Việt Nam, nghèo nhưng thích xài sang
Người Việt - Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị Thường niên lần thứ 44 Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) họp ở Hà Nội hôm 5 tháng 5 thừa nhận, “Việt Nam đã bước vào ngưỡng của của các quốc gia có thu nhập trung bình nhưng vẫn còn nghèo.”
Ông Dũng cũng kêu gọi quốc tế, trong đó có ADB, tiếp tục tài trợ cho Việt Nam.
VNExpress trích lời ông Dũng nói, “Tuy đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.”
Theo báo này, “Tính đến tháng 3 năm 2011, ADB đã cam kết cung cấp cho Việt Nam gần 10 tỷ đô la cho Việt Nam, với hơn 100 chương trình và dự án, tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn, năng lượng và giáo dục.”
Tuy thừa nhận là nước nghèo, nhưng Việt Nam lại thích xài sang. Bằng chứng là tỷ lệ nhập cảng hàng hóa của Việt Nam luôn cao hơn so với xuất cảng, đặc biệt là nhập cảng các mặt hàng xa xỉ phẩm.
Số liệu chính thức của Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy, kim ngạch nhập cảng cả nước tính chung 4 tháng đầu năm ở mức 31 tỷ 830 triệu đô la, trong khi xuất cảng chỉ được 26.73 tỉ đô la, tức nhập siêu 4.9 tỷ đô la, chiếm 18.8% kim ngạch xuất cảng, cao hơn mức chỉ tiêu 16% mà chính phủ Việt Nam đề ra.
Ðặc biệt, nhóm hàng xe hơi và xe máy tăng tới 71.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng lượng xe hơi nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập cảng về Việt Nam lên tới 14,330 chiếc với tổng trị giá 185 triệu đô la.
Việt Nam cũng nhập cảng tới 28,775 xe gắn máy nguyên chiếc với tổng giá trị 41 triệu đô la.
Các loại hàng hóa xa xỉ điện thoại di động đắt tiền, mỹ phẩm, rượu ngoại... cũng chiếm tỷ lệ rất lớn...
Bộ Trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng được báo Tiền Phong trích lời nói rằng, “Ðặc biệt cần có biện pháp cụ thể đối với 5 nhóm hàng hóa tuy tỷ trọng không lớn nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người tiêu dùng như ô tô, điện thoại di động đắt tiền, mỹ phẩm, rượu ngoại...”
Ông Hoàng nói thêm, “Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khống chế nhập khẩu các mặt hàng này bằng các biện pháp cụ thể chứ không nói chung chung. Nếu cần thì có thể áp dụng cả biện pháp hành chính. Kiên quyết không để nhập siêu vượt mức 16% vì ảnh hưởng nhiều tới cân đối kinh tế vĩ mô.”
Báo Diễn Ðàn Kinh Tế Việt Nam bình luận rằng nhập siêu là căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam.
Tờ báo viết, “Câu chuyện muôn thuở và dễ nhìn thấy là xuất khẩu dệt may nhưng nhập khẩu nguyên liệu lớn, xuất khẩu thô và nhập xăng dầu, bán nông sản thô nhập khẩu về hàng chế biến và đồ tiêu dùng xa xỉ... Trong khi đó, một trong những định hướng lớn nhất để giảm nhập khẩu nguyên nhiên liệu và máy móc - phần lớn nhất của nhập khẩu là phát triển công nghiệp phụ trợ xem ra vẫn còn chậm chạp. Bên cạnh đó, việc gia tăng giá trị từ những mặt hàng thế mạnh như gạo, cà phê, hạt điều, cao su... vẫn còn ì ạch. Và như thế thì dù có tăng xuất bao nhiêu cũng khó mà bù nhập khẩu.” (KN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét