Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Bốn tầng nấc của người dân chủ VN

Bốn tầng nấc của người dân chủ VN

Nhân bài viết vừa qua của Liên Sơn 'Bấm mộng mị dân chủ' trên website Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập đã gây ra nhiều tranh luận thú vị, tôi xin có đôi lời đóng góp như một góc nhìn về chính trị Việt Nam.

Tạm gọi theo cách của tôi và một phần dư luận hiện nay là góc nhìn về “phe dân chủ”, “quần chúng”, “phe cải cách” cùng “phe bảo thủ” trong Đảng CS Việt Nam.
Phe nào như thế nào thì cũng ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước, dù ít dù nhiều, một góc nhìn đa chiều sẽ làm sáng tỏ một số vấn đề về lý luận, để qua đó quần chúng có thể có nhiều thông tin hơn về bức tranh chính trị của đất nước
Viết cho phe dân chủ

Người dân chủ là người dùng các chuẩn mực dân chủ pháp trị trong lý luận để từ đó thực hiện các hành vi từ bất đồng chính kiến, phê phán, rồi tranh đấu với đảng cầm quyền độc tài. Do đó luôn cần sự ủng hộ, gắn kết với quần chúng và các người dân chủ khác. Đó chính là cơ sở cho việc hình thành phong trào, rồi lên cao hơn là tổ chức hội đoàn đến đảng đối lập rồi khi thành công, là chính quyền dân chủ.

Do đó trước khi nói đến chính quyền dân chủ, phải hình thành được một tư duy và lề lối sống và sinh hoạt dân chủ với nhau, và với chính quần chúng, người cùng ý thức như mình. Không thể có một tổ chức dân chủ nào có thể vững bền khi lập ra tổ chức tranh đấu dân chủ nhưng người trong đó là những người độc tài trong tư duy và hành xử nội bộ, và không có một thỏa ước, một nội qui sinh hoạt dân chủ thực thụ đựợc áp dụng và được sự đồng tình của toàn tổ chức một cách nghiêm chỉnh.
Những người như ông Võ Văn Kiệt là thuộc phe cải cách

Từ nguyên tắc này cũng có thể nói cuộc tranh đấu cho dân chủ của những cá nhân và tổ chức “chưa dân chủ” thật sự như thế cũng khó hay không thể dẫn đến một chế độ và một chính quyền thực sự dân chủ.

Từ nhận định có tính nguyên tắc đó, đi đến nhìn nhận của một số người viết như Liên Sơn vừa qua khi bàn về “mộng mị dân chủ”, trong đó đánh giá, theo tôi, vừa bi quan, vừa không chính xác đầy đủ, làm quần chúng hiểu sai về phong trào dân chủ, không thể hiện sự đánh giá toàn cảnh bức tranh dân chủ đa sắc màu hiện nay.

Cần thấy rõ là người dân chủ hiện diện khắp nơi, trong quần chúng, đến cả trong đảng cầm quyền, ở mọi giai tầng xã hội, không chỉ gói gọn trong phạm trù được Liên Sơn đề cập là những cái tên A, B nào đó để rồi nghĩ rằng đó là đa số người dân chủ. Không chỉ gói gọn trong cộng đồng “có tên tuổi” hiện nay mà là có khắp nơi với hành động tranh đấu đa dạng khác nhau.

Từ một cậu học sinh lập ra video blog đưa lên mạng internet phê phán sự bảo thủ, độc tài của thể chế qua việc áp đặt tư duy giáo dục, cho đến một đảng viên đảng cộng sản ở nghị trường quốc hội không bấm nút thông qua Hiến Pháp 2013, đó chính là những người có tư duy và hành động dân chủ.

Nhiều người như thế thì đó chính là nền tảng của phong trào dân chủ. Do đó, khi đánh giá về dân chủ, phải nhìn chung các mặt này, để từ đó có thể hi vọng và lạc quan.

Theo tôi, bốn tầng nấc của người dân chủ là người bộc lộ chính kiến, người bất đồng chính kiến, người tranh đấu, và chính khách đối lập. Tất cả những quần chúng nếu có xu hướng tranh đấu đều sẽ đi qua một hay toàn bộ bốn bước này, tùy theo nội lực và khát vọng của họ, và bước chân nào cũng cần được tôn trọng, vì họ dám đi. Còn trong quá trình đi, có va vấp, té ngã thì là chuyện bình thường vì có đi và có vấp ngã là quy luật.

Có nhiều tổ chức đoàn thể tự ra đời ở Việt Nam trong 10 năm qua

Chúng ta không cần bàn về các danh hiệu do quần chúng vì tấm lòng nhiệt tình mà trao tặng cho người tranh đấu, chỉ nên bàn là khi có sự tôn vinh của quần chúng rồi, người đón nhận danh hiệu nên phải làm thế nào để xứng đáng với tấm lòng của công chúng hơn. Người được tôn vinh cần một sự góp ý và tiếp thu góp ý chân thành khi cần, là một lề lối dân chủ cần có.
Sáu mảng tác động chính trị Việt Nam
  1. Bảo thủ cầm quyền
  2. Cải cách cầm quyền
  3. Quần chúng tranh đấu
  4. Áp lực quốc tế và quốc nội
  5. Quần chúng phổ thông
  6. Nghiên cứu gắn kết
Tôi quan sát phong trào dân chủ hơn 10 năm nay, có nhiều tổ chức đoàn thể thành lập trong nước rồi sau đó tàn lụi đi, ngoài sự đàn áp của nhà cầm quyền, còn là do chính lối sinh hoạt nội bộ chưa đến “tầm” như khi họ tuyên bố lúc mới ra đời. Các thành viên chỉ chú trọng gắn kết trên quan điểm chính trị, chưa có sự đồng thuận hoạt động trên một thỏa ước tập thể để từ đó mọi người đều phải hành xử theo như một tấm gương dân chủ.

Chú trọng đưa ra các tuyên bố nhiều hơn thực hiện điều lệ sinh hoạt nội bộ nhằm xây dựng con người dân chủ; chú trọng mở rộng ra ngoài nhiều hơn gắn bó chiều sâu bên trong; chú trọng cạnh tranh giữa những người tranh đấu trong tổ chức hơn là chú trọng mục tiêu tranh đấu của toàn tổ chức với đối thủ độc tài. Đó là những điều nên tránh
Gắn kết và chia rẽ

Một vấn đề khác cần chú ý là hiện tình đất nước hiện nay đã hình thành nên sáu mảng chính trị có tác động vào thế cuộc chính trị ở Việt Nam. Tôi tạm gọi là mảng bảo thủ cầm quyền, mảng cải cách cầm quyền, mảng quần chúng đứng ra tranh đấu, mảng áp lực lên đảng cầm quyền, từ bên ngoài của quốc tế và từ bên trong của sự nâng cao đời sống và dân trí (mảng quần chúng phổ thông), và mảng nghiên cứu gắn kết các yếu tố trên để hình thành một phong trào dân chủ có chất lượng và hoạt động phối hợp hiệu quả.

Cái còn thiếu của phong trào dân chủ hiện nay chính là mảng hoạt động gắn kết: yếu tố cuối cùng. Hầu như rất ít người làm công tác gắn kết này, trong khi lẽ ra cần sự gắn kết của ba mảng sau, để qua đó tận dụng những khe hở của hai mảng đầu, nhằm hình thành cho được đối trọng đủ mạnh với đảng cầm quyền, tức mảng thứ ba, mảng quần chúng đứng ra tranh đấu.
"Nếu cần ủng hộ thì ủng hộ nhóm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa Việt Nam “thoát Trung-thân Mỹ” vì nó có lợi cho đất nước trong hiện nay, việc khác tính sau"

Cũng hay xảy ra việc những nhóm có chiến thuật tranh đấu khác nhau thường hay chỉ trích lẫn nhau dù nằm trong cùng một mảng. Thực ra nếu đặt các khác biệt đó ở tầm nhìn rộng lớn, thì phải tìm cách phối hợp, gắn kết các nhóm khác nhau này lại trong cùng một mảng, vì những công việc của các nhóm đó chính là bổ sung cho nhau.

Thiếu phối hợp sẽ xung khắc, có gắn kết sẽ thành sức mạnh tổng hợp. Ví dụ nếu coi những người tranh đấu đi quốc tế vận động các tổ chức nhân quyền, chính khách quốc tế ủng hộ na ná như nhóm “ngoại vận”, thì những người còn nằm trong đảng nhưng có xu hướng dân chủ và hành động ủng hộ cải cách tiến bộ phải được coi như nhóm “địch vận”, có cùng mục tiêu. Do đó cần kết hợp, chia sẽ thông tin và đối thoại với nhau để công việc các bên có hiệu quả cộng hưởng, hơn là chỉ trích “làm như tôi mới đúng, làm như các ông đó là yếu, là chưa đủ dũng khí”.

Có người nói cái dở của người Việt là hay chia rẽ. Nhận xét thế là chỉ nhìn một chiều, cần có cái nhìn rộng hơn khi đưa nó vào nhận xét về phong trào dân chủ. Trong tình hình tranh tối tranh sáng, địch ta lẫn lộn, an ninh đông hơn dân chủ thì sự chia rẽ (vì riêng rẽ) có khi là cần thiết để giữ ngọn lửa dân chủ, không bị “chết chùm”.

Cái quan trọng trước khi phong trào dân chủ chiến thắng chính là phải giữ ngọn lửa dân chủ qua các thời kỳ đàn áp khác nhau của đảng cầm quyền chứ không phải có bao nhiêu cây đuốc thì dùng cho hết lửa. Việc cá lớn cá bé cùng chui vào một cái rổ trong khi đảng cầm quyền còn mạnh thì chỉ làm cái ao hết cá, các con cá chưa vào rổ vì còn riêng rẽ với đàn cá kia chính là những người giữ lửa. Do đó cái cần chú ý là chia rẽ vì cần riêng rẽ (để giữ lửa) khác với nghĩ rằng thấy chưa hội tụ thì cho đó là chia rẽ do…mâu thuẫn.

Người dân chủ hay dùng nền dân chủ kiểu Mỹ làm chuẩn mực. Học hỏi dân chủ pháp trị theo Mỹ là tốt, nhưng nếu học thì đừng học nửa vời. Cái hạn chế của người tranh đấu là khi đã đặt một ai vào vị trí lãnh đạo dân chủ thì sau đó ra sức bảo vệ kể cả khi người đó sai lầm. Mỹ không có chuyện đó, dân bầu tổng thống là một chuyện, nhưng khi tổng thống làm bậy thì cũng bị phê phán thậm chí bãi chức.
"Tôi cám ơn những ai trong đảng cầm quyền đã đồng ý cho internet vào Việt Nam một cách phổ thông để tôi có điều kiện và thông tin để tranh đấu cho dân chủ nhiều hơn"

Người dân chủ nên học điều này, để khỏi sa vào cái tư duy từ lãnh đạo cho lên thành lãnh tụ, rồi trở thành một hội-đảng bao che bảo vệ nhau bất chấp đúng sai. Cuối cùng thành ra…giống như đảng cộng sản và các lãnh đạo cộng sản (chỉ thích nghe khen và bài bác việc chê bai). Việc ủng hộ ai và phê phán ai trong từng giai đoạn, thời kỳ là chuyện bình thường nếu khen chê có lý luận thực tế và logic, và cần xem nó là việc phải làm, chứ không phải lúc khen thì nói là “nịnh”, lúc chê lại bảo là “âm mưu đánh phá”.
Phe cải cách và phe bảo thủ

Có người nói ở Việt Nam chỉ có phe lợi ích và phe bảo thủ, chưa có cái gì gọi là phe cải cách. Theo tôi điều này không đúng trong thực tế. Tôi Nguyễn An Dân, một công dân sống trong thể chế độc tài lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, tôi cám ơn những ai trong đảng cầm quyền đã đồng ý cho internet vào Việt Nam một cách phổ thông. Để từ đó tôi có điều kiện và thông tin để tranh đấu cho dân chủ nhiều hơn.

Cùng là thể chế tư duy cộng sản toàn trị, nhưng dân Việt Nam cũng khá hơn Bắc Triều Tiên…do đó nếu nói trong đảng cầm quyền chưa có phe cải cách thì vừa thiếu thực tế, vừa non kém và lạc hậu. Toàn Đảng có thể không cần cải cách thì vẫn là “phe lợi ích” được, ví dụ như gia đình họ Kim ở Bắc Triều Tiên. Do đó tình hình dân chúng dễ thở hơn hiện nay chính là sự tổng hòa từ các yếu tố : sự nới rộng bên trong của phe cải cách, hiệu quả của áp lực quốc tế bên ngoài, sự tranh đấu của quần chúng. Cắt bỏ đi một bộ phận nào đó, là sai lầm về lý luận tranh đấu, và về nhận định thực tiễn, dẫn đến sai lầm và yếu kém về chiến lược và chiến thuật tranh đấu.

Nhưng cũng có người ngộ nhận rằng tôi kêu gọi ủng hộ phe cải cách nghĩa là ủng hộ phe của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghĩ như vậy là chưa thấu đáo hết ý nghĩa của cụm từ phe cải cách. Trước khi bàn về phe cải cách, cần làm rõ phe bảo thủ là gì?

Hiện trạng đất nước thì nhiều bệnh, nhưng tựu trung từ ba cái chính: đó là thiết chế đảng và chế độ theo mô hình chính quyền mất dân chủ, theo đuổi một tư tưởng Mác Lê phi thực tế, và đưa đất nước sa vào một quan hệ lệ thuộc với một láng giềng độc tài có dã tâm xâm lược nguy hiểm là Trung Cộng. Tôi gọi ba vấn đề này là tư duy bảo thủ, và bất kỳ ai trong đảng cầm quyền muốn giữ nó thì là phe bảo thủ, và bất kỳ ai muốn phá vỡ nó, chính là phe cải cách. Phe cải cách có từ khi đảng ra đời, chứ không phải bây giờ mới có.
"Đất nước thì nhiều bệnh, nhưng tựu trung từ ba cái chính. Đó là thiết chế đảng và chế độ theo mô hình chính quyền mất dân chủ, theo đuổi một tư tưởng Mác Lê phi thực tế, và đưa đất nước sa vào một quan hệ lệ thuộc với một láng giềng độc tài có dã tâm xâm lược nguy hiểm là Trung Cộng."
Chẳng qua dần dần quyền lực của phe này mạnh lên, cộng với sự bùng nổ về thông tin, nên công chúng biết đến họ nhiều hơn. Như nhóm Xét lại chống đảng trong quá khứ, hay như ông Trần Xuân Bách, ông Võ Văn Kiệt...chính là người của phe cải cách chứ gì nữa. Còn họ cải cách thế nào là một phạm trù khác.

Trong bài viết trước, nhiều người lý giải tôi nói “Hội Nhà Báo Độc Lập nên tranh thủ sự ủng hộ của phe cải cách” nghĩa là tôi “khuyên” Hội này ủng hộ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một đánh giá sai về lý luận do họ không đọc kỹ các tư duy của tôi. Ông Nguyễn Tấn Dũng không phải là tiêu biểu của phe cải cách, và các hoạt động của ông Dũng chỉ tiêu biểu cho một thời kỳ thân Mỹ của nhóm chính phủ. Nếu cần ủng hộ thì ủng hộ nhóm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc đưa Việt Nam “thoát Trung-thân Mỹ” vì nó có lợi cho đất nước trong hiện nay, việc khác tính sau.

Thành ra nói chưa có phe cải cách này trong đảng là thiếu cái nhìn hiện thực khách quan. Nếu không phải những đảng viên có tư duy cải cách cùng ký lá thư 61 vị vừa qua, thì chúng ta gọi họ là gì, gọi là “phe lợi ích” chăng ? Hoàn toàn không ổn. Do đó, người tranh đấu cần tranh thủ sự ủng hộ của phe cải cách nghĩa là hướng đến sự liên kết với các đảng viên có tư duy cải cách, chứ không phải ca tụng ông A, ông B nào đó khi mọi thứ còn đang mù mờ cài răng lược.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng có mở rộng dân chủ, thì ông ta chỉ là một thành viên (có quyền lực nhiều) của phe cải cách, chứ không đại diện cho phe cải cách, ông Dũng về hưu thì vẫn còn phe cải cách. Đây là cái cần minh định để sáng tỏ về lý luận.
Nguyễn An Dân  
Gửi đến BBC
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn An Dân từ TP Hồ Chí Minh.
(BBC)

Đỗ Đăng Liêu - Làm sao bảo vệ nổi Chủ nghĩa Mác Lê?

Báo Quân Đội Nhân Dân mới đây đăng bài viết của Đại Tá, Thạc Sĩ Nguyễn Đức Thắng, với tựa đề: Chủ nghĩa Mác - Lê-nin cần tiếp tục được bảo vệ và phát triển. Tác giả nhắc lại sự sụp đổ của chủ nghiã cộng sản tại ngay cái nôi của nó là nước Nga, nhưng lập tức đổ hết lý do cho "chủ nghĩa đế quốc" và "các thế lực thù địch". Ông viết:
"Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã nhân cơ hội đó ra sức tuyên truyền đề cao xã hội tư bản, hô hào rời bỏ CNXH và đi theo con đường TBCN. Chúng ra sức xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH, thậm chí còn định ra cả thời gian sụp đổ chế độ XHCN ở những nước còn lại, trong đó có Việt Nam. Trong hàng ngũ những người cộng sản và nhân dân, thực tế có một số người đã nhiễm phải những luận điệu tuyên truyền hết sức tinh vi, hiểm độc của các thế lực thù địch, từ đó nảy sinh t¬ư tưởng bi quan, dao động, bàng quan, thậm chí đánh mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH. Trước tình hình đó, những người cộng sản chân chính cần phải bình tĩnh, tăng cường đoàn kết thống nhất ý chí và hành động để bảo vệ các giá trị đích thực của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và toàn bộ thành quả của cuộc cách mạng XHCN".

Và tác giả bồi thêm vào lời khẳng định bất cần lý lẽ đó bằng hàng loạt các khẳng định khác cũng ngang tàng không kém, chẳng hạn như: "… không thể mượn cớ sự sụp đổ mô hình CNXH cụ thể ở một quốc gia nào đó để bài bác và phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH". Cả thế giới cộng sản theo cùng một mô hình nhà nước Liên Xô và đã sập gần như toàn bộ, chỉ còn 4 nước đang ráo riết chạy theo kinh tế tư bản (hay kinh tế thị trường mà Mác lên án từ ngày đầu là loại "kinh tế tư bản bóc lột") để sống còn thì tác giả không hề hay biết?

Còn nhiều khẳng định bất cần trí óc của cả người đọc lẫn chính người viết, như: "…trong hơn 80 năm qua, đặc biệt những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước trong gần 30 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, càng củng cố vững chắc niềm tin, niềm tự hào của mỗi đảng viên, cán bộ và nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn."

Tựu trung, cả bài viết chỉ biết chép lại những câu mang tính kinh điển mà mọi người đã quá ngấy, đã biết quá rõ từ lâu là vô tích sự, và biết là chúng bị tùy nghi bẻ xuôi lẫn bẻ ngược theo nhu cầu của Đảng trong từng giai đoạn. Do đó, chính bài viết đó đã không bảo vệ được chủ nghĩa Mác Lê cho ra hồn chứ chưa nói gì đến động viên người khác làm chuyện đó, và lại càng không có chút hy vọng gì về "phát triển" nó cả.

Nhưng có lẽ chẳng ai chê bai gì khả năng của tác giả Nguyễn Đức Thắng vì ông bị giao một việc quá khó. Làm sao mà bảo vệ nổi chủ nghĩa Mác Lê trong thực tế ngày nay?!

Làm sao bảo vệ nổi khi thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại. Trên tổng số gần 100 quốc gia tự nhận là theo Chủ Nghiã Xã Hội, khởi đi từ cái nôi là nước Nga, ngày hôm nay chỉ còn có 5 nước vẫn cố bám víu (hoặc còn giả dạng bám víu) vô vọng vào CNXH là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba và Bắc Hàn. Tình trạng 5 quốc gia này, từ chính trị, đến văn hoá xã hội, nếu không ngày một tồi tệ, lạc hậu thì cũng cực kỳ bất ổn và khủng hoảng. Nói chung là trong tình trạng chết dần hoặc có thể bùng vỡ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, tất cả các nước thoát độc tài cộng sản để chuyển sang thể chế dân chủ đều bừng sống lại về mọi mặt, như những người bị bóp cổ lâu ngày nay được thở lại dưỡng khí trong lành.

Làm sao bảo vệ nổi khi nước cộng sản nào càng rời xa mô hình kinh tế XHCN và chạy theo kinh tế tư bản thì càng rời xa vực thẳm. Chính Trung Cộng đã vất mô hình kinh tế XHCN để chạy theo "kinh tế thị trường với đặc tính Trung Quốc" từ năm 1976, và CSVN bắt chước từ năm 1986. Cái mà tác giả gọi là "thành tựu của 30 năm đổi mới" chính là kết quả của việc ném kinh tế XHCN lại để bỏ chạy đó.

Làm sao bảo vệ nổi khi hiện nay, các lãnh đạo ở tầng cao nhất đều không biết tiến lên CNXH là đi đâu và làm gì. Chính Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã công khai bộc bạch: “Đến hết thế kỷ này (tức 86 năm nữa) không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". Những chính sách gọi là xây dựng XHCN triệt để tại các nước đàn anh tiên tiến chứ không chỉ riêng tại Việt Nam, đều dẫn đến chết đói, lệ thuộc ngoại bang, tụt hậu, băng hoại xã hội, và sụp đổ hoàn toàn như các nước Đông Âu và Liên Xô.

Làm sao bảo vệ nổi khi ĐCSVN, từ lời nói đến việc làm, nhất nhất không còn chút gì là các đặc tính của xã hội XHCN. Các hứa hẹn nền tảng như "Tài sản và phương tiện sản xuất là thuộc về toàn dân" hoàn toàn biến mất trong nền kinh tế tư bản hoang dã hiện nay. Tất cả phục vụ cho nhu cầu vơ vét của tầng lớp "tư bản đỏ" vừa xuất hiện ở mọi cấp. Các quan chức với số tài sản lên đến hàng chục tỉ mỹ kim không còn là chuyện lạ nữa, dù họ trên danh nghĩa đã "hiến dâng cả đời cho cách mạng" và không làm gì riêng ngoài đồng lương cán bộ. Cũng vậy, loại hứa hẹn nền tảng như "Giai cấp công nhân, đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" đã nhường chỗ cho một nhà nước tiếp tay các chủ hãng ngoại quốc trấn áp các cuộc tranh đấu đòi quyền lợi chính đáng của công nhân; và một nhà nước xua công an cưỡng chế đất đai của nông dân để giao lại cho giai cấp tư bản đỏ.

Làm sao bảo vệ nổi khi chế độ XHCN hiện nay còn phong kiến gấp trăm lần chế độ mà nó đả phá và thay thế. Thật vậy, đất nước Việt Nam ngày nay có "vua tập thể" hay "tập thể vua", với cả trăm hoàng tộc. Mỗi hoàng tộc có khu vực địa lý, khu vực kinh tế, khu vực quyền hành riêng và theo thể thức "cha truyền con nối". Thế hệ thái tử đảng bắt đầu ngồi vào các ghế nắm quyền và nắm tiền từ độ tuổi 20.

Làm sao bảo vệ nổi khi mà chính tập thể đảng viên đều đã quá chán ngán cái chủ nghiã mà đa số đã không hiểu là gì khi gia nhập; đã hy sinh cả tính mạng, cả cuộc đời của mấy thế hệ vì chủ nghiã đó chỉ để thấy đất nước liên tục nghèo đói, tụt hậu so với láng giềng; và nhất là đã nhận ra chủ nghĩa này luôn sản sinh ra những kẻ cầm quyền cực ác, cực gian trá, và cực đạo đức giả suốt từ Lênin, đến Stalin, đến Mao, đến ông cháu họ Kim bên Triều Tiên, đến Pol Pot xứ Miên, đến tất cả các thế hệ lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam. Hệ thống CNXH đã biến tất cả những người dù rất tốt khi gia nhập trở thành những người càng lên cao càng giả dối, tàn ác, và càng mất tính người.

Làm sao bảo vệ nổi khi những quan chức lớn ngã bệnh đều chạy qua các nước tư bản chữa bệnh chứ không dám chữa tại các nước XHCN. Lý do không chỉ vì các nước đó có nền y khoa hơn xa các nước XHCN mà còn vì họ thực sự có y đức. Cũng vậy, làm sao bảo vệ nổi khi chính những người đang viết bài kêu gọi bảo vệ Mác Lê và cả cấp trên của họ đều đang cố gắng gửi con cái đi nước ngoài để được hấp thụ nền giáo dục đặc sắc của các nước "tư bản đang giẫy chết" , và còn dặn dò con ráng tìm cách ở lại để làm đầu cầu chuyển tiền của bố mẹ ra nước ngoài.

* * *
Ngày mà dân tộc ta công khai và hoàn toàn tẩy bỏ được chủ nghĩa Mác Lê ra khỏi mọi mặt xã hội, chắc chắn sẽ có nhiều người mừng lắm. Trong số đó, thế nào cũng có cả ông Nguyễn Đức Thắng.
  Đỗ Đăng Liêu 
  (Dân luận)

Đừng ngại mất phiếu, mất ghế

Người quản lý nếu thấy đúng thì phải dám dấn tới, với lộ trình được xây dựng kỹ càng. Cũng không được ngại mất lòng, không được ngại mất phiếu, không được ngại mất ghế.
LTS: Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông Mai Liêm Trực được coi là người tiên phong trong việc đưa mạng Internet vào Việt Nam, cũng là người đã quyết tâm xóa bỏ độc quyền, mở cửa ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) từ cách đây gần 20 năm. Bao năm qua, câu hỏi khiến ông suy tư nhiều nhất vẫn là tại sao BCVT làm được, mà các ngành độc quyền khác không làm được?
Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu câu chuyện của ông, trong  chuyên đề "Làm thế nào để phá  vỡ thế độc quyền, mở rộng đường cho kinh tế phát triển".
 Xóa độc quyền, việc không thể khác
Có nhiều người, đặc biệt đứng đầu các bộ, ngành độc quyền luôn miệng nói rằng thị trường viễn thông, xăng dầu, điện lực… là những lĩnh vực nhạy cảm, nên cần có thời gian để xóa bỏ độc quyền.

Chúng ta đã tiến hành cổ phần hóa 20 năm nay rồi mà mọi việc vẫn bộn bề. Và nếu nói là nhạy cảm, thì còn gì nhạy cảm hơn thị trường gạo? Nhưng sự thật thị trường gạo đã tự vận hành rất tốt đó thôi. Thế mà chúng ta thì lại mất quá mất thời gian với việc thảo luận tào lao. Trong khi việc đáng làm thì không làm.

Mỗi ngành độc quyền tự nhiên có một đặc thù riêng, Ngành BCVT có đặc thù về an ninh thông tin. Ngành điện lực có đặc thù về cơ sở vật chất rất nặng, vốn đầu tư rất lớn… Nên quá trình mở cửa thị trường không nhất thiết phải giống nhau, không nhất thiết phải cùng một lộ trình cùng một thời điểm.

Nhưng tôi cho rằng tất cả đều phải giống nhau ở một điểm: Xóa bỏ độc quyền là việc không thể khác, không thể tránh khỏi, và càng làm sớm càng tốt, càng để lâu càng có hại, với mọi lĩnh vực, dù là nhạy cảm như BCVT, điện lực hay xăng dầu.

Việc xóa bỏ độc quyền càng để lâu, càng bị chi phối bởi các nhóm lợi ích xuất hiện. Việc xóa bỏ độc quyền thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí dứt khoát của Nhà nước, vào quyết tâm đến cùng của người đứng đầu.

Minh bạch, không mưu cầu lợi ích cá nhân

Tôi nhớ sau khi chúng ta ký thành công Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, bàn chuyện tiếp tục quá trình đàm phán WTO, trong cuộc họp  Chính phủ do PTT Vũ Khoan chủ trì, có người nói ra khó khăn này nọ, tôi đã nói: Lãnh đạo có coi đây là một quyết tâm chính trị chiến lược không? Nếu có thì bàn, còn nếu không thì thôi.

Nếu quyết tâm thì phải gạt hết khó khăn đi, còn nếu đưa ra thảo luận để hy vọng thỏa mãn hết mọi người thì không bao giờ làm được. Có những cái có thể bàn. Nhưng có những cái phải quyết, ngay cả khi có tới 30-40% phản đối. Cứ nói khó thì bao giờ mới làm được. Nếu cứ ngồi hù dọa nhau, lo sợ đổi mới, cản trở đổi mới thì đất nước không thể phát triển được. Mà tôi buồn vì bây giờ chúng ta vẫn giữ kiểu suy nghĩ đó.

Nhưng tôi cho không có khó khăn nào mà không thể giải quyết được, không có khó khăn nào có thể cản trở được xu thế và yêu cầu chính đáng của nền kinh tế trừ chính việc những nhà lãnh đạo các tập đoàn, các DNNN đang tìm mọi cách trì hoãn nó lại.

Việt Nam trước đây theo mô hình XHCN Xô viết, phủ định kinh tế thị trường, kế hoạch hóa tập trung. Khi đất nước đi đến khủng hoảng, chúng ta đã nhận ra mô hình đó không được, phải đưa kinh tế thị trường vào.

Nhưng để tránh cú sốc cho xã hội, chúng ta mới xây dựng kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, sau này có thêm “theo định hướng XHCN”. Thật ra nền kinh tế nào chẳng có sự quản lý của Nhà nước. Nên cách nói trên có tác dụng làm yên lòng xã hội, để họ không nghĩ rằng Nhà nước hoàn toàn buông tay, thả nổi nền kinh tế. Nhưng không may, có những người lại bám vào cái đuôi đó, cho đó là cái cớ để không mở cửa khi tìm mọi cách siết chặt sự tự do cho kinh tế thị trường phát triển.
độc quyền, DNNN, cổ phần hóa, đổi mới, VNPT
Ảnh: ndh.vn
Bây giờ nói kinh tế nhà nước là chủ đạo, tôi cho đó vẫn lại là cái cớ cho một số người bám vào. Lúc đầu chúng ta nói DN nhà nước là chủ đạo. Về sau DNNN thua lỗ quá nhiều, chúng ta lại dùng từ kinh tế nhà nước. Nhưng bản chất vẫn là DNNN làm kinh tế. Bản chất vẫn là những người đứng đầu DNNN tìm cách trì hoãn quá trình cổ phần hóa bằng mọi cách như đã diễn ra trong suốt 20 năm qua.

Vì thế cần lắm những người đứng đầu dám hi sinh lợi ích của DN, hi sinh lợi ích của một nhóm người để nghĩ đến lợi ích của nhân dân, đất nước. Tôi từng rất tâm đắc với câu nói của Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Nhà nước không dọa DN, nhưng các  DN đừng dọa Nhà nước. Phải vì lợi ích của 80 triệu dân chứ không phải lợi ích của mấy DN”. Chỉ tiếc là sau câu nói đó, tôi chưa thấy những sự hành động cần thiết.

Khi tiến hành xóa bỏ độc quyền viễn thông, có lãnh đạo cấp trên chỉ trích rất gay gắt. Tôi biết ở cương vị đó, nếu không làm, có thể yên thân mình. Nếu không làm tôi biết mình sẽ tránh được không ít khó chịu. Nhưng không dám làm, nghĩa là có lỗi với đất nước.

Người quản lý nếu thấy đúng thì phải dám dấn tới, với lộ trình được xây dựng kỹ càng. Cũng không được ngại mất lòng, không được ngại mất phiếu, không được ngại mất ghế. Quan trọng là những việc này là vị lợi ích của dân, không phải là lợi ích nhóm, lợi ích riêng tư nào cả. Quan trọng là những người đứng đầu ngành phải rõ ràng, minh bạch, không mưu cầu lợi ích cá nhân trong đó.
(Còn nữa)
Tô Lan Hương ghi
(Tuần Việt Nam)

Phê bình GĐ Sở ‘bổ nhiệm hàng loạt’


Ông Nguyễn Thành Rum đã nghỉ hưu

Cựu Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM bị phê bình vì bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước lúc nghỉ hưu.

Ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận kết quả xử lý kỷ luật công chức từ UBND TP. HCM.

Hình thức kỷ luật với ông là phê bình rút kinh nghiệm.

Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin ông Rum, trong vòng hai tuần trước khi nghỉ hưu, đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tại nhà tập luyện thể thao Phú Thọ và Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao thành phố.

Sự việc diễn ra hồi tháng Ba năm nay.

TP. HCM đã yêu cầu thu hồi, hủy bỏ 20 quyết định, văn bản liên quan việc bổ nhiệm này.

Trong quyết định mới nhất, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Văn hóa, Phan Văn Lắm, cũng bị khiển trách.

Truyền thông trong nước năm nay cũng nói về một vụ tương tự từng gây xôn xao ở Việt Nam liên quan Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền.
Ông Truyền, trước khi nghỉ hưu năm 2011, đã ký một loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ tại đơn vị này.
(BBC)

Mại dâm là một nghề?

Thực tế, nhiều người chọn mại dâm làm nghề để kiếm sống Ảnh: TÂN TIẾN
Từ lâu, xã hội xem bán phấn buôn hương là một nghề nhưng hành vi này bị luật pháp ngăn cấm; bị cấm nhưng mại dâm vẫn… tồn tại!
Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến. Đáng chú ý, “mại dâm” đã được dự luật xếp vào danh mục các ngành nghề bị cấm kinh doanh. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng xã hội đã nhìn nhận đây là một nghề tồn tại trong đời sống thì có nên chấp nhận hoạt động này được công khai để quản lý tốt hơn?
Nên xếp vào loại kinh doanh có điều kiện
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội - Viện Xã hội học, cho biết hiện nay có quan điểm kiên quyết tẩy trừ mại dâm, đặt mại dâm ra ngoài vòng pháp luật nhằm giữ gìn trật tự xã hội. Nếu xem mại dâm là một nghề ngay thời điểm này thì sẽ vấp phải sự phản đối hoặc “nhẹ nhàng” hơn là những ý kiến đòi hỏi phải có trường đào tạo, phải có nơi chăm sóc, bảo vệ… người hành nghề mại dâm. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, những ý kiến phản đối đã không tính đến thực tế đang tồn tại một thị trường tình dục. Đối tượng tham gia thị trường tình dục này có loại hình bán dâm. Mặt khác, bán dâm thường được nói là một nghề cổ xưa, tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử loài người dù ở bất cứ nơi nào, không phụ thuộc vào sự phát triển hay kém phát triển của xã hội. “Tạm thời, chúng ta chưa thể thừa nhận mại dâm là một nghề như ở Úc, Hà Lan, Đức… thì chúng ta có thể chọn cách quản lý mại dâm kiểu như Trung Quốc, Thái Lan là chấp nhận hoạt động này và quản lý rất chặt, làm cho mại dâm không phá hỏng nền tảng đạo đức xã hội, không đe dọa thể chất và tinh thần của xã hội, không làm lây lan, truyền dịch bệnh qua đường tình dục” - ông Bình nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định “cấm kinh doanh mại dâm” thì mặc nhiên đã xem mại dâm là một nghề. “Và đã thừa nhận có nghề này trong xã hội rồi thì việc cấm có khả thi không? Có chắc là cấm được hoàn toàn không?” - TS Doanh đặt vấn đề. “Tôi cho rằng nên xếp mại dâm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi mà chúng ta đã hợp pháp hóa casino, gá bạc. Còn thời điểm nào cho phép hoạt động công khai chỉ là vấn đề thời gian vì sự thật ngành nghề này, theo cơ quan chức năng, là có nhiều người tham gia cả bên “mua” và “bán”. Thậm chí, có không ít đối tượng trục lợi, làm giàu từ đó. Đáng ngại hơn là chừng nào chưa hợp pháp hóa thì những người hành nghề mại dâm còn không được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, dẫn đến nguy hại cho xã hội” - ông Doanh nói thêm.
Làm luật cần tính “đường dài”
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết việc dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đưa mại dâm vào trong danh mục 11 ngành nghề cấm kinh doanh không có nghĩa là thừa nhận kinh doanh mại dâm như một nghề. “Pháp luật Việt Nam chưa bao giờ coi mại dâm là một ngành nghề và vẫn cấm kinh doanh mại dâm ở nhiều luật khác. Trước đây, Luật Doanh nghiệp cấm kinh doanh mại dâm, nay chuyển vào Luật Đầu tư cho hợp lý hơn” - ông Cung nói.
TS Trần Thế Quân, Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cũng cho rằng đây là chuyện “câu chữ”. “Chuyện này tương tự tội danh “đánh bạc trái phép” được quy định trong Bộ Luật Hình sự, tới đây sẽ phải thay đổi nếu chúng ta cho phép người Việt chơi casino. Mại dâm bị cấm nhưng quy định trong luật nào cho phù hợp thì phải bàn” - ông Quân nói.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, cho biết trong phiên thảo luận vừa qua về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), cá nhân ông cũng đã bày tỏ băn khoăn về điều này. “Nếu đưa vào Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ dễ dẫn tới cách hiểu đây là lần đầu tiên nhà nước coi mại dâm là một nghề. Trong khi đó, định nghĩa về nghề phải khác, tức là phải có đầu tư, kinh doanh, sản xuất chứ không thể có khái niệm kinh doanh, sản xuất xác thịt được. Mại dâm thì nằm trong số các tệ nạn xã hội và đã có quy định ở những chỗ khác như Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Bộ Luật Hình sự rồi cơ mà! Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh quan hệ về kinh doanh, sản xuất thôi” - ông Vinh nói.
TS Lê Đăng Doanh nói việc đưa mại dâm vào ngành nghề cấm kinh doanh trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể được hiểu là Quốc hội đã tính tới chuyện sắp đến Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, có thể có bước phát triển mới nên “lo xa” và đưa vào quy định trong luật.
Không cấm tiệt được thì phải quản

Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, nhà nước và xã hội cần nhìn nhận mại dâm là một thành tố tất yếu của du lịch xanh mặc dù không một quốc gia văn minh nào trên thế giới lại không tuyên bố tẩy trừ “sex tour”, không chủ trương kiếm lợi trên hoạt động này nhưng vẫn xem đây là một nguồn lợi. “Không có cơ sở “tiêu diệt” được mại dâm thì hãy nên quản lý nó” - ông Bình nêu ý kiến.
Đỗ Du - Tô Hà - Bảo Trân
(Người lao động

Việt Nam xoay trục – Để Hà Nội không còn lo lắng và gần Washington hơn

Chiến lược quốc tế của Việt Nam đang chuyển dịch một cách kịch tính. Trong nhiều năm qua, Việt Nam hy vọng rằng họ có thể đối phó được động lực nắm quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc bằng cách thể hiện nhượng bộ Bắc Kinh đúng mức. Vì mục đích đó, các quan chức tại Hà Nội đã cố gắng nuôi dưỡng nhiều mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc, đồng thời theo đuổi quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng ASEAN, nhưng không liên minh với nước nào cả.
 
Japan Asia Disputed Islands

Tuy nhiên, chiến lược đó đã đảo ngược trong những tháng gần đây. Đầu tháng Năm, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD cùng với hơn 100 tàu tới địa điểm chỉ cách bờ biển miền Trung Việt Nam 130 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Hà Nội phản ứng với 30 lần tiếp xúc ngoại giao với Bắc Kinh nhưng đều bị Trung Quốc bác bỏ, thậm chí từ chối tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội vào ngày 18, không phải là để ngỏ lời xin lỗi, mà là để trách mắng Việt Nam vì các hành vi của mình – tức là, vì có các phản kháng đối với giàn khoan dầu và vì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vượt ngoài tầm kiểm soát. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc miêu tả ông Dương mang đến Việt Nam một cơ hội “tự kiềm chế bản thân trước khi quá muộn”.

Việc TQ triển khai giàn khoan nước sâu không phải là một bất ngờ. Ít nhất là từ năm 2009, Bắc Kinh đã nhắm tới việc đạt được quyền bá chủ ở biển Đông trên thực tế, và khu vực dầu khí ngoài khơi của Việt Nam đã trở thành một mục tiêu chính. Bắc Kinh đã đe doạ hai công ty đa quốc gia khai thác dầu BP và ConocoPhillips, đều có đầu tư lớn vào Trung Quốc, từ bỏ những khu chuyển nhượng khai thác trong vùng biển Việt Nam vào năm 2009 và 2012. Trong năm 2011, các tàu Trung Quốc quấy rối hai tàu khảo sát thuộc công ty dầu khí PetroVietnam. Trong năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mời các công ty nước ngoài đấu thầu quyền thăm dò 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt nam.

Vào cuối tháng 7, cả Việt Nam tràn ngập các tin đồn rằng Bộ Chính trị đã bỏ phiếu 9-5 ủng hộ “việc đứng lên chống lại Trung Quốc.” Cũng có tin nói rằng một phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành xem xét và xác nhận chủ trương mới của Bộ Chính trị. Những tin đồn có thể chỉ đơn thuần là phản ánh sự mơ tưởng của công chúng mong muốn chống lại Trung Quốc. Bắc Kinh và Hà Nội trên hình thức vẫn là bạn; Lê Hồng Anh, người từng đứng đầu công an và thuộc phe quyết thân Trung Quốc, đã được chào đón đúng nghi thức ở Bắc Kinh vào giữa tháng 8 và chắc chắn bị cảnh báo không được có những động thái không thân thiện. Dù vậy, có nhiều cơ may Việt Nam sẽ sớm chấp nhận tiến hai bước thay đổi trò chơi.

Thứ nhất, có khả năng Việt Nam sẽ thách thức Trung Quốc ở tòa án quốc tế, nhằm có được một phán quyết tuyên bố khẳng định “chủ quyền lịch sử” của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ biển Đông là bất hợp pháp và chiến thuật của họ là không được phép. Hà Nội ban đầu đã từng xem xét thực hiện một động thái như vậy năm ngoái, khi Philippines mời Việt Nam cùng tham gia với họ vụ kiện Trung Quốc tại Tòa án Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Lúc đó Hà Nội quyết định không tham gia. Nhưng vào ngày 14 tháng 5, hai tuần sau khi Bắc Kinh đặt giàn khoan ngoài khơi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với hãng tin điện tử rằng Chính phủ của ông đang nhắm tới hành động pháp lý. Vào cuối tháng 7, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp các chuyên gia có nổi tiếng, theo yêu cầu của Chính phủ để khuyến nghị các chiến lược pháp lý.

Thứ hai, có khả năng Việt Nam sẽ hun đúc một mối quan hệ ngoại giao và quân sự thân mật hơn với Hoa Kỳ – không phải là một liên minh chính thức mà là một quan hệ đối tác dựa trên lợi ích chung trong việc ngăn chặn bá quyền Trung Quốc ở biển Đông. Phạm Bình Minh, trong tư cách bộ trưởng ngoại giao và là một trong bốn phó thủ tướng của Việt Nam, giữ vai trò trung tâm trong vấn đề nầy. Vài ngày sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mời ông Minh đến thăm Washington: chuyến đi sẽ diễn ra vào cuối tháng 9.

Trước chuyến đi của ông Minh, Evan Medieros, viên chức điều hành các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, đã có một chuyến đi thầm lặng tới Hà Nội vào cuối tháng 7. Theo sau Medieros là thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse, và hai tuần sau đó là Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, có chuyến thăm bốn ngày được truyền thông Việt Nam tường thuật tận tình. Cả ông McCain lẫn Dempsey đều đưa ra nhiều gợi ý rằng Washington sẵn lòng nới lỏng lệnh cấm chuyển giao vũ khí gây sát thương cho quân đội Việt Nam. Cả hai ông đều đề cập đến sự cần thiết phải tăng cường “nhận thức về lĩnh vực hàng hải” của Việt Nam

Một số nhà quan sát cho rằng, bằng việc tự tách mình ra khỏi Bắc Kinh về mặt chính trị, Việt Nam có thể kích động một cuộc chiến tranh kinh tế với Trung Quốc mà VN không thể có đủ sức chống trả. Nhưng nỗi sợ hãi này là thổi phồng. Việt Nam xuất khẩu than, dầu, gỗ và các sản phẩm nông nghiệp sang Trung Quốc và nhập khẩu máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng giá rẻ; phần này của mối quan hệ thương mại song phương không chỉ là tương đối cân bằng mà cả hai nước cũng có thể dễ dàng tìm thấy các thị trường khác cho những thứ đó. Nếu có vấn đề thì nó nằm ở các phụ tùng điên tử, dệt may, dây kéo, nút, và các phu liệu giày dép từ Trung Quốc được đưa đến Việt Nam để lắp ráp và tái xuất: mặc dù những món nhập khẩu này tạo ra một thâm hụt rất lớn cho Hà Nội, nhiều hơn phần bù đắp bởi doanh số bán hàng may mặc thành phẩm và các thiết bị kỹ thuật số của Việt Nam sang châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới. Có thể mất một hoặc hai năm để thiết lập lại các chuỗi giá trị này, nếu Trung Quốc giận dữ đến mức cắt đứt chúng.

Nhưng ở đây một lần nữa, nước Mỹ dường như cấp cho một hình thức bảo vệ tiềm năng. Đó là hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cuộc đàm phán mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2009. Việt Nam là nước kém phát triển nhất trong số 12 đối tác đàm phán TPP và rất có thể xuất khẩu của nước này sẽ nhảy vọt lên một phần ba nếu hiệp ước có hiệu lực. Các quy định dự kiến trong hiệp định sẽ giành đặc quyền cho hàng may mặc được làm ra hoàn toàn tại các nước thành viên TPP. Do đó, các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam đang xây dựng năng lực cho đầu vào nguồn cho hàng may mặc và giày dép làm tại Việt Nam.

Hà Nội muốn Mỹ đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí gây sát thương, một bước mà Washington có ra điều kiện trên việc Hà Nội cải thiện cách đối xử với những người bất đồng chính kiến. Đối với cả hai chính phủ, đó là một vấn đề nguyên tắc. Có một khoảng cách lớn giữa việc Hoa Kỳ kiên quyết đòi hỏi chế độ Việt Nam phải tôn trọng các quyền chính trị cơ bản và việc các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tin rằng nương nhẹ việc kích động cho dân chủ đặt ra một mối đe dọa hiện hữu với hệ thống của họ.

Về vấn đề các quyền tự do chính trị này , Hà Nội hoặc Washington hay cả hai phải thỏa hiệp nếu họ muốn tiến lên phía trước, nhưng cả hai nước đều không có nhiều chỗ để linh động. Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ sẽ cảnh giác việc ôm lấy Hà Nội, ngay cả khi họ thừa nhận rằng ngăn chặn trước việc TQ thành bá quyền khu vực là mối quan tâm của cả hai nước. Về phần mình, tầm nhìn của Bộ Chính trị về trật tự chính trị đã giới hạn khả năng thỏa hiệp về quyền con người. Tuy nhiên, nếu Hà Nội không thể cam kết để mở ra không gian cho việc tham gia chính trị, hay Washington không thể có một cái nhìn dài hơn, các mối quan hệ chiến lược thảo luận từ lâu sẽ vẫn nằm ngoài tầm với.

Đó là một quyết định khó khăn đối với chính quyền Obama. Ở biển Đông, Bắc Kinh không còn “trỗi dậy một cách hòa bình” nữa – mà họ đã trở thành kẻ bắt nạt láng giềng. Việt Nam, dù nền chính trị cũng khó ưa, lại là nước duy nhất ở Đông Nam Á vừa có khả năng và, nếu khuyến khích đúng cách, vừa sẵn sàng chống lại tham vọng Trung Quốc.
Tác giả: David Brown - Foreign Affair
Người dịch: Huỳnh Phan
09-09-2014
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét