Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Đảng cộng sản Việt Nam nên làm gì với “bốn không được” của Bắc Kinh? - Tại sao HQ, Singapore tránh được "lệ thuộc" TQ?

Đảng cộng sản Việt Nam nên làm gì với “bốn không được” của Bắc Kinh?

“...Không đơn giản mà lá cờ Trung Quốc xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội với 6 ngôi sao rạng ngời màu sắc trong dịp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đón tiến Tập Cận Bình. Đó là một phép thử để thăm dò phản ứng của nhân dân Việt Nam, hay thăm dò thái độ của từng “đồng chí” trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam? Sau phép thử công khai, có lẽ họ đã hài lòng về kết quả, giống như ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngồi xem lại camera thấy quan chức nào “khóc nhiều, khóc và khóc ít” trong lễ tang của Kim Yong Il để thẩm định những khuôn mặt trung thành...”

Ngày 18.6.2104, cựu Bộ trưởng Ngoại giao China, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiéchí), Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại và vấn đề Đài Loan, có chuyến công cán tại Việt Nam.

Trong khi còn chưa tiến hành hội đàm với phía Việt Nam, thì ở bên nước Tàu, vào tối 17.6, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của China, đã ra “mệnh lệnh” gửi tới Hà Nội về cái gọi là “bốn không được”, với giọng điệu rất trịch thượng, hống hách.

Với tiêu đề: “Việt Nam và “bốn không được”, kẻ biết thời thế mới là tuấn kiệt”(1), đăng trên Tân Hoa Xã, được báo điện tử vtc.vn lược dịch như sau:

“Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông); Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa); Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ”.

Sống bên cạnh một nước lớn có rất nhiều mưu mô xảo trá như China, tâm lý chung của người Việt là: Làm theo yêu cầu của China là đồng nghĩa với sự thua thiệt, thậm chí là tự sát. Rất tiếc, gần 85 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lại liên tục “làm theo” như vậy. Hậu quả là, đến thời điểm này, sau khi để Bắc Kinh thâu tóm quyền lực ở cấp cao nhất của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam gần như đã buông xuôi, phó thác vận mệnh dân tộc Việt cho Bắc Kinh.

Từ “bốn không được” nêu trên, thử đi tìm ẩn ý của Bắc Kinh trong “mệnh lệnh” gửi tới Hà Nội xem sao:

1. Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).

Ở nội dung này, Bắc Kinh tỏ rõ ý chí quyết tâm và khả năng dùng sức mạnh khi cần. Bắc Kinh đã đánh bài ngửa với Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là giọng nói của một đại ca (ông chủ) khuyên đám đàn em vốn chỉ quen vâng dạ, nghe lời. Nếu có đem ra thảo luận trong Bộ Chính trị nội dung này, mà không có vị nào thấy nhục nhã, thì chẳng còn gì để nói về tư cách cũng như tầm hiểu biết và văn hóa của các vị nữa.

Qua cách phản ứng và những đối sách của Việt Nam, kể từ hôm China đặt giàn khoan Hải Dương 981 đến nay, nhiều người cho rằng, đa số các ông bà trong Bộ Chính trị hiện nay như đã buông xuôi và không kiểm soát được tình hình. Việt Nam hiện nay đang trong một giai đoạn nguy hiểm, lực bất tòng tâm. Tựa như một giai đoạn lịch sử Nhà Trần, “ngó thấy sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình…”, khi Nguyên Mông đang ở thế mạnh chinh phục khắp Á – Âu.

Chỉ sợ lúc này nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam “chia năm xẻ bảy” mà thôi. Thực tế đang cho phép nghi ngờ, Bắc Kinh có tay trong nội ứng, mà mọi động thái của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đều đã bị Bắc Kinh nắm được.

Thực tế, Bắc Kinh cũng rất sợ một cuộc đụng độ Trung – Việt, mặc dù China có tiềm lực gấp vài chục lần Việt Nam. China không chỉ gây oán thù với Việt Nam, mà còn cả Nhật, Mỹ, Philippines. Một cuộc đụng độ với Việt Nam rất có thể sẽ đưa Bắc Kinh đến sa lầy, ngoài ý muốn.

2. Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).

Điều này chứng tỏ, Bắc Kinh rất sợ những tư liệu lịch sử của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Mặc dù “Công hàm Phạm Văn Đồng” có thể là cú đá phản lưới nhà tai hại; nhưng dù sao, vẫn còn có nhiều cách để biện giải trước các tòa án sau này.

Như vậy, về nội dung thứ hai này, Việt Nam nên tổ chức tuyên truyền không chỉ ở trong nước để Nhân Dân được biết về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa; đặc biệt rất cần tổ chức các hội thảo quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới.

3. Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải.

Một Việt Nam dân chủ, đa đảng theo thể chế Tam quyền phân lập đúng nghĩa, là điều mà Bắc Kinh lo sợ nhất hiện nay. Liên minh quân sự với Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực… đang trở thành một nhu cầu tất yếu, và chính sự hung hăng của Bắc Kinh đang đưa Việt Nam đến với Liên minh này.

Lịch sử như đang trao cho Việt Nam một cơ hội, theo đó, nếu Việt Nam đa đảng và được hưởng một nền dân chủ thực sự như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì nhân dân China sẽ nổi dậy, và rất có thể China sẽ tan rã thành nhiều nước như nhận định của nhiều người. Và như vậy, vẫn còn cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam, để phần nào sửa chữa sai lầm đối với Đất Nước. Hy vọng thời thế và vận nước sẽ đưa đến cơ hội cho các vị ở Bộ Chính trị hiện nay nắm được cơ hội lịch sử này.

4. Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ

Đây thực sự là một “mệnh lệnh” của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Nội dung cuối cùng này như là “xương sống” xuyên suốt tất cả các mối quan hệ khác, vậy chúng là gì?

Nội dung này cho thấy:

- “Hội nghị Thành Đô” (9.1990) do các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và có sự chứng kiến của ông Phạm Văn Đồng, ký kết với Bắc Kinh, chẳng biết là nó gồm những gì, nhưng có vẻ kinh hoàng đối với người Việt! Đồng ý với tác giả Hạ Đình Nguyên trong bài viết “Đã rách tấm da lừa hữu nghị!”, đăng trên Blog Bauxite Việt Nam, hôm 24.6.2014. Theo đó, tác giả Hạ Đình Nguyên, viết:

“Không đơn giản mà lá cờ Trung Quốc xuất hiện ở Thủ đô Hà Nội với 6 ngôi sao rạng ngời màu sắc trong dịp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đón tiến Tập Cận Bình. Đó là một phép thử để thăm dò phản ứng của nhân dân Việt Nam, hay thăm dò thái độ của từng “đồng chí” trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam? Sau phép thử công khai, có lẽ họ đã hài lòng về kết quả, giống như ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngồi xem lại camera thấy quan chức nào “khóc nhiều, khóc và khóc ít” trong lễ tang của Kim Yong Il để thẩm định những khuôn mặt trung thành”.

“Cờ 6 sao” – đâu chỉ là phép thử sự trung thành của Hà Nội đối với Bắc Kinh, mà rất có thể là sự thăm dò phản ứng của Nhân Dân Việt Nam cho một sự sát nhật lịch sử: Mãn-Mông-Hồi-Tạng-Việt xung quanh một “Đại Hán”?.

- Sau Đỗ Mười, tác giả của Hội nghị Thành Đô, là các đời Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, mỗi ông, đều gắn với những tai tiếng: Hiệp định Biên giới (mà Việt Nam bị mất khoảng 1.500 km2, trong đó có một nửa Thác Bản Giốc, các cao điểm chiến lược ở Thanh Thủy, Hà Giang…); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (nhượng cho China khoảng 11.000 km2 biển Vịnh Bắc Bộ), và đưa China vào khai thác bô xít tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, đưa kinh tế Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào China như hiện nay.

- Với ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù mới lên làm TBT được nửa nhiệm kỳ, nhưng hình ảnh ông để lại là rất nhạt nhòa, nhiều nội dung đi ngược lại lòng dân... Trong chuyến công du sang China sau khi được bầu là TBT, trong tuyên bố chung Việt Nam-China có đoạn: “Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình” (3).

Không thể nói khác hơn, đây chính là sự sao chép mô hình China tại Việt Nam, kể cả giúp nhau “giữ gìn ổn định trong nước của mình”?! (nếu như có sự bạo loạn, lật đổ… thì Bắc Kinh sẽ cho lực lượng sang “ổn định” chăng?).

Trong bài viết nêu trên, tác giả Hạ Đình Nguyên còn viết: “Người dân đang hoài nghi về phái “thân Trung Quốc”, trong Đảng, mà đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

- Chắc chắn rằng, “Công hàm Phạm Văn Đồng” chưa phải là cú sốc cuối cùng đối với người Việt. Mọi thứ như đang nằm ở văn kiện “Hội nghị Thành Đô”. Nhưng sẽ như mọi sự thật khác, không bao lâu nữa, người Việt sẽ được thấy nội dung của nó, mà không ai khác, Bắc Kinh, vì quyền lợi của China, họ sẽ công bố, như họ đã làm đối với “Công hàm Phạm Văn Đồng”.

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí China gọi Việt Nam (hay Đảng Cộng sản Việt Nam?), như là một “đứa con hoang đàng hãy trở về”, như báo chí đang gây xôn xao mấy ngày gần đây, sau chuyến thăm Việt Nam của Dương Khiết Trì.

Như vậy, bằng mệnh lệnh “bốn không được”, Bắc Kinh đã ra lệnh cho Hà Nội buộc phải thi hành theo yêu cầu của họ. Nếu không nắm trong tay tất cả những bí quyết mang tính sinh tử, thì chắc chắn Bắc Kinh không thể có giọng điệu ngỗ ngược kiểu quan thầy như vậy được.

Bắc Kinh đang dồn Hà Nội đến chân tường. Mà chỉ còn một cách duy nhất, đó là trở về với Nhân Dân thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể thoát hiểm, và phần nào bớt được tội lỗi đã gây ra đối với Đất Nước và Nhân Dân Việt Nam.

Hoàng Mai
Theo Bauxite Việt Nam

(1) http://vtc.vn/311-490509/quoc-te/tan-hoa-xa-lai-trang-tron-vu-khong-de-doa-viet-nam.htm
(2) https://boxitvn.blogspot.com/2014/06/a-rach-tam-da-lua-huu-nghi.html
(3) http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Viet-Nam--Trung-Quoc-ra-Tuyen-bo-chung/201110/100657.vgp

Lưỡng nan của người CSVN trong thế đối đầu với Trung Quốc

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, ngày 18/6/2014.

Nghe bài này
Căng thẳng với Trung quốc đã lấn sang cả ngôn ngữ ngoại giao khi mới đây ông Dương Khiết Trì nói rằng chuyến đi của ông sang Việt Nam là để kéo đưa con hoang đàng trở về. Những người cộng sản Việt nam ngày càng ở trong một thế lưỡng nan giữa bảo về quyền lợi dân tộc và quyền lực của chính mình dưới danh nghĩa cộng sản.

Sau chuyến làm việc tại Việt nam, người phụ trách ngoại giao của Trung quốc là ông Dương Khiết Trì phát biểu với báo chí nước ông rằng chuyến đi của ông như một cố gắng kéo “đứa con hoang đàng’ là Việt nam về với Trung quốc. Phát biểu này của ông Dương được truyền thông quốc tế loan đi khắp nơi, và được nhiều người Việt ghi nhận với sự giận dữ.

Lời phát biểu này như là một cuộc phản kích lại tinh thần chống Trung quốc trong cuộc khủng hỏang hiện tại. Tinh thần này là kết quả sau lịch sử hàng ngàn năm xung đột của người Việt với nước láng giềng phương Bắc.

Không thấy có lời đáp nào từ phía chính phủ Việt nam về lời phát biểu trịch thượng của nhà ngoại giao họ Dương.

Cái khó của những nhà cầm quyền cộng sản tại Việt nam khi phải lên tiếng trong những trường hợp như thế này chính là cái nhãn hiệu cộng sản của họ, có cùng nhãn hiệu với những người cầm quyền bên Trung quốc.




Sau chuyến làm việc tại Việt nam, người phụ trách ngoại giao của Trung quốc là ông Dương Khiết Trì phát biểu với báo chí nước ông rằng chuyến đi của ông như một cố gắng kéo “đứa con hoang đàng’ là Việt nam về với TQ.
Những người cộng sản có tinh thần dân tộc!

Giới quan sát bên ngoài thường có một nhận xét rằng trong thực tế là có những người trong đảng cộng sản Việt nam chống lại sự lấn lướt của Trung quốc trong quan hệ với Việt nam. Và có những sự việc cho thấy rằng không phải ý thức hệ có thể quyết định mọi ứng xử của những người cầm quyền hiện nay trong những chuyện có liên quan đến Trung quốc.

Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang. AFP
Tác giả Robert Kaplan, từ Hoa kỳ trích lời một quan chức ngoại giao cao cấp Việt nam cách đây vài năm là ông Nguyễn Tâm Chiến, ông Chiến nói rằng Việt nam không phải là một tỉnh của Trung quốc.

Một chuyện khác là việc Học viện Khổng tử, một cơ quan của chính phủ Trung quốc dùng để khuếch trương ảnh hưởng của họ trên thế giới chỉ đạt được thỏa thuận hồi năm ngoái, nhưng rồi không nghe nói gì tới nữa. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người nghiên cứu về văn học Hán Nôm và có nhiều hiểu biết về Trung quốc nói với chúng tôi khi thỏa thuận thành lập học viện Khổng tử ra đời:




Cái sức đề kháng của người Việt trước sự xâm lấn về tư tưởng, về văn hóa của người Tàu là một cái gì đó đã trở thành máu. Cho nên hễ nghe cái đó (học viện Khổng tử) thì có một phản xạ chống đối ngay lập tức. Vì vậy cái việc chậm chạp tiến hành một học viện Khổng tử như thế này nó cũng chứng tỏ là chắc có những người cũng có quyền lực và cũng rất tỉnh táo đã lên tiếng về vấn đề này

GS Nguyễn Huệ Chi
“Cái sức đề kháng của người Việt trước sự xâm lấn về tư tưởng, về văn hóa của người Tàu là một cái gì đó đã trở thành máu. Cho nên hễ nghe cái đó (học viện Khổng tử) thì có một phản xạ chống đối ngay lập tức. Vì vậy cái việc chậm chạp tiến hành một học viện Khổng tử như thế này nó cũng chứng tỏ là chắc có những người cũng có quyền lực và cũng rất tỉnh táo đã lên tiếng về vấn đề này. Mà đến bây giờ mà ký kết với nhau là thế chẳng đặng đừng.”

Những người có quyền lực ở đất nước này thì chắc chắn không ai khác là những người cộng sản.

Ông Robert Kaplan cũng dẫn lời ông Đặng Thành Tâm, có lúc là đại biểu quốc hội và là người đứng đầu một tập đoàn đầu tư lớn, ông Tâm nói rằng chủ nghĩa dân tộc Việt nam chỉ có một đối tượng, đó là Trung quốc.

Tinh thần dân tộc hay quyền lợi phe đảng?

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cúi chào tại buổi lễ chào đón khi ông đến thăm Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 2013
Tuy nhiên có nhà quan sát, như Tiến sĩ Vũ Tường, chuyên quan sát chính trị và lịch sử Việt nam hiện đại từ đại học Oregon, Hoa kỳ cho rằng sự phản kháng bằng lời nói của các quan chức cộng sản trong các vụ xung đột với Trung quốc có phần là một sự phân công. Không xa quan điểm này là lời chỉ trích các phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng đã có những lời nói rất mạnh mẽ trên các diễn đàn trong và ngoài nước về hành vi lấn lướt của Trung quốc. Nhưng nhiều người nói rằng ông nói thế thôi chứ không có hành động gì, rằng ông nói thế là để xoa dịu lòng dân, và đồng thời tấn công phe đối nghịch của ông trong bộ máy cầm quyền.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến trong nước nói rằng không phải các nhà lãnh đạo cộng sản không nhìn thấy vấn đề là gì, mà họ đang ứng xử như thế để giữ lấy quyền lực.

“Tôi nghĩ là ở cấp cao, những người có vai trò quyết định vận mệnh của đất nước thì họ không ngu tí nào, tất cả họ làm là chỉ vì quyền lợi của họ thôi.”Tiến sĩ Hà Sĩ Phu

Theo nhiều nhà nghiên cứu về Việt nam thì thực ra cái vỏ bọc ý thức hệ hiện nay cả ở Trung quốc lẫn Việt nam đều chỉ là cái vỏ bọc mà thôi.

Trong bối cảnh đó sự xung đột về quyền lợi dân tộc với Trung quốc càng làm cho những người cộng sản Việt nam khó xử. Một mặt để duy trì quyền lợi và sự lãnh đạo, họ cần sự ủng hộ của Trung quốc, một nhà nước không đem những vấn đề dân chủ nhân quyền ra để gây sức ép. Nhưng mặt khác nếu không bảo vệ quyền lợi dân tộc và giải tỏa chủ nghĩa dân tộc Việt nam thì họ cũng sẽ mất đi sự ủng hộ của dân chúng cho sự cầm quyền của mình.




Tôi nghĩ là ở cấp cao, những người có vai trò quyết định vận mệnh của đất nước thì họ không ngu tí nào, tất cả họ làm là chỉ vì quyền lợi của họ thôi

TS Hà Sĩ Phu
Trong cuộc khủng hoảng với Trung quốc hiện nay không những các nhà bất đồng chính kiến lên tiếng ủng hộ một liên minh với Hoa kỳ và phương tây để chống lại Trung quốc, cách đây vài năm ông Ngô Quang Xuân, một viên chức ngoại giao cao cấp cũng nói với tác giả Kaplan rằng sự hiện diện quân sự của Hoa kỳ trong vùng biển Đông là cần thiết để duy trì tự do hàng hải.

Trung quốc chưa bao giờ tán đồng sự hiện diện như thế.

Trong suốt lịch sử của mình, đảng cộng sản Việt nam đã sử dụng được chủ nghĩa dân tộc Việt nam trong các cuộc đấu tranh của họ để nắm lấy quyền lực, và như theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi mà chúng tôi đề cập ở trên thì trong số họ vẫn có những người cưỡng chống lại ảnh hưởng của Trung quốc. Song trước tình hình hiện nay, khi Trung quốc đã sử dụng đến những phương tiện bạo lực đồng thời với những lời lẽ trịch thượng trong ngoại giao thì những người cộng sản Việt nam lại gặp phải sự lưỡng nan trong việc duy trì quyền lực đồng thời phải thỏa mãn tinh thần dân tộc mà họ đã sử dụng trong quá khứ, như những nhận định của nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước.

Kính Hòa,
phóng viên RFA
Theo RFA

Phạm Chí Dũng - Giới đấu tranh dân chủ có thể bị đầu độc

Đã và đang xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm tính mạng đối với những người đấu tranh dân chủ và chống Trung Quốc. Gần đây, một số nhân chứng cho biết đã bị ngộ độc chỉ sau một ngày được “người lạ” mời nước uống. Hiện trường tình nghi bị đầu độc như thế có thể diễn ra ở sân bay, ở một số địa điểm giải trí và ẩm thực, thậm chí không loại trừ ngay tại đồn công an.
Tháng 5/2014, ngay sau cuộc biểu tình phản đối giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, hàng ngàn công nhân ở một nhà máy tại miền Bắc đã phải nhập viện do bị ngộ độc. Dấu hiệu đầu độc tập thể cũng có thể biến thành đầu độc cá nhân vào bất cứ khi nào cá nhân đó lơ đãng hoặc cả tin.
Khá thường là dưới danh nghĩa “người ái mộ”, một số kẻ xấu bụng có thể tìm cách tặng quà (thực phẩm, kẹo bánh, nước ngọt…) cho bạn và gia đình bạn. Cũng đã có hiện tượng “người lạ” tặng sữa cho con cái của bạn. Một trường hợp đặc biệt khác là bạn được tặng thuốc uống, và đó có thể là phương cách nhanh nhất và hữu hiệu nhất làm cho bạn bị vô hiệu hóa, nếu bản chất vụ việc là thật sự đen tối.
Tất nhiên, chúng ta không thể và không có quyền nghi ngờ lòng tốt của những người dành cho chúng ta mối thiện cảm chân thành. Tuy nhiên, chúng ta đang phải tồn tại và tranh đấu trong một thể chế chính trị khó lường, cùng các thủ đoạn độc địa vô cùng tận của Bắc Kinh nhằm triệt hạ giới bất đồng chính kiến ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Sau cái chết quá khó để minh bạch dư luận của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ vào đầu năm 2014; sau vụ bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai vào tháng 5/2014 mà dư luận thật sự nghi ngờ về bàn tay Trung Quốc có thể lũng đoạn một bộ phận quan chức nào đó trong chính quyền Việt Nam, không có gì là không thể xảy ra.
Riêng với giới đấu tranh dân chủ và bất đồng chính kiến không một tấc sắt trong tay, vũ khí phòng vệ của họ chỉ là tiếng nói trung thực trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Giờ đây và trong những năm tới, tai họa có thể ập xuống đầu họ bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì thế họ hãy cần phải cảnh giác không chỉ với hiện tượng côn đồ, mà với cả những dấu hiệu có vẻ vô hình như thói quen ăn uống ở những nơi công cộng, thói quen dùng thuốc tây y và đông y, thói quen nhận quà từ những người đã biết rõ và đương nhiên cả những người chưa biết rõ…
Thư cảnh báo này cũng bày tỏ mong mỏi nhận được sự cảm thông và tha thứ của những người quen và những người dân quan tâm đến sự an nguy của chúng tôi.
Ngày 25 tháng 6 năm 2014
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
(FB. Phạm Chí Dũng)

Căng thẳng ở Biển Đông thể hiện sự mong manh của chế độ Trung Quốc

Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014)
Tàu tuần dương Trung Quốc (màu trắng) cản mũi tàu cảnh sát biển Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam (ảnh chụp ngày 14/05/2014)
Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gây căng thẳng với hầu hết các láng giềng, từ Nhật Bản cho đến Việt Nam, Philippines. Trả lời nhật báo Công giáo La Croix ngày 16/06/2014, chuyên gia Pháp Valérie Niquet, đứng đầu bộ phận châu Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược FRS (Fondation pour la Recherche stratégique) nhận định : Chế độ Bắc Kinh - bị suy yếu từ bên trong - đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bá quyền trên biển để lấy lại tính chính đáng. Chiến lược này, theo bà, không phải là không có rủi ro.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn :

La Croix : Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông có chính đáng hay không ?

Valérie Niquet : Vấn đề chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc tại Biển Đông hay biển Hoa Đông đã được không chỉ các nước láng giềng của Bắc Kinh (Việt Nam, Philippines,Nhật Bản) mà cả cộng đồng quốc tế nêu lên bởi vì Trung Quốc chỉ đơn thuần giải thích các tuyên bố chủ quyền của họ bằng nguyên nhân lịch sử.

Lập luận của Trung Quốc là gì ? Là kể từ thời Hán - hơn hai thế kỷ trước Công nguyên - các thủy thủ Trung Quốc đã nhận biết khu vực này, và trên cơ sở đó Bắc Kinh đòi chủ quyền trên toàn bộ biển bao quanh Trung Quốc. Nếu như vậy, thì Hy Lạp cũng có thể đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Địa Trung Hải...

Vấn đề thứ hai là những tuyên bố chủ quyền khá mới mẻ đó lại không được Trung Quốc xác định rõ ràng như Philippines và Việt Nam đã yêu cầu. Ngày nay, Bắc Kinh dựa trên một đường chín đoạn đã được chính quyền Trung Hoa vẽ ra một cách thô thiển và nhanh chóng vào năm 1948, để đòi chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông.

Nhưng người ta không biết là Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo với các khu vực đặc quyền kinh tế và lãnh hải xung quanh hay là họ muốn toàn bộ Biển Đông mà không dựa vào một vùng lãnh thổ cụ thể nào.

La Croix : Các hành động của Trung Quốc - sự hiện diện của các tàu tuần duyên, việc cắm các giàn khoan dầu... - có thể gây nên hay không một cuộc chiến tranh cục bộ hay rộng lớn hơn, lôi kéo Nhật Bản và Hoa Kỳ nhập cuộc ?

Valérie Niquet :Kể từ cuối những năm 2000 và cuộc khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược trên Biển Đông và quyết định thử sức phản ứng và quyết tâm đáp trả của các nước láng giềng và Hoa Kỳ. Mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra một tình huống để phân tích quan hệ quyền lực trong khu vực chứ không phải là một cộng đồng quốc tế được tổ chức hài hòa.

Phải đối mặt với chiến lược thử sức đó, các nền dân chủ như Nhật Bản hay Hoa Kỳ không muốn Trung Quốc đi quá xa, nhưng cũng không sẵn sàng lao vào một cuộc xung đột trực diện Bắc Kinh. Nhưng nguy cơ sự cố đáng tiếc xảy ra không phải là không có : Từ đầu năm đến nay, tại Biển Hoa Đông, Nhật Bản đã cho phi cơ cất cánh hơn 400 lần do các sự cố với Trung Quốc.

Tại Biển Đông, tình hình khác hơn, và có thể xấu đi một cách nhanh chóng. Ở đó, Bắc Kinh đang phải đối mặt với các quốc gia kém dân chủ hơn, chẳng hạn như Việt Nam. Khi Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, chúng ta không nên quên là nhiều cuộc biểu tình bạo động nhắm vào các cơ sở của Trung Quốc hay Đài Loan đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam vào tháng trước.

Trung Quốc hiện nay như đang cho rằng họ ở một thế mạnh và có thể đẩy quân cờ của mình về phía trước. Ta hoàn toàn có thể lo ngại rằng đó là một tính toán sai lầm và cuối cùng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ Việt Nam, Nhật Bản hay Hoa Kỳ.

La Croix : Giới hạn mà Trung Quốc không được vượt quá là gì ?

Valérie Niquet : Tại vùng Biển Đông, rất khó mà xác định điều này. Trung Quốc từ lâu đã hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa. Và Hoa Kỳ, dù đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực với Philippines, Malaysia và Việt Nam, nhưng chưa sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh để bảo vệ hai hoặc ba hòn đảo do Manila và Hà Nội tuyên bố chủ quyền.

Một trong những lằn ranh mà Mỹ đã đề cập đến trong vấn đề Biển Đông là việc Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không như họ đã làm tại vùng Biển Hoa Đông.

Ngược lại, ở trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh sẽ vượt quá giới hạn nếu dùng võ lực chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Điều đó sẽ dẫn đến một phản ứng từ phía Hoa Kỳ. Chỉ mới gần đây thôi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn tuyên bố rằng quần đảo đó được che chở bằng thỏa thuận quân sự giữa Washington với Tokyo.

La Croix : Những mối căng thẳng đó liệu có cơ may giảm bớt hay không ?

Valérie Niquet :Tình hình chỉ có thể thay đổi với sự chuyển biến của chính quyền Trung Quốc. Thật vậy, chế độ Bắc Kinh dù mở cửa về kinh tế, nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ về chính trị. Và ngày nay nó xây dựng tính chính đáng trên nền tảng chủ nghĩa đân tộc, điều được gọi là thực hiện giấc mơ về một nước Trung Quốc được phục hưng.

Những tham vọng về một nước lớn đó dùng để bảo vệ tính chính đáng của Đảng Cộng sản giải thích tại sao Trung Quốc rất hung hăng với các láng giềng sát cạnh mình, để cố gắng áp đặt mình vào vị trí một cường quốc không thể tranh cãi và lãnh đạo châu Á.

Các vấn đề tài nguyên, lãnh thổ, năng lượng và thủy sản chỉ là cái cớ. Chúng ta đang phải đối mặt với một cường quốc bị suy yếu từ bên trong và dựa trên chủ nghĩa dân tộc và tham vọng bành trướng để tìm lại tính chính đáng của mình.
(RFI) 

Ông Lý Hiển Long cảnh báo Trung Quốc “sụp đổ”

(NLĐO) - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định các vấn đề tranh chấp trên biển Đông cần phải được giải quyết bằng luật quốc tế, thay vì quan điểm “vũ lực là quyền lực” như của Trung Quốc.

Đó là câu trả lời của ông Lý Hiển Long trước câu hỏi của báo giới hôm 24-6 về việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông khiến các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á không khỏi bất bình. Tuyên bố nói trên của Thủ tướng Singapore được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế lên án vì những hành động hung hăng trên biển Đông sau khi ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương–981 trong vùng biển Việt Nam.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam tại khu vực bờ biển Việt Nam. Ảnh: AP
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam tại khu vực bờ biển Việt Nam. Ảnh: AP


Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh Singapore không liên quan tới vấn đề biển Đông nhưng luôn nhất quán ủng hộ hỗ lực của các quốc gia ASEAN nhằm đàm phán với Trung Quốc để đưa ra bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và giảm thiểu căng thẳng khu vực.

Thủ tướng Singapore cũng tỏ ra không đồng tình với khẳng định từ Bắc Kinh cho rằng có cơ sở lịch sử cho những tuyên bố của mình và những cơ sở đó có trước cả luật quốc tế.

“Tôi không phải luật sư nên tôi không bàn luận về tuyên bố gây tranh cãi đó. Nhưng từ quan điểm của một quốc gia tồn tại trong hệ thống quốc tế - nơi có những nước lớn và cả nước nhỏ, tôi cho rằng không thể dùng vũ lực để đòi quyền lợi. Cần phải giải quyết các tranh chấp bằng luật quốc tế” –Ông Lý nói trong chuyến thăm tới Washington.

Thủ tướng Singapore cũng cảnh báo Trung Quốc về bài học của các nước lớn từng theo đuổi con đường đi lên bằng vũ lực và hậu quả là sự sụp đổ. “Trung Quốc không nên đi theo vết xe đổ đó” - ông Lý nhấn mạnh.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 24-6 tuyên bố Manila đã nối lại kế hoạch kêu gọi tổ chức một cuộc họp giữa 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ở biển Đông, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, để tiến tới một lập trường chung về cách thức đối phó với một Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo này.
Thu Hằng (Theo Philstar)

Tại sao HQ, Singapore tránh được "lệ thuộc" TQ?

Biến cố lịch sử Trung Quốc đe dọa biển đảo Việt Nam đã thúc đẩy chúng ta nhìn lại sự phụ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Cùng là châu Á, cùng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa TQ như chúng ta nhưng tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay thậm chí là Đài Loan đã tránh được?
Khi mối quan hệ giữa hai láng giềng Việt Nam - Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế lại được đặt ra. Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của PGS. Ts Nguyễn Hoàng Ánh, Trường Đại học Ngoại thương.
Làm sao tránh khỏi ... Lọa?
Nhưng mặc dù chê bai hàng Trung Quốc, mà giờ đây dân gian gọi là hàng Tàu nhưng thực tế rất ít ai tránh được nó vì đã tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm trong đời sống của người Việt.
Như trong truyện ngắn "Trời hỡi làm sao cho khỏi... Lọa???" của Nguyễn Ngọc Tư, chú Tư cấm vợ con dùng hàng Tàu nên không được mở TV (vì hễ mở là có phim Tàu), không dùng điện thoại, không ăn hoa quả, thay hết quần áo, đập chén dĩa, phích nước, đồ điện tử trong nhà.... 
Vợ con chịu hết xiết, một ngày thằng con đi học về bảo chú đồ VN chú bắt mua dùng linh kiện cũng của Tàu, tên mình cũng có gốc Tàu luôn. Muốn đi đổi tên phải làm đơn mà "mấy cái đơn xin không biết viết sao cho nó Việt hết cỡ, thí dụ "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" thì mình viết là "một mình sung sướng thoải mái" được không?" Chú Tư ngã vật ra chết giấc. Cũng may nhà còn sót lại chai dầu cù là nhập bên.. Tàu mới đánh gió lay tỉnh chú được.

hàng hóa Trung Quốc, giao thương, láng giềng
Đất nước Singapore  
 
Truyện ngắn rất thực tế mà cũng rất hài hước ấy cho thấy, tẩy chay hàng hóa của Tàu nói riêng và của các quốc gia khác nói chung trong thời buổi toàn cầu hóa này là bất khả. Trong những dịp đi công tác ở châu Âu, Mỹ... tôi thấy họ dùng hàng TQ rất phổ biến và hàng Made in China cũng có rất nhiều loại, từ cao cấp đến bình dân.

Mặc dù hàng TQ mang tiếng xấu nhưng do sức hút của giá cả, mẫu mã nên vẫn bán khá chạy. Một học giả nước ngoài đã viết: "Bạn khó có thể từ chối dùng hàng Trung Quốc vì quyết định ấy sẽ làm đời sống của bạn sẽ tốn kém hơn nhiều".

Nhưng khó có nước nào mà việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc lại "đậm đặc" như Việt Nam, từ hàng tiêu dùng đến những thiết bị viễn thông cao cấp, các công trình thầu EPC... Vì vậy, việc tẩy chay hàng TQ ở VN có vẻ không khả thi, chưa kể nó còn đi ngược nguyên tắc Tự do hóa thương mại của WTO. Và ta cũng phải nghĩ ngược lại, sẽ ra sao nếu Trung Quốc cũng từ chối dùng hàng Việt nam? Quyết định như vậy không chỉ gây tổn hại đến bang giao giữa hai dân tộc mà còn gây thiệt hại cho kinh tế của hai nước.

Vì vậy, thay vì chê bai hàng Trung Quốc sao chúng ta không nghĩ đến việc học hỏi Trung Quốc để làm tốt hơn họ? Ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng Giám đốc FPT đã viết trong lá thư gửi con nhân ngày sinh nhật Bác là "ba muốn nói với các con rằng, đừng phê phán kỳ thị, hãy sang Trung quốc để chiêm ngưỡng những thành tựu của họ, tìm lấy 1 sản phẩm, 1 vấn đề mình quan tâm và tự đặt câu hỏi: tại sao họ  làm được mà ta lại không làm được? Hàng ngàn, hàng vạn người đặt câu hỏi, sẽ có người tìm được câu trả lời".

Và thực tế là năm 2007 FPT đã thành công trong việc huấn luyên một nhóm lập trình viên, trong đó có cả những người chưa tốt nghiệp ĐH, chỉ trong vòng 6 tháng đạt được năng suất lao động cao hơn các công ty Trung Quốc đã có kinh nghiệm nhiều năm để thắng thầu cung cấp phần mềm cho công ty Nhật Bản. Như một giám đốc người Nhật đã nói "người Việt Nam giỏi lắm, thông minh lắm, kiên cường lắm vì người Nhật đã thua người Mỹ, còn người Việt Nam thì lại thắng nước Mỹ, làm cả nước Nhật thấy sỉ nhục. Nhưng 20 năm qua đi, Nhật Bạn có Toyota, có Honda, có Mitsubishi, Việt Nam có gì? Người Hàn Quốc chịu sỉ nhục trước người Nhật, họ có Hyundai, có Samsung, có LG, Việt Nam có gì?"

Biến cố lịch sử Trung Quốc đe dọa biển đảo Việt Nam đã thúc đẩy chúng ta nhìn lại sự lệ thuộc của thị trường Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Cùng là châu Á, cùng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa TQ như chúng ta như sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay thậm chí là Đài Loan đã tránh được sự lệ thuộc kinh tế vào nước khác?

Vì sao một hòn đảo nhỏ như Đài Loan, địa vị chính trị còn khó khăn hơn chúng ta nhiều lại có thể thoát được sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc mà chúng ta thì chưa? Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mình để mở rộng bang giao, đa phương hóa hơn nữa quan hệ kinh tế và nâng cao khả năng tự cường đề chúng ta khỏi chết ngất khi muốn bài trừ hàng nước Lọa như chú Tư trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.
Nguyễn Hoàng Ánh
  (VNN)

Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương trong 2 năm ngồi tù

(Dân trí) - Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT xác nhận, từ khi bị khởi tố (tháng 5/2012), bắt giam (tháng 9/2012) đến khi bị TAND TC kết án tử hình, cựu Chủ tịch Vinalines, cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn được trả lương, chí ít là trên 5 triệu đồng/tháng.
Trao đổi về việc nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng chỉ vừa nhận quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc từ Bộ GTVT cách đây ít ngày vì vi phạm pháp luật tại TCty Hàng hải (Vinalines) sau khi nhận án tử hình “chung cuộc”, Bộ trưởng Đinh La Thăng không giấu thái độ không hài lòng với việc xử lý quá… thận trọng của Bộ.
Dùng từ “vô duyên” để nói về việc quyết định buộc thôi việc đến thời điểm này mới được chính thức đưa ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giải thích, Bộ GTVT đã vận dụng đúng nguyên tắc quy định của pháp luật “một người chưa bị coi là có tội khi toà chưa tuyên án, bản án chưa có hiệu lực pháp luật”. Tuy nhiên, ông Thăng cũng đánh giá, cách hiểu như vậy “hơi máy móc” vì không cần chờ kết quả xử lý hình sự vẫn có thể xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ vi phạm.
“Quyết định thành ra vô duyên vì giờ mới thi hành kỷ luật buộc thôi việc với một người đã thành án tử hình thì rất hình thức” – thẳng thắn nhận xét, Bộ trưởng GTVT diễn giải thêm, ông bất bình khi cấp dưới trình ký quyết định buộc thôi việc với cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng vì thấy chuyện… quá vô lý.
Dương Chí Dũng trước giờ nhận án tử hình chung cuộc tại phiên toà phúc thẩm.
Dương Chí Dũng trước giờ nhận án tử hình "chung cuộc" tại phiên toà phúc thẩm.
Câu hỏi về vấn đề chế độ đối với Dương Chí Dũng trước khi có quyết định buộc thôi việc được chuyển đến Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GTVT. Người đại diện của Vụ Tổ chức cán bộ xác nhận, việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì từ thời điểm Dương Chí Dũng bị bắt (ngày 5/9/2012) cho tới khi có bản án kết tội bị cáo có hiệu lực pháp luật (ngày 7/5/2014). Dù quyết định buộc thôi việc xác định thời điểm có hiệu lực thi hành là từ 10/6 nhưng thời điểm TAND tối cao tuyên án phúc thẩm là coi như có đủ căn cứ khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của Dương Chí Dũng.
Việc trả lương cho cựu Cục trưởng Cục Hàng hải vẫn duy trì trong 2 năm trước đó được giải thích là căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 34 năm 2011 quy định, trong thời gian tạm giữ tạm giam để thực hiện công tác điều tra truy tố xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xét kỷ luật thì cán bộ được hưởng 50% lương theo ngạch, bậc cộng với phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có).
Như vậy, tính toán sơ bộ, ít nhất mỗi tháng Dương Chí Dũng vẫn nhận được trên 5 triệu đồng tiền lương, trong suốt hơn 2 năm qua.
Ngoài ra, sau khi bị buộc thôi việc, chế độ bảo hiểm của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải cũng vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.
Trao đổi thêm về việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ - xác nhận, pháp luật hiện hành không có quy định rõ ràng về thời điểm xử lý kỷ luật, buộc thôi việc đối với cán bộ khi vi phạm pháp luật. Vì vậy, thường khi có bản án của tòa đã có hiệu lực của toà án, cơ quan quản lý cán bộ “dính chàm” mới thực hiện quyết định buộc thôi việc cho… chắc chắn.
Thực tế, đã có nhiều cơ quan vướng vào việc có cán bộ bị khởi tố, bắt bắt, điều tra, truy tố nhưng khi ra tòa xử lại không kết luận được tội, phải mất công khôi phục quyền lợi cho cán bộ sau đó nên để “chắc ăn”, đến nay, các cơ quan thường chờ khi có bản án cuối cùng của tòa mới thực hiện quyết định xử lý kỷ luật. (Ngay tại Bộ GTVT, trường hợp của cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến trong vụ án PMU18 trước đây cũng đã xảy ra những vướng mắc tương tự - PV).
Tuy nhiên, với trường hợp của Dương Chí Dũng, ông Nguyễn Sỹ Cương cho là có thể tiến hành xử lý hành chính sớm hơn vì cựu Cục trưởng Cục Hàng hải đã trải qua cả quá trình từ lúc chạy trốn rồi bị bắt, bị điều tra… Theo đó, ngay sau khi có quyết định truy tố, ông Cương cho rằng thời điểm đó đã có thể thực hiện quyết định xử lý kỷ luật về hành chính.
“Đáng ra xử lý như thế sẽ hay hơn là chờ đến giờ, bị cáo bị bắt, đi tù đến 2 năm nay rồi, tòa tuyên tử hình đến lần thứ 2 rồi mới ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc” – ông Cương phân tích, vì việc xử lý chậm này nên việc trả lương cho Dương Chí Dũng trong khoảng thời gian trước khi có quyết định buộc thôi việc vẫn phải thực hiện như quy định.
P.Thảo
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét