mấy ngày này ngoài công việc, có bao nhiêu thời gian rảnh thì tôi lại vào mạng và chăm chú hướng về Hong Kong, nơi có các bạn trẻ đang tranh đấu đòi dân chủ cho quê hương mình.
Qua các bài báo, thông tin, hình ảnh và qua xem trực tiếp trên link YouTube có thể thấy các bạn trẻ Hong Kong rất có ý thức tổ chức và hành động rất nhịp nhàng. Mỗi một bạn trẻ là một thủ lĩnh tiềm năng và sẳn sàng đứng lên thay thế nên chiêu "bắt nhốt, cô lập những người đứng đầu" của chính quyền đã không thể dập tắt được các cuộc biểu tình diễn ra.

Các bạn trẻ không đập phá, đốt xe cảnh sát, không chửi bới nhục mạ khiêu khích cảnh sát, không đập phá hôi của. Các bạn thu gom rác, giữ sạch sẽ nơi công cộng. Các bạn nhanh nhạy cập nhật thông tin lên internet và dùng nước mắt cùng lòng kiên định của mình để đối phó với dùi cui và hơi cay.

Và các bạn đã cho chính quyền, người dân và cả thế giới thấy việc các bạn đang làm là đúng đắn. Các bạn kêu gọi sự ủng hộ của mọi giới, mọi nước từ chính hành động của mình.

Người dân Hong Kong ủng hộ các bạn, cha mẹ các bạn ủng hộ các bạn và tất cả đã làm nên một sức mạnh to lớn. Vì sao các bạn làm được những điều ấy?

Vì các bạn có một môi trường phát triển tốt, các bạn được nuôi dạy để trở thành những công dân xã hội đầy trách nhiệm và nhân bản.
Ngậm ngùi cho Việt Nam

Ngưỡng mộ cùng khâm phục các bạn trẻ Hong Kong, nhìn lại đất nước mình, thế hệ trẻ ở đất nước mình mà không khỏi ngậm ngùi. Đất nước này không hề thiếu những thanh niên nhiệt huyết như Joshua Wong. Đã có những bạn trẻ phải vào tù vì hành động yêu nước, đòi dân chủ cho quê hương.

Những cuộc biểu tình, xuống đường của các nhóm xã hội dân sự khởi xướng thường không thu hút được nhiều người tham gia.

Những người tham gia biểu tình dễ dàng bị đàn áp, bắt bớ, đánh đập và các cuộc biểu tình nhanh chóng bị phá vỡ. Lần hồi chìm ngấm.

Khi có các cuộc biểu tình lớn nổ ra thì lại xảy ra tình trạng đập phá, hôi của, đốt phá quá tàn tệ. Người dân không tham gia hưởng ứng và không ủng hộ biểu tình dưới mọi hình thức.

Biểu tình lớn ở Việt Nam nổ ra với cảnh đập phá, hôi của

Và cũng chính người dân xuống đường biểu tình dưới hình thức xin-cho khi và chỉ khi quyền lợi chén cơm manh áo sát sườn bị đụng đến. Các nhà hoạt động xã hội dân sự cô đơn, chia rẻ và không tập hợp được lực lượng. Bên cạnh đó họ còn phải chịu đựng áp lực từ gia đình, người thân, bạn bè và có nguy cơ tù đày bất cứ lúc nào.

Tôi tự hỏi, nếu Joshua Wong ở Việt nam, bạn làm được gì? Có thể bạn sẽ bị bắt, bị nhốt ngay khi bạn vừa có ý đồ thành lập nhóm. Hoặc giả ba mẹ bạn sẽ chửi mắng bạn và quyết liệt ngăn cản bạn bằng mọi biện pháp và họ biện minh đó là vì họ "yêu" bạn. Họ không cho bạn sống với ước mơ của mình, họ không để bạn tự do làm điều bạn muốn và khi bạn tham gia hoạt động xã hội... họ sẽ chửi bạn là thằng con ngu dại.

Bạn bè của bạn sẽ xa lánh bạn, bạn không thể tập hợp được những bạn bè cùng chí hướng để lập kế hoạch cho bất cứ việc gì ngoại trừ chơi. Nhà trường sẽ tạo áp lực buộc bạn phải đi theo lề và nếu bạn bất tuân họ sẽ ném bạn ra khỏi cổng trường ra ngoài xã hội-cái xã hội nơi chỉ biết có tiền và thân thế. Bạn sẽ thất nghiệp, vật vờ và ý chí bị bẻ gẫy.

Gia đình bạn sẽ gào lên và cho rằng thật nhục nhã khi có một thằng con như bạn! Bạn sẽ cô đơn vô cùng vô tận trong một xã hội mà ở đó người ta chỉ biết nghĩ và sống cho mình, không có mấy người làm tròn trách nhiệm một công dân xã hội.

Những ngày này, tôi thấy rất nhiều sự so sánh giới trẻ Hong Kong và giới trẻ Việt Nam.

Càng ngưỡng mộ giới trẻ Hong Kong bao nhiêu thì người ta lại càng ngậm ngùi và không ít trách mắng giới trẻ Việt Nam bấy nhiêu.

Tuy nhiên, khi ngồi nhìn lại mọi sự, tôi thấy thông cảm hơn là trách giới trẻ Việt Nam. Người tôi muốn trách là các bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam.

Các vị đã làm hỏng chính đất nước này khi đi theo một con đường mà chính các vị cũng tù mù không biết nó dắt dân tộc về đâu. Cứ coi như là lúc đó các vị không biết và tin tưởng vào lý tưởng của các vị đi nhưng trải qua mấy chục năm càng ngày càng thụt lùi, càng ngày càng xuống cấp về mọi mặt mà các vị vẫn im lặng và mặc nhiên chấp nhận thì trách nhiệm của các vị với xã hội nằm ở đâu?

Bên cạnh đó các vị lại góp sức cùng với hệ thống giáo dục nhồi sọ, tuyên truyền hoang đường bằng thói gia trưởng, áp đặt theo hủ tục hoặc bảo bọc quá đáng làm hỏng hết thế hệ trẻ này đến thế hệ trẻ khác.
Cha mẹ câm lặng và sợ hãi

Gia đình là tế bào của xã hội. Những bậc làm cha mẹ là tấm gương cho con cái nhưng các vị luôn sợ hãi và câm lặng, bàng quan trước bất công sai trái thì những đứa trẻ trong gia đình lớn lên cũng sẽ như thế.

Chính quyền độc tài tuyên truyền nhồi sọ và triệt tiêu tư duy, cho ra những sản phẩm cúi đầu tuân phục và các bậc cha mẹ luôn nhiệt tình hưởng ứng đầu độc, giết hại tâm hồn con trẻ từ khi nó mới sinh ra.

Mùa thi: phụ huynh học sinh Việt Nam phá cổng tràn vào trường

Tôi nói như thế có quá nặng nề không? Xin thưa không. Hãy nhìn lại chính mình từ những điều nhỏ nhất. Đã có bao giờ các vị ngăn cản con mình tự do leo trèo, tự do chơi bẩn, tự do cắt dán, vẽ viết thay vì hướng dẫn chúng chơi đúng cách?
Đã có bao giờ các vị cấm đoán hoặc tước bỏ quyền được thử nghiệm các trò chơi cảm giác mạnh của bọn trẻ mà các vị cho là nguy hiểm thay vì dạy cho chúng cách an toàn. Thấy hồ nước các vị cấm trẻ lại gần thay vì dạy chúng biết bơi.

Thấy bạn của chúng "hư hỏng" (theo nhận định của các vị) thì các vị cấm con mình chơi cùng thay vì các vị dạy con mình nên tìm hiểu và giúp con mình quan tâm giúp đỡ bạn... Ví dụ nhiều vô cùng, kể sao cho xiết. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia với một cái khuôn quái gở ra đời, tồn tại, tiếp nối.

Hi vọng gì? Các vị kêu gào Việt Nam tụt hậu, không sản xuất nổi cái đinh gỉ nhưng cũng chính các vị sẳn sàng đánh đập bầm dập một đứa trẻ nếu nó tháo cái radio của các vị ra "nghiên cứu".

Chờ mong gì? Chính các vị đã giết chết sự sáng tạo, tìm tòi học hỏi của con trẻ và nhồi cho nó những điều không tưởng hoặc thói yêu-thương-có-điều-kiện.

Một xã hội có thay đổi hay không, có phát triển hay không là nhờ vào những con người trong xã hội đó. Giới trẻ Việt Nam ngày nay là sản phẩm tất yếu của cái xã hội nơi mà mọi giá trị văn minh, văn hóa, đạo đức bị bào mòn và mất dần. Chúng không thể phát triển bình thường và trở thành công dân xã hội trong một môi trường bị đầu độc từ nhà cho đến trường và xã hội như thế.

Chúng ta muốn thay đổi, chúng ta muốn được hưởng phồn vinh, tự do dân chủ, yên bình nhưng chúng ta không chấp nhận hi sinh, đánh đổi trả giá thì mãi mãi chúng ta chỉ là những con cừu trong một đất nước ngày càng lùi dần về mông muội.
Thay đổi thể chế, thay đổi giáo dục để xây dựng lại mọi thứ, đào tạo lại con người? Vâng, điều đó lại cũng cần đến sự chấp nhận hi sinh, thay da đổi thịt-một quá trình đau đớn-mà không phải ai cũng sẳn sàng.

Khi nào có được đám đông ý thức được trách nhiệm của chính mình đối với xã hội thì lúc đó chúng ta mới có thể làm nên cuộc đổi thay. Hãy vứt bỏ những tự hào ảo tưởng và nhìn lại chính mình.

Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, thay đổi tư duy chính mình và người khác từ gia đình ra xã hội.

Cùng nhau trao đổi vấn đề và tìm giải pháp là bạn đang thực hiện trách nhiệm công dân của mình.

Tri thức không tự dưng mà có, dân chủ, tự do, văn minh và phát triển không từ trên trời rơi xuống nếu chúng ta không đứng lên giành lấy và thực hiện quyền cũng như trách nhiệm của mình.
Bích Ngà
Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân, thể hiện quan điểm riêng của tác giả Bích Ngà, hiện sống tại Hà Nội.
(BBC)

“Con đường làng” tư pháp và cỗ xe kinh tế ì ạch

Con đường hội nhập hiện đại của nước Việt đang rất gần. Một quốc gia phát triển vững chắc, lành mạnh, không thể có một “con đường làng” tư pháp, trên đó, cỗ xe kinh tế chạy ì ạch, loạng quạng bởi tư duy kinh tế luẩn quẩn vẻ đẹp của… lá diêu bông.
I-Trong tuần, những ai quan tâm đến thân phận con người không thể không chú ý đến sự tranh luận ồn ào về một cái quyền con người- “quyền im lặng” trong hoạt động tố tụng hình sự. Hay còn gọi là quyền Miranda.
Quyền im lặng, thực chất là quyền của những bị can, nghi can bị cơ quan chức năng bắt, trước những thẩm vấn của điều tra viên, cho đến khi họ mời được luật sư.
Miranda là tên một bị cáo ở Mỹ, từng bị kết án, giờ đã trở về với cát bụi, hẳn không thể ngờ tới tên của mình lại bước vào lịch sử tư pháp Mỹ, trở thành khái niệm trong hoạt động tư pháp, xuất phát từ một vụ án mà anh ta bị bắt năm 1963. Do thiếu hiểu biết, do tâm lý hoang mang, và không được thông báo về các quyền của mình, lời thú tội trong tâm lý bị kích động, hoảng hốt đã trở thành bằng chứng kết tội anh ta.
Nhưng quyền im lặng, mà hai luật sư John Flynn và John Frank, đưa ra đã chỉ rõ trước Tòa án tối cao bang Arizona rằng, vấn đề là các quyền của bị can Miranda phải được cảnh báo vào lúc nào. Cuối cùng, phán quyết của TATC Mỹ lật ngược bản án của TATC bang Arizona, rằng Miranda đã bị đe dọa trong khi thẩm vấn. Tòa án Tối cao Mỹ đã hủy bản án trước đó (Người đưa tin, 04/6/2013).
Vụ việc xảy ra đã hơn nửa thế kỷ, giờ đây, quyền Miranda- quyền im lặng đã là quyền được ghi nhận trong hoạt động tố tụng hình sự ở nhiều nước trên thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á. Nó cho thấy quyền con người cần được tôn trọng cả khi con người bị bắt, là bị can, nghi can, nhưng chưa bị chính thức kết tội. Đến mức, nếu quyền này không được tôn trọng, bản án sẽ bị hủy bỏ vì không có giá trị.
Dù vậy, ở nước Việt, quyền im lặng đến nay vẫn im lặng là… vàng trong hoạt động TTHS. Còn mới đây, khi được đưa ra công khai bàn thảo, nó đủ sức gây ồn ào trong những tranh luận nhiều chiều, với những nghi ngại nhân danh của các cơ quan chức năng. Đủ hiểu, những vấn đề về quyền con người trong một xã hội phương đông chậm phát triển, luôn nhạy cảm, đặc biệt trong hoạt động tư pháp, lĩnh vực điều tra, truy tố, và xử lý pháp luật.
Thật ra trước đó, năm 2013, quyền im lặng đã được công luận quan tâm. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, (ngày 14/11/2013), bà Lê Thị Thu Ba (Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương) cho rằng: TTHS của chúng ta cũng phải tiến tới khi có đủ điều kiện, quy định về quyền được giữ im lặng của bị can, bị cáo một cách phù hợp.
Còn theo LS Trần Hồng Phong: “Quyền im lặng” thực chất là việc triển khai và cụ thể hóa quyền bào chữa của bị can, bị cáo, vốn đã được pháp luật quy định từ lâu. Nếu được áp dụng chắc chắn sẽ góp phần chuyển biến đột biến, hạn chế cơ bản tình trạng nhục hình, ép cung, bức cung, bảo đảm việc điều tra, truy tố và xét xử thật sự khách quan, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, thế nào là "đủ điều kiện một cách phù hợp" như bà Lê Thị Thu Ba đã nói, thì không ai định nghĩa được rõ ràng.
Cũng tháng 11/2013, vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn vỡ lở, chấn động cả xã hội. Nó cho thấy tất cả những non kém, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí vi phạm luật TTHS trong công tác điều tra, xét xử của tòa án các cấp ở Bắc Giang. Nỗi đau, nước mắt của người tù oan Nguyễn Thanh Chấn khiến cả xã hội phải “khóc” cho số phận bi đát một con người, vì những kém cỏi tệ hại của một số người trong ngành tư pháp.
Ấn tương trong tuần, con đường tư pháp, cỗ xe kinh tế, ì ạch, Kỳ Duyên, lá diêu bông, ảo tưởng
Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn vỡ lở, chấn động cả xã hội

Nhưng người viết bài không muốn đặt một câu hỏi: Nếu ông Nguyễn Thanh Chấn được sử dụng quyền im lặng, được có luật sư đại diện cho lợi ích của mình, thì việc án oan có xảy ra không?
Bởi cho đến thời điểm này, những quan điểm, ý kiến bảo vệ cho việc “chống lại” quyền im lặng không phải… hiếm.
Tỷ như, có vị của ngành chức năng cho rằng, quyền im lặng không phù hợp với thực tiễn văn hóa nước Việt. Đa phần người bị tình nghi khi bị bắt đều kêu oan, chứ không im lặng. Và việc khẩn trương lấy lời khai của người bị bắt sẽ giúp công tác phá án được nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội.
Hoặc như một vị kiểm sát viên của ngành kiểm sát kêu, áp dụng quyền im lặng ở nước ta hiện nay rất khó.
Nói như vậy, các vị quên mất rằng, tiếng kêu oan đó là phản xạ bản năng của con người thấp cổ bé họng trong một xã hội chưa thật sự… pháp quyền, trước cách hành xử của tư pháp, từ công tác điều tra còn rất thiếu chuyên nghiệp. Mặt khác, nếu cứ ngụy biện không chấp nhận quyền im lặng, để “giúp cho công tác phá án nhanh chóng, tránh nguy hiểm cho xã hội”, thì hẳn ở các quốc gia văn minh áp dụng quyền này, xã hội của họ phải … nguy hiểm vô cùng?
Hay đó thực chất chỉ là sự ngụy biện của thứ tư duy độc quyền, độc đoán, dễ dẫn đến sự truy xét, truy bức, nhục hình, mà vụ việc người tù oan Nguyễn Thanh Chấn là một minh họa đau xót. Ngành tư pháp không thể vì thấy khó mà tước cái “quyền” cuối cùng của con người, khi họ chưa bị pháp luật xét xử.
Đến như Tạp chí Đảng CS đã phải giật cái title: Quyền im lặng đang “lặng im”
Đã đến lúc “quyền im lặng” ở nước Việt cần… cất tiếng nói. Vì sao?
Bởi xuất phát từ hoàn cảnh đặc biệt, các nghi can, bị can khi bị bắt và bị thẩm vấn, hầu hết đều thiếu hiểu biết về pháp luật, tâm lý thụ động, hoảng hốt khi phải đối mặt với các điều tra viên dày dạn, họ dễ rơi vào “chiếc bẫy” đang giăng ra. Thậm chí, ngay cả ĐTV non kém, vô trách nhiệm cũng có thể “dựng” nên vụ án như các ĐTV trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
Khi đó, các bị can như Nguyễn Thanh Chấn chỉ biết kêu oan, mà không sao… im lặng, đúng như lời của một vị thuộc cơ quan chức năng đã nhận xét. Việc thực hiện “quyền im lặng”, nói như LS Trần Hồng Phong, chắc chắn sẽ góp phần hạn chế cơ bản tình trạng nhục hình, ép cung, bức cung.
Một đặc điểm của tư pháp nước Việt hiện nay, do chất lượng từ nguồn đào tạo, do những tiêu cực xã hội tác động mà chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp làm công tác điều tra, thẩm vấn còn rất bất cập. Chưa kể do những động cơ mờ ám, không ít cán bộ tư pháp còn cố tình ngăn chặn, làm khó dễ sự xuất hiện của các luật sư đại diện cho các bị can, nghi can. Câu chuyện “mặc cả” ở trụ sở TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) gạt bỏ vai trò luật sư, là một ví dụ cụ thể.
Mặt khác, nước Việt từ năm 2013 đã chính thức tham gia Công ước chống tra tấn, và ngày 12-11-2013 được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Sự kiện đáng nhớ đó cho thấy Nhà nước VN công khai cam kết nâng cao quyền con người. Trong đó, có “quyền im lặng” của bị can, nghi can. Việc thực hiện “quyền im lặng” cũng chính là …ký kết đi đôi với việc làm.
Một điểm đáng chú ý, ngày 23-9 mới đây, tại cuộc thảo luận của UBTVQH về dự án Luật tổ chức Tòa án (sửa đổi), Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình vẫn cho rằng, cơ quan điều tra không muốn sửa luật theo hướng quy định quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ. Vì theo ông, hiện nay tòa án đang thiết kế theo mô hình thẩm vấn là chính chứ không phải mô hình tranh tụng như nhiều nước khác.
Ý kiến này ngay lập tức bị Chủ tịch QH phản bác: Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn. Ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định vào dự thảo luật, khẳng định quyền của bị can, bị cáo, quyền của luật sư, đảm bảo tranh tụng bình đẳng tại tòa. Nếu các đồng chí không viết như vậy là vi hiến (Tuổi trẻ, ngày 24/9)
Đối thoại đó cho thấy, đến ngay Viện KSNDTC mà khi bàn về quyền im lặng cũng chỉ căn cứ vào cái sự “muốn hay không muốn” của cơ quan điều tra. Đủ hiểu tư duy ban phát xin- cho của ngành chức năng còn…. rất khỏe.
Chợt nhớ tại một ngã tư HN, một anh xe thồ cứ nghênh ngang dắt bộ chiếc xe đạp thồ kềnh càng dưới lòng đường tấp nập ô tô, xe máy, làm nghẽn đường, khiến một cảnh sát giao thông phải gọi loa nhắc nhở: Đây không phải là cái đường làng của nhà anh!
Chả lẽ hoạt động tư pháp cũng muốn như anh xe đạp thồ nọ, coi con đường phát triển của nước Việt chỉ là … đường làng của riêng mình?
                                                *************************
II- Còn với cộng đồng xã hội VN, đang có một quyền “không thể im lặng”- đó là quyền phát triển, thì có vẻ như quyền này cũng đang… “im lặng” nốt, mà Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản", vừa tổ chức ở Ninh Bình mới đây, đã phản chiếu phần nào.
Trước đó nửa năm, nhiều ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 diễn ra ở Quảng Ninh cho rằng nền kinh tế vẫn còn trì trệ, có hồi phục cũng mỏng manh. Nửa năm sau, những đánh giá về kinh tế nước Việt có vẻ vẫn giữ nguyên “giá trị”, đặc biệt ở ba chân kiềng trụ cột của tái cơ cấu. Đó là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng.  Mặc dù trước đó hai năm, tháng 4/2012, Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân đã từng sôi động bởi hy vọng những “chồi biếc phát triển” nảy mầm, thông qua chủ đề “Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.
Cỗ xe kinh tế nước Việt vẫn ở trạng thái ì ạch kỳ lạ. Vì sao?
Tại diễn đàn, cuộc phẫu thuật kinh tế đã diễn ra dưới những đường mổ xẻ của các tay “dao, kéo”- các chuyên gia kinh tế với các cách nhìn khác nhau.
Ở góc độ Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế VN, ông Trần Đình Thiên cho rằng tái cơ cấu có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ, trong đó nguyên nhân chính là không tuân thủ nguyên tắc thị trường. Sự không tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, thể hiện rất rõ ở việc Nhà nước vẫn dành đặc quyền lớn cho một khu vực- DNNN- cộng với ham muốn kiểm soát giá cả đã làm thị trường méo mó.
Cách tiếp cận đó dẫn đến cơ cấu đầu tư sai, cơ cấu ngành sai, hệ lụy mô hình tăng trưởng bị lệch. Tái cơ cấu DNNN không nên chỉ đặt trọng tâm là cổ phần hóa, mà cần đặt nó trong môi trường cạnh tranh. Vì quy luật của kinh tế thị trường là cạnh tranh và lợi nhuận.
Ấn tương trong tuần, con đường tư pháp, cỗ xe kinh tế, ì ạch, Kỳ Duyên, lá diêu bông, ảo tưởng
Vấn đề tái cơ cấu DNNN vẫn ì ạch. Ảnh minh họa

Mặt khác, định hướng XHCN trong cơ chế thị trường chưa rõ, cơ chế xin- cho vẫn được duy trì và can thiệp bằng hành chính vẫn được ưa thích. Đặc biệt là bộ máy vẫn duy trì cơ chế trách nhiệm tập thể, trong khi kinh tế thị trường là cơ chế trách nhiệm cá nhân.
Còn ở góc độ quản lý vĩ mô, từng tham gia những cuộc đàm phán hiệp định thương mại quốc tế, cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhận định kinh tế VN đã đến đáy năm 2013 và đang vật vã đi lên, lại rất đồng cảm với ý kiến của Ts Trần Đình Thiên, khi ông băn khoăn, về việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, với những khái niệm “nhạy cảm”: Tôi cảm thấy hiện nay chúng ta sợ cái từ “xã hội dân sự” giống như sợ cái từ “kinh tế thị trường” thời trước đổimới, đó là điều rất vô lý. (VnEconomy, ngày 3-0/9)
Nhưng một sự định vị khác có ý nghĩa quyết đinh tới nền quản trị quốc gia, đó là điều mà Ts Trần Đình Thiên đã phải đặt ra trong diễn đàn- kinh tế thị trường định hướng XHCN. Còn cách đây ít lâu, Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn hơn: Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm.
Chừng nào tư duy nước Việt chưa “giải mã” được mô hình này, chừng đó nước Việt còn rất khó phát triển. Bởi vận mệnh, kinh tế một đất nước nằm trong tay người Việt, đòi hỏi tư duy nước Việt phải rõ ràng, minh bạch, trên nền tảng lý luận vững chãi, không thể cứ mãi đi tìm … lá diêu bông.
Một nhà thơ có thể lãng mạn. Nhưng một dân tộc không thể ảo tưởng!
Không chỉ có DNNN mới phải tái cơ cấu, mà theo TS Lê Đăng Doanh, những non yếu của khu vực kinh tế tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế, khu vực hiện tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội cũng cần phải tái cơ cấu, do đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, năm 2013 đã có hơn 200 nghìn DNTN phải tuyên bố phá sản.
Là một trong những tác giả của đề án tái cơ cấu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ cho rằng, trong thực tế, xã hội chưa áp dụng nguyên tắc cạnh tranh công bằng với các loại doanh nghiệp. Thậm chí Nhà nước còn sẵn sàng can thiệp dưới nhiều hình thức đi vay hộ, khoanh nợ, giảm lãi suất… “Lòng thương” kiểu này, làm méo mó nguyên tắc và quy luật cạnh tranh kinh tế thị trường, mặt khác, nảy nở không ít tệ nạn tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Tất cả, tạo nên một bức tranh kinh tế xám màu… trì trệ.
Rõ ràng kinh tế nước Việt phải có những dấn thân quyết đoán, sáng suốt và mạnh mẽ, với tư duy kinh tế minh bạch, sòng phẳng, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.
Con đường hội nhập hiện đại của nước Việt đã rất gần.
Một quốc gia phát triển vững chắc, lành mạnh, không thể có “con đường làng” tư pháp, trên đó, cỗ xe kinh tế chạy ì ạch, loạng quạng bởi tư duy kinh tế luẩn quẩn vẻ đẹp của … lá diêu bông.
Kỳ Duyên
(Tuần Việt Nam) 

Bí ẩn các lối ngầm vươn từ Triều Tiên sang Hàn Quốc

Cho đến bây giờ, Tướng Hahn Sung-Chu vẫn chưa tin rằng Triều Tiên có thể đào một đường hầm vươn tận tới Seoul.
Ngồi trong tầng hầm ở một tòa nhà chung cư giữa lòng thủ đô Seoul, vị cựu tướng 2 sao của quân đội Hàn Quốc này nói với phóng viên CNN: "Đây là một kiểu xâm lược. Binh lính Triều Tiên đang làm việc bên dưới chúng tôi".

Triều Tiên, Hàn Quốc, đường hầm
Đến nay, Hàn Quốc đã phát hiện ít nhất 4 đường hầm kiểu này và mở cửa 2 trong số đó cho du khách tham quan.

Hahn cho biết, cư dân đã than phiền về hiện tượng rung chuyển dưới lòng đất dù không có tàu điện ngầm nào chạy bên dưới nơi họ ở. Ông nói rằng, những người dò mạch nước đã phát hiện 3 đường hầm rộng 4-5m ở độ sâu 12m.
Nhóm của ông đã khoan hai lỗ để hạ máy quay xuống nhưng trước khi họ làm được điều đó, họ phát hiện hai vụ nổ dưới lòng đất và chiếc lỗ họ khoan bị chặn lại. Hahn tin chắc binh sĩ Triều Tiên đang làm việc dưới lòng đất, bảo vệ đường hầm này.
Có tới 4 đường hầm từ Triều Tiên sang Hàn Quốc đã được phát hiện, song từ năm 1990 đến nay không còn đường hầm nào như thế nữa.
Theo CNN, kể từ năm 1990 đến nay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vẫn tiến hành tìm kiếm vì họ tin rằng có tổng cộng khoảng 20 đường hầm. Tuy nhiên, ngân sách hiện tại khá eo hẹp và những người đi tìm tin rằng đây chỉ là một nỗ lực làm lấy lệ.
Phía Triều Tiên tuyên bố những đường hầm đó không phải là để xâm lược, mà chúng là một phần của ngành công nghiệp khai mỏ.
Trong khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin có thể có thêm nhiều đường hầm được đào bên dưới Vùng Phi quân sự (DMZ). Họ cho rằng không đường nào có thể vươn tới tận Seoul. Họ cũng tin Bình Nhưỡng không thể đào được quá 10km từ DMZ do con sông Imjin ngăn cách. Ranh giới phía tây bắc Seoul cách DMZ 40km.
"Để đào một đường hầm hàng chục kilômét thì nó phải được làm chuẩn xác", theo phát ngôn viên Kim Min-Seok của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. "Có một lượng lớn nước ngầm ở Bán đảo Triều Tiên, vì vậy đất và nước phải được dời đi liên tục. Hàn Quốc và Mỹ luôn có những bức ảnh chụp từ vệ tinh, và chúng tôi không thấy có bằng chứng cho điều này".
Tuy nhiên, theo một cựu quan chức tình báo đào tẩu khỏi Triều Tiên, khái niệm này không quá xa vời như nhiều người nghĩ. Ông mô tả Triều Tiên "thường đưa đất đá đi trong đêm nên không bị Hàn Quốc và Mỹ phát hiện".
Người này còn nói, ông đã biết về việc đào hầm từ hồi còn sống ở Triều Tiên và hoạt động này lên tới đỉnh điểm vào những năm 1980. Ông tin rằng, Bình Nhưỡng vẫn bảo vệ những đường hầm mà họ đào được trong nhiều thập niên.
"Tôi được kể là đường hầm không nối trực tiếp tới phố xá ở Seoul bởi có nguy cơ bị phát hiện. Chúng vươn tới những đoạn cống nối tới các tổ chức liên quan".
Các tổ chức liên quan bị nhắm tới là Đại sứ quán Mỹ, khu dinh thự Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) và các tòa nhà chính quyền, nhân vật này cho biết thêm và giải thích rằng, trong trường hợp chiến tranh thì lính bộ binh Triều Tiên sẽ tràn vào đường hầm, mặc quân phục của người Mỹ và người Hàn Quốc. Sau đó, đường hầm sẽ bị cho nổ tung phía sau họ để không còn đường rút lui.
Trong những năm gần đây, nhiều người cho rằng không tồn tại những đường hầm như vậy. Tuy nhiên, những người dành thời gian và tiền bạc để tìm kiếm các đường hầm như Tướng Hahn cho rằng, Chính phủ Hàn Quốc không nên bỏ qua mối đe dọa mà họ tin là đang hiện hữu dưới chân mình.
Thanh Hảo
(VNN)

Quả báo “lạm phát đối tác chiến lược”: Đến người Mỹ cũng phải mỉa mai

Tuần trước, phản hồi trước dư luận về khả năng “cuối năm Mỹ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam”, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, khẳng định các cuộc đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam đang tiếp diễn, chưa có quyết định chung cuộc.

Song bình luận thật sự chua chát và đáng thất vọng hơn của Đô đốc Locklear là “việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh”.

Kết quả hơn 10 năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của quốc gia này đã chỉ được đúc rút thành lời mỉa mai không thèm che đậy của chính giới quốc tế.

Lạm phát!

Theo tổng kết của giới học giả về quan hệ quốc tế, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Trong số này, một số mối quan hệ như với Trung Quốc và LB Nga đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Ngoài ra, từ năm 2009, Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” với Australia.


Chưa dừng lại ở đó, trong chuyến thăm năm 2013 tới Pháp của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, phía Việt Nam cũng mong ngóng hai nước “sẽ sớm nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược”. Một số tin tức khác cho biết Việt Nam cũng có ý định tương tự với Mỹ và một vài quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng theo đánh giá của giới học giả quốc tế, mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm qua, nhưng cho tới lúc này dường như các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó.

Nếu nhìn vào danh sách các đối tác chiến lược mà Việt Nam đã thiết lập, có thể thấy có một số quốc gia mà tầm ảnh hưởng của họ đối với an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của Việt Nam chưa đạt đến mức quan trọng, chưa nói đến mức “quan trọng chiến lược”.

Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Tây Ban Nha. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nước này hết sức thiếu thuyết phục. Tây Ban Nha hầu như không có ảnh hưởng gì tới an ninh, quốc phòng của Việt Nam, vị thế quốc tế của Tây Ban Nha cũng hạn chế hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia khác và ít có khả năng giúp đỡ Việt Nam nâng cao vị thế của mình.

Quả báo!

Một học giả nhận định, việc xác lập các mối quan hệ đối tác chiến lược tràn lan có thể gây ra một số hệ quả tiêu cực chính như sau:

Thứ nhất, khi có quá nhiều các mối quan hệ đối tác chiến lược thì bản thân các mối quan hệ đó không còn thực sự là “chiến lược” nữa. Việc đưa ra khái niệm “đối tác chiến lược” như là một từ khóa quan trọng trong tư duy đối ngoại Việt Nam hiện nay cũng vì vậy mà không còn ý nghĩa.

Thứ hai, khi đánh đồng các mối quan hệ thực sự là “chiến lược” với các mối quan hệ dưới chuẩn sẽ khiến các quốc gia thực sự quan trọng đối với Việt Nam không còn mặn mà với ý tưởng trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam, hoặc nếu đã trở thành thì sẽ giảm hứng thú trong việc duy trì sự phát triển thường xuyên mối quan hệ đó bởi họ nhận ra rằng Việt Nam không thực sự coi trọng họ như họ từng nghĩ.

Thứ ba, khi có quá nhiều mối quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam sẽ bị phân tán nguồn lực và khó có thể tập trung đầu tư thúc đẩy những mối quan hệ thực sự quan trọng nhất đối với mình.

Thứ tư, việc không có một định hướng, chính sách rõ ràng cho việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược cho thấy điểm yếu trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam, gây ảnh hưởng tới định hướng đối ngoại lâu dài của đất nước.

Động cơ thỏa hiệp vô cùng tận về bạn bè rút cục sẽ chẳng mang lại một người bạn thực sự nào.

Cho tới lúc này, có thể không quá hồ đồ để sơ kết rằng Nhà nước Việt Nam còn chưa thật sự hiểu họ muốn gì trong phong trào thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đặc biệt nhất, đối tác chiến lược toàn diện tưởng như lớn lao và bền vững nhất với Trung Quốc lại đã bị đáp trả bằng hình ảnh Bắc thuộc Biển Đông của giàn khoan HD981, trong lúc hầu hết các “đối tác chiến lược” khác đều thờ ơ hoặc quay lưng với Hà Nội. 
   Viết Lê Quân
(Việt Nam Thời Báo)

'Dư địa quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều'

Tuyên bố gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN phản ánh mức độ quan hệ Việt - Mỹ diễn tiến tích cực. Nhưng việc dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ cho thấy ẩn ý hai bên cần đẩy mạnh giao lưu trao đổi, thúc đẩy sự tin tưởng, quan hệ lên một bước cao hơn.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao đánh giá những diễn biến tích cực trong quan hệ song phương Việt - Mỹ nhìn từ hàng loạt hoạt động trao đổi trên các lĩnh vực 
Mỹ, vũ khí, quốc phòng, DOC, Biển Đông, TPP
 Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Trần Việt Thái
"Quan hệ hai nước Việt - Mỹ thời gian qua có mấy điểm đáng chú ý, nhất là việc giao lưu và trao đổi đoàn diễn ra sôi động trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2015). Có thể nhắc đến gần đây nhất là đoàn thăm chính thức Mỹ của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và chuyến thăm chính thức Mỹ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa diễn ra ngày hôm qua. Phía Mỹ gần đây có một số đoàn thăm VN, đó là đoàn TNS John McCain, một số đoàn TNS khác, đoàn của chính quyền cũng như Quốc hội Mỹ.
Quan hệ Việt-Mỹ có tiến triển tích cực trên các lĩnh vực như quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư tăng khá nhanh. Về an ninh quốc phòng, hai bên đã thiết lập kênh đối thoại ngày càng thẳng thắn, cởi mở. Và như trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, phía Mỹ tuyên bố dỡ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho VN.
Tuyên bố này phản ánh mức độ quan hệ diễn tiến tích cực. Nhưng việc dỡ bỏ một phần chứ không phải toàn bộ cho thấy ẩn ý hai bên cần đẩy mạnh giao lưu trao đổi, thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ lên một bước cao hơn.
Quyết định mới nhất của phía Mỹ liên quan quan hệ song phương là dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN phản ánh sự tiến bộ trong quan hệ song phương giữa hai nước như ông đề cập. Theo quan sát của ông, liệu quyết định này có nằm trong một phần chiến lược xoay trục của Mỹ không?
Rõ ràng VN chiếm một vị trí chiến lược ở Đông Nam Á và châu Á-TBD. Kể từ 2009, Mỹ có bước chuyển cơ bản về chính sách đối với châu Á-TBD. Tôi nghĩ rằng, khi thúc đẩy quan hệ với VN, họ cũng tính toán trong tổng thể chiến lược của họ đối với khu vực.
Hai bên có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như trong vấn đề Biển Đông, quan điểm của Mỹ có nhiều điểm thuận lợi cho VN. Ví dụ như Mỹ ủng hộ việc sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Hoặc là trong lĩnh vực kinh tế thương mại thúc đẩy quan hệ với VN, một nền kinh tế nổi lên trong khu vực có lợi cho các DN Mỹ.
Nhân tố cân bằng quan trọng
2015 là một mốc quan trọng trong quan hệ song phương VN và Mỹ - kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Dư địa nào để hai nước có thể tiến tới những bước tiến tương tự như vừa đạt được không?
Tôi cho rằng, dư địa quan hệ giữa VN và Mỹ còn nhiều. Vừa qua hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện. Đây là một bước phát triển tích cực. Trước hết hai nước phải triển khai tốt thỏa thuận này, đi vào thực chất thỏa thuận làm sao biến quan hệ hữu nghị và hợp tác thành những dự án có lợi cho cả hai bên.
Mỹ, vũ khí, quốc phòng, DOC, Biển Đông, TPP
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Vietnam+

Như về kinh tế, thương mại, kể từ khi hai nước ký BTA, Mỹ trở thành thị trường lớn của VN. Trong công nghệ cao, khoa học công nghệ, giáo dục, các lĩnh vực khác của Mỹ đều có tiềm năng to lớn. Nếu VN biết tận dụng tốt những ưu thế này của Mỹ sẽ rất có lợi cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Mọi động thái của Mỹ ở khu vực này đều được các nước theo dõi kỹ và là một nhân tố cân bằng quan trọng.
Nếu VN khai thác được khía cạnh chiến lược này sẽ tạo thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của mình, trên cả ba mặt bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh, khai thác điều kiện thuận lợi phát triển, và phát huy ảnh hưởng vị thế của VN ra bên ngoài.
VN và Mỹ đang tiến tới hoàn tất thông qua TPP cho thấy sự tương thuộc kinh tế ngày càng lớn trong quan hệ song phương. Liệu đây có thể là tiền đề tin cậy, tạo thuận lợi cho xây dựng sự tin cậy lớn hơn trong quan hệ chính trị giữa hai nước?
Đúng vậy. Hiệp định thương mại song phương (BTA) đã đưa quan hệ song phương bước một bước tiến dài với mức tăng trưởng thương mại nhảy vọt. Nếu TPP được hoàn tất và thông qua sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cả hai nước. TPP sẽ tiếp tục góp phần củng cố cơ sở lợi ích chung về kinh tế thư\ơng mại mà hai nước đã có kể từ khi bình thường hóa quan hệ kinh tế thương mại ngày càng sâu sắc sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, đàm phán TPP đang có những khó khăn nhất định, nhất là từ phía Mỹ với bầu cử nội bộ sắp cận kề. Nếu trong năm nay không có đột phá nào, lùi lại sang năm tới tiến trình đàm phán sẽ càng khó khăn hơn do nội bộ Mỹ phải tập trung vào kỳ bầu cử sắp tới, có thể khiến quá trình đi đến hoàn tất TPP lùi lại một vài năm.
Việc Mỹ mời Nhật Bản tham gia đàm phán TPP ở giai đoạn quan trọng này cũng làm phức tạp thêm quá trình đàm phán. Nhưng tôi tin lãnh đạo các nước sẽ có những quyết định chính trị để không bỏ lỡ cơ hội.
Gần đây, Mỹ đưa ra ý tưởng "Đông kết" trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo quan sát của ông, đề xuất này phản ánh ý đồ của Mỹ như thế nào, quan điểm của VN ra sao?
Nếu nói ý đồ của Mỹ thì hơi nặng. Thực tế ý tưởng Đông kết được Mỹ coi là đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Nhìn kỹ lại bản chất của ý tưởng Đông kết này không khác lắm so với nội hàm điều 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Điều 5 quy định rõ các bên liên quan không được đưa người, vật liệu, mở rộng lấn chiếm các đá, đảo, các bãi ngầm không người ở ở Trường Sa, không làm phức thêm tình hình.
Nói cách khác, DOC là cam kết duy trì nguyên trạng, cam kết giải quyết tranh chấp thông qua giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Điểm tế nhị ở chỗ, ý tưởng Đông kết là của Mỹ. Một số nước cảm thấy không thoải mái với việc Mỹ can dự vào công việc của khu vực.
Trong khi đó, vừa qua trong các hội nghị của ASEAN, đề xuất của VN về việc thực thi nghiêm chỉnh, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, trong đó nhấn mạnh điều 5, thưc chất bao gồm nội hàm của ý tưởng mà Mỹ đưa ra. Đề xuất này được các nước ASEAN và cả TQ ủng hộ vì là cách tiếp cận mềm mỏng và hợp lý.
Xuân Linh 
(VNN)

Sharon Bernstein - Đại học thứ hai của Mỹ cắt quan hệ với Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Reuters) – Trong vòng một tuần lễ, một đại học lớn thứ hai của Mỹ tuyên bố sẽ cắt quan hệ với Viện Khổng Tử được Chính phủ Trung Quốc tài trợ, một cơ sở mà các nhà phê bình gọi là cánh tay tuyên truyền đội lốt văn hóa và giáo dục ngôn ngữ.
Đại học Pennsylvania State vào hôm thứ Tư thông báo sẽ chấm dứt mối quan hệ 5 năm với Viện Khổng Tử vào cuối năm nay, nêu ra những bất đồng quan điểm với cơ quan chính phủ của Trung Quốc hiện kiểm soát và tài trợ các viện này.
“Nhiều mục tiêu của chúng tôi không đi đôi với các mục tiêu của Văn phòng Hội đổng Trung văn Quốc tế, được mệnh danh là Hán ban, một cơ quan của chính phủ Trung Quốc tài trợ các Viện Khổng Tử khắp thế giới,” Susan Welch, Khoa trưởng Văn khoa tại Đại học Pennsylvania State, đã tuyên bố bằng email như thế.
Ngày 25 tháng Chín, Đại học Chicago cũng cắt quan hệ với Viện Khổng Tử, đồng thời cho biết rằng một quan chức cao cấp của Cơ quan Hán ban đã tuyên bố với một tờ báo Trung văn rằng cơ quan này sẽ thắng thế trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với đại học này.
Cả hai đại học nói trên đều không đưa ra chi tiết của các cuộc đàm phán, hay nội hàm của những vấn đề tranh chấp.
Tuy nhiên, các giáo sư tại Đại học Chicago cũng như Đại học Pennsylvania State đều than phiền rằng các viện Khổng Tử này quá gắn bó với Chính phủ Trung Quốc vốn coi chúng là các công cụ tuyên truyền thuộc “quyền lực mềm” có bổn phận rao giảng ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cho càng nhiều sinh viên trên thế giới càng tốt.
Những động thái này diễn ra trong lúc các cuộc biểu tình đang có lớn mạnh tại Hồng Kông, nơi các nhà hoạt động dân chủ đang chiếm các khu rộng lớn trong thành phố. Hồng Kông là một trục thương mại quốc tế đã nằm dưới sự kiểm soát của lục địa từ năm 1997, khi Trung Quốc lấy lại quyền cai trị trên cựu thuộc địa của Anh.
Hoa Kỳ có gần 500 viện Khổng Tử cung cấp ngân quĩ và đưa ra các chương trình [giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa] cho các đại học và các hệ thống trường công tại Mỹ. Ngoài ra, còn có thêm hàng trăm viện Khổng Tử khác trên toàn thế giới.
Các giáo sư và các nhà phê bình nói rằng họ lo sợ về chế độ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt liên quan đến các đề tài nhạy cảm như chế độ cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng và cuộc thảm sát sinh viên vận động dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, năm 1989.
Tại Canada tuần này, một số ủy viên trong Sở Giáo dục Thành phố Toronto cho biết rằng họ sẽ đưa ra đề nghị hủy bỏ việc triển khai một viện Khổng Tử đã được lên kế hoạch tại đây.
(Sharon Bernstein tường trình và Richard Chang biên tập)
S. B.
Trần Ngọc Cư dịch từ news.yahoo.com
Dịch giả gửi BVN.
(Bauxitevn)

Đặt cược 90 triệu USD và cái chết của vua cờ bạc người Việt

Sòng bạc Hoàng gia Melbourne-nơi mà khi còn sống, Peter Tấn Hoàng từng có những trận sát phạt quyết liệt khiến đối thủ phải "nể".



cờ-bạc, Peter-Tấn-Hoàng, sòng-bài, sòng-bạc, casino, đánh-bài
Một trong những di ảnh của Peter Tấn Hoàng.

Cảnh sát đang tìm bất kỳ nhân chứng nào trông thấy Peter Tấn Hoàng xuất hiện ở cửa hàng McDonald's trên góc đường sông Georges cắt đường Dunmore trước lúc 1 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) ngày hôm đó.

Peter Tấn Hoàng từng bị tòa án Australia xét xử về tội đánh bạc và trốn thuế


Năm 2012, Peter Tấn Hoàng từng bị bắt ở Sòng bạc Hoàng gia Melbourne mang theo 1,5 triệu USD tiền mặt, đối tượng này từng có tiền án, tiền sự và đang chờ xét xử tại tòa án Melbourne vào tháng 8 năm tới.

Đồng nghi can cùng bị xét xử với anh ta, Jenifer Nguyễn, một chủ tiểu sòng Mahogany thuộc sở hữu độc quyền của sòng bạc Hoàng gia khai nhận Peter Tấn Hoàng là một trong những "khách hàng cao cấp"

Tòa án cũng biết rõ thông tin Peter Hoàng thường xuyên rời sòng bạc với số lượng tiền mặt lớn, bao gồm cả một lần anh ta đánh vét túi 1 triệu USD tiền mặt sau đó thắng 13 triệu USD. Trong một dịp khác, "vua bạc" gốc Việt "ẵm" trọn "con gà" trị giá 2,3 triệu USD tiền mặt.

Tại một phiên tòa diễn ra vào hồi tháng 4 năm nay, Tòa sơ thẩm Melbourne xét xử Peter Tấn Hoàng để mất 8 triệu USD vào sòng bạc Hoàng gia trong 12 năm và làm lãng phí hơn 50 ngàn USD tiền trợ cấp chính phủ từ năm 2001-2007.

cờ-bạc, Peter-Tấn-Hoàng, sòng-bài, sòng-bạc, casino, đánh-bài
Sòng bạc Hoàng gia Melbourne-nơi mà khi còn sống, Peter Tấn Hoàng từng có những trận sát phạt quyết liệt khiến đối thủ phải "nể".

Tại phiên tòa, công tố viên Andrew Buckland tuyên bố trước tòa án Peter Tấn Hoàng đã cố tình không nộp tờ khai thuế trong khoảng 12 năm đồng thời khẳng định ngoài nguồn thu nhập chính từ cờ bạc, con nghiện "đỏ-đen" không còn nguồn thu nhập hợp pháp nào khác."

Luật sư của Peter Tấn Hoàng cho rằng thân chủ của họ không dính đến tội phạm

Luật sư David Grace, khẳng định nguồn tài chính mà khách hàng của ông được hình thành từ hoạt động đánh bạc chuyên nghiệp và giải thích trước tòa án rằng Peter Tấn Hoàng đã có nguồn thu cờ bạc trị giá 90 triệu trong 5 năm trước khi bị bắt.

Hôm thứ tư (10/9), trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Fairfax (Australia), Luật sư của Peter Tấn Hoàng - ông David Lashko khẳng định bên công tố đã không đưa ra được bất kỳ "bằng chứng chính xác" về thân chủ của ông có dính đến tội phạm hoặc có liên quan đến tội phạm có tổ chức.

“Chúng tôi đang điều tra lối sống của anh ta, tuy nhiên anh là một tay chơi bạc nổi tiếng dường như có cuộc sống sung túc. Hiện tại, chúng tôi chưa thể tìm ra bất kỳ người thân và có ai biết người đàn ông này hoặc biết diễn biến nào đó đã diễn ra vào sáng Chủ nhật xin làm ơn hỗ trợ" ông Nick Read chỉ huy trưởng đội Thanh tra Điều tra trả lời phỏng vấn báo chí Australia.

Tuy nhiên, thanh tra Read lưu ý rằng: "Chúng tôi chưa dám khẳng định trong thời điểm này về những gì mà nạn nhân đã làm ở địa phương, tuy nhiên có khả năng anh này (Hoàng) từng dính đến một số hoạt động tội phạm, chắn chắn sẽ là điểm mà chúng tôi phải điều tra kỹ. Chúng tôi đã nói chuyện với một số nhân chứng tại hiện trường, tất cả đều tích cực hợp tác. Hiện tại, chúng tôi đã cử các chuyên gia đạn đạo đến hiện trường và hi vọng rằng họ có thể gợi cho chúng tôi một số ý tưởng về loại vũ khí gây án."
(Theo CAND)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét