Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Tại sao chúng ta không kêu gọi hoà giải hoà hợp?

  • Cuộc chiến Nhật - Trung sẽ không tránh khỏi? (RFA) - Cuộc thăm dò do tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc thực hiện, cho thấy tới 53,4% người dân Hoa lục tin rằng sớm muộn gì cuộc chiến giữa Nhật và Trung Quốc cũng sẽ xảy ra.
  • Nhà xuất bản nói về tác động của tác phẩm Đèn cù (RFA) - Cuối tháng Tám 2014 tác phẩm Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh được nhật báo Người Việt xuất bản tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái cho biết nhận định của ông về tác động của quyển sách này lên chính trị và xã hội Việt nam.
  • VN đòi TQ bồi thường cho ngư dân (BBC) - Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho các vụ tấn công vào tàu cá Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hồi tháng Tám.
  • Tại sao TQ làm đảo ở Biển Đông? (BaoMoi) - Phóng viên hãng BBC đã có chuyến đi thực địa ra tận các đảo ở Biển Đông, nơi TQ đang tăng tốc dự án cải tạo đảo. Vậy Bắc Kinh được lợi gì khi làm như vậy?
  • Obama bàn về IS với Quốc hội (BBC) - Tổng thống Mỹ Barack Obama họp với lãnh đạo lưỡng Đảng tại lưỡng viện Quốc hội để bàn về kế hoạch đối phó IS.
  • Đi vay để tiêu sớm (RFA) - Cuối tháng qua, giới chức Hà Nội cho biết Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu quốc tế trị giá khoảng một tỷ Mỹ kim để đảo nợ. Điều ấy nghĩa là gì?
  • Vì sao U19 Việt Nam thua Nhật Bản? (BBC) - Tâm lý chắc thắng, thể lực và sự can thiệp từ lãnh đạo là nguyên nhân khiến đội tuyển U19 Việt Nam thua Nhật Bản?
  • Nga và Iran tăng cường hợp tác kinh tế (RFI) - Là hai nước đều đang bị phương Tây trừng phạt thương mại, Nga và Iran gia tăng hợp tác kinh tế nhằm thiết lập một đối tác chiến lược mới đối đầu với các nướcÂu Mỹ.
  • Vụ MH17 : Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đến Nga (RFI) - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã đến Matxcơva hôm nay, 10/09/2014, sau khi hôm qua Hà Lan vừa công bố báo cáo sơ bộ về vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraina khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.
  • Nhật Bản bật đèn xanh cho khởi động hai lò phản ứng điện hạt nhân (RFI) - Hôm nay 10/09/2014, Cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân Nhật lần đầu tiên đã thông qua giám định độ an toàn cho hai lò phản ứng điện hạt nhân ở miền tây đất nước. Đây mới chỉ là tín hiệu đồngý về mặt kỹ thuật, bước đầu chuẩn bị cho việc tái khởi động các lò phản ứng phát điện hạt nhân.
  • Hơn 90% dân Nhật nghĩ xấu về Trung Quốc (RFI) - Kết quả một cuộc thăm dò vừa được công bố cho thấy có hơn 90% dân Nhật nghĩ xấu về Trung Quốc, và đa số dân Trung Quốc cũng không có thiện cảm với Nhật Bản, hậu quả của những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa hai cường quốc châuÁ.
  • Trung Quốc đang làm gì ở Trường Sa (BaoMoi) - Trên chiếc thuyền cá lênh đênh giữa đại dương, trước sóng dữ và mưa xối xả, một phóng viên ra quần đảo Trường Sa và phát hiện ra rằng những nơi trước kia chỉ là đá ngầm nay đã bị Trung Quốc biến thành đảo.
  • Tàu Trung Quốc vào gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản (BaoMoi) - Ngày 10/9, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu của Lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Đây là lần xâm nhập đầu tiên kể từ hôm 1/9 và là lần thứ 22 trong năm nay.
  • JCG tiếp tục tố tàu Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản (BaoMoi) - Theo Kyodo, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo sáng 10/9, bốn tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) đã đi vào các vùng lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông.
  • Mỹ, Philippines sắp tập trận chung ở Biển Đông (BaoMoi) - (VTC News) - Tân Hoa Xã dẫn lời quân đội Philippines hôm 9/9 cho hay, quân đội hai nước Philippines – Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân chung thường niên ở Biển Đông vào cuối tháng này.
  • iPhone 6 và Apple Watch ra mắt (BBC) - Apple vừa trình làng các mẫ́u iPhone có màn hình lớn hơn, có chức năng thanh toán điện tử cùng mẫu đồng hồ thông minh.
  • Thời sự qua hình ảnh (RFA) - Khách du lịch chụp ảnh chiếc bánh trung thu lớn nhất thế giới nhân ngày chào mừng Tết trung thu ở thành phố Lan Châu, phía tây bắc tỉnh Cam Túc của Trung Quốc, 08 tháng 9 năm 2014.
  • Những chiếc ghe buồm huyền thoại (BaoMoi) - Sự thần kỳ của những chiếc ghe đội hùng binh Hoàng Sa sử dụng đến nay vẫn còn hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử.
  • Malaysia cho phép Mỹ đặt căn cứ ở Borneo (BaoMoi) - (PL) - Tạp chí Sea Power của Mỹ ngày 8-9 (giờ địa phương) đưa tin Malaysia đã cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ trên đảo Borneo để bố trí các phi đội tuần tra hàng hải P-8A Poseidon.
  • Lập luận chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh (BaoMoi) - Một loạt các hành động của chính quyền Việt Nam và Pháp kể từ thế kỷ 18 đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi rằng Việt Nam đã quản lý trên thực tế, liên tục, và hòa bình quần đảo Hoàng Sa.

Về người bị "bắn thí điểm" trong CCRĐ

Cho đến nay, Cải cách ruộng đất (CCRĐ) 1953-1956 vẫn là một trong những giai đoạn bi thương nhất trong lịch sử phát triển của đất nước. Kết quả là hàng trăm ngàn người bị bắt, giết, gia đình ly tán.

Người đầu tiên được “lựa chọn” để “xử bắn thí điểm” là bà Nguyễn Thị Năm. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, câu chuyện về bà Năm, từ khi bà bị bắn năm 1953 cho đến nay, vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi và còn không ít những uẩn khúc cần tiếp tục được giải mã. 

CCRĐ - bi kịch của lịch sử dân tộc
Để chúng ta có thể hình dung lại, mức độ, quy mô và hậu quả của một trong những giai đoạn bi thương nhất của lịch sử dân tộc, chúng ta cùng nhau trở về thời kỳ 1953-1956.

Tháng 11 năm 1953 Quốc hội VNDCCH nhóm họp và thông qua Dự luật CCRĐ 197/HL. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê thuận và chính thức ban hành bộ luật này vào ngày 19-12-1953 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến, mang tên "Luật Cải cách Ruộng đất". Đồng thời điểm này, Ủy ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đại hội Toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam cũng họp và tổ chức chuẩn bị thi hành CCRĐ sâu rộng trên toàn lãnh thổ. Ủy ban lãnh đạo chương trình CCRĐ và hoạch định tiến trình CCRĐ được thành lập.

Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước phát động và làm tư tưởng chiến dịch.

Trưởng ban chỉ đạo trực tiếp là ông Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí thư Đảng. Trưởng ban chỉ đạo thí điểm khu vực Thái Nguyên là Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng; Trưởng ban chỉ đạo thí điểm vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là Lê Văn Lương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Giám đốc trực tiếp điều hành chiến dịch là ông Hồ Viết Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương đảng.

Chương trình CCRĐ được áp dụng qua bốn bước chính như sau: 
1. Huấn luyện cán bộ

Các cán bộ tham gia CCRĐ được đưa đi học khóa Chỉnh huấn 1953 và một số được đưa đi huấn luyện tại Trung Quốc. Các chương trình học tập nhằm giúp cán bộ nắm vững đường lối của Đảng trong CCRĐ, quán triệt quan điểm: "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ". Tổng số cán bộ được điều động vào công tác là gần 50.000 người. 
2. Chiến dịch Giảm tô
Bước đầu, các đội cán bộ CCRĐ đi vào các làng xã và áp dụng chính sách "3 Cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với các bần cố nông trong làng xã đó, kết nạp họ thành “rễ”, thành “cành” của Đội, sau đó triển khai chiến dịch từng bước như sau:

- Phân định thành phần: Đội CCRĐ ra mắt làng xã, và tất cả các gia đình trong xã được họ phân loại thành 5 thành phần: (a) địa chủ; (b) phú nông; (c) trung nông cứng (sở hữu 1 con bò, 1 con heo, 1 đàn gà); (d) trung nông vừa (sở hữu 1 con heo, 1 đàn gà); (e) trung nông yếu (sở hữu 1 đàn gà hay không có gì cả); (f) bần nông; (g) cố nông. Gia đình có 2 con heo đã có thể gọi là phú nông. Tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5,68% dân số nông thôn và các đoàn và đội cải cách đều cố truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một quy định bắt buộc, gọi là “kích thành phần”.

- Phân loại địa chủ: Tất cả các gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ như nói trên được đội cải cách phân loại thêm một lần nữa thành (a1) Địa chủ gian ác; (a2) Địa chủ thường; (a3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. Thành phần địa chủ gian ác bị đội cải cách bắt ngay lập tức và quản thúc.

- Áp dụng thoái tô: Đối với các gia đình có địa chủ bị bắt nói trên, Đội cải cách thông báo với họ về các sắc lệnh giảm tô của Chính phủ, bao gồm: Sắc lệnh giảm tô xuống còn 25% vào tháng 11-1945, Sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%.

(Cần nói thêm rằng, tại miền Bắc, tô hay địa tô là tiền thuê ruộng mà tá điền phải trả cho địa chủ sau mùa gặt, có thể trả bằng thóc. Căn cứ theo đó, địa chủ nào chưa giảm tô cho nông dân thì bây giờ phải trả số nợ đó - gọi là “thoái tô”. Nếu không trả đủ nợ thì tài sản bị tịch thu, phân phát do nông dân).

(Sau bước này, hầu hết gia đình địa chủ lâm vào hoàn cảnh khánh kiệt, nhiều người đến chỗ tự sát).

- Học tập tố khổ, lùng bắt địa chủ: Các bần nông, cố nông, “gốc”, "rễ" được Đội cải cách cho đi học lớp tố khổ do Đội mở, qua đó học viên được nhận dạng các tội ác của địa chủ và được khuyến khích nhớ ra tội ác của từng địa chủ đã bóc lột họ như thế nào.

- Công khai đấu tố: Ban đầu các buổi đấu tố được tổ chức, thông thường vào ban đêm (do để tránh máy bay địch oanh tạc. Sau đó được tiến hành vào ban ngày). Số lượng người tham gia đấu tố được huy động từ vài trăm đến cả ngàn người. Thời gian đấu tố từ một đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong đêm đấu tố, các bần nông bước ra kể tội địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức cải cách ruộng đất đều cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ đấu tố. Sau khi bị đấu tố các địa chủ được tạm giam trở lại để chờ tòa án nhân dân xét xử. Gia đình và thân nhân người bị đấu tố bị cô lập và chịu nhiều sự phân biệt đối xử thậm chí là nhục hình.

- Xử án địa chủ: Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử các địa chủ. Sau khi kết án, địa chủ bị xử bắn trước công chúng do đội tự vệ xã hành quyết. Những người không được xử bắn thì bị cô lập trong các làng xã.

Tổng cộng có tám đợt giảm tô từ 1953 đến 1956 tiến hành tại 1.875 xã. 
3. Chiến dịch CCRĐ
Nhiều tháng sau khi Chiến dịch Giảm tô được triển khai, chương trình CCRĐ chính thức bắt đầu, với hình thức tương tự nhưng trên địa bàn rộng lớn hơn. Tổng cộng có 6 đợt CCRĐ từ 1953 đến 1956, được tiến hành tại 3.314 xã.

Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Hoa, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ đó đến cuối năm 1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc chỉ đơn thuần bằng một lời tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa án nhân dân cũng có thể xử tử hình hay tù khổ sai đối với người bị tố giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Số người chết trong đợt này là rất lớn, trong đó số người chết oan chiếm tỷ lệ cao. Quyết liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa vào cải cách. 
4. Chiến dịch Sửa sai
Do nhận định chiến dịch CCRĐ giết lầm nhiều người vô tội và gây ra chống đối mạnh trong dân chúng, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ tiến hành các bước sửa sai.

Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 tuyên bố các sai lầm trong CCRĐ. Tháng 3 năm 1956, Quốc hội họp lần thứ 4 tường trình bản báo cáo các sai lầm và biện pháp sửa sai. Ngày 18- 8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm và cho biết Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm. Ngày 24-8-1956, báo Nhân Dân công bố có một số đảng viên trung kiên đã bị hành quyết sai lầm trong chiến dịch CCRĐ. Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ 25-8 đến 24-9-1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm và thi hành kỷ luật đối Ban lãnh đạo chương trình CCRĐ. Kết quả là ông Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư Đảng, hai ông Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị và ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Chấp hành Trung ương.

Ngày 29-10-1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người không tham gia trực tiếp vào chương trình CCRĐ, thay mặt Chủ tịch nước đọc bản báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại nhà hát lớn Hà Nội, kê khai sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố.

Cũng cần phải nói thêm là chiến dịch sửa sai cũng gây thêm chết chóc khi những người được phục hồi trả thù những người đã đấu tố họ oan ức, hoặc chưa kịp trả thù thì bị thủ tiêu trước để tránh việc trả thù.

Phong trào trả thù bằng bạo động lan rộng khiến nhà chức trách phải dùng quân đội trấn áp. Ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có bản báo cáo ghi nhận 20.000 nông dân mang gậy gộc chống lại quân đội khi chính quyền dùng vũ lực để tái lập trật tự.

Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng mà tôi có dịp trao đổi thì việc sửa sai chỉ đơn thuần là phục hồi đảng tịch, quy lại thành phần (từ địa chủ, phú nông trở lại thành trung nông) chứ ít khi họ được trả lại tài sản, nhà đất.

Thậm chí mãi đến năm 2004 (theo báo Hà Nội Mới) thì Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới ra quyết định trợ cấp cho một số trường hợp bị qui sai thành phần và có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kì CCRĐ với mức ba triệu đồng một trường hợp. 
Nguyễn Thị Năm là ai?


Khi cuộc CCRĐ được tiến hành và trớ trêu thay, người đầu tiên được “lựa chọn” để bắn “thí điểm” là bà Nguyễn Thị Năm. Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép, người phụ nữ mới 47 tuổi (sinh năm 1906) này đã bị đem ra xử bắn (năm 1953) và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động “long trời lở đất”.

Vậy bà Nguyễn Thị Năm là ai?

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì “Bà Nguyễn Thị Năm, hay còn gọi là Cát Hanh Long (tên hiệu trong buôn bán giao dịch của bà Năm, được ghép từ tên của hai người con trai của bà là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát-NV) sinh năm 1906 vốn là một phụ nữ giỏi làm ăn trên đất cảng Hải Phòng, từ nhiều nghề khác nhau trong đó có buôn bán sắt vụn, bà đã sớm thành đạt trên thương trường, xây nhà tậu ruộng như thói tục của người xưa vừa làm ăn nơi thành thị vừa bám sát với thôn quê, nhất là vào thời chiến tranh loạn lạc.

Người sớm giác ngộ nhà buôn trẻ tuổi Nguyễn Thị Năm chính là nhà văn Nguyễn Đình Thi tham gia Mặt trận Việt Minh ở Hải Phòng rồi sau đó bà gặp, công tác phục vụ, giúp đỡ nhiều cán bộ cách mạng. Sau này bà là người đã che giấu và nuôi dưỡng nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản, Hoàng Hữu Nhân (Bí thư Thành uỷ Hải Phòng), Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện...

Khó kể hết những đóng góp của nhà tư sản ấy cho cách mạng. Từng ủng hộ Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bảy trăm lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa. Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần lễ Vàng” ở Hải Phòng với hơn một trăm lạng vàng.

Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy đối với một phụ nữ chân yếu tay mềm là bà đã ngồi trên chiếc xe ô tô riêng của gia đình mình, treo cờ đỏ sao vàng, phóng từ Hải Phòng lên thẳng Chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền. Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà chính là người đã trao chiếc búa cho đội tự vệ làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến”.

Cũng vẫn theo nhà sử học Dương Trung Quốc “Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn Hanh là Đại đội phó bộ đội thông tin. Ông Hanh từng bị thương khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ ngay ở Cầu Giấy - cửa ngõ Thủ đô. Còn ông Công từng tháp tùng đoàn đại biểu chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu... vào Huế tước ấn kiếm vua Bảo Đại rồi sau này trở thành một Trung đoàn trưởng nổi tiếng của Sư đoàn 351”.

Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc... Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà cho đến khi bà bị đưa ra đấu tố và bị bắn “thí điểm”. 
Vì sao lại là bà Năm?
Trong Hồi ký của mình ông Đoàn Duy Thành, từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và tiếp theo là Phó Chủ tịch HĐBT có kể: "Sau này khi sửa sai CCRĐ xong, tôi được nghe nhiều cán bộ cao cấp nói lại: “Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp và nói đại ý: ‘Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?”. Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là: “Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!”. Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm!"

Thủa sinh thời, trong một lần trò chuyện với ông Hoàng Tùng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, người từng nhiều năm “điếu đóm” cho Cụ Hồ (ông tự nhận thế) có kể lại rằng (1): "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ Chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng, người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm".

Khi còn sống Giáo sư Trần Quốc Vượng có lần kể lại với tôi rằng theo lập luận của đội CCRĐ thì “Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại. Bản chất của giai cấp địa chủ là rất ngoan cố xảo quyệt và tàn bạo, chúng không từ thủ đoạn nào để chống phá cách mạng. Nông dân phải luôn luôn sáng suốt dù chúng giở thủ đoạn nào”.

Ông Bùi Tín còn kể: “Ông Hoàng Quốc có lần Việt kể lại rằng hồi ấy ông chạy về Hà Nội, báo cáo việc hệ trọng này với cụ Hồ Chí Minh. Cụ chăm chú nghe rồi phát biểu: Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính uỷ trung đoàn Quân đội Nhân dân đang tại chức. Ông hẹn sẽ can thiệp, sẽ nói với Trường Chinh về chuyện hệ trọng và cấp bách này. Thế nhưng không có gì biến chuyển cả”.

Còn tác giả của “Màu tím hoa sim” Hữu Loan thì nói với tôi rằng, việc lựa chọn bà Năm có các nguyên do sau: Thứ nhất, phương châm chính trong CCRĐ là “thà giết lầm 10 người vô tội, còn hơn để thoát một kẻ thù”. CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa bần cố nông và địa chủ (nông dân có ruộng). Do đó địa chủ không thể được lọt lưới, được bỏ sót. Bà Năm lại có đến 2,789 mẫu đất, là một đại địa chủ. Thứ nhì, phát súng đầu tiên bắn vào một phụ nữ để xác định CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp và trong đấu tranh giai cấp không phân biệt địa chủ phong kiến là phụ nữ hay đàn ông. Thứ ba, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của bà, và của các địa chủ khác, cần phải được thủ tiêu để mở đường xây dựng chế độ mới.

Vấn đề được đặt ra ở đây là, người đứng đầu Đảng LĐVN lúc đó có thực sự “bất lực” trước sức ép của cố vấn Trung Quốc mà buộc phải đồng ý cho xử bắn bà Nguyễn Thị Năm không?

Điểm qua như thế để chúng ta thấy được rằng vụ án Nguyễn Thị Năm nói riêng và CCRĐ nói chung còn rất nhiều uẩn khúc. Những uẩn khúc này không phải chỉ liên quan đến các nạn nhân hay gia đình nạn nhân CCRĐ. Nó còn in đậm nét trong tâm trí của những người đã một thời tin vào chủ nghĩa cộng sản, vào lý tưởng cộng sản, trong đó có những người từng trực tiếp tham gia CCRĐ. Những uẩn khúc này cần phải tiếp tục được làm sáng tỏ. 
Bà Năm bị đấu tố và xử bắn như thế nào?

Tôi đã nhiều lần có dịp lên Đồng Bẩm (Thái Nguyên) để tìm hiểu và nghe lại những vị cao niên ở đây kể về vụ án bà Nguyễn Thị Năm, nhưng tiếc rằng, kết quả thu được không nhiều. Năm 2007, tình cờ tôi có đọc được bài viết trên “Người Làng Trà” Nhà báo Nguyễn Thông đã đưa một số chi tiết có liên quan đến bà Nguyễn Thị Năm. Tôi có tìm đến cụ Vãn mà anh Thông nói tới, người được cho là người ở trong nhà bà Năm. Tuy nhiên cụ Vãn đã khước từ kể nhớ lại chuyện cũ.

Theo cuốn “Trần Huy Liệu – Cõi đời” của Trần Chiến, Nhà xuất bản Kim Đồng 2009, thì ông Trần Huy Liệu, lúc đó là uỷ viên Thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách Ruộng đất tại hai xã Đồng Bẩm, Dân Chủ (Thái Nguyên). Ông dự cả hai buổi xử Nguyễn Văn Bính (ngày 18-5-1953) và bà Nguyễn Thị Năm (22-5-1953).thì phiên xét xử bà NGuyễn Thị Năm diễn ra như sau:

“Hôm ấy là ngày 22/5/1953, trời nắng chói chang. Để tránh cái nắng nóng nhiều người đã lấy cành cây che đầu, nhưng vì làm như thế thì người ngồi sau sẽ bị che khuất nên Chủ tịch đoàn đã yêu cầu mọi người vứt lá đi. Phiên tòa hôm ấy khoảng 1 vạn người. Cũng như ngày trước, Chủ tịch đoàn lại ra lệnh cho quần chúng hễ thấy địa chủ vào là đả đảo kịch liệt. Khi bà Nguyễn Thị Năm và hai con Hanh, Công (2) cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính, Chiêu được Đội dân quân dẫn vào các bần cố nông đã bật dậy hô đả đảo vang trời. Có người còn đòi “bọn địa chủ gian ác” phải đứng lên cao và quay mặt tứ phía cho ai nấy đều trông thấy mặt để đả đảo.

Chủ tịch đoàn giới thiệu từng tên “địa chủ ác ôn” và ngắc ngứ đọc lý lịch, nhưng không nêu tội ác cụ thể. Cứ sau mỗi lần như vậy những người tham dự phiên tòa lại hô vang 3 lần: “Đã đảo, đã đảo, đã đảo!”.

Đám đông đã tỏ ra hết sức phẩn nộ trước thái độ của đội Hàm. Đôi mắt anh này cứ gườm gườm đầy thách thức. Nhiều người đã hét lên yêu cầu lính gác phiên tòa “tát cho nó nảy đom đóm mắt ra để nó cúi gằm mặt xuống mà nhận tội”.Rút kinh nghiệm lần trước, Chủ tịch đoàn tuyên bố đề nghị quần chúng phải giữ vững trật tự và không cần đánh đập tội nhân hay bắt quỳ, bò”.

Vẫn theo Trần Huy Liệu: bà Năm, tham gia phiên tòa hôm ấy kể lại rằng: bà Năm cùng đầy tớ là đội Hàm, Chính được cho ngồi trên một cái bục dưới gốc cây. Quần chúng lần lượt vào đấu tố.

Những tiếng hò hét “Mày có biết tao là ai không?”, “Mày dựa vào thế lực nào?”, “Mày cho tao ăn cơm của chó, mèo thế à?”… vang lên rầm rầm. Bầu không khí hờn căm ngùn ngụt ngút trời xanh! Rút kinh nghiệm của lần đấu trước đó là cứ sau mỗi lần hô như vậy là kèm theo một cái tát vào mặt kẻ bị đấu tố, lần này Chủ tịch đoàn yêu cầu: “chỉ đấu tố, không được tát kẻ thù!”

Những người tố được quần chúng cảm động và tán thưởng nhiều nhất là bà Sâm, chị Đăng và anh Cò. Bà Sâm, với một giọng gợi cảm, kể lể vì Thị Năm mà mình phải suốt đời cô độc, có người rơi nước mắt. Nhưng sự thực, nội dung câu chuyện không có gì.

Chị Đăng (3), một người ở của gia đình bà Năm lâu năm, tố lên rất nhiều sự việc bí mật và chi tiết. Nhưng, tiếc là với một giọng quá lưu loát quen thuộc như một người “tố nghề” được huấn luyện nên ít làm cho ai cảm động.

Cũng có những người lên tố, nhưng do trình độ, học vấn không có nên nói không đạt ý, không rõ việc. Không ai hiểu họ nói gì. Một bà tên là Minh nói việc chẩn bần tại đồn điền Đồng Bẩm năm 1945 đã làm bao nhiêu người chết đói, rồi kết luận bằng những câu: “Mày đừng nhận là chủ đồn điền có được không?”, “Mày chỉ có hình thức thôi” và “Mày nói nhân nghĩa mà mày không nhân nghĩa gì cả” khiến người nghe không hiểu tội bà Năm ở đâu.

Còn một ông tên là Giồng tố cáo bà Năm đã cướp gánh cỏ của ông ta để cho ngựa của bà ăn và cướp cả giỏ củ mài làm cho cả nhà ông ta phải nhịn đói.

(Câu chuyện tuy hết sức phi lý và hài hước của ông này, nhưng thật kỳ lạ là sau đó đã được một văn nghệ sĩ làm thành hẳn một bài thơ tràng thiên rất cảm động-NV).

Con gái ông Giồng, hơn mười tuổi, đáng nhẽ cứ kể rành rọt cảnh đói rét của nhà mình phải chịu vì sự bóc lột của bà Năm, nhưng nó lại nói bằng một giọng “bà cự” nên nhiều người không cảm động, mà lại phát ghét.

Hài hước hơn cả là trường hợp của một chị có tên là Lý. Chị Lý tố cáo rằng, chị ta là con nuôi của bà Năm, được bà Năm trang điểm cho để định gả cho một võ quan Nhật. Nhưng sau khi biết chị chỉ là thân phận tôi đòi, không có tiền của gì thì tên Nhật lại không lấy và chị lại bị bà Năm bắt lột trả lại quần áo, trở lại thân tàn ma dại như trước. Nội dung tố cáo chỉ là thế, nhưng vì chị ta vừa nói vừa khóc nên không ai rõ chị ta nói gì.

Tuy vậy, trong đám người tố, vẫn còn sót lại một ít những phong thái cũ. Câu hỏi “Mày có biết tao là ai không?” đã được chủ tịch đoàn ngắt đi bằng câu: “Cứ việc tố không cần bắt nó trả lời”. Một vài cái tát vẫn còn diễn ra. Một người ở Phúc Trừu tố cáo Thị Năm về tội chiếm đoạt ruộng đất khẩn hoang của nông dân và cơi thùng thóc lên để thu thóc, rồi kết luận “Như thế mày có xứng đáng là địa chủ không?”. Một người khác tố Thị Năm, đội Hàm và Lý Nguyên Lập bảo an đoàn ở Phúc Trừu bắt nông dân gác và đánh đập tàn nhẫn, cũng để đi tới kết luận: “Mày là con chó! Chứ không phải địa chủ?”.

Một tá điền tố Thị Năm lấy ruộng của mình đương làm bán cho người khác vì mình không có tiền mua, bằng câu: “Lấy tiền ở mả bố mày mà mua à?”. Nhiều người vẫn gắn vào hai chữ “tiến bộ”: “Mày nói mày tiến bộ mà như thế à?” Đi xa hơn nữa, có người nói Thị Năm lập quán Bông Lau ở thị xã Thái Nguyên để đón gián điệp trong khi ai cũng biết đó là cơ quan sinh lợi của hội Phụ nữ liên hiệp tỉnh Thái Nguyên”. 
Địa chủ ác ghê

Chỉ một ngay sau khi bắn bà Năm, ngày 21-7-1953, báo Nhân dân đăng bài “Địa chủ ác ghê”. Sau đây là toàn văn bài báo:

“Thánh hiền dạy rằng: "Vi phú bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:Giết chết 14 nông dân. Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật. Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào!

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống. Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên. Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.


Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng. Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!”.

Tác giả bài báo được ghi là: C.B. 
Nhà tan cửa nát 
Theo nhà báo Xuân Ba thì ngay sau khi bà Năm bị bắt, Đội cải cách đã nhiều lần khám xét, lục lọi mọi hang cùng ngõ hẻm ngôi nhà, khu vườn của gia đình bà Năm và đem đi tất cả những gí, kể cả dao cùn, giẻ rách,có thể mang đi được. Theo lời cô dâu cả bà Năm thì trước khi bị bắt đưa đi bà Năm còn ném lại cho cô một cái túi đựng đầy kim cương. Trong một đợt khám xét Đội cải cách đã phát hiện ra cái túi kim cương ấy và ra lệnh tịch thu! Tịch thu nhưng không hề có biên bản, giấy biên nhận mà là thu trắng tài sản của bọn tư sản địa chủ cường hào gian ác. “Không biết cái túi của cụ nhà tôi mà đội cải cách tịch thu ngày ấy có mang sung vào công quỹ hay là mang đi làm của riêng?” - Cô con dâu bà Năm sau này mỗi lần nhắc lại việc này đều băn khoăn với một câu hỏi như vậy.

Những người con của bà Nguyễn Thị Năm sau này có một cuojc sống hết sức long đong. Theo nhà báo Xuân Ba thì ông Cát qua đời năm 1989, ở tuổi 64, trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Còn ông Hanh, sau khi Đảng sửa sai CCRĐ, quyết định đưa gia đình con cháu rời Thái Nguyên, mảnh đất đã chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát, nơi mà dẫu những gào thét “địa chủ ác nghê”đã dịu đi đôi chút, nhưng còn đầy thù hận và khổ đau. Ông đưa vợ con, cháu về Hà Nội. Vài người bạn thân hoặc quen biết từng nhờ cậy gia đình ông trước đây cho ở nhờ, Nay đây mai đó. Mãi sau này ông mới tậu được một căn phòng nhỏ ở 117 Hàng Bạc và tá túc tại đó cho tới ngày nay, khi cả hai ông bà đã ở tuổi 90.

Năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát hai con trai của bà Năm đã được công nhận là cán bộ hoạt đông lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn người con dâu Đỗ Thị Diệp, sớm hơn năm 1980 đã được xác nhận danh hiệu cán bộ hoạt động lâu năm.

Còn riêng đối với bà Nguyễn Thị Năm thì người ta mới có động thái duy nhất là hạ thành phần cho cụ từ tư sản địa chủ cường hào gian ác xuống tư sản địa chủ kháng chiến!

P/S: Tôi biết, trong cuộc CCRĐ còn nhiều người bị bắn oan, nhà tan cửa nát, con cháu cũng long đong, lận đận, cơ cực thậm chí còn hơn cả gia đình bà Nguyễn Thị Năm và cho đến nay họ vẫn chưa được viết một dòng nào về số phận của họ, con cháu họ. Tôi muốn dành bài viết này như một nén hương dành cho bà Nguyễn Thị Năm và những nạn nhân như bà để chúng ta, mà không chỉ chúng ta, không bao giờ quên một trong những giai đoạn bi thương nhất của lịch sử dân tộc! 
Lê Thọ Bình
 
----------------------------
Ghi chú:

(1) Sau này trong Hồi ký của mình và trong nhiều bài trừ lời phỏng vấn báo chí Ông Hoàng Tùng vẫn khẳng định lại lời nói này.

(2) Theo một số nhà nghiên cứu khác thì lúc này hai con bà Nguyễn Thị Năm là ông Hanh và ông Công không có mặt trong phiên tòa này.

(3) Chưa xác định được chị Đăng trong phiên tòa này và cụ Vãn mà nhà báo Nguyễn Thông nói trong “Làng Trà” có phải là một không.
  (FB Lê Thọ Bình
 
https://www.youtube.com/watch?v=jn5octvGqyM

Chu Tất Tiến - Tại sao chúng ta không kêu gọi hoà giải hoà hợp?

Gần đây, một vài cuộc tranh luận về chủ trương hòa hợp hòa giải đã tạo sự chú ý của dư luận cùng với việc nhiều nguời chuẩn bị mang  phái đoàn thương mại về Việt Nam. Những lời kêu gọi trên, thật ra, không lạ lẫm gì với nguời Việt hải ngoại. Truớc đây, đã có nhiều nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, chính trị gia đã từng lên tiếng trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề này và đã có rất nhiều nguời đã mang tiền về Saigon, Hà Nội… xin môn bài làm, ăn. Số nguời thành công lớn hay thất bại thê thảm đều được báo chí tường thuật. Còn những nguời khác thuộc nhóm kinh tài cho Hà Nội đang âm thầm tung hoành trên đất Mỹ, mở chợ, mở dịch vụ chuyển tiền, du học, du lịch… Người tị nạn có thể nghe giọng nói đặc biệt của "các đồng chí" đang chỉ tay năm ngón, và đồn đại chợ này của Phan văn Khải, chợ kia thuộc "nón cối", hoặc chỉ suy luận cũng đủ biết sự hiện diện của Cộng Sản ở khắp nơi. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng, những nguời chống Cộng đã phải chấp nhận Luật chơi "Dân Chủ" ở đất Tự Do, trọng Pháp luật này nên không thể làm gì khác hơn là lẳng lặng tẩy chay, không đến, không mua, không giao thiệp với những cơ sở mà nguời ta nói là kinh tài ấy, nhưng cũng có một số nguời vẫn cứ đến vì nhu cầu buôn bán.


Việc Hòa giải Hòa hợp, như mọi vấn đề tranh luận khác, có những điểm thuận và những điểm không thể chấp nhận:

A-BIỆN LUẬN CỦA NHỮNG NGƯỜI MUỐN HÒA HỢP HÒA GIẢI:

Để giải thích cho lời kêu gọi Hòa Hợp này, những nguời chủ trương thường dựa trên vài điểm thuận lợi như sau:

1-Chiến tranh đã chấm dứt lâu rồi, hiện nay đang hòa bình, không nên nhắc lại chuyện cũ. Nên quên hẳn ngày 30 tháng 4, coi như không xẩy ra bao giờ để nhìn về đất nước đau thương, đang cần hàn gắn, mà mau về xây dựng quê cha đất tổ. Yêu thương tốt hơn là hận thù mãi.

2-Thế kỷ hai muơi mốt là thế kỷ của Toàn cầu Hóa, nếu không nhanh chân cải tiến, sẽ tụt hậu với thế giới.

3-Người trong nước đang trông chờ chúng ta mang kiến thức về giúp đỡ họ.

4-Kẻ thù của dân tộc bây giờ là Đói, Nghèo, Lạc Hậu, không phải Cộng Sản.

5-Chế độ bây giờ đã cởi mở nhiều lắm. Nguời Cộng Sản rất tử tế, chỉ cần đừng nói chuyện chính trị là tha hồ yên ổn mà làm ăn. Không có ai theo dõi và bắt nạt Việt kiều nữa.

6-Cả hai miền Nam Bắc đều là nạn nhân của chiến tranh. Thôi, hãy quên đi quá khứ đau buồn, anh em cùng bắt tay làm lại cuộc đời…

7-Chế độ Cộng Sản nhất định sẽ chuyển biến, nếu nguời hải hoại không biết nắm lấy thời cơ, để cho những tổ chức xấu len chân vào thì mất cơ hội.

8-Tôi chỉ về nước để làm văn hóa, chứ không làm chính trị.

9-Tôi về để hát cho dân tôi nghe.

B-THỰC TẾ SAI LẦM:

Nhìn kỹ vấn đề, chúng ta sẽ thấy những lý do để kêu gọi Hòa hợp Hòa giải của những "Việt kiều yêu nước" là sai lầm nghiêm trọng qua cả ba phương diện: quan niệm bình dân, quan niệm thuần lý, và thực tiễn kinh nghiệm.

1-Quan niệm bình dân: Khi một nguời bị kẻ hàng xóm dùng sức mạnh xông vào chiếm lấy tài sản, phải bỏ nhà, bỏ cha mẹ, anh em mà chạy thoát thân, nguời đó là nạn nhân của một vụ cướp đoạt. Khi nạn nhân đó lên tiếng cầu hòa với kẻ cướp, xin cho trở về nhà để chia xẻ làm ăn, nạn nhân đó lại là kẻ không tự trọng,  van xin, cầu cạnh. Khi nạn nhân đó nhân danh tình nguời để xin cho vào nhà đưa thuốc cho bà con còn kẹt lại trong nhà, nạn nhân đó là nguời không hiểu sự việc. Nếu nạn nhân đó lại đề nghị với kẻ cướp cho về cùng điều hành, cùng cai trị, quản lý việc nhà, nạn nhân đó là kẻ mê sảng. Trường hợp người Việt Nam di tản, chạy nạn Cộng Sản còn thê thảm hơn. Bao nguời đã phải liều thân rừng sâu, núi thẳm, sông ngòi, biển cả, để chạy thoát cho được họa tù ngục, xử lý. Ngàn nguời khác phải nhắm mắt nghiến răng nhìn mẹ, vợ, em gái, nguời yêu bị hãm hiếp trước mặt mình, phải che tai để khỏi nghe tiếng kêu cứu tuyệt vọng, tiếng la hét kinh hồn của những nguời sắp chết. Hàng vạn kẻ khác nữa chứng kiến cảnh hải tặc Thái lan, công an Cộng Sản, lính Cam bốt, cướp biển Mã lai giương súng bóp cò liên thanh cho những thân hình thân quen chìm sâu trong lòng biển cả. Hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức đã bị nhốt vào ngục tù, tẩy não, khổ sai. Hàng triệu nguời lưu vong còn hàng đêm mê thấy những ngày đói khổ, hãi hùng, chỉ vì chạy loạn Cộng Sản… Nhà cửa, ruộng vuờn vẫn còn trong tay kẻ chiếm đoạt, thân nhân vẫn nằm trong tù. Nay lại kêu gọi xin nguời Cộng Sản cho về "hòa hợp" chẳng khác gì mất lý trí. Xin về kiếm ăn thì còn được phép vì kẻ cầm quyền không mất vốn lãi gì, chỉ có được lợi về thuế và tham nhũng, nhưng xin về để giữ chức chưởng, nắm bộ này, chỉ huy bộ kia, thậm chí mong làm Thủ Tướng như có kẻ đã mơ tưởng thì thật là mê sảng, điên rồ.

Nguời Cộng Sản, khi thấy những kẻ bon chen như vậy, nhất định phải nổi nóng. Công trạng bao năm chiến tranh chưa hưởng đủ, giờ lại có kẻ ở nước ngoài, no cơm ấm cật, mưu định "áo gấm về làng", dành chỗ thu lợi, hất cẳng tranh phần, thử hỏi nếu không gài cho xe đụng chết, cho cướp đâm lòi ruột, cũng phải làm cho thân bại danh liệt mới hả lòng! Trường hợp Việt kiều "biết điều chung góp" thì nguời Cộng Sản chỉ nhẹ tay đôi chút, chứ không thể tha thứ. Hơn nữa, một khi Việt kiều muốn về nổi đình nổi đám mà lại ở thế "hạ phong" thì nhất định phải lạy lục van xin, kẻ cầm quyền tha hồ tung hứng. Việt kiều lúc đó chỉ là quả banh cho các chuyên viên nhồi qua nhồi lại cho đến khi hết tiền thì một là "tù", hai là mất mạng, ba là bị đuổi về ngoại quốc.

Nhiều kẻ nói "hãy quên quá khứ đi! Chuyện xưa tích cũ không nên nhớ, chỉ hướng về tương lai thôi! Nhớ làm chi cho khổ sầu triền miên!" Thật  đúng là nhớ nhiều chỉ khổ não, nhưng, thực tế, thân phận một con nguời lại gồm ba giai đoạn: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Thiếu một trong ba yếu tố trên, con nguời không còn là Nguời Sống nữa mà là Nguời Chết! Hơn nữa, nếu đã có lúc đến trường học, chắc đã phải học qua môn LỊCH SỬ. Mà, Lịch Sử lại chỉ gồm toàn Quá Khứ!

Quá Khứ của bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng có những giai đoạn anh hùng và những khúc quanh bại liệt, đáng xấu hổ. Ngoài những giai đoạn hưng thịnh, làm cho giặc ngọại xâm khiếp hãi, Nước Việt Nam chúng ta có nhiều thời kỹ kém cỏi: nô lệ, phục tùng xâm lăng, chia cắt, tranh chấp nồi da xáo thịt, mà có lẽ giai đọan đau đớn nhất là thời gian vừa qua. Nhưng đau đớn không phải lý do để cố xóa bỏ những năm tháng đó bằng cách tự lừa gạt mình. Kẻ có gan tự lừa mình nhất định sẽ lừa thiên hạ. Dù cho kẻ đó có danh vọng thế nào chăng nữa cũng chỉ là kẻ đáng xa lánh, hoặc đáng khinh bỉ.

2-Quan niệm thuần lý:  Lý thuyết Cộng Sản từ xưa vẫn chủ truơng "chuyên chính vô sản", đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa Tư bản. Cũng xuất phát từ chủ nghĩa này, mọi quyền Tự do căn bản của nguời dân đều phải đặt duới quyền kiểm soát của chính quyền mà đại diện là Đảng Cộng Sản. Bởi vậy, ngay từ khi sinh ra, một con nguời mới đã trỏ thành một con số đặt duới quyền điều động của đảng cầm quyền, rồi đi học, lập gia đình, làm việc, rồi chết…tất cả mọi sinh hoạt của con nguời đó phải lệ thuộc vào ý định của Đảng. Nguời dân không có quyền tự bảo vệ mình một khi không tuân theo lệnh của Đảng, không nói gì đến việc đối lập với Đảng. Đảng có toàn quyền giới hạn đi lại, tụ họp, phát biểu, ngôn ngữ, hành động. Trước mặt nhân dân là Công An, Quân Đội. Sau lưng nhân dân là nhà tù, là pháp trường, là những nơi lưu đầy biệt tích mà con nguời rơi vào đó sẽ mất tăm như giọt nước rơi vào trong ly nước.

Duới chế độ Cộng Sản, không có luật pháp hiến định. Không có Luật Thuơng Mại, Luật Dân Sự, Luật Hành Chánh, chỉ có Luật Hình Sự do đảng tự đặt ra và bắt dân tuân thủ. Luật sư là những con bù nhìn của chế độ, chỉ nói cho có lệ vì trình độ của Chánh án nhiều khi thấp hơn thư ký. Có những Chánh Án mới đi học cấp Ba bổ túc tại chỗ. Do vậy, mà khi những con nguời Việt kiều quen tự do trở về chắc chắn sẽ trở thành những nhân vật đối kháng nếu không biết uốn mình theo cung cách của một người dân quen bị đàn áp, lưng còng, cổ cò, tay luôn giơ ra trước mặt. Trường hợp thứ nhất, nếu bị bắt vì ham làm giầu thì cả hải ngọai cuời chê, trường hợp thứ hai, tự mình làm nhục mình. Cả hai trường hợp đều đi đến chỗ mất nhân cách.

Mấy năm gần đây, vì muốn lôi kéo Việt kiều mang tiền về, nên nhà cầm quyền đã nới lỏng vài phần sự theo dõi ráo riết, đã ra một vài điều luật khích lệ nguời về quê, nhưng bản chất của họ không bao giờ thay đổi. Họ chỉ kêu gọi Việt kiều chuyển ngân làm thương mại chứ chưa hề mời ai về làm chính trị! Tự Do là Nước, Độc Tài là Lửa. Lửa chỉ chịu thua nước khi nước mạnh, lửa sẽ làm nước bốc hơi khi không đủ nước. 

Viết đến đây, nhiều nguời ngây thơ  sẽ lại hỏi: "Như vậy thì mãi mãi dân tộc mình không hòa hợp được ư? Mãi mãi hận thù sao?"  Không hẳn như thế. Ý niệm Hòa Giải Hòa Hợp là điều mà phần đông những nguời có lòng tha thiết với đất nước rất muốn đạt tới, không một ai muốn bắn hết, giết hết nguời Cộng Sản, dù họ đã thủ tiêu, đã cho "mò tôm", đã giết không biết bao nhiêu nguời từ 1930 tới nay. Nhưng Hòa Giải hòa Hợp như thế nào mới hợp lý?

  Trước hết, phải chính người đã gây ra hận thù (Đảng Cộng Sản) xin Hòa giải với nạn nhân, chứ không phải Nạn nhân xin hòa giải với kẻ gây hận. Nếu có việc hòa giải, việc này lại phải được ưu tiên thực hiện với tám muơi triệu đồng bào trong nước là những nạn nhân trực tiếp, liên tục trong suốt mấy chục năm qua, sau đó mới đến nguời hải ngoại. Bởi vậy, trong khi Đảng cầm quyền chưa hòa giải với nguời trong nước mà người hải ngoại đã mong hòa hợp với Đảng cầm quyền thì chỉ là ước mơ của kẻ thời cơ chủ nghĩa, thấy tình thế có vẻ thuận lợi liền xung phong đi "cắm dùi". Ngòai ra, nếu có trường hợp Đảng cầm quyền muốn nói chuyện với Việt kiều, chắc chắn họ sẽ chọn nguời có uy tín, có tài năng tại hải ngoại, được đồng hương thuơng mến, (có thể là nguời lãnh đạo cộng đồng) để có thể kết hợp cả hai nơi, nhất định không mời kẻ đã bị đồng hương tẩy chay, khinh rẻ. Vì một khi đã mất tư cách với hai triệu nguời di tản, dứt khoát không có tư cách với bẩy chục triệu nguời còn lại. Một khi đã bất tài với một cộng đồng nhỏ bé, không thể chứng tỏ có tài với cả một dân tộc. Những kẻ kêu gọi hòa hợp một chiều này có lẽ nghĩ rằng họ sẽ dựa vào bằng cấp, tài sản, và sự giao thiệp rộng rãi. Nhưng, Bằng cấp cao không  đồng nghĩa với tài đức. Tài sản lớn không đồng nghĩa với lương tâm, trách nhiệm lớn. Một vài nhóm nguời không đồng nghĩa với một lực lượng đủ thế lực xoay chuyển đại cuộc. Ở trong nước còn hàng ngàn nguời dư tài dư đức đang ẩn nấp đâu đó, cần chi đến những kẻ áo mũ xênh xang ở nước nguời? Đảng Cộng Sản chỉ độc tài, tham lam chứ không điên mà phải nhờ đến những phong trào, những cá nhân có cùng chí huớng tham danh, hám lợi, thiếu cả những tri thức căn bản ở hải ngoại để làm chuyện đổi mới. Những nguời đòi Hòa giải một chiều đó đã không nhìn thấy mấu chốt của vấn đề.

3-Thực tế kinh nghiệm: Đảng và Chính Phủ Cộng Sản luôn thay đổi lập trường xử dụng nhân lực, không xử dụng những nguời không phải Đảng viên và không tin những Đảng viên có chiều huớng dung hòa hay đổi mới. Nếu có kết hợp, chỉ là kết giao tạm, sau đó là bỏ rơi hoặc thủ tiêu. Không nói gì đến lịch sử xa xưa mà chỉ nhìn ngay trước mắt. Sau 1975, những người thuộc Mặt trận Giải Phóng, từng vào sinh ra tử, bỏ hết gia đình, tài lộc vào bưng biền chống lại chế độ Dân Chủ miền Nam, đã bị bỏ phế chỉ vì không phải Đảng viên chính thống. Luật sư Nguyễn hữu Thọ, một chính trị gia tên tuổi lớn trên nhiều quốc gia, sau 1975, đã giữ chức vụ vô thưởng vô phạt, ngồi chơi xơi nước. Huỳnh tấn Phát chiến đấu như một anh hùng của Mặt trận, đã chết trong bất mãn. Nguyễn thị Bình, nguời ký bản Hiệp định Paris, sau chiến thắng,  giữ một Bộ chẳng ảnh hưởng gì đến chính trị. Nguyễn thị Định, Phó Tư Lệnh Mặt Trận, một nữ anh thư cầm súng chiến đấu quên mình, nay chỉ là một bà chuyên lo chuyện phụ nữ. Lý quý Chung, Nguyễn chánh Trung, Dương quỳnh Hoa, cả Ngô bá Thành, những nguời góp tay phá chế độ cũ dữ dội, nay buông thả cuộc đời trong những công việc kiếm cơm. Huỳnh tấn Mẫm, đã vào tù ra khám, bị tra tấn mờ nguời, giờ chỉ lo bảo vệ cho bà vợ buôn thuốc phiện lậu. Dân biểu Ngô Công Đức, hãnh diện với tờ báo Tin Sáng sau 75, nhưng chỉ được ít lâu, thì nhận được thư cám ơn:"Nhiệm vụ chính trị đã chấm dứt, nay đóng cửa tờ báo." Tướng Đinh đức Thiện. Trần Bình, Chu Huy Mân, Chu văn Tấn… khi chiến đấu thì đuợc Bác ôm hôn thắm thiết, sau đó thì tên tuổi mờ dần đến khi chết. Hơn muời Tướng tá chết trong vụ nổ máy bay ở Lào giờ vẫn chưa điều tra ra thủ phạm. Riêng Anh Hùng Điện biên Phủ Võ Nguyên Giáp, vị Tướng nổi tiếng khắp thế giới, có bao nhiêu năm ôn lại kỷ niệm cay đắng với câu đồng dao của chính những nguời dân mà ông ta từng bảo vệ:"Ngày xưa Đại Tướng cầm quân, Ngày nay Đại Tướng cầm quần chị em!" Chức vụ đau đớn nhất mà ông phải nhận là Phó Thủ Tướng đặc trách sinh đẻ có kế hoạch!

Như thế, những nhóm nguời chỉ có chút đỉnh công lao là thảo một vài lá thư, tiếp đón một phái đoàn, chiêu đãi ông Đại Sứ, chi tiêu ăn ở mất vài ngàn đôla, viết bài ca tụng Đảng, hoặc tổ chức kinh tài cho Đảng không thể nào so sánh với công trạng của cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và nhất định không có chổ đứng trong chính giới tương lai. Chức vụ Bộ Trưởng, Thủ Tướng của Đảng Cộng Sản không thể nào lại quá rẻ đến như vậy.

Nguời Việt tị nạn, tuy vẫn mang trong lòng một mối hận cho đến khi nhắm mắt, mối hận mất quê hương, mất mồ mả tổ tiên, mất nơi chôn rau cắt rốn, mất tiếng sáo diều, mất con trâu uể oải, mất bụi tre già, mất bạn bè, và trên hết là mất đất đứng, nhưng không vì thế mà căm thù người Cộng Sản chỉ vì họ là người Cộng Sản. Việt Cộng cũng máu đỏ da vàng, cũng cùng tiếng gọi: "Cha, mẹ, quê hương…" chỉ khác tư tưởng và hành động. Người tị nạn, vì bất lực bởi hoàn cảnh, môi trường, không thể đem quân về giải phóng quê hương, chỉ còn biết chờ mong một thời điểm nào đó, một áp lực nào đó, một đổi thay nào đó khiến nguời Cộng Sản phải sám hối, từ bỏ đặc quyền đặc lợi đã bao lâu nay chiếm giữ bất hợp pháp, mà xin Hòa Hợp Hòa Giải với chính dân tộc của mình. Như Liên Xô, như Đông Âu, như Bắc Hàn. Lúc đó, chính những nguời Hòa hợp Hòa giải mới là Anh Hùng. Như Gorbachev đã một thời là anh hùng của cả Liên Xô vậy.
Chu Tất Tiến

-Trần Đức Thảo sống và chết như thế nào.

Đanchimviet
GS Trần Đức Thảo        http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2014/09/tdthaos.jpg
                                                          GS Trần Đức Thảo
Tôi đã đọc Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối qua lời ghi chép lại của Tri Vũ- Phan Ngọc Khuê với nhiều trăn trở, nhiều đêm mất ngủ, buồn cũng có và thương tiếc cũng có và cuối cùng chỉ còn biết thở dài với một thứ triết lý bi quan: Quả đúng là một kiếp người-. Quả đúng là một hành trình chữ nghĩa đầy gian lao và khổ cực phải đối đầu với nỗi sợ thường trực hầu như suốt đời. Cái đói no vốn là thiết thân với sự sinh tồn của con người, vậy mà so với nỗi sợ hãi bị theo dõi và ám hại xem ra còn nhẹ nhàng hơn nhiều.
Đọc từng đoạn, từng trang. Mỗi trang mỗi đoạn là mỗi vấn đề-vấn đề của vấn đề- mà rất khó để tổng kết lại.

Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo là khổ lụy trăm chiều. Vẫn biết rằng người ta ai cũng khổ, làm sao tránh được. Nhưng nỗi khổ của Trần Đức Thảo là những cặp đối kháng như đen với trắng, giữa lý tưởng và thực tế, giữa nhân cách và quyền lực, giữa bản năng sinh tồn và lý trí, giữa điều thiện và tội ác, giữa dối trá và sự thật, giữa ta và người. Và cuối cùng giữa mình và chính mình.
Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo phải nói là đầy những năm tháng khốn cùng. Sự khốn cùng ấy bắt đầu từ chính cái nhân cách con người ông. Nếu ông là hạng người chịu uốn lưng, chịu cúi đầu, chịu quỳ gối, chịu uốn lưỡi thì cái khổ chỉ có một phần. Nhưng chết nỗi ông sống thẳng, sống trung thực giữa một xã hội của bầy thú, gian manh, dối trá, lừa bịp, tàn bạo, bất nhân, ác độc, kìm kẹp nên nó đã nghiền nát ông.
Nó không để cho ông có cơ hội làm người sống trung thực. Nhiều lúc, ông cũng đã bị buộc phải nói tiếng nói của người phi nhân cách, phi ngã.( Impersonnalité).
Ở đây, tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét của ông Hoàng Hoa Khôi phản ánh đúng con người Trần Đức Thảo, trước đó cũng ở trong nhóm Trôskyt vào những năm 1944-1946 khi ông Thảo còn ngụ ở nhà số 10 Sorbonne, quận 5, Paris, ông Khôi viết:
‘Những ai quen biết ông đều biết ông là người ‘kiêu hãnh’(fier), tự tin, tự trọng. Ông không kiêng sợ ai và không ai làm ông phải khâm phục. Con người ngang tàng và thông minh ấy đã bị bộ máy Stalinien bẻ gẫy, nghiền nát. Con người ấy đã phải sống khuất phục hàng chục năm, dưới một chế độ đầy quyền lực, tôn ti trật tự, sùng bái lãnh tụ’. [1]
Chính cái cá tính con người Trần Đức Thảo đã là nguyên cớ cho những hệ lụy cuộc đời ông. Và đó cũng là cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của riêng ông với chế độ để sống còn.
Và cuối cùng vào lúc cuối đời, vào lúc mọi hy vọng đều tắc nghẽn, ông đã vượt thắng được tất cả, vật ngã kẻ thù- vật ngã cái trục của điều xấu. Ông đã hối hận vì đã sai lầm, vì đã đồng lõa với điều xấu trong nhiều năm.
Và để chuộc lỗi lầm, ông đã dùng sự thông minh, tài nhận xét, sự lý luận để xô ngã được thần tượng Hồ Chí Minh và chà đạp dưới chân ông chủ nghĩa Mác xít mà ông từng đeo đuổi trong suốt cuộc hành trình chữ nghĩa của ông.
Cuộc sống của ông ngoài chuyện cầm bút, có thể chưa chắc ông đã làm được điều gì ích lợi cho bản thân mình, cho gia đình mình. Nhưng chết, ông đã chết xứng đáng, để lại cho đời sau một thông điệp rất rõ ràng: Hồ Chí Minh là một tên đại bịp như Tào Tháo và chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa phi nhân, không có con người.
Theo tôi, chừng đó đủ rồi. Đừng đòi hỏi thêm nữa.
Nhưng nhiều lúc tôi tự hỏi một người thông minh trác tuyệt như ông, phải đợi đến cuối đời mới nhận ra mình sai lầm? Ông có bằng một tên thợ nề vô học không? Tôi còn nhớ bản thân tôi khi di cư vào miền Nam, tôi mới chập chững bước vào trung học. Chẳng bị ai tuyên truyền, chẳng bị ai xúi giục, chẳng tôn giáo nào rỉ tai vô Nam.. Vậy mà như một sự thúc đẩy bên trong- không phải bằng sự thông minh- mà bằng một bản năng sinh tồn- thúc dục phải đi thôi. Đi bằng mọi giá. Thầy tôi do dự không muốn đi có thể vì tiếc của. Phần tôi nhủ thầm, nếu gia đình không đi thì tôi sẽ một mình ra đi một mình.
Điều gì khác biệt giữa một trí thức cỡ Trần Đức Thảo và một thằng nhỏ 12-13 tuổi đầu như tôi. Ai là người sáng suốt, ai là người chọn đúng con đường phải đi?
Vào những năm 1950 sống ở bên Tây, lẽ nào ông không biết đến những biến cố chính trị xảy ra giữa Đông Đức- Tây Đức?[2]
Cho đến bây giờ, những câu hỏi ngờ vực này vẫn lẩn quẩn trong đầu chưa có một lời giải đáp thỏa đáng. Phải chăng ông sinh ra nhầm thời đại và chọn nhầm chỗ cư ngụ, nhầm chế độ? Nhiều người cũng hỏi giống như tôi. Tác giả Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê cũng hỏi bác Thảo một câu tương tự. Câu trả lời của ông Thảo thật đơn giản: vì tôi có một lý tường muốn về để phục vụ đất nước.
Đã bao nhiêu trí thức, nhân tài của đất nước hy sinh và chết cả cuộc đời vì hai chữ yêu nước ?
Nói cho cùng, đó là cái dại của ông- chỗ đáng sống ông không chọn như Paris hay Saigon- lại chọn Hà Nội. Chọn Hà Nội là tự chọn vào cái chỗ chết.
Đúng như bố của ông than thở: Về như vậy là mày tự giết mày rồi! Mà cũng là giết cả mẹ mày và tao nữa. Thảo ơi! Phải chi mà mày học được cái nghề như thợ nề, thợ máy, thợ mộc gì.. thì đỡ khổ cho tao biết mấy…(..) Chúng nó đã xúi mày đi vào chỗ chết. Có là điên mới đi theo chúng nó. Mày về đây là mày giết mày giết cả tao đấy Thảo ơi là Thảo ơi! [3]
Chính cái mà ông gọi là lý tưởng đã hại chẳng những mình ông mà hại cả trăm, cả ngàn, cả vạn người sau này. Họ đã viết lên những lời tự thú tội mà danh sách những người này mỗi ngày mỗi dài. Người chót trong danh sách ấy hiện nay là một ông già 85 tuổi tên Trần Đĩnh trong cuốn Đèn Cù. [4]
Giả như ông cứ ở Paris hay về Sài Gòn thì cuộc sống và tương lai chữ nghỉa của ông sẽ như thế nào? Sẽ có 10 cuốn Phénoménologie thay vì chỉ có một cuốn.
Nếu ông ở lại bên Pháp, ông sẽ được chào đón bởi những người trí thức hàng đầu của Pháp về triết học như J.P Sartre và nhóm Les Temps modernes, hay nhóm chủ thuyết Hiện tượng luận như Merleau Ponty hay nhóm cộng sản trong Les enjeux, Révolution và nhất là người học trò đã nhận ông là bậc thầy duy nhất về triết thuyết cộng sản Althusser.
Chữ nếu ấy đã không bao giờ xảy ra mà chỉ vì lòng thương tiếc ông mà ta tự đặt ra thôi.
Và nếu ông về Sài gòn thì sao? Lại nếu. Thật là quá trễ để nói về điều ấy. Nhưng qua vài dòng ông thố lộ sau đây cho thấy Sài Gòn vẫn là mảnh đất dung thân cho đủ loại trí thức của dòng chảy di cư sau 1954.
Thật vậy, khi được Trần văn Giàu và Trần bạch Đằng thu xếp vận động cho ông Thảo vào sống ở Sài Gòn. Ông đã ngạc nhiên không ít khi nhìn thấy Sài Gòn lần đầu- một Sài gòn đã bị bần cùng hóa và tha hóa sau 1975- mà cái ông nhận ra chỉ là những rớt lại như những mảnh ván trôi bập bềnh trên biển sau khi con thuyền đã chìm:
‘Mới đặt chân xuống cái thủ đô của miền Nam này, mọi sự đã làm tôi kinh ngạc. Qua bao nhiêu năm chiến tranh gian khổ mà sao Sài Gòn nó lại khang trang hiện đại như vậy? Tôi cứ ngỡ cả miền Nam đói khổ vì bị Mỹ-Ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc đã phải ‘cắn hạt gạo làm tư’ để cứu giúp miền Nam cơ mà.. Và mọi người ở đây nói năng cởi mở thoải mái như vậy? Ngay những cán bộ Đảng ở đây cũng có thái độ tự do quá. Họ đãi đằng, giễu cợt tôi, coi tôi cứ như anh mán, anh mường ở rừng mới được về thành phố. Phải nói thẳng ra là có một điều của Sài Gòn đã làm tôi bàng hoàng đến cùng cực. Đó là những bài hát của một anh chàng nhạc sĩ trẻ của miền Nam, nói đúng ra là của Mỹ-Ngụy chứ không phải của Đảng. Tên anh ta là Trịnh Công Sơn. Các bài hát của anh ta mang nỗi niềm day dứt, oán trách chiến tranh. Cứ như anh ta khóc than thay cho cả dân tộc ở cả hai miền Nam Bắc. Giữa những năm tháng chiến tranh một mất một còn ác liệt như thế mà sao anh ta dám cất lên tiếng kêu than như vậy. Những lời ca của những bản nhạc đã làm tôi xúc động bồi hồi không cầm được nước mắt. . [5]
Cả một đất nước, cả một dân tộc đã bị nhiễm độc vì những lời tuyên truyền dối trá như thế- trước đây và bây giờ vẫn tiếp tục.- Tội cho con người, tội cho thế hệ mai sau mà chưa biết đến lúc nào, đến bao giờ chúng ta giải trừ được cái nọc độc ấy.
Có thể nói trong toàn bộ cuốn Những lời trăng trối, đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất chỉ một lần thôi, Trần Đức Thảo có những lời khen trân trọng với niềm xúc động đối với miền Nam Việt Nam!!
Miền bắc cộng sản trong toàn bộ cuốn sách hầu như tuyệt đối không có trong mắt của Trần Đức Thảo.
Và nếu sự việc xảy ra chỉ khác một chút thôi- cái giây phút chóng vánh gặp Hồ Chí Minh- nếu ông đã nhận ra được cái dã tâm của con người ấy trong lần tiếp xúc đầu tiên- may ra ông sẽ tránh được những nghịch cảnh đau lòng sau này.
Làm gì sau này ông phải sống cái cảnh giữa chuột và Người. Cả một đàn chuộc đủ loại con lớn con nhỏ đã rúc rỉa ông, sói mòn ông sống như thằng điên, thằng khùng, tiêu tan sự nghiệp, mất cả vợ vào tay ngưới khác.
Ông nhớ lại như một hồi ức đau thương ở Hà Nội vào những năm ấy, họ nhất loạt tố cáo ông như trường hợp Phạm Huy Thông với bài: Mặt thật của Trần Đức Thảo.
Ông Trần Đức Thảo với nhân cách cao vời đã không chấp đám học trò. Nhưng được cật vấn về trường hợp Phạm Huy Thông, ông bất đắc dĩ bày tỏ như sau:
‘Anh chàng ấy hồi ở Pháp thì tôi có biết, nhưng không thân..Sau này nhân vụ đấu tố nhóm Nhân Văn Giai Phẩm thì Phạm Huy Thông đã ngả theo phe Tố Hữu để tố khổ tôi một cách hằn học thật là tồi tệ bất ngờ. Cách thức tố cáo, buộc tội tôi như thế đã làm cho y sau này bị xấu mặt cả đám văn nghệ sĩ cán bộ. Bởi lúc ấy, những gì mà mỗi trí thức đã viết ra, thì đều phơi bầy cái mặt trái, mặt thật xấu xa, hèn kém của họ’. [6]
Hay bội bạc hơn nữa, cảnh trò tố cáo thầy như trường hợp nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến. Nguyễn Đình Chú. Và chua chát nhất là bài của của một môn sinh phản thày: ông Khắc Thành trong bài Quét sạch nọc độc Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết học.
Cảnh chuột và Người chỉ có thể xảy ra ở Hà Nội. Và chỉ ở Hà Nội. Ai là chuột ai là Người trong những tên tuổi sau đây trong giai đoạn đấu tố Trần Đức Thảo:
Có cả một chiến dịch nhằm đánh phá vào một mình ông với các tên tuổi như: Bác sĩ Hồ Đắc Di, giáo sư Phạm Hữu Tước, giáo sư Nguyễn Lân, giáo sư Nguyên Hoán. Trường Giang, Thiều Quang, Ngô Vi Luật, Chu Thiên, Lê Dân.
Cả một danh sách dài biên niên mà Lại Nguyên Ân đã ghi lại. Nay thì những đàn chuột ấy ở đâu?
Đấy là món nợ của trí thức Hà Nội mà không một ai trả nổi dù đây đó đã gióng lên những lời xin lỗi. Bởi vì ai là kẻ gây ra món nợ này? Cứ hỏi và cứ hỏi đi và câu hỏi cứ ‘ trèo “ lên cao mãi, phải chăng là Tố Hữu? Cũng không phải, Trường Chinh cũng không nốt mà trèo lên đến đỉnh điểm thì còn trơ trọi có một người. Người đó là Hồ Chí Minh- Đẹp mãi tên Người-. Chính con người ấy mới là thủ phạm chính- thủ phạm trù dập Trần Đức Thảo đến tận đất đen-. Hồ Chí Minh có thể tha tội chết cho ông, chứ không tha tội sống. Cũng chính Hồ Chí Minh là người đã dẫn đưa đất nước đến hố sâu của sự bần cùng và tụt hậu, phá sập trật tự pháp luậ, trật tự xã hội và trật tự đạo đức như hiện nay. Sau này, muốn khôi phục lại có thể mất hàng thế kỷ vị tất đã xong.
Trần Đức Thảo là người đã nhân danh con người tố cáo và vạch trần thủ phạm Hồ Chí Minh ngày hôm nay.
Vì thế nay chính quyền cộng sản muốn trả món nợ ấy cho Trần Đức Thảo thì thật không đơn giản và nhẹ nhàng thoải mái như khi trả nợ cho Lê Đạt, Trần Dần, ngay cả Nguyễn Hữu Đang hay bất cứ ai khác. Với Lê Đạt, Trần Dần, có khi chỉ cần cho họ trở lại biên chế, trả lương bổng, cấp cho vài cái bằng khen và cho phép cầm bút trở lại thì họ đủ bằng lòng và xóa nợ tất cả.
Nhưng đối với Trần Đức Thảo khi ông đã nhiều lần gọi tất cả lãnh đạo cộng sản là chúng nó- chúng nó tính từ Hồ Chí Minh trở xuống đến Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn- thì những nhân sĩ, trí thức, nhà văn miền Bắc lấy tư cách gì mà đòi trả nợ cho Trần Đức Thảo? Cho dù nay ông còn sống, ông cũng không cần ai trả vì theo ông những kẻ tố cáo ông thì tự họ làm xấu mặt họ..
Kẻ tố cáo bỗng nhiên trở thành kẻ bị cáo.
Nhưng đối với ông chết là để sống trung thực. Và ông đã làm được điều ấy. Vậy thì có đáng gì một cái huân chương để trên nắp quan tài nhà triết học? Một thứ nghi lễ trang trí, dối trá và bịp bợm. Một thứ văn hóa cộng sản theo nghĩa hôm nay nó giết mình, mai nó cho người mang vòng hoa đến phùng điếu!! Hãy đọc đoạn văn sau đây của nhà văn Phùng Quán về tính bi hài kịch của thứ văn hóa cộng sản. Bài viết với nhan đề: Hành trình cuối cùng của một triết gia.
Lần này triết gia trở về Tổ Quốc trong khoang hành lý máy bay, chiếm một chỗ hết sức khiêm nhường. Triết gia đã hóa thân thành tro nằm trong cái bình bằng kim loại sơn mầu xanh thẫm hơi giống một chiếc cúp bóng đa và cũng to bằng cỡ đó…(..). Về đến Hà Nội vì không có gia đình vợ con, không có cơ quan nào nhận để thờ, hoặc để quàn….nên triết gia phải tạm trú dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 , đường Phùng Hưng Hà Nội.
Tôi được biết triết gia là người chiếm kỷ lục thời gian tạm trú ở đây. Năm mươi ngày đêm.Và mỗi ngày đêm tiền thuê phòng là 5000 đồng..Nhưng Trần Đức Thảo thuê phòng mà diện tích tranh thủ chưa đầy một mét vuông..Khách thuê phòng này lại không dùng đến giường, đệm, chăn màn, tivi, tủ lạnh, điện thoại riêng, máy điều hòa nhiệt độ, toa lét, nhân viên phục vụ.. tính chi li theo tôi còn đắt hơn cả khách sạn 5 sao.
Triết gia phải tạm trú lâu như vậy là phải chờ quyết định trên, có được đưa vào Mai Dịch hay phải về Văn Điển..
Sau 50 ngày chờ đợi, tốn mất 250 ngàn tiền phòng, triết gia đã được trên quy định đưa về mai táng tại khu A Văn Điển, khu vĩnh viễn hưởng thụ đúng tiêu chuẩn quy định.
Mộ của ông khá đặc biệt. Bình tro được đặt trong tiểu sành, tiểu sành được đặt dưới khuôn huyệt bên trên có nắp bê tông đậy kín. Như vậy là ông được mai táng theo quy cách các nhà giàu cổ xưa: trong quan ngoài quách.
Đây có lẽ là sự xa xỉ độc nhất trong cuộc đời triết gia quá ư thanh bạch của ông, mà nếu biết được, tôi tin chắc ông sẽ kịch liệt phản đối. [9]

Đoạn văn trên của Phùng Quán nói đến hành trình cuối cùng của triết gia- một hành trình được diễn ra với kịch tính, thô bỉ và không thiếu sự đểu cáng.
Nhưng sau đây là Hành Trình khởi đầu cho một cuộc đời bất hạnh với đầy gian khổ.
Con đường Paris-Luân Đôn-Praha-Moscou-Bắc Kinh- Việt bắc là con đường không bằng phẳng-chông gai, gập ghềnh ngay từ đầu- mà Trần Đức Thảo đã tự chọn. Hồ Chí Minh đã từ chối không cho ông về. Ông phải cậy cục đảng cộng sản Pháp đến cả lãnh đạo Liên Xô để được về chiến khu Việt Bắc. Đây là khúc nhạc khởi đầu cho một liên khúc kéo dài trong suốt 40 năm. Chọn ai không chọn lại chọn một người mà sau này chính ông gọi là một thứ gian hùng chẳng khác gì Tào Tháo..
Ông đã sống như thế- sống vất vưởng, tủi nhục- vì chính những chọn lựa của mình. Khó mà trách ai được. Nhiều lúc tưởng ông như một người đi trên mây, dở khùng, dở dại. Nhiều lúc tưởng chừng bộ máy nghiền cộng sản đã bẻ gẫy ông. Trong vụ Nhân Văn Giai phẩm, rõ ràng đảng sai ông đúng. Vậy mà ông cũng đã có lần cúi đầu thú tội: Ông đã xin lỗi trước đảng và trước nhân dân. Ông cũng đã thú nhận là trong nhiều lần học tập, ông cũng đã phải dơ tay như mọi người hô: Nhất trí, nhất trí.
Ông cũng biết nhẫn nhục, cũng biết sợ chết và hầu như cả đời ông bị ám ảnh về nỗi sợ hãi bị ám sát.
Nhưng khi chết, ông đã để lại một di sản tinh thần vô cùng quý báu- không phải những sách như Phénoménologie et matérialisme dialectique(1951)- Sách này đã làm nên danh phận ông- mặc dầu vậy nó có cũng được không có cũng không sao.
Bời vì, thứ chủ nghĩa mà ông đeo đẳng gần như suốt cả cuộc đời nay ông đã rũ sạch. Nó chỉ còn là một món hàng bị phá sản mà chính chủ nhân của nó đã tìm cách bán tống bán táng đi rồi.
Cuối cùng một điều tối quan trọng. Sống có thể ông không làm được gì-.
Ông đã tỏ ra ‘vô ích” khi còn sống.
Nhưng cái chết của ông chỉ đến lúc ông nằm xuống, người ta mới biết được tất cả sự thật. Đảng tưởng rằng đã loại trừ được một tên cộng sản quấy rầy- un communiste dérangeant. -Đảng mới bật ngửa ra là đã không khai trừ nổi được ông.
Lúc ông chết mới thật sự là lúc ông sống thật với ván bài lật ngửa.
Ông đã có thể thất bại suốt cuộc đời dù rất có thể, ngay cả cái cái chết của ông đã bị nghi ngờ là người ta đã ám toán ông bằng thuốc độc. Cứ như đọc diễn tiến mấy ngày cuối đời trong Những lời trăng trối của ông thì phải đi đến kết luận là ông đã bị đầu độc đến thượng thổ, hạ tả và khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì ngày hôm sau, ông đã tắt thở.[10]
Mặc dầu vậy, vượt mọi toan tính đê tiện của những kẻ thù, ông đã để lại được chúc thư cuối đời qua cuốn Những lời trăng trối.
Đây là sự bất ngờ vượt mọi dự đoán của kẻ thù ông. Ông đã đánh lừa được tất cả mọi người. Đánh lừa bằng cách gỉả điên, giả ngu ngơ, giả khờ dại, giả câm điếc. Từ những kẻ muốn ám hại ông đến những người quý mến ông, những trí thức ở Paris đều tưởng ông đã hết thời, đã ăn nói lẩm cẩm.
Nhưng mọi người có thể đã lầm. Ông đóng kịch khéo quá, khéo đến như thật.
Nay tất cả mọi người đều ngỡ ngàng về tập sách Những lời trăng trối…
Ngỡ ngàng là phải, vì những lời trăng trối chết người này; những lời tâm huyết có thể quyết định sinh mạng Trần Đức Thảo và cũng có thể trở thành lưỡi liềm phạt cỏ dưới chân của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản.
Đáng nhẽ, những lời trăng trối này phải được trao cho những trí thức thiên tả như Nguyễn Ngọc Giao mới phải. Nguyễn Ngọc Giao là người đã giúp đỡ ông nhiều trong thời gian trước đây ở Sài gòn trong việc in sách. Nguyễn Ngọc Giao cũng là người đã tìm nơi ăn chốn ở và tiền tài trợ mỗi tháng 10.000 fr cho Trần Đức Thảo- một mối giao tình vừa là tình bạn vừa theo nghĩa ‘đồng chí’. Hoặc chị X, cũng thuộc cánh trí thức tả thường đến thăm ông thường xuyên tại phố Le Verrier..
Tôi tự hỏi tại sao ông không chia sẻ tâm sự với các đồng chí của ông?
Không!! Trần Đức Thảo không tin ai cả, nhất là những thành phần cùng phe phái như cánh tả, dù có liên hệ bạn bè. Ông sợ họ và sợ lây lan đến những kẻ cầm quyển.
Trớ trêu và oái ăm thay! Ông lại tin và trút hết tâm sự cho hai người xa lạ, một người kể như chưa hề quen biết ông. Đó là giáo sư Canh và Tri Vũ- Phan Ngọc Khuê.(Tôi không được rõ Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê là hai người hay một người)
Tôi đã tìm được câu trả lời. Với thói quen quán tính, cả đời ông chỉ gặp những kẻ thù lúc nào cũng sẵn sàng rình mò để sẵn sàng tố cáo ông.
Còn hai người khách lạ này đến với ông bằng một tấm lòng. Và nhất là họ là người Sài Gòn- người quốc gia-.Xin đọc:
‘Canh và tôi –(một người gốc gác ở Quy Nhơn, một người ở Sài Gòn)-đều rất xúc động khi phải chứng kiến cảnh một vị giáo sư từng một thời vang danh ở Paris, mà nay phải hạ mình bàn cách bán tiếng nói, bán chữ để kiếm sống qua ngày(…)Canh cũng bỏ vào túi áo nhà triết học một chút tiền. Chúng tôi rất ngạc nhiên và cũng rất ái ngại khi nhìn thái độ ngượng ngùng của bác Thảo khi tiếp nhận sự trợ giúp ấy. Phải cố cầm nước mắt, để gượng cười với nhau. Những tâm sự u buồn ấy đã làm chúng tôi im lặng khá lâu khi cùng nhau đi ra xe. [11]
Ở một chỗ khác, ‘Bác Thảo lắc đầu mỉm cười tê tái, mắt ngấn lệ. Chúng tôi nhìn bác thấy thảm thương quá, không cười theo được. [12]
Chính ở những tình tự con người xuất phát từ những con tim mà có tương giao con người mà có chia sẻ, có tín cẩn và có chỗ giãi bầy tâm sự mà cả cuộc đời 40 năm ở xã hội cộng sản, bác chưa hề một lần bắt gặp.
Cũng chính ở chỗ đó mà có được tập sách này. Xin cám ơn con người. Cám ơn tác giả gốc gác miền Nam.
Trong khi đó, phần đông trí thức thiên tả ở Paris chỉ muốn tìm lại ở Trần Đức Thảo – một cái hào quang quá khứ như chỗ dựa cho sự suy tàn của cánh tả- hoặc tìm lại một con người thông minh sắc sảo của thập niên 1950 như một đồng chí, như một niềm vinh hạnh.[13]  Nhưng Trần Đức Thảo đã làm họ thất vọng. Họ lẳng lặng bỏ rơi ông như một thứ món hàng bị phế thải. Sau khi nghe ông Thảo thuyết trình về Triết học của Staline ở trường đại học Denis Diderot thì mọi người đều thất vọng. Ông Lê Thành Khôi bỏ về nửa chừng. Nguyễn Ngọc Giao, một người có lòng muốn giúp đỡ ông Thảo nhiều trong việc tìm chỗ ăn, chỗ ở cho ông Thảo than:
‘Ông trình bày xong thì tôi ra về, không ở lại nghe phần hỏi đáp..(…) Nghe ông nói bữa ấy, tôi buồn quá. Dường như tôi không phải là người duy nhất cảm thấy buồn…[14]
Nay nếu có dịp đọc tập sách Những lời trăng trối thì Nguyễn Ngọc Giao sẽ buồn hay vui?
Bẽ bàng hơn cả có thể là viên Đại sứ Trịnh Ngọc Thái ở Pháp đã bị Trần Đức Thảo qua mặt sau cái chết có thể do chính y đạo diễn..tưởng rằng đã tịch thu được mọi tài liệu tại ngôi nhà số 2 Le Verrier ngay sau khi ông Thảo chết vào 2 giờ sáng ngày 24 tháng tư năm 1993. [15]
Y đã nhầm và tính sai một nước cờ. Nước cờ của ông Trần Đức Thảo đi xuất phát từ lòng nhân ái mà y không thể tiên đoán trước được. Y quen thủ đoạn, y quen lừa lọc nên không hiểu thế nào là tình con người.
Và tại Sài gòn, một nhân vật quyền thế nắm sinh mạng Trần Đức Thảo là Sông Trường, y chính là người đã trục xuất Trần Đức Thảo ra khỏi Việt Nam với một vé máy bay có đi mà không có về. Y bị Trần Đức Thảo lừa một cách tủi nhục. Hãy nghe y nói với Trần Đức Thảo:
‘Chúng tôi đã bố trí, đã chuẩn bị cho anh một lối thoát vừa danh dự vừa lý tưởng. Vì anh chưa nghĩ thấu đáo đấy thôi. Tất cả đã sẵn sàng rồi! Nhất định là anh không thể lưu lại cái đất Sài Gòn này như vậy nữa đâu! Đảng đã quyết định, nhất định là anh sẽ phải ra đi thôi!!! [16]
Sự thật theo lời ghi lại của ông Trần Đức Thảo thì ông đã bị trục xuất ra khỏi Việt Nam như một thứ vật dư thừa, thứ đồ phế thải.
Nhưng họ lại gọi đây là một chuyến đi công tác.
Vì thế, mới có bài viết: Về chuyến đi công tác tại Pháp của giáo sư Trần Đức Thảo tháng 3- năm 1991- 24 tháng 4 năm 1993 của ông Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.[17] Chuyến đi công tác này có nhiệm vụ đi giải độc về những gì Georges Boudarel được coi là đã viết sai về Nhân Văn Giai Phẩm tại Việt Nam. Từ ông Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Linh và ông Hồng Hà đều bằng lòng bố trí cho Trần Đức Thảo sang Paris. Chính ông Hồng Hà đã ký công văn số 624-CV-TU cử giáo sư Trần Đức Thảo sang Pháp để nghiên cứu khoa học. Sau đó ông Thảo đã được cấp vé máy bay và ăn ở tại Paris trong thời gian 6 tháng..
Đọc những thông cáo chính thức trên cho thấy tính cách bịp bợm của lãnh đạo cộng sản. Một mặt gọi là chuyến công tác giải độc những điều viết sai trái của G. Boudarel. Nhưng trong công văn chính thức lại ghi là đi nghiên cứu khoa học!!
Khôi hài. Ông Trần Đức Thảo là triết gia biết gì về lãnh vực khoa học- khoa học gì mới được- mà nghiên cứu?
Phần Đức Thảo khi được hỏi về vấn đề này đã giải thích như sau:
- Thế bác không lo làm công tác vận độn sự ủng hộ cho chính sách của đảng và nhà nước à?
- Lúc mới qua thì buộc lòng phải nói thế thôi! Chứ có vận động khỉ gì đâu, Hôm ấy cứ bị chất vấn: vận động cái gì, vận động như thế nào, vận động những ai… làm tôi bối rối.(..). Chẳng lẽ lại nói tôi trở qua Paris là không có mục đích gì sao? Hoặc nói là qua đây để ngồi viết sách, để người ta cười cho à? [18]
Ông tiến sĩ Cù Huy Chử- một cánh tay của đảng-. Ông tự cho mình là người được ông Trần Đức Thảo tín nhiệm và đã trao hết di sản tinh thần cho ông nắm giữ. Và mới đây, vì chưa có cơ hội đọc cuốn Những lời trăng trối, ông đã tổ chức vinh danh Trần Đức Thảo theo kiểu ‘nhổ ra rồi lại liếm’.
Cho đến ngày hôm nay, cuốn sách của ông Trần Đức Thảo gây được tiếng vang lớn trên thế giới thì ở bên nhà, ông Cù Huy Chữ vẫn giữ im lặng.
Nội dung cuốn sách Những lời trăng trối bàng bạc từng chi tiết, từng sự việc, dù là chuyện lớn, chuyện nhỏ, dù là chuyện liên quan đến Trần Đức Thảo hay không chỉ tóm tắt vào hai chủ đề lớn: Hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bằng chứng minh, bằng lý luận, bằng những nhận xét sâu sắc để vạch trần bộ mặt thật của Hồ Chí Minh.
Về điểm này, từ xưa đến nay, chưa ai có đủ tư cách cũng như can đảm làm được như ông.
Điểm thứ hai, ông chứng minh và cho thấy rằng Marx sai lầm. Staline sai lầm và trong chuỗi lý luận ấy Hồ Chí Minh chỉ là kẻ ăn theo hiển nhiên là sai lầm.
Theo tôi, cho dù có theo đuổi chủ thuyết Mác Xít thì qua những trải nghiệm đau thương về Cải cách ruộng đất, về Nhân Văn Giai Phẩm, Trần Đức Thảo nói cho cùng là một triết gia gia Mác Xít nhân bản( Humanisme Marxiste) theo như một số nhận định của nhiều người.
Với quan điểm nhìn ấy, dù ông không còn nữa, ông đã xóa sổ đảng cộng sản Việt Nam!!
Nói cho cùng sự trả giá của ông không phải là vô ích.
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt
————————————————–
Chú thích:
[1] Hoàng Hoa Khôi, Một nhận định về Trần Đức Thảo, Paris, tháng 8.1993, Thông Luận 64, tháng 10.93
[2] Vào những năm 1950, có  khoảng ba triệu người Đông Đức bỏ trốn sang Tây Đức. Bỏ trốn bằng mọi cách như nhảy lầu, chui đường ống cống, đào đường hầm, chui qua hàng rào thép gai. Chả nhẽ Trần Đức Thảo chỉ chúi đầu vào sách?
[3] Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 160
[4]  Trích Trần Đĩnh,  Đèn Cù: Một hôm Trần Ðức Thảo được thư ký của Lê Duẩn là Nguyễn Ðức Bình đến đón, bằng xe hơi, trong khi nhà triết học đang sống trong cảnh nghèo nàn, túng thiếu, bị cả bạn bè bỏ rơi vì đã tham dự nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, viết những điều ngược lại với chủ trương văn hóa của Ðảng. Nguyễn Ðức Bình nói ông tổng bí thư muốn đọc cho giáo sư nghe để xin ông góp ý kiến về một bài đang viết: “Ðề cương về vấn đề con người.” Ngồi trong phòng khách, chỉ có ba người, Lê Duẩn độc thoại được mấy phút thì Nguyễn Ðức Bình nhắc Trần Ðức Thảo hãy ghi những lời ông tổng bí thư nói. Trần Ðĩnh cho biết một thói quen của các quan chức, cán bộ là khi nghe cấp trên nói gì thì họ cũng ghi chép chăm chú những lời vàng ngọc, chứng tỏ lòng kính cẩn và trung thành. Thấy triết gia cứ ngồi im, Bình chạy đi lấy giấy, bút đến đặt trước mặt. Triết gia vẫn không ghi chép gì cả. Khi Duẩn ngưng, Nguyễn Ðức Bình nhắc: “Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý kiến.” Trần Ðức Thảo ngơ ngác một lát, rồi thú thật: “Tôi không hiểu gì cả.”
Ngay lập tức ông tổng bí thư chạy ra đằng sau Trần Ðức Thảo, hay tay quàng ôm lấy ngực triết gia, xốc lên, dội xuống mấy lần, rồi “buông thịch” xuống một cái cho ông giáo sư rơi xuống ghế ngồi. Lê Duẩn bỏ đi vào phòng trong. Bình trách mắng ông giáo sư tại sao “nói không hiểu gì cả,” rồi cũng đi vào. Trần Ðức Thảo còn một mình, không biết lối ra, phải hỏi mấy người hầu trong nhà đường nào đi ra cổng, rồi về nhà mình.
Trần Ðức Thảo nói thật lòng. Ông không hiểu Lê Duẩn nói cái gì. Trần Ðĩnh hỏi tại sao không hiểu. Triết gia trả lời: “Khái niệm không chuẩn gì cả!”
[5] Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Trần Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối, trang 210
[6] Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối, trang 346, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ.
[7] Hoàng Ngọc Hiến, trong bài viết Cách cho của giáo sư Trần Đức Thảo, phần chót của bài viết, ông thú nhận:Năm 1958, trong đợt  đấu tranh tư tưởng ở trường Đại Học Tổng Hợp, tôi đã phê phán Trần Đức Thảo hết sức gay gắt trong một bài tham luận. Cũng như mọi triết gia, ông Trần Đức Thảo là người độ lượng. Ở nhà trí thức lỗi lạc này, tôi còn cảm nhận một điều gì đó lớn hơn sự độ lượng. Trích trong báo Văn Nghệ, số 1, Bộ mới, tháng 7-1993, trang 2
[8] Lại Nguyên Ân, Món nợ với giáo sư Trần Đức Thảo, 5-5-2013
[9] Bút ký của Phùng Quán, Hành trình cuối cùng của một triêt gia, báo Người Hà Nội, trang 1-2 số 32 ( 332), ngày 8-8 đến ngày 14-8-1993.
[10] Ông Hoàng Hoa khôi viết :Theo lời kể lại của những bạn bè xung quanh ông Thảo, đảng vẫn cảnh giác đề phòng những việc ông làm, những bài ông viết tại quán trọ LeVerrier. Thậm chí nhiều người còn đặt nghi vấn về cái chết bất ngờ và nhanh chóng của ông. Ibid, Thông Luận 64
[11]  Trần Đức Thảo Ibid, trang 38-40
[12] Trần Đức Thảo, Ibid, trang 195
[13] Đám trí thức thiên tả này đã chót bám theo Đảng. Nay biết rõ bộ mặt thật thối tha của Đảng. Bỏ thì không nỡ, chống thì chống nửa vời thành ra một đám người lạc loài, một loại trí thức ‘cánh tả Caviar’ con nhà giàu ngồi nói thánh nói tướng, bất kế thực tại đất nước bên nhà ra sao..
[14] Nguyễn Ngọc Giao, Với Trần Đức Thảo, một chút duyên nợ, Diễn Đàn Xuân Tân Mão
[15] Trong bài Mort d’un philosophe militant, Jean-Paul Jouary tiết lộ cho biết Thảo đã kín đáo chuồn tất cả tài liệu viết bằng tiếng Pháp cho họ mà nay chưa có điều kiện để đăng lại tất cả.
[16] Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 236
[17] Cù Huy Chử, Cù Huy Song Hà: Về chuyến đi công tác tại Pháp của giáo sư Trần Đức Thảo( tháng 3 năm 1991- 24 tháng tư năm 1993). Viet- Studies ngày 18-9-11
[18] Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 31
*****************************8

PHẦN II

I- Giải mã bộ mặt thật của Hồ Chí Minh
Ngày 5 tháng sáu, năm 1946 đánh dấu lần đầu tiên ông Trần Đức Thảo được gặp Hồ Chí Minh tại Paris. Trong buổi chiêu đãi ‘phái bộ cụ Hồ’, ông Thảo đã hồn nhiên vội vã thân mật ra nắm chặt tay Hồ chủ tịch và nói:’ Tôi rất hân hạnh gặp cụ chủ tịch. Cụ Hồ cũng vui vẻ đáp: Chào chú Thảo.. Vào cuối bữa ăn, Hồ chủ tịch kêu gọi anh em Việt kiều về nước tham gia kháng chiến. Trần Đức Thảo hăng hái nhận lời ngay và nói ông Hồ: Tôi rất mong ước được về nước cùng cụ xây dựng thành công một mô hình cách mạng tốt đẹp tại quê hương ta. Và để đáp lại lời ông Thảo: ông cụ lúc ấy chỉ mỉm cười nhạt, nhưng nét mặt thì vẫn lạnh lùng khi nhìn tôi. Tới lúc Hồ chủ tịch lần lượt bắt tay từ biệt mọi người. Khi bắt tay tôi thì ông cụ nói với tôi một cách nghiêm nghị:
- Còn chú Thảo này thì cách mạng chưa cần tới chú lúc này đâu. Chú cứ ở lại Paris thì có lợi cho cách mạng và cho chú hơn. [19]

Và kết quả là có bốn Việt kiều cùng về với ông Hồ là: ba kỹ sư Phạm Quang Lể, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước.
Sự loại trừ ông Trần Đức Thảo của ông Hồ rõ ràng đến như thế mà xem ra ông Thảo vẫn không nhận ra.
Hồ Chí Minh khi sang Pháp hẳn đã nắm hồ sơ Trần Đức Thảo trong việc ông cộng tác với nhóm Troskyt để thành lập Ủy ban Đại diện Việt kiều( Delégation Générale des Indochinois en France), đại diện cho 20.000 Việt kiều ở Pháp..Và năm 1946, ông cũng là người tuyên bố công khai bất đồng ý kiến với Hiệp Định sơ bộ mà ông Hồ ký. [20]
Số phận ông Thảo không giống số phận của Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu thuộc nhóm cộng sản đệ tứ được kể là điều may rồi. Tạ Thu Thâu còn dại dột vì câu nói: Ngoài bắc có cụ trong Nam có tôi. Trần Đức Thảo cũng dại dột không kém khi nói với Hồ Chí Minh: Tôi rất mong về nước để cùng cụ xây dựng thành công.
Nói như thế là tự cho là ngang hàng với Hồ Chí Minh, một xúc phạm đến lãnh tụ đến không tha thứ được. Anh là cái thá gì mà đòi cộng tác, cùng cụ xây dựng!!
Ông Thảo cũng đã thừa nhận rằng, ông cụ phải là trên tất cả và không cho phép ai tỏ ra ngang hàng với Người.
Trong khi đó TS Cù Huy Chữ đã viết lại kỷ niệm ngày 27-7-1946 trong buổi gặp gỡ giữa ông Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng có phần khác hẳn[21]. Ông không có dù một chữ nói về cuộc gặp vắn vỏi giửa Hồ Chí Minh và Trần Đức Thảo.
Sự che giấu ấy nay trở thành sự thật lộ liễu quá. Điều gì các ông ấy không nói ra, điều đó mới là sự thật.
Sự thật như Trần Đức Thảo tiết lộ là Hồ Chí Minh đã có ác cảm với ông ngay từ buổi gặp gỡ lần đầu tiên với Việt Kiều tại nhà ông Raymond Obrac, người đã có nhã ý cho mượn nhà để làm buổi tiếp tân.
Trần Đức Thảo cảm thức được rằng kể từ nay, thân phận người trí thức như ông sẽ bị bóng ma Bác Hồ phủ lên. Từ đó, Trần Đức Thảo suy luận thêm rằng trên bác Hồ có bóng ma của Mao Trạch Đông, trên Mao Trạch Đông có bóng ma của cụ tổ Marx.
Và dân chúng ở ngoài bắc cùng một lúc chịu bị đè bởi hai bóng ma: Bóng ma Liên Xô và bóng maTrung Quốc. Đấy là thảm cảnh đi căng giây cũng là thảm cảnh của cả dân tộc.
Trần Đức Thảo nói thêm: Vậy mà ông cụ cứ tưởng mình tài giỏi, cứ tưởng mình đã tạo ra những trang sử oai hùng cho dân tộc, cứ tưởng mình có tài khuynh đảo các nước lớn, tưởng mình xoay vần được lịch sử… theo ý mình, nhưng cuối cùng mới nhận ra là nước mình vẫn nằm trong vòng cương tỏa của mấy thế lực nước lớn.[22]
Mặc dù cả đời Trần Đức Thảo, ông chỉ được gặp Hồ Chí Minh một vài lần. Nhưng ông là một trong những người hiếm hoi nhận ra con người thực của Hồ Chí Minh. Chỉ cần một chút quan sát, một chút trải nghiệm, Trần Đức Thảo đã nhìn ra nhiều mặt trái của con người ấy. Đó là một con người tự tôn mình, tự coi là trên hết biến sự sùng bái cá nhân như một thứ giáo điều. Từ cách ăn mặc theo kiểu lãnh tụ áo bốn túi, có cổ, cái mũ đội đầu, chòm râu, cái gậy chống, phong cách đi đứng, nói cười giả lả bề ngoài, mặc cái áo mưa, cách xưng hô bác cháu, cách phát biểu, ngay cả cái phong cách bề ngoài xem ra bình dân đều là có chủ đích, có tính toán rất kỹ càng. Trần Đức Thảo kể lại trong lần gặp ra mắt Hồ Chủ tịch, cán bộ nghi lễ đã dặn kỹ ông, phải đứng cách xa bác ba thước, không được nói, khi nào Bác hỏi mới được nói. Phải xưng hô bác, bác, cháu cháu. Lê Duẩn có thể còn hơn tuổi Hồ Chí Minh cũng không ra ngoại lệ nói chi đến những Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp.
Đó là cả một màn kịch mà đạo diễn chính là Hồ Chí Minh.
Ông tạo ra một phong cách của một lãnh tụ duy nhất, không giống ai và ở trên mọi người. Mọi quyết định lớn nhỏ đều do ông cả. Một việc nhỏ như kê khai lý lịch của Trần Đức Thảo, dưới không dám quyết định cũng phải trình lên lãnh tụ. Kiếm một việc làm cho Trần Đức Thảo, người nọ đùn người kia đến Phạm Văn Đồng cũng phải hỏi ý kiến Bác. Một chân thư ký cho Trần Đức Thảo cũng bị Hồ Chí Minh bác không cho. Cứ để cho nó đói rã họng mới hết kiêu căng. Việc cải cách ruộng đất làm chết hàng vạn người cũng do Hồ Chí Minh quyết định cả. Theo Trần Đức Thảo, Hồ Chí Minh đã che bộ râu, giả dạng làm người dân thường và đi dự những buổi đấu tố để xem xét và đưa những chỉ thị cần thiết như chỉ đấu tố vào ban đêm dưới ánh lửa bập bùng tạo ra không khí huyền bí, sợ hãi, gây được sự căm thù giai cấp, biến những nông dân hiền lành chất phác thành thứ côn đồ của đảng. Cho nên việc bắn một người phụ nữ có công với cách mạng như bà Nguyễn Thị Năm không thể không có sự đồng ý của Hồ Chí Minh. Chính Hồ Chí Minh quyết định giết bà Nguyễn Thị Năm, nhưng sau này cứ đổ thừa cho Tầu cộng sản.
Về điều này, ông Trần Đĩnh trong Đèn cũ cũng đã nói rõ.
Dự những cảnh đấu tố hãi hùng với tiếng hò hét của đám đông, ánh lửa bập bùng, thân người quằn quại sau một loạt súng cộng với tiếng kêu khóc, tiếng cầu kinh, tiếng than van của nạn nhân, Trần Đức Thảo rụng rời tay chân: Bỗng thân xác Thảo run lên lên lập cập vì xúc động, như một cơn sốt rét mãn tính bất ngờ ập tới, mồ hôi lạnh toát ra từ trán tới chân, nước mắt tuôn trào, hàm răng run lập cập..(…) Thật ra thì những tiếng súng chát chúa hạ sát mấy thân xác đồng bào tội nhân ấy đã như bắn vào chính thân xác Thảo, đã vĩnh viễn đập tan tành giấc mộng trở về góp công sức xây dựng một mô hình cách mạng mà nhân loại trông chờ. [23]
Nhưng mọi việc làm của Hồ Chí Minh đều được che đậy và nếu cần đổ trách nhiệm cho người khác. Bác đóng vai một người nhân từ, đóng vai một lãnh tụ hết lòng với đất nước. Bác chơi gái như mọi người- chơi nhiều gái mà phải là gái còn trẻ- nhưng vẫn đóng kịch là Cha già dân tộc, hy sinh cả đời, không vợ con. Đám cận thận từ một tên bảo vệ đến ông Tổng bí thư đều biết rõ con người thật của Bác: Một thứ gian manh, quỷ quyệt, độc ác, mất nhân tính. Nhưng bác vẫn dặn đám bầy tôi phải làm thế này, thế kia. Còn Bác làm cái gì thì kệ Bác.
Rồi tiếp theo từ cách tự đặt tên minh với những ý đồ đầy cao vọng như : Ái Quốc, Tất Thành, Chí Minhvv đến tự viết Hồi ký khen tặng chính mình là một thứ cao ngạo, giả dối cao độ. Khát vọng quyền lực, khát vọng một lãnh tụ được tôn sùng tuyệt đối là có thật noi con người Hồ Chí Minh. Và ông dùng mọi thủ đoạn, nếu cần, để đạt được. Di chúc viết ra thì như thể Bác không muốn bày vẽ tốn kém, xuềnh soàng cho xong. Nhưng trong bụng Bác thì biết rằng chúng nó sẽ làm cho long trọng, ướp xác để đời đời nhân dân nhớ ơn Bác.
Từng chi tiết một, từng lời ăn tiếng nói, từng việc làm, từng lời tuyên bố của Hồ Chí Minh đã bị Trần Đức Thảo bóc trần. Có thể nói, từ trước tới nay, chưa một ai dám viết lột tả hết mọi mọi điều gian dối, nói lên hết những thối tha, những bi kịch làm người như dưới ngòi bút của Trần Đức Thảo. Người đọc chia xẻ ngầm với những con chữ ấy, cho dù đó là một câu chuyện rất bình thường có thể chẳng liên quan gì đến Hồ Chí Minh như sau đây:
Thảo đứng nhìn bữa cơm chỉ có một đĩa rau muống duy nhất, bên cạnh nồi cơm trơ trọi y như bơ vơ, như thiếu vắng, nhớ tiếc một cái gì vừa mất. Y như Hà Nội đang nhớ tiếc một thời chưa xa, nhưng nay không còn nữa! Thảo lớn tiếng:
- Mời bố mẹ dạy xơi cơm.. Ông bố vẫn nằm im không trả lời. Nằm im lặng thêm một lúc, không biết nghĩ sao, ông bố ngồi dậy, từ từ đi sang một góc chiếu trõng che rồi nói:
- Mẹ ăn cháo chứ chưa ăn được cơm. Lát nữa bố sẽ nấu cháo cho mẹ. [24]

Câu chuyện bữa cơm trong một gia đình trung lưu như gia đình Trần Đức Thảo, chỉ bằng một vài việc phác họa đã là một lời tố cáo chế độ bất nhân không có cách gì bào chữa được.
Và để chấm dứt phần này, xin trích một đoạn mô tả cái thực trạng miền Bắc những năm sau 54 và ngày nay còn tồi tệ gấp bội phần. Nơi ấy, không còn ai dám nói tới nhân phẩm, đạo đức nữa. Cứ như thể cả một nền văn hóa đểu giả càng ngày càng phát triển đã tạo ra một xã hội tàn nhẫn đến mức thô bạo mà một Hà Nội mới với cảnh vừa bán, vừa chửi, vừa bán vừa xua đuổi khách hàng. Nói năng thô lỗ, giọng ba que xỏ lá:
- Chỉ có vậy thôi, mua thì mua không mua thì cút.
- Ông cút thì ông ‘đ’ mua!
- Mày về mà ‘đ’ mẹ mày ấy..
Đọc đoạn này không khỏi sót sa cho ông. Trần Đức Thảo không còn là một triết gia nữa mà là một nhà văn hiện thực phê phán như một Nam Cao!!
Phần hai: xoá bỏ chủ nghĩa Mac-Xít- Staline
Cái éo le nhất của cuộc đời cầm bút của Trần Đức Thảo là ông được nhìn nhận nơi xứ người như một nhà tư tưởng lớn. J.P. Sartre coi ông là một trong số hiếm hoi những người Mác Xít không chìm đắm trong tụng niệm mà dám xông pha- một thứ Marxiste combattant- để làm thế nào cuộc đời nhất quán với triết lý. Đem triết lý vào hành động như một thứ dấn thân của một người Mác Xít lý tưởng.
Paul Mus, trong Sociologie d’une guerre viết: Ngay từ 1946, không một ai nói hay hơn nhà tư tưởng có tương lai lớn này..(..) mà những phân tích tâm lý của ông trong những bài đăng trong Les temps modernes, dưới mắt tôi, là một thu hoạch hoàn tất.
Sự trở về Việt Nam của ông nằm trong ý nghĩa đó, đem cái hiểu biết, đem cái lý thuyết Mac Xít về áp dụng vào thực tế Việt Nam.
Nhưng tiếc thay, ông đã không được bất cứ lãnh đạo cộng sản cao cấp nào đón nhận vì nhiều lý do, trong đó có lý do trình độ quá thấp kém của họ. May ra có một người là cụ Cao Xuân Huy có thể chia xẻ về những quan điểm về Hiện tượng học Husserl- một chuyên ngành của Trần Đức Thảo- trong một chương nhan đề: Do lai của ý thức. [25]
Mặc dầu vậy, tôi khó chia sẻ với những thuật ngữ triết học có tinh chuyên ngành mà cụ dịch và sử dụng như vật thể kiên xác ( Solides), vật tự nó (en soi), có chỗ cụ dùng vật tự thân, nội chấp (Intentionnel)vv Những thuật ngữ này ở miền Nam trước 1975 hầu hết đã trở thành những chuẩn ngữ quen dùng cũa những người dạy và học triết ở miền Nam.
Thật khó cho Trần Đức Thảo có thể gieo trồng một cây triết học dù là triết học Mác Xít ở một vùng đất mà phần đông giới lãnh đạo đều vừa qua bậc tiểu học.
Ngay như có đủ vốn triết học và thông thạo tiếng Pháp, vị tất đọc đã hiểu được triết học. Tôi chỉ lấy trường hợp triết gia hàng đầu về chủ thuyết Mác Xít ở Paris như một thí dụ,- ông Louis Althusser tự thú như sau, xin lược dịch: Tôi có đọc chút ít về Hégel, đọc chút ít về Aristote. Kant thì không. Còn những Spinoza, Heidegger, Husserl; tôi đã chẳng hiểu họ viết gì. Freud cũng thế cũng như phần đông độc giả của ông ta. Nếu tôi biết chút ít là do suy đoán, tệ hơn nữa cứ nhận đại là mình biết đi.
Trần Đức Thảo lạc lõng giữa đám người ít học ấy. Ngay cả khi ngồi trước đám môn sinh sau 1954 ở Hà Nội, liệu có ai hiểu được ông thày muốn nói gì?
Tuy nhiên, cái khó khăn của Trần Đức Thảo không phải chỉ nằm ở chỗ đọc hiểu hay không hiểu. Một khó khăn đặt ra bây giờ và những thế hệ sau này muốn đọc là ông sử dụng hai thứ tiếng để biểu đạt tư tưởng của mình: Tiếng Pháp và tiếng Việt.
Chính ở chỗ này, cần phân biệt có hai Trần Đức Thảo.
Có một con người Trần Đức Thảo viết tiếng Pháp suôi chảy và con người viết tiếng Việt còn thiếu bộ danh từ triết học. Đã thế viết tiếng Việt lại phải qua hàng rào kiểm duyệt. Viết cây dừa có dấu huyền mà nó bỏ dấu huyền thành cây dưa là đời đi đoong rồi. Lại nữa chỗ nào ông viết thật, chỗ nào ông viết nịnh bợ?
Hai con người ấy phơi bầy hai lối nhìn, nhiều khi hai tư cách trái ngược nhau.
Viết tiếng Việt, có thể Trần Đức Thảo phải viết theo đơn đặt hàng hoặc viết sao để vừa lòng chế độ như các bài về: Tìm Hiểu giá trị văn chương cũ hay Nội dung xã hội truyện kiều. Cái gọi là Tấm biển chỉ đường của Trí tuệ..Bài Hịch Tướng sĩ của Trần Hưng Đạo và xã hội Việt Nam trong thời kỳ thịnh của chế độ phong kiến.
Đặc biệt trong đó có bài viết về Thằng Bờm trong Tìm hiểu giá trị văn chương cũ mà ông yêu cầu mọi người từ nay phải gọi Bờm là anh Bờm. Vì Bờm biểu tượng cho giai cấp nông dân chống lại địa chủ phong kiến. Hóa ra tranh đấu giai cấp đã có từ thời thượng cổ thì cần gì đến ông thầy Mác?
Đọc bài này của ông mà muốn chửi thề!! Hình như đây không phải là Trần Đức Thảo mà là bóng ma Hồ Chí Minh nhập vào Trần Đức Thảo.
Tuy nhiên, số lượng bài viết này không nhiều, cũng chẳng đáng nói tới so với số lượng các đề tài liên quan đến lãnh vực triết học mà ông để lại.
Một cái tuy nhiên nữa là trong số những tài liệu tiếng Việt ấy có cuốn Vấn đề con người và Chủ nghĩa ‘Lý luận không có con người’ được in và xuất bản khi ông vào ở trong Nam. Cuốn sách mỏng chỉ khoảng 140 trang này có thể được xuất bản là nhờ cái không khí chính trị miền Nam tương đối khoáng đạt hơn miền Bắc và nhờ có sự yểm trợ tinh thần của những người như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng. Vậy mà sau này nó cũng bị Hà Nội ra lệnh tịch thu.[27]
Về phần triết học Tây Phương của Trần Đức Thảo, tôi chỉ xin trích dẫn ý kiến của giáo sư H.L Van Breda, người có trách nhiệm bảo quản các tài liệu của nhà Hiện tượng học Husserl ở đại học Louvain bên Bỉ.. Husserl là người Đức, gốc Do Thái nên ông phải tẩu tán tài liệu của ông sang Bỉ  [28] khi Hitler lên nắm quyền. Có bốn trí thức ở Paris có quan tâm đến triết học Hiện tượng luận là Merleau-Ponty, J.Hyppolite, Lm Geigner và Trần Đức Thảo vào những năm 1942-1946. Vì thế, họ phải liên lạc với giáo sư H.L Van Breda để tiếp cận tài liệu Husserl. Chính vì thế mà Trần Đức Thảo mới có điều kiện viết cuốn triết học làm ông nổi tiếng. Đó là cuốn La Phénoménologie et le Matérialisme dialectique.( (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng). [29]
Nội dung cuốn sách này là Trần Đức Thảo có tham vọng muốn trình bày thuyết Hiện tượng luận đem áp dụng vào chủ nghĩa duy vật biện chứng. Tham vọng này cũng giống như J.P Sartre muốn đem triết thuyết hiện sinh vào thuyết Mác Xít. Và đây cũng là đầu mối việc J.P Sartre mời Trần Đức Thảo trao đổi với J.P Sartre trong năm buổi trao đổi. Việc trao đổi này sau ở miền Bắc nhiều người phóng lên rằng J.P Sartre đã thua Trần Đức Thảo. Đã có mấy ai đủ trình độ và có tài liệu để nói đến chuyện thua được. Vả lại, trao đổi triết học mà nói đến thua được là trẻ con, chưa hiểu gì về tính chất của triết học.
Theo phần đông các triết gia Pháp cho rằng ông Thảo là người hiểu và trình bầy một cách sâu sắc và tương đối dễ hiểu về Hiện tượng luận hay phương pháp hiện tượng luận của Husserl.
Tuy nhiên phần hai của cuốn sách- phần áp dụng Hiện tượng luận vào chủ thuyết biện chứng duy vật biện chứng thì thật bất xứng với ông(indigne de lui), Có thể phần hai ông Thảo đã triển khai chưa đúng mức và có phần vội vã.[30]
Tôi chỉ trích dẫn lại ý kiến của các nhà triết học mà về phần tôi, chưa đủ trình độ để hiểu được đến nơi đến chốn.
Theo ý kiến thô thiển của tôi trong cái hiểu biết có giới hạn về Trần Đức Thảo, tôi vẫn cảm thấy gần gũi với ông mỗi khi ông cho rằng triết học dù là Mác Xít-Lênin đi nữa thì vẫn là thứ triết học về con người và lấy con người làm đối trọng.
Đây là một điều mà tôi cho là đáng trân quý nhất so với những luận thuyết trừu tượng với những thuật ngữ quá chuyên biệt ngoài tầm tay của mình.
Có muốn dựa cột mà nghe cũng không được.
Và phải chăng tôi tự hỏi vì thế ông viết cuốn Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người, trong đó ông phê phán nặng nề Louis Althusser. Althusser là một trong những triết gia, nhà tư tưởng cộng sản hàng đầu của Paris vào các năm từ 1965-1980. [31]
Tôi gọi cái phần ưu vượt của triết lý Trần Đức Thảo là một thứ chủ nghĩa nhân bản Mác Xít( Un humanisme marxiste). Một thứ chủ nghĩa hầu như xa lạ và đối nghịch với Staline, với Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh.
Tôi cũng cảm nhận ông có một bước tới gần với các triết gia nhân bản xã hội Âu Châu mặc dầu còn rất nhiều khoảng cách giữa họ.
Nhưng tôi cũng không thể đồng tình với tác giả Cù Huy Chử trong một bài viết Tư Duy triết học Trần Đức Thảo và tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.
Đây là một gán ghép có tính áp đặt. Cho đến nay, chưa mấy ai có thể chỉ ra chỗ nào là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh nếu có chỉ là tư tưởng thuộc loại Luân lý Giáo Khoa thư hay tư tưởng công dân giáo dục dạy cho học sinh trong các trường trung-tiểu học.
Xin Tiến sĩ Cù Huy Chử nên từ bỏ những điều nghiên cứu ngoài lãnh vực của ông để xứng danh với danh xưng tiến sĩ của ông. Xin tha cho làm phước.
Nhưng nếu căn cứ vào cuốn sách Những lời trăng trối của ông, tôi nhận thấy Trần Đức Thảo muốn vứt bỏ hầu như toàn cái gia tài triết học của ông- gia tài sùng bái chủ nghĩa Mác Xít. Và Về phần này, xin nhường để ông hiển lộ tất cả những sâu kín đã chôn chặt, đã dấu kín và nỗi lòng của ông. Ông thố lộ :
‘Từ lúc tôi khám phá ra là tôi đã sai lầm, đã một thời đứng trong hàng ngũ tội ác, đã mù quáng cả tin vào ý thức đấu tranh giai cấp của Marx, thì sự tỉnh thức ấy làm tôi sung sướng. Bởi như thế là tôi đã tự giải thoát chính tôi, đã tự giải phóng chính tôi. Tôi đã trở thành con người tự do! Tôi đã đạt tới tâm trí thanh thản trong sáng của con người tự do, tư tưởng không còn bị gông cùm của ý thức hệ.
Và nay dĩ nhiên là tôi phải phủ nhận tất cả những gì đã viết lúc đang sùng bái Marx..

Xin tiếp tục đọc những lời trăng trối của ông :
Những gì đã viết mà dựa vào Marx thì vẫn bao hàm một định kiến, một ngộ nhận,một căn bản không tưởng, từ đó có thể dẫn đến những sai lầm khác, có thể phạm vào tội ác. Bởi vì một phần tư tưởng tranh đấu của Marx, lúc nào cũng như cái bóng ma quái, muốn thúc đẩy con người lao vào các hành động quá trớn, quá khích, do hận thù và bạo lực cách mạng, để giải quyết các vấn đề cơ bản của xã hội, của con người.
Thật sự là trong chiều dài lịch sử nhân loại, bạo lực cách mạng xã hội chủ nghĩa đã không hề giải quyết được vấn đề bất công trong xã hỗi loài người.
Và cũng chưa hề giải phóng ai![33]

Ông Trần Đức Thảo vốn là một người cầm bút cẩn thận. Đọc một vài trang bản thảo của ông, tôi thấy ông xóa gạch, sửa nhiều chỗ, thêm bớt từng chữ một. Vậy mà trong những dòng tâm sự cuối đời này, giọng văn như vỡ ra, tuôn trào, không kềm giữ được.. Hình như bao nhiêu nỗi oan ức, nỗi buồn, sự câm nín bấy lâu nay giống như một cái cửa đập nước được mở ra. Nó tuôn trào như một dòng thác nước!! Đúng như nhận xét của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê viết :
Nói tới đó, rồi bác Thảo im lặng hồi lâu. Lúc này, chúng tôi thấy bác Thảo nổi bật như một người, lúc cuối đời, đầu óc nặng trĩu tâm tư, đầy ân hận, hối hận rất u buồn, đau đớn, và đang tìm cách gì đó để giải tỏa thảm kịch của chính mình.[34]
Rải rác đó đây trong sách, người đọc thấy đầy những giọng điệu bi phẫn như thế!
Không phải tôi đa mang đâu, sự thật là mình đã tự thân bước vào con đường của sai lầm, bế tắc. Nỗi khổ tâm là mình cũng đã làm cho nhiều người cùng với mình sa vào sai lầm và bế tắc. Nay mình đã tìm ra được lối thoát nên rất ân hận, phải sám hối, phải chuộc tội bằng hành động. Vào lúc hoàng hôn, thấy một ngày bị lãng phí là đáng tiếc, đáng buồn, huống chi bây giờ là hoàng hôn của cả một cuộc đời đã bị lảng phí. Nỗi ân hận, hối hận đang ngùn ngụt thiêu đốt tâm trí tôi… Bây giờ tôi chỉ thấy tội lỗi của cái thời câm nín của mình, đã biến thành một tên trí thức đồng lõa khốn nạn, đáng nguyền rủa..[35]
Còn tôi, đã bao phen biết mình phải nói một câu trái với lương tâm, làm một cử chỉ a dua, ca ngợi tội ác, lúc đó tôi đã ý thức ngay là mình phạm tội, tội giả dối, tội a dua, hoan hô cái xấu, cái ác, tội hèn nhát đã phản bội lý tưởng của mình, phản bội chính mình. Đã biết là tội như vậy mà vẫn cứ nói, cứ làm..[36]
Tôi đã chấp nhận ra đi, lúc tuổi già sức yếu, để có cơ hội thét lớn cùng thế giới rằng : Thủ phạm gây ra đại bi kịch này cho nhân loại, chính là Marx.
Tất cả là do đám trí thức hèn như tôi. Buồn lắm! Hèn lắm! Nhục lắm! Đau lòng lắm.

Phần tôi, xin được chấm dứt bài viết ở đây. Bài viết của tôi mang tínhcách tìm hiểu về một Con người, một tưởng niệm hơn là nhận thức. Điều mà tôi tâm đắc nhất khi viết về triết gia này, chính là tính cách nhân bản của ông. Ông đã sống xứng đáng một con người có nhân cách và trách nhiệm của một người trí thức.
Ông sống khổ mà chết đẹp và đã để lại cho mọi người một sứ điệp: chế độ cộng sản và Hồ Chí Minh đã tạo ra một thảm cảnh bất hạnh cho Việt Nam.
Ta phải tiêu diệt cả hai. Tiêu diệt cách nào? Đó không phải là công việc của Trần Đức Thảo mà của những người hiện nay đang sống dưới chế độ bất nhân và vô đạo ấy!!
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt
——————————————————–
Chú thích:
[19]Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 280
[20]Xem Hoàng Khoa Khôi, Một nhận định về Trần Đức Thảo IBId
[21]TS Cù Huy Chữ: Về mối quan hệ giữa giáo sư Trần Đức Thảo với ông Phạm Văn Đồng, một vài nét chấm phá.
[22]Trần Đức Thảo IBID, trang 350-352
[23]Tri Vũ- Phan Ngọc Khuê, Trần Đứ cThảo, Ibid, trang 142
[24]Tri Vũ- Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 162
[25]Paul Mus: Sociologie d’une guerre, nxb Seuil, Paris, 1951, trang 185.
[26]Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông, Gợi những điểm nhìn tham chiếu, do Nguyễn Huệ Chi soạn và giới thiệu, nxb văn học từ trang 147-174
[27]Trần Văn Giàu: Trần Đức Thảo, nhà triết học, tạp chí Văn Nghệ nguyệt san, số 1, bộ mới, trang 2
[28]H.L Van Breda, Maurice Merleau Ponty et les archives de Husserl à Louvain, Revue de Métaphysique et de morale, 1962
[29]Trần Đức Thảo La phénomologie et le materialisme dialectique, Minh Tan, Paris, 1951
[30]Nguyễn Văn Trung, đôi điều ghi nhận về ông Trần Đức Thảo.
[31]Althusser đã giết vợ là Helene bằng cách bóp cổ vào năm 1980. Ong là tiêu biểu thứ tận cùng của thứ điên loạn triết học. Sau khi giết vợ xong, ông ghi lại như sau . Voila ce que j’ai fait, ce que j’ai pense, ce que je fus ( Đó là nhựng cái gì tôi đã làm, cái gì tôi đã suy nghĩ và đó là cái gì là tôi). và năm sau đến lượt ông chết ngồi trên ghế bành về bệnh tim..
[32]Ts Cù Huy Chử, Tư duy triết học Trần Đức Thảo và tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh.
[33]Tri Vủ Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trabg 385
[34]Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 337
[35]Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, Trần Dức Thảo, Ibid, trang 390
[36]Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, Trần Đức Thảo, Ibid, trang 391
  1. Đảng ký các hiệp định dưới mắt triết gia Trần Đức Thảo
  2. Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối
  3. 17-10-1968: Thảo luận giữa Trần Nghị và Lê Đức Thọ
  4. 1968: Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Phạm Hùng, Trần Nghị, Xuân Thủy
  5. Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Trần Nghị
  6. Trần Đức Thảo: Những phủ định trớ trêu

Chuyện “động trời” ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội: Tuyển tù nhân vào làm việc trong chính quyền xã

Mặc dù đang trong thời gian thụ án, nhưng tù nhân Phí Đình Hưng, cựu Chủ tịch UBND xã (kết án 36 tháng tù treo); Nguyễn Văn Thiết, cựu cán bộ địa chính xã (24 tháng tù treo) vẫn được “ưu ái” tuyển vào làm việc tại UBND xã, với những vị trí quan trọng (Phí Đình Hưng làm kế toán, Nguyễn Văn Thiết, Tổ trưởng Văn phòng). Việc này xuất phát từ sự chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy xã Chàng Sơn, gây bất bình trong dư luận nhân dân, trở thành tiền lệ xấu làm mất tính nghiêm túc của chính quyền. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, do ông Nguyễn Hoàng Hải Bí thư Đảng ủy xã được “thoát tội”, nên mới “ra ơn” với hai tù nhân này?…
Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội vốn là làng quê yên bình với nghề mộc, chạm, làm quạt giấy, làm con rối nước… Thế nhưng, từ năm 2004 đến năm 2012, nhóm cán bộ lãnh đạo Đảng ủy, UBND gồm các ông: Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; Phí Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã; Chu Thế Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Văn Thiết, Đảng ủy viên, cán bộ địa chính… vì mục đích tư lợi đã ra nhiều nghị quyết trái pháp luật, tạo điều kiện cho các vi phạm pháp luật về đất đai, về quản lí tài chính, v.v… hậu quả gây ra rất nghiêm trọng. Nhân dân bức xúc gửi đơn từ đi khắp nơi. Từ cuối tháng 11/2010 Báo Người cao tuổi phanh phui nhiều sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở Đảng ủy, UBND xã Chàng Sơn.
Cơ quan Điều tra tiến hành suốt mấy năm, xác định có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ba cán bộ UBND xã: Phí Đình Hưng, cựu Chủ tịch UBND xã; Nguyễn Văn Thiết và Chu Văn Quang đều là cán bộ địa chính bị đưa ra truy tố. Ngày 18/12/2013, TAND huyện Thạch Thất đưa vụ án ra xét xử, ra Bản án số 58/2013/HSST, tuyên Phí Đình Hưng 36 tháng tù, Nguyễn Văn Thiết 24 tháng tù, Chu Văn Quang 20 tháng tù; tất cả đều hưởng án treo. Thời gian thử thách dành cho Chu Văn Quang là 40 tháng, Nguyễn Văn Thiết là 48 tháng; riêng Phí Đình Hưng, thời gian thử thách là 5 năm. Các cán bộ, đảng viên: Nguyễn Hoàng Hải, Chu Thế Huấn bị xử lí kỉ luật về Đảng, với hình thức “Khiển trách”…

Tù nhân Phí Đình Hưng (bên phải) làm việc với các trưởng thôn ngày 15/8/2014.
Tù nhân Phí Đình Hưng (bên phải) làm việc với các trưởng thôn ngày 15/8/2014.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và Phí Đình Hưng (thời điểm phạm tội là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã) cùng ra Nghị quyết và thực hiện hành vi phạm tội để hưởng chung lợi ích, nhưng chỉ có Phí Đình Hưng chịu án tù. Do đó, nhân dân lại gửi đơn đề nghị tiếp tục xem xét hành vi của ông Nguyễn Hoàng Hải, ông Chu Thế Huấn và bà Nguyễn Thị Bích (Trưởng thôn 7). Dư luận cũng cho rằng, có thể Phí Đình Hưng đã nhận hết tội về mình, nên ông Hải mới tránh được vòng lao lí.
Dư luận có lí khi tháng 8/2014, ông Nguyễn Hoàng Hải triệu tập họp Đảng ủy, thông báo việc được sự đồng ý bằng miệng của Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất, nay Đảng ủy, UBND xã Chàng Sơn quyết định tuyển dụng Phí Đình Hưng và Nguyễn Văn Thiết, là 2 trong số 3 tù nhân đang thụ án tù treo theo Bản án số 58/2013/HSST vào làm việc tại UBND xã Chàng Sơn, với các vị trí: Phí Đình Hưng làm kế toán, Nguyễn Văn Thiết làm Tổ trưởng Văn phòng. Việc làm này của Đảng ủy xã, mà trực tiếp của ông Nguyễn Hoàng Hải khiến dư luận nhân dân phẫn nộ cho rằng, đây là việc làm xúc phạm danh thể của chính quyền nhân dân do Đảng lãnh đạo. Việc làm tồi tệ chưa từng có này càng bộc lộ rõ tổ chức Đảng cơ sở hiện nay của xã Chàng Sơn là ê-kíp của bộ phận lợi ích nhóm, đã và đang tiếp tục phá hoại Đảng, điển hình bằng 30% cán bộ tham nhũng, làm trái bị kỉ luật và xử tù.
Về góc độ pháp lí, việc làm này của Đảng ủy, UBND xã Chàng Sơn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức vào làm việc tại bộ máy chính quyền. Dư luận đòi hỏi, cần phải làm rõ nhiều vấn đề liên quan như: Ai là người có thẩm quyền trong Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thất đồng ý bằng miệng cho Đảng ủy, UBND xã Chàng Sơn thực hiện việc làm trái pháp luật nghiêm trọng nêu trên? Bằng không, ông Nguyễn Hoàng Hải phải bị xử lí nghiêm trước pháp luật, do đưa thông tin sai sự thật, lừa dối cả hệ thống Đảng, chính quyền xã Chàng Sơn. Việc đưa ra chủ trương tuyển dụng 2 tù nhân vào làm việc ở chính quyền xã của ông Nguyễn Hoàng Hải nhằm mục đích gì? Phải chăng để tạo điều kiện hợp thức hóa, xóa hết dấu vết, bằng chứng về việc thực hiện hành vi phạm tội còn chưa được làm rõ của ông Nguyễn Hoàng Hải và các đồng phạm khác?
Đề nghị Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Viện KSND thành phố Hà Nội làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên của Đảng ủy, UBND xã Chàng Sơn; xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật những cá nhân cố ý làm trái ở vụ việc này.
Hoàng Kim
(Người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét