Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

“Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ?

Giải mã Lãnh tụ: Một đóng góp quan trọng của Trần Đức Thảo

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

Tài liệu tham khảo chính yếu :  Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối
Tác giả  :  Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê
Do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2014
Sách dày 428 trang – giấy trắng, khổ chữ 12 – bìa giấy màu vàng.
Ở nước ta, thì có rất nhiều vị giáo sư dậy môn Triết học từ cấp trung học lên đến cấp đại học, trong đó đặc biệt là ở miền Nam, thì có một số vị được nhiều môn sinh quý trọng vì sự uyên bác với sở học vững vàng. Nhưng chỉ duy nhất có một mình ông Trần Đức Thảo (1917 – 1993) thì mới là người được gọi là triết gia – mà lại gây được sự chú ý và nể trọng trong giới học thuật riêng tại nước Pháp. 

Từ thời còn trẻ lúc theo học tại trung học Albert Sarraut ở Hà nội, ông Thảo đã là một học sinh xuất sắc, rồi được học bổng qua học tại Pháp. Tại đây, ông lại thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm (École Normale Supérieure ENS) là một trong những cơ sở giáo dục có danh tiếng hàng đầu của nước Pháp. Và chỉ ít năm sau đó, ông Thảo đã có bằng Thạc sĩ vào lúc chưa đày 30 tuổi. Cũng như nhiều trí thức khác ở Âu châu trong thập niên 1940 – 50, ông Thảo say mê với chủ thuyết Mác xít và coi đó là một thứ kim chỉ nam cho công cuộc cách mạng xã hội ở thế kỷ XX.
Vào năm 1949 – 50, ông Thảo đã có cuộc tranh luận trên báo chí với Jean Paul Sartre là một triết gia rất nổi tiếng thời ấy. Nhưng vào năm 1951, ông Thảo đã tìm cách đi qua ngả Liên Xô, Trung Quốc để về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Và thảm thương thay, kể từ đó là bắt đầu một cuộc đời bi đát đen tối vì ông bị đày đọa, nghi kỵ theo dõi kềm kẹp liên tục cho đến lúc chết ở Paris năm 1993.
Năm 1991, vào tuổi 74 ông Thảo mơi lại có dịp trở lại Paris và suốt trong 6 tháng cuối đời, ông mới kịp thổ lộ tâm sự thầm kín với vài người vốn có lòng quý trọng đối với triết gia. Và nhà báo Tri Vũ ở bên Pháp đã rất công phu nghe lại các cuốn băng ghi âm về các cuộc nói chuyện đó - để viết thành cuốn sách “Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối” mà vừa được ra mắt công chúng vào tháng 5/2014.
Khác với trường hợp của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là người đã viết cuốn Hồi ký bằng tiếng Pháp nhan đề là “Un Excommunié” (Kẻ bị khai trừ, đã có bản dịch ra Việt ngữ) – ông Thảo thì không để lại một cuốn sách nào kể lại cuộc đời đày dãy những truân chuyên sóng gió của mình trong suốt 40 năm sống dưới chế độ cộng sản. Nên ta có thể coi cuốn sách này như là một sự gửi gấm cho hậu thế biết về cuộc đời nhiều cay đắng éo le của ông vậy.
 Vì lý do cuốn sách này vừa được nhà báo Phan Thanh Tâm ở Minnesota viết bài giới thiệu với rất nhiều chi tiết và phổ biến vào giữa tháng 6 mới đây, nên tôi thấy không cần phải trình bày dài dòng gì thêm nữa. Mà tôi chỉ xin tập trung về một khía cạnh rất quan trọng được ghi trong Chương 12 nhan đề “Giải mã Lãnh tụ” trải dài đến 70 trang (từ trang 258 đến 328).
 Tôi coi đây là một đóng góp rất quan trọng của ông Trần Đức Thảo trong việc góp phần “Giải trừ Huyền thọai Hồ Chí Minh” - mà mới do Nhóm của quý vị Trần Quốc Bảo và Nguyễn Hữu Lễ phát động trong vòng 7 - 8 năm nay.  Xin được trình bày vấn đề dưới các mục sau đây :
I – Gặp mặt lãnh tụ.

1 – Ba lần gặp gỡ trực tiếp với vị Lãnh tụ hàng đầu Hồ Chí Minh.
Ông Thảo thuật lại có đến tất cả 3 lần ông trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện với “Ông Cụ”. Còn rất nhiều lần khác, thì ông Thảo chỉ được bố trí cho có mặt “để làm cảnh” mà thôi – do đó mà không có gì đáng nói về chuyện này.
Lần thứ nhất, ông Thảo gặp gỡ và nói chuyện với ông Hồ là vào tháng 6 năm 1946 tại Pháp. Lúc đó, ông Thảo là đại diện cho khối người Đông Dương sinh sống tại Pháp.
Lần thứ hai là vào cuối năm 1952, ông được bố trí để gặp lãnh tụ trong ít phút thật ngắn ngủi tại một nơi trong An Tòan Khu (ATK) ở vùng Việt Bắc.
Lần thứ ba là vào năm 1964, ông được chỉ định trình bày quan điểm về chiến tranh và hòa bình trước giới lãnh đạo cao cấp tại văn phòng Phủ Chủ Tịch.   Ngay sau buổi thuyết trình đó, ông Hồ có nói vài câu có phần lơ là miễn cưỡng, mà không hề bày tỏ sự nhiệt tình thân mật gì đối với ông Thảo cả. Ông thuật lại là vào mấy phút cuối bài thuyết trình của ông, thì ông cụ tỏ vẻ mặt cau có vì không đồng ý với quan điểm của thuyết trình viên đã “không theo đúng với sách lược chủ chiến” của giới lãnh đạo đảng cộng sản thời ấy.
Qua 3 lần trực tiếp gặp mặt và nói chuyện với “Cụ Hồ” và qua sự quan sát về sinh họat của lãnh tụ hàng đầu này trong nhiều năm, cũng như nhờ thâu thập thêm được nhiều thông tin từ những nhân vật gần gũi thân tín với “ông cụ” - mà ông Thảo đã có những nhận xét thật là chính xác, sâu sắc về ông Hồ Chí Minh – mà tôi sẽ xin ghi lại chi tiết hơn trong mục II tiếp liền sau mục I này.
2 – Những lần gặp gỡ với các lãnh tụ Trường Chinh và Lê Duẫn.
Ông Thảo cũng còn thuật lại những lần gặp gỡ trao đổi với các nhà lãnh đạo cộng sản cao cấp khác nữa, đặc biệt là các ông Trường Chinh và Lê Duẫn.
Vào cuối năm 1955, ông đã có dịp trao đổi chuyện trò khá lâu với ông Trường Chinh, ông Thảo cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về khía cạnh nhân bản, nhân ái của cuộc cách mạng lý tưởng – điều này khác biệt hẳn với chủ trương xúi giục hận thù giữa các tầng lớp nhân dân như trong Cải cách Ruộng đất hiện đang diễn ra thời ấy. Ông Trường Chinh trả lời hụych tọet thế này : “…Nhân lọai có tiến bộ là nhờ có chiến tranh… Vì cách mạng luôn luôn phải là ở trong vị thế của thời chiến tranh, cách mạng phải luôn luôn cần thấy rõ thù trong, giặc ngòai để mà chiến đấu!”…
Với ông Lê Duẫn, lại càng tệ hại hơn nữa. Ông Thảo kể lại : “Sau này cánh Lê Đức Thọ, Lê Duẫn thì rất gờm tôi, vì biết tôi muốn ngăn cản mở lại chiến tranh. Còn một lần gặp riêng ông Lê Duẫn, thì rồi ông ấy cũng không ưa tôi, vì lúc ấy, trong cương vị Tổng bí thư, ông ta muốn tôi chấp bút viết Hồi ký cho ông ấy. Nhưng sau khi ngồi cả tiếng đồng hồ để nghe ông ta giảng giải tư tưởng của ông, tôi đành trả lời thẳng là tôi nghe ông nói mà không hiểu gì cả! Vì thế mà sau này ông ấy cũng cay ghét tôi…”
II – Giải mã Lãnh tụ.
Thật ra những điều ông Thảo bộc bệch tâm sự như được ghi lại trong rất nhiều trang, đặc biệt là trong Chương 12 của cuốn sách này, thì cho đến nay cũng đã có nhiều người nói đến rồi. Nhưng cái lối phân tích cặn kẽ sâu sắc của vị triết gia đã “trải nghiệm, quan sát và nghiền ngẫm trong suốt 40 năm sống trong lòng chế độ cộng sản”, thì phải coi là rất có giá trị và có sức thuyết phục rất cao đối với phần đông người Việt chúng ta. Có thể tóm tắt lại trong mấy điểm như sau đây.

1 – Ông Hồ là một người có “cuồng vọng làm lãnh tụ”.
Theo dõi hành tung “xuất quỷ nhập thần” của “ông cụ” trong mấy chục năm tại khắp nơi ở hải ngọai với hàng trăm tên và bí danh khác nhau, ta dễ có thể nhận ra được cái tham vọng của một con người đa mưu túc trí, lúc nào cũng sẵn sàng làm bất kể việc gì miễn sao đạt được mục đích của riêng mình. Rõ ràng là ông nằm lòng cái lối mưu lược bá đạo của Machiavel, chứ không hề có chủ trương vương đạo theo truyền thống luân lý nhân bản của cha ông ta. Ngay cái tên ông chọn cho mình như “Ái Quốc”, “Vương”, “Chí Minh” cũng đủ nói lên cái tham vọng vượt mức của một con người làm chính trị rồi.
Xin trích một số đọan ngắn như sau : “Ông cụ” là một con người cực kỳ vị kỷ, mang mặc cảm tự tôn tuyệt đối… “Ông cụ” còn có tính đa nghi như Tào Tháo ấy…Anh phải biết là cho tới nay, những ai đã từng coi thường “Người”, từng tỏ ra ngang hàng với “Người”, thì sau đều đã vĩnh viễn bị lọai ra khỏi tầm nhìn của “Người”. Không ít người đã mất mạng, mất cả xác vì dám có ứng xử tay ngang như thế đấy… Người ta ưa kể cho nhau nghe rằng : Tạ Thu Thâu đã chết mất xác vì câu nói : “Ngòai Bắc có Cụ, trong Nam có… tôi” …!
2 – Cái “Bóng Ma Mao Trạch Đông”.
Vào cuối thập niên 1920, khi bị Comintern gán cho tội theo chủ trương “quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi” và bị gạt ra rìa, thì “ông cụ” tìm cách “ôm chân Mao Trạch Đông” bằng cách tuyên thệ làm đảng viên đảng cộng sản Trung quốc và gia nhập hàng ngũ Bát Lộ Quân thuộc Giải Phóng Quân Trung Quốc. Nhờ thế, mà sau ít lâu, “ông cụ” đã trở thành một lãnh tụ vượt lên trên tất cả các cán bộ nòng cốt được đào tạo chính quy bài bản ở Liên Xô như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ v.v…
Mà cũng vì thế cho nên “ông cụ” mới du nhập vào nước ta bao nhiêu tai họa phát sinh từ chủ trương sắt máu bạo ngược của cộng sản Trung quốc điển hình như các chiến dịch Chỉnh Huấn, Cải Cách Ruộng Đất v.v…
Và sau này, với chuyện hôi họp lén lút ở Thành Đô vào năm 1990, các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… đã ươn hèn quy phục giới lãnh đạo ở Bắc Kinh để mà “bán đất, nhượng biển cho Trung quốc” hầu cứu vớt đảng cộng sản đang lâm nguy của tập đòan họ. Làm như vậy, chính là họ tiếp nối cái chuyện bán nước của Hồ Chí Minh từ xưa vậy.
3 – Từ Hồ Chí Minh đến Trường Chinh, Lê Duẫn …, tất cả đều rất mực hiếu sát, hiếu chiến.
Trong suốt cuốn sách, ông Thảo nhắc lại đến cả mấy chục lần về việc ông tìm cách thuyết phục giới lãnh đạo cộng sản là :”Không nên chọn chiến tranh, mà phải dồn mọi năng lực vào việc xây dựng hòa bình”. Nhưng rõ ràng là tất cả các ông lãnh tụ này đều một mực hiếu chiến, nên đã phát động cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam bằng mọi giá, bất kể đến tổn thất kinh hòang về nhân mạng, hay phải trả cái giá quá đắt là lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc và Liên Xô. Và ngày nay, dù cuộc chiến đã chấm dứt từ lâu mà xã hội chúng ta vẫn chưa làm sao có thể phục hồi lại được cái truyền thống nhân bản và nhân ái của cha ông mình.
Cũng vì chủ trương nhân bản hòa ái như vậy, mà ông Thảo bị họ liệt vào “lọai có vấn đề” để mà bị theo dõi, kiềm chế và trù dập rất gắt gao – đến nỗi mà ông đã phải giả vờ như người khùng, người hề, người mất trí để tránh khỏi bị ám hại. 
Và cuối cùng, thì ông Thảo đã phải đanh thép kết luận rằng : Tất cả những sự tệ hại tàn ác xảy ra cho đất nước và dân tộc chúng ta, thì đều do cái học thuyết “đấu tranh giai cấp” mà ra. Và người thủ phạm gốc của tệ nạn này, đó chính là ông tổ sư Karl Marx đấy! Lời xác nhận này rất quan trọng, vì nó phát xuất từ một người trí thức có tên tuổi mà hồi còn trẻ đã có sự say mê tin tưởng vào chủ thuyết Marxist và đã dám có sự can đảm hy sinh từ bỏ cả sự nghiệp và tương lai đày hứa hẹn trên đất Pháp để về tham gia công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp từ năm 1951 lúc mới có 34 tuổi. Mà rồi sau đó 40 năm với bao điều chính bản thân mình đã tai nghe mất thấy – ông Thảo đã chứng nghiệm được sự sai lầm tột độ của lý thuyết dựa trên lòng hận thù bạo ngược của chính người khởi xướng là Karl Marx. Và ông đã có sự can đảm và lòng thành thật để công khai nói lên điều đó.
Từ ngày qua Pháp, ông Thảo đã cố gắng viết cho xong một cuốn sách thật nghiêm túc để nêu lên sự sai lầm tai hại của chủ thuyết Marxist - với lý luận chặt chẽ dựa trên những trải nghiệm bi đát của bản thân trong hơn 40 năm sinh sống ở Việt nam. Ông phải làm việc rất thận trọng nhằm hòan thành được một cuốn sách cho thật xứng đáng với tầm vóc của một triết gia. Nhưng tiếc thay, ông đã phải ra đi ở tuổi 76 mà chưa kịp hòan thành tác phẩm quan trọng này.
Vì thế mà tác giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê mới lấy nhan đề cho cuốn sách ghi lại những thổ lộ tâm sự uất nén đã bao nhiêu năm của ông Thảo là :
“Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối”
Cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin thật quý báu để minh họa cho lập trường nhân bản, nhân ái và tính cương trực can đảm của vị triết gia có tên tuổi trong hàng ngũ trí thức ở nước ta cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.
Người viết rất hân hạnh được giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách thật sự có giá trị này.  
Hơn nữa, sự Giải mã Lãnh tụ (Deciphering) được trình bày với nhiều chi tiết xác thực trong cuốn sách sẽ giúp ích rất nhiều cho công cuộc “Giải trừ Huyền thoại Hồ chí Minh” (Demystifying) đã được phát động từ 7 – 8 năm nay.
 Và cuối cùng người viết cũng xin được gửi lời cảm ơn đến tác giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê cũng như đến Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông vì sự cống hiến thật đáng ca ngợi này.
San Clemente California ngày 24 tháng Sáu năm 2014
  Đoàn Thanh Liêm
  (Diễn đàn Thế kỷ)

“Lấy phiếu“, “bỏ phiếu“, bản chất vấn đề nằm ở đâu ?

H3

Sự khác nhau giữa lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích, khi triển khai lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, tháng 5.2013: “Lấy phiếu tín nhiệm diễn ra định kỳ hàng năm, không phải chỉ ở Quốc hội, mà tất cả các cơ quan Đảng và Trung ương sẽ làm (1). Một năm mà anh đã không quá bán thì cho anh nếu sang năm lại không quá bán thì đương nhiên phải bỏ phiếu tín nhiệm”(1.2).Mục đích và cách thức cũng được Tổng Bí thư làm rõ: “Bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Mục đích lấy phiếu tín nhiệm là cảnh tỉnh, răn đe để cán bộ tự soi, tự sửa là chính(2), nên lấy phiếu tín nhiệm mới được quy định ở 3 mức. Còn nếu 2 mức thì đã là bỏ phiếu tín nhiệm rồi“. Sự điều chỉnh từ định kỳ hàng năm xuống mỗi nhiệm kỳ 1 lần cũng được Tổng Bí thư cho biết lý do tại kỳ họp này: “Vì hàng năm đều có đánh giá, lấy ý kiến nhiều lần với rất nhiều kênh khác nhau, khi vào Quốc hội cũng đều tiến hành bỏ phiếu rồi đến cuối nhiệm kỳ lại đánh giá nữa. Cứ dồn dập liên tục, quanh năm chỉ có bận việc này thì còn làm gì được nữa (3)”. Kỳ vọng và hiệu qủa lấy phiếu tín nhiệm, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, “không gì tốt bằng nhân dân. Người dân đánh giá lĩnh vực đó cán bộ đã làm tốt chưa. Lấy phiếu kết quả thấp/cao chính là thể hiện sự đánh giá đó“(4). “Thực ra chỉ có Việt Nam mới lấy phiếu tín nhiệm (4.1). Ở các nước họ bỏ phiếu bất tín nhiệm luôn“4.2″.

*Điều tra xã hội học

“Lấy phiếu tín nhiệm (LPTN)“ và “bỏ phiếu bất tín nhiệm (BPBTN)“ là 2 khái niệm cơ bản phổ quát trên thế giới liên quan tới bầu cử, bổ nhiệm. Đối tượng áp dụng là các chức danh bầu cử và bổ nhiệm, tức cựu ứng viên (ƯV). Còn nơi lấy, bỏ phiếu là nơi bầu, bổ nhiệm (BBN). Cả 2 đều dùng phiếu định lượng, nhưng LPTN cho kết quả khẳng định mức độ tín nhiệm, còn BPTN cho kết qủa chỉ với 2 khả năng, hoặc bãi nhiệm hoặc không, tùy thoả thuận ban đầu như quá bán, hay quá 2/3 chẳng hạn. Quy trình công nghệ thường trải qua 3 công đoạn, tương ứng với 3 nơi liên quan tới BBN: (a) nhân dân (cử tri), (b) các ủy ban điều trần của Quốc hội và (c) Quốc hội. Xuất phát từ nguyên lý người dân là chủ nhân đất nước, ƯV là công bộc chỉ xứng đáng khi được chủ nhân tín nhiệm, công đoạn (a) thường áp dụng LPTN vốn thuộc đối tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học và chuyên nghề “điều tra xã hội học (ĐTXHH)“. ĐTXHH có chức năng tổng hợp ý kiến dân chúng hay một nhóm dân chúng về nhận thức, phản ứng, tâm trạng hay mong muốn của họ. Đó cũng là một phương pháp trong điều tra thị trường, đánh giá triển vọng doanh thu, biến động giá cả, thành phần khách hàng… Điều tra xã hội học được thực hiện thông qua lấy ý kiến theo phương pháp xác suất thống kê, do đó đòi hỏi số lượng mẫu phải mang tính đại diện, độc lập, nghĩa là không có quan hệ trực tiếp với đối tượng điều tra và số mẫu đủ lớn. Vì vậy, họ không LPTN trong phạm vi Quốc hội, HĐND như ở ta nêu ở điểm (4.1), mà trong toàn dân, có thể trực tiếp hoặc qua điện thoại, bưu điện hay E-Mail, và cũng nhờ vậy tránh được trở ngại nêu ở điểm (3) đồng thời đạt được hiệu qủa tối ưu ở điểm (4).

Điều tra xã hội học được áp dụng lần đầu tiên năm 1824 tại Thủ phủ Tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, bởi một tờ báo điạ phương, với chỉ một câu hỏi, ai sẽ được tín nhiệm trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 1824. 59% người được hỏi trả lời tín nhiệm Andrew Jackson. Kết quả bầu cử sát tỷ lệ trên, nhưng rốt cuộc John Quincy Adams trúng tổng thống bởi chiếm quá bán phiếu đại cử tri.

Hiện ở Đức có nhiều viện điều tra xã hội học uy tín, như viện FGW hoạt động từ năm 1974 do đài truyền hình nhà nước ZDF cấp kinh phí, một trong những nhiệm vụ chính là đánh giá độ tín nhiệm chính trị, đúng nghĩa “lấy phiếu tín nhiệm“ ở ta. Hay viện IfD-Allensbach thành lập 1947, chuyên khảo cứu về các vấn đề chính trị, tâm ý và kinh tế, từ năm 1956 xuất bản hàng năm sách „niên giám dân chủ“. Viện FORSA lớn hàng đầu nước Đức, thành lập năm 1984, chuyên nhận đơn đặt hàng của 2 kênh truyền hình tư nhân nổi tiếng Đức ProSieben, và RTL. Viện EMNID cũng lớn tương tự FORSA thành lập năm 1945 chuyên nhận đơn đặt hàng của Chính phủ Đức.

*Tham khảo công nghệ LPTN ở Đức

Khác ta, Đức theo chế độ đa đảng, đảng nào trúng cử được lập thành đoàn nghị sỹ đảng đó đóng vai trò 1 bộ phận, đơn vị bên dưới, trực thuộc quốc hội. Bầu Quốc hội chính là bầu các đảng cùng ứng viên cá nhân đảng đó giới thiệu, và ứng viên không đảng phái. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm lẽ dĩ nhiên phải lấy từ chính cử tri đối với các ứng viên do cử tri bầu (công đoạn a). Có thể tham khảo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện bởi 4 viện trên lần gần đây nhất, với câu hỏi “nếu thứ 7 tuần tới bầu cử Quốc hội, thì ngài tín nhiệm bầu đảng nào? cho kết qủa „kiểm phiếu“ bẩu cử “thử“ trong bảng dưới đây: 

H2

Các đảng ứng viên nhìn vào cột (1), (2) và (3) biết ngay uy tín của mình đã và đang ở mức nào trong mắt người dân. Phiá cầm quyền, Liên đảng CDU/CSU và SPD thắng cử kỳ bầu cử Quốc hội năm ngoái đến 67,2% số phiếu, tới lần bầu cử thử này kết qủa uy tín bị sụt giảm 0,7-2,5 % chính là thách thức đòi hỏi Liên đảng phải xem xét lại thực tế quản trị đất nước và những chính sách đã áp dụng. Phía không chấp chính, có 3 đảng đã tăng được uy tín tới gần 2%, là cơ hội cho họ yên tâm phát huy tiếp vai trò của mình trên chính trường. LPTN bằng cách bỏ phiếu thử, vì vậy trở thành động lực thúc đẩy, không chỉ qua đó thu hút dân chúng tích cực tham gia quản lý đất nước, mà còn tạo cơ hội cho mọi đảng phái dù không hay có tham chính (tham gia quốc hội) hoặc kèm cả chấp chính (nắm chính phủ), đều có thể “tự soi, tự sửa“ như ở điểm (2), tránh được trừng phạt bởi quy luật nghiệt ngã của chính trường “một đảng không biết sửa là một đảng hỏng“ mà đảng PDP là một điển hình (xem mục dưới).

Khác bầu cử Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu thuận, chống hoặc trắng, người dân không được quyền bầu chính khách quan chức mà chỉ có quyền tự do đánh giá năng lực và uy tín họ, nên thang điểm đánh giá được áp dụng như trong chấm điểm học sinh, từ -5 đến + 5. Nếu quy đổi sang bỏ phiếu bầu cử, cũng có thể hiểu: 0 là phiếu trắng, dương là phiếu thuận và âm là phiếu chống.

Kết qủa điều tra xã hội học của FGW theo cách chấm điểm, được thực hiện bằng phỏng vấn qua điện thoại từ ngày 2 – 4.6.2014 với 1.215 cử tri chọn đại diện ngẫu nhiên, cho bảng điểm như sau: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Đảng CDU Merkel đạt 2,2 (tháng 5 trước đạt 2,4 điểm, mất -0,2 điểm), đứng vị trí đầu bảng. Vị trí thứ 2 Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier 1,9 điểm (tháng 5: 2,1, mất -0,2). Vị trí thứ 3, Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Schäuble 1,8 điểm (tháng 5: 1,9, mất -0,1). Tiếp theo Hannelore Kraft Phó Chủ tịch đảng SPD 1,5; Phó Thủ tướng, Chủ tịch đảng SPD Gabriel 1,2; Peer Steinbrück từng ứng viên Thủ tướng của đảng SPD nhiệm kỳ này 1,0; Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen 0,8; Nữ Bộ trưởng Lao động, Xã hội Andrea Nahles 0,6; Trưởng đoàn nghị sỹ đảng Linke (trong đó có đảng cộng sản) Gregor Gysi 0,3; Chủ tịch đảng CSU Horst Seehofer 0,3 điểm.

Cách chấm điểm học sinh, và để người dân đánh giá vốn hiệu qủa “không gì tốt bằng nhân dân“ (bởi họ là người thụ hưởng các chính sách nhà nước, trực tiếp cho điểm), vừa tránh được gây bất lợi như ở điểm (3), khắc phục được trăn trở của các đại biểu nêu ở điểm (5.1), (5.2), (5.3), (6), (7) (trình bày mục dưới); các chính khách quan chức trọng trách có đủ thời gian dài 4 năm để tự “cảnh tỉnh, răn đe, tự soi, tự sửa“ như ở điểm (2).

*Hiệu qủa thực tế

Có thể tham khảo tình cảnh đảng FDP của cựu Chủ tịch gốc Việt Rösler, một đảng lớn hàng đầu xưa nay ở Đức, đang liên minh chấp chính thì bị loại ra khỏi Quốc hội với số phiếu bầu tụt từ 14,7% kỳ bầu cử năm 2009 xuống còn 4,8% nhiệm kỳ này, dưới ngưỡng được vào Quốc hội, quy định 5%. Philipp Rösler và toàn bộ BCH phải nhận trách nhiệm thất bại, cùng từ chức. Thoạt đầu, năm 2009, chỉ sau thắng lợi kỳ bầu cử mấy tháng, kết quả điều tra xã hội học của các viện cho thấy, uy tín đảng này liên tiếp tụt, xuống tận mức đáy 3% (nghĩa là mất tới 11,7%). Từng nổi tiếng là một tài tử chính trị xuất chúng, Rösler được bổ nhiệm làm phó Thủ tướng, rồi Đại hội đảng bất thường bầu làm Chủ tịch, với kỳ vọng thay người tiền nhiệm cứu vớt Đảng FDP. Mặc dù có gần 4 năm liên tục được cảnh tỉnh, răn đe qua bầu cử thử hàng tháng để đảng tự soi, tự sửa, nhưng rốt cuộc cũng chỉ nhích lên được gần ngưỡng 5%. Bởi kết quả thăm dò ý kiến về chính sách cho thấy, chính sách thuế của đảng FDP đề xuất chỉ được 6% dân chúng ủng hộ, chính sách y tế chỉ 4%, và chính sách kinh tế thuộc lĩnh vực chủ chốt có tiếng của đảng FDP xưa nay cũng chỉ 3%. Đặc biệt tới 83% người được hỏi, đồng ý với đánh giá: Đảng FDP hứa hẹn nhiều nhưng gần như không thực hiện được, tức bất lực. Cái gì phải đến sẽ đến. Đảng FDP bị loại ra khỏi Quốc hội Đức nhiệm kỳ này là một thực tế chứng minh tính hữu ích của điều tra xã hội học nước họ qua bầu cử thử và cho điểm có khả năng cảnh tỉnh, răn đe, tự soi, tự sửa, nếu không sẽ bị chính người dân đào thải bằng lá phiếu thật của họ.

*Những trăn trở đáng chú ý của các đại biểu về LPTN và BPBTN

Khác với điểm (1), Tờ trình của ỦBTVQH kỳ họp này chọn phương án LPTN một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ ba); giữ nguyên đối tượng lấy phiếu, với 3 mức đánh giá, tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Người được lấy phiếu khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Có từ quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì ỦBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo. Người có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Khi thảo luận, Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng “trong tương lai gần nên đi đúng xu hướng thế giới chỉ BPBTN“ (5). “LPTN rất khó tránh được cảm tính. Có những người mới chỉ biết mặt qua ảnh, tìm hiểu qua lý lịch, đến tận khi Chính phủ mới ra mắt mới biết mặt (5.1)“. Còn theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, gần 500 đại biểu chắc cũng không đánh giá hết được công việc của UV (5.2). Mặt khác, nếu tiến hành BPBTN ngay thì liệu có cơ hội để người tín nhiệm quá thấp giải trình và có đảm bảo chuẩn bị được người thay thế (5.3). Trước phiên thảo luận, Chính phủ cũng có văn bản đề nghị “không quy định kết quả LPTN làm căn cứ trực tiếp để thực hiện BPBTN“ (6).

* Cơ sở pháp lý nào cho LPTN và BPBTN ở Quốc hội?

Trong khi LPTN thuộc quyền tự do ngôn luận, chính kiến, hiệu quả “không gì tốt bằng nhân dân“, như ở Đức có thể đào thải đảng FDP mất tín nhiệm ra khỏi nghị trường, hay thay đổi chính phủ qua các nhiệm kỳ theo ý chí của người dân, thì LPTN và BPBTN ở quốc hội trong bất kỳ nước nào cũng liên quan tới nguyên lý cơ bản, khái niệm phổ quát, về chức năng và mối quan hệ qua lại giữa 4 chủ thể, quốc hội, đảng, chính phủ, toà án, do hiến pháp chế định.

Ở những nước theo mô hình hiến định đảng là lực lượng chính trị, quốc hội lập pháp, chính phủ hành pháp, toà án tư pháp, thì mối quan hệ giữa chúng được thể chế hoá, trở thành quy trình tự động xưa nay. Như Hiến pháp Đức quy định, đảng là những tổ chức chính trị tự nguyện, “tham gia vào quá trình biến ý chí chính trị dân chúng thành chính sách nhà nước“ (điều 21), qua bầu cử có thể tham chính hoặc/và chấp chính. Vì vậy, LPTN được thực hiện chỉ ở công đoạn (a) bằng phương pháp bầu cử thử. Đối với Chính phủ, Thủ tướng do Quốc hội bầu và Tổng thống công bố (điều 63), Bộ trưởng không do Quốc hội mà do Thủ tướng bổ nhiệm bãi nhiệm (điều 64), vì vậy Quốc hội không thể định kỳ LPTN vốn đã được thực hiện ở công đoạn (a) hay BPBTN do nhiệm kỳ họ đã được hiến định 4 năm chứ không phải tạm thời. Tuy nhiên Hiến pháp họ cũng đã dự liệu tình huống ƯV mất uy tín giữa chừng, nên điều 67 hiến định: Quốc hội có thể BPBTN Thủ tướng bất kỳ lúc nào có vấn đề về uy tín (bất thường), nếu quá bán sẽ bị bãi nhiệm (tức thực hiện công đoạn c). Ủy ban Quốc hội có thể điều trần ƯV khi có vấn đề (tức thực hiện công đoạn b) làm căn cứ định lượng cho Quốc hội xử lý. Rốt cuộc, BPBTN ở công đoạn (c) không được phép áp dụng định kỳ, nhưng có thể áp dụng bất thường. Đó cũng chính là cơ sở pháp lý buộc tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng nước họ luôn sẵn sàng từ chức một khi hành xử bị đông đảo dân chúng bất bình, chính trường phản đối (2 tổng thống Đức 2 nhiệm kỳ kế tiếp qua đều từ chức, 1 chỉ bởi 1 câu phát ngôn vi hiến; 1 chỉ do bị ngờ vực vụ lợi 750 Euro, vừa qua đã được tuyên trắng án) nếu không muốn bị BPBTN bất thường, trở thành nền văn hoá từ chức mà ở ta còn thiếu vắng.

Nước ta bước đầu áp dụng LPTN và BPBTN, vì vậy có thể coi là bước quá độ hay thử nghiệm hội nhập chính trường thế giới như nêu ở điểm (5). Trong 3 công đoạn phổ quát, hiện ở ta LPTN chưa thể thực hiện được ở công đoạn (a) như các nước, nên không còn cách nào khác phải thay thế bằng công đoạn (c). Có thể áp dụng phương pháp bầu cử thử hoặc chấm điểm. Tuy nhiên để LPTN có giá trị khoa học như ở công đoạn (a) đỏi hỏi tần suất (số lần trong nhiệm kỳ) phải đủ độ tin cậy theo toán thống kê, và đại biểu phải thu thập được ý kiến cử tri để đảm bảo tính khoa học mẫu điều tra đại diện đủ lớn và độc lập. Đó là gánh nặng đặt lên vai Đại biểu Quốc hội, chứ không phải một đặc quyền có thể dẫn tới vận động hành lang giữa đối tượng và người lấy phiếu, đóng vai trò tiền đề, điều kiện „cần“ cho LPTN, nếu không tự nó đánh mất ý nghĩa vốn có.

Cũng như bất kỳ quốc hội nào trong nhà nước pháp quyền, Quốc hội ta có chức năng lập pháp, vì vậy BPBTN bất thường nằm trong khả năng và trách nhiệm của Quốc hội, kể cả khi LPTN đặt ra tình huống trực tiếp phải BPBTN bất thường như ở điểm (1.2). Trong trường hợp này chỉ có thể bảo đảm tính khoa học để thoả mãn điểm (6) bằng cách áp dụng công đoạn điều trần (b) được coi như một phương pháp giám định, nếu không BPBTN bất thường sẽ mang tính xác suất, nhất là khi rơi vào tình huống ở điểm (5.1) và (5.2).
  TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
25-06-2014
(ABS) 

Dân Việt ‘nghèo mà chơi sang’

Dân Việt “nghèo mà chơi sang,” theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế Việt Nam.

Báo mạng Trí Thức Trẻ trích dẫn kết quả cuộc khảo sát trên trang web của Maritime Bank cho rằng, người Việt Nam có khuynh hướng “thể hiện bản thân,” qua việc mua sắm các vật dụng cá nhân và phương tiện đi lại đắt tiền.


Một cửa hàng bán đồ hiệu Chanel tại khu vực trung tâm Sài Gòn. (Hình: Getty Images)

Cuộc khảo sát này cũng nói rằng, chỉ có 12.24% số người được hỏi ý kiến nói “đợi đủ tiền mới mua sắm một món hàng có giá trị tương đối lớn.” Số người còn lại thì cho biết, hoặc vay ngân hàng, hoặc vay của bạn bè, người thân để mua cho được món hàng đang chuộng.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên viên kinh tế tại Sài Gòn, cuộc khảo sát trên cho thấy tâm lý thích hưởng thụ ở người dân Việt Nam rất mạnh. Ông Hiếu nói rằng, gần 90% người dân Việt không muốn chờ đợi để dành đủ tiền, mà sẵn sàng “vung tay quá trán” khi quyết định mua sắm một vật dụng cần thiết hoặc một chiếc xe làm phương tiện đi lại. Ða số này, cuối cùng thường tìm đến các công ty tài chính để xin vay, với điều kiện tương đối dễ dàng so với các ngân hàng thương mại.

Ông Hiếu cũng cảnh cáo rằng, các hợp đồng vay tiền được soạn thảo theo khuynh hướng có lợi cho công ty tài chính. Còn khách hàng thì có vẻ như không nhận biết gánh nặng nợ nần, cho tới khi bị thúc trả nợ, mới bật ngửa ra. Theo ông, người vay tiền cứ nhắm mắt ký tên bừa cốt sớm được nhận tiền, chẳng khác người tự “đeo gông vào cổ,” và tự làm khổ mình suốt đời.

Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo người dân Việt nên cần biết “kềm chế sự ham muốn” trước các cuộc mời gọi của đại diện các công ty tài chính. Ông nói rằng, chỉ khi thật sự cần kíp, và không còn sự lựa chọn nào khác thì mới đi vay tiền cho nhu cầu mua sắm cá nhân.
  (Người Việt)

Kami - Quân đội phải trung thành với ai?


Theo  Hiến pháp Việt Nam 1992 Sửa đổi năm 2013 có quy định rõ lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước để bảo vệ chế độ XHCN. Song gần đây, trước thái độ bạc nhược, lần lữa... của lãnh đạo chính quyền Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhiều người thấy rằng nếu Quân đội NDVN trung thành với Đảng và Nhà nước thì trong bối cảnh hiện nay liệu họ có đảm bảo trọng trách giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ hay không?

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu vùng chủ quyền của Việt Nam, dẫn tới nguy cơ xung đột vũ trang giữa lực lượng Hải quân hai nước là điều hoàn toàn có thể. Và từ sự xung đột đó rất có thể lan rộng tạo nên một cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt- Trung là điều hoàn toàn có thể. Nhưng trước thái độ thờ ơ, nhu nhược của Đảng và chính quyền trước việc Trung Quốc gây sức ép trên Biển Đông bằng các hành động vi phạm chủ quyền lãnh hải và về phía quân đội không có các động thái cần thiết để đáp trả. Do đó vấn đề được đặt ra là: để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia thì quân đội Nhân dân Việt Nam có nhất thiết phải trung thành với đảng CSVN hay không, hay chỉ trung thành với tổ quốc và nhân dân là đủ?

Nếu hiểu, theo định nghĩa Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Và trong xã hội dân chủ, Hiến pháp là văn bản do chính quyền tạo ra, nhưng nhất thiết phải nhận được sự đồng tình của người dân, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Cũng cần phải hiểu nếu chính quyền không được thiết lập bởi Hiến pháp của người dân là một chính quyền không có tính chính danh. Do vậy, Hiến pháp không phải là khế ước giữa người dân với chính quyền, mà là khế ước xã hội giữa người dân với nhau để thiết lập một nhà nước, bởi Hiến pháp có trước chính quyền. Chính vì thế, chủ thể lập Hiến phải là nhân dân.

Theo cách hiểu thông thường nhất, Hiến pháp là một văn bản luật cơ bản có vị trí cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật của quốc gia và Hiến pháp là văn bản để thiết lập và trao những quyền lực cần thiết cho các cơ quan công quyền của một tổ chức nhà nước. Chính vì vậy, ở các quốc gia về mặt pháp lý thường có một hệ thống thiết chế để bảo vệ Hiến pháp, với công việc áp dụng và giải thích Hiến pháp trong khi có các tranh chấp. Đó chính là Tòa án Hiến pháp. Bình thường phán quyết của Tòa án Hiến pháp là quyết định cao nhất, song trong điều kiện bất bình thường, một khi Hiến pháp có nguy cơ bị đe dọa thì lực lượng quân đội sẽ giữ vị trí quyết định, cao hơn cả Tòa án Hiến pháp trong việc bảo vệ Hiến pháp để thiết lập lại trật tự. Ở mức cao hơn lực lượng quân đội có thể tuyên bố xóa bỏ Hiến pháp với lý do nhằm thiết lập lại trật tự mà ta thường quen với hai chữ Đảo chính.

Trở lại vấn đề người ta tranh cãi xung quanh vấn đề "Quân đội phải trung thành với ai?", theo Hiến pháp Việt Nam 1992 Sửa đổi năm 2013, Điều 65 có ghi rõ "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế". Việc này đã gây nên nhiều tranh cãi, không ít người cho rằng việc để quân đội trung thành với đảng CSVN thì có nghĩa là quân đội đã bị chính trị hóa, mà theo họ quân đội chỉ có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ đối với Tổ quốc và nhân dân. Chứ dứt khoát không phải trung thành với bất kỳ đảng phái nào. Vậy điều này sẽ cần phải hiểu thế nào cho đúng?

Trước tiên cần phải hiểu nhiệm vụ cao nhất của quân đội là trung thành và bảo vệ đối với Hiến pháp, và trong việc bảo vệ Hiến pháp thì việc phải bảo vệ tổ quốc và nhân dân là chuyện đương nhiên. Có một sự hiểu nhầm đáng tiếc từ lâu nay của không ít người, khi cho rằng trong một xã hội đa nguyên chính trị, thì các chính đảng sẽ có các đường lối chính trị khác nhau do đó quân đội không được trung thành với bất kỳ chính đảng nào. Từ đó họ suy ra quân đội phải phi chính trị. Đây là một cách suy nghĩ không đúng.

Nên hiểu, các chính đảng trong một thể chế chính trị tự do, đa nguyên chính trị dẫu có các xu hướng, đường lối chính trị khác nhau, nhưng tất cả các xu hướng, đường lối chính trị khác nhau ấy phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp quy định. Mỗi Hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng phải có một chế độ chính trị cụ thể của mình, do vậy quân đội không thể phi chính trị hóa. Đây cũng là lời giải thích để đập lại cái quan điểm cho rằng có đa đảng sẽ dẫn tới xáo trộn chính trị. Ví dụ trong một xã hội dân chủ đa nguyên, bỗng có một chính đảng cầm quyền đang nắm với một đa số ghế trong quốc hội nổi hứng thông qua quốc hội bổ sung điều 4 Hiến pháp. Tự cho họ cái quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội (độc đảng), như vậy là vi hiến. Trong trường hợp này, nếu Tòa án Hiến pháp không giải quyết được giải tán đảng cầm quyền theo luật pháp, thì lực lượng quân đội sẽ tiến hành đảo chính để thiết lập lại trật tự.

Ở Việt Nam, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, tại Điều 65 có ghi rõ "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước" là điều thừa và không cần thiết, vì đương nhiên nghĩa vụ của quân đội là phải trung thành với Hiến pháp quốc gia. Mà Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định rõ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Việc Quân đội có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ Hiến pháp cũng là điều được coi là bất di bất dịch. Nhưng với quy định của Hiến pháp hiện nay có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, trong trường hợp Đảng CSVN và chính quyền của họ bạc nhược và rắp tâm làm tay sai cho Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc quân đội NDVN cũng buông súng để bỏ mặc chủ quyền của tổ quốc.

Đảng chính trị chỉ là một tập hợp của những người có cùng xu hướng, cùng quan điểm chính trị song quan điểm của một nhóm người này không đại diện cho ý chí của toàn dân trong một quốc gia. Chính vì thế việc Hiến pháp Sửa đổi năm 2013, trong đó ghi rõ Quân đội phải trung thành với Đảng là điều bất hợp lý, cái đó hoàn toàn xuất phát từ sự trục lợi cố ý của Đảng CSVN - đảng cầm quyền đại diện cho một nhóm người trong thể chế chính trị độc đảng toàn trị.

Đó là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội tự do và dân chủ.
Ngày 25 tháng 6 năm 2014
Kami 
(Blog Kami)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét