Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu

Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu

Trong thế kỷ 21, có những điều mà trong thế kỷ trước không ai nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi đến vậy. Giờ phút này, một công dân trẻ như tôi ngồi đây, viết những dòng chữ này thì đất nước Việt Nam, nơi tôi đang sống, làm tôi thất vọng về trình độ phát triển. Sáng nay tôi được đọc một bản nói rằng năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái Lan và tệ hơn, chỉ bằng 1/15 của người Singapore.
Singapore, một đất nước nhỏ bé về diện tích, đang ám ảnh những công dân Việt Nam ở thế kỷ 21 này. Những khu dân cư, những trung tâm thương mại, những thành phố mới được xây dựng… tất cả đều được “ăn theo” mô hình và kỹ thuật của Singapore. Nhưng tại sao lại là Singapore? Chẳng phải những mô hình, những kỹ thuật đó Singapore cũng đã học tập từ những quốc gia phương Tây tiên tiến hay sao? Tại sao từ một làng chài kém phát triển trên bán đảo Malay, Singapore đã phát triển thành một quốc gia đứng thứ 2 ở châu Á về mức sống? Câu trả lời có thể dẫn đến nhiều nguyên nhân, nhưng căn nguyên nhất vẫn là yếu tố con người.
Lý Quang Diệu, nhân vật đã thay đổi và biến làng chài nhỏ bị dịch bệnh triền miên trở thành đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu của châu Á. Singapore là nơi mà những kiến trúc hiện đại cùng chung sống với thiên nhiên chan hòa, nơi cả thế giới ngưỡng mộ về chuẩn mực môi trường xanh sạch, nơi có làn sóng di dân ngược từ châu Âu sang châu Á. Nhưng trong những ngày đầu lập nước vào thập niên 60 thế kỉ trước, Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore, đã từng nói “hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. Thật  đáng kinh ngạc khi có một thời chính nhà lãnh đạo của Singapore đã mơ tưởng và bị ám ảnh về sự phát triển của Sài Gòn.
Còn bây giờ thì sao? Sau hơn 30 năm, chính người Việt Nam đang thèm thuồng được như Singapore  ngày nay. Sau khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, chính Lý Quang Diệu, người từng có tuổi thơ sinh sống tại Biên Hòa, đã nắm ngay lấy cơ hội đó để biến thời cuộc thành lợi ích cho Singapore. Sau năm 1975, tất nhiên Mỹ và phương Tây đóng cửa với Việt Nam, mọi giao thương với châu Á đều dành cho đồng minh của họ. Singapore được Lý Quang Diệu phát triển thành cảng trung chuyển đường biển lớn nhất tại khu vực. Và đúng theo quy luật về thương mại - kinh tế, Singapore được thừa hưởng những đặc quyền của một cảng biển lớn, một cửa ngõ hướng vào Đông Nam Á và cả châu Á.
Lý Quang Diệu cho rằng, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của những nước phi Cộng sản ở châu Á. Rõ ràng là trước khi tuyên bố như thế, Lý Quang Diệu đã nhanh chóng nắm lấy cái “tiền đề quan trọng” đó để biến Singapore từ một quốc gia non trẻ kém phát triển thành một đất nước giàu có. Lý Quang Diệu nhận định rằng, sau khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, lập tức những đồng minh của Mỹ ở châu Á tranh thủ thời cơ để trở thành 4 con rồng châu Á, và sau này có thêm sự xuất hiện của 4 con hổ Đông Nam Á. Bốn con rồng được nói đến là Singapore, Nam Triều Tiên, Hong Kong và Đài Loan. Bốn con hổ là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Vậy Việt Nam đã biến đi đâu trong bản đồ khu vực? Và lý do gì Việt Nam lại tụt hậu một cách nhanh chóng như vậy?
Lý Quang Diệu từng nói rằng lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành người khổng lồ ở châu Á. Ông cho rằng, đất nước Singapore nhỏ bé với diện tích và dân số chỉ xấp xỉ Sài Gòn, hoàn toàn không có tài nguyên thiên nhiên, chỉ có một ít đất để xây dựng và ngay cả nước sinh hoạt cũng phải nhập từ nước bạn Malaysia, nhưng Singapore đã phát triển trở thành đất nước có GDP cao thứ hai ở châu Á chỉ sau Nhật Bản. Lại nói đến Nhật Bản, Lý Quang Diệu cũng chỉ ra những bất lợi của quốc gia này, đó là một quốc gia bại trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không giàu tài nguyên, quanh năm động đất và sóng thần,  nhưng chỉ vài  năm sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản là người khổng lồ châu Á. Lý Quang Diệu cho rằng, sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ. Trong đó, để có yếu tố thời cơ, thì yếu tố con người phải vững và nhanh nhạy. Lý Quang Diệu đánh giá rất cao điều kiện tự nhiên của Việt Nam, nhưng ông không đánh giá cao yếu tố con người trong sự phát triển chậm chạp này. Tôi hay đọc các bài viết trong nước ca ngợi sự thông minh, tính cần cù, chịu khó của người Việt. Xin lỗi, tôi không thấy được sự thông minh và cần cù đó. Xin nhắc lại, năng suất làm việc của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore, tức là một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam. Dân số Singapore là 5 triệu dân, dân số Việt Nam là hơn 90 triệu dân. Vậy tức là năng suất làm việc của 5 triệu dân Singapore chỉ mới bằng 75 triệu dân Việt Nam, thế nhưng GDP của Singapore là gần 300 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam là khoảng 170 tỷ USD. Đó chỉ là một so sánh chung chung, chưa tính đến dân số ở độ tuổi lao động của hai quốc gia. Một khi yếu tố con người đã yếu kém như thế thì yếu tố cơ hội cũng sẽ chẳng có nhiều.
Lý Quang Diệu tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng người tài, ông nói rằng người tài ở Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. Tôi đồng tình với quan điểm này của Lý Quang Diệu. Tôi thường nghe nói về cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và cũng thường xem các video thi hùng biện tiếng Anh của em. Báo chí và truyền thông Việt Nam cũng hay đề cập đến em, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một động thái nào của chính phủ Việt Nam dành cho Đỗ Nhật Nam. Phải chăng đối với chính phủ Việt Nam, cậu bé ấy không phải là nhân tài cần đầu tư và phát triển? Chưa kể là trong một lần phát biểu về truyện tranh, cậu bé ấy đã bị những người lớn Việt Nam công kích, chỉ vì em không thích đọc truyện tranh mà chỉ thích đọc sách khoa học. Thật trớ trêu. Đỗ Nhật Nam chỉ là một trường hợp thần đồng được báo chí ưu ái, nhưng cũng bị chính phủ thờ ơ. Vậy còn những thần đồng thầm lặng khác ở cái đất nước hơn 90 triệu dân này thì sẽ nhận được hỗ trợ gì từ chính phủ? Trong mọi sự phát triển, yếu tố con người luôn tối quan trọng. Thật đáng tiếc.
Nói thế nào đi chăng nữa, Lý Quang Diệu cũng chỉ là người ngoài, không phải người Việt Nam. Thế nhưng những nhận định khách quan của ông cũng đáng để suy ngẫm về sự phát triển của một quốc gia nhiều thuận lợi như Việt Nam. Tôi thường thấy Việt Nam rất tự hào về lực lượng lao động trẻ với giá nhân công rẻ của minh. Tôi cảm thấy đó là một điều đáng xấu hổ. Giá nhân công rẻ chẳng qua là do trình độ, tay nghề kém nên chẳng thể đòi hòi được trả công cao. Gần đây, quốc gia láng giềng với GDP thấp hơn Việt Nam là Campuchia cũng đã tự chế tạo được xe hơi. Ngược lại, khi hãng điện tử Samsung đưa ra danh sách những mặt hàng có thể đặt gia công với các doanh nghiệp Việt Nam thì mới vỡ lẽ là Việt Nam chưa thể sản xuất nổi cái sạc pin, usb và ngay cả vỏ nhựa cho điện thoại di động. Tất nhiên, Việt Nam đã đánh mất cơ hội gia công cho hãng này. Việt Nam còn sẽ đánh mất nhiều cơ hội như thế cả về quy mô và số lượng nếu cứ tiếp tục tự hào với những cái thuộc về quá khứ và không nhận thức được một cách thấu đáo và nghiêm túc rằng mình đang ở đâu trên bản đồ khu vực và thế giới. Lý Quang Diệu nói phải mất 20 năm nữa Việt Nam mới bằng Malaysia, vậy thì 20 năm nữa Malaysia sẽ phát triển ra sao và mãi mãi người Việt Nam sẽ bị ám ảnh bởi sự thua kém của mình hay sao?
Cao Huy Huân
(VOA)

Alan Phan - Tất Cả Đều Tuyệt Vời và Tuyệt Mật

Về thị trường chứng khoán: Hãy nói cho tôi nghe bí mật của bạn và tôi sẽ chia sẻ lời dối trá của tôi – Tell me your secrets and I’ll tell you my lies – Jeffree Star.
Nhu cầu khách hàng
tuyet voi

Trong một nghiên khảo năm 2008, tôi kết toán tất cả 89 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của nhóm quản lý quỹ đầu tư trong việc mua bán chứng khoán trên thị trường Trung Quốc (1). Những yếu tố thông thường gần như ứng dụng cho khắp toàn cầu cũng là những quan tâm chính yếu:
- tính thanh khoản của thị trường
- tầm cỡ của công ty và của quỹ
- mục tiêu chiến lược của quỹ
- chất lượng tăng trưởng vĩ mô và vi mô
- minh bạch và trung thực của quản lý và kế toán công ty
- giá mua vào, thuế và chi phí bảo quản
- thủ tục pháp lý khi exit và vấn đề hoán chuyển tiền tệ
- phân tích kỹ thuật (trending & herding) và nhận định thị trường của chuyên gia
- phân tích căn bản về sản phẩm, công nghệ, tài chánh và SWOT của công ty
Tóm lại, không kể những nhà đầu tư mạo hiểm, nhẩy vào thị trường để lướt sóng, đánh mau rút lẹ; các quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân lớn và nghiêm túc đều theo đuổi những quy luật thông dụng này khi mua bán chứng khoán.
Những lựa chọn
Trên thế giới có 427 sàn chứng khoán và 630,210 mã cổ phiếu để lựa chọn. Tổng số vốn hóa của tất cả cổ phiếu toàn cầu là 78 ngàn tỷ đô la, chưa tính đến trái phiếu. Vốn hóa của 2 sàn chứng khoán Việt Nam là 52 tỷ đô la tượng trưng cho 0.6% của mọi sân chơi. Với GDP khoảng 160 tỷ đô la (số liệu từ Bộ Tài Chánh, 6/2014), dòng tiền cho chứng khóan Việt Nam vẫn còn nhiều room để tăng trưởng.
Tuy nhiên, câu hỏi cho Việt Nam là chúng ta đáp ứng được bao nhiêu điều kiện trên của những nhà đầu tư có lựa chọn (nhà đầu tư trong nước nhiều khi không được tự do này). Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng là Thượng Đế và nguyên lý đầu tiên của chương trình tiếp thị là biết khách hàng muốn gì, cần gì và được thỏa mãn như thế nào. Nhìn lại các đòi hỏi căn bản nêu trên, chúng ta dễ dàng nhận biết những rào cản nào đang ngăn chận dòng tiền đầu tư chứng khoán  vào Việt Nam.
Yếu tố đặc thù của Trung Quốc
Ngoài những đòi hỏi căn bản nêu trên, các quản lý quỹ đầu tư thế giới còn lưu tâm đến 3 yếu tố đặc thù khác liên quan đến chứng khoán Trung Quốc:
1. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ:
Quan hệ này không những được cứu xét về mặt tài chánh, chính trị…mà còn về quân sự, xã hội. Khi sự cố Thiên An Môn xẩy ra, phần lớn những nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc vì Mỹ gần như đông lạnh mọi hoạt động tương quan với Trung Quốc. Không phải các nhà tư bản Mỹ lo lắng cho nhân quyền của dân Tàu, mà lo biến cố có thể leo thang, quan hệ xấu đi, gây hại cho túi tiền (như đang xẩy ra ở Ukraine). Vì Mỹ là đầu tàu của khối tư bản, quyết định của Mỹ gần như được sự đồng thuận của châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore…
Mặc cho những ồn ào về siêu cường mới (Trung Quốc) hay cũ (Nga), tư bản đỏ vẫn tùy thuộc rất nhiều vào bọn tư bản giẫy chết của thời chiến tranh lạnh.
2. Định hướng kinh tế và những cải cách:
Nội tình Trung Quốc luôn luôn có tranh chấp như Mỹ luôn có hai đảng tranh dành phần thắng. Đôi khi ngấm ngầm, đôi khi lộ liễu (như trận chiến giữa phe Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân hiện nay). Tuy chỉ vì quyền lực, với tài sản theo sau, nhưng phe nào cũng phải “tuyên giáo” chút đỉnh về chủ nghĩa hay chánh sách công (không khác gì Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ). Khi đã tuyên giáo thì phải có thay đổi về luật lệ, nhân sự…để giữ chút “lời hứa!!”.
Các nhà tư bản phương Tây rất bén nhậy về những định hướng thay đổi này và phải sẵn sàng điều chỉnh trương mục (portfolio) theo tình thế. Với áp lực từ tư bản Âu Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã minh bạch hơn với số liệu cũng như vấn nạn của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là thị trường tài chánh. Dù chưa đủ tự tin để thả nổi “nhân dân tệ”, Trung Quốc đã tháo mở rất nhiều rào cản và thông tin tài chánh để giữ chân dòng tiền đầu tư của thế giới.
3. Chỉ số tham nhũng:
Có 2 hệ quả trái ngược nhau từ chỉ số tham nhũng tại Trung Quốc. Sự gia tăng nạn “phong bì” sẽ tạo thêm chi phí sản xuất và tăng giá thành khiến hàng Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, tăng tham nhũng cũng là tăng lượng tiền đổ vào chứng khoán (hình thức rửa tiền khá thông dụng với quan chức) nên sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Tùy suy nghĩ và ý thích cá nhân, những quỹ đầu tư quốc tế luôn nhậy cảm với vấn đề này.
$$$$$$$
Quay lại Việt Nam, tôi tin rằng thanh khoản trên thị trường chứng khoán sẽ không cải thiện nhiều cho đến khi dòng tiền đầu tư “nghiêm túc” của quốc tế đổ vào Việt Nam. Muốn thực hiện điều này, chúng ta chỉ theo sát nhu cầu và đòi hỏi của khách hàng như tôi đã nêu ra trong các điều kiện căn bản và những lưu tâm đặc thù không khác nhiều với chứng khoán Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong mấy ngày vừa qua, báo chí có loan tin về một nghị quyết hay quy luật gì đó là các văn kiện, hồ sơ, thảo luận…của Ban Kinh Tế phải đóng dấu “tuyệt mật” “tối mật” (có lẽ gần như các bí mật quốc phòng) (2). Ngoài những thâm cung bí sử và số liệu mù mờ về các công ty đang chào bán trên sàn chứng khoán (nhất là vài DNNN), chánh phủ đang yêu cầu những nhà đầu tư nước ngoài hãy tin tưởng vào những “bí mật kinh tế” mà đất nước này chưa tiện nói ra.
Chúng ta cứ tưởng tượng một du khách đến một thành phố lạ được một cô gái dụ về phòng. “Em sẽ cho anh những giây phút tuyệt vời nhất trong đời, nhưng anh phải để em trói tay chân và bịt mắt anh lại trên giường này”. Tôi tin là một người dù ngu đến đâu cũng lo ôm quần mà chạy.
Alan Phan
----------------------
(1)   Hedge Funds & China’s Stock Market
(Blog Alan Phan)

Độc quyền sẽ tạo ra cửa quyền

Nhà nước thực tế chỉ cần điều chỉnh chính sách để thị trường phát triển lành mạnh, chứ không cần phải chỉ đạo giá cả.

LTS: Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông Mai Liêm Trực được coi là người tiên phong trong việc đưa mạng Internet vào Việt Nam, cũng là người đã quyết tâm xóa bỏ độc quyền, mở cửa ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) từ cách đây gần 20 năm. Bao năm qua, câu hỏi khiến ông suy tư nhiều nhất vẫn là tại sao BCVT làm được, mà các ngành độc quyền khác không làm được?

Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu câu chuyện của ông, trong  chuyên đề "Làm thế nào để phá  vỡ thế độc quyền, mở rộng đường cho kinh tế phát triển".

Nhiều ngành đang loay hoay

Để thực hiện việc xóa bỏ độc quyền trong ngành BCVT, chúng tôi đã phải trải qua không ít áp lực. Lúc đó  lợi thế của chúng tôi là Thủ tướng Võ Văn Kiệt- một người rất đổi mới, rất nhạy bén- đã nhận ra sự cần thiết phải mở cửa thị trường viễn thông. Chính ông là người đã bật đèn xanh cho quyết định này.

Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết thúc nhiệm kỳ, lúc đó Thủ tướng Phan Văn Khải lên, cũng là con người đổi mới. Nhưng không phải ai cũng ủng hộ quan điểm đó. Nhiều ý kiến thậm chí vẫn nói mở ra không quản được, mở ra là mất CNXH. Thậm chí ngay cả khi tôi đã cấp giấy phép mở cửa thị trường BCVT, có vị vẫn gọi điện xuống yêu cầu dừng lại.

Tôi hoàn toàn không lo việc mất chức, không lo làm mất lòng ông này ông kia. Thủ tướng Võ Văn kiệt từng nói: “Làm việc mà cứ nhìn xuống cái chân ghế của mình thì không làm được việc gì cả”. Tôi chỉ sợ mình không đủ sức để bảo vệ quyết định của mình nếu bị cản trở. Phải với rất nhiều cố gắng, với rất nhiều lần báo cáo, giải trình, tôi mới đưa được vấn đề mở cửa ngành BCVT vào chỉ thị 58 của Bộ CT.

Cái khó khăn thứ hai là khó khăn từ nội bộ. Những lúc  HĐQT của VNPT nói Tổng cục Bưu điện “ép” VNPT quá, yêu cầu tôi tổ chức cuộc họp về vấn đề này, tôi đã nói: “Không cần họp, các anh cứ báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng. Tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”. Mở cửa thị trường viễn thông đã tạo ra tác động xã hội vô cùng lớn: Giá cước giảm rất nhanh, điện thoại bàn, rồi điện thoại di động không còn là thứ xa xỉ với người VN.

Là một Tổng GĐ một doanh nghiệp độc quyền tự nhiên như VNPT, tôi hiểu những lợi thế và những khó khăn của một DN độc quyền, cũng như sự nhạy cảm khi mở cửa. Bởi không có bất cứ sự độc quyền nào là tốt cả. Vì cạnh tranh là động lực để phát triển xã hội. Tôi nhìn thấy những nguy cơ của độc quyền, đặc biệt là sự độc quyền của DNNN. Phải mở cửa dân mới được nhờ. Không mở cửa dân chỉ có thiệt. 
độc quyền, cửa quyền, điện, xăng dầu, VNPT

Chỉ một ví dụ thế này thôi, khi nghiên cứu về thị trường viễn thông các nước, tôi phát hiện ra: Các DN độc quyền tự nhiên bao giờ cũng tìm cách đẩy giá cước lên rất cao. Và bao giờ họ cũng tìm cách nói vống về chi phí làm công ích của mình. Có những nước phải cấp ngân sách rất cao cho các DN này làm công ích. Thế nhưng khi mở cửa thị trường mới vỡ lẽ rằng hóa ra chỉ cần 1/3 ngân sách cấp trước đó là đủ.

Ngành BCVT đã tiến hành mở cửa thị trường thành công từ nhiều năm trước, trong khi nhiều ngành độc quyền tự nhiên ở nước ta như điện lực, xăng dầu vẫn còn khá loay hoay.

Theo dõi các ngành độc quyền như xăng dầu, điện lực, tôi cảm thấy rõ ràng họ có sự lúng túng. Chỉ như chuyện giá cả xăng dầu thôi: Chúng ta muốn giá phải do cơ chế thị trường quy định, nhưng anh không tạo ra thị trường cạnh tranh thị trường thực sự thì sao có thể để giá cả thả nổi được?

Việc đáng làm thì không làm?

Khi VNPT còn độc quyền, Tổng cục Bưu điện phải quản lý giá cước từng cuộc gọi và phải ép giảm giá liên tục.

Ép đến mức VNPT đã từng viết thư lên Thủ tướng “tố”, nói rằng việc tôi làm đã giảm thu ngân sách nhà nước. Lúc internet mới mở cửa, người ta đề nghị giá cước 1000 đồng/ 1 phút, nhưng ban lãnh đạo chỉ cho phép 400 đồng/ phút. Khi chưa có thị trường thực sự, chúng tôi buộc phải làm thế. Còn khi đã có thị trường rồi, tự thị trường sẽ điều tiết mọi thứ.

Khi  mở cửa thị trường viễn thông, chúng tôi không bao giờ lường được cước viễn thông sẽ giảm thế này, chi phí công ích cũng sẽ giảm thế kia. Xưa kia chúng ta quản lý thị trường gạo. Chúng ta ngăn sông cấm chợ, tư nhân mang gạo từ tỉnh này đến tỉnh kia là bị bắt.

Chúng ta quản lý giá cả vì sợ thị trường bị hỗn loạn, nhưng cuối cùng thị trường gạo đâu có thế.  Đó là do thị trường tự điều chỉnh, chúng ta không dự đoán hết được. Nhà nước thực tế chỉ cần điều chỉnh chính sách để thị trường phát triển lành mạnh, chứ không cần phải chỉ đạo giá cả.

Đón đọc bài 3:

Có nhiều người, đặc biệt đứng đầu các bộ, ngành độc quyền luôn miệng nói rằng thị trường viễn thông, xăng dầu, điện lực… là những lĩnh vực nhạy cảm, nên cần có thời gian để xóa bỏ độc quyền. Chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa 20 năm nay rồi mà mọi việc vẫn bộn bề. Và nếu nói là nhạy cảm, thì còn gì nhạy cảm hơn thị trường gạo? Nhưng sự thật thị trường gạo đã tự vận hành rất tốt đó thôi.

Tô Lan Hương (ghi)
(Tuần Việt Nam)

Việt Nam tìm kiếm bản sắc mới: Bạn bè toàn cầu

Doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm các thị trường mới.
Doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng tìm kiếm các thị trường mới.
Mua một chai nước hay một thỏi son ở Việt Nam là có phần chắc sản phẩm này được đóng gói bởi Duy Tân, một công ty cung cấp nhựa dẻo cho các doanh nghiệp. Ông Đinh Đại Kỳ, đại diện doanh nghiệp thuộc bộ phận xuất khẩu của công ty Duy Tân, cho biết công ty của ông sản xuất nhiều nhựa dẻo tới mức hết cả khách hàng để bán.
Ông Kỳ nói: “Thị trường Việt Nam đã bảo hòa, không còn đất dụng võ cho công ty chúng tôi nữa. Vì thế chúng tôi phải bành trướng.”
Công tuy Duy Tân đang để mắt tới các thị trường mới - từ Myanmar (Miến Điện) cho tới Thụy Điển, cũng như đang chuẩn bị nới rộng phạm vi hoạt động sang tới Hoa Kỳ.
Ông Kỳ nhận định: “Mỹ có luật lệ, và an toàn cho nên làm ăn tại Hoa Kỳ rất tốt.”
Chính phủ ở Hà Nội đang nuôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn chia sẻ tham vọng của ông Kỳ bởi vì những tham vọng này phù hợp với tham vọng của Việt Nam. Nước này đang cố gắng tìm cách tăng thị phần của mình trong nền thương mại toàn cầu, mặc dù không thuần túy vì những lý do kinh tế.
“Hội nhập” đã trở thành cụm từ thông dụng trong thành phần các giới chức, vốn muốn thấy Việt Nam biến đổi thành một tay chơi được tôn trọng trong cộng đồng thế giới. Ngoài phát triển thương mại, Việt Nam đã gắng sức để hợp tác với càng nhiều quốc gia càng tốt trên các lĩnh vực an ninh, ngoại giao và nhân đạo.
Chiến tranh, quá khứ và hiện tại
Một điều lý thú là, động lực đứng sau chiến dịch đó là xung đột quân sự, cả trong quá khứ và có thể là trong tương lai.
Mặc dù 4 thập niên đã trôi qua từ sau chiến tranh Việt Nam, đất nước cộng sản này tiếp tục được coi là một bãi chiến trường của thời kỳ Chiến tranh lạnh cũ, dưới con mắt của quốc tế. Việt Nam muốn thay đổi hình ảnh đó, và nhằm đạt mục tiêu đó, hội nhập đã trở thành thiết yếu.
Ông Dennis McCornac, một nhà kinh tế thuộc Đại học Loyola Maryland, nói: “Việt Nam muốn nói với thế giới rằng “Chúng tôi đã trưởng thành. Hãy nhìn chúng tôi, Việt Nam không còn là một cuộc chiến tranh, chúng tôi là một đất nước”.” Ông McCornac đã làm cố vấn cho các quan chức Việt Nam về việc quá độ từ một nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa qua một nền kinh tế dựa trên thị trường tự do.
Người Việt Nam không những đã chán ngán với chiến tranh, mà còn cảm thấy lo ngại rằng chiến tranh lại có thể bùng ra ở Biển Đông. Bang giao với Trung Quốc đã xuống tới mức thấp nhất vào mùa Xuân năm nay, khi nước đàn anh cộng sản đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Sự cố đó đã đẩy Việt Nam ra trước trường quốc tế, khi Việt Nam nạp kiến nghị lên Liên Hiệp Quốc để tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp theo đường lối đa phương. Ông McCornac lập luận rằng hành động khiêu khích đó đã giúp đẩy nhanh tiến trình đã có sẵn theo đó Việt Nam giang cánh tay để làm bạn với các nước ngoài.
Ông McCornac nói tình huống đó đã đẩy tiến trình ấy đi nhanh hơn một chút. Theo ông, “Việt Nam đã quyết định không bỏ hết tất cả các quả trứng của mình vào trong một chiếc giỏ duy nhất.”
Tăng cường thương mại
Rất nhiều người Việt Nam lo lắng rằng hiện Hà Nội đã bỏ 'quá nhiều quả trứng vào trong chiếc giỏ Trung Quốc'. Mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc lên tới 17,8 tỉ hồi tháng Tám, theo các số liệu của Cục Thống Kê Việt Nam. Nếu các vụ xung đột bùng nổ ngoài biển, thì hầu như chắc chắn các cuộc xung đột này sẽ tác động đến các thị trường chứng khoán và tới túi tiền của nhiều người.
Đó là lý do tại sao chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nhân như ông Kỳ hãy phóng tầm nhìn ra xa hơn. Ông Kỳ nói ông sẽ được hưởng lợi nếu Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, được ký kết. TPP là một thỏa thuận thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia kể cả Hoa Kỳ. Các nhà thương thuyết đang có mặt ở Hà Nội để tham gia đợt đàm phán mới nhất, chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Ủy Hội Âu Châu Jose Manuel Barroso đến thăm Việt Nam để tán thành một thỏa thuận mậu dịch tự do với Liên hiệp Âu Châu.
Phát biểu tại một buổi hội thảo dành cho các cơng ty xuất khẩu hôm 21 tháng 8, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nói với các công ty xuất khẩu rằng “Về mặt hội nhập, Việt Nam chưa bao giờ cởi mở tới mức này. Sự kiện Việt Nam chủ động tổ chức hội nhập vào các thị trường như thế này không những là điều cần thiết, mà là điều thiết yếu.”
Mùa hè năm nay, Việt Nam cổ vũ việc siết chặt các quan hệ với các nước khác nhau như Ấn Độ, Nhật Bản, Scotland và Sri Lanka. Một diễn đàn đặc biệt quan trọng cho sự vươn ra thế giới của Việt Nam là Hiệp Hội các nước Đông Nam Á, tức ASEAN. Tổ chức khu vực này đang hoạch định một cộng đồng kinh tế theo kiểu Liên hiệp Âu Châu, không có thuế quan, được phát động trong năm 2015. Ông Lê Lương Minh, một nhà ngoại giao Việt Nam, hiện là Tổng thư ký của hiệp hội này.
Một tay chơi toàn cầu
Bằng cách củng cố các quan hệ với nhiều bên khác nhau, Việt Nam không những dựng lên một rào cản chống Trung Quốc, mà còn định ra một cương lĩnh để tự khẳng định. Sau nhiều thập niên đối phó với hậu quả chiến tranh và tàn phá kinh tế, Việt Nam giờ đây đang tìm cách chứng tỏ rằng họ không còn là một nạn nhân phải lệ thuộc vào viện trợ phát triển nữa. Việt Nam muốn trở thành một thành viên đóng góp của một câu lạc bộ các nước văn minh. Ngoài việc chứng tỏ khả năng lãnh đạo trong ASEAN, Việt Nam còn đẩy mạnh sự tham gia vào nỗ lực gìn giữ hòa bình toàn cầu, kể cả ở Nam Sudan.
Đại Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, nói đề tài này đã được nêu lên khi ông gặp gỡ các giới chức Việt Nam ở Hà nội.
Nói chuyện trước một cử tọa gồm các nhà báo địa phương cũng như quốc tế hôm 16 tháng 8 vừa qua tại Thành phố HCM, Tướng Dempsey nói:
“Chính phủ Việt Nam đã quyết định khởi sự thăm dò các đường lối khác nhau để tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình, và chúng tôi thảo luận với họ về những cách thức mà chúng tôi có thể giúp họ làm điều đó.”  Tướng Dempsey nói ông nghĩ đây là một thời điểm quan trọng trong việc phát triển của quân đội Việt Nam bởi vì các hoạt động này bắt đầu cho họ thấy một quan điểm toàn cầu mà ông tin sẽ rất hữu ích cho việc phát triển của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới, việc quan tâm tới hợp tác toàn cầu cũng cũng đã mở rộng sang lĩnh vực hỗ trợ thiên tai và nhân đạo, biến đổi khí hậu và chống khủng bố. Ông Lewis Stern, cựu Giám đốc đặc trách Đông Nam Á của Bộ Quốc phòng Mỹ, tin rằng đây là một phần nằm trong một “lộ đồ” có chủ ý để cải thiện việc hội nhập trước năm 2020. Trong một bài viết hôm 18 tháng Ba cho Trung tâm Đông-Tây của Mỹ, ông Stern viết rằng chiến lược của Việt Nam bao gồm việc tham khảo ý kiến của các nhà phân tích phương Tây, thực hiện các cuộc đối thoại trực tiếp và nghiêm túc với người nước ngoài, và đưa ra nước ngoài để đào tạo các giới chức quân sự và chuyên gia về chính sách đối ngoại trẻ, có nhiều hứa hẹn.
Như ông Stern đã viết, “các giới chức trẻ, được rèn luyện tốt này tiêu biểu cho một thành phần nhân sự cấp trung mới xuất hiện chuyên về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng, có khả năng chiến lược và khả năng phân tích nhạy bén.”
Lien Hoang
(VOA)

Lực lượng vũ trang cần trung thành với ai?

000_Hkg380740.jpg
Lực lượng vũ trang Việt Nam
Khẩu hiệu "Trung với Nước - Hiếu với Dân" của ông Hồ Chí Minh liên tục được dùng để giáo dục các chiến sĩ trong lực lượng võ trang trong hàng chục năm qua. Song đến bây giờ, khẩu hiệu đó bị sửa thành "Trung với Đảng - Hiếu với Dân”.

Lực lượng vũ trang (LLVT) là lực lượng chiến đấu của nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của quốc gia, chống ngoại xâm. Công an, cảnh sát có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ pháp luật.

Ông Hồ Chí Minh đã tặng cho Quân đội Nhân dân Việt nam khẩu hiệu truyền thống “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng” và cũng tặng cho lực lượng Công An Nhân dân khẩu hiệu "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Gần đây, 20 tướng lĩnh cao cấp của các LLVT đã có thư kiến nghị với Lãnh đạo Nhà nước, trong đó nêu lên yêu cầu: “Lực lượng vũ trang mang tên Nhân dân phải luôn luôn vì Nhân dân, nên không được huy động Quân đội và Công an vào bất cứ việc gì có hại cho Nhân dân. Vì vậy, để bảo vệ uy tín của Quân đội là lực lượng có nhiệm vụ hiến định “quốc phòng”, tức là bảo vệ Tổ quốc trước ngoại xâm, cần chấm dứt ngay việc huy động Quân đội vào những sự vụ mang tính đối kháng với Nhân dân, như giải tỏa đất đai, ngăn chặn các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa…”

Bình luận về vấn đề này, Nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu học viên trường Sĩ quan Lục quân Sơn Tây (Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn) cho biết: theo lịch sử của trường, ngày 26.5.1946, ông Hồ Chí Minh đã trao tặng lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng “Trung với Nước, Hiếu với Dân” nhân dịp đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên của trường tại Sơn Tây.

Từ Nha trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nói:

“Lúc học chính trị trong LLVT chúng tôi thuộc câu đầu tiên nằm lòng là “Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, bên cạnh đó còn có câu “Quân lệnh như sơn”. Chúng tôi thảo luận và trả lời Chính trị viên nói rằng “Chúng ta từ nhân dân mà ra, do đó không bao giờ được phép bắn vào dân”. Nói như thế để thấy việc sử dụng quân đội đàn áp hay nổ sung vào dân là hoàn toàn trái với bản chất ban đầu của Quân đội”

Song những năm gần đây, quan điểm về LLVT của Đảng CSVN đã thay đổi, khác hẳn với quan điểm của ông Hồ Chí Minh. Cụ thể là khẩu hiệu đó đã bị biến thành "Trung với Đảng, hiếu với dân"  và “Công An Nhân dân còn Đảng còn mình”

Bình luận về sự thay đổi quan điểm này của Đảng CSVN, Thiếu tá Nông Hoàng Thắng ở Cục chính trị Quân khu 1 cho rằng: nếu xem xét kỹ về lịch sử, người cẩn trọng sẽ thấy lời căn dặn “Trung với Nước, Hiếu với Dân” của ông Hồ Chí Minh ra đời vào thời điểm tháng 5-1946. Khi ấy tình hình đất nước rất phức tạp, khiến ông Hồ Chí Minh phải nói tránh việc trung với Đảng thành ra trung với nước.

Thiếu tá Nông Hoàng Thắng nói:

“Trước vô vàn khó khăn và để tập hợp khối đoàn kết toàn dân, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến với sự có mặt của đại diện nhiều thành phần, đảng phái, hơn nữa về danh nghĩa Ðảng ta đã tuyên bố tự giải tán; nhưng thực tế là Ðảng rút vào hoạt động bí mật. Ðây là lý do để Bác Hồ không nhắc tới Ðảng trong lời dặn đó. Theo tôi việc hiện nay Đảng sửa các khẩu hiệu là trung với Đảng là việc cần thiết và phù hợp với nhiệm vụ chính trị của giai đoạn cách mạng hiện nay.”
Trả lời thắc mắc cho rằng, trước kia cùng nhạc hiệu chương trình phát thanh Quân đội Nhân dân phát trên đài TNVN, vẫn được phát thanh viên đọc: "Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Song bây giờ đã được đổi thành “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.”.

Nhà báo Võ Văn Tạo nói:

“Đúng, hồi đó là phát thanh viên luôn đọc là “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân”… và câu đó là lấy từ trong lá cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hiệu trưởng danh dự đầu tiên của trường đã tặng cho trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Theo tôi đây là sự phản bội, sự lợi dụng làm chệnh mục tiêu của cách mạng ban đầu đi, để phục vụ cho lợi ích của cá nhân. Người ta lợi dụng Đảng, các chóp bu lợi ích lợi dụng 3-4 triệu Đảng viên làm bình phong che chắn cho quyền lợi của họ thôi”

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cho rằng LLVT phải trung thành với Tổ quốc VN chứ không thể trung thành với một Đảng, điều này đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo ông trước đây Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quân đội phải trung với nước, hiếu với dân.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói:

"Thế thì vứt Nước đi đâu mà bảo phải trung thành với Đảng CS là thế nào? Tôi là Đảng viên tôi cũng không tán thành ý kiến đó, bởi vì Nước còn thì Đảng còn, Nước mất thì Đảng không còn. Do vậy phải trung thành với Tổ quốc VN tôi cho là vừa chính xác, vừa đúng với  tư tưởng Hồ Chí Minh. Gọi quân đội là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra. Cho nên phải trung với nước, hiếu với dân là đúng rồi. Chứ không ai nói là quân đội đảng Cộng sản."

Hiến pháp Việt Nam Sửa đổi năm 2013 mới nhất cũng ghi rõ “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết suy nghĩ của mình:

“Theo tôi đấy là sự láo xược, sự bậy bạ và sự lừa dối khi cho rằng đây là ý kiến của toàn dân. Đó còn là chưa kể đến họ đã tuyên bố thu thập được 27 triệu ý kiến, thử hỏi họ có bộ máy nào để đọc 27 triệu ý kiến mà họ tổng hợp và trong thời gian bao nhiêu năm. Cái đó là điều hết sức bậy bạ, dân không muốn như thế nhưng họ bảo dân muốn. Tôi cho đó là cuộc bức cung toàn dân ”

Đảng phái chỉ là tập hợp của những người có chung một lý tưởng, không đại diện cho lợi ích của tổ quốc và tuyệt đại đa số dân chúng. Lực lượng vũ trang không phải trung thành với bất kỳ đảng phái chính trị nào, mà trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang.
Anh Vũ
(RFA)

Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất


Cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) tại miền Bắc Việt Nam là sự kiện có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này đã dẫn đến việc tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động phải ra các quyết định sau: ngưng chức Tổng Bí thư của Trường Chinh, khai trừ Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương khỏi Bộ Chính trị và loại Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Sau nhiều năm bị che đậy, các tài liệu, các bài viết, các hồi ký, các tác phẩm văn học... được phổ biến trong thời gian gần đây giúp chúng ta biết thêm sự thật về cuộc cải cách ruộng đất này.
Tuy vậy trong năm mười năm qua vai trò của Hồ Chí Minh trong CCRĐ vẫn được đặt ra với nhiều câu hỏi. Có thật ông chỉ theo lệnh của Stalin và Mao Trạch Đông? Có thật ông chỉ là thiểu số không đủ quyền lực để ảnh hưởng đến các cố vấn Trung Quốc? Có phải ông chỉ muốn tiến hành giảm tô? Có phải ông đã khóc khi biết được các tội ác do CCRĐ gây ra?… Các câu hỏi này càng lúc lại càng trở nên cấp thiết khi Đảng Cộng sản (ĐCS) không ngừng tạo những huyền thoại về Hồ Chí Minh. Vừa rồi Bộ Chính trị lại ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW "yêu cầu toàn dân học tập để nhận thức về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của lý tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những công việc này chỉ làm xa dần con người thực của ông.
Hồ Chí Minh đã hiểu rất rõ nguyện vọng "người cày có ruộng" của nông dân Việt Nam. Khi còn ở Pháp ông có viết một số bài lên án việc chiếm hữu đất đai của thực dân Pháp và của nhà thờ Công giáo. Trong thời gian hoạt động tại Trung Hoa, ông tiếp nhận và để tâm nghiên cứu cách mạng thổ địa tại đây. Nó vừa là một phương tiện đấu tranh giai cấp, vừa để xây dựng chuyên chế vô sản. Trong một lá thư gởi các lãnh đạo Quốc tế Nông dân đề ngày 8/2/1928, ông viết: "Tôi tranh thủ thời gian viết 'những ký ức của tôi' về phong trào nông dân, chủ yếu là phong trào Hải Lục Phong, nơi có các xô-viết nông dân. Người 'anh hùng' trong 'những ký ức của tôi' chính là đồng chí Bành Bái, cựu Dân uỷ nông nghiệp của Xô-viết Quảng Châu và hiện là lãnh tụ của nông dân cách mạng." (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 265). Năm 1953 tại Hội nghị nông hội và dân vận toàn quốc, ông lại nhắc đến: "... đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ phong kiến" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 357).
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Cương lĩnh của đảng này là lấy việc chống đế quốc, chống phong kiến và địa chủ, giành ruộng đất về cho nông dân làm sách lược hàng đầu. Sách lược 2 của ĐCS ghi rõ: "Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo, phải hết sức lãnh đạo cho dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 297). Chương trình hành động thì hướng đến việc: "Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 299). Các văn kiện thành lập ĐCS Việt Nam đều do Hồ Chí Minh, đại diện Quốc tế Cộng sản, soạn ra.
Ít tháng sau, ĐCS đã lãnh đạo nông dân nổi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Khẩu hiệu "trí - phú - địa - hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" được dùng làm tiêu đề cho cuộc đấu tranh mới - đấu tranh triệt tiêu giai cấp địa chủ và phong kiến. Cuộc nổi dậy đã bị Pháp đàn áp dã man. Từ đó, chia rẽ giữa các các tầng lớp nông dân ngày một trầm trọng hơn.
Năm 1945, khi nắm được chính quyền, một mặt Hồ Chí Minh và ĐCS phải lo đối đầu với Pháp, mặt khác vì đa số các đảng viên và cán bộ đều xuất thân từ các gia đình địa chủ hay phú nông, việc phát động cách mạng thổ địa đã không thể tiến hành ngay. Mãi đến năm 1949, khi ĐCS Trung Hoa đã chiếm xong lục địa, cửa hậu cần mới được khai thông. Việt Minh nhận được những viện trợ dồi dào từ Quốc tế Cộng sản, nhất là từ ĐCS Trung Hoa. Chiến trường Việt Nam ngày một thuận lợi hơn cho lực lượng Việt Minh. Khi ấy Hồ Chí Minh và ĐCS mới nghĩ đến việc tiến hành CCRĐ, mở đầu bằng việc giảm tô cho nông dân. Ngày 14/7/1949, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 78 SL quy định chủ đất phải giảm địa tô 25 phần trăm so với mức trước năm 1945.
Ngày 25/1/1953, tại Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động, Hồ Chí Minh chủ toạ, đọc báo cáo đề ra nhiệm vụ phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, đấu tranh chống giai cấp địa chủ phong kiến, tiến đến CCRĐ.
Ngay sau đó, ngày 5/2/1953, tại Hội nghị nông hội và dân vận toàn quốc, Hồ Chí Minh đã vấn an các đảng viên và cán bộ tham dự như sau: "Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí, đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam tâm chịu tù đày. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 357).
Ngày 12/4/1953 Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 150 SL về Cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ phản động chia lại cho nông dân nghèo.
Ngày 14/11/1953, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị toàn quốc của Đảng Lao động đã quyết định tiến hành CCRĐ.
Trong báo cáo trước Quốc hội khoá I kỳ họp lần thứ ba, ông Hồ đã phát biểu "Phương châm của cải cách ruộng đất là: phóng tay phát động quần chúng nông dân" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 509). Ông Nguyễn Văn Trấn, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá I, đại diện Sài Gòn Chợ Lớn, giải thích "phóng tay" nghiã là "cứ việc làm mạnh thả cửa" (Nguyễn Văn Trấn, trang 266). Ông Nguyễn Minh Cần giải thích "là làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không khoan nhượng, không thương xót, cho dù quá trớn, quá tả cũng không đáng sợ". Ông còn cho biết: "Ông Hồ đã dùng hình ảnh dễ hiểu: khi uốn thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tí và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra thì nó mới thẳng được". Ông Nguyễn Văn Trấn than rằng "Trời ơi! Đảng của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật lại giết chết bao nhiêu vạn sinh linh." (Nguyễn Văn Trấn, trang 266).
Cũng trong báo cáo trước Quốc hội này, Hồ Chí Minh đã ra chỉ tiêu: "Giai cấp địa chủ phong kiến không đầy 5 phần trăm dân số, mà chúng và thực dân chiếm hết 7 phần 10 ruộng đất..." (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 509). Chính chỉ tiêu này đã: "... giết chết bao nhiêu vạn sinh linh".
Trong thời gian tiến hành giảm tô tiến đến CCRĐ, sáu xã tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã được chọn làm thí điểm. Người đầu tiên bị mang ra xử bắn là bà Nguyễn Thị Năm. Bà còn được gọi là bà Cát Hanh Long (xem Nguyễn Minh Cần). Bà là người đã che giấu và nuôi dưỡng các lãnh đạo cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản... trong thời gian ĐCS còn hoạt động bí mật. Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Công đang làm chính uỷ trung đoàn và ông Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ đội thông tin.
Trong Hồi ký Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn, nguyên Phó thủ tướng CHXHCN Việt Nam, ông Đoàn Duy Thành cho biết việc bà Năm bị bắn đã làm xôn xao dư luận. Ông cho rằng việc làm này có 3 điều làm sai chính sách là: (1) Địa chủ kháng chiến được chiếu cố; (2) Địa chủ kiêm công thương được chiếu cố; (3) Địa chủ hiến ruộng được chiếu cố. Và một điều sai đạo lý là "... bắn một địa chủ là nữ, không phải là cường hào gian ác sẽ trái đạo lý thông thường của người Việt Nam". Ông viết tiếp: "Sau này khi sửa sai CCRĐ xong, tôi được nghe nhiều cán bộ cao cấp nói lại: 'Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp và nói đại ý: ‘Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?’ Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là: 'Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!'. Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm!"
Trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông Hoàng Tùng cho biết: "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: 'Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa.' Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: 'Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải.' Và họ cứ thế làm".
Trong hồi ký Mặt thật, nguyên Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, nhà báo Thành Tín (Bùi Tín) đã kể rằng theo lập luận của đội CCRĐ thì "Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại. Bản chất của giai cấp địa chủ là rất ngoan cố xảo quyệt và tàn bạo, chúng không từ thủ đoạn nào để chống phá cách mạng. Nông dân phải luôn luôn sáng suốt dù chúng giở thủ đoạn nào." Thành Tín cũng viết "Ông Hoàng Quốc Việt kể lại rằng hồi ấy ông chạy về Hà Nội, báo cáo việc hệ trọng này với ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ chăm chú nghe rồi phát biểu: 'Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính uỷ trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức.' Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói với Trường Chinh về chuyện hệ trọng và cấp bách này". Thành Tín viết tiếp: "Thế nhưng không có gì động theo hướng đó cả! Bởi vì người ta mượn cớ đã quá chậm. Các phóng viên báo chí, các nhà văn hạ phóng tham gia cải cách đã viết sẵn bài tố cáo, lên án, kết tội bà Năm rồi".
Qua Thành Tín ta cũng biết được suy nghĩ của Hoàng Quốc Việt: "Đến Bác Hồ biết là không đúng cũng không dám nói với họ... ‘Họ’ là các ông con trời đặc phái viên của Mao". Thành Tín nhận xét: "Trước hết Hồ Chí Minh có lỗi lớn. Thà rằng không biết gì về chuyện này; và dù không biết, là chủ tịch nước, chủ tịch Đảng ông cũng phải chịu phần trách nhiệm. Huống hồ gì ông đã biết rõ cụ thể, ông nhận định là bà Năm bị xử trí oan, thế mà ông giữ im lặng, ông không can thiệp. Đây là thái độ vô trách nhiệm. Ông không can thiệp thì ai có thể can thiệp? Ông để mặc cho nước ông bị một số kẻ nước ngoài (cố vấn Tàu) lũng đoạn, lộng hành. Trên thực tế ông đã từ nhiệm vị trí trách nhiệm của mình".
Trong hồi ký Giọt nước trong biển cả, ông Hoàng Văn Hoan đã cho rằng Ủy ban CCRĐ "... tự cho phép các đội CCRĐ được bắn vào địa chủ gian ác để nâng cao khí thế nông dân. Việc bắn địa chủ mở đầu từ Thái Nguyên, sau lan tràn đi nhiều nơi, coi là một phương pháp tốt, để nâng cao uy thế của nông dân." Ông nêu ra điều 36 của luật CCRĐ quy định: "Đối với kẻ phạm pháp thì xét xử theo pháp luật, nghiêm cấm việc bắt bớ và giết chóc trái phép, đánh đập hoặc dùng mọi thứ nhục hình khác". Ông cũng đã viết: "Tham dự xong Hội nghị Trung ương về CCRĐ, tôi lại trở ra Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai được biết tin và rất quan tâm về vấn đề sai lầm trong CCRĐ, khi gặp tôi liền hỏi: Việc sai lầm trong CCRĐ có liên quan gì đến các đồng chí cố vấn Trung Quốc hay không? Tôi trả lời: Kinh nghiệm CCRĐ của Trung Quốc là rất tốt. Ủy ban CCRĐ ở Việt Nam phạm sai lầm, như coi thành phần địa chủ lên quá nhiều, đánh vào thành phần phú nông và trung nông, đánh vào những người chỉ có một ít ruộng đất nhưng nguồn thu nhập chính là những nghề nghiệp khác, đánh vào những địa chủ kháng chiến, địa chủ có công với cách mạng, đặt biệt là đánh tràn lan vào các cơ sở Đảng, thì đó là sai lầm của Ủy ban CCRĐ Việt Nam, chứ không phải là sai lầm của các cố vấn Trung Quốc".
Ông Nguyễn Minh Cần, nguyên Phó chủ tịch Hà Nội, đã hết sức ưu tư về việc "những người lãnh đạo cộng sản trong Bộ Chính trị và đứng đầu chính phủ đã từng được bà che giấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Ủy viên ban chấp hành, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã lạnh lùng chuẩn y một bản án tử hình như vậy! Phát súng đầu tiên của CCRĐ nổ vào đầu của một người phụ nữ yêu nước đã từng giúp đỡ cho những người cộng sản! Phát súng đó tự nó đã nói lên nhiều điều về các lãnh tụ cộng sản! Nó báo trước những tai hoạ khôn lường cho toàn dân tộc!".
Nhà văn Vũ Thư Hiên nhận xét một cách dứt khoát: "Câu chuyện về Hồ Chí Minh trong thâm tâm chống lại chủ trương Cải cách ruộng đất, bực bội vì việc mở màn bằng việc bắn một người đàn bà, như một số người bào chữa cho ông là một chuyện tầm phào. Một lệnh ông Hồ ban ra không phải là chỉ cứu được bà Nguyễn Thị Năm, nó còn cứu hằng ngàn người bị giết oan trong cả Cải cách ruộng đất lẫn Chỉnh đốn tổ chức do Lê Văn Lương song song tiến hành. Ông không cứu ai cho tới khi những sai lầm tích tụ lại thành cái nhọt bọc. Lúc cái nhọt bọc vỡ ra ông mới tỉnh cơn mê. Nhưng đã muộn" .
Vũ Thư Hiên còn cho biết ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên thư ký riêng của Hồ Chí Minh, đã nói thẳng với ông Hồ: "Máu đồng bào, đồng chí đã đổ mà Bác vẫn còn ngồi yên được à? Chúng ta tuy không có học, chúng ta dốt, chúng ta phải vừa làm vừa học xây dựng chính quyền, vì dốt nát chúng ta mắc mọi sai lầm, nhưng chúng ta không có quyền để tay chúng ta nhuốm máu đồng bào đồng chí". Cũng qua Vũ Thư Hiên ta biết được ông Vũ Đình Huỳnh đã "... khẳng định người chịu trách nhiệm chính là ông Hồ Chí Minh, chứ không phải là Trường Chinh. Trường Chinh chỉ là con dê tế thần cho ông Hồ".
Điểm qua những hồi ký, suy nghĩ, ưu tư kể trên, ta thấy được vụ án Nguyễn Thị Năm nói riêng và CCRĐ nói chung còn rất nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc này không phải chỉ liên quan đến các nạn nhân hay gia đình nạn nhân CCRĐ. Nó còn in đậm nét trong tâm trí của những người đã một thời tin vào chủ nghĩa cộng sản, vào lý tưởng cộng sản, vào sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và ĐCS, trong đó có người từng trực tiếp tham gia CCRĐ. Những uẩn khúc này cần phải được làm sáng tỏ.
Trong tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất của tác giả C.B. do báo Nhân Dân xuất bản năm 1955, trang 27 và 28, có bài "Địa chủ ác ghê". Bài viết này đã được đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 và phổ biến lại trong tập liệu này. Đúng như nhà báo Thành Tín cho biết, "các phóng viên báo chí các nhà văn hạ phóng tham gia cải cách đã viết sẵn bài tố cáo, lên án, kết tội bà Năm rồi". Nhân tiện người viết xin được đăng toàn bài để bạn đọc có thể cùng suy ngẫm.

Địa chủ ác ghê

Thánh hiền dạy rằng: "Vi phú bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:

Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:

  • Giết chết 14 nông dân.
  • Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
  • Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
  • Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.
  • Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:

  • Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.
  • Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.
  • Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.
  • Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.
  • Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.
  • Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.

Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:

Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng,
Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!

(21-7-1953)

Vì bài báo gọi bà Nguyễn Thị Năm là Cát-hanh-Long nên người viết theo đó mà gọi. Có người còn gọi bà là bà Cát Thanh Long hay bà Cát Thành Long, không biết danh hiệu nào là đúng?
Nhà báo Thành tín cũng viết: "Một số nông dân chất phác ngây thơ, kể rằng bà Năm rất tốt, nhân từ, hay đi chùa, làm việc thiện, có nhiều cán bộ chiến sĩ là con nuôi của bà, bà có công với kháng chiến, nên xếp là địa chủ kháng chiến". Nhóm từ "mấy tên lâu la" được dùng trong bài báo nêu trên có lẽ để kết tội các nông dân hiền hoà, chất phác đã không chịu đấu tố bà Năm và hai người con của bà.
Báo Nhân Dân là cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bài báo phải được duyệt xét kỹ của Trung ương Đảng trước khi cho phổ biến. Khi đọc bài báo này, người viết cảm nhận một điều là bố cục, hình thức và văn phong của bài viết rất tương tự với bản "Tuyên ngôn Độc lập" do Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, phần lên án thực dân Pháp.
Tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất ghi rõ têntác giả các bài viết trong đó là C.B. - đây là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh. Chỉ riêng trong tập 6 (từ 1-1951 đến 7-1954) của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập do nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội in năm 1989, người viết đã đếm được tất cả 15 bài viết của Hồ Chí Minh ký tên là C.B.
Không thấy bài viết này được nhắc đến trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập. Tuy nhiên trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 5 trang 418 ghi rõ: "Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Địa chủ phản động ác ghê, ký bút danh Đ. X. đăng trên báo Cứu Quốc, số 2459 (ngày 2/11/1953), tố cáo tội ác của một số địa chủ phản động đã cấu kết với thực dân và bù nhìn để phản dân, phản nước, mưu phá hoại chính sách ruộng đất của Chính phủ. Chúng là bọn ‘mặt người dạ thú’ và tội ác của chúng là ‘tuyệt vô nhân đạo’." Có thể bài viết của ông Hồ trên báo Nhân Dân đã được đăng lại trên báo Cứu Quốc.
Khi đọc bản thảo bài viết này, ông Nguyễn Minh Cần nhớ lại năm 1953 ông đã được đọc bài "Địa chủ ác ghê" từ nội san Cải cách ruộng đất được phổ biến trong nội bộ Đảng Lao động và các cán bộ CCRĐ.
Ông Hoàng Văn Chí có viết trong khoá chỉnh huấn trung ương nhằm đả thông tư tưởng đảng viên và cán bộ làm công tác CCRĐ, Hồ Chí Minh đã ví von: "đế quốc là con hổ mà địa chủ là bụi rậm để cho hổ núp. Vì vậy muốn đuổi hổ phải phá cho kỳ hết bụi rậm." (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Chương 12, trang 90).
Khác với các vụ xử tử trong CCRĐ sau này, Hoàng Tùng xác nhận Bộ Chính trị đã họp và quyết định về vụ xử bắn bà Năm. Ông Nguyễn Minh Cần nói rõ hơn: "bà đã bị quy là địa chủ cường hà ác bá, bị đoàn CCRĐ xử án tử hình, Ủy ban CCRĐ Trung ương duyệt y và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chuẩn y". Theo người viết, ít nhất có 7 lý do để bà Năm được chọn làm thí điểm đầu tiên cho cuộc phóng tay phát động quần chúng CCRĐ:
  • Thứ nhất, phương châm chính trong CCRĐ là "thà giết lầm 10 người vô tội, còn hơn để thoát một kẻ thù". CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa bần cố nông và địa chủ (nông dân có ruộng). Do đó địa chủ không thể được lọt lưới, được bỏ sót. Bà Năm lại có đến 2,789 mẫu đất (Thanh Cần, trang 3), là một đại địa chủ.
  • Thứ nhì, phát súng đầu tiên bắn vào một phụ nữ để xác định CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp và trong đấu tranh giai cấp không phân biệt địa chủ phong kiến là phụ nữ hay đàn ông, già hay trẻ...
  • Thứ ba, như Hồ Chí Minh thường tuyên bố "toàn dân kháng chiến", địa chủ đã chấp nhận ở lại vùng kháng chiến, đương nhiên là chấp nhận theo, đóng góp, tham gia kháng chiến. Xử bắn bà, và những địa chủ trong vùng kháng chiến, là để phủ nhận công lao đóng góp của thành phần này. Nay đã có Quốc tế Cộng sản, có giai cấp công nông, khẩu hiệu "toàn dân kháng chiến" không còn cần thiết nữa.
  • Thứ tư, bắn bà Năm là dấu hiệu cho phép trừng phạt tất cả những người có ruộng đất, có tài sản, có ảnh hưởng kinh tế chính trị trong và ngoài Đảng Lao động Việt Nam. Theo ông Đoàn Duy Thành, bà Năm là địa chủ đã hiến ruộng cho chính quyền kháng chiến.
  • Thứ năm, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của bà, và của các địa chủ khác, cần phải được thủ tiêu để mở đường xây dựng chế độ chuyên chế toàn trị.
  • Thứ sáu, xử bắn bà Năm, và giai cấp địa chủ, là nhằm sách động nông dân thực thi sách lược "chia để trị".
  • Thứ bẩy, xử bắn bà Năm và tiêu diệt giai cấp địa chủ là nhằm nâng cao quyền lực của Hồ Chí Minh và ĐCS. Nguyễn Văn Trấn đã viết: "Các đoàn CCRĐ đã rút kinh nghiệm về cách đem phạm nhân đi bắn, và đã cho lệnh bắn sau lưng kẻ thọ hình. Vì kinh nghiệm cho thấy, đem trói nó vào nọc trụ để bắn thì nó sẽ la to Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao động muôn năm" (Nguyễn Văn Trấn, trang 270). Vũ Thư Hiên cũng nhắc đến việc có người đã tự tử để lại bức thư tuyệt mệnh: "Oan cho tôi lắm, cụ Hồ ơi. Tôi trung thành với cụ với Đảng. Tôi không phản bội, Hồ Chí Minh muôn năm!" (Vũ Thư Hiên, chương 1).
Chính vì những lý do trên mà Hồ Chí Minh mới đích thân viết bài trên báo Nhân Dân đấu tố bà Năm.
Trong một lá thư, đề ngày 18/8/1956, gởi đến "đồng bào nông thôn" nhân dịp CCRĐ căn bản đã hoàn thành, Hồ Chí Minh xác định CCRĐ là "một thắng lợi vô cùng to lớn" và "có thắng lợi này là nhờ Đảng và Chính phủ ta có chính sách đúng đắn". Ông viết tiếp: "Cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go. Lại vì kẻ địch phá hoại điên cuồng; vì một số cán bộ ta chưa nắm vững chính sách, chưa thực đi đúng đường lối quần chúng; vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra đôn đốc, cho nên khi CCRĐ đã xảy ra những khuyết điểm sai lầm" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 507). Riêng việc "kẻ địch phá hoại điên cuồng" đã được ông giải thích như sau: "Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó cũng giãy trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế." (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 358).
Vài năm sau, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ĐCSVN, 6/1/1960, Hồ Chí Minh lại gắn liền cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc CCRĐ, ông tuyên bố: "Buổi đầu kháng chiến, Đảng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức. Nhưng đến lúc kháng chiến đã phát triển mạnh, cần phải bồi dưỡng hơn nữa lực lượng nhân dân, chủ yếu là nông dân thì Đảng đã cương quyết phát động quần chúng cải cách ruộng đất hoàn thành thực hiện người cày có ruộng. Nhờ chính sách đúng đắn này, lực lượng kháng chiến ngày càng mạnh thêm và đã liên tục thu được nhiều thắng lợi" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, trang 596).


Hồ Chí Minh đã hiểu rõ nguyện vọng của dân tộc là độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc, người cày có ruộng... Trong điều 12, Hiến pháp 1946, còn được gọi là “Hiến pháp Cụ Hồ” vì ông là trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, đã xác định: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm". CCRĐ chẳng những vi hiến, nó còn là một tội ác với số nạn nhân chưa thể hay không bao giờ có thể tính được. Hồ Chí Minh đã lợi dụng các khao khát, các ước vọng của người dân để xây dựng quyền lực cho ông và cho ĐCS Việt Nam.
CCRĐ không phải chỉ tàn sát những thường dân vô tội. Nó còn phá hoại những truyền thống tốt đẹp, phá hoại đạo lý luân thường, phá hoại tâm linh văn hoá của dân tộc Việt Nam (xin xem Nguyễn Minh Cần). Quả lời ông Vũ Đình Huỳnh "... khẳng định người chịu trách nhiệm chính là ông Hồ Chí Minh, chứ không phải là Trường Chinh. Trường Chinh chỉ là con dê tế thần cho ông Hồ" là hoàn toàn chính xác.
Bài viết này mong làm sáng tỏ, làm minh bạch một phần của quá khứ, không phải để gợi lại hận thù, mà để xây dựng con đường đi tới tránh xa những tội ác mà người đi trước như Hồ Chí Minh đã mắc phải.
Tài liệu tham khảo
  • C.B., Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất, Báo Nhân Dân, 1955
  • Đoàn Duy Thành, Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn
  • Hoàng Tùng, Những kỷ niệm về Bác Hồ, Điện thơ Câu lạc bộ Dân Chủ
  • Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Bản dịch của Mạc Định, Nhà xuất bản Chân Trời Mới, Sài Gòn, 1964 
  • Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả
  • Thanh Cần, Tội ác bóc lột địa tô của giai cấp địa chủ, Nhà xuất bản Sự Thật, 1955
  • Thành Tín, Mặt thật
  • Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ và Quốc hội, Văn Nghệ California, USA, 1997
  • Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác! ... Nửa thế kỷ trước
  • Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày
  • Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995
  • Hồ Chí Minh Toàn tập, Viện Mác Lê Nin, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1989
Nguyễn Quang Duy
20/1/2007, Canberra, Úc Đại Lợi

Phụ lục

Ảnh chụp bài viết “Địa chủ ác ghê” từ nguồn: C.B., Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất, báo Nhân Dân, 1955


Khi nào quan chức Việt mới bán tháo nhà cửa?

(VNTB) - Khác nhiều với Việt Nam, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Tập Cận Bình khởi xướng ở ở quốc gia đông dân nhất và cũng thuộc loại tham nhũng nhất thế giới đã tạo ra chất xúc tác cho làn sóng bán tháo trong thị trường nhà đất.
"Họ muốn bán nhà thật nhanh chóng và sẵn sàng giảm giá 5-10% so với thị trường", Zhang Yan - Giám đốc hãng tư vấn bất động sản Shanghai Centaline cho biết.

Biệt thự của ông Trần Văn Truyền
20%

Thông thường, giới quan chức hoặc thân nhân của họ muốn bán trong 2 tuần đến một tháng, nói chung là càng nhanh càng tốt. Sau đó tiền sẽ được chuyển mau lẹ đến mức có thể ra các ngân hàng nước ngoài.
Các hãng môi giới bất động sản cho biết, quan chức Trung Quốc chiếm khoảng 20% chủ sở hữu nhà xa xỉ. Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania cho biết chỉ 7,1% người mua nhà tại Trung Quốc là quan chức. Quan chức Trung Quốc thường mua nhà to và đắt tiền hơn người thường.
Và dĩ nhiên, họ không chỉ đơn giản là thích mua nhiều nhà. "Cách phổ biến để hối lộ là đưa cho anh ta một căn nhà, coi như quà tặng. Chiến dịch này chính là lời cảnh cáo hoạt động đó nên chấm dứt", Yan Jirong - Giảng viên Đại học Bắc Kinh cho biết.
Rất nhiều người sử dụng thông tin của lái xe riêng, người thân hoặc người đại diện để mua nhà. Một nhân viên môi giới bất động sản cho biết một khách hàng của anh đã bị bắt giữ năm ngoái khi đang cố bán nhà. "Tôi chẳng nhận ra ông ta là quan chức cho đến khi thấy ảnh trên mạng", anh nói.
20% tất nhiên cũng là một tỷ lệ rất đáng tham khảo cho “mặt bằng dân trí quan chức” ở Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, điều lạ lùng là mặc dù bị xem là một quốc gia còn độc tài hơn cả Việt Nam, ở Trung Quốc vẫn tồn tại một số kết quả khảo sát mang tính độc lập. Chẳng hạn như số người giàu đã di cư hoặc có ý muốn di cư ra nước ngoài, hoặc độ chênh lệch khủng khiếp giữa giai cấp giàu nứt vách và người nghèo rớt mùng tơi.
Khi nào?
Trong khi ở Việt Nam mới chỉ âm thầm diễn ra hiện tượng quan chức “tẩu tán tài sản” theo cách bán nhà cao cấp, thì ở Trung Quốc không khí này đã giống như một cơn sốt phát ban. 
Năm ngoái, một quan chức Nội Mông tên Wu Zhizhong đã bị kết tội tham nhũng, nhận hối lộ và biển thủ công quỹ. Cơ quan điều tra cho biết Wu sở hữu tới 33 bất động sản tại Trung Quốc và một căn nhà ở Canada. Theo Xinhua, số chìa khóa nhà của “con sâu” này (nói theo từ ngữ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) có thể đựng đầy một chiếc túi xách.
Sau đó, Cai Bin - một cựu quan chức Quảng Châu (Trung Quốc) cũng bị kết tội nhận hối lộ. Nhà điều tra cho biết gia đình Cai sở hữu hơn 20 căn nhà.
Những trường hợp này chính là hồi chuông cảnh báo với nhiều quan chức địa phương Trung Quốc. Các trung tâm môi giới bất động sản cho biết giới chức giờ rất sợ mua nhà xa xỉ. Một số thậm chí còn bán những căn có thể khiến họ bị nghi ngờ.
Chiến dịch chống tham nhũng của nước này từng khiến ngành khách sạn lao đao với quy định hạn chế tiệc xa xỉ. Giờ đây, cả ngành bất động sản cũng bị ảnh hưởng khi giới chức đua nhau bán nhà.
Theo Wall Street Journal, chiến dịch này được thực hiện đúng thời điểm thị trường địa ốc Trung Quốc đang suy giảm. Đây được coi là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo số liệu công bố tuần trước, doanh số bán nhà tại đây trong 7 tháng đầu năm đã giảm 10,5% so với năm ngoái.
Tại Hàng Châu, doanh số bán nhà cao cấp đã giảm 54% nửa đầu năm. Gao Yuansheng - Giám đốc nghiên cứu một hãng bất động sản cho biết sự sụt giảm này chủ yếu do thị trường dự đoán giá tăng chậm, nhưng cũng một phần do các biện pháp chống tham nhũng của Chính phủ.
Doanh số bán nhà cao cấp giảm thê thảm là hiện tượng rất tương đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong ít ra vài năm qua, đã có hiện tượng một số quan chức Việt Nam tìm cách bán rẻ căn hộ cao cấp hoặc đất đai của họ. Tuy nhiên, nguồn cơn của hiện tượng này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu cần tiền và nhằm “hạ cánh an toàn” chứ chưa có dấu hiệu chịu tác động mạnh mẽ bởi một chiến dịch chống tham nhũng nào từ cấp trung ương.
Câu hỏi còn lại là đến bao giờ ở Việt Nam mới hiện ra chiến dịch, nếu không “đả hổ” thì cũng “diệt ruồi”, như Tập Cận Bình đang làm? Nếu xảy ra chiến dịch này, chắc chắn dân tình ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội chứng kiến làn sóng bán đổ bán tháo nhà đất cao cấp của giới quan chức “ăn của dân không còn chừa thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan – Phó chủ tịch nước).
Viết Lê Quân
(Việt nam Thời báo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét